Tin khắp nơi – 02/07/2018
Biểu tình phản đối Trump ở Washington:
‘Gia đình phải ở bên nhau’
Ít nhất 30.000 ngàn người, đa số là phụ nữ, biểu tình tại Washington hôm 1/7 để phản đối chính sách ly tán các gia đình nhập cư bất hợp pháp.
Những người biểu tình tập trung tại Quảng trường Lafayette với khẩu hiệu ‘Gia đình phải ở bên nhau’. Nhiều người mặc đồ màu trắng – biểu tượng của ‘sự thống nhất và hòa bình’, theo The National Public Radio.
Trong số hàng ngàn người tham gia biểu tình là các bà mẹ, các gia đình, mang theo con nhỏ trên vai hoặc trên xe đẩy, cùng các khẩu hiệu ‘tự chế’ đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ.
Biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong
Bắc Hàn ve vãn TQ nhưng ‘muốn học VN’
Bà Trump nói về chia tách gia đình nhập cư
Iceland, nơi thân thiện nhất cho dân nhập cư
Báo chí nhiều tuần qua tập trung đăng tải chính sách ‘Không khoan nhượng’ của Tổng thống Trump nhằm tách trẻ em ra khỏi cha mẹ là người nhập cư bất hợp pháp ở khu vực biên giới Mỹ – Mexico. Chính sách này đã chạm tới sự giận giữ của mỗi cá nhân.
Ceridwen Cherry, một luật sư của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) tham gia biểu tình cùng chồng và con trai. “Việc cho chính quyền thấy rằng gia đình thuộc về nhau là rất quan trọng”, bà giải thích. “Tôi muốn cho họ thấy một đứa trẻ 17 tháng tuổi trông thế nào. Và việc tách nó ra khỏi cha mẹ có ý nghĩa ra sao.”
Anna McCall, một bác sĩ từ Upper Marlboro, đi biểu tình mang theo bốn con nhỏ, tuổi từ 2 đến 12.
Là con gái của một gia đình nhập cư từ Sierra Leone, những người quan tâm nhiệt thành đến việc giam giữ hàng loạt, một trong những chủ đề mà gia đình bà quan tâm thảo luận là việc điều trị cho những người nhập cư bị giam giữ.
McCall nói: “Tôi muốn dạy cho con mình rằng đừng chỉ ngồi và xem tivi… Đây là cách tôi được nuôi dạy, vì vậy tôi đang cố gắng dạy dỗ các con theo cách như vậy.
Một số phụ nữ đi cùng với những phữ khác, họ kết nối với nhau bởi có chung kinh nghiệm làm mẹ, và những phản ứng bàng hoàng đối với các tin tức gần đây.
Adams và bạn bè của cô đã cảm thấy cá nhân mình bị ảnh hưởng bởi các thông tin về việc trẻ em bị giam giữ.
Adams nói: “Chúng tôi đau khổ, chúng tôi đã khóc nhiều ngày. Thật đáng kinh ngạc khi chúng tôi trở nên xúc động như thế “.
Một người mẹ, Shelby Workman, đến cùng chồng và hai con, trong đó có cô con gái Blythe Marie mới 5 tuổi. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên của cô con gái nhỏ, và Workman muốn dạy con cách “lên tiếng”.
Một số người biểu tình nhân dịp này đồng thời phản đối quyền phá thai.
Hầu hết người biểu tình diễu hành trong ôn hòa, tiến về phía Tòa nhà Quốc Hội Mỹ, hô vang các khẩu hiệu, cho đến khi một số bị kích động khi đi ngang qua tòa nhà Trump International Hotel ở đại lộ Pennsylvania.
Một số người la hét ‘thật đáng hổ thẹn’ trước tòa nhà được bao quanh bởi cảnh sát.
https://www.bbc.com/vietnamese/44678603
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga,
tổng thống Trump có thể nhờ Nga giúp đỡ lật đổ Iran
Trung tâm hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng Thống Mỹ Trump và Tổng Thống Nga Putin sẽ là tương lai của Syria, và đề nghị đưa Nga vào danh sách đối tác trong việc lật đổ Iran khỏi chiến trường Syria.
Xuất hiện trong chương trình “Face the Nation” của CBS News, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton cho biết cuộc họp ngày 16 tháng 7 “chỉ có hai người”, và đó là cơ hội để họ thảo luận về Syria cùng phạm vi rộng lớn của nhiều vấn đề. Ông Bolton cũng phát tín hiệu rằng Hoa Kỳ chấm dứt đưa ra mọi luận điệu để chống lại nhà độc tài Bashar Assad, người đang nắm quyền lực tàn bạo ở Syria bằng cách sử dụng vũ khí hóa học và hỏa lực của quân đội Nga và Iran, bao gồm cả tổ chức cực đoan Hezbollah.
Hai nhà ngoại giao Ả Rập và một viên chức cấp cao của Mỹ nói với CBS News rằng không phải ông Assad – mà Cộng Hòa Hồi Giáo Iran – mới là vấn đề chiến lược. Chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận ông Assad sẽ tiếp tục nắm quyền lực trong tương lai gần, vì thế chỉ tập trung vào việc thuyết phục ông Putin cắt đứt quan hệ với Iran.
Một viên chức cấp cao của Mỹ nói với CBS News rằng chương trình nghị sự của ông Trump với ông Putin chỉ có hai người. Một số viên chức Mỹ dự đoán rằng sẽ có những nhượng bộ nào có thể được thực hiện, vì chỉ có hai người trò chuyện riêng với nhau.
Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược này giống với việc ông Trump đã yêu cầu Trung Cộng cô lập Bắc Hàn để buộc quốc gia này từ bỏ tham vọng nguyên tử. Nhưng có vẻ như Trung Cộng đã không thực hiện điều này. (Mai Đức)
John Bolton: Putin khẳng định
nhà nước Nga không can thiệp bầu cử Hoa Kỳ
Washington DC – Trong khi gặp Tổng Thống Nga Putin và các viên chức hàng đầu khác tại Moscow để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Putin- Trump, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc John Bolton nói rằng ông Putin tuyên bố nhà nước Nga không tham gia vào nỗ lực can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ, hoặc gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tháng 11.
Tòa Bạch Ốc cho biết ông Trump và ông Putin sẽ gặp nhau tại Helsinki (Phần Lan) vào ngày 16 tháng 7, để thảo luận về mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, cũng như một loạt các vấn đề về an ninh quốc gia. Xuất hiện trong chương trình “Face the Nation” hôm Chủ Nhật, ông Bolton cho biết trong một cuộc họp, ông trực tiếp nêu vấn đề về sự can thiệp vào cuộc bầu cử với ông Putin, và bày tỏ sự lo ngại của Hoa Kỳ về điều họ đang làm trong cuộc bầu cử năm 2018. Thông qua một thông dịch viên, ông Putin nói rằng không hề có sự can thiệp nào của Điện Kremlin. Ông Bolton nghĩ rằng đó là một tuyên bố thú vị và đáng để theo đuổi.
Theo CBS News, Điện Kremlin tuyên bố chính phủ Nga không đóng vai trò gì trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, nhưng gợi ý rằng có thể đó là những hacker Nga những không phải do nhà nước Nga quản lý.
