Tin khắp nơi – 26/07/2018
EU: TT Trump ‘nhượng bộ lớn’ về thuế
Trong một động thái mà người đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) coi là một “sự nhượng bộ lớn”, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/7 đồng ý không áp đặt thuế đối với ôtô trong khi đàm phán nhằm cắt giảm các hàng rào thuế quan với EU, theo Reuters.
Sau cuộc gặp ở Nhà Trắng, ông Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng cuộc thảo luận cũng tìm cách “giải quyết” vấn đề áp thuế của Mỹ lên thép và nhôm, cũng như việc áp thuế trả đũa của châu Âu.
Theo Reuters, ông Trump nói rằng châu Âu đồng ý gia tăng việc mua khí tự nhiên hóa lỏng cũng như giảm bớt rào cản thương mại đối với mặt hàng đậu nành của Mỹ, và do đó hỗ trợ các nông dân và ngành năng lượng của Hoa Kỳ.
Theo ông Juncker, hai bên đồng ý rằng chừng nào còn đàm phán về thương mại, hai phía sẽ ngưng áp đặt thêm thuế, gồm cả chuyện Mỹ tính đánh thêm thuế lên ôtô và phụ tùng ôtô.
Trao đổi với các phóng viên sau khi hội đàm, ông nói rằng đó là một “sự nhượng bộ lớn” về phía ông Trump, và rằng ông kỳ vọng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tuân thủ cam kết.
Các chính phủ châu Âu và quan chức EU coi thỏa thuận giữa ông Trump và ông Juncker là một thành công lớn, theo Reuters.
Cờ tranh cử của ông Trump ‘Made in China’
Những băng rôn xanh, trắng, đỏ của chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai của ông Trump vào năm 2020 với dòng chữ: “Hãy giữ cho nước Mỹ tiếp tục vĩ đại” đã sẵn sàng để lên đường sang Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề là những công cụ vận động này lại được sản xuất ở miền đông Trung Quốc.
Tại Công ty Cờ Gia Hào ở tỉnh An Huy, những nữ công nhân đang chạy máy may để may đường viền cho những lá cờ ‘Trump 2020’ với kích thước như chiếc khăn tắm, trong khi những lá cờ khác được xếp lại và chồng lên để chuẩn bị giao hàng.
Xưởng cờ này đã cho xuất xưởng khoảng 90.000 băng rôn kể từ tháng Ba năm nay, hãng tin Reuters dẫn lời quản lý Diêu Nguyên Nguyên cho biết. Đó là một số lượng lớn khác thường vào thời điểm vốn là mùa thấp điểm hàng năm.
Bà Diêu tin rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân khiến chiến dịch tái tranh cử của ông Trump tăng cường đặt hàng nhiều như vậy vào lúc này.
“Nó có liên quan chặt chẽ,” bà nói. “Họ đang chuẩn bị trước. Họ đang muốn tận dụng việc thuế quan của Mỹ vẫn chưa tăng và giá cả vẫn đang còn thấp.”
Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên 34 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau khi Bắc Kinh đáp trả tương xứng, Washington loan báo tiếp tục đánh thuế thêm 200 tỷ đô la hàng hóa và đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có cờ và khẩu hiệu.
Các băng rôn tranh cử này thể hiện rõ sự trớ trêu trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Với giá chỉ có 1 đô la mỗi sản phẩm thì ngay cả những nhà cung cấp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng không cưỡng lại được mức giá thấp đó, bà Diêu nói. Phân xưởng của bà đã sản xuất các lá cờ và khẩu hiệu tranh cử cho ông Trump kể từ khi ông còn là ứng cử viên trong cuộc bầu cử hồi năm 2016 với khẩu hiệu: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
“Doanh số đang đạt mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015,” bà nói.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông Trump để bắt Trung Quốc giao thương có lợi hơn cho Mỹ đang đe dọa ưu thế về giá của những sản phẩm này và lập trường cứng rắn của ông về thương mại cuối cùng sẽ khiến cho những nhà cung cấp như công ty Gia Hào mất đơn hàng.
“Nếu ông ấy tiếp tục tăng thuế như trước giờ, hoặc nếu ông ấy tiếp tục đồng ý với những người chống lại Trung Quốc, thì chắc chắn tôi không thể nhận thêm đơn hàng nữa,” bà cho biết.
Công ty Cờ Gia Hào không chỉ sản xuất hàng cho chiến dịch tranh cử của ông Trump mà còn sản xuất quốc kỳ của Mỹ và của những nước khác nữa.
Thợ may Tôn Lệ Quân cho biết cô không lo lắng gì hết về chiến tranh thương mại với Mỹ.
“Tôi biết rằng các biện pháp thuế của ông Trump nhằm vào Trung Quốc sẽ có tác động nào đó, nhưng chúng tôi không hề lo lắng do ngày nào chúng tôi cũng may cờ của các nước khác hết,” cô Tôn được Reuters dẫn lời nói.
Trump hoãn mời Putin đến năm sau
Nhà Trắng hôm 25/7 loan báo đề xuất họp thượng đỉnh Trump-Putin lần thứ hai vào mùa thu này tại Washington do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đã bị hoãn lại cho đến năm 2019 với lý do cuộc điều tra đang tiếp diễn về hành động can thiệp bầu cử của Nga hồi năm 2016.
Về phần mình, ông Putin cũng đã đánh tiếng rằng cuộc gặp của ông ở Nhà Trắng sẽ không diễn ra, AP đưa tin.
Trong một thông cáo, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết ông Trump tin rằng cuộc gặp tiếp theo giữa ông với ông Putin sẽ diễn ra ‘sau khi cuộc săn phù thủy [cụm từ ông Trump thường dùng để đề cập đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller với ý là truy bức chính trị] kết thúc’.
Hồi tuần trước, Nhà Trắng cho biết ông Trump đã chỉ thị cho ông Bolton mời ông Putin đến Nhà Trắng vào mùa thu này để nhanh chóng có cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo giữa những giông tố chính trị xung quanh những gì mà ông thể hiện tại cuộc gặp đầu tiên của ông với ông Putin ở Helsinki hồi tuần trước.
Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần nữa và nói rằng ông Putin sẽ không được chào đón ở Điện Capitol.
Quyết định này được Nhà Trắng đưa ra một vài ngày sau khi họ bác bỏ nỗ lực do Putin hậu thuẫn muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của miền đông Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 25/7 nói rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ công nhận việc Nga đã dùng vũ lực để sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và yêu cầu sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được khôi phục.
Trước đó, hôm 24/7, ông Yuri Ushakov, cố vấn đối ngoại của ông Putin, đã dội một gáo nước lạnh vào triển vọng ông Putin sẽ chấp nhận lời mời của Trump đến thăm Nhà Trắng.
