Việt Nam: ‘Cần cơ chế để dân chống tham nhũng’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam: ‘Cần cơ chế để dân chống tham nhũng’

BBC
30 tháng 7 2018

Tổng Bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, được dẫn lời nói tại một hội nghị tại Hà Nội hôm 25/06 rằng cuộc chiến chống tham nhũng còn khó khăn, phức tạp, và chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tổng Bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, được dẫn lời nói tại một hội nghị tại Hà Nội hôm 25/06 rằng cuộc chiến chống tham nhũng còn khó khăn, phức tạp, và chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía
Nỗ lực chống tham nhũng tại Việt Nam tuần qua có các diễn biến mới liên quan tới một số quan chức và cán bộ cao cấp từ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng tại Hà Nội, Phó Giáo sư -Tiến sỹ Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư, nói rằng việc chống tham nhũng đang được nhân dân ủng hộ.
“Công cuộc phòng chống tham nhũng có nhu cầu từ cả đòi hỏi của người dân cũng như quá trình tập trung quyền lực của Đảng. Tham nhũng là có từ lâu rồi và dưới các chiêu bài khác nhau.
“Đảng và nhà nước rất muốn dựa vào dân để chống tham nhũng. Tuy nhiên dựa vào dân như thế nào, Tiến sỹ Thọ nói. “Dựa vào dân không phải là từng cá nhân mà phải có những cơ chế. Đó là mặt trận tổ quốc hay xã hội dân sự…thì cái đó chưa rõ”.
Tiến sỹ Thọ lưu ý rằng hầu hết các đại án đều liên quan tới 5-10 năm trước mà bây giờ mới “có điều kiện” đưa ra ánh sáng.
“Khi nói tới bộ máy chống tham nhũng thì câu hỏi đặt ra là bộ máy đó liệu có trong sạch mà không bị nhiễm từ thời kỳ trước hay không. Tức là bộ máy đó có các cán bộ thuộc về nhiệm kỳ trước và họ có trong sạch không,” ông Thọ nói.
Khi được hỏi về đánh giá của mình với nỗ lực chống tham nhũng từ nay tới Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13 và hậu Đại hội, ông Thọ nói:
“Ai cũng mong muốn là phải chống tham nhũng. Nếu mà có được một người như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà có thể tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng này thì tốt hơn một kẻ lên mà lại làm ảnh hưởng sự phát triển của đất nước cũng như người dân.
Tiến sỹ Thọ lưu ý rằng hầu hết các đại án đều liên quan tới 5-10 năm trước mà bây giờ mới "có điều kiện" đưa ra ánh sáng. Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tiến sỹ Thọ lưu ý rằng hầu hết các đại án đều liên quan tới 5-10 năm trước mà bây giờ mới “có điều kiện” đưa ra ánh sáng.
“Đó là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên nhìn vào thực tế thì có những khó khăn trong việc lựa chọn bởi có những giới hạn trong quy định của Đảng.
“Đó là khống chế về tuổi tác, hai nhiệm kỳ…mặc dù cũng có những ý kiến bàn về việc liệu có thể thay đổi quy chế của Đảng hay không để có lãnh đạo có đủ uy tín đối với dân và trong Đảng.
Tuy nhiên PGS Tiến sỹ Phạm Quý Thọ khẳng định rằng rằng ông vẫn muốn thấy có những thay đổi để người dân kiểm soát chống tham nhũng chứ không phải là từng cá nhân chống tham nhũng.
Báo chí, theo ông Thọ, càng ngày càng là một kênh thông tin và lực lượng rất quan trọng và chúng ta cần đánh giá là mỗi một tin hay một kênh thông tin nào nói ra là cần phải có trách nhiệm từ đó.

