Tin Việt Nam – 17/07/2018
Hải Phòng: Sửa 1 km đường tốn 28 triệu USD?
Dự án cải tạo một đoạn đường chỉ trên 2 km ở Hải Phòng đội vốn lên trên 1.310,9 tỉ VND, tương đương 56 triệu USD, theo báo Việt Nam.
Đó là dự án cải tạo 2,2km đường 356 đoạn từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ, thuộc Quận Hải An, do Sở Giao thông vận tải Hải Phòng thực hiện.
Theo các số liệu Thanh tra Chính phủ Việt Nam đưa ra, số vốn đầu tư ban đầu cho đoạn đường ngắn này chỉ là 314,9 tỉ đồng.
Nhưng sau đó, vốn bị “đội lên” tới con số 1.310,9 tỉ VND.
Được biết ‘công trình’ này đã hoàn thành.
Chống tham nhũng ‘vào giai đoạn khó khăn’
VN tiếp tục ‘dẹp tham nhũng lộng quyền’
Bốn phóng viên VN bị bắt vì sai phạm
Đâu cũng ‘đội vốn và trượt giá’
Nhiều dự án xây dựng ở Việt Nam có hiện tượng “đội vốn và trượt giá” (ảnh minh họa)
Việc đội vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng xảy ra ở một đoạn đường khác, dài 7,56 km, là đường bao phía đông nam quận Hải An, lên 2.066,4 tỷ VND.
Ngoài ra, dự án xây dựng công trình tuyến đê biển Nam Đình Vũ cũng đội vốn lên 3.248,8 tỷ VND.
Theo Người Lao Động (16/07/2018), 22 dự án của Hải Phòng được Thanh tra Chính phủ phát hiện “có nhiều thiếu sót, tăng vốn từ vài trăm tỉ đến cả ngàn tỷ đồng, thậm chí hơn 2.000 tỷ đồng”.
Nhưng Hải Phòng không phải là địa phương duy nhất có các công trình đắt tiền ‘đội vốn’.
Các tỉnh thành khác đều có hiện tượng này và dư luận chỉ biết sau khi báo chí chính thống trích thuật các thông tin từ ngành thanh tra của nhà nước.
Ninh Bình: Dự án nạo vét sông Đáy ‘phình ra’ hơn 7.000 tỷ VND.
Thanh Hóa: Dự án kênh Hưng Long ‘bị trượt giá’ lên tới 9,942 VND, do nhiều sai phạm, theo các báo Việt Nam.
Sơn La: Thủy điện Sơn La ‘đội vốn’ đầu tư gần 60%, từ dự tính 31.000 – 37.000 tỷ lên 58.483,412 tỷ VND, theo báo Việt Nam hồi 11/2017.
TPHCM: Hai tuyến metro sẽ được điều chỉnh vốn tăng hàng tỷ USD, trong đó tuyến Bến Thành – Suối Tiên tăng 1,36 tỷ USD, tuyến Bến Thành – Tham Lương tăng 798,71 triệu USD, theo báo Việt Nam tháng 4/2018.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-44850638
Điểm thi bất thường tại Hà Giang: Có gian lận
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ngày 17/7 xác nhận một viên chức địa phương đã “trực tiếp can thiệp” vào kết quả thi Trung học Phổ thông của thí sinh ở tỉnh Hà Giang.
Giáo dục VN: Vừa ưu tiên vừa tước đi cơ hội
Các giáo sư ‘khóc thét’ với đề Toán THPT
Nghi vấn về kết quả thi điểm cao bất thường ở Hà Giang đã khiến chính quyền phải thanh tra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 17/7 loan báo ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.
Thông Tấn Xã Việt Nam nói cuộc điều tra còn đang tiếp tục để “củng cố hồ sơ để xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật”.
Giới chức đã tiến hành chấm thẩm định toàn bộ các bài thi trắc nghiệm của tất cả các thí sinh thuộc Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang.
Chênh điểm
Theo thông tin chính thức, kết quả thanh tra cho thấy có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm.
Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm; có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm.
Tương tự, cũng có sai phạm ở các bài thi Sinh, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh.
Kết luận ban đầu nói có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Các điểm số sau khi thẩm định sẽ được dùng thay thế cho toàn bộ kết quả thi trước đó do Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang công bố ngày 11/7
Kết quả thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2018.
Trước khi có thanh tra, tỉnh Hà Giang đã “nổi tiếng” vì điểm thi cao trong kỳ thi Trung học Phổ thông.
Cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên thì riêng Hà Giang đã có 36 em, chiếm 47,37% cả nước.
