Tin Biển Đông – 31/07/2018
ASEAN và Trung Quốc nhất trí
về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí một “văn bản duy nhất” để đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), tuy nhiên tiến trình này sẽ mất nhiều thời gian để đi đến kết luận. Tờ The Nation của Thái Lan dẫn lời giới chức ngoại giao Thái Lan và Trung Quốc cho biết như vậy hôm 31/7.
Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN, thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Suriya Chindawaongse nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên hai bên nhất trí một văn bản đàm phán duy nhất”.
Trước đó, hôm 27/7 trang tin Diplomat cũng loan tin cho hay hai bên đã thống nhất một bản COC duy nhất tại cuộc gặp cấp cao ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông tổ chức ở Trường Sa, Hồ Nam – Trung quốc hôm 27/6/2018.
Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Lệ Nhàn cho biết trong khi COC chưa được hiện thực hóa, Trung Quốc và các nước ASEAN tiếp tục thực hiện Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực đạt COC trong thời gian sớm nhất.
Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông là tập hợp những quy tắc, quy định và trách nhiệm hay cách hành xử phù hợp của các cá nhân, tổ chức và bên có liên quan đến vùng biển còn tranh chấp này.
Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này vẽ ra trên Biển Đông và đã bị tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ trong phán quyết công bố hồi tháng 7/2016.
Ngoài Trung Quốc, một số nước ASEAN khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei.
ASEAN và Trung Quốc đã có những đàm phán COC từ sau khi Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn ở Trường Sa vào năm 1995. Hai bên đã trao đổi các bản nháp COC vào tháng 3 năm 2000 nhưng do những bất đồng nên hai bên không thể đạt được COC mà chỉ có được Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) vào năm 2002.
Vào ngày 6/8/2017, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung về COC tại Manila.
Theo đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, hiện Bắc Kinh có kế hoạch tiến hành nhiều chương trình hợp tác hàng hải hơn với ASEAN như diễn tập chung trên biển, tổ chức hội thảo đánh giá hệ sinh thái ven biển và chiến lược bảo tồn ở Biển Đông, đào tạo về vệ tinh viễn thám môi trường sinh thái biển, và mở cuộc hội thảo về an toàn liên lạc và điều hướng trên Biển Đông…
Biển Đông: Manila lo ngại
về hành vi đe dọa của Trung Quốc ở Trường Sa
Chính quyền Manila tỏ ra quan ngại trước việc Trung Quốc ngày càng có thêm hành vi cảnh cáo tàu thuyền và máy bay của Philippines qua sóng radio, khi các phương tiện này hoạt động gần các tiền đồn mà Bắc Kinh đã bồi đắp tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Trả lời hãng tin Mỹ AP ngày 30/07/2018, hai quan chức Philippines đã cho biết như trên.
Theo AP, một báo cáo của chính phủ Philippines mới đây đã xác nhận rằng chỉ riêng trong nửa cuối năm 2017, đã có ít nhất là 46 lần phi cơ quân sự Philippines nhận được những lời cảnh báo qua vô tuyến điện từ phía Trung Quốc, khi bay tuần tra gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp tại quần đảo Trường Sa. Mục đích của Trung Quốc, theo bản báo cáo, là cản trở công việc giám sát của Philippines vùng biển của mình.
Theo một quan chức Philippines, chính quyền Manila đã từng hai lần bày tỏ thái độ quan ngại nhân các cuộc tiếp xúc với phía Bắc Kinh, trong đó có cuộc gặp tại Manila vào đầu năm nay để bàn về tranh chấp biển đảo giữa hai bên.
Điều đáng nói là nếu trước đây, những lời cảnh báo kiểu này thường do tàu tuần duyên Trung Quốc đưa ra, thì gần đây, theo giới chức quân sự, tín hiệu cảnh cáo được phát đi ngay từ các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm giữ. Trên các đảo này, Bắc Kinh đã lắp đặt các hệ thống thông tin và giám sát mạnh hơn, ngoài các vũ khí như tên lửa phòng không.
