Điểm Báo Pháp 4/6/2014
Binh lính và công an phủ kín quảng trường Thiên An Môn – REUTERS /Petar Kujundzic
Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình thực tế chỉ là cơn ác mộng : Đảng Cộng sản Trung Quốc xóa ký ức tập thể, Thiên An Môn chìm trong bóng tối, 25 năm sau cuộc đàn áp đẫm máu 04/06/1989, khát vọng dân chủ vẫn mãnh liệt … Đó là những tựa lớn của báo chí Pháp bên cạnh các chủ đề an ninh sôi bỏng của châu Âu.
Từ 25 năm nay, mỗi khi đến gần ngày tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 04/06/1989 thì đảng Cộng sản Trung Quốc bao giờ cũng tăng cường các biện pháp trấn áp đề phòng biểu tình. Thế nhưng năm nay, Bắc Kinh đã triệt để cấm mọi hình thức gợi nhớ phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh. Cả hai nhật báo, Libération , cánh tả và Le Figaro, cánh hữu cùng nhận định : đảng Cộng sản Trung Quốc phủ tấm màn đen lên Thiên An Môn, tổ chức một chính sách xóa ký ức tập thể người dân Trung Hoa.
Thông tín viên của Le Figaro từ Bắc Kinh, sau khi nhắc lại 50 ngày biểu tình kết thúc với cuộc đàn áp đẫm máu đêm mùng 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 1989, tường thuật thủ đoạn « xóa trí nhớ dân tộc » của chính quyền Trung Quốc : mọi hành động, lời nói, bài viết gợi nhớ Thiên An Môn như con số 6-4, Lý Bằng, Triệu Tử Dương, làn sóng sinh viên, du lịch bắt buộc, sự thật 89 thậm chí mật mã 35 tháng 5 cũng bị xóa, bị phong tỏa trên mạng điện tử.
Quảng trường Thiên An Môn tràn ngập cảnh sát và mật vụ. Chưa đủ, giới nhà báo quốc tế và sinh viên ngoại quốc cũng bị chiếu cố. Một thông tư của bộ giáo dục mời sinh viên ngoại quốc viếng thăm Nội Mông ngày 03/06 và 4/06 miễn phí và khuyến cáo phải « hợp tác » và nếu không tham gia thì phải « trình lý do chứng minh như giấy bác sĩ chẳng hạn ». Bên cạnh « thông tư », cán bộ còn đến tận phòng « vào lúc 23 giờ đêm để nhắc nhở tính cách bắt buộc » của thông tư mời đi du lịch.
Giới phóng viên quốc tế thì chính quyền bắt buộc tham gia vào cuộc « xóa trí nhớ tập thể » với lời khuyến cáo « vào thời điểm nhạy cảm, không nên phỏng vấn về các đề tài nhạy cảm ». Cổng vào xe điện ngầm Muxidi, nơi nhiều sinh viên bị giết cách nay 25 năm, cũng bị xem là « địa điểm nhạy cảm » và bị đóng cửa.
Sinh viên Trung Quốc từ lâu đã quen cảnh « ở bầu thì tròn ở ống thì dài », hầu như không ai biết hay nghe nói đến phong trào dân chủ. Còn các nhân vật có liên quan đến phong trào Thiên An Môn như Bào Đồng, thư ký của cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương, bà mẹ Thiên An Môn Đinh Từ Lâm và hàng chục blogger có tinh thần tự do phát biểu đã bị đem đi quản thúc ngoài thủ đô từ nhiều ngày qua.
Nếu Le Figaro minh họa khát vọng dân chủ của phong trào sinh viên 1989 với bức ảnh một nhóm sinh viên bất chấp lệnh thiết quân luật, trèo lên đầu bức chân dung của Mao Trạch Đông căng tấm vải bố to che khuất mặt của Mao thì báo Libération đăng bức ảnh đi vào lịch sử : một sinh viên tay không chặn đoàn xa thiết giáp của 25 năm về trước và bức thứ hai chụp hôm thứ ba hai người lính cầm cờ trên một quảng trường hoang vắng.