Nhưng kết quả này đã đặt ra nghi vấn, khiến Bộ Giáo dục phải thanh tra.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44850419
BOT Tân Đệ xả trạm vì mất quyền kiểm soát
Trạm thu phí BOT Tân Đệ ở Thái Bình cho biết đang chờ chỉ đạo của các cơ quan ban ngành để thu phí trở lại, sau hơn 1 tuần xả trạm không thu phí các loại xe do người dân và giới tài xế phản đối.
Thông tin được truyền thông trong nước loan đi hôm 17 tháng 7 cho biết, tình trạng người dân, các doanh nghiệp vận tải, tài xế phản đối BOT Tân Đệ đặt trên quốc lộ 10 huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình diễn ra hơn 1 tháng qua đến nay chưa có dấu hiệu giảm đi.
Lý do phản đối được người dân cho rằng trạm BOT Tân Đệ đã hết hạn thu phí nhưng phía nhà đầu tư vẫn duy trì hoạt động để hoàn kinh phí làm quốc lộ 10 đoạn tránh thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đây là điều bị giới tài xế và dân chung cho là hoàn toàn vô lý.
Để tránh tình trạng kẹt xe kéo dài, ban quản lý BOT Tân Đệ đã cho xả trạm lúc người dân phản đối và thu phí khi mọi thứ bình yên. Tuy nhiên, biện pháp giải quyết vẫn không mang lại được kết quả.
Vào ngày 16 tháng 7 trong cuộc họp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải, ông Nguyễn Văn Công yêu cầu Tổng Cục Đường bộ phối hợp với các cơ quan chức năng và nhà đầu tư xem xét miễn giảm phí các loại xe tại BOT Tân Đệ. Ngoài ra, cần phải đặt bảng điện tử công khai doanh thu, thời gian thu phí ở trạm để người dân giám sát.
Vấn đề thu phí đường bộ tại các trạm BOT trên cả nước đến nay vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo như ở BOT Tân Đệ, dù rằng vừa qua cả chính phủ và nhiều địa phương đề ra nhiều biện pháp để giải quyết cụ thể.
Nông dân Đặng Văn Hiến sẽ được miễn án tử?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Sau 4 ngày nông dân Đặng Văn Hiến bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình, đã có hơn 3500 chữ ký trong thỉnh nguyện thư, gửi đến lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, kiến nghị cứu xét miễn án tử hình đối với người nông dân nổ súng giữ đất ở Đăk Nông này.
Kiến nghị ân xá án tử
“Tôi muốn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước xin xem xét vụ án cho chồng tôi được giảm mức án hình phạt nhẹ nhất, để anh ấy được sớm trở về với cộng đồng và dạy dỗ con thơ nên người.”
Trên đây là lời bộc bạch trong nước mắt của bà Mai Thị Khuyên, vợ của tử tù nông dân Đặng Vă Hiến, chia sẻ trong một phóng sự video của VTC1, được trang hopecome.org, là trang nhà của Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng (Hope Community) đăng tải trong thỉnh nguyện thư gửi đến Chủ tịch nước, Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để kiến nghị cứu xét cho tử tù Đặng Văn Hiến một cơ hội được sống.
Tính đến 10 giờ tối ngày 16/07/18, 4 ngày sau phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo nông dân trong vụ nổ súng giữ đất ở Đăk Nông, khiến 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương, đã có gần 3600 chữ ký trong thỉnh nguyện thư xin ân xá cho ông Đặng Văn Hiến. Mục tiêu được đặt ra trong thỉnh nguyện thư này là phải đạt được 5.000 chữ ký vào hạn chót là ngày 19/07/18, đúng theo thời hạn 7 ngày phạm nhân tử tù được viết đơn xin ân xá án tử hình.
Tất nhiên các cơ quan chức năng phải tuân theo các quy định của pháp luật để xét xử và căn cứ vào mức án để kết luận là tử hình hay không. Đây là những việc làm theo quy trình của pháp luật là đúng rồi. Nhưng còn mức tối cao cuối cùng của Chủ tịch nước là xem xét các ý kiến đề xuất mà có thể chấp nhận được, thì Chủ tịch nước có thẩm quyền để quyết định vấn đề này. Xét về mặt nhân đạo và dư luận ủng hộ, thì theo quan điểm của tôi, các Đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri cũng đồng tình cho vấn đề không tử hình thôi-Cựu ĐBQH Lê Văn Cuông
Truyền thông trong nước đồng loạt đăng tin chi tiết đáng chú ý trong phiên tòa phúc thẩm, diễn ra vào ngày 12 tháng 7, là Hội đồng xét xử nhiều lần nhắc nhở bị cáo Đặng Văn Hiến có thời hạn 7 ngày để xin Chủ tịch nước Trần Đại Quang ân xá, giảm án. Bên cạnh đó, qua mạng xã hội Facebook, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, luật sư bào chữa cho ông Đặng Văn Hiến, chia sẻ là Chủ tọa, sau khi tuyên án, nói riêng với Luật sư Quynh rằng làm đơn xin ân giảm gửi lên Chủ tịch nước giúp bị cáo Hiến.
