Tin khắp nơi – 19/07/2018
Cố vấn kinh tế của Trump:
Tập Cận Bình ngăn thỏa thuận Mỹ-Trung
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump ngày thứ Tư 18/7 nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trì hoãn một thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ông Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Tòa Bạch Ốc, cũng nói ông hy vọng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đưa ra một đề nghị thương mại quan trọng với ông Trump khi đi thăm Washington tuần tới.
Ông Kudlow nói ông tin là các giới chức cấp thấp hơn của Trung Quốc muốn ngưng tranh chấp về thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các giới chức này trong đó có cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập là ông Lưu Hạc, ông Kudlow nói, nhưng ông Tập từ chối thay đổi trong chính sách chuyển giao công nghệ và những chính sách thương mại khác của Trung Quốc.
“Theo chỗ chúng tôi biết, cho đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình, vào lúc này, không muốn thỏa thuận,” ông Kudlow nói tại hội nghị Delivering Alpha do CNBC và tạp chí Institutional Investor bảo trợ.
Ông Kudlow nói “Tôi nghĩ ông Tập đang chặn thỏa thuận lại. Tôi nghĩ ông Lưu Hạc và những người khác muốn tiến tới nhưng không được. Chúng tôi đang chờ ông Tập. Quả bóng bên sân ông ta.”
Trung Quốc có thể chấm dứt thuế quan của Mỹ “chiều nay bằng cách đưa ra các biện pháp thích nghi hơn,” và có những bước mà các nước khác cũng kêu gọi,” ông Kudlow nói.
Những biện pháp được nhắc tới bao gồm bãi bỏ những rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng nhập khẩu, chấm dứt “đánh cắp” tài sản trí tuệ và cho phép người nước ngoài sở hữu hoàn toàn các công ty hoạt động tại Trung Quốc, ông Kudlow nói.
Ông Kudlow cho hay ông Juncker sẽ đưa đề nghị thương mại cho ông Trump vào tuần tới nhưng không cho biết thêm chi tiết.
“Chúng tôi sẽ thảo luận, tôi được cho biết là ông Juncker sẽ mang một đề nghị về tự do mậu dịch quan trọng. Tôi không thể xác nhận việc này. Đó là những điều tôi nghe các Đại sứ và những người khác nói,” ông Kudlow cho biết.
Ứng viên ‘nắm’ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ
điều trần
Bà Kathy Kraninger, một quan chức cấp cao và nhân vật được Tổng thống Trump đề cử làm lãnh đạo cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ, sẽ phải trả lời các thượng nghị sĩ hôm 19/7 để xem bà có đủ khả năng hay không.
Theo Reuters, các nhà lập pháp thuộc phe Dân chủ cho rằng bà thiếu kinh nghiệm, và thậm chí một số đảng viên Cộng hòa còn đặt nghi vấn về việc bà không quen với các vấn đề tài chính tiêu dùng sẽ được giao chịu trách nhiệm.
Cơ quan Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB) được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007 – 2009.
Bà Kraninger, 43 tuổi, là một quan chức cấp cao trong Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng. Theo Reuters, bà có nhiều kinh nghiệm về quản lý trong chính phủ.
Nhưng sự thành công của phiên chuẩn thuận đề cử “nắm” CFPB phụ thuộc vào khả năng đối đáp của bà trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, nhất là từ các thượng nghị sĩ Dân chủ cấp tiến trong ủy ban này.
Chuyên gia: Chưa Tổng thống Mỹ nào
gây tổn hại nhiều như Trump
Nhiều Tổng thống Mỹ cũng gây ồn ào khi công du nước ngoài, nhưng không có ai gây rối loạn ở mức độ như Tổng thống Donald Trump.
Chuyến công du náo loạn của ông đến châu Âu, theo các nhà sử học, đã phá bỏ những quy ước về các nhà lãnh đạo Mỹ trên trường quốc tế.
Phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump đã chứng kiến ông ấy chấp nhận lời của một quốc gia thù địch thay vì đứng về phía các cơ quan tình báo của đất nước, sỉ nhục đồng minh và gieo rắc nghi ngờ về cam kết của nước Mỹ với khối đồng minh NATO, theo các sử gia.
“Chúng ta chưa bao giờ có một Tổng thống nào ra nước ngoài mà không chỉ dạy đời cho các đồng minh NATO mà còn làm cho họ bẽ mặt,” ông William Pomeranz, một chuyên gia về Nga và là phó giám đốc của Viện Kennan tại Trung tâm Wilson. “Chúng ta chưa từng có một Tổng thống nào đi công du nước ngoài lại gọi đồng minh của chúng ta là kẻ thù. Và chúng ta cũng chưa từng có một Tổng thống nào họp báo với nguyên thủ Nga mà lại đổ lỗi cho cả hai phía, trên quan điểm của ông ấy, nhưng thực ra lại dành phần lớn thời gian buộc tội Bộ Tư pháp và các cơ quan tình báo Mỹ.”
Mặc dù những Tổng thống Mỹ trước đây cũng có những chuyến công du nước ngoài khó khăn và cũng bị chỉ trích vì các cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Liên Xô, cách hành xử của ông Trump khó mà thấy ở bất cứ vị Tổng thổng nào, theo quan điểm của các sử gia về Tổng thống và những người theo dõi nước Nga lâu năm.
Cựu Tổng thống Franklin Roosevelt bị cáo buộc là ‘bán rẻ lợi ích’ cho Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta Conference hồi năm 1945; cựu Tổng thống John F. Kennedy và các trợ lý của ông thừa nhận ông đã không chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với Nikita Khrushchev vào năm 1961 ở Vienna; Thượng đỉnh Reykjavík giữa cựu Tổng thống Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev vào năm 1986 vào lúc đó được xem là một thất bại; và cựu Tổng thống George W. Bush bị chế nhạo khi nói với các nhà báo hồi năm 2001 sau khi gặp gỡ ông Putin rằng ông đã ‘nhìn vào mắt ông Putin’ và ‘nhận thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin cậy’.
Chuyến công du của ông Trump thì lại khác.
“Thật lòng mà nói, tôi không cho rằng bất cứ vị Tổng thống Mỹ nào kể trên lại không theo đuổi lợi ích an ninh của nước Mỹ khi họ bị các lãnh đạo Liên Xô mà họ gặp lừa dối,” bà Alina Polyakova, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nói. “Tôi nghĩ ngay cả cuộc gặp của Tổng thống George W. Bush khi mà ông ấy có câu nói nổi tiếng là ‘nhìn vào mắt Putin và thấy được tâm hồn ông ấy’ thì cuộc gặp thượng đỉnh này (giữa ông Trump và Putin) đã vượt qua cuộc gặp đó cả ngàn lần.”
Thật vậy, thậm chí trước khi rời Washington, ông Trump đã nói rõ rằng ông ấy muốn chiến đấu. Ông ấy chửi mắng các thành viên NATO, liên minh quân sự với Mỹ hàng chục năm, vì đã không chi tiêu đủ cho quốc phòng và còn nói là ông có thể sẽ không muốn ‘bỏ tiền ra bảo vệ cho châu Âu’ nữa.
Khi xuất hiện lần đầu tiên tại bữa sáng trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, ông đã tấn công Thủ tướng Đức Angela Merkel với cáo buộc rằng nước Đức ‘hoàn toàn bị nước Nga kiểm soát’ rồi sau đó đặt câu hỏi trên Twitter: “NATO thì có gì tốt chứ?” Khi hội nghị NATO kết thúc, ông Trump nói là ông đã đạt được cam kết mới về việc tăng cường chi tiêu mà các nhà lãnh đạo khác sau đó đã bác bỏ.
Kịch tính tiếp tục khi ông Trump lên đường tới điểm đến kế tiếp: Anh quốc. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông bị phủ bóng đen bởi giọng điệu bùng nổ mà ông ném về phía Thủ tướng Theresa May trước khi ông đến. Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo lá cải của Anh, ông đã chỉ trích kế hoạch của bà May về Brexit (Anh tách khỏi EU) và nói có lẽ ông không còn hứng thú với một thỏa thuận thương mại với Anh và còn nói rằng đối thủ chính trị của bà May sẽ là một thủ tướng tuyệt vời. Những phát biểu của ông đã làm tổn hại thêm cho bà May vào thời điểm chính phủ của bà đang rối loạn.
Sau đó là một cuộc phỏng vấn khác nữa, lần này khi ông ấy đang chơi golf ở Scotland, và khi đó ông Trump đã gọi Liên minh châu Âu là ‘kẻ thù địa chính trị hàng đầu’ của Mỹ.
Tuy nhiên, thế giới lại không hề ngờ rằng ông Trump lại có thể đưa ra những phát biểu như ở Helsinki sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin của Nga, quốc gia mà các cơ quan tình báo Mỹ đã buộc tội là can thiệp vào bầu cử Mỹ để giúp cho ông đắc cử Tổng thống.
Đứng trên bục cùng với nhà lãnh đạo bị cáo buộc là tấn công vào nền tảng của nền dân chủ Mỹ, ông nói rằng ‘ông không thấy lý do gì’ mà Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông cũng đả kích Bộ Tư pháp Mỹ, nói rằng cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga là ‘thảm họa của đất nước chúng tôi’.
