Tin khắp nơi – 22/07/2018
CIA: Trung Quốc phát động chiến tranh lạnh
nhằm thay thế vị trí siêu cường của Mỹ
Một giới chức cấp cao Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) hôm 20/7 nhận định Bắc Kinh đang phát động một cuộc chiến tranh lạnh chống lại nước Mỹ và tìm cách để thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado, Hoa kỳ, Phó Trợ lý Giám đốc thuộc Trung tâm nhiệm vụ Đông Á của CIA, Michael Collins nói rằng Trung Quốc đang mở rộng tham vọng và lợi ích cũng như các hoạt động của mình trên toàn cầu để cạnh tranh với Mỹ và cuối cùng sẽ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ để tạo ảnh hưởng cho họ.
Chiến tranh lạnh mà Trung Quốc đang áp dụng, theo ông Collins, không giống như chiến tranh lạnh trước kia. Trong cuộc chiến lần này, một quốc gia sẽ khai thác mọi sức mạnh về kinh tế, quân sự để làm tổn hại đến thế đứng của đối phương nhằm gây dựng thế đứng vững cho họ mà không cần đến xung đột vì Trung Quốc không muốn có xung đột. Ông Collins nói thêm, cuối cùng các nước trên thế giới khi quyết định các lợi ích của họ trong các vấn đề chính sách sẽ chọn về phía Trung Quốc thay vì Mỹ.
Trước đó, Giám đốc FBI của Hoa Kỳ, Christopher Wray đã nói tại diễn đàn này rằng Trung Quốc đang là một mối đe doạ lớn nhất mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt.
Báo cáo về Chiến lược Quốc phòng Quốc gia của Mỹ công bố hồi đầu năm nay nhận định Trung Quốc đang sử dụng các hoạt động gây ảnh hưởng, hiện đại hoá quân sự và kinh tế để xâm lấn các nước láng giềng nhằm tạo một trật tự mới ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương nhằm tạo thuận lợi cho mình.
Một trong những ví dụ điển hình nhất của việc Trung Quốc gây ảnh hưởng tới các nước láng giềng trong khu vực thời gian qua là việc nước này cho xây lấp các đảo nhân tạo, thiết lập các tiền đồn quân sự ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp với các nước. Đây là vùng biển quan trọng của thế giới. Ước tính có khoảng 3 nghìn tỷ đô là trị giá hàng hoá đi qua vùng biển này mỗi năm.
Hoa Kỳ lo ngại việc Trung Quốc xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ cản trở tự do hàng hải và hàng không qua khu vực này nên đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích. Từ năm 2015 trở lại đây, Hoa Kỳ đã nhiều lần thực hiện các cuộc tuần tra ở Biển Đông trong hoạt động tự do hàng hải khi các tàu chiến của Hoa Kỳ đi sát vào các đảo nhân tạo do Trung Quôc xây lấp.
Quan chức CIA nhận định Trung Quốc hiện là đối thủ đáng gờm của Mỹ còn hơn cả Nga trước kia và sau này.
Tổng thống Trump: việc luật sư Michael Cohen
ghi âm câu chuyện với ông là bất hợp pháp
Washington DC – Trong một tin nhắn gởi đi sáng nay 21/07, Tổng Thống Trump phủ nhận mọi hành vi sai trái, sau khi giới truyền thông báo chí loan tin luật sư thân thiết cũng ông là Michael Cohen ghi âm lại cuộc thảo luận của họ, về việc mua sự im lặng của một phụ nữ từng tuyên bố có quan hệ tình dục một đêm với ông Trump.
Trong tin nhắn, tổng thống nói rằng việc luật sư ghi âm cuộc trò chuyện với thân chủ có thể là điều bất hợp pháp. Tổng thống nói luật pháp liên bang không cho phép luật sư ghi lại câu chuyện của thân chủ, vì điều đó hoàn toàn bất hợp pháp.
Tổng thống cũng cho rằng đời ông chưa bao giờ nghe chuyện một cơ quan của chính phủ đột kích vào văn phòng của một luật sư, để tìm kiếm bằng chứng chống lại ông. Ông muốn ám chỉ việc nhân viên FBI bất ngờ đột kích vào văn phòng và tư gia của ông Cohen trong một ngày tháng 4.
Tuy nhiên, tin vui cho người Mỹ là “người tổng thống mà họ yêu thích” không hề làm điều gì sai trái.
Theo một luật sư trong nhóm pháp lý của ông Trump, ông Cohen âm thầm ghi âm một cuộc trò chuyện khoảng 2 tháng trước cuộc bầu cử, để mua lại câu chuyện của diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels. Luật sư trưởng của nhóm pháp lý Rudy Giuliani cho biết quỹ tài trợ của ban tranh cử của ông Trump không có liên quan tới cuộc dàn xếp giữa ông Cohen với cô Stormy. (Mai Đức)
Đảng Cộng hòa toàn quốc ngại lên tiếng
về vụ lùm xùm của Trump với Nga
AUSTIN, Texas (AP) – Không có dấu hiệu cho thấy sự bàng hoàng hay phẫn nộ trong những hành lang khách sạn và phòng hội nghị nơi các quan chức Đảng Cộng hòa tụ họp để bàn về công việc của đảng, ngay cả khi các chính trị gia thuộc cả hai đảng và các chuyên gia chính sách đối ngoại lo ngại về mối quan hệ thân tình giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Những thành viên nam và nữ từ tất cả 50 bang điều hành Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc (RNC) cố hết sức để tránh nói về phản ứng sau hội nghị thượng đỉnh Helsinki trong cuộc họp mùa hè của họ, kết thúc vào cuối ngày thứ Sáu. Khi bị hỏi dồn trong các cuộc phỏng vấn, họ bênh vực hành vi của ông Trump hoặc tuyên bố không biết gì, nêu ra điều mà một số người nói là một vấn đề chính sách phức tạp.
“Anh biết tôi biết gì về chính sách đối ngoại không? Mỗi tháng một lần tôi ăn tại nhà hàng bánh kếp International House of Pancakes (IHOP). Kinh nghiệm chính sách đối ngoại của tôi có vậy thôi,” Ron Kaufman, một ủy viên lâu năm của RNC từ bang Massachusetts và từng là giám đốc chính trị của Tổng thống George H.W., nói.
“Người ta muốn thay đổi. Ông ấy đang thay đổi,” ông Kaufman nói về ông Trump. “Các chuyên gia chính sách đối ngoại có thể không thích chuyện đó. Tôi không đủ tư cách để nói thay đổi đó là đúng hay sai.”
Hè năm trước thì lại khác khi RNC chính thức lên án những kẻ mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và KKK sau khi ông Trump đưa ra phản ứng lấp lửng về các cuộc biểu tình bạo lực của những kẻ thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia. Trong phản ứng ban đầu về vụ việc, ông Trump nói “có một số người rất tốt ở cả hai phía.”
Sau hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Hai với ông Putin, ông Trump nói ông “tin tưởng cả hai bên” khi được hỏi liệu ông tin tưởng tổng thống Nga hay là các cơ quan tình báo của Mỹ. Ông Trump sau đó đã tìm cách rút lại phát biểu của mình. Đến cuối tuần, Trump đã đưa ra lời mời ông Putin đến Nhà Trắng cho cuộc gặp mặt tiếp theo của họ.
Chuyện đó khiến ít nhất một cựu thành viên có tiếng của RNC bất bình.
Vào ngày trước khi cuộc họp diễn ra, Jennifer Horn, người một thời là chủ tịch Đảng Cộng hòa bang New Hamshire và từng phục vụ trong ban chấp hành RNC, đã kêu gọi RNC ủng hộ một nghị quyết chính thức, như họ đã làm sau vụ Charlottesville, để làm rõ lập trường của đảng về ông Putin và nỗ lực đang tiếp diễn của Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Mỹ.
Trong một bức thư ngỏ gửi RNC, bà Horn nói ông Trump đã liên tục chà đạp các giá trị của Đảng Cộng hòa “theo cách khó tưởng tượng nổi” ở Helsinki. “Thật không may, bênh vực vừa tổng thống vừa tư tưởng Cộng hòa cùng lúc giờ đã trở thành điều bất khả,” bà nói, và nói thêm: “Tôi sợ là nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta không tìm thấy được sự can đảm ngày hôm nay, thì chúng ta sẽ đánh mất đảng của chúng ta mãi mãi.”
Lời kêu gọi của bà Horn bị phớt lờ.
Ngay cả tân chủ tịch Đảng Cộng hòa của New Hampshire, Wayne McDonald, cũng phê phán bà Horn vì chỉ trích ông Trump về vụ Nga.
“Tổng thống đang làm những điều tuyệt vời cho Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc,” ông MacDonald nói. “Lên tiếng chỉ trích ông ấy như đề nghị của bà ta là hoàn toàn không thỏa đáng và hoàn toàn sai trái, và tôi không đồng tình một chút nào.”
Bill Palatucci, ủy viên bang New Jersey, đồng tác giả của nghị quyết Charlottesville, nói phần lớn các đồng nghiệp của ông cảm thấy tình hình hiện giờ đã khác.
