Tin khắp nơi – 12/07/2018
TT Trump tuyên bố chiến thắng
trong đàm phán giải quyết khủng hoảng NATO
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông giành chiến thắng tại hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ Năm 12/7. Ông nói rằng các đồng minh đã cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng sau khi ông mạnh mẽ chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu trong cuộc đàm phán để giải quyết tình trạng khủng hoảng của khối liên minh quân sự phương Tây này.
“Tôi nói với mọi người rằng tôi sẽ rất không hài lòng nếu họ không thực hiện cam kết của họ,” ông Trump nói với các phóng viên báo chí sau ngày thứ hai của thượng đỉnh NATO tại Brussels, “tôi cho họ biết rằng tôi vô cùng không hài lòng.”
Nhưng ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán đã kết thúc với những điều khoản tốt nhất: “Cuối cùng tất cả đã đồng ý với nhau sau một chút khó khăn trong một lúc. ”
Các giới chức tại cuộc họp cho biết ông Trump đã gây sốc nhiều đại diện tại hội nghị và đã phá vỡ giao thức ngoại giao khi gọi thủ tướng Đức bằng tên, thay vì bằng họ: “Angela, bà cần phải có hành động về điều này”.
Hầu hết các giới chức và các nhà lãnh đạo của Afghanistan và Gruzia, hai nước không thuộc NATO, được mời đều có mặt tại cuộc họp. Trong số các khách mời còn có tổng thống Lithuania, một trong những nước đang lo sợ nhất trước tham vọng của Nga, phủ nhận một gợi ý rằng Tổng thống Trump đe dọa sẽ rút khỏi liên minh.
Khi được hỏi về ý định rút khỏi liên minh, Tổng thống Trump nói rằng ông tin là ông có thể làm điều đó mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, nhưng điều đó “không cần thiết.”
Thay vào đó, ông nói rằng 28 đồng minh NATO đã đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu chi tiêu hai phần trăm thu nhập quốc gia cho chi phí quốc phòng trong vòng một vài năm. Cam kết của các đồng minh hiện này là sẽ chi tiêu quốc phòng lên đến hai phần trăm từ nay cho đến năm 2024, với một số ngoại lệ cho phép vài quốc gia kéo dài thời gian đến năm 2030 để đạt đến mức chi tiêu đó.
Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng chi tiêu ngân sách cho NATO không công bằng đối với Hoa Kỳ, nhưng bây giờ ông chắc chắn nó sẽ công bằng. Ông cho biết các đồng minh sẽ tăng chi tiêu lên thêm 33 tỷ đô la.
Ông Trump cũng bày tỏ rằng chi tiêu 4 phần trăm thu nhập quốc gia cho quốc phòng – như mức chi tiêu của Hoa Kỳ hiện này – sẽ là mức phù hợp.
“Chúng ta có một NATO rất hùng mạnh và hùng mạnh hơn nhiều so với hai ngày trước,” ông Trump nói. Dẫn lời Tổng thư ký NATO, ông nói: “Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói tất cả thành công đó là nhờ chúng tôi, có nghĩa là tôi, trong trường hợp này là tôi. Bởi vì tôi đã nói là nó không công bằng.”
“Những con số đã tăng nhanh lên như tên lửa … và sẽ còn tăng nhiều hơn nữa,” ông Trump nói. “Mọi người tại hội nghị đều đồng lòng, và họ đồng ý chi tiêu nhiều hơn và họ đồng ý chi tiêu nhanh hơn.”
Thủ tướng Đức Merkel nói: “Chúng tôi đã có một hội nghị thượng đỉnh rất quyết liệt.”
Tổng thống Trump đã mở đầu cuộc đàm phán tại Brussels hôm thứ tư bằng việc công khai công kích Đức, nước lớn thứ hai trong liên minh phòng thủ phương Tây. Ông chỉ trích Đức phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu của Nga và không chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
Không khí dường dịu xuống trong ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh khi các nhà lãnh đạo tập trung vào các vấn đề ngoài châu Âu. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, ông Trump đã quay trở lại với đòi hỏi các nước khác phải ngay lập tức tăng đóng góp cho chi tiêu cho quốc phòng của NATO nhiều hơn.
Ngoài Thủ tướng Đức, ông Trump còn chỉ trích Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Thủ tướng Bỉ Charles Michel về mức đóng góp của hai nước này chưa tương xứng cho chi tiêu quốc phòng của NATO.
Trump ‘cảm thấy ổn’ với biểu tình ở Anh
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Thủ tướng Anh Theresa May, người thúc đẩy một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, chỉ vài ngày sau khi ông nói nước Anh đang hỗn loạn.
Ông Trump vừa đáp phi cơ xuống sân bay Stansted, phía Bắc London vào chiều thứ Năm trong chuyến công du hai ngày – lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 – và sẽ gặp Nữ hoàng Elizabeth II.
Tổng thống Trump sẽ thăm Anh vào tháng 7
Anh: Bộ trưởng Brexit David Davis từ chức
Johnson ra đi trước giờ Trump đến London
An ninh đã được bổ sung ở nhiều nơi vì có thể diễn ra biểu tình quy mô lớn.
Chuyến thăm diễn ra khi bà May công bố Sách Trắng (White Paper) thiết lập kế hoạch chi tiết cho quan hệ của Anh với EU.
Phóng viên ngoại giao BBC James Robbins mô tả chuyến đi này là “chuyến thăm gây tranh cãi nhất tới Anh của một tổng thống Mỹ”.
Bà May cho biết chuyến thăm sẽ là cơ hội để thúc đẩy các liên kết thương mại và tăng cường hợp tác an ninh.
Nhưng bà cũng cảnh báo ông Trump không nên làm ngơ “hành vi gây tổn hại” của Nga khi ông gặp Vladimir Putin ở Helsinki vào tuần tới.
Trump đề cử Kavanaugh cho Thẩm phán tối cao
Khẩu chiến Trump – Merkel trước họp NATO
Hoa Kỳ có kế hoạch đánh thêm thuế lên TQ
Ông Trump đã nói đùa hồi đầu tuần rằng cuộc gặp của ông với lãnh đạo Nga “có thể là phần dễ nhất” trong chuyến công du châu Âu lần này.
Cùng với liên kết thương mại và an ninh, chính phủ Anh cho biết các lĩnh vực quan trọng khác sẽ được hai nhà lãnh đạo thảo luận là Brexit và Trung Đông.
Trước chuyến thăm của ông Trump, bà May nói: “Là hai quốc gia – chúng ta an toàn hơn, thịnh vượng hơn và sáng tạo hơn khi hợp tác với nhau và tôi mong đợi các cuộc thảo luận quan trọng trong tuần này”.
Bà nói rằng khi Anh rời Liên minh Châu Âu “sẽ không có đồng minh nào quan trọng hơn trong những năm tới”.
Chính phủ Anh khẳng định bà May hoan nghênh quyết định của ông Trump khi “tham gia” với nhà lãnh đạo Nga tại thủ đô của Phần Lan hôm thứ Hai.
Tuy nhiên, chính phủ Anh cũng nói rõ rằng bà hy vọng ông sẽ nêu các vấn đề như vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ở Salisbury.
Bà May nói: “Mục tiêu lâu dài của chúng ta vẫn là mối quan hệ mang tính xây dựng với Moscow. Nếu thành công, chúng ta phải tiếp tục tham gia với vai trò riêng rẽ và cả liên minh.
“Đó là lý do tại sao tôi hoan nghênh cuộc họp sắp tới của Tổng thống Trump với Tổng thống Putin – các kênh giao tiếp cởi mở giữa Mỹ và Nga là chìa khóa để kiểm soát rủi ro đối đầu.”
Ông Trumo sẽ đến Vương quốc Anh cùng với vợ, Melania, vào chiều thứ Năm, sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO.
Sau đó, vợ chồng ông sẽ tham dự bữa tối do bà May chiêu đãi tại Cung điện Blenheim, ngôi nhà tổ tiên của Ngài Winston Churchill.
