Chủ trương phòng thủ Nam Việt Nam của Hoa Kỳ
Trần Gia Phụng (Danlambao) – Trong cuộc chiến từ 1954 đến 1975, chính sách của Hoa Kỳ về Việt Nam thay đổi tùy hoàn cảnh, tủy quyền lợi và tùy sự chọn lựa của dân chúng Hoa Kỳ qua các đời tổng thống khác nhau, nhưng suốt trong cuộc chiến, quân đội Hoa Kỳ theo một chủ trương không thay đổi, là chỉ phòng thủ Nam Việt Nam (NVN), không đưa bộ binh tiến đánh Bắc Việt Nam (BVN), ngoại trừ việc gởi phi cơ tấn công các căn cứ quân sự BVN.
Chủ trương phòng thủ Nam Việt Nam
Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hoa Kỳ áp dụng chiến lược tấn công Bắc Triều Tiên để phòng thủ Nam Triều Tiên, tức lấy công làm thủ. Khi can thiệp vào Việt Nam, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi chiến tranh Triều Tiên. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, Cambridge University Press, 2006, tr. 306.) Vì vậy, lần nầy Hoa Kỳ chủ trương giúp Nam Việt Nam (NVN) phòng thủ tại chỗ, chứ Hoa Kỳ không dùng bộ binh tấn công BVN, tránh khiêu khích Trung Cộng, nghĩa là Hoa Kỳ không đánh bắc thủ nam như ở Triều Tiên.
Phòng thủ một vùng đất rộng lớn nhiều rừng núi như NVN rất khó khăn, nhứt là để đối phó với chiến tranh du kích. Du kích là lối đánh quy mô nhỏ, không sắp thành trận tuyến, di động nhanh chóng, bất ngờ đánh nơi nầy, phá nơi khác, không theo quy ước nhất định, trà trộn trong quần chúng và dựa vào quần chúng để được che chở. Du kích cộng sản (CS) hoạt động khắp nước, núp trong bóng tối, khi ẩn khi hiện, nên khó có đối sách hữu hiệu tiêu diệt du kích. Muốn chống du kích là phải chận đứng nguồn tiếp tế cho du kích. Cần chú ý thêm, một dân quân du kích CS không cần huấn luyện chính quy dài ngày, không cần quân trang, quân dụng, quân phục, võ khí đầy đủ theo kiểu hiện đại.
Nguồn tiếp tế võ khí cho du kích CS ở NVN đến từ hậu cứ của CS là BVN. Nếu không đánh BVN, thì nguồn võ khí từ BVN cứ liên tục chuyển mãi vào NVN cho du kích CS ở khắp NVN qua nhiều đường như đường Trường Sơn, đường Lào, đường Cambodia, đường biển. Vì vậy không thể nào tiêu diệt được du kích CS trên toàn cõi NVN nếu không chận đường tiếp tế võ khí từ BVN.
Đô đốc Ulysses Simpson Grant Sharp, tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (từ 1964 đến1968) đã tiết lộ: “Chính phủ chúng ta [Hoa Kỳ] lập lại rõ ràng nhiều lần rằng các mục tiêu tranh chấp ở Việt Nam rất giới hạn. Chúng ta không được tiêu diệt chế độ Hà Nội, không cưỡng ép dân chúng Bắc Việt Nam phải thay đổi nhà cầm quyền, và không tàn phá Bắc Việt Nam. Chúng ta chỉ đơn giản muốn Bắc Việt Nam ngừng điều khiển và yểm trợ Việt cộng nổi dậy ở trong Nam và đưa lực lượng Bắc Việt Nam trở ra Bắc. Chiến lược điều khiển chiến tranh của chúng ta phản ảnh những mục tiêu giới hạn trên đây.” Nguyên văn: “Our Government has repeatedly made it clear that our objectives in the Vietnam conflict are limited. We are not out to destroy the Hanoi regime, or to compel the people of North Vietnam to adopt another form of government, nor are we out to devastate North Vietnam. We simply want North Vietnam to cease its direction and support of the Vietcong insurgency in the South and take its forces home. Our strategy for the conduct of the war reflects these limited objectives.” (William D. Pawley & Richard R. Tryon, Jr., Why the Communists are Winning as of 1976 and How They Lost in 1990, http://www.gratisbooks.com/.)
