Đọc báo Pháp – 17/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 17/07/2018

Hơn cả bóng đá :

Cả một quốc gia đứng sau đội tuyển Pháp

Thu Hằng

Đội quân áo Lam – Les Bleus – ca khúc khải hoàn trở về trong tiếng hò reo vang trời của cổ động viên tiếp tục là chủ đề thời sự tràn ngập trang nhất các nhật báo ra ngày 17/07.

Nhật báo Le Monde dành 16 trang đặc biệt cho đội tuyển Pháp với hình ảnh cầu thủ trẻ Mbappé được chiếu trên tiền diện Khải Hoàn Môn. Trang trong là muôn mặt hình ảnh cổ động viên Pháp trong cơn bão chiến thắng, từ fanzone đến các quán bar-cà phê hay trong gia đình từ Paris đến Marseille, từ Lille đến Montpellier, từ Strasbourg đến Rennes, Nantes hay đảo Réunion. Tất cả đoàn kết, bỏ lại sau những bất đồng, chia rẽ, lo lắng vì dư âm các vụ khủng bố vẫn còn đó để xuống đường cổ vũ “Giấc mơ xanh”, theo hàng tựa của bài xã luận.

Trang nhất của Le Figaro nổi bật mầu xanh lơ của chiếc xe ca đưa “những nhà vô địch thế giới” trở về trên đại lộ Champs-Elysées, với hàng chữ ngắn gọn, nói lên tất cả : “Merci!”. Libération như chưa khỏi cơn mơ, đăng trên trang nhất hình ảnh cổ động viên trong làn khói xanh, trắng, đỏ, trên đại lộ Champs-Elysées với hàng tựa chơi chữ : “Kéo dài” (“La prolongation”, được sử dụng cho thời gian đá bù giờ).

Hơn cả chiến thắng… là một nền Cộng hòa

Với xã luận của Le Figaro, bóng đá, còn hơn cả một môn thể thao, đã giúp cho nước Pháp đi tìm “cái chúng ta tập thể” thay cho “cái tôi cá thể”. Phố phường trên khắp nước Pháp rợp mầu xanh, trắng, đỏ thể hiện tự hào dân tộc và cuộc phiêu lưu tập thể. Đằng sau mỗi trận đấu, một quốc gia bị chia rẽ, bị tổn thương, bỗng tìm lại mình. Tuy nhiên, bài xã luận tỏ ra bi quan, khi cho rằng điều kỳ diệu này chỉ tồn tại trong chốc lát căn cứ vào lịch sử gần đây.

“Kéo dài lòng nhiệt tình” là điều mà nhật báo La Croix hy vọng trên trang nhất. Kéo dài hơi thở chiến thắng mà đội tuyển áo Lam đã tạo ra để sự năng động tiếp tục lan tỏa trong xã hội.

“Kéo dài lòng yêu nước” của một nước Pháp pha trộn, nhiệt tình và đoàn kết, cũng là hy vọng được nhấn mạnh trong bài xã luận của Libération. “Chủ nghĩa tập thể” là một biểu tượng không thay đổi được gì to tát trong thực tế xã hội, nhưng đang tác động đến tinh thần, tâm tính và có thể một ngày nào đó là thái độ và cách hành xử.

Qua rồi thời kỳ phân biệt “đen-trắng-bơ” (black-blanc-beur), nhằm chỉ đến người châu Phi, người Pháp gốc và người Pháp gốc Bắc Phi trong đội tuyển Pháp, mà hiện chỉ còn mầu “xanh-trắng-đỏ” (bleu-blanc-rouge) của quốc kỳ Pháp. Hết rồi những “người bản địa của nước Cộng hòa”, bị thu mình trong quan niệm nạn nhân, mà là những công dân Cộng hòa ở khắp nước Pháp. Đây cũng là lý do tại sao những cầu thủ của huấn luyện viên Didier Deschamps thường hô vang “Nền Cộng hòa muôn năm!”

Chiến thắng của một đội tuyển thi đấu vì tập thể

Hình ảnh Griezmann, Pobba và Mbappé hài hước cùng chỉ vào “ngôi sao thứ hai” trên chiếc áo thi đấu của Griezman dưới trời mưa như trút nước ở Matxcơva có thể cho thấy hết sự ăn ý, hiểu rõ nhau và đoàn kết giữa các cầu thủ. Theo Le Monde, Pháp đang có “một đội tuyển trẻ chinh chiến và có kỷ luật”. Nhưng quan trọng hơn cả là huấn luyện Didier Deschamps đã biết cách dẫn dắt một đội tuyển trẻ, tài năng, nhưng thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế thành một cỗ máy chiến thắng thực sự.

