Tin khắp nơi – 09/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 09/07/2018

Liệu Donald Trump có khả năng

nhớ bài học thượng đỉnh Reykjavik ?

Minh Anh

Trong một bài nhận định trên báo Le Monde ngày 04/07/2018, cây bút xã luận Sylvie Kauffmann, cho rằng Donald Trump dường như đã lấy cảm hứng từ cuộc gặp Reagan-Gorbatchev diễn ra năm 1986 tại Reykjavik để tiến hành cuộc gặp với Vladimir Putin tại Helsinki ngày 16/07. Tuy nhiên, tác giả đặt câu hỏi liệu nguyên thủ Hoa Kỳ có đủ khả năng áp dụng bài học này hay không ?

Tại phía bắc thành phố Reykjavik, thủ đô Iceland, có một ngôi nhà nhỏ mầu trắng, mái lợp ngói đá đen. Ngôi nhà xinh xinh đó được xây vào năm 1909 cho tòa lãnh sự Pháp, đã được một thi hào người Iceland mua lại, để rồi sau đó trở thành tòa đại sứ Anh Quốc.

Một tấm biển bằng đá gra-nit giải thích vì sao vào năm 1986, ngôi nhà nhỏ nhắn này bỗng trở nên nổi tiếng toàn cầu : Chính tại nơi đây, vào ngày 11 và 12/10 năm đó, đã diễn ra cuộc gặp giữa tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Bang Xô Viết, Mikhail Gorbatchev. Tấm biển ghi : « Thượng đỉnh này được xem như là điềm báo hiệu bước khởi đầu chấm dứt chiến tranh lạnh ».

Thượng đỉnh Reykjavik diễn ra trong bối cảnh nào ?

Mọi việc bắt đầu với việc Ronald Reagan lên cầm quyền tại Washington năm 1981 và Gorbatchev bước vào điện Kremlin năm 1985. Chiến Tranh Lạnh dai dẳng từ những năm 1950 và 1960 bắt đầu mờ dần trong những năm 1970 với thời kỳ « Hạ Nhiệt » và việc ký kết các thỏa thuận SALT đầu tiên (« Strategic Arms Limitation Talks », Đàm phán Giới hạn Vũ khí Chiến lược).

Nhưng đến những năm 1980, căng thẳng giữa hai siêu cường lại dấy lên. Cuộc chạy đua vũ trang lại được khởi động với việc Liên Xô cho lắp đặt các loại tên lửa tính năng cao hơn chĩa về phía Tây Âu, còn Hoa Kỳ nêu ra dự án thiết lập một lá chắn không gian chống lại tên lửa Liên Xô, được biết đến dưới tên gọi Sáng kiến Phòng vệ Chiến lược IDS, mà giới truyền thông đặt tên là « Chiến tranh các vì sao », (Star Wars).

Trong bối cảnh này, Mikhail Gorbatchev, thuộc giới lãnh đạo trẻ, lên cầm quyền tại điện Kremlin, sau sự ra đi của hai cựu lãnh đạo Yuri Andropov và Constantin Tchernenko, những chính trị gia già nua và có thế lực trong đảng Cộng Sản Liên Xô. Tầm nhìn cởi mở dường như đã góp phần làm thay đổi đáng kể quan hệ song phương của hai siêu cường. Ý thức được ngân sách to lớn cho bộ máy quân sự đè nặng lên nền kinh tế quốc gia, lãnh đạo Xô Viết lúc bấy giờ quả thật muốn làm thay đổi cục diện.

Dù biết rằng tổng thống Mỹ Ronald Reagan là người chống cộng rất quyết liệt, nhưng Gorbatchev thật sự mong muốn giải quyết mối đe dọa hạt nhân và đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Chính trong hoàn cảnh này, hai nguyên thủ Liên Xô và Hoa Kỳ mong muốn gặp nhau để thử tìm hiểu, nhất là về hồ sơ vũ khí hạt nhân, vốn dĩ nhiều lần dẫn thế giới đến bên bờ một thảm họa mới sau vụ nổ những quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản năm 1945.

Sau Reykjavik, đến lượt Helsinki

Ba mươi hai năm sau, cũng tại một thành phố Bắc Âu khác, Helsinki, mà Donald Trump và Vladimir đã chọn để gặp nhau ngày 16/07. Nhưng Helsinki cũng có truyền thống với những cuộc gặp thượng đỉnh Đông-Tây thế kỷ XX : Gerald Ford và Leonid Brejnev năm 1975 ; George Bush cha với Gorbatchev, một lần nữa năm 1990 và đến năm 1997 là thượng đỉnh Bill Clinton và Boris Eltsine, tổng thống của một nước Nga suy yếu, mà người ta từng nghĩ là đang trên đường hướng đến nền dân chủ.

Dù vậy, thông báo cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump và Vladimir Putin đã gây bất ngờ, vì cách đây hai tháng, không một ai dám đặt cược một đồng kopeck cho việc tổ chức thượng đỉnh này.

Tại Washington, những ai có dính dáng đến Nga đều bị liên đới. Ở Quốc Hội, một trào lưu chống Putin mạnh mẽ, tập hợp cả đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, đã cho phép thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga cách nay một năm, nhằm đáp trả các hành động can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Và nhất là, một chưởng lý đặt biệt đang sốt sắng điều tra về những mối liên hệ của những người thân cận ứng viên Trump với những hành động can thiệp đó. Trong một bầu không khí nặng nề, điện Kremlin chẳng có chút ảo tưởng về việc nối lại đối thoại ở cấp cao nhất giữa Washington và Matxcơva.

Ngây ngất thượng đỉnh Singapore

Thế nhưng, theo bình luận gia Sylvie Kauffmann, cuộc đối thoại Trump – Putin này cũng quan trọng không kém như dưới thời Reagan-Gorbatchev : mối quan hệ giữa hai cường quốc chưa bao giờ tồi tệ như thế này kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, và thế giới hiện giờ còn phức tạp hơn so với những năm 1980.

Điều gì đã thúc đẩy ông Donald Trump làm một cú nhảy vọt như thế ? Theo tác giả, chẳng còn chút nghi ngờ, chính sự ngây ngất thượng đỉnh Singapore với lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un đã tác động. Đây cũng chính xác là điều gây lo ngại cho rất nhiều người hay gièm pha của ông.

Tác giả nhắc lại, các cuộc gặp thượng đỉnh thời chiến tranh lạnh được giải quyết một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. Vào năm 1986, đối mặt với một tân binh lãnh đạo Gorbatchev, tổng thống Reagan đã có sáu năm kinh nghiệm cầm quyền và một ê-kip cố vấn dày dạn, am tường chính sách đối ngoại Đông-Tây.

Dù vậy, nhiều chuyên gia về ngoại giao thời ấy, như Henry Kissinger và Zbigniew Brzezinski, còn cho là cuộc gặp tại Reykjavik là liều lĩnh. Chỉ còn có ba tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ (mà đảng Cộng Hòa đã bị thua), họ e ngại là Reagan sẽ nhân nhượng quá mức để có được một thỏa thuận về giải trừ vũ khí.