Đáng chú ý là ngày 30-4-1964, ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk nhờ J. Blair Seaborn, trưởng đoàn đại diện Canada trong Ủy ban Kiểm soát Quốc tế (International Control Commission), báo cho Hà Nội biết chủ trương trên đây của Hoa Kỳ và đề nghị Hà Nội ngưng ủng hộ CS miền Nam để đổi lấy viện trợ kinh tế. Seaborn trình bày lại cho Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN ngày 18-6-1964, nhưng BVN không chấp nhận. (John S. Bowman (tổng biên tập), The Vietnam War, Day by Day, New York: Maillard Press, 1989, tr. 37. Mark Moyar, sđd. tr. 307.)
Quy tắc tham chiến
Do chiến lược phòng thủ NVN, Hoa Kỳ chủ trương chiến tranh giới hạn (limited war), không dùng bộ binh tấn công BVN, tránh sự can thiệp của Trung Cộng như vụ Triều Tiên. Chính phủ Hoa Kỳ còn buộc quân đội của mình phải tuân thủ những quy tắc tham chiến (rules of engagement) tức những quy tắc ứng xử khi lâm chiến, như một thứ cẩm nang chiến tranh. Những quy tắc tham chiến nhắm hai mục đích chính: 1) Giới hạn sự hủy hoại tài sản và thương vong của những người không ở vị trí chiến đấu. 2) Đặc biệt trong những cuộc chiến không có giới tuyến rõ ràng như ở Việt Nam, tránh bắn hay tấn công lầm vào các đơn vị bạn. (Spencer C. Tucker, Editor, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, Volume two, Santa Barbara, California: ABC-CLIO, 1998, tt. 625-626.)
Riêng tại Việt Nam, những quy tắc tham chiến còn nhằm ngăn ngừa và giới hạn những ngẫu biến có thể làm bùng nổ những tranh chấp bất ngờ ở vùng biên giới Hoa Việt hay vùng phi quân sự (vĩ tuyến 17), nhất là do những hoạt động của Không quân. (Spencer C. Tucker, sđd, tt. 625-626.)
Những quy tắc nầy do bộ Quốc phòng soạn thảo, thêm bớt tùy hoàn cảnh và giai đoạn, quy định những hạn chế phức tạp mà quân đội Hoa Kỳ phải tuân hành ở các nước Đông Dương.(J. Terry Emerson, How Rules of Engagemnet Lost Vietnam War, Human Events, Vol. 45, No. 20, May 18, 1985.)
Những quy tắc tham chiến được đề cập trong hồ sơ của quốc hội Hoa Kỳ, ghi lại những phát biểu của thượng nghị sĩ Barry Goldwater, đảng Cộng Hòa, tiểu bang Arizona, nhiệm kỳ 1953-1965 và 1969-1987, ứng cử viên tổng thống, đại diện đảng Cộng Hòa năm 1964, đặc biệt những phát biểu của Goldwater năm 1985, trong Congressional Record-Senate, nhiều số liên tiếp. (Heinonline, Citation: 131 Cong.Res; http://heinonline.org)
Lúc đầu (thời tổng thống Kennedy), trước năm 1965, những Quy tắc tham chiến giới hạn các cuộc tấn công của máy bay Hoa Kỳ như phi công Hoa Kỳ không được phép dội bom các dàn hỏa tiễn Sam do Liên Xô chế tạo đang được xây dựng, và chỉ có thể tấn công khi các dàn hỏa tiễn nầy hoạt động. Phi công và lực lượng trên bộ không được phép phá hủy các phi cơ CS đang đậu trên mặt đất mà chỉ được phép tấn công các phi cơ có võ trang và nguy hiểm trên không.