Đài RFA nêu vấn đề với cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông rằng dư luận trông đợi phiên tòa phúc thẩm sẽ cân nhắc kỹ lưỡng mức án dành cho nông dân Đặng Văn Hiến, khi bản thân ông Hiến ra đầu thú và người dân ở Đắk Nông lẫn gia đình của nạn nhân bị thiệt mạng cũng làm đơn kháng cáo bản án mà tòa sơ thẩm tuyên tử hình đối với ông Hiến; thế nhưng kết quả phiên tòa phúc thẩm y án tử hình gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người tham dự phiên tòa và của dư luận khắp nơi. Cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông đưa ra nhận xét của ông:
“Tất nhiên các cơ quan chức năng phải tuân theo các quy định của pháp luật để xét xử và căn cứ vào mức án để kết luận là tử hình hay không. Đây là những việc làm theo quy trình của pháp luật là đúng rồi. Nhưng còn mức tối cao cuối cùng của Chủ tịch nước là xem xét các ý kiến đề xuất mà có thể chấp nhận được, thì Chủ tịch nước có thẩm quyền để quyết định vấn đề này. Xét về mặt nhân đạo và dư luận ủng hộ, thì theo quan điểm của tôi, các Đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri cũng đồng tình cho vấn đề không tử hình thôi.”
Phiên tòa không có công lý
Trong khi đó, sau khi phiên tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến, nhiều luật sư quan tâm đến vụ án lên tiếng rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với các nông dân giữ đất ở Đăk Nông là một sự phỉ báng công lý, khi tòa án đã không xem xét thấu đáo căn nguyên của vấn đề là tranh chấp đất đai giữa một số hộ dân ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức với Công ty Long Sơn đã kéo dài 8 năm nhưng không được chính quyền giải quyết thỏa đáng và vụ việc nổ súng dẫn đến chết người là do Công ty Long Sơn tiến hành cưỡng chế sai pháp luật, đẩy các hộ dân đến hoàn cảnh cùng đường.
Một số các luật sư khẳng định tội danh “giết người” tuyên cho các bị cáo nông dân ở Đăk Nông là hoàn toàn không phù hợp với diễn biến vụ án cũng như hành vi của các bị cáo. Luật sư Lê Công Định cho rằng ông lấy làm tiếc vì Hội đồng xét xử đã không xem xét thấu tình đạt lý mọi tình tiết của vụ án, đặc biệt yếu tố quan trọng là tất cả bị cáo đều hành động tự vệ trong trạng thái tinh thần bị kích động trước sự tấn công và cướp phá tài sản ngang ngược của Công ty Long Sơn.
Luật sư Lê Công Định nhấn mạnh tòa án đã không phân tích đầy đủ những nguyên nhân và điều kiện trong quá trình phạm tội của các bị cáo. Luật sư Lê Công Định nhận định tòa phúc thẩm không những đã phớt lờ các yếu tố vừa nêu mà còn đưa thêm vào yếu tố “côn đồ” để tuyên y án sơ thẩm tử hình. Luật sư Lê Công Định phủ nhận yếu tố mà tòa phúc thẩm đưa ra qua trưng dẫn tình tiết nông dân Đặng Văn Hiến đã bắn chỉ thiên để cảnh cáo đoàn cưỡng chế của Công ty Long Sơn, nhưng các nhân viên của công ty này vẫn xông tới và ném đá vào các hộ dân, dẫn đến việc ông Hiến buộc phải nổ súng để tự vệ và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho 3 nhân viên của Công ty Long Sơn bị thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Luật sư Lê Công Định lập luận:
“Hành vi này lẽ ra phải được xem xét ở khía cạnh là cố tình gây thương tích, hoặc gây tổn hại sức khỏe, có tình tiết tăng nặng là dẫn đến chết người trong hành động vượt quá phòng vệ chính đáng. Điều này được quy định trong Bộ Luật Hình Sự năm 1999, tại Điều 106, với khung hình phạt tối đa là gây hậu quả nghiêm trọng chết nhiều người, thì mức tối đa chỉ 3 năm tù mà thôi.”