Ông Ushakov nói với các nhà báo ở Moscow rằng hiện giờ nước ông không có sự chuẩn bị gì cho một cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington và ‘có những khả năng gặp nhau khác mà hai nhà lãnh đạo đang xem xét’, chẳng hạn như bên lề cuộc gặp của nhóm G-20 vào cuối tháng 11 ở Argentina và các sự kiện quốc tế khác mà hai nhà lãnh đạo đều tham dự.
Đã từ lâu ông Trump rất mong muốn mời ông Putin đến thăm Nhà Trắng. Trong các cuộc gặp bên lề trước đó của hai ông tại các hội nghị thượng đỉnh ở Đức và Việt Nam, ông Trump đều đã mời ông chủ Điện Kremlin đến Nhà Trắng, AP dẫn lời ba quan chức Mỹ cho biết. Ông đã lặp lại lời mời này trong một cuộc điện đàm với ông Putin vào mùa xuân rồi.
Nếu ông Putin đến gặp ông Trump vào mùa thu này trong lúc nước Mỹ đang diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ thì điều đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho vị thế chính trị của ông Trump và Đảng Cộng hòa, theo các chuyên gia.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-hoan-moi-putin-den-nam-sau-/4499805.html
Pompeo: Mỹ ‘nhẫn nại’ với Triều Tiên
nhưng không thể nhẫn nại mãi
Hoa Kỳ đang áp dụng chính sách ngoại giao ‘nhẫn nại’ để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ nhưng họ sẽ không để tiến trình này ‘kéo dài mãi không có hồi kết’, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu hôm thứ Tư ngày 25/7.
Báo cáo trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về chuyến công du của ông đến Bình Nhưỡng từ ngày 5 đến ngày 7/7, ông Pompeo nói Tổng thống Donald Trump vẫn lạc quan về triển vọng của việc Bắc Triều Tiên giải trừ hạt nhân và đã có tiến triển mặc dù ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, vẫn cần phải thực hiện đúng những gì mà ông đã cam kết tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump hôm 12/6.
Ông Pompeo nói rằng chính sách Bắc Triều Tiên của Mỹ tuân theo một nguyên tắc mà ông Trump đưa ra hôm 17/7 rằng ‘ngoại giao và can dự thì tốt hơn là xung đột và đối đầu’, và ông nói thêm rằng: “Chúng tôi đang tiến hành ngoại giao nhẫn nại, nhưng chúng tôi sẽ không để mọi việc kéo dài mãi không có kết thúc”.
Ông cho biết ông đã nhấn mạnh lập trường này trong các cuôc thảo luận ‘có hiệu quả’ ở Bình Nhưỡng với người đối thoại của ông là ông Kim Yong Chol, phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên.
Cũng tại phiên điều trần hôm 25/7, khi được Thượng nghị sỹ Dân chủ Ed Markey hỏi rằng có phải Bắc Triều Tiên đang tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch để dùng trong bom hạt nhân hay không, ông Mike Pompeo nói: “Đúng, điều đó là có thật… Họ tiếp tục sản xuất vật liệu phân hoạch.”
Chỉ mới một ngày trước, ông Mike Pompeo cho rằng tin tức về việc Bắc Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ cơ sở một điểm thử nghiệm hỏa tiễn là ‘nhất quán với cam kết mà Bình Nhưỡng đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng trước’.
Đã có những nghi ngờ ngày càng tăng về sự sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Khi đó, ông Kim đã cam kết làm việc hướng đến giải trừ hạt nhân nhưng không nói rõ bằng cách nào.
Khi rời Bình Nhưỡng vào ngày 7/7, ông Pompeo cho biết ông đã đạt một số tiến triển trên một số vấn đề chủ chốt trong khi Bắc Triều Tiên vài giờ sau đó đã cáo buộc phái đoàn của ông là đưa ra những yêu cầu ‘mang tính côn đồ’.
Tuần trước, Tổng thống Trump nói rằng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên ‘không có gì phải vội’ và ‘không cần thời hạn chót’. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo lại đưa ra những tuyên bố khác về mức độ kiên nhẫn của Washington.
Ngoại trưởng Mỹ: Bắc Triều Tiên
tiếp tục sản xuất vật liệu hạt nhân
Hôm qua, 25/07/2018, khi ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nhìn nhận là Bắc Triều Tiên tiếp tục sản xuất các vật liệu hạt nhân, 6 tuần sau cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12/06 tại Singapore.
Từ sau cuộc họp thượng đỉnh đó, chính quyền Trump vẫn bị chỉ trích vì đã không có những tiến bộ gì đáng kể trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Trước Ủy ban Ngoại giao Thượng viện hôm qua, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định là đang có “những tiến bộ” và cho biết tổng thống Trump rất “lạc quan về cơ may phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên”. Tuy nhiên, ông Pompeo cảnh báo là Washington sẽ không để cho Bình Nhưỡng kéo dài vô thời hạn các cuộc thương lượng giữa hai bên.
Theo các ảnh vệ tinh của Mỹ, Bình Nhưỡng gần đây dường như đã bắt đầu tháo dỡ bãi phóng vệ tinh chính của nước này, nơi mà theo nhiều chuyên gia, Bắc Triều Tiên vẫn tiến hành các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Cũng về quan hệ giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ, theo hãng tin Yonhap hôm nay, Bình Nhưỡng ngày mai sẽ hồi hương hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên ( 1950-1953 ). Ngày mai là đúng kỷ niệm 65 năm ngày ký hiệp định đình chiến chấm dứt cuộc chiến này. Việc hồi hương hài cốt lính Mỹ là một trong những thỏa thuận mà tổng thống Trump đã đạt được với lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180726-ngoai-truong-my-bac-trieu-tien-tiep-tuc-san-xuat-vat-lieu-hat-nhan
Dân biểu Cộng hòa Mỹ
muốn luận tội quan chức tư pháp
Một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ hôm 25/7 công bố các điểm luận tội đối với Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, gia tăng cuộc đối đầu quanh chuyện công tố viên đặc biệt Robert Muller điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, theo Reuters.
Các dân biểu Jim Jordan và Mark Meadows thuộc một nhóm bảo thủ tại Hạ viện Mỹ đã cùng với 9 nhà lập pháp khác cáo buộc ông Rosenstein che giấu quốc hội thông tin điều tra, không tuân thủ yêu cầu triệu tập của quốc hội và các cáo buộc sai phạm khác.
Theo AP, ông Meadows là người đi đầu trong nỗ lực trên. Dân biểu từ North Corolina này thường trao đổi với ông Trump và thường lên tiếng bênh vực nguyên thủ Mỹ.
Theo Reuters, ông Rosenstein, nhân vật cấp cao thứ hai ở Bộ Tư pháp, đã thường xuyên trở thành mục tiêu của các ủng hộ viên của tổng thống vì đã bổ nhiệm ông Muller điều tra xem liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 hay không. Tổng thống Trump đã bác bỏ cáo buộc liên quan tới Nga.
Reuters đưa tin, một quan chức Bộ Tư pháp cho biết rằng cơ quan này không có bình luận gì.
