Tin khắp nơi – 10/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 10/08/2018

Ông Trump ‘phàn nàn về Trung Quốc’

với các doanh nghiệp Mỹ

Trong một bữa tối riêng tư hôm 8/8, Tổng thống Hoa Kỳ đã thể hiện rõ quan điểm của cá nhân ông về Trung Quốc cũng như về lãnh đạo của cường quốc cộng sản Tập Cận Bình, theo tờ Politico.

Trên bàn tiệc với các lãnh đạo của các tập đoàn lớn và các nhân viên Nhà Trắng, ông Trump nói sáng kiến Một Vành đai Một Con đường có khả năng làm “gián đoạn nền thương mại trên toàn thế giới.”

Ông nói kế hoạch kinh tế của Trung Quốc “xúc phạm” và ông không thích nó, theo như lời kể của một nhân chứng trong phòng.

Ông Trump còn nói ông cũng đã “nói thẳng vào mặt ông Tập như vậy.”

BBC bị chặn ở Trung Quốc

TQ áp thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa để trả đũa Mỹ

Bữa tiệc tối bao gồm hơn 10 CEO và các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng và có mục đích là để “Tổng thống tìm hiểu về tình hình kinh tế… và lắng nghe nguyện vọng và mong muốn của các doanh nghiệp cho năm sắp tới.”

Nhưng theo nguồn tin của Politico, ông Trump dành phần lớn thời gian của bữa tối để “phàn nàn về Trung Quốc.”

Ông Trump “bực bội” nói rằng Trung Quốc đã đáp trả với các mức thuế nhập khẩu mới.

Hôm 8/8, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu áp thuế nhập khẩu ở mức 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu rằng việc Mỹ ưu tiên luật nội địa trên luật quốc tế “hết lần này tới lần khác” là “hoàn toàn vô lý”, và Trung Quốc “buộc phải” có những biện pháp đáp trả cần thiết.

Trong khi trước đó hồi tháng Tư, ông Trump đăng trên Twitter rằng “Ông Tập và tôi sẽ luôn là bạn, dù cho chuyện gì có xảy ra với mâu thuẫn về thương mại,” và ông nói ông thấy “một tương lai tuyệt vời cho cả hai nước”.

Trong bữa tối hôm thứ Tư, ông Trump còn nói với các khách mời rằng, “hầu hết tất cả du học sinh từ đất nước đó đều là gián điệp,” ám chỉ Trung Quốc, theo như Politico.

15 CEOs có mặt bao gồm CEO của Pepsi, Fiat Chrysler, Boeing, và Johnson & Johnson cùng một số tập đoàn khác.

Nhà Trắng đã từ chối trả lời Politico về các phát ngôn của ông Trump tối hôm đó.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45108044

 

Nhà Trắng: lực lượng vũ trụ

sẽ được thành lập vào năm 2020

Trước sự cạnh tranh và các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc, Nhà Trắng hôm 9/8 tuyên bố sẽ thành lập Lực lượng Vũ trụ Mỹ trong tư cách là quân chủng thứ sáu, tách biệt với các quân chủng khác, vào năm 2020.

Phát biểu nói tại một sự kiện ở Lầu Năm Góc, tức Bộ Quốc phòng Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng kế hoạch này là nhằm thực hiện lời cam kết của Tổng thống Donald Trump nhằm đảm bảo vị trí thống lĩnh của Mỹ trong vũ trụ – một lĩnh vực vốn vẫn an bình trước đây, không hề có tranh giành tranh chấp, nay trở thành một chốn xô bồ đầy xung đột.

Phó Tổng thống Mike Pence nói: “Bây giờ là lúc nên viết một chương mới trong lịch sử các lực lượng vũ trang của chúng ta, để chuẩn bị cho chiến trường tiếp theo nơi những người Mỹ ưu tú và dũng cảm nhất sẽ được trông cậy để thi hành nhiệm vụ nhằm ngăn cản và đánh bại những mối đe dọa thế hệ mới nhắm vào nhân dân và đất nước chúng ta.”

Ông Pence nói: “Giờ đã đến lúc để thành lập Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ.”

Sau khi ông Pence tuyên bố kế hoạch, Tổng thống Trump phụ họa trên Twitter: “Lực lượng Vũ trụ, tới luôn!”

Mỹ muốn lập lực lượng không gian

Ông Trump kêu gọi thành lập một lực lượng vũ trụ “tách biệt nhưng ngang hàng”, một kế hoạch đầy phức tạp và tốn kém cần được quốc hội thông qua. Hôm 9/8, ông Pence nói chính phủ đương nhiệm sẽ làm việc với Quốc hội về kế hoạch này và sẽ công bố một dự thảo ngân sách vào năm sau.

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis ủng hộ các bước nhằm tái cơ cấu các lực lượng chiến đấu vũ trụ của quân đội và thiết lập một bộ chỉ huy mới, mặc dù trước đây ông phản đối việc thiết lập thêm một lực lượng mới đầy tốn kém. Một quân chủng mới cần được sự hỗ trợ của nhiều tầng lớp trong bộ máy hành chánh, một dàn lãnh đạo quân sự và dân sự, quân phục, trang thiết bị và cả một hệ thống hậu cần.

Đề nghị của Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội hôm 9/8 đề ra các kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm củng cố các lực lượng tác chiến trên vũ trụ, đồng thời thay đổi cơ cấu tổ chức để tăng cường và phát triển các công nghệ hiện đại.

Vai trò của Lầu Năm Góc trong vũ trụ đã bị săm soi vì nhận thức rằng Mỹ ngày càng dựa vào các vệ tinh khó có thể được bảo vệ trong không gian. Các vệ tinh cung cấp việc liên lạc, theo dõi, tình báo và các dịch vụ khác có vai trò quan trọng đối với quân đội và nền kinh tế.

Trước đây trong năm, các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Nga và Trung Quốc đang theo đuổi các loại vũ khí chống vệ tinh “không hủy diệt và hủy diệt” cho việc sử dụng trong một cuộc chiến tranh trong tương lai. Và ngày càng có nhiều những mối lo về các cuộc tấn công không gian mạng mà có thể nhắm tới công nghệ vệ tinh, có khả năng làm cho các lực lượng quân đội chiến đấu mà không có liên lạc điện tử hay khả năng theo dõi.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-trang-noi-luc-luong-vu-tru-se-duoc-thanh-lap-vao-nam-2020/4521830.html

 

Bố mẹ vợ Trump thành công dân Mỹ

nhờ ”nhập cư dây chuyền”

Bố mẹ vợ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành công dân Hoa Kỳ trong một buổi lễ riêng.

Viktor và Amalija Knavs, bố mẹ của Melania Trump là người Slovenia, tuyên thệ làm công dân Mỹ ở New York hôm 9/8, luật sư của họ xác nhận.

Luật sư cho biết ông bà Knavs đã sống ở Mỹ với thẻ xanh do bà Trump bảo trợ.

Bà Trump nói về chia tách gia đình nhập cư

Melania Trump mặc áo ‘Tôi không quan tâm’ đi thăm trẻ nhập cư

Mỹ: 1.800 trẻ nhập cư đoàn tụ với cha mẹ

Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca

Trong quá khứ, Tổng thống Trump từng phàn nàn về việc nhập cư “dây chuyền” theo diện gia đình.

Ông lập luận nên Mỹ ưu tiên cho nhập cư đối với những người có tay nghề hơn là diện người thân, và chỉ trích luật nhập cư cũng như người nhập cư.

Melania Trump trở thành công dân Hoa Kỳ năm 2006, sau khi vào Mỹ theo visa Einstein dành cho người “có khả năng phi thường” vào năm 2001 khi bà còn làm người mẫu.

Theo luật nhập cư Hoa Kỳ, bố mẹ Melania cần có thẻ xanh trong ít nhất 5 năm trước khi họ có thể xin nhập quốc tịch.

Dân nhập cư Mỹ bị giam ‘không được đóng tiền thế chân’

Tiếng khóc trẻ thơ ở biên giới Mỹ

Melania Trump phải giải phẫu thận

Ăn mừng Đệ nhất phu nhân Mỹ ở Slovenia

Theo website Dịch vụ Công dân và Di trú Hoa Kỳ, việc xử lý một đơn xin nhập tịch bình thường ở New York mất từ ​​11 đến 21 tháng tùy thuộc vào nhiều yêu cầu về lý lich tư pháp cũng như yêu cầu về cư trú.

Luật sư của bố mẹ Melania, Michael Wildes – người dự buổi lễ nhập tịch – nói với phóng viên rằng họ đã đáp ứng được điều kiện 5 năm nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết, theo tờ New York Times.

Viktor Knavs là nhân viên bán xe hơi tại thị trấn Sevnica, Slovenia, trong khi vợ ông, Amalija làm tại một nhà máy dệt. Cả hai đều ở độ tuổi 70.

Vị con rể của họ thường xuyên công kích luật nhập cư Hoa Kỳ và có khi còn gọi đây là “luật nhập cư ngu ngốc nhất thế giới”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45108268

 

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ

bị đe dọa quy tội coi thường tòa án

Một thẩm phán liên bang Mỹ hôm 9/8 giận dữ đe dọa quy tội Bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions coi thường tòa án sau khi biết tin tại phiên xử hai di dân xin tị nạn rằng hai mẹ con xin tị nạn này đã đang trên máy bay bị trục xuất về El Salvador.

Thẩm phán Tòa án liên bang khu vực Quận Colombia, Emmet Sullivan, gọi hành động của chính phủ là “quá đáng”. Ông nói rằng chính phủ dường như đã “vô cảm” đối với người phụ nữ và đứa con gái của bà ta khi họ đang tranh đấu để khỏi bị trục xuất.

Thẩm phán Sullivan ra lệnh cho chính phủ “quay chiếc máy bay đó trở ngược về”, và liên tục lặp lại rằng ông “cực kỳ phẫn nộ” với chuyện này.