Báo cáo của chính quyền Philippines đã nêu cụ thể trường hợp một phi cơ của Không Quân Philippines vào cuối tháng Giêng. Khi tuần tra gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, thoạt đầu chiếc máy bay này nhận được lời cảnh báo là đang « đe dọa tới an ninh của đảo Trung Quốc », và phải « rời đi ngay lập tức và tránh gây hiểu lầm ».
Nhưng chỉ ít lâu sau, lời cảnh báo biến thành đe dọa : « Hãy rời đi ngay lập tức, nếu không thì sẽ phải gánh chịu hậu quả có thể xảy ra ». Và sau lời cảnh báo, phi công Philippines đã nhìn thấy hai tín hiệu pháo sáng được phóng từ hòn đảo do Trung Quốc chiếm giữ, được xác nhận là đá Gaven.
Vào tháng Tư năm ngoái 2017, lực lượng Trung Quốc cũng đã từng dùng sóng radio, tung ra những lời đe dọa để đuổi hai phi cơ quân sự của Philippines chở các quan chức Philippines và khoảng 40 nhà báo tới đảo Thị Tứ gần các đảo do Bắc Kinh kiểm soát ở Trường Sa.
Trả lời câu hỏi của AP, Trung tá Clay Doss thuộc Hạm Đội 7 Hoa Kỳ cũng xác nhận là tàu thuyền và máy bay của Mỹ cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng những cảnh báo của Trung Quốc trên Biển Đông.
Biển Đông Đầy Nỗi Lo
Trần Khải
Biển Đông có vẻ như không gỡ được móng vuốt của quân lực Trung Quốc trong thời gian gần… Ngay cả như nếu có cơ may, chúng ta cũng khó hình dung được cơ may nào có thể làm TQ từ bỏ biển Đông, có lẽ, trừ phi đất nước khổng lồ này tan rã làm nhiều mảnh.
Báo The Star từ Kuala Lumpur ghi rằng chính phủ Mã Lai cho biết sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao và đối thoại với cả Hoa Kỳ và TQ về hiện diện quân sự của 2 nước này tại Biển Đông, theo lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Mã Lai Mohamad Sabu.
Bộ Trưởng Mã Lai nói sự hiện diện và biểu diễn sức mạnh quân sự của TQ và Mỹ trong vùng Biển Đông là điều đáng ngại, và Mã Lai không muốn biến khu vực này thành chiến trường, do vậy sẽ tăng cường đối thoại và ngoại giao.
Bộ Trưởng Mã Lai nói Mã Lai không muốn họ tập trận chung trong khu vực, và cũng không muốn họ cặp tàu chiến ở nơi này vì có thể gây xung động hay chiến tranh trong khu vực.
Trong khi đó, Báo South China Morning Post nói rằng chính phủ Philippines nêu quan ngại về lời cảnh báo qua phát thanh của TQ là “phải tránh xa các đảo Biển Đông”…
Một chiến đấu cơ Philippines bay tuần gần các đảo do quân TQ chiếm đóng đã bị cảnh báo là phải tránh xa để khỏi gây hiểu nhầm…
Chiến đấu cơ Philippines nhận lời cảnh báo bằng tiếng Trung Hoa qua sóng radio tới 46 lần trong khi bay tuần gần Trường Sa riêng trong nửa sau năm ngoái, theo bản phúc trình phổ biến hôm Thứ Hai.
Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov mới đây tuyên bố các tàu hộ vệ thuộc Dự án 22800, có trang bị tên lửa Kalibr có thể sắp được bán cho một số quốc gia Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.
Hãng thông tấn Tass của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng Borisov nói rằng: “Các hộ tống hạm này có khả năng cơ động cao, trọng tải lớn, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Quan trọng nhất là được trang bị các tên lửa hành trình Kalibr. Các tàu hộ vệ thuộc Dự án 22800 có giá cả chấp nhận được, nhỏ, gọn và nhanh.”
