Tin Việt Nam – 09/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 09/07/2018

Giáo xứ miền Trung phản đối luật An ninh mạng

Nhiều cộng đồng Công giáo tại miền Trung Việt Nam xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối luật an ninh mạng hôm 8/7.

Khoảng 10.000 giáo dân giáo hạt Hòa Ninh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình sáng Chủ Nhật đã tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình, đồng thời tuần hành phản đối luật an ninh mạng và dự luật đặc khu.

Cuộc tuần hành diễn ra trong ôn hòa. Các giáo dân tay cầm cờ, tay giơ cao biểu ngữ mang thông điệp phản đối hai bộ luật, vừa đi vừa cầu nguyện.

Hàng ngàn giáo dân miền Trung tuần hành cầu nguyện

Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình

Bàn khả năng hoãn hoặc sửa Luật An ninh mạng

Cùng ngày, Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam cùng bà con giáo dân Giáo xứ Mỹ Khánh, Nghệ An cũng xuống đường tuần hành phản đối luật an ninh mạng.

Sáng sớm 8/7, Giáo xứ Mỹ Khánh đã có buổi cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

Giáo xứ trong và ngoài hạt Bảo Nham, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cũng tập trung về sở hạt hôm 8/7 để tham dự thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình của đất nước và phản đối luật an ninh mạng và dự luật đặc khu.

Tối 8/7, tại quảng trường Thánh Antôn, cộng đoàn Giáo xứ Phú Linh, Nghệ An cùng thắp nến, cầu nguyện cho hòa bình, công lý và tự do ở Việt Nam.

Hồi giữa tháng Sáu, hàng ngàn giáo dân thuộc các giáo xứ Song Ngọc, Văn Hạnh và Tiếp Võ đã xuống đường tuần hành cầu nguyện, phản đối luật an ninh mạng và luật đặc khu.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44764970

 

16 người biểu tình tại Long An

bị phạt với cáo buộc gây rối

16 người tham gia biểu tình tại khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vào ngày 12 tháng 6 phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh Tế và An ninh mạng bị xử phạt với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng.’

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 9 tháng 7. Theo đó, Công an huyện Thủ Thừa trong cùng ngày ra quyết định xử phạt hành chính đối với 16 người, mỗi người bị phạt 200 ngàn đồng với cáo buộc có hành vi gây rối trật tự công cộng, như chạy xe máy hò hét quanh các các nhà xưởng trong nhiều giờ liền, tại khu công nghiệp Hòa Bình.

Bên cạnh đó, còn có thêm 9 người khác cùng tham gia bị cơ quan điều tra yêu cầu cam kết giữ an ninh trật tự và không tái phạm.

Trước đó, Công an Thành phố Tân An, tỉnh Long An đã khởi tố 5 người tham gia trong cuộc biểu tình ngày 12 tháng 6 tại địa phương, với cáo buộc tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Trong những ngày đầu cho đến trung tuần tháng 6 vừa qua, hàng ngàn người dân, trong đó có giới công nhân đồng loạt biểu tình khắp các tỉnh, thành ở Việt Nam để phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

Các tỉnh, gồm Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành khởi tố đối với một số người tham gia biểu tình và phát tán thông tin liên quan biểu tình trên mạng xã hội phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Trong đó, Bình Thuận là địa phương có số người bị khởi tố đông nhất, 34 người liên quan đến cuộc biểu tình bạo động trong hai ngày 10 và 11 tháng 6.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/16-demonstrators-on-june12-in-long-an-accused-of-disrupting-socia-order-07092018084337.html

 

22 công nhân bị đuổi việc

 vì đi biểu tình ở Đồng Nai hồi tháng 6

Tổ chức Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do nằm ngoài sự cai quản của nhà cầm quyền CSVN vừa lên tiếng về sự việc 22 công nhân của công ty Việt Vinh 3 ở Đồng Nai bị đuổi việc, sau khi đi biểu tình chống luật đặc khu và luật an ninh mạng trong tháng 6 vừa qua.

Tin cho hay, vào ngày 13 tháng 6, hàng ngàn công nhân của công ty Việt Vinh 3 thuộc khu công nghiệp Song Mây, đóng tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tiếp nối các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Theo Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, nhà cầm quyền tỉnh Đồng Nai đã tìm mọi cách ngăn cấm, phong toả các ngả đường vào khu công nghiệp Song Mây, để người dân không thể hòa nhập cùng các công nhân và ngược lại. Chưa dừng lại đây, nhà cầm quyền đã ra lệnh cho công an và cảnh sát cơ động trấn áp, bắt bớ các công nhân một cách trái pháp luật.

Theo nguồn tin của Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, trong cuộc biểu tình ngày 13 tháng 6, có 22 công nhân thuộc công ty Việt Vinh 3 bị công an bắt giữ. Sau 2 ngày giam giữ, họ được thả ra. Nhưng mới đây, họ bất ngờ bị chủ công ty đuổi việc. Nguồn tin của Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do cho hay, đây là những công nhân đã đi đầu đoàn biểu tình và hô khẩu hiệu hăng hái nhất. Trong 22 công nhân này, có hơn 10 người quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh, số còn lại là dân Đồng Nai.