Trò chuyện với giới báo chí, ông Bolton liên tục trấn an họ rằng việc ông Trump và ông Putin gặp nhau không có gì đáng lo ngại, vì đó không phải là một cuộc gặp bất thường. (Mai Đức)
Thượng đỉnh Trump – Putin hứa hẹn điều gì ?
Thượng đỉnh Mỹ – Nga rút cục sẽ diễn ra vào ngày 16/07/2018 tới tại Helsinki, thủ đô Phần Lan. Đây là lần đầu tiên hai tổng thống Mỹ – Nga gặp chính thức, kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng, và cũng là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước hội kiến chính thức kể từ 2009. Thượng đỉnh Trump – Putin hứa hẹn gì ?
Thượng đỉnh diễn ra trong bầu không khí gần như Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Nga được giới quan sát đặc biệt quan tâm. Tổng hợp báo chí quốc tế, trước và sau khi có tin chính thức về thượng đỉnh, cho thấy cuộc gặp dường như chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng, lãnh đạo Mỹ – Nga khó đạt thỏa thuận cụ thể về hàng loạt vấn đề bất đồng sâu sắc. Tuy nhiên, lập trường nước Mỹ trước hết của Donald Trump gây bất an, Liên Hiệp Châu Âu rất có thể sẽ trở thành mục tiêu tấn công của cặp Trump-Putin.
Về quan hệ Trump – Putin, một nhận định chung được nhiều nhà quan sát chia sẻ, đó là một quan hệ đầy biến động và mâu thuẫn. Trong những năm gần đây, Donald Trump liên tục đưa ra các phát biểu trái ngược về tổng thống Nga Putin. Trước chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump tỏ vẻ ngưỡng mộ người hùng điện Kremlin, nhưng đồng thời lại lên án chính sách quá mềm yếu của chính quyền Obama với Nga.
Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump liên tục ca ngợi Putin và hy vọng cải thiện quan hệ với Matxcơva. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng, tổng thống Mỹ lại tỏ ra xa cách với Putin, do các áp lực trong nước đòi điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử, và trong nhiều hồ sơ Nhà Trắng đã có thái độ hết sức cứng rắn với chính quyền Putin, đến mức quan hệ song phương ngày thêm xấu đi, như các đợt trục xuất nhân viên ngoại giao qua lại.
Câu hỏi đặt ra là : với cuộc thượng đỉnh sắp tới, hai lãnh đạo Mỹ – Nga sẽ đạt được một đồng thuận, hay cuộc chơi hai mặt – vừa là đối thủ, vừa tỏ ra thân thiện – sẽ tiếp tục ? Dù kết quả ra sao, đông đảo giới quan sát tin rằng cuộc hội kiến Trump – Putin sẽ để lại các hệ quả lớn hơn rất nhiều so với cuộc thượng đỉnh Trump – Kim, vốn được quảng bá rầm rộ.
Khó có thỏa thuận cụ thể
Một ngày trước khi có thông báo chính thức về thượng đỉnh Mỹ-Nga, kênh truyền thông CNBC có bài tập hợp ý kiến chuyên gia, với tựa đề «Chờ đợi gì ở thượng đỉnh Trump-Putin ». Trả lời CNBC, ông Eugene Chausovsky, nhà địa chính trị học thuộc văn phòng Stratfor, so sánh thượng đỉnh sắp tới với cuộc hội kiến đình đám với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore diễn ra hồi giữa tháng 6. Chuyên gia của Stratfor lưu ý tổng thống Mỹ đang tranh thủ sự chú ý của công luận quốc tế để tiếp tục đánh bóng hình ảnh bản thân.
Theo nhà nghiên cứu Mathieu Boulegue, Viện tư vấn chính trị độc lập Chatham House, Anh Quốc, về các vấn đề khẩn cấp như Ukraina hay Syria, Washington và Matxcơva vốn có lập trường mâu thuẫn, hai bên có thể sẽ chỉ đưa ra trước hết các tuyên bố mang tính ngoại giao, có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn (1). Điện Kremlin chắc chắn sẽ vận động để Hoa Kỳ hỗ trợ giảm nhẹ các trừng phạt kinh tế của phương Tây, sau vụ can thiệp vào miền đông Ukraina và sáp nhập bán đảo Crimée. Tuy nhiên, ông Mathieu Boulegue cũng dự đoán sẽ rất ít có cơ hội là « các vấn đề nan giải sẽ được thảo luận và quyết định » trong khuôn khổ thượng đỉnh này, ngược lại, điều chắc chắn là cuộc gặp gỡ này sẽ được dùng làm « bàn đạp » giúp quan hệ song phương tan băng.
Cơ hội thúc đẩy quan hệ cá nhân
Trở lại với ý nghĩa biểu tượng của thượng đỉnh Mỹ-Nga, vẫn theo nhà phân tích của Stratfor, chỉ riêng việc tổ chức cuộchọp này đã có lợi cho hai ông Donald Trump và Vladimir Putin. Nhiều nhà quan sát cho rằng tổng thống Mỹ sẽ tìm cách phát triển « quan hệ cá nhân » với nguyên thủ Nga, giống như điều đã làm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, qua đó củng cố uy tín của bản thân về khả năng thiết lập các đối thoại song phương với lãnh đạo các nước vốn bị lên án là độc tài.
Tổng thống Mỹ có thể vừa tỏ ra hòa dịu với nguyên thủ Nga, với khẳng định sẵn sàng tìm cách tăng cường quan hệ, nhưng mặt khác cũng có thể tỏ ra « cứng rắn » với Matxcơva, nhằm tranh thủ tình cảm của một bộ phận đông đảo cử tri Mỹ. Nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 dự kiến cũng sẽ được ông Trump đưa ra trong dịp này, với dụng ý hai mặt như trên.
Tương tự như CNBC là quan điểm của chuyên gia James J. Coyle, giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Đông, Viện quân sự Mỹ U.S Army War College. Theo ông, cho đến nay, về hàng loạt vấn đề chiến lược quốc tế, từ bắc chí nam, từ đông sang tây, từ khủng hoảng Ukraina, Syria, Iran, đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, hay vấn đề Venezuela, lợi ích của Mỹ và Nga là hết sức khác biệt, nếu không muốn nói là đối lập nhau. Chính vì vậy, mục tiêu của cuộc thượng đỉnh này rất khó là các thỏa hiệp cụ thể, thay vào đó Trump và Putin sẽ tìm kiếm lập trường chung trong một số vấn đề nhằm trước hết giảm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga.
Bẻ gẫy Liên Âu : Trump và Putin tâm đầu ý hợp ?
Vấn đề nào mà hai ông Donald Trump và Vladimir Putin có thể đi đến chỗ tâm đầu ý hợp ? Theo nhà báo François Clemenceau, nhật báo Pháp Journal du Dimanche, tìm cách « bẻ gẫy » sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu rất có thể sẽ là mục tiêu chung của hai lãnh đạo Mỹ-Nga. Một Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO suy yếu, Hoa Kỳ rút lui khỏi Trung Cận Đông là nằm trong lợi ích của nước Nga Putin. Về phía chính quyền Mỹ, viễn cảnh này là khó xảy ra hơn nhiều, nhưng không phải là không thể. Cho dù lợi ích của Trump và Putin là rất khác nhau, nhưng trên thực tế, hai bên, bằng cách này hay cách khác đều cố gắng phá vỡ sự thống nhất của Liên Âu, sự thống nhất mà tổng thống Nga coi như « một đe dọa », còn với tổng thống Mỹ là « một thế lực cạnh tranh ».
