Tin Biển Đông – 22/07/2018
Chiến Tranh Mỹ-TC Ở Biển Đông
Vi Anh
Nhiều hành động của hai bên Trung Cộng và Mỹ liên quan đến Biển Đông cho thấy Biển Đông đang trong tình trạng chiến tranh hay tiền chiến tranh giữa Mỹ và TC. Có một số trường hợp tiêu biểu.
Một, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra lịnh bỏ tất cả dụng cụ tin học lại tại TC sau cuộc gặp gỡ người đồng nhiệm của TC. Cựu Đại Tướng Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ Mattis trong tuần trước và phái đoàn có cuộc gặp gỡ người đối nhiệm của TC tại Bắc Kinh. Báo The Washington Times cho biết sau cuộc gặp gỡ Tướng Jim Mattis đã yêu cầu các phóng viên trong đoàn tháp tùng bỏ lại tất cả thiết bị điện tử được cài đặt Wi-Fi đã sử dụng ở Trung Quốc, tuyệt đối không được mang lên máy bay. Lịnh này của vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ cho thấy Mỹ và TC đang trong tình trạng chiến tranh tin học (cyber-war). Mỹ vào đất địch, Mỹ phòng thủ gián điệp điện tử của TC có thể tấn công qua mạng Wi-Fi và thông qua các máy móc nói trên, nếu không bỏ lại có thể xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát từ xa chiếc máy bay chỉ huy trên không E-4B của Không quân Mỹ do Bộ trưởng sử dụng. Đây là máy bay chỉ huy trung tâm nguyên tử quân sự hoá, một trong những thiết bị nhạy cảm của quân đội Mỹ.
The Washington Times cho biết thêm, việc dùng những thiết bị điện tử hoặc viễn thông đã sử dụng ở TQ trên máy bay chỉ huy sẽ cho phép tin tặc chặn hoặc gây nhiễu lệnh nguyên tử, thậm chí do thám các phương pháp ra lệnh, kiểm soát nguyên tử của Mỹ.
Với sự phát triển kỹ thuật của những cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc, việc “hack” một chiếc máy bay qua hệ thống mạng Wi-Fi không phải là chuyện chỉ có trong phim viễn tưởng. Thực tế, giới nghiên cứu đã cho biết khả năng lây nhiễm của virus qua Wi-Fi lên máy tính, thiết bị điện tử từ cách đây nhiều năm.
Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu bảo mật tại Đại học Liverpool (Anh) đã mô phỏng thành công quá trình phát tán của virus máy tính qua mạng Wi-Fi và xem hình thức này “giống như chuyện lây cảm cúm giữa người với người”.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một PoC (Proof of Concept – thử phương án để chứng minh tính khả thi) cho thấy khả năng lây nhiễm toàn bộ mạng không dây cùng lúc, thay vì chỉ một máy tính đơn lẻ. Virus đó có khả năng tự sinh sản và lây nhiễm từ điểm phát này qua điểm phát khác trong cùng mạng Wi-Fi.
Các chuyên gia cho biết việc kết nối máy tính hay thiết bị vào mạng internet qua kết nối Wi-Fi không có gì khác biệt so với việc kết nối bằng cáp truyền dẫn. Một khi đã được kết nối thiết bị mới có thể “nhìn thấy” và tương tác với các máy tính cùng mạng, trên máy chủ… tùy thuộc chính sách chia sẻ được cài đặt trước.
Khi đó, một máy nhiễm có thể phát tán cuộc tấn công tới toàn hệ thống. Nghiêm trọng hơn, nếu virus xâm nhập được vào máy có mọi quyền kiểm soát tối cao trong hệ thống, việc lây lan sẽ diễn ra nhanh chóng và khó ngăn chặn hơn.
Trong trường hợp Bộ trưởng Jim Mattis, nếu ông và các phóng viên tháp tùng mang thiết bị có kết nối và sử dụng Wi-Fi tại Trung Quốc lên máy bay, không loại trừ khả năng một hoặc nhiều máy đã nhiễm malware/virus.
