Tin Việt Nam – 10/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/07/2018

Phúc thẩm ba nhà hoạt động

Phiên phúc thẩm xử ba nhà hoạt động Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc diễn ra vào ngày 10 tháng 7 năm 2018 tại Hà Nội.

Kết thúc phiên xử tòa tuyên y án đối với ba nhà hoạt động vừa nêu.

Tại phiên sơ thẩm vào ngày 31 tháng giêng vừa qua, tòa tuyên án ông Vũ Quang Thuận 8 năm tù giam và 5 năm quản chế, anh Nguyễn Văn Điển 6 năm 6 tháng tù giam và anh Trần Hoàng Phúc 6 năm tù giam. Cả hai anh Điển và Phúc còn phải chịu quản chế 4 năm mỗi người sau khi mãn án tù.

Cáo buộc đưa ra cho ba người là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999 vì cho đăng lên mạng xã hội Facebook và Youtube các video clips của kênh ‘Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt’. Nội dung các video clips nêu rõ những thực trạng tại Việt Nam mà phía công tố cho là xuyên tạc các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa trong nước được nhiều người quan tâm.

Trong khi đó thì những nhà hoạt động trong nước lại cho đó là những phản ánh trung thực khiến chính phủ Hà Nội khó chịu nên có biện pháp trấn áp.

Ngay trước phiên phúc thẩm ba nhà hoạt động vừa nêu, vào ngày 9 tháng 7, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do cho ba nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc.

Ông Minar Pimple, Giám đốc Cấp Cao Chiến dịch Toàn Cầu của Ân Xá Quốc Tế, nêu rõ trong thông cáo rằng cả ba người bị tuyên án là nạn nhân của biện pháp trấn áp đáng xấu hổ của chính phủ Việt Nam đối với tất cả những mọi hình thức bất đồng. Những người này bị nhắm đến chỉ vì các hoạt động ôn hòa của họ mà thôi.

Theo Ân Xá Quốc Tế thì cả ba người không phạm tội gì cả; họ dùng mạng xã hội để bày tỏ những ý kiến mà cơ quan chức năng không muốn nghe- đó là ủng hộ cho việc bảo vệ nhân quyền và công bằng xã hội tại đất nước Việt Nam.

Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt việc sử dụng các luật  lệ đàn áp lâu nay nhằm truy tố và trừng phạt những nhà hoạt động ôn hòa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-trial-for-three-human-rights-defenders-07102018102842.html

 

Công nhân công ty Yazaki đình công

yêu cầu giải thích tình trạng ngất xỉu vì hít phải khí lạ

Hàng trăm công nhân công ty Yazaki Đông Mai ở Quảng Ninh sáng ngày 10 tháng 7 đã đình công, biểu tình tập trung tại công ty để đòi hỏi trả lời rõ ràng về nguyên nhân hàng loạt công nhân ngất xỉu và choáng váng vì hít phải khí lạ vào hôm 6 tháng 7.

Truyền thông trong nước loan tin này ngày 10 tháng 7 năm 2018.

Theo kết luận ban đầu của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính là do nắng nóng. Tuy nhiên, rất nhiều công nhân không đồng tình với kết luận vừa nêu, cũng như lời giải thích của công ty do người dân phun thuốc trừ sâu bởi phân xưởng luôn đóng kín, máy điều hòa luôn hoạt động.

Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh cũng cử đại diện đến Công ty Yazaki Đông Mai để tìm hiểu nguyên nhân và trao đổi với công nhân vớ mục tiêu được nói nhằm ổn định tình hình.

Trước đó, vào khoảng 8 giờ sáng ngày 6 tháng 7 năm 2018, gần 50 công nhân tại xưởng của Công ty Yazaki Đông Mai ở khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, bị ngộ độc khí làm buồn ói, ngất xỉu phải cấp cứu ở bệnh viện và hàng trăm công nhân phải sơ tán.

Sau 5 ngày xảy ra sự việc, tại khu nhà xưởng sản xuất, vẫn lẻ tẻ xuất hiện công nhân bị ngất xỉu, co giật, trong khi nhiều công nhân vẫn chưa được xuất viện.

Đây không phải lần đầu tiên công nhân bị ảnh hưởng sức khỏe hàng loạt khi làm việc tại công ty Yazaki, ngày 2 tháng 6 năm 2018, đã có 34 công nhân đang làm việc cũng có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, cơ thể nôn nao… phải đi cấp cứu và 2.700 công nhân khác đang làm việc phải sơ tán lánh nạn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/workers-in-quang-ninh-protested-requesting-the-answer-of-fainting-07102018101934.html

 

Phản đối nhận chìm chất nạo vét

xuống biển Cửa Lò

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vừa gửi văn bản cho Bộ Tài nguyên Môi trường phản đối việc nhận chìm chất nạo vét xuống vùng biển Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Tin được loan đi ngày 10 tháng 7.

Theo nhận định của Bộ Nông Nghiệp- Phát Triển Nông thôn Việt Nam thì đó là các chất nạo vét thuộc dự án nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển vào cảng Cửa Lò của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc.

Theo Bộ Nông nghiệp vị trí nhận chìm là nơi ngư dân khai thác thủy sản truyền thống và rất gần khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiềm năng thuộc vùng biển ven bờ Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Đây cũng là bãi đẻ, bãi ươm nuôi tự nhiên của các hải sản vùng biển Bắc Trung bộ.

Theo dự tính, khu vực nhận chìm cách bờ biển khoảng 10 km. Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho rằng vị trí này quá gần bờ, lại nằm ngay vùng cửa sông Lam.

Ngành nông nghiệp của VN đã kiến nghị ngành môi trường tìm cách khác phù hợp hơn để vừa đảm bảo lợi ích doanh ngiệp, vừa bảo vệ môi trường và sinh kế của ngư dân.

Năm ngoái, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng kiến nghị cho phép Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển gần khu vực biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận. Kiến nghị này vấp phải sự phản đối mạnh từ phía dư luận và chuyên gia. Các chuyên gia cho rằng việc nhận chìm bùn như vậy sẽ làm đục nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và nghề cá của ngư dân.

Nhiệt điện Vĩnh Tân là một chuỗi nhà máy từng nhiều lần bị người dân phản đối vì gây ô nhiễm môi trường.

Trước phản ứng mạnh của người dân đối với tình trạng nhà máy nhiệt điện phát tán ô nhiễm gây hại đến sức khỏe và mưu sinh, vào ngày 29 tháng 6 vừa qua Tổng công ty Điện lực VN đã kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công An đưa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân vào diện bảo vệ an ninh đặc biệt. Kiến nghị này nhận được sự đồng thuận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, nơi đặt Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân với 4 nhà máy.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mard-opposes-dumping-mud-to-cua-lo-sea-07102018095220.html

 

Trạm BOT đổi tên từ ‘thu giá’ sang ‘thu phí’

Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao Thông- Vận Tải vừa có chỉ thị đổi tên tất cả các trạm BOT từ ‘trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ’ sang thành ‘trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.’