Đó là một phát biểu gây sửng sốt từ miệng của một Tổng thống Mỹ – phát biểu mà ông tìm cách đảo lại một phần 24 giờ sau đó bằng cách đổ lỗi cho sai sót về ngữ pháp. Tuy nhiên ông lại không rút lại một số phát biểu khác mà trong đó ông thể hiện sự tin tưởng đối với ông Putin.
“Trump-Putin 0-1”, trang bìa của tờ báo Kauppalehti của Phần Lan chạy tít.
“Chỉ đứng đó và bán rẻ đất nước ở nước ngoài trước mặt kẻ thù – chưa hề có tiền lệ cho một hành vi nhục nhã và mất lý trí như vậy,” ông Douglas Brinkley, một sử gia về Tổng thống Mỹ và là Giáo sư tại Đại học Rice danh tiếng, nhận định.
Về phần mình, Pomeranz nói rằng những thiệt hại mà ông Trump gây ra với việc gọi châu Âu là ‘kẻ thù’ và lên lớp đồng minh NATO là ‘to lớn’.
“Tôi nghĩ đó sẽ là những gì đọng lại từ sau chuyến đi đó,” ông nói.
Cuộc gặp Trump-Putin: Phe Dân Chủ Mỹ
đòi thẩm vấn phiên dịch của TT Mỹ
Hôm 18/07/2018, nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ đã gây áp lực đòi thẩm vấn phiên dịch của tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp với nguyên thủ Nga Vladimir Putin, tại Helsinki, ngày 16/07 vừa qua. Trong lúc đó, đảng Cộng Hòa gợi ý nên thẩm vấn ngoại trưởng Mike Pompeo.
Trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh Helsinki, nguyên thủ Mỹ đã tỏ ra tin vào những lời bác bỏ của đồng nhiệm Nga hơn là vào các báo cáo của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, cáo buộc Matxcơva đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Bị chỉ trích mạnh mẽ, Donald Trump đã tìm cách biện minh, nhận lỗi, nhưng các giải thích của tổng thống Mỹ không thuyết phục được các nghị sĩ Hoa Kỳ.
Do vậy, theo AFP, phát biểu trên truyền hình Mỹ, thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Bob Menendez, thành viên Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, nói: « Chúng tôi muốn phiên dịch viên ra điều trần trước Ủy Ban. Chúng tôi muốn xem biên bản cuộc gặp ».
Nữ thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Jeanne Shaheen cho rằng việc thẩm vấn phiên dịch của tổng thống Trump sẽ giúp cho các dân biểu và người dân Mỹ biết được những gì đã được trao đổi và thỏa thuận nhân danh nước Mỹ.
Về phía đảng Cộng Hòa, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, Bob Corker cho biết là ông thông cảm với những đòi hỏi thẩm vấn phiên dịch viên và sẽ xem có tiền lệ hay chưa. Ông gợi ý nên thẩm vấn ngoại trưởng Mike Pompeo.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định là chưa nhận được yêu cầu chính thức và không rõ đã có tiền lệ hay chưa.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng nói là không biết là có hay không có băng ghi âm cuộc trao đổi giữa hai nguyên thủ Mỹ-Nga, và nêu ra các đặc quyền của hành pháp như không một tổng thống nào cũng như phiên dịch của ông phải tiết lộ nội dung các cuộc nói chuyện riêng tư.
Trước phản ứng của chính giới Mỹ, tổng thống Donald Trump khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS, ngày hôm qua, lại cải chính những phát biểu của ông tại thượng đỉnh Helsinki, và nói là ông chấp nhận kết luận của cơ quan tình báo Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, thậm chí còn cho rằng tổng thống Nga Putin phải chịu trách nhiệm về việc này.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve gửi về bài tường trình :
“Đây là lần thứ hai, Donald Trump tìm cách hóa giải cuộc khủng hoảng chưa từng thấy. Hôm thứ Ba 17/07, tổng thống Mỹ giải thích rằng hôm thứ Hai, ông đã nói nhầm khi ông từ chối thừa nhận việc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Hôm qua, thứ Tư, trên đài truyền hình CBS, ông nhắc lại các phát biểu của mình và cuối cùng thừa nhận việc Matxcơva can thiệp : “Tôi đã nhiều lần nói là có can thiệp. Có thể nói là đúng như vậy”.
Khi nhà báo của đài CBS hỏi phải chăng Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về vụ can thiệp này. Tổng thống Mỹ trả lời : “Chắc chắn là như vậy. Với tư cách là nguyên thủ một quốc gia, ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Đây là lần đầu tiên, Donald Trump thừa nhận một cách hời hợt là Putin phải chịu trách nhiệm. Như vậy, sau khi không tin tưởng các cơ quan tình báo Mỹ và gây phản ứng mạnh ngay cả trong phe Cộng Hòa, ông Trump tuyên bố chấp nhận các kết luận của Dan Coats, giám đốc tình báo quốc gia. Ông nói : “Đó là một chuyên gia. Ông ta làm việc rất tốt và tôi rất tin tưởng ông Dan Coats”.
Giờ đây, các nghị sĩ đảng Dân Chủ muốn biết nội dung cuộc nói chuyện trực tiếp tại Helsinki giữa Donald Trump và Vladimir Putin, mà không có sự hiện diện của các cố vấn. Một số nghị sĩ còn công khai nói đến khả năng điện Kremlin có trong tay những tài liệu bất lợi cho tổng thống Hoa Kỳ. Một số khác thì gợi ý là Thượng Viện cần thẩm vấn phiên dịch viên của Donald Trump”.
Dự luật của Hạ viện Mỹ
cấp 5 tỷ đô la để xây tường biên giới
Một dự luật chi tiêu ở Hạ viện sẽ cấp ngân khoản 5 tỷ đô la vào năm tới để xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà Tổng thống Donald Trump đề xuất. Số tiền này cao hơn nhiều so với con số 1,6 tỷ mà dự luật ở Thượng viện đồng ý.
Điều này cho thấy cuộc đối đầu về ngân sách còn ở phía trước.
Kế hoạch ngân sách của ông Trump yêu cầu Quốc hội cấp 1,6 tỷ đô la cho năm 2019 để xây dựng bức tường biên giới. Một trợ lý của phe Cộng hòa tại Quốc hội cho AP biết rằng trong các cuộc nói chuyện sau đó, Tổng thống Trump đã yêu cầu các nghị sỹ Cộng hòa cấp 5 tỷ đô la.
Tại Thương viện mà phe Cộng hòa đang nắm thế đa số sít sao, phe Dân chủ có đủ số phiếu để có thể phong tỏa bất cứ dự luật ngân sách nào mà họ phản đối.
Hồi tháng Tư, ông Trump đã nói rằng ông sẽ ‘không còn lựa chọn’ ngoài việc phải cho chính phủ đóng cửa vào mùa hè này nếu như ông không có được ngân sách an ninh biên giới mà ông mong muốn. Tuy nhiên, ông không đề cập con số cụ thể.
Ngân khoản này nằm trong dự luật phân bổ chi tiêu của Hạ viện để cung cấp ngân sách cho Bộ An ninh Nội địa.
Đa số dân Mỹ không đồng ý cách Trump đối với Nga
Hơn một nửa dân Mỹ không chấp nhận cách thức Tổng thống Donald Trump xử lý những quan hệ đối với Nga, theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện sau cuộc họp thượng đỉnh gây tranh cãi và cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên cách hành xử của ông Trump tại cuộc họp thượng đỉnh Helsinki, nơi ông từ chối đổ lỗi cho nhà lãnh đạo Nga xen vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và nghi ngờ về những phát hiện của các cơ quan tình báo Mỹ, dường như không ảnh hưởng đến tỉ lệ chấp nhận ông.
Bốn mươi hai phần trăm cử tri nói họ chấp nhận việc làm của ông Trump trong cuộc thăm dò gần đây nhất, so với tỉ lệ trung bình hàng ngày cho tới nay là từ 40% đến 44% trong tháng 7.
Cuộc thăm dò cho thấy 55% cử tri không chấp nhận so với 37% chấp nhận cách ông Trump xử lý các quan hệ với Nga.
Trong số các đảng viên Cộng hòa, 71% chấp nhận cách ông xử lý với Nga so với 14% đảng viên Dân chủ.
Ông Trump vẫn được sự ủng hộ rộng rãi của các cử tri Cộng hòa dù có những chỉ trích của các nhà lãnh đạo đảng về lời nói và hành động của ông trong khi đứng bên cạnh nhà lãnh đạo Nga để trả lời các câu hỏi của phóng viên, kết quả cuộc thăm dò cho thấy.
Ông Trump gây ngạc nhiên cho ngay cả những người ủng hộ ông khi ông ca ngợi nhà lãnh đạo Nga trong cuộc họp báo vì “đã bác bỏ mạnh mẽ” việc can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Ngày thứ Ba 17/7, ông Trump cố làm dịu cơn bão chính trị sau những nhận xét của ông, nói rằng ông nói nhầm tại cuộc họp báo và hoàn toàn tin tưởng vào các cơ quan tình báo Mỹ.
