Tin Việt Nam – 25/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/07/2018

Cụ bà gốc Việt 75 tuổi tốt nghiệp đại học ở Mỹ

Viễn Đông

Bà Trương Thị Phượng mới tốt nghiệp một trường quản trị kinh doanh nằm ở tiểu bang California, sau hơn mười năm không ngừng học hỏi kể từ khi đặt chân tới nước Mỹ.

Người phụ nữ 75 tuổi cho VOA Việt Ngữ biết rằng bà một mình tới Mỹ lúc 65 tuổi theo diện bảo lãnh, và kể từ đó tới nay, bà theo đuổi “con đường chữ nghĩa” vì đó là “con đường mòn của cô”.

Cô muốn nói rằng điều kiện ở Mỹ rất là tốt, hơn ở Việt Nam. Ở Việt Nam không khuyến khích người già đi học, nhất là trường đại học. Ở Mỹ nhà trường không có hỏi hay đặt điều kiện để hạn chế người già. Chính phủ vẫn coi mọi công dân như nhau, mọi sinh viên như nhau.

Bà Trương Thị Phượng nói.

Bà nói mình thích học “từ khi còn là học sinh tiểu học”, và sau khi đến Hoa Kỳ, bà “muốn học thêm kiến thức về quản trị kinh doanh” vì “cả đời cô, hơn 32 năm, làm kế toán tài chính trong công ty điện lực Việt Nam”.

Và đó chính là lý do bà đăng ký các khóa học ở các trường khác nhau, trước khi chuyển tiếp lên Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học California State ở Long Beach, sau khi được chỉ cách xin hỗ trợ tài chính.

Bà Phượng cho biết rằng bà “theo học cho tới tận bây giờ” vì bà “không bao giờ chán nản”.

Bà nói với VOA tiếng Việt: “Thật sự trong lòng cô, cô nghĩ rằng đời người thì phải mãi mãi cầu tiến, khi còn sức khỏe. Trước tiên ở trong gia đình, lúc nào cô cũng muốn làm gương cho con, cho cháu của cô để thúc đẩy chúng nó có sự ham thích, cầu tiến học tập, để có tương lai, sự nghiệp, để có thể tự sinh sống được”.

Nhận xét về “cụ bà sinh viên”, ông Michael E. Solt, Hiệu trưởng Trường Quản trị Kinh doanh, nói rằng bà Phượng là một “hình mẫu tuyệt vời”.

“Câu chuyện của bà ấy khiến mọi người thực sự cảm thấy ấm lòng vì nỗ lực học hỏi để đạt được mục tiêu cá nhân”, ông Solt nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng các sinh viên khác trong lớp coi người phụ nữ gốc Việt này là “người bạn đáng quý”.

Về “giấc mơ Mỹ”, bà Phượng nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đã “tạo điều kiện” cho mọi người, đặc biệt là những người như bà, “có thể tiếp tục học, tiếp tục phát triển, nhất là những kiến thức về chuyên môn mà hồi lúc trẻ mình học chưa tới, chưa được như ý muốn”.

Cụ bà 75 tuổi nói tiếp: “Cô muốn nói rằng điều kiện ở Mỹ rất là tốt, hơn ở Việt Nam. Ở Việt Nam không khuyến khích người già đi học, nhất là trường đại học. Ở Mỹ nhà trường không có hỏi hay đặt điều kiện để hạn chế người già. Chính phủ vẫn coi mọi công dân như nhau, mọi sinh viên như nhau”.

Bà Phượng nói thêm về chuyện người phụ nữ Việt Nam, không chỉ ở trong nước mà còn ở Mỹ, ai cũng phải “đầu tắt mặt tối” để chăm sóc chồng, con cháu, kể cả khi đã về già.

Và bà may mắn hơn người khác khi không phải quá vướng bận vào chuyện đó vì bà sang Hoa Kỳ một mình đầu những năm 2000 theo diện bảo lãnh để tìm đường đi nước bước cho các con sau này. Tới nay, bà cho hay đã đưa được người con trai sang Mỹ với mình, trong khi con gái vẫn còn ở Việt Nam.

Sự già nua của thể chất, hình dáng, không đáng sợ, khủng khiếp bằng sự già nua của tinh thần.

Bà Trương Thị Phượng nói.

Khi được hỏi muốn nói gì với những người cao tuổi cùng trang lứa, người phụ nữ gốc Việt kể rằng bà đọc nhiều và đúc kết ra rằng “việc học làm cho tâm hồn người cao tuổi trẻ ra”.

Bà nói: “Người già đi học thì cái tinh thần sẽ trả ra hơn là không đi học. Và nhờ tâm hồn, tinh thần nó trẻ, nên nó cũng ảnh hưởng tới diện mạo ở bên ngoài. Người cao tuổi đó sẽ chậm già nua hơn là những người không đi học. Sự già nua của thể chất, hình dáng, không đáng sợ, khủng khiếp bằng sự già nua của tinh thần”.
Bà Phượng nói rằng càng học, bà “càng thấy hòa vào cuộc sống, hòa vào cuộc sống của lớp trẻ hơn”, và “sẽ không ngừng học hỏi cho tới khi trái tim ngừng đập”.

https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%A5-b%C3%A0-g%E1%BB%91c-vi%E1%BB%87t-75-tu%E1%BB%95i-t%E1%BB%91t-nghi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9/4499036.html

 

Long NH bị 3 năm 10 tháng tù

vì vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’

Tòa án ở Berlin, Đức hôm 25/7 kết án 3 năm 10 tháng tù với một người gốc Việt vì tội tham gia giúp đỡ trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Bị cáo người Czech gốc Việt sinh sống ở Prague, được giới chức Đức gọi tên là ông Long N. H, đã khai nhận tại tòa tuần rồi là ông tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người đã bị kết án chung thân ở Việt Nam.

Chiều hôm 24/7/2018, tại phiên Tòa thượng thẩm ở thủ đô Berlin, đại diện Công tố Viện của Đức đã đề nghị mức án 4 năm tù giam với bị cáo, luật sư của bị cáo đề nghị giảm xuống còn 3 năm 6 tháng và ông Long N. H. đã ‘đồng tình với luật sư’ của ông.

Czech ngừng hồ sơ visa Việt Nam ‘vì lo tội phạm’

Vũ Đình Duy biết gì về vụ Trịnh Xuân Thanh?

‘Slovakia đang ở thế khá kẹt với Đức’

Nội dung lời khai của vợ Trịnh Xuân Thanh tại tòa Đức

Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’

Hôm 24/7, có mặt và theo dõi tại phiên Tòa, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin cho BBC Tiếng Việt hay:

“Bước đột phá dẫn tới việc kết án nghi can Long N. H. có thể được diễn ra sớm hơn dự kiến (theo ban đầu là tới cuối tháng Tám) chính là bản thú nhận tội lỗi của nghi can đã được đưa ra tại phiên toà hôm thứ Ba, ngày 17/7/2018, xác nhận rõ việc tham gia vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh của nghi can là hoàn toàn đúng, nghi can được thông tin trước về mục đích của kế hoạch bắt cóc và đã đồng tình tham gia.

