Tin khắp nơi – 02/08/2018
Trump dọa tăng thêm thuế lên hàng TQ
Natalie ShermanBusiness reporter, New York
Mỹ đang xem xét đánh thuế 25% lên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc – tăng hơn gấp đôi so với kế hoạch ban đầu 10%.
Đây là yêu cầu của Tổng thống Donald Trump, người muốn Trung Quốc thay đổi cách tiến hành các hoạt động thương mại của nước này.
Tuy nhiên, quyết định này làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đã cảnh báo sẽ trả đũa nếu Hoa Kỳ tiếp tục kế hoạch, cáo buộc Washington ‘làm tiền’.
“Nếu phía Mỹ tiến hành các bước để leo thang tình hình, chúng tôi chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói hôm thứ Tư 1/8.
Nhà Trắng nói rằng thuế quan là một phản ứng đối với chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc, mà ông Trump đổ lỗi rằng giúp tạo ra thâm hụt thương mại rất lớn.
Trump ‘sẵn sàng’ leo thang cuộc chiến TM với TQ
Bốn lá bài chủ của TQ trong cuộc chiến thương mại
VN: Nguy cơ thiệt hại vì chiến tranh thương mại
Lần áp thuế đầu tiên có hiệu lực vào ngày 6/7, khi Mỹ áp mức thuế 25% đối với 34 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Thuế quan đối với gói hàng hóa trị giá 16 tỷ đô la khác đang chờ được thực thi, đây là phần thứ hai của quá trình áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu trị giá 50 tỷ đô la mà Mỹ công bố vào tháng Ba.
Đe dọa của Mỹ ngày càng leo thang từ đó. Tổng thống Trump nói rằng ông sẵn sàng áp đặt thuế quan đối với tất cả 500 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Vào tháng Bảy, Hoa Kỳ đã công bố danh các bổ sung hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la sẽ bị áp thuế suất 10% – một con số mà Hoa Kỳ hiện đang xem xét nâng lên 25%.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết: “Việc tăng thêm thuế suất là nhằm cung cấp cho chính quyền thêm các lựa chọn để khuyến khích Trung Quốc thay đổi chính sách và hành vi thương mại có hại của mình và áp dụng các chính sách mang lại thị trường công bằng và thịnh vượng hơn cho công dân Mỹ.”
Danh sách có tên hơn 6.000 mặt hàng trị giá 200 tỷ đô la trong thương mại hàng năm, bao gồm hóa chất, dệt may, khoáng sản và hàng tiêu dùng từ găng tay bóng chày đến philê cá đông lạnh.
Trước khi chính sách thuế quan này có thể có hiệu lực vào tháng Chín, có rất nhiều bình luận trên mạng xã hội về vấn đề này.
Một số chính trị gia Mỹ bày tỏ ủng hộ kế hoạch của Nhà Trắng.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một đảng viên Cộng hòa đến từ Florida, viết trên Twitter: “Cách duy nhất để loại bỏ các rào cản là chứng minh cho [Trung Quốc] rằng chúng ta sẵn sàng trả đũa bằng các rào cản”.
Nhưng các nhóm khác lên án ý tưởng này, nói rằng các loại thuế cuối cùng sẽ tăng chi phí cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ.
“Các vụ lạm dụng thương mại của Trung Quốc cần phải được giải quyết, nhưng thuế quan không phải là câu trả lời”, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia cho biết.
Nhà Trắng có thể hy vọng rằng thuế cao hơn sẽ buộc Trung Quốc phải nhượng bộ, nhưng đó là một vụ đặt cược đầy rủi ro, Mickey Kantor, một đối tác tại công ty luật Mayer Brown, từng là thư ký thương mại của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, bình luận.
“Tôi không nghĩ rằng bạn có thể buộc người Trung Quốc làm điều gì đó mà họ không muốn làm”, ông nói với BBC.
Quyết định tăng thuế quan, thay vì đàm phán với các đồng minh, đang làm suy yếu sự tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế, ông nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45040754
Tòa tuyên bố sắc lệnh về ‘thành phố trú ẩn’
của Trump là vi hiến
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump đe dọa giữ lại nguồn kinh phí cấp cho các “thành phố trú ẩn” – những thành phố hạn chế sự hợp tác với các cơ quan di trú trong việc truy lùng người nhập cư không giấy tờ – là vi hiến, tòa án phúc thẩm liên bang phán quyết hôm thứ Tư. Tuy nhiên tòa cũng nói rằng một thẩm phán đã đi quá xá khi ngăn chặn việc thi hành sắc lệnh này khắp cả nước.
Trong quyết định với tỷ lệ 2-1, Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 đồng ý rằng sắc lệnh của ông Trump vượt quá thẩm quyền của Tổng thống. Chỉ có Quốc hội mới kiểm soát việc chi tiêu theo qui định của Hiến pháp Hoa Kỳ, và các Tổng thống không có thẩm quyền cắt nguồn kinh phí mà Quốc hội chấp thuận để theo đuổi các mục tiêu chính sách của mình, các thẩm phán thuộc phe đa số của tòa án nói.
Phán quyết được đưa ra trong một vụ kiện đệ trình bởi hai quận hạt của bang California – San Francisco và Santa Clara.
Devin O’Malley, phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ, gọi sắc lệnh của Tổng thống là hợp pháp. Ông nói phán quyết của tòa là một chiến thắng cho “những người ngoại quốc phạm pháp ở California, những người có thể tiếp tục phạm tội khi biết rằng giới lãnh đạo của bang này sẽ bảo vệ họ khỏi các viên chức di trú liên có nhiệm vụ buộc những người này chịu trách nhiệm và trục xuất họ khỏi đất nước.”
“Bộ Tư pháp vẫn quyết tâm duy trì pháp trị, bảo vệ sự an toàn công cộng, và không để những người ngoại quốc phạm pháp nhởn nhơ trên đường phố,” ông nói.
Tuy nhiên, tòa án cũng nói không có đủ bằng chứng để ủng hộ một lệnh cấm toàn quốc đối với sắc lệnh của ông Trump. Tòa giới hạn lệnh cấm và trả vụ kiện trở về tòa án cấp thấp hơn để tranh tụng thêm về việc có nhất thiết phải có một lệnh cấm như vậy hay không.