Theo Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, biểu tình hành động đúng đắn của công nhân, nhằm bày tỏ ý kiến của mình trước vận mệnh dân tộc, và cũng là trách nhiệm của công dân nước Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì bảo vệ và giúp công nhân được tự do biểu tình một cách ôn hoà, thì cơ quan công quyền tỉnh Đồng Nai lại tìm mọi cách ngăn cấm và đàn áp. Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do xác định sẽ đứng cùng công nhân để phản đối những bất công và những điều luật vô lý đe doạ an ninh quốc gia.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/22-cong-nhan-bi-duoi-viec-vi-di-bieu-tinh-o-dong-nai-hoi-thang-6/

 

Nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh

được bí mật đưa tới nơi an toàn

Một nhóm bạn hữu nhân lúc đêm tối đã đưa được nhà hoạt động nghiệp đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh rời khỏi Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, nơi nhà của cha cô bị một bọn côn đồ do công an địa phương bảo kê dùng gạch đá và vật liệu nổ tẩm xăng tấn công liên tục trong nhiều ngày qua.

Theo lời kể của người dùng Facebook Maria Ngọc hôm Thứ Bảy 7 tháng 7, bà cùng với hai nhà hoạt động khác là Đoàn Huy Chương và Nguyễn Thanh Hải đã khởi sự từ một địa điểm không được nêu tên ở miền Nam lúc 7 giờ tối. Họ đi qua Bà Rịa, dùng đường biển ra thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Từ đó họ nhắm hướng Phan Thiết, đi qua quốc lộ 28 đến Di Linh, Lâm Đồng lúc gần 1 giờ sáng.

Maria Ngọc cho biết nhóm của bà đã giải cứu thành công Đỗ Thị Minh Hạnh trước sự bao vây canh chừng của công an cùng côn đồ địa phương. Cuộc giải cứu được mô tả là “căng thẳng như đi hành quân”, và họ chỉ dám dừng chân lại để nghỉ sau khi qua đèo.

Gia đình cô Đỗ Thị Minh Hạnh ở Di Linh bị một nhóm chừng hơn chục người tấn công liên tiếp vào các ngày 24, 27 30 tháng 6 và 3 tháng 7. Gia đình đã báo cho nhà chức trách, nhưng cả công an thị trấn và công an huyện đều làm ngơ.

Các tổ chức nhân quyền như Ân Xá Quốc Tế và Human Rights Watch đều đã lên tiếng báo động về trường hợp của cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch, cho rằng giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng Bùi Văn Sơn phải đối diện với sự trừng phạt nghiêm khắc, vì cho phép những hành động như vậy xảy ra ngay trong địa phận thuộc quyền cai quản của ông ta.

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào ngày 22 tháng 6, một cư dân nổi tiếng khác ở tỉnh Lâm Đồng là chánh trị sự Hứa Phi của đạo Cao Đài, đã bị tổn thương cột sống và nội tạng sau khi bị công an giả dạng côn đồ ập vào nhà hành hung.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-do-thi-minh-hanh-duoc-bi-mat-dua-toi-noi-an-toan/

 

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi

trả tự do cho 3 nhà hoạt động dân chủ

Ân xá Quốc tế (AI) hôm 9/7 lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho 3 nhà hoạt động dân chủ thuộc phong trào Chấn hưng nước Việt. Lời kêu gọi được đưa ra 1 ngày trước khi diễn ra phiên toà phúc thẩm 3 nhà bảo vệ nhân quyền bị chính phủ Hà Nội kết án với mức cao nhất 8 năm tù giam vào hồi cuối tháng 01/2018 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Những bản án tù đối với ba người vừa nêu được cho có liên quan đến những hình ảnh, video, bài viết đưa lên mạng xã hội.

Trong thông báo được đưa ra, Ân xá Quốc tế cáo buộc chính sách đàn áp của chính phủ Hà Nội đối với tất cả những cá nhân bất đồng chính kiến. Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc là 3 trong số những nạn nhân của chính sách đàn áp bị cho là đáng hổ thẹn như thế, mặc dù họ chỉ hoạt động với mục đích ôn hoà thông qua việc sử dụng mạng xã hội để nêu lên những vấn đề về hỗ trợ quyền bảo vệ con người và công bằng xã hội tại Việt Nam. Đặc biệt, Ân xá Quốc tế yêu cầu Việt Nam chấm dứt ngay các điều luật nhằm đáp áp, khởi tố và trừng phạt những nhà hoạt động dân chủ bằng cách miễn mọi tội danh và phóng thích ngay 3 nhà hoạt động này tại phiên toà phúc thẩm vào ngày 10/7.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm vào hồi đầu năm nay, Vũ Quang Thuận bị kết án 8 năm tù giam, Nguyễn Văn Điển bị 6 năm rưỡi và Trần Hoàng Phúc 6 năm tù giam với các tội danh ” xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của lãnh đạo đảng trên mạng internet “.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/to-chuc-an-xa-quoc-te-keu-goi-tra-tu-do-cho-3-nha-hoat-dong-dan-chu-07092018084521.html

 

Ngoại trưởng Mỹ

nêu vụ công dân Will Nguyen bị bắt ở VN

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong chuyến thăm tới Việt Nam đã nêu vấn đề một công dân Mỹ bị bắt giữ với các quan chức cao cấp nước chủ nhà.

Cái tên William Anh Nguyen được nhắc tới trong các cuộc họp tại Hà Nội hôm thứ Hai, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói.

Mỹ thúc giục Bắc Hàn chọn ‘cách thức VN’

Dân biểu Mỹ: ‘Trả tự do cho Will ngay lập tức’

Công dân Mỹ Will Nguyễn bị khởi tố ‘vì biểu tình’

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam sau khi có hai ngày thảo luận bị cho là ‘lạnh nhạt’ ở Bình Nhưỡng trong chuyến công du mà ông dự định sẽ nhằm thuyết phục ông Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân.