“Trong khi luật sư Đức đầu tiên của ông Long N. H. là ông Stephan Bonell luôn chủ trương cãi trắng án cho thân chủ đến cùng, thì hai vị luật sư xuất hiện sau là Alexander Sättele và Simon Keßler có lẽ nhận thức được khả năng thoát tội của thân chủ rất thấp nên đã chủ trương kết thúc phiên toà chóng vánh, hy vọng nghi phạm có thể được giảm án bằng cách cố vấn cho ông Long N.H. đưa ra lời thú tội.”

Dự kiến tuyên án

Vẫn theo nhà báo tự do từ Berlin, Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh có mặt tại phiên tòa đã không có ý kiến gì về mức án mà Viện Công tố đề nghị với bị cáo Long N.H., năm nay 47 tuổi.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia ‘triệu tập đại sứ VN’

Nhưng những gì diễn ra qua phiên toà tại Berlin và lời nhận tội của nghi can Long N.H. đã được làm rõ đây là một vụ bắt cóc người giữa ban ngày tại Công viên sở thú BerlinNhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, Berlin

Vali nạn nhân nữ vụ bắt cóc Berlin ‘bị lục tung’

Ông Long là ‘tốt thí’ trong vụ bắt cóc ở Berlin?

“Lời tuyên án dự kiến sẽ do bà Chánh án chủ toạ phiên toà Regine Grieß đọc vào lúc 15 giờ địa phương, thứ Tư ngày 25/7/2018 tại toà Thượng thẩm Berlin, trước sự chứng kiến của năm người trong bồi thẩm đoàn, hai vị đại diện Viện Công tố Liên bang Đức, hai luật sư đại diện cho ông Long N.H., một luật sư đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh, hai thông ngôn người Việt,” nhà báo Lê Mạnh Hùng cho biết thêm về dự kiến việc tuyên án với bị cáo.

“Trong giới quan sát dự kiến có sự hiện diện của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin, một số tờ báo của Đức và Việt Nam cùng khoảng trên dưới 20 người dân thường tới dự khán.”

Ông Trịnh Xuân Thanh được cho là đã ‘biến mất’ khỏi Đức vào ngày 23/7/2017 và sau đó xuất hiện trên truyền hình Việt Nam vào ngày 03/8/2017 qua một băng video trong đó nhà cầm quyền Việt Nam có vẻ muốn cho thấy ông Thanh tuyên bố “tự nguyện về nước đầu thú.”

“Nhưng những gì diễn ra qua phiên toà tại Berlin và lời nhận tội của nghi can Long N.H. đã được làm rõ đây là một vụ bắt cóc người giữa ban ngày tại Công viên sở thú Berlin (Berliner Tiergarten),” nhà báo Lê Mạnh Hùng bình luận thêm với BBC hôm thứ Ba.

“Vụ việc dường như được cho thấy đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ công an Việt Nam, với sự chỉ huy trực tiếp của Trung tướng an ninh Đường Minh Hưng cùng sự tham gia của các sĩ quan an ninh Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, cùng một số Việt Kiều sinh sống tại Đức, Cộng hòa Czech, Slovakia…”

Phiên tòa ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ nêu nhiều tình tiết mới

Đức xử nghi phạm vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’

Việc ông Trịnh Xuân Thanh có thể được đưa về Việt Nam qua ngả một số nước Đông Âu cũng đã dẫn tới rắc rối ngoại giao ngày càng lan rộng sang cả những nước nàyNhà báo tự do Lê Mạnh Hùng

Đức ‘điều tra tướng công an VN’

“Việc ông Trịnh Xuân Thanh có thể được đưa về Việt Nam qua ngả một số nước Đông Âu cũng đã dẫn tới rắc rối ngoại giao ngày càng lan rộng sang cả những nước này, trong khi khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước Đức và Việt Nam, với việc Việt Nam được cho là đã ‘làm đánh mất niềm tin’ đối với Đức và các nước trong khối EU, là hậu quả nặng nề nhất do vụ bắt cóc gây nên”, nhà báo Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh điều được cho là nhận xét của chính giới và truyền thông Đức suốt trong thời gian qua.

Phiên tòa xét xử bị cáo, nghi can Long N.H. khai mạc từ ngày 24/4/2018 tại Berlin, trải qua 17 phiên xử án với nhiều tài liệu, chứng cứ được trình tòa, cùng sự xuất hiện của khoảng hơn 20 nhân chứng, gồm các quốc tịch Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, cùng các nhân viên điều tra của cảnh sát Đức.

Cũng tại phiên Tòa này, bà Trần Dương Nga, vợ của ông Trịnh Xuân Thanh đã hai lần xuất hiện vào các hôm 7 và 15/5/2018, trong khi một người khác là ông Vũ [Đình Duy], một cựu quan chức khác trong ngành dầu khí của Việt Nam, cũng đã xuất hiện trong cùng khoảng thời gian và đều với tư cách là nhân chứng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44942025

 

Xử kín Vũ ‘nhôm’ về tội ‘làm lộ bí mật Nhà nước’

Ông trùm bất động sản khét tiếng Đà Nẵng, Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ ‘nhôm’ sẽ được đem ra xử kín tại tòa án Hà Nội vào ngày 30-31/7 về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho báo chí biết ngày 24/7. Theo ông Nghĩa, lý do xử kín Vũ “nhôm” là “do tính chất của vụ án”.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tiết lộ tại buổi tiếp xúc cử tri cùng ngày rằng ông trùm được mệnh danh là “mafia Đà Nẵng” này “còn muốn lấy thêm nhiều đất, nhà công sản” nữa vào thời điểm chưa bị bắt.

Lộ bí mật nhà nước

Vũ “nhôm” bị buộc tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”, cùng với hai tội danh khác là “trốn thuế” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong buổi gặp gỡ giữa các lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng với các cán bộ lão thành chiều 24/7, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết ảnh hưởng của vụ Vũ “nhôm” rất lớn, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn tới trung ương, và “ông trùm” Đà Nẵng sẽ phải ra hầu tòa ít nhất là 3 lần, theo Zing.

Vụ xử kín diễn ra vào cuối tháng này là về tội danh “làm lộ bí mật”, hai tội danh còn lại sẽ được xét xử trong hai vụ án sau.

Vũ “nhôm”, tên thật là Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, là một ông trùm khét tiếng thao túng thị trường địa ốc ở Đà Nẵng. Trong tay Vũ “nhôm” là hàng loạt dự án ở các khu “đất vàng”. Đại gia này còn được biết đến về khả năng chi phối các lãnh đạo cấp cao nhất của Đà Nẵng nhờ mác thượng tá công an ngầm.

Vũ Nhôm chỉ bị “đụng” tới sau khi vụ “doanh nghiệp tặng xe bất thường” cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bị phanh phui trên báo chí hồi năm ngoái, dẫn đến vụ kỷ luật Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ.

Ngày 20/12/2017, Bộ Công an đã phát lệnh khởi tố và sau đó khám xét nhà của Vũ “nhôm” với cáo buộc “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”. Nhưng vụ bố ráp nhằm bắt giữ Vũ “nhôm” bất thành vì ông trùm này đã cao chạy xa bay ra nước ngoài sau khi kịp thoái vốn khỏi các dự án và công ty do ông đứng tên.