Quyết định nhìn chung là một thắng lợi lớn cho những người chống lại sắc lệnh hành pháp của ông Trump, nhưng ông Trump có thể tìm cách thi hành nó ở các khu vực tư pháp bên ngoài 10 bang miền Tây thuộc thẩm quyền tài phán của Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9, theo các chuyên gia pháp lí.
Ông Trump kí ban hành sắc lệnh hành pháp này vào tháng 1 năm 2017 — một phần trong nỗ lực của chính quyền ông nhằm trấn áp các thành phố và các bang không chịu hợp tác với các cơ quan di trú của Mỹ.
Chính quyền cũng đã quyết định giữ không cấp một khoản tiền hỗ trợ chấp pháp cụ thể cho các khu vực trú ẩn và đã kiện California về ba luật mở rộng các biện pháp bảo vệ những người ở Mỹ bất hợp pháp.
Chính quyền Trump nói rằng các thành phố và các bang trú ẩn cho phép những tên tội phạm nguy hiểm quay trở lại đường phố.
Ngược lại, San Francisco và các thành phố trú ẩn khác nói rằng biến cảnh sát địa phương thành các viên chức di trú làm xói mòn niềm tin cần thiết để khuyến khích người dân trình báo tội phạm.
Hạ Viện Mỹ
thông qua ngân sách Quốc Phòng 2019
Quốc Hội Mỹ hôm qua 01/08/2018 đã thông qua ngân sách quốc phòng 716,3 tỉ đô la, nhằm tăng chi tiêu quân sự và tăng cường vị thế của Hoa Kỳ đối với Nga. Đạo luật sẽ được tổng thống Donald Trump phê chuẩn.
Thượng Viện thông qua luật ngân sách quốc phòng (NDAA) 2019 với 87/10 phiếu, một tuần sau khi đạo luật này nhận được sự ủng hộ ở Hạ Viện với 359/54 phiếu. Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis tuyên bố : « Tôi rất cảm ơn quyết tâm của các đại biểu Quốc Hội cả hai đảng, đã thông qua NDAA trong thời hạn kỷ lục ».
NDAA dành 69 tỉ đô la cho các hoạt động viễn chinh hiện nay (ở Afghanistan, Syria, Irak, Somalia), tăng 2,6% lương cho quân nhân, và khoảng mấy chục tỉ đô la để hiện đại hóa Hải quân, Không quân và hỏa tiễn phòng không; 65 triệu đô la để cải tiến các loại vũ khí nguyên tử, đặc biệt là loại có hỏa lực nhẹ. Luật này hạn chế việc hợp tác quân sự với Nga, và cấm Lầu Năm Góc giao các chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara mua hỏa tiễn S-400 của Nga.
Để tránh bị tổng thống Mỹ phủ quyết, các thượng nghị sĩ đã bỏ đi một điều khoản sửa đổi. Điều khoản này ngăn chận một thỏa thuận của chính quyền với tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE nhằm giảm nhẹ trừng phạt do ZTE vi phạm cấm vận đối với Iran và Bắc Triều Tiên. Sự đầu hàng của Thượng Viện đối với tập đoàn Trung Quốc vốn bị coi là mối nguy cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ, đã khiến thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio phải bỏ phiếu chống.
Theo như yêu cầu của Lầu Năm Góc, đạo luật cho phép không trừng phạt các nước mua vũ khí của Nga trong những trường hợp đặc biệt, để tránh việc một số nước rơi hẳn vào vòng tay của Matxcơva. Tướng Mattis muốn bắt đầu bán vũ khí cho Ấn Độ, nhà nhập khẩu thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới, từ nhiều năm qua vẫn mua vũ khí của Nga.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180802-ha-vien-my-thong-qua-ngan-sach-2019-cua-bo-quoc-phong
Thượng viện Mỹ
thông qua dự luật quốc phòng lớn
Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật chính sách quốc phòng có ngân khoản 716 tỉ đôla, hậu thuẫn lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump cho một quân đội lớn hơn và hùng mạnh hơn và tránh một cuộc chiến tiềm năng với Nhà Trắng về vấn đề công nghệ từ các công ty lớn của Trung Quốc.
Thượng viện đã biểu quyết với tỉ lệ 87-10 chấp thuận Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain, gọi tắt là NDAA. Đạo luật hàng năm này chuẩn thuận chi tiêu quân sự của Mỹ nhưng được sử dụng như một phương tiện cho một loạt các vấn đề chính sách vì từ hơn 50 năm nay nó vẫn được thông qua hàng năm.
Vì được thông qua tại Hạ viện vào tuần trước, dự luật này giờ tới tay ông Trump, và ông dự kiến sẽ kí nó thành luật.
Dù luật này áp đặt các biện pháp kiểm soát lên các hợp đồng của chính phủ Mỹ với các công ty ZTE và Huawei Technologies của Trung Quốc vì những lo ngại an ninh quốc gia, song các hạn chế này yếu hơn các hạn chế được soạn thảo trong các phiên bản trước của dự luật.
Điều này đã khiến một số nhà lập pháp giận dữ. Những người này muốn khôi phục các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với ZTE để trừng phạt công ty này về chuyện vận chuyển trái phép các sản phẩm của Mỹ sang Iran và Triều Tiên.
Trong một hành động khác nhắm vào Trung Quốc, NDAA đã củng cố Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), một cơ quan chuyên thẩm định các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất để cân nhắc xem chúng có đe dọa an ninh quốc gia hay không.
Các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã bất đồng với ông Trump về quyết định của ông dỡ bỏ lệnh cấm trước đó đối với các công ty Mỹ bán sản phẩm cho ZTE, cho phép công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc tiếp tục kinh doanh.
Nhưng với các nghị sĩ đồng đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, các điều khoản của NDAA nhằm đáp trả Bắc Kinh và bị Nhà Trắng phản đối đã được làm yếu đi trước các cuộc biểu quyết cuối cùng của Quốc hội về dự luật này.
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-vien-my-thong-qua-du-luat-quoc-phong-lon/4509805.html
Ngoại trưởng Mỹ, Nga
không gặp bên lề hội nghị ASEAN
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ không gặp nhau bên lề hội nghị của các quốc gia Đông Nam Á tại Singapore cuối tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Tư.
“Chúng tôi không có kế hoạch gặp gỡ Ngoại trưởng Lavrov trong chuyến đi này,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết trong một thông cáo.
