Tin Việt Nam – 12/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/07/2018

CSVN khoe

đã buộc Youtube xóa 7,000 video chống đảng

Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN vừa khoe khoang đã buộc được hai công ty internet khổng lồ là Google và Facebook xóa bỏ hàng ngàn video và đường dẫn có nội dung “chống phá đảng và nhà nước”.

ICT News, một trong những trang mạng thuộc Bộ Thông Tin CSVN, hôm 9 tháng 7 đưa tin, tại một hội nghị về công việc trong 6 tháng đầu năm của Bộ Thông Tin, bộ trưởng bộ này nói rằng, “những thông tin xấu độc trên mạng xã hội có tác động tiêu cực đến tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, hoang mang, dao động dẫn đến ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước và chế độ”. Bộ Thông Tin vì vậy đã “liên tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google” để yêu cầu ngăn chặn và gỡ bỏ các nội dung bị cho là vi phạm pháp luật Việt Nam.

ICT News khoe rằng, tính đến hết tháng 6 vừa qua, Google đã gỡ bỏ gần 6,700 trên tổng số 7,800 đoạn video trên YouTube bị cho là có nội dung chống phá đảng và nhà nước. ICT News cũng nói rõ rằng, trong số các video bị gỡ bỏ, có gần 300 video liên quan đến Formosa và các tỉnh miền Trung. Ngoài ra, có 6 kênh YouTube bị chặn hoàn toàn theo yêu cầu của Bộ Thông Tin CSVN. Còn Facebook đã gỡ bỏ gần 1,000 trong tổng số 5,500 đường dẫn tới những trang mạng có nội dung bị cho là “vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/csvn-khoe-da-buoc-youtube-xoa-7000-video-chong-dang/

 

Google gỡ 7 ngàn YouTube video ‘phản động’?

Cộng đồng mạng tại Việt Nam lại dậy sóng trước thông tin hàng ngàn video trên YouTube bị Google gỡ bỏ theo yêu cầu của chính phủ.

‘Chống phá Đảng’

Tính đến hết tháng 6/2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700 trên tổng số 7.800 video clip đăng trên YouTube, theo trang ICTNews.

Trong số các video bị gỡ bỏ có gần 300 video liên quan đến Formosa và các tỉnh miền Trung “với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước”, theo bài báo trên ICTNews.

Ngoài ra, có 6 kênh YouTube bị Google chặn hoàn toàn.

Trong khi đó, Facebook đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 1.000 trong tổng số 5.500 “đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Một số blogger VN nói Facebook ‘xóa bài vô cớ’

VN ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng

CEO Bill Ottman nói gì về Minds.com?

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT).

Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng TTTT Trương Minh Tuấn được ICTNews dẫn lời cho hay “những thông tin xấu độc trên mạng xã hội có tác động tiêu cực đến tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, hoang mang, dao động dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.”

Bộ TTTT vì vậy đã “liên tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google” để “yêu cầu giải quyết các đề nghị của Bộ trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội hiệu quả hơn”.

Bộ này cũng cho hay đã xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam” để “hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh”.

Theo ICTNews, Facebook đã xây dựng một kênh riêng để giải quyết các đề nghị gỡ bỏ thông tin vi phạm mạng xã hội của Việt Nam.

Googe, Facebook ‘đồng tình’ với Luật ANM

Ông Hoàng Phước Thuận, Giám đốc Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công an được VnExpress dẫn lời cho hay cả Google và Facebook đều đánh giá Luật An ninh mạng của Việt Nam là ‘phù hợp’.

“Và họ nói họ sẽ nghiên cứu để sửa chính sách của mình phù hợp [với Luật An ninh mạng],” ông Thuận nói.

Giới chức Việt Nam chỉ yêu cầu Google và Facebook nộp các dữ liệu người dùng trong trường hợp ‘có dấu hiệu vi phạm luật pháp’, theo lời ông Thuận.

Tờ Bloomberg trước đó bình luận rằng chính phủ Việt Nam ‘ép’ hai công ty này phải chọn giữa tăng trưởng hay tôn trọng quyền riêng tư của người dùng.

Google và Facebook chưa lên tiếng về những thông tin đưa ra trên báo chí nhà nước Việt Nam.

Cộng đồng mạng nói gì

Trước thông tin hàng ngàn video và bài viết bị Google và Facebook gỡ bỏ, người dùng mạng xã hội phản ứng.

Facebooker Nguyễn Giáng Vân viết rằng tuyên bố này của ông Trương Minh Tuấn là ‘huênh hoang, tự đắc’, ‘nêu cao thành tích’ mà ‘không biết việc này vi phạm điều 25 Hiến pháp’ Việt Nam về quyền tự do ngôn luận ‘mà mọi người dân đều được hưởng’.

Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’

Việt Nam: Mở đầu của các phong trào xã hội qua mạng

Một Facebooker khác là Nhi Bao Le thì đề xuất phương pháp thay thế cho người dùng Việt. Rằng nếu muốn đăng video, người dùng nên đưa lên trên Dailymotion và Vimeo thay vì YouTube.

Với các bài viết và hình ảnh, người dùng nên đăng trên Minds thay vì Facebook.

Một độc giả tên Lê Quốc Hùng bình luận: “Đề nghị kết nạp đảng cho YouTube và Google”.

Tài khoản Facebook tên Ngọc Hưng Vũ thì viết rằng dù Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực nhưng đã có ‘những cái bắt tay ‘dưới gầm bàn’ “vì lợi ích doanh nghiệp đã và đang diễn ra một cách rầm rộ, hoặc như một cách doanh nghiệp thể hiện sự phục tùng chế độ độc tài cộng sản nhằm mưu cầu lợi ích.”

Ngọc Hưng Vũ 10 juillet, 05:30 · Minds

Luật Animal của cộng sản chưa có hiệu lực nhưng những cái bắt tay “dưới gầm bàn” vì lợi ích doanh nghiệp đã và đang vẫn diễn ra một cách rầm rộ, hoặc như một cách doanh nghiệp thể hiện sự phục tùng chế độ độc tài cộng sản nhằm mưu cầu lợi ích!“Tính đến hết tháng 6-2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700/7.800 video clip khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip liên quan đến Formosa và các tỉnh miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước….Ngoài ra, có 6 kênh YouTube bị chặn hoàn toàn. Facebook đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 1.000/5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam….Facebook cũng gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam và một số link liên quan đến Formosa và miền Trung cũng như các hoạt động quá khích”.