Năm 1986, « sự điều chỉnh to lớn của Mỹ »

Trên thực tế, sau ba cuộc họp đàm phán dài hai tiếng tại ngôi nhà xinh mầu trắng ở Reykjavik trong khi mà Raïssa Gorbatcheva, phu nhân của lãnh đạo Xô Viết làm phân tâm các nhiếp ảnh gia bằng chuyến đi dạo ngoài phố, cả hai lãnh đạo ra về trong sự bất đồng : Gorbatchev kiên quyết đưa « cuộc chiến các vì sao », sáng kiến quốc phòng chiến lược của Mỹ, vào trong thỏa thuận giải trừ vũ khí, và Reagan đã từ chối nhượng bộ. Thỏa thuận Reykjavik xem như là không có.

Thế nhưng, những gì cho thấy có vẻ như là một thất bại thật ra là bước khởi đầu cho một tiến trình lịch sử, vì các cuộc thương lượng này đã cho phép quan điểm của hai cường quốc xích lại gần nhau hơn trên nhiều chủ đề quan trọng.

Câu hỏi đặt ra : Liệu ông Donald Trump có khả năng nhớ lấy bài học đó hay không ? Nhưng mấy ai hiểu được tầm mức quan trọng mà vị tổng thống thứ 45 này muốn đi vào Lịch sử ? Người ta nghi ngờ là ông ấy biết rất ít về lịch sử của các nước đồng minh, khi nhìn vào những lời phát biểu gần đây của ông về Liên Hiệp Châu Âu EU, « vốn dĩ được thành lập để tận dụng lợi thế của Hoa Kỳ và xăm xoi vào túi tiền của nước này ». Người ta hy vọng là ông ấy biết nhiều hơn về lịch sử chính nước Mỹ của ông. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều điểm cách biệt khác.

Điểm đầu tiên, đó là vào thời điểm Reagan-Gorbatchev, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương rất vững chắc. Ngay khi thượng đỉnh kết thúc, ngoại trưởng Mỹ lúc đó là George Shultz đã đáp chuyến bay từ Reykjavik đến Bruxelles nhằm thông báo tóm tắt cho các đồng minh của mình trong khối NATO. Đó là thời kỳ mà ngoại trưởng Pháp lúc bấy giờ, Jean-Bernard Raimond, đã phải ca ngợi « sự điều chỉnh to lớn của Hoa Kỳ ». Trên làn sóng Europe 1 ngày 12/10/1986, ông khẳng định : « Chúng tôi đã nhiều lần được hỏi ý kiến và chúng tôi đã có thể làm chuyển hướng chính sách của Hoa Kỳ ».

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tồi tệ

Giờ đây, tổng thống Mỹ xem thủ tướng Canada là « yếu đuối và gian dối », công khai tấn công thủ tướng Đức, khuyên tổng thống Pháp hãy làm như Anh quốc và rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, và trước mặt thủ tướng Thụy Điển, ông mơ đi theo mô hình của Thụy Điển, vốn dĩ không phải là thành viên của NATO.

Các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã trở nên tồi tệ và nếu như thượng đỉnh NATO, diễn ra ngày 11 và 12/07, cũng diễn ra không suôn sẻ như là kỳ thượng đỉnh G7, thì có lẽ bốn ngày sau đó, nguyên thủ Nga Vlaidmir Putin sẽ vui vẻ huýt sáo đi đến Helsinki gặp Donald Trump.

Điểm cách biệt khác nữa, chính là lần này, Donald Trump mới là tân binh, đối mặt với một tổng thống Nga cầm quyền từ 18 năm qua. Putin có kỷ luật và sẽ được chuẩn bị trước, trong khi mà Trump chỉ hành động theo cảm tính với « nghệ thuật mặc cả » nổi tiếng của ông.

Cách nay hai năm, trước khi Trump đắc cử, khi được hỏi về khả năng mối quan hệ Trump-Putin, ông Fiodor Loukianov, chuyên gia Nga về đối ngoại, dự báo : Trump rất muốn làm bạn với Putin, và đương nhiên, ông Putin sẽ nói là đồng ý ! Nhưng một ngày nào đó, Trump sẽ phát hiện ra rằng Putin còn thông minh hơn ông ấy nhiều. Và điều đó sẽ không làm cho ông ta hài lòng chút nào. Thế là ông ấy sẽ lật đổ tất cả ».

Theo nhà báo Sylvie Kauffmann, điều cần lưu ý là chuyên gia Loukinov hiếm khi dự báo sai.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180709-donald-trump-thuong-dinh-reykjavik-qt

 

Tối Cao Pháp Viện Mỹ

sắp ngả sang khuynh hướng bảo thủ

Thụy My

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 09/07/2018 bổ nhiệm một thẩm phán cho Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, có lẽ là một nhân vật rất bảo thủ. Đây là một quyết định có nguy cơ mang lại hậu quả nặng nề cho sự phát triển của xã hội Mỹ. Để tạo tiếng vang làm hài lòng cử tri của mình, ông Trump dự định giới thiệu người được chọn lựa vào 21 giờ, tức giờ vàng trên truyền hình.

Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier cho biết thêm chi tiết :

« Khả năng hành động của tổng thống Donald Trump bị giới hạn tại Thượng Viện, đảng Cộng Hòa chỉ hơn đảng Dân Chủ có một ghế, và cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới có thể làm thay đổi cán cân lực lượng. Nhưng việc bổ nhiệm này có tầm quan trọng rất lớn : một thẩm phán ở Tối Cao Pháp Viện là sẽ một trong những gia tài nhiều ảnh hưởng nhất do một tổng thống để lại.

Trong khi ông Trump không giấu giếm việc ông sẽ bổ nhiệm một nhân vật siêu bảo thủ thứ hai, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham cho biết ông rất lấy làm tiếc về sự phân cực trên bàn cờ chính trị.

Ông Graham nói : « Tôi chưa bao giờ chứng kiến một tình hình rối tung như thế. Không có ứng cử viên nào do ông Trump chọn lựa có thể nhận được nhiều lá phiếu của phe Dân Chủ nếu như người đó chỉ có chút thiên hướng bảo thủ. Nhưng một số thượng nghị sĩ Dân Chủ có lẽ sẽ buộc phải ủng hộ vì lý do chính trị ở địa phương ».

Đảng Dân Chủ cũng lo ngại một số đại biểu của mình sẽ đồng ý sự chọn lựa của ông Donald Trump, đơn giản là để không bị mất các cử tri ủng hộ mình tại những tiểu bang mà tổng thống được lòng dân. Thượng nghị sĩ Dick Durbin cảnh báo rằng những tính toán cho lợi ích cá nhân này sẽ mang lại những hậu quả nặng nề.

Ông Durbin nhấn mạnh : « Tất cả các ứng viên đã được sơ tuyển trước bởi tổ chức mang tên Federalist Society. Đây là một tổ chức chuyên vận động hậu trường, họ xem xét từng ứng cử viên một để chắc chắn rằng những người này đáp ứng tất cả mọi tiêu chí liên quan đến việc thực hiện những chính sách bảo thủ nhất tại nước Mỹ ».

