Tin khắp nơi – 10/07/2018
Trump đề cử Kavanaugh cho Thẩm phán tối cao
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đề cử ông Brett Kavanaugh cho vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao.
Trong một thông báo chính thức tại Nhà Trắng, ông Trump ca ngợi lựa chọn của mình, ông Kavanaugh, là một “luật gia xuất sắc”.
Ứng cử viên Brett Kavanaugh là thẩm phán tòa phúc thẩm Đặc khu Columbia (Washington, D.C), là cựu cố vấn của cựu Tổng thống George W Bush.
Quyết định này có ảnh hưởng sâu sắc đối với Hoa Kỳ trên nhiều phương diện từ quyền được phá thai đến quyền sở hữu súng và nhập cư.
Ngoại trưởng Pompeo nêu vụ Will Nguyen bị bắt
Johnson ra đi trước giờ Trump đến London
Ông Trump nói: “Thẩm phán Kavanaugh có bằng cấp hoàn hảo, trình độ vượt trội và cam kết với sự bình đẳng dựa trên luật pháp.”
Ông nói thêm: “Anh ấy là một luật gia xuất sắc với phong cách viết rõ ràng và hiệu quả, và được coi là một trong những luật gia tốt nhất và sắc sảo nhất trong thời của chúng ta”.
Đây là lần thứ hai ông Trump bổ nhiệm thẩm phán cho tòa án quyền lực nhất Hoa Kỳ, định hình tương lai cho cả một thế hệ sau khi ông rời khỏi Nhà Trắng.
Với phong cách truyền hình thực tế, ông Trump đã khiến tất cả đo đoán trước khi công bố đến giây phút cuối cùng.
Người được bổ nhiệm sẽ thay thế Thẩm phán Anthony Kennedy, 81 tuổi, người đã thông báo tháng trước rằng ông sẽ nghỉ hưu vào mùa hè này.
Tại buổi thông báo hôm Thứ Hai, Thẩm phán Kavanaugh nói: “Ông Tổng thống, cảm ơn ông. Trong suốt quá trình này, tôi đã chứng kiến tận mắt sự đánh giá cao của ông đối với vai trò quan trọng của nền tư pháp Mỹ.”
“Chưa có một vị tổng thống nào từng tham khảo ý kiến rộng rãi như vậy, hoặc tham khảo nhiều người với xuất thân khác nhau như thế để đưa ra lựa chọn đề cử cho Tòa án tối cao.”
“Tôi rất biết ơn ông và tôi rất khiêm nhường trước sự tin tưởng của ông ở tôi”.
Thẩm phán Kavanaugh là ai?
Từ 2006, ông đã là thẩm phán Tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ ở Đặc Khu Columbia và trước đây là trợ lý của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W Bush.
Trước đây, ông từng làm việc cho Kenneth Starr, một cố vấn độc lập, người từng điều tra cựu Tổng thống Bill Clinton vào những năm 1990.
Tốt nghiệp đại học Yale, ông từng làm thư ký cho Thẩm phán Kennedy, người mà ông có thể sẽ thay thế.
Thẩm phán Kavanaugh gần đây đã lên tiếng bất đồng với một quyết định của tòa án cho phép một thiếu niên nhập cư bất hợp pháp được phá thai.
Trong một bài viết năm 2009, ông cho rằng các tổng thống nên được bảo vệ khỏi các vụ điều tra hình sự và các vụ kiện dân sự trong khi còn tại chức.
Các nhà phân tích nói có thể đó là lý do ông được Nhà Trắng cân nhắc, rằng có khả năng Tòa Tối Cao có thể được yêu cầu giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh từ cuộc điều tra liên quan đến Nga của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller.
Điều gì tiếp theo?
Người được đề cử phải được Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận, vốn đã được Đảng Cộng hòa, Đảng của Tổng thống Trump, kiểm soát chặt chẽ 51-49.
Một ứng cử viên cần một đa số đơn giản là 51 phiếu để được xác nhận.
Với thượng nghị sĩ John McCain đang chiến đấu với căn bệnh ung thư tại bang Arizona, đảng Cộng hòa hiện chỉ có thể thu thập 50 phiếu bầu.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ứng cử viên sẽ bị Ủy ban Tư pháp Thượng viện điều trần trong nhiều ngày.
Thẩm phán Kavanaugh cho biết ông sẽ bắt đầu cuộc họp với thượng nghị sĩ hôm thứ Ba.
Đảng Dân chủ chắc chắn sẽ dõi theo ứng cử viên mới của ông Trump, đặc biệt là về phán quyết 1973 Roe v Wade cho phép phá thai hợp pháp hóa trên toàn quốc.
Phe Công giáo bảo thủ đã luôn mong muốn đảo ngược phán quyết này, và ông Trump đã nói rằng ông muốn một thẩm phán “Pro-life” (Ủng hộ sống) và phản đối quyền được phá thai.
Nhà Trắng và đảng Cộng hòa có vẻ muốn nắm chắc vị trí ứng cử cho Tòa tối cao trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng 11.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44775548
Trump: Các thành viên NATO ‘đóng góp chưa đủ’
Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đả kích các thành viên trong khối NATO vì theo ông đã không đóng góp đủ cho liên minh trong khi vẫn duy trì thặng dư thương mại với Mỹ.
Trước lúc lên đường để dự cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài hai ngày của NATO vào ngày 11 và 12/7 ở Brussels, ông Trump đã liên kết hai chuyện mà lâu nay ông vẫn than phiền: đóng góp ngân quỹ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và phương cách giao thương của các nước.
“Hoa Kỳ đóng góp vào ngân sách NATO nhiều hơn rất nhiều so sới bất kỳ nước nào. Điều này không công bằng, cũng không thể chấp nhận được. Mặc dù những nước này đã tăng cường đóng góp của họ kể từ khi tôi lên nắm quyền, nhưng họ vẫn còn phải làm nhiều hơn nữa,” ông Trump viết trên Twitter.
Trong một trạng thái khác trên Twitter, Tổng thống Mỹ cũng than phiền về thặng dư thương mại của châu Âu với Mỹ. Ông đã áp đặt thuế lên hàng tỷ đô la hàng hóa nhôm và thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Canada và các quốc gia khác, khiến cho các nước này trả đũa lên hàng hóa Mỹ. Ngoài ra, ông Trump cũng đang nghiên cứu mở rộng các biện pháp thuế này sang lĩnh vực ô tô.
Kể từ chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016, ông Trump đã chỉ trích gay gắt NATO. Sau khi nhậm chức, ông tiếp tục khẳng định cam kết của Mỹ trong việc phòng vệ chung với các đồng minh NATO nhưng vẫn duy trì những than phiền về việc Washington phải gánh vác gánh nặng tài chính.
Theo những chuẩn mực hiện nay, Washington đóng góp khoảng 70% chi phí của NATO. Các thành viên NATOo đã đồng ý đến năm 2024 sẽ dành 2% GDP của họ cho ngân sách quốc phòng mỗi năm, nhưng Đức và Tây Ban Nha nằm trong số những nước sẽ không đáp ứng mục tiêu này.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh NATO đầu tiên mà ông tham dự hồi năm ngoái, ông Trump đã lên án ngân sách quốc phòng thấp của châu Âu và kêu gọi NATO bước lên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan. Ông cũng khiến nhiều lãnh đạo các nước NATO kinh ngạc với việc kêu gọi họ tập trung vào tình trạng di dân bất hợp pháp.
Năm nay, thương mại là một vấn đề quan tâm của ông Trump.
“Tôi sẽ nói với NATO: Quý vị sẽ phải trả hóa đơn của mình. Hoa Kỳ sẽ không đứng ra ôm hết mọi thứ,” ông phát biểu trong một cuộc tập hợp cử tri hồi tuần trước. “Họ giết chết chúng ta về thương mại.”
Được thành lập trong thời Chiến tranh Lạnh để đối chọi với mối đe dọa từ Liên Xô, NATO có thêm mục đích mới kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Khối này đã triển khai nhiều binh sỹ đến các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan để răn đe Nga có những hành động xâm nhập tương tự.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/trump-noi-cac-thanh-vien-nato-chua-dong-gop-du-/4475580.html
EU đáp trả lời chỉ trích NATO của TT Donald Trump
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã phản ứng mạnh mẽ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng các quốc gia thành viên khối NATO chi chưa đủ cho việc tự bảo vệ mình.
Trong một Twitter, ông Tusk đã viết: “Hoa Kỳ không và sẽ không có một đồng minh nào tốt hơn EU. Chúng tôi chi cho quốc phòng nhiều hơn Nga và nhiều như Trung Quốc.”
Ông Tusk yêu cầu ông Trump nên nhớ lại mối quan hệ thâm niên Mỹ – NATO, và thúc giục tổng thống “đánh giá cao đồng minh của ông, vì rốt cục ông không có nhiều đồng minh.”
Trước khi lên máy bay sang châu Âu gặp gỡ các nhà lãnh đạo NATO tại Brussels, ông Trump đã bác bỏ các nhận xét của ông Tusk về việc Hoa Kỳ thiếu các đồng minh.
Ông Trump nói với các phóng viên: “Chúng tôi có rất nhiều đồng minh. Nhưng chúng tôi không thể bị lợi dụng. Chúng tôi đang bị Liên minh Châu Âu lợi dụng.”
Cũng hôm 10/7, ông Trump đã chỉ trích các quốc gia thành viên NATO.
Ông nói trên Twitter: “Mỹ đang chi gấp nhiều lần so với bất kỳ quốc gia nào khác để bảo vệ cho các quốc gia đó. Thật không công bằng với người thọ thuế ở Mỹ. Ngoài ra, chúng tôi bị thiệt 151 tỷ đôla trong thương mại với Liên minh châu Âu.”
Hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra vào từ ngày 10 và 11 tháng 7, là hội nghị thượng đỉnh lớn đầu tiên kể từ cuộc họp Nhóm G7 tại Canada hồi tháng trước, khi ấy ông Trump bất đồng với các nhà lãnh khác về tuyên bố chung của nhóm và chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau là “không trung thực và quá yếu đuối.”
Trong chuyến công du một tuần đến châu Âu, dự kiến sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo NATO tại Brussels, ông Trump sẽ thăm Anh, gặp Thủ tướng Theresa May và Nữ hoàng Elizabeth II. Ông Trump cũng sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, thủ đô của Phần Lan vào ngày 16/7, và đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi châu Âu của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-dap-tra-loi-chi-trich-nato-cua-tt-donald-trump/4476558.html
NATO trong cơn bấn loạn
Quan hệ khó khăn Âu – Mỹ ngày nay vẫn được các báo Pháp (10/07/2018) tiếp tục bàn đến. Kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, chưa bao giờ khối NATO mà cuộc họp thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 11-12/07 tại Bruxelles lại phải chịu một áp lực lớn như thế từ một tổng thống Mỹ. Về chủ đề này, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích đề tựa « NATO vào thời điểm rạn nứt xuyên Đại Tây Dương ».