“Ngoại trưởng cũng đã nêu lên trường hợp William Nguyen và thúc giục có giải pháp nhanh chóng cho trường hợp này,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói trong một tuyên bố.

Báo chí Việt Nam gọi Will Nguyen là ‘William Anh Nguyen’ và cho biết người này bị bắt hồi tháng trước tại TP Hồ Chí Minh.

Sau khi bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế, Will Nguyen bị công an TP Hồ Chí Minh hôm 15/6 khởi tố với tội danh “tụ tập gây rối trật tự công cộng”, và đã bị ghi hình thúc giục người khác trèo qua rào chắn, Thông tấn xã Việt Nam nói.

Đoạn video clip về Will Nguyen được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy trên đầu người này đầy máu trong cuộc biểu tình hồi tháng Sáu.

Chính phủ Việt Nam bác bỏ việc dùng vũ lực với Nguyen, và đã để các viên chức lãnh sự Mỹ vào thăm ở nơi giam giữ.

Ông Nguyen sau khi bị bắt đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước tỏ ‎ý ‘hối tiếc’ về các hành động của mình, tuy một số nhà phân tích cho rằng lời xin lỗi này rất có thể đã bị ép buộc.

Trang tin Asia Times nói rằng đã có đồn đoán rằng ông Pompeo đã bàn riêng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Will Nguyen trong cuộc gặp gỡ hôm Chủ Nhật, nhưng hiện chưa có chỉ dấu nào cho thấy công dân người Mỹ này sẽ sớm được thả hoặc được cho về Mỹ.

Asia Times cũng nhắc tới đồn đoán rằng hồi cuối tháng Sáu, câu chuyện Will Nguyen đã được bàn thảo trong chuyến đi của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tới Washington, nơi ông đã gặp Ngoại trưởng Pompeo và Thứ trưởng John Sullivan cùng Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mira Ricardel.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44760332

 

Nhân quyền ‘biến mất’ khỏi Facebook của Đại sứ Mỹ,

gây tranh cãi

Một bài trên trang Facebook chính thức của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đang gây ra nhiều tranh cãi khi cư dân mạng nhận thấy có sự bất nhất về nội dung nói đến nhân quyền và pháp quyền.

Bài của Đại sứ Kritenbrink được đăng vào khoảng 9h30 tối hôm 8/7, giờ Hà Nội, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ nhiều đại diện doanh nghiệp tại một khách sạn ở thủ đô Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông.

Đại sứ Mỹ cho hay trong bài trên Facebook của ông: “Tại buổi gặp gỡ các doanh nhân, Ngoại trưởng Pompeo đã khẳng định rằng: ‘Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng… Một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở mang tính sống còn cho sự tăng trưởng thương mại liên tục giữa hai nước chúng ta.’”

Ngay dưới nội dung tiếng Việt là phần lời bằng tiếng Anh, mà theo ảnh ghi lại màn hình bài viết ban đầu của ông Kritenbrink do chính VOA chụp, có thể dễ dàng nhận thấy có sự bất nhất.

Khoảng 3 tiếng sau khi bài được đăng, bắt đầu có những phàn nàn từ một số người rằng phần tiếng Việt bị thiếu.

Nhà hoạt động trẻ được nhiều người biết tiếng Nguyễn Anh Tuấn lên tiếng đầu tiên. Anh nêu ý kiến: “Bạn nào bên sứ quán dịch thiếu rồi”, với hàm ý rằng có thể không phải chính Đại sứ Kritenbrink viết và đăng bài trên Facebook mà do đội ngũ nhân viên của ông thực hiện.

Tiếp đến, anh Tuấn bổ sung các cụm từ còn thiếu để phần tiếng Việt hoàn toàn tương đương với phần tiếng Anh, đó là “vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng, đóng góp cho an ninh toàn cầu, và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền…”

Kể từ khi nhà hoạt động trẻ chỉ ra phần dịch thiếu, cho đến tối 9/7, hàng chục người sử dụng Facebook đã dồn dập gửi đến những lời bình luận và câu hỏi bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho đại sứ Mỹ về sự không nhất quán này.

Cảm ơn bạn đã báo động cho chúng tôi về lỗi dịch thuật trong bản tiếng Anh trong bài gốc đăng trên Facebook của chúng tôi. Phần lời văn tiếng Việt trong bài đó phản ánh đúng bài diễn văn đã được đọc

Đại diện Đại sứ quán Mỹ

Facebooker Bao Trung Nguyen có lượng người theo dõi đông đảo viết “Đến fb [Facebook] của ngài đại sứ mà cũng tự kiểm duyệt”.

Một số người khác liên kết sự việc này với Luật An ninh Mạng của Việt Nam mới được thông qua và bị nhiều chỉ trích. Họ đưa ra bình luận mỉa mai rằng đến cả đại sứ quán Mỹ mà cũng “sợ” Luật An ninh Mạng và dịch thiếu những lời đề cập đến nhân quyền.

Cùng lúc, không ít người đặt ra nghi vấn về những nhân viên người Việt trong đại sứ quán. Facebooker có tên Nguyễn Bảo viết: “Có VC [Việt Cộng] ở trong sứ quán tham gia bộ phận PR [public relations – quan hệ công chúng] hay sao mà cứ thấy chữ human rights [nhân quyền], the rule of law [pháp quyền]… là cắt, không dịch?!”