Vị thẩm phán đã từ chức thường xuyên đóng vai trò trụ cột ; và bốn nhân vật đầy hy vọng kế nhiệm là những người có niềm tin tôn giáo vững chắc, đôi khi còn chủ trương diễn giải Hiến Pháp ; sẽ làm cho Tối Cao Pháp Viện nghiêng hẳn về cánh hữu. Và tình trạng này còn kéo dài trong nhiều thập niên nữa, vì thẩm phán lớn tuổi nhất năm nay 53 tuổi ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180709-donald-trump-toi-cao-phap-vien-my-bao-thu-qt

 

NATO trước áp lực bị chia rẽ

bởi chính sách bất cần đồng minh của Donald Trump

Anh Vũ

Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO mở ra ngày thứ Tư 11 và thứ Năm 12/07 tuần này tại Bruxelles với sự tham dự của tổng thống Mỹ. Các lãnh đạo NATO, nhất là những thành viên châu Âu, lo ngại nguy cơ quan hệ đồng minh thêm chia rẽ bởi tính khí khó lường của ông Donald Trump, người luôn hoài nghi tính thiết yếu của liên minh quân sự này và ám ảnh với đòi hỏi đồng minh chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng.

Mối lo của các nước châu Âu càng rõ nét khi ông Trump sẽ nối tiếp thượng đỉnh NATO bằng cuộc gặp lịch sử với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki Phần Lan ngày 16/07 mà tại đó nhiều nhà quan sát dự đoán có thể tổng thống Mỹ sẽ có những nhượng bộ với tổng thống Nga.

Bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly thừa nhận sự căng thẳng của kỳ thượng đỉnh này khi cho biết : « Tôi cho rằng tổng thống Mỹ sẽ gây một áp lực rất lớn lên các đồng minh, đặc biệt là các nước châu Âu ».

Cuối tháng 6 vừa qua, ông Trump đã gửi thư cho lãnh đạo 9 nước thành viên NATO, trong đó có Đức, Canada và Na Uy, nhắc lại sự bất mãn của Washington đối với các nước không tuân thủ các nghĩa vụ của họ là phải tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời tổng thống Donald Trump đòi các đồng minh đó tôn trọng cam kết đến năm 2024 tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP.

Một nhà ngoại giao ẩn danh của châu Âu, báo trước « cuộc họp thượng đỉnh này sẽ nặng nề ». Còn một quan chức khác trong Liên minh thì nói thẳng « sự thành công của thượng đỉnh phụ thuộc vào tính khí của ông Donald Trump ». Đã không ít lần tính thất thường cùng những tuyên bố bộc phát của tổng thống Mỹ ít nhiều động chạm đến lợi ích an ninh của châu Âu.

Theo ông Pierre Vermon, nguyên là nhân vật số 2 của Ngoại Giao châu Âu, cuộc gặp đầu tiên của tổng thống Mỹ với đồng nhiệm Nga, chỉ vài ngày sau, « với ông Trump còn quan trọng hơn nhiều thượng đỉnh NATO ».

Chuyên gia William Galston thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution nhận định « các nước châu Âu có lý do để lo ngại » về cuộc gặp Trump-Putin. Nhà phân tích này đồ rằng biết đâu ở Helsinki ông Trump lại chẳng đưa ra những thông báo về những vấn đề không hề được bàn thảo với các đồng minh trong thượng đỉnh NATO ? Thậm chí, các nước thành viên trong khối liên minh này còn lo ngại ông Trump có thể tìm kiếm thỏa thuận nào đó với lãnh đạo Nga vì lợi ích của Mỹ và sau đó các đồng minh buộc phải làm theo.

Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc hồi tháng 6 vừa qua đã để lại mối bất đồng sâu sắc giữa các nước châu Âu và Mỹ, đồng thời cho thấy thái độ bất cần quan hệ đồng minh của tổng thống Trump như thế nào.

Trong khi đó chuyên gia Mỹ Thomas Carothers, phó chủ tịch Quỹ Carnegie dự báo : « Mục tiêu của Putin là chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh Châu Âu và chia rẽ các nước châu Âu. Ông ta sẽ lấy làm thích thú thấy điều đó tại thượng đỉnh NATO ».

Bộc lộ chia rẽ là mối ám ảnh của tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg. Những căng thẳng với tổng thống Trump càng trở nên bức bối trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh này sẽ phải ra được các quyết định quan trọng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của NATO để đối phó với đe dọa mà khối này cho là đến từ nước Nga.

Các đồng minh sẽ lập ra hai bộ chỉ huy quân sự mới : một để bảo vệ con đường hàng hải trên Đại Tây Dương và một để điều phối luân chuyển đóng quân ở châu Âu. Ngoài ra còn một kế hoạch khác để tăng cường khả năng triển khai nhanh của NATO trong trường hợp khủng hoảng. Nhưng chia rẽ trong nội bộ sẽ khiến các quyết định đó không còn là vấn đề ưu tiên bàn thảo.

Chuyến công du của tổng thống Mỹ tới Bruxelles tối ngày 10/07 và sau đó 6 ngày lên đường tới Helsinki rất có thể sẽ làm định hình lại ít nhiều quan hệ giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới. Các đồng minh châu Âu sẽ không cảm thấy thua thiệt gì trong đó nếu họ tìm được sự đoàn kết, chủ động và năng lực để tự quyết số phận của chính mình.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180709-nato-chia-re-dong-minh-donald-trump-pt

 

Johnson ra đi trước giờ Trump đến London

Nguyễn Giangbbcvietnamese.com

Tuần này, Anh Quốc chuẩn bị đón Tổng thống Donald Trump trong không khí đáng ra phải rất vui.

Thời điểm ông Trump sang là lúc nước Anh vừa đang vui mùa bóng đá World Cup, giải tennis ở sân cỏ xanh tươi Wimbledon vào tuần thứ nhì.

Nhưng thời tiết nóng nực kéo dài, đồng khô, cỏ cháy, cá ở sông Teme cần được giải cứu vì nước cạn.

Trong đợt nóng kéo dài nhiều ngày trên dưới 30 độ C, các tuyến hỏa xa Anh liên tục gặp sự cố, từ mất điện hộp tín hiệu tới ‘đường ray nóng phải dừng tàu’.

Không ít lần sau giờ làm tôi ra ga Charing Cross để chỉ thấy biển thông báo là ‘sự cố’ trên tuyến tàu về Kent, phải chờ 1-2 tiếng.

Trèo được lên là gặp cảnh chen chúc, nóng như trên 45 độ C vì tàu ở Anh thường thiếu máy lạnh, không rõ có phải công nghệ ứng phó chậm với biến đổi khí hậu.

Anh: Bộ trưởng Brexit David Davis từ chức

Chính phủ Anh đối diện ‘thất bại’ Brexit đầu tiên

Những người lao động nước ngoài rời Anh vì Brexit

Một phong trào phản đối ông Trump lại đang hình thành, đẩy thêm không khí oi bức lên cao hơn.

Cảnh sát Đô thành London dự kiến phải điều ra phố ngày 12/07 này số quân đông hơn năm 2011 khi có bạo loạn.

Chính phủ bà May thì cũng đang điêu đứng vì Brexit.

Đầu tuần, Bộ trưởng phụ trách Brexit, ông David Davis tuyên bố từ chức vì không đồng ý với Thủ tướng May, để lại “một lỗ hổng lớn” trong nội các Anh.

Bà May nhanh chóng bổ nhiệm Dominic Raab, 44 tuổi, thay ông Davis để gánh vác nhiệm vụ lịch sử đưa Anh ra khỏi EU.

