Tin Việt Nam – 07/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/07/2018

Mẹ Nấm tuyệt thực vì bị bạn tù đe dọa

Trong cuộc gọi điện thoại bất ngờ về nhà cho mẹ vào sáng 6/7, blogger Mẹ Nấm tuyên bố bắt đầu tuyệt thực cho đến khi nào trại giam giải quyết việc cô liên tục bị bạn tù đe dọa đến mức phải cầu xin mẹ “hàng tháng thăm con để biết sinh mạng con còn hay đã mất”.

Trả lời VOA vào tối cùng ngày, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho biết: “Khoảng 8 giờ kém 5, tôi nghe Quỳnh gọi về thông báo nhanh trong vòng hơn 4 phút rằng ‘Mẹ, con gọi cho mẹ xong là con không ăn uống gì nữa. Con sẽ tuyệt thực cho đến khi nào mọi việc được giải quyết’”.

Đây là lần thứ 3 blogger Mẹ Nấm phải dùng đến biện pháp tuyệt thực để phản đối các điều kiện giam giữ, mà theo các tổ chức nhân quyền quốc tế là “ngược đãi”, trong các nhà tù tại Việt Nam.

Blogger Mẹ Nấm hiện đang bị giam giữ tại trại 5 ở Thanh Hóa. Trong lần đi thăm con gần nhất vào ngày 26/6, bà Tuyết Lan cho biết con gái bà đã cầu xin “hàng tháng mẹ phải thăm con” vì lo sợ cho tính mạng của mình trước tình trạng liên tục bị một nữ bạn tù hăm dọa, chửi bới, lăng nhục bằng những lời lẽ “thô tục” và “kinh khủng”.

“Trong hai người bị giam cùng phòng thì có một người luôn khiêu khích như vậy”, bà Tuyết Lan nói.

“Hôm 26/6 Quỳnh nói là bị chửi bới kinh khủng lắm. Quỳnh nói nó không dám nói chuyện với ai, chỉ im lặng ở trong phòng. Có 3 người ở thì có 1 cô luôn trách móc Quỳnh là chị làm như vậy là ảnh hưởng tới sinh hoạt thi đua gì đó”.

Theo lời bà Tuyết Lan, ngoài hai người bạn tù cùng phòng, blogger Mẹ Nấm còn bị một nữ tù nhân khác chạy sang phòng biệt giam của cô để chửi bới, đe dọa.

“Quỳnh nói hiện giờ khu vực của con vẫn là khu vực biệt giam. Nhưng có một cô ở chỗ khác vẫn chạy qua đứng trước phòng con buông lời đe dọa. Cô đó tên là Liên, biệt hiệu Liên Híp (hoặc Hiếp). Thường thường, khu vực của Quỳnh là không được ai đi vào trước buồng giam, nhưng cô này lại đi thẳng vào trước buồng giam. Công an, cai tù dặn rằng khi có sự xuất hiện của công an thì phải mặc quần dài, áo tay dài vô, nhưng riêng cô này vẫn mặc quần đùi, áo ba lỗ chạy qua khu vực này. Vi phạm như vậy nhưng chẳng ai nói gì”.

Mẹ của blogger từng được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình gần đây nói rằng con gái mình đã bị “tra tấn tinh thần cả ngày lẫn đêm” đến mức “quá giới hạn chịu đựng” sau khi các yêu cầu của cô đối với cán bộ trại giam đã không được đoái hoài tới.

“Bị cúp điện, ổ khóa mở không được, cứ liên tục bị như vậy. Trước đó, Quỳnh có gặp 3 người giám thị để trình bày nhưng tình trạng không hề thay đổi mà còn có vẻ gia tăng”, bà Tuyết Lan cho biết.

Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) đầu tuần này ra thông cáo lên án mạnh mẽ tình trạng “ngược đãi” blogger Mẹ Nấm tại nhà tù Thanh Hóa.

“Nhà chức trách Việt Nam phải dừng ngay lập tức việc cố ý tra tấn tâm lý nhà báo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh”, đại diện của CPJ tại Đông Nam Á của CPJ, Shawn Crispin, nói.

“Chừng nào Quỳnh vẫn còn ở sau song sắt thì thế giới vẫn sẽ xem Việt Nam là một quốc gia lạm dụng các quyền cơ bản của con người một cách không thể chấp nhận”, ông Shawn Crispin nói thêm.

Blogger Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88 hồi năm ngoái.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã thu thập thông tin về các trường hợp người dân bị chết trong khi làm việc với công an và làm thành tài liệu “Stop police killing civilians” (“Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường”), đã tham gia với các cá nhân khác kêu gọi người dân tham gia chiến dịch “Vận động nhân quyền”, “công khai phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản”, “xuyên tạc tình hình trong nước” trên báo đài quốc tế, tàng trữ tập thơ “Bài thơ một vần” của tác giả Bùi Chát, CD nhạc có bài hát “Viết về ngư dân Việt Nam” của nhạc sĩ Tuấn Khanh”.

Ngoài các giải thưởng về nhân quyền từ các tổ chức quốc tế, tháng 3 năm ngoái, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn được phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, bà Melania Trump, trao giải “Phụ nữ can đảm”. Cô cũng được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình năm 2018 vào đầu tháng trước.

https://www.voatiengviet.com/a/me-nam-tuyet-thuc-vi-bi-ban-tu-de-doa/4471023.html

 

Thành viên Phong trào Lao động Việt bị tấn công

Vụ việc côn đồ tấn công tư gia của gia đình cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động vì quyền công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh suốt gần 3 tuần qua, mà chính quyền và công an địa phương không can thiệp làm dấy lên luồng dư luận cho rằng Chính quyền Việt Nam tiếp tục trấn áp tổ chức cổ xúy cho công đoàn độc lập- Phong trào Lao Động Việt.

Tấn công có chỉ đạo?

“Bây giờ hiện tại chỉ có hai bố con Minh Hạnh, mà từng ngày từng giờ lúc nào cũng bị khủng bố, đêm nào cũng bị đe dọa. Cái nhà của tôi bị phá tang hoang hết rồi.”

Ông Đỗ Ty, thân phụ của cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động vì quyền công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh, vào tối ngày 6 tháng 7, nói với RFA như vừa nêu. Ông Đỗ Ty cho biết trước thời điểm các cuộc biểu tình nổ ra hồi trung tuần tháng 6 vừa qua gia đình ông không gặp phải tình trạng mà theo lời ông là “đe dọa, khủng bố”.

Nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh cho Đài Á Châu Tự Do biết cô về cư ngụ tại nhà của thân phụ, ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hồi trung tuần tháng 5 vừa qua. Vài ngày trước khi công nhân biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng, cô Minh Hạnh bị chặn giữ và cản trở trong việc đi lại. Sau khi các cuộc biểu tình của đông đảo công nhân diễn ra trong những ngày trung tuần tháng 6, thì côn đồ bắt đầu tấn công tư gia của gia đình cô kể từ ngày 26 tháng 6 và liên tục suốt gần 3 tuần qua. Côn đồ ném thiết bị nổ, gạch đá và xịt hơi cay vào nhà gây ra những tổn hại nặng nề về vật chất lẫn tinh thần cho cả hai bố con cô Minh Hạnh.

Vấn đề chúng tôi đã báo và họ phớt lờ đi, chứng tỏ rằng có một sự chỉ đạo từ phía bên trên, chứ đơn thuần là họ thôi thì họ sẽ không dám làm những điều tàn bạo đến mức độ như vậy

-Nhà hoạt động dân sự Đỗ Thị Minh Hạnh

Vụ việc côn đồ tấn công được nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh gọi điện thoại trình báo với công an thị trấn Di Linh, công an huyện Di Linh và các cuộc trình báo này được livestream trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, đồng thời thư trình báo cũng được gửi phát nhanh (EMS) đến hai cơ quan công an này và cô Minh Hạnh đã nhận được biên lai hồi báo công an huyện Di Linh đã ký nhận. Cô Minh Hạnh còn thông báo vụ việc tấn công của côn đồ với đại diện của khu phố:

“Thậm chí mình còn mời cả ông Trưởng Ban an ninh trật tự khu phố tới và ông cũng có nói rằng ông đã trình báo với công an rồi, nhưng công an không xuống thì không thuộc thẩm quyền của ông.”

Vào chiều ngày 4 tháng 7, Đài RFA liên lạc với công an huyện Di Linh qua điện thoại để hỏi về trường hợp trình báo vụ việc tấn công mới nhất xảy ra trong tối mùng 3 tháng 7 tại nhà của gia đình ông Đỗ Ty, và chúng tôi được trả lời:

“Không thấy hộ ông Đỗ Ty báo gì lên công an huyện tình hình tối hôm qua. Đề nghị một là gia đình lên trực tiếp, hoặc hai là báo qua điện thoại mà chưa nhận được thông tin gì.”

Những người theo dõi sát diễn tiến xảy ra đối với gia đình của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh cho rằng đợt tấn công là biện pháp trả đũa của chính quyền đối với Phong trào Lao Động Việt, do cô Minh Hạnh giữ chức vụ chủ tịch. Bản thân cô Minh Hạnh nhận định:

“Vấn đề chúng tôi đã báo và họ phớt lờ đi, chứng tỏ rằng có một sự chỉ đạo từ phía bên trên, chứ đơn thuần là họ thôi thì họ sẽ không dám làm những điều tàn bạo đến mức độ như vậy.”

Việc đàn áp bị phản đối

Một thành viên của Nhóm Nhân sĩ Trí thức Sài Gòn, ông Huỳnh Kim Báu nói với RFA Chính quyền Việt Nam không loại trừ bất kỳ một hình thức nào để đán áp giới đấu tranh ôn hòa ở trong nước:

“Chính quyền này, khi họ cầm quyền thì họ không từ điều gì hết. Khủng khiếp lắm! Trong các chế độ độc đảng như Trung Quốc, Liên Xô trước đây, Bắc Triều Tiên, tất cả những nước gọi là ‘xã hội chủ nghĩa’, độc tài thì thuộc tính của nó là khủng bố. Hãy nhớ một điều: ai cũng thế, đầu tiên là phải sống, rồi mới sống của con người sống mà họ tấn công vào sinh tồn trước là cực kỳ ác.”

Ông Huỳnh Kim Báu trưng dẫn các biện pháp đàn áp đối với các nhà hoạt động không chỉ qua việc dùng côn đồ tấn công, hành hung mà còn sử dụng rất nhiều cách thức khác đối với họ và cả thân nhân trong gia đình họ như triệt tiêu kế sinh nhai, đóng tất cả các cánh cửa công ăn việc làm hay làm áp lực không cho thuê mướn nơi ăn chốn ở…

Chính quyền này, khi họ cầm quyền thì họ không từ điều gì hết. Khủng khiếp lắm! Trong các chế độ độc đảng như Trung Quốc, Liên Xô trước đây, Bắc Triều Tiên, tất cả những nước gọi là ‘xã hội chủ nghĩa’, độc đảng, độc tài thì thuộc tính của nó là khủng bố

-Ông Huỳnh Kim Báu

Với tư cách là Chủ tịch Phong trào Lao Động Việt, cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh khẳng định tổ chức công đoàn độc lập này sẽ tiếp tục đồng hành cùng với công nhân tại Việt Nam. Riêng về vụ việc gia đình bị côn đồ tấn công trong gần 3 tuần lễ qua, cô Minh Hạnh cho biết nếu tình hình vẫn tiếp diễn thì “Chúng tôi buộc lòng phải lên tiếng ở cấp tỉnh và sẽ đưa vụ việc này ra trước công luận và quốc tế”.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân Xá Quốc Tế-Amnesty International, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền-Human Rights Watch ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính quyền Việt Nam ngay lập tức can thiệp để chấm dứt vụ việc tấn công hành hung, nhắm vào nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh.

Phó Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Phil Robertson, vào ngày 4 tháng 7 lên tiếng cho rằng chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đồng lõa với côn đồ và không có biện pháp trừng phạt đối với các hành động này nhằm bịt miệng giới đấu tranh ôn hòa tại Việt Nam.

Vào ngày 5 tháng 7, Dân biểu Úc Chris Hayes viết thư gửi đến Đại sứ Australia tại Việt Nam, trình bày vụ việc của nhà hoạt động dân sự Đỗ Thị Minh Hạnh và bày tỏ mong muốn Đại sứ Úc tại Việt Nam hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn cho đời sống của gia đình cô Đỗ Thị Minh Hạnh nói riêng và các nhà hoạt động cho công bằng xã hội và nhân quyền tại Việt Nam nói chung.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Us-based-trieu-dai-viet-organization-admits-its-member-for-police-attack-07052018142650.html

 

Chưa có thông tin về 2 chị em biểu tình

bị bắt giữ hôm 10/6

Hai chị em Nguyễn Thị Ngọc Phượng, sinh năm 1988 và Nguyễn Thị Trúc Anh, sinh năm 1994, ở giáo xứ Phúc Lâm, Hố Nai bị công an Biên Hoà bắt vì tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 đến nay vẫn chưa được thả.

Gia đình của hai người bị bắt cho biết như vừa nêu hôm 5 tháng 7, và nói thêm là đã nhờ các văn phòng luật sư tư vấn nhưng đều bị từ chối.

Theo lời thuật lại của bà Vui, chị gái của hai người này thì hôm 10/6, rất nhiều người dân sống ở Đồng Nai đã kéo về Biên Hoà để biểu tình. Số người bị bắt trong ngày hôm đó khoảng 100 người, phần đông là công nhân. Cho đến nay vẫn chưa rõ bao nhiêu người còn bị giam giữ.