Dân biểu Adam Schiff, nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, viết trên Twitter rằng những điểm trong bản luận tội cho thấy các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện tìm mọi cách để “bảo vệ ông Trump”.
Các nhà lập pháp Cộng hòa thời gian qua đã tính tới chuyện luận tội ông Rosenstein.
Ông Rosenstein được ông Trump bổ nhiệm, nhưng tổng thống thuộc phe Cộng hòa thường xuyên chỉ trích quan chức tư pháp này trên Twitter với cáo buộc ông thiếu giám sát vụ điều tra Nga.
Ghi âm lén đào sâu xung khắc
giữa Trump và luật sư riêng
Băng ghi âm thu lén ghi lại lời Tổng thống Trump bàn bạc chuyện trả tiền để mua sự im lặng của người mẫu Playboy vừa bất ngờ được tung ra đánh dấu một bước ngoặt trong trò chơi pháp lý ‘mèo vờn chuột’ giữa tổng thống Trump và vị luật sư từng hứa sẽ đỡ đạn thế mạng ông nhưng giờ dường như đang sẵn sàng làm bất cứ gì để tự cứu lấy bản thân.
Sự xung khắc giữa ông Trump và Luật sư Michael Cohen, người từng được ông Trump tin cẩn để giải quyết tất cả mọi rắc rối pháp lý của ông, đã leo thang hôm 24/7 khi ông Cohen tung ra một đoạn băng ghi âm cuộc đối thoại giữa hai người trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Hôm 25/7 ông Trump đăng tải dòng tweet: “Luật sư loại gì mà lại ghi âm khách hàng? Thật là buồn!”
Trong khi hai bên tranh cãi về nghĩa chính xác của những từ ngữ nghe lúc được lúc không trong đoạn ghi âm, điều rõ rệt là đoạn băng này mới chỉ là phát súng mở đầu. Ít nhất có hơn một chục đoạn băng ghi âm cùng hàng trăm nghìn tài liệu khác đã bị tịch thu trong cuộc bố ráp văn phòng ông Cohen.
Đoạn băng được ghi âm vài tuần trước cuộc bầu cử năm 2016 dường như đã làm suy yếu những tuyên bố của ông Trump rằng ông không biết gì về một món tiền trả cho cựu người mẫu Playboy Karen McDougal, người nói đã từng ngoại tình với ông Trump trước khi ông lên làm tổng thống và lúc đó đã có vợ.
Chuyện này đã làm dấy lên những câu hỏi về khả năng xảy ra những vi phạm về tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. Câu chuyện cũng nêu bật vai trò quan trọng của ông Cohen, tư vấn cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử, và điều này có thể thu hút sự quan tâm của các nhà điều tra đang tìm hiểu liệu luật sư Cohen có vi phạm luật tranh cử khi dàn xếp các vụ thanh toán tiền bạc để mua sự im lặng của người khác hay không.
Trong đoạn ghi âm, ông Cohen nói ông đã nói chuyện với ông Allen Weisselberg, người phụ trách tài chính của Tổ chức Trump, về “làm thế nào để dàn xếp mọi chuyện.”
Sự dính líu của ông Weisselberg dẫn tới những nghi vấn về liệu Tổ chức Trump, một công ty tư hữu, có tìm cách bảo vệ chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump hay không.
Các luật sư của ông Trump nói việc thanh toán chưa hề được thực hiện.
Quyết định tiết lộ đoạn ghi âm lén cũng đánh dấu một chương mới cho ông Cohen, người đang cân nhắc việc hợp tác với các công tố viên liên bang và có thể, cả công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Diễn tiến mới này được nhiều người trong thế giới của ông Trump đánh giá là mối nguy lớn nhất đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ý nghĩa của cuộn băng ghi âm này vẫn đang được tranh cãi.
Những dòng tweet mới nhất của ông Trump đánh dấu việc leo thang căng thẳng trong mối quan hệ với ông Cohen, từng là luật sư riêng của ông Trump trong nhiều năm qua và trở nên thân thiết với gia đình ông. Một chi tiết đáng lưu ý là ông Cohen tuy từng là cánh tay phải của ông Trump trong kinh doanh, nhưng không có một vai trò chính thức trong chiến dịch tranh cử.
Việc ông Cohen ghi âm lén những trao đổi với ông Trump tuy không chính thống nhưng dường như không bất hợp pháp ở New York. Chuyên gia về đạo đức pháp lý của Đại học Northwestern Steven Lubet nói ông không biết bất cứ điều luật nào ở New York cấm một luật sư ghi âm thân chủ dù không có sự đồng thuận của người này.
Nhưng một số quy tắc khác, chẳng hạn như luật quy định luật sư và thân chủ phải có các giao tiếp đầy đủ và cởi mở, trung thực, không xuyên tạc, tránh gian lận, có thể được hiểu là luật sư phải được sự đồng ý của thân chủ.
Nhưng dù là có quy định hay không, việc ghi âm lén rõ ràng là một hành vi không đường đường chính chính, và có thể khiến luật sư bị khiếu nại.
https://www.voatiengviet.com/a/ghi-am-len-dao-sau-xung-khac-giua-trump-va-luat-su-rieng/4500832.html
Cổ phiếu Facebook lao dốc,
Mark mất hơn 16 tỷ đô la
Tài sản của Mark Zuckerberg bốc hơi 16,8 tỷ đô la khi cổ phiếu Facebook lao dốc 20% hôm 25/7.
Nguyên nhân là do doanh thu của Facebook giảm, tăng trưởng lượng người dùng cũng giảm so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ngay lập tức, ông chủ Facebook trượt từ vị trí tỷ phú giàu thứ ba thế giới xuống vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng của Bloomberg.
Cổ phiếu Facebook lao dốc cũng khiến Mark mất 13,7 tỷ đô la lợi nhuận trong năm, khiến doanh thu của Mark hiện chỉ còn dưới 70 tỷ đô la.
Người khổng lồ Facebook đang đối mặt với phản ứng dữ dội về việc xử lý tin tức giả và quyền riêng tư. Công ty này cho biết đã có 2,23 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng vào cuối tháng Sáu.
Con số này chỉ nhỉnh hơn 11% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng trưởng chậm nhất trong hơn hai năm.
Nó cũng cảnh báo các nhà đầu tư rằng mức chi sẽ vượt thu trong năm 2019.
Facebook cho biết họ đã lên kế hoạch chi hàng tỷ đô la để cải thiện cách theo dõi nội dung, quảng cáo và xử lý dữ liệu người dùng – những lĩnh vực mà Facebook phải đối mặt với sự giám sát điều chỉnh.
Viết Facebook, nhiều người bị ‘mời lên phường’
Một số blogger VN nói Facebook ‘xóa bài vô cớ’
VN ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng
Facebook lên kế hoạch mở văn phòng ở TQ
Dữ liệu iCloud của TQ đã về tay Bắc Kinh
Phân tíchDave Lee, phóng viên công nghệ BBC Bắc Mỹ, San Francisco
Đây chắc chắn không phải là ‘tận thế’ gì với Mark Zuckerberg cả.