Googe ngăn chặn, gỡ bỏ 6.700 video clip phản động, chống phá Việt Nam

ctnewsTính đến hết tháng 6/2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700/7.800 video clip khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip liên quan đến Formosa và các tỉnh miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước.

Yêu cầu Facebook làm rõ vụ hiển thị Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc

Facebook Messenger chính thức ra mắt trợ lý ảo tại Việt Nam

Facebook khẳng định hiển thị Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc chỉ là “lỗi kỹ thuật”

Trao đổi tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018 ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh những thông tin xấu độc trên mạng xã hội có tác động tiêu cực đến tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, hoang mang, dao động dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Trước thực tế này, Bộ TT&TT liên tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google, yêu cầu giải quyết các đề nghị của Bộ trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội hiệu quả hơn, tăng cường hợp tác trong vấn đề an toàn, an ninh thông tin.

“Tính đến hết tháng 6/2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700/7.800 video clip khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip liên quan đến Formosa và các tỉnh miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.

Ngoài ra, có 6 kênh YouTube bị chặn hoàn toàn. Facebook đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 1.000/5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Facebook cũng gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam và một số link liên quan đến Formosa và miền Trung cũng như các hoạt động quá khích.

Cũng theo Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh.

Facebook đã xây dựng một kênh riêng để giải quyết đề nghị của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội.

Nguyên Đức

http://ictnews.vn/…/googe-ngan-chan-go-bo-6-700-video-clip-…

Nguyễn Giáng Vân

lundi

“THÀNH TÍCH” CỦA ÔNG 4T!

Chiều nay 9-7, ông Trương Minh Tuấn (sắp bị kỷ luật) lại huênh hoang, tự đắc khi tuyên bố:
“Tính đến hết tháng 6-2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700/7.800 video clip khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip liên quan đến Formosa và các tỉnh miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, có 6 kênh YouTube bị chặn hoàn toàn. Facebook đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 1.000/5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Facebook cũng gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng,

Nhà nước Việt Nam và một số link liên quan đến Formosa và miền Trung cũng như các hoạt động quá khích”.
Khi Luật Animal chưa đến ngày có hiệu lực mà ông cứ tưởng rằng làm như vậy là nêu cao thành tích, đái công chuộc tội chăng? Ông không biết việc này là chống lại nhân dân, vi phạm điều 25 Hiến pháp, là sự phỉ nhổ vào quyền tự do ngôn luận mà mọi người dân đều phải được hưởng?

Ông phải biết xấu hổ trước nhân dân – những người đã trả lương cho bộ máy Đảng và NN của ông chứ?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44790083

 

Y án tử hình

trong vụ xả súng để giữ đất ở tỉnh Đắk Nông

Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 12 tháng 7 quyết định giữ nguyên bản án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến trong vụ án xả súng để giữ đất tại tỉnh Đắk Nông.

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông, hội đồng xét xử tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Đặng Văn Hiến về tội giết người. Các bị cáo khác cũng được giảm án như Ninh Viết Bình từ 20 năm xuống 18 năm, Hà Văn Trường từ 12 năm còn 9 năm và Đoàn Văn Diện từ 9 tháng tù giam còn được hưởng án treo.

Ngoài ra, các bị cáo của công ty Long Sơn, đơn vị tiến hành lấy đất của người dân, cũng đều được giảm án xuống 2 năm so với bản án ban đầu của phiên tòa sơ thẩm.

Trước phiên tòa xét xử, nhiều người dân tại huyện Tuy Đức đã kéo đến trụ sở tòa án để theo dõi quá trình xét xử. Tuy nhiên, lực lượng chức năng bảo vệ phiên tòa đã không cho người dân vào tham dự ngoại trừ những người có giấy triệu tập. Dù trời mưa rất lớn nhưng người dân vẫn đứng ngoài sân để theo dõi phiên tòa xét xử.

Theo cáo trạng, ngày 23 tháng 10 năm 2016, Phó giám đốc công ty Long Sơn dẫn hơn 30 nhân viên của công ty mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của gia đình nông dân Đặng Văn Hiến và hai hộ dân khác. Một số người dân trong cuộc đã dùng súng tự chế để chống lại lực lượng nhân viên của Công ty Long Sơn, làm 3 người thiệt mạng và 13 người bị thương.

Sau phiên tòa sơ thẩm, hai trong ba gia đình nạn nhân bị bắn chết có đơn xin miễn án tử hình cho bị cáo Đặng Văn Hiến.

Vụ việc tại Dak Nong là một trong những trường hợp mà người dân cho rằng họ bị lấy đất một cách phi pháp, bồi thường quá thấp so với giá thị trường. Từ đó dẫn đến biện pháp phản kháng gây đổ máu, và thậm chí chết người.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-trial-upholds-death-sentence-for-land-keeper-07122018095847.html

 

Tù chính trị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

tuyệt thực sang ngày thứ 6

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được biết đến với tên Blogger Mẹ Nấm, tuyệt thực trong tù đến ngày 12 tháng 7 là sang ngày thứ sáu.

Bà Nguyễn thị Tuyết Lan, thân mẫu của tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, vào ngày 12 tháng 7, đến Trại 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa để gặp con gái.

Khi đang trên đường trở về Nha Trang bằng tàu, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, cho Đài Á Châu Tự Do biết cuộc gặp diễn ra 1 tiếng đồng hồ và bà nhận thấy con gái ốm đi, sức khỏe rất kém. Theo lời bà Nguyễn Thị Tuyết Lan thì Trại 5 có đáp ứng yêu cầu chuyển con gái của bà sang một phòng giam khác, không có những đối tượng thường xuyên gây gỗ, mạt sát cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Tuy nhiên phòng giam mới lại tồi tệ hơn phòng giam cũ ở chỗ không được che chắn đầy đủ; ngay cả nơi đi vệ sinh; từ bên ngoài có thể nhìn thấy tất cả.

Theo lời bà Nguyễn thị Tuyết Lan thì lần gặp vào ngày 12 tháng 7, Trại 5 cho con gái bà nhận một bộ đồ và cuốn sách văn phạm Tiếng Anh; còn một cuốn Kinh Thánh thì họ giữ lại nói để kiểm tra.