Đầu tiên hết, ông Jacques Hubert-Rodier, một cây bút xã luận của Les Echos khẳng định : Ông Donald Trump có ba đối thủ, đó là Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Tổ Chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đặc biệt với khối liên minh quân sự này, tổng thống Mỹ đã không kiệm lời chỉ trích « NATO cũng tồi tệ như là ALENA » (một thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch Bắc Mỹ). Phát biểu này của nhà lãnh đạo cường quốc quân sự hàng đầu thế giới rõ ràng đang đe dọa tính thống nhất của khối.
Bất đồng giữa Mỹ và châu Âu đúng ra cũng không có gì là mới, và Donald Trump cũng chưa phải là vị tổng thống Mỹ đầu tiên có lời chỉ trích các đồng minh. Quả thật, lời trách mắng này của Mỹ không phải là không có cơ sở. Hoa Kỳ phải gánh vác đến 70% chi tiêu quân sự tại NATO, trong khi mà các nước thành viên lại có xu hướng giảm chi cho quốc phòng.
Tuy nhiên, theo phân tích của Jacques Hubert-Rodier, căng thẳng trong khối NATO lần này xảy ra trong một bối cảnh khác. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump tỏ rõ quan điểm bài các định chế đa phương và các thỏa thuận quốc tế như thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận khí hậu và tự do mậu dịch…
Tổng thống Mỹ thực hiện một chính sách ngoại giao « có qua có lại » như ông đã cho thấy trong cuộc gặp với lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hay như sắp tới đây là với tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/07, bốn ngày sau cuộc họp thượng đỉnh NATO.
Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý là Hoa Kỳ luôn xem các tổ chức đa phương (NATO, Liên Hiệp Quốc) như là những hộp công cụ phòng để khi cần đến. Do vậy, trong thượng đỉnh 11-12/07 này tại Bruxelles, khó có thể tránh câu hỏi về sự tồn tại của NATO.
Liệu tổ chức quân sự này có thể tồn tại được hay không ? Hiệp ước Vacxava liên kết Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa Đông – Trung Âu cũ nay đã không còn. NATO ngày nay phải bảo tồn sự sống còn trước thái độ hung hăng của Nga. Có điều là được bao lâu ? Đây chính là thắc mắc của tác giả.
Nhọc nhằn quan hệ Âu-Mỹ
Cũng liên quan đến chủ đề này, Le Monde có bài viết đề tựa : « Trump ngày càng chống đối Liên Âu dữ dội ».
Tổng thống Mỹ ngày càng có những lời lẽ gay gắt nhắm vào châu Âu, chỉ trích đối tác này là đối xử « tệ bạc » và « bất công » với Mỹ, rằng « châu Âu rất thô bạo với Hoa Kỳ », hay như « Liên Hiệp Châu Âu được thành lập là để lợi dụng Hoa Kỳ »….
Tuy nhiên, theo quan sát của nhiều nhà ngoại giao châu Âu được Le Monde trích dẫn, còn có một lý do khác để giải thích cho sự chống đối này của tổng thống Mỹ. Trong tâm trí của Donald Trump hiện nay, Liên Hiệp Châu Âu là hiện thân của hiện tượng Hồi Giáo hóa, bị chìm ngập dưới làn sóng di dân, nguồn cội của mọi sự bất an gia tăng đột biến.
Theresa May trong cơn lốc xoáy chính trị
Một đề tài khác chiếm nhiều trang báo Pháp là cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh Quốc. Sau bộ trưởng đặc trách Brexit, ông David Davis ra đi, giờ đến lượt ngoại trưởng Boris Johnson từ chức.
Les Echos và La Croix lần lượt có các bài viết « Theresa May dưới áp lực sau khi hai bộ trưởng từ chức » và « Brexit, Theresa May bị suy yếu sau hai cú từ chức ». Hai ông David Davis và Boris Johnson, chủ trương rời Liên Hiệp Châu Âu, đã chỉ trích thủ tướng May là đã chọn phương án « Brexit mềm ».
Bởi vì dự thảo thỏa thuận mà thủ tướng May trình bày với chính phủ dự kiến thành lập một vùng trao đổi tự do mậu dịch và một mô hình thuế quan mới, với 27 nước thành viên còn lại. Theo quan điểm của hai vị cựu bộ trưởng, thỏa thuận này có thể đặt nước Anh vào « một thế yếu trong đàm phán » với Liên Hiệp.
Báo Libération có một cách nhìn khác về cuộc khủng hoảng này. Nhật báo thiên tả trong bài viết đề tựa « Boris Johnson : Hỗn loạn dù có hay là không có tôi » nghi ngờ cựu ngoại trưởng Anh từ chức vì một tính toán chính trị. Phải chăng quyết định ra khỏi chính phủ của ông là nhằm làm suy yếu hơn nữa bà May và để thay thế bà ?
Công nhận Bắc Triều Tiên : Paris đắn đo
Về thời sự châu Á, Les Echos có hai thông báo : « Năm 2017, Ấn Độ đẩy Pháp xuống hàng thứ 7 thế giới » và « Bắc Kinh và Berlin ký kết gần 30 tỷ euro hợp đồng ».
Tình hình thiên tại tại Nhật Bản cũng được Le Monde và La Croix lần lượt chú ý đến qua các bài viết « Những cơn mưa lớn chưa từng thấy tàn phá phía tây Nhật Bản » và « Thời tiết thất thường làm hơn 100 người chết ở Nhật Bản ».
Báo Le Monde, trên trang nhất, còn đặt một câu hỏi nhỏ : « Liệu nước Pháp có nên công nhận Bắc Triều Tiên ? ». Những động thái hòa dịu gần đây của Bình Nhưỡng khiến Paris đắn đo có nên mở đại sứ quán tại Bắc Triều Tiên hay không.
Bởi vì, Pháp là một trong số ít quốc gia châu Âu chưa thiết lập bang giao chính thức với Bắc Triều Tiên. Chính phủ Pháp cũng chưa muốn vội vã chạy theo trào lưu xích lại gần mà tổng thống Mỹ đang tiến hành. Một tiến trình mà Paris đánh giá là chưa có bằng chứng cụ thể, cho thấy Bình Nhưỡng đang giải trừ vũ khí hạt nhân.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180710-nato-trong-con-ban-loan
Chiến tranh thương mại: kẻ khóc người cười
Mọi người không nói về đánh thuế thương mại tại dải đất thuộc lưu vực sông Mississippi ở bang Missouri này, nơi mà nhiều thế hệ người Mỹ đã sống nhờ vào canh tác các loại hạt và sản xuất kim loại.
Họ né tránh chủ đề này tại các buổi gây quỹ ở nhà thờ và không muốn nhắc tới nó tại các quán Jerry’s Café và Quick Stop nơi các nông dân và các công nhân nhôm nói chuyện phiếm về đủ mọi thứ trên đời.
Chính tại đây, kẻ được-người mất trong chính sách chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump đang sống cạnh nhau.
Việc ông Trump áp thuế lên kim loại nhập khẩu, bao gồm nhôm và thép, có vai trò quan trọng trong việc hồi sinh một nhà máy nhôm mà đa số người dân địa phương xem như đã chết rồi. Nhưng ở những cánh đồng xung quanh nhà máy và trên khắp quận hạt, các nông dân đang lo lắng trước sự trả đũa đối với các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ. Họ hoãn mua thêm máy móc thiết bị, cho những người đi săn thuê đất và bán sớm mùa màng trước khi thu hoạch trong nỗ lực chốt được giá của ngày hôm nay do lo sợ giá bán sẽ giảm vào ngày mai.
“Mọi người không muốn nói về thương mại,” ông Justin Rone, một nông dân ở một gia đình có truyền thống canh tác đậu nành và cotton lâu đời, nói. “Sẽ dễ chịu hơn nếu anh nói làm cách nào để trồng trọt tốt nhất, đi cúi đầu xuống và cầu nguyện.”
Nỗi sợ của các nông dân đã thành hiện thực hôm 6/7 khi Hoa Kỳ và Trung Quốc áp thuế quan lên 34 tỷ đô la giá trị hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước. Nhiều nhà xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ, trong đó có đậu nành, giờ phải đối mặt với mức thuế 25%.
Ông Neil Priggel biết rõ hai mặt của tác động của chiến tranh thương mại đối với cộng đồng của ông. Ông từng làm việc tại nhà máy nấu chảy nhôm Noranda trước khi nó phá sản hồi năm 2016. Đồng thời ông cũng điều hành nông trại rộng 4.000 mẫu đất cùng với hai người anh em.
Khi ông Trump loan báo sẽ áp thuế nhôm và thép hồi tháng Ba, ông Priggel nhìn chằm chằm vào màn ảnh truyền hình và nghĩ: chúng ta được cứu rồi. Chúng ta sẽ có công việc trở lại.
Nhưng liền sau đó, ông ấy lại nghĩ: Cần phải bảo vệ nông trại thôi.
Priggel và những người nông dân ở đây, nơi khoảng 70% cử tri ủng hộ ông Trump, biết rõ rằng mùa màng của họ là mục tiêu hiển nhiên của những nước muốn phản công lại chính sách thuế Mỹ. Họ cũng biết rằng việc đánh thuế vào kim loại nhập khẩu sẽ kéo những người chủ mới về đây mở lại các nhà máy nhôm và thép vốn từ lâu giúp cho những người láng giềng của họ có tiền trả tiền vay ngân hàng mua nhà, tiền mua xe và vật dụng hàng ngày.
Bà Kathee Brown đã làm việc ở Noranda được ba thập niên. Hồi tháng Ba bà quay lại bộ phận nhân sự chỉ gồm một người của nhà máy có tên gọi là Magnitude 7 Metals. Điện thoại của bà reo liên tục.
Có thật là nhà máy sẽ mở cửa trở lại không?
Cô có nhận được hồ sơ xin việc của tôi không?
Trên bàn làm việc bám đầy bụi bẩn của mình với những ngăn kéo còn chất đầy những hóa đơn cũ, bà đang kiểm tra hộp thư thoại – một lần nữa lại đầy. Nhiều người gọi đến là những công nhân cũ ở nhà máy; đôi khi họ trào nước mắt khi nhận được cuộc gọi lại của bà.
Giờ đây, người chủ mới của nhà máy có kế hoạch tuyển 465 nhân công – nhiều hơn gấp đôi số nộp hồ sơ xin việc.
Đưa nhà máy nấu nhôm mở cửa trở lại là một nỗ lực lớn, người dân địa phương cho biết, cũng giống như khi họ có nhà máy trả lương cao này mở cửa lúc đầu tại vùng nông thôn này của bang Missouri.
Các công nhân đã trải qua những năm tháng giá nhôm bị giảm, đình công, suy thoái và đấu tranh với các công ty cung ứng điện. Công ty đã cắt giờ làm rồi sa thải nhân công, người dân địa phương cho biết.
