Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi – Lê Minh Nguyên
(Chuyện thật bi hài)
Bài 1 – Giáo Sư Lê Đình Chân
Năm 1975 tôi đang học Đại Học Luật Khoa Saigon, Ban Cao Học Công Pháp. Trong lớp có vài sĩ quan cấp tá của Quân Đội VNCH. Vào những ngày của tháng Ba và tháng Tư, GS Lê Đình Chân thắc thỏm trong lòng và cứ thường hay hỏi các sĩ quan là tình hình thế nào, liệu có giữ được Miền Nam không.
Tôi học với ông nhiều năm, từ Luật Hiến Pháp của năm thứ nhất đến bấy giờ, nhưng chưa bao giờ, có thể nói là chưa bao giờ tôi thấy ông giảng hay như trong những tháng cuối cùng này. Ông rất kinh sợ là Miền Nam sẽ rơi vào tay cộng sản, đối với ông đó là một ác mộng, một sự rơi vào địa ngục, cho nên ông giảng về CS mà cho đến ngày nay, đã gần 40 năm mà tôi vẫn còn ghi trong đầu các ấn tượng sâu đậm.
Ông nói con người ta, vì là người chứ không phải là ác quỷ, cho nên ai cũng có lương tâm, vì vậy chuyện giết người là một cái gì rất là ghê tởm và không dám nghĩ đến, nói chi đến hành động. Nếu chuyện giết chóc vì một lý do nào đó mà xảy ra lần đầu tiên, thì người đó ăn không ngon ngủ không yên vì lương tâm dằn vật và cắn rứt, bị sự trừng phạt dữ dội trong tâm hồn. Nhưng nếu việc giết người tiếp tục xảy ra, thì sự dày vò của nội tâm sẽ bớt hơn so với lần đầu, và nếu cứ tiếp tục thì sau một thời gian với nhiều người chết dưới tay mình, thì việc giết người giống như việc chém chuối, không còn xúc cảm nữa. Lúc đó thì con người không còn là một con người nữa, mà là một con quỷ.
GS Lê Đình Chân còn kể một chuyện khác. Trong một buổi gặp gỡ giữa Stalin và Churchill, ông Stalin nói với ông Churchill rằng: nước ông lấy đảng Bảo Thủ trị quốc, nước tôi lấy đảng Cộng Sản trị quốc, chúng ta đều ‘dĩ đảng trị quốc’ thì có khác gì với nhau đâu? – Ông Churchill với nụ cười mĩm đặc thù chậm rãi trả lời: có chứ! khác nhau là ở chổ nước tôi nếu bốn giờ sáng có người đến gõ cửa nhà thì người trong nhà yên trí đó là anh chàng đi giao sữa, còn nước ông nếu bốn giờ sáng có người gõ cửa nhà thì người trong nhà phải lo mau mau đi viết tờ di chúc.
GS Chân là một nhà giáo rất yêu tự do dân chủ, tận tụy với nghề nghiệp, một vị giáo sư khả kính mà mỗi khi nhắc đến ông lòng tôi nghẹn ngào vì biết rằng sau ngày 30/4/1975 ông bị kẹt ở lại. Ông yêu tự do bao nhiêu thì sự đau đớn ở trong lòng ông nhiều bấy nhiêu. Một sự sang trang của lịch sử mà nhân tài ở lại bị mai một hoặc hàng khối người với biết bao nhiêu tinh hoa, chất xám bỏ nước ra đi.
Tôi thương nhớ và quý trọng ông. Từ ông tôi học được rất nhiều điều về cộng sản. Từ ông tôi biết được lằn ranh giữa người và ác quỷ và biết được ác quỷ là gì, mặt mũi nó ra sao. Nó không như trong chuyện kinh dị, và ngay cả chuyện Giai Nhân và Quái Thú (Beauty and the Beast) thì quái thú xấu xa ngoại hình nhưng là người đầy phẩm chất, rất đáng quý trọng và yêu thương.
Ngày 30/4 lại đến, từ 1975 đến nay tôi chưa viết về ngày này. Hôm nay tôi viết, và bài đầu tiên về ngày này xin được nhớ về vị giáo sư khả kính Lê Đình Chân.