Bà Nguyễn thị Tuyết Lan cũng chuyển lời của những thân hữu bên ngoài kêu gọi tù nhân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngưng tuyệt thực nhằm bảo toàn sức khỏe; tuy nhiên cô này nói mọi người nên tôn trọng quyết định của cô vì cô ý thức được việc đang làm.

Tại Trại 5 Yên Định hiện có tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn đang thụ án 8 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ trong vụ án 14 Thanh Niên Công Giáo và Tin Lành hồi năm 2011.

Bà Tuyết Lan cho biết khi cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị chuyển đến Trại 5 thì hai cô ở sát phòng nhau và có thể nói chuyện.

Cũng liên quan tù chính trị, thì tin cho biết mục sư Nguyễn Trung Tôn, thuộc Hội Anh Em Dân Chủ, người bị kết án 12 năm tù cùng với 5 người khác vào ngày 5 tháng 4 trong phiên sơ thẩm, và tòa phúc thẩm vào ngày 4 tháng 6 y án, vừa bị chuyển trại từ Hà Nội lên Dak Lak. Vừa qua, một tù nhân trong cùng vụ là ký giả độc lập Trương Minh Đức bị chuyển đến Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-political-prisoner-blogger-mother-mushrooms-hunger-strike-07122018102923.html

 

Sáu người biểu tình tại Bình Thuận bị án tù

Bảy người bị bắt giữ khi biểu tình phản đối Luật Đặc khu tại Phan Thiết vào tối ngày 11 tháng 6, vừa bị Tòa án Nhân dân Thành phố Phan Thiết tuyên án từ 18 tháng tù treo đến 30 tháng tù giam với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”.

Hãng tin AP và truyền thông trong nước đồng loạt loan tin về phiên sơ thẩm này vào ngày 12 tháng 7.

Theo cáo trạng của cơ quan chức năng thì 7 người này đã ném gạch đá, bom xăng tự chế vào lực lượng an ninh và Ủy ban nhân dân Tỉnh Bình Thuận. Do đó, Hội đồng xét xử đã tuyên án 30 tháng tù giam đối với ông Nguyễn Văn Minh – 52 tuổi, anh Nguyễn Văn Hùng – 26 tuổi, anh Nguyễn Phương Đông và Nguyễn Văn Mạnh – 24 tuổi.

Với ông Nguyễn Đình Vũ – 41 tuổi, và bà Trần Thị Ngọc – 50 tuổi, Hội đồng xét xử tuyên án 24 tháng tù giam.

Riêng anh Nguyễn Minh Hải – 17 tuổi, do chưa đủ tuổi thành niên nên lãnh án 18 tháng tù treo.

Tin còn nhắc lại hơn chục chiếc xe đã bị người biểu tình ở Phan Thiết hôm 10-11/6 đốt cháy. Người biểu tình còn làm hư hại tài sản và các tòa nhà công quyền. Ngoài ra, người dân còn ném gạch đá, bom xăng vào lực lượng an ninh. Về phía cảnh sát, họ cũng sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông biểu tình.

Dự luật cho nước ngoài thuê đất làm đặc khu tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong 99 năm, hay còn gọi tắt là Luật Đặc khu, vấp phải phản đối của người dân vì chọ lo ngại các đặc khu này sẽ giúp giới đầu tư Trung Quốc thâu tóm đất đai của Việt Nam.

Nhiều cuộc biểu tình ôn hòa phản đối dự luật Đặc khu diễn ra trên khắp cả nước trong hai ngày cuối tuần 9-10/6. Đây được nhận xét là đợt biểu tình có quy mô lớn nhất tại Việt Nam từ sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Nhiều cuộc biểu tình sau đó trở thành bạo động, hàng trăm người bị bắt đưa về các trại tập trung.

Vào ngày 17 tháng 6, lực lượng chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho bắt giữ bất cứ ai mà họ cho là sẽ tham gia biểu tình. Hằng trăm người bị đưa về nơi tập trung dã chiến ở Công Viên Tao Đàn. Một số sau khi được thả ra cho biết họ bị hành hung nặng nề.

Sau gần 1 tháng Văn phòng chính phủ ra thông báo lùi thời hạn thông qua dự luật Đặc khu, vào ngày 3 tháng 7, Văn phòng chính phủ đã gửi thư cho các bộ ngành liên quan về việc chuẩn bị nội dung họp lần 2 bàn bạc về Luật Đặc khu, và dự tính sẽ đưa ra bàn thảo vào kỳ họp tháng 10 tới đây.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-jails-6-of-dozens-arrested-for-economic-law-protests-07122018084354.html

 

Vụ biểu tình bạo động ở Bình Thuận “có động cơ chính trị”

Vụ biểu tình trở nên bạo động ở Bình Thuận vào ngày 10 và 11 tháng 6 không phải là vụ án gây rối trật tự đơn thuần mà là “có động cơ chính trị”.

Đó là khẳng định của ông Hồ Trung Phước – trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Thuận cho biết tại hội nghị giao ban báo chí tháng 7, ngày 7/11/2018.

Báo Tuổi Trẻ trong nước dẫn thêm lời ông Phước là các cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận đã tách thành 4 vụ án để tiến hành điều tra, tố tụng theo mức độ phức tạp khác nhau.

Cũng theo ông Phước, có 17 người trong số bị khởi tố chuẩn bị được đưa ra xét xử, nhưng ông không nói rõ cụ thể ngày nào. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận tiếp tục củng cố hồ sơ, sàng lọc thêm như lời Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, Đại tá Đào Trọng Nghĩa, vào ngày 12 tháng 6, nói với Báo VnExpress Online rằng sẽ khởi tố vụ án và bị can sau khi sàng lọc, điều tra.

Tin dẫn lời ông Hồ Trung Phước rằng số đông những người bị bắt có học vấn thấp, chưa hết cấp 1, gia đình hoàn cảnh ngặt nghèo, có tiền án tiền sự, việc làm không ổn định… Khi bị bắt, họ ít nhận thức được việc làm mà họ gây ra.

Trước đây, Reuters từng loan tin dẫn nguồn từ Bộ Công an Việt Nam cho biết sẽ trừng phạt những người bị cho là “cực đoan” gây bạo loạn trong các cuộc biểu tình những ngày qua ở Bình Thuận.