Trong thời điểm chưa bị Singapore trục xuất về lại Việt Nam, có nhiều tin đồn cho rằng Vũ “nhôm” nắm trong tay nhiều tài liệu, chứng cứ tham nhũng của các lãnh đạo Việt Nam cùng với danh sách các “công ty bình phong”, “sân sau” của công an.

Luật sư của Vũ “nhôm” tại Singapore còn tiết lộ với Reuters rằng thân chủ của ông có thể còn nắm thông tin chi tiết về quy trình bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin về Việt Nam.

“Với Vũ nhôm, nhiều người thắc mắc tại sao xử kín”, Bí thư Nghĩa nói trong buổi họp ngày 24/7. “[Về tội] Lộ bí mật quốc gia. Vụ án này sẽ xử và với tính chất của nó thì sẽ xử kín. Xử kín nhưng kết quả phải được công khai”, ông Nghĩa nói trong video do Tiền Phong đăng.

Nhận định về lý do “xử kín” Vũ “nhôm”, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), ông Phil Robertson, cho rằng Việt Nam đã “lạm dụng” hình thức này để che giấu thông tin đối với công chúng.

Ông Robertson nói: “Họ xử kín với đủ mọi lý do. Trên thực tế, thân nhân của nhiều người liên quan đến các vụ án chính trị như hoạt động dân chủ, nhân quyền… cũng không được phép tham dự phiên tòa. Việt Nam có xu hướng lạm dụng xử kín như một cái cớ để ngăn chặn mọi người biết những gì họ làm trong phiên tòa”.

Thượng tá công an không bằng đại học?

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 24/7, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tiết lộ “nếu cơ quan công an không bắt Vũ thì sự việc phức tạp hơn vì liên quan đến nhiều cán bộ, lãnh đạo”, vì ông trùm khét tiếng này vẫn đang trên đà thâu tóm, “lấy thêm rất nhiều đất, nhà công sản của Đà Nẵng và các tỉnh thành khác”, Zing thuật lại lời ông Thơ.

Trong buổi tiếp xúc, cử tri Đà Nẵng cũng yêu cầu lãnh đạo Đà Nẵng giải đáp thông tin về hàm “thượng tá công an” của Vũ “nhôm” vì theo họ, “Vũ ‘nhôm’ không học ngày nào trong ngành công an. Vậy ai phong hàm cho ông ta?”

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng khẳng định rằng sau phiên tòa, tất cả những câu hỏi liên quan đến “quân hàm” và “nhiệm vụ” của Vũ “nhôm” chắc chắn sẽ được giải đáp.

Với mác “thượng tá công an” ngầm, Vũ “nhôm” bị cho là đã “lợi dụng chức vụ” để thao túng thị trường địa ốc ở Đà Nẵng qua chiêu thức mua đất nhà nước với giá bèo để thực hiện các dự án và thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Cùng bị khởi tố và bắt giam trong vụ này còn có cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo – Trung tướng Phan Hữu Tuấn, và ông Nguyễn Hữu Bách, một cán bộ của Bộ Công an. Hai viên chức công an này bị cáo buộc đã “giúp sức” cho Vũ “nhôm” thâu tóm đất đai ở Đà Nẵng và các nơi khác.

https://www.voatiengviet.com/a/xu-kinh-vu-nhom-ve-toi-lam-lo-bi-mat-nha-nuoc/4497721.html

 

Đoàn Văn Vươn: ‘Đặng Văn Hiến sẽ thoát án tử’

Ben NgôBBC Tiếng Việt

Ông Đoàn Văn Vươn của vụ chống cưỡng chế đất Tiên Lãng 2012 góp ý về vụ Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông 2018 với BBC Tiếng Việt.

Ông Đặng Văn Hiến bị y án tử hình trong phiên tòa phúc thẩm hôm 12/7 về vụ nổ súng liên quan đến Công ty Long Sơn khiến 3 người chết và 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông ngày 23/10/2016.

Sau nhiều phản ứng xôn xao của dư luận, hôm 17/7, Văn phòng Chủ tịch nước ra công văn yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao phối hợp với Bộ Công an “kiểm tra lại vụ án này”.

Bắn chết ba người vì đất đai: Đặng Văn Hiến bị y án tử hình

Vợ và luật sư của Đặng Văn Hiến nói về án tử hình

Chủ tịch nước yêu cầu kiểm tra vụ Đặng Văn Hiến

Bắn ba người vì đất đai: ‘Con đường nguy hiểm’

Đoàn Văn Vươn ‘sẵn sàng hòa giải vụ Đồng Tâm’

Vào thời điểm ông Hiến bị truy nã tháng 10/2016, Luật sư Phạm Công Út từ TP. Hồ Chí Minh nói với BBC:

“Vụ án ông Hiến giống như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng hồi năm 2012. Ông Vươn cũng phải chọn con đường nguy hiểm cho mình khi chấp nhận mang án giết người cũng chỉ nhằm để bảo vệ đất đai của mình. Ở đây là các hộ dân bị “cướp đất” theo cách hiểu của họ, nên họ là những người bảo vệ từng tấc đất của mình, trong đó có ông Đặng Văn Hiến.”

Sau 5 năm, mỗi khi có một vụ nông dân chống cưỡng chế đất xảy ra tại các địa phương, ông Đoàn Văn Vươn nghiễm nhiên trở thành “hình mẫu” được nhắc đến.

Trong các vụ tranh chấp đất đai, về bản chất của chính quyền thì không thay đổi. Người ta chỉ thay đổi phương cách. Trong vụ của tôi hồi năm 2012, người ta làm bừa, không cần biết gì hết. Nhưng đến vụ Đồng Tâm, Đắk Nông thì đã có thay đổi.Đoàn Văn Vươn

Trong một bài viết gần đây trên BBC, PGS. TS. Phạm Quý Thọ viết: “Từ hiện tượng ‘Đoàn Văn Vươn’ đơn độc, tự phát giữ đất khai hoang, các nhóm nhỏ lẻ khiếu kiện kéo dài như Dương Nội, và gần đây nhất là Thủ Thiêm… đến vụ xã Đồng Tâm ‘cố thủ’ giữ đất tập thể… Những vụ phản đối ‘bất tuân dân sự’ kéo dài đối với các trạm BOT thiếu minh bạch và bất hợp lý, như Cai Lậy…”

Sau vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng năm 2012, ông Đoàn Văn Vươn hiện giờ là chủ trang trại vịt biển và tôm sú tại Hải Phòng, và cho biết là đang “làm ăn rất tốt.”

Trong buổi phỏng vấn với BBC Tiếng Việt hôm 25/7, ông Vươn chia sẻ góc nhìn khá đặc biệt với người tử tù mà ông cho là người ‘đồng cảnh ngộ’ với mình ngày xưa:

“Ông Hiến và tôi cùng bị đẩy vào bước đường cùng là phải đứng lên giữ đất.”

“Nhưng tôi do từng qua công binh nên có sự hiểu biết nhất định về tính năng của vũ khí nên mục đích của tôi chỉ là tạo tiếng vang.”