Facebooker khác, Thach Vu, góp ý bằng tiếng Anh rằng đại sứ quán Mỹ cần rà soát nghiêm chỉnh đội ngũ những người dịch. “Ở mức độ nhẹ, họ đã không làm tốt công việc. Ở mức độ nghiêm trọng, họ thực hiện các chỉ thị của VCP [Vietnamese Communist Party – Đảng Cộng sản Việt Nam] Ở BÊN TRONG Đại sứ quán Mỹ”, người này viết.

VOA đã liên lạc bằng email với văn phòng của Tùy viên báo chí Đại sứ quán Mỹ để hỏi về nguyên nhân của sự việc này, và hôm 9/7, nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Cảm ơn bạn đã báo động cho chúng tôi về lỗi dịch thuật trong bản tiếng Anh trong bài gốc đăng trên Facebook của chúng tôi. Phần lời văn tiếng Việt trong bài đó phản ánh đúng bài diễn văn đã được đọc”.

Trong email trả lời, văn phòng báo chí của Đại sứ quán cũng cung cấp đường link đến bài phát biểu bằng tiếng Anh của Ngoại trưởng Pompeo, được đăng trên cả hai trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ và phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam. Văn phòng nói thêm rằng nội dung đầy đủ bằng tiếng Việt sẽ được đại sứ quán đăng lên sớm.

Theo những gì được đăng trên hai trang web kể trên, trong phần cuối bài phát biểu này, ông Pompeo chỉ nói: “Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc vì một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia vào thương mại công bằng và đối ứng”.

Một câu trả lời tương tự như những gì gửi đến VOA cũng được đại sứ quán đăng vào phần bình luận bên dưới bài gây tranh cãi của Đại sứ Kritenbrink vào sáng 9/7, giờ Hà Nội. Cùng với đó, đoan văn nói về “đóng góp cho an ninh toàn cầu, và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền” cũng bị xóa khỏi phần lời tiếng Anh.

Động thái này và câu trả lời ngắn ngủi dường như không những không giải đáp được các thắc mắc của các Facebooker, mà thậm chí còn làm nảy sinh những câu hỏi mới và những ý kiến gay gắt hơn.

Một người có tên Đỗ Minh trên Facebook viết một cách hài hước: “Hahaha 8 giờ sáng nay ngày 09/7/2018: Admin [quản trị viên] của facebook Đại sứ và facebook U.S. Embassy in Hanoi [Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội] đã đồng loạt sửa status [dòng trạng thái] đăng ngày hôm qua. Họ chỉ để lại đoạn ngắn, đơn giản, hữu nghị…”

Ở mức độ nhẹ, họ đã không làm tốt công việc. Ở mức độ nghiêm trọng, họ thực hiện các chỉ thị của VCP [Đảng Cộng sản Việt Nam] Ở BÊN TRONG Đại sứ quán Mỹ

Facebooker Thach Vu

Trong khi đó, một số Facebooker khác bày tỏ “thất vọng” nếu đích thân Đại sứ Kritenbrink tự sửa bài. Có người dùng những từ ngữ nặng nề như “hèn yếu” dành cho nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Việt Nam. Họ đặt câu hỏi tại sao ông hoặc nhân viên của ông xóa nốt “human rights” [nhân quyền] và “the rule of law” [pháp quyền] khỏi nội dung liên quan đến bài phát biểu của ngoại trưởng Pompeo, hay phải chăng “sống cùng những người cộng sản” đến cả những “người ngay thẳng” cũng trở thành những “kẻ nói dối”.

Tuyên bố hôm 9/7 của bà Heather Nauert, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, về các chủ đề chính thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày của ông Pompeo không thấy nhắc tới nhân quyền.

Tuy trong hơn một thập niên trở lại đây, Việt Nam và Mỹ thực hiện nhiều cuộc đối thoại nhân quyền, song hai bên chưa giảm được nhiều khác biệt về quan điểm và đây vẫn là chủ đề gai góc trong quan hệ hai nước.

Các báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ thường xuyên đánh giá Việt Nam không tự do về chính trị, nhiều hạng mục thuộc quyền con người ở Việt Nam không được tôn trọng.

Ngược lại, Hà Nội luôn bác bỏ các báo cáo của Mỹ và đề nghị Washington cần “có đánh giá khách quan” cũng như “không can thiệp vào công việc nội bộ” của Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/nhan-quyen-bien-mat-khoi-facebook-cua-dai-su-my-gay-tranh-cai/4474892.html

 

Sai phạm trong quản lý đất đai tại Đà Nẵng

Trong báo cáo của Hội đồng Nhân dân Thành Phố Đà Nẵng về kết quả giám sát chuyên đề đối với hoạt động đầu tư công từ 2003 đến 2017, thành phố này còn thừa hơn 14 ngàn 500 lô đất tái định cư; trong khi đó người dân mất đất sản xuất, mất việc làm.

Báo cáo thừa nhận cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực chưa sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2003 đến 2014, phần lớn nguồn lực đầu tư cho khai thác quỹ đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư; tiếp đến là lĩnh vực giao thông công chính. Các lĩnh vực khác như văn hóa xã hội, y tế, giáo dục… tỉ lệ đầu tư còn thấp.

Cũng theo báo cáo này, phần lớn dự án tái định cư chủ yếu tập trung phân lô đất ở, còn các chỉ tiêu đất dành cho cây xanh, công trình giao thông, thiết chế văn hóa, tiện ích công cộng… chưa đúng quy chuẩn hiện hành.