Trước đó trong ngày thứ Tư, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một thông cáo rằng họ đang cố gắng thu xếp một cuộc gặp gỡ giữa ông Lavrov và ông Pompeo khi Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên hội họp.
Hãng thông tấn RIA, dẫn một nguồn tin trong phái đoàn Nga, trước đó đã cho hay hai người sẽ không gặp nhau trong các cuộc hội đàm ASEAN.
Lịch trình của ông Lavrov và ông Pompeo không cho phép một cuộc hội kiến trong tuần này và “quyết định được đưa ra là sẽ tìm kiếm các cơ hội khác …,” nguồn tin này nói với RIA.
Ông Lavrov và ông Pompeo đã điện đàm vài ngày sau cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16 tháng 7 tại Helsinki.
Ông Pompeo cũng sẽ không gặp người tương nhiệm phía Iran trong chuyến đi này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-nga-khong-gap-ben-le-hoi-nghi-asean/4509778.html
Google chấp nhận bị kiểm duyệt
để trở lại thị trường Trung Quốc
Tập đoàn Google của Mỹ hiện đang thử nghiệm một công cụ tìm kiếm đáp ứng những yêu cầu về kiểm duyệt của Bắc Kinh để có thể quay trở lại thị trường Trung Quốc, sau 8 năm bị gián đoạn. Một nhân viên của Google vừa thông báo tin trên với hãng tin AFP hôm nay, 02/08/2018.
Do bị kiểm duyệt gắt gao và bị nhiều vụ tấn công tin tặc, vào năm 2010, Google đã rút công cụ tìm kiếm của họ ra khỏi Trung Quốc. Từ đó cho đến nay, nhiều dịch vụ của tập đoàn này vẫn bị chặn tại quốc gia hiện là nền kinh tế thứ hai thế giới.
Nay để có thể quay trở lại thị trường béo bở này, Google đang thử nghiệm một công cụ tìm kiếm, có tên là « Dragonfly » ( Chuồn Chuồn ), được thiết kế đặc biệt để có thể sàng lọc những trang mạng và những từ khóa bị cấm ở Trung Quốc.
Theo nhân viên của Google, xin được giấu tên, mã nguồn của dự án này có thể được tham khảo và được thử nghiệm trên mạng tin học nội bộ của Google, xác nhận những thông tin của báo chí Mỹ. Nhưng Taj Meadows, phát ngôn viên của Google ở châu Á, đã từ chối phủ nhận hay xác nhận sự tồn tại của dự án công cụ tìm kiếm Dragonfly.
The Intercept, trang mạng đầu tiên tiết lộ về dự án Dragonfly, cho biết công cụ tìm kiếm này là để sử dụng cho hệ điều hành Android trên các điện thoại thông minh smartphone. Theo trang mạng này, danh sách đen các từ bị cấm sẽ bao gồm các từ « nhân quyền », « dân chủ », « tôn giáo », « biểu tình ». Công cụ tìm kiếm còn có khả năng phát hiện và ngăn chận những trang web bị chính quyền Bắc Kinh cấm truy cập.
Trung Quốc hiện có một hệ thống kiểm duyệt Internet rất chặt chẽ, chặn được các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter hay Google và Gmail, cũng như chặn nhiều cơ quan truyền thông của phương Tây. Các mạng của riêng Trung Quốc như Weibo hay WeChat thì phải tự kiểm duyệt những nội dung bị xem là nhạy cảm : chỉ trích chế độ, tôn giáo, tai tiếng về y tế,….
Trong bối cảnh như vậy, các tập đoàn công nghệ thông tin của nước ngoài luôn gặp tình thế khó xử : hoăc là nhân nhượng chính quyền Bắc Kinh, hoặc từ bỏ thị trường khổng lồ này.
Thông tin về dự án công cụ tìm kiếm mới của Google dĩ nhiên là khiến cho giới hoạt động nhân quyền rất thất vọng. AFP trích lời ông Patrick Poon, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế : « Đấy sẽ là một ngày đen tối đối với quyền tự do Internet, nếu Google chấp nhận những quy định rất gắt gao về kiểm duyệt để có thể thâm nhập vào thị trường này, đặt lợi nhuận lên trên nhân quyền ». Rất lo ngại, Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Google không nên chấp nhận những nhân nhượng như vậy.
Thật ra thì Google chưa bao giờ rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn. Tuy đã rút đi công cụ tìm kiếm vào năm 2010, nhưng tập đoàn Mỹ vẫn còn 3 văn phòng và hơn 700 nhân viên ở Trung Quốc, đồng thời tiếp tục nhận các khoản thu từ quảng cáo ở nước này. Mùa đông vừa qua, Google đã thông báo sẽ mở một trung tâm nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo ở Bắc Kinh và sẽ hợp tác với tập đoàn Internet Tencent của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo AFP, việc thiết lập công cụ tìm kiếm đáp ứng yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc có thể gặp rắc rối, do thái độ bất bình của nhân viên Google. Gần đây, đã có hơn 4 ngàn nhân viên của tập đoàn này ký vào một kiến nghị yêu cầu Google không ký một hợp đồng khổng lồ với quân đội Mỹ, vì theo họ, sự hợp tác này là trái với những giá trị của tập đoàn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180802-google-chap-nhan-bi-kiem-duyet-de-tro-lai-thi-truong-trung-quoc
Mỹ lập trung tâm chống tấn công mạng
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đang thành lập một trung tâm nhắm mục tiêu bảo vệ các ngân hàng, công ty điện lực và cơ sở hạ tầng quan trọng trước các vụ tấn công mạng – mối đe dọa hiện đã vượt quá nguy cơ tấn công hữu hình nhắm vào Mỹ do một nhóm thù địch nước ngoài thực hiện, Bộ trưởng Kirstjen Nielsen nói hôm thứ Ba.
Trung tâm Xử lý Rủi ro Quốc gia sẽ nỗ lực để xác định và giải quyết nhanh các mối đe dọa tiềm năng và cải thiện các biện pháp bảo vệ các ngành, bà cho biết. Trung tâm sẽ ưu tiên tập trung vào rủi ro của các ngành mà hầu hết người Mỹ lệ thuộc vào, như lưới điện. Trung tâm này được thiết kế để cộng tác với các công ty tư nhân và các cơ quan liên bang, với Bộ An ninh Nội địa làm cơ quan chủ lực.
Lực lượng chuyên trách an ninh bầu cử của bộ, được lập ra vào năm ngoái, sẽ trở thành một phần của trung tâm mới, các quan chức cho biết.