Ông thừa nhận “đôi khi tôi cũng cứng rắn, nhưng đó là vì muốn tốt cho họ. Quản lý, tâm lý đều nằm trong nghề của tôi. Chúng tôi đã sống cùng nhau trong suốt 55 ngày và không có bất kỳ vấn đề nhỏ nào xảy ra”. Huấn luyện viên Deschamps khẳng định sẽ thực hiện hết hợp đồng đến kỳ Euro 2020. Ông tự tin là “dàn cầu thủ của mình sẽ mạnh hơn trong hai hoặc bốn năm nữa”.

Vẫn theo Le Monde, với chiến thắng lần thứ hai của đội tuyển áo Lam, “Pháp đã trở thành quốc gia của bóng đá” theo cách riêng của mình. Dù nếu không phải là những fan cuồng nhiệt của bóng đá, nhưng cuộc phiêu lưu của Griezmann, Mbappé hay Lloris đã giúp đồng nghiệp, gia đình, bạn bè xích lại gần nhau hơn, bên cốc bia, ly rượu hay một bữa thịt nướng.

Riêng tổng thống Pháp đã dần dần tăng thêm điểm tín nhiệm. Ông không ngại tạo dáng “dab” khi chụp hình cùng Benjamin Mendy và Paul Pogba. Le Figaro nhận định “Canh bài của Emmanuel Macron đã thành công”. Nếu khán giả là cầu thủ thứ 12 trên sân, thì nguyên thủ Pháp, bằng từng bước tính thận trọng, đã có được một chỗ đứng, như huấn luyện viên thứ hai, trong đội tuyển áo Lam.

Trump không tin Nga can thiệp

vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã hội đàm với nhau trong hơn hai giờ tại Helsinki, chỉ với hai phiên dịch. La Croix cho biết nhiều chủ đề quan trọng đã được nêu trong buổi nói chuyện : giải trừ vũ khí hạt nhân và vũ khí quy ước, cuộc xung đột ở Syria, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Le Monde nêu lên “những nhập nhằng của Trump trước Putin”. Thứ nhất, nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, hiện do công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra, được tổng thống Mỹ đề cập trong thượng đỉnh. Đây là hồ sơ luôn bị ông Trump lên án là “trống rỗng”, là cuộc “truy bắt phù thủy”. Tiếp theo phải kể đến những dự án bất động sản của tập đoàn Trump tại Matxcơva hiện vẫn chưa đi đến cụ thể hoặc ông Trump từng hy vọng tổng thống Nga xuất hiện tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được tổ chức tại Matxcơva năm 2013, trong đó gia đình Trump có cổ phiếu trong công ty tổ chức sự kiện này.

“Liệu ông ấy sẽ trở thành người bạn tốt nhất của tôi hay không?”, trên Twitter, tổng thống Mỹ đặt câu hỏi này trước khi đi gặp đồng nhiệm Nga. Tại Helsinki, “trước Putin, Trump không tin là Nga nhúng tay can thiệp” bầu cử Mỹ. Thông tin đều được các nhật báo Pháp đưa tin. Les Echos trích lại phát biểu của tổng thống Trump : “Không có bất kỳ sự thông đồng nào. Chúng tôi đã có chiến dịch tranh cử ấn tượng và đó là lý do tôi trở thành tổng thống”.

Với lời khẳng định trên, nhật báo Libération cho rằng “nguyên thủ Mỹ không còn thừa nhận FBI. Với điện Kremlin, đây là món quà bất ngờ, còn đối với nhiều đồng bào Mỹ thì đó là sự phản bội”. Nhật báo thiên tả nhận định : “Trong nghi án can thiệp Nga, Donald Trump đang phục vụ cho Vladimir Putin”.

Bắc Kinh tìm cách

chống đỡ cho nền kinh tế suy giảm

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,7% vào quý hai năm 2018, đây là nhịp độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2016. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : “Bắc Kinh tìm cách chống đỡ cho nền kinh tế suy giảm”, đặc biệt trước viễn cảnh tác động của cuộc chiến thương mại với Washington.

Chính quyền Bắc Kinh đang đối mặt với “thách thức chính trị và kinh tế” rất lớn Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, trong khi tổng thống Mỹ đang đe dọa đánh thuế 200 tỉ đô la, thậm chí lên đến 500 tỉ, hàng nhập khẩu Trung Quốc trong những tháng tới. Thêm vào đó là đồng nhân dân tệ bị mất giá, khiến các nhà đầu tư lo ngại. Chính vì vậy, theo chuyên gia Julian Evans-Pritchard, nền kinh tế Trung Quốc suy sụt “sẽ dễ dàng biện minh cho sự trở lại của chính sách hỗ trợ hoạt động” của chính quyền trung ương.

