Tên để làm gì?
Nước Nam ta có cái tục là: hễ đã động dính vào chức dịch gì, là mất tên. Người không phải là một người nữa, ra một phẩm, gọi là quan Thượng, quan Tham, quan Huyện, ông tổng, ông lý, thầy nho. Ai gọi đến tên tục thì chửi rủa không bằng.
Cái tục ấy, mới nghe thì thấy có lấy gì làm lạ, ấy thế mà tự xưa đến giờ hại nước Nam bao nhiêu cũng vì nó.
Tại sao trong cả nước, từ kẻ giầu cho chí người nghèo, người có chữ cho chí kẻ ù lỳ, ai ai cũng chỉ ao ước được mụn quan, không quan thực thì quan tiếng vậy, là cũng chỉ vì ai ai cũng sợ người ta gọi tên mình.
Anh đồ thì dáo-diết, đầu treo giường, đùi đâm đùi, cũng chỉ cố lấy một là quan Tham quan Thượng, hai nữa cũng ông cử ông tú, chớ không phải hiếu học mà học.
Các hương chức năm 1915
Bác thợ Cẫn, thợ Thêu, thợ Bạc, thợ Trạm kia, thì còn gì sướng bằng tài có trong tay, một tháng kiếm trăm kiếm ngàn, mình vừa giầu, nước cũng được giầu, ấy thế mà cứ động nho-nhoe thừa lưng vốn là đã cố kiếm lấy cái trật con con rồi, không Hàn thì cũng Bát Cửu, chớ không chịu cái tiếng là dân có tài. Được hàm một cái, là tài thây kệ tài ngay. Ai đến đặt đồ đã có đầy tớ, Quan đâu lại có quan Cẫn, quan Thêu, quan Trạm.
Ngẫm nghĩ trong sự ấy lắm nỗi buồn cười, là ai không có thể nào mà gọ (gọt – b/t) được chức quan thì cũng muốn soay thế nào cho không là bạch-đinh nữa mới nghe.
Như bọn thông ký ta cũng vậy. Xưa còn thầy ký sau ra thầy thông, sau ra thầy phán, bây giờ thì Quan Lớn Phán. Từ ngày được cái chức ấy đến giờ cũng đỡ được cái xin phẩm hàm đi một ít, vì ai bây giờ không phẩm hàm cũng là quan rồi, nhưng ác nghiệp quan đàng này chỉ kém quan đàng kia một nỗi, rằng còn được tại chức thì còn có người bẩm, đổi về Hà-nội hay là cáo về hôm trước thì hôm sau đã xuống thầy rồi. Vì thế cho nên trong cánh vai vế có mấy ông vừa xin được cái nghị định hễ cáo về thì đổi chức cho phẩm hàm quan An-nam. Cái ân ấy thực là to lắm. Nhà nước tăng lương, cũng không thỏa dạ bằng.
Nói truyện đến các Quan Phán lại nhớ đến lắm việc buồn cười. Nghiệp này, được cái dễ. Chẳng cứ tiến-sĩ-xuất-thân cũng được. Cho nên bao nhiêu những cậu con-cái nhà ở Hà-nội, bây giờ muốn chánh lên bác cả Mỗ, bác hai Mỗ, thì đổ vào mặt này nhiều. Có người chữ nghĩa thì ít, mà nghề thì cũng có, nhưng muốn kiếm chút danh phận, cho nên lo hàng 2, 3 trăm bạc, để vào làm việc ở một sở nào đấy, nhất là kẻ sổ không xong, làm được vài hôm xếp đuổi cũng đành, vì đuổi thì đuổi, từ dày cũng không ai dám gọi là bác Cả, bác Hai nữa. Vào mũi thầy rồi, có quyền mặc áo cổ là, đi giầy ủng 36 francs (quan tiền – b/t) rồi, có phải đuổi chóng quá, thì cũng nhiều cách tre mặt thế gian: Bây giờ thiếu gì chỗ, trại bách-thú, vườn hoa Paul-Bert (sau này là vườn hoa Chí Linh, giữa Bờ Hồ và Ngân hàng VN, b/t) cứ tám giờ ra đấy ngồi, 10 giờ ½ lại về, 2 giờ lại ra, 3 giờ lại về, độ một tháng thì dẫu chẳng thực thọ được với ai bằng thực thọ được với mấy bà láng giềng, có con gái. Nghề thế ! ở đời này bác Cả bác Hai vẫn khó lấy vợ.