Tuy nhiên nhà máy đã đóng cửa vào đầu năm 2016 sau một loại cú sốc khiến họ chao đảo: giá nhôm toàn cầu đi xuống; một quỹ cổ phần riêng ở New York mắc khoản nợ 1 tỷ đô trong một vụ mua lại tài sản bằng vốn vay; một vụ nổ làm cho khu xưởng cán nhôm tê liệt và tình trạng thiếu điện đã khiến hai dây chuyền sản xuất bị đóng cửa.
Khoảng 1.000 người phải đi tìm công việc khác và thường là được trả lương thấp hơn, ông Mark Baker, nông dân và là ủy viên hội đồng của Quận hạt New Madrid, cho biết.
“Người ta mất nhà,” ông Dick Bodi, thị trưởng của New Madrid, bang Missouri, nói. “Người ta ly dị.”
Ngân sách cho cảnh sát và cứu thương ở khu vực bị cắt giảm. Quận hạt này đã lâm vào cảnh nợ nần trong hai năm, ông Baker nói. Công ty Noranda không thể nào trả được khoản thuế 3,1 triệu đô cho New Madrid, khiến việc làm bị cắt giảm và công việc sửa chữa trường học phải dừng lại, ông Sam Duncan, người giám sát hệ thống trường trong quận hạt cho biết. Khi các gia đình chuyển đi nơi khác, số học sinh trong quận đã giảm 10%, Duncan nói.
Nhưng đa số mọi người ở lại và thường là chuyển sang các lĩnh vực khác để tìm việc.
“Những người duy nhất cần thuê mướn nhân công là nông dân,” anh Dalton Bezell, 31 tuổi, từng làm việc cho hãng Noranda, nói.
Vào cuối mùa hè, lực lượng lao động của Noranda đã giảm xuống còn chín người và những người này chỉ kiếm được một phần trong mức lương trước kia của họ. Công việc của họ là đảm bảo duy trì nhà máy và tìm cách phục hồi nó.
Ông Steve Rusche, giờ đây là giám đốc điều hành của Magnitude 7 Metals, là một trong số 9 người đó. Ông đã chứng kiến những người có ý định mua lại nhà máy đi tham quan cơ sở – không phải mua về để cho nó hoạt động trở lại mà là để rã nó ra và bán sắt vụn. Tuy nhiên, một công ty lại làm khác; đó là Magnitude 7 Metals LLC do thương gia nhôm Matt Lucke sáng lập. Ông Lucke muốn vận hành nhà máy nếu nó đứng vững về mặt tài chính, Rusche nói.
Cơ quan lập pháp của bang Missouri do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã hỗ trợ bằng cách thông qua một đạo luật gây tranh cãi giúp cho các nhà máy dễ dàng thuê mướn những nhân công không là thành viên công đoàn. Những nhân viên còn lại của Noranda cũng giúp thương thảo giảm được giá điện và giữ giá nguyên liệu đầu vào cho công ty mới.
“Điểm xoay chuyển tình thế là khi có tin từ Washington là Mỹ sẽ đánh thuế kim loại,” ông Rusche nói.
Tháng Sáu vừa qua, giám đốc điều hành của Magnitude 7 Metals, ông Bob Prusak đã ra làm chứng trong một phiên điều trần Bộ Thương mại trong nỗ lực điều tra của Bộ về nhôm nhập khẩu. Ông nói rằng thuế quan ‘không phải là không quan trọng để giúp chúng tôi đứng vững và hoạt động trở lại.”
Thêm nhiều nhà đầu tư nữa tham gia vào nỗ lực này để ông Trump đe dọa và sau đó là áp thuế kim loại. Nhà máy của ông Prusak đã tăng cường tuyển dụng và mở dây chuyền sản xuất đầu tiên hôm 14/6.
“Giờ đây đã có hy vọng,” ông Bodi, thị trưởng New Madrid nói.
Tuy nhiên, hy vọng đó lại mờ dần trên những trang trại của quận hạt New Madrid. Khu vực này là nơi sản xuất đậu nành và bắp hàng đầu của Missouri hồi năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Hãng DuPont Pioneer có một nhà máy sản xuất hạt đậu nành khổng lồ ở đây. Bờ sông gần đó có đầy những kho chứa và những cầu chuyển hàng xuống tàu do công ty Archer Daniels Midland, nhà giao dịch hạt toàn cầu, vận hành.
Những nông dân trồng hạt ở địa phương bán hầu hết thu hoạch của họ cho những trạm thu mua ven sông để xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài do nhu cầu ít ỏi ở trong nước. Những nhà thu mua vận chuyển hàng xuôi dòng Mississippi xuống các cảng ở vịnh Mexico để phân phối ra quốc tế.
Trước khi có chiến tranh thương mại, các nông dân đã bị tổn thương với thu nhập ròng bị giảm trong những năm gần đây do tình trạng dư thừa hạt toàn cầu kéo giá đi xuống.
Khoảng phân nửa lượng đậu nành trồng ở Mỹ hồi năm ngoái là để xuất khẩu, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp. Trên một phần tư sản lượng thu hoạch, trị giá 12,3 tỷ đô la, là xuất sang thị trường Trung Quốc. Dữ liệu của chính quyền liên bang cho biết bang Missouri xuất khẩu lượng hàng hóa nông nghiệp trị giá 2 tỷ đô la.
Một số người làm công trong nông trại của ông Rone nói rằng họ biết ơn ông vì đã tạo công ăn việc làm cho họ sau khi họ mất việc ở nhà máy nhôm. Nhưng với việc nhà máy mở cửa trở lại, họ đang xin vào làm công việc cũ.
“Tôi cảm thấy vui cho họ. Ai cũng vậy,” ông Rone nói. “Nhưng đối với chúng tôi, đối với các nông dân, mọi việc cần phải chờ xem.”
Priggel và các anh em của ông đã ký hợp đồng bán trên phân nửa bắp, đậu nành và cotton họ trồng vào mùa xuân năm nay – một động thái để giữ trước giá phòng khi chiến tranh thương mại đẩy giá sản phẩm của họ xuống. Hồi tháng Sáu, các hợp đồng mua bán trước đậu nành của Mỹ đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Nhà tiếp thị cotton Barry Bean ở bang Missouri cho biết một trong số các nông dân đã quá lo sợ về các đe dọa thuế quan đến nỗi ông ta đã bán trước gần 80% sản lượng thu hoạch ngay cả trước khi xuống giống trồng trọt vào mùa xuân này. Ông ấy không có bảo hiểm mùa màng nên ông ấy chỉ có nước gọi cho ông Bean liên tục để nài ép ông mua thêm nhiều cotton dù cotton còn đang trong giai đoạn phát triển trên các cánh đồng.
“Thôi nào,” Bean cứ phải nói với ông ấy. “Nếu có chuyện gì xảy ra – nếu thời tiết bất lợi (làm cho mùa màng thất bát khiến không có sản phẩm giao cho khách hàng) thì anh sẽ gặp rắc rối lớn đấy.”
Còn ông Bobby Aycock, nông dân trồng đậu nành thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình, đã phải cắt giảm chi phí vận hành, tránh mua thêm thiết bị mới và cho thuê một phần đất nông trại của gia đình.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/chien-tranh-thuong-mai-ke-khoc-nguoi-cuoi-/4475577.html
Một thị trấn ở California
phát cho dân 500 đôla/tháng để xài ‘thoải mái’
Chính quyền thị trấn Stockton ở bang California quyết định phát không điều kiện 500 đôla hàng tháng cho 100 cư dân trong 18 tháng, theo hãng tin CNN.
Mục đích của chương trình này là giúp thị trấn Stockton xóa nghèo. Theo chương trình này, người dân sẽ nhận tiền mặt và họ tùy nghi sử dụng số tiền này, theo Fox News.
Chương trình này sẽ khởi động vào năm 2019, theo đó 100 cư dân may mắn sẽ nhận tiền mặt trong vòng 18 tháng. Đây là giai đoạn thử nghiệm trước khi chính quyền áp dụng đại trà cho toàn thị trấn.
Hợp tác với các tổ chức từ thiện tư nhân, thị trấn Stockton sẽ thử nghiệm xem liệu Chương trình Thu nhập Phổ thông (UBI) do chính phủ quản lý có thể giúp người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo hay không.
Tham gia dự án này, đồng sáng lập Facebook Chris Hughes, đã quyên góp được 1 triệu đôla, theo Viện Heartland.
Ngoài ra, UBI đã thu hút sự ủng hộ và hỗ trợ từ một số nhà lãnh đạo Thung lũng Silicon Valley như ông Elon Musk, Richard Branson và Mark Zuckerberg. Chương trình này được xem như một cách để giảm nghèo và bảo vệ chống lại sự gián đoạn công việc do quá trình tự động hóa gây ra.
Ông Michael Tubbs, Thị trưởng thị trấn Stockton, nói: “Một nhóm cư dân của chúng tôi có cuộc sống khó khăn, sinh ra trong cộng đồng mà không có nhiều cơ hội. Mẹ tôi luôn nói, ‘Các con phải rời khỏi Stockton…. Nhưng tôi muốn Stockton phải là một nơi mà mọi người muốn đến sống.”
Theo ước tính của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, Stockton là thị trấn có khoảng 300 ngàn cư dân, có thu nhập hộ gia đình trung bình là 49.271 đôla một năm, so với thu nhập trung bình đầu người ở Mỹ là 57.617 đôla.
Mỹ chật vật cho đoàn tụ
các gia đình di dân bất hợp pháp
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang chật vật cho đoàn tụ các gia đình di dân vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp bị chia cắt tại biên giới Mỹ-Mexico và chỉ phân nửa số trẻ em dưới 5 tuổi sẽ được đoàn tụ với cha mẹ vào ngày 10/7, tức thời hạn chót theo lệnh của tòa, theo lời một luật sư của chính phủ tường trình với một thẩm phán ngày 9/7.
Thẩm phán Dana Sabraw tháng trước ra lệnh cho chính phủ trước thời hạn chót là ngày 10/7 phải cho đoàn tụ gần 100 trẻ dưới 5 tuổi và tới ngày 26/7 phải cho đoàn tụ gần 2 ngàn trẻ bị cách ly khỏi cha mẹ.
Reuters dẫn lời luật sư Sarah Fabian làm việc cho Bộ Tư pháp cho biết đến cuối ngày 10/7 sẽ có 54 trẻ dưới 5 tuổi được gặp lại cha mẹ và số này có thể tăng lên tùy thuộc vào khâu kiểm tra lý lịch.
Các bậc phụ huynh khác hoặc đã bị trục xuất, không vượt qua cuộc kiểm tra lý lịch hình sự, không chứng minh được liên hệ máu mủ, hoặc đã được phóng thích mà nhân viên di trú không liên lạc được.