Gia đình hai chị Ngọc Phượng và Trúc Anh cho biết hai người hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam công an thành phố Biên Hòa

Hôm chủ nhật 10/6 vừa qua, hàng ngàn người từ nhiều tỉnh thành của Việt Nam đã xuống đường biểu tình phản đối luật đặc khu hành chính kinh tế (luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng. Trong đó, Luật An ninh mạng đã được chính phủ thông qua ngày 12/6, còn Luật Đặc khu được Văn phòng chính phủ quyết định lùi lại để xem xét.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Two-protestors-on-june-10-still-missing-07062018083537.html

 

Việt Nam sắp xét xử 12 người

thuộc tổ chức “Chính phủ quốc gia VN lâm thời”

Truyền thông trong nước hôm 7/7 cho biết từ ngày 16 đến 19 tháng 7 tới, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra xét xử 12 người thuộc tổ chức ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lầm thời’. Theo tờ Tuổi trẻ, những người này nhận nhiệm vụ tuyên truyền, kích động biểu tình, đã bị bắt và truy tố về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Trong số những người bị xét xử có hai người Mỹ gốc Việt là Nguyen James Han và Phan Angel. Theo nguồn tin của RFA, 4 người bị xét xử trong số 12 người bao gồm Trương Nguyễn Minh Trí, Đỗ Tài Nhân, Võ Hoàng Ngọc và Trần Văn Vĩnh.

Theo truyền thông trong nước, Phan Angel và Nguyen James Han được cử về Việt Nam vào cuối tháng 2 năm 2017 để tập hợp, lôi kéo thành viên thực hiện kế hoạch chống phá dịp lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5.

Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được tờ Tuổi Trẻ trích đăng cho biết tổ chức “Chính phủ quốc gia VN lâm thời” do ông Đào Minh Quân, một công dân Mỹ gốc Việt, thành lập năm 1990 tại Mỹ. Ông Đào Minh Quân tự xưng là Thủ tướng. Mục tiêu của tổ chức này theo cáo trạng là nhằm lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2013 đến nay, ông Đào Minh Quân cùng những người khác giữ chức vụ chủ chốt trong tổ chức này đã củng cố tổ chức và thực hiện nhiều kế hoạch tuyên truyền xuyên tạc chính sách, chủ trương của Đảng và nhà nước Việt Nam, lôi kéo, móc nối thành lập tổ chức, phát triển lực lượng ở trong nước và đưa người từ nước ngoài về Việt Nam chỉ đạo thực hiện các hoạt động chống phá.

CÁc hoạt động được tổ chức này khuyến khích thực hiện trong nước, theo cáo trạng, bao gồm giải truyền đơn kích động biểu tình, khủng bố phá hoại nhân các dịp lễ, tết.

Vào tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã đưa ra xét xử 16 người thuộc tổ chức này. Những người này bị kết tội ‘khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 84 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đây là những người đã tham gia ném bom xăng đốt cháy 320 chiếc xe tại kho giữ xe của công an thành phố Biên Hoà hôm 8/4/2017, và ném bom xăng vào sân bay Tân Sơn Nhất.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-try-12-people-07072018094009.html

 

Ân xá Quốc tế yêu cầu Việt Nam

trả tự do cho blogger Lê Anh Hùng

Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Lê Anh Hùng, một cộng tác viên thường xuyên của VOA Tiếng Việt.

“Một lần nữa, nhà chức trách Việt Nam đã phải sử dụng đến các điều luật đàn áp nặng nề để dập tắt những chỉ trích chính đáng và ôn hòa”, ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của tổ chức Ân xá Quốc tế nói trong thông cáo ngày 5/7.

Nhà báo độc lập, blogger Lê Anh Hùng bị chính quyền Hà Nội bắt vào sáng 5/7 với cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ Luật hình sự về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng cáo buộc của nhà nước Việt Nam là “vô căn cứ” và kêu gọi Hà Nội chấm dứt việc sử dụng nhà tù như một phương tiện để đàn áp những người chỉ trích.

“Ông Lê Anh Hùng cần phải được phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện, và cần phải chấm dứt cuộc đàn áp tự do ngôn luận đang diễn ra trên cả nước”, Ân xá Quốc tế nói.

Blogger Lê Anh Hùng được biết đến qua nhiều bài viết về dân chủ, nhân quyền và các bài bình luận về chính trị, thời sự Việt Nam.

Ngoài việc cộng tác với VOA, ông còn là một dịch giả và là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập tại Việt Nam. Những bài viết gần đây của ông bình luận về hai chủ đề thời sự mà dư luận đang quan tâm là dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.

Trên trang blog cá nhân, ông Lê Anh Hùng còn đăng nhiều thư tố cáo, chỉ trích các lãnh đạo Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và một số lãnh đạo khác.

Thân mẫu của blogger Lê Anh Hùng, bà Trần Thị Niệm, cho VOA biết theo lệnh bắt ngày 5/7, ông Lê Anh Hùng sẽ bị tạm giam 3 tháng.

Sau thời hạn điều tra, blogger này có thể phải đối mặt với bản án lên đến 7 năm tù giam nếu bị kết tội.

https://www.voatiengviet.com/a/an-xa-quoc-te-yeu-cau-viet-nam-tra-tu-do-cho-blogger-le-anh-hung/4470565.html

 

Tổ chức ‘Triều Đại Việt’ nhận người

và khẳng định kết luận của tướng Phan Anh Minh

Cát Linh, RFA

‘Triều Đại Việt’ nhận người

Tin trong nước cho biết tên của 3 trong số 7 đối tượng này là Vũ Hoàng Nam, 22 tuổi, Nguyễn Tuấn Thành, 28 tuổi cùng cha ruột là Nguyễn Khanh, 54 tuổi sẽ bị khởi tố theo điều 229 và Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo thông tin của Công an TP.HCM, đối tượng Nguyễn Khanh khai nhận có liên hệ với 1 đối tượng khác có tên Ngô Hùng qua mạng xã hội. Ngô Hùng hiện ở Mỹ và tự xưng là Tổng tư lệnh của nhóm phản động triều đại Việt. Theo lời khai của Nguyễn Khanh, ông Ngô Hùng đã chuyển cho bị can 120 triệu đồng để chế tạo bom nổ tấn công các trụ sở công an.

RFA liên lạc với ông Ngô Hùng, Tổng tư lệnh tổ chức Triều Đại Việt và được ông xác nhận về lời khai của bị can Nguyễn Khanh.

“Họ bắt 6, 7 người đó nhưng có những người oan. Lời của ông Khanh đã nói, tôi nhận điều đó là đúng. Đó là những chiến sĩ của Triều Đại Việt, tôi yêu cầu phải tức khắc trả ngay những người đó. Nếu không trả thì các ông phải gánh hậu quả trong những ngày tới. Cuộc chiến ngày hôm nay không phải chỉ 1 nhóm người công an đó đâu.”