Bên cạnh đó, Luật sư Lê Công Định còn nêu lên yếu tố ông Đặng Văn Hiến ra đầu thú sau một thời gian lẩn trốn, bởi sự động viên của nhiều người rằng ông sẽ được hưởng khoan hồng:
“Việc ông trở lại đầu thú và nhận một bản án tử hình, chẳng những ở cấp sơ thẩm bị dư luận phản ứng kịch liệt mà lại tiếp tục bị y án ở cấp phúc thẩm. Như vậy chúng ta thấy nền công lý của Việt Nam rõ ràng bị đui mù. Họ hoàn toàn không nhìn ra được đâu là bản chất pháp lý của một vụ án như vậy và vẫn nhắm mắt xử theo yêu cầu chính trị của nhà cầm quyền cầm thôi.”
Một vụ án chính trị
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan yếu tố Hội đồng xét xử và chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nhắc nhở bị cáo Đặng Văn Hiến và luật sư bào chữa làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, Luật sư Lê Công Định nói rằng Chính quyền Việt Nam lo sợ sẽ có bất ổn chính trị nhiều hơn nếu thi hành bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến. Luật sư Lê Công Định quả quyết với RFA:
“Đây không phải là một vụ án thực sự về phương diện pháp lý mà là vụ án chính trị. Bởi vì nhà quyền Việt Nam đặt nhu cầu chính trị để trừng phạt những trường hợp phản ứng lại của những người nông dân mất đất và gửi một thông điệp cho xã hội là họ sẽ không bao giờ nương tay đối với những trường hợp như vậy.”
Hành vi này lẽ ra phải được xem xét ở khía cạnh là cố tình gây thương tích, hoặc gây tổn hại sức khỏe, có tình tiết tăng nặng là dẫn đến chết người trong hành động vượt quá phòng vệ chính đáng. Điều này được quy định trong Bộ Luật Hình Sự năm 1999, tại Điều 106, với khung hình phạt tối đa là gây hậu quả nghiêm trọng chết nhiều người, thì mức tối đa chỉ 3 năm tù mà thôi-LS.Lê Công Định
Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, nhà báo Mai Quốc Ấn, một trong những người trực tiếp thuyết phục nông dân Đặng Văn Hiến ra đầu thú chia sẻ trên trang Facebook cá nhân là anh đã đến thăm ông Hiến và động viên ông hãy vững niềm tin vào công lý. Tuy nhiên, ngay sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với ông Hiến, nhà báo Mai Quốc Ấn, cũng qua trang Facebook, cho biết “sẽ không chủ động tìm và vận động bất kỳ bị can nào ra đầu thú nữa bởi những công ty cướp đất dân bằng vũ lực, dựa trên những văn bản ép dân là rất nhiều tại Việt Nam!” và “tôi nhìn thấy một tương lai gần đầy u ám, khốc liệt hơn ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung liên quan đến mâu thuẫn đất đai….”.
Theo số liệu của Thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường công bố vào cuối tháng 7 năm 2017, trong tổng số hơn 1.500 đơn khiếu nại trong nửa đầu năm ngoái, có đến hơn 95% liên quan đến vấn đề đất đai tại Việt Nam. Và qua bản án tử hình đối với nông dân nổ súng giữ đất Đặng Văn Hiến, người dân Đồng Tâm cũng như các hộ dân Thủ Thiêm lên tiếng với RFA rằng bản án đó càng làm cho tinh thần giữ đất của họ tăng cao vì chính quyền xem thường nguyện vọng chính đáng của người dân, các cơ quan công quyền không bảo vệ quyền lợi và tài sản hợp pháp của dân chúng mà lại mặc nhiên trở thành công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích đi cướp đất của nhân dân nên người dân chấp nhận hy sinh tính mạng để tự tìm công lý cho mình trong tranh chấp đất đai.
Thời hạn xin cứu xét ân xá tử hình cho nông dân Đặng Văn Hiến chỉ còn lại vỏn vẹn 3 ngày và một vài hộ nông dân nghèo ở Đăk Nông đã lên đường đến Hà Nội để nộp đơn xin giảm án cho người hàng xóm cùng cảnh ngộ bị Công ty Long Sơn áp bức, mà phải chải chịu án tử với hy vọng như Facebooker Nguyễn Ngọc Chu cho là “Người dân khắp cả nước đang hướng về Chủ tịch nước, với một quyết định ân xá cho Đặng Văn Hiến sẽ làm vơi đi phần nào nỗi buồn trong lòng dân về một xã hội không còn mấy niềm tin vào lẽ phải”.