Báo cáo cho biết thêm trên địa bàn có nhiều dự án dở dang đã nhiều năm do việc giải tỏa bàn giao mặt bằng kéo dài, thậm chí có những dự án, các tuyến đường chỉ vướng một vài hộ nhưng không giải tỏa được làm ảnh hưởng tiến độ thi công.

Tính đến tháng 6/2018, toàn thành phố Đà Nẵng còn 267 dự án dở dang liên quan đến công tác giải tỏa đền bù.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/danang-land-mismanagement-07092018104301.html

 

Dân phản đối thi công lưới điện 500kV

Người dân cư ngụ tại xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam vào chiều ngày 9 tháng 7 tiến hành giăng dây, đóng cọc, chặn xe thi công trên đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Lý do phản đối của người dân được truyền thông trong nước cho biết do công tác thi công tuyến đường cao tốc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ qua việc di chuyển đường dây điện 500 kV Bắc – Nam đi sát nhà dân, người dân phải sinh sống dưới lưới điện là vô cùng nguy hiểm. Thêm vào đó là nhà cửa, đất đai, hoa màu đã được kiểm đếm lập biên bản từ tháng 1/2017 nhưng đến nay không giải quyết đền bù cho dân.

Trước đây đã từng xảy ra các vụ chặn xe thi công do người dân tại địa phương này không đồng tình với việc đền bù khi giải phóng mặt bằng. Tin nói sau khi cơ quan chức năng thuyết phục, người dân trở về nhà.

Đường dây điện 500kV Bắc – Nam là công trình đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.487 km, kéo dài từ Hòa Bình đến Thành phố Hồ Chí Minh nhằm truyền tải lượng điện năng từ cụm các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà; nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình ở miền Bắc, cung cấp cho miền Nam và miền Trung.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/local-people-prevent-construction-in-quang-nam-province-07092018102346.html

 

Nông dân bỏ ruộng, thanh niên bỏ làng lên thành phố

Dọc tuyến đường quốc lộ 1A thuộc huyện Bắc Bình, chỉ nhìn thấy nhiều bãi đất khô cằn. Những bãi đất mênh mông thả vài con bò, có nơi không bóng dáng một cây ăn trái nào. Chúng tôi dừng ven đường gặp một nông dân, ông này đang phải cởi trần để bớt đi cái nắng oi ả của mùa hè. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông cho biết rằng gia đình ông và đa số các gia đình khác trong vùng đã bỏ nghề trồng lúa:

Làm lúa nó không có phát triển, làm nó không có lời, do đó họ muốn dần dần họ bỏ nó đi để họ trồng thanh long lại.

Cùng với nhận định trên, một trong số ít người sót lại còn đang trồng lúa trong vùng, bà cũng cho chúng tôi hay:

Mấy năm người ta làm thâm nợ người ta bỏ hết à, bây giờ làm lỗ nhiều người ta cũng bán đất cho mấy người ở đâu xa xa tới, đại gia đổ mặt bằng.

Trải qua nhiều năm vất vả với nghề này, bà cho biết cái khó của người trồng lúa ở đây chủ yếu là bị thời tiết làm mùa màng thất thu.

Ở đây làm cũng khó lắm, có lúc không có nước phải đi tháo nước khổ lắm, cực lắm. Còn mưa xuống thì nó ngập lụt. Có lúc nhiều lần phải gieo 4 lần giống, cái năm vừa rồi chị gieo 4 lần giống mới được một vụ.

Sông ngòi tại Bình Thuận đều ngắn, lượng nước không điều hòa, mùa mưa thì nước sông chảy mạnh, mùa nắng làm sông bị khô hạn. Diện tích đồng bằng phù sa ở Bình Thuận chỉ có hơn 9%, phần còn lại là đất cát và đồi núi.

Những người nông dân này cho biết vì giá lúa gạo xuống thấp, người nông dân có cố lấy công cũng khó mà làm lời được nữa nên đành phải bán dần đất đai hoặc bỏ hoang đất ruộng.

Làm lúa nó không có phát triển, làm nó không có lời, do đó họ muốn dần dần họ bỏ nó đi để họ trồng thanh long lại. 

– Nông dân

Mấy năm rồi lúa rẻ người ta trồng đâu có lời đâu, một sào ai làm cho giỏi đầu tư chăm sóc cho kỹ, vụ nào không có bệnh thì mới kiếm được một sào một triệu. Nếu mà ấy thì lỗ, thành thử người ta bỏ hết, ít người làm.

Dù đã thử trồng loại cây ăn trái để kiếm thu nhập, cũng không thành công nên nhiều nhà phải chặt bỏ.

Thí dụ người ta muốn trồng ổi hay mãng cầu gì thì đầu thu nó ít. Người ta không có bán được. Thí dụ bán rẻ quá một phần, đem chợ người ta bán thì lẻ tẻ…biết chừng nào cho hết. Thành thử người ta không có trồng là vậy.

Bây giờ người ta trồng xoài nhưng bây giờ xoài người ta chặt bỏ hết rồi. Người ta không làm nữa, lâu lắm…

Xoài bữa nay là lỗi thời rồi, bữa nay họ dùng thanh long là chủ lực rồi.

Người dân Bình Thuận được biết đến với những vườn thanh long bạt ngàn, hiện tại đang là loại cây phù hợp nhất được nhiều người nông dân lựa chọn. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai không thuộc dạng trù phú như các vùng đồng bằng rộng lớn nên ở đây người ta khó khăn khi lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi. Và thị trường tiêu thụ các loại cây ăn trái nhìn chung cũng không thể cạnh tranh với cây ăn trái ở những vùng đồng bằng lớn như đồng bằng sông Cửu Long nên bán rất chậm.