“Tôi không hài lòng về điều này chút nào”, Thẩm phán Sullivan nói. “Không thể chấp nhận được”.

Người phụ nữ, trong hồ sơ của tòa tên là “Carmen”, là nguyên đơn trong đơn do Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) nộp lên tòa trong tuần này chống lại quyết định gần đây của Bộ trưởng Sessions ngừng cấp quy chế tị nạn cho những người bị bạo lực gia đình và băng đảng ở nước họ.

ACLU và chính phủ đã thỏa thuận rằng không ai trong số những người liên quan đến vụ kiện sẽ bị trục xuất trước cuối ngày thứ Năm.

Jennifer Chang Newell, luật sư đứng đầu ACLU, biết được tại phiên xử rằng mẹ con bà Carmen đã bị trục xuất từ trung tâm giam giữ ở Texas và đã thông báo cho tòa.

Một giới chức Bộ Nội An cuối ngày thứ Năm cho hay hai mẹ con bà đã được “nhanh chóng trả về” Texas từ El Salvador.

Người phụ nữ này đã chạy trốn sang Hoa Kỳ để thoát khỏi ông chồng bạo lực tình dục và các băng đảng đe dọa giết bà tại quê nhà.

Sau phiên điều trần, Thẩm phán Sullivan đã ra lệnh khẩn cấp ngăn chặn việc trục xuất bất kỳ người nhập cư nào trong lúc ông cân nhắc xem liệu ông có quyền hạn lớn hơn trong vụ kiện hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-tu-phap-my-bi-de-doa-quy-toi-coi-thuong-toa-an/4522988.html

 

Xin tị nạn Mỹ bằng cách nào?

Điều kiện

Để được cho phép tị nạn, ứng viên phải hội đủ 3 điều kiện đề ra bởi Công ước Liên hiệp quốc về Người tị nạn 1951 mà Mỹ áp dụng.

Ứng viên phải chứng minh:

1) Có nỗi lo sợ hợp lý về sự đàn áp ở quê nhà. ‘Nỗi lo sợ hợp lý’ được định nghĩa bởi Liên hiệp quốc với tỷ lệ bị đàn áp ít nhất là 10%.

2) Lo sợ bị đàn áp vì 1 trong 5 phạm trù: sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị, hay thuộc một tầng lớp xã hội đặc biệt nào đó.

3) Phải chứng minh là chính phủ quê nhà hoặc không kiểm soát được tình trạng đàn áp hoặc nhúng tay vào việc đàn áp.

Lý do bị từ chối đơn xin tị nạn

Chính phủ Mỹ có thể từ chối đơn xin tị nạn với lý do quý vị không hội đủ một trong những điểm vừa kể hoặc do điều kiện tại đất nước quý vị đã thay đổi đáng kể từ khi quý vị nộp đơn, hay viện dẫn lý do là quý vị có thể sinh sống an toàn tại một nơi nào khác trên đất nước của quý vị.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions gần đây chỉ đạo rằng phạm trù thứ 5 (tị nạn vì thuộc tầng lớp xã hội đặc biệt nào đó) không được phép bao gồm các nạn nhân bị bạo hành gia đình. Sau đó, cơ quan di trú Mỹ mở rộng phán quyết của ông Sessions đối với cả các nạn nhân bị bạo lực băng đảng.

‘Đàn áp’ không được định nghĩa trong luật tị nạn Mỹ nhưng thường được xem là bị mất tự do, bị tước đoạt cuộc sống, bị tra tấn hành hạ hay bị xâm hại cơ thể nghiêm trọng, bị bắt giam kéo dài, hay thường bị đe dọa xâm hại hay giết chóc từ một mối đe dọa có thật.

Người xin tị nạn phải chứng minh rằng sự đàn áp đó xuất phát từ việc họ là thành viên của một trong năm phạm trù kể trên, và rằng sự đàn áp hay đe dọa đến từ chính phủ hay từ các lực lượng mà chính phủ không thể kiểm soát.

Những yếu tố nào khiến đơn xin tị nạn bị vô hiệu?

Các yếu tố khiến đơn xin tị nạn bị vô hiệu bao gồm: ứng viên sau hơn 1 năm vào Mỹ mới làm đơn xin tị nạn; ứng viên từng dính líu tới việc đàn áp các nhóm người khác; ứng viên từng phạm tội hoặc là một mối đe dọa đối với an ninh Mỹ.

Thời gian xét duyệt đơn tị nạn mất bao lâu?

Đầu năm nay có hơn 300 ngàn đơn xin tị nạn bị tồn đọng tại Mỹ.

Reuters tường trình hồi tháng Giêng rằng người xin tị nạn thường chờ ít nhất 5 năm hồ sơ của họ mới được giải quyết.

Trước khi vào Mỹ xin quy chế người tị nạn và tới Mỹ tầm trú tị nạn khác nhau thế nào?

Tới Mỹ tầm trú tị nạn là tiến trình khác hẳn so với xin tới Mỹ như một người tị nạn. Những ai được phép xin quy chế nhập cư từ bên ngoài nước Mỹ là người tị nạn và chỉ đặt chân tới Mỹ khi được cấp quy chế người tị nạn.

Người tầm trú tị nạn vào lãnh thổ Mỹ bằng cách hợp pháp hay bất hợp pháp, rồi đệ đơn xin tại cửa khẩu biên giới hay bên trong nước Mỹ.

“Vượt biên giới tìm đường tị nạn không có gì bất hợp pháp cả,” Lindsay Harris, phó chủ tịch ủy ban tầm trú quốc gia thuộc Hội Luật sư Di trú Mỹ, nhận định.

Bà Harris nói việc Bộ trưởng Tư pháp Sessions sửa đổi cách diễn giải quy định về tầm trú là một ‘bước thụt lùi.’

Bà cho VOA biết số đơn kháng cáo vì bị bác hồ sơ xin tị nạn gia tăng đáng kể.

Hồ sơ di trú cho thấy năm tài khóa 2017 có số đơn xin tị nạn được quyết định trong thời hạn một năm nhiều nhất kể từ năm 2005. Tổng cộng có khoảng 30.179 trường hợp xin tị nạn được quyết định bởi các thẩm phán trong năm ngoái.

Các số liệu cũng cho thấy số đơn được cấp quy chế tị nạn cũng tăng, nhưng số người bị từ chối cũng nhiều lên.

Tỷ lệ đơn bị bác hiện là 61,8% và tăng năm năm liền liên tiếp. Cách đây 5 năm, tỷ lệ đơn xin tị nạn bất thành là 44,5%.
Tiến trình tầm trú lánh nạn gồm những gì?

Tiến trình tới Mỹ tầm trú không chỉ là một cuộc phỏng vấn để ứng viên giải trình về những mối lo sợ bị đàn áp tại quê nhà, mà ứng viên còn phải trả lời 12 trang câu hỏi bằng tiếng Anh. Nếu có thành viên gia đình đi theo, câu hỏi càng dài và phải nộp cả hình ảnh. Ứng viên phải đệ trình các tài liệu chứng cứ chứng minh cho mối quan ngại đó.

Ứng viên cũng phải lăn tay và trải qua các cuộc kiểm tra lý lịch tại Trung tâm Hỗ trợ Nộp đơn. Một số tiểu bang ở Mỹ chỉ có một tới hai trung tâm hỗ trợ mà thôi.

Ứng viên có thể tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý nhưng phải tìm luật sư riêng cho mình: một là thuê mướn luật sư, hai là xin luật sư công. Nếu không nói được tiếng Anh, ứng viên phải tự tìm cho mình người phiên dịch.

Các viên chức duyệt xét tầm trú quyết định có cấp quy chế tầm trú hay không sau khi phỏng vấn. Nếu bị bác, ứng viên có rất ít thời gian để khiếu nại.

Tổng thống Mỹ là người đề ra mức giới hạn tối đa số người tị nạn và người tầm trú được chấp thuận vào Mỹ hằng năm.

https://www.voatiengviet.com/a/xin-ti-nan-my-bang-cach-nao-/4521986.html

 

Hàng không Mỹ điều chỉnh cách gọi Đài Loan

theo yêu cầu của TQ

Ba hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ cho biết đang trong tiến trình điều chỉnh hệ thống để đáp ứng với yêu cầu của Trung Quốc trong cách liệt kê tên Hong Kong, Macau và Đài Loan, sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc loan báo là các hãng này chưa hoàn tất việc duyệt xét lại đúng hạn chót là ngày thứ Năm 9/8.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo ngày thứ Năm 9/8 nêu tên các hãng hàng không Delta Air Lines, United Airlines, American Airlines và Hawaiian Airlines nói rằng các hãng này chưa đáp ứng những đòi hỏi của các nhà ban hành các qui định hàng không Trung Quốc đặt ra.

Trung Quốc đã yêu cầu các công ty nước ngoài, và đặc biệt là các hãng hàng không, không đề cập đến Đài Loan tự trị là một lãnh thổ không thuộc Trung Quốc trên trang mạng của họ, một đòi hỏi mà Tòa Bạch Ốc vào tháng 5 chỉ trích là “kiểm soát mọi chuyện một cách vô lý.”

Cơ quan Quản trị Hàng không Dân sự Trung Quốc (CAAC) đang thúc đẩy các hãng hàng không thay đổi, trước đây qui định hạn chót là vào ngày 25/7. Tuy nhiên cơ quan này tháng trước nói là 4 hãng hàng không Mỹ yêu cầu gia hạn thêm vì những điều chỉnh của hãng “chưa hoàn tất.”

Hiện chưa rõ hạn chót chính xác là gì vì giờ giấc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khác nhau, và cũng chưa rõ những điều chỉnh thêm nữa mà các hãng hàng không Mỹ đang thực hiện là gì.