Đồng quan điểm với báo Pháp JDD, xã luận của báo Mỹ The Washington Post hôm 28/06 của nhà báo Josh Rogin, với tựa đề « Trump is trying to destabilize the European Union » cảnh báo về mưu toan không hề mới của tổng thống Trump. The Washington Post nhắc lại một chi tiết là, trong cuộc gặp riêng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng hồi tháng 4/2018, Donald Trump từng khuyên nguyên thủ Pháp, hãy chia tay với Liên Âu, đổi lại Washington sẽ ký kết với Paris một thỏa thuận thương mại song phương có lợi hơn nhiều.
Thái độ thù ghét Liên Âu của tổng thống Mỹ ngày càng gia tăng, thể hiện đặc biệt rõ trong lĩnh vực thương mại, khi đổ hoàn toàn trách nhiệm của thâm hụt thương mại song phương cho Liên Hiệp Châu Âu (2). Và cho dù Trump và Putin, hai bên không ra một tuyên bố chung chống lại châu Âu, lập trường hiện nay của chính quyền Trump với Liên Âu và quan hệ hai bờ Đại Tây Dương suy yếu đã mang lại một « mối lợi vô cùng lớn » cho chính quyền Putin.
Helsinki – một lựa chọn nhiều ẩn ý
Thượng đỉnh Trump – Putin sẽ đưa thế giới đi về đâu là câu hỏi để ngỏ. Trong lúc một bộ phận chính giới phương Tây nhìn cuộc thượng đỉnh này với con mắt hết sức hoài nghi, thì một số nhà quan sát lại tỏ ý hy vọng. Việc thủ đô Phần Lan được lựa chọn làm nơi đăng cai cuộc gặp có thể là một chỉ báo đáng chú ý. Phần Lan, quốc gia được coi là « trung lập », từng được chọn làm địa điểm thương lượng giữa Washington và Matxcơva trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thỏa thuận Mỹ-Xô tại Helsinki năm 1975 từng góp phần cho sự sụp đổ của « bức màn sắt », ngăn cách khối cộng sản với các nước phương Tây.
Tuy nhiên, giờ đây Phần Lan không hoàn toàn trung lập, cũng chính Phần Lan đang ngày càng gần gũi với NATO, với nước Mỹ, với các đối tác châu Âu, và cảnh giác trước các nguy cơ can thiệp từ Nga. Chọn lựa Phần Lan phải chăng chính là một động thái của tổng thống Mỹ nhằm trấn an « các đồng minh châu Âu » trước cuộc hội kiến lịch sử đầy bất trắc với tổng thống Nga ?
****
(1) Về triển vọng đạt được một thỏa thuận cụ thể, cũng có một số quan điểm khác. Theo nguồn tin của CNN, tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ bàn với lãnh đạo Nga về khả năng « rút quân Mỹ nhanh chóng khỏi Syria ». Về điểm này, báo mạng Sputnik của chính quyền Nga dẫn lời người phát ngôn của phủ tổng thống Nga, bác bỏ một thỏa thuận bí mật giữa Trump và Putin, trong lúc thừa nhận lãnh đạo hai bên có kế hoạch thảo luận sâu về khủng hoảng Syria. Dù sao việc triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria là điều được tổng thống Mỹ nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian gần đây.
(2) Theo nhà nghiên cứu Frédéric Charillon, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, thân thuộc với chính trị Hoa Kỳ, thì ưu tiên trước mắt của tổng thống Mỹ là bảo vệ được đa số của phe Cộng Hòa tại Quốc Hội trong kỳ bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018. Ông Trump chắc chắn sẽ tỏ ra rất cứng rắn với Liên Âu, bởi theo một bộ phận đông đảo cử tri bầu cho Donald Trump, Liên Hiệp Châu Âu là một tấm gương xấu, một thất bại (Báo l’Opinion, 1/7/2018).
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180702-thuong-dinh-trump-%E2%80%93-putin-tai-helsinki-hua-hen-dieu-gi
John Bolton: Hoa Kỳ có thể phá hủy kho đạn Bắc Hàn
trong vòng một năm
Washington DC – Cố vấn An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc John Bolton nói rằng Hoa Kỳ có thể xóa bỏ chương trình hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử của Bắc Hàn trong vòng một năm, nếu Bắc Hàn cam kết tháo dỡ kho vũ khí của họ theo thỏa thuận đạt được tại Singapore ngày 12 tháng 6.
Xuất hiện trong chương trình “Face the Nation” sáng Chủ Nhật, ông Bolton nói ông tin rằng Ngoại Trưởng Mike Pompeo sẽ thảo luận vấn đề này với Bắc Hàn trong một tương lai gần, về cách phá hủy chương trình hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử của họ trong năm 2019. Nếu Bắc Hàn có quyết định chiến lược để làm điều đó, và nếu họ thực sự hợp tác, mọi việc có thể tiến triển rất nhanh chóng.
Tại hội nghị thượng đỉnh Trump -Kim ở Singapore, hai lãnh đạo ký một thỏa thuận trong đó Bắc Hàn cam kết làm việc để hướng tới việc xóa bỏ hoàn toàn vũ khí nguyên tử trên bán đảo Đại Hàn. Nhưng theo tin CBS News, trong thỏa thuận không có chi tiết cụ thể về việc thực hiện các điều khoản của việc phá hủy kho vũ khí, và ông Pompeo đang nỗ lực đưa ra các bước cụ thể hơn cho Bắc Hàn để họ từ bỏ kho vũ khí của họ.
Vào cuối tuần qua, Washington Post dẫn lời của nhiều viên chức tình báo Hoa Kỳ, nói rằng dường như Bắc Hàn không có ý định hoàn toàn từ bỏ nguyên tử. Họ đang tìm cách che giấu các phần của chương trình vũ khí nguyên tử trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/john-bolton-hoa-ky-co-the-pha-huy-kho-dan-bac-han-trong-vong-mot-nam/
Mỹ: FBI phá âm mưu tấn công nhân Ngày Độc lập
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã bắt một người bị nghi giúp đỡ một nhóm chiến binh nước ngoài âm mưu tấn công trung tâm thành phố Cleveland ở tiểu bang Ohio đúng ngày nước Mỹ đánh dấu Ngày Độc lập (4/7).
Nữ phát ngôn viên của FBI từ chối tiết lộ thêm các chi tiết trước khi một buổi họp báo diễn ra, theo Reuters.
Cũng giống như nhiều thành phố khác ở Mỹ, chính quyền Cleveland dự kiến bắn pháo hoa vào ngày 4/7 để ăn mừng Ngày Độc lập.
An ninh thường được tăng cường tại các sự kiện như vậy.
Năm 2015, trước ngày 4/7, cơ quan chức năng Mỹ thông báo đã bắt hơn 10 người bị ảnh hưởng bởi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, và do đó, phá các âm mưu tấn công.
Năm ngoái, 8 người thiệt mạng ở New York hôm 31/10 nhân dịp Halloween khi một di dân Uzbekistan dùng xe bán tải đâm họ trên đường dành cho người đi xe đạp.