Đa số các cử tri, 59%, đồng ý với kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ là Nga nỗ lực ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ, cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy. Tuy nhiên chỉ có 32% những người Cộng hòa nghĩ rằng điều này đúng so với 84% những người Dân chủ.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cũng phát hiện có sự tách biệt giữa các cử tri Cộng hòa và Dân chủ về việc Nga có nên được xem là một đối thủ của Mỹ hay không.
Nhìn chung, 38% các cử tri đồng ý Nga là kẻ thù của Mỹ. 38% xem Nga là “nước cạnh tranh” trong khi 8% nói Nga là “bạn”.
Tuy nhiên, một nửa các đảng viên Dân chủ nói Nga là kẻ thù trong khi chỉ có một trong ba người Cộng hòa xem Nga là kẻ thù.
Bốn mươi phần trăm những người Dân chủ mô tả Nga là một mối đe dọa trước mắt trong khi chỉ có 14% những người Cộng hòa đồng ý.
Xét tổng thể, 27% cử tri xem Nga là một mối đe dọa trước mắt.
Cuộc thăm dò cũng hỏi người Mỹ là họ có nghĩ nhà cầm quyền sẽ tìm ra chứng cứ về các quan hệ bất hợp pháp giữa chính quyền ông Trump và Nga hay không. Một tỷ lệ khít khao 51% nói có trong khi 77% đảng viên Dân chủ nói có và chỉ có 19% đảng viên Cộng hòa đồng ý.
Sự khác biệt này cũng xảy ra khi đặt câu hỏi là có phải ông Trump hay người nào đó trong cuộc vận động tranh cử của ông làm việc với Nga để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử 2016 hay không. Tổng quát, 52% cử tri đồng ý, nhưng chỉ có 19% đảng viên Cộng hòa đồng ý so với 81% bên Dân chủ.
Cuộc thăm dò Reuters/Ipsos thu thập các câu trả lời của 1.011 cử tri trên toàn nước Mỹ, trong đó có 453 cử tri Cộng hòa và 399 cử tri Dân chủ.
Mỹ chịu bán máy bay vũ trang không người lái
cho Ấn Độ
Hoa Kỳ đề nghị bán cho Ấn Độ máy bay không người lái vũ trang Guardian mà ban đầu được phép mua bán như máy bay không người lái không vũ trang dùng trong việc do thám, một viên chức cao cấp Mỹ và một nguồn tin trong ngành này cho Reuters biết.
Nếu thỏa thuận có kết quả thì đây sẽ là lần đầu tiên Washington bán một máy bay lớn không người lái cho một nước bên ngoài đồng minh NATO.
Đây cũng là lần đầu tiên một máy bay không người lái công nghệ cao có mặt trong khu vực, nơi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tăng cao.
Vào tháng 4 năm nay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra một chính sách xuất khẩu vũ khí được trông đợi lâu nay nhằm mở rộng các thương vụ bán hàng cho các đồng minh và cho rằng việc này sẽ đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng của Mỹ, tạo ra công ăn việc làm trong nước.
Kế hoạch này bao gồm chính sách mới về xuất khẩu máy bay không người lái, cho phép các đồng minh dễ tiếp cận hơn với các máy bay sát thương không người lái bắn phi đạn và máy bay không người lái do thám đủ kích cỡ.
Một trở ngại hành chánh cho thỏa thuận là Washington đòi hỏi Ấn Độ ký một khung làm việc về thông tin mà một số người tại New Delhi lo ngại là có thể gây nhiều phiền phức, giới chức Hoa Kỳ nói.
Máy bay không người lái nằm trong nghị trình cuộc họp đã bị hủy bỏ giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ-Ấn dự trù diễn ra vào tháng 7, nguồn tin nói. Cuộc họp cấp cao nay dự trù diễn ra vào tháng 9 tới.
Tháng 6 vừa qua, công ty General Atomics cho biết chính phủ Mỹ đã chấp thuận bán máy bay không người lái dành cho hải quân. Ấn Độ đã đàm phán để mua 22 máy bay không người lái do thám không vũ trang MQ-9B Guardian, trị giá hơn 2 tỉ đô la để tiếp tục quan sát vùng Ấn Độ Dương.
Bên cạnh khả năng bao gồm máy bay không người lái vũ trang, nguồn tin cho biết con số máy bay cũng thay đổi.
Một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ nói quân đội muốn máy bay không người lái không chỉ dùng để do thám nhưng cũng có thể bắn vào các mục tiêu trên đất liền và dưới biển. Quân đội cho rằng chi phí mua máy bay không biện minh được việc mua máy bay không người lái phi vũ trang.
Chi phí và việc hội nhập hệ thống vũ khí vẫn còn là một vấn đề, cũng như việc Ấn Độ chấp nhận Thỏa thuận Thông tin và An ninh (COMCASA) mà Washington cho rằng đây là điều kiện để điều hành hệ thống phòng thủ tiên tiến.
Nguồn tin quốc phòng nói Ấn Độ đã thôi phản đối thỏa thuận sau khi được Hoa Kỳ đảm bảo là việc này được áp dụng rộng rãi đối với hệ thống vũ khí của Mỹ chẳng hạn như các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái, nhưng không áp dụng đối với những trang bị có nguồn gốc Nga trong quân đội Ấn Độ.
Các nhà sản xuất máy bay không người lái Mỹ đang đối mặt với cạnh tranh ở nước ngoài đặc biệt từ các đối thủ Trung Quốc và Israel, những nước có quy định về bán vũ khí ít chặt chẽ hơn. Do vậy, các công ty sản xuất máy bay không người lái ở Mỹ đang tích cực vận động để thay đổi các qui luật xuất khẩu của Mỹ.
Trong số những thay đổi sẽ là việc áp dụng ít khắc khe hơn nguyên tắc xuất khẩu vũ khí của chính phủ Mỹ được biết dưới tên “suy đoán khước từ.” Nguyên tắc này đã cản trở nhiều thỏa thuận bán máy bay không người lái bằng cách tự động bác bỏ các thỏa thuận trừ phi có lý do an ninh rõ ràng với sự đồng ý của người mua là sử dụng vũ khí phù hợp với luật quốc tế.
Kinh tế Mỹ: thị trường địa ốc èo ọt
Tại Hoa Kỳ số lượng nhà mới xây đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ 9 tháng qua trong tháng Sáu, trong khi giấy phép xây nhà mới cũng giảm trong 3 tháng liên tiếp, giáng một đòn mạnh lên thị trường địa ốc vốn đã gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhà đăng bán trên thị trường.
Sự giảm sút của thị trường địa ốc và tỷ lệ giấy phép xây nhà mới sụt giảm bất ngờ được Bộ Thương mại Hoa Kỳ ghi nhận hôm thứ Tư, cho thấy số lượng nhà mới xây có thể đã bình lại trong bối cảnh giá gỗ gia tăng, cùng với nạn thiếu đất và thiếu người lao động.
Ông John Pataky, Phó Chủ tịch Ngân hàng TIAA ở Jacksonville, Florida nhận xét:
“Chúng ta đang chứng kiến sức ép từ cả hai bên thị trường địa ốc, từ nguồn cung ngày càng có giá cao cho tới giá nhà tăng nhanh hợn mức tăng lương bổng, đưa tới kết quả là cả hai bên, những nhà thầu xây dựng lẫn giới tiêu thụ, không bên nào chạy theo kịp.”
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, số lượng nhà trên thị trường sút giảm 12.3% sau khi đã điều chỉnh theo mùa, xuống còn 1.173 đơn vị hồi tháng Sáu, mức thấp nhất tính từ tháng 9, 2017.
Tỷ lệ giảm được đánh giá lên tới mức cao nhất tính từ tháng 11, 2016 , và nhà mới xây, cả nhà riêng lẫn các tòa nhà chung cư đều sụt giảm trong tháng 6.
https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-my-thi-truong-dia-oc-eo-ot/4488279.html
Phi hạt nhân hóa Triều Tiên ‘cần thời gian’
‘Cần có thời gian’ để đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Tư ngày 18/7.
Ông cũng lặp lại rằng trong lúc này các lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục được thực thi ngay cả khi đặc sứ Nga đến Bình Nhưỡng đề xuất thảo luận để nới lỏng chúng.
Phát biểu tại một phiên họp nội các do Tổng thống Donald Trump chủ trì, ông Mike Pompeo, vốn đã có những cuộc hội đàm không có kết quả với Bắc Triều Tiên hồi đầu tháng, cho biết đã có tiến triển trên một số vấn đề.
“Còn rất nhiều việc phải làm. Phải mất một khoảng thời gian để đến được điểm mà chúng ta muốn. Tuy nhiên tất cả những điều này sẽ diễn ra trong bối cảnh tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt hiện hành,” ông nói.
Ông Pompeo nói rằng Bắc Triều Tiên đã tái xác nhận cam kết từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ và tiến triển này đạt được khi hai phía sắp xếp hồi hương hài cốt của binh lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Triều Tiên từ năm 1950 đến năm 1953.