Khu chỗ này không trồng được gì hết, chỉ làm ruộng thôi. Có muốn làm thanh long cũng không được, ngập không à. Đó, bây giờ thấy vậy chứ mưa xuống một cây là trên đây nước tràn về, trên núi nước tràn về, rồi, ngập, không làm gì được hết. Không trồng được gì đâu.

Người đàn ông này cũng có một thời gian chăn nuôi bò thịt, nhưng cũng phải bỏ vì không có đất thả bò, với lại thu nhập ngày càng đi xuống. Ông lại quay về với cây thanh long.

Hết rồi, bò thì nó hết rồi. Thí dụ như cháu có đất, đất nhà chú tới đây, đất cháu tới đây, dòng bò cháu bước qua bên chú cũng không được, chú bước qua bên cháu cũng không được. Nó khổ vậy. Bữa nay họ chỉ nuôi 1-2 con vậy để lấy phân thôi. Chứ bò đàn ngày xưa mỗi một chủ là vài ba chục con, cả trăm con; bữa nay là họ bán hết. Ở đây xét ra là tuyệt chủng bò nè. Hồi xưa trước kia chú làmột người lái bò – bò thịt á. Nhưng mà nghề bò thịt không ăn nữa mà hết rồi. Chú mới quay lại chú làm thanh long.

Không có thanh niên nam nữ đâu, đi thành phố làm hết còn mấy người già không thôi. Có làm ăn gì được đâu mà ở.

– Nông dân

Còn người phụ nữ này, cũng đã thất bại với công việc buôn bán. Bà từng mở quán nước nhưng dân cư thưa thớt, nông dân lại nghèo nên cũng chẳng có tiền mà uống nước hay cà phê mỗi sáng, khách vãng lai thưa thớt nên việc kinh doanh này cũng gặp thất bại.

Bán nước mía bán thuốc đồ đó, bán dọc đường nè, bán nước ngọt cà phê đồ đó nhưng mà cũng không ăn, cũng dẹp luôn. Nghèo quá tiền đâu ăn? Còn khách vãng lai thì lâu lâu mới ghé người ta đi đâu có đâu mà nhiều.

Bức tranh ảm đạm của một vùng quê thuộc Bình Thuận cũng đã phản ánh được phần nào đời sống của người nông dân nơi này. Họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Điều kiện kinh tế cũng chẳng khả quan hơn. Những yếu tố đó làm cho người dân phải bỏ xứ đi xa để mưu sinh, nhiều nhất là tầng lớp thanh niên.

Bây giờ ở đây thanh niên đi thành phố làm hết rồi, không có thanh niên đâu. Không có thanh niên nam nữ đâu, đi thành phố làm hết còn mấy người già không thôi. Có làm ăn gì được đâu (mà) ở. Ở đây cái chỗ này là khổ nhất á.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/farmers-leave-their-farms-while-youth-leave-hometown-for-jobs-in-cities-07092018082533.html

 

Bộ trưởng TT-TT lại kêu gọi kiểm soát thông tin mạng

Các đơn vị liên quan đến truyền thông, thông tin Việt Nam cần quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, cũng như xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý, cung cấp, và sử dụng dịch vụ internet.

Đây là nội dung được ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam nhấn mạnh trong buổi sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm 2018 được diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 9 tháng 7.

Tại cuộc họp, ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có yêu cầu các Sở Thông tin – Truyền thông các tỉnh thành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ để quản lý chặt thông tin trên các trang mạng.

Theo lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tính đến hết tháng 6, Facebook và Google đã đồng ý gỡ bỏ 8.000 video clip và đường link bị cho vi phạm pháp luật Việt Nam. Google đã ngăn chặn và và gỡ bỏ gần 6.700 trên 7.800 video được yêu cầu xóa khỏi Youtube và 6 kênh Youtube bị chặn hoàn toàn. Phía Facebook cũng đồng ý gỡ bỏ 1.000 đường link trong số 5.500 đường link mà chính phủ Hà Nội yêu cầu.

Liên quan đến Formosa và những nội dung được cho là tuyên truyền, chống phá Đảng và nhà nước, Youtube đã bỏ gần 300 video, Facebook đã xóa 137 tài khoản.

Một nội dung khác cũng được nêu ra là Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã tạm ngừng cấp phép cơ quan báo chí mới trước khi Quy hoạch báo chí chưa được ban hành.

Theo đó thì Bộ tiếp tục cấp phép bản điện tử cho các tòa báo in, nhưng phải tuân theo Luật báo chí là bản điện tử và bản in phải có 1 ban biên tập và 1 tổng biên tập riêng, không được gộp chung bộ phận quản lý cho cả 2 phiên bản.

Đồng thời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng xác nhận trong buổi sơ kết rằng việc quản lý về những thông tin đăng tải vẫn còn nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều tòa báo và nhà báo vi phạm pháp luật và gây tác động xấu đến xã hội, đặc biệt là các trang báo mạng.

Vào ngày 9 tháng 7, ông Trương Minh Tuấn cũng nói đến Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua lại 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn Toàn cầu AVG bị thanh tra chính phủ kết luận là gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Tuấn cho biết sau khi Bộ Truyền thông Thông tin chỉ đạo quyết liệt, hiện tại MobiFone đã thu hồi toàn bộ số tiền thanh toán khi mua AVG, bao gồm cả chi phí phát sinh, lãi suất, chi phí cơ hội… mà AVG phải hoàn trả.