Ngoài Bình Thuận, vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, nhiều nơi trên cả nước xảy ra cuộc biểu tình của người dân phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Bieu-tinh-binh-thuan-co-dong-co-chinh-tri-07112018133046.html

 

Mục sư Tin Lành Lutheran bị án tù

với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’

Mục sư Tin Lành Đinh Diêm thuộc Hội Thánh Lutheran không được Hà Nội thừa nhận ở Quảng Ngãi vào hôm 12 tháng 7 bị tòa án tỉnh này tuyên án 16 năm tù trong phiên sơ thẩm với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.’

Truyền thông trong nước loan tin này cho biết người bị tuyên án 56 tuổi, ngụ tại xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Cáo trạng cho rằng ông Đinh Diêm là mục sư tự phong của Hội thánh Tin Lành Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ và đã tham gia tổ chức ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời’ tại Mỹ. Tổ chức này do ông Đào Minh Quân cầm đầu và bị Hà Nội cáo buộc là tổ chức khủng bố, kích động, phá hoại nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Đinh Diêm đã được ông Đào Minh Quân bổ nhiệm chức vụ ‘Chủ tịch lâm thời Hội đồng liên tôn tại Việt Nam’ và sau đó đã vận động, kêu gọi một số chức sắc tôn giáo tham gia vào tổ chức ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.’ Mục đích được nói là nhằm phát triển lực lượng và tiến hành hoạt động lật đổ chế độ.

Ông Đinh Diêm bị Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt giam và khởi tố vào ngày 5/1.

Theo báo trong nước, ông Đinh Diêm trước đây từng tham gia tổ chức Fulro ở Tây Nguyên và đã bị đưa đi cải tạo. Tổ chức Fulro cũng bị Hà Nội cáo buộc là tổ chức phản động.

Tin cũng cho biết vào ngày 16 đến 19 tháng này, cơ quan chức năng Việt Nam cũng sẽ đưa một nhóm gồm 12 người bị cáo buộc thuộc nhóm ‘Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời’ ra xét xử với cùng tội danh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pastor-jailed-for-activity-to-overthrow-the-government-07122018092849.html

 

Nửa tấn tê tê bị phát hiện tại Hưng Yên

Công an tỉnh Hưng Yên bắt giữ 116 con tê tê tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, vào ngày 9 tháng 7 vừa qua.

Truyền thông trong nước, vào ngày 12 tháng 7 cho biết Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật của tỉnh Hưng Yên giám định 116 con tê tê có tổng trọng lượng 530 kg là loài tê tê Java, nằm trong danh sách loại động vật quý hiếm ưu tiên được bảo vệ.

Phòng Cảnh sát Kinh tế tỉnh Hưng Yên cho biết thêm đã chuyển 116 con tê tê cho Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã, thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương chăm sóc; đồng thời tiếp tục điều tra vụ việc để truy bắt các đối tượng buôn bán trái phép những con tê tê này.

Hồi trung tuần tháng 5 năm 2018, một Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ 10 triệu đô la cho Việt Nam, được chính thức khởi động. Dự án này tập trung vào các loài tê giác, voi và tê tê tại các khu vực lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, các vùng biên giới, cảng biển và sân bay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/half-ton-of-pangolin-seized-in-hung-yen-province-07122018092524.html

 

VN: Dùng mạng xã hội buôn bán động vật hoang dã

Một nghiên cứu mới công bố cho hay hoạt động buôn bán trực tuyến động vật hoang dã bất hợp pháp của VN nay diễn ra nhiều hơn trên mạng xã hội.

Nghiên cứu của tổ chức quốc tế TRAFFIC chỉ ra rằng nỗ lực ngăn chặn tệ nạn này tại Việt Nam nên tập trung vào các trang web có tiên miền .com và mạng xã hội, thay vì trên các website .vn như trước đây, theo Hawai’i Public Radio.

Báo cáo có tên “Việt Nam online: Đánh giá nhanh tình hình buôn bán trực tuyến động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2017, vừa được TRAFFIC công bố hôm 11/7.

Các chuyên gia đã khảo sát 13 website đuôi .vn, với từ khóa tìm kiếm là các sản phẩm từ voi, báo, tê tê, tê giác, và hổ.

Trong số các website đươc khảo sát, 30% quảng cáo cho các sản phẩm từ các động vật hoang dã dễ bị tổn thương này.

‘VN cần trình giấy phép mua vây cá mập Chile’

Nhân viên thương vụ VN ‘mua vây cá mập cho gia đình’

Sáu người Việt bị bắt vì săn bắt hổ ở Malaysia

Vua buôn lậu ngà voi người Thái gốc Việt bị bắt

Có 14 quảng cáo giới thiệu hơn 1.000 sản phẩm động vật hoang dã. Nhiều sản phẩm được quảng cáo làm từ ngà voi và từ các bộ phận của hổ.

Cuộc khảo sát cũng phát hiện 1.100 sản phẩm từ hổ được rao trong 187 quảng cáo từ 85 người bán tại 4 website thương mại điện tử và 2 trang mạng xã hội trong khoảng thời gian 25 ngày.

Khi so sánh với các dữ liệu thu thập từ Việt Nam tại các trang thương mại có tên miền .com và từ mạng xã hội trong cùng khoảng thời gian, nghiên cứu chỉ ra rằng các giao dịch vẫn xuất hiện tại các website .vn, nhưng số lượng ít hơn trên mạng xã hội.

Thương mại điện tử tại Việt Nam được quy định bởi pháp luật. Người vi phạm bị xử lý tương đương như vi phạm pháp luật trong kinh doanh thông thường.

Tuy nhiên thu thập bằng chứng và truy tố tội phạm trực tuyến có thể khó khăn hơn.

Báo cáo này đề xuất chính phủ Việt Nam cần có những điều chỉnh để đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả trên các kênh trực tuyến, chẳng hạn nên xây dựng một nhóm chuyên ngành giám sát buôn bán trực tuyến động vật hoang dã.

Nghiên cứu cũng kêu gọi giới thực thi pháp luật và người dân tố giác tội phạm buôn bán động vật hoang dã trực tuyến trái phép thông qua nhiều biện pháp được đề xuất trong báo cáo.

Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu về buôn bán sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp có nguồn gốc từ các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việt Nam cũng vừa là nơi khách Trung Quốc tìm mua các sản phẩm này, vừa là trạm trung chuyển các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp trước khi chuyển đến Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44803196

 

Có tin Will Nguyen sẽ ra tòa ở VN ngày 20/7

Chính phủ Việt Nam sẽ đưa công dân Mỹ Will Nguyen sẽ ra xét xử vào ngày 20/7, chị gái của ông mới đăng tin trên Facebook.

“Chúng tôi vừa được thông báo rằng chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành đưa vụ án của William ra xét xử vào ngày 20 tháng Bảy. Mức án sẽ gồm việc nộp lệ phí (lên tới 2500 USD) và/hoặc án tù cho tới 7 năm,” bà Victoria Nguyen đăng trên Facebook cá nhân hôm 11/7.

“Hiện vẫn CHƯA CÓ chuyện quy trách nhiệm, hay YÊU CẦU đòi thả ngay cậu ấy mặc dù cậu ấy đã bị đánh đập, và kéo lê tới nơi cậu bị bắt. Việc chối bỏ nhân quyền công khai này không chỉ là bất công lớn đối với William, mà còn với tất cả các công dân.”

“Vậy là … giờ đây chúng ta có “giải pháp nhanh chóng” này. Chúng ta có nên tiếp tục hỏi chính phủ Mỹ vì sao quyền con người của Will bị phớt lờ một cách trắng trợn, trong khi họ tiếp tục “cam kết vì sự phát triển của một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia đóng góp cho an ninh quốc tế, tham gia vào thương mại song phương công bằng, tự do, và tôn trọng nhân quyền và pháp quyền”,” bà Victoria Nguyen viết.

Will Nguyen, 32 tuổi, người Mỹ gốc Việt ở Houston bang Texas, bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế hôm 10/6.

Được truyền thông Việt Nam gọi là ‘Nguyen William Anh’, Will Nguyen bị công an TP Hồ Chí Minh hôm 15/6 khởi tố với tội danh “tụ tập gây rối trật tự công cộng”, và đã bị ghi hình thúc giục người khác trèo qua rào chắn, theo bản tin Thông tấn xã Việt Nam ngày 15/6.

“Ngày 10/6, Nguyen William Anh đã tham gia xuống đường cùng nhiều người tụ tập, gây rối trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.”

“Ở giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lý Chính Thắng, Quận 3, Nguyen William Anh đã trực tiếp yêu cầu những người trong lực lượng chức năng phải di dời các xe đặc chủng để đoàn người đi qua.”

“Khi yêu cầu không được đáp ứng, Nguyen William Anh đã leo lên xe đặc chủng, hô hào, kêu gọi nhiều người khác vượt qua chốt chặn.”

“Những hành động của Nguyen William Anh đã được lực lượng chức năng ghi hình. Cơ quan Công an xác định, hành vi gây rối trật tự công cộng của Nguyen William Anh là rõ ràng, có chứng cứ hình ảnh,” hãng tin nhà nước Việt Nam viết.

Tuy nhiên, một người biểu tình gặp Will tại buổi biểu tình hôm 10/6 cho BBC biết, anh gặp Will khi đi cùng đoàn ở công viên Hoàng Văn Thụ.

“Will đi chỉ mục đích quan sát, chụp hình và chỉ cầm theo hai chai nước, chứ không cầm theo biểu ngữ gì, cũng không hô hào gì.”

“Có một số cảnh sát, công an để xe máy, xe ô tô chặn đường thì anh Will có giúp bà già, trẻ con qua để họ không bị kẹt,” người này cho biết.

Hôm 19/6, Will Nguyen xuất hiện trên truyền thông Việt Nam xin lỗi đã vi phạm pháp luật và hứa sẽ không tham gia xuống đường.

“Tôi hiểu rằng những hành động của tôi đã vi phạm (pháp luật)…Tôi hối hận đã gây phiền hà cho những người đang ra sân bay. Tôi đã cản trở giao thông, gây rắc rối cho gia đình và bạn bè. Từ nay tôi sẽ không tham gia các hoạt động chống phá chính quyền nữa,” hãng tin AFP trích lời Will Nguyen.

Trong chuyến thăm Việt Nam hôm thứ Hai 9/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nêu trường hợp của Will Nguyen bị bắt giữ với các quan chức cao cấp nước chủ nhà.

“Ngoại trưởng cũng đã nêu lên trường hợp William Nguyen và thúc giục có giải pháp nhanh chóng cho trường hợp này,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói trong một tuyên bố.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với ABC News hồi tháng 6:

“Chúng tôi hết sức lo ngại về những video cho thấy các thương tích và cách đối xử ban đầu với William… tại thời điểm ông bị bắt giữ, và chúng tôi đã bày tỏ những lo ngại đó với giới chức Việt Nam.”

Các nhân viên lãnh sự quán Mỹ đã đến thăm Will hay lần, vào ngày 15 và 29/6, người phát ngôn này nói thêm, và Will “có vẻ như có sức khỏe tốt và nói ông ta không cần chăm sóc y tế” trong lần thăm đầu tiên, năm ngày sau khi ông bị bắt.

Trong một phỏng vấn với hãng tin ABC News hôm 11/7, bà Victoria Nguyen bày tỏ nỗi thất vọng về sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Mỹ trong vụ việc này.

“Họ không thực sự nỗ lực thúc giục vụ này. Họ gần như tránh nói về vụ việc và chối bỏ mối lo ngại của tôi hay những vấn đề tôi nêu. Điều này thật là bức xúc,” Bà Victoria Nguyen nói với ABC News.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư 11/7 không có hồi đáp yêu cầu bình luận về vụ việc này của ABC News.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44808853

 

Lo sợ tăng khi thị trường chứng khoán VN sụt kỷ lục

Giới đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu của Việt Nam do lo ngại hậu quả tồi tệ từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Bất cứ ai đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian này hẳn phải có thần kinh thép, theo Bloomberg.

Sau khi giảm 26% từ mức tăng kỷ lục trong tháng Tư, chỉ số VN Index của Việt Nam tiếp tục biến động chưa từng thấy trong hơn 8 năm qua.

Chỉ số này, từng được xem là ổn định nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương chỉ vài tháng trước.