“Tôi cũng quyết định chỉ đánh ở mức hạn chế, không gây ra hậu quả chết người.”

“Đặng Văn Hiến do không hiểu biết về vũ khí, chỉ biết cùn lên, ta có cái gì thì ta phang nên dẫn đến chết người.”

‘Điểm mấu chốt’

Ông Vươn nhận định: “Vụ của tôi và ông Hiến về sự việc giống nhau, nhưng trong vụ ông Hiến thì khác ở việc chính quyền núp bóng doanh nghiệp là Công ty Long Sơn.”

“Tôi theo dõi phiên tòa xử ông Hiến rất kỹ và thấy việc truy ra ai là thủ phạm dẫn đến xung đột thì tòa không xem xét.”

“Cái chính trong vụ này là cái khiên chống đạn vốn là phương tiện được trang bị cho lực lượng cảnh sát cơ động, chứ Công ty Long Sơn không được phép trang bị.”

Đoàn Văn Vươn ‘sẽ hành động như trước’

VN: ‘Vướng mắc đất đai tước cơ hội của nông dân’

Thủ tướng VN: ‘Đất đai là tâm điểm tham nhũng’

‘Đừng để vấn đề đất đai làm tổn hại phát triển đất nước’

Luật sư tin ‘Chủ tịch Quang có tâm’ vụ ông Hiến

Ai sai phạm trong vụ Đoàn Văn Vươn?

“Đó là mấu chốt để suy ra ai là người đứng sau vụ này. Chỉ có chính quyền, công an tỉnh Đắk Nông điều động Công ty Long Sơn để cưỡng chế đất trái pháp luật.”

“Bằng suy đoán của người đã trải qua vụ việc tương tự, tôi nhận thấy phiên tòa này có vấn đề, không hợp lý ngay cả với pháp luật Việt Nam.”

“Tôi tin là vụ án này sẽ được xét xử lại và Đặng Văn Hiến sẽ thoát án tử.”

Ông Vươn đưa ra dự báo: “Nếu như y án Đặng Văn Hiến thì câu chuyện như ông Hiến sẽ còn nhiều nữa.”

“Vì một chính quyền được bao bọc bởi hành pháp và bản án bảo vệ họ thì người dân các địa phương khác sẽ học Đắk Nông làm bừa, làm càn.”

“Có những nông dân còn manh động hơn ông Hiến nhiều. Người ta có thể sử dụng vũ khí hiện đại, với mức có thể gây sát thương nặng nề hơn.”

Đề cập về những nông dân mất đất tại các địa phương, ông Đặng Văn Vươn đưa ra lời khuyên: “Tôi nghĩ các nông dân nên tìm hiểu hiến pháp và pháp luật Việt Nam.”

“Các nông dân rơi vào cảnh bị cưỡng chế nên đoàn kết lại, có đơn kiến nghị tập thể lên ủy ban nhân dân, tỉnh ủy tạo áp lực buộc chính quyền địa phương dừng lại.”

‘Rút kinh nghiệm’

Hồi tháng 4/2017, khi vụ Đồng Tâm đang cao điểm, ông Vươn nói với BBC: “Tôi muốn gửi thông điệp đến người dân Đồng Tâm là hãy bình tĩnh, lắng nghe các bên và không vội, vì những đòi hỏi của họ đã kéo dài hàng chục năm nay rồi.”

Ông cũng bình luận thêm: “Tôi nghĩ rằng chính quyền họ cũng rút kinh nghiệm ứng phó sau những vụ thu hồi đất đai ở các địa phương.”

Tôi vẫn cầu mong quý cấp sẽ thấu hiểu được bản chất của vụ việc để cho tôi được miễn tội chết vì thực chất tôi cũng là một nạn nhân trong sự vụ này.ông Đặng Văn Hiến viết trong đơn

“Mọi câu chuyện cứ xảy ra liên miên thế này đều bắt nguồn từ chính sách và luật đất đai chưa phù hợp, khiến người dân cảm thấy mảnh đất mưu sinh của họ bị tước đoạt.”

Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị tuyên án 5 năm tù với tội danh Giết người năm 2013, nhưng được đặc xá sau khi thụ án hơn 3 năm 7 tháng năm 2015.

Trở lại với người tử tù Đặng Văn Hiến, sau phiên tòa phúc thẩm, ông đã có đơn gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin ân giảm tội tử hình.

Theo báo Người Lao Động, lá đơn có đoạn viết: “Tôi biết là mình rất khó biện minh cho hành vi sai phạm và còn bao nhiêu điều tôi muốn viết để giãi bày hết sự tình. Chỉ còn vỏn vẹn bảy ngày cuối, dù là chút hy vọng mong manh giữa thời khắc sinh tử, tôi vẫn cầu mong quý cấp sẽ thấu hiểu được bản chất của vụ việc để cho tôi được miễn tội chết vì thực chất tôi cũng là một nạn nhân trong sự vụ này. Tôi xin hứa, nếu được một lần tái sinh trong cuộc đời, tôi sẽ tích cực cải tạo tốt để trở thành một công dân tốt, để con thơ không mất bố, vợ không mất chồng và có điều kiện để báo đáp đặc ân của nhà nước.”

“Nhiều người dân sống tại khu vực nhà ông Hiến cũng ký đơn gửi chủ tịch nước và các cơ quan trung ương xin miễn tội chết cho ông Hiến,” tờ báo viết.

Theo InfoNet, tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư cho rằng ông Hiến”gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, không mang tính chất côn đồ mà bị dồn nén từ lâu, ở trong tình cảnh phải phản kháng”. Do đó, các luật sư đề nghị “giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44914845

 

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung:

giai đoạn hai có gì lạ?

Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đã bước vào giai đoạn hai – cuộc chiến tiền tệ. Điều này có tác động ra sao đến thị trường và kinh tế Việt Nam?

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí từ Florida, Hoa Kỳ, từng là chuyên gia tài chính cao cấp của IMF trong gần 30 năm.

VN cần làm gì để bảo vệ sản xuất nội địa?

‘Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến’

Trump ‘sẵn sàng’ leo thang cuộc chiến TM với TQ

BBC: Câu hỏi đầu tiên là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã phá giá 8% để đối phó với thuế Mỹ trên hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, vậy xu hướng này liệu có còn tiếp tục thưa ông?

TS Phạm Đỗ Chí: Đồng tiền Trung Quốc (China yuan, hay CNY hoặc RMB) chỉ cần phá giá thêm 2% tới thành 10% trong vài tuần tới, như nhiều người tiên đoán, là Trung Quốc đụng đến giới hạn “tâm lý chính trị” của Mỹ như Trump hay chỉ trích trước đây là Trung Quốc thao túng tỷ giá để làm lợi cho xuất khẩu. Nhưng chính phủ Trump còn đang sửa soạn áp thuế nhập khẩu lên toàn bộ hàng Trung Quốc và trong giai đoạn ba của chiến tranh thương mại Mỹ -TQ, họ sẽ gây rối loạn toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Hệ quả là lạm phát, các nhà máy đóng cửa tránh thuế Mỹ, tư bản rút khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á và sau đó sang ngay Mỹ và Âu châu…Dân chúng và tư bản quốc tế sẽ mất tín nhiệm với đồng NDT rút tiền ra khỏi Trung Quốc, chứng khoán và dự trữ ngoại hối sụp đổ.