Các trẻ em này phải chia lìa khỏi bố mẹ dưới chính sách không nương tay của Tổng thống Donald Trump đối với di dân bất hợp pháp khởi sự từ đầu tháng 5 cho đến khi ông Trump ra chỉ thị đình chỉ hồi tháng trước vì bị chỉ trích nặng nề.
Trump: Bắc Kinh giật dây Bình Nhưỡng
phá hoại phi hạt nhân hóa
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai ngày 9/7 nói Bắc Kinh có lẽ đang tìm cách làm chệch hướng các nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng bày tỏ tin tưởng rằng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sẽ vẫn tuân thủ thỏa thuận đã đồng ý tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng trước.
Washington và Bình Nhưỡng trong những ngày qua đã đưa ra những quan điểm khác biệt về phi hạt nhân hóa sau cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore hôm 12/6. Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bắc Triều Tiên, có lẽ đã can thiệp để phản ứng lại lập trường của chính quyền Trump trong vấn đề thương mại Trung-Mỹ.
“Tôi có lòng tin rằng ông Kim Jong-un sẽ tôn trọng bản hợp đồng mà chúng tôi đã ký kết và thậm chí quan trọng hơn nữa, là cái bắt tay của chúng tôi. Chúng tôi đã đồng ý phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên,” ông Trump viết trên Twitter. “Trong khi đó, Trung Quốc có lẽ đã gây áp lực tiêu cực lên thỏa thuận do lập trường của chúng ta đối với thương mại Trung Quốc – Hy vọng là không phải vậy!”
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kết thúc hai ngày thảo luận với các quan chức Bắc Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hôm 7/7 và cho biết các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên ‘sẽ khó khăn’.
Về phần mình, Bình Nhưỡng đã mô tả các cuộc đàm phán với Mỹ với những lời lẽ chua chát. Việc này đã đặt dấu hỏi về các cuộc đàm phán trong tương lai trong lúc giới chức Mỹ đang tìm cách chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6 với ông Trump ở Singapore, ông Kim đã đưa ra một thỏa thuận chung chung là ‘làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa’ bán đảo Triều Tiên nhưng bản thỏa thuận giữa hai ông lại không có chi tiết cụ thể về khi nào và bằng cách nào quốc gia khép kín này sẽ giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Trong khi đó, ông Trump đã ra lệnh dừng vô thời hạn các cuộc tập trận mà ông cho là ‘khiêu khích’ với Hàn Quốc – một động thái được cho là làm cho Bình Nhưỡng và Bắc Kinh hài lòng.
Trung Quốc ‘cho phép vợ Lưu Hiểu Ba đi Đức’
Người vợ góa của Lưu Hiểu Ba, nhà đối kháng Trung Quốc được giải Nobel Hòa bình, được cho phép rời Trung Quốc để sang Đức.
LS Đài và bà Lê Thu Hà ra tù, lên đường sang Đức
Lưu Hiểu Ba: Chuyện tình vượt lên trên lao tù
Vợ góa của Lưu Hiểu Ba ‘sẵn sàng chết tại nhà’
Bà Lưu Hà đã bị quản thúc từ khi chồng bà được giải Nobel năm 2010.
Ông Lưu Hiểu Ba, một giáo sư đại học chuyển sang hoạt động nhân quyền, bị giam năm 2009 và qua đời vì ung thư năm 2017.
Nhà thơ Lưu Hà chưa từng bị khởi tố, nhưng hồi tháng Năm, bà nói sẵn sàng chết để phản đối việc bị quản thúc.
Theo một người bạn cho báo chí hay, bà đã lên chuyến bay Finnair từ Bắc Kinh sang Berlin hôm thứ Ba.
Đức đã kêu gọi Trung Quốc cho phép bà Lưu Hà ra đi.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Đức tuần này.
Hồi tháng Năm, bà Lưu Hà nói với một người bạn Liêu Diệc Vũ qua điện thoại rằng “chết dễ hơn sống”.
“Nếu tôi không thể ra đi, tôi sẽ chết trong nhà mình,” bà được dẫn lời.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố bà Lưu Hà là công dân tự do, nhưng bà đã bị hạn chế đi lại.
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy nhiễu những người thân của bà Lưu Hà còn ở Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44778839
Thủ tướng Trung Quốc thăm Berlin :
30 tỷ euro hợp đồng
Hôm qua, 09/07/2018, tại Berlin, 22 thỏa thuận thương mại tổng trị giá 30 tỷ euro được ký kết trong vòng 20 phút, dưới sự chứng kiến của thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Từ hai năm nay, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một của Đức. Nhưng cả hai cường quốc xuất khẩu đang tìm cách phối hợp chống mối đe dọa chung : biện pháp áp thuế của Mỹ.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường thuật :
Lịch trình tham vấn giữa hai nước Đức-Trung đã được hai chính phủ dự kiến từ lâu. Tuy nhiên, cuộc họp được tổ chức ngay sau khi lệnh áp thuế của Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Berlin và Bắc Kinh lên án các biện pháp của Washington. Bà Angela Merkel, cũng như thủ tướng Lý Khắc Cường, bảo vệ nguyên tắc mậu dịch tự do. Bà tuyên bố : Chúng ta thấy mối căng thẳng hiện nay trong thương mại quốc tế ngày càng liên quan đến nhiều nước. Chúng ta là các đối tác trong một hệ thống đa phương, nơi quyền lợi các nước lệ thuộc lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều thắng, nếu các quy tắc của thương mại quốc tế hiện hành được tôn trọng, cũng như trong trường hợp đạt được những đồng thuận mới.
Bắc Kinh tìm liên minh trên các hồ sơ này, như hồi cuối tuần trước tại thủ đô Sofia của Bulgari với các nước Trung Âu, trước điểm hẹn thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc vào tuần tới.
Hôm thứ Hai, cho dù có tuyên bố bảo vệ mậu dịch tự do cùng với thủ tướng Trung Quốc, thủ tướng Đức muốn tránh tiếng là gần gũi với một quốc gia không phải là « học trò tốt » của nền kinh tế thị trường. Bởi vì giới doanh nhân Đức chỉ trích rất mạnh chính sách bảo hộ thị trường của Trung Quốc. Họ hy vọng rằng chính phủ Đức có thể đòi Bắc Kinh có một số nhượng bộ, đổi lấy việc Berlin hợp tác lập một mặt trận chung chống Washington.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180710-thu-tuong-trung-quoc-tham-berlin-30-ty-euro-hop-dong
Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng
ở vùng Thái Bình Dương
Trung Quốc đang dự trù họp thượng đỉnh với các lãnh đạo những đảo ở Thái Bình Dương, vào lúc mà New Zealand cảnh báo là Bắc Kinh đang tìm cách lấp chỗ trống tại một vùng từ lâu bị bỏ quên.
Theo thông báo của thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neil hôm qua, 09/07/2018, nhân chuyến viếng thăm cấp Nhà nước ở Papua New Guinea, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn họp riêng với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) từ 12/11 đến 18/11 năm nay tại Port Moresby, thủ đô Papua New Guinea.
Thủ tướng O’Neil không nói rõ nghị trình cuộc họp, nhưng việc ông Tập Cận Bình họp riêng với lãnh đạo các đảo quốc nhỏ trong vùng Thái Bình Dương chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của hai nước là Úc và New Zealand.
Từ lâu Úc và New Zealand vẫn xem vùng Đại Dương Châu là sân sau của họ, nhưng trong một thập niên qua, Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này. Theo thẩm định của Viện Lowy, Úc, trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2016, Bắc Kinh đã cấp tổng cộng 1,78 tỷ đôla cho các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương.
Vùng này là nơi quy tụ số đồng minh ít ỏi còn lại của Đài Loan, sau khi Trung Quốc dùng chính sách ngoại giao đôla để lôi kéo về phía mình nhiều nước còn công nhận Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan).
Sau nhiều năm án binh bất động, đến năm nay, Úc và New Zealand mới gia tăng đáng kể các khoản viện trợ, mong chiêu dụ trở lại các đảo quốc nhỏ. Đồng thời hai nước này thông báo các kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự, Úc đầu tư vào máy bay không người lái, New Zealand đặt mua máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ.
Vào tháng trước, thủ tướng Malcom Turnbull thông báo là Úc sẽ thương lượng một hiệp ước an ninh với Vanuatu, sau khi cách đó hai tháng, báo chí Úc loan tin là Trung Quốc đã thăm dò phản ứng của Vanuatu về khả năng mở một căn cứ quân sự ở đảo quốc Thái Bình Dương này.
Trên đài phát thanh New Zealand hôm nay, quyền thủ tướng Winston Peters báo động là căng thẳng trong khu vực đang gia tăng và những nước khác đang tìm cách lấp chỗ trống tại đây. Ông Peters không nói « những nước khác » là nước nào, nhưng mới tuần trước, New Zealand vừa công bố một sách trắng về quốc phòng, nêu rõ Trung Quốc là mối đe dọa đối với nước này.
Sách trắng khẳng định, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương và ghi nhận : « Trung Quốc có quan điểm về nhân quyền và tự do thông tin trái ngược với quan điểm của New Zealand ».
Chính phủ Bắc Kinh, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua đã phản đối nội dung của sách trắng nói trên, yêu cầu New Zealand « sửa chữa những nhận định sai lạc về Trung Quốc ». Nhưng thủ tướng Peters khẳng định, những gì được nêu là « phản ánh đúng thực tế ».
Thực tế đúng là Trung Quốc đang vươn tay ra toàn thế giới, tiếp tục dùng tiền để mở rộng ảnh hưởng kể cả ở Trung Đông và châu Phi. Đúng vào ngày hôm nay, phát biểu trước các đại biểu dự diễn đàn Trung Quốc – Các nước Ả Rập, chủ tịch Tập Cận Bình thông báo là Bắc Kinh sẽ cho các quốc gia Ả Rập vay tổng cộng hơn 20 tỷ đôla để giúp những nước này phát triển kinh tế. Nhân đây cũng xin nhắc lại Trung Quốc đã chọn Djibouti, quốc gia châu Phi thành viên của Liên Đoàn Ả Rập để xây căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180710-trung-quoc-banh-truong-anh-huong-o-vung-thai-binh-duong
Trung Quốc : Đấu tranh
đòi thả luật sư nhân quyền biệt tích 3 năm nay
Cách đây ba năm, ngày 09/07/2015, hơn 200 luật sư bảo vệ nhân quyền trở thành nạn nhân của một đợt trấn áp trên khắp Trung Quốc, còn được biết dưới tên gọi sự kiện « 709 » (ngày 9 tháng 7).
Đa số được thả sau vài tuần giam giữ. Một số khác tiếp tục bị giam cầm và tra tấn. Rất nhiều người khác bị mất giấy hành nghề. Bốn người trong số họ bị kết án nặng nề, còn ông Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), một trong số các luật sư trên, hiện vẫn bặt vô âm tín.