Các thành viên Nội các, gồm có Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và tân Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp, sẽ là khách mời.
Hôm thứ Sáu, bà May và ông Trump sẽ cùng xem buổi diễn tập chống khủng bố chung của các lực lượng đặc biệt của Anh và Mỹ tại một căn cứ quân sự.
Tổng thống và đệ nhất phu nhân sẽ tới Windsor vào chiều thứ Sáu để gặp Nữ hoàng Anh, trước chuyến đi mang tính cá nhân tới Scotland để nghỉ cuối tuần tại khu nghỉ mát chơi golf Turnberry của ông Trump.
Liên đoàn Cảnh sát cảnh báo chuyến đi sẽ tạo ra “áp lực không thể nghi ngờ” lên lực lượng cảnh sát Anh.
Hàng chục nghìn người dự kiến sẽ biểu tình phản đối tổng thống ở London hôm thứ Năm và thứ Sáu – và ở Glasgow vào thứ Sáu.
Các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng được dự kiến tổ chức trên khắp nước Anh, bao gồm Devon, Dundee, Edinburgh, Belfast, Norwich, Manchester, Leeds và Liverpool.
Trong khi đó, Thị trưởng London Sadiq Khan đã cho phép một quả bóng bay khổng lồ mô tả ông Trump như một đứa trẻ bay ở Westminster trong hai giờ vào ngày thứ hai trong chuyến thăm của tổng thống.
Christopher Ruddy, giám đốc điều hành công ty truyền thông Mỹ Newsmax Media và một người bạn của ông Trump, nói với BBC rằng tổng thống Mỹ sẽ “sốc” với quy mô của các cuộc biểu tình.
Shaista Aziz, ủy viên hội đồng thành phố và là thành viên đảng Lao động ở Oxford, và là một trong những người tổ chức cuộc biểu tình ‘Cùng chống Trump’ ở London, nói rằng cuộc biểu tình là về dân chủ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44805860
ZTE ký thỏa thuận để nối lại hoạt động ở Mỹ
Hãng công nghệ Trung Quốc ZTE ký một thỏa thuận về việc dọn đường tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
Một khi ZTE ký quỹ 400 triệu đôla, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm sẽ được ban hành, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết.
ZTE đã bị cấm mua linh kiện Mỹ vào tháng 4/2018 sau khi Mỹ phát hiện hãng này vi phạm lệnh cấm thương mại với Iran và Bắc Hàn.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang.
TQ vui mừng trước việc Trump đổi ý về ZTE
Trung Quốc: Lệnh cấm của Mỹ ‘đe dọa’ ZTE
Hãng ZTE của TQ ‘có thể gây hại cho an ninh Anh Quốc’
TQ cảnh báo về chế tài trừng phạt của Mỹ
“Một khi ZTE hoàn tất khoản ký quỹ 400 triệu đôla, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) sẽ ra thông báo dỡ bỏ lệnh cấm”, Bộ Thương mại Hoa Kỳ viết trên Twitter.
ZTE, công ty viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc, phụ thuộc vào các linh kiện do Mỹ chế tạo để sản xuất các thiết bị cầm tay.
Lệnh cấm khiến công ty này phải dừng hoạt động chính. Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu Hoa Kỳ xem xét lại hình phạt.
Tháng trước, Mỹ đạt được thỏa thuận với ZTE cho phép hãng này tiếp tục hoạt động tại Mỹ nếu đáp ứng một loạt các yêu cầu gồm: trả khoản phạt 1 tỷ đôla, thuê êkíp giám sát pháp lý tuân thủ do Hoa Kỳ lựa chọn và ký quỹ dự phòng 400 triệu đôla để tránh tái phạm.
Mỹ-Trung ‘không gây chiến tranh thương mại’
Trump có đang thua cuộc chiến thương mại với TQ?
Truyền thông TQ chế nhạo thuế Mỹ: “kẻ khờ xây tường”
‘TQ không nhượng bộ một tấc lãnh thổ’
Thỏa thuận của chính quyền Trump với Bắc Kinh đã bị một nhóm các thượng nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ chỉ trích vì họ muốn giữ nguyên lệnh cấm vì an ninh quốc gia và các mối quan ngại khác.
“Việc cho phép ZTE tiếp tục kinh doanh là đi ngược lại cam kết của Tổng thống Trump về việc sẽ cứng rắn với Trung Quốc và bảo vệ người lao động Mỹ. Thỏa thuận ZTE tồi tệ của chính quyền sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia”, Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Shumer cho biết.
Nhưng Bộ Thương mại Hoa Kỳ bảo vệ quan điểm của chính phủ, nói rằng việc dàn xếp “thể hiện biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất và chính sách tuân thủ nghiêm ngặt mà Bộ đã từng áp dụng trong trường hợp như vậy”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44790826
Thuế của Trump lên Trung Quốc:
Miễn cho hàng may mặc, bao gồm sản phẩm của Ivanka
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/7 tuyên bố áp thêm thuế 25% lên 34 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì ngành may mặc của quốc gia này lại không ảnh hưởng gì mặc dù hàng may mặc và giày dép ‘Made in China’ chiếm thị phần lớn ở Hoa Kỳ.
Một trong những người được lợi từ việc này là cô Ivanka Trump, ái nữ của Tổng thống Trump, người đã duy trì công việc sản xuất cho thương hiệu Ivanka Trump của mình ở Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Trong số những mặt hàng bị Mỹ đánh thuế có lò phản ứng hạt nhân, tàu thuyền, máy bay, thiết bị y tế và phụ tùng ô tô nhưng hàng may mặc và giày dép thì được miễn.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) có trụ sở ở Hong Kong dẫn số liệu của Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ cho biết 1/3 lượng hàng may mặc và 72% lượng giày dép bán ở Mỹ là được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một trong những nhà nhập khẩu được lợi từ việc được miễn đánh thuế này là nhãn hàng thời trang Ivanka Trump được đặt theo tên của ái nữ Tổng thống Trump.
Hãng giày Kameido ở Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, cho biết họ đã gia công giày dép cho nhãn hiệu Ivanka Trump trước đây và đang nhắm tới tiếp tục cung cấp hàng cho Ivanka Trump một lần nữa, cũng theo SCMP.
“Chúng tôi đang cố gắng giành được một hợp đồng với một trong số các khách hàng của chúng tôi,” một đại diện của hãng Kameido cho biết. “Toàn bộ đơn hàng là cho nhãn hàng Ivanka.”
Người đại diện này cho biết công ty này đang cố gắng giành hợp đồng cung cấp 140.000 đôi giày. Trước đây, hãng Kameido từng hoàn thành đơn hàng cho ít nhất 10.000 đôi giày Ivanka.
Một đại diện của hãng may mặc HS Fashion ở Hàng Châu cũng cho biết họ vẫn đang nhận đơn hàng cho nhãn hiệu Ivanka Trump, cũng theo SCMP. Công ty này được cho là gia công cho thương hiệu Ivanka qua nhà trung gian là công ty G-III Apparel có trụ sở ở New York.
Nhãn hiệu Ivanka Trump đã bị công chúng săm soi kể từ khi thân phụ của cô ra tranh cử Tổng thống với lập trường phê phán thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ. Báo chí cũng từng đặt dấu hỏi về điều kiện lao động ở các công ty gia công ở Trung Quốc và khả năng xảy ra xung đột về lợi ích trong chính phủ của ông Trump. Cô Ivanka Trump cũng đã tự tách mình ra khỏi hoạt động hàng ngày của thương hiệu của mình.
Dữ liệu vận chuyển hàng của Panjiva có trụ sở ở New York, vốn bao quát 95% giao thương toàn cầu, cho biết kể từ ngày 11/3 đã không còn chuyến hàng nào được chuyển từ Trung Quốc vào Mỹ cho nhãn hiệu Ivanka Trump.