BBC: Nếu tình hình sắp tới diễn ra đen tối cho Trung Quốc như vậy, cụ thể Trung Quốc sẽ gặp vấn đề nội bộ gì?

TS Phạm Đỗ Chí:Tại Trung Quốc, thất nghiệp sẽ gia tăng và với lợi thế của các nền công nghiệp mới thời 4.0, lợi thế nhân công rẻ sẽ sụt giảm trầm trọng so với áp thuế của Mỹ.

Nếu không xử lý tốt, xã hội Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ cùng với các bất mãn chính trị do tham nhũng và chế độ toàn trị (như kinh nghiệm Liên Xô trước đây).

Nếu không xử lý tốt, xã hội TQ có nguy cơ sụp đổ cùng với các bất mãn chính trị do tham nhũng và chế độ toàn trị (như kinh nghiệm Liên Xô trước đây).TS Phạm Đỗ Chí

Rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến lại cảnh “bất chiến tự nhiên thành” của các chế độ cộng sản còn lại dẫn dắt bởi Trung Quốc hoặc bám theo mô hình Trung Quốc.

Họ có thể sẽ sụp đổ theo sau khủng hoảng kinh tế. Ngay tại Trung Quốc, tâm lý hiện nay là rút vốn, đem tiền ra nước ngoài. Các vụ tiền Trung Quốc tràn ngập mua nhà ở ngoại quốc, gồm cả ở Việt Nam trong 5 năm qua là triệu chứng mở đầu khá rõ.

VN: Nguy cơ thiệt hại vì chiến tranh thương mại

Trump ‘sẵn sàng’ leo thang cuộc chiến TM với TQ

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là gì?

BBC: Theo ông, nếu xảy ra khủng hoảng thì tác động đến Việt Nam sẽ ra sao?

TS Phạm Đỗ Chí:Việc Trung Quốc tuồn hàng sang VN để xuất khẩu sang Mỹ hiện quá rõ và đang được Mỹ chú ý đối phó đặc biệt. Các tác dụng trên của chiến tranh Mỹ-Trung với TQ sẽ cũng xảy ra cho VN, tuy ở tầm mức giới hạn hơn. Hiện người dân VN đã tăng dự trữ USD. Cùng lúc, có dấu hiệu tư bản ngoại quốc bắt đầu rời VN do mất tín nhiệm với việc tiền mất giá.

Thị trường chứng khoán sẽ còn mất giá tiếp với lạm phát lên cao trên mức 5% và dân chúng chuyển tiền ra ngoài. Đồng vốn kể cả ở TQ hay VN sẽ tìm đến các ‘bến đỗ an toàn’ (safe haven) ở Bắc Mỹ, Singapore, châu Âu.

Dạo Tết Nguyên đán vừa qua giữa tháng 2/2018, tôi đã có bài trên BBC Tiếng Việt cảnh báo sớm nguy cơ sụp đổ từ mức 1100 của VN Index có thể lên tiếp một chút (đã đụng mức 1209 vào hôm 9/4/18) nhưng rồi sẽ xuống mạnh nhanh chóng.

Các đỉnh cao trước đó , do đầu cơ và sự tiếp sức do khối ngân hàng bơm thanh khoản từ giữa năm 2017 vì lý do chính trị, không thể bền vững (unsustainable). Hiện đã xuống dưới mức 900 và còn có thể xuống tiếp mức 700-750 vào cuối năm. Tỷ giá đã vượt mức 23,400 VND/1 USD và có thể mất giá 5% nếu tiền TQ bị mất giá 10% như được tiên đoán rộng rãi.

BBC: Nhưng để đối phó với Mỹ, phải chăng Trung Quốc muốn biến Việt Nam thành một nơi gia công hay chỉ giúp mang nhãn Trung Quốc (Chinese products made in VN) để xuất khẩu đi tiếp? Điều này nếu xảy ra sẽ có tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

TS Phạm Đỗ Chí: Việc này nếu xảy ra sẽ tăng sức ép, thậm chí bóp chết doanh nghiệp trong nước, đưa kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn. Việc Trung Quốc tìm thị trường cho hàng giá rẻ bán ồ ạt sang Việt Nam, sẽ chỉ gây thêm vấn đề cho kinh tế Việt Nam.

BBC: Câu hỏi cuối cùng, cú bắt tay Donald Trump và Vladimir Putin là dấu hiệu gì thưa ông?

TS Phạm Đỗ Chí: Trump không chỉ bắt tay với Putin mà còn mời Putin sang Hoa Kỳ. Điều này sẽ còn đợi thời gian tới diễn biến sẽ ra sao nhưng trước mắt, đây là dấu hiệu cho thấy có vẻ Mỹ đang có chiến lược Hòa Nga chống Trung Quốc, với tác động kinh tế và địa chính trị sâu rộng cho thế giới.

Như việc Nixon-Kissinger đã theo chiến lược hoà Trung chống Nga những năm đầu 1970, hy sinh chiến tuyến Nam Việt Nam tự do, giúp Con rồng Trung hoa ngóc đầu lên dữ dội và đang gây kinh hoàng cho toàn cầu với sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự như ở vùng Biển Đông.

Khó mà không thể nghi ngờ các tính toán chiến lược mới của Trump, đằng sau vẻ nhu nhược trước Putin đang bị nhiều nhân vật chính trị quốc tế hay tại Mỹ kết án chỉ trích mạnh mẽ! Hãy đón xem hồi tới!

https://www.bbc.com/vietnamese/business-44956710

 

Tướng Nguyễn Mạnh Hùng

làm quyền Bộ Trưởng Thông tin – Truyền thông

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ – Viễn thông quân đội Viettel, vừa được bổ nhiệm giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông.

Cổng thông tin chính phủ loan báo tin này vào thứ tư, ngày 25/ 7.

Theo đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định giao chức vụ Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cho Thiếu tướng Hùng chỉ hai ngày sau khi Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam chỉ định ông Hùng làm Bí thư ban cán sự đảng Bộ Thông tin – Truyền thông nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo Tân Hoa Xã, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được chỉ định chức vụ này sau khi ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông Tin – Truyền thông, bị cho thôi chức Bộ trưởng theo quyết định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký vào sáng ngày 23/7.

Báo chí trong nước loan tin cho biết ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962, quê ở Bắc Ninh, tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô, có bằng thạc sĩ viễn thông ở Úc và thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thiếu tướng Hùng giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Viettel từ năm 2014, và trở thành Chủ tịch tập đoàn này vào tháng trước.

Hãng Thông tấn xã Việt Nam trích lời ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Tập đoàn Công nghệ – Viễn thông quân đội Viettel được đánh giá là một trong 15 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới với hơn 100 triệu người sử dụng tại Việt Nam và nước ngoài.

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết thêm Tập đoàn Viettel hiện đang mở rộng thêm hoạt động ở các lĩnh vực điện tử viễn thông, vũ khí công nghệ cao, và ngành công nghiệp an ninh mạng.