Tổng thống Trump
điện đàm với thủ tướng Canada về thương mại
Ottawa, Canada — Vào hôm Thứ Bảy 30 tháng 6, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders cho biết tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào cuối ngày Thứ Sáu 29 tháng 6, nhằm thảo luận về thương mại và các vấn đề kinh tế khác.
Đây là cuộc điện đàm được công khai đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, kể từ sau khi ông Trump lên án thủ tướng Trudeau là người “không trung thực và yếu đuối” vào cuối hội nghị G7 tại Canada hồi đầu tháng này. Trước đó, ông Trump cũng nhiều lần ngụ ý rằng Canada lợi dụng thương mại của Hoa Kỳ, vì vậy những bình luận đầy tính công kích của ông Trump sau cuộc họp G7 đã đẩy mối quan hệ giữa Canada và Hoa Kỳ xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Hôm Thứ Sáu 29 tháng 6, Canada cam kết sẽ áp dụng mức thuế trả đũa với trị giá lên đến 12,6 tỷ Mỹ Kim đối với hàng hóa Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố Canada chỉ dừng lại cho đến khi Washington giảm nhẹ các rào cản.
Theo Reuters, trong cuộc điện đàm mới đây, thủ tướng Trudeau nói với tổng thống Trump rằng Canada không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc công bố các biện pháp đối phó với việc đánh thuế thép và nhôm. Hai nhà lãnh đạo đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ nhằm giải quyết căng thẳng trong tương lai. Thủ tướng Trudeau cũng gửi lời chia buồn đến các nạn nhân trong vụ nổ súng trước tòa soạn báo Capital Gazette xảy ra vừa qua ở Annapolis, tiểu bang Maryland.
Trong một diễn biến liên quan, vào hôm Thứ Sáu, thủ tướng Trudeau cũng có cuộc hội đàm với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nhằm thảo luận về cuộc bầu cử vào ngày 1 tháng 7 sắp tới tại Mexico. Hai nhà lãnh đạo còn thảo luận về các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đồng ý tiếp tục hướng tới một kết quả cùng có lợi. Các cuộc đàm phán để thay đổi NAFTA bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái, với kế hoạch ban đầu là hoàn thành vào cuối tháng 12/2018, tuy nhiên cho tới nay, ba nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung cuối cùng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-dien-dam-voi-thu-tuong-canada-ve-thuong-mai/
Thương mại: Trump tố
“Liên Âu cũng tệ như Trung Quốc”
Trả lời trên đài truyền hình Mỹ Fox News Chủ Nhật 01/07/2018, tổng thống Donald Trump nhắc lại thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ với Liên Hiệp Châu Âu lên tới 151 tỷ đô la năm 2017. Theo ông, trong lĩnh vực thương mại, Liên Hiệp Châu Âu cũng là một đối thủ nguy hiểm không kém Trung Quốc, có điều châu Âu không có trọng lượng bằng người khổng lồ châu Á.
Thông tín viên Grégoire Pourtier tường thuật :
“Tuần này, Donald Trump đã cho rằng Liên Hiệp Châu Âu được lập ra là để lợi dụng nước Mỹ. Đây là một đòn mới của Nhà Trắng nhắm vào đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ. Chủ Nhật, tổng thống Mỹ đã tiếp tục chiến dịch tấn công trên đài truyền hình Fox News, nơi ông có thói quen phát biểu mà không sợ bị phản công.
Nguyên thủ Mỹ nói : “Liên Hiệp Châu Âu có lẽ cũng tệ tương tự như Trung Quốc, nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Cách đối xử của họ với chúng ta thật khủng khiếp. Hãy nhìn vào thị trường xe hơi. Châu Âu bán xe Mercedes sang Mỹ, trong lúc chúng ta không thể xuất khẩu sang châu Âu. Châu Âu không muốn mua nông phẩm của Mỹ. Một cách khách quan, thì châu Âu có nông dân và họ muốn bảo vệ thành phần này. Nhưng còn chúng ta, chúng ta không bảo vệ các nông dân của mình như châu Âu”.
Cũng trên đài Fox News hôm qua, Donald Trump nêu lên quan hệ rất tốt đẹp ông đã có với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Mối quan hệ này đã làm đảo lộn thế cân bằng trên bàn cờ ngoại giao quốc tế.
Có điều khi tuyên bố tin tưởng vào sự thành thật của Kim Jong Un, tổng thống Hoa Kỳ coi như là đã làm lung lay một số nền tảng của sức mạnh Mỹ. Nhiều báo cáo gần đây của cơ quan tình báo cho rằng Bình Nhưỡng vẫn âm thầm tiếp tục các hoạt động hạt nhân. Về điểm này cũng như trên tất cả những chủ đề khác, nhà báo của Fox News tán đồng các lập luận được Donald Trump đưa ra, trước khi chuyển sang một chủ đề khác.
Trả lời phỏng vấn như vậy, tổng thống Mỹ dễ dàng chuyển những thông điệp mà ông thường tung lên qua mạng Twitter, hoặc qua những buổi mít tinh trước các thành phần ủng hộ Donald Trump đến điên cuồng“.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180702-donald-trump-thuong-mai-chau-au-cung-te-nhu-trung-quoc
Còn những quốc gia nào áp dụng nghĩa vụ quân sự?
Nước Pháp đang chuẩn bị áp dụng lại chương trình nghĩa vụ quân sự cho tất cả các công dân 16 tuổi, cả nam lẫn nữ.
Nghĩa vụ quân sự ở Pháp sẽ gồm một tháng phục vụ bắt buộc trong lĩnh vực dân sự và ba tháng làm việc tự nguyện khi người đi nghĩa vụ được khuyến khích làm việc “trong một lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng và an ninh”.
Đây là ý tưởng được Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra lần đầu trong chiến dịch vận động tranh cử của ông. Ông nói ông muốn các công dân Pháp có “trải nghiệm trực tiếp về cuộc đời trong quân ngũ.”
Chương trình Reality Check của BBC tìm hiểu xem ngoài Pháp ra còn có những quốc gia nào trên thế giới thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự.
Trốn nhập ngũ sẽ phải trả giá đắt?
Đức bị loại: ‘Cái chết’ được báo trước?
Hàn Quốc
Về mặt lý thuyết vẫn là một nước có chiến tranh với Bắc Hàn, Hàn Quôc có một chế độ nghĩa vụ quân sự rất nghiêm khắc. Tất cả những nam thanh niên khỏe mạnh buộc phải hoàn thành 21 tháng nghĩa vụ quân sự trong quân đội, 23 tháng trong hải quân hoặc 24 tháng trong không quân. Ngoài ra họ có thể chọn để phục vụ trong lực lượng cảnh sát, lực lượng tuần duyên, cứu hỏa hay trong một số trường hợp đặc biệt, các cơ quan chính phủ.
Tuy nhiên, có ngoại lệ dành cho các công dân đạt thành tích thể thao tốt – như huy chương vàng Olympic hay Thế vận hội Châu Á.
Chính phủ Hàn Quốc cũng từng miễn nghĩa vụ quân sự ngoại lệ cho các vận động viên thể thao, chẳng hạn như khi nước này đăng cai World Cup 2002 và đội chủ nhà vào vòng bán kết.
