Tin khắp nơi – 16/07/2018
Bắt đầu hội nghị thượng đỉnh Trump – Putin
Helsinki, Phần Lan – Vào lúc 4 giờ 10 phút chiều Thứ Hai 16/07, tại thành phố Helsinki, Phần Lan, tổng thống Donald Trump và Putin đã cùng bắt tay nhau trước khi cả hai cùng chính thức tham dự cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai cường quốc thế giới.
Một viên chức Phần Lan cho biết hai lãnh đạo vẫn còn họp trong phòng, hơn 2 tiếng đồng hồ sau khi họ bắt đầu cuộc họp tại Hội Trường Gothic của Dinh Tổng thống ở thành phố Helsinki. Tòa Bạch Ốc lên kế hoạch cho một cuộc gặp chỉ có 90 phút, và trong phòng sẽ không có một người nào tham dự ngoài một thông dịch viên của mỗi bên.
Trong lúc ông Trump và Putin thương thảo để vẽ lại bản đồ trật tự thế giới, các nước phương Tây lo lắng rằng tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ lấn át tổng thống Trump trong hội nghị diễn ra hôm nay. Cuộc khủng hoảng Syria đang rất được chú ý vì kết quả thảo luận của hai nhà lãnh đạo về vấn đề này, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Hiện tại, ông Trump vẫn dựa vào lòng tin với ông Putin để thiết lập một chính sách Hoa Kỳ ở Syria. Theo đó, ông Trump sẽ thuyết phục ông Putin yêu cầu Iran rút quân khỏi Syria, vì sự hiện diện của đội quân Iran đang là mối đe dọa đối với Israel và các đồng minh Hoa Kỳ.
Vấn đề Syria đang là phép thử cho một mối quan hệ Nga – Mỹ tốt đẹp mà ông Trump muốn đạt được. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phía Hoa Kỳ sẽ chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào của Nga. Bởi vì tổng thống Trump tỏ ý không muốn can thiệp vào Syria, và cho rằng Nga có khả năng giải quyết khủng hoảng Syria.
Các nhà ngoại giao phương Tây nhận định rằng, Nga sẽ không thể thuyết phục Iran rút khỏi Syria, vì quân đội Iran đã đầu tư hàng tỷ Mỹ Kim để giữ vững sự hiện diện của nước này ở Syria. Suốt nhiều năm qua, Nga và Iran đã âm thầm củng cố mối quan hệ giữa hai nước, và có chung một mục tiêu là cản trở các nước phương Tây và ngăn cản Hoa Kỳ lãnh đạo trật tự thế giới. Viên chức Iran khẳng định, mối quan hệ giữa Nga và Iran sẽ không bị ảnh hưởng vì hội nghị thượng đỉnh Trump – Putin.
Một viên chức ngoại giao giấu tên nhận định rằng, nếu Nga vẫn từ chối hợp tác với phương Tây và ủng hộ chính quyền Assad thì nội chiến Syria sẽ còn tiếp tục. Khi đó, mong muốn rút khỏi khủng hoảng Syria của ông Trump sẽ không bao giờ thành hiện thực. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/bat-dau-hoi-nghi-thuong-dinh-trump-putin/
Thượng đỉnh Nga – Mỹ :
Putin hy vọng phá vỡ vòng vây
Tương tự như Washington, Matxcơva cũng không mong chờ là cuộc gặp ở Helsinki đem lại nhiều kết quả. Nhưng theo giới quan sát, thượng đỉnh Nga –Mỹ đầu tiên dưới nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump là cơ hội để Vladimir Putin phá vỡ thế cô lập của Nga trên bàn cờ quốc tế.
Về mặt hình ảnh và truyền thông, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga băng giá, cuộc gặp chiều nay giữa Donald Trump và Vladimir Putin có tầm mức quan trọng không kém thượng đỉnh Singapore giữa nguyên thủ Mỹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Vài giờ trước thượng đỉnh Nga-Mỹ đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, thật khó đoán trước kết quả cuộc họp giữa hai nguyên thủ có cá tính rất khác nhau như Donald Trump và Vladimir Putin.
Trong lúc ông Trump qua Twitter liên tục đề cập đến quan hệ Nga-Mỹ, thì ngược lại Putin hoàn toàn im lặng về mục đích, chiến lược và những gì ông mong đợi có được từ thượng đỉnh Helsinki.
Chiều nay, tại dinh tổng thống Phần Lan, nguyên thủ Nga sẽ bắt tay tổng thống Mỹ, sau khi vừa tổ chức thành công mỹ mãn Cúp bóng đá thế giới 2018. Với công luận trong nước, Vladimir Putin vừa đắc cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Ông là người đã đưa bán đảo Crimée về lại cho nước Nga, đương đầu với phương Tây đang trừng phạt Matxcơva can thiệp vào Ukraina, thành công rực rỡ trên mặt trận Syria.
Riêng với Mỹ, quan hệ giữa Matxcơva và Washington đã xấu đi đáng kể trong những tháng cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, ông Putin cũng đã tưởng dễ dàng nói chuyện với chính quyền Trump, cho tới khi nghi án điện Kremlin can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ được phơi bày ra ánh sáng và Washington liên tiếp gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước Nga. Gần đây nhất là vụ tư pháp Hoa Kỳ truy tố 12 “gián điệp Nga thâm nhập thư điện tử của đảng Dân Chủ” trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trước ngần ấy thách thức trong quan hệ Mỹ -Nga, theo phân tích của chuyên gia Alexandre Gabouev, viên nghiên cứu Mỹ Carnegie, thượng đỉnh Helsinki lần này “trước hết là cơ hội để Vladimir Putin chứng minh với công luận trong nước và với một số nước châu Âu, rằng Nga không trong thế cô lập“.
Về thực chất, giới quan sát cho rằng, tổng thống Nga đến Helsinki trong thế thượng phong và ông có nhiều điểm tương đồng với Donald Trump.
Lợi thế thứ nhất của Vladimir Putin là ông biết khá rõ tâm lý nguyên thủ Mỹ. Theo nhãn quan của Vladimir Putin, Donald Trump là “một doanh nhân giàu kinh nghiệm” và có “nhiều ưu điểm“. Tổng thống Hoa Kỳ là người có đầu óc “thực tiễn“, dù không có kinh nghiệm chính trị nhưng Trump đã “học hỏi rất nhanh” và bất chấp bề ngoài sôi nổi nhưng thật ra, tổng thống Mỹ là người “biết lắng nghe và người ta có thể tìm được đồng thuận với ông ấy“.
Lợi thế thứ hai của tổng thống Putin, là chiều nay, ông sẽ ngồi vào bàn đàm phán với một nguyên thủ Mỹ mà lập trường về Nga không mấy rõ ràng, nhưng không hẳn là bất lợi cho Matxcơva.
Tổng thống Donald Trump khi thì dùng đòn hù dọa, khi lại có những lời lẽ ve vãn nước Nga. Điển hình là tổng thống Hoa Kỳ tại thượng đỉnh G7 Canada, quy tụ 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, đã đề nghị mời Nga quay trở lại câu lạc bộ này. Cũng tổng thống Trump tại thượng đỉnh NATO đã tố cáo một đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là Đức mua khí đốt của Nga, bị Matxcơva thao túng. Nhưng Donald Trump không ngớt lời chỉ trích NATO, liên tiếp chĩa mũi dùi vào cả Liên Hiệp Châu Âu. Điều đó vô hình chung, biến Donald Trump thành một “đồng minh” của Putin.
Do vậy, vẫn theo chuyên gia của viện nghiên cứu Carnegie, Alexandre Gabouev được tờ Le Figaro trích dẫn, tương tự như ông Trump, Putin không mấy thiết tha với mô hình thế giới đa cực kiểu của phương Tây. Thêm vào đó, Donald Trump đã công khai xếp Liên Hiệp Châu Âu vào danh sách các địch thủ của Mỹ, ngang hàng với Trung Quốc và Nga. Thái độ trở mặt của nguyên thủ Mỹ với các đồng minh châu Âu là bằng chứng rõ rệt nhất để Nga thuyết phục những cột trụ trong đại gia đình châu Âu, như là Pháp và Đức, đi tìm một điểm tựa khác, là Matxcơva.
Chuyên gia của viện Carnegie bồi thêm : có lẽ vì mục đích này mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng 5/2018 đã viếng thăm Saint Petersburg, quê hương của Putin. Với nước Đức, điện Kremlin vẫn ý thức rằng thủ tướng Angela Merkel luôn ủng hộ các biện pháp cứng rắn trừng phạt Nga can thiệp vào Ukraina, nhưng điều đó không cấm cản Matxcơva lên tiếng bênh vực khi Berlin bị Washington chỉ trích mua khí đốt của Nga.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180716-thuong-dinh-nga-%E2%80%93-my-putin-hy-vong-pha-vo-vong-vay
Thượng đỉnh Trump-Putin mở ra
vào lúc Nga-Mỹ nhiều bất đồng
Vào trưa nay, 16/07/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã họp thượng đỉnh tại Helsinki, thủ đô Phần Lan. Hội nghị đã mở ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang có rất nhiều căng thẳng, trên một loại vấn đề, từ nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, cho đến Syria.
Theo ghi nhận của AFP, trên phương diện cá nhân, cả hai lãnh đạo Mỹ và Nga đều đã nhiều lần tỏ ý muốn xích lại gần nhau hơn, cải thiện bang giao giữa hai nước, bất chấp nhiều căng thẳng chính trị và ngoại giao đang có giữa hai nước.
Như để tỏ thiện chí cải thiện quan hệ Mỹ-Nga của bản thân ông, trong một tin nhắn Twitter vào hôm nay, trước lúc cuộc họp mở ra, ông Trump đã đổ lỗi cho các chính quyền tiền nhiệm Obama là đã quá « ngu dốt » làm cho quan hệ Washington-Mátxcơva xấu đi đến mức tồi tệ như hiện nay.
Tuyên bố mới nhất của ông Trump đã lại khiến nhiều nhà quan sát lo ngại rằng tổng thống Mỹ sẽ nhượng bộ tổng thống Nga Putin quá trớn trong buổi họp hôm nay.
Trên hồ sơ Syria chẳng hạn, trong lúc ông Trump nôn nóng muốn rút Mỹ ra khỏi cuộc tranh chấp này, trong lúc ông Putin lại muốn Nga đóng vai trò số một trong khu vực.
Về hồ sơ Crimée cũng thế, từ nhiều tuần lễ nay, tổng thống Mỹ duy trì thái độ mập mờ về việc công nhận quyền của Nga sáp nhập bán đảo vốn thuộc quyền quản lý của Ukraina.