“Tôi cho rằng trong một vài tuần tới chúng ta sẽ đón những hài cốt đầu tiên quay về. Đó là cam kết,” ông Pompeo nói và cho biết đây là vấn đề rất quan trọng cho những gia đình có liên quan.
Ông Pompeo nói dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng những tiến triển này là ‘một điểm đầy hy vọng của hai nước’.
Hồi đầu tháng, ông Pompeo đã công du đến Bình Nhưỡng với hy vọng thống nhất về một bản lộ trình phi hạt nhân hóa nhưng tiến triển dường như rất hạn chế với việc Bình Nhưỡng đã tỏ thái độ giận dữ ngay sau khi ông rời đi, cáo buộc phái đoàn Mỹ đưa ra những yêu sách ‘theo kiểu côn đồ’.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra cam kết chung chung là sẽ phi hạt nhân hóa tại cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump hồi tháng Sáu, nhưng lại không đưa ra chi tiết về việc khi nào và làm sao để đạt được điều này, khiến cho giới quan sát hết sức nghi ngờ về ý định của Bắc Triều Tiên.
Chính quyền của ông Trump đã không đưa ra chỉ dấu khi nào thì các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa sẽ được nối lại và dường như đã lùi bước trong việc đề ra thời hạn cho tiến trình này.
Hôm 17/7, ông Trump nói rằng ‘không có giới hạn thời gian’ và lặp lại trên Twitter rằng ‘không có gì phải vội’.
Ông cũng cho biết ông đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa ở Helsinki là Nga sẽ giúp đỡ đàm phán với Bắc Triều Tiên, nhưng không nói là bằng cách nào.
Mặc dù Mỹ nhấn mạnh nhu cầu phải duy trì các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, đặc sứ Nga đến Bình Nhưỡng được hãng thông tấn RIA dẫn lời nói cũng hợp lý khi nêu vấn đề nới lỏng lệnh cấm vận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do những thay đổi tích cực.
Cũng sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, Tổng thống Trump loan báo rằng ông Kim đã đồng ý trao trả ‘hàng ngàn’ hài cố lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên. Nhưng kể từ đó, vẫn chưa có hài cốt nào được trao trả cho phía Mỹ.
‘Điệp viên’ Nga đổi tình dục lấy việc
Bà Maria Butina bị Mỹ cáo buộc dùng tình dục để đổi lấy công việc cho một tổ chức đặc biệt của Mỹ.
Mối quan hệ của bà Maria Butina với tình báo Nga khiến bà được xem là có nguy cơ ‘dễ bỏ chạy’, thẩm phán liên bang cho hay. Và bà này sẽ bị giam cho tới khi ra tòa.
Luật sư của bà Butina, 29 tuổi – người được cho là gián điệp của điện Kremlin – cho biết bà đã hợp tác với chính phủ Mỹ trong vài tháng.
Vụ việc này không nằm trong cuộc điều tra của Hoa Kỳ về cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.
Bà Butina, bị bắt hôm Chủ nhật 15/7, xuất hiện tại buổi điều trần hôm thứ Tư 18/7 tại một tòa án ở Washington DC.
Thẩm phán Deborah Robinson cho hay chính phủ đã chứng minh rằng không có điều kiện nào cho việc thả bà ra để đảm bảo bà sẽ trở lại tòa cho phiên xét xử.
Bà Butina đối mặt với cáo buộc không đăng ký làm đại diện nước ngoài và âm mưu chống lại chính phủ Mỹ. Bà không bị buộc tội hoạt động gián điệp.
Maria thích súng và làm gián điệp cho Nga
Trump bênh Nga trước cáo buộc của FBI
Trump gặp Putin: ‘Khởi đầu tốt’ ở Helsinki
Hôm thứ Tư, Bộ Ngoại giao Moscow cho biết việc bắt giữ bà Butina được ‘thiết kế’ để làm suy yếu “kết quả tích cực” của một cuộc họp giữa ông Trump và ông Putin tại Helsinki hôm thứ Hai.
Theo cáo trạng, bà Butina đang sống với một người Mỹ 56 tuổi không được nêu tên – được xác định trong cáo trạng như ‘Người Mỹ 1’ – người mà bà có “mối quan hệ cá nhân”.
“Nhưng mối quan hệ này không thể hiện quan hệ chặt chẽ với nước Mỹ bởi vì bà Butina có vẻ chỉ coi đó là một khía cạnh cần thiết trong các hoạt động của mình”, theo hồ sơ của tòa án.
Trong một vài ảnh trên mạng xã hội, bà Butina được nhìn thấy chụp với ông Paul Erickson, một nhà hoạt động chính trị bảo thủ ở Nam Dakota, 56 tuổi.
Bà Butina đã “thể hiện sự khinh khỉnh khi tiếp tục sống chung với người Mỹ này”, theo các tài liệu của FBI.
Các công tố viên cho rằng bà Butina có vẻ không muốn có ràng buộc nghiêm túc với ‘Người Mỹ 1’ bởi có lần, bà đã trao đổi tình dục với một người khác để đổi lấy công việc tại một cơ quan của Mỹ.
Hồ sơ không nêu tên của tổ chức nói trên. Nhưng các tài khoản mạng xã hội của bà Butina cho thấy bà hay lui tới các sự kiện của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA).
Luật sư của bà Butina phủ nhận mọi cáo buộc.
‘Sẵn sàng cho các mệnh lệnh khác’
Bộ Tư pháp cáo buộc rằng bà Butina đã làm việc “dưới sự chỉ đạo và kiểm soát” của một quan chức cấp cao của Nga.
Theo truyền thông Mỹ, người này có thể là ông Alexander Torshin, một phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga và là cựu thượng nghị sĩ của Nga từ đảng chính trị của Tổng thống Putin.
Ông Torshin được cho đã điều khiển và huấn luyện bà Butina thông qua các tin nhắn.
“Lúc này mọi thứ phải im lặng và cẩn thận”, bà Butina bị cáo buộc đã viết cho quan chức này thông qua một tin nhắn trên Twitter, một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Vào đêm bỏ phiếu, bà đã nhắn tin: “Tôi sẽ đi ngủ. Bây giờ là 3 giờ sáng. Tôi sẵn sàng nhận thêm các mệnh lệnh khác.”
Bộ Tư pháp cáo buộc bà Butina đã cố gắng thiết lập các kênh truyền thông ‘đen’ để ‘thâm nhập vào bộ máy ra quyết định của Hoa Kỳ’.
Tại một thời điểm trong cuộc bầu cử tổng thống, bà và quan chức Nga nói trên bị cáo buộc đã cố gắng không thành công để môi giới một cuộc họp giữa ông Trump và ông Putin.
Tại một cuộc họp của tòa thị chính vào tháng 7/2015, bà đã hỏi ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan điểm của ông về Nga. Năm sau, bà gặp con trai ông Trump, Donald Trump Jr, tại một sự kiện của NRA.
Trang Facebook của bà Butina có ảnh bà tham dự các sự kiện nơi bà gặp các chính trị gia Mỹ nổi tiếng khác, trong đó có Thống đốc bang Wisconsin, ông Scott Walker.
Bà Butina vào Mỹ theo visa sinh viên. Bà đã tốt nghiệp thạc sỹ ngành quan hệ quốc tế tại Đại học American University ở Washington DC.
https://www.bbc.com/vietnamese/44881658
Hội nghị Trump-Putin: Người Nga ca ngợi Putin
Steven RosenbergBBC News, Moscow
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích ở Mỹ về những gì ông đã thể hiện ở Helsinki. Người đồng nhiệm Nga của ông, Vladimir Putin, đã thể hiện tốt hơn nhiều.
Trở về Nga, các nhân vật chính trị đã sẵn sàng để ca ngợi kết quả của hội nghị Helsinki.
Trump bênh Nga trước cáo buộc của FBI
Trump gặp Putin: ‘Khởi đầu tốt’ ở Helsinki
Hội nghị Trump-Putin sẽ vẫn diễn ra
“Đây là bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới việc thiết lập đối thoại chính trị”, Valentina Matvienko, người phát ngôn của Thượng viện Nga kết luận.
“Chúng tôi thấy hai nhà lãnh đạo muốn đến với nhau để tìm điểm chung”, Thượng nghị sĩ Nga Konstantin Kosachev lưu ý.
Tờ báo ủng hộ điện Kremlin Komsomolskaya Pravda đã tham khảo ý kiến một chuyên gia ngôn ngữ cơ thể trong nỗ lực nhằm mô tả Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn.
“Khi bắt tay, Donald Trump thường xòe một bàn tay để lừa đối thủ của ông ta tin rằng ông ta sẵn sàng đối thoại. Sau đó ông ta kéo tay đối thủ về phía mình để khiến họ mất thăng bằng.
“Nhưng ở Helsinki, ông đã bắt tay Putin khá bình thường, không có bất kỳ động thái xảo quyệt nào. Nó phản ánh kết quả cuộc họp và những gì đã xảy ra trong năm qua: Trump đã không thống trị được Putin.”