Tuy nhiên, trong vòng chín tháng qua, dữ liệu của Panjiva cho biết khi tìm kiếm nhãn hiệu ‘Ivanka Trump’ thì sẽ thấy những chuyến chuyển hàng thường xuyên vào Mỹ, đa số là từ đại lục Trung Quốc hay Hong Kong và được ghi chú là: “Của hãng GIII cho Ivanka Trump”.
Giám đốc nghiên cứu của Panjiva, ông Chris Rogers, nói rằng có khả năng nhãn hàng này đã thay đổi nhà cung cấp nhưng thông tin hiện họ có được chưa được rõ ràng.
Ông Rogers cũng nói rằng có khả năng các công ty có liên quan đã thay đổi cách họ gọi sản phẩm như dùng mã hàng hóa chẳng hạn.
“Trước tháng 1 năm 2017 toàn bộ hàng nhập khẩu là từ Trung Quốc, tính luôn Hong Kong. Nhưng kể từ đó đã có những chuyến hàng từ Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam,” ông Rogers được SCMP dẫn lời nói. “Nếu như có sự tăng lên trong số chuyến hàng đến từ những nước này trong những tháng tới đây thì chúng ta có thể nói rằng đã có sự thay đổi trong chuỗi cung ứng (tức là chuyển từ các nhà cung cấp Trung Quốc sang các nhà cung cấp các nước khác).”
Hồi tháng 9, hãng tin AP cho biết thông tin về những công ty nhập khẩu hàng Ivanka vào Mỹ đã trở nên rất khó theo dõi bởi vì những dữ liệu trước đây vốn có thể thấy hàng ngày, chẳng hạn như tên nhà cung cấp và nhà vận chuyển, không còn tìm thấy nữa.
Trong khi đó, trong bài báo có tựa đề ‘Các sắc thuế của Trump miễn cho ngành may mặc – bao gồm các sản phẩm ‘made in China’ của Ivanka – Đệ nhất Tiểu thư dường như không tin vào khẩu hiệu ‘Made In America’, tờ Huffington Post chỉ trích: “Trong khi ông Trump sỉ vả hãng xe mô tô Harley-Davidson đã chuyển một số nhà máy sản xuất sang châu Âu để tránh thuế của EU thì đệ nhất tiểu thư và cố vấn cao cấp của Nhà Trắng lại chưa từng sản xuất một thứ gì của nhãn hiệu Ivanka Trump của cô trên đất Mỹ.”
Tờ báo này cho biết cô Ivanka Trump đã giành được một số thương hiệu có giá trị ở Trung Quốc trong lúc thân phụ của cô đang cố gắng thúc đẩy dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào công ty viễn thông Trung Quốc ZTE bất chấp sự phản đối của các lãnh đạo Quốc hội.
Huffington Post lưu ý rằng ông Trump loan báo ông ủng hộ ZTE chỉ 72 giờ sau khi chính phủ Trung Quốc đồng ý đổ nửa tỷ đô la vào một dự án phát triển ở Indonesia mà đế chế kinh doanh của ông Trump được lợi từ mối quan hệ đối tác với các tập đoàn Trung Quốc được chính phủ nước này chống lưng. Điều này đã gây ra những ‘vấn đề đạo đức nghiêm trọng’, người đứng đầu Văn phòng Đạo đức Chính phủ của Mỹ được tờ báo này dẫn lời nói.
Cũng theo tờ báo này thì với các biện pháp trả đũa của Trung Quốc nhắm vào hải sản, đậu nành, các sản phẩm sữa, ô tô, táo, rượu whisky, thức ăn thú nuôi và thuốc lá cùng với các mặt hàng khác của Mỹ thì các nông dân Mỹ đang lo ngại rằng họ sẽ không thể bán được sản phẩm cho Trung Quốc. Họ cũng lo rằng những đối thủ cạnh tranh của họ đến từ những nước khác sẽ nhảy vào giành được thị trường béo bở của Trung Quốc vĩnh viễn – khiến bao công sức họ gây dựng nhiều năm ở thị trường này đổ sông đổ biển.
Mỹ vẫn điều tra nguyên nhân gây bệnh
cho nhân viên ngoại giao ở Cuba, TQ
Các quan chức Mỹ vẫn đang điều tra những vấn đề về sức khỏe tại đại sứ quán Mỹ ở Cuba, và không biết ai hay thứ gì đứng đằng sau những chứng bệnh bí ẩn, bắt đầu vào năm 2016 và đã ảnh hưởng tới 26 người Mỹ.
“Chúng tôi không biết ai chịu trách nhiệm và chúng tôi không biết thứ gì gây nên chuyện này,” Kenneth Merten, Quyền Phó Trợ lý Chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách sự vụ Tây Bán cầu, nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, vốn đã rút lại một phần chính sách hòa hoãn với Cuba, đáp lại những vụ việc về sức khỏe bằng việc giảm mạnh nhân viên ở Havana và vào tháng 10 trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba.
Các quan chức Cuba, những người cũng đang tiến hành cuộc điều tra riêng của họ, đã phủ nhận bất kì sự dính líu nào hoặc có hay biết gì về nguyên nhân của những vụ việc.
Các triệu chứng bao gồm mất thính giác, ù tai, chóng mặt, nhức đầu và mệt mỏi – những triệu chứng giống với “chấn thương sọ não nhẹ,” các quan chức Bộ Ngoại giao cho biết.
Vào tháng 4, Canada cho biết sẽ rút các gia đình của các nhà ngoại giao làm việc tại đại sứ quán của họ ở Cuba vì thông tin từ các chuyên gia y tế khơi lên lo ngại về một loại chấn thương não mới.
Bộ Ngoại giao tháng trước nói rằng họ đã đưa một nhóm các nhà ngoại giao về nhà từ Quảng Châu, Trung Quốc, vì lo ngại rằng họ đang mắc một chứng bệnh bí ẩn giống như chấn thương não.
Ông Merten nói rằng ông không biết về bất kỳ đại sứ quán nào khác bị ảnh hưởng.
Người xin tị nạn vì lý do bạo lực băng đảng và gia đình
sẽ không được chấp nhận
Washington DC – Theo tin CNN, Chính phủ Trump đang thực hiện một chính sách tị nạn mới tại biên giới, dẫn tới việc hàng ngàn người xin tị nạn bị từ chối trước khi họ có thể trình bày trường hợp của họ tại tòa án.
Hướng dẫn này được gởi tới nhân viên phỏng vấn người xin tị nạn tại biên giới Hoa Kỳ. Phóng viên CNN đã tận mắt nhìn thấy hướng dẫn, cũng sẽ áp dụng cho di dân hiện nay vẫn còn ở ngoài Mỹ, nhưng muốn tìm kiếm sự bảo vệ tại Hoa Kỳ. Thay đổi này được Bộ Nội An thực hiện sau khi Bộ Tư Pháp quyết định rằng bạo lực băng đảng và bạo lực gia đình không phải là lý do để xin tị nạn.
Theo hướng dẫn mới được đưa ra hôm Thứ Tư 11 tháng 7, nếu lý do xin tị nạn dựa trên nỗi sợ hãi bạo lực băng đảng và bạo lực gia đình, đơn sẽ bị từ chối ngay lập tức.
Ngoài ra, hướng dẫn mới cũng nói rằng nhân viên nên xem xét người nộp đơn xin tị nạn có vượt qua biên giới bất hợp pháp hay không. Nếu họ vượt qua biên giới bất hợp pháp, đơn của họ sẽ bị từ chối cho dù lý do của họ là chính đáng.
Hướng dẫn mới này gặp sự phản đối của các nhóm ủng hộ di dân, và của các nhóm pháp lý. Họ lập luận rằng luật quốc tế buộc quốc gia sở tại phải nhận người xin tị nạn, dù rằng người này xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp. Họ cũng viện lẽ rằng sự từ chối sẽ khiến tính mạng của người xin tị nạn gặp nguy hiểm khi trở về quê nhà. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/nguoi-xin-ti-nan-vi-ly-do-bao-luc-bang-dang-va-gia-dinh-se-khong-duoc-chap-nhan/
An ninh châu Âu :
Món hàng « mặc cả » Trump dành cho Putin?