MobiFone là công ty dịch vụ điện thoại di động do Bộ Thông Tin và Truyền Thông là cơ quan chịu trách nhiệm chủ quản và đại diện chủ sở hữu.

Vào năm 2015, MobiFone ra chiến lược đầu tư vào truyền hình nên đến tháng 1 năm 2016, MobiFone chính thức ra quyết định mua cổ phần công ty AVG.

Vụ việc này bị Trung ương đảng cộng sản Việt Nam cho là một vụ án tham nhũng lớn, tuy nhiên đến nay cựu Bộ trưởng Thông Tin – Truyền Thông là ông Nguyễn Bắc Son và đương kim Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dù bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản kết luận là có sai phạm nghiêm trọng trong vụ MobiFone mua AVG nhưng cho đến giờ vẫn chưa bị xử lý kỷ luật

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/strict-management-of-info-on-social-networks-07092018083940.html

 

VN: Nguy cơ thiệt hại vì chiến tranh thương mại

Giới phân tích cho rằng Hà Nội cần gấp rút cải cách kinh tế để đối phó với chiến thương mại toàn cầu do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.

Việt Nam tự hào là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, dân chúng lạc quan và ổn định chính trị, theo một bài viết mới đây trên Nikkei Asia.

Các khoản đầu tư lớn từ các công ty đa quốc gia như Samsung Electronics hay Nestle đang biến Việt Nam thành một xưởng sản xuất khổng lồ và giúp nâng cao mức sống.

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là gì?

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ‘bất phân thắng bại’

Mỹ và TQ khai hỏa cuộc chiến thương mại

Vào tháng Năm, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “Ổn định” do dự trữ ngoại hối tăng kết hợp với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, theo trang tin chinhphu.vn.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực này đều ‘không đấu lại’ chiến tranh thương mại của Donald Trump đang ngày càng làm cho mọi việc suy yếu đi, tác giả William Pesek bình luận trên Nikkei Asian Review.

Liệu một nước châu Á nhỏ bé, mở cửa và dựa vào xuất khẩu có thể sống sót sau cuộc tấn công thương mại toàn cầu của Mỹ và những cuộc trả đũa của Trung Quốc?

Các mối nguy

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến sức ép hàng Trung Quốc trở nên ‘khủng khiếp’ đối với thị trường Việt Nam, theo Tuổi Trẻ.

Khi bị Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa, Trung Quốc sẽ xả hàng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Nguy cơ hàng trăm nghìn doanh nghiệp sẽ tạm ngừng sản xuất, “người lao động mất việc khi hàng Trung Quốc phá giá vào Việt Nam”, ông Đỗ Phương An, giám đốc công ty sản xuất thương mại kết cấu thép Hà Dương, được Tuổi Trẻ trích lời, cho hay.

Ông An cho rằng các doanh nghiệp nhỏ sản xuất trong nước không thể chống chọi, cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.

Ví dụ như thép Trung Quốc hồi tràn sang Việt Nam năm 2015, giá nhập chỉ bằng 60-70% so với giá xuất kho của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Về lĩnh vực nông nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phát biểu trên Tuổi Trẻ rằng hàng triệu nông dân Việt Nam sẽ bị thua thiệt do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ hơn 3% so với đồng đô la.

Hơn nữa, “Trung Quốc có thể lấy Việt Nam là nơi trung chuyển để ‘tuồn’ hàng Trung Quốc sang Mỹ, né áp thuế cao,” theo ông Hiếu.

Nếu Việt Nam không kiểm soát được tình trạng này, Mỹ có thể sẽ trừng phạt, áp thuế, thậm chí không nhập hàng hóa từ Việt Nam.

‘Hành động gấp’

Trong bối cảnh đó, Hà Nội cần gấp rút thực hiện các cải cách về kinh tế để tránh bị đè bẹp bởi chiến tranh thương mại toàn cầu do Trump khởi xướng, theo tác giả bài báo trên Nikkei Asian Review.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã yêu cầu các bộ ngành tăng cường giám sát thị trường nhằm giảm thiểu những tác động không mong muốn.

Tuy nhiên, thuế quan của Trump chỉ là một trong số các mối đe dọa rõ ràng nhất đối với sự ổn định kinh tế và xã hội của nền kinh tế lớn thứ sáu của Đông Nam Á.

Hai mối nguy nữa là: sự giận giữ của người dân trước bành trướng của Trung Quốc và cuộc đàn áp của chính quyền trên không gian mạng.

Hàn Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Hồi tháng Sáu, xuất khẩu sang Hàn đã giảm 0.1% sau khi tăng 13,2% vào tháng Năm.

Nhưng cũng có lập luận rằng ngay cả trước khi Washington công bố chính sách thuế quan, các kinh tế gia từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tìm kiếm một kế hoạch B khi chi phí ở thị trường Trung Quốc tăng cao.

Sự bất ổn của thị trường Trung Quốc có thể thúc đẩy các doanh nghiệp chạy sang các thị trường ổn định hơn, chi phí cạnh tranh thấp hơn, như Việt Nam.

Điều này khiến chính quyền của ông Phúc phải tìm cơ hội sống còn hơn bao giờ hết qua cải cách cơ cấu, bao gồm củng cố các định chế tài chính; thay thế các doanh nghiệp nhà nước èo uột bằng một khu vực tư nhân sôi động; kiềm chế tín dụng đen; tự do hóa hạng mục vốn; tăng tính minh bạch.