Một hồ sơ khác gây khó khăn là cuộc điều tra đang tiến hành tại Mỹ, liên quan đến việc Nga tích cực can thiếp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Ba ngày trước đây, tư pháp Mỹ đã truy tố 12 nhân viên tình báo Nga về tội tấn công tin học vào hệ thống máy tính của bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống đảng Dân Chủ năm 2016.
Đối với thông tín viên RFI Quentin Dickinson, từ Bruxelles, hai nhân vật Donald Trump và Vladimir Putin có tính cách rất khác biệt nhau, nhưng nhiều điều ông Trump đã làm trong thời gian qua lại rất có lợi cho Nga:
« Một bên là Vladimir Putin, người có đầu óc tính toán lạnh lùng, bài bản, sử dụng ngôn từ phũ phàng có chủ đích. Còn bên kia là Donald Trump, người thường khoe khoang là chưa bao giờ cần đọc trước hồ sơ, chưa bao giờ cần phải chuẩn bị trước một cuộc gặp ở bất kỳ cấp nào.
Mục đích của tổng thống Trump, nhân danh lô gíc tính toán tài chính, muốn xem xét lại tất cả các cấu trúc quan hệ quốc tế đa phương, vốn từ năm 1945 đến nay, đã ít nhiều bảo đảm được mức độ tối thiểu về hòa bình, phồn thịnh và ổn định trong quan hệ giữa tất cả các nước trên thế giới.
Trong khi đó, mục đích của tổng thống Putin là mở rộng ảnh hưởng của nước Nga, bất chấp thực trạng nền kinh tế quốc gia, nhằm phục hồi một cường quốc quân sự và thông qua các mạng xã hội, tiến hành thao túng công luận các nước phương Tây.
Đối với nguyên thủ Mỹ, tổng thống Nga là một nhân vật phù hợp với tầm cỡ và khả năng của ông và sẽ không phải vất vả gì để thuyết phục là quan điểm Nước Mỹ Trước Đã, của ông rất xác đáng.
Còn đối với nguyên thủ Nga, vui mừng vì sự suy yếu của NATO, của Liên Hiệp Quốc, nhóm G7 và Liên Hiệp Châu Âu mà các hoạt động của Donald Trump gây ra, thì tổng thống Hoa Kỳ hoàn toàn phù hợp với khái niệm Kẻ Ngốc Hữu Dụng, rất được bộ máy tuyên truyền Nga chú trọng từ một thế kỷ nay ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180716-thuong-dinh-trump-putin-mo-ra-vao-luc-nga-my-nhieu-bat-dong
TT Trump: ‘Mỹ ngu ngốc,
quan hệ với Nga xấu chưa từng thấy’
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/7 hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và nói rằng ông muốn có quan hệ tốt đẹp với Nga.
Phát biểu này được đưa ra ít lâu sau khi ông Trump tự đổ lỗi rằng “Mỹ quá ngu ngốc” trong nhiều năm nên làm cho mối quan hệ Mỹ – Nga xấu chưa từng thấy.
Reuters đưa tin rằng ông Trump đã mở đầu cuộc hội đàm với lời lẽ ấm áp dành cho nhà lãnh đạo Nga tại phủ tổng thống của Phần Lan.
Lãnh đạo Mỹ nói rằng ông có một mục tiêu lâu dài là cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.
Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời. Tôi cũng mong là như vậy. Lâu nay tôi vẫn nói như vậy, và tôi chắc chắn rằng nhiều năm qua ngài cũng đã nghe như thế, và khi tôi vận động tranh cử, [tôi nói] việc hợp tác với Nga là một điều tốt, không phải là một điều xấu.”
Trước đó, trên trang Twitter của mình, ông Trump viết: “Quan hệ của chúng ta với nước Nga xấu chưa từng thấy do sự ngu ngốc nhiều năm qua của Mỹ và giờ đây là cuộc truy sát chính trị bị thao túng,” ám chỉ tới cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp vào bầu cử 2016 mà ông Trump từng lên tiếng bác bỏ.
Ngay sau đó, Bộ ngoại giao Nga đã “thích” lời bình luận của ông Trump trên Twitter, và tweet lại rằng “chúng tôi đồng ý”.
Thế nhưng tại Mỹ, các tiếng nói chống đối ông Trump từ phe Dân chủ cho rằng ông đang biến Tòa Bạch Ốc thành “cánh tay truyên truyền cho Điện Kremlin.”
Trên Twitter, bà Hillary Clinton, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử năm 2016, viết: “Giải World Cup tuyệt vời. Câu hỏi cho Tổng thống Trump khi ông gặp ông Putin: Ông có biết ông chơi cho đội nào hay không?”
Trước cuộc gặp giữa nguyên thủ Mỹ và Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đủ thực tế để chấp nhận việc ông Trump đặt lợi ích nước Mỹ lên đầu. Tuy nhiên, ông Putin vẫn hy vọng nước Mỹ sẽ tôn trọng Nga để xây dựng quan hệ đôi bên cùng có lợi, theo hãng tin RT.
Trả lời phỏng vấn độc quyền hãng tin RT trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ sự thấu hiểu đối với nguyên tắc “nước Mỹ trên hết” gây tranh cãi nhưng cũng rất thực tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Nguyên tắc này có thể áp dụng với bất kì nguyên thủ quốc gia nào. Những người lãnh đạo đất nước khi đàm phán với các đối tác nước ngoài buộc phải quan tâm đến lợi ích quốc gia của mình. Tổng thống Putin khá nhất quán và thực tế. Ông luôn nói rằng mình quan tâm đến lợi ích của Nga hơn bất kì thứ gì khác. Đó là lý do vì sao ông ấy hiểu được quan điểm của Tổng thống Mỹ Trump”, ông Peskov nói.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Trump và Tổng thống Nga Putin dự kiến diễn ra vào hôm nay 16/7 tại Phủ Tổng thống Phần Lan ở thủ đô Helsinki và hai bên sẽ tổ chức họp báo chung sau buổi hội đàm.
Mỹ bác đề xuất miễn trừ của EU
về lệnh trừng phạt Iran
Hoa Kỳ bác đề xuất của lãnh đạo Liên minh châu Âu về được miễn trừ lệnh trừng phạt Iran cho các công ty châu Âu đầu tư ở quốc gia Trung Đông.
Trong thư gửi cho các quốc gia châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ bác đề xuất vì muốn áp lực tối đa lên Iran.
Thư nói quyền miễn trừ sẽ chỉ được cấp nếu đem lại lợi ích an ninh quốc gia cho Mỹ.
Pháp lên án Mỹ về lệnh trừng phạt Iran
Mỹ tăng áp lực trừng phạt lên Iran
Mỹ: ‘trừng phạt mạnh chưa từng có’ với Iran
Iran sẽ ‘trả đũa’ lệnh trừng phạt của Trump
EU lo ngại có thể thiệt hại hàng tỷ đôla đầu tư, thương mại với Iran do các biện pháp trừng phạt mới của Washington.
“Chúng tôi sẽ tìm cách tăng áp lực tài chính chưa từng thấy đối với chính quyền Iran”, bức thư viết. Văn bản này có chữ ký của Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin, NBC News đưa tin.
Thư viết thêm rằng Hoa Kỳ “không thể đưa ra ngoại lệ cho chính sách này, ngoại trừ trong những trường hợp rất riêng biệt”.
Các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đã được ấn định vào tháng 5/2018 sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận nghĩa là các lệnh trừng phạt có trước thỏa thuậ được áp dụng trở lại.
Động thái này tương phản với của Pháp, Đức và Anh – những nước cam kết giữ thỏa thuận.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44836865
Tàu chiến Mỹ mang tên Thượng nghị sĩ McCain
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard V. Spencer đã vinh danh Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John S. McCain III và chính thức đặt tên ông cho tàu khu trục USS John S. McCain (DDG 56) trong một buổi lễ được tổ chức trên tàu này vào ngày 12/7, theo trang thông tin của Hải quân Mỹ.
Được ủy nhiệm vào năm 1994, tàu khu trục USS John S. McCain mang tên của thân phụ của Thượng nghị sĩ McCain, Đô đốc John S. McCain, Jr., cựu Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ; và ông nội của ông là Đô đốc John S. McCain, một tư lệnh đặc nhiệm của Hải quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Thượng nghị sĩ John S. McCain III, từng là một phi công hải quân trong Chiến tranh Việt Nam, tiếp tục di sản đáng tự hào của gia đình.
Trang thông tin của Hải quân Mỹ nói rằng ông McCain bị giam cầm hơn 5 năm ở Việt Nam khi là tù nhân chiến tranh, và ông đại diện cho nước Mỹ một cách danh dự, và chí công vô tư.
Một thông cáo của Bộ trưởng Hải quân Mỹ mới chính thức vinh danh ba thế hệ gia đình McCain phục vụ cho Hải quân và quốc gia Hoa Kỳ.
Trong thông cáo, ông Spencer nói: “Hôm nay, chúng ta đặt thêm tên của Thượng nghị sĩ John S. McCain cho chiếc tàu hùng mạnh đã mang tên di sản của thân phụ và ông nội của ông”.
Sau khi rời ngành Hải quân, Thượng nghị sĩ McCain tiếp tục phục vụ quốc gia trong Quốc hội Hoa Kỳ, ban đầu là một dân biểu và sau đó là thượng nghị sĩ đại diện cho bang Arizona cho đến ngày nay.
Ông đã quan tâm rất nhiều đến đội tàu khu trục và thủy thủ đoàn. Gần đây nhất, vào tháng 6/2017, ông đến thăm tàu tại cảng Cảng Quốc tế Cam Ranh của Việt Nam.
Tàu USS John S. McCain thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, được triển khai tại thành phố Yokosuka, Nhật Bản.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-chien-my-mang-ten-thuong-nghi-si-mccain/4484534.html
Facebook sẽ không xóa tin giả
Công ty của Mark Zuckerberg nói sẽ không xóa các tin giả đăng trên Facebook vì cho rằng chúng không vi phạm ‘tiêu chuẩn cộng đồng’.
Facebook hiện đang tiến hành một chiến dịch quảng cáo ở Anh Quốc với tuyên bố ‘tin giả không phải là bạn của chúng ta’.
Nhưng công ty này cho rằng những người đăng tin thường có “quan điểm rất khác nhau” và loại bỏ các bài đăng ‘bịa đặt’ sẽ “trái với các nguyên tắc cơ bản của tự do ngôn luận”.
Thay vào đó, Facebook cho hay sẽ ‘giáng cấp’ các bài viết mà họ cho là tin giả trong phần New Feeds.
Facebook đã bị điều tra kỹ lưỡng về vai trò của công ty này trong việc truyền bá tin tức giả sau khi có bằng chứng rằng Nga đã cố gắng gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ thông qua mạng xã hội.
Tin giả ‘bay nhanh’ hơn tin thật
‘Kiếm hàng chục ngàn euro một tháng’ nhờ tin giả về Trump
Châu Á trong cuộc chiến chống ‘tin giả’: cấm hay không?