Delta nói đã hoàn tất và các hãng hàng không khác của Mỹ “đang trong tiến trình thay đổi trang mạng” để đáp ứng với yêu cầu của CAAC. Delta nói thêm là vẫn tham khảo chặt chẽ với chính phủ Mỹ trong tiến trình này.

Hoàn cầu Thời báo loan tin là CAAC cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Hiện chưa rõ Trung Quốc có thể trừng phạt như thế nào nếu các hãng hàng không không thi hành các yêu cầu của Trung Quốc, nhưng vào tháng 12 năm ngoái Trung Quốc thêm một điều khoản áp dụng cho các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc là các nhà ban hành qui định có thể thay đổi giấy phép của một công ty nếu không đáp ứng “yêu cầu của lợi ích công cộng”.

Đài Loan là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh xem đảo dân chủ này là một tỉnh bướng bỉnh của “một nước Trung Hoa”. Hong Kong và Macau là cựu thuộc địa châu Âu hiện là một phần của Trung Quốc nhưng được tự trị phần lớn.

https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0ng-kh%C3%B4ng-m%E1%BB%B9-%C4%91i%E1%BB%81u-ch%E1%BB%89nh-c%C3%A1ch-g%E1%BB%8Di-%C4%91%C3%A0i-loan-theo-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-c%E1%BB%A7a-tq/4522534.html

 

Nga: Chế tài của Mỹ là bất hợp pháp

Nga ngày 9/8 lên án vòng chế tài mới của Mỹ là bất hợp pháp và loan báo đã bắt đầu cứu xét những biện pháp trả đũa. Tin Mỹ tăng chế tài Nga đã đẩy đồng rúp xuống thấp nhất trong vòng 2 năm vì những lo ngại là Moscow bị lâm vào cơn lốc chế tài không bao giờ chấm dứt.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/8 tuyên bố sẽ áp đặt những chế tài mới vào cuối tháng này sau khi xác định là Moscow đã sử dụng chất độc thần kinh chống lại cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái ông, Yulia, tại Anh. Moscow phủ nhận trách nhiệm.

Điện Kremlin nói các chế tài của Mỹ là bất hợp pháp, thiếu thân thiện và rằng hành động của Mỹ đi ngược với “bầu không khí xây dựng” trong cuộc gặp giữa ông Putin và ông Trump tại Helsinki hồi tháng 6.

Bộ Ngoại giao Nga nói Moscow bắt đầu cứu xét các biện pháp chế tài trả đũa tương xứng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Moscow chưa nhận được yêu cầu chính thức nào của Mỹ mở cửa các địa điểm một thời có liên hệ đến vũ khí hóa học để thanh sát.

Phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitri Peskov chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ liên kết các chế tài với trường hợp chất độc thần kinh ở Anh, một sự kiện mà Điện Kremlin từ lâu cho rằng là một âm mưu của phương Tây để làm tổn hai uy tín của Nga và tạo cớ để chế tài thêm nữa.

Ông Skripal là một cựu đại tá của cơ quan tình báo GRU của Nga. Ông và người con gái 33 tuổi được phát hiện bất tỉnh tại thành phố Salisbury miền nam nước Anh vào tháng 3 năm nay. Điều tra cho thấy trước đó, chất độc thần kinh Novichok dạng lỏng đã được bôi vào cửa chính nhà ông.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-ch%E1%BA%BF-t%C3%A0i-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-l%C3%A0-b%E1%BA%A5t-h%E1%BB%A3p-ph%C3%A1p/4522037.html

 

Cuba ấn định ngày trưng cầu dân ý

cho Hiến Pháp mới

Gia Hưng

Theo truyền hình Cuba hôm nay, 10/08/18, ngày 24/02/2019 đã được chọn làm ngày trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến Pháp mới.

Vào tháng 7 vừa qua, Quốc Hội Cuba đã thông qua dự thảo mới, với trọng tâm là chủ đề tư nhân hóa nền kinh tế. Bản dự thảo này sẽ được đưa ra tham vấn trước toàn dân từ ngày 13/8 tới 15/11. Những người Cuba định cư tại nước ngoài cũng sẽ được tham khảo và góp ý trong khoảng thời gian này, nhưng hiện chưa có thông tin liệu họ có được tham gia cuộc trưng cầu dân ý diễn ra năm sau hay không.

Ngoài ra, bản Hiến Pháp này cũng thừa nhận hôn nhân đồng giới.

Ngày 24/2 cũng là ngày mà bản Hiến Pháp hiện tại chính thức được áp dụng vào năm 1976

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180810-cuba-an-dinh-ngay-trung-cau-dan-y-cho-hien-phap-moi

 

Assange cân nhắc đề nghị xuất hiện

trước Ủy ban Thượng viện Mỹ

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange, người đã ẩn náu trong đại sứ quán của Ecuador tại London suốt sáu năm qua, đang cân nhắc một đề nghị xuất hiện trước một ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ để thảo luận về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ.

WikiLeaks công bố một lá thư từ Ủy ban tình báo Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư yêu cầu ông Assange xuất hiện để khai chứng tại một phiên điều trần kín như một phần trong cuộc điều tra liệu Moscow có can thiệp để giúp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay không.

Nga bác bỏ những tuyên bố này và ông Trump đã phủ nhận bất kì sự thông đồng nào.

“Yêu cầu của Ủy ban Đặc biệt về Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận họ muốn nghe từ ông Assange,” luật sư Jennifer Robinson nói trong một thông cáo, Reuters cho biết.

“Cuộc điều tra đã yêu cầu ông ấy xuất hiện trực tiếp tại một thời điểm và địa điểm thuận tiện cho cả đôi bên. Chúng tôi đang cân nhắc nghiêm túc đề nghị đó nhưng phải bảo đảm là ông Assange được bảo vệ.”

Ông Assange đã trú ngụ trong đại sứ quán Ecuador kể từ khi ông được cấp tư cách bảo hộ tị nạn vào năm 2012 để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển đối mặt với cuộc thẩm vấn về những cáo buộc phạm tội về tình dục. Những cáo buộc này sau đó đã được hủy bỏ.

Tuy nhiên, ông sẽ bị cảnh sát Anh bắt giữ vi phạm điều kiện bảo lãnh tại ngoại nếu ông rời khỏi tòa nhà, và ông luôn nói ông sợ sẽ bị dẫn độ sang Mỹ vì đã đăng tải hàng loạt bí mật về ngoại giao và quân sự của Mỹ trên website của WikiLeaks.

Trước cuộc bầu cử năm 2016, WikiLeaks đã công bố các email bị đánh cắp từ Đảng Dân chủ và tài khoản email cá nhân của ông John Podesta, chủ tịch ban vận động tranh cử của bà Hillary Clinton.

Tháng trước, một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã khởi tố 12 sĩ quan tình báo của Nga về tội tấn công mạng máy tính của Đảng Dân chủ như một phần trong nỗ lực can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử để giúp ứng cử viên Đảng Cộng hòa Trump giành chiến thắng.

Yêu cầu của ủy ban Hoa Kỳ được đưa ra vào lúc đang có nhiều đồn đoán về tương lai của ông Assange và khả năng ông có thể bị đuổi khỏi đại sứ quán sau sáu năm.

Trong chuyến thăm Madrid hồi tháng trước, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno xác nhận rằng Ecuador và Anh đang đàm phán để cố gắng chấm dứt thời gian lưu trú của ông tại đại sứ quán.

https://www.voatiengviet.com/a/assange-can-nhac-de-nghi-xuat-hien-truoc-uy-ban-thuong-vien-my/4523104.html

 

Tổng thống Pháp điện đàm với đồng nhiệm Nga

về trường hợp Sentsov

Thanh Hà

Điện Elysée thông báo chiều ngày 10/08/2018 tổng thống Emmanuel Macron điện đàm với lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Paris một lần nữa kêu gọi Matxcơva trả tự do cho nhà làm phim người Ukraina Oleg Sentsov. Ông này đã tuyệt thực từ ngày 14/05/2018, phản đối Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina và đòi tự do cho tất cả các tù chính trị người Ukraina đang bị giam giữ trong các nhà tù Nga.

Đạo diễn Oleg Sentsov, 42 tuổi, đang thi hành bản án 20 năm tù vì tội “khủng bố” và “buôn lậu vũ khí”. Amnesty International đánh giá tư pháp Nga đã xét xử ông Sentsov trong một phiên tòa tương tự như dưới thời Stalin.

Sau gần ba tháng tuyệt thực, tình trạng sức khỏa của ông Oleg Sentsov suy yếu “nghiêm trọng”, tính mạng của ông bị đe dọa. Tổng thống Pháp đã nhiều lần can thiệp, kêu gọi Nga trả tự do cho nhà làm phim người Ukraina này. Lần thứ nhất là trong khuôn khổ cuộc làm việc với Vladimir Putin tại Saint Petersburg hồi tháng 5/2018 và lần thứ nhì là trong dịp nguyên thủ Pháp đến Matxcơva dự trận chung kết Cúp bóng đá thế giới 2018, hôm 15/07/2018.

http://vi.rfi.fr/phap/20180810-tong-thong-phap-dien-dam-voi-dong-nhiem-nga-ve-so-phan-cua-dao-dien-ukraina-oleg-sents

 

Ba Lan và bài học cải tổ chính trị hậu cộng sản

Quốc PhươngBBC Tiếng Việt

Ba Lan, quốc gia đã trải qua quá trình chuyển đổi và cải tổ hậu thể chế cộng sản và thể chế xã hội chủ nghĩa trong gần ba thập niên qua, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng từ kinh tế đến chính trị và trong nâng cao vị thế quốc tế, theo một nhà xã hội học từ Đại học Warsaw.

Mặc dù có một số cấp độ chưa hài lòng với việc thụ hưởng, phân phối các thành tích của phát triển và tiến bộ, mà một biểu hiện dẫn đến hậu quả của chính quyền dân túy đang cầm quyền hiện nay, vẫn có thể có những bài học mà Việt Nam có thể học hỏi từ cách chuyển đổi, cải tổ của Ba Lan, Tiến sỹ Grazyna Szymanska nói với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo tư mùa hè này ở Warsaw.