Thông tín viên RFI Heike Schmidt đã gặp bà Lý Văn Túc (Li Wenzu), vợ của luật sư Vương Toàn Chương, người vẫn kiên trì đấu tranh từ ba năm nay để chồng được thả :
« Từ ba năm nay, bà Lý Văn Túc không biết phải trả lời con trai mình như thế nào. Bà nói : « Rất khó ! Con trai tôi năm tuổi rưỡi và không ngừng hỏi : Tại sao bố con không về ? »
Người cha của gia đình, luật sư Vương Toàn Chương, nhà tranh đấu cho nhân quyền, cho đến giờ vẫn mất tích. Bà Lý Văn Túc giải thích : « Chồng tôi bị bắt ngày 10/07/2015. Tôi đã mời liên tiếp bẩy luật sư, nhưng chính quyền luôn từ chối cho gặp chồng tôi. Giờ tôi không biết liệu ông ấy còn sống hay không nữa ».
Bản thân bà Lý Văn Túc cũng bị công an quấy nhiễu. Là một phụ nữ trẻ, vẻ ngoài yếu ớt nhưng rất quyết tâm, bà không ngừng đấu tranh để người chồng, bị buộc tội lật đổ Nhà nước, được trả tự do.
Bà nói tiếp : « Trong vòng ba năm, tôi bị bắt 9 lần mà không hề có lý do. Họ lột quần áo của tôi và chửi tôi. Con trai tôi không được đến trường. Chúng tôi không có chỗ ở cố định nữa và chúng tôi bị theo dõi 24 trên 24 giờ ».
Tròn ba năm Trung Quốc tiến hành trấn áp, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo nhấn mạnh : « Thêm một ngày giam cầm bất công các luật sư khiến tình hình nhân quyền tại Trung Quốc vốn đã tối tăm càng thêm tối tăm hơn ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180710-trung-quoc-tran-ap-luat-su-nhan-quyen-ba-nam-doi-cong-ly
Nhật Bản nỗ lực giúp nạn nhân của trận lũ lụt lịch sử
Vào ngày 10/7, Nhật Bản vẫn đang nỗ lực để phục hồi cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau thiên tai được xem là tồi tệ nhất trong vòng 36 năm, giết chết ít nhất 155 người, và những người sống sót đang đối diện với các nguy cơ sức khỏe do nhiệt độ cực nóng và tình trạng thiếu nước, trong lúc các nhân viên cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân.
Mưa lớn gây lũ lụt và lở đất ở miền tây Nhật Bản hồi tuần trước đã mang lại sự chết chóc và hủy diệt, đặc biệt là tại các khu dân cư được xây dựng cách đây nhiều thập niên gần sườn dốc. Chín phủ cho biết có khoảng 67 người mất tích.
Thủ tướng Shinzo Abe đã phải hủy bỏ một chuyến đi nước ngoài để lo việc đối phó với thảm họa đã khiến hàng triệu người phải di tản.
Hiện đã có điện lại cho khoảng 3.500 hộ, nhưng hơn 200.000 người vẫn không có nước trong lúc phải sống dưới ánh mặt trời thiêu đốt, với nhiệt độ chạm 33 độ C (91 độ F) ở một số khu vực khó tiếp cận nhất như thành phố Kurashiki.
Nhiều con đường bị bùn khô đóng cứng, xả đầy bụi mỗi khi xe cộ đi ngang qua.
Một phần tư quận Mabi, thuộc khu vực dễ bị lũ lụt Kurashiki, nằm kẹp giữa hai con sông, bị ngập hoàn toàn sau khi dòng nước mạnh gây vỡ đê.
Chính phủ đã dành ra 70 tỷ yên (khoảng 631 triệu đôla Mỹ) cho cơ sở hạ tầng, và dự trữ thêm 350 tỷ yên (3,15 tỷ đôla), Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết thêm rằng ngân sách bổ sung sẽ được xem xét nếu cần thiết.
Một số cư dân Mabi đã xem thường những cảnh báo về trận lũ lụt lịch sử trong khu vực.
Hầu hết các trường hợp tử vong trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề Hiroshima là do sạt lở đất tại những khu vực mà nhà được xây dựng trên sườn dốc từ những năm 1970. Nhiều người sinh sống tại đây mấy mươi năm qua chưa từng gặp thảm họa như vậy bao giờ.
Cũng trong ngày 10/7, một lệnh di tản mới đã được đưa ra tại một phần của Hiroshima, sau khi một con sông tràn bờ, ảnh hưởng đến 23.000 người.
Một cơn bão khác đang hướng đến các đảo xa của chuỗi đảo Okinawa, nhưng đã bị suy yếu và dự kiến sẽ không tác động đến bốn hòn đảo chính của Nhật Bản.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-ban-no-luc-giup-nan-nhan-cua-tran-lu-lut-lich-su/4476409.html
Phải chăng NATO và Nga
cần một hiệp ước an ninh mới ?
Thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra ngày 11 và 12/07/2018. Thượng đỉnh lần này diễn ra trong không khí đầy bất trắc, với một tổng thống Mỹ đang chủ trương đơn phương xích lại gần Nga, không đếm xỉa đến các đồng minh. Không khí lo ngại xung đột quân sự với Nga đặc biệt ám ảnh Bắc Âu. Trong bối cảnh đó, một số kỳ vọng hướng về Pháp – quốc gia có vị trí đặc biệt trong NATO, tin tưởng đề xuất của Paris về một hiệp ước an ninh mới giữa phương Tây và Matxcơva sẽ mang lại một đột phá.
Trước hết RFI xin giới thiệu quan điểm của nhà báo Renaud Girard – một chuyên gia về địa chính trị quốc tế – được đăng tải trên Le Figaro hôm nay, 10/07/2018, với tựa đề « NATO : Hướng về một hiệp ước an ninh mới ? ».
Nhà báo Le Figaro gắn liền hai cuộc thượng đỉnh, cuộc thứ nhất là của nội bộ NATO ở Bruxelles với cuộc thứ hai, giữa hai nguyên thủ Mỹ và Nga tại Helsinki (Phần Lan), mà một phần quan trọng sẽ dành cho chủ đề « an ninh tại châu Âu ». Tác giả đặt câu hỏi : Tại sao không nhân cơ hội « thượng đỉnh thứ nhất » để chuẩn bị cho một kế hoạch mà sau đó tổng thống Mỹ sẽ đưa ra thảo luận với đồng nhiệm Nga tại « thượng đỉnh thứ hai » ở Helsinki ?
Nhà báo Le Figaro nêu ra đề xuất trên nhằm đánh động các đối tác NATO, đặc biệt là Pháp, bởi nếu không có các diễn biến bất thường, thượng đỉnh NATO ngày mai, theo ông, ắt hẳn sẽ chỉ là nơi tổng thư ký NATO tiếp tục đưa ra các báo động về những đe dọa tiềm tàng từ nước Nga hung dữ. Và cùng lúc, tổng thống Mỹ sẽ bày tỏ thái độ ngán ngẩm của mình trước việc Washington phải trả tiền để « bảo vệ các đồng minh giàu có châu Âu ». Một điều mà theo ông cũng không khó dự đoán là các nước châu Âu chắc chắn sẽ hứa hẹn đóng góp (1).
Câu ngạn ngữ Latinh « Hãy chuẩn bị chiến tranh, nếu bạn muốn hòa bình » (Si vis pacem, para bellum) ắt hẳn vẫn còn giá trị, và tiếp tục là một phương châm của NATO. Thế nhưng, theo nhà quan sát của Le Figaro, châu Âu và nước Pháp có thể làm hơn.
Đa số hiệp ước an ninh thời Chiến tranh Lạnh hết hiệu lực
Trong bối cảnh phương Tây và Nga đang lâm vào bế tắc trong hàng loạt vấn đề, quan hệ song phương hiện nay được so với thời Chiến tranh Lạnh, nơi căng thẳng leo thang không kiểm soát có thể dẫn đến xung đột, thì rất cần đến một tiếp cận mới. Nhà báo Renaud Girard ghi nhận, một trong các lý do khiến quan hệ phương Tây và Nga hiện nay ở trong tình trạng nguy hiểm là do phần lớn các hiệp ước về an ninh giữa hai bên đã không còn có hiệu lực nữa.
Thời điểm hiện tại có nhiều điểm khá giống với giai đoạn lịch sử cách nay hơn nửa thế kỷ, vào lúc mà Hoa Kỳ và Liên Xô có nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đặt nhân loại trước viễn cảnh hủy diệt. Sau « khủng hoảng tên lửa Cuba » năm 1962, Chiến tranh Lạnh bước sang giai đoạn mới. Wahsington và Matxcơva lập đường điện thoại đỏ, hàng loạt thỏa thuận về an ninh giữa Hoa Kỳ với Liên Xô được ký kết, nhằm tránh xung đột vượt tầm kiềm soát, hãm cường độ chạy đua vũ trang, đồng thời bảo đảm an ninh cho lục địa châu Âu.
Tuy nhiên, phần lớn các hiệp ước được xây dựng trong thời kỳ này đã không còn giá trị.
Đọc thêm : Hiệp định tên lửa Mỹ-Nga 1987 bên bờ tan vỡ ?
Để bù lấp khoảng trống này, Pháp, với tư cách là một quốc gia có truyền thống độc lập về chiến lược, có thể đề xuất với các đối tác NATO, tổ chức một hội nghị mới, quy mô lớn, để bàn về an ninh ở châu Âu, nhằm thảo luận về nhiều vấn đề vốn được coi là hết sức nhạy cảm, như « tên lửa tầm trung » (mà Nga đã triển khai trên thực tế tại vùng Kalingrad, nằm lọt thỏm trong lãnh thổ châu Âu) hay vấn đề lá chắn tên lửa của NATO đặt tại Ba Lan, mà bệ phóng cũng có thể được sử dụng cho các tên lửa tầm trung. Hay các vấn đề rất nhạy cảm khác như tình trạng mất cân bằng về lực lượng vũ trang quy ước giữa một số quốc gia, vấn đề tập trận hay chiến tranh mạng…
Ba ưu tiên : Vũ khí quy ước, lá chắn tên lửa và chiến tranh mạng
Renaud Girard nêu ra ba vấn đề cụ thể cần được ưu tiên. Thứ nhất là Hiệp ước Paris về vũ khí quy ước, ký kết tháng 11/1990, đã bị Nga và tiếp theo đó là các nước NATO từ bỏ. Hiệp ước này không còn có ý nghĩa, do việc NATO đã được mở sang các nước vốn thuộc khối Varsava trước đây, do Liên Xô lãnh đạo, rồi sau đó là sang các nước Baltic. Hiệp ước này cần phải được làm lại hoàn toàn.
Vấn đề thứ hai là hiệp ước ABM (Anti-Ballistic Missile Treaty), giới hạn các hệ thống lá chắn chống tên lửa, được Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1972, nhưng chính quyền George W. Bush đã từ bỏ năm 2002. Phương Tây và Nga cần đến một ABM mới.