Quan hệ xuyên Đại Tây Dương bị lung lay. Sau khẩu chiến giữa Mỹ và các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc họp ngày 11/07/2018, giới lãnh đạo châu Âu giờ phập phồng chờ xem thượng đỉnh Donald Trump – Vladimir Putin, sắp diễn ra trong 4 ngày tới. Liệu Donald Trump có « bán đứng » an ninh châu Âu để đạt lấy một thỏa thuận với tổng thống Nga hay không ?
« Trong chuyến đi năm rồi, tôi đã yêu cầu các nước thành viên NATO chi thêm nhiều tỉ đô la bổ sung nhưng hầu như không được đáp ứng. Mỹ đã chi tiêu quá nhiều. Biên giới của châu Âu là quá tồi tệ! Không thể chấp nhận chi đô la cho Nga qua đường ống dẫn dầu! ». Donald Trump sáng sớm nay đã có những phản ứng giận dữ như vậy trên mạng xã hội Twitter quen thuộc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng tấn công các đối tác châu Âu như bôi nhọ NATO qua việc chỉ trích nhiều nước thành viên không chia sẻ gánh nặng ngân sách, đe dọa rút binh lính Mỹ, mở cuộc chiến thương mại nhắm vào Liên Hiệp… Ngược lại, chủ nhân Nhà Trắng lại có cử chỉ hòa dịu với Nga, đề nghị cho Nga gia nhập trở lại với khối G8.
Thế nhưng theo quan sát của ông Gregory Feifer, giám đốc Institute of Current World Affairs, được Reuters trích dẫn, châu Âu tỏ ra khó hiểu thay vì tức giận, không hề ưa thích gì những chỉ trích khiêu khích của ông Donald Trump. Nhưng điều mà họ lo ngại nhất là nguyên thủ Mỹ « bán đứng an ninh của phương Tây » để mặc cả với Putin. Tổng thống Nga có thể thuyết phục đồng nhiệm Mỹ ngừng các cuộc diễn tập quân sự của NATO tại Ba Lan và các nước vùng Baltic, cũng như là giảm nhẹ các trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga mà không đề cập đến vấn đề Crimée.
Về mặt nguyên tắc, cuộc gặp giữa hai nguyên thủ cường quốc hạt nhân hàng đầu này sẽ là dịp để đôi bên trình bày trực tiếp về nhiều vấn đề như thỏa thuận hạt nhân và giới hạn vũ khí. Nhưng một số chuyên gia chính trị tại Washinton tin rằng ông Trump sẽ đặt lá bài « an ninh phương Tây » để khuyến khích Putin giải quyết một số vấn đề thúc bách, bao gồm cả việc mở rộng hiệp ước New START về giảm trừ vũ khí được ký kết giữa hai nước sắp hết hạn trong vòng ba năm nữa hay như hồ sơ Ukraina, Syria và sự can dự của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Đương nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh lần này không những sẽ là cơ hội để tổng thống Nga đánh bóng hình ảnh của mình với người dân trong nước, mà còn là dịp để làm suy yếu hơn nữa trật tự thế giới tự do do Mỹ dẫn đầu với sự trợ giúp của Donald Trump.
Một điều chắc chắn là cho dù có chuyện gì xảy ra, thượng đỉnh Donald Trump và Vladimir Putin sẽ đào sâu thêm rạn nứt giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu. Điều trớ trêu là Trump không ngừng chỉ trích các nước đồng minh của mình không phải là vì những nước này thất bại trong việc hỗ trợ Mỹ dẫn đầu trong NATO, mà chính là vì họ cứ nài nỉ Mỹ duy trì vị thế này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180712-an-ninh-chau-au-mon-hang-%C2%AB-mac-ca-%C2%BB-trump-danh-cho-putin
Diễn viên phim khiêu dâm
từng có quan hệ với TT Trump bị bắt
Stormy Daniels, ngôi sao phim khiêu dâm từng có quan hệ với tỷ phú Donald Trump trước khi ông trở thành Tổng thống Mỹ, đã bị bắt giữ tại một câu lạc bộ thoát y vũ hôm 11/7. Luật sư của cô cho rằng vụ bắt giữ này đã được “dàn xếp”.
Daniels, có tên thật là Stephanie Clifford, bị bắt giữ tại một câu lạc bộ ở thành phố Columbus, bang Ohio, vì đã cho phép một khách hàng chạm vào người cô khi đang biểu diễn trên sâu khấu. Trên trang Twitter, Luật sư của cô, Michael Avenatti, miêu tả sự đụng chạm này “không mang tính kích dục”. Cũng theo luật sư Avenatti, cô Daniels sẽ không nhận tội về cả ba tội trạng mà cô bị cáo buộc.
“Chúng tôi sẽ kịch liệt phản đối tất cả mọi cáo buộc,” LS Avenatti viết.
Luật sư này nói ông hy vọng thân chủ của ông sẽ được bảo lãnh tại ngoại. Cô Daniels dự kiến sẽ xuất hiện tại tòa ngày 13/7, theo NBC News trích dẫn tài liệu của tòa án.
Theo lời cô Daniels thì cô từng có quan hệ tình dục với ông Trump vào năm 2006, và luật sư riêng của tổng thống, Michael Cohen, đã trao cho cô 130.000 USD ngay trước khi ông Trump đắc cử tổng thống để cô giữ bí mật về mối quan hệ này.
LS Cohen xác nhận ông đã trao món tiền này.
Ông Trump phủ nhận là ông có quan hệ với cô Daniels, và tháng 5 vừa qua, ông nói cô đã được trả tiền để ngừng tung ra “những lời tố cáo không đúng sự thực để tống tiền.”
Các công tố viên đang điều tra ông Cohen về những cáo buộc hình sự liên quan đến các hợp đồng làm ăn của ông. Cho tới giờ, ông Cohen chưa bị buộc tội.
Cô Daniels đã hai lần kiện ông Trump – vụ kiện thứ nhất là để vô hiệu hóa một thỏa thuận mà cô đã ký vào tháng 10/2016, theo đó cô sẽ giữ im lặng để đổi lấy 130.000 USD, và vụ kiện thứ hai là về tội phỉ báng.
Từ mùa đông vừa qua, cô Daniels đã lưu diễn trên khắp nước Mỹ với các show diễn tại các câu lạc bộ thoát y. Theo dự kiến, cô sẽ trình diễn tại Câu lạc Sirens Gentlement vào ngày 11 và 12/7, theo trang web của câu lạc bộ này.
Trang Twitter của LS Avenatti hôm 12/7 trích dẫn một tuyên bố của cô Daniels trong đó có đoạn: “Do những gì xảy ra tối hôm qua, rất tiếc tôi sẽ không thể tiến hành chương trình dự kiến cho tối hôm nay. Tôi vô cùng xin lỗi những người hâm mộ tôi ở Columbus.”
Trước đó LS Avenatti nói cô Daniels bị bắt trong một chiến dịch càn quét có chủ đích.
Luật sư Avenatti viết trên Twitter: “Đây là một tình huống được sắp đặt và có động cơ chính trị. Nó thể hiện sự tuyệt vọng của họ. Chúng tôi sẽ đấu tranh chống lại mọi cáo buộc ngụy tạo.”
Luật của tiểu bang Ohio nghiêm cấm khách hàng và nhân viên khỏa thân hoặc bán khỏa thân của câu lạc bộ không được phép chạm vào người nhau.
Bắc Hàn khó theo con đường hiện đại hóa của VN?
Cách đây vài hôm, khi phát biểu trước nhóm cộng đồng doanh nghiệp Việt-Mỹ tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã “tự tin” cho rằng Bắc Hàn có thể làm nên “phép lạ” như Việt Nam.