Truyền thông trong nước trích lời ông Nguyễn Văn Huyện, lãnh đạo Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam vào sáng 10 tháng 7 cho biết như vừa nêu. Ông này cũng nói sẽ ban hành văn bản chính thức việc đổi tên vào chiều cùng ngày.

Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam trước đó đề xuất Bộ Giao Thông Vận Tải việc đổi tên này vì mục đích nguyên văn là ‘thống nhất tên gọi phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, được người dân và doanh nghiệp đồng tình chấp thuận.’

Ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa 14 vừa qua cho biết đã tiếp thu ý kiến cử tri và dư luận xã hội nên có chỉ đạo thay đổi tên mới cho phù hợp.

Theo định nghĩa mới, tên gọi ‘trạm thu phí’ được cho biết là nơi thu tiền dịch vụ sử dụng các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh và được điều hành theo luật về giá.

Việt Nam hiện có tất cả 88 trạm thu phí BOT. Bộ Giao Thông Vận Tải quản lý 73 trạm và Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh quản lý 15 trạm.

Vấn đề các trạm BOT trong nước lâu nay gây bức xúc cho giới tài xế cũng như người dân bởi theo họ thì mức phí và vị trí đặt trạm không hợp lý.

Nhiều tài xế đã phản ứng bằng cách trả tiền lẻ nhằm kéo dài thời gian qua trạm để ban quản lý BOT phải xả trạm vì tắc nghẽn giao thông.

Các trường hợp xô xát giữa tài xế và nhân viên BOT cũng được ghi nhận. Một số tài xế sau đó đã bị bắt vì cơ quan thẩm quyền cho rằng ‘có hành vi kích động, gây rối và cố tình phá hoại gây mất trật tự.’

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/change-bot-name-from-price-to-fee-collection-07102018095110.html

 

Thủ Thiêm,

nửa tháng sau lời hứa của ông Bí thư Thành uỷ

Cát Linh, RFA

Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vào chiều ngày 20/6/2018 đã thực hiện lời hứa có cuộc tiếp xúc với người dân khiếu kiện Thủ Thiêm. Tại đây ông nói nếu nhà dân ngoài ranh thu hồi đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì không phải di dời, đồng thời khẳng định “thành phố không gạt bà con”.

“Không phải muốn đưa đi đâu thì đưa”

Cuối cùng thì ông Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng có một buổi đối thoại trực tiếp với người dân Thủ Thiêm như đúng lời đã hứa.

Ngày 20/6/2018, rất nhiều báo đài trong nước đã có mặt để truyền thông về buổi gặp này. Tin cho biết, tất cả người dân có mặt đều bày tỏ bức xúc xung quanh chính sách di dời, thu hồi và đền bù không thoả đáng của chính quyền địa phương.

Về phía ông Nguyễn Thiện Nhân, những hình ảnh và video về buổi gặp nhanh chóng được lan truyền ra, cho thấy ông có những lời phát biểu rất “tình và nghĩa”.

Ví dụ khi ông nghẹn lời nói:

“Đó là những người trong chiến tranh sẵn sàng hy sinh, cuối đời muốn có chỗ ở đàng hoàng bình yên. Chưa biết lý do gì, nhưng thấy mọi người ở cái tuổi như cha mẹ mình, nằm liệt giường trong những căn nhà dột nát, lụp xụp… tôi đau lắm chứ”

Đã gần nửa tháng kể từ ngày ông Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe những bức xúc vốn kéo dài hơn 20 năm của người dân Thủ Thiêm. Một người dân có mặt trong buổi gặp hôm đó cho biết đến nay, chưa thấy sự thay đổi nào ngoại trừ giải quyết việc tái định cư.

“Câu nói vấn đề lên chung cư tạm cư là cho ở căn hộ chung cư tốt hơn ở dưới này thôi chứ thật ra chưa giải quyết gì tốt hơn cho người dân. Coi như là đất của người dân chúng tôi đang kiện cáo, vấn đề trong ranh ngoài ranh thì chưa giải quyết. Nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân bữa đó thì ổng hứa là ổng sẽ rút lên 2 nhóm để giài quyết. Thứ nhất là nhóm chưa đủ về pháp lý, nghĩa là nhà người ta đang ở mà giờ làm đất nông nghiệp. Nhóm thứ 2 là pháp lý đã đủ rồi nhưng người ta đấu tranh trong ranh, ngoài ranh, vẫn không chịu đi. Ổng nói là ổng sẽ cho tổ công tác đặc biệt rút hồ sơ của 2 nhóm này để xem xét giải quyết.

Người dân cũng mong mỏi chờ người đứng đầu TP.HCM chứ trước giờ cứ đá lên đá xuống rồi có giải quyết gì đâu.”

Báo Tuổi Trẻ trong nước hôm 20/6 có tường thuật việc ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ lập một tổ công tác đặc biệt về các vấn đề này. Thành phần gồm các chuyên gia, luật sư, đại diện MTTQ để giám sát, giải quyết từng trường hợp ngay lập tức, không chờ đến khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 15/7.

Người dân cũng mong mỏi chờ người đứng đầu TP.HCM chứ trước giờ cứ đá lên đá xuống rồi có giải quyết gì đâu. – Người dân Thủ Thiêm

Cuối buổi gặp, ông Nhân đề nghị người dân vào ở khu tái định cư cho bớt khổ, ổn định, trong thời gian chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, người dân này không đồng ý với giải pháp do ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra. Lý do là ông không có nhu cầu để ở tạm cư trong căn hộ chung cư.

“Sắp tới có kết luận thanh tra chính phủ, và ông Nguyễn Thiện Nhân đã hứa như vậy rồi thì bây giờ phải giải quyết dứt điểm với khu đô thị mới Thủ Thiêm chứ không có đẩy người dân lên căn hộ chung cư để ở tạm.  Rồi bao nhiêu năm nữa? Giải quyết xong thì tự chúng tôi lo chỗ ở mới. Nhà chúng tôi ngoài ranh thì phải trả đất lại cho chúng tôi về cất nhà, khắc phục hậu quả cho người dân chúng tôi.

Đâu thể muốn đưa đi đâu thì đưa.”

Người dân này khẳng định rất nhiều lần yêu cầu “phải giải quyết dứt điểm, rõ ràng. Nhà ngoài ranh thì phải trả đất lại cho dân.”

Một người dân khác cũng tỏ ý cho biết việc đưa người dân lên căn hộ chung cư ở tạm là không cần thiết. Họ đã chờ đợi quá lâu, giờ đây có chờ thêm một khoảng thời gian ngắn nữa cũng không là gì cả.