Hôm thứ Tư 11/7, Facebook đã tổ chức một sự kiện ở New York, nơi công ty tìm cách thuyết phục các nhà báo rằng họ đang giải quyết vấn đề.
Phóng viên CNN Oliver Darcy hỏi làm thế nào Facebook có thể giải quyết được việc lan truyền các thông tin sai lạc trong khi vẫn cho phép trang InfoWars hiển thị trên New Feeds.
InfoWars sản xuất các chương trình trò chuyện (talk shows) trực tuyến và có hơn 900.000 người theo dõi trên Facebook. Người dẫn chương trình, Alex Jones, có hơn 2,4 triệu người theo dõi trên YouTube.
Tuy nhiên, chương trình này đưa những thông tin sai lệch, chẳng hạn như phát đi thông tin rằng chính phủ Hoa Kỳ xác nhận tin vụ xả súng tại trường Sandy Hook năm 2012 là giả (Trên thực tế đã diễn ra, khiến 28 người thiệt mạng).
Trả lời CNN, John Hegeman của Facebook cho biết: “Chúng tôi tạo ra Facebook để trở thành nơi mọi người đều có thể lên tiếng.”
Công ty cho biết họ sẽ không loại bỏ tin tức giả mạo nếu chúng không phá vỡ các quy tắc của Facebook nhưng sẽ xuống hạng các nội dung bị người dùng báo cáo hoặc được hệ thống xác định là giả.
“Chúng tôi cho phép mọi người đăng nó như một hình thức biểu đạt, nhưng chúng tôi sẽ không hiển thị nó ở đầu News Feed,” một phát ngôn viên nói với CNN.
“Các bài đăng như vậy sẽ mất khoảng 80% lượt xem trong tương lai,” Facebook cho hay.
Các trang thường xuyên chia sẻ tin giả cũng sẽ bị ‘hạ cấp’.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44843243
Thương mại : Liên Âu kêu gọi
các cường quốc tránh “xung đột”
Nhân cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc tại Bắc Kinh vào hôm nay, 16/07/18, chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Donald Tusk kêu gọi Hoa Kỳ, Nga, và Trung Quốc bắt tay hợp tác nhằm tránh các “xung đột và hỗn loạn” trong thương mại.
Theo hãng tin AFP, ông Tusk cho rằng : “Việc cải thiện và tránh không phá hoại nền kinh tế thế giới là trách nhiệm của không chỉ Châu Âu và Trung Quốc, mà còn là của Hoa Kỳ và Nga. Việc chiến tranh thương mại dần trở thành xung đột giữa các nước đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử, và chúng ta không được để nó lặp lại.”
Vị chủ tịch châu Âu cũng kêu gọi cải tổ thay vì chiến tranh thương mại. Ông Tusk bày tỏ mong muốn cải tổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết sẵn sàng có những bước đầu “đảm bảo tự do thương mại”, đồng thuận về việc sửa đổi những luật lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới mà Washington cho rằng đã lạc hậu.
Được hỏi liệu cuộc họp với Liên Hiệp Châu Âu có nhằm mục đích tìm thêm đồng minh chống Mỹ hay không, ông Lý Khắc Cường cho rằng khúc mắc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phải do chính hai bên tháo nút.
Cuộc họp thường niên giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc tại Bắc Kinh diễn ra cùng lúc với việc tổng thống Mỹ Donald Trump họp thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan.
Cựu bộ trưởng Anh kêu gọi trưng cầu Brexit lại
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh bà Justine Greening vừa kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit, và nói thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May là “né tránh vấn đề”.
Trong bài báo viết trên tờ the Times, bà Greening, một nhân vật nổi trội của đảng Bảo thủ, gọi đề xuất Brexit của bà May là “điều tồi tệ nhất từ cả hai phía”.
Quyết định cuối cùng về đề xuất Brexit phải được giao lại cho người dân Anh chứ không nằm trong tay “các chính trị gia đang bế tắc”, bà Greening viết.
Thuế của EU lên hàng hóa Mỹ có hiệu lực
Lãnh đạo EU phản ứng về Brexit
Bà đưa ra ba phương án cho cuộc trưng cầu dân ý: đề xuất của thủ tướng, ở lại trong EU hay ra hẳn EU mà không có thỏa thuận.
Bà Greening, người từ chức sau cuộc tái sắp xếp nội các chính phủ Anh hồi tháng Một, cho rằng cuộc trưng cầu dân ý nên cho người dân chọn hai phương án theo thứ tự ưu tiên để có thể đạt được ý kiến đồng thuận.
Phát biểu trong chương trình Today của BBC Radio 4, bà Greening nói các đề xuất của chính phủ là “một nỗ lực thỏa hiệp thật thông minh” nhưng “không làm vừa lòng ai”.
Vị dân biểu của thị trấn Putney nói: “Thực tế là Quốc hội giờ đây đang bế tắc. Cho dù có đề xuất nào đặt lên bàn, sẽ có các nghị sĩ bỏ phiếu phản đối. Nhưng Anh quốc cần tìm ra một con đường để đi tiếp”.
Bà Greening, người ủng hộ phe Ở lại [EU] trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, là cựu bộ trưởng nổi bật nhất kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu thứ hai.
Bà nói có các nghị sỹ đảng Bảo thủ cao cấp khác cũng ủng hộ quan điểm của bà, và nói thêm những người trong phe Rời EU cũng cảm thấy đề xuất của chính phủ “không phải là những gì họ bỏ phiếu cho”.
Trong bài báo trên tờ the Times, bà tấn công bản thảo đề xuất Brexit của Thủ tướng May:
“Chúng ta sẽ kéo những người trong phe Ở lại ra khỏi EU để có một thỏa thuận mà theo đó chúng ta vẫn phải tuân theo nhiều luật lệ của EU, mà không có tiếng nói gì trong việc xây dựng các luật lệ đó.
“Đó không phải là những gì họ muốn, và thêm vào đó khi họ biết những người bỏ phiếu rời EU cũng không hài lòng, họ đặt câu hỏi “Vậy thì Brexit để làm gì?”
“Đối với những người theo phe Rời EU, thỏa thuận này đơn giản không đưa ra sự tách rời hẳn khỏi EU mà họ muốn.”
Thủ tướng May và lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corby đã loại trừ khả năng có cuộc trưng cầu thứ hai.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44848116
Pháp vô địch :
Những hiệu ứng xã hội tốt lành nào ?
Giờ phút vỡ òa trong niềm vui chiến thắng qua đi, thắng lợi tuyệt vời này để lại những hiệu ứng sâu xa nào ? Đây là điều mà chương trình đặc biệt của RFI sáng hôm nay, 16/07/2018, tìm cách làm sáng tỏ qua nhận xét của một số chuyên gia, nhà quan sát. Nếu như tác động kinh tế của sự kiện này được coi là tương đối nhỏ, thì những hiệu ứng tâm lý – xã hội, xúc cảm cộng đồng, rất được chú ý. Đặc biệt chiến thắng của một đội tuyển với dàn cầu thủ đủ loại mầu da là một cơ hội cho phép khẳng định sự thành công của mô hình hội nhập Pháp.
Đội áo Lam vào chung kết, rồi hạ đội Croatia trong một trận cầu đầy kịch tích, sôi động hiếm có, khiến người Pháp ngất ngây. Tuyển Pháp vô địch để lại những hiệu ứng xã hội tốt lành nào ? Ông Mathieu Djaballah, giảng viên Đại học Paris Sud, chuyên ngành quản lý thể thao, đồng tác giả một cuốn sách sắp xuất bản mang tựa đề « Tác động xã hội của những hiện tượng thể thao lớn », trước hết cho biết các tác động về mặt kinh tế :
« Thông thường điều đầu tiên mà người ta nói đến là tác động về mặt kinh tế. Người ta chờ đợi là … các sự kiện thể thao được tổ chức tại đất nước mình sẽ mang lại các thành quả kinh tế. Tuy nhiên đây không phải là trường hợp của nước Pháp. Các hệ quả kinh tế trong trường hợp chiến thắng này sẽ là không đáng kể. Có thể hình dung là người tiêu dùng sẽ phấn chấn và sức tiêu thụ gia tăng, tuy nhiên, thời gian này sẽ rất ngắn ngủi. Bên cạnh đó là các tác động mà chúng tôi gọi là hiệu ứng chuyển tiếp. Ví dụ như bạn quyết định mua một chiếc màn hình, do cúp bóng đá thế giới, nhưng thời điểm mua sẽ là vào kỳ Noel chẳng hạn ».
Hiệu ứng lan tỏa có trở nên chuyện thường ngày ?
Chuyên gia ngành quản lý thể thao Mathieu Djaballah nhấn mạnh là không thể hy vọng chiến thắng này sẽ là một nhân tố trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó nhà báo Bruno Faure của RFI, người thực hiện một phóng sự sáng nay trên đường phố Paris về những dư âm trong dân chúng về sự kiện thể thao chấn động tối qua, thì đặc biệt lưu ý đến giá trị lan tỏa cảm xúc, khiến cho biết bao con người tưởng như xa lạ, trong chốc lát trở nên vô cùng thân thiện :
« Đúng vậy, lần gần đây nhất mà mọi người đổ xuống đường đông đảo là lúc nào nhỉ ? Đáng buồn là khi xảy ra khủng bố. Rồi sau đó là các cuộc bầu cử… Điểm đáng nói là dịp như thế này (tức cuộc ăn mừng chiến thắng Pháp vô địch) không có các tranh luận. Lần này cũng là một cuộc tập hợp mang tính chính trị, nhưng lại không phải là chuyện chính trị. Tất cả mọi người đều có thể tham gia mà chẳng cần làm quen (theo phép xã giao). Người tài xế tắc xi để cửa ngỏ, những hàng xóm xa lạ nhìn nhau thân thiện. Khung cảnh thật là dễ chịu biết bao. Ta tự hỏi, tại sao không khí như vậy lại không thể trở thành chuyện thường ngày ?…
Cũng có thể là khi chúng ta được nếm trải điều này nhiều lần, sẽ đến lúc chúng ta thân thiện, cảm thông hơn trong quan hệ với người khác, trong cuộc sống thường ngày. Làm được như thế thì hay, và đây cũng chính là một chiến thắng ! ».
Ông Olivier Pourriol, một nhà triết học, cũng là một cầu thủ của đội tuyển bóng đá các nhà văn Pháp, nêu thêm lý do khiến bóng đá có sức thu hút lạ kỳ :
« Bởi vì đây là một môn thể thao quốc tế đơn giản nhất. Người ta có thể tượng tượng rằng mình có thể tham gia, hiểu được những gì diễn ra… Bên cạnh đó, đây là một trò chơi tập thể, ai cũng có thể có được chỗ của mình. Môn bóng bầu dục cũng vậy, ai cũng có thể tìm được vị trí của mình…, nhưng vấn đề là luật chơi của môn này lại quá đỗi phức tạp… để hiểu được. Với bóng đá thì khác. Đây là một môn thể thao của cảm xúc », một cuộc chơi vừa chứa đầy kịch tính, vừa mang tính trình diễn, khiến người xem dễ dàng nhập thân vào những buồn vui của trái bóng tròn.