Điều kiện của xã hội Ba Lan đã thay đổi mạnh qua các năm tháng đó, bắt đầu từ những tiến bộ kinh tế, cho đến đạt những thành tựu về nhân quyền và duy trì, đảm bảo một số tiêu chuẩn của dân chủTiến sỹ Grazyna Szymanska

Tôi từng ghét ‘bọn phản động Ba Lan’

Nói gì về CNXH đặc sắc của Trung Quốc?

Hậu Cộng sản – cuộc chuyển đổi ‘chưa có điểm kết’

Việt Nam đang có những chuyển đổi có thể quan sát thấy, đặc biệt với các chuyển động của xã hội dân sự và Việt Nam có những tiềm năng lớn dẫn đến những thay đổi trong tương lai, vẫn theo nhà nghiên cứu này.

Trước hết, Tiến sỹ Grazyna Szymanska đưa ra cái nhìn tổng quan về ba thập niên chuyển đổi thể chế chính trị, kinh tế và xã hội ở Ba Lan, bà nói:

“Đã là khá lâu kể từ khi Ba Lan chuyển đổi từ một xã hội XHCN sang một xã hội hậu XHCN.

“Thời gian đã là gần 30 năm và trong giai đoạn này, đất nước và xã hội Ba Lan đã trải qua rất nhiều thay đổi trong nhiều khía cạnh bắt đầu từ kinh tế. Tất nhiên, với việc đưa kinh tế thị trường tự do vào và việc tham gia vào kinh tế toàn cầu, cho tới những thay đổi chính trị khi chúng tôi chuyển đổi sang nền dân chủ tự do.

“Tất nhiên, có thể nói tới các thay đổi diễn ra theo địa chính trị với sự gia nhập vào các cấu trúc của Liên minh Châu Âu, gia nhập vào khối Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà đều là những thay đổi quan trọng đối với vị trí quốc tế của chúng tôi, đây là những chủ đề rất lớn.”

Điểm tốt và chưa tốt?

Trước câu hỏi đâu có thể là điểm tốt và chưa tốt trong sự chuyển đổi này ở Ba Lan mà ngày nay có thể thấy được một cách rõ ràng nhất, nhà nghiên cứu xã hội Grazyna Szymanska đáp:

Ba Lan: ‘Băng đảng Việt chuyển hàng triệu euro’

Vì sao người Việt Nam vẫn sang Ba Lan?

“Nói chung, điều kiện của xã hội Ba Lan đã thay đổi mạnh qua các năm tháng đó.

“Bắt đầu từ những tiến bộ kinh tế, cho đến đạt được những thành tựu về nhân quyền và duy trì, đảm bảo được một số tiêu chuẩn của dân chủ.

Lý do chính là sự bất mãn về bất bình đẳng ngày một gia tăng và sự thiếu vắng của một số kết quả của các tiến bộ mà một số tầng lớp trong xã hội có thể cảm thấy họ bị tụt hậu, bỏ lạiTiến sỹ Grazyna Szymanska

“Tuy nhiên một số cấp độ chưa thỏa mãn vẫn tồn tại trong xã hội Ba Lan.

“Ví dụ trong một vài năm trở lại, điều này đã có hệ quả qua sự hình thành của một chính phủ mà vì lý do này khác có thái độ dân túy.

“Nhưng đó là một vấn đề chung với nhiều quốc gia khác ở Tây Âu, cũng như ở Mỹ.

“Tôi muốn nói lý do chính là sự bất mãn về bất bình đẳng ngày một gia tăng.

“Và sự thiếu vắng của một số kết quả của các tiến bộ mà một số tầng lớp trong xã hội có thể cảm thấy họ bị tụt hậu, bỏ lại trong quá trình chuyển đổi này từ một nhà nước xã hội chủ nghĩa sang một nhà nước dân chủ với nền kinh tế thị trường.”

Bài học nào có thể rút ra?

Hoàng Hưng: ‘XH dân sự lớn mạnh nhờ mạng’

Ai đang muốn đưa Chủ nghĩa Toàn trị trở lại?

Chuyên đề về Ba Lan

Trả lời câu hỏi có thể nhìn nhận thế nào về Việt Nam ngày nay và Việt Nam có thể học được bài học gì từ sự chuyển đổi, cải cách của Ba Lan để cải thiện quá trình chuyển dịch kinh tế, xã hội nếu nước này mong muốn, nhà xã hội học từ Ba Lan nói:

“Tất nhiên tình hình của Việt Nam đương đại khác biệt rất nhiều khi so sánh với tình hình xảy ra ở Ba Lan trước chuyển đổi vì Việt Nam có thể được nhìn nhận như một quốc gia với chính quyền chuyên chế, độc đảng, nhưng mặt khác Việt Nam cũng đưa vào một số yếu tố của nền kinh tế thị trường tự do.

“Tuy nhiên chúng ta có thể quan sát, nhận thấy hệ thống chuyên chế, độc đảng này cũng giới hạn một số phát triển của quốc gia ở nhiều khía cạnh.

Quan sát sự chuyển vận trong trong xã hội dân sự và người dân Việt Nam ở trong nước hiện nay, tôi nghĩ có nhiều tiềm năng có thể đưa tới thay đổi trong tương laiTiến sỹ Grazyna Szymanska

“Do đó tôi nhận thấy rằng trong thể chế độc tài, chuyên chính, chính quyền Việt Nam đang cố gắng đạt được sự phát triển kinh tế và một số chuẩn mực nhưng vẫn gắng duy trì quyền lực của chính thể.

“Tuy vậy điều đó có thể làm được không thì tôi không chắc chắn. Trong trường hợp của Ba Lan và các quốc gia ở Đông Âu và Trung Âu, quá trình dân chủ hóa đã xảy ra trước, đi trước thay đổi về kinh tế và điều này đã tỏ ra thành công với chúng tôi.

“Do vậy một số bài học từ Ba Lan về mặt phát triển của xã hội dân sự, lĩnh vực hoạt động xã hội, tôi nghĩ có thể có lợi cho xã hội Việt Nam, bởi vì ở Ba Lan, toàn bộ quá trình chuyển đổi, cải tổ đã bắt đầu từ phong trào xã hội.

“Chúng tôi đã có sự chuyển động to lớn từ Phong trào Công đoàn Đoàn kết, do đó quan sát sự chuyển vận trong trong xã hội dân sự và người dân Việt Nam ở trong nước hiện nay, tôi nghĩ có nhiều tiềm năng có thể đưa tới thay đổi trong tương lai,” Tiến sỹ Grazyna Szymanska nói với BBC Tiếng Việt.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45132577

 

Israel không kích, Gaza bắn trả

Máy bay ném bom của Israel tấn công hàng chục mục tiêu ở Dải Gaza, giết chết ba người, trong khi các phần tử chủ chiến Palestine phóng hàng chục đạn rocket vào lãnh thổ Israel trong một vụ bùng phát bạo động qua đêm tới sáng Thứ Năm 9/8.

Xung đột xảy ra giữa lúc Ai Cập đang tìm cách điều giải một thoả thuận ngừng bắn lâu dài giữa hai bên. Ít nhất 3 người Palestine đã thiệt mạng: một phụ nữ mang thai cùng đứa con gái 1 tuổi của bà, và một chiến binh Hamas, Bộ Y tế Gaza cho biết.

Bên phía Israel, có ít nhất bảy người bị thương.

Cả các giới chức Israel lẫn Hamas đều đe dọa sẽ leo thang các hoạt động thù địch. Đặc sứ đặc trách Trung Đông của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên hãy bình tĩnh.

Không rõ động thái leo thang mới nhất trong một loạt vụ chạm trán dữ dội diễn ra trong vài tháng qua có sẽ ảnh hưởng tới các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Israel với các lãnh tụ của nhóm Hamas ở Gaza hay không.

Israel và Hamas đã đối đầu nhau trong ba cuộc chiến từ khi nhóm Hamas lên nắm quyền ở Gaza vào năm 2007.

Bất chấp sự thù địch giữa hai bên, Israel và Hamas dường như đã hợp tác qua trung gian các nhà điều giải Ai Cập để tránh xảy ra thêm một cuộc chiến tranh khác.

Hamas đòi dỡ bỏ tình trạng bao vây ở biên giới Israel và Ai Cập. Tình trạng này đã gây thiệt hại cho kinh tế của Gaza. Phía Israel thì muốn Hamas chấm dứt các vụ pháo kích vào lãnh thổ Israel, và đòi chấm dứt các cuộc biểu tình ở biên giới. Họ còn yêu cầu đối phương trả tự do cho hai người Israel được cho là đang bị Hamas cầm giữ, đồng thời trả lại hài cốt của hai binh sĩ Israel.

Những vụ đụng độ liên tục đã phương hại tới các nỗ lực hướng tới ngừng bắn. Hôm 7/8, quân đội Israel phá hủy một chốt quân sự của Hamas ở Gaza sau khi phía Israel tố cáo các chiến binh Hamas đã nổ súng vào binh sĩ Israel ở vùng biên giới. Hamas cho biết hai chiến binh của họ bị giết.

Quân đội Israel nói hơn 180 quả đạn rocket và súng cối đã được phóng về phía họ trong khi Israel tiến hành 150 cuộc không kích nhắm vào các vị trí của Hamas.

Căng thẳng tại biên giới Israel và Gaza tăng cao kể từ cuối tháng 3, khi nhóm Hamas phát động các cuộc tụ tập phản đối sau này trở thành các cuộc biểu tình đông đảo thường xuyên, dọc theo hàng rào phân cách Israel với Gaza. Mục đích của các cuộc biểu tình một phần là để tìm cách tháo gỡ cuộc phong tỏa vùng biên giới này.