“Theo như lời ổng nói 15/7 này là giải quyết rồi, bây giờ dời lên chung cư tạm cư thì ngắn quá, mắc công, mình cực thêm. Khi giải quyết xong mình phải dọn đi 1 lần nữa. Giờ đợi đến 15/7 này coi giải quyết làm sao.

Mình chịu đựng ở đây cả chục năm rồi, bây giờ còn có nửa tháng nữa mà dọn đi thì cũng cực cho mình.”

“Ở đây đã 6,7 năm rồi, bây giờ chờ thêm 1 tháng nữa có gì đâu, phải chờ thôi.”

Phải giải quyết thoả đáng

Vấn đề khiến nhiều người bức xúc nhất, dù diện tích đất không nhiều, là đất của họ nằm trong hay ngoài ranh quy hoạch. Theo lời nói động viên của ông Nguyễn Thiện Nhân, là: “Việc này sẽ được Thanh tra Chính phủ trả lời rõ ràng, cụ thể. Nếu không nằm trong ranh thì không phải di dời. Bà con ráng chờ đến ngày 15/7.

Ông nói thêm trong buổi đối thoại: “Bà con nên ủng hộ thành phố. Thành phố không gạt bà con mà muốn mọi người trước mắt sẽ có cuộc sống tốt hơn.”

Mình phải tin thôi, đó là cái sắp xếp của lãnh đạo, nhưng mà phải giải quyết rõ ràng, nằm ngoài ranh quy hoạch thì phải giải quyết rõ rồi phải có hướng khắc phục hậu quả cưỡng chế trái pháp luật, đẩy người dân từ cuộc sống đương ổn định , như tôi đang là doanh nghiệp kinh doanh nuôi sống cả gia đình, thành ra bây giờ mất hết tất cả, mất nhà mất cửa, mất công ăn việc làm, mất luôn chỗ kinh doanh buôn bán. – Người dân Thủ Thiêm

Dư luận từng bàn tán rất nhiều về lời nói này của ông Nguyễn Thiện Nhân. Có người cho rằng kết quả của lời hứa này sẽ không khác gì với lời hứa của ông Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng hứa không khởi tố người dân Đồng Tâm.

Trong lúc này, chỉ còn khoảng một tuần nữa sẽ có quyết định của Thanh tra Chính phủ, tất cả những gì người dân mất đất ở khu đô thị Thủ Thiêm có lúc này là niềm tin vào lời nói của ông Nguyễn Thiện Nhân.

“Mình phải tin thôi, đó là cái sắp xếp của lãnh đạo, nhưng mà phải giải quyết rõ ràng, nằm ngoài ranh quy hoạch thì phải giải quyết rõ rồi phải có hướng khắc phục hậu quả cưỡng chế trái pháp luật, đẩy người dân từ cuộc sống đương ổn định , như tôi đang là doanh nghiệp kinh doanh nuôi sống cả gia đình, thành ra bây giờ mất hết tất cả, mất nhà mất cửa, mất công ăn việc làm, mất luôn chỗ kinh doanh buôn bán.”

Với giọng nói từ tốn nhưng không dấu được nỗi xót xa của một người là trụ cột trong gia đình, nhưng giờ như ông nói, đã mất trắng, người đàn ông vốn là cư dân ở khu đô thị Thủ Thiêm hơn chục năm nay cho biết ông mong muốn một sự công bằng từ những người có chức vụ. Công bằng đây là công bằng cho cả quãng thời gian hơn chục năm mà các hộ cư dân ở khu đô thị mới Thủ Thiêm phải sống cuộc sống “mất trắng” tất cả. Nếu được như thế, thì theo ông, những người lãnh đạo mới có được sự đồng thuận của người dân.

“Ổng cũng có tâm, ổng lo cho cuộc sống của người dân thì mình phải tin tưởng, để coi cách giải quyết của chính quyền làm sao…”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Thu-thiem-nua-thang-sau-loi-hua-cua-ong-nguyen-thien-nhan-07092018145911.html

 

Mobifone – AVG: Công an bắt ông Lê Nam Trà

Bộ Công an Việt Nam loan báo vừa bắt giữ, khởi tố hai người trong cuộc điều tra việc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

MobiFone mua AVG: Nhiều đảng viên CS đối mặt kỷ luật

Khởi tố hay không vụ Mobifone-AVG?

Thông báo của ngành công an đưa ra cùng ngay sau khi Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016.

Bộ Công an nói ngày 10/7 đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone – Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với hai người.

Đó là ông Lê Nam Trà, Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, hiện là Cán bộ Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp – Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hai người bị bắt về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đây là diễn biến mới nhất liên quan cuộc điều tra kéo dài về việc công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG.

Sau gần hai năm điều tra, Đảng Cộng sản tuyên bố vụ việc “làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư ngày 10/7 để ra kết luận về một số vụ kỷ luật trong Đảng.

Thông cáo nói Ban Bí thư kết luận Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo” trong vụ AVG.

Đây là giai đoạn ông Nguyễn Bắc Son còn là Bộ trưởng, còn đương kim bộ trưởng Trương Minh Tuấn là thứ trưởng.

Ban Bí thư Đảng Cộng sản nói “một số đồng chí lãnh đạo Bộ vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng trong thực hiện nguyên tắc làm việc và chức trách, nhiệm vụ được giao; chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về Dự án trên”.

Những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông là “rất nghiêm trọng, đã làm thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và quá trình cổ phần hoá của Tổng Công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội”.

Ban Bí thư Đảng Cộng sản quyết định thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 bằng hình thức Cảnh cáo.

Diễn tiến thanh tra vụ AVG:

22/7/2016: Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần của AVG.

1/8/2016: Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện.

6/9/2016: Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố quyết định thanh tra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone.

2/2/2018: Tại họp báo chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng nói Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã họp rất nhiều với các cơ quan, giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì vấn đề thanh tra và kết luận báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương và báo cáo Tổng Bí thư.

14/3/2018: Thanh tra Chính phủ có Thông báo Kết luận số 356/TB-TTCP về việc Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

24/3/2018: Thanh tra Chính phủ công bố toàn văn Kết luận thanh tra. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã trình bày văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (thay mặt Thủ tướng Chính phủ) đồng ý với Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

2/4/2018: Tại họp báo chính phủ thường kỳ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, trên cơ sở kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dự án Mobifone mua 95% cổ phần Công ty AVG, Thanh tra Chính phủ đang cùng các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm kết luận của Thanh tra Chính phủ.

25/4/2018: Thanh tra Chính phủ cho biết Cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46 – Bộ Công an) đang tiến hành tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan tới dự án Mobifone mua cổ phần AVG để tiến hành điều tra.