Niềm tự tin – tự hào dân tộc lành mạnh
Đồng tác giả cuốn « Tác động xã hội của những hiện tượng thể thao lớn », giảng viên Mathieu Djaballah thì nhấn mạnh đến việc chiến thắng của tuyển Pháp có thể củng cố niềm tự tin cho nhiều người Pháp, cũng như tình cảm tự hào dân tộc chủ nghĩa, vốn không phải là điều được một thể chế dân chủ, cộng hòa như nước Pháp khuyến khích, vì e ngại tiếp lửa cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài ngoại trỗi dậy :
« Cho dù diễn ra trong một thời gian rất ngắn ngủi, nhưng những gì mà ta thấy được gọi là hiệu ứng hưng phấn, những mối quan hệ xã hội được thiết lập một cách tự nhiên, gây cảm giác rất hài lòng cho người trong cuộc…. Cũng có thể các tác động tinh thần khác nữa. Một số nghiên cứu cho thấy một chiến thắng như vậy có thể làm tăng thêm niềm tự tin. Ví dụ như với những người Pháp sống ở nước ngoài, trong các cuộc chuyện trò với đồng nghiệp, về chủ đề chiến thắng của Pháp tại World Cup chẳng hạn.
Và điều đặc biệt, khá nghịch lý là niềm tự hào dân tộc. Bởi vì, chúng ta có thể nói bóng đá là một trong các pháo đài cuối cùng của chủ nghĩa yêu nước được cho phép. Đây mà một niềm tự hào dân tộc được đánh giá là tích cực, bởi vì niềm tự hào này không loại trừ ai. Đây là điều hoàn toàn ngược lại chủ nghĩa dân tộc ».
Mô hình Pháp : Xã hội mở, hòa trộn màu da
Cũng theo vị giảng viên chuyên về tác động xã hội của thể thao, thì nếu như việc các chính trị gia, cụ thể như tổng thống Emmanuel Macron khó mà được hưởng lợi trực tiếp từ các hệ quả tích cực của sự kiện đội tuyển Pháp giành chức vô địch, thì điều quan trọng là về mặt sâu xa, vinh quang của đội tuyển áo Lam lại là một bằng chứng đầy thuyết phục cho mô hình xã hội của nước Pháp, một chế độ chính trị khuyến khích sự hội nhập của những con người từ nhiều miền đất trên địa cầu, không phân biệt màu da, nguồn gốc xuất thân. Đó là ý nghĩa thứ hai của chiến thắng của đội tuyển gồm dàn cầu thủ, đủ các mầu da, da đen, da trắng, da nâu (còn gọi là « mầu bơ », tức mầu da của người gốc Bắc Phi) :
« Đây cũng là một hiệu ứng thứ hai của đội tuyển đen – trắng – bơ, mà ta ít biết đến. Chúng ta ít biết đến việc Pháp chính là quốc gia nơi đào tạo nên nhiều tuyển thủ thi đấu tại vòng chung kết bóng đá thế giới. Có 80 cầu thủ đã sinh ra tại một quốc gia khác với quốc gia mà cầu thủ ấy đại diện. Trong số 80 cầu thủ đó (thuộc tất cả các đội tham gia chung kết), thì có 50 cầu thủ sinh ra và lớn lên tại Pháp. Họ thi đấu trong các đội tuyển Maroc, Bồ Đào Nha, các đội bóng châu Phi, tất nhiên rồi.
Điều này không chỉ liên quan đến bóng đá, mà còn gắn liền với mô hình xã hội hướng đến hội nhập của chúng ta. Nước Pháp luôn thu hút nhiều cầu thủ xuất thân là dân nhập cư, từ Kopa cho đến Zidane hay Platini. Chúng ta thấy trường hợp nước Đức, đã thu hút được các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ luật cho phép người sinh ra trên đất Đức, được nhập quốc tịch Đức, vào đầu năm 2000. Trong khi đó nước Ý vẫn không thừa nhận quyền này… Thực tế này khiến chúng ta có thể nói một cách tích cực về mô hình hội nhập của nền Cộng hòa Pháp, để phân biệt với mô hình bảo lưu văn hóa của từng cộng đồng trong các xã hội theo mô hình Anh – Mỹ. Đây là điều mà người ta đang nói nhiều hiện nay ».
Về các hiệu ứng của chiến thắng vang dội của đội tuyển Pháp tại World Cup, có một nghịch lý thú vị được một trong các vị khách mời nêu lên. Đó là chiến thắng ngoạn mục của đội tuyển áo Lam, có thể cho phép giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội, mà vốn thông thường người ta không thể giải quyết được với nhau bằng lời nói.
http://vi.rfi.fr/phap/20180716-phap-vo-dich-nhung-hieu-ung-xa-hoi-nao
Nước Pháp vinh danh đội tuyển bóng đá
ca khúc khải hoàn về Paris
« Xong rồi ! Đội tuyển Pháp đã trở thành vô địch ! Chức vô địch thứ hai sau năm 1998 ! » Tiếng hô đầy phấn khởi của nhà báo tường thuật trận chung kết Cúp bóng đá thế giới ngày hôm qua 15/07/2018 giữa hai đội Pháp và Croatia, với chiến thắng 4-2 nghiêng về đội Pháp đã đánh đấu giây phút mà giấc mơ 20 năm của nền bóng đá Pháp trở thành hiện thực. Đội tuyển Gà Trống Gô Loa một lần nữa giành chức vô địch thế giới, đúng 20 năm sau.
Chiến thắng của đội tuyển áo Lam – Les Bleus tại Mátxcơva đã lập tức được hàng triệu người tại Pháp đón mừng cuồng nhiệt, với những người hâm mộ từ nhà hay từ hàng trăm tụ điểm theo dõi trận đấu khắp nơi trên đất Pháp ùa ra đường phố phất cờ Pháp, hò reo, nhẩy múa mừng chiến thắng.
Tại Paris, làn sóng hàng trăm ngàn người thuộc đủ loại thành phần và lớp tuổi đã tràn ngập Đại Lộ Champs Elysée và khu vực quanh Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) chào mừng chiến thắng cho đến tận đêm khuya.
Chỉ đáng tiếc là lợi dụng tình trạng đông người, một vài nhóm bất hảo đã lên lỏi vào đám đông để đập phá, gây rối, thậm chí cướp bóc. Tại khu vực gần Khải Hoàn Môn Paris chẳng hạn, cửa hiệu tạp hóa nổi tiếng Publicis trên đại lộ Champs-Elysées đã bị hàng chục thanh niên đập cửa xông vào hôi của, buộc cảnh sát phải can thiệp. Một vài sự cố đáng tiếc khác cũng diễn ra tại Lyon, Marseille, Strasbourg và Rouen.
Các hoạt động để vinh danh các tuyển thủ bóng đá quốc gia Pháp rất nhiều : Ngay từ tối hôm qua, trên tiền diện Khải Hoàn Môn Paris, chính quyền đã cho chiếu hình từng tuyển thủ một của đội tuyển Pháp, trên nền Xanh-Trắng-Đỏ màu cờ của nước Pháp, và dưới hai ngôi sao, biểu tượng hai chức vô địch mà đội quân áo Lam đã giành được vào năm 1998 và năm nay 2018. Tháp Eiffel Paris và Trụ sở Quốc Hội Pháp cũng được chiếu sáng bằng mầu cờ Pháp
Riêng hãng RATP phụ trách các tuyến xe buýt và métro ở Paris, sẽ đặc biệt đổi tên 6 trạm xe điện để vinh danh đội tuyển Pháp, như trạm « Charles de Gaulle – Etoile » ngay bên dưới Khải Hoàn Môn, được tạm đổi thành « – On a 2 Étoiles – Chúng ta có hai sao » ; trạm Victor Hugo trở thành « Victor Hugo Lloris » – Hugo Lloris là tên thủ môn và thủ quân đội tuyển Pháp ; trạm Notre-Dame des Champs « Nhà Thờ Đức Bà des Champs » biến thành « Notre Didier Deschamps – Didier Deschamps của chúng ta » hay trạm Champs-Elysées – Clémenceau tạm mang tên « Deschamps Elysées – Clémenceau », cả hai tên mới này đều lấy lại tên của huấn luyên viên đội tuyển Pháp Didier Deschamps.
Và dĩ nhiên là khi trở về Pháp vào hôm nay, toàn bộ đội tuyển Pháp sẽ được đón tiếp như những anh hùng, với màn diễu hành mừng chiến thắng trên đại lộ Champs Elysées Paris.
Nước Pháp chào đón những người hùng trở về
Theo chương trình, đội tuyển Pháp, tân Vô Địch Bóng Đá Thế Giới, về tới sân bay Charles De Gaulle chiều hôm nay, 16/07/2018, sau chiến thắng 4-2 trong trận chung kết với đội tuyển Croatia.
Chuyên cơ dự kiến hạ cánh vào 16 giờ, và bà Laura Flessel, Bộ Trưởng Thể Thao, sẽ đích thân ra sân bay tiếp đón huấn luyện viên Didier Deschamps, chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Pháp Noël Le Graët cùng 23 cầu thủy.
Sau lễ đón tại sân bay, đội tuyển bóng đá Pháp sẽ dùng xe buýt mui trần diễu hành trên đại lộ Champs-Elysées trong khoảng một tiếng đồng hồ từ 17g30 đến 18g30, để những người hâm mộ, rất đông đảo, được dịp nhìn thấy Cúp thế giới trở lại Pháp, và chào mừng chiến thắng cùng với các cầu thủ. Lộ trình diễu hành đi từ Khải Hoàn Môn đến vòng xoay Champs-Elysées (rond-point des Champs-Elysées) gần cuối đại lộ.
Sau đó, đội tuyển bóng đá Pháp đi ngay đến phủ tổng thống Pháp, dự buổi tiếp tân do chính tổng thống Emmanuel Macron chủ tọa. Buổi tiếp tân diễn ra trong sân Điện Elysée từ 18g30 đến 20g00, với sự tham gia của các bộ trưởng trong chính phủ Pháp, thân nhân các cầu thủ, cùng 1.000 em thiếu nhi.
http://vi.rfi.fr/phap/20180716-nuoc-phap-vinh-danh-doi-tuyen-bong-da-ca-khuc-khai-hoan-ve-paris
Vụ Myanmar xử phóng viên Reuters:
Cảnh sát đòi gặp, đưa tài liệu
Hôm 16/7, một phóng viên Reuters bị cáo buộc lấy tài liệu bí mật ở Myanmar nói trước tòa rằng một cảnh sát đã gọi điện và khăng khăng đòi gặp ông, và đột nhiên ngay sau đó đưa phóng viên này và một đồng nghiệp nữa một số tài liệu, theo hãng tin Reuters.