Nhưng cuộc khủng hoảng trong chính phủ May chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Một dân biểu thuộc đảng Bảo thủ đang cầm quyền, bà Andrea Jenkyns, nói nội các của bà May có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vì thiếu sự ủng hộ của phe Brexiteer.

Một thống kê cho hay từ tháng 11/2017, cứ trung bình sáu tuần chính phủ Anh có một bộ trưởng hoặc thứ trưởng “chào nhé ra đi” vì mâu thuẫn quanh Brexit.

Mà Trump lại là một yếu tố quan trọng khiến cuộc ly hôn Brexit của Anh với EU thêm phần bất định.

Yếu tố Trump

Tờ Financial Times nói về tâm trạng bất an tại Anh và EU mà ông Trump gây ra.

Cho đến gần đây, EU có vẻ ‘tự sướng’ đứng nhìn Anh gặp vấn đề, bị cô lập.

Lãnh đạo EU tin rằng càng phạt Anh vì Brexit thì các phái ly khai nổi lên khắp châu Âu sẽ càng nhận được bài học đích đáng.

Nhưng bầu cử ở Áo, Đức và Ý cho thấy kết quả ngược lại.

Phe hữu chống di dân, đòi lập lại biên giới – một tiêu chí của phái Brexit là Anh giành lại quyền kiểm soát biên giới – đã thắng cử liên tiếp ở ba nước trên.

Anh từng tin sẽ sớm ký được thỏa thuận thương mại với Washington, bù vào chỗ trống EU để lại, nhờ ‘quan hệ đặc biệt’ (special relationship) với Hoa Kỳ.

Đáng tiếc là sự việc không đơn giản như vậy.

Cuộc họp gần nhất với phía Mỹ của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh, ông Liam Fox chưa đem lại gì cụ thể.

Tính khí khó lường của ông Trump đã khiến cả Anh và EU phải làm lại bài toán.

Mâu thuẫn Hoa Kỳ – EU thể hiện rõ tại Hội nghị G7 ở Canada gần đây cũng khiến bà Angela Merkel thấy cần xuống thang với Anh hơn.

Yếu tố Trump đã và đang làm chính trị Anh rung chuyển.

Anh Quốc nay phải xích lại gần EU và bà May đành chọn phương án ‘Brexit mềm’ vì “viễn cảnh ký một thỏa thuận thương mại với tổng thống tính khí bất thường của Hoa Kỳ thật xa vời”, theo Financial Times.

Càng lại gần EU, nội các Anh càng chia rẽ giữa hai phái chống và ủng hộ Brexit.

Nhưng Anh Quốc không phải là nước duy nhất đang lo lắng vì ông Trump.

Trung Quốc không chỉ chuẩn bị né đòn hàng trăm tỷ USD thuế quan ông Trump tung ra mà còn phải tính cách đáp trả.

Các đồng minh Canada, Hàn Quốc cũng bị cuốn vào cuộc chiến của ông, và Việt Nam nếu không cải tổ kinh tế mạnh cũng sẽ bị ‘dính đòn’, theo William Pesek.

Trump luôn luôn thắng?

Như tờ Sunday Times ở Anh bình luận, Trump đã và đang áp dụng nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không” (zero-sum game) trong quan hệ quốc tế.

Và trong cuộc chơi với Trump, không có khái niệm, “đôi bên cùng có lợi” mà chỉ có “một người chiến thắng, và người đó sẽ phải là ông ta”, theo tờ báo Anh.

Câu chuyện của Anh và Brexit không nằm ngoài bối cảnh chung về chiến tranh thương mại mà cuộc đọ găng Mỹ – Trung là nét chính.

Có tin nói Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa xuất khẩu nhằm né tránh các đòn ‘tariff’ của Mỹ.

Mặt khác, theo một báo Hong Kong, để trả đũa lại Trump, Trung Quốc muốn xé lẻ từng bang của Hoa Kỳ và gây “đau đớn” cho cử tri bỏ phiếu ủng hộ Trump.

Ví dụ, theo một báo Anh, tờ Guardian, Bắc Kinh phân loại ra các mặt hàng của Mỹ. tùy vào bang sản xuất ra và đánh thuế tương ứng.

Ví dụ, đậu nành của Iowa và Nebraska, hai bang ủng hộ cho Trump, sẽ chịu thuế nhập cao hơn khi bán vào Trung Quốc.

Rượu bourbon từ Kentucky, bang nhà của Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện, và cam của Florida, có thể là đối tượng của mức thuế 25%.

Ngay cả nhân sâm Mỹ trồng ở Wisconsin, bang đã hạ bệ phe Dân chủ và đem lại chiến thắng cho Trump năm 2016, sẽ bị Trung Quốc trả đũa.

Nhưng theo tờ South China Morning Post ở Hong Kong, cách “gây đau đớn” này sẽ chỉ phản pháo tai hại.

Cử tri yêu mến Trump sẽ tiếp tục ủng hộ ông, cho dù Trung Quốc hay EU đánh thuế ‘trả đũa’ kiểu gì đi nữa.

Từ thứ Sáu tuần trước, sau khi Hoa Kỳ khai hỏa, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá cùng đồng won của Hàn Quốc và một loạt tiền châu Á.

Tuần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đáp xuống Berlin và sẽ gặp các đối tác châu Âu để bàn về cách đối phó với cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ khởi sự.

Quan hệ đặc biệt Anh – Mỹ

Trở lại với nước Anh, tin mới nhất cho hay ông Trump sẽ tránh khu trung tâm London, nơi đông đảo người biểu tình dự kiến sẽ có mặt ngày 12 và 13/7 này.

Ông Trump nói sẽ đem tới món quà là thỏa thuận thương mại với Anh.

Nhưng văn bản 500 trang Bộ Thương mại Mỹ công bố tuần trước bị báo Anh, tờ The Independent nói là “đọc rất khó vào”.

Nội dung chính là Hoa Kỳ đề cao tự do thương mại nhưng hoàn toàn theo các tiêu chuẩn kiểu Mỹ.

Ngoài ‘gà ngâm chlorine’ và thực phẩm biến đổi gene (GM foods), Mỹ muốn bán vào Anh một số sản phẩm cùng tên vốn đã có tại Anh như bánh Cornish pasties, xúc xích Cumberland.

Theo luật EU hiện nay, chỉ Anh Quốc mới được dùng các nhãn hiệu hàng mang tính địa phương cụ thể theo các vùng ở Anh.

Chết nỗi, vì nguồn gốc văn hóa, sắc tộc chung với Anh, ai dám bảo người Mỹ không được dùng tên hàng từ Cornwall và Cumberland?

Quan hệ Anh – Mỹ quả là đặc biệt nhưng tốt cho Anh đến đâu còn tùy vào việc ông Trump có tranh thủ ép bà May đang trong cơn nguy khốn hay không.

Tin mới nhận nói Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Boris Johnson, nhân vật hàng đầu của phe Brexit cũng tuyên bố từ chức.

Ai sẽ cùng bà May đón vị khách Number One từ Mỹ đây?

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44766720

 

Anh: Bộ trưởng Brexit David Davis từ chức

Bộ trưởng Brexit đã từ chức khỏi chính phủ Anh.

Quyết định từ chức của ông đến vài ngày sau khi kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May được sự ủng hộ của Nội các, mặc dù kế hoạch này bị giới phê bình cho là quá “mềm”.