27/4/2018: Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Tháng 5/2018: Nhóm cổ đông AVG hoàn trả hơn 8.500 tỷ đồng cho Mobifone.

Cuối tháng 5/2018: Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận nguyên bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng nhiệm kỳ 2011-2016.

Cuối tháng 6/2018: Ủy ban Kiểm tra Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Nam Trà, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và ông Phạm Đình Trọng, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông.

6/7: Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình văn bản cho Ban Bí thư, đề nghị xem xét thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44315765

 

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

ảnh hưởng gì đến VN?

Ben NgôBBC Tiếng Việt

Một chuyên gia nói “còn quá sớm” để nói về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đến Việt Nam, nhưng chuyên gia khác lại cho là Việt Nam “sẽ chịu sức ép rất lớn”.

Quan ngại về hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tăng cao trong bối cảnh chỉ số VN-Index đang ở ngưỡng 930 điểm và có tin các khu vực biên giới Việt-Trung sắp tới có thể là nơi “trú ẩn” cho các công ty sản xuất Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan nặng nề của Mỹ.

Tờ South China Morning Post cho hay, giới chức tỉnh Quảng Tây hiện đang thúc đẩy ý tưởng hình thành các khu “khu vực phát triển kinh tế biên mậu”, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “made in Vietnam” để né thuế của Hoa Kỳ.

Đây là một phần của kế hoạch hợp tác rộng lớn hơn được ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội năm ngoái, thuộc chiến lược đầy tham vọng “Vành đai, Con đường”.

TQ định mở khu vực ‘made in Vietnam’ ở biên giới

Mỹ-Trung ‘không gây chiến tranh thương mại’

VN: Nguy cơ thiệt hại vì chiến tranh thương mại

Donald Trump ‘chú ý đến thâm hụt thương mại’ với VN

‘Một trật tự mới’

Hôm 10/7, trả lời BBC Tiếng Việt, Tiến sĩ Giang Lê, chủ nhân blog KinhteTaichinh nói: “Chỉ số VN-Index trong vài năm gần đây đã biến động cùng với thị trường thế giới và khu vực hơn trước đây rất nhiều. Do vậy khó có thể xác định chỉ số này tăng hay giảm vì một lý do nào đó. Tất nhiên cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm tăng mức độ rủi ro của thị trường các nước mới nổi, đặc biệt các nước châu Á có liên hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc, dẫn đến một làn sóng rút vốn khỏi các thị trường đó.”

“Nhưng nhìn rộng hơn làn sóng này đã bắt nguồn từ đầu năm nay khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (Ecb) khẳng định sẽ quay về cách điều hành tiền tệ truyền thống , có thể coi đây là một đợt “taper tantrum” (sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền) thứ hai.”

“Thêm vào đó các quỹ đầu tư quốc gia (SWF) cũng đang bán bớt phần đầu tư cổ phiếu của họ ở các thị trường mới nổi nên luồng tiền chảy ra cũng là một yếu tố quan trọng làm suy giảm các chỉ số chứng khoán chứ không chỉ bởi chiến tranh thương mại.”

Chỉ cần Mỹ quay lưng lại với thế giới, Việt Nam sẽ dễ dàng rơi vào một trật tự mới do Trung Quốcxác lập, nhiều phần sẽ tồi tệ hơn hệ thống hiện tại.tiến sĩ Giang Lê

Đề cập về suy đoán chỉ số VN-Index “thủng đáy” trong những tuần qua có nguyên do từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, ông Giang Lê nói: “Chỉ số chứng khoán trong ngắn hạn không bao giờ là thước đo tốt cho sức khỏe của một nền kinh tế. Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ leo thang của hai bên.”

“Với mức độ đánh thuế vài chục tỷ USD hiện tại, tác động thực tế không lớn, nếu có chỉ là rủi ro các nhà đầu tư nước ngoài hoãn lại các dự án đầu tư và các khách hàng của doanh nghiệp Việt Nam giảm đơn hàng đợi tình hình lắng xuống. Tuy nhiên số liệu PMI tháng 6 cho thấy điều này chưa xảy ra, hoặc còn quá sớm để đánh giá tác động cuộc chiến thương mại vào nền kinh tế Việt Nam.”

“Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các căng thẳng thương mại khác tiếp tục leo thang, tác động trong dài hạn sẽ rất xấu vì không chỉ các hoạt động kinh tế bị gián đoạn mà trật tự thương mại quốc tế có thể bị đảo lộn.”

“Có thể nói sau hơn 10 năm gia nhập WTO và trải qua một số sóng gió ban đầu, Việt Nam đang gặt hái nhiều lợi ích của hệ thống này trong vài năm gần đây. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành quốc gia có độ mở kinh tế hàng đầu thế giới, đang hội nhập vào hệ thống cung ứng toàn cầu, đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc.”

“Tất cả những thuận lợi này có thể bị đảo lộn nếu các trật tự/thể chế kinh tế chính trị thế giới (Wto, Nafta, Imf, Wb, Eu) tan vỡ chỉ vì một vài chính sách thiển cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay cả nếu điều này không xảy ra mà chỉ cần Mỹ quay lưng lại với thế giới, Việt Nam sẽ dễ dàng rơi vào một trật tự mới do Trung Quốc xác lập, nhiều phần sẽ tồi tệ hơn hệ thống hiện tại.”

Thép VN ‘xuất xứ TQ’ bị Mỹ trừng phạt

TQ đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ

Daimler: ‘​​doanh số 2018 thấp hơn vì TQ áp thuế’

TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’

Trump áp thuế nhập thép, đối tác nổi giận

‘Hệ lụy sẽ khó lường’

Trong khi đó, từ Đại học Strasbourg, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, một chuyên gia kinh tế khác, nhận định với BBC: “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế liên quan trực tiếp (Mỹ, Trung Quốc), nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng lên các nước khác, như trường hợp của Việt Nam.”

“Trước hết, phải hiểu về cuộc chiến mậu dịch như sau. Hàng hóa là nguyên vật liệu sản xuất (như nhôm và hàng nông nghiệp dùng trong công nghiệp chế biến) bị áp dụng thuế cao hơn sẽ làm cho các mặt hàng tiêu dùng (được sản xuất dựa trên các nguyên vật liệu này) sẽ đắt hơn. Như vậy, nói sơ qua thì cuộc chiến thương mại sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu mà các sản phẩm bị đánh thuế, các doanh nghiệp nhập khẩu vì hàng hóa đắt hơn, người tiêu dùng của các nước liên quan sẽ phải trả tiền cao hơn trước kia.”

“Nếu chỉ đơn giản như thế, các nước khác như Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Vì sao? Vì Mỹ và Trung Quốc sẽ có các biện pháp trả đũa khác nhau, mà hệ lụy sẽ khó lường đối với các nước thứ ba, nhất là Việt Nam.”