Bài 2 – Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi
Khi học trường trung học Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc những năm 1967-68, lớp Đệ Tam và Đệ Nhị (lớp 10 và 11 ngày nay) tôi thường bám sát các giáo sư từ Saigon gởi về, nhất là các vị giáo sư trẻ, để tìm hiểu chuyện nước non, vì thú thật, ở Châu Đốc xa thủ đô nên những nhân vật quốc gia (stateman) hay những vấn đề chính trị đất nước rất ít, hay gần như là không có. Nhưng thường là thất vọng vì không bắt được tầng số của mình với ai cả, ngoại trừ một vị sư trụ trì ở chùa Vĩnh Ngươn, bên kia bờ kinh Vĩnh Tế. Thế là mỗi cuối tuần tôi đi đò ngang qua kinh để hủ hỉ với thầy. Tôi còn nhớ thầy sinh năm 1901, thầy nói là dòng dõi của Phan Bá Vành, và từ Miền Bắc lưu lạc vô Nam. Mỗi lần thầy gặp tôi đến, thầy bảo tôi ra điện lạy Phật, rồi sau đó thầy trò cùng nhau trò chuyện, tôi bảo thầy dạy võ cho tôi, thầy không chịu và bảo tôi lo học chữ.
Có một lần bạn bè tổ chức đi chơi Núi Sam cuối tuần, tôi không đến thầy, và tham gia cuộc vui với bạn. Có một cô bạn dẫn theo một em bé trai khoảng 4 hay 5 tuổi rất dễ thương và tôi cứ loay quay chơi với nó. Hôm sau Thứ Hai vào lớp thì hỡi ơi! trên mấy vách tường cao của lớp học là hai câu thơ
Qua sông phải bắt cầu kiều
Muốn thương con chị phải chìu thằng em.
Nhưng mà tôi đâu có để ý cô chị đâu, tôi để ý người khác cơ! Nhưng thú thật, lòng mong muốn tham gia vào những vấn đề đất nước lúc ấy lại mãnh liệt hơn tình yêu và trong lòng tôi có ý định rời Châu Đốc.
Hết lớp Đệ Nhị tôi thi Tú Tài 1 ở Long Xuyên. Ngày đi dò kết quả, ba tôi trông ngóng cả ngày ngoài đường, đến chạng vạng không thấy tôi về, ông buồn bả vào nhà và than thở “chắc nó thi rớt nên trốn không về”. Thời đó đâu có điện thoại như bây giờ nên khoảng cách Long Xuyên tuy ngắn nhưng xa như mặt trăng của ngày hôm nay. Tôi dò thấy mình đậu hạng cao nên quyết định từ Long Xuyên đi luôn tới Saigon tìm trường để đổi. Tôi đến Chu Văn An, gặp ông hiệu trưởng Nguyễn Xuân Quế, ông chịu nhận tôi vào lớp Đệ Nhất Ban B (Toán). Bây giờ nghĩ lại thấy thương Ba tôi quá!
Khi học ở Châu Đốc, trận Tết Mậu Thân 1968 xảy ra, chết chóc và mùi tử khí còn ám ảnh, nhất là hình ảnh những tử thi trôi trên sông Hậu Giang ở bến phà từ Châu Đốc qua Châu Giang. Nhớ những trận pháo kích ban đêm vào tỉnh lỵ, chúng tôi những học sinh nam nữ ở chung nhà trọ, phải cùng nhau chun xuống dưới hầm trú ẩn (tranchée) duới nhà, và những tiếng nổ rợn người xảy ra chung quanh. Những cảnh, như nhạc Trịnh Công Sơn “người chết hai lần thịt da nát tan” hay cảnh sắp hạ huyệt đám ma của người chết do bị pháo kích thì cả đám người đều đồng loạt nhảy xuống huyệt (thay vì cái hòm) để tránh pháo kích, đã thực sự xảy ra.