“Mọi người vẫn rất ủng hộ tổng thống và tin lời ông ấy nói. Ông ấy nói ông ấy lỡ lời khi đứng cạnh Tổng thống Putin,” ông Palatucci nói. “Tôi sẽ coi như ông ấy nói thật.”
Các quan chức Đảng Cộng hòa khắp cả nước cho biết họ sẵn lòng chấp nhận lời nói của ông Trump là thật, tin rằng ông cương quyết với ông Putin ở nơi riêng tư hơn là khi ông phát biểu trước công chúng.
Ủy viên bang Arizona Bruce Ash đưa ra luận điệu giống như của ông Trump hạ giảm tính nghiêm trọng của sự can thiệp của Nga trong các cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ, nói rằng Mỹ không phải lúc nào cũng hành xử đúng đắn.
“Nhìn xem, chúng ta cũng làm chuyện đó trong các cuộc bầu cử của những nước khác,” ông Ash nói, lập luận rằng Tổng thống Barack Obama đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2015 của Israel. “Đâu có gì là mới.”
Các quan chức Đảng Cộng hòa khác chật vật giải thích sự khác biệt về phản ứng quyết liệt của họ về vụ Charlottesville và sự im lặng của họ về ông Putin, nhưng ông ai muốn lên án tổng thống Đảng Cộng hòa.
“Tôi chống đối chuyện người Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta cũng như tôi chống đối những kẻ kì thị chủng tộc tìm cách chia rẽ đất nước chúng ta. Cả hai chuyện đó đều vô đạo đức. Cả hai đều sai trái,” ủy viên bang Mississippi, Henry Barbour, nói. “Tôi không đi sâu vào chuyện chúng tôi nên hay không nên đưa ra một nghị quyết.”
Chủ tịch RNC Ronna Romney McDaniel, người được chính ông Trump tiến cử, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng các cuộc tranh luận về Charlottesville và Nga chẳng tương đồng là bao.
Khi được hỏi tổng thống đã biểu hiện thế nào ở Helsinki, bà nói: “Quan trọng là không nên vạch lá tìm sâu.” Bà nhấn mạnh các chế tài kinh tế được chính quyền Trump ban hành đã gây tổn hại cả nền kinh tế Nga lẫn tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Putin.
“Tôi không nghĩ ông ấy đang làm thân,” bà McDaniel nói về mối quan hệ của ông Trump với ông Putin. Bà nói thêm: “Tôi nghĩ về tổng thể, tổng thống, cụ thể là chính sách của ông ấy, đến giờ vẫn hết sức cứng rắn với Nga.”
Tuy nhiên RNC không cảm thấy cần phải thông qua một nghị quyết chính thức về Nga. Các ủy viên thay vào đó chấp thuận những nội dung đề cập đến cái gọi là những thành phố dung thân (cho người nhập cư bất hợp pháp ẩn náu), Tòa án Tối Cao, giáo dục giới tính và sự bức hại tôn giáo ở Myanmar.
Sóng gió bủa vây Trump kể từ cuộc gặp với Putin
Tổng thống Mỹ Donald Trump bênh vực cho nỗ lực xây dựng quan hệ của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm thứ Sáu ngày 20/7 sau khi ông mời nguyên thủ Nga đến Mỹ để họp thượng đỉnh lần thứ hai trong bối cảnh mọi lời chỉ trích đang đổ vào cuộc gặp đầu tiên ở Helsinki, Phần Lan.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã tìm cách kiểm soát thiệt hại từ cuộc gặp thượng đỉnh hôm 16/7 khi mà ông Trump đã làm thế giới sững sờ và khiến ông bị chỉ trích gay gắt ở trong nước khi ông chọn đứng về phía ông Putin, chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016.
Trong lúc Nhà Trắng đang tìm cách tạo khoảng cách giữa hai nhà lãnh đạo, ông Trump lại có một động thái đối nghịch vào hôm 19/7 khi ông đưa ra lời mời ông Putin đến Washington vào mùa thu này.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Trump nói ông và ông Putin, người mà các cơ quan tình báo Mỹ nói là đã ra lệnh can thiệp vào bầu cử Mỹ để dồn phiếu cho ông Donald Trump, đã có mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc gặp ở Helsinki.
“Hãy nhìn xem, thực tế là chúng tôi rất hợp nhau,” ông nói trên kênh CNBC và cho biết không phải vấn đề nào hai ông cũng đồng ý với nhau.
“Tôi đã có một cuộc gặp kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Trong cuộc gặp đó không phải mọi vấn đề đều hòa hợp,” ông nói nhưng không cho biết chi tiết. “Chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều điều tuyệt vời cho cả hai nước, thành thật mà nói.”
Năm ngày sau cuộc gặp ở Helsinki, các quan chức và các nhà lập pháp Mỹ vẫn hoàn toàn mù mờ về những nội dung mà hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo trong cuộc họp riêng kéo dài hai tiếng đồng hồ mà không có ai khác ngoài thông dịch viên.
Ông Trump sau đó đã lên Twitter để liệt kê những chủ đề mà ông và ông Putin đã thảo luận nhưng ông không nói rõ là bàn bạc như thế nào. Ngoại trưởng Mỹ phát biểu trên Đài ABC của Úc hôm 19/7 đã cho biết hai ông ‘đã có những đột phá về một loạt những vấn đề’ nhưng cũng không nói rõ.
Những thông tin trái ngược từ Nhà Trắng trong tuần này đã càng làm tăng sự bán tin bán nghi về chuyến công du của ông Trump mà trong chuyến đi đó ông xích lại gần hơn với nước Nga sau khi xa lánh các đồng minh NATO.
Sau khi trở về từ Helsinki, ông Trump nói ông đã ‘lỡ lời’ vì dùng sai một chữ tại cuộc họp báo chung với ông Putin khi ông được phóng viện hỏi có phải Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016 hay không. Phát ngôn được ông Trump nói là ‘lỡ lời’ đó được phát ra khi ông dùng những từ ngữ nặng nề khác để chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ và cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ.
Tiếp đó, Nhà Trắng đã chữa cháy cho câu trả lời ‘Không’ của ông Trump khi ông được hỏi có phải Nga đang tiếp tục nhắm vào các cuộc bầu cử Mỹ sắp tới hay không. Nhà Trắng nói rằng ông Trump nói ‘Không’ là không muốn trả lời câu hỏi của phóng viên nữa, nhưng thực tế sau đó ông vẫn tiếp tục trả lời các câu hỏi khác của báo giới.
Vào thứ Năm ngày 19/7, sau khi bị Quốc hội phản đối kịch liệt, phát ngôn nhân Nhà Trắng Sarah Sanders đã phát đi thông cáo nói rằng ông Trump ‘không đồng ý’ với đề xuất của ông Putin để cho người Nga thẩm vấn các công dân Mỹ bị phía Nga cáo buộc là có các hành động phạm pháp, trong đó có cựu đại sứ Mỹ ở Nga Michael McFaul mặc dù trước đó ông Trump đã ca ngợi đó là ‘đề xuất tuyệt vời’ và Nhà Trắng cũng từng tuyên bố là ‘đang nghiên cứu’ đề xuất này.
Trong lúc giới chức Mỹ đang dò dẫm xem hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã nói gì với nhau trong cuộc họp kín, Moscow hé lộ thông tin một cách ‘nhỏ giọt.’
Hãng tin RIA của Nga đưa tin Bộ Quốc phòng nước này cho biết họ đã đưa ra đề xuất với Washington về việc tổ chức cho hơn 1,7 triệu người tị nạn Syria về nhà sau thỏa thuận đạt được giữa Trump và Putin.
Cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao đều không phản hồi trước yêu cầu bình luận về đề xuất này.
Tổng thống Putin cũng đưa ra đề xuất cụ thể với ông Trump về cách giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, hãng tin Interfax dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết. Nhưng ông không nói rõ là sẽ giải quyết như thế nào.
Ông đại sứ nói nước Nga đã sẵn sàng thảo luận một cuộc gặp mới được đề xuất giữa ông Trump và ông Putin, cũng theo Interfax.
Bản thân những cố vấn của ông Trump, như Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats hôm 19/7 đã nói rằng ông cũng không biết ông Trump đã nói gì trong cuộc gặp riêng với ông Putin.
Những người lên án ông Trump về cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin bao gồm cả những thành viên của Đảng Cộng hòa. Một số người từng ủng hộ ông nhiệt thành cũng lên tiếng chỉ trích ông.
Một dân biểu Cộng hòa và là cựu quan chức CIA, ông William Hurd, đã viết một bài phân tích trên tờ New York Times với tựa đề: “Trump đang bị Putin dắt mũi. Chúng ta phải làm gì đây?”
Ông Mark Warner, thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, phát biểu trên kênh MSNBC rằng: “Trump đã bị xỏ mũi. Ông ta bị xỏ mũi như một tên ngốc và ông ta đã làm xấu hổ đất nước chúng ta và thật lòng đã làm xấu hổ rất nhiều đồng nghiệp của tôi thuộc cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa.”
Lập pháp Mỹ loại điều khoản chế tài công ty TQ
khỏi dự luật quốc phòng
Các nhà lập pháp Mỹ đã loại các biện pháp khỏi một dự luật quốc phòng mà lẽ ra sẽ khôi phục các chế tài nhắm vào công ty viễn thông ZTE (Trung Hưng) của Trung Quốc, từ bỏ nỗ lực trừng phạt công ty này vì vận chuyển trái phép các sản phẩm của Mỹ sang Iran và Triều Tiên.