“Vì Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ nhưng rất mở (có nghĩa là phụ thuộc vào xuất nhập khẩu: năm 2017 xuất khẩu của VN là 214 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 211 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam khoảng trên 220 tỷ USD). Do đó các biến động trên thị trường thế giới sẽ có tác động lên Việt Nam, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam cạnh tranh.”

“Phản ứng của thị trường tài chính ở Việt Nam vừa qua có lẽ phản ánh mối lo đó của các nhà đầu tư liên quan đến viễn cảnh kinh tế.”

Sự rớt giá của đồng Nhân dân tệ mới đây làm dấy lên mối lo là chiến tranh thương mại lan rộng qua chiến tranh tiền tệ (mà các đồng tiền liên tục bị phá giá), sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa cho các nền kinh tế.”

Thúc đẩy các hiệp ước tự do thương mại với châu Âu và các nước khác, đó cũng là cách giảm thiểu rủi ro (khi mà nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc.tiến sĩ Nguyễn Văn Phú

“Vì hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ bị đắt hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc. Ngoài ra, việc đồng tiền Nhân dân tệ rớt giá, hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với hàng Việt Nam trên thị trường thế giới, sẽ làm xuất khẩu Việt Nam gặp thêm khó khăn.”

“Do vậy mà nhiều khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ gây sức ép rất lớn lên kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.”

Đề cập về giải pháp ứng phó, ông Phú nói: “Tôi nghĩ là Việt Nam nên có các đối phó ngắn hạn và chuẩn bị kỹ các biện pháp trung và dài hạn.”

“Về ngắn hạn, nên có các biện pháp về giá, có các chính sách thuế phù hợp. Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi thị trường tiền tệ và tài chính để có chính sách hối đoái phù hợp, giảm ảnh hưởng tiêu cực lên xuất nhập khẩu.”

“Về trung và dài hạn, tăng tốc cải cách kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Thúc đẩy các hiệp ước tự do thương mại với châu Âu và các nước khác, đó cũng là cách giảm thiểu rủi ro (khi mà nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc).”

“Các hiệp ước thương mại này phải có các điều khoản tiến bộ (không chỉ đơn thuần về thương mại) nhằm gia tăng các ảnh hưởng tích cực lên nền kinh tế, như về môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ…”

“Về phương diện hoạch định chính sách, tôi không biết là chính phủ Việt Nam đã có chuẩn bị gì hay chưa, nhưng theo tôi, Hà Nội nên có những nghiên cứu định lượng về các tác động của chính sách thuế quan lên nền kinh tế Việt Nam, nhằm đề ra các tình huống và chính sách ứng phó kịp thời.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44720863

 

Vingroup: thâu tóm đất

và thao túng truyền thông Việt Nam?

Truyền thông trong nước vừa qua loan tải thông tin tập đoàn Vingroup mua lại General Motors của Mỹ và bản quyền sở hữu trí tuệ của BMW; đồng thời, 2 mẫu xe do Vinfast ( công ty con của Vingroup) sản xuất sẽ tham gia triễn lãm xe hơi quôc tế tại Paris (Pháp) và tháng 10 tới đây. Thường thành công của doanh nghiệp được cho là bài học đáng noi theo; tuy nhiên đối với một tập đoàn như Vingroup tại Việt Nam thì lại có nhiều nghi vấn liên quan quá trình hình thành và giàu nhanh của người đứng đầu tập đoàn?

Đài RFA ghi nhận thông tin từ một cán bộ truyền thông muốn giấu tên của tập đoàn Vingroup cho biết, ngay trong buổi làm việc đầu tiên, mọi nhân viên đều phải học thuộc lịch sử hình thành tập đoàn mà theo đó tiền thân của tập đoàn địa ốc lớn nhất Việt Nam hiện nay là một nhà hàng Việt Nam tại thành phố Kharkov (Ucraina) có tên gọi là Nhà hàng Thăng Long. Từ sự phát triển của nhà hàng này mà ông Phạm Nhật Vượng xây dựng được cơ sở tài chính để tiếp tục hình thành tập đoàn Technocom đầu tư vào công nghiệp sản xuất mỳ gói mang thương hiệu Mivina, cung cấp thực phẩm ăn nhanh cho toàn bộ thị trường Ucraina và khu vực lân cận. Đó cũng là tiền đề để năm 2000, Vingroup quay trở lại Việt Nam đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, từ đó xây dựng chung cư cao cấp, phát triển giáo dục, thời trang, thương mại điện tử, nông nghiệp và xe hơi… như hiện nay.

…mỳ tôm cũng chỉ là một ngạch của ông ý thôi, cái ngạch mà người ta có thể nhìn thấy thôi mà còn rất nhiều những ngạch mà người thường không thể nhìn thấy được và nó tạo nên cái khối tài sản khổng lồ của ông ấy như vậy – nhà báo Mạc Việt Hồng

Tuy nhiên, cộng đồng người Việt Nam tại Ucraina nói riêng và ở các nước Đông Âu nói chung đều hiểu rằng hoạt động của Vingroup trước đây không đơn giản chỉ dừng lại ở việc sản xuất mỳ gói và đồ hộp ăn liền. Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan cho đài RFA biết rõ hơn về điều này:

“Thời kỳ mà các nước Đông Âu trong đó có Ba Lan hay Ucraina mà người ta chuyển đổi chế độ, thời kỳ mà khối XHCN sụp đổ thì nhiều người Việt giàu lên rất nhanh chóng và họ cũng có những hoạt động có thể nói là hợp pháp cũng có mà phi pháp cũng có, rất là đa dạng mà cũng rất phức tạp, khó có thể nói một cách cụ thể. Riêng về trường hợp của ông Phạm Nhật Vượng thì theo ý kiến cá nhân tôi, mỳ tôm cũng chỉ là một ngạch của ông ý thôi, cái ngạch mà người ta có thể nhìn thấy thôi mà còn rất nhiều những ngạch mà người thường không thể nhìn thấy được và nó tạo nên cái khối tài sản khổng lồ của ông ấy như vậy”

Thế nhưng, bên cạnh những thành công mà truyền thông trong nước được phép đăng tải thì những thông tin liên quan đến các hoạt động “ngầm” của Pham Nhật Vượng tại các khu chợ người Việt tại Ucraina lại chỉ được dư luận truyền tai nhau một cách không chính thức. Cụ thể năm 2002, những đơn thư tố cáo được gửi tới Hội người Việt nam tại Ucraina thu thập chữ ký của gần 4000 tiểu thương tại khu chợ Barabacova, thành phố Kharcov (Ucraina) trong đó tố cáo ông  Phạm Nhật Vượng cùng ông Lê Viết Lam (chủ tịch tập đoàn SunGroup) mang danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng hương Ucraina – Việt Nam và quản lý khu chợ Barabacova ăn chặn, bóc lột và cướp đoạt tài sản của hàng ngàn tiểu thương tại đây. Tuy nhiên, rất khó để có thể tìm thấy những thông tin này một cách chính thống trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào, thậm chí ngay cả trên các diễn đàn và trang mạng xã hội. Cũng theo nhân viên truyền thông giấu tên của Vingroup, mọi thông tin liên quan đến tập đoàn này đều phải được chính Ban truyền thông của họ kiểm duyệt trước khi gửi ra cho các đơn vị truyền thông nhà nước loan tải.