Trong bốn tháng qua, 163 người Palestine đã thiệt mạng vì trúng đạn hoặc không kích của Israel, trong số đó có ít nhất 120 người tham gia biểu tình, Bộ Y tế Gaza và một nhóm nhân quyền địa phương cho biết. Trong cùng thời gian, một binh sĩ Israel thiệt mạng vì bị bắn tỉa từ Gaza.

Israel nói họ chỉ bảo vệ lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ chống lại những vụ thâm nhập của Hamas. Nhưng Israel bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề vì thường xuyên sử dụng bạo lực chống những người biểu tình không vũ trang.

https://www.voatiengviet.com/a/israel-khong-kich-gaza-ban-tra/4521758.html

 

Tin nói Israel, Hamas đồng ý ngưng bắn tại Gaza

Israel và Hamas, tổ chức Hồi Giáo cai trị Dải Gaza, ngày thứ Năm 9/8 đồng ý ngưng bắn chấm dứt xung đột bùng phát xuyên biên giới, hai giới chức Palestin cho biết.

Hiện chưa có bình luận của các giới chức Israel. Một giới chức Palestin biết về những cuộc đàm phán ngưng bắn do Ai Cập làm trung gian, nói ngưng bắn bắt đầu và lúc 20:45 giờ GMT.

Các máy bay Israel oanh kích hơn 150 mục tiêu tại Gaza vào đêm thứ Tư 8/8 và thứ Năm 9/8, và các dân quân Palestin đã bắn một số rocket trong đó có phi đạn tầm xa vào sâu lãnh thổ Israel.

https://www.voatiengviet.com/a/tin-n%C3%B3i-israel-hamas-%C4%91%E1%BB%93ng-%C3%BD-ng%C6%B0ng-b%E1%BA%AFn-t%E1%BA%A1i-gaza-/4522061.html

 

Bầu quốc hội Irak : lãnh đạo chống tham nhũng

Moqtada al Sadr chiến thắng

Tú Anh

Tổ chức Hồi giáo dân tộc chủ nghĩa Shia Irak do giáo sĩ tự xưng Moqtada al Sadr được xác nhận về nhất trong cuộc bầu cử quốc hội Irak diễn ra hồi tháng 5 với 54 dân biểu trên 329 ghế nghị viện. Kết quả vừa được Ủy ban bầu cử quốc gia công bố ngày 10/08/2018 sau khi kiểm phiếu lần thứ hai theo lệnh của Tối Cao Pháp Viện vì có nghi ngờ gian lận.

Liên minh Shia dân tộc Cộng sản được xác nhận về đầu với 54 ghế trong cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên được tổ chức tại Irak từ khi đánh bại được tổ chức Daech ra khỏi các thành phố ở phía bắc.

Moqtada al Sadr : từ chiến trường đến chính trường

Một thời là khắc tinh của Mỹ, đứng đầu một lực lượng dân quân võ trang chống cuộc can thiệp của Washington vào Irak năm 2003, Moqtada al Sadr chủ trương một nước Irak độc lập, trong sạch, đặt quyền lợi quốc gia dân tộc trên hết và một hệ phái Shia tách rời ảnh hưởng giáo quyền Iran.

Trong chiến lược vận động tranh cử, đảng Sadr đã bất ngờ liên minh với đảng Cộng sản Irak, tổ chức biểu tình mỗi thứ sáu với khẩu hiệu vì quyền lợi của người dân Irak. Cương lĩnh với 40 đề nghị đã chinh phục được cả giới trẻ và trí thức, hai thành phần có truyền thống lãnh đạm với chính trị. Theo nhận định của trang mạng độc lập Al-Alam Al- Jadid « phong trào của Moqtada al Sadr đã lật qua trang sử đấu tranh võ trang, thanh lọc thành viên diều hâu chủ chiến, bác bỏ mọi liên kết đầu phục thế lực bên ngoài để tập trung tranh đấu chống chính quyền tham ô và thiếu khả năng ».

Cuộc kiểm phiếu bằng tay không làm thay đổi kết quả của máy tính điện cử trừ một thay đổi nhỏ : liên minh các cựu chiến binh chống Daech, được Iran ủng hộ, thêm được một ghế, từ 47 lên 48, đứng thứ nhì. Danh sách của thủ tướng mãn nhiệm thân Mỹ Haider Al Abadi đứng thứ ba với 42 ghế. Các phong trào thế tục, Suni và Shia còn lại, mỗi phe chỉ được trên dưới 20 dân biểu.

Không một đảng nào có đủ đa số dân biểu để lập chính phủ, sẽ phải thương lượng tìm liên minh trong bối cảnh bất mãn tăng cao trong dân chúng, nhất là ở các tỉnh miền nam, trước nạn tham ô, thất nghiệp và guồng máy hành chánh yếu kém.

Trong khi chờ đợi một chính phủ mới, và để xoa dịu công luận và tự cứu, thủ tướng Haider Al Abadi cách chức bộ trưởng điện lực và bốn công chức cao cấp của bộ quan trọng này bị xem là vô trách nhiệm để tình trạng cúp điện xảy ra triền miên trong cái nóng cháy da của mùa hè sa mạc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180810-bau-quoc-hoi-irak-lanh-dao-chong-tham-nhung-moqtada-al-sadr-chien-thang

 

Moqtada Sadr : người hùng Shia-Irak

làm Mỹ lẫn Iran nhức đầu

Tú Anh

Bàn cờ chính trị tại Irak bị đảo lộn. Vào lúc Washington và Teheran nỗ lực tranh giành ảnh hưởng, chiến thắng của « Tiến bước » một liên minh tôn giáo-thế tục do giáo sĩ tự phong Moqtada Sadr lãnh đạo, có thể cản trở mọi toan tính sử dụng Irak như bàn đạp củng cố thế lực tại Trung Đông của Mỹ lẫn Iran.

Cho dù Mỹ và Iran tìm cách cản trở, thủ lĩnh Shia Irak, Moqtada Sadr vẫn thắng lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 05, mà kết quả kiểm phiếu lại đã xác nhận vào thứ Năm 10 tháng 08. Với 54 ghế dân biểu trên tổng số 329, liên minh « Sayroun » hay « Tiến bước để cải cách » do giáo sĩ Moqtada Sadr, 44 tuổi, lãnh đạo, đã về nhất. Trong bối cảnh chính trường Irak chia năm xẻ bảy, liên minh chống tham nhũng không thể một mình lập chính phủ, nhưng điều quan trọng là đã bất ngờ bỏ xa hai tổ chức đã đánh bại Daech là Hachd al Chaabi, hay « liên minh chinh phục » do Iran yểm trợ và « liên minh chiến thắng » của thủ tướng Haidar al Abadi, được Tây phương hậu thuẫn.

Moqtada Sadr là nhân vật rất khó định nghĩa.

Không phải là một trưởng giáo Ayatollah cũng không phải là một nhà thần học uyên thâm, thế nhưng Moqtada Sadr tự xưng là giáo sĩ, thừa hưởng di sản tinh thần của cha, Ayatollah Mohammad Sadeq al-Sadr, lãnh đạo hệ phái Shia lại được lòng của người Suni và Kurdistan và vì thế bị nhà độc tài Saddam Hussein xử tử vào năm 1999. Thực ra, Moqtada Sadr là một người có tài hùng biện, chống trật tự có sẵn theo lời khen của người cùng phe và mị dân, theo nhận định của những người chỉ trích.

Tuy căm thù Saddam Hussein nhưng sau khi chính quyền Irak sụp đổ , Moqtada Sadr thành lập lực lượng dân quân đánh lại lực lượng Mỹ rất dữ dội. Nhưng không phải vì thế mà thủ lĩnh Shia trẻ tuổi này được giáo quyền Iran tôn trọng, trái lại còn bị khinh thường. Nhật báo L’Orient Le Jour ở Liban thuật lại lời Ayatollah Ali Khamenei sau khi tiếp kiến Moqtada Sadr như sau : « anh ta không có căn cơ một tu sĩ. Khi bị tôi nhìn một cách trưởng thượng, tâm lý chống Iran của Moqtada Sadr đã tăng lên từ lúc bấy giờ ».

Từ chuyên gia sách động quần chúng đến ….ghế thủ tướng

Với chiến thắng bầu cử Quốc Hội, Moqtada Sadr chứng tỏ là một nhà chính trị bản lĩnh biết khai thác tinh thần quốc gia lên rất cao trong dân chúng Irak từ khi chiếm lại được phần lãnh thổ mất về tay Daech. Kẻ bị Hoa Kỳ xem là « chuyên gia xách động » thậm chí « ngoài vòng pháp luật » nay trở thành nhân vật chính tại một quốc gia mà cả Iran lẫn Mỹ đều có quyền lợi.

Trước bầu cử, khi thấy chủ trương « Irak trước đã » và phong trào « chống chế độ » tham nhũng thu hút đông đảo quần chúng về với Moqtada Sadr, cả Mỹ và Iran tìm cách cản trở.

Mỹ chịu nhưng Iran còn nước còn tát

Theo một trang mạng thông tin ở Irak, đại sứ Mỹ ở Bagdad đã yêu cầu tổng thống và thủ tướng Irak đoàn kết với nhau cản đường phong trào « Tiến bước ». Tuy nhiên, Washington loan báo « tôn trọng » kết quả bầu cử.

Trái lại, về phần Iran, mối lo lớn nhất là chận Irak ngã theo Ả Rập Xê Út. Khi kết quả bầu cử được công bố lần đầu hôm 13/05/2018, các ủng hộ viên của « Tiến Bước » chào mừng và hô to « Iran cút đi ». Ngay ngày hôm đó, Teheran gửi tướng Qassem Solimani, tư lệnh lực lượng Al Qods, lực lượng võ trang của « vệ binh cách mạng » Iran hoạt động ở nước ngoài, đến Bagdad. Viên tướng Iran này thường xuyên can thiệp vào nội tình Irak từ hậu trường, tiếp xúc với tất cả các lãnh đạo chính trị Irak, kể cả cựu tổng thống tham ô Maliki, kẻ đã đánh mất một phần lãnh thổ vào tay Daech. Mục đích của Iran là muốn chính quyền liên hiệp tương lai không có Moqtada Sadr.