Các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã bất đồng với Tổng thống Donald Trump về quyết định của ông hồi tuần trước dỡ bỏ lệnh cấm trước đó đối với các công ty Mỹ bán hàng cho ZTE, cho phép công ty viễn thông lớn thứ hai này của Trung Quốc tiếp tục kinh doanh.
Một sửa đổi được hai thượng nghị sĩ Cộng hòa và hai thượng nghị sĩ Dân chủ ủng hộ lẽ ra sẽ khôi phục các chế tài nhưng đã bị loại khỏi một dự luật chính sách quốc phòng cần phải được thông qua, các nhà lập pháp cho biết hôm thứ Sáu.
Sự thay đổi này được đưa ra trong lúc các nhà lập pháp tìm cách dung hòa các khác biệt giữa hai phiên bản của Đạo luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng. Đạo luật này cấp kinh phí cho những chi tiêu quân sự của Mỹ nhưng thường được sử dụng như một phương tiện cho một loạt các vấn đề chính sách.
Biện pháp nhắm vào ZTE được đồng bảo trợ bởi hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Tom Cotton và hai thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen và Chuck Schumer, nhân vật cao cấp nhất của phe Dân chủ trong Thượng viện.
Ông Schumer nói trong một thông cáo rằng ông phản đối việc loại bỏ điều khoản này.
“Bằng việc loại bỏ điều khoản chế tài ZTE của Thượng viện khỏi dự luật quốc phòng, Tổng thống Trump – và phe Cộng hòa Quốc hội hành động theo chỉ thị của ông – một lần nữa nhường phần thắng lớn cho Chủ tịch Tập và chính phủ Trung Quốc.”
Ông Rubio gọi sự thay đổi này là “tin xấu” trong một dòng tweet, than phiền rằng nó làm gia tăng cơ hội để ZTE tiếp tục hoạt động.
Ông Van Hollen thì chỉ trích các nhà lãnh đạo Cộng hòa vì từ chối hậu thuẫn các biện pháp này.
ZTE đã đưa ra những tuyên bố sai lạc về việc kỉ luật 35 nhân viên liên quan đến việc vận chuyển trái phép hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ sang Iran và Triều Tiên, các quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho biết. Việc này đã dẫn tới lệnh cấm của bộ vào tháng 4 buộc các công ty của Mỹ ngừng bán các linh kiện của Mỹ cho ZTE để sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị nối mạng của họ. Không có những hàng hóa này, ZTE phần lớn đã ngừng các hoạt động chính.
Bộ Thương mại đã bỏ lệnh cấm trên ZTE vào giữa tháng 7, ngay sau khi công ty này nộp 400 triệu đôla vào tài khoản ngân hàng của Mỹ như một phần trong thỏa thuận dàn xếp đạt được vào tháng trước. Thỏa thuận dàn xếp cũng bao gồm khoản tiền phạt 1 tỉ đôla mà ZTE đã trả vào tháng 6.
G20: Mỹ bất thành trong việc lôi kéo Nhật và châu Âu
chống Trung Quốc
Cuộc họp các bộ trưởng Tài Chính G20 khai mạc ngày 21/07/2018 tại Buenos Aire, thủ đô Achentina. Bộ trưởng Ngân Sách Hoa Kỳ trong một cử chỉ có vẻ “hòa dịu” đã tìm cách lôi kéo Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc đọ sức với Trung Quốc nhưng bất thành trước sự phản kháng cứng rắn từ phía Pháp.
Tại phiên họp, bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Steven Mnuchin cùng lúc phát đi hai tín hiệu. Một mặt, ông kêu gọi Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu có những nhượng bộ để tái lập cân bằng thương mại.
Mặt khác, bộ trưởng Tài Chính Mỹ mời gọi Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu tham gia vào mặt trận chung chống lại Trung Quốc nếu châu Âu không muốn bị « đè bẹp » trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng ký kết một thỏa thuận tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng không quên nhấn mạnh rằng thỏa thuận này đòi hỏi « không những phải hủy bỏ quyền áp thuế mà cả hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp ».
Tuy nhiên, theo Reuters, lời kêu gọi này của Hoa Kỳ đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ đồng nhiệm Pháp. Bộ trưởng Kinh tế Tài Chính Bruno Le Maire khẳng định không muốn đàm phán với Mỹ trong thế « bị dí súng vào đầu ». Ông Le Maire yêu cầu Hoa Kỳ hủy bỏ quyết định áp thuế nhắm vào nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu, Canada và Mêhicô trước khi bước vào đàm phán.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại không ngừng gia tăng những tuần gần đây, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cảnh báo chiến tranh thương mại đang diễn ra có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới. Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, đưa ra con số dự báo tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu có thể bị giảm 0,5%.
Mưa to, dông bão đe dọa ngập lụt nghiêm trọng
dọc theo bờ biển Miền Đông Hoa Kỳ
Cơ quan thời tiết quốc gia cho biết nhiều trận dông bão đang hình thành và đe dọa miền đông Hoa Kỳ, với những đợt mưa to gió lớn kéo dài trong nhiều ngày, mang lại thời tiết rất khắc nghiệt tại đây.
Vào sáng sớm nay 21/07, một cụm dông bão vần vũ trên bầu trời Arkansas và di chuyển về phía Mississippi. Trong khi đó, một cụm dông bão khác vần vũ trên bầu trời Tennessee và di chuyển về phía Georgia. Phần lớn các thành phố thuộc những tiểu bang miền nam đều bị dông bão tấn công từ sáng sớm nay, không chỉ mưa to gió lớn mà còn bị mưa đá, khiến tài sản của người dân địa phương bị đe dọa. Dọc theo bờ biển, một luồng áp suất không khí đã được hình thành và đang phát triển, gây ra nhiều đợt sấm sét long trời lở đất dọc theo bờ biển miền Đông, sau đó tiến dần về khu vực Trung Đại Tây Dương và Đông Bắc Hoa Kỳ.
Cảnh báo về lũ lụt được được phát hành tới nhiều khu vực thuộc thành phố Philadelphia, cũng như nhiều thành phố của tiểu bang New Jersey. Các thành phố ở miền Đông Nam Hoa Kỳ, gồm Atlanta Georgia, Birmingham Alabama và Charlotte North Carolina cũng được thông báo về thời tiết khắc nghiệt trong những ngày cuối tuần này.
Ngày mai, thành phố Jacksonville Florida và Charleston South Carolina chuẩn bị đón bão. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/mua-to-dong-bao-de-doa-ngap-lut-nghiem-trong-doc-theo-bo-bien-mien-dong-hoa-ky/
Tay súng bị bắt trong vụ bắn chết con tin
ở Los Angeles
Cảnh sát Los Angeles bắt giữ một người đàn ông bắt con tin và cố thủ trong một siêu thị hôm 21/7, chấm dứt vụ giằng co kéo dài ba tiếng, trong đó một người phụ nữ bị bắn chết.
Người đàn ông 28 tuổi, theo Reuters, bị cảnh sát truy đuổi, sau khi anh ta bị nghi bắn bà và một người phụ nữ khác tại một nơi khác của thành phố.
Anh ta đâm xe bên ngoài cửa hàng Trader Joe’s, và tại đó đọ súng với cảnh sát rồi chạy vào siêu thị đông người.
Anh ta bị bắn vào tay và cảnh sát dùng điện thoại để thuyết phục nghi can đầu hàng, quan chức địa phương nói tại một cuộc họp báo.
Cảnh sát không cho biết tên của người đàn ông 28 tuổi. Anh ta sau đó ra khỏi cửa hàng và bị cảnh sát bao vây.
Sau khi anh ta bị bắt, khoảng 20 người từ bên trong siêu thị đi ra, theo Reuters.
Trên Twitter, cảnh sát thành phố viết rằng nghi can “bắn chết một nữ nạn nhân” mà kênh ABC News nói là quản lý cửa hàng.
Một nhân viên cửa hàng cho biết khoảng 15 đồng nghiệp và khách hàng đã bỏ chạy ra ngoài bằng cửa sau khi nghe thấy tiếng súng nổ.
Trước khi nghi can bị bắt giữ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trên Twitter rằng ông theo dõi chặt chẽ vụ việc.
Cựu luật sư của tổng thống Trump
trong tầm ngắm của tư pháp Mỹ
Hôm thứ Sáu, 20/07/2018, công luận Mỹ được biết là ông Michael Cohen, nguyên là luật sư của tổng thống Donald Trump đã ghi âm các trao đổi với ông Trump mà không hề cho thân chủ biết.
Cuộc nói chuyện này diễn ra trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, liên quan đến khả năng chi tiền mua sự im lặng của một nữ diễn viên phim khiêu dâm mà ông Trump đã có quan hệ trong quá khứ. Bản thân vụ việc này đã được tiết lộ và không có gì mới. Nhưng giờ đây, tư pháp có thể có được những cuộn băng ghi âm bất lợi cho ông Trump.
Từ New York, thông tín viên Grégoire Poutier cho biết thêm thông tin :
« Trước đây, đã có lúc Michael Cohen tuyên bố sẵn sàng hứng đạn để bảo vệ Donald Trump.