Được học ở Saigon, thật tình tôi như con cá gặp nước, từ rạch ngòi ra được sông lớn, nhưng chưa biết tầng số nào mình có thể bắt được. Khi còn ở Châu Đốc tôi có nghe ông Hồ Hữu Tường là một nhân tài. Tôi tìm kiếm ông, đi nghe ông diễn thuyết, tìm gặp nhà ông ở Phú Nhuận và văn phòng ông ở gần chợ Vườn Chuối. Nhưng! chỉ một thời gian ngắn thì tôi bỏ cuộc, vì lúc đó ông đã già, đến nghe ông nói thì thường là chuyện mua đất xây nghĩa trang ở Biên Hoà, không cùng tầng số cho một người trai 17 tuổi.
Tình cờ đi trên một chuyến xe đò từ Miền Tây về Saigon, có ai đó cho tôi tờ báo Cấp Tiến. Tự cái tên thôi nghe có vẽ rất gần tầng số của mình, đọc thêm nữa thì thấy đó là nơi quy tụ những người trí thức trẻ, có chủ trương cấp tiến cho dân tộc, những Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Văn Ngôn… Thế là tôi đi khám phá. Chạy chiếc xe đạp đến trụ sở của tờ báo ở đường Phan Đình Phùng, dựng xe vào gốc cây trước cửa và rụt rè hỏi cô thư ký ngồi gần cửa. Cô chỉ cho tôi vào bên trong, nơi mà ba ông Nguyễn Đình Huy (Việt Huy), Trương Dụng Khả (Minh Nhật – chú của nhân vật Trương Tử Anh) và Ung Ngọc Nghĩa (Hoài Sơn) ngồi làm việc. Ông Hoài Sơn ngồi bàn thứ ba ở góc sát bên trong tiếp tôi, bảo tôi còn quá trẻ. Ông nói chuyện xưng “qua” với tôi, cho tôi biết các thông tin và tặng tôi các tài liệu, bảo tôi về đọc và suy nghĩ cho kỹ, khoan hả quyết định, bởi vì việc tham gia chính trị cũng giống như việc lập gia đình, nhiều khi mình phải ở với nó suốt đời.
Bài 3 – Mới Hay Tình Nhẹ Như Tơ
Trường Trung Học Chu Văn An nằm sát vách Đại Học Xá Minh Mạng (ĐHXMM). Sau khi đậu Tú Tài 2, tức xong bậc trung học, tôi ghi danh học luật và tìm cách xin vào sống trong ĐHXMM. Ấn tượng của năm đầu trường luật là anh Trịnh Đình Ban, sinh viên tả phái luôn năng động xuất hiện trước khi giáo sư đến diễn giảng để vận động gây ảnh hưởng trong sinh viên, hầu như lúc nào cũng đứng trước micro phía bục giảng, do sinh viên năm thứ nhất rất đông – các lớp càng cao thì sinh viên càng rơi rụng ít đi. Nghĩa vụ quân dịch luôn sát sau lưng không cho phép thi rớt, hoặc đậu hoặc đi lính nếu rớt.
Vào ĐHXMM không phải là việc dễ dàng, vì ngoài việc chính thức làm đơn xin vào, còn phải được sinh viên xếp sòng của phòng chấp nhận và điều này rất khó, trừ phi là phe ta. Một phòng có khoảng trên 6 sinh viên ở. Đây là nơi tứ chiến giang hồ vì sinh viên từ Vĩ Tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau đều có ở đây. Do ông anh bà con là thành viên của một tổ chức chính trị giới thiệu, tôi vào phòng của đa số anh em sinh viên Mỹ Tho. Xếp sòng là anh N hiện nay đang ở Úc, anh rất vui tính và đa số anh em trong phòng cứ nghĩ là tôi chưa dính gì về chính trị. Tôi vì thích và đã tham gia Cấp Tiến, cho nên không tìm hiểu và các anh cũng không bao giờ đặt vấn đề hay gò ép. Tuy nhiên sau một năm thì anh em cũng biết và anh xếp sòng khôi hài rằng “đm..thằng T (anh bà con tôi) nó gài gián điệp vô phòng mình” và cả đám cười xoà.