Bà Nielsen phát biểu tại một hội nghị an ninh mạng do các quan chức chính phủ tổ chức, qui tụ CEO của các công ty thẻ tín dụng, các ngành viễn thông và các công ty công ích cùng với các nhà lãnh đạo của Cơ quan An ninh Quốc gia, Cục Điều tra Liên bang và Bộ Năng lượng.
Hội nghị được tổ chức giữa những lo ngại mới về khả năng Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử giữa kì ở Mỹ, và giữa những chỉ trích nhắm vào các nỗ lực của chính quyền Trump về an ninh mạng.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Claire McCaskill loan báo tin tặc Nga đã tìm cách xâm nhập, nhưng bất thành, vào mạng lưới máy tính của bà ở Thượng viện và Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen nói với hãng tin AP rằng một người nào đó đã liên lạc với văn phòng của bà “tự xưng là một quan chức của một nước.” Bà McCaskill đang tái tranh cử và bà Shaheen thì không.
Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những thông điệp nhập nhằng về sự can thiệp của Nga trong các cuộc bầu cử ở Mỹ – đôi khi thậm chí còn gọi đó là một “trò bịp bợm,” dù ông thừa nhận trong một tweet gần đây rằng các cuộc bầu cử giữa kì ở Mỹ có thể là mục tiêu.
Bà Nielsen nói hôm thứ Ba rằng chính phủ không thể cho phép Nga can thiệp một lần nữa.
“Xin nhấn mạnh bất kì nỗ lực nào can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta đều là một cuộc tấn công trực tiếp nhắm vào nền dân chủ của chúng ta, không thể chấp nhận và sẽ không được dung thứ,” bà nói. “Hãy ghi nhớ lời tôi: Nước Mỹ sẽ không dung thứ sự can thiệp này.”
https://www.voatiengviet.com/a/my-lap-trung-tam-chong-tan-cong-mang/4509770.html
Donald Trump muốn chấm dứt
điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có thêm một tuyên bố gây sốc. Trên Twitter ngày 01/08/2018, ông cho rằng bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions “nên chấm dứt” cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Mueller tiến hành về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016. Ngay cùng ngày, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders đã phải chữa cháy : « Đó không phải là một mệnh lệnh, mà là ý kiến của tổng thống ».
Thông tín viên RFI Grégroire Pourtier tường trình từ New York :
Chúng ta mới được biết là công tố viên đặc biệt Robert Mueller xem xét cả những tin nhắn trên Twitter của Donald Trump, cùng với những yếu tố khác, để xác định xem tổng thống Mỹ có bị cáo buộc cản trở tư pháp khi ông sa thải giám đốc FBI vào năm ngoái hay không.
Ông Trump thì chẳng quan tâm đến việc đó, vì ông đăng thêm một tin mới hôm thứ Tư 01/08, ghi rõ : « Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions nên chấm dứt ngay cuộc săn đuổi phù thủy trá hình này ». Tiếp theo, tổng thống Mỹ bôi nhọ đích danh công tố viên Mueller và nhóm cộng sự vì “làm công việc bẩn thỉu và có thể đang làm nước Mỹ xấu hổ”.
Trước hết, phải nhắc lại là ông Jeff Sessions không có quyền hạn trong cuộc điều tra này, do phải rút lui vì chính ông cũng có liên quan. Vì thế, lãnh đạo thứ hai của bộ Tư Pháp chịu trách nhiệm về vụ điều tra. Chỉ cách đây vài tuần, ông này cho biết nhiệm vụ của ông cũng sắp hết hạn.
Tin nhắn trên Twitter của tổng thống Trump liệu có phải là yếu tố cản trở tư pháp hay không ? Từ khi tin được đăng, các nhân vật thân cận với ông đang ra sức giải thích rằng đó không phải là một mệnh lệnh, mà chỉ là một ý kiến mà thôi. Họ biện hộ rằng tổng thống đã viết « nên ngừng », chứ không phải là « phải ngừng ».
Nhưng điều chắc chắn đây là ý kiến của tổng thống Mỹ, người bị liên quan trực tiếp đến các cuộc điều tra. Nếu những lời nói thái quá của tổng thống Mỹ vẫn phe ủng hộ ông tán tưởng, nếu việc phá hoại để làm suy yếu cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller mang lại một vài kết quả, thì tổng thống Trump cũng không ngại đùa với lửa khi xem thường pháp luật.
Cựu Thám Tử FBI Clint Watts:
Nga Giúp Trump Thắng Cử
SAN FRANCISCO – Trong 1 chương trình của Yahoo News, khi được hỏi có phải hoạt động tấn công mạng và tung tin thất thiệt của Nga đã giúp ứng viên Trump thắng cử, cựu thám tử FBI Clint Watts trả lời “hoàn toàn đúng.”
Là người chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động mạng của các nhóm quá khích như al-Qaeda và ISIS khi làm việc với FBI, ông Watts giải thích: riêng việc trộm cắp thông tin DNC cùng lúc WikiLeaks và DCLeaks phổ biến tài liệu thẩm lậu đã gây phân tâm và nhận chìm tường thuật của truyền thông.
Ông Watts nhắc lại cụ thể: chỉ 1 giờ sau khi phổ biến video gọi là “Access Hoolywood” về Trump, tường thuật của truyền thông bị nhận chìm bởi e-mail bị thẩm lậu. Ông cho biết thêm: khi bạn thấy tin về nhu cầu duy trì chế độ Assad tại Syria, chữ ký trên kiến nghị không có vẻ thật. Vẫn theo lời ông, các hoạt động gây nhiễu mạng xã hội luôn có yếu tố thân Nga, khi nói về Syria, về Ukraine hay các vấn đề khác về chính sách, là chia sẻ thông tin từ truyền thông do nhà nước Nga bảo trợ.
Cựu chuyên viên FBI cho hay: tin tặc Nga bắt đầu nói về các vấn đề khác nhau từ năm 2015, về phong trào Black Lives Matters, về các cuộc biểu tình chống cảnh sát. Ông Watts tin rằng chế độ Putin đang trắc nghiệm phương cách mới để làm “chiến tranh thông tin” phát sinh từ hệ thống Xô-Viết gọi là “biện pháp năng động”, tìm thắng lợi bằng sức mạnh của chính trị thay vì chính trị của sức mạnh, bằng cách ám trợ ứng viên thân Nga thắng để họ nắm các vị trí quyết định chính sách.