Tại Việt Nam hiện nay nhiều người quan ngại Luật An Ninh Mạng được Quốc hội thông qua vào ngày 12 tháng 6 vừa qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 sẽ thắt chặt thêm nữa quyền tự do ngôn luận. Đây là một nguyên nhân khiến người người biểu tình vào ngày 10 tháng 6 vừa qua trên khắp cả nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viettel-ceo-appointed-acting-info-minister-of-vn-07252018081425.html

 

Bộ Thông tin và Truyền thông ra sao

với ông Nguyễn Mạnh Hùng?

Kính Hòa RFA

Ngày 12/7/2018, ông Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông bị cách chức đứng đầu Đảng ủy tại bộ này, đến ngày 23/7 ông bị cách chức bộ trưởng.

Đồng thời ngày 23/7 Đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng là một người bên quân đội đảm nhiệm chức vụ bí thư ban cán sự đảng tại Bộ thông tin & Truyền thông.

Tuy chưa chính thức nắm giữ chức vụ bộ trưởng, nhưng theo thông lệ “đảng lãnh đạo” của tổ chức Đảng Cộng sản thì với chức vụ bí thư ban cán sự đảng của Bộ Thông tin & Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng xem như chắc chắn sẽ là người đứng đầu cơ quan có nhiệm vụ quản lý báo chí và tư tưởng này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng là ai?

Tôi cho là việc ông Nguyễn Phú Trọng chọn ông Nguyễn Mạnh Hùng thay ông Trương Minh Tuấn chắc có lẽ là để làm cho giới blogger, Facebooker tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

-Nhà báo Phạm Chí Dũng.

Ông hiện mang quân hàm thiếu tướng trong quân đội Việt Nam, và là người đứng đầu Tập đoàn kinh doanh viễn thông của quân đội, Viettel.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, hiện sống tại Sài Gòn, là Chủ tịch Hội nhà báo độc lập, một tổ chức không được Đảng Cộng sản Việt Nam công nhận, nhận xét về ông Nguyễn Mạnh Hùng:

Tôi có hai ấn tượng về ông Nguyễn Mạnh Hùng. Thứ nhất là cuộc khủng hoảng Đồng Tâm. Thứ hai là thành tích của ông ta sử dụng tập đoàn truyền thông Viettel để ngăn chận những thông tin gọi là “độc xấu độc” hay “phản động. Tôi cho là việc ông Nguyễn Phú Trọng chọn ông Nguyễn Mạnh Hùng thay ông Trương Minh Tuấn chắc có lẽ là để làm cho giới blogger, Facebooker tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.”

Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm bắt đầu bùng nổ vào ngày 15/4/2017 khi dân làng Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội bắt giữ 38 con tin là các binh sĩ cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm để giải tán dân làng trong một cuộc tranh chấp đất đai giữa một bên là dân làng, còn bên kia chính là Tập đoàn Viettel, muốn sử dụng một lô đất để xây nhà máy.

Cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều này, với sự tham gia giải quyết của các giới chức cao cấp của Quốc hội và Thành phố Hà Nội. Kết quả là dân làng Đồng Tâm có được lời hứa sẽ được giải quyết việc đất đai và không bị truy tố, đổi lại là toàn bộ các con tin được thả. Nhưng sau đó đã có quyết định khởi tố vụ án.

Khi được hỏi là với ông Nguyễn Mạnh Hùng thì sắp tới đây chính sách về tự do ngôn luận của Việt Nam có thay đổi hay không, ông Phạm Chí Dũng nói tiếp:

Tôi cho là nó đi theo chính sách chung, không phụ thuộc vào một nhân vật. Trương Minh Tuấn, hay Nguyễn Mạnh Hùng, hay ai nữa thì cũng thế thôi. Nếu có khác thì ít thôi, nó tùy theo tính cách quan điểm của từng người. Có người có thể xiết hơn, có người thả ra một chút, nhưng phải theo chính sách chung của đảng cầm quyền, và chính sách hiện nay là dùng luật an ninh mạng để gò bó giới hoạt động trên mạng xã hội.”

Luật an ninh mạng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào đầu tháng 6/2018, được cho là sẽ bóp chặt hơn nữa tự do ngôn luận ở Việt Nam, khi luật này dành quyền cho nhà cầm quyền yêu cầu các công ty kỹ thuật cung cấp dịch vụ mạng phải cung cấp thông tin người sử dụng cho nhà nước mà không cần lệnh của tòa án. Luật này bị rất nhiều chỉ trích từ giới bất đồng chính kiến Việt Nam, giới trí thức Việt Nam, các nhà kinh tế cho đến các nhà lập pháp Hoa Kỳ.

Bộ luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.

Ông Hùng học kỹ thuật, ông ấy không phải là sĩ quan chính trị. Tôi nghĩ tình hình chưa chắc đã tồi tệ hơn hai ông kia, là hai sát thủ đối với tự do báo chí, tự do ngôn luận.

-Nhà báo Võ Văn Tạo.

Quan điểm của ông Phạm Chí Dũng cũng khá gần với một số ý kiến mà nhà báo tự do Phan Lợi tổng kết những cuộc thảo luận trên mạng xã hội trong những ngày giữa tháng 7/2018:

Đối với báo chí thì cũng chưa rõ lắm vì đối với cá nhân được cho là sẽ lãnh đạo bộ thì về mặt tư duy báo chí thì không thấy bộc lộ nhiều, lâu nay báo chí ít tiếp cận. Tư duy về mặt mạng xã hội có thể là sẽ chặt chẽ hơn, do ông ấy sử dụng lợi thế về mặt kỹ thuật.”

Bên cạnh đó, ông Phan Lợi cũng cho rằng có thể với ông Nguyễn Mạnh Hùng, từng đứng đầu một tập đoàn kinh doanh lớn, thì Bộ Thông tin & Truyền thông có thể sẽ nới lõng những qui định về kinh doanh viễn thông, chẳng hạn như việc yêu cầu khách hàng thuê bao di động phải chụp ảnh để lại trong hồ sơ.

Tuy nhiên cũng có ý kiến tích cực hơn về vai trò của ông Nguyễn Mạnh Hùng sắp tới đây trong việc quản lý nhà nước ở Bộ Thông tin & Truyền thông. Nhà báo tự do Võ Văn Tạo nói với chúng tôi từ Nha Trang:

Trước ông Trương Minh Tuấn là ông Nguyễn Bắc Son là một đại tá, còn ông Trương Minh Tuấn cũng từ quân đội chuyển qua. Cả hai ông này đều có gốc tích là văn hóa thấp, rồi đi học lằng nhằng gì đó, học sĩ quan chính trị. Trong khi đó ông Hùng học kỹ thuật, ông ấy không phải là sĩ quan chính trị. Tôi nghĩ tình hình chưa chắc đã tồi tệ hơn hai ông kia, là hai sát thủ đối với tự do báo chí, tự do ngôn luận.”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng từng đi du học ở Liên Xô cũ về ngành điện tử viễn thông, sau đó có bằng thạc sĩ về viễn thông tại Úc. Dưới sự quản lý của ông Hùng, Tập đoàn Viettel hiện nay là một trong những tập đoàn kinh tế Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất, và theo báo chí trong nước thì hoạt động đầu tư này khá thành công, trừ những dự án ở châu Phi được cho là vẫn còn nằm trong giai đoạn bị lỗ.