Vấn đề thứ ba là chiến tranh mạng. Nhiều nước vùng Baltic và Ukraina đã là nạn nhân của Nga. Theo nhà báo Le Figaro, phương Tây và Nga cần đi đến một bộ quy tắc ứng xử, để chấm dứt hoạt động tấn công vào các mạng lưới tin học của nhau.
Tránh để lửa Ukraina lây lan
Phải chăng là « phi lý » khi đề xuất một thỏa thuận về an ninh với Nga, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina năm 2014, với các can thiệp từ Matxcơva, vẫn chưa kết thúc ?
Trả lời cho lo ngại này, nhà báo Le Figaro lưu ý là rất cần phải hành động « bằng mọi giá » để tránh cho khủng hoảng Ukraina lây lan. Và cuộc chiến dai dẳng tại vùng Donbass, đông Ukraina, lại càng cho thấy một thỏa thuận về an ninh mới với Matxcơva là cần thiết.
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên : hai lý do khác
Ông Renaud Girard còn nêu ra một lý do chiến lược khác, khiến châu Âu cần kiên quyết đi theo hướng này. Đó là để kéo Nga về phía phương Tây, trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng.
Còn về mặt tình thế cụ thể, theo nhà báo Le Figaro, chính quyền Trump, sau chuyến công du Bắc Triều Tiên của ngoại trưởng Pompeo bị Bình Nhưỡng kịch liệt lên án, đang tỏ ra yếu thế trong hồ sơ hạt nhân Đông Bắc Á. Một hồ sơ mà tổng thống Mỹ từng ca ngợi như là một thắng lợi ngoại giao của Washington. Nếu NATO thống nhất được trong vấn đề an ninh, tổng thống Mỹ sẽ có được lợi thế hơn, trước cuộc đàm phán không dễ dàng với chủ nhân điện Kremlin.
Điểm cuối cùng mà một hiệp ước an ninh mới là điều hoàn toàn khả thi, theo tác giả, đó là vì Nga cũng có nhu cầu cắt giảm ngân sách quân sự.
Bắc Âu lo ngại Nga gây chiến
Trong lúc có chuyên gia muốn hướng đến một thỏa thuận an ninh mới với Nga, coi như một giải pháp đột phá, thì một số khu vực ở châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, ám ảnh về một cuộc chiến với Nga đè nặng. Tuần báo L’Express có bài tổng thuật với tựa đề « Nếu Nga tấn công Bắc Âu… ».
Căng thẳng giữa châu Âu với Nga ở phía nam, nhưng lửa lại có thể tràn về phía bắc, đó là nỗi sợ đang ngày càng ám ảnh Thụy Điển, quốc gia từng tin tưởng vào một nền hòa bình vĩnh viễn, sau khi khối Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Theo L’Express, ngay cả trước cuộc can thiệp Nga tại Ukraina năm 2014, Thụy Điển – quốc gia châu Âu không phải thành viên NATO – đã buộc phải xét lại chiến lược quốc phòng, đặc biệt sau vụ oanh tạc cơ chiến lược Nga xâm nhập không phận Thụy Điển, chuẩn bị cho bài tập giả định về một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại quốc gia Bắc Âu này. Vào thời điểm đó, Thụy Điển – từng có lực lượng không quân đứng hàng thứ tư thế giới những năm 1970 – đã hoàn toàn bị động, vì không hề tính tới một kịch bản như vậy. Bên cạnh đó là các cuộc tập trận quy mô lớn Nga – Belarus, ngay sát vùng biên giới phía tây bắc, được khởi sự từ năm 2009.
Gần đây, Thụy Điển đang nỗ lực xây dựng lại nền quốc phòng, sau một phần tư thế kỷ sao lãng. Tháng 5/2018, thỏa thuận hợp tác quân sự ba nước Thụy Điển – Mỹ và Phần Lan (quốc gia châu Âu không thuộc NATO, được coi là có chính sách trung lập) được ký kết. Thụy Điển cũng ngày có nhiều hoạt động quân sự phối hợp với NATO hơn. Thụy Điển đang nỗ lực phối hợp toàn diện với Phần Lan về mặt quốc phòng để đối phó với Nga. Đầu năm 2018, nhiều người nói đến khả năng Thụy Điển gia nhập NATO.
Ghi chú
(1) Theo một báo cáo thường niên của NATO, năm thành viên NATO (Estonia, Ba Lan, Anh, Hy Lạp và Mỹ) có mức đóng góp 2% GDP cho quốc phòng. Ba nước Latvia, Litva và Rumani sẽ đạt mức này trong năm nay. Pháp đặt mục tiêu đến 2025.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180710-phai-chang-can-mot-hiep-uoc-an-ninh-moi-giua-nato-va-nga
LHQ : Đàm phán với Bắc Triều Tiên
phải bao gồm cả nhân quyền
Tình trạng nhân quyền ở Bắc Triều Tiên vẫn rất đáng quan ngại và không nên để vấn đề này bị lấn át bởi các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Washington với Bình Nhưỡng. Đó là lời kêu gọi của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Tomas Ojea Quintana đưa ra tại Seoul hôm qua, 09/07/2018.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :
« Hiện đang viếng thăm Seoul, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng những vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên vẫn rất « trầm trọng » và người dân Bắc Triều Tiên vẫn rất ngán sợ chính phủ của họ và rất sợ bị đưa vào các trại giam tù chính trị. Ông Tomas Ojea Quintana cũng mô tả tầm mức của khủng hoảng nhân đạo tại nước này :
Theo Liên Hiệp Quốc, tình trạng thiếu lương thực kinh niên và nạn suy dinh dưỡng với trẻ em là rất phổ biến ở Bắc Triều Tiên. Hơn 10 triệu người Bắc Triều Tiên, tức là 40% dân số, dường như đang cần trợ giúp nhân đạo. Mục tiêu chính của chuyến viếng thăm của tôi là đặt vấn đề nhân quyền trở lại vị trí trung tâm trong cuộc đối thoại với Bắc Triều Tiên, đề nghị những giải pháp cụ thể để đưa vấn đề đó vào trong tiến trình đối thoại. Đưa nhân quyền trở lại bàn thương lượng không phải là một hành động gây cản trở, mà đó là phương cách để bảo đảm cho hòa đàm có thực chất và bền vững.
Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc kêu gọi chế độ Kim Jong Un hợp tác và mời họ thảo luận về việc cải thiện tình trạng nhân quyền. Nhưng cho tới nay Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ mọi cáo buộc về vi phạm nhân quyền và vẫn kiên quyết từ chối mọi đối thoại về vấn đề này ».
Mỹ-Hàn chính thức ngừng tập trận chung
Cuộc tập trận thường niên Ulchi Freedom Guardian giữa Mỹ và Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 08/2018 chính thức bị hủy. Thông tin được bộ An Ninh và Quốc Phòng Hàn Quốc công bố trong buổi họp báo ngày 10/07/2018, khẳng định lại tuyên bố của Seoul và Washington hồi tháng Sáu nhằm thực hiện lời hứa của tổng thống Mỹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại thượng đỉnh ngày 12/06 ở Singapore.
Tuy nhiên, Reuters cho biết Hàn Quốc sẽ tự tổ chức tập trận riêng, kết hợp hai mô hình tập trận Ulchi và Taeguk nhằm mục đích phòng ngừa khủng bố, đối phó với thiên tai.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, hủy tập trận với Hàn Quốc, Hoa Kỳ tiết kiệm được 14 triệu đô la. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cảnh báo chỉ tạm ngừng tập trận đề phòng trường hợp « các cuộc đàm phán sắp tới không diễn ra theo đúng hướng ».
Brexit : Hai bộ trưởng từ chức,
vị trí của thủ tướng May bị đe dọa
Việc bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis và ngoại trưởng Boris Johnson lần lượt từ chức trong ngày 09/07/2018 đang đẩy chính phủ Anh chìm sâu trong khủng hoảng chia rẽ, trong khi chỉ còn 9 tháng là đến thời hạn Brexit.
Phát biểu về quyết định từ chức, ngoại trưởng Boris Johnson cho rằng giấc mơ Brexit « đang chết dần » sau khi thủ tướng Theresa May « ép » nội các thông qua « soft Brexit ».
Thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn :
« Thủ tướng Theresa May liên tiếp bị mất không chỉ hai nhân vật chủ chốt trong nội các mà còn là hai nhân vật ủng hộ Brexit có ảnh hưởng nhất. Và hiện giờ, chính sự nghiệp chính trị của thủ tướng đang bị đe dọa.
Bà May cho biết sẽ không đổi ý về dự thảo thỏa hiệp với Bruxelles. Đây là một đề xuất tự do trao đổi hàng hóa để duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, giải pháp này lại bị các nhân vật ủng hộ Brexit trong đảng bảo thủ của thủ tướng May kịch liệt bác bỏ. Họ cho là bị phản bội và cáo buộc thủ tướng đã quá nhượng bộ với Liên Hiệp Châu Âu.
Từ nay, những nghị sĩ này sẽ nhận được sự ủng hộ của ông Boris Johnson, người vừa trút bỏ được những ràng buộc trong cuơng vị bộ trưởng. Và sự chống đối mạnh mẽ này có thể làm cho bà thủ tuớng mất tín nhiệm và sẽ khơi mào tiến trình thay thế vị trí lãnh đạo đảng của bà Theresa May.
Tại Nghị Viện, thủ tướng May bảo vệ dự án về Brexit trong tiếng la ó và chế giễu của phe đối lập. Lãnh đạo Công Đảng tỏ ra rất gay gắt. Ông Jeremy Corbyn nhấn mạnh là chính phủ mất đến hai năm để đi tìm ra được một thỏa hiệp về Brexit, thế nhưng văn bản này chỉ tồn tại được hai ngày.
Ông Jeremy Corbun kết luận rằng hai vị bộ trưởng từ chức vừa rời bỏ con tầu đang nguy cập, còn chính phủ thì không có khả năng lèo lái hồ sơ Brexit ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180710-brexit-hai-bo-truong-tu-chuc-vi-tri-cua-thu-tuong-may-bi-de-doa
Các thợ lặn sẵn sàng cứu 5 người còn lại
Các thợ lặn lại tiếp tục chuẩn bị cho đợt cứu hộ đầy mạo hiểm thứ ba, để đưa nốt năm thành viên cuối cùng đội bóng thiếu niên bị mắc kẹt ra khỏi hang.
Sức khỏe của bốn cậu bé và huấn luyện viên bóng đá biết là vẫn tốt khi họ sẵn sàng được hướng dẫn để đưa qua những đoạn đường bị ngập nước chật hẹp trong khu hang động.
Tám cậu bé đã được đưa ra khỏi hang động trong hai ngày qua.
Các cậu bé đã được giải cứu giờ thế nào?
Vẫn chưa có hình ảnh nào về 8 cậu bé đã được cứu nhưng được biết các cậu bé đều ở trong tình trạng sức khỏe tốt.