Là luật sư của nhà tỷ phú, trong một thời gian dài, ông Cohen là nhân vật chủ chốt, có tính khí bốc đồng, trong bộ sậu thân cận của Donald Trump. Giờ đây, ông là đối tượng trong cuộc điều tra sâu rộng của FBI.
Từ đầu tháng này, ông Cohen đã báo trước : từ nay, ưu tiên của ông là bảo vệ gia đình và đất nước, chứ không phải là tổng thống Trump.
Trong trường hợp bị buộc tội và bởi vì như người ta nói là ông bàng hoàng về những hành động của tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, phải chăng vị cựu luật sư sẽ sẵn sàng hợp tác với tư pháp ?
Trong vụ khám xét ngoạn mục tư dinh của ông Cohen hồi tháng Tư vừa qua, các nhà điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu, trong đó có những cuộn băng ghi âm các cuộc trao đổi với ông Trump. Thông tin này được khẳng định hôm thứ Sáu. Tổng thống Mỹ, hôm qua, trên mạng xã hội Twitter, đã tỏ ra hoảng hốt. Trước tiên, liên quan đến hành động của tư pháp, ông viết : Việc các nhân viên của chính phủ thâm nhập vào văn phòng một luật sư là điều không thể chấp nhận được và gần như chưa từng thấy.
Sau đó, tổng thống Mỹ nhắm vào vị cựu luật sư trung thành của ông : Việc một luật sư ghi âm các trao đổi với thân chủ lại càng thể chấp nhấn được – điều hoàn toàn chưa từng thấy và đương nhiên là bất hợp pháp.
Thế nhưng, khi tấn công Cohen, ông Trump đã mạo hiểm chĩa mũi dùi vào một trong những người hiểu rõ hơn ai hết các hoạt động của ông và nhất là vị luật sư này chắc chắn nắm trong tay nhiều điều bí mật, có thể bất lợi cho ông Trump còn hơn cả các vụ ngoại tình ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180722-cuu-luat-su-cua-tong-thong-trump-trong-tam-ngam-cua-tu-phap-my
FBI công bố tài liệu theo dõi cựu cố vấn của Trump
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hôm qua 21/07/2018 công bố nhiều tài liệu liên quan tới việc theo dõi ông Carter Page, cựu cố vấn chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 của ông Donald Trump. Việc giám sát ông Page được tiến hành trong khuôn khổ cuộc điều tra để xem liệu ông Page có thông đồng với Nga nhằm tác động tới kết quả kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016 hay không.
Tập tài liệu 412 trang cho thấy, FBI đã đệ lên Tòa Án Giám Sát Tình Báo Nước Ngoài nhiều đơn xin theo dõi ông Page. Ngay từ hồi tháng 10/2016, FBI cho rằng Carter Page đã « hợp tác và đồng mưu với chính quyền Nga » và cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của Donald Trump « đã thiết lập quan hệ với nhiều quan chức Nga, trong đó có cả các nhân viên tình báo Nga ».
Theo bà Nancy Pelosi, người đứng đầu phe Dân Chủ ở Hạ Viện Mỹ, « các tài liệu này cung cấp bằng chứng rõ ràng là có sự phối hợp của Nga và Carter Page (…) nhằm gây ảnh hưởng bất hợp pháp tới kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 ».
Tuy nhiên, theo các dân biểu đảng Cộng Hòa, việc xin theo dõiông Carter Page là bất hợp pháp vì yêu cầu của FBI chủ yếu dựa trên các tài liệu do Christopher Steele – cựu nhân viên tình báo Anh – cung cấp, trong khi đó FBI lại không cho Tòa Án biết rằng Christopher Steele được sử dụng bởi một công ty do phe Dân Chủ ủy quyền, để tìm kiếm thông tin về chuyện làm ăn của ông Trump.
Hồi tháng 03/2018, Micheal Horowitz, tổng thanh tra của bộ Tư Pháp Mỹ hứa sẽ cho xác minh liệu việc xin giám sát ông Page có được tiến hành đúng trình tự pháp lý hay không.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180722-fbi-cong-bo-tai-lieu-theo-doi-cuu-co-van-cua-trump
Nicaragua : Hai phe chống và ủng hộ
tổng thống Ortega tiếp tục biểu tình
Hôm qua, 21/07/2018, hàng ngàn người Nicaragua, ở cả hai phe, chống và ủng hộ tổng thống Daniel Ortega, lại xuống đường ở thủ đô Managua. Phe đối lập tuần hành để bày tỏ tình đoàn kết với thành phố Masaya, nơi mà lực lượng thân chính phủ đã dùng vũ lực để nắm lại quyền kiểm soát.
Sau một tuần lễ xẩy ra nhiều vụ bạo lực, các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức, đã không vấp phải sự trấn áp của cảnh sát và lực lượng bán vũ trang.
Thông tín viên trong khu vực, Patrick John Buffe, gửi về bài tường trình:
Lại một lần nữa, các đại lộ chính ở thủ đô Managua phấp phới mầu quốc kỳ xanh trắng, của những người biểu tình thuộc phe chống tổng thống Daniel Ortega. Có hàng ngàn người tham gia hai cuộc tuần hành, cùng đổ về phía nam thủ đô. Lại một lần nữa, những người biểu tình đòi tổng thống Ortega phải ra đi và đồng thanh hô vang: đó không phải là tổng thống, đó là kẻ phạm tội.
Cùng lúc, theo lời kêu gọi của chính phủ, hàng ngàn nhân viên Nhà nước và thành viên Mặt trận Sandino, cũng tuần hành tưởng nhớ các nạn nhân của những kẻ khủng bố muốn lật đổ tổng thống. Theo chính quyền, những kẻ khủng bố này là thành viên phe đối lập và cả những chức sắc của Nhà Thờ mà tổng thống Ortega cáo buộc là tham gia âm mưu chống lại ông.
Bất chấp những tố cáo này, các giám mục thuộc Hội Đồng Giám Mục sẽ họp vào ngày thứ Hai tới để quyết định xem có tiếp tục hay không đứng ra làm trung gian thúc đẩy đối thoại giữa phe đối lập và chính phủ. Dường như ông Ortega không còn muốn tham gia vào đối thoại này nữa, kể từ khi ông cho dùng vũ lực giành lại quyền kiểm soát những cứ địa cuối cùng của phe đối lập.
Quốc Hội Cuba bàn thảo
thừa nhận kinh tế thị trường
Phiên họp Quốc Hội Cuba đầu tiên thời hậu Raul Castro đã khai mạc ngày 21/07/2018 để thảo luận dự luật cải cách Hiến Pháp. Khẳng định « vai trò chỉ đạo » của đảng cộng sản, nhưng không giao trọng trách xây dựng « một xã hội cộng sản » và thừa nhận quyền sở hữu tư nhân là những nội dung chính của dự luật.
Theo phát biểu của ông Esteban Lazo, chủ tịch Quốc Hội được Reuters trích dẫn « điều đó không đồng nghĩa với việc Cuba từ bỏ các tư tưởng của mình ».
Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp lần này nhắm đến việc thừa nhận « vai trò của thị trường và các hình thức sở hữu mới, trong đó có quyền sở hữu tư nhân », công nhận hơn nữa vai trò hợp pháp của các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, vốn dĩ đã được phép hoạt động trong khuôn khổ chương trình cải cách doanh nghiệp do cựu chủ tịch Raul Castro ban hành năm 2008.
Một khi được thông qua, văn bản này sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý, và đề nghị mở rộng tính chất lãnh đạo tập thể qua việc lập chức « thủ tướng ».
Một điểm mới khác là dự thảo cải cách còn đề xuất đưa chủ tịch Quốc Hội lên nắm quyền lãnh đạo Hội Đồng Nhà Nước, cơ quan quyền lực tối cao đến lúc này vẫn do chủ tịch nước điều hành. Người đứng đầu cơ quan này sẽ có nhiệm kỳ là 5 năm, có thể triển hạn một lần, và không vượt quá 60 tuổi vào thời điểm nhậm chức.
Biểu tượng của việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo là ông Miguel Diaz-Canel, người kế nhiệm Raul Castro hồi tháng 04/2018, 57 tuổi là vị chủ tịch Cuba đầu tiên sinh sau cuộc cách mạng 1959.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180722-quoc-hoi-cuba-ban-thao-thua-nhan-kinh-te-thi-truong
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng thuận
về việc hủy bỏ vũ khí nguyên tử Bắc Hàn
Liên Hiệp Quốc – Vào hôm Thứ Sáu 20 tháng 7, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, các quốc gia của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đều đồng ý về sự cần thiết phải hủy bỏ một cách triệt để, có thể xác minh chương trình vũ khí của Bắc Hàn.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đồng thuận rằng, việc thực thi nghiêm chỉnh các biện pháp trừng phạt kinh tế, chính là chìa khóa để loại bỏ vũ khí nguyên tử khỏi Bắc Hàn.