Nhìn chung, mọi người dường hiển nhiên không bỏ rơi Facebook. Số người dùng đều đặn hàng tháng – tức là những người vào Facebook ít nhất mỗi tháng một lần – ổn định ở Hoa Kỳ, giảm nhẹ ở Châu Âu và tăng thêm ở mọi nơi khác.
Nhưng đối với một công ty quen với sự tăng trưởng nhanh chóng trong suốt cả năm, sự thiếu tăng trưởng đáng kể sẽ gây ra mối quan tâm, nếu không nói là hoảng sợ.
Đáng buồn thay, công ty không phân loại con số người dùng tại châu Âu một cách chi tiết hơn – điều đó có nghĩa là chúng ta không thể thấy được hiệu ứng của vụ bê bối Cambridge Analytica đối với người dùng Anh như thế nào.
Giới phân tích nói với tôi rằng họ coi Cambridge Analytica là một ‘khựng’ lại trong lịch sử của Facebook, mặc dù thêm một quý như thế này thậm chí sẽ có tác động nhiều hơn những gì chúng ta thấy trong suốt buổi giao dịch hôm thứ Tư.
Trong buổi họp với giới đầu tư, Facebook cảnh báo là họ nên chuẩn bị tâm lý và đừng kỳ vọng tăng trưởng doanh thu sẽ cải thiện cho ít nhất là hết năm nay.
Facebook – sở hữu cả Instagram và WhatsApp – cũng đang đầu tư vào các tính năng mới, chẳng hạn như thực tế ảo và video.
Cổ phiếu của Facebook ban đầu giảm khoảng 12% trong các phiên giao dịch ngoài giờ ở New York, sau đó tiếp tục giảm sâu khi công ty vạch ra các kế hoạch chi tiêu của mình.
Daniel Ives, giám đốc chiến lược tại GBH Insights, cho biết dự báo của công ty là “ác mộng”.
“Họ đã đưa ra một triển vọng rất đáng thất vọng trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019, điều này sẽ tác động đáng kể lên giá cổ phiếu trong thời gian tới”, ông nói.
Sự tăng trưởng số người dùng giảm ở Mỹ và Canada, các thị trường chính của Facebook, do giá quảng cáo ở đây cao.
Số lượng người dùng EU giảm trong bối cảnh các quy định về quyền riêng tư chặt chẽ hơn, mặc dù Facebook tiếp tục thu hút người dùng mới ở các quốc gia như Indonesia.
Ông Ives cho biết sự phổ biến của Instagram sẽ giúp Facebook ngăn chặn tình trạng thiếu hụt số người dùng.
Vào tháng Hai, công ty nghiên cứu thị trường eMarketer ước tính số lượng người dùng Facebook dưới 25 tuổi sẽ giảm khoảng hai triệu trong năm nay.
Nhưng eMarketer dự báo rằng Instagram, thuộc sở hữu của Facebook, sẽ thêm có thêm khoảng 1,6 triệu người dùng trong độ tuổi đó vào năm 2018.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44962340
Cháy rừng ở California, nhiều người rời bỏ nhà cửa
Hàng nghìn cư dân ở Nam California đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì đám cháy rừng mà tới sớm ngày 26/7 vẫn chưa được khống chế.
Đám cháy có tên gọi Cranston Fire, mà Reuters nói là do một người phá hoại gây ra, đang ngày càng lan rộng.
Vụ cháy rừng này đã khiến 3.200 người phải sơ tán tại nhiều cộng đồng, sau khi năm ngôi nhà bị thiêu rụi và đe dọa tới hơn hai nghìn căn nhà khác.
Hãng tin AP đưa tin, đám cháy rừng này đã buộc chính quyền phải ra lệnh sơ tán cho toàn bộ một thị trấn nằm trong rừng.
Theo quan chức cứu hỏa, ông Brandon McGlover bị bắt giữ hôm 25/7.
Người đàn ông 32 tuổi này đã bị cáo buộc gây ra nhiều vụ cháy, trong đó có Cranston Fire.
Đám cháy lớn này cùng với hàng chục vụ khác vẫn đang bùng lên dữ dội vì nhiệt độ khô nóng lên tới 37 độ C kèm gió lớn và độ ẩm thấp.
Theo Reuters, tình trạng như vậy sẽ kéo dài trong suốt ngày 26/7.
Trung tâm Cứu hỏa Quốc gia Mỹ cho biết, tính tới ngày 25/7, các vụ cháy rừng năm nay đã thiêu rụi 1,59 triệu hectare trong năm nay.
Liên Hiệp Châu Âu hoài nghi
về tính độc lập của tư pháp Ba Lan
Tòa Án Công Lý Liên Hiệp Châu Âu (CJUE) ngày 25/07/2018 ra phán quyết, cho phép một nước Liên Âu, trong trường hợp hoài nghi về tính độc lập của tư pháp Ba Lan, có quyền không thi hành lệnh truy nã do chính quyền Vacxava ban hành.
Quyết định của tòa án châu Âu tạo thêm cơ sở cho phe đối lập Ba Lan liên tục lên án chính quyền trong tay phe bảo thủ chà đạp tính độc lập của nền tư pháp nước này.
Thông tín viên đài RFI Pierre Bénazet từ Bruxelles giải thích quan điểm của Tòa Án Công Lý Liên Hiệp Châu Âu liên quan đến một trường hợp cụ thể giữa Ai Len và Ba Lan:
“Điểm khởi đầu của vụ việc liên quan đến một công dân Ba Lan bị cáo buộc buôn ma túy. Người này bị bắt hồi năm ngoái tại Ailen. Vacxava ba lần ban hành lệnh bắt giữ ở cấp châu Âu nhắm vào nhân vật này, nhưng cả ba lệnh bắt giữ nói trên tới nay đều không được thi hành. Bị cáo từ chối để bị trục xuất về Ba Lan, với lý do có nguy cơ không được bảo đảm xét xử một cách công bằng.
Tối Cao Pháp Viện Ailen tham khảo ý kiến của Tòa Án Công Lý Liên Hiệp Châu Âu và CJUE đánh giá là Ailen không nhất thiết phải thi hành lệnh bắt giữ do Ba Lan ban hành. Theo tòa, trước khi trục xuất công dân Ba Lan này về nước, Ailen cần kiểm chứng ba điểm : thứ nhất liên quan đến tính độc lập của các tòa án tại quốc gia đông Âu này; thứ hai, các phiên tòa xét phải được diễn ra một cách công bằng và sau cùng bị cáo trong trường hợp cụ thể này khi bị trục xuất liệu có nguy cơ là nạn nhân trong trường hợp tính độc lập của nền tư pháp Ba Lan bị vi phạm hay không.