VN nên ‘đi dây’ tỉ giá VND với CNY và USD

VN: Nguy cơ thiệt hại vì chiến tranh thương mại

Người Trung Quốc ‘ồ ạt mua nhà giá rẻ ở VN’

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là gì?

Tâm lý nhanh chóng đảo chiều khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, khiến giá đồng đô la Mỹ tăng vọt và đồng Việt Nam lao dốc.

Người nước ngoài bắt đầu bỏ chạy khỏi thị trường cổ phiếu Việt Nam. Việc này trở nên tồi tệ hơn khi lo ngại ngày càng gia tăng về hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bernard Lapointe, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Sự biến động sẽ tiếp diễn, điều đó là bình thường ở giai đoạn này”.

“Người mua và người bán đang tranh cãi nên đi đâu, bán đi đâu. Nhiều người đã bị thất thoát vốn cổ phần và sẽ không quay trở lại trong thời gian tới.”

Sau sáu năm tăng liên tiếp vượt mức 6%, VN Index bước vào ranh giới Thị trường Gấu (Bear market) vào tháng Năm. Dù đã tăng nhẹ lên 12% vào đầu tháng Sáu, sự cải thiện này không kéo dài. Biến động tiếp tục gia tăng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa hôm thứ Tư 11/7 ở mức thấp nhất kể từ tháng 11, trong khi hầu hết các thị trường khu vực vẫn tăng đều.

Sau khi đạt mức kỷ lục của năm vào tháng Tư, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi 25,4 tỷ đô la khi các nhà đầu tư quốc tế dành 3/4 thời gian của họ rút tiền trong ba tháng qua.

TQ định mở khu ‘hàng TQ mác Việt Nam’ ở biên giới

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và kinh tế VN

Đối với ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của Quỹ Dragon Capital Group Ltd., giá cổ phiếu đang rẻ đi với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dừng ở mức 26% trong năm nay.

“Về cơ bản vẫn rất tích cực,” ông nói từ thành phố Hồ Chí Minh. “Nền kinh tế vĩ mô dường như rất ổn định: lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối cao trong khi FDI vẫn đổ vào,” ông nói, đề cập đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, chiếm khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam.

Các nhà kinh tế dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2018 và 6,7% trong năm 2019.

Nhưng điều đó không giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khỏi bị tác động dữ dội bởi những biến động trên thế giới.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44803198

 

‘Sát thủ Tự do Báo chí’ Trương Minh Tuấn

bị cảnh cáo, mất chức

Bộ Chính trị vừa ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trương Minh Tuấn và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông vì những sai phạm trong lĩnh vực kinh tế.

Theo truyền thông Việt Nam, hôm 12/7 tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ra quyết định ‘cảnh cáo’ ông Trương Minh Tuấn, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời cách chức Bí thư Ban cán sự đảng của bộ này nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong một thông cáo phát đi vào chiều cùng ngày, Cổng thông tin Chính phủ cho biết ông Trương Minh Tuấn đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo” trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án quá trình cổ phần hoá của Tổng Công ty Mobifone.

Nhận định về hình thức ‘cảnh cáo’ về mặt đảng đối với ông Tuấn, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy nói với VOA rằng người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông bị mức kỷ luật như vậy là chưa thỏa đáng, mà cần đưa ông ra xét xử hình sự:

“Việc làm sai lầm của ông trong quản lý kinh tế bị xử lý như thế là đúng. Tôi không nghĩ rằng ổng bị oan. Tôi mong rằng sau khi kỷ luật ông này nên tiếp tục khởi tố hình sự đối với ông. Chứ kỷ luật xong cho nghỉ về hưu thì quá đơn giản.”

Tôi mong rằng sau khi kỷ luật ông này nên tiếp tục khởi tố hình sự đối với ông. Chứ kỷ luật xong cho nghỉ về hưu thì quá đơn giản.

Nhà báo Độc lập Nguyễn Tường Thụy

Từ thành phố Hồ Chí Minh, blogger Sơn B. Nguyễn nói rằng sai phạm của ông Tuấn là “quá nghiêm trọng.” Blogger này nói dù ông Tuấn là người của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng bị “nhúng chàm, nên ông Trọng đưa vào lò thôi.”

“Tôi nghĩ ông ấy sai phạm như vậy thì đáng bị kỷ luật và cách chức thôi. Đáng lẽ việc này phải làm từ lâu rồi, nhưng mấy ông làm việc chậm chạp nên tới bây giờ mới có quyết định.”

Đáng lẽ việc này phải làm từ lâu rồi, nhưng mấy ông làm việc chậm chạp nên tới bây giờ mới có quyết định.

Blogger Sơn B. Nguyễn

Bộ Chính trị ra thông báo, đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ “chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Trương Minh Tuấn bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật của Đảng theo quy định.”

Theo quy định của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng ở Trung ương là tổ chức đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thành lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan Nhà nước.

Ngoài ra, với cùng vi phạm, Bộ Chính trị hôm 12/7 cũng xem xét hình thức kỷ luật về đảng đối với người tiền nhiệm của ông Tuấn là cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

Trước đó, hôm 10/7, Ban Bí thư đã cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 về vụ công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG.

Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook: “tôi không quan tâm nhiều đến việc kỷ luật những ông đảng viên Việt Cộng, bởi đa số họ đều chẳng ra gì từ người nắm quyền kỷ luật đến kẻ chấp hành kỷ luật. Chẳng qua đến ngày đến tháng thì bọn họ đều phải ra đi, hoặc hạ cánh an toàn, hoặc cúi đầu chịu nhục mà thôi.”

Các nhà báo độc lập nói rằng Bộ trưởng Trương Minh Tuấn từng được biết là ‘Sát thủ Tự do Báo chí” trong giới làm báo của Việt Nam.

Ông Nguyễn Tường Thụy chia sẻ:

“Ông Trương Minh Tuấn được gọi là Sát thủ Tự do Báo chí ở Việt Nam. Ghê lắm! cả trong làng báo lề dân, lẫn báo chí Nhà nước. Ông ấy khét tiếng là ngưới bót nghẹt thông tin báo chí.”

Ông Trương Minh Tuấn được gọi là Sát thủ Tự do Báo chí ở Việt Nam, cả trong làng báo lề dân, lẫn báo chí Nhà nước. Ông ấy khét tiếng là ngưới bót nghẹt thông tin báo chí.