Chúng tôi có gọi đến số điện thoại của ông Nguyễn Mạnh Hùng để hỏi về khả năng làm bộ trưởng của ông, cũng như những chính sách sắp tới đây về truyền thông, về mạng xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng bắt máy, lắng nghe chăm chú câu hỏi của chúng tôi rồi từ chối trả lời vì cho rằng nhầm số.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nguyen-manh-hung-viettel-07242018125247.html

 

EU và VN đã sẵn sàng ký kết EVFTA cuối năm nay

Quá trình thảo luận về EVFTA giữa EU và Việt Nam đã hoàn tất và hai bên đã sẵn sàng cho việc ký kết thỏa thuận vào cuối năm nay.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại – Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết như vậy tại Hội thảo Khởi động dự án “Kinh doanh và Quyền con người trong quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam”, được tổ chức tại Hà Nội hôm 25/7/2018.

Tại buổi hội thảo, ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa và thương mại quốc tế cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn liên quan tới lao động, do đó EVFTA  ngoài việc đề cập tới cơ hội về kinh tế, còn đề cập tới “Thương mại và Phát triển bền vững” nhằm khẳng định lại các tiêu chuẩn quốc tế về lao động và môi trường.

Liên quan đến “Thương mại và phát triển bền vững”, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu (EP) cho hay, ông kỳ vọng EVFTA sẽ được ký kết vào cuối năm nay, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2019.

Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định đầu tư thương mại toàn diện mà EU ký kết với một quốc gia đang phát triển. Khi Hiệp định được thực hiện, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 15.000 tỷ USD.

Ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường của một quốc gia đang phát triển với dân số hơn 90 triệu người.

Trong thời gian qua Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hoàn tất EVFTA, tuy nhiên giới quan sát cho rằng vụ Hà Nội sang Berlin bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh về nước để xử tù chung thân khiến tiến trình ký kết bị trở ngại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/eu-and-vietnam-are-ready-for-evfta-signing-at-the-end-of-this-year-07252018081610.html

 

VN họp khẩn về tác động thảm họa vỡ đập ở Lào

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Việt Nam vào ngày 25 tháng 7 tiến hành cuộc họp khẩn liên quan vụ đập thủy điện Xe Pian- Xe Namnoy của Lào bị vỡ, khiến hàng trăm người mất tích.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết theo tính toán ban đầu cuả các cơ quan chức năng Việt Nam thì việc vỡ đập ở Lào ít tác động đến đồng bằng Sông Cửu Long. Theo lượng định thì tác động do nước từ đập bị vỡ sẽ khiến mực nước các sông Đồng bằng Cửu Long dâng lên khoảng 4-5 cm.

Ông Nguyễn Văn Hải cũng nhận định vụ vỡ đập ở Lào là bài học lớn cho VN về việc cần rà soát các hồ chứa thủy điện trước mùa mưa lũ và tính toán chính xác lượng nước mưa. Ông Hải còn nói thêm Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ rà soát một lần nữa toàn bộ hệ thống thủy điện, thủy lợi để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong 4-5 ngày tới, mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tăng tối đa 5-10 cm so với trước. Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường. Đến ngày 31/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên 3,2m và trên sông Hậu tại Châu Đốc lên 2,6 m.

Báo Tiền Phong dẫn lời Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng Sông Cửu Long nói rằng thảm họa vỡ đập ở Lào một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn đập trên lưu vực Mekong đáng lo ngại và cho thấy cách làm thủy điện trong lưu vực Mekong chưa đạt độ chuyên nghiệp, tin cậy.

Còn PGS.TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong được báo Dân Việt trích dẫn cho biết vụ vỡ đập là một bài học cho VN trong việc xây dựng quản lý, vận hành các hồ thủy điện. Đặc biệt trong khi VN có 1.200 hồ đập xuống cấp nghiêm trọng.

Thảm họa vỡ đập ở Lào được cho biết không gây thiệt hại về nhân mạng cho cộng đồng người Việt tại Lào . Ông Võ Văn Mững, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Attapeu cho biết người dân bị ảnh hưởng đã được di tản an toàn và hỗ trợ lương thực như gạo, mỳ, tôm, cá khô… Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh gần khu vực vỡ đập chịu nhiều thiệt hại về kinh tế.

Đập thủy điện mới xây Xe Pian Xe Namnoy ở Đông Nam Lào vỡ vào ngày 23 tháng 7 vừa qua. Hãng AP cho biết tính đến chiều tối ngày 25 tháng 7 có ít nhất 19 người thiệt mạng, 49 người mất tích và hơn 6.000 người mất nhà cửa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/laos-dam-disaster-affects-mekong-delta-in-vn-07252018094018.html

 

Thép Việt bị tố bán phá giá ở Canada

Tòa Trọng tài Thương mại Quốc tế của Canada mới đây cho biết có những chỉ dấu cho thấy tình trạng một số nước Châu Á trong đó có Việt Nam đã bán các sản phẩm thép trợ giá vào Canada và do vậy có thể gây hại cho các nhà sản xuất thép của nước này. Hãng tin The Canadian Press loan tin hôm 25/7.

Những nước được nêu tên bao gồm Trung Quốc, Nam Hàn và Việt Nam. Theo tòa, các sản phẩm bị can thiệp giá từ các nước này là thép cán nguội dạng cuốn và thanh.

Trước đó cơ quan Dịch vụ Biên giới của Canada đã tiến hành điều tra về những mặt hàng có trợ giá. Cuộc điều tra vẫn đang diễn ra và cơ quan này sẽ đưa ra quyết định ban đầu chậm nhất là vào ngày 20 tháng 8 tới.

Chính phủ Canada hiện đang tiến hành các bước để tìm ra các công ty tìm cách bán thép rẻ vào nước này để tránh thuế thép lên cao tại thị trường Mỹ.

Trước đó, chính phủ Mỹ đã áp thuế đến 25% lên các loại thép nhập khẩu và 10% lên các sản phẩm nhôm nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất trong nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-korea-vietnam-all-dumped-steel-canada-trade-tribunal-says-07252018082224.html

 

Phản hồi yêu cầu chủ tịch nước

xét đặc xá cho Trần Huỳnh Duy Thức

Viện kiểm sát nhân dân tối cao hôm 19/7 gửi thư trả lời về đơn đề nghị Chủ tịch nước Việt Nam đặc xá cho tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức theo quy định về đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

Thư trả lời đến văn phòng công ty của luật sư Ngô Ngọc Trai, người đại diện cho gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức, vào ngày 24 tháng 7.

Theo văn bản mà luật sư Ngô Ngọc Trai đăng tải, thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết Chủ tịch nước và chính phủ hiện nay chưa có chủ trương đặc xá và chưa có yêu cầu lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Trần Huỳnh Duy Thức cho RFA biết đã nhiều lần gia đình gửi đơn nhưng đây là lần đầu tiên Viện kiểm sát nhân dân tối cao có phản hồi.