Trong tập sách mới xuất bản tựa đề “Messing With the Enemy”, ông Watts cho hay: nhìn vào kết quả bầu cử tại các tiểu bang thân phe DC truyền thống như Michigan, Wisconsin, có thể thấy hoạt động quấy rối của Nga là hiệu quả đến mức nào – nhận xét của ông Watts là “Thắng lợi của Trump cũng là thắng lợi của Moscow”.
Chuyên gia kết luận “Tôi nghĩ rằng Nga thắng – khi nhìn vào các mục tiêu của họ, là gây chia rẽ NATO, Moscow tìm kiếm đồng mính đánh khủng bố cho chính sách tham chiến tại Syria, can thiệp tại Ukraine – ông Watts đánh giá các thắng lợi này là chưa từng có trong 1 thời gian rất ngắn.
https://vietbao.com/a283898/cuu-tham-tu-fbi-clint-watts-nga-giup-trump-thang-cu
Tối hậu thư cho TT Iran
giữa khó khăn kinh tế do sức ép của Mỹ
Các nhà lập pháp Iran ra tối hậu thư cho Tổng thống Hassan Rouhani, rằng ông có một tháng trước khi phải ra trước quốc hội để trả lời những chất vấn về cách chính phủ của ông giải quyết những khó khăn kinh tế của Iran, truyền thông nhà nước Iran đưa tin hôm thứ 1/8.
Đây là lần đầu tiên quốc hội triệu tập Tổng thống Rouhani, nhân vật đang bị các đối thủ theo trường phái cực đoan nhắm mục tiêu, hối thúc phải cải tổ nội các sau khi các quan hệ với Hoa Kỳ xấu đi trong khi những khó khăn kinh tế của đất nước ngày càng tăng.
Theo hãng tin bán chính thức của Iran, ISNA, các nhà lập pháp muốn chất vấn ông Rouhani về nhiều chủ đề, kể cả việc đồng rial tuột giá, mất hơn phân nửa trị giá kể từ tháng 4, tăng trưởng kinh tế yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Ông Rouhani, một nhân vật có tính thực tiễn đã giảm căng thẳng với các nước phương Tây bằng cách nhất quyết thực hiện một thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015. Bây giờ thì ông đang phải đối mặt với phản ứng ngày càng gay gắt hơn của các đối thủ, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lui khỏi thoả thuận hạt nhân hồi tháng 5 vừa rồi, và tuyên bố sẽ áp đặt lại các lệnh cấm vận đối với Teheran. Trong các các biện pháp chế tài có việc siết chặt xuất khẩu dầu, hoạt động huyết mạch của Iran.
Hãng tin ISNA cho biết các nhà lập pháp cũng muốn Tổng thống Rouhani giải thích tại sao, hơn hai năm sau khi thỏa thuận mang tính bước ngoặt, các ngân hàng Iran chỉ được tiếp cận các dịch vụ tài chính quốc tế một cách có giới hạn mà thôi.
Theo tinh thần thoả thuận hạt nhân giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây, Teheran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân của mình để đánh đổi việc tháo gỡ hầu hết các biện pháp trừng phạt của quốc tế.
Thế giới cảnh cáo Iran chớ đóng eo biển Hormuz
Iran đang chuẩn bị mở một cuộc tập trận quân sự quy mô trong Vịnh Ba Tư, khả dĩ chứng minh khả năng của chính quyền Tehran có thể đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường biển huyết mạch đối với các tàu chở dầu Trung Đông di chuyển từ Vịnh Ba Tư tới Biển Ả Rập.
Hãng tin Reuters trích lời Đại úy Hải quân Hoa Kỳ Bill Urban, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Miền Trung của Hoa Kỳ, đặc trách chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, tuyên bố: “Chúng tôi biết về sự gia tăng các hoạt động hải quân của Iran trong Vịnh Ả Rập, Eo biển Hormuz và Vịnh Oman.”
Đài CNN đưa tin Lực lượng Vệ Binh Cách mạng Hồi giáo Iran có thể bắt đầu tập trận nội trong vòng 48 giờ tới.
Các giới chức Hoa Kỳ yêu cầu không nêu tên nói với Reuters rằng Iran đã tập hợp một đội tàu gồm hơn 100 chiếc để tiến hành tập trận. CNN cho biết các lực lượng không quân và bộ binh Iran, và cả Pháo đội chống tên lửa, có thể cũng góp mặt trong cuộc tập trận.
Căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ đã tăng cao kể từ tháng 5 vừa qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc thế giới đã ký kết với Tehran để kiềm hãm các chương trình hạt nhân đầy tham vọng của nước này.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis cảnh báo Iran chớ có đóng eo biển Hormuz, ông nói làm như vậy chẳng khác nào là tấn công vào ngành vận chuyển hàng hải quốc tế. Ông cảnh báo rằng nếu xảy ra , cuộc tấn công đó sẽ kích hoạt “một phản ứng quốc tế để mở lại các tuyến hàng hải bằng mọi giá.”
https://www.voatiengviet.com/a/the-gioi-canh-cao-iran-cho-dong-eo-bien-hormuz/4510820.html
Năm 2017 : Phát thải khí
gây hiệu ứng nhà kính đạt kỷ lục
Nhiều loại khí thải góp phần hâm nóng trái đất đã đạt mức kỷ lục ở khắp nơi trên toàn cầu trong năm 2017, một năm đã được ghi nhận có nhiệt độ tăng cao bất thường và băng Bắc cực tan chảy mạnh chưa từng có. Trên đây là một phần nội dung của tài liệu về khí hậu trái đất vừa được công bố hôm 01/08/2018.
Theo bản báo cáo hàng năm của Cơ quan quốc gia về Đại dương và Khí quyển của Mỹ (NOAA), tốc độ ấm lên của trái đất đang bị đẩy nhanh do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã làm gia tăng mức độ tập trung khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính ở mức cao chưa từng có trong năm 2017. Đây cũng là năm tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút Hoa kỳ ra khỏi thỏa thuận quốc tế về khí hậu ký tại Paris.