Phóng viên Wa Lone nói với thẩm phán rằng viên cảnh sát Naing Lin đã gọi điện thoại cho ông ít nhất hai lần vào ngày 12/12 và nói rằng phóng viên ngay vào ngày hôm đó, mặc dù đã hết giờ làm việc.
Phóng viên Wa Lone nói: “Hôm ấy, sau 5 giờ chiều, khi tôi sắp rời khỏi văn phòng, ông Naing Lin gọi điện cho tôi và nói với tôi rằng tôi phải đến một cuộc hẹn vào tối hôm đó. Ông ấy nói với tôi rằng nếu tôi không đến ngay, tôi có thể không gặp ông ấy vì ông ấy sắp chuyển sang một khu vực khác.”
Phóng viên Wa Lone, 32 tuổi, và đồng nghiệp Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, đang bị tòa án xét xử vì bị cáo buộc vi phạm Đạo luật bí mật Nhà nước, trong một vụ án được xem là phép thử về tự do báo chí ở Myanmar. Cả hai phóng viên đều không nhận tội. Nếu bị kết án, họ phải đối mặt với bản án 14 năm tù giam.
Wa Lone nói: “Các tài liệu không liên quan gì đến cuộc trao đổi của chúng tôi. Ông ta đột nhiên lấy tài liệu ra trong khi chúng tôi không yêu cầu ông ấy đưa tài liệu.”
Cả hai phóng viên từng đưa tin về cuộc khủng hoảng ở bang Rakhine của Myanmar, nơi mà một chiến dịch chống nổi dậy tàn bạo vào năm ngoái đã khiến khoảng 700.000 người Hồi giáo Rohingya chạy sang nước láng giềng Bangladesh.
Đội trưởng Cảnh sát Moe Yan Naing khai trước một tòa án vào tháng 4 rằng cấp trên của ông đã sắp xếp cho hai viên cảnh sát gặp gỡ các phóng viên tại một nhà hàng và giao các tài liệu được mô tả là “giấy tờ mật quan trọng” để “gài bẫy” hai nhà báo này.
Thái Lan miễn trừ ngoại giao
cho nhóm y tế Úc giải cứu cầu thủ nhí
Thái Lan miễn trừ ngoại giao cho ba người Úc đã giúp cho đội bóng thiếu niên thoát khỏi một hang động bị ngập lụt để đề phòng “có điều gì đó không ổn” xảy ra, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao nước này cho biết hôm 16/7.
12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên của các em đang hồi phục sau khi được giải cứu và sẽ được xuất viện ở thị trấn Chiang Rai miền bắc Thái Lan ngày 19/7.
Hàng chục thợ lặn và nhân viên cứu hộ nước ngoài đã tham gia vào cuộc giải cứu kéo dài 17 ngày, thu hút sự quan tâm theo dõi của người dân khắp thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai cho biết chỉ trao quy chế miễn trừ ngoại giao cho bác sĩ Úc Richard Harris và hai trợ lý y tế.
“Bác sĩ Richard Harris đã làm hết sức mình trong nhiệm vụ y tế mà ông chịu trách nhiệm. Nhưng nếu có điều gì đó không ổn xảy ra, ông ấy cần được bảo vệ”, Ngoại trưởng Thái nói với Reuters.
“Chúng tôi biết có những rủi ro liên quan đến nhiệm vụ này… cả chính phủ Thái và chính phủ Úc đều thấu hiểu”, Ngoại trưởng Don nói thêm.
“Chính phủ Thái Lan muốn cảm ơn Bác sĩ Harris”.
Một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia từ chối bình luận, theo Reuters.
Niềm vui không trọn vẹn đối với bác sĩ Harris khi ông biết tin cha mình, ông Jim, qua đời ở Australia ngay sau khi cuộc giải cứu kéo dài ba ngày kết thúc ở Thái Lan tuần trước.
Ông Harris đi vào tận bên trong hang Tham Luang để đánh giá sức khỏe của các cậu bé tuổi từ 11 tới 15 và huấn luyện viên 25 tuổi.
Bác sĩ gây mê này cũng chính là một trong những người cuối cùng rời khỏi hang sau khi đội bóng nhí đã an toàn.
Một số tin tức cho hay, các thiếu niên đã được dùng thuốc an thần trong quá trình được đưa ra qua các hẻm hang ngập lụt, mặc dù các giới chức chỉ nói rằng một số em đã được cho dùng thuốc để xoa dịu thần kinh.
Đội bóng thiếu niên đang đi khám phá hang động vào ngày 23/6 thì những trận mưa liên tục khiến nước dâng lên, làm đội bóng bị kẹt sâu bên trong khu phức hợp hang động dài 10 km (6 dặm).
Đặc nhiệm hải quân Thái và một nhóm chuyên gia lặn hang động quốc tế đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các em ra an toàn.
Mạng xã hội ở Thái tràn ngập những thông điệp biết ơn đối với những người tham gia nhiệm vụ, trong đó có bác sĩ Harris và một nạn nhân xấu số duy nhất, Samarn Kunan, 38 tuổi, cựu thành viên của đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ của Thái Lan. Nạn nhân đã tử vong sau khi đưa các bình oxy vào trong hang động.
Anh Samarn đã được hỏa táng hôm 14/7 và buổi lễ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình Thái Lan.
TC Tung Tiền Thao Túng Các Nước
Vi Anh
Binh thư của Trung Hoa xưa, Trung Quốc [TQ] bây giờ thường xài có câu ‘phóng tài hoá thu nhân tâm.’ Không phải dùng tiền để lấy lòng người, được tiếng tốt đồn xa cho TQ đâu, mà TC dùng tiền để xâm nhập thao túng kinh tế, chánh trị, văn hoá, chiếm đất của các nước. Một số bằng cớ đang xảy ra và các nước đang tố giác chính sách thực dân kiểu mới của TC. TC cho dân TQ xuất cảnh, mang tiền tỷ ra ngoại quốc liên kết với người gốc Hoa, hay người sở tại TQ mua chuộc làm tay sai cho TC để thực hiện mưu đồ cho TC.
Một, như Chinatowns thời TC phát triển lớn mạnh ra tại các nước. Chinatown được người gốc Hoa hình thành từ lâu trên khắp thế giới từ Đông Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc, Âu, Mỹ châu. Thời TC, CSTQ yểm trợ làm lớn ra, mạnh thêm. Các Chinatown thường hoạt động theo hai hướng. Một là chú trọng nền kỹ nghệ du lịch, hai là phát triển lối sống cộng đồng và dĩ nhiên TC cũng cài cán bộ đảng viên CS vào để khuynh loát nội bộ người Hoa và địch vận quân dân cán chính chánh quyền sở tại.
Hai là Viện Khổng Tử. Đài VOA của Mỹ 06-11-2013 cho biết, viện Khổng Tử được chính phủ Trung Quốc thành lập vào tháng 6 năm 2004 với số tiền trên 500 triệu Mỹ kim, hiện nay đã có trên 400 cơ sở trên khoảng hơn 100 quốc gia (chưa kể khoảng 400 viện khác đang nằm trong dự án và cũng không tính các Lớp học Khổng Tử, Confucius Classrooms, thường là một bộ phận của Viện Khổng Tử, Confucius Institute, nhưng cũng có khi tồn tại riêng rẽ ở những nơi Viện Khổng Tử chưa được thành lập). Ở Mỹ có trên 70 viện; ở Anh, trên 20 viện; ở Úc, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, mỗi nước trên 10 viện. Viện Khổng Tử có những chính sách hoàn toàn mang màu sắc chính trị, ví dụ, về tuyển dụng nhân viên, họ cấm tuyệt đối những người từng tham gia vào Pháp Luân Công hoặc những tổ chức chống lại chính phủ Trung Quốc; về hoạt động, họ cũng cấm mời Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như bất cứ một viên chức nào từ Tibet và Đài Loan đến nói chuyện ở các Viện Khổng Tử… Viện Khổng Tử hoàn toàn nằm trong tay chính phủ Trung Quốc.
Ba là cài người gốc Hoa vào cơ quan công quyền nước sở tại. Úc đất rộng người thưa mà gần TC nên Đảng Nhà Nước TC làm mạnh và nhiều nhứt. Úc cũng là đồng minh lịch sử cùng văn hoá, cùng tiếng nói với Anh, Mỹ nên TC leo cao nhứt, vào Quốc Hội Úc. Nhưng TC làm lộ liễu nên bị bể. Chinatown ở Úc rất “gần gũi” với châu Á, Úc đã và sẽ tiếp tục chứng kiến những làn sóng di dân ồ ạt của người Hoa. Còn ở VN Cholon là một Chinatown quá lớn, nên có người nói là Cholon là Hong Kong bên hông TQ. Do vậy TC chú ý đặc biệt và xâm nhập sâu vào.
Từ năm 2015 Cơ quan tình báo Úc (ASIO) đã thông báo cho ba đảng lớn của Úc biết hai ông Huang và Chau có liên quan đến đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2016, đảng Tự do vẫn tiếp tục nhận 897.960 Úc kim và đảng Lao động nhận 200.000 Úc kim từ hai ông. FBI của Mỹ tiết lộ cho dân biểu và chánh quyền Úc, là tỷ phú Chau Chak-Wing chính là nhân vật mang bí danh “CC-3” của TC.
Theo đài ABC của Úc trong vòng 10 năm 2006-16, ông đã 36 lần đóng góp cho 3 đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia với tổng số tiền lên đến 4.123.500 Úc Kim. Trong vòng 4 năm 2012-16 ông đã 46 lần đóng góp cho 3 đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia với tổng số tiền lên đến 2.692.960 Úc Kim. Ông Chau cũng là chủ nhân của một tờ báo hiện đang phát hành tại Trung Cộng, nơi mà mọi cơ quan truyền thông đều được kiểm soát chặt chẽ và chỉ được tuyên truyền cho đảng Cộng sản.
Cả hai tỷ phú này ngay khi đến Úc đã hiểu khá rõ hệ thống chính trị Úc và đã thâm nhập khá sâu vào chính trị Úc cho thấy họ đã được TC sửa soạn và thu xếp sẵn để đưa vào các vai trò họ được giao cho.