Nhưng « vỏ quýt dầy gặp móng tay nhọn » : người hùng mới của Irak thận trọng không lật ngửa các lá chủ bài. Báo Al Mada trích một một nguồn tin « thân cận » của Moqtada Sadr cho biết lãnh đạo Shia Irak không xem chức thủ tướng là điều kiện tiên quyết mà muốn « từ hậu trường điều khiển chính trường ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180810-moqtada-sadr-nguoi-hung-shia-irak-lam-my-lan-iran-nhuc-dau

 

Kim Jong-un mặc may ô thăm nhà máy cá hộp

Truyền thông Bắc Hàn vừa đăng các tấm hình mới cho thấy lãnh tụ Kim Jong-un cởi áo ngoài và chỉ mặc may ô trong một chuyến thăm nhà máy ướp cá trong lúc các quan chức vẫn mặc quân phục chỉnh tề giữa đợt nắng nóng ở bán đảo Triều Tiên.

Các tấm hình đăng kín hai trang báo nhà nước Rodong Sinmun cho thấy vị lãnh tụ tối cao Bắc Hàn đang đi thị sát nhà máy cá hộp Kumsanpho cùng bà Ri Sol-ju vợ ông.

Kim, ngôi sao mới nổi trong lớp lãnh đạo 2018

Bắc Hàn ve vãn TQ nhưng ‘muốn học VN’

‘Gắn một nụ cười’ lên gương mặt Kim Jong-un

Nhưng cũng như với nhiều thứ từ Bắc Hàn, điều gây chú ý không phải là bản tin được viết rất cẩn thận bới Cục Truyên truyền của Bình Nhưỡng.

Cách ăn mặc của ông Kim không những kể câu chuyện về những người giàu và người nghèo ở Bắc Hàn, mà thời điểm của chuyến thăm nhà máy này cho thấy Bình Nhưỡng đangcó đợt nắng nóng khủng khiếp ở đông Á ra sao và những thách thức về nguồn cung thực phẩm nước này đang phải đối mặt.

Trong chuyến thăm nhà máy tuần này, ông Kim mặc áo khoác màu nâu, quần rộng lùng thùng đặc trưng và đội mũ nan, hơi khác với phong cách “áo lãnh tụ kiểu Mao”, giống kiểu của Kim Il-sung, mà ông thường mặc.

Với nhiệt độ ở Bắc Hàn lên tới 37,8C, ông nhanh chóng cởi chiếc áo khoác ngoài, và tiếp tục chuyến thăm với chiếc áo may ô nhét vào quần âu rộng thùng thình.

Kim Jong-un bất ngờ ‘mắng’ cấp dưới

Kim Jong-un thấy thoải mái ở Singapore

Bắc Hàn: Ai dám cưỡi lên lưng Kim Jong-un?

Nhưng trong khi vị Lãnh đạo Tối cao mát mẻ trong trang phục bình dân hơn, toàn bộ đoàn tháp tùng ông – gồm các sỹ quan quân đội cao cấp, cán bộ đảng và lãnh đạo nhà máy – vẫn ‘chết ngốt’ trong các bộ trang phục chỉnh tề.

Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju được thấy trong ảnh mang áo của chồng bà trên tay một cách tận tụy.

Hồi đầu tuần, cũng xuất hiện những hình ảnh tương tự khi ông Kim đi thăm trang trại nuôi cá trê. Xét từ trang phục của ông Kim và bà Ri, có vẻ như ông đi thăm trại nuôi cá cùng ngày với chuyến thăm nhà máy cá hộp. Trong các tấm hình, ông cũng chỉ mặc chiếc may ô sau khi ông và các quan chức bị bầy cá trê quẫy mạnh làm ướt áo.

Trong khi ông Kim thường mặc các trang phục được may đo, nhiều công nhân Bắc Hàn mặc quần áo được làm từ vải sợi tổng hợp.

Bình Nhưỡng nói ngày nay gần như chẳng còn ai mặc vải vinylon nữa. Vinylon là loại vải sợi đặc trưng của Bắc Hàn được làm từ hỗn hợp chất cồn, than và đá vôi. Nhưng Kim Jong-un ra lệnh tăng sản xuất loại vải này trong bài phát biểu Năm Mới, nên có khả năng loại vải cứng gắn liền với tên tuổi của Bắc Hàn này sẽ tái xuất hiện.

Nguyên liệu này cũng được dùng để làm lưới đánh cá, cho thấy Bắc Hàn có nhu cầu đa dạng hóa nguồn thực phẩm khi biến đổi khí hậu khiến các mùa thu hoạch bất ổn định trong một nền kinh tế vốn đã thiếu thốn thực phẩm.

Hai chuyến đi thị sát trong một tuần của ông Kim cũng cho thấy Bắc Hàn đang chịu tác động lớn do đợt nắng nóng.

Chính phủ nước này đã tuyên bố Bắc Hàn đang gặp tình trạng hạn hán do nhiệt độ cao bất thường kéo dài, và điều này có thể sẽ đánh mạnh vào ngành nông nghiệp ở một quốc gia nơi có nguồn tin nói tới 70% dân số phụ thuộc vào viện trợ thực phẩm.

Chuyến đi thăm các cơ sở sản xuất thực phẩm của ông Kim cho thấy quyết tâm của chính phủ Bắc Hàn để ít nhất là có vẻ như tự cung tự cấp về thực phẩm. Đây là điều quan trọng trong nội dung tuyên truyền của nhà nước Bắc Hàn, quảng bá mạnh các thực phẩm thay thế như cá và nấm.

Sau chuyến đi thăm trại nuôi cá Samchon của ông Kim Jong-un, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin năm nay cơ sở này hoạt động với công suất gấp 10 lần năm ngoái cùng hình ảnh bể cá đầy ắp.

Các cơ quan báo chí chịu kiểm soát chặt chẽ của Bắc Hàn cũng có nỗ lực lớn để đảm bảo chỉ có những thông điệp được Đảng thông qua tới được với người dân.

Các thông điệp này liên tục quảng bá cho gia đình ông Kim, cũng như các chính sách đặt quân đội lên hàng đầu và coi trọng khả năng tự cung tự cấp của quốc gia.

Bình Nhưỡng, dù là cố tình hay vô ý, đôi khi không thể giấu được các thông điệp kín trong các bản tin của mình.

Năm ngoái, Bắc Hàn “chẳng may” hé hộ chi tiết của hai loại tên lửa đạn đạo chưa từng được nói đến trong một chuyến đi thị sát của ông Kim Jong-un tới một học viện quân đội.

Và một loạt các chuyến đi năm ngoái khi ông Kim tỏ sự tức giận với các quan chức địa phương, kể cả tại một nhà máy điện sau 17 năm vẫn chưa xây xong, cho thấy ông muốn trấn áp những người cho rằng họ có vị trí tốt đảm bảo cả đời hay những ai muốn tham nhũng.

Mặc dù vị Lãnh tụ Tối cao có thể gây làm cả thế giới chú ý bằng việc cởi áo ngoài mặc áo may ô, những gì thực sự diễn ra đằng sau mới là điều quan trọng.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45142911

 

Triều Tiên ‘mắng’ Mỹ thiếu thiện chí

Triều Tiên ngày 9/8 tố cáo rằng Mỹ đã thúc đẩy quốc tế chế tài Triều Tiên dù Bình Nhưỡng có những hành động thiện chí. Bình Nhưỡng đe dọa không thể có tiến bộ trong các cam kết phi hạt nhân hóa nếu Washington tiếp tục theo đuổi “kịch bản hành động lỗi thời.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên trong một tuyên bố trên Thông tấn xã nhà nước KCNA nói rằng Triều Tiên vẫn còn muốn thi hành một thỏa thuận rộng rãi đạt được tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/6 ở Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Hai bên đều nêu quyết tâm làm việc để tiến đến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên nhưng đã gặp nhiều khó khăn để đạt được một thỏa thuận tiến đến mục tiêu này, vì Hoa Kỳ vẫn cương quyết làm áp lực để các chế tài vẫn giữ nguyên trong thời gian đàm phán.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra tiếp theo những nhận định trong tuần này của những nhà ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ nhấn mạnh đến việc Bình Nhưỡng cần phải có thêm những bước tiến về phía phi hạt nhân hóa. Những nhận định này được đưa ra sau bình luận gây tranh cãi trong tuần qua của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho bên lề một hội nghị thượng đỉnh tại Singapore.

Ngày thứ Năm 9/8, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói nước này đã ngưng thử nghiệm phi đạn, hạt nhân và đã tháo gỡ “vị trí thử nghiệm hạt nhân,” nhưng Hoa Kỳ vẫn một mực đòi “phi hạt nhân hóa trước tiên.”

Triều Tiên đã trao trả hài cốt của một số binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 như là một cử chỉ thiện chí nhằm phá vỡ sự mất lòng tin giữa hai nước, tuyên bố nói.

“Tuy nhiên, phía Mỹ đáp ứng những kỳ vọng của chúng ta bằng cách xúi giục các chế tài quốc tế và làm áp lực chống lại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Hoa Kỳ “đang nỗ lực tạo ra một nguyên cớ để gia tăng những chế tài chống lại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên,” Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói trong một tuyên bố được KCNA loan tải.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh “Chừng nào Hoa Kỳ không tuân thủ ngay cả sự lịch sự căn bản đối với đối tác đối thoại và vẫn khăng khăng theo đuổi một kịch bản hành động đã lỗi thời mà các chính quyền trước đều nỗ lực thi hành nhưng thất bại, thì không hy vọng gì có được bất cứ tiến bộ nào trong việc thi hành tuyên bố chung giữa hai nước Mỹ-Triều trong đó có phi hạt nhân hóa.”