Khi kết nối với mạng riêng trên máy bay E-4B của Bộ trưởng, virus sẽ phát tán và có thể chèn các đoạn mã cho phép can thiệp hoặc do thám mọi hoạt động trên máy bay chỉ huy, cũng như trao quyền điều khiển toàn bộ cỗ máy này vào tay tin tặc. Ngoài ra, virus cũng có thể chèn mã tự động tải về các malware để phục vụ quá trình tấn công từ xa.
Một nguồn tin cho hay, trước đó, quan chức Úc khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc cũng đã bỏ lại điện thoại và máy tính.
Nên Bộ Trưởng Mattis ra lịnh bỏ máy móc ấy lại, tốn kém ít hơn lưu giữ mang hoạ vào hệ thống tin học quốc phòng và truyền thông Mỹ. Nhưng tình báo quân đội và CIA Mỹ cũng không phải tay vừa. Biết đâu những máy móc bỏ lại TQ là những ổ virus, ô tin tặc, trái bom tin học nổ chậm trong cuộc chiến tranh tin học của Mỹ?
Hai, TC trinh sát cuộc tập trận RIMPAC 2018 của Mỹ. Trong cuộc tập trận Hải Quân mang tên Vành Đai Thái Bình Dương 2018, một cuộc tập trận lớn nhứt của thế giới do Mỹ chủ trương và chủ động, Mỹ và TC coi nhau như thù địch. Mỹ không mời TC, mà mời VNCS, VNCS nể mặt TC không cho tàu tham dự, chỉ có một số sĩ quan đến quan sát thôi. Còn Quân Đội TC cho chiến hạm theo trinh sát địch thủ Mỹ. Có báo nói cuộc tập trận hải quân tăng mạnh trên Biển Đông chọc giận Trung Quốc.
Số các cuộc diễn tập hải quân trên Biển Đông của các đồng minh Tây phương và đối tác của Mỹ ở Á châu tăng vọt trong năm nay. Theo các nhà phân tích, Mỹ và các nước muốn chứng tỏ quyết tâm đang kềm chế đà bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp ở Á châu Thái bình dương. Úc, Pháp, Nhật và Hoa Kỳ đã phái chiến hạm đến vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông trong năm 2018. Phía Mỹ và đồng minh coi Biển Đông nằm trên hải lộ quốc tế, cần được bảo vệ tự do hàng hải theo Luật Biển. Còn TC coi vùng biển này giàu thủy sản và trữ lượng dầu khí, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khoảng 90% diện tích ở đó và đã quân sự hóa một số hải đảo quan trọng.
Mỹ, Úc, Nhựt, một liên minh kim cương phối họp mở một cuộc tập trận dùng vũ khí thật, tiêu biểu của chiến tranh chống TC xâm chiếm biển đảo. Mỹ, Úc dùng Không quân, Hải quân diệt một chiến hạm bằng bom đạn, hoả tiễn thật.
TC không được mời tham dự, coi như phe khác rồi. Nhưng TC cho chiến hạm Trung Quốc áp theo tàu chiến của Úc và Pháp. Hải quân Trung Quốc đã phái một tàu tình báo đi theo dõi các cuộc diễn tập RIMPAC gần Honolulu, theo truyền thông Mỹ trích dẫn một phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương.
Ba, Mỹ âm thầm, bí mật chở máy bay chiến đấu tân tiến nhứt vào Á châu Thái bình dương. Hải quân Mỹ bí mật điều hàng không mẫu hạm USS Essex chở F-35 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đa năng tới Tây Thái Bình Dương tuần qua.
Điều này có thể báo hiệu một sự thay đổi lớn trong phương thức Mỹ đối phó với các đối thủ nếu không muốn nói là địch thủ, kẻ thù tiềm năng của Mỹ là TC ở Biển Đông là chiến trường tiềm năng của chiến tranh Mỹ-TC. Chuyến chuyển phương tiện chiến tranh tân tiến nhứt vào vùng Biển Đông bây giờ coi như bí mật quân sự, điều thêm quân và khí tài quân sự chớ không là quảng bá những vượt trội quân sự của Mỹ nữa.
Và Biển Đông ngày nay có thể coi là chiến trường tiềm năng, đang trong tình trạng chiến tranh hay trước chiến tranh giữa Mỹ và TC./.(VA)
https://vietbao.com/p123a283536/chien-tranh-my-tc-o-bien-dong