Trump ‘cảm thấy ổn’ với biểu tình ở Anh
Khẩu chiến Trump – Merkel trước họp NATO
Mỹ trừng phạt các đồng minh Putin vì ‘hành vi xấu’
Tờ báo Moskovsky Komsomolets tuyên bố rằng “một Trump trầm lặng, khiêm nhường bị lu mờ đi so với Vladimir Putin. Rõ ràng rằng Putin đã thắng thế Tổng thống Mỹ. Đó là nguyên nhân cho niềm kiêu hãnh, nhưng cũng là điều đáng báo động. Bởi vì Trump bị lấn át không có nghĩa là ông ta có thể lấn át tầng lớp chính trị Mỹ. Tôi sợ rằng Mỹ sẽ đáp trả không lâu sau đó”.
Điều đó gây ra nguy cơ cho Điện Kremlin sau hội nghị Helsinki.
Ông Trump, về lý thuyết, là Tổng thống Mỹ hoàn hảo với Moscow.
Trong cuộc họp báo ở Helsinki, Trump có thể đã đứng về phe Điện Kremlin đối lập với các cơ quan tình báo của chính ông về vấn đề can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ông có thể đã từ chối đổ lỗi cho một mình Moscow cho mối quan hệ tồi tệ Mỹ-Nga. Ông có thể đã cam kết rằng chính quyền của ông sẽ làm việc với Nga để giải quyết những khác biệt của họ.
Nhưng liệu ông Trump có thể giữ lời hứa không?
Ý kiến của ông tại Helsinki đã gây ra sự tức giận ở Mỹ rằng giới tinh hoa chính trị Mỹ có thể xem xét bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Trump để sửa đổi các rào cản với Moscow với sự nghi ngờ sâu sắc nhất.
Cựu giám đốc CIA John Brennan gọi cuộc họp báo của Tổng thống Trump với Vladimir Putin “chẳng khác gì sự phản bội”.
Người đứng đầu Đảng Cộng hòa trong Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, công khai thái độ mâu thuẫn với ông Trump, tuyên bố rằng:
“Không còn nghi ngờ gì nữa Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta và tiếp tục các nỗ lực phá hoại nền dân chủ ở đây và trên toàn thế giới… tổng thống phải biết rõ rằng Nga không phải là đồng minh của chúng ta.”
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain mô tả hoạt động của Donald Trump ở Helsinki là “đáng hổ thẹn”.
Thêm vào đó cuộc điều tra đang diễn ra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, và rõ ràng là, trong bầu không khí sôi sục này, một tổng thống Mỹ muốn “hòa thuận với Nga” ít có cơ hội để ‘cựa quậy’.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44858330
Tàu Donskoi bỏ lại đáy biển tham vọng của Nga
Tin từ Hàn Quốc cho hay một công ty Shinil Group nói họ đã tìm thấy xác chiến hạm Dimitrii Donskoi từ thời Nga hoàng bị đắm ngoài khơi đảo Ulleungdo.
Các báo quốc tế tuần này rộ lên tin rằng con tàu bị thủy thủ đoàn bỏ lại sau trận Nga thua Nhật Bản năm 1905, có “những thùng vàng trị giá hàng tỷ USD”.
Theo BBC hôm 18/07/2018 thì có tin đồn con tàu chở vàng để trả lương thủy thủ và phí cập cảng cho cả Hạm đội Thái Bình Dương của Đế quốc Nga khi đó.
Nhưng đây chỉ là tin đồn, và giới nghiên cứu nghi ngờ chuyện một tàu chiến như chiếc Donskii lại chở quá nhiều vàng, theo BBC News.
Trung Quốc không làm ngơ cho tàu chiến Mỹ
TQ rầm rộ đưa hơn 40 tàu vào Biển Đông
Vì sao Việt Nam từng chia cắt ở sông Bến Hải?
Câu chuyện nhắc lại trận đánh 1905 đưa Nhật Bản lên vị trí ngang hàng với các cường quốc Âu Mỹ.
Dư luận Việt Nam thời Pháp thuộc đó cũng dấy lên niềm hy vọng vào hướng đi cứu nước theo phong trào Đông Du, vì người Nhật ‘đồng văn đồng chủng’ đã thắng một đế quốc Âu.
Vậy câu chuyện về cuộc hải chiến Nhật – Nga ở Viễn Đông năm đó để lại bài học gì?
Quan trọng hơn, ngày nay nước Nga của Vladimir Putin có còn là cường quốc Thái Bình Dương hay không?
Trận Đối Mã nâng vị thế của Nhật Bản
Con tàu mang tên Đại Công tước Moscow, Dimitrii Donskii đóng xong năm 1883, thuộc loại tuần dương hạm nhỏ (dài 93 mét), phục vụ trong Hạm đội Baltic.
Chiến tranh Nga – Nhật bùng nổ khi các đại cường xâu xé Trung Hoa thời nhà Thanh giành quyền thương mại (xem bài về Nhượng địa Trung Quốc).
Nhật Bản, nước châu Á duy nhất công nghiệp hóa thành công, tranh giành vùng Mãn Châu với Nga khi đế quốc này vươn sang Thái Bình Dương.
Ở về phía Đông, Nga đã có Sakhalin và Vladivostok.
Về phía Nam, Nga chiếm tuyến hỏa xa xuyên Mãn Châu xuống cảng Lữ Thuận (Port Arthur) ở bán đảo Liêu Đông để vươn tới Hoàng Hải.
‘Cuộc chiến Anh-Mỹ’ về cách đánh ở VN
Hạm đội Nam Hải ‘cực kỳ nguy hiểm’ cho VN
Lâm Tắc Từ và chuyện Trung Hoa mất đất
Từ 1898, vua Nicholas II đã cho xây Dalny (nay là Đại Liên), gần quân cảng Lữ Thuận, và muốn hiện diện lâu dài vì lý do an ninh, kinh tế ở vùng này.
Sau đàm phán để buộc Nga rút đi không thành, đế quốc Nhật đã tuyên chiến và tấn công quân Nga ở cảng Lữ Thuận vào đêm ngày 9 tháng 2/1904.
Đô đốc Wilgelm Vitgeft, và Phó vương Yevgeni Alekseyev đều bị kẹt trong đại bản doanh của Nga ở Lữ Thuận và cuộc bao vây kéo dài một năm.
Nga điều tàu từ Hạm đội Baltic và Hắc Hải sang vòng qua châu Phi sang Ấn Độ Dương, qua Đông Nam Á lên Viễn Đông để giải cứu Lữ Thuận.
Nhưng chỉ đi đến Madagascar, đoàn tàu Nga cứu viện được tin Lữ Thuận đã thất thủ khi bị quân Nhật tấn công trên bộ.
Các chiến thuyền Nga tại cảng này chỉ còn cách rút ra biển, chờ hợp sức cùng các tàu từ Nga sang để chạy lên Vladivostok nhằm bảo toàn lực lượng.
Nhưng kế hoạch của Nga bị Nhật Bản biết trước và Đô đốc Togo Heihachiro đã chặn đánh đoàn tàu Nga ở eo biển Tsushima (Đối Mã) vào tháng 5/1905.
Đô đốc Zinovy Petrovich Rozhestvensky bị trúng mảnh đạn vào đầu, ngất đi nhưng sống sót.
Còn lại hơn 4300 sĩ quan và thủy thủ Nga bị giết tại trận, hơn 6000 bị bắt sống.
Khi một chiến hạm lớp Borodino bị trúng ngư lôi của Nhật, cả tàu bùng cháy và nhanh chóng chìm xuống biển, đem theo toàn bộ thủy thủ đoàn.
Tàu Donskoii mà người ta nói là vừa tìm ra dưới mặt biển hơn 400 mét sau 113 năm thực ra không dự trận chiến.
Nó có nhiệm vụ hỗ trợ cho các tàu vận tải của Nga và sau Trận Đối Mã đã chở Đô đốc Rozhestvensky sang một tàu khác.
Mang theo hàng trăm thương binh, chiếc Dimitrii Donskii tìm đường lách qua vùng biển đầy tàu Nhật trong đêm trốn lên Vladivostok.
Nhưng nó bị một toán sáu tàu Nhật phát hiện và tấn công.
Thoát được ra nhưng Donskii bị hư hại và Lebedev quyết định cho đánh đắm tàu sau khi để các thủy thủ xuống đảo đá Ulleungdo.
Toàn bộ thủy thủ, thương binh Nga bị tàu Nhật bắt sống.
Ngày nay nhìn lại, người ta phát hiện ra nhiều lý do khiến 39 tàu chiến Nga thua Nhật Bản.
Đầu tiên là về tương quan lực lượng.
Quân Nhật có gần 90 tàu chiến và thuyền bắn ngư lôi với các vũ khí mới nhất nên có hỏa lực áp đảo.
Các tàu chiến Nga hoặc đã ở thế chiến bại sau trậnLữ Thuận, hoặc phải đi hàng nghìn dặm từ châu Âu sang Viễn Đông nên quân tướng đều mệt mỏi.
Có chi tiết liên quan đến Việt Nam có thể khiến Nga đã yếu lại càng yếu hơn.