Ông Davis được bổ nhiệm vào chức vụ này vào năm 2016 và chịu trách nhiệm đàm phán cho việc nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU).

Kêu gọi ủng hộ dự thảo Brexit

‘Anh rời EU nhưng không bỏ châu Âu’

Từ điển Oxford có thêm từ Brexit

Trong thư từ chức, ông Davis nói ông “không được thuyết phục” rằng cách tiếp cận đàm phán của chính phủ “sẽ không chỉ dẫn đến nhu cầu phải tiếp tục nhượng bộ” từ Brussels.

Ông Davis nói: “Hướng chung của chính sách sẽ đưa chúng ta vào một vị trí đàm phán yếu nhất, và đó có thể là điều không tránh khỏi.”

Trong thư phúc đáp, bà May nói: “Tôi không đồng ý với nhận định của ông về chính sách chúng ta đã đồng ý tại Nội các hôm thứ Sáu.”

Bà May nói rằng bà “rất tiếc” là ông đã từ chức nhưng “cảm ơn ông nồng nhiệt vì mọi thứ ông đã làm … để định hình sự rời khỏi EU của chúng ta”.

Đại biểu Quốc hội bảo thủ chủ trương Brexit, ông Peter Bone ca ngợi việc từ chức của Davis là một “quyết định nguyên tắc và dũng cảm”, nói thêm: “Đề xuất của Quốc Hội cho một Brexit chỉ hiện hữu trong tên gọi không thể chấp nhận được.”

Chủ tịch Đảng Lao động Ian Lavery nói: “Đây là một sự hỗn loạn vô cùng và Theresa May không còn thẩm quyền gì hết.”

Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn nói bà May “không có khả năng thực hiện Brexit”.

‘Không còn lựa chọn nào khác ngoài từ chức’

Biên tập viên chính trị của BBC Laura Kuenssberg

Sau nhiều tháng có tin đồn rằng ông sẽ rút lui, ông David Davis cuối cùng đã thực sự từ bỏ vai trò bộ trưởng Brexit.

Việc ông Davis không vui trong chính phủ đã từ lâu đã không còn là một bí mật, nhưng sau khi Thủ tướng thỏa thuận với các bộ trưởng để theo đuổi mối quan hệ lỏng lẻo với EU nhiều hơn ông mong muốn, ông thấy vị trí của mình không thể giữ vững được.

Sau một chuyến viếng thăm phố Downing vào Chủ nhật, David Davis kết luận rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức.

Người ta dự đoán rằng ít nhất một bộ trưởng khác từ bộ phận Brexit sẽ từ chức cùng với ông Davis.

Động thái này, trong khi không hoàn toàn bất ngờ, đưa ra nghi ngờ về sự an toàn trong chiến lược Brexit của chính phủ Anh.

Hôm thứ Hai, bà May dự kiến ​​sẽ tuyên bố rằng chiến lược được thống nhất bởi nội các tại Checkers hôm thứ Sáu là “Brexit đúng” cho Anh.

Đại biểu Quốc hội chủ trương Brexit Jacob Rees-Mogg cho biết sẽ kế hoạch Brexit của bà May sẽ rất “khó” giành được sự ủng hộ của các đại biểu mà không có ông Davis.

Theo biên tập viên chính trị Laura Kuenssberg của BBC, ông Davis “giận dữ” sau một cuộc họp hôm Chủ nhật và “kết luận ông không thể ở lại cương vị của mình”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44761860

 

Pháp : Tổng thống trình bày kế hoạch hành động

 trước Quốc Hội lưỡng viện

Hôm nay, 09/07/2018, tại lâu đài Versailles, vào lúc 15h, tổng thống Pháp Emmanuel Macron trình bày trước các nghị sĩ thuộc Thượng và Hạ viện những đường hướng chính trong kế hoạch hành động của ông trong 12 tháng tới, nhằm tiếp tục tiến trình « cải cách đất nước ».

Theo thông tin từ điện Elysée, được AFP trích dẫn, đó là những dự án cải cách trên nhiều lĩnh vực, như truyền thông, hồ sơ hưu trí…

Tuy nhiên, đảng cánh hữu – Những người Cộng Hòa, đảng cánh tả Xã Hội, hai đảng cựu tả là đảng Bất khuất và đảng Cộng Sản đã tẩy chay, không dự phiên họp này, với lý do ông Macron chỉ quan tâm đến người giàu và rất giàu, không có kế hoạch giúp người nghèo.

Tổng thống Macron phát biểu trước hai viện trong bối cảnh một loạt các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ được lòng dân của ông bị sụt giảm mạnh. Theo cuộc thăm dò của viện Odoxa, chỉ có gần một phần ba dân Pháp cho rằng chính sách của tổng thống Pháp là đúng đắn.

Lần đầu tiên tổng thống Pháp phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện là vào ngày 03/07/2017. Dường như nguyên thủ Pháp muốn duy trì hình thức gặp gỡ này hàng năm.

http://vi.rfi.fr/phap/20180709-phap-tong-thong-trinh-bay-ke-hoach-hanh-dong-truoc-quoc-hoi-luong-vien

 

Mưa to và lở đất ở Nhật, 81 người thiệt mạng

Con số người chết vì mưa to và lở đất ở miền tây Nhật Bản hôm 8/7 đã tăng lên ít nhất 81 người, trong khi hàng chục người khác vẫn còn mất tích.

Lệnh sơ tán đối với gần hai triệu người và cảnh báo về lở đất vẫn còn hiệu lực tại nhiều khu vực ở vùng trên.

Reuters đưa tin rằng các lực lượng cứu hộ khẩn cấp, gồm cả quân nhân, đã phải sử dụng trực thăng và tàu thuyền để giải cứu người dân khỏi các dòng sông nước dâng cao hay các tòa nhà ngập lụt, trong đó có một bệnh viện bị cô lập có tên Mabi Memorial.

Một quan chức thành phố nói rằng 170 bệnh nhân và nhân viên đã được sơ tán trong khi kênh phát thanh truyền hình công NHK nói rằng 80 người vẫn còn bị kẹt.

Kurashiki, với dân số dưới 500 nghìn người, là một trong số các nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mưa lớn ở miền tây Nhật Bản.

Con số người chết hiện đã vượt con số 77 người tử vong vì đợt mưa lớn và lở đất năm 2014.

Con số thương vong trên cũng được coi là cao nhất kể từ năm 2004, theo Reuters, khi một trận bão làm 98 người chết.

https://www.voatiengviet.com/a/m%C6%B0a-to-v%C3%A0-l%E1%BB%9F-%C4%91%E1%BA%A5t-%E1%BB%9F-nh%E1%BA%ADt-81-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-thi%E1%BB%87t-m%E1%BA%A1ng/4473971.html

 

Thiên tai nặng tại Nhật,

thủ tướng Abe hủy chuyến công du ngoại quốc

Trận mưa lớn hiếm có trong lịch sử đổ ập xuống khu vực miền tây Nhật Bản hiện đã làm hơn 100 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương hoặc mất tích. Theo hãng tin AFP, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 09/07/2018, thông báo hủy bỏ chuyến công du 4 quốc gia bao gồm Pháp, Bỉ, Ai Cập, và Ả Rập Xê Út.