Và rằng Việt Nam, sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 1995, là một bằng chứng cho Bắc Hàn thấy sự thịnh vượng và mối quan hệ bang giao với Mỹ là điều hoàn toàn có thể sau hàng thập kỷ xung đột và nghi kỵ.
Bản thân Bắc Hàn cũng đã có vẻ ngỏ ý muốn tìm hiểu chính sách Đổi Mới của Việt Nam sau khi ông Kim Jong-un đã nhiều lần ‘nhắc đến Việt Nam’ với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in trong cuộc gặp hồi tháng Tư.
Ngoại trưởng Pompeo đăng trên Twitter hôm 8/7:
“Tôi cảm thấy được khích lệ bởi cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam. Đất nước này đã đi một chặng đường rất đáng kinh ngạc. Sự thịnh vượng và an ninh, ngày hôm nay chúng ta một lần nữa thưởng thụ mối quan hệ tưởng-chừng-như-không-thể. Bắc Hàn có thể tiếp bước con đường này và phép màu cũng có thể đến với họ.”
Pompeo kêu gọi Bắc Hàn ‘theo đường của VN’
Bắc Hàn ve vãn TQ nhưng ‘muốn học VN’
Kim Jong-un ‘thích chính sách Đổi Mới’ của VN
Tuy nhiên, bài phân tích của chuyên gia cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc Lê Thu Hương đăng trên tờ Financial Times cho rằng con đường mà Hà Nội đã lựa chọn, không hề “dễ đi” cho Bình Nhưỡng.
Tiến sĩ Lê Thu Hương thừa nhận rằng sự thành công mang tính tương đối của Hà Nội trong việc hiện đại hóa nền kinh tế và tái thiết lập các mối quan hệ bang giao sau một thời gian dài cô lập trông có vẻ là một triển vọng khả quan cho Bình Nhưỡng.
Hà Nội đã có thể tái gia nhập các cộng đồng quốc tế mà không gây nguy hại đến sự kiểm soát của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Thêm vào đó, Việt Nam giờ đã có một nền kinh tế bùng nổ và một ảnh hưởng chính trị không nhỏ tại châu Á, mặc dù nhiều thập kỷ bị xem là “quốc gia bất hảo” và bị phương Tây cô lập với các lệnh trừng phạt hoặc cắt đứt quan hệ sau chiến thắng của phe Cộng sản năm 1975.
Được truyền cảm hứng bởi cải cách thị trường của Trung Quốc và perestroika ở Liên Xô cũ, Việt Nam đã tìm ra hướng đi riêng: Đổi Mới – tuy không hoàn hảo và có những vấn đề về các doanh nghiệp nhà nước, nhưng Đổi Mới cũng đem lại một kết quả tương xứng phần nào.
Tuy nhiên, chuyên gia Thu Hương cho rằng có một sự khác biệt lớn giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng, và dưới đây là sáu lý do vì sao Bắc Hàn khó có thể “học theo” Việt Nam.
1. Hà Nội thuận theo chiều gió hậu Chiến tranh Lạnh
Sự tái hòa nhập của Việt Nam với thế giới là kết quả của việc Hà Nội thuận theo kết cục hậu Chiến tranh Lạnh, chứ không phải cô lập chính mình như Bắc Hàn.
Mặc dù do Đảng Cộng Sản cầm quyền, Việt Nam có xu hướng ủng hộ và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ý định của Bắc Hàn trong việc tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế vẫn không rõ ràng, nhất là trong việc kiểm soát vũ khí, khi vũ khí hạt nhân vẫn là món hàng giao kèo mặc cả của Bình Nhưỡng.
2. Việt Nam chưa bao giờ là mối đe dọa hạt nhân
Việt Nam cũng chưa bao giờ là mối đe họa về hạt nhân, chuyên gia Thu Hương phân tích.
Đất nước này đã kiệt quệ vì hàng thập kỷ chiến tranh và nghèo đói bởi các chính sách cải cách ruộng đất. Và một khi Liên Xô cũ sụp đổ, nỗi lo sợ về sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản cũng dập tắt, Việt Nam bỗng dưng không còn đáng sợ nữa.
3. Thời gian Việt Nam bị cô lập ngắn hơn
Khoảng thời gian Việt Nam bị cô lập ngắn hơn, chỉ khoảng hai thập kỷ chứ không phải hơn 60 năm như Bắc Hàn.
4. Việt Nam vẫn tham gia trao đổi giáo dục
Mặc dù bị ghẻ lạnh bởi phương Tây, Việt Nam vẫn tham gia vào các chương trình trao đổi giáo dục và khoa học với khối phía Đông – như Liên Xô và các đồng minh ở Trung và Đông Âu.
Điều này giúp nền kinh tế Việt Nam dễ dàng bắt nhịp và theo kịp xu hướng.
Trong khi đó Bắc Hàn gần như bị bế quan tỏa cảng, o ép trong một chiếc hộp kín, trong sự đàn áp và ý thức hệ, và quan hệ bang giao bị kiểm soát chặt.
5. Việt Nam mở cửa khi thế giới toàn cầu hóa
Thời điểm mở cửa hội nhập cũng là một yếu tố quan trọng.
Hà Nội bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á trong thời điểm thế giới đang tiến đến toàn cầu hóa.
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007 và các tổ chức quốc tế khác sau đó và đạt được nhiều thành công trong việc phát triển nền kinh tế hội nhập và mở rộng thương mại quốc tế.
Trong khi đó, nếu Bắc Hàn quyết định mở cửa lúc này, thì lại lúc mà phong trào chống lại toàn cầu hóa đang ngày càng gia tăng.
Hoa Kỳ đang rút khỏi các cam kết trước đây và cả Hoa Kỳ lẫn EU đang tập trung ưu tiên những vấn đề nội bộ.
6. Việt Nam đã thống nhất hai miền
Hai miền Nam Bắc Triều Tiên đã bị chia cách trong một thời gian quá dài so với hai miền Nam Bắc Việt Nam, và thực ra vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh với những hiềm khích vẫn hiện hữu tiềm ẩn.
Tác giả cũng cho rằng tuy ông Kim Jong-un ít tập trung vào ý thức hệ hơn cha và ông nội của ông, ông Kim vẫn muốn bảo vệ thể chế chính trị của mình.
Vì vậy con đường đi đến hiện đại hóa của Việt Nam có thể sẽ khó đi cho Bắc Hàn hơn là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nghĩ.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn phụ thuộc vào quyết định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Derek J. Grossman, chuyên gia về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và chính sách an ninh quốc gia cho Rand Corporation cũng đồng tình với bài phân ích của chuyên gia Lê Thu Hương.
Ông viết rằng: “[Bài viết] Hoàn toàn đúng và như tôi đã nói, Đổi Mới là để đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này là để đảm bảo sự tồn tại của Việt Nam sau khi Bắc Kinh cố gắng trừng phạt nước này vì các hoạt động quân sự ở Campuchia. Bắc Hàn không hề có chút điểm tương đồng lịch sử này và thực tế còn tái thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc.”
Ông Gill Bates, một nhà quan sát Trung Quốc lâu năm và là giáo sư tại Đại học Macquarie thì cho rằng bài viết của Tiến sĩ Thu Hương là “xuất sắc”.
Ông cho rằng bài phân tích đã “giải thích vì sao – trái với những gì mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo nghĩ – Bắc Hàn không giống Việt Nam. Bắc Hàn sẽ thấy con đường đi đến hiện đại hóa của Việt Nam khó đi.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44790844
Thành viên băng đảng tân phát xít Đức lãnh án chung thân
Một thành viên của một băng đảng tân phát xít Đức đã bị tuyên án tù chung thân ngày 11/7 vì dính líu trong những vụ sát hại 10 người trong một chiến dịch bạo lực kéo dài bảy năm có động cơ là chủng tộc.