Thực ra Bắc Kinh đã bắt đầu. Để trách một cú sốc kinh tế và nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp đang tìm kiếm vốn đầu tư, vào cuối tháng 06/2018, Trung Quốc lại nới lỏng chính sách tiền tệ. Bằng cách giảm phần dự trữ bắt buộc đối với một số ngân hàng, Trung Quốc đã giải phóng được 700 tỉ nhân dân tệ. Đây là luồng khí mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc.

Quỹ Tiền tệ Thế giới

dự báo tăng trưởng giảm tại châu Âu

Cuộc chiến thương mại, có nguy cơ leo thang, sẽ tác động đến tăng trưởng của nước Pháp và khối sử dụng đồng euro. Tăng trưởng trung bình của hành tinh đạt ở mức 3,9% trong năm nay và năm tới.

Vẫn nhật báo kinh tế Les Echos, trích số liệu của Quỹ Tiền tệ Thế giới (FMI), thẩm định Nhật Bản sẽ là nước bị thiệt hại nhất. Tăng trưởng của Đức, Pháp, Ý sẽ giảm, mỗi nước mất khoảng 0,3%, tương tự với tình trạng của khối đồng euro. Trong khi đó, tình hình tại Hoa Kỳ tiếp tục được cải thiện và GDP sẽ đạt mức 2,9%, cao hơn 0,6% so với năm 2017.

Bruxelles và Nhật Bản

chuẩn bị tự do hóa trao đổi thương mại

Vẫn trong lĩnh vực thương mại, hai đối tác lớn, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản, chiếm gần 1/3 GDP của cả thế giới, cùng ký thỏa thuận thương mại chưa từng có ngày 17/07/2018.

Theo La Croix, hai bên ký đến hai thỏa thuận nhân thượng đỉnh song phương lần thứ 25 : một thỏa thuận tái khẳng định quan hệ đối tác kinh tế, được ký vào tháng 12/2017 liên quan đến tự do trao đổi mậu dịch ; thỏa thuận thứ hai nhấn mạnh đến đối tác chiến lược.

Một chuyên gia của Nghị Viện Châu Âu không vòng vo cho biết : “Thỏa thận tự do mậu dịch còn có ý nghĩa quan trọng hơn nữa khi nói về mặt chiến lược, trong bối cảnh chính sách thương mại thất thường của ông Donald Trump và tình hình chung của nền thương mại thế giới”.

http://vi.rfi.fr/phap/20180717-hon-ca-bong-da-ca-mot-quoc-gia-dung-sau-doi-tuyen-phap

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Trung Quốc : Một phụ nữ bị bắt vì ném mực vào ảnh Tập Cận Bình.

Tổ chức Bảo vệ Nhân Quyền Trung Quốc ngày 17/07/2018 cho biết một đoạn video quay cảnh người phụ nữ 28 tuổi đang ném mực vào ảnh chân dung Tập Cận Bình nhằm phản đối chính sách « trấn áp tư tưởng » của chính quyền, đã được đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 4/7. Người này đã bị bắt ngay ngày hôm đó.

(AFP) – Cảnh sát Hồng Kông đệ đơn yêu cầu cấm Đảng Dân Tộc Hồng Kông. 

Bộ trưởng An ninh Hồng Kông John Lee hôm nay, 17/07, cho biết đang cân nhắc đề nghị cấm Đảng Dân Tộc Hồng Kông (Hong Kong National Party) của sở cảnh sát. Đảng Dân Tộc Hồng Kông là một nhóm hoạt động kêu gọi Hồng Kông độc lập vớiTrung Quốc. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế phản đối biện pháp này, cho đây là hành động gây nguy hại cho quyền tự do ngôn luận tại Hồng Kông.

(AFP) – Cựu tổng thống Mỹ đến Nam Phi nhân 100 năm ngày sinh Nelson Mandela.

Trước 15.000 khách mời cao cấp có mặt tại sân vận động Johannesburg, Nam Phi, cựu tổng thống Mỹ Barck Obama ngày 17/07/2018 có bài diễn văn rất được mong đợi nhằm tôn vinh « người giải phóng cao cả của thế kỷ XX ». Đây là điểm nhấn quan trọng trong lễ mừng 100 năm ngày sinh của cố tổng thống Nam Phi, ông Nelson Mandela. Mỗi năm, nhân dịp ngày sinh của vị tổng thống da mầu đầu tiên này, sinh ngày 18/07/1918, Quỹ Mandela đều giao phó cho một khách mời có uy tín đọc bài diễn văn.

(AFP) – Hoa Kỳ : Một phụ nữ Nga bị bắt.