Với lịch trình công du cũ, ông Shinzo Abe dự kiến sẽ ký kết một hiệp định tự do thương mại với Liên Hiệp Châu Âu. Theo một số phóng sự của kênh truyền hình NHK và một số hãng tin địa phương, thay vào đó, ông Abe sẽ đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng vào ngày thứ Tư, 11/07/2018, tới đây.

Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Donald Tusk đưa ra giải pháp tổ chức cuộc họp tới đây tại Tokyo. Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Tusk gửi tin nhắn chia buồn tới người dân và thủ tướng Nhật Bản, và ông cho biết “sẵn sàng dời cuộc họp Nhât Bản-Châu Âu từ Bruxelles sang Tokyo vào tuần sau”.

Cơn lũ hiện đã lắng xuống và công tác cứu hộ đã có thể tiến tới các khu vực hiểm trở hơn mà lúc trước không thể tiếp cận. Tuy vậy, chính quyền e ngại sẽ tìm thấy nhiều thi thể các nạn nhân thiên tai trong đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ cho biết có thể tìm thấy thêm người sống sót, nhưng khả năng này ngày càng giảm.

Chánh văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga cho biết chính phủ Nhật đã huy động lực lượng bao gồm 73 ngàn viên cảnh sát, cứu hỏa, quân nhân, cùng 700 chiếc trực thăng nhằm đối phó với tình hình và giải cứu các nạn nhân.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180709-thien-tai-nhat-abe-cong-du-ngoai-quoc

 

Bắc Kinh ra lệnh cho báo chí bớt chỉ trích Trump

Bắc Kinh ra lệnh cho truyền thông bớt chỉ trích Donald Trump trước bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đang dịu giọng trong cuộc chiến thương mại.

Theo SCMP, Bắc Kinh vừa chỉ đạo cho các phương tiện truyền thông nhà nước không sử dụng “ngôn ngữ quá khích” chống Tổng thống Hoa Kỳ, người đã tránh buông lời lăng mạ Tập Cận Bình.

Sau khi đáp trả việc Hoa Kỳ áp 25% thuế trên hàng hóa giá trị 34 tỷ đôla Mỹ của Trung Quốc, với mức thuế tương đương lên hàng hóa Mỹ, Bắc Kinh kêu gọi báo chí hãy xét lại lời lẽ viết về Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chúng tôi được bảo là không nên sử dụng ngôn ngữ hung hăng để mô tả Trump,” một trong hai nguồn tin từ chối được nêu tên cho biết. Tin nội bộ ở nước này thường được xem là thông tin bí mật.

Mặc dù giới chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước đã tấn công chính sách thương mại của chính quyền Trump, cho đến nay họ không đổ lỗi cho cá nhân tổng thống Mỹ hay các quan chức của ông, một hành động được cho là tránh làm Trump giận dữ khiến các cuộc đàm phán thêm phức tạp.

Bài vở của truyền thông nhà nước tại Trung Quốc được cơ quan kiểm duyệt của chính phủ kiểm soát chặt chẽ, bằng cách đưa ra những chỉ thị rõ ràng để đảm bảo báo chí đưa tin đúng với đường hướng của chính phủ.

Về phía Mỹ, Donald Trump cũng tránh trực tiếp lăng mạ Tập Cận Bình, thay vào đó, ông nhắc lại trực tiếp và qua Twitter rằng họ “sẽ luôn là bạn bè, bất kể điều gì xảy ra với tranh chấp thương mại giữa hai bên”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44764140

 

Bắc Kinh chỉ trích Mỹ dùng ‘lá bài Đài Loan’

Hôm 8/7, quan chức cấp cao của Bắc Kinh phụ trách các vấn đề Đài Loan đã công kích Hoa Kỳ vì chơi “lá bài Đài Loan”, một ngày sau khi hai tàu chiến Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan.

Theo tờ South China Morning Post của Hồng Kông, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng động thái này có thể là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm khống chế Bắc Kinh.

Ông Liu Jieyi, Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc và cũng là cựu đại sứ Trung Quốc tại LHQ, nói rằng Mỹ đã sử dụng “lá bài” này trước đây với một mục đích rõ ràng, Thông tấn xã của Đài Loan (CNA) đưa tin.

Ông Liu được dẫn lời nói: “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ động thái nào gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều đó. Công chúng Đài Loan nên hiểu rõ mục đích thực sự đằng sau những động thái của Mỹ và không nên tiếp tay cho họ chơi ‘lá bài Đài Loan.’”

Theo Reuters, hôm 9/7, Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ nên tránh các hành động gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan sau khi hai tàu chiến của Hoa Kỳ đi qua vùng biển này.

Các quan chức Mỹ cho biết hai tàu khu trục đã thực hiện hành trình vào cuối tuần vừa rồi, gọi đó là việc “quá cảnh thường lệ” qua các vùng biển quốc tế.

Đại úy Charlie Brown, Phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố rằng hai tàu Hải quân Hoa Kỳ thực hiện việc “quá cảnh thường lệ qua lãnh hải quốc tế tại Eo biển Đài Loan vào ngày 7-8 tháng 7.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết rằng Trung Quốc đã theo dõi các động thái của tàu chiến Mỹ và đã “bày tỏ mối quan ngại với Hoa Kỳ về điều này.”

“Chúng ta phải nói rõ, vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, bà Hoa nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.

“Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ phải tuân thủ một cách nghiêm túc nguyên tắc một Trung Quốc … và tránh làm tổn hại đến mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ, cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.”

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết vào ngày 7/7 rằng hành động của tàu chiến Mỹ phù hợp với các quy định. Cho đến nay vẫn chưa có thêm bình luận nào từ Đài Bắc về việc quá cảnh của hai tàu chiến Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-chi-trich-my-dung-la-bai-dai-loan/4474729.html

 

Ông Mahathir sẽ nêu với ông Tập về ba dự án của TQ

Chính phủ Malaysia cho ngưng ba dự án đầu tư lớn của Trung Quốc nhưng sẽ bàn về chúng khi ông Mahathir Mohamad thăm Bắc Kinh tháng sau.

Theo các báo Đông Nam Á, bác sĩ Mahathir Mohamad gọi đây là “các dự án không công bằng” cho Malaysia, và sẽ nêu vấn đề này khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 8.

Theo báo Strait Times ở Singapore, ông Mahathir có động tác đầu tiên sau khi thắng cử trong tháng 5 vừa qua là ra lệnh ngưng (stop-work order) ngay ba dự án của Trung Quốc.

Malaysia ngưng dự án tàu điện TQ thầu

‘Đừng bán đất của tôi cho Trung Quốc!’

Nepal muốn xây Hành lang Kinh tế với TQ

Cảng Sri Lanka: TQ bác bỏ cáo buộc từ báo Mỹ

Tổng cộng các dự án bị ngưng lên tới 22,3 tỷ USD, và ông Mahathir có cuộc họp báo tuần qua để nói “tiền lãi suất” của các dự án này cao hơn cả mức chính phủ đi vay.

Bộ Tài chính Malaysia cho biết đó là dự án hỏa xa Bờ Đông (East Coast Railway Link – 20 tỷ USD), và hai đường ống (2,3 tỷ USD).

Cả ba công trình này đều dùng tiền vay của Trung Quốc và do các công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện, do chính phủ tiền nhiệm ký kết.

Cựu thủ tướng Najib Razak (đảng UMNO) bị mất chức sau cuộc tổng tuyển cử “đổi chiều gió” đã bị bắt và ngay đang tại ngoại trong thời gian bị điều tra nghi vấn tham nhũng.