Trong tháng này, Ngoại trưởng Pompeo đã có chuyến công du đến Bắc Hàn, với hy vọng có thể đưa ra được một lộ trình cụ thể cho việc phi nguyên tử hóa. Tuy nhiên, chuyến đi không mấy thành công và không đạt được nhiều sự tiến bộ trong đàm phán. Thậm chí, ngay khi ông Pompeo về nước, phía Bình Nhưỡng còn tức giận cáo buộc phái đoàn Hoa Kỳ rằng nước này đưa ra những yêu cầu quá đáng, theo kiểu “xã hội đen”.
Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng 6, chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã cam kết sẽ hủy bỏ vũ khí nguyên tử, tuy nhiên lại không đưa ra chi tiết về cách thức và thời điểm phi nguyên tử hóa có thể diễn ra. Điều này đã tạo ra những nghi ngờ về quyết tâm từ bỏ nguyên tử của Bình Nhưỡng, cũng như về sự cần thiết và thành công của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim. (Mộc Miên)
TQ, Nga Cản Mỹ Để Cứu Bắc Hàn
BEIJING/MOSCOW — Trung Quốc và Nga chung tay ngăn chận Hoa Kỳ để cứu đàn em Bắc Hàn…
Bản tin KBS ghi rằng Nga và Trung Quốc ngăn chặn việc Mỹ yêu cầu dừng cung cấp sản phẩm lọc dầu cho Bắc Hàn.
Trong tuần trước, Chính phủ Mỹ đã trình một văn bản lên Ủy ban cấm vận Bắc Hàn thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, chỉ ra rằng trong năm tháng đầu năm nay, Bắc Hàn đã sử dụng hơn 20 tàu để tiến hành 89 vụ nhập lậu sản phẩm lọc dầu.
Nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an quy định mức trần cung cấp các mặt hàng sản phẩm lọc dầu, tiêu biểu là xăng dầu, cho Bắc Hàn một năm là 500.000 thùng. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng do Bình Nhưỡng đã nhập lậu xăng dầu trái phép, vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an, nên cần dừng việc cung cấp thêm xăng dầu cho nước này.
Tuy nhiên, Phái đoàn thường trực của Nga tại Liên hợp quốc cho rằng cần thêm thông tin để xác định lượng xăng dầu bị cung cấp trái phép cho miền Bắc. Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc cũng đề nghị Mỹ đưa thêm bằng chứng để các nước thành viên có thể xem xét và đánh giá về vụ việc này.
Phản ứng này của Nga và Trung Quốc khiến dư luận hết sức chú ý, bởi từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 tại Singapore, hai quốc gia trên đã lên tiếng yêu cầu nới lỏng cấm vận với Bình Nhưỡng.
Trong tháng trước, Trung Quốc và Nga đã định xúc tiến đưa ra một thông cáo báo chí của Hội đồng bảo an, nêu ra rằng cần phải giảm nhẹ cấm vận với Bắc Hàn, nhưng kế hoạch này đã không thành do sự phản đối của Mỹ.
Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng Mỹ hôm thứ Sáu kêu gọi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un thực hiện lời hứa từ bỏ vũ khí hạt nhân và nói thế giới, bao gồm Trung Quốc và Nga, phải tiếp tục thực thi các chế tài cho đến khi ông Kim làm như vậy.
Sau khi báo cáo với các đại sứ tại Hội đồng Bảo an ở New York, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cảnh báo chớ nới lỏng những chế tài đối với Bình Nhưỡng sau khi Nga và Trung Quốc nói Hội đồng nên bàn về một bước đi như vậy.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí đẩy mạnh các chế tài đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 trong một nỗ lực nhằm cắt đứt nguồn ngân quĩ cho các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên đã hội kiến lần đầu tiên tại Singapore vào tháng trước và ông Pompeo đã tiếp nối với các cuộc đàm phán vẫn chưa ngã ngũ với Triều Tiên trong tháng này. Ông nhắc lại hôm thứ Sáu rằng ông đã đạt được tiến bộ.
“Chủ tịch Kim đã hứa là ông ấy sẵn sàng giải trừ hạt nhân. Phạm vi và qui mô đã được nhất trí. Phía Triều Tiên hiểu đó có nghĩa là gì,” ông Pompeo nói với các phóng viên. “Chúng tôi cần phải nhìn thấy Chủ tịch Kim làm những gì mà ông đã hứa với thế giới là ông ấy sẽ làm.”
Ông Pompeo cũng kêu gọi chấm dứt các hành vi vi phạm chế tài và bà Haley nói cách tốt nhất mà đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có thể được hỗ trợ là bằng cách thực thi, chứ không không giảm bớt, các chế tài.
“Chúng tôi không thể làm việc gì cho đến khi chúng tôi thấy Triều Tiên hành động như họ đã hứa là giải trừ hạt nhân. Chúng tôi phải thấy có hành động nào đó,” bà Haley nói với các phóng viên.
Tuần trước Mỹ đã than phiền với ủy ban chế tài Triều Tiên của Hội đồng Bảo an rằng tính tới ngày 30 tháng 5, đã có 89 vụ chuyển các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ tàu này sang tàu kia một cách phi pháp trong năm nay do Bình Nhưỡng thực hiện, vi phạm hạn mức chế tài của Liên Hiệp Quốc.
VOA ghi rằng:
“Mỹ đã yêu cầu ủy ban ra lệnh ngưng cho dầu mỏ tinh chế phép xuất khẩu sang Triều Tiên, nhưng Nga và Trung Quốc đã “ghìm” yêu cầu này vào ngày thứ Năm và yêu cầu cung cấp thêm chi tiết về các cáo buộc của Mỹ.”
Như thế là kẹt rồi… Khi Nga và Trung Quốc cùng đỡ đầu cho cậu Kim.
https://vietbao.com/a283534/tq-nga-can-my-de-cuu-bac-han
Israel sơ tán ‘Mũ bảo hiểm trắng’
Israel sơ tán các thành viên lực lượng phòng vệ Syria khỏi một khu vực đang xảy ra chiến sự ở miền nam nước này.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ hành động theo yêu cầu của Mỹ và các quốc gia châu Âu.
Khoảng 800 người của nhóm ‘Mũ bảo hiểm trắng’ được sơ tán đến Jordan qua Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng trong đêm, truyền thông Israel cho biết.
Syria: Nghi tấn công hóa học làm hàng chục người chết
Mất Aleppo ‘không là kết thúc’
Nhân vật chính của phim đề cử Oscar bị cấm vào Mỹ
Bảo tàng quân sự có trung thực?
‘Mũ bảo hiểm trắng’ mô tả họ là nhóm tình nguyện viên cứu người trong các khu vực chiến sự của Syria.
Họ nói rằng mình là tổ chức không đảng phái.
Họ được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2016.
Nhóm này đang hoạt động trong một khu vực được phe đối lập Syria kiểm soát ở vùng tây nam Syria và bị kẹt ở đó do một cuộc tấn công của quân chính phủ.
IDF cho biết đã “hoàn thành nỗ lực nhân đạo để giải cứu các thành viên của một tổ chức dân sự Syria và người thân của họ” và nói thêm rằng mạng sống của những người này “bị đe dọa tức thời”.
Nga cảnh báo ‘chiến tranh’ với Mỹ ở Syria
Syria: Dân chạy trốn, chiến sự leo thang
Không kích Syria: Mỹ vẫn ‘lên nòng’
Macron ‘thuyết phục Trump không rút quân khỏi Syria’
Họ nói rằng nhóm này được chuyển đi “qua ngả Israel” và “sau đó đến một nước láng giềng”.
IDF không đề cập đến tên ‘Mũ bảo hiểm trắng’, cũng như nước tiếp nhận nhóm này.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Petra của Jordan cho biết nước này “chấp thuận cho Liên Hiệp Quốc tổ chức đưa khoảng 800 công dân Syria qua ngả Jordan để tái định cư ở các nước phương Tây”.
Jordan được ghi nhận đồng ý làm nơi trung chuyển để nhóm nêu trên được tái định cư ở Anh, Canada và Đức.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44914840
Quân đội Syria tiếp tục tiến về phía tỉnh Quneitra
Hôm qua, 21/07/2018, các cơ quan truyền thông của chế độ Damas đưa tin là quân đội chính phủ và đồng minh tiếp tục tiến về hướng cao nguyên Golan, ở phía tây nam Syria, nơi Israel đang chiếm giữ.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình:
Được không quân Nga yểm trợ, quân đội Syria nhanh chóng tiến về phía tỉnh Quneitra, sát cạnh cao nguyên Golan đang do Israel chiếm giữ. Phe nổi dậy khẳng định thông tin này. Họ đã mất tinh thần và tổ chức sau khi quân đội chính phủ nhanh chóng chiếm được tỉnh Daraa lân cận, ở phía tây nam Syria.
Hôm qua, các cơ quan truyền thông thân chế độ Damas thông báo là quân đội Syria đã đánh chiếm được của quân nổi dậy tám địa điểm và một quả đồi chiến lược, chế ngự một phần tỉnh Quneitra và cao nguyên Golan.
Tại một số vùng, quân đội Syria chỉ còn cách khu vực phi quân sự hai cây số. Khu vực phi quân sự này ngăn cách các vùng do Damas kiểm soát và những nơi do quân đội Israel chiếm giữ.