Mỹ là nước gây ô nhiễm lớn thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc, tuy nhiên việc nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống đã dẫn đến những biến động bất ngờ về vấn đề trách nhiệm bảo vệ bầu khí hậu chung. Lên lãnh đạo nước Mỹ với thái độ ngờ vực trách nhiệm của con người khiến bầu khí hậu toàn cầu bị hâm nóng, ông Donald Trump đã tiến hành ngay việc phá bỏ các văn bản pháp lý mà chính quyền Obama đã nỗ lực xây dựng để hạn chế các tác động tiêu cực của con người đối với bầu khí hậu.
Bản báo cáo vừa công bố của cơ quan khí hậu Mỹ dày 300 trang tập hợp các nghiên cứu của 450 nhà khoa học thuộc 60 quốc gia. Trong tài liệu này người ta có thể tìm thấy từ « bất thường » được sử dụng tới hàng chục lần để mô tả các hiện tượng bão, hạn hán, nhiệt độ tăng cao hay mức độ tan chảy băng kỷ lục ở Bắc cực trong năm 2017. Dưới đây là một vài kết luận chính của báo cáo :
Khí gây hiệu ứng nhà kính tăng cao
Năm qua, tỷ lệ ba loại khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm nhất tập trung trong bầu khí quyển : CO2, methane và protoxyde ni-tơ, đã đạt mức kỷ lục.
Tỷ lệ tích tụ khí CO2 phủ trên bề mặt trái đất cũng đạt mức độ cao chưa từng có. Bản báo cáo nhấn mạnh « mức khí CO2 trên toàn cầu đã tăng gần gấp 4 lần từ đầu thập niên 1960 ».
Nếu như năm 2016 đã phá vỡ kỷ lục năm nóng nhất kỷ nguyên hiện đại ,thì năm 2017 kỷ lục này tiếp tục duy trì. Theo các số liệu thu thập được, năm 2017 là năm thứ hai nóng nhất kể từ giữa thế kỷ 19 và đây là năm không có hiện tượng El Nino mà vẫn nóng nhất kể từ khi các dữ liệu về thời tiết khí hậu được thu thập.
Năm ngoái, kỷ lục nhiệt độ cao được ghi nhận ở nhiều nước như Achentina, Uruguay, Tây Ban Nha và ở Bungari. Riêng tại Mêhicô, 2017 là năm thứ tư liên tiếp phá kỷ lục về độ nóng.
Nước biển dâng cao
Năm 2017 cũng ghi nhận mực nước biển dâng cao kỷ lục liên tục trong 6 năm. Mực nước biển hiện nay cao hơn so với năm 1993 là 7,7 cm. Ông Gregory Johnson, nhà đại dương học thuộc cơ quan khí tượng Mỹ (NOAA), nhấn mạnh : « Ngay cả chúng ta kiềm chế tỷ lệ khí phát thảy gây hiệu ứng nhà kính ở mức như hiện nay, đại đương vẫn sẽ tiếp bị hâm nóng và nước biển tiếp tục dâng trong nhiều thế kỷ tới ».
Băng Bắc cực tan chảy mạnh
Báo cáo trên cho biết, tại Nam cực nhiệt độ bề mặt trung bình cao hơn 1,6 °C so với số liệu ghi được trong giai đoạn 1981-2010. Tài liệu nhấn mạnh : « Bắc cực chưa từng biết đến nhiệt độ tăng một cách bất bình thường trong không khí cũng như trên mặt nước kể từ 2000 năm qua ».
Tháng 3 năm nay, các ảnh chụp vệ tinh cho thấy dải băng ở Bắc cực đã bị thu hẹp lại chưa từng thấy từ 37 năm qua. Các dòng sông băng trên bề mặt trái đất bị co lại. Hiện tượng này đang tiếp diễn liên tiếp trong 38 năm qua.
Hiện tượng bất thường này lại kéo theo bất thường khác. Báo cáo cho biết, « lượng mưa trên các vùng đất liền năm 2017 đã cao rõ rệt hơn so với mức trung bình ». Nhiệt độ các mảng đại dương tăng dẫn đến tỷ lệ độ ẩm cũng tăng lên, đặc biệt trong 3 năm qua, gây ra mưa nhiều, trong khi đó thì vẫn có những vùng khác trên trái đất phải chịu hạn hán triền miên.
Các đại đương bị hâm nóng còn gây hậu quả nghiêm trọng khác đó là các dải san hô bị hủy, hoại khiến cho các loài cá và sinh vật biển bị mất nơi trú ngụ, dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Tình trạng các dải san hộ bị thoái hóa đã kéo dài liên tục từ năm 2014 đến 2017, đây là giai đoạn dài nhất từ trước đến giờ.
Điều gì sẽ diễn ra với con người nếu trái đất tiếp tục nóng lên ?
Theo các nhà khoa học, ảnh hưởng của con người là nguyên nhân số một gây ra hiệu ứng nóng lên toàn cầu, đặc biệt là do phá rừng và tăng lượng khí thải CO2 từ đốt nhiên liệu hóa thạch. Các đợt nóng kéo dài sẽ dẫn tới tổn hại nặng nề với sức khỏe con người, với những bệnh như đột quỵ, say nắng, tim mạch…
Theo một nghiên cứu khác của các nhà khoa học vừa công bố đầu tuần này, số người thiệt mạng vì các đợt nắng nóng sẽ tăng khủng khiếp trong một số vùng của trái đất từ nay đến năm 2080, nếu thế giới không có chính sách ngăn chặn hiện tượng hâm nóng khí hậu.
Nghiên cứu đăng trên báo PLOS Medecine chỉ rõ những vùng liên quan nhiều nhất là vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Kết quả của nghiên cứu này khẳng định cần phải có chính sách rộng lớn hơn nữa để hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thì mới có thể giảm số nạn nhân của các đợt nắng nóng gay gắt.
Ông Antonio Gasparrini, chuyên gia thuộc London School of Hygiene&Tropical Medecine, đồng tác giả nghiên cứu trên, nhấn mạnh là nhiều nước đã và đang bị các đợt nắng nóng chết người và tần số các đợt nắng nóng như vậy sẽ còn tiếp tục gia tăng. Chuyên gia này nhận định chỉ có giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính chúng ta mới hy vọng hạn chế được các hậu quả.
Nghiên cứu đưa ra dự báo hậu quả liên quan đến 412 công đồng dân cư ở 20 nước trong khoảng thời gian từ 2031 đến 2080. So sánh với giai đoạn 1971-2020 và trong kịch bản tồi tệ nhất, số nạn nhân của nắng nóng sẽ tăng gấp 12 lần ở Philippines. Với nước Úc và Mỹ, con số trên sẽ tăng gấp 5 lần và với Anh Quốc tăng gấp 4.