Bạn bè và quyền lợi

Thủ tướng Mahathir Mohamad, người sắp 93 tuổi, đã có cú trở lại chính trường ngoạn mục nhờ đứng về phe đối lập để chống lại đảng UMNO cũ của ông.

Nhưng tờ The Star của Malaysia cũng nói ông từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tôn trọng và gọi là “người bạn già của nhân dân Trung Quốc”.

Năm 2013, khi ông Tập thăm Malaysia ở cương vị Chủ tịch Trung Quốc, ông đã đến nhà riêng thăm ông Mahathir và sự kiện đó được đài báo nhà nước TQ đăng tải rộng rãi.

Mahathir có thể dùng sự khôn ngoan chính trị để xóa đi hình ảnh ‘chống Trung Quốc’ của ông bằng cách hoan nghênh đầu tư Trung Quốc, cùng lúc nhờ ông Tập xem xét lại các dự án của Trung Quốc ở MalaysiaKeith Li

Nhưng khi tranh cử, ông Mahathir, người từng làm thủ tướng Malaysia nhiều năm, đã lớn tiếng chỉ trích các dự án đầu tư của Trung Quốc.

Sau khi thắng cử, ông giảm bớt độ nóng của lời chỉ trích nhưng có sự trông đợi ở Malaysia rằng ông sẽ dùng uy tín cá nhân của mình để thay đổi các dự án Trung Quốc.

Trang The Star trích lời ông Keith Li, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trung Quốc tại Malaysia nói “cuộc gặp Mahathir với Chủ tịch Tập sẽ thân thiện”.

“Trong chuyến thăm, Mahathir có thể dùng sự khôn ngoan chính trị để xóa đi hình ảnh ‘chống Trung Quốc’ của ông bằng cách hoan nghênh đầu tư Trung Quốc, cùng lúc nhờ ông Tập xem xét lại các dự án của Trung Quốc ở Malaysia. Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn giữ mặt cho nhau nên sẽ hỗ trợ nhau.”

Quan hệ Malaysia-Trung Quốc trong chỉ xoay quanh các dự án xây cất.

Con số du khách Trung Quốc sang Malaysia có thể tăng lên sáu triệu trong năm nay, nếu được Bắc Kinh khuyến khích và nếu Malaysia bỏ visa nhập cảnh cho công dân Trung Quốc.

Trung Quốc hiện còn là khách hàng nhập khẩu dầu cọ lớn nhất từ Malaysia (1,92 triệu tấn năm 2017).

Tuy nhiên, các dự án xây cất khổng lồ của Trung Quốc ở Malaysia bị phe đối lập trong nhiệm kỳ trước phê phán.

Giống các dự án ở Pakistan, Sri Lanka, Myanmar, Campuchia, Việt Nam và Trung Á, chúng thường được vận hành theo mô thức nhận tiền cho vay từ các ngân hàng Trung Quốc.

Bên thi công cũng là các công ty nhà nước của Trung Quốc và họ thường đưa công nhân nhân của mình sang để thực hiện dự án.

Một số công trình đã gây ra tranh cãi, thậm chí phản đối trong dư luận nước sở tại và khiến các nhân vật chính trị bị điều tra, điển hình là trường hợp Sri Lanka.

Báo Mỹ, tờ New York Times nêu cáo buộc rằng trên 7,6 triệu USD được một công ty Trung Quốc chuyển vào chiến dịch tranh cử của nguyên Tổng thống Sri Lanka, Mahinda Rajapaksa, điều ông này và thân nhân bác bỏ.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-44765441

 

Thái Lan giải cứu cậu bé thứ tám khỏi hang

Các nhân viên cứu hộ Thái Lan hôm 9/7 đưa cậu bé thứ tám ra khỏi hang động ngập nước, nơi 12 cầu thủ nhí bị kẹt cùng huấn luyện viên bóng đá hơn hai tuần qua.

Reuters dẫn lời một quan chức hải quân Thái xác nhận thông tin này.

Hãng tin Anh cũng trích lời nhân chứng gần hang Tham Luang cho biết đã trông thấy các nhân viên y tế cáng một người và đưa tới xe cứu thương đậu gần miệng hang.

Trước đó, ông Narongsak Osottanakorn, trưởng nhóm cứu hộ, nói tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi đã đưa đội cứu hộ vào hang khoảng 11 giờ sáng (giờ địa phương). Hy vọng rằng chúng tôi sẽ có tin vui trong vài giờ nữa.”

Ông Narongsak không cho biết rõ đến cuối ngày 9/7 sẽ cứu được bao nhiêu em.

Sau khi ngưng vào ban đêm, công tác cứu hộ những người còn bị kẹt trong hang tiếp tục sáng 9/7.

Một ngày trước đó, 4 cầu thủ nhí đã được cứu sống và đang hồi phục trong bệnh viện, theo Reuters, sau khi các thợ lặn mở một chiến dịch giải cứu đầy nguy hiểm.

Nhóm 12 cầu thủ bóng đá nhí tuổi từ 11 đến 16 và một huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang ở tỉnh Chiang Rai hơn hai tuần qua. Công tác cứu hộ chiều 8/7 bị gián đoạn do thiếu oxy.

Nhà chức trách cho biết việc cứu hộ có thể mất ba hoặc bốn ngày mới hoàn thành.

13 thợ lặn nước ngoài cùng với 5 thành viên của đơn vị hải quân tinh nhuệ của Thái Lan tìm cách để đưa các cầu thủ nhí qua các đường hầm hẹp và ngập nước, từng làm một cựu thợ lặn của hải quân Thái thiệt mạng tuần trước.

12 cầu thủ nhí của đội ‘Wild Boars’ cùng với huấn luyện viên 25 tuổi đã đi thám hiểm hang động gần biên giới Miến Điện hôm 23/6 nhân dịp này mừng sinh nhật của một cậu bé trong nhóm và tất cả bị mắc kẹt lại trong hang do nước mưa dâng cao.

https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-giai-cuu-cau-be-thu-nam-khoi-hang/4474641.html

 

Tư pháp Miến Điện

bác bỏ đề nghị miễn tố hai phóng viên Reuters

Hãng tin AFP, ngày 09/07/2018, cho biết, hai nhà báo đang làm việc cho hãng tin Reuters tên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã chính thức bị khởi tố với tội danh vi phạm luật “bí mật quốc gia”, bản án có thể lên tới 14 năm tù giam. Cả hai bị can khẳng định mình vô tội, và họ làm việc theo chuẩn mực “đạo đức nhà báo”.

Thẩm phán Miến Điện Ye Lwin đã quyết định khởi tố hai bị can tội danh vi phạm luật “bí mật quốc gia” sau khi cho rằng có đủ chứng cứ hai phóng viên đã thu nhập một loạt các “tài liệu mật” có liên quan đến hoạt động an ninh tại khu vực bang Rakhin. Phiên xét xử đầu tiên tại Rangoon sẽ diễn ra vào ngày 16/07.

Hai phóng viên Reuters bị lực lượng an ninh Miến Điện bắt giữ vào hồi tháng 12 năm 2017, bị tố cáo sở hữu thông tin mật có liên quan đến hoạt động an ninh tại bang Rakhine.