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ngày 16/07/2018 giải thích công dân Nga 29 tuổi này đã bí mật tìm cách tác động đến các tổ chức chính trị Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho Nga, đặc biệt NRA, tổ chức vận động hậu trường ủng hộ vũ khí mạnh nhất tại Mỹ. Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi kết thúc thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump và đồng nhiệm Nga tại Helsinki, thủ đô Phần Lan.

(AFP) – Các ngoại trưởng Liên Âu bác bỏ đòi hỏi cô lập Iran của Mỹ.

Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Federica Mogherini, hôm qua, 16/07/2018, thông báo các ngoại trưởng các nước Liên Âu thống nhất là Liên Hiệp Châu Âu sẽ sử dụng một công cụ pháp lý, nhằm giúp các doanh nghiệp châu Âu làm việc tại Iran thoát khỏi các trừng phạt của Mỹ. Công cụ pháp lý nói trên, dựa trên « luật ngăn chặn trừng phạt » của châu Âu, được ban hành từ năm 1996, sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 6/8/2018, ngày mà loạt trừng phạt đầu tiên của Mỹ có hiệu lực. Ủy viên châu Âu về năng lượng cho biết Bruxelles sẽ chuẩn bị các biện pháp để giúp Iran duy trì lượng dầu mỏ xuất khẩu. Năm ngoái, xuất dầu mang lại cho Teheran 50 tỉ đô la.

(AFP) – Donald Trump ủng hộ biểu tình phản đối chế độ tại Iran.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Fox News, được công bố hôm qua, tổng thống Mỹ khẳng định biểu tình bùng phát khắp Iran, cùng lúc với lạm phát phi mã. Cũng theo tổng thống Mỹ, tình trạng nói trên ở Iran diễn ra sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Teheran, khiến nhiều tập đoàn kinh tế lớn buộc phải rút ra khỏi Iran, để tránh đối đầu với Mỹ. Trong khi đó, cũng hôm qua, chính quyền Teheran quyết định kiện Mỹ lên Tòa Án Công Lý Quốc Tế (CPI), do tái áp đặt các trừng phạt kinh tế.

(AFP) – Peru thông báo tình trạng khẩn cấp trên khu vực biên giới với Colombia. 

Tuyên bố này được đưa vào hôm qua, 16/07/18, nhằm củng cố an ninh, do tình trạng buôn lậu ma túy qua biên giới. Tổng thống Peru Vizcarra cho biết đã huy động 3 chiếc máy bay và 5 chiếc trực thăng nhằm hợp tác với chính phủ Colombia. An ninh Peru đã bắt giữ được 50 đối tượng dính líu đến đường dây buôn bán chất cấm.

(Reuters) – Chiến đấu cơ mới của Anh Quốc lộ diện.

Bộ Quốc Phòng Anh Quốc đã cho ra mắt mô hình chiến đấu cơ mang tên Tempest tại Triển lãm Hàng không Farnborough vào hôm qua, 16/07/18. Dự án thiết kế và chế tạo chiếc máy bay này đã được cấp 2 tỉ bảng Anh cho tới năm 2025, máy bay dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2035.

(AFP) – Gần 100.000 người tưởng niệm 100 năm Sa hoàng Nicolas II bị hạ sát.

 Trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, 17/07/2018, gần 100.000 người đã tham gia vào một đám rước lớn, để tượng niệm đúng một thế kỷ Sa hoàng cuối cùng của nước Nga bị phe Bolchevick sát hại. Nghi lễ trong đêm diễn ra tại chính nơi xảy ra vụ này. Thượng phụ của Giáo Hội Chính Thống Nga Kirill là người dẫn đầu đoàn rước lễ. Theo người đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Nga, nước Nga cần phải tiếp tục rút ra các bài học về biến cố « đau đớn » này.

(RFI) – 20 năm thành lập : Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ngày càng bị chỉ trích.

 Nhân dịp sinh nhật 20 tuổi của tòa án quốc tế đầu tiên có sứ mạng xét xử các thủ phạm tội ác nghiêm trọng mang tính quốc tế, nhiều nhà quan sát chỉ trích tòa hoạt động kém hiệu quả. Tổng cộng cho đến nay, Tòa đã thụ lý 26 vụ án, trong đó đa số đang xét xử. Tổng cộng có 32 lệnh bắt giữ được ban bố, 15 lệnh đã được thi hành, 6 tù nhân đang thọ án tù. Một lý do chính khiến Tòa hoạt động kém hiệu quả là do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, nhiều người khác đã ca ngợi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế góp phần buộc chính quyền một số nước không thể làm ngơ trước các vụ án nghiêm trọng, buộc họ phải thay đổi luật pháp quốc gia, tiến hành các điều tra trong nước.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180717-tin-doc-nhanh-ok