Nguyễn Tường Thụy

Nhà báo Sương Nguyệt Minh bình luận trên Facebook: “Anh làm loạn Mobiphone và AVG như thế, thì chỉ đạo báo chí được nữa không? Anh sẽ làm gì với chức Bộ trưởng hử? Xưa nay, anh xử lý các báo, bây giờ các đài báo… xử lý anh.”

Đất Việt, trang báo mạng đa chiều nhận định: “ông Trương Minh Tuấn từng dằn mặt không ít trang báo, phóng viên, nhà báo vì ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa.’ Và trong giai đoạn ‘cầm quyền báo chí’ của ông Tuấn, RFS xếp hạng tự do báo chí Việt nam vẫn ở ngưỡng 175/180; thậm chí vào năm 2018, bản đồ đàn áp báo chí nghiêm trọng với 21 nước đã xướng danh Việt nam.”

Ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đề nghị khởi tố vụ doanh nghiệp nhà nước Mobifone mua AVG sau khi đưa ra kết luận về nhiều sai phạm “đặc biệt nghiêm trọng” của thương vụ chuyển nhượng cổ phần.

Thương vụ mua AVG của MobiFone bị dư luận chú ý sau khi doanh nghiệp nhà nước này bất ngờ công bố đã hoàn tất mua lại 95% cổ phần của AVG vào tháng 1/2016, nhưng lại không tiết lộ giá trị hợp đồng mua bán.

Đây là thương vụ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc họp Ban Bí thư ngày 8/3, cho là “vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” và đã có công văn chỉ đạo “khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.”

AVG do em trai của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng, ông Phạm Nhật Vũ, đứng đầu.

https://www.voatiengviet.com/a/sat-thu-tu-do-bao-chi-truong-minh-tuan-bi-canh-cao-mat-chuc/4479753.html

 

Nghi vấn về các thương vụ tỷ đô

của đại gia Trịnh Văn Quyết-FLC

Doanh nhân Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC được truyền thông trong nước tôn vinh có thời điểm là tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản ước tính 2 tỷ USD bao gồm hàng chục các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở, văn phòng… trải dài tại các tỉnh thành tại Việt Nam.

Trang wikipedia Việt Nam có đăng tải thông tin cho biết ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc trong một gia đình công chức nghèo. Với xu hướng kinh doanh ngay từ thời sinh viên, ông này đã thành công từ việc buôn bán điện thoại di động, tổ chức trung tâm gia sư và đứng ra mở văn phòng luật sau khi tốt nghiệp tại Hà Nội. Đây là cơ sở để ông Trịnh Văn Quyết thành lập nên công ty Luật mang tên SMiC hoạt động trong lĩnh vực tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư và các vấn đề liên quan đến kinh doanh cho và sau này công ty cổ phần FLC, tiền thân của tập đoàn kinh doanh bất động sản FLC hiện nay.

Có một số thông tin không chính thức có nói là có thể họ được cấp tín dụng từ một ngân hàng Trung Quốc. Còn từ ngân hàng Việt Nam thì tôi chưa có thông tin nào là có ngân hàng Việt Nam nào cấp một khoản tín dụng lớn như thế để mà mua 20 chiếc máy bay Dreamliner của Boeing – TS Lê Đăng Doanh

Khác với những đại gia khởi nghiệp thành công ở các nước Đông Âu trở về Việt Nam lập nghiệp như trường hợp tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Lê Viết Lam (Sungroup), Nguyễn Phương Thảo (Vietjet Air) hay Nguyễn Đăng Quang (Massan)…, thành công của một doanh nhân với quá trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và phát triển thuận lợi, thành công thần tốc như ông chủ tập đoàn FLC khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh những dự án mà tập đoàn này đang triển khai. Trên thực tế, FLC đang phải đối mặt với những cáo buộc cho rằng tập đoàn này bắt tay với chính quyền địa phương gây nên những sai phạm nghiêm trọng về quy hoạch, cấp phép, nộp thuế và cả những chính sách đền bù rẻ mạt nhằm cưỡng đoạt đất canh tác, nhà ở… của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ dân tại những dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở và sân golf mà tập đoàn này đang triển khai tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Bình Đinh, Quy Nhơn… Không chỉ có được những vị trí đất “vàng” tại các thành phố lớn, bờ biển, thậm chí hồi cuối tháng 4 vừa qua, tập đoàn này vấp phải phản đối gay gắt từ phía dư luận, khi UBND tỉnh Quảng Ngãi lên kế hoạch di dời đồn biên phòng Bình Hải trên địa bàn tỉnh này để giao đất cho FLC xây dựng khách sạn, sân golf…

Nguồn vốn của tập đoàn FLC này cũng là một dấu hỏi lớn khi mà tập đoàn này vừa mới ký một hợp đồng mua 20 máy bay thế hệ mới Boeing 787 trị giá 5,6 tỷ USD. Đây là một thương vụ mà giới chuyên gia quốc tế đánh giá là quá “mạo hiểm” và “bất thường”. TS kinh tế Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi về thương vụ đầu tư này:

“ Những khoản mua máy bay với số tiền quá lớn thì câu hỏi được đặt ra thế thì tiền của FLC là ở đâu? Có một số thông tin không chính thức có nói là có thể họ được cấp tín dụng từ một ngân hàng Trung Quốc. Còn từ ngân hàng Việt Nam thì tôi chưa có thông tin nào là có ngân hàng Việt Nam nào cấp một khoản tín dụng lớn như thế để mà mua 20 chiếc máy bay Dreamliner của Boeing”

Đây cũng là nghi vấn chung của nhiều chuyên gia, nhà quan sát chính trị trước những hoạt động thâu tóm thị trường bất động sản hiện nay của các tập đoàn địa ốc nói chung và của FLC nói chung. TS Nguyễn Quang A nói:

“Tôi có những lúc đặt sự nghi ngờ như thế không chỉ với FLC mà với các đại gia khác ở VN. Nếu đúng là như thế, như người ta nghi ngờ thì nhiệm vụ đầu tiên phải là trách nhiệm của Tổng cục an ninh của Bộ Công an. Họ có một bộ phận an ninh kinh tế rất đồ sộ, họ phải theo dõi và nếu nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì tổng cục an ninh đó họ phải can thiệp”

không biết là cái gọi là Tổng cục an ninh của Bộ Công an hoặc là Đảng Cộng sản Việt Nam họ có lo cái chuyện đó hay không hay là họ tiếp tay cho những việc làm như vậy – TS Nguyễn Quang A