Trong khoảng vài tháng nay, gia đình có nhờ luật sư Ngô Ngọc Trai làm đơn tư vấn và hỗ trợ về vấn đề pháp lý và trực tiếp gửi đơn đến các cơ quan như Chủ tịch nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an… Gửi năm lần bảy lượt rồi chứ không phải là mới, nhưng đây là lần đầu tiên mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời đơn cho luật sư Ngô Ngọc Trai.

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng đây là diễn biến mới nhất tích cực kể từ khi gửi văn bản đi, trong khi các cơ quan khác thì chưa có thông tin phản hồi.

Ông Trần Huỳnh Duy Tân cho biết thư phản hồi của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là chút hy vọng trong nỗ lực kêu gọi trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Thật ra thì nội dung trả lời cũng chưa có thông tin gì gọi là tích cực lắm. Nhưng dù sao thì cũng có cái gì đó tốt hơn những lần trước mà những cơ quan đó trả lời cho gia đình. Những lần trước họ luôn nói là trường hợp của anh Trần Huỳnh Duy Thức là xử đúng tội, đúng pháp luật… Còn lần này họ không trả lời như vậy thì chắc là cũng có gì đó gia đình hy vọng tốt hơn một chút.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt và bị đưa ra tòa cùng với luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Tiến Trung và doanh nhân Lê Thăng Long năm 2009. Ông là người bị kết án nặng nhất với bản án 16 năm tù giam theo cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam trong phiên tòa diễn ra năm 2010.

Ông đã hai lần bị chuyển trại giam. Đầu tiên ông bị giam ở trại Xuân Lộc, Đồng Nai. Sau đó bị chuyển đến trại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Lần thứ ba là tháng 5 năm 2016 ông bị chuyển ra trại 6, Thanh Chương Nghệ An, trại giam được mệnh danh là “khét tiếng bật nhất trong hệ thống nhà tù Việt Nam hiện nay.” Hiện nay tại trại này có tù chính trị Trương Minh Đức thuộc Hội Anh Em Dân Chủ và Phong Trào Lao Động Việt cũng vừa bị chuyển đến.

Vào tháng 7 năm ngoái, gia đình ông  Trần Huỳnh Duy Thức cho biết đã viết đơn gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang khiếu kiện về những cách đối xử khắc nghiệt mà ông đang phải chịu đựng trại giam số 6, Nghệ An. Tuy nhiên, ông Thức vẫn luôn khẳng định ông sẽ “không lưu vong để đổi lấy tự do”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-president-responded-the-amnesty-call-for-political-tran-huynh-duy-thuc-07252018081255.html

 

Việt Nam không bị Mỹ chế tài vì mua vũ khí của Nga

Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia duy nhất được miễn trừng phạt của Mỹ đối với những nước đang mua vũ khí của Nga.

Các nhà lập pháp Mỹ hôm 23/7 nhất trí để cho Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia được tiếp tục mua thiết bị quân sự của Nga mà không phải đối mặt với các lệnh chế tài bắt buộc của Mỹ.

Thượng nghị sỹ Jim Inhofe, người giúp thảo một phần trong dự luật chính sách quốc phòng hàng năm của Mỹ, cho The Daily Beast biết rằng Việt Nam và 2 đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ không nằm trong danh sách các nước bị trừng phạt nặng bởi các lệnh chế tài được thông qua và có hiệu lực từ năm ngoái.

Đạo luật này được Quốc hội Mỹ thông qua để trừng phạt Moscow vì đã gây bất ổn, trong đó có việc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Trong đạo luật có tên Chống những kẻ thù của Mỹ thông qua chế tài (CAATSA) có yêu cầu chế tài đối với những nước có giao dịch với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Oklahoma giải thích trong một cuộc phỏng vấn ngắn với trang tin tức chuyên về chính trị của Mỹ rằng Việt Nam và 2 quốc gia nói trên nằm trong danh sách các nước đang mua vũ khí của Nga trước khi thực hiện kế hoạch chuyển tiếp.

Vào tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis yêu cầu các nhà lập pháp cho phép các miễn trừ an ninh quốc gia đặc biệt cho các đồng minh của Mỹ hiện đang mua các hệ thống vũ khí của Nga nhưng có ý định cuối cùng sẽ ngừng mua. Ông Mattis, giới chức đi thăm Hà Nội tháng 1 năm nay, nêu tên Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia cho danh sách miễn trừ này, theo Denfense News.

Bộ trưởng Mattis cho rằng nếu không miễn trừ cho những nước này thì Mỹ sẽ “tự làm mình tê liệt” vì 3 nước châu Á này cần có vũ khí để đảm bảo an ninh quốc gia của họ trong khi chuyển sang mua vũ khí của Mỹ.

Theo bản tóm tắt của luật quốc phòng được đưa ra tối hôm 23/7, chính quyền Mỹ được yêu cầu phải chứng nhận xem liệu Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia có thể tiếp tục được miễn trừ các chế tài hay không, theo Daily Beast. Điều này có nghĩa là những quốc gia kể trên phải cho thấy rằng họ đang giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hệ thống vũ khí của Nga.

Việt Nam có một lịch sử lâu đời mua vũ khí của Nga, nước cung cấp khí giới với giá rẻ hơn của Mỹ, theo Defense News.

Tuy nhiên, theo chuyên gia về Đông Nam Á Collin Koh Swee Lean thuộc khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học S Rajaranam, “Hà Nội đang trở nên chán ngán với chính sách mua bán vũ khí của Nga” trong đó có nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với sự chuyển giao công nghệ của Nga.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, một nguyên nhân khác là việc Nga bán vũ khí cho Trung Quốc. Ông Lean nhận định rằng “Moscow, có thể theo yêu cầu của Bắc Kinh, ngưng cung cấp vũ khí cho Việt Nam trong bối cảnh có những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng cường chi tiêu cho quốc phòng đặc biệt kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không ngừng bồi đắp các đảo nhân tạo cũng như quân sự hóa Biển Đông.

Từ giữa năm 2005 và 2014, chi tiêu cho quốc phòng của Việt Nam tăng 400%, theo dữ liệu từ trang web của Bộ Thương mại Mỹ. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa gia tăng mua vũ khí của Mỹ mặc dù đã được bỏ lệnh cấm mua vũ khí sát thương của Hoa Kỳ vào năm 2016, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Theo Bộ này, Mỹ muốn thấy Việt Nam tránh xa các hợp đồng mua vũ khí từ Nga và mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn.

Trong dịp tới Việt Nam vào tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trực tiếp chào mời các nhà lãnh đạo Hà Nội mua thiết bị quân sự của Mỹ, nhất là máy bay và tên lửa.

Nhận định về việc đôi bên vẫn chưa ký kết bất kỳ thỏa thuận mua bán vũ khí nào kể từ khi người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama, thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương khi tới thăm Việt Nam năm 2016, cựu trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói với VOA tiếng Việt vào năm ngoái rằng “các hợp đồng mua bán vũ khí thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian để thương lượng”.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-khong-bi-my-che-tai-vi-mua-vu-khi-cua-nga/4499316.html