Từ ngày 7 đến 10 tháng 4/1905, Hạm đội Baltic của Nga đã cập cảng Cam Ranh ở Đông Dương thuộc Pháp.
Theo luật quốc tế, tàu chiến Nga chỉ được phép ở một cảng nước ngoài 24 giờ.
Nhưng quân Nga thiếu nửa triệu tấn than cho các lò đốt trên đoàn tàu 50 chiếc nên cần ở lại càng lâu càng tốt để tìm mua than.
Là đồng minh của Nga, Pháp đã nhắm mắt làm ngơ dù Nhật phản đối để hạm đội Nga ở thêm mấy ngày.
Cũng theo luật quốc tế, tàu Nga không được phép vào cảng mua than nên họ phải thuê một công ty Áo – Đức mua giúp và nhận hàng trên biển.
Việc này khiến cho hành trình của Hạm đội Nga bị chậm trễ và trên thực tế thì vẫn không đủ than để hoàn tất hành trình.
Lúc vào trận Đối Mã, quân Nga mệt mỏi, thiếu nguồn tiếp liệu và ở vào thế bất lợi so với Nhật Bản vốn luôn gần các nguồn tiếp liệu trong vùng.
Nhưng không chỉ có vậy.
Tài liệu giải mật sau này cho thấy quân Anh đã chuyển nhiều tin tình báo quan trọng cho Nhật Bản.
Điện tín không dây lần đầu tiên được Nhật Bản sử dụng đưa tin nhanh chóng cho hải quân.
Nhật Bản có chuẩn bị tốt hơn cả về tàu thuyền, vũ khí, một phần nhờ khoản vay 200 triệu USD từ Hoa Kỳ.
Yếu tố quốc tế đã góp phần làm Nhật Bản có nhiều ưu thế hơn Nga.
Chiến dịch Thái Bình Dương thất bại làm tan vỡ tham vọng của Nga ở vùng biển xa, hải quân Nga bị thu hẹp lại bằng lực lượng của Áo – Hung.
Uy tín triều đại Romanov bị sút giảm và các sử gia tin rằng thất bại ở Viễn Đông khiến Đức, Áo-Hung và Thổ Nhĩ Kỳ mạnh bạo gây chiến với Nga năm 1914.
Sang Thế Chiến 2, Liên Xô cũng không có hải quân đủ mạnh để đánh Đức ở Đại Tây Dương và Nhật Bản ở Viễn Đông.
Trong Chiến tranh Lạnh, người Nga xuất hiện ở Thái Bình Dương và sau cuộc chiến Việt Nam, tàu chiến Liên Xô đã đóng thường trực ở quân cảng Cam Ranh vài năm.
Nhưng kể từ 1905 đến nay, Nga không đánh một trận hải chiến nào ở Thái Bình Dương.
Với Nhật Bản, trận Đối Mã còn có tác động mạnh hơn.
Nó giúp Nhật lên ngôi vị thành một trong sáu cường quốc hải quân trên thế giới đầu Thế kỷ 20.
Mặt trái của các chiến thắng này là tạo tiền đề cho chế độ quân phiệt Nhật Bản sinh ra.
Có ý kiến nói trong hải quân, người ta cần ba năm để đóng một chiến hạm nhưng cần 300 năm để có một truyền thống.
Với Nhật Bản, việc hình thành hải quân và chiến thắng liên tiếp xảy ra trong vòng vài năm, đưa tới tâm lý kiêu ngạo, chinh phục mà nước này phải trả giá năm 1945.
Sau hơn 110 năm tình hình có khác trước?
Nước Nga của Vladimir Putin vẫn có tham vọng trở thành cường quốc Thái Bình Dương.
Nhưng ở Đông Á, Nga đang theo đuổi chính sách hai bước song hành: Nga cùng tạo liên minh gần gũi và thông qua Trung Quốc để vào châu Á; cùng lúc Nga lại đa dạng hóa chính sách với các nước khác, từ Hàn Quốc tới Việt Nam.
Riêng với Nhật Bản, Nga vẫn có tranh chấp lãnh thổ ở vùng đảo Kurils, nhưng cũng muốn hợp tác năng lượng với Nhật.
Cũng trong tháng 7 năm nay, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đóng ở Vladivostok có cuộc diễu binh lớn với hơn 40 chiến hạm, tàu vận tải, tàu đổ bộ.
Tại Zolotoj Bay, hải quân Nga đã tập đổ bộ và bắt tàu ngầm địch, đều là các hoạt động trên diện hẹp.
Nhưng nếu Nga muốn chuyển sang tấn công và đánh các trận chiến hạm đối hạm họ sẽ lại gặp phải đối thủ mạnh là Nhật Bản như hồi đầu thế kỷ 20.
Tàu Donskii sẽ được trục vớt?
Dù công ty tìm báu vật công bố ảnh với dòng chữ Donskoi trên vỏ tàu, nước Nga vẫn chưa xác nhận chuyện này.
Họ chỉ nói nếu đúng đó là chiến hạm Nga, Moscow muốn đòi trao trả toàn bộ xác tàu.
Hiện các chuyên gia Hàn, Canada và Anh đang tìm cách nộp đơn xin phép Hàn Quốc cho trục vớt tàu.
Họ cũng hứa sẽ trả cho nước Nga 50% trị giá hiện vật tìm được trên tàu.
Nhưng để có được giấy phép, nhóm tìm cổ vật này phải đặt cọc cho chính quyền Hàn Quốc 10% trị giá tàu sản ước tính trong xác chiếc tàu.
Nếu lời đồn về số vàng trị 130 tỷ USD là đúng, Shinil Group với vốn pháp định dưới 100 nghìn USD sẽ không có đủ tiền cọc để xin khai thác.
Tàu Donskoi có thể sẽ vẫn còn nằm dưới đáy biển một thời gian nữa.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44889904
Lộ video cận vệ TT Macron hành hung người biểu tình
Một băng video chiếu cảnh một viên chỉ huy an ninh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hành hung một sinh viên biểu tình hồi tháng 5 tại Paris vừa được tung ra. Vụ việc được giấu kín cho tới lúc này đang gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng. Họ đặc biệt phản đối hình phạt nhẹ tay đối với người cận vệ khi ông này chỉ bị tạm ngưng việc trong 2 tuần và sau đó chuyển sang nhiệm vụ khác.
Phản ứng ngày càng dữ dội đã buộc người phát ngôn của Tổng thống Macron phải lên tiếng hôm 19/7, hơn hai tháng rưỡi sau khi xảy ra sự cố này. Lên án “hành vi không thể chấp nhận này”, người phát ngôn của Điện Elysee, ông Bruno Roger-Petit, cho biết ông Alexandre Benalla không còn phụ trách tổ chức an ninh cho các chuyến đi của tổng thống, mặc dù ông này vẫn tiếp tục làm việc tại Điện Elysee.
Nhà chức trách đã tiến hành một cuộc điều tra sơ khởi có thể dẫn tới các cáo trạng chống lại ông Benalla, theo một quan chức về luật pháp không muốn nêu danh tính vì không có thẩm quyền bình luận về vụ việc này.
Người phát ngôn Roger-Petit mô tả hình phạt đối với ông Benalla là “nặng nhất” từ trước tới nay đối với một người đứng đầu an ninh tại Phủ Tổng thống -Điện Elysee, và còn được coi như một “sự cảnh báo cuối cùng trước khi thải hồi.”
Đoạn video gồm những hình ảnh của sự kiện ngày 1/5 tại Paris, được tờ Le Monde phổ biến hôm 18/7 cho thấy, cảnh vệ Benalla trên đầu đội mũ bảo hiểm của cảnh sát đang cùng nhiều nhân nhiên cảnh sát chống bạo động ở xung quanh đang kéo lê một cách tàn bạo một phụ nữ ra khỏi một cuộc biểu tình rồi sau đó liên tục đánh đập một người thanh niên đang nằm trên mặt đất. Người xem nghe tiếng người thanh niên cầu xin ông Benalla hãy ngừng tay. Nhiều nhân viên cảnh sát trước đó đã lôi người đàn ông trẻ ra khỏi đám biểu tình trước khi bàn giao lại cho ông Benalla, đã không can thiệp. Ông Benalla sau đó rời khỏi hiện trường.
Các chính khách đối lập nói họ thấy sốc, một số lên án môi trường đã tạo điều kiện cho các quan chức an ninh ở các cấp cao nhất trong hệ thống chính trị Pháp, cảm thấy họ không phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
Phe đối lập đòi Tổng thống Macron phải đích thân giải quyết vụ việc này.
Trả lời đài phát thanh Europe 1, người đứng đầu phe bảo thủ của Đảng Cộng hòa, Laurent Wauquiez, bị chất vấn liệu có phải chính phủ Pháp đang tìm cách “giấu nhẹm vụ này” hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/lo-video-can-ve-tt-macron-hanh-hung-nguoi-bieu-tinh/4489400.html
Pháp : Trợ lý chánh văn phòng của tổng thống Macron
bị điều tra
Viện Công tố Paris hôm nay 19/07/2018 mở điều tra sơ bộ về việc một nhân vật thân cận của tổng thống Pháp Emmanuel Macron « bạo hành trong khi thi hành công vụ », « lạm dụng chức quyền » và « lạm dụng các biểu hiệu dành cho cơ quan công quyền ».