Nếu như các nhóm nổi dậy và quân thánh chiến tiếp tục kháng cự trước đà tiến của quân đội ủng hộ tổng thống Bachar Al Assad, thì một số binh sĩ khác đã chấp nhận ra hàng. Hôm qua, hàng trăm chiến binh và những người trong gia đình họ đã tập hợp tại Mahajja, thuộc Quneitra, nơi có 55 xe buýt đưa họ lên phía bắc hoặc tới các vùng vẫn thoát khỏi sự kiểm soát của quân đội chính phủ. Hàng trăm chiến binh nổi dậy khác đã buông vũ khí và ở lại trong làng của họ sau khi chấp nhận các điều kiện do quân đội Syria đưa ra.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180722-quan-doi-syria-tiep-tuc-tien-ve-phia-tinh-quneitra
Châu Âu đặt vai trò quan trọng
cho chiến đấu cơ F-35
Farnborough, Anh – Theo các viên chức Hoa Kỳ và Châu Âu, chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin đang có số lượng ngày càng tăng ở Châu Âu, và sẵn sàng đóng vai trò rộng lớn hơn trong hệ thống phòng thủ hỏa tiễn, cũng như trong các kế hoạch chiến tranh khác so với chiến đấu cơ thông thường.
Sau nhiều năm thử thách kỹ thuật và chương trình trì hoãn, cuối cùng thì F-35 (loại vũ khí đắt nhất thế giới) đang nhanh chóng đạt được chỗ đứng vững vàng ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Theo Tướng Tod Wolters là chỉ huy cao cấp của Không Lực Hoa Kỳ và NATO ở Châu Âu, nhờ có hệ thống cảm biến hiện đại mà chiến đấu cơ F-35 sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tất cả các lĩnh vực chiến tranh. Ở Châu Âu, Na Uy, Anh và Ý sẽ nhận được 40 chiếc F-35 vào cuối năm nay. Lô hàng dành cho Hòa Lan sẽ đến vào đầu năm sau, và Hoa Kỳ sẽ có những chiếc chiến đấu cơ đầu tiên trong năm tài chính 2021.
Trong tháng 5 vừa qua, Israel trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng chiến đấu cơ tàng hình trong chiến tranh. Tướng Wolters cho biết các quốc gia đã đặt mua F-35 đang làm việc “sốt sắng” để bảo đảm loại chiến đấu cơ này có thể giao tiếp được với các loại phi cơ khác, cũng như với phòng chỉ huy quân sự phụ trách các hoạt động trên đất liền, trên biển và trên bầu trời, nhằm tận dụng hết tất cả khả năng của chúng. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/chau-au-dat-vai-tro-quan-trong-cho-chien-dau-co-f-35/
Anh Quốc bác bỏ dự thảo Brexit nếu
không đạt thỏa thuận thương mại với châu Âu
Luân Đôn chỉ sẽ trả « phí ly dị » với Liên Hiệp Châu Âu với điều kiện phải có được một thỏa thuận thương mại. Tân bộ trưởng chuyên trách Brexit của Anh, ông Dominic Raab ngày 21/07/2018 đã có phát biểu này khi trả lời phỏng vấn tờ Sunday Telegraph.
Ông nói rõ là cả hai bên đều bị ràng buộc bởi điều khoản 50 trong hiệp ước Lisboa, được dùng để khởi động tiến trình rời Liên Hiệp của Anh Quốc.
Ông nói : « Người ta không thể có một bên phải hoàn thành đầy đủ tất cả các điều kiện trong khi mà bên kia không làm gì hết, hoặc chỉ làm nhẹ nhàng hoặc chẳng có cam kết gì cả ». Do đó, theo tân bộ trưởng chuyên trách Brexit, đôi bên cần phải bảo đảm một số điều kiện nào đó.
Thủ tướng Anh Theresa May, hồi tháng 12/2017, đã chấp nhận một thỏa thuận tài chính, theo đó, Luân Đôn chi trả Liên Hiệp Châu Âu một khoản 39-44 tỷ euro. Tuy nhiên, một số bộ trưởng Anh nhấn mạnh là khoản chi này phụ thuộc vào việc thiết lập quan hệ thương mại trong tương lai với châu Âu.
Theo AFP, cho đến lúc này, Luân Đôn đưa ra nhiều thông điệp trái ngược nhau liên quan đến vấn đề tài chính trong khuôn khổ một thỏa thuận về cách thức rời Liên Hiệp Châu Âu của Anh Quốc, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 30/03/2019.
Từ đây đến ngày hạn định, cả hai phía phải đạt được một thỏa thuận « ly dị » vào cuối tháng 10/2018 nhằm tổ chức việc tách rời, đặt cơ sở cho mối quan hệ tương lai và để cho Nghị Viện Châu Âu và các nước thành viên có thêm thời gian phê chuẩn văn bản.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180722-anh-quoc-brexit-thoa-thuan-thuong-mai
Lavrov điện đàm với Pompeo,
đòi Mỹ thả người Nga nghi là điệp viên
Ngoại trưởng Nga nói với người tương nhiệm phía Mỹ hôm thứ Bảy rằng người phụ nữ bị bắt ở Mỹ vì bị cho là một điệp viên của Nga bị câu lưu dựa trên “các cáo buộc ngụy tạo” và cô nên được phóng thích.
Ông Sergei Lavrov đưa ra những phát biểu này về cô Maria Butina trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm cải thiện quan hệ song phương, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một thông cáo sau hội nghị thượng đỉnh mới đây ở Helsinki.
Hôm thứ Tư, một thẩm phán ở Mỹ đã ra lệnh bỏ tù cô Butina cho tới phiên tòa xét xử cô sau khi các công tố viên Mỹ lập luận rằng cô có những mối liên hệ với tình báo Nga và có thể đào tẩu khỏi Mỹ.
Cô Butina bị cáo buộc làm việc với một quan chức có quyền thế của Nga và hai công dân Mỹ không được xác định danh tính, tìm cách thâm nhập một tổ chức vận động cho quyền sở hữu súng tại Mỹ và ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga.
Ông Lavrov nói các hành động của nhà chức trách Mỹ, bắt giữ cô Butina “dựa trên các cáo buộc ngụy tạo,” là không thể chấp nhận được và kêu gọi trả tự do cho cô sớm nhất có thể.
Ông Lavrov và ông Pompeo cũng thảo luận những cách thức để cải thiện quan hệ song phương trên “cơ sở bình đẳng và đôi bên cùng có lợi” sau khi hai nhà lãnh đạo của hai nước, Vladimir Putin và Donald Trump, gặp nhau tại Helsinki hôm thứ Hai.
Họ cũng bàn về những nỗ lực chung khả dĩ nhằm cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria cũng như “những thách thức” của việc giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
‘Nữ điệp viên Nga’ từng gặp quan chức tài chính Mỹ
Cô Maria Butina, người bị Mỹ cáo buộc là điệp viên của Nga, từng tham dự cuộc gặp giữa một quan chức Nga với hai quan chức cấp cao của Bộ tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) năm 2015.
Reuters dẫn lời các nguồn tin nói rằng cuộc họp khi đó có sự tham gia của ông Stanley Fischer, Phó Chủ tịch Fed, và ông Nathan Sheets, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách về quan hệ quốc tế.
Cô Butina tới Mỹ hồi tháng Tư năm 2015 cùng với ông Alexander Torshin, khi đó là Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga.
Theo Reuters, họ tham gia vào các cuộc gặp riêng rẽ với ông Fischer và Sheets để thảo luận về mối quan hệ kinh tế Hoa Kỳ – Nga dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama.
Hãng tin Anh nói rằng các cuộc gặp chưa từng được đưa tin trước đây này cho thấy các mối liên hệ rộng hơn mà cô Butina muốn củng cố với các lãnh đạo chính trị cũng như các tổ chức của Mỹ.
Quan chức đại sứ quán Nga tuần trước tới gặp nhà hoạt động vì quyền sử dụng súng ống từng sinh sống ở Siberia này, hiện bị tống giam ở thủ đô Washington vì cáo buộc do thám nước Mỹ, trong khi có tin rằng cô này “đổi chác tình dục” để tạo quan hệ.
Cô Butina, 29 tuổi, bác bỏ cáo buộc, trong khi chính phủ Nga nói rằng động cơ bắt giữ cô xuất phát từ chính trường nội địa của Mỹ cũng như tâm lý bài Nga nói chung.
Các công tố viên liên bang Mỹ cáo buộc cô Butina là điệp viên nằm vùng của Nga, có liên hệ với cơ quan an ninh Nga và từng sử dụng tình dục để tạo quan hệ ở Hoa Kỳ, theo AP.
Tài liệu tòa án công bố sau phiên luận tội hôm 18/7 cho biết rằng cô Butina đã bí mật thiết lập các kênh liên lạc “hậu trường” cho Kremlin, cũng như xâm nhập vào các tổ chức chính trị Mỹ, trong đó Hiệp hội Súng Quốc gia Mỹ.
IMF cảnh báo G20
thuế quan sẽ gây tổn hại tăng trưởng toàn cầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới hôm thứ Bảy rằng một làn sóng thuế quan thương mại gần đây sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng toàn cầu, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa leo thang thêm nữa trong tranh chấp với Trung Quốc.