Lời của ông Khanh đã nói, tôi nhận điều đó là đúng. Đó là những chiến sĩ của Triều Đại Việt, tôi yêu cầu phải tức khắc trả ngay những người đó. Nếu không trả thì các ông phải gánh hậu quả trong những ngày tới. Cuộc chiến ngày hôm nay không phải chỉ 1 nhóm người công an đó đâu. – Ông Ngô Hùng

Tuy nhiên, ông Ngô Hùng có trình bày thêm về trường hợp ông cho là bị oan, đó là trường hợp ông Nguyễn Tuấn Thành, 28 tuổi, con trai ông Nguyễn Khanh.

“Con của Nguyễn Khanh bị oan. Đi bắt người cha, người cha có làm việc đó nhưng họ không có quyền bắt con của người ta. Tôi cho đó là oan.

Bởi vì việc làm này chính ông Khanh đồng ý làm nên bắt con của ông ấy tôi cho là oan. Còn những người khác tôi đã nói rồi, khi chiến sĩ của Triều Đại Việt đứng lên thì không sợ chết đâu, cũng không sợ bất cứ thế lực nào.”

Nhà riêng của lãnh đạo là mục tiêu kế?

Ông Ngô Hùng nhấn mạnh nếu chính quyền Việt Nam không thả những người được ông gọi là “chiến sĩ của Triều Đại Việt” thì “những ngày tới các ông sẽ gánh hậu quả rất lớn và rất trầm trọng. Chúng tôi loại bỏ Cộng sản Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam trong những ngày tới. Triều Đại Việt nói là làm.”

Theo trang thông tin chính thức của công an TP.HCM cho biết “Đây là vụ khủng bố chống lại chính quyền nhân dân”. Thêm vào đó, báo trong nước có trích lời phát biểu của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết “Nhiều nhà riêng lãnh đạo nằm trong kế hoạch bị khủng bố.”

Trả lời RFA vào tối 5/7, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang xác nhận về vụ bắt giữ và cho biết thêm về phát biểu của ông Phan Anh Minh:

“Lời của Thiếu tướng Minh nghĩa là họ nhắm đến đó như 1 mục tiêu.”

Khi được hỏi từ những cơ sở nào để kết luận về điều đó và có những trường hợp nào đã xảy ra, ông Nguyễn Sỹ Quang cho biết:

“Chưa có xảy ra, nhưng trong quá trình điều tra cho thấy thế, giống như cái mục tiêu.”

Cũng theo lời Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết trong buổi họp báo, đặc trưng của khủng bố ở Việt Nam là dính đến đối tượng hình sự và cực đoan là do bên ngoài xúi giục, kích động.

“Đặc biệt là lợi dụng sự kém hiểu biết của đối tượng hình sự như cha con Nguyễn Khanh.”

Thiếu tướng Phan Anh Minh đề nghị phải đấu tranh ngoại giao với các nước về việc dung dưỡng chứa chấp đối tượng khủng bố để gây án ở Việt Nam.

Đồng chí Phan Anh Minh không nói ở tại Mỹ mà là tại những quốc gia khác trên thế giới vì tất cả cả các quốc gia trên thế giới đều không đồng tình, và phản đối gay gắt với các hoạt động khủng bố dù bất kỳ hình thức nào. – Đại tá Nguyễn Sỹ Quang

Chúng tôi đặt câu hỏi với Đại tá Nguyễn Sỹ Quang về cụ thể quốc gia nào đã được Thiếu tướng Phan Anh Minh nhắc đến, ông cho biết:

“Đồng chí Phan Anh Minh không nói ở tại Mỹ mà là tại những quốc gia khác trên thế giới vì tất cả các quốc gia trên thế giới đều không đồng tình, và phản đối gay gắt với các hoạt động khủng bố dù bất kỳ hình thức nào.”

Chủ trương của tổ chức “phản động nước ngoài”

Trong buổi họp báo ngày 5/7 của Công an TP.HCM, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang có nói về thành phần khủng bố và Vnexpress trích dẫn: “Những người bị lôi kéo chỉ bằng lời hứa hẹn mơ hồ như: sẽ phong chức tước, gửi tiền… Các tổ chức này sẽ tiếp tục gây ra bất ổn cho Việt Nam và TP HCM.”

Ông Hoàng Tứ Duy, đại diện Đảng Việt Tân, một trong những tổ chức bị nhà cầm quyền Việt Nam đưa vào danh sách “phản động” và từng bị cho là “dẫn dắt, kích động người dân biểu tình, khủng bố” cho biết cần phải phân biệt tuyên truyền của nhà nước Cộng sản Việt Nam và thực tế về sự hỗ trợ từ bên ngoài để mang lại sự thay đổi tích cực cho đất nước.

“Đại đa số người hoạt động trong nước đều hoạt động ôn hoà, truyền đạt ý kiến của họ trên mạng, tham gia những cuộc xuống đường để bày tỏ quan điểm của họ 1 cách ôn hoà, đó là quyền của họ. Đồng thời, người Việt Nam sống ở trong nước hay nước ngoài đều có quyền tham gia trong vận mệnh của đất nước để bày tỏ sự quan tâm. Cho nên nếu có các tổ chức tại hải ngoại hỗ trợ những người trong nước thì chúng tôi nghĩ đó là chuyện bình thường trong thời đại cả nước Việt Nam đang kêu gọi đầu tư từ nước ngoài.”

Từng có nguồn tin cho rằng cuộc tổng biểu tình ngày 10/6 trên toàn lãnh thổ Việt Nam vừa qua là do tổ chức Việt Tân kích động, mỗi người dân xuống đường sẽ được nhận 300 ngàn đồng.

Ông Hoàng Tứ Duy khẳng định chủ trương của Đảng Việt Tân là góp phần mang lại sự thay đổi tích cực cho đất nước, chấm dứt độc tài bằng con đường cởi mở, ôn hoà.

“Theo quan điểm của chúng tôi thì ôn hoà là con đường tốt nhất và duy nhất để có sự thay đổi đó vì chúng ta muốn tạo cơ hội cho rất nhiều người Việt Nam tham dự trong tiến trình thay đổi đất nước.”