Quân đội Hoa Kỳ chỉ được tấn công những xe vận tải CS khi đang di chuyển trên đường lộ, nhưng không được tấn công những bãi đậu xe ở cách xa lộ 200 yards (khoảng 182 mét). Phi công Hoa Kỳ phải lơ qua đối với tàu bè đang trên đường tới cảng Hải Phòng dầu những chiếc tàu nầy chuyên chở võ khí có thể được dùng để giết quân đội Hoa Kỳ. (http://centerformoralliberalism.wordpress.com/2009/11/11/why-we-lost-in-vietnam-the-untold-story/ <http://centerformoralliberalism.wordpress.com/%202009/11/11/why-we-lost-in-vietnam-the-untold-story/> Steve Farrell, “Why we lost in Vietnam – The Untold Story”, The Moral Liberal, November 11, 1989.)
Về sau, qua thời tổng thống Lyndon B. Johnson, khi chiến dịch Rolling Thunder bắt đầu oanh tạc BVN, phi công Hoa Kỳ được nới rộng phần nào từ ngày 21-8-1965. Khác với trước đây, từ ngày nầy, phi công Hoa Kỳ được phá hủy những dàn hỏa tiễn Liên Xô mà phi công thấy được trong các chuyến bay không kích BVN. Điều nầy có thể gây thương vong cho quân nhân Liên Xô. (John S. Bowman, sđd. tr. 93.
Ai vi phạm quy tắc tham chiến sẽ bị trừng phạt tùy theo mức độ. Ví dụ đại tướng John Daniel Lavelle, chỉ huy Không lực Hoa Kỳ tại Việt Nam, bị cất chức tháng 3-1972, hạ hai cấp và về hưu vì ông đã ra lệnh oanh kích những mục tiêu giới hạn, không được quyền oanh kích. (John S. Bowman, sđd. tr.198.) Những quy tắc tham chiến hạn chế các mục tiêu tấn công và hạn chế nhiều nhất các hoạt động của không lực Hoa Kỳ, giới hạn việc oanh kích, tránh xa vùng biên giới Hoa Việt.
Trong chiến tranh hiện đại, quan trọng nhất ở chiến trường là hỏa lực yểm trợ. Quân đội CS dựa trên hỏa lực yểm trợ của xe tăng, thiết giáp. Quân đội Hoa Kỳ dựa trên hỏa lực yểm trợ của không quân. Các quân chủng Hoa Kỳ đều có riêng những phi đội chiến đấu hay oanh tạc. (Ngoài Không quân, Bộ Binh và Hải quân đều có phi cơ.
Quy tắc tham chiến giới hạn hoạt động của phi cơ, sẽ giới hạn toàn bộ hỏa lực yểm trợ, làm giảm sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ. Tác giả Steve Farrell, trong sách Why We Lost in Vietnam – The Untold Story, cho rằng “These rules insured that we could not win and that the communists could not lose.” (Tạm dịch: “Những quy tắc nầy bảo đảm rằng quân đội chúng ta [Hoa Kỳ] không thể thắng mà cộng sản không thể thua.” (Steve Farrell, Why We Lost in Vietnam – The Untold Story, University of Toronto, School of Continuimg Studies, The Moral Liberal.)
Barry Goldwater, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa bang Arizona, gọi đây là “no win policy” (chính sách không thắng). (The Bryan Times, Thursday April 17, 1975, tr. 6. http://news.google.com/newspapers.)
Hoa Kỳ ngăn chận chủ trương Bắc tiến
Đánh rắn phải đánh đầu. Bứng cây phải đào tận gốc. Muốn dẹp du kích CS tại NVN, thì phải tấn công sào huyệt của du kích ở BVN, chận đứng hậu phương của CS, chận đứng nguồn tiếp tế võ khí liên tục của CS, và buộc BVN từ bỏ cuộc tấn công NVN. Nếu không đánh BVN, CS ở NVN liên tục được tiếp liệu về võ khí, kinh tế và cả cán bộ, bộ đội, và nhờ thế CS cứ tiếp tục chiến tranh du kích không ngừng nghỉ, hết chỗ nầy đến chỗ khác.