Trước ý kiến cho rằng việc tập đoàn FLC triển khai xây dựng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trải dọc theo đường bờ biển Việt Nam từ Bắc vào Nam gây nên những mối đe doạ về vị trí an ninh quốc phòng, một khi tập đoàn này tăng vốn thông qua hình thức bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược mà không loại trừ khả năng là các doanh  nghiệp Trung Quốc, tiến sỹ A bày tỏ sự quan ngại:

“ Tôi cũng rất là lo như nhiều người trên mạng xã hội về những chuyện như thế nhưng không biết là cái gọi là Tổng cục an ninh của Bộ Công an hoặc là Đảng Cộng sản Việt Nam họ có lo cái chuyện đó hay không hay là họ tiếp tay cho những việc làm như vậy”

Với số vốn tăng trưởng đến chóng mặt- khoảng 470 lần trong vòng 7 năm trời, từ 18 tỷ đồng năm 2008 lên 3.140 tỷ  đồng năm  2014 và hơn 8.400 tỷ 2015, một mức siêu tăng trưởng ở thị trường Việt Nam, tiếp tục là một dấu hỏi lớn đối với rất nhiều người hiện nay. Đặc biệt khi mà hôm 10/7 vừa qua, Bộ Công thương đã ký quyết định chính thức cấp phép cho doanh nghiệp này thành lập hãng hàng không Bamboo Airways với sân bay căn cứ là cảng hàng không Phù Cát tỉnh Bình Định và thời gian dự kiến sẽ chính thức khai thác vào cuối năm nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nghi-van-ve-cac-thuong-vu-ty-do-cua-dai-gia-Trinh-Van-Quyet-FLC-07112018145945.html

 

Điều tra vụ chủ tịch huyện nghèo ở Đak Lak

có biệt phủ toàn gỗ quý

Chính quyền Đắk Lắk vừa yêu cầu công an tỉnh điều tra hình sự đối với cựu chủ tịch một huyện nghèo, giáp biên giới với Cambodia, sở hữu một “biệt phủ” nguy nga xây dựng và trang trí toàn bằng gỗ quý.

Ông Trần Ngọc Quang, cựu chủ tịch huyện Ea Súp, bị cáo buộc đã sử dụng gần 136 mét khối gỗ không có hồ sơ chứng minh hợp pháp để xây cơ ngơi đồ sộ của mình bên dòng kênh Chính Tây, thị trấn Ea Súp. Truyền thông trong nước cho biết, từ năm 2014, tỉnh ủy Đắk Lắk đã có quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Quang về những sai phạm trong việc sử dụng đất khi xây biệt phủ. Nhưng mới đây, truyền thông xã hội ngoài luồng cũng như báo chí chính thức đều đưa tin kèm theo hình ảnh về cơ ngơi này, khiến cho chính quyền tỉnh phải chú ý đến việc ông Quang sử dụng gỗ quý cho khu biệt phủ.

Báo Tiền Phong cho biết, quyết định kỷ luật của tỉnh ủy khi đó ghi rằng, ông Quang cùng gia đình sử dụng đất sai mục đích, xây nhà và công trình trên đất trồng cây lâu năm.

Ea Súp là một huyện nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 85 km về hướng tây bắc. Người dân địa phương không khỏi chú ý khu biệt phủ bằng gỗ quý của chủ tịch huyện, mà họ gọi là “phủ ông Quang”. Huyện Ea Súp cũng là nơi có Vườn Quốc Gia Yok Đôn.

Chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Quang được cho là giới chức đi đầu trong việc bảo vệ rừng, chống lại lâm tặc.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/dieu-tra-vu-chu-tich-huyen-ngheo-o-dak-lak-co-biet-phu-toan-go-quy/

 

Võ Kim Cự- người đưa Formosa vào Hà Tĩnh-

tìm đường sang Canada?

Một bức ảnh lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội mấy ngày nay và đang gây xôn xao dư luận cho thấy một người trông giống ông Võ Kim Cự, cựu chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, đưa tay đón nhận một quyển hộ chiếu trong một căn phòng được cho là thuộc cơ quan ngoại giao Canada.

Ông Cự là giới chức CSVN thân cận với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và là người chịu trách nhiệm đưa nhà máy thép của tập đoàn Formosa vào tỉnh Hà Tĩnh. Nhà máy thép này xả chấ thải hóa chất độc hại xuống biển gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường khiến cho cá chết hàng loạt, các ngành ngư nghiệp và du lịch tại các tỉnh miền Trung Việt Nam bị thiệt hại nặng nề đến nay chưa hồi phục hoàn toàn.

Trong bức ảnh được lan truyền rộng rãi, ông Cự ngồi cạnh một người phụ nữ trẻ, được cho có thể là người hướng dẫn hoặc cùng ông đi làm thủ tục. Phía sau ông Cự là hình quốc kỳ Canada với chiếc lá phong.

Dư luận trên mạng đang bất bình với triển vọng ông Võ Kim Cự có thể đang xin di cư sang Canada sau khi phá nát môi trường biển miền Trung bằng cách cho Formosa thuê đất 70 năm. Việc quan chức cao cấp của chế độ CSVN tìm cách đào tẩu ra nước ngoài không phải là hiếm trong những năm qua. Có những người đào tẩu để tránh bị kết án như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… nhưng nhiều người sau khi đã vơ vét được nhiều tiền, cho con cái du học, mua nhà, tạo dựng cơ sở tại nước ngoài rồi sau đó trở thành di dân.

Ông Võ Kim Cự sinh năm 1957, nguyên là bí thư tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, đại biểu quốc hội CSVN. Do lỗi lầm của ông Cự trong việc đưa Formosa vào Hà Tĩnh, hồi tháng 4 năm 2017, ban bí thư trung ương đảng cộng sản quyết định cách mọi chức vụ trong đảng mà ông đã từng nắm giữ. Đến tháng 9 năm 2017, ông Cự thôi những chức vụ cuối cùng, trong đó có việc rời khỏi Quốc Hội, xem như một trường hợp “hạ cánh an toàn”.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/vo-kim-cu-nguoi-dua-formosa-vao-ha-tinh-tim-duong-sang-canada/