Có cùng nhận định với Le Figaro, bài phỏng vấn sử gia Pháp François Godment trên Libération thẩm định tính chất tuyệt đối của chính sách xóa ký ức Thiên An Môn. Ngay nạn đói do hệ quả tai hại của chính sách đại nhảy vọt của Mao làm nhiều chục triệu người chết thỉnh thoảng có được nhắc lại thì Thiên An Môn hoàn toàn bị « một màn đêm che phủ ».
«Đảng Cộng sản sợ mất quyền»
Tại sao Bắc Kinh lại sợ Thiên An Môn đến mức độ phải « xóa ký ức tập thể » ? Sử gia François Godment cho rằng trong 30 năm qua, đã có ít nhất 3 lãnh đạo Trung Quốc bằng cách này hay cách khác đã đưa ra lập trường dân chủ hóa chính trị. Ban lãnh đạo ngày nay bị đặt vào thế « khó khăn ».
Nếu khát vọng dân chủ lan rộng thì đảng sẽ bị chia rẽ, mất khả năng lãnh đạo. Mặc khác, chính quyền Tập Cận Bình cảm thấy đang bị một cuộc cách mạng màu cam, một Mùa Xuân Ả Rập, đe dọa. Trong một đất nước mà tòa án bất minh, quan chức tham nhũng thì chính những tệ nạn này sẽ nhanh chóng trở thành lò thuốc súng.
Nhật báo l’Humanité của đảng Cộng sản Pháp chú ý nhiều về những thay đổi từ một phần tư thế kỷ nhưng tất cả những động thái nhượng bộ như cho phép dân làng Ô Khảm tự do bầu chính quyền xã, hay ở xí nghiệp , công nhân bầu đại diện công đoàn, hay các vụ công nhân đình công đòi tăng lương chỉ là những bước nhỏ để ngăn chận trước những hệ quả chính trị bắt nguồn từ xung khắc xã hội đến từ mọi hướng.
Báo L’Humanité kết luận : 25 năm sau cuộc đàn áp đẫm máu, khát vọng dân chủ vẫn mãnh liệt trong toàn cảnh căng thẳng xã hội. Đó là thực trạng của Trung Quốc ngày nay.
Vacxava cầu cứu Mỹ, 25 năm sau khi Cộng sản sụp đổ tại Ba Lan
Vào đúng ngày Thiên An Môn đẫm máu sinh viên thì ở Ba lan, công đoàn Đoàn kết lật đổ được chế độ cộng sản. Nhưng 25 năm sau, người dân Ba Lan thôi thúc Hoa Kỳ yễm trợ khẩn cấp trước tham vọng địa chiến lược của Putin.
Vào lúc Tổng thống Mỹ đến Ba Lan nhân kỷ niệm 25 năm ngày chế độ Cộng sản cáo chung, thì hầu hết báo chí tây phương đều nhấn mạnh đến bối cảnh căng thẳng tại Ukraina làm Đông Âu mong được Hoa Kỳ yễm trợ chống Nga : Gấu Nga thức giấc, Vacxava thúc giục Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đưa quân từ Tây Âu sang Đông Âu
Minh họa bằng tấm ảnh Tổng thống Mỹ đứng trước phản lực F16, nhật báo kinh tế Les Echos thẩm định là Hoa Kỳ đã sẵn sàng tăng cường phòng thủ châu Âu với 1 tỷ đôla tăng viện chỉ còn chờ đèn xanh của quốc hội.
Cũng bên cạnh tấm ảnh Tổng thống Mỹ Obama, đọc thông điệp bên cạnh tổng thống Ba Lan Bronislaw Komowski, le Figaro đề tựa : Obama trấn an các đồng minh Đông Âu , cam kết viện trợ 1 tỷ đôla tăng cường an ninh quốc phòng. Để làm gì, bài báo thứ hai trả lời : Liên Minh Bắc Đại tây Dương đang chuẩn bị một kế hoạch « đáp trả » với thách thức của Nga mà tổng thư ký Nato gọi là « kế hoạch hành động sắt bén, nhanh chóng và co dãn » sẽ được các nước thành viên thông qua vào tháng 9.
