Tin Biển Đông – 13/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập trận chung ở Biển Đông

lại hâm nóng quan hệ Mỹ-Philippines

Các nhà phân tích nói các cuộc tập trận hải quân chung của Philippines và Hoa Kỳ ở Biển Đông là dấu hiệu cho thấy đảo quốc này đang xích lại gần hơn với chủ thuộc địa cũ và nước bạn về mặt lịch sử, sau nhiều năm tìm cách xây dựng quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc, kẻ thù thời chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ.
Các bài tập trận diễn ra từ ngày 9-16/7, với sự tham gia của hai tàu chiến Philippines, hai tàu chiến và một tàu sân bay Mỹ, theo trang web của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hải quân Hoa Kỳ. Địa điểm tập trận nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây của đảo Luzon, giáp với vùng biển có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hiện đang tìm cách làm mới lại mối quan hệ với Washington vì nhân dân Philippines, lực lượng vũ trang và thậm chí là các thành viên của nội các đều muốn có khả năng phòng thủ hàng hải mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, có những dự báo là Trung Quốc sẽ không từ bỏ tình hữu nghị với đảo quốc Đông Nam Á, trừ khi cuộc tập trân chung trở nên lớn hơn.

Các quan chức quốc phòng Philippines “thích” Hoa Kỳ hơn Trung Quốc, theo lời Maria Ela Atienza, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Diliman Philippines.

Eduardo Araral, phó giáo sư tại trường chính sách công của trường Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Trung Quốc “sẽ không suy diễn quá nhiều” về các hoạt động tập trận của Hoa Kỳ và Philippine trong tháng này, miễn là các hoạt động đó khộng động đến các hòn đảo tranh chấp.

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên toàn bộ hoặc từng phần của Biển Đông rộng 3,5 triệu km2.

https://www.voatiengviet.com/a/tap-tran-chung-o-bien-dong-lai-ham-nong-quan-he-my-philippines/4481463.html

 

Kêu gọi Tổng thống Philippines

buộc TQ thực thi phán quyết trọng tài

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12/7 tiếp tục bị áp lực phải làm sao để Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết trọng tài cách đây 2 năm rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông là không có giá trị pháp lý, phán quyết vốn bị Bắc Kinh làm ngơ và vẫn chưa được thi hành.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario, người dẫn đầu vụ kiện, gọi Trung Quốc là “một tên cướp nổi tiếng” vì đã đẩy mạnh việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ dù có phán quyết ngày 12/7/2016. Ông Rosario nói Philippines là một “nạn nhân tự nguyện” vì đã cho phép Trung Quốc công khai bất tuân như vậy.

Phán quyết tuyên bố vô hiệu hóa việc Trung Quốc đòi chủ quyền căn cứ trên lịch sử toàn bộ hải lộ này, nhưng Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết hay gia nhập tiến trình trọng tài của Tòa án trọng tài ở The Hague theo như Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982.

Ông Duterte giữ các mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc sau khi lên cầm quyền vào năm 2016. Ông không tìm cách buộc Trung Quốc tuân thủ ngay phán quyết cột mốc này dù có hứa sẽ thảo luận về phán quyết này với Bắc Kinh vào một thời điểm nào đó trong nhiệm kỳ 6 năm của ông.

Những người chỉ trích nói rằng ông Duterte quá mềm yếu đối với Trung Quốc nhưng ông và các giới chức của ông nói rằng cách thức của ông giúp tạo nên những cuộc thảo luận nhằm giải quyết những tranh chấp, giảm căng thẳng và đạt được nhượng bộ, trong đó có quyết định của Trung Quốc ngưng ngăn chặn ngư dân Philippines đến Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp.

Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác ủng hộ việc đưa ra Tòa án trọng tài như là một biện pháp hòa bình căn cứ trên luật quốc tế để giải quyết những tranh chấp lâu dài.

“Philippines có hai năm để tận dụng vị thế của mình phát triển và đạt được sự ủng hộ của nhiều nước với những nguyên tắc phù hợp với chúng ta và với những nước này tiếng nói của chúng ta sẽ được nhân lên gấp bội,” ông Rosario nói tại một diễn đàn kỷ niệm hai năm phán quyết được đưa ra.

“Tuy nhiên, buồn thay, việc này không xảy ra,” ông nói.

Phát ngôn viên của Tổng thống, ông Harry Roque, phản bác nhận định của ông Rosario. Ông nói “Chúng ta sẽ tiếp tục xác nhận những gì thuộc về chúng ta trong khi chúng ta tiến tới các mối quan hệ song phương với Trung Quốc.”