Beate Zschaepe, 43 tuổi, không có phản ứng gì khi thẩm phán đọc bản án của bà ta vào cuối một trong những phiên tòa được theo dõi sát nhất trong lịch sử hậu chiến của Đức.
Bà ta là thành viên của tổ chức Quốc Xã Ngầm (NSU). Các thành viên của tổ chức này đã giết chết tám người Thổ Nhĩ Kỳ, một người đàn ông Hy Lạp và một nữ cảnh sát Đức từ năm 2000 đến 2007, Tòa Thượng thẩm Khu vực ở Munich phán quyết.
Những vụ giết người này đã làm chấn động một đất nước tin rằng họ đã học được những bài học về quá khứ của mình. Một báo cáo sau đó cho biết cảnh sát đã “đánh giá hết sức thấp” nguy cơ bạo lực cánh hữu và rằng những sai sót đã cho phép băng đảng này không bị phát hiện.
Các thẩm phán nói Zschaepe mang “trọng tội” và tuyên cho bà ta bản án nặng nhất có thể.
Bà ta phủ nhận biết về các vụ giết người trong suốt khoảng thời gian xét xử năm năm. Nhưng bà ta nói sau đó bà ta hối hận vì đã không ngăn cản hai thành viên nam của băng đảng thực hiện các vụ giết người.
Hai người này đã tự sát vào năm 2011 khi cảnh sát phát hiện ra băng đảng này một cách tình cờ.
Các công tố viên nói bà ta đã đóng một vai trò quan trọng đằng sau hậu trường, lên kế hoạch những vụ phạm tội và sắp xếp tiền và chứng cứ ngoại phạm.
Luật sư của bà Zschaepe ngày 11/7 nói sẽ kháng án.
https://www.voatiengviet.com/a/thanh-vien-bang-dang-tan-phat-xit-duc-lanh-an-chung-than/4478855.html
Macedonia : Nga trục xuất các nhà ngoại giao Hy Lạp
Matxcơva ngày 11/07/2018 đã trục xuất hai nhà ngoại giao Hy Lạp nhằm trả đũa vụ Athens trục xuất hai nhà ngoại giao Nga, hôm 06/07 vừa qua. Căng thẳng trong quan hệ song phương xuất phát từ việc Nga bị tố cáo dường như tìm cách can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa Macedonia và Hy Lạp về việc Skopje muốn đổi tên nước thành Cộng Hòa Macedonia phương Bắc.
Từ Matxcơva, thông tín viên Paul Gogo cho biết :
« Đây là lần đầu tiên xẩy ra vụ việc này trong lịch sử quan hệ Nga-Hy Lạp. Hôm qua, Nga đã trục xuất hai nhà ngoại giao Hy Lạp, chỉ vài ngày sau vụ trục xuất hai nhà ngoại giao Nga làm việc tại Hy Lạp.
Về phía Nga, vụ trục xuất diễn ra một cách kín đáo và phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga trình bày sự việc như là một sự đáp trả ngoại giao thông thường trong những hoàn cảnh kiểu này. Các phương tiện truyền thông Nga có nói đến nhưng không nhấn mạnh đến thông tin nói trên.
Nga không muốn làm ầm ĩ trong bối cảnh đang có Cúp bóng đá thế giới và vào thứ Hai tới, có cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Trump và đồng nhiệm Putin tại Helsinki, Phần Lan.
Tuy nhiên, đối với Hy Lạp, đó là một vụ can thiệp và Athens lên tiếng tố cáo khả năng Matxcơva can thiệp vào các cuộc thảo luận giữa Athens và Skopje liên quan đến tên gọi mới chính thức của Macedonia.
Cụ thể là Nga dường như tìm cách mua chuộc các quan chức Hy Lạp, cũng như có thể đã tham gia tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc đổi tên nước Macedonia. Các vụ việc này diễn ra trong bối cảnh Macedonia có thể gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO. Viễn cảnh này ngày càng trở nên hiện thực một khi tên nước mới, Cộng Hòa Macedonia phương Bắc, được thông qua ».
Anh Quốc công bố sách trắng về Brexit
Các chi tiết cụ thể của văn bản này sẽ được chính quyền bà Theresa May công bố vào hôm nay, 12/07/18. Sách trắng sẽ đề ra những điều khoản giúp duy trì mối quan hệ kinh tế “thuận thảo” giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu.
Tân bộ trưởng đặc trách hồ sơ Brexit Dominic Raab, người được bàn giao thay thế ông David Davis từ chức hôm 08/07, cho rằng chính sách này “vẫn tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, và sẽ mang lại một Brexit thực tiễn”.
Bà Theresa May đã thông qua sơ bộ về “sách trắng Brexit” với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có ông chủ tịch Donald Tusk và thủ tướng Đức Angela Merkel và cho biết châu Âu đã có phản hồi rất tích cực, tuy vẫn phải đợi có thêm chi tiết cụ thể hơn.
Nhưng nội các của bà Theresa, thuộc đảng bảo thủ, chống đối kịch liệt hướng đi này. Việc ông David Davis và Boris Johnson đồng loạt từ chức đầu tuần vừa rồi đã nói lên sự chia rẽ hiện hữu sâu sắc trong hàng ngũ chính phủ, và có thể sẽ tác động đến uy tín cũng như đe dọa chiếc ghế thủ tướng của bà Theresa May.
Ngoài ra, thủ tướng Anh cũng sẽ gặp nhiều trở ngại tại Bruxelles, và Anh Quốc cũng đã được cảnh báo không nên trông chờ quá nhiều vào mối quan hệ giữa Luân Đôn và Liên Hiệp Châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180712-anh-quoc-cong-bo-sach-trang-ve-brexit
NATO : 29 nước
tái khẳng định chỉ tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng
Không khí căng thẳng đè nặng thượng đỉnh NATO, với các chỉ trích gay gắt của tổng thống Mỹ nhắm vào nhiều nước châu Âu, trước hết là Đức, vì bất đồng về đóng góp tài chính. Ngày đầu tiên của thượng đỉnh, 11/07/2018, đã kết thúc với việc 29 quốc gia NATO ra một tuyên bố chung, tái khẳng định cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng, như một cử chỉ nhượng bộ trước các đòi hỏi của tổng thống Mỹ.
Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :
« Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, quyết định rõ ràng nhất của 29 quốc gia NATO là tiếp nhận thêm một thành viên mới, Macedonia, một khi quốc gia này sẵn sàng và người dân chấp nhận tên gọi chính thức mới ‘‘Cộng Hòa Macedonia phương Bắc’’, để thay cho tên hiện tại là Cộng Hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ (viết tắt là ARYM).
Có ý nghĩa chính trị hệ trọng hơn là tuyên bố của các quốc gia đồng minh cam kết tôn trọng mục tiêu tài chính, vốn đã được khẳng định hồi năm 2014 như một nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là nâng chi phí cho quân sự lên 2% GDP trong vòng 10 năm. Đây là một sự nhân nhượng đối với Washington, cho phép ông Donald Trump rời Bruxelles với hình ảnh của một vị tổng thống bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ.
Tuy nhiên rõ ràng mục tiêu này ở dưới mức mong đợi của tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump đã đề nghị các đồng minh ngay lập tức phải đạt chỉ tiêu nói trên, đồng thời đòi hỏi phải tăng tiếp tục lên đến mức 4%. Đây cũng chính là nội dung của các tuyên bố ồn ào của tổng thống Trump, khi lên án nước Đức, bị cáo buộc phụ thuộc vào năng lượng Nga và chi phí quá ít cho quốc phòng ».
Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng ghi nhận không khí căng thẳng mà tổng thống Mỹ phát động trước và trong những giờ đầu tiên của ngày làm việc hôm qua, đã phần nào lắng xuống, tiếp theo các cuộc gặp song phương giữa ông Trump với lãnh đạo nhiều nước châu Âu.