Quyết định của Tòa Án Công Lý Châu Âu tạo thêm cơ sở cho các tiếng nói chống đối luật cải tổ tư pháp Ba Lan. Cho dù không trực tiếp phê phán hệ thống pháp lý Ba Lan, nhưng CJUE cho rằng trong trường hợp của Ba Lan, tính độc lập của tư pháp không được bảo đảm đúng mức như ở các nước khác trong Liên Hiệp”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180726-lien-hiep-chau-au-hoai-nghi-ve-tinh-doc-lap-cua-tu-phap-ba-lan
Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu
tạm đẩy lùi viễn cảnh chiến tranh thương mại
Họp báo tại Nhà Trắng kết thúc buổi làm việc với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 25/07/2018, tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố “một giai đoạn mới” trong quan hệ giữa Washington và Bruxelles đang được mở ra, sau nhiều tháng căng thẳng vì hồ sơ thương mại. Donald Trump cam kết sẽ “xét lại” quyết định đánh thuế nhôm và thép của châu Âu bán sang Hoa Kỳ.
Theo giới quan sát, đôi bên cùng dịu giọng trên hồ sơ thương mại, tạm đẩy lùi viễn cảnh nổ ra một cuộc chiến mậu dịch.
Thông tín viên đài RFI Grégoire Pourtier từ New York cho biết thêm về các hồ sơ mà đôi bên đã đạt được đồng thuận.
Gần đây Donald Trump từng mệnh danh Jean-Claude Juncker là một “tay sát nhân tàn bạo”. Từ cửa miệng tổng thống Hoa Kỳ, đấy có thể là một lời khen, nhưng điều đó báo trước đàm phán với chủ tịch ủy Ban Châu Âu sẽ gay go. Dù vậy, trước công chúng, hai nhà lãnh đạo này đã tỏ ra hòa hoãn hơn. Chỉ sau hai giờ làm việc, Jean-Claude Juncker tỏ ra hài lòng. Ông tuyên bố :
“Hôm nay tôi đến đây nhằm mục đích tìm được một thỏa thuận và chúng tôi đã tìm được thỏa thuận đó. Chúng tôi đã xác định được một số những lĩnh vực để cùng làm việc chung. Chúng tôi đã đề cập đến biện pháp xóa bỏ thuế nhập khẩu đánh vào hàng công nghiệp. Mục đích chính của chuyến đi này nhằm đề nghị giảm xuống số không thuế nhập khẩu đánh vào những mặt hàng ấy”.
Đây là một thông báo ngoạn mục, nhưng không liên quan đến ngành công nghiệp xe hơi. Về điểm này, viễn cảnh đôi bên đưa ra những giải pháp cụ thể còn xa vời. Tuy nhiên, thông báo nói trên của Washington và Bruxelles cho thấy quyết tâm của cả đôi bên rốt cuộc cũng muốn xích lại gần nhau, sau những căng thẳng chưa từng có từ nhiều tuần qua. Tổng thống Hoa Kỳ hứa sẽ xét lại quyết định tăng thuế đánh vào nhôm thép của châu Âu, quyết định đầu tiên khai mào cuộc chiến thương mại.
Một quyết định khác mang tính biểu tượng quan trọng không kém đó là Liên Hiệp Châu Âu thông báo sẽ nhanh chóng mua đậu nành của Mỹ. Lĩnh vực này đang bị suy yếu vì cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung. Trong cuộc họp báo hôm qua, ông Trump đã không quên chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh, khi nhắc tới kế hoạch cải tổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, đến nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống nạn nước ngoài ăn cắp bằng công nghệ, hay khi ông lên án các biện pháp trợ giá thái quá để hỗ trợ cho công nghiệp.
Về mặt hình thức, có thể nói cuộc họp với lãnh đạo châu Âu đã diễn ra êm đẹp, cho dù báo chí không được phép đặt câu hỏi. Điều đó có thể hiểu như là cả Donald Trump lẫn Jean-Claude Juncker đều không muốn vượt ra ngoài khuôn khổ bài diễn văn chính thức với giọng điệu hòa nhã.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180726-my-lien-hiep-chau-au-tam-xua-tan-vien-canh-chien-tranh-thuong-mai
Kiểm tra về gian lận thi cử ở Anh
Bốn cơ quan phụ trách các kỳ thi cấp GCSE (cấp hai) và A-level (cấp ba) ở Anh vừa quyết định mở cuộc kiểm tra độc lập về gian lận thi cử.
Thể hiện đẳng cấp bằng giáo dục hay vật chất?
Singapore đứng đầu xếp hạng giáo dục quốc tế
Sir John Dunford sẽ đứng đầu ủy ban độc lập thực hiện kiểm tra cho Joint Council for Qualifications (JCQ), hội đồng đại diện cho bốn cơ quan AQA, Edexcel, OCR và WJEC.
Diễn biến xảy ra sau khi có sự tăng vọt số lượng phạt đối với nhân viên trường học và học sinh vì gian lận năm 2017.
Số liệu của cơ quan quản lý thi cử Ofqual cho thấy số lượng nhân viên trường học giúp học sinh gian lận tăng 150% năm 2017.
Một phần của việc tăng vọt này được cho là do thay đổi trong cách ghi lại hồ sơ về việc phạt.
895 lần phạt được ghi nhận với nhân viên trường học trong các lần thi GCSE và A-level năm 2017, so với chỉ 360 lần phạt năm 2016.
Số lần phạt học sinh cũng tăng trong năm 2017, 2.715 lần so với 2.180 năm 2016.
Các cơ quan phụ trách các kỳ thi vẫn khẳng định việc gian lận “vô cùng hiếm hoi”.
Theo JCQ, các hồ sơ phạt thí sinh đi thi chủ yếu là vì dùng mobile phone trong buổi thi.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44968293
Tổng thống Pháp chịu thêm chỉ trích
vì scandal của vệ sĩ
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 25/7 đối mặt với làn sóng chỉ trích mới từ các lãnh đạo đối lập sau lời tuyên bố có vẻ như là thách thức đối thủ và đả kích truyền thông xung quanh vụ tai tiếng của người vệ sĩ thân cận của ông.
Xuất hiện tại một cuộc họp kín với các nghị sĩ và bộ trưởng trong đảng cầm quyền mang tên Đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) hôm 24/7, ông Macron nói chỉ mình ông chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra.
“Nếu họ muốn quy trách nhiệm cho ai đó thì người đó đang đứng trước mặt quý vị, họ cứ đến mà bắt giữ,” ông phát biểu tại một sự kiện đánh dấu kết thúc phiên họp của Quốc hội. Đoạn băng về bài phát biểu của ông đã bị rò rỉ ra ngoài.
Những người chỉ trích cho rằng Điện Élysée đã không trừng trị đích đáng Alexandre Benalla, người đứng đầu bộ phận an ninh của Phủ Tổng thống Pháp, cũng như đã không đưa ông này ra trước các cơ quan tư pháp phán xử về vụ việc đã trở thành khủng hoảng chính trị lớn nhất cho tới nay trong nhiệm kỳ của ông Macron.
