Tin Biển Đông – 09/08/2018
Tập đoàn nhà nước TQ
‘đóng vai trò lớn’ ở Biển Đông
Các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng lớn nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, và có thể sẽ củng cố vị trí thống trị của mình trong những năm tới, theo nội dung một nghiên cứu.
Nghiên cứu của học giả Xue Gong được Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore công bố cho thấy sự tham gia của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch cũng như dầu khí và khí đốt tại một số khu vực tranh chấp với nhiều nước.
Reuters dẫn lời một số chuyên gia và các nhà ngoại giao trong khu vực nhận định rằng sự hiện diện về thương mại có thể làm phức tạp thêm bất kỳ một giải pháp mang tính khu vực nào trong tương lai nếu Bắc Kinh bảo vệ về mặt chính trị và quân sự đối với các công ty mà họ khuyến khích tham gia ở Biển Đông.
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại ISEAS, nói rằng “Bắc Kinh đang khuyến khích các công ty đóng vai trò lớn ở Biển Đông”.
Hãng tin này cũng nói rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi ngay trước đề nghị phỏng vấn.
Trong khi chỉ ra khó khăn tiếp cận thông tin về tài chính, nghiên cứu cho rằng việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông tiêu tốn nhiều tỷ đôla.
Nghiên cứu dẫn các ước tính của truyền thông nhà nước cho biết rằng chỉ riêng việc xây đảo Chữ Thập, nơi hiện có đường băng dài 3 km và các cơ sở quân sự, đã tiêu tốn khoảng 11 tỷ đôla.
Kể từ khi tuyến đường biển tới Hoàng Sa được khai trương, theo Reuters, hơn 70 nghìn du khách đã đến quần đảo này.
Trong khi đó, khoảng 680 chuyến bay thương mại đã đáp xuống đường băng mở rộng ở Đảo Phú Lâm.
Đô đốc Mỹ khẳng định ‘kiên định’
chống TQ hung hăng trên Biển Đông
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho VOA, Tư lệnh Hải quân Mỹ-Đô đốc John Richardson khẳng định phản ứng “kiên định” của Hoa Kỳ đối với những hành động gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đô đốc John Richardson nói hoạt động của hải quân Hoa Kỳ “giữ nguyên mức độ” trên Biển Đông trong khoảng 70 năm qua.
“Không tăng quá nhiều hay giảm quá nhiều. Hoạt động của chúng tôi khá ổn định”, Tư lệnh Hải quân Mỹ nói.
Trung Quốc và Hoa Kỳ bất đồng mạnh về vấn đề chủ quyền trên tuyến thủy lộ quốc tế quan trọng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn trong khu vực, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác. Bắc Kinh cũng đã xây hàng trăm héc-ta đảo nhân tạo để củng cố yêu sách chủ quyền.
Trong khi đó, Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông để phản đối tuyên bố của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc đi lại tự do qua vùng biển quốc tế vốn là tuyến lưu thông của một nửa trọng tải vận chuyển trên thế giới, trị giá hàng nghìn tỷ đôla mỗi năm.
Đô đốc Richardson nói Hải quân Hoa Kỳ ủng hộ các quy tắc và chuẩn mực “thúc đẩy sự trỗi dậy của các nền kinh tế châu Á”.
“Chúng tôi sẽ luôn ở đó”, Đô đốc Richardson nói với VOA. “Và chúng tôi sẵn sàng bênh vực cho những ai bị ảnh hưởng trong phạm vi tranh chấp, nếu cần”.
‘VN không tham gia
nhưng ủng hộ chiến lược Ấn Độ-TBD’
Một chuyên gia từ Hà Nội nói với BBC rằng Việt Nam “không tham gia” nhưng “sẽ ủng hộ” Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” do Mỹ khởi xướng.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu tháng 8/2018, trả lời câu hỏi về việc tham gia sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Hòa bình, ổn định họp tác và phát triển trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia.”
“Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến cũng như nỗ lực liên kết và kết nối ở khu vực góp phần vào mục tiêu này.”
“Việc tham gia phải đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích quốc gia.”
Việc VN mua vũ khí Mỹ ‘mang tính chất phòng thủ’
‘TQ sẽ công bằng về vấn đề Biển Đông’
Rosneft ngại TQ khi khai thác ở Biển Đông
‘Có lợi cho Việt Nam’
Hôm 8/8, trả lời BBC, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội bình luận: “Tôi cho rằng với chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam, chắc chắn Việt Nam sẽ không tham gia Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.”