Nhân viên truyền thông của Vingroup cũng cho biết, trong danh sách khách hàng cư dân hiện sở hữu những căn biệt thư triệu đô của Vingroup có ông Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, Tổng giám đốc Đài truyền hình quốc gia Trần Bình Minh, Chánh toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình  cũng như nhiều quan chức cấp cao của nhiều bộ ngành tại Việt Nam. Đặc biêt, phần lớn những căn biệt thự này được trao tặng dưới danh nghĩa quà biếu, tặng hoặc bán lại với mức giá tượng trưng. Nhà báo, nhà quan sát chính trị Trương Duy Nhất đánh giá về điều này:

Khi ông Nguyễn Xuân Phúc vừa lên Thủ tướng có nói “Quy hoạch thủ đô ai cho xây toà nhà cao tầng ở chỗ đó?”.  Chưa tới nửa tiếng sau tất cả các báo đều gỡ lời phát biểu của Thủ tướng mà Thủ tưỡng cũng chẳng dám ý kiến gì – nhà báo Trương Duy Nhất

“Có những doanh nghiệp khác, tập đoàn khác, những nhóm lợi ích kinh tế khác khi đổ bể chuyện gì thì không thể can thiệp được hết các báo, có thể can thiệp vào báo này thì sót báo nọ, can thiệp vào nhóm báo này sẽ lộ nhóm báo khác, nhưng riêng Vingroup gần như thao túng tuyệt đối nền báo chí. Anh em chúng tôi hay nói là bất cứ vấn đề gì nêu về anh em nhà Vượng Vin đều “gỡ ngay trong 1,2 nốt nhạc” Thậm chí lời nói của Thủ tướng yêu cầu sau khi xây toà cao ốc ở Giảng Võ của Tập đoàn Vingroup, khi ông Nguyễn Xuân Phúc vừa lên Thủ tướng có nói “Quy hoạch thủ đô ai cho xây toà nhà cao tầng ở chỗ đó?”. Chưa tới nửa tiếng sau tất cả các báo đều gỡ lời phát biểu của thủ tướng mà Thủ tưỡng cũng chẳng dám ý kiến gì”

Theo nhà báo Trương Duy Nhất, mặc dù là một tập đoàn kinh tế đa ngành nghề nhưng hoạt động sinh lời chính của Vingroup hiện nay vẫn là doanh thu từ bất động sản với việc mua lại thậm chí cưỡng đoạt những dự án địa ốc màu mỡ từ Nam ra Bắc, trên đất liền cho đến các hải đảo, với giá rẻ mạt và bán lại với mức giá chênh lệch gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần. Nhà báo độc lập này nhận định hệ quả sự lớn mạnh của Vingroup kéo theo nỗi thống khổ của biết bao nhiêu người dân bị đẩy đuổi đi, bị tước đoạt cơ hội mưu sinh…

Nhà báo Trương Duy Nhất cũng đặt ra những nghi vấn trong đại án AVG mới đây có liên quan đến ông Phạm Nhật Vũ, em trai của ông Phạm Nhật Vượng. Mặc dù đây là nhân tố mắt xích quan trọng của vụ đại án kinh tế có nguy cơ gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng nhưng trên thực tế ông Phạm Nhật Vũ lại hoàn toàn vô can và không bị bất kỳ tờ báo nào nhắc tới. Điều đó khiến nhà báo Trương Duy Nhất đưa ra giả thuyết về những thế lực thực sự đứng đằng sau tập đoàn kinh tế này.

“ Cứ giả sử như có nguồn tiền từ Ucraina trước khi Phạm Nhật Vượng về nước đi, thì đó cũng là cái nguồn nhỏ mà tôi cho rằng không đủ lớn mà nó chỉ đủ sức mạnh để hình thành như Vingroup bây giờ tôi cho rằng có những thế lực của trong nước đứng sau lưng. Trước đây tôi có một số tài liệu về nguồn tài chính của tập đoàn Vingroup thì nguồn tiền vay rất lớn của Tập đoàn Vingroup từ ngân hàng Trung Quốc và đứng sau lưng đó là Trung Quốc”

Ông Trương Duy Nhất cũng lý giải hiện tượng vì sao mặc dù luật đặc khu hành chính đặc biệt chưa được thông qua nhưng Vingroup đã có mặt ở hầu hết các vị trí đắc địa quan trọng với các khu nghỉ dưỡng, vườn thú,  bến cảng… tại Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vingroup-thau-tom-dat-va-thao-tung-truyen-thong-viet-nam-07092018153628.html

 

Bí ẩn buổi triển lãm xác người tại Sài Gòn

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/7 ra văn bản cho ngưng chương trình triển lãm trưng bày cơ thể người được nhựa hóa tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Quyết định được đưa ra sau khi có nhiều tranh cãi xoay quanh sinh hoạt này.

Ngưng triển lãm vì sự ghê rợn và phản cảm

Chương trình triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể con người” (Mystery of Human Body) được nói do công ty MEGA Vina phối hợp với Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh đã được khai mạc từ ngày 21/6 và dự kiến trưng bày đến hết năm nay.

Nó kinh dị bởi vì cho thấy là người ta sẵn sàng làm những việc đó đối với đồng loại của mình.
-Nam Trí

Truyền thông trong nước khi đó loan tin cho biết đây là một mô hình triển lãm giáo dục sức khỏe kết hợp kỹ thuật y học hiện đại và công nghệ truyền thông đa phương tiện đến từ Hàn Quốc với mong muốn mang đến khán giả những trải nghiệm ấn tượng và chân thực nhất về cấu trúc sinh học của cơ thể con người.

Trong khi đó thì dư luận cho rằng 137 mẫu vật cơ thể người thật ở buổi triển lãm này quá rùng rợn, phản cảm như nhận xét của Nam Trí, một bạn trẻ ở Sài Gòn, sau đây.

