Nhóm G7 lên tiếng về Biển Đông
Vấn đề tranh chấp ở Biển Ðông giữa Việt Nam cùng với Phi và Trung Quốc -TQ- đang trở thành vấn đề lưu tâm của quốc tế vì nó liên quan đến 50% khối lượng vận chuyển hàng hải quốc tế .
13:14 GMT – thứ Năm, 5 tháng 6, 2014
Các lãnh đạo nhóm G7 trong hội nghị ngày 4/6
Lãnh đạo nhóm bảy nước công nghiệp (G7) phát triển bày tỏ quan ngại về căng thẳng trên biển, trong lúc báo Đảng của Trung Quốc đả kích chính sách của Nhật tại G7.
Tuyên bố chung của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Ý, Canada, Anh quốc được đưa ra sau hội nghị tại Brussels tối ngày 4/6.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông”, Bấm tuyên bố đăng tải trên trang web của Nhà Trắng viết
Các lãnh đạo G7 tái khẳng định lập trường “chống lại bất kỳ hành động đơn phương của bất cứ bên nào nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc chủ quyền trên biển bằng biện pháp hăm dọa, gây hấn hoặc vũ lực”.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên làm rõ và theo đuổi tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế.”
“Chúng tôi ủng hộ quyền tìm kiếm giải pháp để giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa, phù hợp với luật pháp quốc tế của các bên yêu sách, trong đó có cả thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hợp pháp”.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và vùng trời, cũng như công tác quản lý lưu thông hàng không dân sự dựa trên luật pháp quốc tế và các quy tắc và chuẩn mực của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế”.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố xác lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, động thái bắt gặp phải sự phản đối từ Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện quốc phòng Úc, cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 để đi đến thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Báo Trung Quốc nói tuyên bố của G7 cũng là lời cảnh báo với Nhật Bản
Đả kích Nhật
Tối ngày 4/6, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết qua hội nghị lần này, các nước G7 đã “nhận thức được” quan ngại của Nhật Bản về căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, hãng thông tấn Reuters đưa tin.
Ngày 5/6, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, khi bình luận về tuyên bố của G7, nói rằng “các nước ngoài khu vực cần tôn trọng sự thật khách quan, giữ thái độ công bằng”.
“Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp lại hành động khiêu khích của một số ít nước cố ý xâm phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc,” ông Hồng tuyên bố.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 5/6 có đăng tải một bài xã luận với tựa “Ước mơ chống đối Trung Quốc của Abe bị vạch trần ở hội nghị G7”.
Bài viết cho rằng nhóm G7 đã không đứng về phía Nhật trong vấn đề Biển Hoa Đông và gọi đây là “cú đánh vào nỗ lực của giới chức và truyền thông Nhật Bản nhằm truyền bá tư tưởng chống Trung Quốc trước thềm hội nghị”.
Cũng theo bài xã luận, tuyên bố chung của G7 đã “không nhắc tên của bất kỳ nước cụ thể nào” và cho rằng tuyên bố này “có thể là lời cảnh báo đối với một Nhật Bản đang theo hướng thiên hữu”.
Nhân dân Nhật báo cũng nhắc lại rằng các thành viên G7, đặc biệt là Đức, Pháp, Anh, có “quan hệ song phương đặc biệt với Trung Quốc, khiến các nước này không thể đứng ra đỡ đạn cho Nhật”.
Bài viết cảnh báo các nước G7 nếu muốn tốt cho châu Á thì nên “cẩn thận trước tham vọng dân tộc chủ nghĩa của Nhật Bản và tìm cách kiềm chế chính sách phiêu lưu mạo hiểm của nước này”.
Ông Hồng Lỗi lặp lại lập trường không tham gia vào vụ kiện của Philippines
Không ra tòa
Trong một diễn biến liên quan, Bắc Kinh ngày 4/6 đã tuyên bố bác bỏ đề nghị của tòa trọng tài về việc nộp hồ sơ biện hộ trước đơn kiện của Philippines liên quan đến tranh chấp trên vùng biển gần quần đảo Trường Sa.
Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hague, Hà Lan, cho Trung Quốc hạn đến 15/12 để hồi đáp bộ hồ sơ của Philippines.
Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại nước này không có dự định tham gia vụ kiện.
Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố hôm thứ Tư: “Lập trường của Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện của Philippines, không thay đổi.”
Thông báo của tòa án ở Hague nói họ yêu cầu Trung Quốc hồi đáp nhắm bảo đảm “mỗi bên đều có đầy đủ cơ hội để được nghe và trình bày”.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc xem lại quyết định không tham gia.”
“Chúng tôi cũng muốn nhắc lại rằng việc nhờ trọng tài phân xử là cơ chế giải quyết thân thiện, cởi mở và hòa bình.”
Philippines khởi kiện từ năm 2013 dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Bộ hồ sơ khoảng 4.000 trang của Manila được gửi cho tòa nhằm khởi kiện “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế vì tranh chấp biển đảo.
Nói với hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Dũng cho biết: “Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này.”