“Tuy nhiên, có thể thấy với đường lối đối ngoại là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, tất cả các hành động tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, đặc biệt trên Biển Đông, đều phù hợp và rất có lợi cho Việt Nam.”
Trung Quốc biết rằng họ không đủ sức mạnh để đương đầu với cả thế giới nên họ tìm cách “chia để trị”.PGS.TS Vũ Thanh Ca
“Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là nhằm mục đích tăng cường luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh hàng hải, hàng không và phát triển kinh tế, nhất là nền kinh tế Biển xanh, cho tất cả các quốc gia tham gia. Như vậy, chiến lược này tuân thủ luật pháp quốc tế và tôi tin rằng Việt Nam sẽ ủng hộ nó.”
Ông Vũ Thanh Ca cũng cho biết thêm: “Trong cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Khu vực Asean gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông để phòng vệ, chống các mối đe dọa từ ngoài khu vực.”
“Theo tôi, cách nói này của Trung Quốc là rất vô trách nhiệm. Theo nguyên tắc tự do biển cả, tất cả các nước trên thế giới đều có nhiều quyền, đặc biệt là quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng biển đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.”
“Thậm chí, trong lãnh hải của các quốc gia ven biển, tàu thuyền của tất cả các nước đều có quyền đi qua vô hại. Đấy là chưa kể nếu các quốc gia xung quanh Biển Đông phân định biển tuân theo Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế thì ở giữa Biển Đông sẽ có một vùng biển cả mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều có các quyền đối với tài nguyên.”
Báo Singapore: Asean sắp thảo luận về COC
Hoa Kỳ đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương
Trump nói ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương’ có nghĩa gì?
Phi cơ ném bom TQ hạ cánh xuống Biển Đông
Việt Nam ‘bỏ Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông
Mua vũ khí: Việt Nam là khách hàng lớn của ai?
“Như vậy, không được phép phân biệt một cách hàm hồ thành “các quốc gia trong khu vực” và “các quốc gia ngoài khu vực”. Trung Quốc biết rằng họ không đủ sức mạnh để đương đầu với cả thế giới nên họ tìm cách “chia để trị”, tìm cách đẩy các cường quốc ra khỏi khu vực Biển Đông để họ tự do hành động bắt nạt các nước trong khu vực.”
“Với hiện trạng hiểu biết luật pháp quốc tế của thế giới ngày nay, Trung Quốc không thể che giấu mưu đồ của họ với những phát biểu hàm hồ như vậy, và chắc chắn rằng những hành động vi phạm luật pháp quốc tế chỉ làm giảm uy tín, gây khó khăn cho việc thừa nhận những nỗ trở thành một nước lớn của Trung Quốc,” ông Thanh Ca nói với BBC.
Cùng thời điểm, nhà báo độc lập Emanuele Scimia được tờ South China Morning Post dẫn lời: “Dù đã có những tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và các nước Asean, Mỹ sẽ khó có ảnh hưởng đến khu vực này.”
“Tuy nhiên, để đi đến bộ quy tắc cuối cùng còn một chặng đường dài.”
“Do Trung Quốc đang phải chống chọi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ nên để giảm căng thẳng trên Biển Đông với các nước láng giềng, Bắc Kinh có thể đẩy nhanh việc ký kết hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, nhằm giảm bớt nguy cơ bị Hoa Kỳ cô lập.”
Tháng trước, trong chuyến thăm Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Hoa Kỳ và Việt Nam “cần chung tay duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông”.
Đến nay, Bắc Kinh luôn chỉ trích các hoạt động tuần tra của chiến hạm Mỹ trong khu vực.
Trong một diễn biến khác, dự kiến từ tháng 9/2018, Nhật sẽ điều tàu chở trực thăng tới Biển Đông trong hải trình dài hai tháng.
Động thái của Nhật thể hiện việc Tokyo chia sẻ mối quan ngại với Mỹ về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông, theo Reuters.
“Đây là một phần nỗ lực của Nhật để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do”, hãng tin dẫn lời giới chức Nhật.
Hồi tháng 5/2018, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ được đổi tên là Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.