Phó Tổng thống Leni Robredo nói trước diễn đàn rằng “việc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của Philippines là mối đe dọa bên ngoài nghiêm trọng nhất đối với đất nước chúng ta kể từ Thế Chiến Thứ Hai,” nhưng bà nói thêm, vụ kiện của Manila đưa Bắc Kinh ra tòa án trọng tài “chứng tỏ là trong việc gìn giữ hòa bình, pháp trị là một lực lượng mạnh mẽ hơn cai trị bằng súng đạn và tàu chiến.”

Hàng chục người biểu tình tập trung tại tòa lãnh sự Trung Quốc để kỷ niệm phán quyết này, và hô to các khầu hiệu “Trung Quốc cút đi.”

https://www.voatiengviet.com/a/k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-philippines-bu%E1%BB%99c-tq-th%E1%BB%B1c-thi-ph%C3%A1n-quy%E1%BA%BFt-tr%E1%BB%8Dng-t%C3%A0i/4480922.html

 

Không cần TQ, Philippines vẫn có thể

thi hành phán quyết trọng tài

Quyền Chánh án Tối cao Pháp viện Philippines Antonio Carpio ngày 12/7 kêu gọi chính phủ Philippines yêu cầu Hoa Kỳ và các nước châu Á xem Bãi cạn Scarborough là ‘đường ranh đỏ chính thức’ trong tranh chấp Biển Đông.

Trong các vấn đề quốc tế, một đường ranh đỏ là một điều kiện do một bên nào đó thiết lập. Khi điều kiện đó bị vi phạm, bên vi phạm có thể phải chịu “những hậu quả nghiêm trọng” từ chế tài kinh tế cho đến những hành động quân sự.

Ông Carpio nói Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của Philippines, nên công nhận Bãi cạn Scarborough như là một phần lãnh thổ Philippines vì nơi đây có thể được bảo vệ bởi Hiệp ước Phòng vệ Hỗ tương Philippines-Hoa Kỳ (MDT).

Hiệp ước Phòng vệ Hỗ tương Philippines-Hoa Kỳ (MDT) mà Philippines và Mỹ ký vào năm 1951 qui định là cả hai quốc gia sẽ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp có một cuộc tấn công vũ trang.

Tại diễn đàn do Viện Stratbase tổ chức, ông Carpio nói Bộ Ngoại giao cũng nên vận động các nước ASEAN, đặc biệt là các nước ven biển bao gồm trong đường lưỡi bò chín đoạn tại Biển Đông, ấn định Bãi cạn Scarborough là đường ranh đỏ của ASEAN—và Trung Quốc không thể xây dựng bất cứ cấu trúc nào trên Bãi cạn Scarborough.

Diễn đàn trùng hợp với kỷ niệm năm thứ hai kể từ khi Tòa án quốc tế tại The Hague đưa ra phán quyết cột mốc vào ngày 12/7/2016 đứng về phía Philippines và tuyên bố việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên phần lớn Biển Đông là bất hợp pháp.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã gạt ra ngoài phán quyết thuận lợi cho Philippines để đổi lấy viện trợ kinh tế và đầu tư của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết của tòa.

Ông Carpio nhắc lại là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2015 là Bãi cạn Scarborough là “đường ranh đỏ” trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông.

Bãi cạn Scarborough nằm cách tỉnh Zambales hơn 100 hải lý. Vùng này nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc kể từ năm 2012 sau một cuộc đối đầu với Philippines.

Chính biến cố này đã khiến Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Quốc tế The Hague.

Chính phủ Philippines trước đây nói rằng Bãi cạn Scarborough là đường ranh đỏ đầu tiên trong số những đường ranh đỏ chính thức trong cuộc tranh chấp trên biển.

Philippines cho rằng Trung Quốc không thể lấy đất lấn biển hay xây dựng bất cứ cấu trúc nào trên Bãi cạn Scarborough.

Một đường ranh đỏ khác: Trung Quốc không nên có hành động nào đối với con tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại Bãi cạn Ayungin.

Đường ranh đỏ thứ ba:Trung Quốc không nên khoan dò đơn phương các nguồn lợi thiên nhiên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines.

Cùng lúc, ông Carpio cũng yêu cầu Philippines và các quốc gia ven biển khuyến khích các nước khác có những hoạt động tự do hàng hải hải và tự do hàng không tại Biển Đông.

https://www.voatiengviet.com/a/4480481.html