PGS – TS Phạm Quý Thọ nói rằng việc chống tham nhũng đang được nhân dân ủng hộ
“Theo tôi quan sát thì các lãnh đạo của các quốc gia trong đó có cả Việt Nam cũng quan tâm tới các kênh “trái chiều” nhằm hoàn thiện về chính sách và thể chế.
“Việc tạm ngưng chưa thông qua Luật Đặc khu vừa qua đã thể hiện động thái này.
Đảng nhận thức được rằng tính chính danh của Đảng trong dân chúng bị suy yếu trong nhiều năm do vấn đề tham nhũng Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Đảng nhận thức được rằng tính chính danh của Đảng trong dân chúng bị suy yếu trong nhiều năm do vấn đề tham nhũng
Tiến sỹ Thọ nói ngay cả việc có những câu hỏi liệu có tham nhũng chính sách trong chiến lược phát triển Đặc khu kinh tế hay không thì hỏi như vậy theo ông cũng là bình thường.
“Theo tôi đó là vì cái này nó gắn liền với bất động sản. Giá bất động sản tại những nơi đã làm cả sân bay và giá nhà đất tăng ầm ẩm trong giai đoạn chuẩn bị đưa ra bỏ phiếu dự luật này.
“Người ta hỏi là ai đứng đằng sau việc tăng giá bất động sản lớn như vậy và đó là câu hỏi mà những nhà quản lý cấp địa phương và trung ương phải lưu ý.
“Chúng ta cũng không nên trách các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đâu có lợi thì người ta làm.
“Nhưng những nhà làm quản lý lãnh đạo chính sách thì phải cân nhắc. Khi anh tung ra chính sách thì phải lường trước được hệ quả này và không để những nhà đầu cơ tác động chính sách và là sai lệch chính sách. Đó là nói trong điều kiện chính sách đó [Luật Đặc khu] là đúng và có tính thuyết phục về khoa học và lòng dân.
PGS Tiến sỹ Phạm Quý Thọ mô tả tham nhũng chính sách là một phần của tham nhũng chính trị nếu tham nhũng chính sách ở mức độ tràn lan.
“Từ quản lý vỉa hè bãi đỗ xe cho tới những chính sách qui mô rất nhạy cảm nếu như bị vận động thì rõ ràng đây là tham nhũng chính trị. Từ cấp phường xã cho tới cấp cao phải xử đại án thì đó là tham nhũng chính trị rồi,” ông Thọ nói.
Phản hồi lại bình luận của Tổng Bí thư Trọng gần đây về nhu cầu cần chống tham nhũng trong khu vực tư nhân, Tiến sỹ Thọ nói:
“Tham nhũng là lợi dụng quyền lưc của mình để cướp của công, tài sản nhà nước.
“Phải hiểu là tư nhân ở đây là các hộ gia đình kinh doanh, các doanh nghiệp và họ là các tác nhân gây ra tham nhũng từ cán bộ quan chức nhà nước bị tha hóa.
“Khu vực này có thể gây ra tham nhũng chính sách từ việc vận đồng hành lang để chuẩn bị luật và thông qua luật. Nói nôm na là họ mua các vị lãnh đạo để cho ra chính sách và triển khai chính sách.
“Tuy nhiên khâu này thì khó phát hiện ngay bởi những cái sai nhiều khi chỉ phát sinh khi thực thi.
“Các nước có hệ thống dân chủ và minh bạch người ta vẫn cho vận động cho việc ra chính sách nhưng có cơ chế thẩm đỉnh, phản biện và ràng buộc để có chính sách đúng.
“Còn tại Việt Nam thì vì không có cơ chế đó cho nên việc xuất hiện những cái biến tướng mà một thời gian rất lâu sau mới hiện ra các vấn đề đó”.
Việc công khai tài sản của cán bộ lãnh đạo, theo Tiến sỹ Thọ, cũng là việc “khó khăn”.
“Sự minh bạch về tài sản cũng khó khăn vì có nhiều cách che đậy tài sản trong quá trình công tác trước thông qua chuyển tài sản qua người quen thân và thậm chí chuyển ra nước ngoài.
“Ngoài ra còn phải nói tới quyền riêng tư cá nhân. Có nhiều thứ tài sản nhiều khi không chứng minh được…. như con tôi chơi chứng khoán ra tiền chẳng hạn,” Tiến sỹ Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư nói với BBC.