Về phía Triều Đại Việt do ông Ngô Hùng làm Tổng tư lệnh, ông không đồng ý với kết luận cho rằng Triều Đại Việt là 1 tổ chức phản động. Ông kêu gọi chính quyền ở Việt Nam phải trả tự do cho những người ông nhận là “chiến sĩ của Triều Đại Việt” và đồng thời khẳng định tổ chức có tên gọi là Triều Đại Việt chứ không phải Triều Đại Việt Nguyễn như truyền thông trong nước đưa tin.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Us-based-trieu-dai-viet-organization-admits-its-member-for-police-attack-07052018142650.html

 

Người dùng Việt Nam đề nghị

Facebook trả lời về Luật An ninh mạng

Sáng ngày 7/7/2018, Tạp chí Luật Khoa, một ấn phẩm chuyên về pháp luật không được chính phủ Việt Nam công nhận, “khởi động một chiến dịch ký thư đề nghị Facebook bày tỏ rõ quan điểm của họ về Luật An ninh mạng Việt Nam”.

Theo Luật khoa, chiến dịch có tên #DearMark kéo dài từ nay đến hết ngày 12/9 để Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg trả lời 5 câu hỏi của người dùng Việt Nam.

Thỉnh nguyện thư được đưa lên trang change.org để thu thập chữ ký của người dùng bày tỏ sự lo ngại về Luật An ninh mạng mới ra đời và sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tháng 1/2019.

“Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại nêu trên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy Facebook đưa ra bất kỳ phản ứng nào về đạo luật này. Trong khi đó, nhiều bài viết phê phán chính quyền gần đây đã bị xóa không rõ lý do. Chúng tôi cũng được biết Facebook đã và đang tiếp xúc với nhiều quan chức chính phủ Việt Nam. Tất cả những diễn biến này khiến chúng tôi đặc biệt lo ngại rằng Facebook sẽ hợp tác với chính phủ và phản bội người dùng Việt Nam“, thỉnh nguyện thư có hơn 1700 chữ ký tính đến chiều 7/7 nêu rõ.

Một trong những câu hỏi đề nghị người đứng đầu mạng xã hội có trên 50 triệu người dùng phải trả lời đó là: “Facebook có tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng và kiểm duyệt nội dung của người dùng theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là thông tin bất lợi cho chính phủ và các công ty thân chính phủ không?

Luật An ninh mạng mới được Quốc hội Việt Nam thông qua trong tháng trước yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu khách hàng người dùng Việt Nam ở Việt Nam và chia sẻ các thông tin này cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

Bloomberg mới đây có bài viết với tựa đề Facebook và Google bị chính phủ Việt Nam bắt buộc phải lựa chọn giữa tăng trưởng hay bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. Theo hãng tin này cả Facebook và Google đều từ chối trả lời họ có tuân thủ luật An ninh mạng của Việt Nam hay không. Tuy nhiên Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng cục An ninh mạng – Bộ Công an, nói với báo giới rằng cả Facebook lẫn Google đều không phản đối luật An ninh mạng của Việt Nam.

Một số nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam trước đây sử dụng Facebook như một công cụ lan tỏa thông tin, truyền bá tin tức dạo gần đây đã lên tiếng đòi “tẩy chay” mạng xã hội này vì những vụ chặn, xóa, khóa các tài khoản lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam.

Blogger Người Buôn Gió – Bùi Thanh Hiếu, một người chuyên phân tích thời sự Việt Nam cho biết, fanpage của ông bị nhắm mục tiêu của sự tấn công, đến nỗi tấm ảnh chụp ông và con trai cũng bị “báo cáo bản quyền”.

Hôm 5/7, đại diện truyền thông của Facebook đã phải lên tiếng xin lỗi liên quan đến sai sót trong bản đồ Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

“Cuối tuần qua, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ người dùng ở Việt Nam về một số điểm không chính xác trong bản đồ vị trí được sử dụng trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook. Chúng tôi đã điều tra và phát hiện đây là lỗi kỹ thuật. Chúng tôi đã sửa lỗi và đang triển khai bản cập nhật trên toàn cầu. Chúng tôi xin lỗi vì gây ra sự nhầm lẫn này cho người dùng.

Hiện có khoảng 53 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam và Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trong số các nước có nhiều người dùng Facebook nhất trên thé giới.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/open-letter-to-mark-07072018090946.html

 

Việt Nam lên tiếng về bộ phim về Mẹ Nấm

Bộ phim tài liệu “Khi mẹ vắng nhà” có nhiều thông tin sai lệch về một cá nhân đã bị xét xử và đang thi hành án theo pháp luật Việt Nam.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 5/7, trả lời như vậy trước câu hỏi của báo giới liên quan đến việc Đại sứ quán Việt Nam yêu cầu Câu Lạc bộ Báo chí Quốc tế Thái Lan (FCCT) không được chiếu bộ phim tài liệu “Khi mẹ vắng nhà”. Bộ phim chuyển tải nội dung về hoàn cảnh gia đình của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong lúc bà đang thi hành bản án tù 10 năm, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước, theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

FCCT vào tối ngày 4/7 đột ngột ra thông báo hủy buổi công chiếu lần thứ hai bộ phim tài liệu “Khi mẹ vắng nhà” tại Bangkok, sau khi nhận được khiếu nại từ Đại sứ quán Việt Nam.

Thông báo của FCCT nêu rõ bức thư yêu cầu không tiếp tục công chiếu bộ phim tài liệu này của Đại sứ quán Việt Nam được Trạm cảnh sát Lumpini đưa ra và sau đó một đại tá cảnh sát từ Đơn vị Đặc biệt đến thăm FCCT.

Câu Lạc bộ Báo chí Quốc tế Thái Lan nhấn mạnh rằng dường như Bộ Ngoại Giao Thái Lan không được tư vấn về quyết định vừa nêu, trong khi Phó Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nói với AFP là Việt Nam hiểu rằng Thái Lan cũng ý thức được việc này. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có ý kiến về trả lời của phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam liên quan bộ phim tài liệu nói về blogger Mẹ Nấm:

“Tôi biết phim đó chỉ nói về cuộc sống đời thường của gia đình tôi, đó là sự phản án trung thực về gia đình tôi. Còn họ nói không đúng thì tôi không biết không đúng về cái gì!?”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-on-the-documentary-film-about-political-prisoner-mothermushroom-07062018092125.html

 

Sáu người Việt bị bắt vì săn bắt hổ ở Malaysia

Sáu người Việt Nam gồm hai phụ nữ đã bị bắt giữ ở Malaysia vì săn bắt trộm và sở hữu một lượng lớn cơ thể động vật, bao gồm da của loài hổ Malaysia đang đe dọa tuyệt chủng, theo AFP.

Giới chức bảo tồn của Malaysia cho biết cuộc bắt giữ hôm thứ Tư ở bang Pahang đã thu hồi được nhiều miếng da hổ, cùng với da, móng và thịt và các phần cơ thể của một số con gấu thuộc loài đang được bảo vệ, một con báo, dê và trăn.

“Đây là cuộc bắt giữ liên quan đến hổ lớn nhất ở Malaysia trong năm nay, giá trị gần nửa triệu Ringgit (2,8 tỷ VND),” giám đốc cơ quan bảo tồn thiên nhiên Abdul Kadir Abu Hashim nói.

