Con Đường Tơ Lụa: Thủ đoạn của Trung Quốc bắt nước khác phụ thuộc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Con Đường Tơ Lụa: Thủ đoạn của Trung Quốc bắt nước khác phụ thuộc

RFI – Mai Vân

 

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh “Con Đường Tơ Lụa Mới “, tại Bắc Kinh, ngày 15/05/2017.REUTERS/Jason Lee
Trong một bài phỏng vấn dành cho hãng tin Anh Reuters ngày 16/07/2018, ông Ray Washburne, lãnh đạo cơ quan đầu tư tư nhân của Mỹ tại nước ngoài đã không ngần ngại tố cáo việc Trung Quốc đang bóp nghẹt các nước nghèo bằng những món nợ ngày phòng lên , thông qua các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn không khả thi về mặt kinh tế.
Lời tố cáo trên đây chỉ là một trong nhiều tín hiệu báo động được tung ra gần đây, cảnh báo về bẫy nợ mà Bắc Kinh đang bủa ra trong khuôn khổ Sáng Kiến Một Vành Đai, Một Con Đường để tìm cách lệ thuộc hóa các nước khác.
Trong một bài phân tích ngày 10/07 vừa qua, báo mạng Asia Sentinel đã lập ra một danh sách dài các quốc gia trong đó có Lào, Cam Bốt, Pakistan, Sri Lanka…, đang oằn mình dưới các món nơ khổng lồ đối với ngân hàng ngoại thương Trung Quốc Ex-Im Bank hay các định chế tài chánh khác trong tay Bắc Kinh, và nhận ra rằng họ đang phải trả giá về mặt chính trị và chủ quyền cho các món nợ tài chánh đó.
Những làn gió ngược trên Con Đường Tơ Lụa Mới
Đối với nhà báo người Pakistan Salman Rafi Sheikh, tác giả bài phân tích, sáng kiến gọi nôm na là « Con Đường Tơ Lụa Mới » mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tiếc công sức quảng cáo, hiện không còn bằng phẳng như Bắc Kinh mong muốn, mà đang càng lúc càng trở nên gập ghềnh, ở Châu Á cũng như nơi khác.
Nguyên nhân là vì giới lãnh đạo các nước tham gia vào dự án bắt đầu cảm thấy gánh nặng, nhất là khi hành vi bắt chẹt, thao túng chính trị kinh tế của Trung Quốc đối với các nước nhỏ hơn ngày càng lộ liễu, khiến cho các con nợ nghi ngại.
Hiện nay có khoảng 70 nước tham gia vào dự án Một Vành Đai, Một Con Đường, nhưng một số đã thấy rằng dù muốn dù không, họ đã bị ràng buộc vào Trung Quốc vì những khoản vay mượn vô cùng đắt đỏ.
Theo các thông tin báo chí, đã có ít nhất là 7 quốc gia thấy rằng họ phải gánh chịu những dự án mà tiến độ thực hiện bị chậm trễ rất nhiều so với kế hoạch, với chủ nợ thường là ngân hàng Ex-Im Bank hay các định chế tài chính khác của Trung Quốc, với nhân công do Trung Quốc cử đến do đó không hề giúp tăng gia công ăn việc làm cho quốc gia đón nhận công trình.
Một trong những ví dụ điển hình về ảnh hưởng chính trị càng lúc càng lớn của Trung Quốc là Cam Bốt. Tại quốc gia thuộc diện nghèo nhất châu Á này, ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh đã biến thành sức mạnh chính trị.
Vào tháng Giêng năm 2018 vừa qua, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ký với Phnom Penh 19 thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la về hạ tầng cơ sở, nông nghiệp v.v… để tăng thêm sự hiện diện vốn đã rất hùng hậu.
Ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh đã lộ rõ vào năm 2016 khi Cam Bốt đã ngăn chặn không cho ASEAN ra thông cáo chung về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngược lại với tính toán của Trung Quốc, một số nước khác bắt đầu xem xét lại các dự án do Bắc Kinh chào mời. Nepal mới đây loan báo khả năng đình chỉ một đề án thủy điện trị giá 2,5 tỷ đô la, nêu ra lý do một số yếu tố không đúng luật trong hợp đồng.
Miến Điện cũng xác nhận lại quyết định đưa ra năm 2011 đình hoãn công trình xây đập Myitsone trong đó các tập đoàn Trung Quốc đã bỏ vào 3,5 tỷ đô la. Công trình này một khi hoàn tất sẽ chuyển 90% điện sản xuất về Trung Quốc.
Thái Lan thoạt đầu định để cho Trung Quốc xây dựng đường xe lửa cao tốc dài 700 cây số nối liền Bangkok với Chiang Mai, thành phố ở miền bắc, nhưng sau đó đã quay sang nhờ Nhật Bản, cả về tín dụng lẫn công nghệ, do tâm lý bất bình và thiếu thiện cảm ngày càng tăng của dân chúng Thái trước tình trạng đất nước lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc cũng có thể đưa những nước như Philippines đến phá sản. (…)