Cái cảm xúc rất là mạnh bởi vì có những cái cắt xẻ những bộ phận ra, cắt lát để thấy được bên trong, chẳng hạn như cắt bà mẹ thì có thể thấy được thai nhi. Có những người bị lóc cả phần cơ hoặc bộ phận khác ra. Có những tạo hình rất ghê rợn giống như những phim kinh dị. Nó kinh dị bởi vì cho thấy là người ta sẵn sàng làm những việc đó đối với đồng loại của mình.

Bạn Nam Trí cho biết thêm việc tổ chức một buổi triển lãm như vậy ở nơi công cộng là ‘không chấp nhận được.’

Ví dụ như dành cho những bạn học y khoa, dành cho những bộ môn sinh học liên quan giúp giải thích về giải phẫu học thì được. Còn em nghĩ chuyện trưng bày rồi cho phép mọi người có ý kiến lên những cái xác đó thì em thấy là không chấp nhận được.

Vấp phải phản ứng mạnh mẽ của công chúng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) sau đó phải vào cuộc.

Tại buổi họp báo vào hôm 5 tháng 7, cơ quan này nêu ra sai phạm về thời gian triển lãm và nội dung sử dụng của đơn vị tổ chức. Trước đó, những mẫu vật triển lãm được khai báo chỉ làm bằng nhựa, nhưng thực tế lại là xác người thật không rõ nguồn gốc. Cơ quan chức năng lập tức yêu cầu tạm dừng chương trình này kể từ ngày 7/7/2018 cho tới khi nguồn gốc các cơ thể người này được đơn vị tổ chức xác minh.

Bí ẩn nguồn gốc các xác người?

Thực tế, các buổi triển lãm xác người hóa nhựa bằng công nghệ Plastination, phát triển bởi tiến sĩ người Đức Gunther Von Hagens, đã được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều năm qua.

Hồi tháng tư năm nay, chương trình này được tổ chức ở Úc cũng gây đã gây rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc của các xác người hóa nhựa.

Trong một bài báo của BBC, giáo sư Maria Fiatarone Singh từ Đại học Y Sydney quả quyết nguồn gốc của các xác người này đến từ Đại Liên, Trung Quốc. Bà nói thêm Đại Liên là một trung tâm hành hình, mổ nội tạng và hóa nhựa cơ thể các tội phạm, tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Anh Hải, một học viên Pháp Luân Công tại Sài Gòn nhận định về chương trình triển lãm này.

Tôi thấy đây là việc vô nhân đạo. Người ta kinh doanh trên chính cơ thể của đồng loại thì cái đó là ác rồi chứ còn gì nữa. Đặc biệt là từ những người tù nhân lương tâm thì trên đời này không còn gì có thể ác bằng. Nói về góc độ con người thì không thể chấp nhận được.

Dưới góc độ đạo đức nghề y, bác sĩ Huyến Trần, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe cộng đồng (CCHS) cho biết về tôn chỉ đối xử với các tử thi, cũng như nhận định của ông về chương trình “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể con người”

Hồi còn sinh viên y khoa năm thứ nhất, chúng tôi học giải phẫu trên xác và được dạy rằng cần phải tôn trọng những người hiến xác như là những người thầy của mình. Nhà trường có lễ Macchabée hàng năm để tri ân những người hiến xác. Trong những năm sau, khi không còn học trên xác nữa, sinh viên chúng tôi cũng đều đặn đến thắp nhang và đặt một cành hoa huệ nơi tưởng niệm những người hiến xác trong lễ Macchabée. Cho nên, tôi không đồng ý với triễn lãm này, vì tôi thấy không đủ tôn trọng những người hiến xác.

Đạo đức và kiểm duyệt?

Thực tế các buổi triển lãm xác người hóa nhựa đã được diễn ra từ đầu những năm 1990, và đã bị cấm ở nhiều quốc gia như Pháp, Israel vì vấn đề đạo đức.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh nói triển lãm “Sự bí ẩn của cơ thể người” đã bị từ chối tại Hà Nội nhưng vẫn diễn ra tại Sài Gòn do Nghị định về hoạt động triển lãm hiện nay chưa có. Triển lãm này được thông qua kiểm duyệt là vì được xem có tính thương mại – hội chợ và được thực hiện theo Luật Thương mại.

Tôi thấy đây là việc vô nhân đạo. Người ta kinh doanh trên chính cơ thể của đồng loại thì cái đó là ác rồi chứ còn gì nữa.

-Người dân

Bạn Nam Trí cho rằng cơ quan kiểm duyệt ở Việt Nam đã không làm việc hiệu quả trong trường hợp này.

Triển lãm hoặc xuất bản một cái gì đó thì dĩ nhiên là những người liên quan kiểm duyệt phải rất là rõ ràng rồi. Ví dụ như nguồn gốc, bản quyền từ đâu ra. Trong vấn đề triển lãm tương đối nhạy cảm này thì những vấn đề đó cần phải được xác định rất rõ ràng. Chứ không phải cứ đưa ra rồi để người này người kia ý kiến thì họ mới nghĩ tới chuyện nên cấm hay là không cấm thì em cũng không biết phải nói làm sao.

Anh Hải thì cho rằng có thể cho những điều mờ ám xung quanh chuyện kiểm duyệt.

Có thể do vấn đề không rõ ràng minh bạch mà khiến chuyện này qua mặt được giới kiểm tra chất lượng và cấp giấy phép. Mình nghĩ là sẽ có gì đó mờ ám thì mới làm được chuyện đó.

Chuyện kiểm duyệt tại Việt Nam từ xưa tới nay là vấn đề gai góc đối với nhiều người trong giới văn nghệ sĩ. Trong khi một số tác phẩm âm nhạc và văn học được đánh giá có giá trị hiện thực và nghệ thuật nhưng bị cấm lưu hành, thì những chương trình được xem là gợi dục, kỳ quái và phản cảm vẫn trót lọt qua lưới kiểm duyệt.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/controversial-exhibiton-of-human-dead-body-in-saigon-07092018161328.html

 

TQ dùng VN để ‘đỡ đạn’

trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Khánh An-VOA

Nếu mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới theo ý tưởng của Trung Quốc được xúc tiến thành công tại Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á này có thể trở thành một điểm “trú ẩn” cho nguồn hàng hóa Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang thành hình giữa hai cường quốc.

Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, thường được gọi tắt là “khu hợp tác kinh tế”, là một ý tưởng do Trung Quốc đưa ra và đang đàm phán với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mô hình này được mô tả là “hai nước một khu, tự do thương mại, vận hành khép kín”. Theo đó, khu vực hợp tác kinh tế sẽ có các phân khu theo chức năng như khu chế tạo, gia công, kho bãi, thông quan hàng hóa, trung tâm thương mại…, và hai chính phủ sẽ cùng phối hợp quản lý, khai thác và chia lợi nhuận.

Từ năm 2007, Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu xúc tiến mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành quá trình đàm phán để bắt đầu xây dựng.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký Bản ghi nhớ đồng ý đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung cho việc xây dựng các khu vực hợp tác kinh tế này.