Đài Loan: Người Việt chết đuối khi nhập cư lậu?

Vua buôn lậu ngà voi người Thái gốc Việt bị bắt

Ông nói những nghi phạm săn bắt trộm đã giết chết ba con hổ, một trong đó là một con con, theo AFP.

Loài hổ quý hiếm này từng có tới hàng ngàn con trong các khu rừng nhiệt đới Malaysia, nhưng giờ chúng hiện đang nằm trong diện nguy cơ tuyệt chủng vô cùng cao (CR) với chỉ khoảng 340 con còn lại.

Loài hổ này cũng là biểu tượng linh vật quốc gia, xuất hiện trên các biểu tượng quốc gia Malaysia và các huy hiệu.

Cũng vào thời điểm này, một năm trước, quan chức Malaysia cũng bắt giữ một người đàn ông Việt Nam buôn lậu sừng tê giác, có trị giá 70.000 đôla.

Đầu năm nay, một người Thái gốc Việt cũng đã bị bắt ở Thái Lan vì đứng đầu mạng lưới buôn bán trái phép động vật hoang dã lớn nhất ở châu Á.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44749334

 

Đảng CS TQ và VN ‘cam kết tăng cường hợp tác’

Việt Nam và Trung Quốc cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai đảng và hai nước, truyền thông Việt Nam và Trung Quốc đưa tin.

Chiều ngày 5/7, TBT Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp với ông Hoàng Khôn Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Hoàng Khôn Minh và đoàn đại biểu Đảng CS Trung Quốc đang có chuyến thăm Việt Nam và tham dự Hội thảo Lý luận lần thứ 14 giữa hai đảng với chủ đề “Thực tiễn và kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc”, được tổ chức hôm 5/7 tại TP HCM.

‘Hai Đảng CS dẫn dắt quan hệ phát triển tốt đẹp’

TBT Trọng ra bộ sách về Con đường Đổi mới

Chống tham nhũng ‘vào giai đoạn khó khăn’

Ông Tập là ‘nhà lãnh đạo quyền lực nhất TQ’

Tại cuộc gặp, TBT Nguyễn Phú Trọng nói “đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc”, theo báo Nhân dân Điện tử.

Tân Hoa Xã nói ông Trọng “ca ngợi thành tựu Trung Quốc đã đạt được từ Đại hội Đảng CS TQ lần thứ 18” và hy vọng dưới sự lãnh đạo của hai đảng “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định”.

Ông Trọng cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan tuyên giáo, tuyên truyền và báo chí hai nước để góp phần thúc đẩy quan hệ Việt-Trung.

‘Dân chủ Trung Quốc làm lu mờ Phương Tây’

Đảng CS ‘cần kỷ luật thép’ để không tan rã?

‘Chán Đảng khô Đoàn’ có phải là mới?

Mikhail Borodin: Người sếp cũ của Hồ Chí Minh

Về phần mình, ông Hoàng Khôn Minh nói quan hệ Việt – Trung có “đà phát triển vững chắc trong những năm gần đây” với những thành tựu tích cực trong trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực, Tân Hoa Xã đưa tin hôm 7/7.

Trong hoàn cảnh mới, phía Trung Quốc sẵn sàng làm việc với phía Việt Nam để thực hiện những chủ trương mà lãnh đạo hai nước cùng nhất trí và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hoàng Khôn Minh.

Ông cũng kêu gọi hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, truyền thông và du lịch.

Cũng trong ngày 5/7, ông Hoàng Khôn Minh đã có cuộc gặp với ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CS VN.

Các hội thảo lý luận giữa hai đảng CS Việt Nam và Trung Quốc diễn ra hàng năm.

Năm 2017, Hội thảo Lý luận lần thứ 13 giữa hai đảng được tổ chức tại Hà Nam, Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44750255

 

Tại sao Ngoại trưởng Mỹ chọn

Việt Nam là điểm đến duy nhất ở ĐNÁ?

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo sẽ tới Việt Nam vào Chủ Nhật 8/7 cho chuyến thăm đầu tiên của ông tới quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi lên nhậm chức vào tháng 4 năm nay.

Ngoại trưởng Pompeo sẽ ở thăm Việt Nam 2 ngày theo lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao (BNG) Việt Nam Ngô Toàn Thắng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 5/7 giờ Hà Nội.

Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời của một đất nước, một quốc gia cộng sản đã làm rất tốt trong lĩnh vực kinh tế, trong thương mại mà Mỹ và các quốc gia khác đang có quan hệ với Việt Nam.

Heather Nauert, Người phát ngôn BNG Mỹ

Kể từ khi cựu giám đốc CIA nhậm chức ngoại trưởng Mỹ hôm 26/4, ông Pompeo chưa tới thăm bất cứ một quốc gia Đông Nam Á nào và Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ngoại trưởng mới của Mỹ, người thay thế ông Rex Tillerson, thăm trong khu vực này.

Sau khi thăm Nhật Bản, ông Pompeo hiện đang ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, trước khi tới Hà Nội.

Được hỏi tại sao Việt Nam lại là một điểm đến của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du châu Á lần này, người phát ngôn BNG Mỹ Heather Nauert nói “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ.”

“Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời của một đất nước, một quốc gia cộng sản đã làm rất tốt trong lĩnh vực kinh tế” và “trong thương mại mà Mỹ và các quốc gia khác đang có quan hệ với Việt Nam,” người phát ngôn nói với phóng viên hôm 3/7 tại Washington.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ” và đó là một phần lý do vì sao Ngoại trưởng Mike Pompeo tới thăm Việt Nam trong chuyến công du lần này.

Bà Nauert nói “đó là một phần lý do vì sao chúng tôi có kế hoạch tới (Việt Nam)” và cho biết rằng Ngoại trưởng Pompeo “có rất nhiều cuộc gặp được lên kế hoạch trong thời gian ông ở đó, cũng như một bữa tối mà ông sẽ tham dự và thảo luận với một số lãnh đạo trong ngành kinh doanh ở đó.”

Theo truyền thông trong nước, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục tăng trưởng với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 51 tỷ USD vào năm ngoái.

Ngoài việc trao đổi các vấn đề về kinh tế, thương mại và đầu tư, chuyến thăm của ông Pompeo còn nhằm “tiếp tục thúc đầy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ phát triển thực chất và hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh và khắc phục hậu quả chiến tranh,” theo VNExpress.

Biển Đông và Will Nguyễn?

Không rõ liệu Biển Đông có nằm trong nghị trình bàn thảo giữa nhà Ngoại giao hàng đầu của Mỹ với các lãnh đạo Việt Nam hay không, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên biển Đông mà Mỹ đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích.

Biển Đông là một trong những vấn đề được thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2017 và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vào tháng 1/2018 với các lãnh đạo Việt Nam.