Nhóm bốn thiếu niên đầu tiên được đưa ra hôm Chủ Nhật và đang được chăm sóc cách ly trong bệnh viện và vẫn chưa được gặp bố mẹ.
Nhóm bốn thiếu niên thứ hai thì được đưa ra bằng cáng hôm thứ Hai và được đưa đến một bệnh viện gần Chiang Rai.
Các nhà chức trách Thái Lan cho biết những cậu bé được cứu có thể ăn cháo, mặc dù yêu cầu món thịt lợn yêu thích đã bị từ chối vì hệ thống tiêu hóa của các cậu bé cần phục hồi sau 10 ngày mà không có thức ăn.
Việc giải cứu diễn ra như thế nào?
Một đội 90 chuyên gia lặn – 40 từ Thái Lan và 50 người khắp nơi trên thế giới đã làm việc không nghỉ trong khu hang động.
Họ sẽ hướng dẫn và đưa các cậu bé trong bóng tối và dòng nước ngầm ra hướng cửa hang Tham Luang.
Việc đến và đi từ nơi các cậu bé đứng là một chuyến đi khứ hồi đầy kiệt sức, thậm chí đối với cả những thợ lặn dày dặn kinh nghiệm.
Quá trình thoát ra kết hợp đi bộ, lội nước, leo trèo và lặn dọc theo sợi dây chỉ đường.
Mỗi em sẽ có hai thợ lặn kèm theo. Người đi trước mang theo bình ô-xy nối với mặt nạ cấp khí cho em và có dây buộc nối với em, người đi sau yểm trợ. Cả hai đều đeo đèn chiếu sáng trên đầu.
Đoạn khó nhất là ở ngay giữa chặng có một đoạn hẹp “Giao lộ T”, chật hẹp đến mức thợ lặn phải tháo bình oxy trên người để trườn qua.
Sau đó là khu động 3, căn cứ hoạt động của các thợ lặn và cũng là trạm nghỉ cho các cậu bé trước khi thực hiện chuyến đi cuối cùng, dễ dàng đến cửa hang và sau đó được đưa đến bệnh viện ở Chiang Rai.
Trưởng đội cứu hộ cho biết ngày giải cứu thứ hai đã diễn ra suôn sẻ hơn ngày đầu tiên, và nhanh hơn hai tiếng đồng hồ khi các hoạt động trở nên có trình tự.
Việc hút được một lượng nước lớn cũng giúp làm giảm mực nước trong hang, khiến chuyến đi vào và ra dễ hơn trước.
‘Thành công bất chấp rủi ro’
Từ phóng viên BBC Dan Johnson từ hang Tham Luang
Chuẩn xác như một chiếc đồng hồ. Xe cứu thương chậm rãi ra khỏi lối vào hang động với đèn nhấp nháy cho thấy một cậu bé khác đã được cứu.
Có một tiếng hô hào xung quanh và sự lạc quan ngày càng tăng lên. Tin tức lan truyền từ nhiều nơi nhưng trang Facebook Hải quân SEAL Thái Lan mới là nơi cung cấp thông tin chính thức.
Đây là một quá trình vô cùng thận trọng, tinh tế và cũng đầy rủi ro.
Nhưng kế hoạch giải cứu này – táo bạo, nguy hiểm và phức tạp – có vẻ đang thành công. Nó đang đem lại kết quả khả quan, bất chấp tỷ lệ rủi ro. Hoạt động cứu trợ đang bắt đầu phá vỡ sự căng thẳng đã bồi đáp trong suốt hai tuần qua.
Và hoạt động lại tạm ngừng qua đêm. Không ai muốn vội vàng. Có một sự ngưỡng mộ hiện diện rõ rệt đối với sự cống hiến, kỹ năng và kinh nghiệm của đội thợ lặn. Họ càng ngày càng chứng minh bản thân qua thách thức này.
Nhưng bốn cậu bé và huấn luyện viên của họ, vẫn ở dưới mặt đất vào đêm thứ 17. Ngày thứ Ba, chúng ta sẽ lại nín hơi thở của mình một lần nữa, với hy vọng nhìn thấy họ xuất hiện.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44775547
Chuyên cơ của Kim Jong Un xuất hiện ở Vladivostok
Một chiếc phi cơ, được cho là máy bay riêng của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, xuất hiện ở Vladivostok (Nga) vào ngày 09/07/2018. Giới chuyên gia cho rằng có thể đây là chuyến đi tiền trạm để chuẩn bị cho ông Kim Jong Un thăm Nga.
Theo thông tin của trang Flightradar24, chiếc Chammae-1, chuyên cơ của ông Kim Jong Un, đã hạ cánh xuống sân bay Vladivostok vào buổi sáng và ba tiếng sau đó đã quay lại Bình Nhưỡng.
Hiện vẫn chưa rõ Kim Jong Un có trên máy bay hay không. Một nguồn tin ẩn danh nhận định với hãng tin Yonhap : « Có thể là các quan chức Bắc Triều Tiên đến Vladivostok để chuẩn bị cho chuyến đi của ông Kim dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông sẽ diễn ra vào tháng 9/2018 ».
Vào tháng 5/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông thường niên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng được mời. Điện Kremlin cho biết sẵn sàng tổ chức thượng đỉnh năm hoặc sáu bên, nếu ông Kim Jong Un đến Vladivostok để bàn về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bên lề hội nghị.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180710-chuyen-co-cua-kim-jong-un-xuat-hien-o-vladivostok
Bỉ: Bây giờ hoặc không bao giờ
Bỉ chỉ còn cách cúp vàng thế giới hai trận đấu nữa và rất nhiều chuyên gia đánh giá rằng đây là năm thích hợp nhất để Bỉ có thể vô địch World Cup, và Quỷ Đỏ sẽ rất khó để có cơ hội thứ hai tốt như thế này nữa.
Cách đây ít ngày, Bỉ đã xuất sắc vượt qua một trong những ứng viên sáng giá nhất của giải đấu là Brazil một cách đầy thuyết phục, thẳng tiến tới vòng bán kết.
World Cup 2018: Các con phố mang tên Tuyển Anh
Neymar-diễn viên xuất sắc hay cầu thủ bị ‘đốn’ nhiều nhất?
Nhật Bản: Hình mẫu lý tưởng cho VN?
Đối thủ của họ sẽ là một tuyển Pháp giàu sức trẻ và đang hừng hực khí thế để giành chiếc cup vàng thứ hai trong lịch sử.
Sẽ là một trận đấu vô cùng khó khăn cho các Quỷ Đỏ, nhưng các bạn hãy cùng với BBC Tiếng Việt điểm lại hành trình tham dự World Cup 2018 của Bỉ, và rất có thể bạn sẽ đồng ý rằng họ sẽ không chịu để lép vế trước người láng giềng của mình.
Ngay từ trước khi bóng lăn tại Nga, báo chí đã phải tốn rất nhiều giấy mực về quyết định triệu tập 23 cầu thủ cuối cùng của huấn luyện viên Roberto Martinez.
Ngôi sao đang đạt phong độ cao là Nainggolan không được triệu tập. Thay vào đó là một Fellaini không có phong độ tốt trong hai năm trở lại đây và thường chỉ ra sân từ băng ghế dự bị ở Manchester United.
Bên cạnh đó, Witsel và Carassco là những cầu thủ đang thi đấu tại giải Vô địch Quốc gia Trung Quốc cũng được triệu tập dù phong độ cũng không có gì nổi bật.
Một bất ngờ khác là thần đồng một thời của Manchester United, Adnan Januzaj, cũng có mặt trong danh sách 23 cầu thủ cuối cùng tới Nga dù phong độ của anh trong màu áo Real Solciedad năm vừa rồi cũng không có gì đáng chú ý.
Một cầu thủ chạy cánh khác là Nacer Chadli cũng được triệu tập dù anh mới chỉ thi đấu 6 trận mùa trước, và câu lạc bộ chủ quản của anh là West Brom đã phải xuống chơi ở giải hạng nhất của Anh. Thế anh nhưng vẫn được lựa chọn thay cho Jordan Lukaku vừa trải qua một mùa giải ấn tượng của Lazio.
Trong hai giải đấu bóng đá lớn gần nhất, World Cup 2014 và Euro 2016, Bỉ đều đã phải dừng chân ở vòng tứ kết sau khi để thua trước Argentina và Wales dù sở hữu một đội hình rất đồng đều.
Điều này lý giải rất nhiều cho việc vì sao các quyết định của HLV Martinez lại chịu nhiều sự quan tâm của dư luận đến như vậy.
World Cup: ‘Tiên tri bạch tuộc’ ở Nhật bị làm thịt
Croatia và một trang sử đen tối
Ở thời điểm hiện tại, nhờ có sự phát triển của nhiều trung tâm đào tạo trẻ trong nhiều năm vừa qua, Bỉ đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng, đang đạt độ chín của sự nghiệp, đồng đều ở cả ba tuyến. Có thể coi đây chính là thế hệ vàng của họ.
Tính đến thời điểm hiện tại, đội hình “đầy tranh cãi” này của Roberto Martinez đang là đội duy nhất ở giải đấu giành chiến thắng ở tất cả các trận (5 trận) và cũng là đội dẫn đầu danh sách “phá lưới” với 14 bàn thắng.
Sau 32 năm chờ đợi, kể từ World Cup 1986, đến năm nay Bỉ mới lọt tới vòng bán kết sau khi có hai trận đấu knock out đầy kịch tính trước Nhật Bản và Brazil.
Tiền đạo của Manchester United, Romelu Lukaku đang đạt phong độ cao với 4 bàn thắng từ đầu giải. Hỗ trợ cho anh là Hazard và Mertens cũng như được sự tiếp bóng từ “nhạc trưởng” Kevin De Bruyne.
Phần lớn các cầu thủ ở chủ chốt ở đội hình xuất phát của Bỉ hiện đang thi đấu tại giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh Premier League và cũng đều là hạt nhân ở các đội bóng.
De Bruyne là nguồn cảm hứng cho chức vô địch năm vừa rồi của Manchester City, còn một năm trước là Hazard và Courtois đóng vai trò đầu tàu khi Chelsea lên ngôi.
Kompany đã gây dựng được thương hiệu của mình khi nhiều năm liền làm đội trưởng của nửa xanh thành Manchester trong khi Vertonghen và Alderwerid đang là cặp bài trùng ở Tottenham, giúp đội bóng thi đấu thăng hoa trong những năm gần đây.
Tất cả những cầu thủ này đều đã thi đấu ấn tượng ở World Cup năm nay. Bên cạnh đó là những sựa lựa chọn “gây tranh cãi” từ đầu giải đấu cũng đã tỏa sáng giúp người hâm mộ có thêm niềm tin về khả năng dùng người của vị chiến lược gia 44 tuổi.