Trong một kịch bản đỡ tồi tệ hơn, tức là có thực thi chính sách về khí hậu như đã được Thỏa thuận Paris ấn định thì số người chết vì các đợt thiên tai năng nóng cũng vẫn tăng gấp đôi ở nước Anh.
Rõ ràng, biến đổi khí hậu khiến tương lai loài người trở nên mong manh. Điều đáng sợ là đã quá muộn khi chúng ta vẫn tiếp tục thải vào không trung lượng khí thải khổng lồ. Dù có ngừng mọi hoạt động tạo ra CO2, con người cũng sẽ vẫn phải đối mặt với hậu quả. Tuy nhiên, nếu tích cực giảm lượng khí thải toàn cầu, hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ nhẹ hơn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180802-nam-2017-phat-thai-khi-gay-hieu-ung-nha-kinh-dat-ky-luc
Liên Hiệp Quốc cảnh báo
tình trạng chạy đua vũ trang ở Trung Phi
Ba nhà báo người Nga bị thiệt mạng khi đang điều tra tại Cộng hòa Trung Phi về sự hiện diện của công ty Wagner, chuyên cung cấp lính đánh thuê người Nga, gây thêm lo ngại về tình hình an ninh ngày càng xuống cấp tại quốc gia này.
Vụ sát hại xảy ra ngày 31/07/2018 vào đúng ngày Liên Hiệp Quốc công bố một bản báo cáo về tình hình chạy đua vũ trang ở Trung Phi. Theo tài liệu của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, việc Nga triển khai quân đội theo yêu cầu của tổng thống Touadéra để đảm bảo an ninh cho Trung Phi đã có tác động ngược lại và đang đẩy Trung Phi vào các vụ bạo động mới.
Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau giải thích thêm :
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 12/2017 khi Nga yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho miễn thi hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Cộng hòa Trung Phi. Về mặt chính thức, Matxcơva muốn giúp lực lượng quân sự Trung Phi vững mạnh hơn để đối phó với các nhóm nổi dậy đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Sau một thời gian lưỡng lự về yêu cầu của Nga, do lo ngại vũ khí sẽ bị phân tán tại đất nước đang làm mồi cho bạo lực, cuối cùng các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận.
Gần năm tháng sau, bản báo cáo của các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho thấy tình hình đúng như lo ngại : Việc Nga giao vũ khí cho chính phủ Trung Phi đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nhóm nổi dậy, đặc biệt là ở một số chi nhánh của liên minh phiến quân Hồi Giáo Séléka trước đây. Những phe này hiện mua lại vũ khí từ Sudan do nước láng giềng bán ra theo tiến trình giải trừ vũ khí ở Darfour.
Các nhóm phiến quân này cho các chuyên gia Liên Hiệp Quốc biết là họ tin chắc chính quyền của tổng thống Touadéra đang chuẩn bị chiến tranh nhắm vào họ. Với họ, giải pháp quân sự được Bangui ưu tiên hơn là giải pháp chính trị, càng buộc các phiến quân phải tái vũ trang.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180802-lien-hiep-quoc-canh-bao-tinh-trang-chay-dua-vu-trang-o-trung-phi
Di dân : Bruxelles viện trợ khẩn cấp
cho Hy Lạp và Tây Ban Nha
Ủy ban Châu Âu mới đây quyết định viện trợ bổ sung cho Hy Lạp và Tây Ban Nha để đón tiếp di dân, gồm 37,5 triệu euro cho Athens và 30 triệu euro cho Madrid. Từ nhiều tháng qua, các nước này gặp khó khăn với việc tân chính phủ Ý từ chối không cho các tàu chở di dân cập cảng.
Từ Bruxelles, thông tín viên Laxmi Lota gởi về bài tường trình :
Trên 20.000 di dân đã vào Tây Ban Nha kể từ tháng Giêng. Do lượng người đổ vào thường xuyên, cơ quan chức năng Tây Ban Nhà bị quá tải trong việc đăng ký và tiếp đón người nhập cư. Chủ nhật vừa rồi Madrid phải yêu cầu Quỹ tị nạn, nhập cư và hội nhập của châu Âu trợ giúp. Quỹ này hiện có khoảng mấy trăm triệu euro.
Một nguồn tin châu Âu xác nhận trước tình hình khẩn cấp, « Tây Ban Nha sẽ được hỗ trợ mấy chục triệu euro trong những ngày tới ».
Cách đây một tháng, Hy Lạp đã yêu cầu tương tự và nhận được 31,1 triệu euro cho việc chăm sóc sức khỏe, cung cấp thực phẩm và chi phí phiên dịch. Một ngân sách bổ sung 6,4 triệu euro đã được cấp cho Tổ chức Di dân Quốc tế để cải thiện điều kiện tiếp đón.
Một phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu nhìn nhận : « Maroc cần sự trợ giúp nhiều hơn ». Theo dự kiến, châu Âu sẽ viện trợ 55 triệu euro. Tuy nhiên, theo giải thích của chủ tịch Ủy Ban, nhiều quốc gia thành viên vẫn chưa chuyển phần đóng góp như đã hứa cho Quỹ tín dụng khẩn cấp của Liên Hiệp Châu Âu dành cho châu Phi.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180802-di-dan-bruxelles-vien-tro-khan-cap-cho-hy-lap-va-tay-ban-nha
Cờ Mỹ sản xuất tại Trung Quốc
chịu thuế của Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump tính tăng mức thuế, dự tính ban đầu là 10% lên thành 25%, đối với 200 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nhưng điều trớ trêu là quốc kỳ Mỹ lại được sản xuất ở Trung Quốc.
Ngày 01/08/2018, đài truyền hình France Info của Pháp phát một phóng sự ngắn về một nhà máy tại thành phố Phụ Dương (Fuyang), Trung Quốc, luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất. Sản phẩm bán chạy nhất là khẩu hiệu cho chiến dịch vận động tranh cử 2020 của tổng thống Mỹ đương nhiệm : « Giữ cho nước Mỹ vĩ đại » (Trump – 2020 – Keep America great !).
Tổng thống Mỹ dường như trừng phạt nhầm sản phẩm của Trung Quốc, vì hàng tháng, khoảng 10.000 khẩu hiệu dành cho những người ủng hộ ông được xuất xưởng từ nhà máy này.