Ông Pompeo cũng được kỳ vọng sẽ đề cập đến vấn đề một công dân Mỹ hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam do tham gia vào một cuộc tuần hành của người dân TP HCM hôm 10/6 để phản đối 2 dự luật gây tranh cãi. William Anh Nguyễn, một sinh viên vừa tốt nghiệp thạc sỹ của Đại học Lý Quang Diệu ở Singapore, mặc dù “chưa bị chính phủ Việt Nam buộc tội”, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Nauert hôm 21/6, nhưng vẫn đang bị giam giữ vì cáo buộc “gây rối trật tự công cộng.”

Một nhóm dân biểu của Quốc hội Mỹ hôm 15/6 đã gửi một bức thư tới ông Pompeo đề nghị Ngoại trưởng Mỹ “ngay lập tức điều tra sự vi phạm nhân quyền này và làm mọi thứ có thể để giúp (Will) Nguyễn được tự do.”

Nhóm bạn và người thân của Will Nguyễn với chiến dịch @Free Will Nguyen cho biết trên trang Twitter rằng “Chúng tôi hy vọng Will sẽ là một phần của việc thảo luận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Việt Nam.”

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 8-9/7, ông Pompeo còn dự kiến sẽ gặp các quan chức cấp cao của Việt Nam để thảo luận về việc phi hạt nhân hóa chương trình hạt nhân của Triều Tiên một cách triệt để, hoàn toàn, có thể kiểm chứng và các vấn đề song phương và khu vực khác.

Sau Việt Nam, ông Pompeo sẽ tới Abu Dhabi gặp các nhà lãnh đạo Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập trong chuyến công du đến một loạt các quốc gia châu Á lần này.

https://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-ngoai-truong-my-chon-viet-nam-la-diem-den-duy-nhat-o-dna/4470583.html

 

Tôi từng ghét ‘bọn phản động Ba Lan’

Trần Quốc QuânGửi đến BBC từ Warsaw, Ba Lan.

Tôi đặt chân sang Ba Lan cuối năm 1988, đúng lúc nền kinh tế, chính trị, xã hội đất nước này như bên thùng thuốc nổ chỉ chực chờ mồi lửa là tan tành.

Lúc đó đường phố thủ đô Warsaw hoang tàn, xám xịt. Các cửa hàng vắng teo, trống rỗng. Trên vỉa hè đôi chỗ có những người trung tuổi trải tấm nilon bày bán lèo tèo ít sách cũ, quần áo cũ, đồ cũ. Có cụ bà vai khoác vài nhánh tỏi, cụ ông tay bế con chó con… chôn chân giữa trời tuyết lạnh, đứng bán.

Trên hàng rào nhiều nơi, băng rôn khẩu hiệu chống chính quyền của Công đoàn Đoàn Kết treo công khai. Thậm chí trên các cột điện, các bức tường dán áp phích troll truy nã Đại tướng Wojciech Jaruzelski, Tổng bí thư Đảng Công nhân Thống nhất (Cộng sản), Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan với giá… 1 triệu USD.

Ba Lan: ‘Một phụ nữ VN tử vong khi bị bắt’

Ba Lan: Nhiều người Việt đến làm giấy tờ EU

Người Việt và những án kinh tế lớn ở Ba Lan

Đôi khi diễn ra những cuộc biểu tình ôn hòa có cảnh sát đi theo bảo vệ để chống bạo động, đập phá.

Tháng đầu tiên nhận lương và phiếu mua thịt, cá, đường… gương mặt cả đoàn nghiên cứu sinh chúng tôi ngao ngán, chán chường.

Sáng sớm hàng ngày, trên đường đi học nhìn những ông già bà già về hưu xếp hàng dài trước các cửa hàng thực phẩm, chúng tôi thất vọng tràn trề. Chủ nghĩa xã hội phát triển, thiên đường của những người lao động mà nhếch nhác nghèo đói như thế này ư?

Có thời gian hơn nửa năm trời, tôi không có nổi một cọng mì, một hột cơm để nhét vào mồm, toàn phải ăn bánh mì và khoai tây. Đủ trứng, đủ sữa, thịt cá thì kha khá nhưng thiếu rau nên miệng tôi bị nhiệt đau rát.

Trên đường đi học nhìn những ông già bà già về hưu xếp hàng dài trước các cửa hàng thực phẩm, chúng tôi thất vọng tràn trề. Chủ nghĩa xã hội phát triển, thiên đường của những người lao động mà nhếch nhác nghèo đói như thế này ư?Trần Quốc Quân, Nhà văn

Ấy vậy mà tình yêu chủ nghĩa cộng sản trong lòng tôi lúc đó thấm đẫm hơn các chiến sĩ Trung đoàn AK47 của ta bây giờ nhiều. Chẳng có gì phải giấu, lúc bấy giờ tôi là đảng viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết, quyết hi sinh phấn đấu cho lí tưởng cộng sản “cao đẹp”.

Cả xã hội Ba Lan lúc đó bị phân hóa sâu sắc, bên ủng hộ chế độ Cộng sản, bên ủng hộ Công đoàn Đoàn Kết đối lập. Sự chia rẽ này len lỏi vào từng cơ quan, nhà máy, trường học, thậm chí từng gia đình.

Đoàn nghiên cứu sinh Ba Lan năm đó có 15 thành viên thì 10 người là đảng viên. Không hề lên gân chút nào, dù cuộc sống thiếu thốn, với tâm trạng thất vọng, chán chường nhưng tất cả chúng tôi vẫn một lòng bảo vệ chính quyền của Đảng “anh em”, chống lại bọn “phản động” Công đoàn Đoàn Kết.

Với món nợ 40 tỷ USD không thể trả nổi, nền kinh tế Ba Lan rệu rã bên bờ vực phá sản, Đảng cầm quyền buộc phải ngồi vào “Hội nghị bàn tròn”, đàm đàm phán với lực lượng đối lập mà nòng cốt là Công đoàn Đoàn Kết.

Chỉ Ba Lan bênh Anh mạnh sau vụ Skripal?

Ba Lan bắt ‘nhóm quấy phá’ từ Liên bang Nga

Vì sao người Việt Nam vẫn sang Ba Lan?

Một thỏa thuận giữa các bên được đưa ra trên bàn hội nghị đã làm thay đổi lịch sử Ba Lan, đó là tổ chức cuộc tổng tuyển cử dân chủ để bầu Quốc hội mới với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị.

Với sự ấu trĩ, với tình cảm thủy chung, tuy bụng trống rỗng nhưng tôi vẫn một lòng chống “phản động” Công đoàn Đoàn Kết, để bày tỏ sự ủng hộ đảng cầm quyền “anh em”. Không chỉ riêng tôi, các đồng chí của tôi trong chi bộ đảng nghiên cứu sinh cũng một lòng như vậy.