Vụ việc được đưa ra ánh sáng ngày 18/07 sau khi nhật báo Le Monde tiết lộ đoạn băng vidéo trong đó ông Alexandre Benalla, phụ trách an ninh trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2017 của ông Emmanuel Macron và hiện là trợ lý chánh văn phòng tổng thống, trong ngày Quốc tế lao động 01/05/2018, mang mặt nạ dành cho nhân viên an ninh và có hành vi bạo lực nhắm vào một người tuần hành ở quận V, Paris.
Phát ngôn viên điện Elysée, ông Bruno Roger-Petit, giải thích là ngày 01/05 Alexandre Benalla nghỉ làm việc, nhưng được cấp trên cho phép tới quan sát công tác của lực lượng an ninh. Ông Bruno Roger-Petit cũng thừa nhận Benalla đã vượt quá quyền hạn khi tham gia duy trì trật tự cùng lực lượng an ninh và hành vi bạo lực của ông này là không thể chấp nhận được. Phát ngôn viên Roger-Petit cũng nhấn mạnh rằng phủ tổng thống đã đình chỉ công tác và cắt lương của Alexandre Benalla trong vòng 15 ngày. Khi được quay lại công tác tại điện Eysée, ông Benalla không còn được giao nhiệm vụ tổ chức việc di chuyển cho tổng thống Macron.
Các chính trị gia cánh tả và cánh hữu hôm nay đều bất bình về vụ việc này, yêu cầu điện Elysée xem xét lại và có biện pháp xử phạt thích đáng, minh bạch. Nghiệp đoàn cảnh sát Alliance – Police natinale lấy làm tiếc là hình ảnh của cảnh sát đã bị một người không thuộc lực lượng an ninh làm hoen ố. Nghiệp đoàn Alternative Police-CFDT thì cho biết nếu một cảnh sát hành xử tương tự Benalla, người này sẽ bị kiện ngay lập tức và bị câu lưu, bị đình chỉ hoặc thuyên chuyển công tác.
Còn tổng thống Pháp Emmanuel Macron – hiện đang có mặt tại Périgueux, vùng Dordogne – khi được hỏi đã từ chối trả lời các phóng viên về vụ tai tiếng này.
http://vi.rfi.fr/phap/20180719-phap-tro-ly-chanh-van-phong-cua-tong-thong-macron-bi-dieu-tra
Nhật thông qua luật cấm hút thuốc
Nhật Bản ngày 18/7 chấp thuận luật quốc gia đầu tiên cấm hút thuốc bên trong những nơi công cộng, nhưng người ta cho rằng biện pháp này không đủ mạnh vì miễn trừ cho nhiều nhà hàng và quán rượu.
Luật nhằm giảm bớt nguy cơ của những người tuy không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác, được ban hành trước Thế vận hội Tokyo 2020 và giữa những lời kêu gọi quốc tế về một Thế vận hội không thuốc lá. Tuy nhiên các nhà lập pháp đảng cầm quyền vốn có những liên hệ chặt chẽ với ngành sản xuất thuốc lá và nhà hàng đã chọn một phiên bản luật yếu hơn.
Thượng viện Nhật Bản thông qua và ban hành luật ngày thứ Tư 18/7 sau khi được Hạ viện thông qua trước đó.
Tháng trước, Tokyo ban hành một lệnh cấm chặt chẽ hơn, cấm hút thuốc tại các nơi ăn uống có công nhân để bảo vệ họ khỏi khói thuốc lá. Lệnh này áp dụng cho khoảng 84% nhà hàng và quán rượu Tokyo.
Tuy nhiên luật này vẫn có những ngoại lệ và Thế vận hội Tokyo có thể không hoàn toàn ‘không khói thuốc.’
Nhật Bản thường được xem như là thiên đàng của những người hút thuốc. Cho đến nay Nhật Bản không có luật kiểm soát khói thuốc lá làm hại cho những người không hút thuốc và bị Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào hạng những nước ít có sự bảo vệ nhất. Việc này gây thêm áp lực cho các giới chức Thế vận hội.
Luật mới cấm hút thuốc trong các trường học, bệnh viện và văn phòng chính phủ, nhưng cho phép hút thuốc tại các tiệm ăn nhỏ hiện nay bao gồm các tiệm có diện tích không quá 100 mét vuông. Các nhà hàng lớn hơn và sắp mở tại Nhật Bản phải giới hạn hút thuốc trong những phòng được chỉ định.
Những người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 2.700 đô la và 4.500 đô la đối với những người quản lý cơ sở.
Luật sẽ được thi hành từng giai đoạn cho đến tháng 4/2020.
Tại Nhật Bản, theo ước lượng của chính phủ và Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 15.000 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, chết vì khói thuốc của người khác.
Trung Quốc:
Quan chức Mỹ ‘giả dối’ về Chủ tịch Tập
Trung Quốc hôm 19/7 tuyên bố rằng nước này “sốc” vì chuyện quan chức cấp cao của Nhà Trắng đổ lỗi cho Chủ tịch Tập Cận Bình cản trở thỏa thuận nhằm ngăn chặn chiến tranh thương mại, đồng thời nói rằng các lời cáo buộc đó là “giả dối”.
Hoa Kỳ và Trung Quốc tháng này đã trả đũa nhau, áp thuế lên hàng hóa của mỗi nước trị giá tới 34 tỷ đôla.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thêm thuế đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia đông dân nhất thế giới, nếu Bắc Kinh không thay đổi chính sách về sở hữu trí tuệ và các kế hoạch trợ cấp công nghiệp trong ngành công nghệ cao.
Theo Reuters, hôm 18/7, ông Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng, nói rằng ông tin là các quan chức Trung Quốc như ông Lưu Hạc, cố vấn cấp cao về kinh tế của chủ tịch nước, muốn một thỏa thuận với Mỹ, nhưng ông Tập từ chối thay đổi các chính sách về thương mại và về chuyển giao công nghệ của Trung Quốc.
Khi được hỏi về bình luận của ông Kudlow, bà Hoa Xuân Oánh, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh cảm thấy “sốc” và “không thể tưởng tượng được” chuyện vị quan chức Mỹ “bất ngờ bóp méo sự thật” và “đưa ra các cáo buộc giả dối”.
Bà Hoa nói thêm rằng việc Mỹ “đổi trắng thay đen” và “phá vỡ cam kết” là điều “toàn thế giới biết”, theo Reuters.
Nữ phát ngôn viên nói rằng Trung Quốc nỗ lực hết sức để tránh làm leo thang tranh chấp, và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không sợ chuyện đó.
Dù không ủng hộ việc đánh thuế, các đối tác khác của Trung Quốc như Liên hiệp châu Âu, cũng chỉ trích các chính sách thương mại của Bắc Kinh.
Trung Quốc: Tập Cận Bình
thăm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
Ngày 19/07/2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du Trung Đông và châu Phi. Chuyến thăm của Tập Cận Bình sẽ khép lại sau khi ông Tập dự thượng đỉnh Nhóm BRICS ở Nam Phi vào ngày 25-26/07. Chặng dừng chân đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc trước khi tới Sénégal và Rwanda là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đang hy vọng tăng cường hợp tác với Trung Quốc, hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt cho biết thêm :
« Ngay từ trước khi ký hàng loạt hợp đồng có hời, đại sứ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã không giấu cảm giác lạc quan : ông Ali Obaid Al Dhaheri hy vọng rằng các trao đổi thương mại với tổng trị giá lên tới 50 tỉ đô la như hiện nay, sẽ tăng lên gấp đôi trong mười năm tới.
Ali Obaid Al Dhaheri đặc biệt có thể tin cậy vào việc Trung Quốc rất quan tâm đến dầu lửa: tập đoàn dầu lửa quốc gia Trung Quốc đã mua 10% cổ phần của hai khu khai thác dầu tại Abu Dhabi trong vòng 40 năm với giá lên tới hơn 1 tỉ đô la.
Trung Quốc cũng rất tích cực trong khai thác năng lượng xanh : ở Dubai, Bắc Kinh đã cho lắp đặt một khu năng lượng mặt trời với công suất 700 mégawatt. Một ngày trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, báo chí Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã cho đăng bài viết trong đó ông Tập ngợi ca đây là công viên năng lượng mặt trời « lớn nhất và hiện đại nhất thế giới ».
Để tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông, Bắc Kinh chi tiền không tiếc tay và hứa cho các nước này vay 20 tỉ đô la, nhất là để tái sinh con đường tơ lụa xưa kia. Với dự án đầu tàu này, Tập Cận Bình thu hút được các nước Ả Rập nhiều hơn là các quốc gia cạnh tranh khác. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180719-trung-quoc-tap-can-binh-tham-cac-tieu-vuong-quoc-a-rap-thong-nhat
EU áp thuế hạn chế nhập khẩu xe đạp điện Trung Quốc
Liên hiệp Châu Âu sẽ áp đặt thuế quan từ ngày 19/7 lên xe đạp điện Trung Quốc trong một động thái nhằm chặn đứng việc nhập khẩu xe đạp điện giá rẻ mà các nhà sản xuất châu Âu nói là đang tràn ngập thị trường châu Âu.