Điện Elysée cho biết tổng thống Emmanuel Macron đã có cuộc hội kiến với lãnh đạo Mỹ trong 40 phút tại tổng hành dinh NATO. Theo phủ tổng thống Pháp, cuộc trao đổi đã diễn ra « trong bầu không khí tin cậy, hữu nghị và thư giãn ». Ông Donald Trump « tái khẳng định sự gắn bó của ông với châu Âu » và nhấn mạnh là không có chuyện « đoạn tuyệt » giữa Hoa Kỳ và Liên Âu, cho dù giữa đôi bên có nhiều căng thằng.
Trong buổi ăn tối chung hôm qua, nguyên thủ quốc gia và thủ tướng của 29 thành viên NATO cùng theo dõi trận tranh chiếc vé thứ hai vào chung kết Cúp bóng đá Thế giới 2018, giữa Anh và Croatia, đều là hai quốc gia thành viên của khối.
Riêng quan hệ giữa Hoa Kỳ với Đức được các nhà quan sát ghi nhận là “bằng mặt mà không bằng lòng”. Cũng hôm qua, sau cuộc trao đổi với thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Mỹ Donald Trump bảo đảm là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đức, và giữa cá nhân ông với bà Merkel, là tốt đẹp. Tuy nhiên, ngay sáng sớm nay, qua Twitter, ông Trump lại một lần nữa lên án gay gắt Berlin đã trả hàng tỉ đô la mua khí đốt của Nga, và hối thúc Đức nhanh chóng thực thi cam kết chi phí quân sự.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180712-nato-29-nuoc-tai-khang-dinh-chi-tieu-chi-2-gdp-cho-quoc-phong
Tin tặc Trung Quốc dường như can thiệp
vào bầu cử Quốc Hội Cam Bốt
Hai tuần trước cuộc bầu cử Quốc Hội Cam Bốt, tập đoàn Mỹ chuyên về an ninh mạng, FireEye, ngày 11/07/2018 tiết lộ là đã tìm thấy bằng chứng máy tính của ủy ban bầu cử Cam Bốt và của nhiều nhân vật trong hàng ngũ đối lập ở Phnom Penh bị tấn công. Thủ phạm bị tình nghi có liên hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc trên.
Hãng tin Mỹ AP nhắc lại, từ nhiều tháng qua, phe đối lập Cam Bốt nhận được nhiều bức thư điện tử có tài liệu đính kèm rất khả nghi. Đó có thể là phương tiện thâm nhập vào máy tính của các thành viên đối lập tại xứ Chùa Tháp. Con gái ông Kem Sokha, lãnh đạo phong trào đối lập Cam Bốt đang bị cầm tù, cũng là một trong số những người đã nhận được những bức thư đáng ngờ nói trên.
Theo tiết lộ của tập đoàn Mỹ, FireEye, con gái nhà đối lập Cam Bốt Kem Sokha có thể là nạn nhân của một chiến dịch tấn công tin học do Trung Quốc khởi động. Trước mắt, công ty chuyên về an ninh mạng có trụ sở tại California này chưa thể xác định là thủ phạm vụ tấn công tin học nói trên đã có đánh cắp được hay thay đổi dữ liệu trong máy tính của các nạn nhân hay không.
FireEye cũng không thể chứng minh là các nhóm tin tặc Trung Quốc có ý định làm khuynh đảo kết quả bầu cử Quốc Hội Cam Bốt dự trù vào ngày 29/07/2018 hay không. Nhưng theo hãng tin AP, tin này càng làm dấy lên nghi ngờ về một cuộc bầu cử tự do và công bằng tại Xứ Chùa Tháp.
Lãnh đạo công ty FireEye cho biết nhóm TEMP.Periscope liên quan đến vụ tấn công tin học nhắm vào Cam Bốt. Đây là một trong hai nhóm tin tặc năng động nhất của Trung Quốc chuyên tìm kiếm những thông tin được chính quyền Trung Quốc quan tâm. Những thông tin đó liên quan đến các cơ sở của Cam Bốt mà Bắc Kinh cần theo dõi, kể cả một số công ty tư nhân của quốc gia Đông Nam Á này.
Trong quá khứ TEMP.Periscope từng tìm kiếm thông tin về công nghệ hàng hải của các tập đoàn vũ khí Mỹ và châu Âu, và săn lùng những thông tin liên quan đến các dự án ở Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180712-trung-quoc-can-thiep-vao-bau-cu-quoc-hoi-cam-bot
Croatia vào chung kết nhờ bản lĩnh
Huy BùiGửi đến BBC từ Sài Gòn
Trận bán kết giữa Anh và Croatia đã diễn ra với kết quả không ngoài dự đoán của cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn quốc tế, khi đội bản lĩnh hơn đã giành thắng lợi để thi đấu trận chung kết với đội Pháp, đội đã thắng Bỉ trước đó.
Anh dừng bước ở hiệp phụ, Croatia tranh cúp vàng cùng Pháp
Tuyển Anh lên phong độ nhờ ‘bàn tay vàng’ của ai?
Bỉ: Bây giờ hoặc không bao giờ
Mặc dù Anh đã tạo ra nhiều bất ngờ khi đi đến bán kết, trái với nhiều dự đoán từ trước giải đấu, nhưng trận thua trước đối thủ có tầm cỡ đầu tiên từ đầu giải đến giờ cho thấy Tam Sư chưa phải là đội tuyển có thực lực để tranh nhất-nhì tại World Cup 2018.
Trận thua trước Croatia đã bộc lộ tuyển Anh có quá nhiều điểm yếu cần khắc phục, trong đó có yếu tố quan trọng là bản lĩnh của các cầu thủ ở những thời khắc quan trọng nhất.
Tam Sư yếu kém về tâm lý
Trận đấu diễn ra khá bất ngờ khi Tam Sư có bàn từ rất sớm, sau cú đá phạt trực tiếp của cầu thủ chạy cánh Trippier vào phút thứ 5, khiến đội Croatia lâm vào tình cảnh bị sốc và thi đấu chệch choạc gần hết hiệp một.
Diễn biến này cũng cho thấy đội Anh đã không đủ bản lĩnh để làm chủ thế chận, thậm chí có thêm bàn để giải quyết trận đấu theo ý mình. Các cầu thủ tuyến trên như Harry Kane, Sterling và Lingard thi đấu dưới phong độ, bỏ lỡ nhiều cơ hội, thậm chí thể hiện sự non nớt và lóng ngóng, trái với trận đấu trước đó gặp Thuỵ Điển.
Phải chăng chính các cầu thủ trụ cột của Anh quá hồi hộp dẫn đến tình trạng ‘bị cúm’ do chính họ cũng không nghĩ có thể vào sâu đến vậy? Lý giải theo cách nào, và dù sao cũng chỉ còn 2 trận, thay vì thể hiện quyết tâm, thi đấu hết mình thì các cầu thủ của Tam Sư có một trận đấu bạc nhược, trái hẳn các tuyên bố hùng hồn trước trận đấu.
Những bất ngờ liên tiếp giúp Anh rộng cửa vào chung kết
World Cup 2018: Các con phố mang tên Tuyển Anh
Anh và Thụy Điển: đội nào sẽ được ghi tên vào lịch sử?
Diễn biến của hiệp hai và hiệp phụ cho thấy điều gì đến phải đến, khi Croatia thể hiện rõ là đội bản lĩnh hơn, thi đấu bình tĩnh và tận dụng tốt các cơ hội có được để gỡ hoà cũng như nâng tỉ số lên 2-1 trong hiệp phụ, từ đó giành chiến thắng chung cuộc.
Điều bất hợp lý là Anh là đội dẫn bàn nhưng thi đấu không chắc chắn, tâm lý yếu kém, còn Croatia mới là đội ‘lì đòn’ và thi đấu bền bỉ cho đến khi gỡ hoà. Ngay cả khi gỡ hoà, trước đội Anh bị sốc, mất toàn bộ tuyến giữa, thi đấu lủng củng, thì Croatia vẫn chơi chậm rãi, chắc chắn, công thủ chặt chẽ chứ không phấn khích mà lơ là trước các pha phản công của đối phương.