Ngoài ra, cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực để xây dựng cộng đồng khởi nghiệp mới của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam phải “cẩn thận quản lý thận trọng giới bất đồng chính kiến để tránh lặp lại các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tháng 5/2014 đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn”.

Ngoài ra, Liên minh Internet châu Á cảnh báo Luật An ninh mạng có thể cản trở tham vọng tăng trưởng GDP và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, theo phân tích trên Nikkei Asian Review.

Cuộc chiến thương mại toàn cầu

Từ ngày 6/7, Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên hàng hóa trị giá 34 tỉ đô la của Trung Quốc.

Trung Quốc lập tức trả đũa bằng cách cũng áp thuế 25% lên hàng hóa trị giá 34 tỉ đô la của Mỹ – từ ô tô tới nông phẩm.

Giới quan sát cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu một cuộc chiến thương mại, và không ai biết là tình hình sẽ dẫn tới mức độ tồi tệ tới đâu.

Theo Karishma Vaswani, phóng viên chuyên về kinh tế Á châu viết cho BBC, nếu nhìn lại lịch sử, thì các cuộc chiến tranh thương mại trong quá khứ từng dẫn tới tình trạng trì trệ kinh tế.

Tâm lý ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Washington có thể dẫn đến việc cả hai bên đối đầu nhau tới mức không thể xuống nước để ra khỏi vị thế thù nghịch mà không bị mất mặt.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44761812

 

Việt Nam tham gia Hiệp định

chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp

Chính phủ Hà Nội đồng ý để Việt Nam tham gia Hiệp Định Về Biện Pháp Quốc gia Có Cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO. Hiệp định được viết tắt theo tiếng Anh là PSMA.

Tin cho biết Bộ Nông Nghiệp- Phát Triển Nông Thôn Việt Nam được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Hiệp Định PSMA theo đúng các qui định hiện hành.

Vào tháng 10 năm 2017, Liên Minh Châu Âu chính thức phạt thẻ vàng đối với Việt Nam về hoạt động bị cho khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý- IUU. Gần chục khuyến cáo được yêu cầu phía Việt Nam phải tiến hành khắc phục.

Vừa qua quyết định này của EU được triển hạn thêm 6 tháng sang đầu năm 2019, sau khi một phái đoàn của Ủy Ban Châu Âu đến Việt Nam để xem xét các biện pháp khắc phục mà Hà Nội thực hiện trong thời gian qua.

Bộ Nông Nghiệp- Phát Triển Nông Thôn Việt Nam thừa nhận việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác của Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng; hệ thống giám sát tàu cá hiện chưa được đầy đủ theo yêu cầu.

Thống kê cho thấy Việt Nam hiện mới có chừng 3 ngàn tàu cá trên tổng số 110 ngàn chiếc trên cả nước được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-joins-psma-07092018102417.html

 

Du học sinh Việt ‘bị dụ’ trồng cần sa tại Úc

Số lượng các băng nhóm tội phạm người Việt bị phát hiện trồng cần sa bất hợp pháp đang gia tăng tại các tư gia nằm ở ngoại ô trên khắp nước Úc.

Nhà chức trách cho biết các chiêu sản xuất cần sa tại gia đang ngày càng gia tăng ở Úc mạnh hơn bất kỳ phương cách nào khác, theo VOA News.

Cảnh sát Úc cho rằng thực trạng trồng cần sa tại nhà hiện đang lan rộng hơn rất nhiều so với ước lượng trước đây của cảnh sát. Các nhà điều tra nói rằng các băng nhóm tội phạm có tổ chức gốc Việt đang điều hành các vụ mua bán cần sa bất hợp pháp trị giá nhiều tỷ đôla.

Đáng lo ngại là các đường dây này lại dụ dỗ các thanh niên Việt Nam vào con đường phạm tội. Các em đến Úc bằng con đường du học hoặc du lịch và được hứa hẹn sẽ kiếm được hàng nghìn đôla.

Ông Peter McErlain, trưởng giám sát Đội Chống Ma túy và Vũ khí của bang New South Wales, cho biết, việc trồng cây cần sa là một phần của mạng lưới buôn lậu ma túy bất hợp pháp.

Ông nói: “Cây cần sa trồng tại nhà sinh lợi nhuận cao, từ đó khiến đẻ ra các hoạt động bất hợp pháp khác như nhập lậu chất cấm, sản xuất ma túy, ma túy đá, cocaine hoặc heroin qua biên giới. Đó là mối nguy hiểm tiềm tàng. Nói chung, việc trồng cần sa tại gia tạo lợi nhuận cho các hoạt động bất hợp pháp khác.”

Người ta ước tính rằng một nhà trồng cần sa có thể tạo ra lợi nhuận 185.000 đôla trong vòng ba tháng. Các nhà điều tra Úc không thể biết rõ số lượng nhà trồng cần sa ở Úc hiện nay.

Cảnh sát thường xuyên tiến hành các vụ đột nhập vào các hộ trồng cần sa này. Ông Gus Viera, chỉ huy của Lực lượng truy quét vùng Zambesi, tin rằng “nghề” trồng cần sa bất hợp pháp đang tiếp tục phát triển.

Chính phủ Úc ước tính có hơn 2.300 người Việt Nam đã quá hạn visa và hiện đang lưu lại Úc bất hợp pháp. Người ta cho rằng nhiều người người trong số này có thể đã tham gia vào việc buôn bán cần sa.

Trong năm thời gian từ 2016 đến 2017, Bộ Nội vụ Úc đã trục xuất 380 công dân Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/du-hoc-sinh-viet-bi-du-trong-can-sa-tai-uc/4474722.html