Các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thấy rõ điều nầy và nhiều lần đề nghị Bắc tiến, đánh ra phía bắc vĩ tuyến 17, lấy thế công làm thế thủ, buộc CSVN phải lui về phòng ngự đất Bắc, ngưng hoặc giảm tiếp liệu cho du kích miền Nam, hoặc dựa vào đó để thương thuyết với CS, buộc CSBVN chấm dứt tiếp tế du kích miền Nam, như liên quân LHQ đã làm ở Triều Tiên.
Tuy nhiên Hoa Kỳ chủ trương chiến tranh giới hạn, không chấp nhận kế hoạch Bắc tiến, không viện trợ phương tiện cho các kế hoạch Bắc tiến và chận đứng ngay các kế hoạch Bắc tiến của quân đội VNCH. Sau đây có thể kể vài ví dụ:
Ngày 4-5-1964, trung tướng Nguyễn Khánh đề nghị với đại sứ Cabot Lodge mở rộng chiến tranh ra Bắc. (Vietnam Task Force – Office of the Secretary of Defence, United States – Vietnam Relations 1945-1967, Washington D.C.: 2011. Part IV. C. 1., p. a-7.) Trong cuộc mít-tinh ngày 19-7-1964, thủ tướng Nguyễn Khánh công khai hô hào Bắc tiến. (John S. Bowman, The Vietnam War: Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tt. 42.) Kết quả, Nguyễn Khánh bị các tướng trẻ đẩy ra nước ngoài làm đại sứ. Không biết Hoa Kỳ có nhúng tay vào vụ nầy hay không?
Ngày 1-12-1965, trung tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Vùng I Chiến thuật kiêm tư lệnh Quân đoàn I (giáp ranh với BVN) viết thư cho chính phủ, đưa ra đề nghị Bắc tiến. Tướng Thi cũng công khai đề nghị với người Mỹ. (Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam, một trời tâm sự, California: Nxb. Anh Thư, 1987, tt. 319-334.) Tướng Thi sau đó bị cách chức vào tháng 3-1966, đưa đến vụ Biến động miền Trung, và cũng được đưa qua Hoa Kỳ chữa bệnh “thối mũi”.
Theo hồi ký của cựu đại tướng Cao Văn Viên, nguyên là tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH, thì vào năm 1966, ông đưa ra một chiến lược 7 điểm, trong đó điểm thứ 6 là đổ bộ lên Vinh (tỉnh Nghệ An) hay Hà Tĩnh (tỉnh Quảng Bình). Tuy nhiên kế hoạch nầy không được thi hành. (Cao Văn Viên, Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa, Washington D.C.: Vietnambibliography, 2003, tr. 288.)
Cũng trong năm 1966, nhận thấy quân BVN tiến qua vùng phi quân sự, xâm nhập tỉnh Quảng Trị, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, tướng William Westmoreland đề nghị với bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dùng lực lượng quốc tế lập phòng tuyến KANZUS, chận ngang qua khu phi quân sự, chống sự xâm nhập và bảo vệ miền Nam Việt Nam. KANZUS viết tắt của các chữ Korea, Australia, New Zealand và United States. Đại sứ các nước nầy tại Sài Gòn đều chấp thuận kế hoạch KANZUS, nhưng kế hoạch KANZUS bị Washington DC bác bỏ. (William C. Westmoreland, A Soldier Reports, New York: Da Capo Press, 1989, tr. 197.) Westmoreland không giải thích vì sao chính phủ Hoa Kỳ từ chối. Phải chăng Hoa Kỳ không muốn gây sự hiểu lầm về sự hiện diện của một lực lượng đa quốc tại vùng phi quân sự?
Khi mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tấn công qua Hạ Lào tháng 1-1971, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đề nghị với Hoa Kỳ là VNCH đưa một sư đoàn tiến qua phía bắc vĩ tuyến 17 như một chiến thuật đánh lạc hướng CSVN, nhưng Hoa Kỳ không chấp thuận. (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter , Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C & K Promotions, Inc., không đề năm xuất bản, tr. 75 và tr. 116.)
Trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, BVN tràn quân qua vĩ tuyến 17, tấn công VNCH. Viện dẫn lý do nầy, Quân đoàn I đưa ra đề nghị đánh thẳng qua sông Bến Hải, nhằm đe dọa hậu cứ địch, nhưng cố vấn Mỹ không đồng ý. Lo ngại Quân đoàn I có thể tự ý tiến quân ra BVN, các cố vấn Mỹ giới hạn việc cấp bổng tiếp vận cho Lữ đoàn 1 Kỵ binh 20 gallons xăng mỗi ngày cho một xe, đạn pháo binh chỉ được bắn 5 quả mỗi ngày cho một khẩu và ngưng tiếp tế lương khô cho Lữ đoàn. (Hà Mai Việt, Thép và Máu, Thiết giáp trong chiến tranh, Texas: 2005, tr. 103.) Cuối năm 1972, Hoa Kỳ rút hết quân khỏi Việt Nam.
Về Không quân, ban đầu Hoa Kỳ chỉ cung cấp các chiến đấu cơ loại cánh quạt cho Không quân VNCH. Trong năm 1965, khi mở màn tấn công BVN, các phi công VNCH lái các loại máy bay AD5 (2 chỗ ngồi) và AD6 (một chỗ ngồi) tức khu trục cơ cánh quạt Skyraider (Thiên kích), bay xa nhất đến Hà Tĩnh, rồi lại phải quay về liền. Sau năm 1965, Không quân VNCH không còn bay ra BVN nữa. Khi cung cấp phản lực cơ chiến đấu cho Không quân VNCH, Hoa Kỳ chỉ cung cấp loại phản lực F-5 và A-37, chứa nhiên liệu ít, nên không ở lâu trên không trung và không bay xa được, để khỏi tấn công đất Bắc.
Rõ ràng vì chủ trương “chiến tranh giới hạn”, Hoa Kỳ không chấp nhận tất cả những kế hoạch tấn công BVN bằng bộ binh như ở Triều Tiên. Nếu không tấn công hậu cứ CSVN ở BVN để CSVN lui về thế thủ, chấm dứt tiếp liệu cho CS miền Nam, thì không có cách gì có thể chận đứng nạn du kích ở miền Nam và cũng không thể chận đứng nguồn tiếp liệu của CSVN, để CSVN phải chấm dứt những trận đánh lớn trên khắp NVN. Các tướng lãnh cầm quân Hoa Kỳ, dù thay đổi chiến thuật, chiến lược, dù được tăng cường tối đa và được trang bị tối tân, có thể thắng chiến tranh quy ước, nhưng cũng không thể chận đứng chiến tranh du kích của CSVN.
Hoa Kỳ lui quân
Trong khi chiến tranh đang diễn ra, hai yếu tố mới xuất hiện: 1) Phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ càng ngày càng hoạt động mạnh mẽ, đòi chấm dứt chiến tranh, rút thân nhân về nước. Phong trào phản chiến gây xáo trộn xã hội Hoa Kỳ không ít trong một thời gian dài 2) Sự rạn nứt giữa hai cường quốc CS là Liên Xô và Trung Cộng càng ngày càng trầm trọng; cao điểm là chiến tranh biên giới Nga-Hoa ngắn ngày tại vùng đông bắc Trung Hoa trên sông Ussuri (Ô Tô Lý Giang), bùng nổ ngày 2-3-1969.
Sau khi Richard Nixon cầm quyền ngày 20-1-1969, trong niên khóa 1969-1970, xảy ra 1,800 cuộc biểu tình, 7,500 người bị bắt giữ, 247 vụ đốt phá, 462 người bị thương mà hai phần ba (2/3) là cảnh sát và 8 người chết. Nạn bạo động trở thành một bệnh dịch trên toàn quốc HK. Từ tháng 1-1969 đến tháng 2-1970 có 40,000 vụ ném bom, hay âm mưu ném bom, hay đe dọa ném bom liên hệ đến chiến tranh, gây thiệt hại 21 triệu Mỹ kim, hàng trăm người bị thương và 43 người chết. (Richard Nixon, No more Vietnams, London: W. H. Allen, 1986, tr. 126.)