Bốn là TC cho vay lấy đất trừ nợ. Gần đây nhiều nước ở Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông không trả được nợ phải nhượng đất nhượng biển, hoặc làm theo những yêu cầu chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh để trừ cấn nợ. Trường hợp tiêu biểu mới đây là Sri Lanka phải giao cảng nước sâu Hambantota ở của Sri Lanka ở Ấn Độ Dương cho TC sử dụng hải cảng này 99 năm. Cảng Hambantota có giá trị chiến lược rất lớn, nó nằm ngay giao điểm các con đường giao thương hàng hải từ châu Âu, châu Phi, Trung Đông sang Đông Nam Á; khoảng 80% lượng dầu mỏ mà Trung Quốc nhập cảng từ Trung Đông phải đi ngang qua vùng biển này trước khi vượt eo biển Malacca vào biển Đông.
Thí dụ điển hình TC chiếm đất trừ nợ ở Djibouti. Djibouti là một nước nhỏ ở vùng Sừng Phi châu, tại eo Biển Đỏ từng vay của Trung Quốc hàng tỷ đô la mà không trả nổi đã phải đồng ý cho Bắc Kinh thiết lập căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình – căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.
Và Mã Lai ở Đông Nam Á châu suýt cũng là nạn nhân của TC, nếu dân không bầu ra thủ tướng mới là Ô. Mahathir Mohamad, 92 tuổi, chiến thắng cuộc bầu cử ngày 10/5 thay Cựu Thủ Tướng thân với TC và ăn cắp công quỹ cả tỷ Mỹ Kim. Tân Thủ tướng Malaysia hủy dự án đường sắt cao tốc Malaysia-Singapore trị giá 28 tỷ đô do TQ cho vay để tránh nguy cơ phá sản.
Năm là suýt nữa, TC chiếm được ba khu hiểm yếu của VN. TC mật lịnh cho tay sai Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Bộ Chánh trị của Đảng Nhà Nước CSVN bảo Quốc Hội CSVN thảo luận biểu quyết thông qua Luật Đặc khu cho ngoại quốc phần chắc là cho TC mướn 99 năm, miễn thuế rất nhiều, cho người TQ qua đặc khu làm việc không cần chiếu khán nhập cảnh của VN. Ngay tại ba khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, là ba vùng hiểm yếu về an ninh quốc phòng của đất nước VN. Về địa – chính trị, 3 đặc khu được coi là “mặt tiền” của đất nước án ngữ trước biển Đông. Nhờ người dân Việt mở cả một chiến dịch chống Đảng Nhà Nước CSVN nên họ lùi việc thông qua đến tháng 10.
Sẽ thiếu nếu không nhắc tin đáng chú ý liên quan đến một người Việt tỵ nạn CS một nhân vật chánh trị khá nổi tiếng ở Đức nay đang làm việc cho một cơ quan của TQ. Hãng tin Bloomberg ngày 4 tháng 7 năm 2018 vừa lên một danh sách điểm mặt một số chính trị gia kỳ cựu ở châu Âu đang trở thành các ‘cánh tay nối dài’ của Trung Quốc. Trong đó có cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt ủng hộ Trung Quốc, đang làm cho CEO của HNA Group Co., chi nhánh từ thiện ở New York của Quỹ Từ thiện Hainan Cihang (Hainan Cihang Charity Foundation Inc.).
Ông Phillip Roesler sinh ra tại Việt Nam nhưng được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi khi ông mới 9 tháng tuổi. Ông không có tên Việt Nam nhưng cũng từng về VNCS, thăm quê hương ở Ba Xuyên (Sóc trăng) là một thành phố có nhiều Hoa Kiều sinh sống./.(VA)
https://vietbao.com/p122a283325/tc-tung-tien-thao-tung-cac-nuoc
Vì sao nữ tổng thống Croatia yêu bóng đá?
Dù ông Vladimir Putin bỏ ra tiền tỷ để tổ chức giải bóng đá World Cup 2018, người ‘hưởng hết ánh đèn sân khấu’ hôm 15/07 lại là nữ Tổng thống Croatia, bà Kolinda Grabar-Kitarovic.
Trong khi tổng thống Nga có ô che đầu, hình ảnh bà Kolinda đứng trong mưa, ôm hôn từng cầu thủ ‘về nhì’ của tuyển Croatia, đã lan tỏa trên toàn thế giới.
Croatia vào chung kết nhờ bản lĩnh
Khúc tráng ca cho những chiến binh Croatia
Croatia và một trang sử đen tối
Nấm siêu đắt Croatia mang danh ‘đặc sản Ý’
Dù vào phút sau, FIFA có cho đem ô ra che mưa cho bà Kolinda, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chiếc ô ‘duy nhất’ cho ông Putin lúc trời vừa đổ mưa đã gây ra nhiều chỉ trích cho nhà lãnh đạo Nga.
Nhưng bà Kolinda Grabar-Kitarovic cũng bị một số tờ báo hỏi vì sao lại tỏ ra chăm sóc đội tuyển Croatia ‘quá mức’, có phải vì mục tiêu chính trị.
Câu hỏi là làm tổng thống quốc gia vùng Balkan chỉ trên 4 triệu dân có bận lắm không mà bà Kolinda Grabar-Kitarovic liên tục đi theo tuyển Croatia bên Nga.
Bà cũng là nguyên thủ quốc gia duy nhất vào tận phòng thay quần áo của các cầu thủ đội nhà sau một trận đấu để chúc mừng và không quên chụp ảnh với họ.
Điều này khiến trang The Indenpent ở Anh viết “Sau trận thắng Đan Mạch, bà đã vào phòng thay đồ để ôm hôn từng cầu thủ trong khi có người còn chưa mặc đủ quần áo, với chỉ một năm nữa là có cuộc bầu cử tổng thống, động tác của bà được một số người cho là mỵ dân và khá vô duyên”.
Vẫn tờ báo Anh cho biết chức tổng thống Croatia mang tính hình thức, và bà Kolinda Grabar-Kitarovic thậm chí “không được phép phủ quyết luật nhưng có quyền phát biểu về chính sách ngoại giao và quốc phòng”.
Nữ tổng thống đầu tiên
Khi bà Kolinda Grabar-Kitarovic thắng cử tổng thống tháng 2/2015, BBC News đưa tin rằng đây là vị nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Croatia.
Đảng Liên minh Quốc gia Croatia (HDZ) của bà đã từng nắm quyền liên tục dưới thời ông Franjo Tudjman từ sau khi quốc gia tách ra khỏi Nam Tư cũ năm 1990.
Nhưng sau khi ông Tudjman qua đời năm 1999, HDZ phải chia sẻ quyền lực với đảng Xã hội Dân chủ thuộc cánh tả.
Khi bà Kolinda trúng cử, tình hình Croatia không phải là bức tranh tươi sáng, với khủng hoảng kinh tế khiến lạm phát cao, thất nghiệp tới 19%, thuế cao và tham nhũng khá phổ biến.
Nhưng từ khi gia nhập EU (từ tháng 7/2013), Zagred được trợ giúp nhiều.
Tuy thế, nhiều vấn đề của quá khứ có vẻ vẫn còn cần được cải thiện ở nước này.
Cũng trong kỳ World Cup tại Nga năm nay, báo chí nói chính quyền Croatia cho phép một cựu quan chức ngành bóng đá, ông Damir Vrbanovic cùng bà tổng thống đứng trên lễ đài vỗ tay cùng cả Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.
Vấn đề là ông Damir Vrbanovic vừa bị tòa kết án tù vì bê bối chuyển nhượng Luka Modric.
FIFA giải thích dù vậy, ông Vrbanovic khi đó vẫn đang kháng án.
Sinh năm 1968, bà Kolina có cơ hội đi học tại Mỹ hồi trẻ và tốt nghiệp trung học ở Alamos High School, New Mexico và giỏi tiếng Anh.
Sau đó bà vào đại học Zagreb theo ngành văn hóa tiếng Anh và Tây Ban Nha và cũng tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Vienna, Áo.
Bà và từng làm đại sứ Croatia tại Hoa Kỳ, Nato và bộ trưởng ngoại giao.
Chồng là Jakov Kitarovic, một kỹ sư tốt nghiệp đại học Zagreb và là một doanh nhân.
Hai ông bà có con là Katarina và Luka.
Con gái họ Katarina đã đoạt huy chương vàng quốc gia môn trượt băng nghệ thuật.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-44845492
Khúc tráng ca cho những chiến binh Croatia
Huy BùiGửi cho BBC
Ý kiến nói may mắn không ở phía Croatia trong trận chung kết World Cup 2018 trong lúc Pháp áp dụng chiến thuật hợp lý.
World Cup 2018 đã khép lại với chức vô địch thuộc về đội tuyển Pháp, chức vô địch thế giới lần thứ hai của những chú Gà trống Goloa, sau lần vô địch đầu tiên từ 20 năm trước và cũng đánh dấu sự thất bại của những chiến binh ‘Rực Lửa’ (Fiery Ones) Croatia, là đội bóng quyết tâm làm nên lịch sử lần đầu tiên lên ngôi vương giải vô địch bóng đá thế giới.
Chung kết World Cup: Pháp thắng Croatia 4-2
Bên lề World Cup: Hiệu ứng domino sau thương vụ CR7
Tuyển Anh: Đáng khen hay đáng trách?
Neymar-diễn viên xuất sắc hay cầu thủ bị ‘đốn’ nhiều nhất?
Đã vào đến trận chung kết, vượt qua bao đối thủ nặng ký, cả Pháp và Croatia đều xứng đáng là nhà vô địch, nhưng có gì đó tiếc nuối khi những cầu thủ của đội bóng Đông Âu đã không gặp chút may mắn trong trận chiến cuối cùng của giải đấu, dù những cầu thủ Áo Xanh cho thấy họ rất hiệu quả và toả sáng đúng thời điểm.
‘Thiếu chút may mắn’
Trong trận đấu cuối cùng, ngoài những vấn đề chuyên môn như sự chuẩn bị về chiến thuật, thể lực, tâm lý…, một yếu tố khác quan trọng không kém là sự may mắn. Và có thể nói, Croatia đã không có được điều này trong trận thư hùng quyết định của World Cup 2018. Họ đã lội ngược dòng và giành thắng lợi trong hai trận trước đó khi gặp Nga và Anh, thể hiện bản lĩnh cần có của một ứng viên cho chức vô địch thì trong trận gặp Pháp, thiếu chút may mắn đã khiến những chàng trai Croatia gần như không gượng dậy nổi.
Đó là bàn thua phản lưới nhà khá sớm ở phút 18 của người hùng trận bán kết với Anh, tiền đạo Mandzukic. Và khi Croatia vùng lên để có bàn thắng gỡ hoà 10 phút sau đó do công của Perisic, thì một lần nữa số phận lại có phần nghiệt ngã khi chính Perisic để bóng chạm tay trong vòng cấm địa khi nhảy lên đánh đầu cản phá đường bóng phạt góc của đối phương.