Trước tình hình cuộc chiến thương mại đang bắt đầu thành hình, khi Washington hôm cuối tuần rồi “nổ phát súng đầu tiên” bằng việc đánh thuế 25% lên hàng hóa của Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, khiến Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả, một số chuyên gia quốc tế dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một nơi “trú ẩn” giúp cho hàng hóa Trung Quốc “đỡ đạn” trước đòn đánh thuế quan nặng nề của Mỹ khi đi vào thị trường Hoa Kỳ.

Chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, nhận định với VOA rằng khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông phân tích: “Chúng ta đã thấy điều đó rồi đấy thôi. Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thấy rằng Việt Nam sẽ tiếp cận được dễ dàng hơn vào thị trường Mỹ nên đã tìm cách sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để hưởng lợi từ TPP”.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia của CSIS, trong bối cảnh tranh chấp thương mại, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ “để mắt kỹ hơn” đến luồng hàng hóa Trung Quốc thông qua một nước thứ ba như Việt Nam để vào Mỹ nên đây không phải là một lối thoát dễ dàng.

Theo tường thuật của tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), hiện các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đang nhắm đến 7 khu vực biên mậu với Việt Nam để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn “made in Vietnam”.

Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, thuộc thành phố cấp địa khu Sùng Tả của Trung Quốc. Phó thị trưởng của thành phố này, Lu Hui, bày tỏ với SCMP rằng rất muốn tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam với “nguồn vật liệu, vốn và nhân công tự do”, và các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn dán nhãn “made in Vietnam” hay “made in China”.

Trong khi đó, Bí thư Đảng Cộng sản ở Bằng Tường nói thẳng rằng tranh chấp thương mại với Washington khiến cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc “gặp khó khăn” khi đưa sản phẩm “made in China” trực tiếp sang Mỹ, nên một số sẽ được vận chuyển thông qua các nước thành viên ASEAN.

Quan chức đứng đầu Đảng Cộng sản ở Bằng Tường đề nghị những khu vực biên giới Trung Quốc với Việt Nam như Bằng Tường nên “xúc tiến tích cực hơn” để biến “thương mại vận chuyển” thành “gia công và sản xuất tại địa phương”, vẫn theo SCMP.

Theo các chuyên gia quốc tế, những cuộc biểu tình gần đây tại Việt Nam chống lại dự luật Đặc khu vì lo ngại “mất chủ quyền” về tay các nhà đầu tư Trung Quốc cũng sẽ là một trở ngại lớn cho việc xúc tiến kế hoạch khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt-Trung.

Kể từ khi đưa ra chiến lược đầy tham vọng “Vành đai, Con đường”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa chính sách “ngoại giao láng giềng” lên hàng thứ hai về mức độ quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này. Nhờ đó, ý tưởng về các khu hợp tác kinh tế qua biên giới đã giành được một sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ và được cung cấp nguồn lực từ trung ương.

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn xây dựng các khu hợp tác kinh tế với Myanmar, Lào, Kazakhstan, Nga. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có một khu hợp tác kinh tế với Kazahstan là hoàn thành và đi vào hoạt động.

Theo đánh giá của chuyên gia Hiebert, còn quá sớm để đưa ra kết luận cụ thể về tác động của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lên nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên theo chuyên gia này, dù thế nào thì Việt Nam chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng trong cuộc chiến của hai cường quốc, nhưng “ở một mức độ không lớn”, vì Việt Nam không phải là một nhà cung cấp toàn cầu như Singapore, Malaysia… về các sản phẩm như linh kiện điện tử, vốn là mặt hàng chịu tác động nặng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Chuyên gia của CSIS nói thêm rằng không những vậy, Việt Nam có thể sẽ còn hưởng lợi nếu biết cách “xoay sở” thúc đẩy thương mại tự do với châu Âu, Nhật Bản và các nước ASEAN, bên cạnh những “lợi ích ngắn hạn” từ việc hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc gặp trở ngại khi xuất khẩu.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-dung-vn-de-do-dan-trong-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my/4475071.html

 

TQ định mở khu ‘hàng TQ mác Việt Nam’ ở biên giới

Các khu vực biên giới Việt – Trung có thể là nơi “trú ẩn” cho các công ty sản xuất hàng Trung Quốc nhưng “mác Việt Nam”, báo Hong Kong cho hay.

Tờ South China Morning Post cho hay, căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington là điều Trung Quốc không mong muốn, nhưng giới chức tỉnh Quảng Tây xem đấy là một cơ hội xúc tiến kế hoạch về bảy “khu vực phát triển kinh tế biên mậu” với Việt Nam.

VN: Nguy cơ thiệt hại vì chiến tranh thương mại

Trump có đang thua cuộc chiến thương mại với TQ?

TQ nói sẽ bắt tay Mỹ trong đàm phán thương mại

Biên giới Việt – Trung có thể đóng một vai trò trong cuộc chiến thương mại trong bốn thập niên tới.

Washington và Bắc Kinh hôm 6/7 đã “khai hỏa” cuộc chiến có chiều hướng leo thang, đánh thuế 25% lên hàng hóa trị giá 34 tỷ đôla của nhau.

Tại Quảng Tây, giới chức hiện đang thúc đẩy ý tưởng hình thành các khu “khu vực phát triển kinh tế biên mậu”, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “made in Vietnam” để né thuế của Hoa Kỳ.

Đây là một phần của kế hoạch hợp tác rộng lớn hơn được ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội năm ngoái, thuộc chiến lược đầy tham vọng “Vành đai, Con đường”.

Theo South China Morning Post, một trong các khu này nằm ở thị xã Bằng Tường, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Lãnh đạo thành phố cho biết họ muốn tạo ra một khu hợp tác kinh tế với Việt Nam và có “nguồn vốn, vật liệu và nhân công tự do”.

Trung Quốc làm gì nếu có cuộc chiến thương mại với Mỹ?

TQ cảnh báo về chế tài trừng phạt của Mỹ

TQ đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ

Các sản phẩm sản xuất tại khu vực này có thể dán nhãn “made in Vietnam” hay “made in China”.

Bí thư Bằng Tường cũng cho biết cuộc chiến thương mại với Washington “có thể là cơ hội” cho thị xã tăng tốc phát triển.

Theo giới chức này, các nhà xuất khẩu “sẽ gặp khó khăn khi gửi trực tiếp hàng “made in China” tới Mỹ nên một số sẽ chuyển qua ngả là các thành viên Asean”.

Từ đó, những khu tiếp giáp biên giới với Việt Nam như Bằng Tường có thể biến “thương mại vận chuyển” thành “gia công và sản xuất tại địa phương”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44720860