Giám đốc Điều hành IMF Christine Lagarde cho biết bà sẽ cung cấp cho các bộ trưởng tài chính khối G20 và các thống đốc ngân hàng trung ương ở Buenos Aires một bản báo cáo chi tiết về các tác động của những hạn chế vốn đã được công bố đối với thương mại toàn cầu.
“Nó chắc chắn cho thấy tác động mà nó có thể có đối với GDP (tổng sản phẩm quốc nội), mà trong trường hợp xấu nhất theo các biện pháp hiện thời … là nằm trong khoảng 0,5 phần trăm GDP trên bình diện toàn cầu,” bà Lagarde phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne.
Trong báo cáo tóm tắt chuẩn bị cho các bộ trưởng khối G20, IMF cho biết tăng trưởng toàn cầu có thể đạt đỉnh ở mức 3,9 phần trăm vào năm 2018 và 2019, trong khi rủi ro đã tăng lên do xung đột thương mại đang lớn dần.
Lời cảnh báo của bà được đưa ra ngay sau khi quan chức kinh tế hàng đầu của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, nói với các phóng viên ở thủ đô Argentina rằng chưa có hiệu ứng “vĩ mô” nào đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Căng thẳng thương mại âm ỉ lâu nay đã bùng ra trong những tháng gần đây, với Mỹ và Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới – áp thuế quan trị giá 34 tỉ đôla lên hàng hóa của nhau tính đến thời điểm này.
Cuộc họp cuối tuần ở Buenos Aires diễn ra giữa lúc cả hai bên đều gia tăng những lời lẽ mạnh bạo. Ông Trump hôm thứ Sáu đe dọa áp thuế quan lên hết thảy 500 tỉ đôla hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Ông Mnuchin nói dù có một số hiệu ứng “vi mô” như thuế trả đũa đánh vào đậu nành, tôm hùm và rượu bourbon do Mỹ sản xuất, song ông không tin rằng thuế quan sẽ ngăn Mỹ đạt được mức tăng trưởng 3 phần trăm liên tục trong năm nay.
“Tôi vẫn nghĩ trên cơ sở vĩ mô, chúng tôi không thấy bất kì tác động nào đối với tăng trưởng rất tích cực,” ông Mnuchin nói, và nói thêm rằng ông đang theo dõi sát giá thép, nhôm, gỗ và đậu nành.
Đồng đôla Mỹ sụt giảm nhiều nhất trong ba tuần qua vào ngày thứ Sáu so với một rổ gồm sáu loại tiền tệ lớn sau khi ông Trump lại phàn nàn về sức mạnh của đồng đôla Mỹ và về việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, kìm lại đà tăng trưởng vốn đã đưa đồng đôla Mỹ lên mức cao nhất trong một năm.
Ông Mnuchin sẽ cố gắng tập hợp các đồng minh G7 trong những ngày cuối tuần để cùng Mỹ có hành động quyết liệt hơn chống lại Trung Quốc, nhưng họ có thể không sẵn lòng hợp tác vì thuế quan của Mỹ áp lên thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu và Canada, khơi ra các biện pháp trả đũa.
Vụ Benalla : Tổng thống Pháp Macron
vẫn im lặng bất chấp sức ép
Kể từ khi vụ tai tiếng liên quan tới Alexandre Benalla – người chuyên trách an ninh cho tổng thống Pháp và là trợ lý chánh văn phòng của ông Macron – nổ ra, tổng thống Emmanuel Macron vẫn chưa lên tiếng.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chính trị gia kêu gọi ông Macron giải thích về vụ việc. Đây có thể coi là vụ khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất mà tổng thống Pháp phải đương đầu từ khi lên nhậm chức vào tháng 05/2017.
Viện Công Tố Paris tối ngày 21/07 cho biết đã bỏ lệnh câu lưu Benalla và 4 người khác có liên quan, nhưng cả năm người này hôm nay đều được đưa ra trình diện thẩm phán điều tra.
Nhà chức trách cũng đã xác định được danh tính hai nạn nhân – một hai thanh niên bị Benalla hành hung và một phụ nữ khác bị Benalla kéo lê một cách tàn bạo ra khỏi cuộc biểu tình trong ngày Quốc Tế Lao Động 01/05. Hai người này đều được cơ quan điều tra đề nghị cung cấp thêm thông tin.
Cho tới giờ, phủ tổng thống Pháp – điện Elysée – vẫn chưa hề có tín hiệu cho thấy tổng thống Macron sẽ lên tiếng về vụ Benalla. AFP dẫn một nguồn tin từ giới hành pháp cho rằng khi tư pháp đã tiến hành điều tra, khi cả Quốc Hội và IGPN – cơ quan Cảnh Sát của Cảnh sát – « vào cuộc », thì tổng thống không nhất thiết phải « lên tiếng ngay lập tức ».
Tuy nhiên, sức ép từ các chính trị gia đang ngày càng tăng. Đa số cho rằng tổng thống Pháp Macron phải giải thích nhanh chóng và rõ ràng về vụ Benalla hành hung người biểu tình thì mới có thể dập tắt vụ tai tiếng.
Một dân biểu đối lập phát biểu là chủ nhân điện Elysée « càng im lặng thì càng có thêm nhiều nghi vấn ». Một dân biểu khác thì đánh giá tổng thống Pháp lần này đã thất bại khi « xử lý khủng hoảng ».
Theo ông Laurent Wauquiez, chủ tịch đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, Alexandre Benalla phải bị tư pháp xử lý, còn tổng thống Pháp phải chịu trách nhiệm trước người dân.
Ông Jean Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất cho rằng vụ Benalla có thể sánh với vụ Watergate tại Mỹ đã từng khiến tổng thống Nixon phải từ chức.
Bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN nguyên là Mặt Trận Quốc Gia), chỉ trích sự gian dối của cả chính phủ và tổng thống Macron, xem vụ Macron-Benalla là « vụ tai tiếng của Nhà nước ».
Bộ trưởng Nội Vụ Pháp sẽ phải ra điều trần về vụ này trước Ủy Ban Luật Pháp của Quốc Hội vào ngày thứ Hai, 23/07 và Thượng Viện ngày thứ Ba 24/07.
http://vi.rfi.fr/phap/20180722-vu-benalla-tong-thong-phap-macron-xh
Úc: Tuần hành
chống chính sách di dân khắc nghiệt
Ngày 21/07/2018, hàng chục ngàn người tuần hành ở nhiều thành phố tại nước Úc yêu cầu chính phủ ngưng chính sách khắc nghiệt đối với di dân nước ngoài. Các cuộc tuần hành diễn ra vào đúng dịp chính sách từ chối tiếp nhận người nhập cư của Canberra tròn 5 năm.
AFP cho biết hàng ngàn người tuần hành ở Sydney đã hô vang khẩu hiệu « Hãy trả tự do cho các di dân ! » và giơ cao biểu ngữ « 5 năm là quá lâu, hãy đưa di dân ra khỏi Manus và Nauru ». Nhiều cuộc tuần hành khác cũng diễn ra tại Melbourne, Adelaide, Brisbane, Canberra et Perth.
Đảo Manus ở Papua-New Guinea và đảo Nauru là những nơi được chính quyền Úc triển khai các trại tị nạn để dồn người nhập cư trái phép tới Úc hoặc những người vượt biển tìm đường sang nước này.
Chính sách khắc nghiệt của Úc đã làm nản lòng nhiều di dân nước ngoài, khiến tỉ lệ người nhập cư được chính quyền Úc tiếp nhận đạt mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Chính quyền Canberra cho rằng chính sách này đã hạn chế số người liều mình vượt biển, vì thế mà cứu được nhiều mạng sống.
Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền chỉ trích nhà chức trách Úc đang quay lưng bỏ rơi những con người khốn khổ. Nhiều người tuần hành cho biết họ đấu tranh để chính phủ đóng cửa các trại tị nạn mà họ gọi nhà trại giam ở Manus và Nauru đồng thời để đưa các di dân đang bị giam giữ trên hai hòn đảo này tới nước Úc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180722-di-dan-uc-chinh-sach-khac-nghiet-qt
‘Chiến tranh thương mại thành hiện thực’
Cuộc chiến thương mại nay thành hiện thực, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo khi các bộ trưởng G20 nhóm họp ở Argentina.
Chính sách thương mại hiện tại của Hoa Kỳ áp dụng thuế quan đơn phương dựa trên “luật rừng”, ông nói.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và kinh tế VN
EU-Nhật ký thỏa thuận thương mại tự do lớn
Trump có đang thua cuộc chiến thương mại với TQ?
TQ vui mừng trước việc Trump đổi ý về ZTE
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: ai được lợi?
Nhưng Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Steven Mnuchin bảo vệ việc áp thuế này và kêu gọi EU và Trung Quốc mở cửa thị trường để cho phép cạnh tranh tự do.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả EU là một kẻ thù trong lĩnh vực thương mại.
Ông Trump sau đó đe dọa sẽ áp thuế quan đối với tất cả hàng hóa trị giá 500 tỷ đôla nhập vào Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.
Mỹ có thâm hụt thương mại lớn với cả EU và Trung Quốc.