Chủ tịch nước yêu cầu kiểm tra lại
vụ nông dân bị tử hình Đặng Văn Hiến
Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam vào ngày 17-7 có công văn thông báo ý kiến của ông Trần Đại Quang yêu cầu Chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án người nông dân Đặng Văn Hiến và báo cáo Chủ tịch nước.
Nông dân Đặng Văn Hiến bị TAND tỉnh Đắk Nông, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phạt án tử hình trong vụ nổ súng giữ đất ở Đăk Nông, khiến 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Theo truyền thông trong nước, tuy tuyên án tử với bị cáo Hiến nhưng kết thúc phiên tòa, chủ tọa 2 lần nhắc ông Hiến làm đơn gửi Chủ tịch nước trong vòng 7 ngày để được xem xét giảm án tử hình. Sau khi nhận bản án, bị cáo Đặng Văn Hiến có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, miễn giảm tội tử hình.
Ngoài ra, liên tiếp những ngày sau đó, nhiều người dân và tổ chức đã tham gia ký thỉnh nguyện thư gửi cho Chủ tịch nước xin ân xá cho ông Đặng Văn Hiến. Mục tiêu đạt 5.000 chữ ký vào ngày 19/07/18, tức thời hạn chót ông Hiến được nộp đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước.
Năm 2008, Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất rừng tại Tiểu khu 1535 thuộc xã Quảng Trực để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Dù chính quyền địa phương đã yêu cầu công ty không được tự ý san ủi nhưng công ty Long Sơn đã tổ chức lực lượng hơn 30 cán bộ, bảo vệ chia thành 2 nhóm mang theo công cụ hỗ trợ vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của các hộ dân vào ngày 23/10/2016. Một số người dân có vườn cây bị phá đã dùng súng tự chế để chống lại lực lượng nhân viên của Công ty Long Sơn, làm 3 người thiệt mạng và 13 người bị thương.
Tại phiên trả lời chất vấn quốc hội ngày 6 tháng 6 năm 2018 ở Hà Nội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận nhiều khiếu kiện liên quan đất đai mà địa phương không giải quyết được tận gốc dồn lên cho trung ương. Hiện vẫn còn 70% khiếu kiện đất đai trong hơn 500 hồ sơ tồn đọng từ quốc hội khóa trước chưa giải quyết.
Mạng xã hội nói về vụ Tuổi Trẻ Online
Mạng xã hội bàn luận sôi nổi quanh chuyện phiên bản online của tờ báo hàng đầu của Việt Nam bị tạm ngưng ba tháng.
Từ hôm 17/7, những người truy cập website Tuoitre.vn chỉ còn thấy thông báo: “Thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông, báo Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) tạm dừng hoạt động đến ngày 16-10-2018.”
“Tuổi Trẻ Online gửi lời xin lỗi chân thành đến toàn thể bạn đọc vì không thể phục vụ bạn đọc trong thời gian này.”
“Tuổi Trẻ vẫn tiếp tục cập nhật tin tức, phóng sự điều tra, bình luận… trên nhật báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cuối tuần, Tuổi Trẻ Cười..”
Tuy vậy, fanpage của tờ báo này vẫn cập nhật đều đặn.
Vì sao Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng?
Báo VN sửa lời phát ngôn Chủ tịch Quang
Báo Tuổi Trẻ ‘làm rõ cáo buộc xâm hại tình dục’
‘Ngậm ngùi’ trong Ngày Tự do Báo chí
Một ngày trước, Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí điện tử của tờ Tuổi Trẻ Online, và phạt báo Tuổi Trẻ 220 triệu đồng.
Quyết định xử phạt do Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc ký, giải thích báo Tuổi Trẻ có hai hành vi “vi phạm hành chính”.
Một trong hai hành vi được kết luận là “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng” trong bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” đăng trên Tuoitre.vn ngày 19/6/2018.
Bài báo này ban đầu viết Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông “đồng tình với kiến nghị của cử tri” cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về việc này.
Cục Báo chí nói khi tiếp xúc cử tri ngày 19/6 ở TPHCM, ông Quang không phát biểu như vậy.
Vì bài này, báo Tuổi Trẻ phải đóng phạt 50 triệu đồng, phải cải chính, xin lỗi.
