‘VN không tham gia nhưng ủng hộ chiến lược Ấn Độ-TBD’
BBC
-
9 tháng 8 2018
Một chuyên gia từ Hà Nội nói với BBC rằng Việt Nam “không tham gia” nhưng “sẽ ủng hộ” Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” do Mỹ khởi xướng.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu tháng 8/2018, trả lời câu hỏi về việc tham gia sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Hòa bình, ổn định họp tác và phát triển trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia.”
“Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến cũng như nỗ lực liên kết và kết nối ở khu vực góp phần vào mục tiêu này.”
“Việc tham gia phải đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích quốc gia.”
‘Có lợi cho Việt Nam’
Hôm 8/8, trả lời BBC, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội bình luận: “Tôi cho rằng với chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam, chắc chắn Việt Nam sẽ không tham gia Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.”
“Tuy nhiên, có thể thấy với đường lối đối ngoại là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, tất cả các hành động tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, đặc biệt trên Biển Đông, đều phù hợp và rất có lợi cho Việt Nam.”
“Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là nhằm mục đích tăng cường luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh hàng hải, hàng không và phát triển kinh tế, nhất là nền kinh tế Biển xanh, cho tất cả các quốc gia tham gia. Như vậy, chiến lược này tuân thủ luật pháp quốc tế và tôi tin rằng Việt Nam sẽ ủng hộ nó.”
Ông Vũ Thanh Ca cũng cho biết thêm: “Trong cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Khu vực Asean gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông để phòng vệ, chống các mối đe dọa từ ngoài khu vực.”
“Theo tôi, cách nói này của Trung Quốc là rất vô trách nhiệm. Theo nguyên tắc tự do biển cả, tất cả các nước trên thế giới đều có nhiều quyền, đặc biệt là quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng biển đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.”
“Thậm chí, trong lãnh hải của các quốc gia ven biển, tàu thuyền của tất cả các nước đều có quyền đi qua vô hại. Đấy là chưa kể nếu các quốc gia xung quanh Biển Đông phân định biển tuân theo Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế thì ở giữa Biển Đông sẽ có một vùng biển cả mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều có các quyền đối với tài nguyên.”
“Như vậy, không được phép phân biệt một cách hàm hồ thành “các quốc gia trong khu vực” và “các quốc gia ngoài khu vực”. Trung Quốc biết rằng họ không đủ sức mạnh để đương đầu với cả thế giới nên họ tìm cách “chia để trị”, tìm cách đẩy các cường quốc ra khỏi khu vực Biển Đông để họ tự do hành động bắt nạt các nước trong khu vực.”
“Với hiện trạng hiểu biết luật pháp quốc tế của thế giới ngày nay, Trung Quốc không thể che giấu mưu đồ của họ với những phát biểu hàm hồ như vậy, và chắc chắn rằng những hành động vi phạm luật pháp quốc tế chỉ làm giảm uy tín, gây khó khăn cho việc thừa nhận những nỗ trở thành một nước lớn của Trung Quốc,” ông Thanh Ca nói với BBC.
Cùng thời điểm, nhà báo độc lập Emanuele Scimia được tờ South China Morning Post dẫn lời: “Dù đã có những tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và các nước Asean, Mỹ sẽ khó có ảnh hưởng đến khu vực này.”
“Tuy nhiên, để đi đến bộ quy tắc cuối cùng còn một chặng đường dài.”
“Do Trung Quốc đang phải chống chọi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ nên để giảm căng thẳng trên Biển Đông với các nước láng giềng, Bắc Kinh có thể đẩy nhanh việc ký kết hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, nhằm giảm bớt nguy cơ bị Hoa Kỳ cô lập.”
Tháng trước, trong chuyến thăm Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Hoa Kỳ và Việt Nam “cần chung tay duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông”.
Đến nay, Bắc Kinh luôn chỉ trích các hoạt động tuần tra của chiến hạm Mỹ trong khu vực.
Trong một diễn biến khác, dự kiến từ tháng 9/2018, Nhật sẽ điều tàu chở trực thăng tới Biển Đông trong hải trình dài hai tháng.
Động thái của Nhật thể hiện việc Tokyo chia sẻ mối quan ngại với Mỹ về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông, theo Reuters.
“Đây là một phần nỗ lực của Nhật để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do”, hãng tin dẫn lời giới chức Nhật.
Hồi tháng 5/2018, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ được đổi tên là Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.