Đoạn băng lan truyền trên mạng cho thấy ông Benalla, trên người có đội mũ bảo hiểm chống bạo động và đeo băng cảnh sát, đã đánh đập tàn bạo một người đàn ông biểu tình và kéo lê một phụ nữ khác trong một cuộc biểu tình vào ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại Paris. Lúc đó, ông Benalla được xác định là không có phận sự tại khu vực diễn ra biểu tình.
Ông Benalla đã bị Điện Élysée sa thải hôm 20/7 sau khi bị đình chỉ công tác trong hai tuần.
Các lãnh đạo đối lập ngay lập tức đã bác bỏ lời phát biểu này của ông Macron.
“Đó là cách nói chỉ tay vào mặt người ta, những gì ông ấy nói vào tối qua, chỉ tay vào mặt phe đối lập, các nhà báo và thậm chí cả người dân Pháp khi ông ấy nói ‘Họ cứ đến bắt tôi đi’,” ông Bruno Retailleau, lãnh đạo phe bảo thủ tại Thượng viện, phát biểu trên đài France 2.
Nghị sĩ cực tả Alexis Corbiere cáo buộc ông Macron đang dọa nạt phe đối lập. Đảng LREM của ông Macron, hiện đang nắm thế đa số tại Quốc hội, là phong trào chính trị mới không theo lập trường tả cũng như hữu truyền thống.
Ông Macron cũng đả kích truyền thông là ‘không còn theo đuổi sự thật’. “Những gì tôi chứng kiến là sức mạnh của truyền thông vốn muốn trở thành cơ quan phán xử.”
Vụ khủng hoảng đã bắt đầu khi tờ Le Monde nhận dạng người đàn ông đánh đập người biểu tình trong đoạn băng bị phát tán là Benalla.
Người đứng đầu Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Pháp Benedicte Jeannerot viết trên Twitter rằng những lời phát biểu của ông Macron nhằm vào báo chí là ‘những lập luận nguy hiểm trong bối cảnh các nhà báo trên toàn thế giới đang bị các nhà lãnh đạo dân túy và chuyên chế đe dọa với mục đích làm mất uy tín hay bóp nghẹt những lời chỉ trích.”
Những người chỉ trích cho rằng giọng điệu của ông Macron với báo chí giống như giọng điệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump bài xích những cơ quan truyền thông lên án ông.
Ông Macron đã tỏ thái độ không khoan nhượng khi được yêu cầu bình luận trong một chuyến thăm đến miền nam Pháp hôm 25/7. “Tôi đã đến đây được một giờ rồi mà không có ai nói về việc đó cả,” ông nói với kênh BFM. “Rõ ràng, sự nóng bức và mệt mỏi đang tập trung vào cư dân Paris bởi vì mọi thứ ở đây đều bình thường.”
Vụ Benalla: Khủng hoảng tiếp diễn
dù tổng thống Pháp đã lên tiếng
Mặc dù tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng nhận toàn bộ trách nhiệm về vụ tai tiếng Benalla, nhưng khủng hoảng do vụ này vẫn tiếp diễn. Hôm nay 26/07/2018, đến lượt tổng thư ký điện Elysée Alexis Kohler, cánh tay phải của tổng thống Macron, ra điều trần trước ủy ban điều tra của Thượng Viện Pháp.
Trước ủy ban, ông Kohler nhìn nhận rằng việc đình chỉ công tác ông Alexandre Benalla sau ngày 01/05 nay có thể bị xem là “không đầy đủ”, nhưng theo ông, biện pháp kỷ luật này là tương xứng với những yếu tố mà họ nắm được vào ngày 02/05.
Bị phủ tổng thống sa thải, ông Benalla hôm chủ nhật vừa qua bị truy tố vì đã đánh đập người biểu tình hôm 01/05 mặc dù không có thẩm quyền giữ gìn trật tự. Hôm qua, các nhà điều tra đã vào lục soát văn phòng cũ của Benalla trong điện Elysée, với sự có mặt của đương sự. Trong lịch sử nước Pháp, hiếm khi nào phủ tổng thống bị khám xét như vậy.
Tối thứ ba vừa qua, sau nhiều ngày im lặng, tổng thống Macron đã tuyên bố: “Người chịu trách nhiệm duy nhất trong vụ này chính là tôi”. Ông cho biết lấy làm tiếc về “sự phản bội” của cựu công sự viên này. Đến tối qua, khi đến thăm một thành phố ở vùng Pyrénées, ông Macron trách các phóng viên của hai kênh truyền hình Pháp BFMTV và CNEWS là đã nói rất nhiều điều “nhảm nhí” về lương bổng, về các quyền lợi của ông Benalla.
Về phần mình, trả lời phỏng vấn tờ Le Monde hôm nay, ông Benalla khẳng định ông không cảm thấy mình đã phản bội tổng thống Macron, nhưng nhìn nhận là “đã phạm lỗi”, và nói rằng lẽ ra ông không nên đến chỗ biểu tình với tư cách quan sát viên. Nhưng Benalla lên án những người sử dụng vụ này để gây tổn hại cho tổng thống Macron.
Hôm qua, chủ tịch ủy ban điều tra của hạ viện, bà Yael Braun-Pivet (đảng Cộng Hòa Tiến Bước, đảng của tổng thống Macron) cũng đã chỉ trích phe đối lập là “chỉ lợi dụng vụ này, chứ không quan tâm gì đến chuyện tìm sự thật”.
Về phần mình, dân biểu Guillaume Larrivé (đảng Những Người Cộng Hòa, đối lập cánh hữu), đồng báo cáo viên của ủy ban, thì lên án tổng thống Macron “tìm cách ém nhẹm sự thật”, khi từ chối để cho một số cộng sự viên của ông ra điều trần.
Ông Larrivé hôm nay đòi cố vấn đặc biệt của tổng thống Macron, Ismail Emelien phải ra điều trần về thông tin báo chí cho rằng nhân vật này dường như có trong tay những hình ảnh do camera an ninh thu được tại nơi xảy ra vụ Benalla đánh đập người biểu tình hôm 01/05.
http://vi.rfi.fr/phap/20180726-vu-benalla-khung-hoang-tiep-dien-du-tong-thong-phap-da-len-tieng
Cháy rừng tại Hy Lạp:
Thiệt hại lớn nhất trong lịch sử
Công tác cứu hộ được gia tăng nhằm tiếp tục tìm kiếm thi thể các nạn nhân vụ cháy rừng lịch sử tại Hy Lạp. Số người thiệt mạng trong đám cháy hôm nay, 26/07/18, đã lên tới 81 người.
Đám cháy bắt đầu bùng lên vào tối thứ Hai, 23/07/18. Do điều kiện gió thổi mạnh, lên tới 100km/giờ, đám cháy đã lan rất nhanh.
Truyền thông Hy Lạp gọi đây là một “thảm kịch quốc gia”. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã rút ngắn chuyến công du Bosnia và ban hành quốc tang 3 ngày để tướng niệm những nạn nhân bị thiệt mạng. Thủ tướng Hy Lạp cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn với nội các, nhưng hiện chưa đưa ra tuyên bố cụ thể.