Khi kết quả bầu cử Quốc hội được công bố với thắng lợi tuyệt đối của phe dân chủ ở cả 100 ghế Thượng nghị viện và 40% ghế bầu lại của Hạ nghị viện. Công đoàn Đoàn Kết được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới, chế độ XHCN Ba Lan bị xóa sổ, mở đầu cho sự sụp đổ liên hoàn của hệ thống XHCN từ Đông Âu đến Liên Xô.

Tôi và các đồng chí trong chi bộ bàng hoàng, hoang mang tột độ. Một câu hỏi lởn vởn ám ảnh mãi trong đầu tôi là: Tại sao nhân dân Ba Lan lại một lòng ủng hộ thế lực “phản động” bằng chính lá phiếu bầu cử tự do của mình? Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan tự giải tán ngay sau đó để chuyển thành Đảng Dân chủ cánh tả.

Tôi và các đồng chí trong chi bộ bàng hoàng, hoang mang tột độ. Một câu hỏi lởn vởn ám ảnh mãi trong đầu tôi là: Tại sao nhân dân Ba Lan lại một lòng ủng hộ thế lực “phản động” bằng chính lá phiếu bầu cử tự do của mình?Trần Quốc Quân, Nhà văn

Chưa hết, tôi vẫn còn đặt hi vọng vào cuộc bầu cử Tổng thống sau đó một năm. Nhưng rất đáng thất vọng, kể cả tổng thống Jaruzelski (Tổng bí thư Đảng CNTN Ba Lan cũ) do Quốc hội chỉ định và tất cả các lãnh tụ cánh tả không dám ra ứng cử trong cuộc bầu Tổng thống năm 1990, để lãnh tụ Công đoàn Đoàn Kết Lech Wałęsa thắng cử trước Stan Tyminski Ba Lan kiều triệu phú từ Peru. Thắng lợi tuyệt đối thuộc về phe dân chủ, “phản động”.

Chế độ XHCN Ba Lan bị xóa sổ một cách dân chủ, công bằng và minh bạch nhưng từng đó vẫn chưa khiến tôi chịu “mở mắt”. Với tình cảm quá sâu nặng của cả gia đình cách mạng nòi, tôi vẫn luyến tiếc thể chế Cộng sản Ba Lan. Chỉ sau cuộc đảo chính Gorbachov tại Liên Xô ngày 19/8/1991 do phe Cộng sản bảo thủ tiến hành, tôi mới thực sự thay đổi quan điểm, tư tưởng.

Sau sự sụp đổ của chế độ Cộng sản, cuộc sống mới tại Ba Lan thay đổi tích cực từng ngày. Những chiếc lá úa tàn tạ cuối đông lìa cành, mầm lộc đầu xuân bừng dậy đầy sức sống thành thảm lá xanh mướt mát.

Cũng chính các cán bộ viên chức, các sĩ quan quân đội, cảnh sát của chế độ Cộng sản Ba Lan cũ đã và đang chung tay tạo dựng nên thể chế mới, xây dựng nên cuộc đời mới tươi đẹp.

Cũng chính lãnh tụ cộng sản từng tuyên bố giải tán đảng của mình, sau khi trở thành tổng thống Ba Lan, năm 1997 đã kí Hiến pháp mới, đặt Chủ nghĩa Phát xít và Chủ nghĩa Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.

Image captionThủ đô Warsaw của Ba Lan ngày nay

Ba Lan ngày nay là 1 trong số 30 thành viên của Tổ chức các nước phát triển OECD, là đất nước suốt 20 năm nay có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất Cộng đồng Châu Âu EU, là đất nước có tỉ lệ tội phạm và li hôn thấp nhất EU, là đất nước phát triển diệu kì mà bất kì bạn bè nào của tôi sang thăm những năm gần đây đều trầm trồ khen ngợi là văn minh, thanh bình, hạnh phúc và đáng sống.

Ba Lan ngày nay từ một nước đứng thứ 79 về mức độ tham nhũng đã lọt vào top 30 nước ít tham nhũng nhất thế giới.

Ba Lan ngày nay đã vượt mức sống của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và đe dọa sắp vượt tiếp Tây Ban Nha, Italy… về PPP tính theo đầu người.

Thế mà có một thời tôi từng là thành phần hăng hái làm “phản động” chống lại tiến trình đổi mới của xã hội Ba Lan. Khi nghĩ về một thời ấu trĩ, cực đoan này, tôi luôn hối lỗi và xấu hổ.

Tôi tin, không lâu nữa đâu, sẽ tới ngày các thành phần ở Việt Nam đang gọi tôi và bạn bè của tôi là phản động cũng phải hối lỗi và xấu hổ như tôi đã từng.

* Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của nhà văn Trần Quốc Quân, hiện định cư tại Warsaw, Ba Lan. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44727577

 

Công ty du lịch để khách mặc áo ‘lưỡi bò’ bị phạt

lưỡi bò’ đã bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động và có thể bị giải thể.

Hôm 6/7, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết đã phạt công ty TNHH Thương Mại & Dịch vụ Aladin Việt Nam 42 triệu và đình chỉ hoạt động 9 tháng, theo báo Tuổi Trẻ.

Công ty Aladin cho biết đã nộp đầy đủ tiền phạt nhưng có khả năng bị giải thể.

Khách TQ mặc áo in bản đồ ‘lưỡi bò’ vào VN

Biển Đông: TQ nâng cấp danh mục quân sự

“Do thời gian đình chỉ lâu, mất hết nguồn khách và một số nguyên nhân khác nên lãnh đạo công ty đang tính đến phương án làm văn bản giải thể công ty,” lời của đại diện công ty theo báo Tuổi Trẻ.

Cũng theo báo này sở Du lịch tỉnh đã tổ chức các cuộc họp với các công ty lữ hành quốc tế để tuyên truyền, yêu cầu khách du lịch chấp hành pháp luật và tôn trọng văn hóa Việt Nam.

Hôm 13/5, công ty Aladin đã đưa một nhóm khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ “đường lưỡi bò” nhập cảnh sân bay quốc tế Cam Ranh gây bức xúc trong dư luận.

Theo báo Zing, các du khách này tường trình là đã mua số áo trên ở một khu chợ trước khi lên máy bay và nói không ý thức được đó là hành vi bị cấm và bản đồ in sau lưng là phi pháp.

Không rõ những du khách này có bị cấm vào Việt Nam du lịch tiếp hay không, nhưng số áo trên đã bị phía Việt Nam thu hồi.

Vài ngày sau khi vụ việc xảy ra, hôm 17/5, Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Đây là một thực tế không thể thay đổi và cần được tôn trọng”.

Trung Quốc là nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam nhất và lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng.

Năm 2016, khách Trung Quốc chiếm khoảng 37% tổng lượng khách đến du lịch Việt Nam.

Các điểm đến ven biển miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng là những nơi thu hút du khách Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44749335