Le Figaro nhấn mạnh đến vai trò chủ động của Ba Lan từ khi Nga chiếm đoạt bán đảo Crimée : Ba Lan đã mời Tổng thống vừa đắc cử của Ukraina Petro Porochenko, cùng với một chục phái đoàn các quốc gia Đông Âu trước đây thuộc khối Vacxava của Liên Xô sang Vacxava. Ngày 03/06 và 04/6/1989 kỷ niệm ngày công đoàn Đoàn kết chiếm đa số tại quốc hội trong cuộc bầu cử tự do hạn chế. Giờ đây, các nước này là thành viên nhiệt tình nhất của NATO. Tổng thống Mỹ đã không lầm khi đánh giá Ba Lan là đồng minh quý giá nhất của Mỹ.
Trong dịp lễ kỷ niệm, Tổng thống Ba Lan đã có một cử chỉ biểu tượng, trao tặng giải thưởng Solidarnosc cho Musthapha Djemilev, lãnh đạo cộng đồng người Tatar Ukraina, ở Crimée nhưng bị cấm cư ngụ từ khi Nga chiếm Crimée. Nhưng không phải chỉ có cử chỉ biểu tượng, theo Le Monde, Ba Lan đưa ra nhiều đòi hỏi và đề nghị cụ thể : yêu cầu Pháp không bán chiến hạm đa năng Mistral cho Nga. Trước sức mạnh của Nga, Vacxava thắt chặt quan hệ với Mỹ.
«Nga phải chấp nhận thời đế chế đã cáo chung»
Trong bài phỏng vấn dài, Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski khẳng định muốn NATO giúp Ba Lan khả năng chận diệt tên lửa của Nga nằm không xa biên giới bao nhiêu, Ba Lan ủng hộ nhiệt tình Tổng thống Ukraina mới đắc cử với trọng trách quét sạch truyền thống tham nhũng, đặc quyền tại Ukraina. Còn đối với tham vọng địa chính trị của Putin, ngoại trưởng Ba Lan kêu gọi nước Nga phải chấp nhận thời đế chế đã qua rồi cũng như một số cường quốc tây Âu đã phải chấp nhận chấm dứt thời thuộc địa.
Cuối cùng, Le Monde cho biết trong khi chờ đợi kế hoạch mới của NATO, Ba Lan đã tự mình tiến hành « lá chắn » chống tên lửa Nga mà đã chọn cái tên biểu tượng « Đoàn kết » như công đoàn Đoàn kết với chi phí khổng lồ 34 tỷ euro trong 10 năm tới.
Bầu cử Syria
Thời sự vùng Trung Đông được chú ý trên báo Pháp là cuộc bầu cử Tổng thống Syria bị tây phương gọi là trò đùa. Tuy nhiên, Le Figaro dự báo là sau trò dàn dựng này để củng cố quyền lực trên 40% lãnh thổ do ông kiểm soát, lãnh đạo Syria sẽ tìm cách chia rẻ đối lập, mời một số nguời tham gia chính quyền.
Ở thế yếu nhưng thực tế , đối lập Syria lưu vong nhìn nhận không đủ khả năng lật đổ chế độ độc tài. Cán cân lực lượng nhiên về phía Bachar al Assad. Đối lập Syria hy vọng sẽ được Pháp giữ lời hứa trợ giúp « một cách hiệu quả hơn », một cuộc họp cấp chỉ huy tình báo các nước ủng hộ đối lập đã được dự trù, để cải cách bộ chỉ huy quân sự hầu lật ngược tương quan sức mạnh trên chiến trường để… mở lại đàm phán.
Thời sự Pháp được ghi dấu bằng hai dự án : một là chính phủ tái cấu trúc hệ thống quản lý địa phương , hai vùng sáp nhập lại thành một, từ 22 xuống còn 14, cho gọn nhẹ, tiết kiệm công quỹ. Le Monde gọi đây là « hôn nhân theo bản đồ ».
Le Figaro, với quan điểm đối lập, tiên đoán là sẽ có chống đối. Tuy ngân sách hạn hẹp nhưng Pháp công bố dự án thứ hai, mang tính xã hội : lập Quỹ bảo vệ người già, 650 triệu euro đầu tiên trong kế hoạch 4 tỷ euro chu cấp thêm cho người trên 85 tuổi tại Pháp. Mục tiêu là làm sao 700.000 người dù già yếu vẫn được tự chủ, sống tại nhà không cần phải sớm vào viện dưỡng lão theo như nhận định của Le Monde.