Liên Hiệp Châu Âu đã huy động máy bay nhằm bổ sung cho công tác chữa cháy.
Phát ngôn viên lực lượng cứu hỏa Stavroula Maliri cho biết hiện số người thiệt mạng chính thức đã lên tới 81 người, và lực lượng chữa cháy đang đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các thi thể nạn nhân sau khi nhận được những cuộc gọi tìm kiếm người thân bị mất tích. Bà Stavroula Maliri kêu gọi các gia đình có người bị mất tích cung cấp ADN để giúp cơ quan chức năng nhận dạng thi hài các nạn nhân.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180726-chay-rung-tai-hy-lap-thiet-hai-lon-nhat-trong-lich-su
Nổ lớn bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh
Một thiết bị đã phát nổ hôm 26/7 bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở thủ đô của Trung Quốc, làm kẻ tấn công duy nhất bị thương.
Reuters dẫn lời cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng vụ nổ xảy ra trên đường nằm ở góc phía đông nam của khu đại sứ quán.
Cảnh sát Bắc Kinh nói rằng nghi can 26 tuổi từ vùng Nội Mông của Trung Quốc bị thương ở tay và đã được đưa tới bệnh viện chữa trị. Tuy nhiên, cảnh sát không công bố động cơ của vụ này.
Các nhân chứng nói rằng họ nghe thấy tiếng nổ lớn gần đại sứ quán và cảm thấy dư chấn.
Một học sinh trung học 19 tuổi tên Li nói với các phóng viên rằng vụ nổ xảy ra khoảng 1 giờ chiều trong khi em đang xếp hàng chờ xin visa đi Mỹ.
Reuters dẫn lời một công nhân vệ sinh 58 tuổi nói rằng ông cảm nhận mặt đất rung chuyển và thấy một số người la hét. Ông cho biết rằng ông cứ nghĩ đó là một vụ tai nạn ôtô nghiêm trọng.
Một chiếc xe của cảnh sát dường như đã bị hư hỏng và bị thiếu gương chiếu hậu. Cảnh sát sau đó đã chuyển chiếc xe này đi chỗ khác, một nhân chứng nói với Reuters.
Tuyên bố của đại sứ quán nói rằng cơ quan ngoại giao này hoạt động trở lại khoảng 1 giờ 45 phút chiều.
Họ cũng cho biết rằng ông có hư hại gì đối với tài sản của cơ quan ngoại giao này.
Tin cho hay, đám đông vẫn xếp hàng bên ngoài đại sứ quán sau vụ nổ và xe cộ vẫn qua lại ở khu vực đông bắc của thủ đô Bắc Kinh, nơi đặt nhiều đại sứ quán của các nước, trong đó có Pháp, Ấn Độ và Israel.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến thương mại quanh chuyện đánh thuế lẫn nhau.
Dẫn lời nhân chứng, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước đưa một tin khác rằng cảnh sát đã giải đi một người phụ nữ tẩm xăng lên người để tự thiêu bên ngoài đại sứ quán khoảng 11 giờ sáng hôm 26/7.
Reuters cho biết rằng cảnh sát Bắc Kinh không hồi đáp ngay trước một đề nghị bình luận về vụ này.
Trung Quốc rút lại giấy phép
cho Facebook mở công ty con
Trung Quốc vừa rút lại giấy phép cho tập đoàn Facebook mở một chi nhánh phụ ở tỉnh Chiết Giang, báo New York Times trích dẫn một nguồn tin hiểu chuyện cho biết hôm thứ Tư 25/7.
Các dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy Facebook đã được cấp phép mở một chi nhánh, tuy nhiên hồ sơ đăng ký hoạt động đã biến mất, theo tìm hiểu của hãng tin Reuters.
Đây là một bước thụt lùi đối với Facebook, vốn đã chật vật vận động để chen vào thị trường Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới và là nơi mà trang mạng FB và các ứng dụng Whatsapp của tập đoàn FB vẫn bị chặn.
Diễn biến này khiến Facebook trở thành nạn nhân mới nhất trong những căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thỏa thuận cho phép công ty sản xuất chip Qualcomm Inc. mua lại nhà sản xuất linh kiện bán dẫn NXP vẫn chờ quyết định của giới hữu trách Trung Quốc, bên duy nhất trong 8,9 nhà quy định quốc tế chưa chấp thuận dự án. Các công ty khác đã xác định sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu không được sự chấp thuận của Trung Quốc.
Nhà phân tích Daniel Ives của GBH Insights nhận định:
“Nếu Trung Quốc ngăn chận kế hoạch của FB thì đây sẽ là thêm một mũi tên nữa nhắm vào các công ty công nghệ cao của Mỹ, giữa lúc trận chiến thuế quan tiếp tục nóng lên giữa Trung Quốc và Beltway, cộng thêm vụ việc Qualcomm-NXP vẫn tiếp tục kéo dài.”
Hôm qua, 24/7, FB cho biết công ty này dự tính thành lập một trung tâm để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp – tức là start-ups, và cũng để hỗ trợ những nhà phát triển. Hôm 25/7 Facebook không phản hồi yêu cầu xin tập đoàn này bình luận về diễn tiến mới nhất.
Quyết định của Trung Quốc rút lại quyết định cho phép FB mở rộng hoạt động được tung ra sau khi có bất đồng giữa các giới chức ở Chiết Giang và Thẩm quyền về Không gian Mạng Trung Quốc, là cơ chế đặc trách về các quy định đối với mạng internet. Cơ chế này và các giới chức Trung Quốc không trả lời yêu cầu xin bình luận.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-rut-lai-giay-phep-cho-facebook-mo-cong-ty-con/4499698.html
Philippines vỡ mộng đầu tư Trung Quốc
Cách đây gần hai năm, Trung Quốc đã hứa sẽ đầu tư tổng cộng 24 tỷ đôla vào Philippines, nhưng cho đến nay hầu như chẳng có dự án nào được thực hiện, khiến dư luận nước này ngày càng lo ngại là tổng thống Rodrigo Duterte đã bán rẻ chủ quyền quốc gia mà không nhận được gì đáng kể từ Bắc Kinh.
Tuy Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Philippines, nhưng về đầu tư trực tiếp thì nước này hiện vẫn thua Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc và Singapore. Tình hình cũng sẽ chẳng có gì thay đổi trong thời gian tới.
Theo hãng tin Bloomberg, trong số 27 hợp đồng được ký kết giữa Trung Quốc với Philippines nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Duterte ở Bắc Kinh vào tháng 10/2016, Trung Quốc ban đầu đồng ý cấp các khoản vay với lãi suất thấp tổng cộng 9 tỷ đôla, cộng thêm 15 tỷ đôla trị giá đầu tư trực tiếp từ các công ty Trung Quốc vào các dự án đường sắt, hải cảng, năng lượng và khai thác mỏ. Nhưng Bắc Kinh lúc đó không nói rõ thời hạn thực hiện các hợp đồng này.