Tòa Bạch Ốc cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận.

Triều Tiên cũng cáo buộc những giới chức cao cấp trong chính quyền Trump là “chống lại ý định của Tổng thống Trump” khi “đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại chúng tôi và tiến hành những nỗ lực vô vọng nhằm gia tăng các chế tài và áp lực quốc tế.”

Ngày thứ Tư 8/8, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley nói Hoa Kỳ “không muốn đợi quá lâu” để Triều Tiên có những bước tiến về phía phi hạt nhân hóa.

“Tất cả đều đang nằm bên sân Triều Tiên.” Bà Haley nói với các phóng viên tháp tùng bà trong chuyến viếng thăm Colombia.

Trước đó trong tuần, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton, quả quyết rằng Triều Tiên đã không có những bước cần thiết tiến đến phi hạt nhân hóa.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri trong tuần này sang Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói với Ngoại trưởng Ri rằng không thể tin Mỹ sau khi chính quyền ông Trump bội ước đối với thỏa thuận năm 2015 mà trong đó quy định gỡ bỏ chế tài cho Iran để Iran ngưng chương trình hạt nhân.

https://www.voatiengviet.com/a/tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-m%E1%BA%AFng-m%E1%BB%B9-thi%E1%BA%BFu-thi%E1%BB%87n-ch%C3%AD-/4522519.html

 

Nam-Bắc Triều Tiên chuẩn bị họp thượng đỉnh

Các giới chức cao cấp hai bên Triều Tiên sẽ gặp nhau vào ngày thứ Hai 13/8 để chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, theo loan báo của Hàn Quốc. Đây là cuộc họp thượng đỉnh thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo trong những tháng gần đây.

Loan báo ngày 9/8 được Bộ Thống nhất Hàn Quốc phụ trách về các vấn đề liên Triều đưa ra, giữa những nỗ lực của Washington và Bình Nhưỡng theo đuổi quyết tâm giải trừ hạt nhân đạt được tại cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim.

Bình Nhưỡng cũng đã gia tăng lời kêu gọi chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, mà một số nhà phân tích tin có nghĩa là bước đầu tiên trong những nỗ lực của miền Bắc để cuối cùng chứng kiến toàn thể 28.500 binh sĩ Hoa Kỳ rời khỏi Bán đảo Triều Tiên. Washington đang thúc đẩy miền Bắc từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này.

Một giới chức tại Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết với điều kiện ẩn danh rằng hai bên Triều Tiên cũng sẽ thảo luận các phương cách tiến đến những thỏa thuận giảm bớt căng thẳng đã đạt được trong cuộc họp thượng đỉnh trước đây giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trong số những thỏa thuận có việc họp thượng đỉnh khác vào mùa thu năm nay tại Bình Nhưỡng.

Hai miền Triều Tiên có thể nỗ lực tìm một đột phá giữa những điều mà các chuyên gia xem như ít có tiến bộ trong việc giải trừ hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington dù có cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 năm nay và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có vài chuyến đi đến Triều Tiên.

Bình Nhưỡng cho rằng Hoa Kỳ phải đáp ứng với việc Triều Tiên ngưng các vụ phóng phi đạn và ngưng thử nghiệm hạt nhân và những cử chỉ thiện chí khác của Triều Tiên như trao trả hài cốt các binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên. Hoa Kỳ bác bỏ các lời kêu gọi nới lỏng chế tài cho đến khi nào miền Bắc tuân thủ các cam kết hoàn toàn phi hạt nhân hóa.

Cuộc họp liênTriều ngày thứ Hai 13/8 sẽ diễn ra tại Tongilgak, một tòa nhà do Triều Tiên kiểm soát tại làng biên giới Bàn Môn Điếm.

Hiện chưa rõ ai sẽ tham dự các cuộc thảo luận, nhưng thông thường những cuộc họp như vậy trong quá khứ thường có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc và người tương nhiệm miền Bắc. Cũng chưa rõ sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh khác hay không, nhưng nếu thỏa thuận thượng đỉnh ngày 27/4 được tuân thủ, các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Bình Nhưỡng trong vài tháng tới.

Trong khi đó cả hai miền Triều Tiên đang tìm cách sớm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc tháng trước loan báo Seoul muốn sớm có tuyên bố chấm dứt cuộc chiến 1950-1953. Về phương diện kỹ thuật, Bán đảo Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến này chấm dứt bằng thỏa thuận đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Báo Rodong Sinmun của Triều Tiên trong bài bình luận đăng hôm 9/8 nói rằng việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là “tiến trình đầu tiên để đảm bảo hòa bình và an ninh không chỉ riêng cho Bán đảo Triều Tiên mà còn cho toàn khu vực và trên thế giới.”

Seoul cho biết chấp nhận đề nghị của miền Bắc sau khi Bình Nhưỡng lần đầu tiên đề nghị cuộc họp ngày thứ Hai 13/8 để thảo luận về cuộc họp thượng đỉnh khác.

Ông Kim và ông Moon đã gặp nhau tại một cuộc họp thượng đỉnh được quảng bá rầm rộ với hình ảnh hai nhà lãnh đạo nắm tay nhau và cùng nhau đi bộ bước qua biên giới, và sau đó lại gặp nhau trong một cuộc họp thượng đỉnh không chính thức vào tháng 5, chỉ vài tuần trước khi ông Kim gặp Tổng thống Trump tại Singapore.

https://www.voatiengviet.com/a/nam-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-h%E1%BB%8Dp-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-/4522537.html

 

Chiến tranh thương mại:

Trung Quốc nên nhận thua cuộc?

“Trung Quốc nên giảm thiểu thiệt hại trong cuộc chiến thương mại bằng cách chấp nhận thua cuộc trước Donald Trump,” nhà nghiên cứu độc lập Xu Yimiao viết trên trang Bưu điện Hoa Nam.

Ông Xu cho rằng chiến lược của Bắc Kinh không hiệu quả và sắp đến giới hạn trả đũa thuế quan.

Trump ‘phàn nàn về Trung Quốc’

TQ áp thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa để trả đũa Mỹ

Có nên quan ngại về thương chiến Mỹ – Trung?

Trung Quốc bị bỏ rơi?

Có thông tin cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kết cánh với EU và các quốc gia khác để trả đũa lại đe dọa thuế quan của Hoa Kỳ, nhưng chiến lược này có vẻ không hiệu quả.

Ông Xu Yimiao lập luận rằng EU và Mỹ vừa đạt một thỏa thuận thương mại hồi 26/7, với Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk còn tweet rằng “Nước Mỹ và EU là bằng hữu thân thiết.”

Trong khi Phó Chủ tịch Ủy ban EU Frans Timmermans thì tweet rằng: “Người Châu Âu và châu Mỹ gắn kết bởi lịch sử và những giá trị chung.”

Thêm vào đó, EU và Nhật Bản vừa ký kết bản thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước đến nay vào 16/7.

Và Washington và Tokyo cũng dự định gặp gỡ vào tuần này.

Các quan chức Mexico cũng đang bày tỏ sự lạc quan vào thỏa thuận NAFTA.

Có vẻ Trung Quốc là cường quốc duy nhất đang không có bất cứ tiến triển nào về thương mại, ông Xu lập luận.

Và dù Bắc Kinh hi vọng Washington sẽ đánh thuế mạnh lên các quốc gia khác – những nước mà Trung Quốc có thể chọn làm đồng minh trong cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, không ít quốc gia vẫn nhìn Bắc Kinh với con mắt dè dặt nhất là với vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia và bản quyền công nghệ.

Trung Quốc phụ thuộc Hoa Kỳ về kinh tế

Theo ông Xu, đang có nhiều tiếng nói từ giới học giả và các viện nghiên cứu chính sách cho rằng sự phát triển của Trung Quốc trong 40 năm qua phụ thuộc nhiều vào việc tiếp cận hệ thống kinh tế toàn cầu do Hoa Kỳ và các đồng minh dẫn dắt.

Và việc Trung Quốc muốn thiết lập một hệ thống khác thay thế là không phù hợp, hoặc ít nhất là còn quá sơ khai để làm điều này.

Điều này cũng có nghĩa Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kinh tế với Hoa Kỳ vì Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Hoa Kỳ hơn là ngược lại.

Cuộc chiến thương mại này chỉ khiến Trung Quốc tự tổn thương bản thân nếu nó quyết tâm tỏ ra cứng rắn.

Thay vào đó, ông Xu lập luận, Bắc Kinh nên tập trung vào việc phát triển và cải cách nền kinh tế nội địa.

Ông Xu khuyên Bắc Kinh có lẽ nên tìm cách thỏa thuận trực tiếp với ông Trump, tìm hiểu xem ông Trump cần gì để tuyên bố “một chiến thắng” và tạo điều kiện cho điều đó xảy ra.