Trọng tài Argentina Nestor Pitana đã phải nhờ đến công nghệ VAR và phải xem đi xem lại nhiều lần tình huống đó, trước khi cho đội Pháp được hưởng quả phạt đền vào phút thứ 38. Quyết định của trọng tài chính có phần khắc nghiệt vì thực sự Perisic không cố tình dùng tay chơi bóng và thử hỏi có ai khi nhảy lên mà không phải vung tay để tạo đà.
Chưa kể, nếu so với pha bóng mà hậu vệ Marcos Rojo của Argentina để bóng rơi vào tay khi nhảy lên đánh đầu nhưng không bị phạt đền, thì lỗi của tiền vệ Croatia nhẹ hơn rất nhiều. Theo luật, để bóng chạm tay trong vòng cấm địa thì hiển nhiên bị phạt đền, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào quyết định của trọng tài, và chỉ có thể lý giải rằng Croatia đã không gặp may vì quyết định của trọng tài là không sai! Nhận bàn thua này, giữa lúc tinh thần đang lên cao sau bàn gỡ hoà, Croatia gần như gục ngã, vì sức ép tâm lý và vì thể lực đã bắt đầu suy kiệt trước sức trẻ của Pháp, để tiếp tục thủng lưới thêm 2 bàn trong hiệp Hai.
Như đã nhận định, vào đến trận chung kết, quyết tâm của cả hai đội đều như nhau. Với đội Pháp, là việc đoạt chức vô địch sau 20 năm chờ đợi, còn với Croatia là viết nên trang sử mới cho nền bóng đá nước nhà.
Dù thể lực có phần sút kém, Croatia vẫn nhập cuộc bằng quyết tâm cao, với các pha lên bóng liên tục để phủ đầu đối phương, có ý đồ tìm kiếm bàn thắng sớm để chiếm thế thượng phong. Nhưng chính chiến thuật này, cộng với sự hưng phấn được thi đấu trận chung kết, dù trước giải đấu không được đánh giá cao, đã khiến Croatia rơi vào bẫy của Pháp, là đội đã thi đấu với chiến thuật hợp lý hơn.
Tương tự như trận bán kết gặp Bỉ, Pháp nhập cuộc chậm rãi và gần như nhường thế trận cho đối phương. Trong cả trận đấu, Pháp là đội ít kiểm soát bóng, mà chủ động để Croatia thi triển thế trận, rồi bất ngờ tung ra những đòn phản công nguy hiểm.
Mbappe: fan ruột của Ronaldo thành sao sáng ở WC
World Cup 2018: Những bất ngờ lớn của vòng bảng
World Cup: “Xe tăng Đức thành xe bò”
Thống kê cho thấy Pháp chỉ kiểm soát 34% thời lượng bóng, so với 66% của Croatia, nhưng lại có đến 4 bàn thắng trong tổng số 7 lần dứt điểm, so với 2 bàn thắng của Croatia trên tổng số 14 pha dứt điểm. Dù Croatia có một pha phản lưới nhà, các con số cho thấy Pháp là đội thi đấu hiệu quả hơn và các chân sút của họ cũng toả sáng đúng thời điểm hơn. Ngoại trừ pha phản lưới của đối phương và 1 bàn thắng từ chấm 11m, 2 bàn còn lại của Pháp đều là những cú sút xa chính xác và đầy uy lực của Pogba và Mbappe.
Với chiến thuật mà Pháp áp dụng, HLV Deschamps đã cho thấy sự cao tay và chỉ đạo sáng suốt, trái với dự đoán của giới chuyên môn đưa ra trước trận đấu, khi cho rằng Pháp sẽ tận dụng lợi thế về sức trẻ và thể lực để dồn lên chơi ép sân Croatia ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, Pháp cũng làm tốt việc ‘bắt chết’ nhạc trưởng Luka Modric của Croatia, khi bố trí tiền vệ Kante theo sát, với sự hỗ trợ khi cần thiết của Pogba, khiến Croatia không thể triển khai những miếng đánh sở trường trong các trận thắng trước đó. Ngược lại, Croatia thường phải mất đến 2,3 cầu thủ để đeo bám Mbappe, tạo nên các khoảng trống cho các mũi nhọn khác của Pháp gây nguy hiểm cho khung thành của thủ môn Subasic.
Dẫu biết trận đấu nào cũng phải có kẻ thua, người thắng, nhưng cái thua của Croatia đã để lại nhiều tiếc nuối trong lòng người hâm mộ.
Chính những cầu thủ của đoàn quân ‘Rực Lửa’ của HLV Dalic đã viết nên khúc tráng ca cho chính họ tại World Cup 2018 tại Nga. Rơi vào bảng khó, có đối thủ nặng ký Argentina và không được đánh giá sẽ tiến sâu, với đội hình có đa số cầu thủ đã ở bên kia đỉnh cao phong độ, Croatia đã làm được nhiều hơn mong đợi, bằng chính quyết tâm và thực lực của họ, chứ không phải do may mắn, để đi đến chặng cuối cùng của giải đấu.
Những tưởng sau 3 trận liên tiếp thi đấu 120 phút, Croatia sẽ không còn sức để đối chọi với Pháp trong trận chung kết thì những chiến binh đội bóng kẻ ô Đỏ-Trắng đã cho thấy họ vẫn hừng hực khi thế, thậm chí không nản chí dù bị Pháp dẫn đến 4-1.
Tiếc là với thể lực sa sút, chân mỏi gối mềm, những chiến binh Croatia đã không thể xoay chuyển tình thế trước một đội Pháp trẻ trung, tràn đầy sinh lực và cũng quyết tâm giành ngôi vương sau nhiều năm chờ đợi.
World Cup 2018 cũng có thể là giải vô địch thế giới cuối cùng cho những trụ cột như Mandzukic, Modric, Rakitic, Lovren…, khiến giấc mơ ghi danh vào lịch sử bóng đá Croatia bị bỏ lỡ. Gương mặt thất thần, cố kìm chế những giọt nước mắt của đội trưởng Modric sau tiếng còi mãn cuộc đã nói lên tất cả sự bi ai, nhưng vẫn đầy bản lĩnh của những chàng trai Croatia tại kỳ World Cup tại Nga, đã luôn thi đấu hết mình đến giây phút cuối cùng nhưng vẫn không vượt qua được số phận.
Cơn mưa chợt đổ xuống sân vận động Luzhniki khi tan trận càng làm cho khúc tráng ca của những chiến binh Croatia thêm bi hùng, vì họ hiểu cơ hội để vào đến chung kết không dễ đến lần nữa và với thế hệ cầu thủ đang có, đây là trận thua mà họ có thể ngẩng cao đầu vào tạo được sự kính trọng của mọi đối thủ họ đã đối đầu trong kỳ World Cup lần này.
Cơn mưa khá nặng hạt nhưng nỗi lòng của các cầu thủ Croatia có lẽ sẽ còn nặng hơn trong chiều hôm nay và trong thời gian sau này!
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44836864
Pháp thắng Croatia 4-2
đăng quang Vô Địch Bóng Đá Thế Giới lần II
Đúng 20 năm sau, ngày 15/07/2018, tại Mátxcơva, đội tuyển bóng đá Pháp đã đăng quang làm vộ địch thế giới lần thứ hai trong lịch sử của mình, sau khi thắng đội tuyển Croatia với tỷ số 4-2. Đây là một chiến thắng thuyết phục, thể hiện đúng đẳng cấp vượt trội của các tuyển thủ áo xanh – Les Bleus – cho dù vẫn có một số quan sát viên cho rằng Pháp gặp may.
Phải nói là trận đấu mở đầu không mấy thuận lợi cho đội tuyển Pháp, bị đối thủ liên tục lấn lướt trong 15 phút đầu của hiệp 1. Thế nhưng, đến phút thứ 18, vận may đã đến với đội Pháp lần đầu tiên, khi Antoine Griezmann đá phạt trực tiếp, rót bóng thẳng vào trước khung thành đối phương, khiến cho Mario Mandzukic của đội Croatia luống cuống đánh đầu vào lưới nhà.
Pháp tạm dẫn 1-0, nhưng vẫn bị Croatia dồn ép, và chỉ 10 phút sau đó, điều tất yếu phải đến đã đến. Ivan Perisic của Croatia trong một cú sút chân trái khó đỡ đã làm tung lưới đội Pháp, gỡ hoà 1-1.
Thế rồi vận may lại tiếp tục gõ cửa đội Pháp. Trong một pha bóng ngay trước khung thành của mình, hậu vệ Croatia đã để bóng chạm tay, đội Pháp đòi được hưởng phạt đền, và được trọng tài đồng ý, sau khi tham khảo công nghệ video VAR. Đối với một số nhà bình luận, đây là một ca vô tình chạm bóng, không đáng phạt đền. Thế nhưng trọng tài chính của trận đấu không suy nghĩ như vậy. Griezman, chuyên gia đá phạt của đội Pháp đã bình tĩnh ghi bàn vào phút thứ 39, nâng tỷ số lên 2-1 cho đội Pháp.
Qua hiệp 2, đội tuyển Pháp đã thừa thắng xông lên trong lúc Croatia yếu sức thấy rõ. Phút thứ 59, nhận ngược được một đường chuyền của Griezmann, Paul Pogba bằng chân phải đã sút bóng vào gôn, nhưng bóng lại chạm hậu vệ Croatia dội ngược ra. Không chần chờ, Pogba đã dùng chân trái đưa một đường bóng tuyệt vời vào lưới Croatia, nâng tỷ số lên 3-1. Sáu phút sau, Kylian Mbappé đã nhấn chìm hẳn hy vọng lật ngược thế cờ của Croatia với một cú sút khó đỡ từ bên ngoài vòng cấm địa : Pháp dẫn 4-1.
Việc thủ thành Pháp Hugo Lloris phạm một lỗi ngớ ngẩn vào phút 69, chuyền bóng vào chân Mario Mandzukic, để cho Pháp bị thủng lưới lần thứ hai cũng không giúp Croatia xoay chuyển tình thế. Tỷ số 4-2 được duy trì đến hết trận.
Đội Pháp như vậy đã trở thành Vô Địch Thế Giới, và Kylian Mabappé được trao thêm danh hiệu Cầu Thủ Trẻ Xuất Sắc. Trên bình diện không chính thức, huấn luyện viên Pháp Didier Deschamps, 49 tuổi, đã trở thành người thứ ba trong lịch sử bóng đá thế giới đoạt chức Vô địch Thế giới trong cả hai tư thế : cầu thủ và huấn luyện viên, sánh vai cùng Mario Zagallo, người Brazil và Franz Beckenbauer, người Đức.
Riêng đối với đội tuyển Croatia, thứ hạng hai là một kết quả logic, và lịch sử, vì đây là lần đầu tiên quốc gia này vào được chung kết Cúp Thế Giới ? Bên cạnh đó, tiền vệ mang áo số 10, kiêm đội trưởng của Croatia là Luka Modric được trao tặng danh hiệu Quả Bóng Vàng.