Tại World Cup lần này, mặc dù thắng đội Đức, đội Hàn Quốc không thể đi xa hơn được nữa. Vậy nên tiền đạo Son Heung-min của Tottenham Hotspur vẫn có thể phải đi nghĩa vụ, trừ khi anh có thể giúp tuyển Hàn Quốc giành chiến thắng tại Asia Cup, sẽ diễn ra vào tháng Tám.
Bắc Hàn là quốc gia có nghĩa vụ quân sự bắt buộc kéo dài nhất trên thế giới, 11 năm cho nam và bảy năm cho nữ.
Eritrea
Đàn ông và những phụ nữ trẻ chưa có gia đình buộc phải đi nghĩa vụ quân sự 18 tháng. Tuy nhiên, theo các tổ chức về nhân quyền, thời gian này thường được kéo dài nhiều năm và có những trường hợp không có hạn chót.
Tổ chức Ân xá Thế giới hồi 2015 nói: “Đi nghĩa vụ quân sự tiếp tục được triển khai trong một loạt các vị trí dân sự cũng như quân sự. Vì thế, cơ chế này tiếp tục cấu thành lao động cưỡng bức.”
Nghĩa vụ quân sự, theo tổ chức nhân quyền này, là lý do chính khiến người Eritrean chạy khỏi nước này – nhiều người xin tỵ nạn chính trị ở Anh.
Thụy Sỹ
Ở Thụy Sỹ, đi nghĩa vụ quân sự là bắt buộc cho nam giới từ 18 đến 34 tuổi. Năm 2013, người dân nước này bỏ phiếu phản đối việc bỏ nghĩa vụ quân sự. (Áo cũng có cuộc trưng cầu dân ý tương tự vào năm đó).
Đây là lần thứ ba chủ đề này đã được đem ra trưng cầu dân ý.
Nghĩa vụ quân sự cơ bản kéo dài 21 tuần, sau đó có huấn luyện thêm hàng năm.
Những người phản đối làm trong quân đội có thể xin vào làm trong các cơ quan dân sự. Phụ nữ không bắt buộc phải đi nghĩa vụ quân sự nhưng họ có thể đăng ký tham gia tự nguyện.
Brazil
Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc cho nam thanh niên 18 tuổi. Thời hạn đi nghĩa vụ là 10 đến 12 tháng. Các trường hợp miễn chỉ được áp dụng vì lý do sức khỏe. Và nếu bạn vào đại học, việc đi nghĩa vụ có thể được hoãn.
Thường có nhiều người đăng ký đi nghĩa vụ và bị từ chối vì có nhiều thanh niên 18 tuổi đăng ký hơn là số người quân đội cần. Để được nhận, các thanh niên phải qua nhiều kỳ thi, chủ yếu là về thể lực.
Các binh sỹ trong quân đội được nhận mức lương khiêm tốn, cùng với cơm ăn và chỗ ở tại doanh trại. Đó có thể là một động cơ lớn cho những người Brazil nghèo hơn.
Israel
Đi nghĩa vụ quân sự ở Israel là bắt buộc cho cả nam và nữ.
Nam giới phục vụ trong Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) ba năm, còn phụ nữ hai năm.
Chế độ này được áp dụng cho công dân Israel ở cả trong và ngoài nước.
Miễn nghĩa vụ được cấp vì lý do sức khỏe, cho những người mới nhập cư và một số nhóm tôn giáo. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, các vận động viên được phép đi nghĩa vụ trong thời hạn ngắn hơn.
Syria
Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc cho tất cả đàn ông Syria.
Tháng 3/2011 Tổng thống Bashar al-Assad ra nghị định giảm thời hạn quân ngũ từ 21 xuống 18 tháng.
Người làm cho nhà nước trốn đi nghĩa vụ có thể sẽ mất việc. Tổ chức Ân xá Quốc tế nói những ai đào ngũ bị đi tù 15 năm.
Tòng quân
Trong những năm gần đây, một số quốc gia đã áp dụng lại chế độ tòng quân và nghĩa vụ quân sự.
Năm 2017, Bộ Quốc phòng Georgia lập lại nghĩa vụ quân sự sau khi xóa bỏ chế độ này mới được tám tháng. Chế độ mới gồm tập quân sự trong ba tháng rồi vào quân ngũ làm nhân viên trực hỗ trợ cho quân đội chuyên nghiệp trong chín tháng.
Lithuania tái áp đặt chế độ tòng quân năm 2016 sau khi xóa bỏ nó này năm 2008. Nam giới từ 18-26 tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong một năm “trừ sinh viên đại học và những người cha đơn thân.”
Năm 2017, Thụy Điển bỏ phiếu tán thành việc tái thiết lập nghĩa vụ quân sự, bị xóa bỏ năm 2010 sau 100 năm tồn tại.
Quyết định này có nghĩa 4000 đàn ông và phụ nữ Thụy Điển sẽ bị gọi đi nghĩa vụ – được chọn từ 13.000 người sinh năm 1999.
Đây không phải là danh sách đầy đủ, và có các nước khác trên thế giới cũng có chế độ nghĩa vụ quân sự và tòng quân, gồm:
Thổ Nhĩ Kỳ – Tòng quân bắt buộc cho tất cả đàn ông trên 20 tuổi. Họ phải phục vụ từ 6 đến 15 tháng.
Hy Lạp – Nghĩa vụ quân sự bắt buộc (chín tháng) cho đàn ông từ 19 tuổi trở lên.
Cyprus – Từ 18 tuổi, tất cả các công dân nam phải hoàn tất nghĩa vụ quân sự.
Iran – Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc cho nam giới trên 18 tuổi. Họ phải phục vụ 24 tháng.
Cuba – Nam giới từ 17 đến 28 tuổi phải đi nghĩa vụ hai năm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44673335
Nhật đặt mua radar của Mỹ để đối phó với Trung Quốc
Reuters hôm nay 02/07/2018 dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết Nhật Bản sẽ đặt mua radar SPY-6 hiện đại của Mỹ để trang bị cho hệ thống hỏa tiễn phòng không. Việc nâng cấp này nhằm đối phó với sự đe dọa của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, đồng thời xoa dịu Hoa Kỳ trước những bất đồng về thương mại.
Cho dù vẫn coi Bình Nhưỡng là mối nguy hiểm trước mắt, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không quên mối đe dọa lớn hơn về lâu về dài, là sức mạnh quân sự đang lên của Bắc Kinh. Quân đội Trung Quốc đang sở hữu một kho vũ khí hùng hậu, trong đó có hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo có thể bắn sang lãnh thổ Nhật.
SPY-6 là radar ba chiều được sản xuất cho các chiến hạm Mỹ trang bị hệ thống Aegis – hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo xuyên quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Hệ thống này sẽ giúp Nhật bắn chận được tên lửa của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trị giá của hai hệ thống Aegis Ashore được ước tính khoảng 2 tỉ đô la. Theo một viên chức chính phủ Nhật, đây sẽ là « một món quà giá trị cho tổng thống Trump ». Đề nghị mua radar được cho là còn có mục đích làm giảm căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Nhật.