Cho đến nay, Philippines chỉ mới hoàn tất một hiệp định về khoản vay 73 triệu đôla của Trung Quốc cho một dự án thủy lợi ở một vùng phía bắc thủ đô Manila, theo lời bộ trưởng Kế hoạch hóa kinh tế Ernesto Pernia. Hai cây cầu ở Manila được xây với nguồn tài trợ 75 triệu đôla của Trung Quốc thì mới vừa được khánh thành vào tuần trước.
Nhưng nhiều hợp đồng lớn rốt cuộc chẳng được thực hiện. Vào tháng 10/2016, công ty Greenergy Developpment của Philippines đã ký với công ty Power China một hiệp định về dự án nhà máy thủy điện 300 megawatt với kinh phí 1 tỷ đôla. Sau nhiều lần Power China xin lùi lại thời hạn xây nhà máy thủy điện mà vẫn không thấy khởi công, công ty Philippines đã buộc phải chấm dứt hiệp định và nay đang nhờ một công ty Hồng Kông giúp hoàn tất dự án này.
Ngay cả dự án tại Davao, quê hương của tổng thống Duterte, dự án 780 triệu đôla xây 3 đảo nhân tạo, cũng đã bị đình chỉ vào năm ngoái, sau khi thị trưởng thành phố này và cũng là con gái tổng thống Philippines, Sara Duterte-Carpio, tuyên bố là sau khi xem xét lại, họ mới thấy là dự án này không có lợi.
Trong một cuộc họp báo gần đây, bộ trưởng Pernia cho biết là tiến trình tiếp nhận vốn vay của Trung Quốc “ có vẻ như chậm hơn” so với việc tiếp nhận tài trợ từ các nước khác như Nhật Bản. Nhưng bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc là nước này đã không thực hiện đúng các cam kết về đầu tư vào Philippines, khẳng định rằng quan hệ giữa hai nước “ đang tiếp tục được tăng cường”.
Hãng tin Bloomberg nhắc lại tổng thống Duterte vẫn luôn nói rằng trợ giúp tài chính của Trung Quốc là lý do chính khiến Manila “xoay trục” sang Bắc Kinh, không còn dựa vào đồng minh Hoa Kỳ nữa. Chuyến đi thăm Bắc Kinh của ông Duterte năm 2016 đã là một bước ngoặt quan trọng, khẳng định xu hướng “chia tay” với Mỹ và quay sang Trung Quốc.
Những người chỉ trích tổng thống Philippines cáo buộc ông là đã không có hành động đáp trả kiên quyết sau khi Bắc Kinh cho oanh tạc cơ đáp xuống đảo Phú Lâm ( Hoàng Sa ) và tăng cường sự hiện diện trên đảo Cây ( Trường Sa ), một đảo mà Manila cũng khẳng định chủ quyền.
Uy tín của Trung Quốc đối với công luận Philippines đã sụt giảm mạnh, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 04/2016, tức là thời điểm trước khi ông Duterte đắc cử tổng thống, theo kết quả một cuộc thăm dò được thực hiện vào cuối tháng 6. Gần 9/10 số người được hỏi muốn là, đối với Trung Quốc, Philippines phải có hành động xác quyết những đòi hỏi chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180726-philippines-vo-mong-dau-tu-trung-quoc
Bầu cử Pakistan: Cáo buộc gian lận phiếu
Hôm nay, 26/07/18, Ủy ban Bầu cử Pakistan lên tiếng bác bỏ các cáo buộc có gian lận trong quá trình kiểm phiếu cuộc tổng tuyển cử hôm qua.
Hàng triệu cử tri Pakistan hôm qua đã tham gia bỏ phiếu trong bầu không khí căng thẳng. Tại một phòng phiếu thuộc thành phố Quetta, Tây Nam Pakistan, đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết làm 31 người thiệt mạng và 70 người bị thương. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công này.
Cuộc bầu cử năm nay chủ yếu là cuộc đua giữa đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan PML-N, hiện đang cầm quyền, và đảng PTI (Pakistan Tehreek-e-Insaaf), mà lãnh đạo là cựu vô địch Cúp Thế Giới môn cricket năm 1992 Imran Khan. Hiện đảng PTI đang có ưu thế hơn.
Theo các hãng tin địa phương, việc kiểm phiếu đã bị chậm trễ đáng kể, khiến nảy sinh nghi vấn về tính chính đáng của cuộc bầu cử năm nay.
Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan PML-N thẳng thừng bác bỏ kết quả sơ bộ, với đảng PTI hiện đang dẫn đầu, và cáo buộc đã có gian lận trong hoạt động kiểm phiếu, đồng thời tố cáo Ủy ban Bầu cử đã không cho đại diện của đảng này giám sát quá trình kiểm phiếu bầu.
Ủy ban Bầu cử Pakistan phản bác cáo buộc đó, cho biết kết quả bầu cử đến chậm là do phần mềm kiểm phiếu mới được thiết kế, chưa được thử nghiệm. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Sardar Muhammad Raza khẳng định cuộc bầu cử này hoàn toàn “công bằng và minh bạch”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180726-tong-tuyen-cu-pakistan-cao-buoc-gian-lan-kiem-phieu
Sao Hỏa : Lần đầu tiên phát hiện nước dạng lỏng
với khối lượng lớn
Các nhà khoa học đã tìm thấy hồ nước được phủ dưới một lớp băng trên bề mặt Sao Hỏa. Khám phá này được công bố trên trang mạng của tạp chí Khoa Học Mỹ ( Science ) hôm qua, 25/07/18.
Hồ nước nói trên nằm ở độ sâu 1,6 kilômét, có chiều rộng 20 kilômét, là hồ chứa nước dạng lỏng lớn nhất được phát hiện trên Hành Tinh Đỏ.
Theo hãng tin AFP, đồng tác giả công trình nghiên cứu, ông Enrico Flamini phát biểu trước báo giới :” Có nước ở đấy. Không còn nghi ngờ nào nữa”.
Nhiều chuyên gia bày tỏ sự lạc quan về khám phá này. Giáo sư Alan Duffy, thuộc Đại Học Swinburne tại Úc, cho biết :”Đây là một kết quả đáng kinh ngạc, cho thấy nước dạng lỏng trên Sao Hỏa không chỉ xuất hiện nhỏ giọt, nhất thời, như trong các khám phá trước đây, mà còn tồn tại lâu dài và có thể cung cấp môi trường sống trong một khoảng thời gian dài”.
Tuy vậy, việc phát hiện hồ nước này cũng đặt ra nhiều nghi vấn. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu hồ nước này có khả năng đem lại sự sống trong điều kiện nằm sâu dưới một lớp băng dày. Điều kiện môi trường tại hồ nước cũng rất khắc nghiệt, do nhiệt độ của hồ băng dưới 0 độ C, nhưng vẫn duy trì ở trạng thái lỏng nhờ có sự hiện diện của các chất Magiê (Mg), Canxi (Ca), và Natri (Na).