Xin các ông Thông, – À quên ! các quan Phán ! – đừng có dận tôi, tôi nói là nói thực, trong đám mình cũng lắm người ra-phét, nhưng cũng nhiều khoản khó chịu lắm.
Ở nhà quê cũng vì sợ tên trắng mà lắm kẻ mất cửa mất nhà, bán ruộng bán nương.
Ngày xưa còn có mấy đám buôn giấy vàng bán quyền cấp thì cũng dễ, bây giờ ai quỉ quái thì đã có cái nghệ đi thám bậy, bắt duy-tân ! bỏ thuốc phiện, bỏ riệu, bỏ thuốc súng. Mà khù khờ thì cứ đợi đám lạc quyên nào may ra thì Hàn, chẳng may Bát-cửu cũng được. Cũng có người chịu hẳn mặt ấy, thì đã có mặt tổng-lý. Hai ba trăm, năm trăm, một nghìn, lại khao vọng, nhất là của mồ hôi nước mắt ba đời để lại cho cũng đem ra mà chạy hết cũng đành, quí hồ mất được cái tên bố-cu Mỗ, bố-đĩ Mỗ.
Đất không có người cầy, nghề không có người làm, xảo nghệ không tấn tới, mãn đại chỉ thích cắn rơm cắn cỏ, dốt như bò, cũng do ở sự muốn làm quan cả.
Mà muốn làm quan là chỉ muốn ăn báo kho bạc, việc ít tiêu nhiều, tài nhỏ danh to, cũng có, nhưng muốn làm quan vì cái tên cũng nhiều.
Vậy thì chúng tôi nghĩ có một kế để làm cho thiên-hạ bớt được một nửa người muốn làm quan đi, để ruộng đất được thêm tay cầy, buôn bán được thêm người bận, nghệ nghiệp lắm kẻ truyên, sảo kỹ nhiều tay rỗi ra, cách ấy là cách bỏ đứt cái thói lấy nghệ mà gọi tên đi.
Cảnh lều chõng đi thi ngày xưa
.
Lúc ở công đường thì nha lại, trị hạ phải bẩm quan lớn, về nhà anh em quen thuộc, hàng sóm láng giềng, lại cứ tên chữ mà gọi. Sự đổi tục ấy như các quan thì khí khó, chúng ta là bọn quan kiểu mới này thì dễ. Cứ lệ với nhau đừng ai gọi là quan Phán, ông Phán, thầy Phán gì nữa, cứ gọi nhau là ông Đỗ, ông Nguyễn, ông Trần, hoặc ai có tên chữ thì gọi càng hay. Người khác mà lấy chức gọi ta, phải cho đã hình như là bỉ báng. Xem ngay như các quan Đại-pháp, có thấy họ gọi nhau là monsieur le Commis (quý ông Bán hàng – b/t), monsieur le Préposé des Duoanes (quý ông Công chức Hải quan – b/t) bao giờ không? Giả thử các ông Tây bây giờ mà gọi nhau là M. le Bachelier (quý ông Cử nhân – b/t), M. le Licencié (quý ông Công chức cấp phép – b/t) thì buồn cười quá, thế mà ta động đi thi được cái bằng con, là không có tên nữa. Gọi ngay là ông cử, ông tú. To lắm rồi, cho nên chỉ khôn được đến thế là mãn nguyện. Tú, cử cũng đã vào thượng-lưu xã hội rồi.
Cũng có kẻ nói nhà quê có nhiều người muốn được phẩm hàm, vì là được trừ đóng góp phu phen, chớ có thiết gì cái danh. Nếu thế thì lại tệ nữa. Vì cách trốn sưu dịch ấy là cách hèn hạ, dân đinh có vất vả quá, thì ta nên cùng với anh em đồng-bào mà chịu, muốn cho được sướng thì phải cầu cho dân cũng sướng với mình mới phải, chớ mình không có tài cán gì hơn ai, mà vào đám chức sắc để chạy lấy một mình, thì không đáng làm đàn anh dân.
Tôi như các bạch-đinh nhà quê, thì những bác ấy tôi không cho ngồi chiếu trên. Có khác gì mấy người An-nam vào làng Đại-pháp để được quan Đại-pháp dong dự mình hơn người khác. Người đại-lượng đi đâu phải có đàn. Vinh cung vinh, nhục cùng nhục. Thấy đàn cùng nhục mà bỏ đàn vào bọn khác lấy vinh, thì chẳng hóa ra hèn lắm du !
(Nguyễn Văn Vĩnh, 26 tháng 9 năm 1907
chungta.com đăng lại theo trang Tân Nam Tử)