Trong chuyến thăm Tokyo tháng 11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh việc Nhật Bản mua chiến đấu cơ tàng hình F-35, khuyến khích Nhật mua thêm vũ khí và hàng hóa Mỹ. Từ đó đến nay, ông Trump không ngừng gây áp lực lên Tokyo qua việc tăng thuế hải quan lên mặt hàng thép, đe dọa đánh thêm thuế lên xe hơi, và kêu gọi thương lượng về tự do mậu dịch song phương.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180702-oknhat-dat-mua-radar-cua-my-de-doi-pho-voi-trung-quoc
Quân ủy TQ ‘nắm’ lực lượng tuần duyên, gây lo ngại
Kể từ 1/7, lực lượng tuần duyên Trung Quốc, còn được gọi là cảnh sát biển, sẽ đặt dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản nước này đối với các lực lượng vũ trang.
Động thái trên được cho là có nguy cơ gia tăng căng thẳng trong việc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với Nhật Bản, theo trang tin Nikkei.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã giải thích là việc tiếp nhận này nhằm cho phép lực lượng tuần duyên đóng vai trò lớn hơn vào các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng, bao gồm chiến tranh.
Cũng theo Tân Hoa Xã, lực lượng này sẽ không đe dọa các nước khác “nếu họ không khiêu khích chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc.”
Tuần duyên Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm đẩy lùi các vi phạm hàng hải ở mức hình sự, tìm kiếm và cứu nạn, thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá và các nỗ lực chống buôn lậu, theo tờ Philstar của Philippines.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng nhiệm vụ cơ bản của lực lượng tuần duyên trong việc thực thi pháp luật hàng hải sẽ không thay đổi. Nhưng Trung Quốc đã bổ sung thêm các tàu lớn hơn cho lực lượng này, bao gồm cả tàu chiến hết biên chế, và lực lượng tuần duyên này đã tiến hành tuần tra chung với hải quân Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 5 vừa qua. Việc cải tổ này làm mập mờ chức năng giữa các đơn vị.
Động thái này làm Tokyo lo ngại vì lực lượng tuần duyên Trung Quốc thường tuần tra quanh hòn đảo tranh có tranh chấp ở Biển Hoa Đông, mà phía Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Theo giới chuyên gia, động thái này là thông điệp rõ ràng nhắm tới Mỹ và các nước liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. Giám đốc Jonathan Spangler của một tổ chức nghiên cứu Biển Đông tại Đài Loan cảnh báo: “Các nước khác sẽ cảm thấy cần tái cấu trúc lực lượng tuần duyên để phản ứng với diễn biến này.”
Chưa thấy có phản ứng từ phía Việt Nam về việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc tiếp quản lực lượng tuần duyên.
Bắc Kinh có 164 tàu tuần duyên với hơn 16.300 nhân lực. Theo dự báo, các tàu tuần duyên của Trung Quốc sắp tới sẽ được trang bị pháo mạnh hơn và thủy thủ đoàn cũng được trang bị súng.
Một số tờ báo châu Á đưa tin lực lượng tuần duyên Trung Quốc từ tháng trước đã bắt đầu tham gia canh gác gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-uy-trung-quoc-nam-luc-luong-tuan-duyen-gay-lo-ngai/4463079.html
Chính sách quân sự của Trung Quốc tại châu Phi
Từ ngày 26/06 đến 10/07/2018, Bắc Kinh tiếp đón nhiều quan chức quốc phòng châu Phi trong khuôn khổ Diễn đàn Trung Quốc-Châu Phi về quốc phòng và an ninh nhằm thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược song phương.
Trang Deutsche Welle tiếng Pháp (26/06/2018) trích một bản báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), cho biết số lượng vũ khí mà Trung Quốc bán cho châu Phi đã tăng thêm 55% kể từ khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức chủ tịch vào năm 2013.
Đáng chú ý trong số vũ khí này có loại súng giống AK-47 có giá rẻ hơn và đang được sử dụng tại một số khu vực căng thẳng như Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Trung Phi và Nam Sudan. Cũng chính tại Nam Sudan, Trung Quốc đã triển khai những chiếc trực thăng Mi-171 đầu tiên do nước này sản xuất.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Triển vọng và An ninh tại châu Âu (IPSE) giải thích : « Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ và là nước thứ hai can thiệp sâu vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình. Đây là lập trường mà Trung Quốc bảo vệ đến mức nước này đã lập căn cứ nước ngoài đầu tiên ở Djibouti với khả năng có thể chứa đến 10.000 người ».
Còn chuyên gia an ninh Emmanuel Dupuy giải thích thêm : « Trung Quốc đã tham gia vào phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Mali (Minusma). Ngoài ra, quân nhân Trung Quốc cũng có mặt trong nhiều chiến dịch gìn giữ hòa bình » như tại Congo, Nam Sudan hay Nigeria. Bắc Kinh « còn muốn hỗ trợ tổ chức Lực lượng đối phó nhanh trước các khủng hoảng (CARIC), được triển khai từ tháng 07/2016 ».
Bán vũ khí… vô điều kiện
Theo nguồn tin của Deutsche Welle, cách đây vài tháng, Trung Phi đã đặt hàng với tập đoàn nhà nước Trung Quốc Poly Technologies nhiều xe thiết giáp, súng máy, lựu đạn và nhiều loại vũ khí khác. Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp đã lên tiếng phản đối.
Lý do được tướng Jérôme Pellistrandi, chủ biên tạp chí Quốc Phòng Pháp, nêu lên là « Thiết bị của Trung Quốc tuy chắc chắn, đáng tin cậy về kỹ thuật, nhưng lại được bán cho một số nước bất chấp các vấn đề về quyền lãnh đạo… Những loại vũ khí này… chắc chắn sẽ không góp phần vào việc tái lập ổn định và an ninh trong vùng ».
Đa số các nhà phân tích không bất ngờ về việc Trung Quốc đa dạng hóa sự hiện diện tại châu Phi. Họ cho rằng, ngay từ năm 1998, Bắc Kinh đã thực hiện chiến lược quân sự được ghi trong Sách Trắng do chính phủ Trung Quốc công bố. Tài liệu này dường như đã khuyến khích tăng số lượng vũ khí xuất khẩu và xây dựng lực lượng quân sự Trung Quốc ở châu Phi.
Theo chính sách này, vào tháng 07/1999, một cơ quan giống như tình báo đã được thành lập, với việc đưa vào hoạt động 5 văn phòng cấp vùng của bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc tại Ai Cập, Sudan, Nigeria, Angola và Nam Phi. Năm 2015 như vậy đánh dấu một bước tiến quyết định : các văn phòng đại diện nói trên từ dân sự đã chuyển thành quân sự.
Triển khai lực lượng
Bắc Kinh cũng thường xuyên tái khẳng định cam kết hỗ trợ tài chính cho việc triển khai lực lượng G5 Sahel có nhiệm vụ chống khủng bố thánh chiến chủ yếu ở phía bắc Mali và luôn đe dọa đến vùng Sahara.
Ngoài ra, với khoản đóng góp chiếm đến 10,25% của sở chỉ huy các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc là nước đóng góp ngân sách lớn thứ hai, sau Hoa Kỳ. Nhưng về mặt quân số, Trung Quốc lại đứng thứ 11, có 2.500 quân nhân tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình ở châu Phi. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn có một đội quân dự bị khoảng 8.000 người, sẵn sàng can thiệp trong khuôn khổ một chiến dịch của Liên Hiệp Quốc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180702-chinh-sach-quan-su-cua-trung-quoc-tai-chau-phi
Bầu cử Mexico: ứng viên cánh tả dẫn đầu
Ứng viên cánh tả Andrés Manuel López Obrador được ghi nhận dẫn đầu trong cuộc đua thành tổng thống kế tiếp của Mexico, các cuộc thăm dò cho thấy.