Phòng tôi ở gần đường, từ ngoài cửa buớc vào thì bên tay phải, dãy thứ hai, phòng đầu của mặt sau. ĐHXMM cũng là ổ của sinh viên tranh đấu, nhưng không ai muốn dùng nơi ăn chốn ở này để làm nơi tranh đấu, họ tranh đấu ở các trường đại học hay ngoài đường phố. Một lần, nhóm anh em trong phòng tranh đấu và tôi có tham gia, rồi bị bắt chung với anh em vào bót cảnh sát Quận 5, cả đám ngồi chờ đợi làm thủ tục cả đêm rồi sau đó cho về. Một lần khác, bị bao vây kẹt bên trong Viện Đại Học Saigon ở công trường Con Rùa cạnh trường luật gần một ngày, lần này còn có anh Huỳnh Tấn Mẫm và nhóm của anh. Sống hơn bốn năm ở ĐHXMM, tôi ngữi không biết bao nhiêu quả lựu đạn cay, ban đêm biết chạy đi đâu bây giờ, chỉ đành chịu cay trùm mền mà ngủ. Anh HTMẫm buổi tối thường hay dẫn học sinh từ bên ngoài vào, chọi đá và chửi nhau với cảnh sát dã chiến đứng gác bên kia đường, phía nhà thờ. Thế là sau đó lựu đạn cay bắn vào.
Có một lần, tôi thật may mắn, về quê ở chơi vài ngày, khi trở lên thì thấy quang cảnh tiêu điều, hàng rào kẽm gai và cảnh sát dã chiến canh bên ngoài. Tôi trình thẻ để vào, thấy sinh viên rất ít, vừa gặp người bạn phòng bên cạnh, tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra, thì anh tốc lên chửi và đưa ngón tay còn bị cong, anh cho biết đêm qua cả đại học xá bị cảnh sát tấn công, nghe nói trong đêm đó anh Nguyễn Xuân Thượng bị ốm đòn.
Năm thứ hai trường luật của tôi là năm anh Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát chết ngay tại hành lang trường. Anh Nhật dáng dẽ ốm, tóc hơi quăn và lưng hơi cong, tuớng như một bạch diện thư sinh, anh bị bắn rất gần và giẫy chết rất thảm. Người Việt chúng ta sát phạt với nhau dữ quá, dù ngay trong giới sinh viên trí thức!
Vào một ngày hơn giữa tháng Tư 1975, Cấp Tiến có một buổi khẳng định lập trường tiếp tục ở lại chiến đấu, tổ chức ở lòng đường Phan Đình Phùng, ngay trước cửa trụ sở. Tôi có mặt tham dự. Có lẽ vì quyết định này mà đại bộ phận anh em bị kẹt lại, và trách nhiệm của GS Huy khi ra hải ngoại đã to lớn lại càng nặng nề hơn. Trong những năm đầu bên ông ở hải ngoại, tôi chia xẻ được nỗi niềm tâm sự của ông. Lúc đó, Đảng Công Nông do ông Trần Quốc Bửu lãnh đạo có kế hoạch di tản phần lớn cán bộ ra ngoại quốc. Con gái ông Bửu là bạn tôi, nhưng khi cá sông ra biển thì ít có dịp gặp lại.
Ngày 28/4/1975, tôi đến nhà GS Nguyễn Ngọc Huy, thấy khói bay nghi ngút bên hiên nhà, hỏi ra thì là do đang đốt các tài liệu. Lúc đó buổi chiều, có khoảng năm bảy người và đang trò chuyện thì thấy máy bay A-37 đang ném bom phi trường Tân Sơn Nhất. Mọi người chạy ra trước cổng đứng xem. Tôi thấy máy bay bay rất chậm và súng phòng không dưới đất bắn lên đều trật, chỉ nổ chung quanh máy bay, tôi chê sao bắn dỡ quá. GS Nguyễn Ngọc Huy nói là không dễ đâu, con muỗi bay trong mùng mình lấy hai bàn tay đập mà còn trật, huống gì máy bay bay trên trời. GS Nguyễn Đình Huy (Việt Huy) cũng có mặt ngày hôm đó.
(còn tiếp)