Các cuộc hội đàm kéo dài hai ngày tại Buenos Aires tập hợp các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trump ‘sẵn sàng’ leo thang cuộc chiến TM với TQ
TQ cảnh báo về chế tài trừng phạt của Mỹ
TQ đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ
Daimler: ‘doanh số 2018 thấp hơn vì TQ áp thuế’
Thép VN ‘xuất xứ TQ’ bị Mỹ trừng phạt
Bộ trưởng Pháp nói gì?
“Thương mại thế giới không thể dựa trên luật rừng và việc đơn phương tăng thuế là luật rừng”, ông Le Maire nói với AFP.
“Luật rừng không thể là tương lai của quan hệ thương mại toàn cầu.”
“Luật rừng sẽ làm suy yếu tăng trưởng và có thể dẫn đến hệ lụy chính trị to lớn”, ông Le Maire nói.
Ông nói thêm rằng cuộc chiến thương mại nay trở thành hiện thực, và EU không thể xem xét đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ một khi nước này chưa thu hồi việc áp thuế đối với thép và nhôm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44914839
Phái Đoàn Nam Hàn Qua Mỹ Họp
Về Việc Trừng Phạt Iran
SEOUL – Bộ ngoại giao Nam Hàn loan báo: trọng tâm trong các thảo luận với chímh quyền Trump về trừng phạt Iran tập trung vào 2 điểm chính “liên minh tinh thần và tình thế đặc biệt”.
Thông tấn chính thức đưa tin: Nam Hàn đưa sang Washington 1 phái đoàn liên bộ dưới quyền lãnh đạo của thứ trưởng kinh tế Yun Kang-hyeon để tham khảo các điểm gai góc. Hôm Thứ Năm, phái đoàn đã gặp phụ tá bộ trưởng tài nguyên và năng luợng, trên 10 viên chức Bộ ngân khố và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Đây là vòng tham khảo thứ nhì – vòng trước đã diễn ra tại Seoul trong Tháng 6.
Hoa Kỳ đang đốc thúc các nước bạn và đồng minh ngưng nhập cảng dầu thô của Iran để không bị ảnh hưởng của đợt trừng phạt thứ 2.
Truyền thông đưa tin: ân hạn do Washington quy định là trước ngày 4-11.
Cho tới gần đây, Nam Hàn gửi tiền vào trương mục ngân hàng Hoa kỳ để thông qua đó nhập cảng dầu thô Iran. Thứ trưởng Yun tuyên bố: nên bãi miễn Nam Hàn và mong mỏi hợp tác giữa 2 nước tiếp tục trên nền tảng của “liên minh tinh thần”.
Phiá Hoa Kỳ hưá xem xét.
https://vietbao.com/a283530/phai-doan-nam-han-qua-my-hop-ve-viec-trung-phat-iran
Chủ tịch Tập ‘tặng’ Sri Lanka gần 300 triệu đôla
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị cấp cho Sri Lanka một khoản trị giá 2 tỷ nhân dân tệ (295 triệu đôla), trong khi Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại đảo quốc nhỏ bé này, theo Reuters.
Tổng thống Sri Lanka, Maithripala Sirisena, một đối tác trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh, thông báo như vậy hôm 21/7 tại buổi lễ đánh dấu việc khởi công xây dựng một bệnh viện chuyên về thận do Trung Quốc tài trợ tại khu vực bầu cử quê nhà là Polonnaruwa.
“Khi đại sứ Trung Quốc thăm nhà tôi để sắp xếp ngày cho buổi lễ này, ông ấy nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi tôi một món quà khác”, ông Maithripala Sirisena nói, theo Reuters.
“Ông ấy tặng 2 tỷ nhân dân tệ để được sử dụng cho bất kỳ dự án nào mà tôi muốn. Tôi sẽ gửi cho đại sứ Trung Quốc một đề xuất xây nhà tại tất cả các khu vực cử tri ở nước tôi”.
Reuters cho biết rằng hãng này không thể liên lạc ngay để hỏi phản ứng từ đại sứ quán Trung Quốc ở Sri Lanka.
Đề xuất cấp vốn của Trung Quốc được đưa ra giữa lúc một công ty Trung Quốc đối mặt với sự chỉ trích dữ dội vì bị cáo buộc cung cấp tài chính cho chiến dịch tranh cử trước đây của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa.
Tập Cận Bình đến Senegal
khởi đầu chuyến công du Châu Phi
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Senegal hôm thứ Bảy trong một chuyến thăm kéo dài hai ngày để kí các thỏa thuận song phương, chặng đầu tiên của chuyến công du Châu Phi vào lúc Trung Quốc đang vung tiền cho vay ở châu lục này để đổi lấy khoáng sản và các hợp đồng thi công.
Trung Quốc giờ giao thương với Châu Phi nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác. Chuyến đi của ông Tập – chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ khi bắt đầu nhiệm kì thứ hai theo các qui định mới bãi bỏ thời hạn nhiệm kì – cũng sẽ đưa ông đến Rwanda và Nam Phi, để dự một hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS bao gồm các nền kinh tế đang trỗi dậy (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Những nỗ lực nhất quán Trung Quốc kết thân với Châu Phi tương phản rõ nét với Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra không mấy quan tâm đến lục địa này.
Ông Tập sẽ gặp Tổng thống Senegal Macky Sall lần thứ ba và kí một số thỏa thuận. Đại sứ Trung Quốc tại Senegal Trương Tấn được dẫn lời trên báo chí địa phương hồi tháng 3 nói rằng Trung Quốc đã đầu tư 100 triệu đôla vào Senegal vào năm 2017.
Châu Phi đang trong giai đoạn bùng nổ các dự án cơ sở hạ tầng được Trung Quốc rót vốn rẻ tiền vào và quản lí. Các dự án này là một phần trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ông Tập để xây dựng một mạng lưới giao thông kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi.
Trung Quốc đã cam kết đầu tư 126 tỉ đôla cho kế hoạch này, được những người ủng hộ ca ngợi là một nguồn tài chính thiết yếu cho thế giới đang phát triển. Ở Senegal, các khoản vay của Trung Quốc đã tài trợ một đường cao tốc nối thủ đô Dakar với Touba, thành phố chính thứ hai của nước này, và một phần của một khu công nghiệp trên bán đảo Dakar.
Những người chỉ trích nói rằng Châu Phi đang ôm ngày càng nhiều nợ của Trung Quốc mà châu lục này có thể sẽ chật vật thanh toán, với các ước tính dao động trong khoảng hàng chục tỉ đôla. Điều đó có thể khiến các nước Châu Phi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng quyền kiểm soát những tài sản chiến lược cho nhà nước Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng một hải cảng ở quốc gia nhỏ bé Djibouti, nơi đặt các căn cứ quân sự lớn của Mỹ và Pháp, có thể chịu số phận này, dù Djibouti bác bỏ nỗi lo sợ đó.
Trong khi đó ở Guinea, một trong những nước nghèo nhất thế giới, Trung Quốc đang cho chính phủ vay 20 tỉ đôla để đổi lấy quyền được khai thác quặng nhôm.
Cũng như thương mại và khoáng sản, Trung Quốc cũng đã coi Châu Phi là một nguồn ủng hộ chính trị. Ngoại giao của Trung Quốc, tính tới tháng 5 năm nay, đã thành công trong việc cô lập mọi quốc gia châu Phi ngoại trừ chế độ quân chủ của Swaziland khỏi Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc coi là một tỉnh li khai.
Miến Điện : Thêm một thành viên
Ủy Ban Tham Vấn về người Rohingya từ chức
Lại có thêm một thành viên thuộc ủy ban tham vấn về người Rohingya chuyên trách cố vấn cho chính phủ Miến Điện ngày 21/07/2018 thông báo từ nhiệm. Người này cáo buộc chính quyền Aung San Suu Kyi đã gây khó dễ cho hoạt động của ủy ban.
Từ Rangun, thông tín viên đài RFI Héloise de Montely giải thích :
« Ủy ban đã bị ʺxỏ mũiʺ. Đây là những từ ngữ mà ông Kobsak Chutikul, thư ký Ủy ban Tham vấn về khủng hoảng Rohingya đã dùng để giải thích cho quyết định từ nhiệm của ông ngày 10/07, nhưng chỉ được thông báo chính thức ngày hôm qua.
Vị cựu đại sứ, cựu nghị sĩ Nghị viện Thái Lan này, trước đó chuyên trách thu thập thông tin và công tác trù bị cho các cuộc họp. Khi tố cáo thiếu phương tiện, ông cho biết thêm là ủy ban đã bị ngăn cản nhận tài trợ từ các quỹ quốc tế và đại diện của quân đội Miến Điện đã từ chối gặp họ.
Đây là thành viên thứ hai của ủy ban này từ chức kể từ khi được bà Aung San Suu Kyi lập nên vào tháng 12/2017. Quả thật là một tháng sau khi được thành lập, nhà ngoại giao người Mỹ, ông Bill Richarson đã sập cửa ra đi, cáo buộc bà Aung San Suu Kyi ʺthiếu uy tín đạo đứcʺ.
Ủy ban được thành lập để cố vấn cho chính phủ trong việc xử lý cuộc khủng hoảng người Rohingya đang diễn ra ở bang Rakhine. Kể từ tháng 8/2017, gần 700.000 người Rohingya đã chạy ra khỏi khu vực nhằm tránh các vụ bạo hành của quân đội Miến Điện ».