Các đơn vị Hải quân Nga, bao gồm đơn vị Biển Baltic, Biển Bắc, Hạm đội Biển Đen và Hạm đội biển Caspi được trang bị hộ tống hạm lớp Karakurt.
Ông Borisov nói “Dự án đóng ba chiếc tàu mới đầu tiên thuộc lớp Karakurt đã được khởi công tại xưởng đóng tàu miền Đông.”
Bản tin VOA ghi rằng 18 tàu hộ tống cỡ nhỏ thuộc Dự án 22800, trong đó có hai chiếc đầu tiên đóng xong trong năm 2018 theo trù liệu sẽ được giao cho Hải quân Nga. Các tàu này được trang bị hệ thống pháo-tên lửa hiện đại, có độ chính xác cao.
Trong khi đó, bản tin RFI từ Paris cho biết Bắc Kinh vừa quyết định phái một chiếc tàu cứu hộ xuống neo đậu lâu dài tại Đá Xu Bi, một trong 7 tiền đồn mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).
Báo mạng Nhật Bản The Japan Times ngày 29/07/2018 trích dẫn truyền thông Trung Quốc cho biết như trên, đồng thời cho rằng hành động chưa từng thấy đó nhằm củng cố quyền kiểm soát thực tế của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã Trung Quốc, được Japan Times trích dẫn, thì chiếc tàu Nam Hải Cứu 115 (Nan Hai Jiu) của Trung Quốc, thuộc loại tàu có bãi đáp để triển khai trực thăng cứu hộ cỡ trung, sẽ bắt đầu hoạt động ngay khi đến Đá Xu Bi vào hôm Thứ Hai 30/07/2018.
Tân Hoa Xã xác định đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu cứu hộ tới neo đậu lâu dài tại Trường Sa kể từ khi bắt đầu các hoạt động nạo vét bồi đắp đảo nhân tạo trong khu vực kể từ năm 2013.
Hãng tin chính thức của Trung Quốc dẫn lời một quan chức tại Bắc Kinh nhấn mạnh đến nhiệm vụ của chiếc tàu cứu hộ này là «nâng cao các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại quần đảo Trường Sa cũng như các khu vực lân cận để thực hiện nghĩa vụ và bổn phận cứu trợ hàng hải theo thông lệ quốc tế».
RFI ghi lời một quan chức khác cũng khẳng định là Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng các tàu cứu hộ lớn hơn và tối tân hơn, có tầm hoạt động xa hơn. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẽ triển khai trực thăng để tìm kiếm cứu hộ tốt và nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo báo Japan Times, quyết định của Trung Quốc cho tàu cứu hộ đồn trú tại Trường Sa nằm trong những động thái được nhiều chuyên gia cho là tính toán có phối hợp nhằm áp đặt quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông, nơi mà các láng giềng Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Để khống chế Trường Sa, Bắc Kinh dựa trên tam giác gồm ba hòn đảo nhân tạo Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn – đều có sân bay quân sự. Các thông tin tình báo được tiết lộ gần đây còn cho biết khả năng Trung Quốc bố trí trên các đảo nhân tạo trong tay họ ở Trường Sa các loại tên lửa, nhà chứa máy bay, vũ khí to lớn, và một loạt các thiết bị có thể theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của quân đội nước ngoài.
Theo Trung Quốc, các cơ sở họ đặt trên các đảo chỉ nhằm mục đích phòng thủ, còn bản thân các đảo được bồi đắp để phục vụ mục tiêu dân sự, và sẽ cung cấp các dịch vụ điều hướng cho tàu bè trong khu vực.
Theo Japan Times, một số nhà quan sát đã bày tỏ thái độ quan ngại là các hành động của Bắc Kinh tại Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền của họ trên quần đảo Trường Sa cũng như toàn bộ Biển Đông.
Đáng lo vậy…