Nghi phạm Nguyễn Hải Long nhận tội tham gia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nghi phạm Nguyễn Hải Long nhận tội tham gia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Chiếc xe biển số Czech đã được mật vụ Việt Nam dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23/07/17, đưa vào Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, Đức.
Courtesy: thoibao.de
RFA 2018-07-17

Nghi can Nguyễn Hải Long, trong phiên xử diễn ra vào ngày 17/07/18, tại Đức đã nhận tội tham gia trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí và đang thụ án chung thân tại Việt Nam.

Đài RFA ghi nhận trong phiên tòa xét xử vào buổi sáng ngày 17/07/18, Luật sư của nghi can Nguyễn Hải Long đọc bản nhận tội của ông Long rất chi tiết về nhân thân và quá trình liên can vụ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức đưa về Việt Nam.

Trong bản nhận tội này, ông Nguyễn Hải Long khai báo rằng một người họ hàng, tên Đào Quốc Oai đã nhờ ông thuê lần lượt 3 chiếc xe ở Cộng hòa Czech để chạy sang Đức. Ông Long lái chiếc xe thuê đầu tiên, chiếc BMW X5 sang Berlin, và trong chuyến đi này ông Long được gặp mặt ông Trung tướng Công an Việt Nam Đường Minh Hưng. Ông Đào Quốc Oai cho ông Long biết là ông Đường Minh Hưng đến Đức để bắt một nhân vật quan trọng đưa về Việt Nam xét xử. Sau đó, trên đường trở lại Czech, ông Đào Quốc Oai cho ông Long biết thêm là ông Oai có tham gia trong vụ việc bắt nhân vật quan trọng đó và đã thành công.

Vào tối ngày 23/07/17, ông Long được gặp gỡ thêm một lần nữa với Trung tướng Đường Minh Hưng và ông Đào Quốc Oai tại một nhà hàng ở Czech. Trong lần gặp thứ nhì này, ông Long nghe được ông Trung tướng Đường Minh Hưng và ông Đào Quốc Oai cụng ly ăn mừng một việc gì đó mà ông không rõ.

Sau khi nghe Luật sư của nghi can Nguyễn Hải Long đọc bản nhận tội, Viện Công tố Liên bang Đức không đồng ý với bản nhận tội này vì ông Long nhận tội quá ít so vơi những chứng cứ đã được đưa ra.

Thẩm phán quyết định dừng phiên tòa để thảo luận xem xét có cần thêm nhân chứng mới, mời đại diện của Lực lượng Cảnh sát Berlin ra tòa trong phiên xét xử tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 18/07 hay không. Và phiên toà được mở lại trong buổi chiều cùng ngày.

Nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thoibao.de Việt ngữ ở Berlin, tham dự phiên tòa ngày 17/07 cho RFA biết trong phiên tòa buổi chiều, Luật sư của nghi can Nguyễn Hải Long đọc một bản nhận tội mới:

“Luật sư của ông Nguyễn Hải Long lại đọc một bản nhận tội mới. Bản nhận tội này chi tiết hơn, thông tin cụ thể hơn và đặc biệt là ông Nguyễn Hải Long công nhận rằng ông đã biết ý định bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh của mật vụ Việt Nam ngay từ lúc đầu, trước khi ông thuê chiếc xe đầu tiên, chiếc BMW X5. Điều này có nghĩa là ông Long biết âm mưu này của mật vụ Việt Nam ngay từ đầu, chứ không phải là người vô tình tham gia. Và, khi đã biết từ đầu mà ông Long vẫn làm thì cho thấy đây là hành động ông Long tiếp tay bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh một cách cố tình. Tất nhiên với lời nhận tội đó, thì Viện Công tố Liên bang Đức cũng như bà Luật sư Schlagenhauf của ông Trịnh Xuân Thanh cùng Luật sư của ông Nguyễn Hải Long đã đồng ý với bản nhận tội này của ông Nguyễn Hải Long. Và, ông Nguyễn Hải Long đã ký vào bản nhận tội ngay buổi chiều hôm nay trước tòa.”

Tòa án Đức, vào ngày 24/04/18 mở phiên tòa đầu tiên xét xử nghi phạm Nguyễn Hải Long, quốc tịch Việt Nam, 47 tuổi, sinh sống ở Czech trước khi bị bắt với cáo buộc có liên quan đến vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức đưa về nước.

Kết thúc phiên tòa diễn ra vào ngày 17/07/18, Luật sư Petra Schlagenhauf của ông Trịnh Xuân Thanh nói với nhà báo Lê Trung Khoa rằng phiên tòa xét xử nghi can Nguyễn Hải Long có thể kết thúc sớm vào cuối tháng 7 này, và nếu Tòa án Đức kết tội theo bản nhận tội mà nghi can Nguyễn Hải Long đã ký thì khung hình phạt có thể từ 3 năm 6 tháng đến 5 năm tù giam.

Phiên tòa kế tiếp xét xử nghi can Nguyễn Hải Long dự kiến diễn ra vào ngày thứ Hai tới đây, 23/07/18. Trong phiên xử vào ngày 17 tháng 7, 2018, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Đức, và 3 nhân viên Đại sứ Quán Việt Nam được mời đến làm nhân chứng; nhưng ông Đại sứ Việt Nam có gửi thư đến tòa thông báo vắng mặt theo quyền miễn trừ ngoại giao.