‘Tăng cường kiểm duyệt’
Giới truyền thông chia sẻ nhiều góc nhìn về lệnh đình bản Tuổi Trẻ Online của Cục Báo chí trên Facebook hôm 17/7. BBC ghi nhận một vài ý kiến trong số đó:
Nhà báo Khôi Nguyên, báo Người Việt (California, Mỹ) viết trên Facebook: “Bạn có tin là phóng viên, biên tập viên mảng ‘chính trị xã hội’ của một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ dám ‘dựng đứng’ lời phát biểu của ông Chủ tịch nước hay không? Tôi thì tôi không tin! Tôi nói điều này kể cả sau khi đã đọc lời ‘cải chính’ của báo Tuổi Trẻ.”
Nhà báo Hoàng Tư Giang, báo Tuần Việt Nam/VietNamNet: “Rất buồn nhưng đúng/sai thì nhận. Đó mới là cách đứng dậy văn minh, mạnh mẽ hơn! See you in 3 months (Hẹn gặp lại ba tháng tới), Tuổi Trẻ.”
Blogger Dương Tú từ Hoa Kỳ chia sẻ: “Về bài “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình”, ông Trần Đại Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM với vai trò đại biểu Quốc hội chứ không phải Chủ tịch nước. Do đó, nếu Tuổi Trẻ đưa tin không đúng về phát biểu của một đại biểu Quốc hội, đại biểu đó có quyền yêu cầu báo chí cải chính, xin lỗi, hoặc kiện ra tòa. Tuổi Trẻ và cử tri có quyền chất vấn đại biểu Quang về phát biểu này cũng như quan điểm của ông Quang về luật biểu tình.”
“Về thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?”, với tiền lệ này, nếu muốn phạt hay đình bản bất kỳ tờ báo nào, chỉ cần cử một nhóm chuyên đi bình luận “gây mất đoàn kết dân tộc” dưới các bài báo. Chờ các báo không xóa kịp bình luận là chụp ngay màn hình để xử lý.”
“Nói cách khác, quyết định xử phạt Tuổi Trẻ là thông điệp về tiếp tục tăng cường kiểm duyệt, siết chặt tự do ngôn luận đối với cả báo chí lẫn bạn đọc.”
Ông Đặng Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Trước đây là dẹp tiệm báo Sài Gòn Tiếp Thị, bây giờ là đình bản Tuổi Trẻ online ba tháng. Đó là những tờ báo duy trì mạng sống bằng tiền của người đọc, không phải bằng tiền của ngân sách, càng không phải bằng tiền của Đảng.”
“Đình bản hay đóng cửa thì cùng lắm Đảng chỉ bố trí được công việc cho lãnh đạo báo là cán bộ thuộc cấp ủy quản lý. Hàng trăm người lao động khác cùng gia đình họ mất việc, mất ăn, mất học không có trong lo lắng của các vị. Các vị được nuôi bằng tiền của dân mà dân có đuổi được các vị ra đường đâu.”
“Các vị không nuôi chúng tôi ngày nào, người nuôi chúng tôi cũng đang nuôi chúng tôi tử tế, các vị không cho họ nuôi nữa bằng cách tước của họ quyền tiếp cận sản phẩm. Các vị nói tự do báo chí không mắc cỡ miệng khi quyền tự do ấy chỉ là quyền tự do đình bản, dẹp tiệm báo chí.”
“Các vị có quyền, nhưng dữ lắm là tới cán bộ của các vị. Có xử lý ngang ngược kiểu nào thì cũng là chuyện trong tổ chức của các vị. Tờ báo là của người đọc. Cũng như đất nước này là của nhân dân.”
Kinh nghiệm ’50 năm làm báo hai lề’
Blogger Mẹ Nấm đoạt giải Tự do Báo chí Quốc tế 2018
Báo chí VN ‘mạnh mẽ’ viết về Gạc Ma 1988
Nhà báo Huy Đức, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ: “Tôi không đủ các dữ liệu để đánh giá thiệt hại về vật chất và thương hiệu cho Tuổi Trẻ khi bản online bị đóng cửa. Trong thời đại ngày nay, bản online, cho dù doanh thu trực tiếp có thể ít hơn, nhưng nó là một “chân” của tờ báo, nó giúp tờ báo in lan toả, giúp gia tăng giá trị (thương hiệu) và thu nhập. Tổn thất này của Tuổi Trẻ là vô cùng to lớn.”
“Trong hệ thống thứ bậc chính trị, Tuổi Trẻ, tuy chỉ là một tờ báo cấp phòng nhưng sức lan tỏa của nó lớn hơn rất nhiều những tờ cấp bộ và cấp vụ khác.”
“Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo báo chí nhất và chuyên nhiệp nhất. Nhưng, ở góc độ công cụ tuyên truyền cho chế độ, Tuổi Trẻ cũng là đắc lực nhất. Trong không gian thông tin ngày nay, đình bản bản online những tờ báo chính thống như Tuổi Trẻ tuy có gây thiệt thòi cho người đọc nhưng xét kỹ, chính hệ thống tuyên truyền của Đảng mới thiệt hại rất nhiều.”
Ông Trung Bảo, cựu phóng viên báo Thanh Niên: “Cho đến giờ vẫn chưa có gì thay đổi quyết tâm “lãnh đạo toàn diện” đất nước của đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng mọi thứ đều đã được luật hóa. Tôi tự hỏi tại sao với báo chí, đảng cầm quyền lại không để nó vận hành như một doanh nghiệp.”
“Chịu sự chi phối và điều phối bởi các bộ luật như mọi chủ thể khác đang hoạt động trên đất nước này. Có thể nhiều người ủng hộ quyền lực của đảng sẽ nạt nộ: “Thế thì loạn à?”, nhưng hãy nhớ lại chỉ 20 năm trước đây thôi thị trường chứng khoán vẫn còn bị coi là “công cụ bóc lột của giới chủ tư bản” trong nhiều văn kiện đảng, lùi xa hơn là 30 năm trước, doanh nghiệp tư nhân vẫn là một hình thức “người bóc lột người”.
“Báo chí cũng vậy, cũng chỉ là một “diện” của đời sống mà đảng Cộng sản muốn quản lý. Có muốn hay không thì báo chí cũng sẽ tìm cho được cách hoạt động tự do, bởi những nhu cầu bắt buộc của xã hội. Vậy hãy quản lý bằng cách rút dần bàn tay điều hành trực tiếp ra khỏi lĩnh vực này mà để thị trường điều tiết và chi phối bằng luật pháp.”
“Đồng thời, xin tha cho người làm báo cái vai trò “chiến sĩ thông tin” để rồi ra ân, ra uy bằng cái thẻ nhà báo. Hãy để họ được làm báo bằng các quy tắc nghề nghiệp đã có từ hàng trăm năm nay, đừng bắt những nhà báo có lương tâm phải đau khổ khi đứng trước những sự thật không được chuyển lên mặt báo, phải tủi nhục khi ai ai cũng có thể khinh khi rẻ rúng một nghề nghiệp đầy cao quý như nghề báo.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44836871
Các nhà lập pháp Mỹ gửi thư kêu gọi
đến Facebook và Google về Luật ANM VN
Có 17 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi giới chức điều hành cấp cao Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mà chính phủ Việt Nam vừa thông qua hôm 12 tháng 6. Những thay đổi được qui định trong luật này bị giới chỉ trích nói là tạo thêm quyền để nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo đàn áp đối lập.
“Nếu chính phủ Việt Nam ép buộc công ty của các bạn hỗ trợ việc cung cấp và kiểm duyệt, thì đây là một vấn đề đáng lo ngại cần phải được nêu ra ở mức cao nhất của ngoại giao. Chúng tôi đề nghị các bạn nên thực thi đúng nhiệm vụ các bạn đã cam kết là thúc đẩy sự cởi mở và kết nối”
Đó là nội dung trong lá thư của một nhóm 17 nhà lập pháp Hoa Kỳ gửi đến các CEO của Facebook và Google mà hãng tin Reuters có được và loan đi hôm thứ Ba 17/7/2018.
Reuters dẫn lời ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành của Liên minh Internet Châu Á (AIC), một nhóm công nghệ đã nỗ lực yêu cầm giảm nhẹ những nội dung của luât này trước khi nó được thông qua, rằng Luật An Ninh Mạng tác động bất lợi đến Việt Nam như là một là một nơi thu hút đầu tư nước ngoài..
Đại diện cho 11 thành viên của AIC trong tuyên bố trả lời thư của 17 nhà lập pháp Hoa Kỳ, ông Jeff Paine cho biết, Việt Nam sẽ cần một cách tiếp cận tiến bộ hơn và có các quy định thông minh về công nghệ internet và các dịch vụ kỹ thuật số để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và người dân trong thời gian dài.
Phía chính phủ Việt Nam chưa có phản hồi về những yêu cầu được nêu ra.
Luật An ninh mạng được quốc hội Việt Nam thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.