Tất nhiên, việc cho phép Trump tuyên bố một chiến thắng sẽ “rất khó khăn và thậm chí đáng xấu hổ cho Bắc Kinh”, ông Xu viết, nhưng có lẽ đây là lựa chọn tốt nhất cho nền kinh tế thương mại và hy vọng cho một chiến thắng khác lần sau.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45140451

 

Giữa căng thẳng Trung-Mỹ,

TT Đài Loan đi tìm ủng hộ ở châu Mỹ

Tổng thống Đài Loan sẽ công du sang Bắc, Trung và Nam Mỹ trong tháng này để tái xác nhận sự hỗ trợ từ hai trong số ít đồng minh nước ngoài còn lại của chính phủ Ðài Loan và thắt chặt quan hệ không chính thức với Hoa Kỳ, hai bước quan trọng để chống lại áp lực gia tăng từ phía Trung Quốc.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ khởi hành vào ngày Chủ nhật để đi Paraguay, đồng minh duy nhất của Đài Loan ở Nam Mỹ, và quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé Belize. Bà dự kiến sẽ dừng chân ở các thành phố phía tây của Hoa Kỳ là Los Angeles và Houston để tham dự các sự kiện mà một số người dự đoán là nhằm cho thấy sức mạnh của quan hệ Đài Loan-Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã lên án việc dừng chân này vì xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, chứ không phải là một quốc gia được phép ngoại giao với Washington, vốn có quan hệ chính thức với Bắc Kinh. Các quan chức Cộng sản ở Bắc Kinh đã cắt đi các mối quan hệ Đài Loan với các nước kể từ khi bà Thái nhậm chức vào năm 2016. Họ phẫn nộ với bà vì quan điểm không xem chính phủ của bà và Trung Quốc là “cùng chung trong một nước”.

Tổng thống Đài Loan cần duy trì quan hệ tốt với Belize và Paraguay, hai trong số 18 đồng minh chính thức còn lại, và duy trì đà phát triển gần đây trong quan hệ Đài Loan và Mỹ, theo nhận định của các chuyên gia.

Denny Roy, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đông Tây, một tổ chức nghiên cứu ở Honolulu, nói: “Đơn giản thực hiện chuyến đi là đã thành công rồi, vì điều đó có nghĩa là Washington sẵn sàng chấp nhận một thiệt hại nhỏ trong quan hệ với Trung Quốc vì Đài Loan”.

Dừng chân ở Mỹ

Hoa Kỳ là đồng minh không chính thức mạnh nhất và là nhà cung cấp vũ khí cho Đài Loan.

Trong vòng nửa năm qua, mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển mạnh với bước đầu hướng tới việc bán công nghệ tàu ngầm của Mỹ cho Đài Loan và Luật Du lịch Đài Loan của Quốc hội Hoa Kỳ khuyến khích có nhiều chuyến thăm cấp cao hơn.

Trong khi đó, tranh chấp thương mại đang làm căng thẳng mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Những tranh chấp này đang làm cho chính phủ Mỹ có nhiều khả năng sẽ làm ngơ phản đối của Trung Quốc đối với việc dừng chân của các nhà lãnh đạo Đài Loan.

“Vấn đề của Bắc Kinh đối với sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan luôn được khuếch đại vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đi xuống bất thường, chẳng hạn như lúc này”, chuyên gia Roy nói.

Bà Thái Anh Văn có thể sẽ muốn “lộ diện nhiều hơn” trong chuyến đi này so với năm 2017, theo đánh giá của phó hiệu trưởng Huang Kwei-bo của trường quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc.

Không rõ bà Thái sẽ gặp ai ở Hoa Kỳ, nhưng bất kỳ mối liên hệ nào với chính phủ của Tổng thống Donald Trump đều sẽ làm tăng sự phẫn nộ của Bắc Kinh.

“Không thể loại trừ khả năng Washington sẽ gửi một số quan chức đến gặp bà ấy, nhưng không nhất thiết sẽ được công bố”, ông Huang nói.

Bà Thái Anh Văn từng gặp Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và Thống đốc Greg Abbott trong lần dừng chân năm 2017.

Dân chúng Đài Loan mong muốn các tổng thống của họ cải thiện mối quan hệ với các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là với Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đảng của bà Thái hiện đang vận động giành phiếu trong các cuộc bầu cử cấp thành phố và cấp quận được ấn định vào tháng 11.

Đồng minh Mỹ Latinh

Tại Paraguay từ ngày 14-16/8, bà Thái sẽ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mario Abdo Benitez, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết. Bà Thái cũng đã đến thăm Paraguay vào năm 2016 và tiếp đón lãnh đạo quốc gia vào năm 2017.

“Đài Loan hiện có rất nhiều bạn bè thực sự trên thế giới nhưng không có nhiều đồng minh về ngoại giao”, nhà lập pháp của đảng cầm quyền Lee Chun-yi nói. “Paraguay là đồng minh duy nhất ở Nam Mỹ, vì vậy để chúng tôi dành nhiều thời gian hơn, để tổng thống đến dự lễ nhậm chức, tôi nghĩ là điều có ý nghĩa nhất định”.

Tìm kiếm đồng minh nước ngoài chính thức là một cách để Đài Loan chống lại Trung Quốc, đặc biệt là ở Liên Hiệp Quốc, nơi Bắc Kinh đã chặn đứng việc tham gia của Đài Loan. Bốn đồng minh đã bỏ Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nhậm chức. Bộ ngoại giao ở Đài Bắc nói Trung Quốc đã lôi kéo họ “thay lòng đổi dạ”.

Trung Quốc và Đài Loan được cai trị riêng kể từ cuộc nội chiến Trung Quốc vào những năm 1940. Bắc Kinh tuyên bố đảo tự trị Đài Loan là một phần của lãnh thổ ngày nay của mình, không phải là một quốc gia riêng biệt.

Bà Thái Anh Văn có thể sẽ viện trợ sinh lợi cho lãnh đạo mới của Paraguay để không “thay lòng đổi dạ”, chuyên gia Huang nói.

“Bà Thái Anh Văn sẽ tặng quà ở đó”, ông Huang nói. “Những món quà dưới hình thức viện trợ nước ngoài. Bởi vì quan hệ Trung-Đài tệ đi, và Bắc Kinh lại đang phá hoại chính sách ngoại giao của Đài Loan mạnh hơn, nên bà Thái Anh Văn cần trao những món quà lớn hơn”.

Bà Thái cũng sẽ dừng chân ở Belize, một đồng minh ở Trung Mỹ mà Panama đã cắt đứt quan hệ vào năm 2017, khiến nhiều người dân Đài Loan nổi giận. Trong thời gian lưu lại đây từ ngày 16 đến ngày 18/8, bà sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội và chủ trì một buổi lễ trao giải cho những người nhận chương trình học bổng Đài Loan.

https://www.voatiengviet.com/a/giua-cang-thang-trung-my-tt-dai-loan-di-tim-ung-ho-o-chau-my/4523144.html

 

Úc tước quốc tịch 5 người bị cáo buộc khủng bố

Úc tước quốc tịch của 5 người song tịch vì có liên hệ đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi Giáo.

Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton loan báo quyết định vào ngày thứ Năm 9/8 tại Canberra, nhưng không cung cấp lý lịch của 5 cựu công dân Úc này. Các hãng tin Úc nói những người này trong độ tuổi 20 và 30 và đã chiến đấu bên cạnh Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria.

Úc trong những năm gần đây đã tu chính luật quốc tịch vì quan ngại về những công dân Úc trở về sau khi chiến đấu ở nước ngoài cùng với những tổ chức khủng bố.

Người song tịch đầu tiên bị tước quốc tịch Úc là Khaled Sharrouf. Sharrouf rời Úc đến Syria vào năm 2013. Sharrouf có quốc tịch Libăng, người gây sốc cho thế giới vào năm 2014 khi đưa lên truyền thông xã hội bức ảnh đứa con trai nhỏ tuổi cầm cái đầu bị cắt rời của một binh sĩ Syria.

https://www.voatiengviet.com/a/%C3%BAc-t%C6%B0%E1%BB%9Bc-qu%E1%BB%91c-t%E1%BB%8Bch-5-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-b%E1%BB%8B-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-/4522051.html

 

Rohingya : Miến Điện từ chối hợp tác

với Tòa Án Hình Sự Quốc Tế

Thanh Hà

Trong thông cáo ngày 09/08/2018, văn phòng của bà Aung San Suu Kyi khẳng định Tòa Án Hình Sự Quốc Tế CPI tại La Haye không đủ thẩm quyền thụ lý hồ sơ khủng hoảng Rohingya. Bạo động đã bùng lên vào tháng 8/2017 khiến 700.000 người Hồi giáo sinh sống tại bang Arakan phải sang Bangladesh lánh nạn.

Thông tín viên đài RFI Eliza Hunt từ Rangun tường trình :

“Trong một tài liệu gồm 5 trang, Miến Điện biện minh về quyết định từ chối hợp tác với Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Naypyidaw tố cáo định chế Tư Pháp này thiếu minh bạch và đe dọa chủ quyền quốc gia của Miến Điện. Theo quan điểm chính quyền nước này, việc cho mở điều tra về những tội ác nhắm vào người Rohingya sẽ là một mối nguy hiểm chưa từng thấy. Bởi vì, theo Naypyidaw, cuộc điều tra đó chứng minh rằng, những cáo buộc mang tính dân túy, dưới sức ép của các tổ chức phi chính phủ, có thể dẫn tới những cuộc điều tra.

Miến Điện đưa ra thông điệp rất rõ ràng : chỉ có quốc gia này mới đầy đủ thẩm quyền để điều tra về những gì đã diễn ra ở bang Arakan, nơi người Rohingya bị bạo hành. Miến Điện không chấp nhận một sự can thiệp nào của quốc tế.

Mới chỉ vài tháng trước, Naypyidaw đã chấp nhập thành lập một ủy ban điều tra hỗn hợp, với sự tham gia của hai nhà ngoại giao nước ngoài. Cách nay hai tháng, cũng Miến Điện đã ký kết một thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc về hồ sơ người Rohingya, nhưng thỏa thuận này vẫn chưa được thực thi. Liên Hiệp Quốc trong tuần đã chỉ trích sự chậm trễ đó và kêu gọi chính quyền Miến Điện tôn trọng những điều đã cam kết. Liên Hiệp Quốc yêu cầu được đến hiện trường và đòi Miến Điện bãi bỏ lệnh giới hạn tự do đi lại của người Rohingya, một thiểu số theo đạo Hồi”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180810-rohingya-mien-dien-tu-choi-hop-tac-voi-toa-an-hinh-su-quoc-te