Fellaini và Chadli chính là hai người ghi bàn thắng quyết định trong chiến thắng 3-2 đầy nghẹt thở của Quỷ Đỏ trước Nhật Bản ở vòng 1/16.
Januzaj ghi bàn thắng duy nhất trong chiến thắng trước Anh ở vòng bảng, giúp Bỉ vững vàng ở ngôi đầu, còn Witsel là một lá chắn thép ở khu vực giữa sân.
Bên cạnh đó, trợ lý huấn luyện viên hiện tại của họ là Thiery Henry, một huyền thoại của bóng đá Pháp và chắc chắn đây sẽ là một lợi thế không nhỏ của Bỉ trong trận đấu bán kết sắp tới, khi họ gặp chính các chú gà trống Gaulois.
Đội tuyển Pháp ở thời điểm hiện tại cũng đang sở hữu nhiều nét tương đồng với Bỉ, đặc biệt là ở lứa cầu thủ trẻ tài năng và đồng đều. Vì vậy, chắc chắn người hâm mộ sẽ không thể bỏ lỡ trận đấu hấp dẫn này đươc.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Do cách sắp xếp nhánh đấu mà Bỉ đã rơi vào một nhánh khó hơn rất nhiều so với đội nhì bảng của họ là Anh.
Tuy nhiên, lịch sử của các kỳ World Cup gần đây cũng đã chứng minh được đội nào muốn vô địch phải hạ được hai đội là Brazil và Đức, mà Bỉ thì vừa mới tiễn Brazil về nước ngay vòng đấu trước.
Hơn nữa, Bỉ và Pháp là hai nước láng giềng, chính vì vậy các học viện bóng đá ở Bỉ có rất nhiều chuyên gia bóng đá Pháp và ngược lại.
Bản thân đội trưởng Eden Hazard đã có 7 năm thi đấu trong màu áo Lille, thuộc giải VĐQG Pháp (2 năm đào tạo trẻ, 5 năm thi đấu chuyên nghiệp), cộng thêm trợ lý Henry là huyền thoại của Pháp, cho nên chắc chắn Bỉ đã rất am hiểu đối thủ sắp tới của mình.
Bản thân hai “ông hàng xóm” này cũng đã gặp nhau tới 74 trận đấu, dù cho là trên mặt trận World Cup mới chỉ có hai lần đụng độ và Pháp là đội chiếm ưu thế về yếu tố lịch sử này khi giành chiến thắng ở cả hai lần vào năm 1938 và 1986.
Nhưng nếu so với đội hình của Bỉ trong quá khứ với đội hình tại thời điểm hiện tại là một sự khác biệt rõ ràng.
Những cầu thủ tài năng đang thi đấu “vào form” này đã nhận được rất nhiều kỳ vọng của người hâm mộ tuyển Bỉ trong nhiều năm qua về việc viết tên Bỉ lên trên bản đồ bóng đá thế giới.
Những ngôi sao như Lukaku, Hazard hay De Bruyne được kỳ vọng sẽ là những người có thể giúp Bỉ một lần chạm tay vào cúp vàng danh giá và chắc chắn việc quan trọng đầu tiên họ cần làm là phải tỏa sáng để vượt qua được hòn đá tảng rất lớn là tuyển Pháp trong vòng bán kết.
Nếu vượt qua được Les Bleus, đối thủ tiếp theo của Bỉ sẽ là tuyển Anh đang đạt phong độ cao nhưng lại bị các cầu thủ Bỉ quá am hiểu và bản thân HLV trưởng Martinez cũng đã có nhiều năm cầm quyền ở Premier League; hoặc là Croatia với hạt nhân là các cầu thủ tuyến giữa. Thế nhưng khu vực trung tuyến lại là sở trường của Bỉ nên chắc chắn Croatia sẽ khó có thể gây khó dễ cho De Bruyne và các đồng đội.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44760333
Thierry Henry ‘giằng xé’ trước trận bán kết
Trái tim của Thierry Henry “sẽ bị giằng xé” trong trận bán kết giữa đội tuyển Bỉ mà anh đang là trợ lý huấn luyện và đội tuyển Pháp quê hương của anh.
Bỉ và Pháp sẽ “sát phạt” nhau trong trận bán kết ngày hôm nay (10/7) để quyết định đội nào vào chung kết tranh chức vô địch với đội thắng trong trận bán kết Anh-Croatia diễn ra vào ngày mai (11/7).
Henry là một cầu thủ trong đội bóng giành chiến thắng tại World Cup 1998 khi Pháp là chủ nhà. Giờ đây anh là trợ lý cho huấn luyện viên Roberto Martinez của đội Bỉ và họ sẽ phải lên kế hoạch để có chiến thuật đánh bại đội Pháp.
Từng là thủ quân đội Pháp, Henry đã ghi 51 bàn trong 123 lần khoác áo đội tuyển Pháp tại các giải đấu quốc tế, và giành danh hiệu vô địch châu Âu năm 2000 cùng với Didier Deschamps, người đang dẫn dắt đội tuyển Pháp tại World Cup lần này.
“Đúng là hơi kỳ lạ khi thấy anh ấy ở bên đội tuyển Bỉ,” CNN trích lời thủ môn Pháp Hugo Lloris nói. “Tôi nghĩ trái tim anh ấy sẽ bị giằng xé, bởi vì trên hết anh ấy vẫn là người Pháp. Anh ấy đã sống những giây phút tuyệt vời trong màu áo đội tuyển Pháp. Anh ấy đã ghi nhiều bàn thắng nhất và là người đứng thứ 2 về số lần khoác áo đội tuyển.”
“Chúng tôi biết anh ấy, anh ấy có rất nhiều đam mê trong bóng đá và anh ấy sẽ cùng dẫn dắt đội Bỉ và làm mọi điều để giúp cho đội tuyển của anh ấy,” theo thủ môn đội Pháp.
Đây là lần đầu tiên sau 32 năm đội Bỉ lọt vào bán kết World Cup.
Cả hai đội Bỉ và Pháp đều trải qua những trận đấu khó khăn trước các đối thủ sừng sỏ Nam Mỹ để lọt vào vòng bốn đội cuối cùng. Pháp đánh bại Argentina 4-3 ở vòng 16 đội nhờ vào phong độ tuyệt vời của Kylian Mbappe, trong khi Bỉ có một trận thắng ấn tượng 2-1 trước Brazil trong vòng tứ kết.
“Khán giả xứng đáng được hưởng một trận cầu mãn nhãn,” CNN trích lời trung vệ Nacer Chadli của đội Bỉ nói trên trang web FIFA.com trước trận bán kết ngày 10/7.
“Nếu chúng tôi có thể đánh bại Brazil thì chúng tôi chẳng phải sợ ai cả, cho dù Pháp đang có một đội tuyển hoàn hảo.”
Trung vệ này còn cho biết “tất cả các cầu thủ cho rằng huấn luyện viên của chúng tôi ‘cao tay’ hơn về chiến thuật và tôi nghĩ khao khát chiến thắng của chúng tôi lớn hơn họ.”
https://www.voatiengviet.com/a/thierry-henry-giang-xe-truoc-tran-ban-ket/4476584.html
Lịch sử các trận bán kết World Cup của Bỉ và Pháp
Bỉ và Pháp sẽ gặp nhau trong trận bán kết Cúp bóng đá Thế giới tại sân Saint Petersburg hôm nay, 10/7.
Đây sẽ là lần thứ 2 Bỉ lọt vào vòng bán kết World Cup trong khi đây là trận bán kết thứ 6 của Pháp tại giải đấu lớn nhất thế giới của môn thể thao vua.
BỈ
Bỉ lần đầu tiên lọt vào bán kết ở giải đấu năm 1986 tại Mexico. Họ gặp Argentina trong trận đấu mà siêu sao Diego Maradona ghi cả 2 bàn thắng trong hiệp 2 để đưa Argentina đến chung kết và vô địch thế giới.
Hậu vệ Eric Gerets đánh giá đội hình của tuyển Bỉ năm 2018 tài năng hơn so với đội hình năm 1986 nhưng anh không tin rằng họ có được tinh thần thi đấu cao cho tới khi đội của anh thắng Brazil 2-1 trong trận tứ kết hôm 6/6.
Sau thất bại tại trận bán kết năm 1986, Bỉ gặp Pháp tại Puebla trong trận tranh hạng ba và họ bị thua 2-4 ở hai hiệp phụ dù đã dẫn bàn trước trong trận đấu.
Bỉ lọt vào vòng tứ kết ở giải World Cup 2014 ở Brazil nhưng hy vọng vào bán kết của họ bị Gonzalo Huguain của Argentina dập tắt bằng một bàn thắng duy nhất của trận đấu.
Có 15 cầu thủ của đội tuyển Bỉ năm 2014 đang có mặt trong đội hình hiện nay tại World Cup Nga sau khi tích lũy thêm kinh nghiệm trong 4 năm qua.
PHÁP
Pháp lần đầu tiên lọt vào vòng bán kết tại World Cup 1958, khi Just Fontaine lập kỷ lục vua phá lưới với 13 bàn thắng. Tuy nhiên họ bị Brazil đánh bại 2-5 tại giải vô địch thế giới ở Thụy Điển này bằng cú hattrick của Pele.
Tại giải vô địch thế giới ở Tây Ban Nha năm 1982, Pháp thua Tây Đức trong trận bán kết ở loạt đá penalty luân lưu. Trận đấu này nổi tiếng với pha vào bóng kiểu kungfu của thủ môn Đức Harold Schumacher làm Patrick Battison của Pháp chấn thương cột sống và gãy răng.
Bốn năm sau ở Mexico, Pháp lại tiến vào bán kết nhưng một lần nữa bị người Đức đánh bại với tỷ số 2-0.
Pháp giành chức vô địch World Cup tại giải đấu năm 1998 khi họ là nước chủ nhà sau khi đánh bại Croatia 2-1 trong trận bán kết, khi hậu vệ Lilian Thuram ghi cả 2 bàn thắng, nhưng hậu vệ nổi danh Laurent Blanc bị đuổi khỏi sân và đồng nghĩa với việc không được thi đấu trong trận chung kết với Brazil.
Huấn luyện viên Didier Deschamps của Pháp ở giải đấu này từng là thủ quân của đội Pháp tại World Cup 1998 khi họ lần đầu tiên được nâng chiếc cúp vô địch thế giới. Ông đang nỗ lực để đưa đội Pháp một lần nữa lọt vào trận chung kết và tìm kiếm cú đúp danh hiệu vô địch World Cup với tư cách cả là cầu thủ và huấn luyện viên.
Lần thứ 5 và gần đây nhất Pháp lọt vào bán kết là tại giải đấu năm 2006 khi quả đá phạt đền do Zinedine Zidane thực hiện đã đủ để giúp Pháp đánh bại Bồ Đào Nha ở tứ kết.
https://www.voatiengviet.com/a/lich-su-cac-tran-ban-ket-world-cup-cua-bi-va-phap/4476535.html