Nixon đưa ra kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, chuyển giao công việc chiến đấu chống CS cho quân đội NVN và Hoa Kỳ rút quân Hoa Kỳ về nước. Hoa Kỳ cũng giảm thiểu gần như chấm dứt viện trợ cho NVN. Phong trào phản chiến từ từ giảm dần cho đến khi Hoa Kỳ ký kết hiệp định Paris với CSVN ngày 27-1-1973.
Trong khi đó, nhận ra được sự mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Cộng, Hoa Kỳ bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa (NVN), bắt tay với Trung Cộng năm 1971, và nhờ Trung Cộng áp lực BVN ký hiệp định Paris, để Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, mà BVN vẫn lưu quân tiếp tục ở lại NVN và tiếp tục tấn công VNCH.
Vì tham vọng quyền lực, bành trướng chủ nghĩa, cộng sản BVN được sự viện trợ to lớn của Trung Cộng, Liên Xô và khối CS, động binh quyết đánh chiếm NVN. Nam Việt Nam không đủ sức chống đỡ cả khối CS, phải nhờ đến sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và đồng minh. Tuy nhiên, khi cần thì Hoa Kỳ đến, tung hô NVN là “tiền đồn thế giới tự do”. Khi không cần thì Hoa Kỳ bỏ cuộc ra đi.
Sau hiệp định Paris (27-01-1973), NVN một mình can đảm tiếp tục chiến đấu chống lại cả khối CS đang dồn sức cho BVN tấn công NVN, thì bộ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ là Henry Kissinger lại còn trù ẻo NVN: “Tại sao họ không chết lẹ đi cho rồi? Điều tệ nhất có thể xảy ra là họ cứ sống dai dẳng hoài.” (Lời của Henry Kissinger nói với Ron Nessen. Ron Nessen thuật lại trong sách It Sure Looks Different from the Inside, Chicago: Playboy Press, 1978, tr. 98. Nguyễn Tiến Hưng trích dẫn, Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C & K Promotions, INC., 1987, tr. 512.).
Cuối cùng, vì thiếu võ khí, đạn dược, nhiên liệu, NVN sụp đổ ngày 30-4-1975.
Kết luận
Nói chung, chính sách của Hoa Kỳ dưới thời bất cứ tổng thống nào cũng chỉ phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ can thiêp vào NVN để giúp NVN chống lại BVN, nhằm ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS, nhứt là sự bành trướng của Trung Cộng xuống Đông Nam Á. Đây là cách Hoa Kỳ phòng thủ từ xa để CS không lây lan rộng lớn và lây lan sang tận Mỹ Châu.
Do kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ quan ngại sự can thiệp của Trung Cộng nên Hoa Kỳ chỉ giúp NVN phòng thủ ở NVN, không đưa bộ binh tiến ra BVN. Chỉ khi cần, Hoa Kỳ gởi phi cơ oanh tạc các mục tiêu quân sự ở BVN. Chẳng những thế, Hoa Kỳ còn ngăn cản sáng kiến của các tướng lãnh VNCH bắc tiến để chận đứng CS miền Bắc tiếp tế cho du kích CS miền Nam. Không đánh BVN để chận đường tiếp tế cho du kích CS, mà chỉ phòng thủ NVN thì không thể diệt hết du kích được.
Chủ trương phòng thủ ở NVN, quân đội Hoa Kỳ có thể chiến thắng từng trận một, từng nhóm du kích địa phương, mà không tiêu diệt được du kích trên toàn quốc, không ngăn chận được làn sóng CS đúng như mục đích ban đầu. Trong khi đó, số tử vong mỗi ngày một ít, nhưng “tích tiểu thành đa”, lâu ngày cộng lại thành nhiều, khiến dân chúng Hoa Kỳ ở hậu phương xa xăm lo ngại. Phong trào phản chiến lên cao, làm cho xã hội Hoa Kỳ xáo trộn, nhứt là ở các đại học, nơi sinh viên ở độ tuổi quân dịch.
Cuối cùng, không thua trận nào trên chiến trường, nhưng quân đội Hoa Kỳ phải rút lui, xem như Hoa Kỳ thất bại trong chủ trương phòng thủ Nam Việt Nam.
(Toronto, 6-8-2018)