Phản đối Trung Quốc dùng kinh tế thao túng chính trị
Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak có thể được coi là nhân vật đứng đầu danh sách những người được Trung Quốc nâng đỡ để thúc đẩy « con đường tơ lụa ». Ông Najib từng bị tố cáo là « bán nước » cho Trung Quốc, bao che những mưu đồ tài chính bất lương, cho Bắc Kinh những nhượng bộ to lớn, và giờ đây đã bị bắt trong hồ sơ biển thủ tiền của quỹ đầu tư 1MDB. Tân thủ tướng Mahathir đã hứa xem xét lại những khoản đầu tư của Trung Quốc.
Phản ứng chống lại đầu tư và các hành vi thao túng chính trị nước khác của Trung Quốc không chỉ giới hạn trong trường hợp ông Najib Razak và Malaysia mà còn xuất hiện ở nhiều nước khác, như tại Sri Lanka.
Theo tác giả bài viết, đầu tư Trung Quốc vào các nước khác trong khuôn khố kế hoạch Con Đường Tơ Lụa còn nhằm đưa các nước đó vào con đường độc tài, vì chỉ những chế độ chuyên chế, với những tác nhân thân Trung Quốc nắm quyền, mới có thể phục vụ quyền lợi của Bắc Kinh.
Sri Lanka là một trường hợp đáng chú ý. Cũng như cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak, cựu tổng thống Mahinda Rajapakse, đã đóng vai trò chính trong việc buộc nước này phải dâng cảng Hambantota cho Trung Quốc với thời hạn 99 năm, sau khi chính quyền mới của tổng thống Sirisena khám phá ra những khoản chi tiêu khổng lồ về hạ tầng cơ sở tại một cảng hoạt động ít ỏi.
Tại đây Bắc Kinh áp dụng chính sách cố hữu là rải tiền cho vay đến con mồi vỡ nợ và bị buộc làm theo ý muốn của mình. Trong cuộc bầu cử tổng thống 2015, Trung Quốc cũng rải tiền cho cuộc vận động tranh cử của ông Rajapakse, người luôn đáp ứng đòi hỏi của Trung Quốc.
Ông Rajapakse đã thất cử, nhưng nợ Trung Quốc thì tân chính phủ Sri Lanka vẫn tiếp tục phải gánh. Tổng thống Sirisena muốn bỏ đi một số tín dụng phát triển, nhưng không thoát được cạm bẫy và bị buộc phải tiếp tục một số đề án trong tình cảnh nợ nần chồng chất và lãi suất rất cao.
Sri Lanka phải trả đến 12,3 tỷ đô la nợ vay Trung Quốc riêng năm nay. Theo bộ Tài Chính Sri Lanka, 77% tiền hoàn trả vào năm tới đây là nợ của chính quyền trước vay cho đề án của Trung Quốc. Và chính quyền mới vẫn phải tiếp tục vay của Trung Quốc vì không còn cách nào khác.
Trường hợp Pakistan
Để thực hiện ý đồ không chế nước khác, trực tiếp hay gián tiếp, Trung Quốc không chỉ dùng tiền bạc, bẫy nợ, mà còn viện đến những phương thức kín đáo hơn. Đây là trường hợp Pakistan.
Như kế hoạch Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc Pakistan CEPEC cho thấy, Trung Quốc sắp chi những khoản tiền lớn để nâng cao năng lực giám sát lãnh thổ của đất nước này.
Đầu tư chủ yếu về hạ tầng cơ sở ở Pakistan trong trường hợp CEPEC là công trình thiết lập mạng lưới cáp quang, vừa cải thiện mạng lưới thông tin của Pakistan, nhưng vừa cho Trung Quốc khả năng kiểm soát rộng rãi những luồng thông tin. Việc kiểm soát này nhằm biến Trung Quốc và những đề án Trung Quốc thành những lãnh vực bất khả xâm pham. Chưa gì Hành Lang Kinh Tế đã biến thành một vùng cấm kỵ.
Một ví dụ tương tự khác ở Pakistan là đề án mỏ than Thar, được cho là vùng mỏ than lớn thứ 7 trên thế giới với dự trữ 175 tỷ tấn.
Vào lúc Trung Quốc từ nhiều năm qua đã cắt giảm sản xuất than và thép để cải thiện mô hình phát triển bền vững, thì tín dụng của Trung Quốc cấp cho Pakistan lại khá hấp dẫn để nước này chấp nhận đề án khai thác mỏ than Thar bất chấp những tác hại về môi trường và xã hội.
Đề án đang hoàn tất cho dù nó đã đẩy cư dân nơi đó vào cảnh lầm than, một phần lớn đã bị di dời. Tập đoàn Pakistan Sindh Engro Coal Mining Company cùng khai thác với tập đoàn Trung Quốc China Power International.
Theo bài viết, việc làm của Trung Quốc ở những nước như Pakistan, Sri Lanka và Malaysia, rõ ràng là những mưu tính địa chính trị dưới vỏ phát triển kinh tế, giúp Bắc Kinh có thêm thế thống trị kinh tế, dẫn đến thống trị chính trị. Có điều tại những quốc này cũng như ở một số nơi khác, những làn gió ngược bắt đầu nổi lên.