HLV Anh thiếu nhạy bén trong chỉ đạo
Đã từng là cầu thủ chuyên nghiệp, thi đấu ở đẳng cấp cao, hơn ai hết, HLV Gareth Southgate hiểu rõ về tâm lý cầu thủ ở những thời khắc quan trọng.
Khi còn thi đấu và là đội trưởng Aston Villa, HLV Southgated là thủ lĩnh đúng nghĩa khi thường xuyên la hét, nhắc nhở đồng đội trên sân, nhưng thái độ này đã không còn khi ông lên nắm đội tuyển Anh.
Sau bàn gỡ hoà của Croatia, thay vì ra đường biên trực tiếp hò hét chỉ đạo, nhằm vực dậy tinh thần của các học trò, HLV Southgate đã chọn cách đứng yên tại băng ghế ngồi của tuyển Anh và trao đổi với trợ lý như thường lệ, để mặc các cầu thủ Anh trong sân thi đấu chệch choạc và suýt thua thêm ngay trong hiệp chính, nếu các tiền đạo của Croatia may mắn hơn.
Thêm vào đó, HLV Southgate cũng không có điều chỉnh về lối chơi khi thế trận đã xoay chiều và có lợi cho Croatia, mà vẫn trung thành với sơ đồ ba hậu vệ, cộng với lối đá thường xuyên chuyền về cho tuyến dưới, trả lại cho thủ môn để phát bóng lên.
Lối chơi này chỉ hợp lý khi Anh làm chủ thế trận, nhưng trước Croatia, Tam Sư chưa bao giờ làm chủ tình hình, thậm chí còn nhiều lần chuyền về cẩu thả suýt dâng bàn thắng cho đối phương, nhất là sau khi bị gỡ.
Nếu thay đổi sơ đồ chiến thuật, cùng với lối chơi, biết đâu Anh có thể kéo trận đấu đến loạt đá luân lưu, thay vì bị thua thêm bàn trong hiệp phụ thứ hai.
Hơn ai hết, HLV Southgate phải thấy rõ điều này vì sau khi bị gỡ hoà, tuyến giữa của Anh đã bị vỡ hoàn toàn, tiếp tục chơi với 2 tiền vệ biên dâng cao trong sơ đồ 3-1-4-2 không thể giành thế chủ động trước Croatia, trái lại còn tạo ra nhiều lỗ hổng hai biên.
Đôi tay vàng của Pickford không thể cứu Tam Sư
Vào đến bán kết, Anh xem như đã quá thành công, và phần nhiều nhờ vào sự thi đấu chắc chắn và đầy hứng khởi của thủ môn Jordan Pickford, đặc biệt trong hai trận gần nhất là trận thắng Colombia khi cản phá được cú sút quyết định trong loạt luân lưu, và các pha cứu thua trông thấy trong trận gặp Thuỵ Điển.
Truyền thông Anh và quốc tế đã ca ngợi hết lời thủ môn đang thi đấu cho Everton và hy vọng người gác đền của Tam Sư sẽ tiếp tục thi đấu xuất sắc để giúp đội nhà đi đến trận cuối cùng, trong bối cảnh hàng công thi đấu mờ nhạt, với đa số các bàn thắng được ghi từ chấm phạt đền do Harry Kane thực hiện.
Tuy nhiên, hy vọng mong manh này đã không thành hiện thực, khi Pickford không thể cản phá các chân sút của Croatia, trong trận đấu mà hàng công của Tam Sư, đặc biệt là đội trưởng Harry Kane vẫn tiếp tục tịt ngòi.
Nói cách khác, một mình Pickford là không đủ để giúp Anh vào chung kết, nếu hàng công thi đấu dưới phong độ và các tuyến còn lại thể hiện sự yếu kém về tâm lý khi thế trận không theo ý mình.
Tranh ba-tư cũng là thành công lớn với Tam Sư ở World Cup 2018, với đội hình có nhiều cầu thủ trẻ, nhưng đạt thành tích hơn cả thế hệ vàng của Anh với những Beckham, Scholes, Shearer, Gerrard, Rooney… trước đây. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của Tam Sư lại là tâm lý, và điều này không dễ gì khắc phục.
Thắng bại là một chuyện, nhưng thi đấu với bản lĩnh như thế nào, tâm lý ra sao lại là vấn đề cốt lõi trong thể thao, không riêng gì bóng đá mà còn nhiều môn khác, và nếu Tam Sư không khắc phục được nhược điểm này thì giấc mơ đoạt chức vô địch World Cup sẽ tiếp tục là một mục tiêu xa vời.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44805859
Cúp Bóng Đá Thế Giới :
Niềm vui sướng tột độ của giới hâm mộ Croatia
Sau hai hiệp phụ, đội tuyển Croatia mới hạ nổi các đối thủ Anh với tỷ số 2-1, đoạt chiếc vé vào chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018. Tại Zagreb, giới hâm mộ choáng váng ngay những phút đầu trận đấu đêm 11/07/2018 sau khi đội tuyển Anh ghi bàn thắng đầu tiên, để rồi hy vọng kể từ phút thứ 68 của trận đấu, khi Ivan Perisic gỡ hòa. Trong hai hiệp phụ, ở phút thứ 109 Mario Mandzukic lập nên thành tích, loại Tam Sư của Anh.
Thông tín viên đài RFI, Laurent Rouy tường thuận lại không khí ở Zagreb đêm qua, khi giới hâm mộ từ thất vọng đến niềm vui sướng khôn tả :
“Trận đấu giữa Anh và Croatia đã mở ra trong bầu không khí ảm đạm, sau khi tuyển thủ Anh Kieran Trippier đã làm bàn trong những phút đầu tiên. Công chúng chán nản, rời khỏi quảng trường ở trung tâm Zagreb. Rất nhiều người đã nghĩ rằng, đội tuyển quốc gia phải dừng lại ở.
Một người đàn ông nói : Thôi, thế là hết! Croatia không có cơ may nào để đi tiếp. Đành chịu.
Nhưng bước sang hiệp hai, tình thế đã đổi thay. Ivan Perisic vừa ghi bàn, gỡ hòa. Không khí sôi động hẳn lên trên đường phố. Thêm một bàn thắng thứ nhì của Mandzuki trong hiệp phụ thứ hai. Croatia giành được chiến thắng và lễ hội bắt đầu. Một phụ nữ nói : Pháp coi chừng, chúng tôi xơi tái trong trận chung kết. Chúng tôi báo trước rồi đấy. Đội bóng Croatia đang ở trên đỉnh cao. Rồi cùng với cô bạn, cả hai cùng hát vang : Croitia chúng ta có nhiều nhà vô địch.
Ở phía xa một chút, một nhóm các cổ động viên Pháp cũng ăn mừng chiến thắng của đội Croatia, nhưng vì những lý do khác. Người thứ nhất nói : Đội tuyển Croatia phải đấu nhiều hơn đội Pháp đến 1 giờ đồng hồ, đó là một điều tốt cho chúng ta. Người thứ nhì phụ họa thêm : Anh- Croatia, một trận bóng tuyệt vời, thật điên luôn ! Nhưng Chủ Nhật này thì khác, Chủ Nhật này đến lượt chúng ta. Một cổ động viên Croatia nói chen vào với các cổ động viên Pháp : Xin lỗi mọi người, các bạn tiêu tùng rồi! Thế nhưng một cổ động viên Pháp đáp lại luôn: Không, các bạn mới bị tiêu tùng rồi.
20 năm sau lần bị đội Pháp hạ ở vòng bán kết Cúp Bóng Đá Thế Giới 1998, đội tuyển Croatia nuôi mộng phục thù. Trận chung kết tối Chủ Nhật này chắc chắn sẽ rất gay go!
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180712-cup-bong-da-the-gioi-niem-vui-suong-tot-do-cua-gioi-ham-mo-croatia