Công nhân của nhà máy được trả lương hàng tháng 3.000 nhân dân tệ, chừng 380 euro, một mức lương tương đối ở Trung Quốc, cùng với thời gian làm việc linh hoạt và có thể mang con đến nơi làm việc. Một nữ công nhân cho biết : « Đôi khi tôi mang con gái đến để cho cháu biết chúng tôi làm việc vất vả như thế nào».
Các đối thủ của ứng viên Trump chắc sẽ nhớ đến cờ và khẩu hiệu tranh cử 2020 của ông Trump được sản xuất tại Trung Quốc. Còn bà Yo Yuan Yaun, giám đốc nhà máy, hy vọng Mỹ sẽ không tăng thuế để có thể tiếp tục giữ thị phần của mình :
« Nếu Mỹ tăng thêm thuế, số hàng bán ra của chúng tôi sẽ giảm đi. Một số nhà nhập khẩu Mỹ sẽ không mua nữa, vì giá của chúng tôi sẽ đắt hơn. Tôi hy vọng tình trạng này sẽ không xảy ra ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180802-co-my-san-xuat-tai-trung-quoc-chiu-thue-cua-donald-trump
Trung Quốc cảnh cáo
mọi can thiệp của nước ngoài vào Cam Bốt
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), hôm nay 02/08/2018, chúc mừng thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 29/07, đồng thời cảnh cáo mọi can dự của nước ngoài. Cuộc bầu cử bị đối lập tố cáo là gian lận, và bị các nước phương Tây chỉ trích.
Trong một thông cáo, ông Vương Nghị nói rằng cuộc bầu cử biểu hiện « sự ủng hộ » và « lòng tin » của nhân dân đối với Đảng Nhân Dân Cam Bốt (PCC). « Trung Quốc luôn kiên quyết ủng hộ những nỗ lực của Cam Bốt để bảo vệ chủ quyền, độc lập và ổn định, phản đối mọi sự can thiệp của các nước ngoài vào chuyện nội bộ của Cam Bốt ».
Đảng Nhân Dân Cam Bốt do ông Hun Sen, xuất thân là cán bộ Khmer Đỏ, lãnh đạo, loan báo đã giành được 125 ghế trong kỳ bầu cử Quốc Hội vừa qua. PCC hầu như không có đối thủ do đảng đối lập chính là Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt (PSNC) đã bị giải thể vào năm ngoái. Phó chủ tịch đảng PSNC cho rằng cuộc bầu cử này là « cái chết của nền dân chủ ».
Hoa Kỳ thông báo sẽ có những biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Phnom Penh, trong đó có việc cấm nhập cảnh một số bộ trưởng. Liên Hiệp Châu Âu cũng đe dọa trừng phạt kinh tế Cam Bốt, sau khi Đảng Cứu Nguy Dân Tộc bị cấm hoạt động.
Trung Quốc, đối tác ngoại giao và kinh tế lớn nhất của Cam Bốt, có ảnh hưởng rất mạnh đối với chính quyền Phnom Penh. Cam Bốt bị chỉ trích là con tốt đắc lực của Bắc Kinh tại ASEAN, đã từng cản trở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN ra thông cáo chung phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180802-trung-quoc-canh-cao-moi-can-thiep-cua-nuoc-ngoai-vao-cam-bot
TQ thề trả đũa
nếu Trump tiếp tục tăng thuế hàng nhập khẩu
Trung Quốc hôm thứ Tư nói Mỹ chớ nên “hăm dọa” vô ích và khẳng định sẽ phản công nếu Washington thực hiện thêm các bước nữa cản trở thương mại.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang đề xuất tăng thuế quan đối với 200 tỷ đô la giá trị hàng hóa của Trung Quốc, từ 10 lên thành 25 phần trăm giữa lúc Mỹ-Trung đang tiếp tục thương thảo xem có thể tái tục đàm phán thương mại hay không, Reuters dẫn lời giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho biết ngày 1/8.
Nguồn tin của Reuters nói Tổng thống Trump đã chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cân nhắc mức thuế 25 phần trăm trong nỗ lực hầu có công cụ thích hợp để khuyến khích Trung Quốc thay đổi hành vi.
Thời hạn chót cho công chúng góp ý được dời từ ngày 30/8 đến 5/9.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ bắt nạt và một lần nữa tuyên bố sẽ trả đũa nếu ông Trump tiến hành các biện pháp vừa kể.
“Áp lực và hăm dọa của Mỹ sẽ không có tác động. Nếu Mỹ thực hiện thêm các bước leo thang, Trung Quốc nhất định sẽ có các biện pháp đối phó và chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền chính đáng của mình,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu trong một cuộc họp báo thường kì.
Các nhà đầu tư lo sợ một cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu, và các tổ chức vận động kinh doanh có tiếng của Mỹ, dù chán chường với điều mà họ coi là các tập tục thương mại có tính trọng thương của Trung Quốc, đã lên án các mức thuế quan quyết liệt của ông Trump.
Các đại diện của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hà đã có những cuộc hội đàm riêng tư trong khi họ tìm cách khởi động lại các cuộc đàm phán để xoa dịu cuộc chiến tranh thương mại đang manh nha, Bloomberg đưa tin, dẫn các nguồn tin.
Vào đầu tháng 7, chính phủ Mỹ đã áp đặt mức thuế quan 25 phần trăm lên 34 tỉ đôla giá trị hàng hóa nhập khẩu ban đầu của Trung Quốc. Bắc Kinh đã trả đũa bằng các áp thuế tương xứng lên cùng một lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
Washington đang chuẩn bị áp thuế lên 16 tỉ đôla giá trị hàng hóa trong những tuần tới, và ông Trump đã cảnh báo rằng cuối cùng ông có thể đánh thuế hơn nửa ngàn tỉ đôla giá trị hàng hóa – xấp xỉ tổng khối lượng hàng hóa nhập khẩu Mỹ từ Trung Quốc vào năm ngoái.
Danh mục hàng hóa trị giá 200 tỉ đôla bị nhắm mục tiêu đánh thuế – bao gồm cá rô phi, bảng mạch in và các sản phẩm chiếu sáng của Trung Quốc – sẽ có tác động lớn hơn đối với người tiêu dùng so với các mức thuế trước đó.