Thuế quan chống phá giá là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp của EU chống lại hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc từ các tấm pin mặt trời cho đến thép, gây ra phản đối quyết liệt từ Bắc Kinh.
EU chia sẻ những quan ngại của Hoa Kỳ về việc chuyển giao công nghệ và trợ cấp của nhà nước nhưng vẫn kêu gọi các nước tránh một cuộc chiến tranh thương mại. Trước đây trong tháng, Hoa Kỳ và Trung Quốc áp đặt thế quan lên 34 tỉ đô la giá trị hàng hóa của nhau.
Ủy ban châu Âu, nơi đang điều tra nhân danh 28 nước thành viên EU, đã quyết định nên áp thuế từ 21,8% đến 83,6% đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc, tờ báo chính thức của EU loan tin.
Công ty Giant của Đài Loan, một trong những công ty sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới có nhà máy tại Trung Quốc cũng như Hà Lan, sẽ chịu thuế suất 27,5%.
Cuộc điều tra sẽ được chấm dứt vào tháng 1/2019 khi thuế quan thường kéo dài 5 năm có thể được áp dụng.
Ủy ban phát hiện là xe đạp điện Trung Quốc xuất khẩu sang Liên hiệp Châu Âu tăng gấp 3 từ năm 2014 đến giai đoạn 12 tháng cho đến tháng 9/2017. Thị trường xe đạp diện Trung Quốc tăng 35% trong khi giá trung bình giảm 11%.
Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe đạp châu Âu nêu vấn đề này lên, cho biết Hiệp hội hoan nghênh quyết định và nói thêm là thêm thuế quan sẽ giúp cho các nhà sản xuất xe đạp điện châu Âu cơ may phục hồi mức bán bị giảm sút.
LEVA-EU, một tổ chức bao gồm các nhà nhập cảng và phân phối, mô tả thuế quan là “vô lý” vì công nghiệp châu Âu không bị thiệt hại và các nhà sản xuất châu Âu nhập khẩu hầu hết các bộ phận từ Trung Quốc.
Các nhà sản xuất ở châu Âu gồm có công ty Hà Lan Accell & Gazelle, công ty Romania Eurosport DHS và công ty Đức Derby Cycle Holding.
Việc nhập khẩu xe đạp điện Trung Quốc phải đăng ký vào đầu tháng 5, có nghĩa là thuế quan này có thể được lùi ngày lại. Cũng có cuộc điều tra song song của EU về việc liệu các nhà xuất khẩu xe đạp điện Trung Quốc có được hưởng lợi từ trợ cấp quá mức của nhà nước hay không.
Tổng thống Mỹ gây hoài nghi
về cam kết bảo vệ đồng minh trong NATO
Tổng thống Mỹ Doanld Trump hôm qua, 18/07/18, lại tiếp tục có những phát biểu gây tranh cãi, lần này, liên quan đến việc bảo vệ các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO.
Theo AFP, trên đài truyền hình Fox News, khi được hỏi là «Tại sao con trai tôi lại phải đi bảo vệ cho Montenegro?», Tổng thống Donald Trump trả lời: «Tôi hiểu ý của ông. Tôi đã từng có câu hỏi tương tự ». Và nguyên thủ Mỹ nhận xét: «Montenegro là một quốc gia nhỏ bé, mà người dân lại rất mạnh mẽ… Họ là một dân tộc rất hung hăng».
Sau đó, tổng thống Mỹ đã hàm ý nói rằng, sự hung hăng này của người dân Montenegro có thể dẫn đến đại chiến thế giới lần thứ ba, nếu như các đồng minh khác trong NATO can thiệp, bảo vệ nước này.
Phát biểu của tổng thống Trump gây nghi ngờ về việc Hoa Kỳ áp dụng điều khoản thứ 5 trong Hiến Chương thành lập NATO, theo đó, nếu một thành viên bị tấn công thì các thành viên khác có quyền và nghĩa vụ can thiệp, bảo vệ.
Montenegro, có dân số 630 ngàn, quân đội chỉ có 2 ngàn lính, là quốc gia thứ 29 gia nhập NATO.
Thái độ lưỡng lự của nguyên thủ Hoa Kỳ đã gây ra tranh luận mạnh mẽ. Cựu đại sứ Mỹ tại NATO Nicholas Burn cho rằng « tổng thống Trump tiếp tục khiến các đồng minh hoài nghi liệu Hoa Kỳ có bảo vệ họ không. Như vậy, lại có thêm một món quà cho Putin».
Kể từ khi NATO thành lập năm 1949, điều khoản thứ 5 mới chỉ được nêu lên có một lần: đó là sau loạt khủng bố ngày 11/09/2001 tại Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180719-tong-thong-my-gay-hoai-nghi-ve-cam-ket-bao-ve-dong-minh-trong-nato
Cuba công nhận kinh tế thị trường
nhưng không bỏ chủ nghĩa xã hội
Cuba chuẩn bị sửa đổi bản Hiến pháp năm 1976, công nhận thị trường và quyền tư hữu là những thành phần của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn không từ bỏ những nền tảng ý thức hệ của quốc gia cộng sản này.
Hãng tin AFP hôm nay, 19/07/2018 cho biết bản dự thảo Hiến pháp mới, gồm 224 điều khoản, được soạn thảo bởi một ủy ban đứng đầu là bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản Cuba Raul Castro và tân chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, theo dự kiến sẽ được đưa ra Quốc Hội vào thứ Bẩy, 21/07 để thảo luận và bỏ phiếu, trước khi đưa ra trưng cầu dân ý. Theo chính quyền La Habana, việc sửa đổi Hiến pháp này là cần thiết để tạo điều kiện cho việc mở cửa nền kinh tế Cuba cho đầu tư nước ngoài và cho tư nhân.
Sau 4 thập niên Cuba kiên quyết đi theo mô hình kinh tế tập trung, khi lên cầm quyền thay người anh Fidel năm 2008, ông Raul Castro mới bắt đầu tiến hành các cải tổ nhằm kích thích doanh nghiệp tư nhân. Theo các số liệu chính thức, hiện nay khu vực tư nhân ở Cuba sử dụng đến gần 600 000 người, tức là 13% dân số nước này. Sau khi đình chỉ trong một năm việc cấp phép cho khoảng 30 loại hoạt động kinh tế tư nhân để rà soát lại các quy định, vừa qua, chính quyền La Habana vừa cấp phép trở lại, nhưng tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân.
Theo nhật báo của Nhà nước Granma, Hiến pháp mới sẽ « công nhận vai trò của thị trường và các hình thức sở hữu mới, trong đó có sở hữu tư nhân ». Sự công nhận này sẽ cho phép hợp thức hóa các xí nghiệp vừa và nhỏ.
Bản dự thảo Hiến pháp cũng nhìn nhận « tầm quan trọng của đầu tư ngoại quốc đối với sự phát triển của đất nước ». Thật ra thì hiện nay Cuba đã có cơ chế cho đầu tư nước ngoài, nhưng là để bổ sung cho đầu tư của Nhà nước, thông qua các liên doanh.
Tuy nhiên, dù công nhận thị trường và quyền tư hữu, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn tái khẳng định « bản chất xã hội chủ nghĩa » của hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của Cuba và vai trò trung tâm của đảng Cộng Sản Cuba, « lực lượng lãnh đạo tối cao xã hội và Nhà nước ». Hôm thứ Ba vừa qua, tân chủ tịch Miguel Diaz-Canel đã tuyên bố là « ở Cuba sẽ không có việc chuyển hướng sang tư bản ».
Bên cạnh những thay đổi về hệ thống kinh tế, Hiến pháp mới của Cuba cũng có vài bước tiến về hệ thống chính trị, vì bản dự thảo này công nhận Cuba là một « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, độc lập và có chủ quyền », đồng thời khẳng định Nhà nước « bảo đảm các quyền của con người, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tư tưởng ». Theo nhận định của luật sư Cuba José Antonio Fernandez, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, việc công nhận Cuba là Nhà nước pháp quyền là « một thắng lợi lớn » đối với nền dân chủ, nhưng theo vị luật sư này các luật được ban hành sau đó phải theo đúng tinh thần của Hiến pháp mới.
Một điểm đáng chú ý khác đó là Hiến pháp mới sẽ lập ra chức vụ thủ tướng. Hiện chưa biết là vị thủ tướng này sẽ được chỉ định như thế nào, nhưng theo luật sư Fernandez mục tiêu của việc lập ra chức thủ tướng chắc là nhằm rút bớt những trách nhiệm hành pháp và hành chính cho chủ tịch và như vậy có thể sẽ giúp cân bằng tập trung quyền lực.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180719-cuba-cong-nhan-kinh-te-thi-truong-nhung-khong-bo-chu-nghia-xa-hoi