Hãng thông tấn Anh Reuters lên tiếng khẳng định 2 phóng viên vô tội và nhấn mạnh rằng họ chỉ làm công việc nhà báo. Tổng biên tập kiêm giám đốc hãng tin Reuters, ông Stephen J. Adler, bày tỏ thái độ “vô cùng thất vọng” trước quyết định của tư pháp Miến Điện và cho rằng quyết định nói trên là “vô căn cứ”.

Trong phiên tòa ngày 20/04/2018, một quan chức cảnh sát Miến Điện cho biết ông được lệnh gài bẫy hai phóng viên của hãng Reuters.

Vào tháng 9/2017, hai phóng viên đã có bài điều tra vụ việc lực lượng quân đội Miến Điện thảm sát 10 người Rohingya tại làng Inn Din thuộc bang Rakhin. Phía chính quyền Miến Điện đã lên tiếng, nói rằng đây là một vụ việc đơn lẻ. Sau đó, 7 quân nhân Miến Điện đã bị xử 10 năm tù.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180709-tu-phap-mien-dien-phong-vien-reuters-xh

 

Brazil : Cuộc chiến pháp lý quanh cựu tổng thống Lula

Thùy Dương

Tòa phúc thẩm Brazil ngày 08/07/2018 đã ra lệnh trả tự do cho cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, bị giam giữ trong tù từ hồi đầu tháng Tư vì tội tham nhũng. Quyết định của Tòa phúc thẩm Brazil đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nhưng quyết định trên ngay lập tức đã bị hủy. Nhiều người coi đây là một « mớ bòng bong » pháp lý. Ông Lula hiện vẫn là ứng cử viên cho kỳ bầu cử tổng thống Brazil vào tháng 10/2018.

Từ Rio de Janeiro, thông tín viên RFI François Cardona cho biết chi tiết :

« Chánh án tòa án liên bang cuối cùng đã ra quyết định dứt khoát, rõ ràng. Quyết định trả tự do hay không cho ông Lula là thuộc thẩm quyền của thẩm phán phụ trách vụ Lava Jato, vụ điều tra quy mô lớn về các mạng lưới tham nhũng của các chính trị gia. Trước đó, vị thẩm phán này đã chống lại việc trả tự do cho cựu tổng thống Brazil trong khi một thẩm phán khác quyết định ngưng giam giữ ông Lula, bất chấp sự phản đối của cơ quan tư pháp vùng.

Cuộc chiến tư pháp này đã chấm dứt nhanh chóng, nhưng vẫn khiến cả nước Brazil hồi hộp theo dõi. Ông Lula, bị giam trong một nhà tù ở miền nam từ hồi tháng Tư đã thoáng thấy tự do. Nhưng cuối cùng ông vẫn không được tự do.

Là ứng viên của đảng Những người lao động cho kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 10/2018, ông Lula được cho là nhận được nhiều ý định bỏ phiếu nhất, cho dù ông đã bị kết án 12 năm tù vì tội tham nhũng và rửa tiền. Vị thẩm phán quyết định trả tự do cho cựu tổng thống cho rằng việc giam giữ hạn chế quyền tự do ngôn luận của ông Lula trong tư cách ứng viên tổng thống. Trước mắt ông Lula vẫn ở trong tù. Nếu ông được trả tự do, ông cũng có nguy cơ không đủ tư cách ứng viên vì đã bị kết án ở tòa phúc thẩm. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180709-brazil-phap-ly-cuu-tong-thong-lula-qt

 

Pháp-Bỉ : Cuộc đấu của 2 láng giềng quen thuộc

Anh Vũ

Người hâm mộ bóng đá Pháp từ 2 ngày qua chỉ nghĩ tới duy nhất trận đấu dành chiếc vé vào chung kết World Cup với đội tuyển Bỉ, một người hàng xóm quen thuộc trở thành đối thủ đáng gờm của tuyển Pháp trên sân vận động thành phố Saint Petersbourg vào 18 h giờ quốc tế ngày 10/07/2018.

Đội tuyển Bỉ, hay « Những con Quỷ đỏ », đơn giản đó là đối thủ mà Les Bleus (đội áo Lam) đã chạm mặt nhiều nhất trong lịch sử thi đấu của mình. Tổng số đội tuyển hai nước đã gặp nhau 73 lần, trong đó Pháp thắng 24 trận, 30 thất bại và 19 trận hòa. Nhưng trận đấu tối mai mang tầm mức quan trọng hơn tất cả mọi cuộc gặp từ trước tới nay giữa hai đội. Cả Les Bleus và Les Diables Rouges (Những con Quỷ đỏ) đang ở rất gần giấc mơ lớn.

20 năm sau giành cúp vàng 1998, với Didier Deschamp từng là thủ quân, nhà vô địch thế giới, bóng đá Pháp đang gần với tới ngôi sao thứ 2. Để làm được điều đó, trước tiên các cầu thủ áo Lam phải vượt qua được chướng ngại vật đầu tiên mang tên Bỉ và bộ ba hàng tấn công đáng sợ gồm Eden Hazard – Romelu Lukaku – Kevin De Bruyne. Ở giải đấu năm nay, các con Quỷ đỏ có một cỗ máy tấn công hiệu quả nhất. Họ đã có được 14 bàn thắng sau 5 trận đấu. Ở hàng phòng ngự Bỉ có thủ môn Thibaut Courtois, người đã khiến các chân sút hàng đầu thế giới Brazil bất lực.

Cuộc đối đầu Pháp – Bỉ còn mang sắc thái hàng xóm đặc biệt. Tiền đạo Pháp Olivier Giroud nói về người đồng đội của anh ở Chelsea là Hazard « gần như là người Pháp ». Thủ quân này của tuyển Bỉ trưởng thành trong lò đào tạo Pháp ở thành phố Lille. Cũng chính tại câu lạc bộ miền bắc nước Pháp này mà tài năng bóng đá của Hazard đã phát tiết trước khi trở thành một cái tên lớn của làng bóng châu Âu.

Trên băng ghế huấn luyện, còn có một người Pháp khác, một thần tượng của bóng đá Pháp một thời đó là Thierry Henri, cây làm bàn của đội tuyển Pháp (51 bàng thắng ghi cho đội tuyển, từng là đồng đội với Didier Déschamps giành Cúp vàng thế giới 1998). Giờ anh là trợ lý phụ trách mảng tấn công cho Roberto Martinez huấn luyện viên người Tây Ban Nha của tuyển Bỉ. Vẫn Olivier Giroud trong cuộc họp báo hôm qua khi được hỏi đã nói : « Tôi sẽ rất tự hào được chứng minh với Titi (Thierry Henry) rằng anh ấy đã chọn nhầm phe ».

Về phần mình đội tuyển Pháp đang có trong tay đủ phương tiện ở các tuyến để chế ngự những con Quỷ đó là : từ thủ môn Lloris, Varane, Pavard, Pogba, Kante, Griezmann, Giroud và tài năng trẻ Mbappé.

Bỉ – Pháp là hai người hàng xóm, kẻ tám lạng người nửa cân. Để quyết định trận đấu, cuộc đọ sức còn mở rộng ra ngoài sân cỏ đến băng ghế huấn luyện của hai đội.

http://vi.rfi.fr/phap/20180709-phap-bi-cuoc-dau-cua-2-lang-gieng-quen-thuoc