Về hai đội Bỉ hạng ba, và Anh hạng tư, thủ môn Bỉ Courtois đoạt giải thủ môn xuất sắc, trong lúc tiền đạo Anh Hary Kane được trao giải Chiếc Giày Vàng với 6 bàn thắng.
http://vi.rfi.fr/phap/20180716-phap-thang-croatia-4-2-dang-quang-vo-dich-bong-da-the-gioi-lan-ii
Deschamps: Hai ngôi sao trong hai vị trí
Như vậy là Didier Deschamps đã đi vào lịch sử của bóng đá Pháp như là người hai lần đoạt chức vô địch thế giới trong hai cương vị khác nhau: sau khi đã đoạt cúp vàng trong chiếc áo thủ quân đội tuyển năm 1998, bây
giờ ông lại là huấn luyện viên mang lại ngôi sao thứ hai cho nước Pháp. Trên thế giới, cho tới nay chỉ có hai người đạt thành tích như vậy, đó là Franz Beckenbauer của Đức và Mario Zagallo của Brazil.
Thật ra thì ngay từ năm 1993, Deschamps đã từng là thủ quân của một câu lạc bộ Pháp đoạt Cúp C1 châu Âu, khi Marseille hạ Milan AC với tỷ số 1-0 trong trận chung kết. Cựu hậu vệ 49 tuổi này đã ngưng thi đấu quốc tế, sau khi cùng với các đồng đội của anh đoạt chức vô địch châu Âu năm 2000. Nhưng trong vai trò huấn luyện viên, Deschamps lại không giành được cúp vàng châu Âu thứ hai, vì đội quân của ông đã thua một cách đau đớn trước đội Bồ Đào Nha trong trận chung kết Euro -2016.
Cho đến nay, huấn luyện viên đội tuyển Pháp vẫn chưa “tiêu hóa” xong thảm bại đó, và đối với ông đá chung kết là phải thắng cho bằng được, bất kể là đá như thế nào. Tối qua, rõ ràng là các tuyển thủ của ông có phần gặp may, với hai bàn thắng, một là do một cầu thủ Croatia đưa vào lưới đội nhà và một là nhờ trọng tài xử phạt pénalty sau khi xem lại video.
Deschamps không hề phản bác sự may mắn đó, nhưng ông cũng nhấn mạnh đến khả năng của các tuyển thủ mà ông dẫn dắt. Trả lời RFI tối qua tại Matxcơva sau trận chung kết, huấn luyện viên Deschamps không hề nhắc đến công lao của bản thân, mà chỉ tán dương các tuyển thủ của ông :
« Trận đấu, sân cỏ là thuộc về các cầu thủ. Thật là tuyệt là tối nay, thế hệ cầu thủ đó là lên đến đỉnh cao. Chúng tôi đã phải vượt qua một đoạn đường rất dài, vì đây là một đội tuyển trẻ, tuy rằng trong đó cũng có một số cầu thủ dày dặn kinh nghiệm. Tối nay họ đã trở thành những nhà vô địch, quả là một điều tuyệt diệu đối với họ. Đó là điều tôi đã nói với họ. Nhóm 23 cầu thủ ấy sẽ gắn bó với nhau suốt đời. Sẽ không ai có thể lấy đi những gì mà họ đã làm được hôm nay. »
Trước khi mang lại ngôi sao thứ hai cho nước Pháp, Deschamps đã nhiều lần bị báo chí chỉ trích là không có một chiến thuật rõ ràng, nhưng rốt cuộc lối đá « phòng ngự vững chắc, phản công thần tốc » đầy tính thực dụng mà ông yêu cầu với các tuyển thủ của ông đã mang lại hiệu quả mong muốn là giành chiến thắng chung cuộc.
http://vi.rfi.fr/phap/20180716-deschamps-hai-ngoi-sao-trong-hai-vi-tri
Đội tuyển Pháp:
Mbappé 19 tuổi đã là vô địch thế giới
Tối hôm qua, 15/07/2018, sau trận chung kết thắng Croatia, một phần nhờ quả ghi bàn của anh, Kylian Mbappé, 19 tuổi rưỡi, đã tuyên bố : « Đây chỉ là khởi đầu. Chưa phải là hết, tôi muốn đi xa hơn nữa, đi cho đến mức mà tiềm năng của tôi cho phép và những giới hạn cho phép ».
Tuyên bố nói trên thể hiện tham vọng của một ngôi sao đang lên, hiện là tiền đạo của Paris-Saint Germain. Tham vọng này không có gì là quá đáng đối với một người mà hôm qua đã trở thành tuyển thủ ghi bàn thắng trẻ nhất trong lịch sử vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới sau Pélé năm 1958 (17 tuổi).
Chưa đầy 20 tuổi, Mbappé còn là nhà vô địch thế giới trẻ nhất trong lịch sử đội tuyển Pháp. Thiery Henry là David Trezeguet khi giành chức vô địch thế giới năm 1998 đều đã 20 tuổi và cả hai đều đã không ghi được bàn nào trong trận chung kết.
Đến mức mà hôm qua, ngôi sao đầy huyền thoại của đội tuyển Brazil Pélé, ba lần vô địch thế giới, đã viết trên mạng Twitter : « Nếu Kylian tiếp tục lập kỷ lục giống tôi như vậy, chắc là tôi sẽ phải mang giầy trở lại thi đấu ».
Chàng thanh niên được mệnh danh là « hoàng tử Bondy » (Bondy là một thị trấn ngoại ô Paris) có lẽ cũng không ngờ là anh sẽ vượt một chặng đường vừa nhanh vừa hoàn hảo như vậy. Năm 2017, Mbappé đã cùng với câu lạc bộ Monaco đoạt chức vô địch Pháp và sau đó anh đã được chuyển nhượng cho CLB Paris Saint-Germain với số tiền kỷ lục là 180 triệu euro.
Tốc độ di chuyển của Mbappé được mô tả là «siêu thanh». Như trong trận gặp Achentina ở vòng một trên tám, tiền đạo Pháp đã chạy với tốc độ mà FIFA ghi được là 32,4 km/h, khiến cho đối thủ phải phạm lỗi ở vùng cấm địa dẫn đến quả pénalty, giúp đội tuyển Pháp nâng thêm tỷ số. Rốt cuộc, trong giải vô địch thế giới tại Nga, Mbappé đã làm lu mờ những siêu sao khác như Ronaldo, Messi, Neymar, tất cả đều phải xách va li về nước sớm.
Tuy được cả báo chí thế giới ca ngợi, nhưng Mbappé vẫn giữ được vẻ hồn nhiên, vô tư và đối với chàng trai này, trận chung kết Cúp thế giới cũng chỉ là một trò chơi, như thổ lộ của anh với Liên đoàn Bóng đá Pháp hôm thứ Bảy trước khi đội tuyển Pháp giành được ngôi sao thứ hai.
Với tuổi còn trẻ như vậy, Mbappé sẽ còn thi đấu 2 hoặc 3 vòng chung kết Cúp thế giới nữa. Nhưng để có thể sánh vai cùng với Zidane hay Ronaldo của Brazil, Mbappé còn phải tỏ ra chín chắn hơn, không nên chơi trò trẻ như trong trận gặp Bỉ ở bán kết, ôm giữ lấy quả bóng vào cuối trận để làm mất thời giờ của các đối thủ. Có thể là càng trưởng thành hơn, Mbappé sẽ nhận ra rằng để đi vào huyền thoại, một cầu thủ không chỉ cần đến tài năng, mà còn phải biết ứng xử đàng hoàng.
http://vi.rfi.fr/phap/20180716-mbapppe-19-tuoi-da-la-vo-dich-the-gioi
World Cup 2018:
Champs-Elysées say men chiến thắng
Hôm qua, 15/07/2018, ngay từ trước lúc trận đấu kết thúc, đại lộ Champs-Elysées của Paris đã tràn ngập các cổ động viên và khi tiếng còi của trọng tài vừa vang lên, đánh dấu chiến thắng 4-2 của đội tuyển áo Lam trước các tuyển thủ Croatia, từ fanzone với sức chứa 90 ngàn người ở khu Champs de Mars, cũng như từ khắp các nẻo đường của Paris, từng dòng người đã lũ lượt kéo tới đại lộ đẹp nhất thế giới để ăn mừng chiến thắng, vừa đi vừa reo hò, thổi kèn inh ỏi, hát vang quốc ca Pháp.
Khoảng 20 phút sau khi trận đấu kết thúc, đại lộ Champs Elysées, Paris, đã chật cứng, hầu như không thể di chuyển được nữa. Thế nhưng, đám đông cuồng nhiệt vẫn không ngớt đổ đến, ai cũng muốn tận hưởng những giây phút vui sướng trên đại lộ này. Tuyệt đại đa số là giới trẻ, trong đó có nhiều người chưa sinh ra khi nước Pháp giành được chức vô địch đầu tiên. Một thiếu nữ bày tỏ cảm xúc:
“Bố mẹ tôi đã từng biết đến chiến thắng của năm 1998, bây giờ đến lượt tôi tận hưởng chiến thắng của năm 2018. Cùng với bạn bè, cùng với toàn nước Pháp, chúng tôi đang sống những giây phút tuyệt diệu và ăn mừng chiếc Cúp Thế giới. Nước Pháp muôn năm, nền Cộng hòa muôn năm!”
Một số người quả thật là đã không ngờ đội Pháp lại giành được chiến thắng vang dội như vậy:
“Thật là tuyệt vời! Chúng ta không thể đòi hỏi hơn thế. Chúng ta lại giành chức vô địch! Thêm một ngôi sao thứ hai! Không thể nào có đủ từ để diễn tả cảm xúc của chúng tôi hôm nay. Chúng tôi rất vui sướng, rất hài lòng. Chúng tôi đang nóng lòng chờ họ trở về để ăn mừng chiến thắng với họ”.
Không chỉ có dân Paris mà cũng có không ít những người từ nơi khác đến thủ đô Pháp, như một bạn trẻ đến từ vùng Bretagne:
“Khi chúng tôi có con, trong 20 năm, 30 năm nữa, chúng tôi sẽ vẫn còn nói đến chiến thắng này. Những gì mà chúng tôi cảm nhận hôm nay, chúng tôi sẽ còn nhắc đến trong nhiều năm nữa.”
Nhiều người có mặt tại đại lộ Champs-Elysées tối qua sẽ trở lại đây để đón chào những anh hùng trở về từ Matxcơva chiều nay. Cả nước Pháp sẽ sống lại giây phút huy hoàng cách đây 20 năm, Zidane và các đồng đội của anh giơ cao chiếc cúp vô địch thế giới đầu tiên, khi diễu hành trên đại lộ mà kể từ nay đồng nghĩa với chiến thắng.
http://vi.rfi.fr/phap/20180716-world-cup-2018-champs-elysees-say-men-chien-thang