Việt Nam thắng thầu cung cấp gạo cho Hàn Quốc
Công ty Cổ Phần Thương Mại & Công Nghệ Tân Long-JSC, một thành viên Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, là đơn vị thắng thầu cung cấp gạo cho Chính phủ Hàn Quốc, trong đó có 2800 tấn gạo trắng hạt dài. Như vậy tổng cộng trong năm nay, JSC sẽ cung cấp 110 ngàn tấn gạo cho Hàn Quốc, trong đó có 50 ngàn tấn đã giao hồi tháng năm, và 60 ngàn tấn giao vào tháng 9 tới đây.
Những thông tin này được báo mạng chuyên về thương mại của Philippines là Business Inquirer trích dẫn những nguồn tin từ Công ty Tân Long cũng như giới mua bán gạo tại Việt Nam.
Có một số điểm đáng chú ý trong thương vụ này, theo tờ báo Philippines, đó là Tân Long là công ty Việt Nam duy nhất thắng thầu, đánh bại các đối thủ quốc tế là các công ty Trung Quốc, Thái Lan, Úc để cung cấp gạo cho một thị trường khó tính như Hàn Quốc.
Điều thứ hai là loại gạo Japonica được trồng ở Việt Nam hơn 10 năm nay lần đầu tiên được bán giá cao nhất đối với gạo Việt Nam từ trước đến nay là 700 đô la Mỹ một tấn.
Điều thứ ba là Chính phủ Việt Nam đã bỏ bớt những điều kiện mua bán gạo, tạo điều kiện cho những công ty tư nhân như Tân Long xuất khẩu gạo, giảm lệ thuộc quá lớn vào những tập đoàn nhà nước như Vinafood.
Công ty Tân Long nói rằng họ đã hợp tác chặt chẽ với những người trồng lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long để sản xuất ra gạo có phẩm chất cao, trong đó có loại Japonica được thị trường các nước Hàn, Nhật ưa chuộng.
Hồi năm ngoái Tân Long cũng đã xuất 41 ngàn tấn gạo sang Hàn Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất được một lượng gạo trị giá 1 tỉ 810 ngàn đô la Mỹ, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Và điều đặc biệt là phẩm chất gạo đã gia tăng rất đáng kể.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam, chiếm 30% tổng lượng xuất khẩu, tiếp theo là Indonesia 19%.
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý sai phạm đất đai
Ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình của chính phủ Việt Nam ngày 17 tháng 7 có yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả xử lý các vụ sai phạm về đất đai trước ngày 1/8 tới đây.
Theo đó có tổng cộng 8 vụ việc cụ thể được nêu ra, như việc quy hoạch mạng lưới giáo dục, y tế, giải quyết các dự án nhà ở của Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Hoàng Nam và Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc; dự án khu chung cư Lê Thành; dự án khu chung cư của công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương chậm tiến độ. Ngoài ra còn có 17 dự án chồng lấn hành lang an toàn giao thông; các dự án xây dựng để trống tại khu đô thị mới Nam thành phố; cũng như việc bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án khác.
Trong cùng ngày, tại Hà Tĩnh, ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này lên tiếng thừa nhận tính từ năm 2011 đến tháng 6 năm nay, Hà Tĩnh có hơn 800 tổ chức được giao cho thuê đất, trong đó có 180 dự án của 173 tổ chức có dấu hiệu vi phạm. Những vi phạm này bao gồm chậm tiến độ đầu tư, chưa triển khai dự án và sử dụng đất không hiệu quả.
Cũng tin liên quan sai phạm trong quản lý đất đai, ngày 17 tháng 7, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cùng nhiều nguyên lãnh đạo, cán bộ Phòng tài nguyên và Môi trường thành phố này đã phải hầu tòa vì những sai phạm quản lý đất đai và tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khi còn đương chức.
Các bị cáo bao gồm Phan Hòa Bình (nguyên Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu), Trương Văn Trí (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu), Vũ Quốc Tuấn (nguyên Trưởng phòng TNMT), Nguyễn Trung Quốc (nguyên cán bộ Phòng TNMT) và Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Vũng Tàu).
Tin cũng cho biết có tổng cộng 287 người bị hại và hơn 500 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án này.
Theo cáo trạng, những bị cáo này đã mắc nhiều sai phạm trong việc phê duyệt hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty Cổ phần Địa ốc An Khang để thực hiện dự án khu Trung tâm thương mại và Nhà ở cao cấp tại phường 11, TP. Vũng Tàu mặc dù hồ sơ của công ty này không hợp lệ. Số đất được chuyển đổi trái phép trong vụ án này lên đến 87.000 m2.