Cựu thị trưởng Mexico City, 64 tuổi, ước tính đạt tỷ lệ 53% số phiếu, cuộc khảo sát của Parametria cho biết.
Tất cả các cuộc thăm dò cử tri khi họ rời phòng bỏ phiếu cho thấy ông dẫn trước các đối thủ.
Ông López Obrador cam kết sẽ trấn áp tham nhũng.
Mỹ: Texas gửi lực lượng cảnh vệ tới biên giới Mexico
Mexico ‘sẽ không trả tiền xây tường’
Bắt đầu xây mẫu tường biên giới Mỹ – Mexico
Ứng viên đảng cầm quyền José Antonio Meade cho biết ông nhìn nhận ông López Obrador đã thắng.
Đảng Cách mạng Thể chế (PRI) đã thống trị chính trị Mexico trong nhiều thế kỷ qua.
Ứng viên đảng Hành động Quốc gia (PAN), Ricardo Anaya nói rằng đã gọi điện chúc mừng ông López Obrador.
Các điểm bỏ phiếu trên khắp Mexico đóng cửa sau cuộc bầu cử kéo theo một số vụ bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Hơn 130 ứng viên và nhân viên đã bị sát hại kể từ lúc các chiến dịch vận động bắt đầu vào tháng 9/2017.
Kết quả chính thức dự kiến được công bố vào lúc nửa đêm (04:00 GMT).
May mắn lần thứ ba?
Phân tích của Will Grant, phóng viên BBC, Mexico: “Đây là chiến dịch tranh cử bạo lực nhất ở Mexico trong lịch sử gần đây. Hôm nay, ngày bỏ phiếu đã đến, tuy nhiên, nhiều người Mexico coi đây là cơ hội để loại bỏ chính phủ trong hiện tại.”
“Hàng triệu người dân đang tức giận về Tổng thống Enrique Peña Nieto và chính quyền của ông khiến nền kinh tế èo uột và nạn tham nhũng, tội phạm tràn lan.”
“Người được trông đợi sẽ thay ông Nieto là Andrés Manuel López Obrador, thường được nhắc đến dưới tên tắt Amlo, cũng là người về nhì trong hai cuộc bầu cử tổng thống gần nhất.”
“Đối thủ của ông López Obrador, gồm cả ứng viên trung hữu, Ricardo Anaya, định mô tả ông như nhà dân túy và không đáng tin cậy sẽ điều hành được nền kinh tế.”
“Tuy nhiên, hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến cho rằng đa số cử tri không nghe thông điệp này và sẵn sàng trao cho ông López Obrador chức danh tổng thống, lần thứ ba.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44671894
Nhà máy châu Á ‘chựng lại’
vì chính sách thuế của TT Trump
Vào tháng 6, các hoạt động sản xuất trên khắp châu Á và châu Âu chựng lại, trước cả khi chính quyền Hoa Kỳ áp mức thuế suất như từng cảnh báo.
Việc đình trệ này đã dấy lên lo ngại rằng thuế suất mang tính bảo hộ của Hoa Kỳ đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo hãng tin Reuters.
Căng thẳng kinh tế gần đây có khả năng trầm trọng thêm do tác động tranh chấp thương mại Trung Quốc – Mỹ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng trưởng sản xuất của Đức giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng qua và hoạt động sản xuất của Pháp đã chậm lại nhiều so với dự tính hồi tháng 6.
Ông Neal Kilbane, kinh tế gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Oxford Economics, cho biết: “Các chỉ số hiện nay tiếp tục cho thấy rằng lĩnh vực sản xuất đã rơi vào tình trạng đình trệ trong 6 tháng đầu năm nay.”
“Mối đe dọa thực sự của việc tranh chấp thương mại với Mỹ đang leo thang đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất châu Âu có nhiều khả năng phải đàm phán chật vật hơn trong 6 tháng còn lại trong năm nay.”
Sự suy thoái không chỉ xảy ra tại châu Âu mà còn ở hầu hết châu Á.
Theo các khảo sát hàng tháng của ngành sản xuất, các lô hàng từ hai quốc gia có nền sản xuất lớn trong khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như các doanh nghiệp trên toàn châu Á, có hợp đồng được ký vào tháng 6, nay phải gánh thêm chi phí đầu vào vì giá dầu và giá tư liệu sản xuất khác tăng lên.
Hoa Kỳ đe dọa sẽ áp đặt thuế nhập khẩu lên tới 450 tỷ đôla giá trị hàng hóa Trung Quốc, với 34 tỷ đôla đầu tiên có hiệu lực vào ngày 6/7.
https://www.voatiengviet.com/a/nha-may-chau-a-chung-lai-vi-chinh-sach-thue-cua-tt-trump/4463366.html
Giấu thiếu niên Việt trong vali,
kẻ buôn người lĩnh án ở Anh
Một kẻ buôn người trẻ tuổi đã bị kết án tù vì giấu một thiếu niên Việt Nam 16 tuổi trong một chiếc vali và để trong cốp xe, theo Sky News.
Andrei Iancu, 20 tuổi, người Romani, đã bị kết án 18 tháng tù giam, sau khi khai nhận đã đưa lậu người vào nước Anh tại cảng Dover vào tháng trước.
Vali chứa thiếu niên người Việt được tìm thấy trong cốp chiếc xe Skoda Octavia khi xe này dừng ở khu vực kiểm tra xe đi từ Pháp sang Anh. Khi mở cốp xe, lực lượng biên phòng phát hiện nhiều túi lớn và vali.
Khi di chuyển các túi này, họ phát hiện có cánh tay người nhô ra khỏi một trong các vali.
Cảnh sát Anh nói rằng thiếu niên khi bị phát hiện đang trong tình trạng nguy kịch, nhưng sau đó đã được cải thiện, và cậu này đã “thực sự may mắn” khi sống sót.
Thanh tra thám tử Bill Thornton cho biết: “Buôn người là một tội nghiêm trọng và những kẻ đứng sau thường tìm mọi cách để đảm bảo chúng không bị bắt và bỏ tù.”
Ông cho biết thêm: “Việc giấu một người trong vali, dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng cực kỳ nguy hiểm. Trong trường hợp này, cậu bé nằm trong cốp xe suốt hành trình vượt eo biển và may mắn lắm mới còn sống được.”
Theo Press Reader, Iancu khai rằng hắn gặp thiếu niên Việt trên tại một ga tàu ở Pháp và đồng ý đưa cậu này sang Anh với giá 200 euro (tương đương 233 đôla).
Đức lại lâm vào khủng hoảng chính trị
Liên minh cầm quyền tại Đức bị chia rẽ và suy yếu vì hồ sơ di dân. Tối 01/07/2018, ông Horst Seehofer đã tuyên bố sẽ từ chức bộ trưởng Nội Vụ và chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa Giáo Bayern (CSU). Hành động này là nhằm phản đối chính sách di dân của thủ tướng Angela Merkel mà ông cho là quá bao dung.
Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut cho biết thêm chi tiết :
« Tình hình có vẻ bế tắc hơn bao giờ hết. Một mặt, đảng CSU Bayern đánh giá kết quả thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu kết thúc cuối tuần qua là ‘chưa đủ’ để thỏa mãn những đòi hỏi của đảng này về một chính sách di dân nghiêm ngặt hơn.
Cụ thể là đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa Giáo Bayern cho rằng đồng thuận đạt được chưa cho phép giải quyết được vấn đề di dân, liên quan đến những người đã đăng ký tại một nước, nhưng sau đó lại đi sang một nước khác.Thủ tướng Angela Merkel thì muốn có những giải pháp thông qua thương lượng với các nước láng giềng.
Ai cũng khư khư giữ lấy lập trường của mình, những lập trường dường như khó có thể dung hòa. Trước một đảng CSU không muốn mất sĩ diện, thủ tướng Đức đã có được một sự ủng hộ mạnh mẽ của ban lãnh đạo đảng CDU nhằm khẳng định hơn nữa quan điểm của bà, trong khi mà đảng đồng minh CSU gây áp lực, bằng cách đặt lên bàn cân lá bài từ nhiệm của bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer.
Như vậy, nếu không đạt được một đồng thuận, Angela Merkel sẽ là người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng chính phủ. Thiếu thỏa thuận, chuyện gì sẽ diễn ra ?
Nếu Horst Seehofer rời chính phủ, liệu việc thay người có đơn giản và bầu không khí u ám giữa CDU và CSU sẽ vẫn tồn tại ? Hay là nhiều bộ trưởng khác cũng sẽ ra khỏi chính phủ ? Nếu điều này xảy ra cũng có nghĩa là chính phủ liên minh sẽ chết yểu và Đức có thể sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180702-bo-truong-noi-vu-tu-chuc-duc-lai-lam-vao-khung-hoang-chinh-tri
Iran tìm biện pháp cứu nền kinh tế trong nước
trước các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ
Ảnh: Reuters
Theo Cơ quan Tin tức Cộng hòa Hồi giáo (IRNA) đưa tin vào hôm Thứ Bảy 30/06, Iran hiện đang tìm cách để tiếp tục xuất khẩu dầu đồng thời chống lại các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ.
Kể từ tháng trước, đồng tiền rial của Iran đã giảm mất 40% giá trị, khiến các thương nhân vốn trung thành với chính quyền Hồi giáo nổi dậy biểu tình. Phát biểu sau ba ngày biểu tình, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei cho biết mục đích của các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ là để kích động người dân Iran chống lại chính phủ của họ.
Vào hôm Thứ Ba, một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết Hoa Kỳ đã yêu cầu các đồng minh cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran bắt đầu từ tháng 11. Việc Hoa Kỳ tái cấm vận Iran có thể khiến cho việc truy cập hệ thống tài chính toàn cầu của nước này ngày càng khó khăn.
Trước tình hình này, Tổng thống Hassan Rouhani đã phải gặp chủ tịch Quốc hội và bộ trưởng Bộ Tư pháp để thảo luận về các biện pháp đối phó. Nỗ lực tự cung tự cấp trong sản xuất xăng dầu là một trong những biện pháp đã được đề nghị. IRNA trích lời người đứng đầu ủy ban năng lượng của quốc hội là ông Fereydoun Hassanvand, cho biết Chính phủ và Quốc hội cũng đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu những khách hàng mua dầu tiềm năng, và cách phục hồi thu nhập sau khi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ bắt đầu có hiệu lực.
Trong một diễn biến khác, những người biểu tình phản đối tình trạng thiếu nước uống ở phía tây nam Iran đã đụng độ với cảnh sát vào cuối ngày Thứ Bảy, sau khi các viên chức ra lệnh cho khoảng 500 người biểu tình giải tán. Tình trạng bất ổn này kéo dài đến khuya ngày hôm đó, với đỉnh điểm là việc cảnh sát dùng khí cay để đối phó với nhóm biểu tình đã phá hủy các ngân hàng, và đốt cháy một cây cầu ở thành phố Khorramshahr. (Mộc Miên)
World Cup 2018 : Những quả pénalty tai ác
Trong cùng ngày, 01/07/2018, hai đội sừng sỏ của châu Âu đã phải xách vali về nước một cách đau đớn do những quả pénalty tai ác. Đau đớn hơn cả là Tây Ban Nha.
Trong suốt trận đấu, các tuyển thủ Tây Ban Nha, với hàng loạt ngôi sao, vẫn liên tục áp đảo đội chủ nhà, thậm chí đã mở tỷ số với một quả mà Ignashevich đưa vào lưới đội nhà ở phút thứ 12. Choáng váng vì bàn thua này, các tuyển thủ Nga phải mất một thời gian mới gượng dậy, trước khi gỡ hòa 1-1 bằng một quả đá phạt pénalty ở phút thứ 42.
Sang đến hiệp hai, các tuyển thủ Tây Ban Nha đẩy nhanh nhịp độ để cố ghi bàn thắng quyết định, thế nhưng cho đến hết hai hiệp phụ, thủ môn Nga Akinfeev đã chặn hết mọi đường bóng dù lợi hại đến đâu từ phía đối phương. Cuối cùng hai bên đã phải phân thắng bại bằng loạt đá pénalty, với kết quả là đội chủ nhà lọt vào tứ kết để gặp Croatia.
Đội Croatia thì cũng đã giành được chiếc vé vào vòng trong bằng cuộc thi đá pénalty trong trận gặp Đan Mạch. Thủ môn Subasic hôm nay được báo chí Croatia tôn vinh như một « anh hùng » vì đã chặn được đến 3 quả pénalty của Đan Mạch. Cũng được ca ngợi không kém đó là Rakitic, tác giả bàn thắng cuối cùng trong loạt pénalty hôm qua. Báo chí Croatia hào hứng đến mức không ngại mơ tưởng đến chiếc cúp vô địch thế giới. Mơ ước này không phải là phi lý đối với một đội đã từng đứng thứ hạng 3 trong Cúp Thế giới 1998. Nhưng trước mắt các tuyển thủ Croatia sẽ phải đối đầu với một áp lực rất lớn khi đụng với đội chủ nhà vào thứ bảy tới ở Sotchi.
Trong trận tối qua, chính các tuyển thủ Đan Mạch đã ghi bàn đầu tiên ngay từ giây thứ 57, nhưng chưa tới phút thứ 4, Croatia đã gỡ hòa 1-1. Có điều sau 4 phút sôi động ban đầu, diễn tiến trận đấu lại khác đi. Các tuyển thủ Croatia đã không làm gì được trước hàng phòng ngự vững như đá của Đan Mạch, kết quả là tỷ số vẫn được giữ nguyên cho đến hết hai hiệp phụ. Nhưng cuối cùng, 3 tuyển thủ xuất sắc của Đan Mạch đều đã đá hỏng quả pénalty. Huấn luyện viên Hareide chỉ còn biết than thở về tính « tàn bạo » của bóng đá.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180702-nga-2018-nhung-qua-penalty-tai-ac
World Cup 2018 : Hai cao thủ coi chừng « rớt đài »
Chiều nay, 02/07/2018, Brazil, một trong những đội sừng sỏ nhất còn « sống sót » trong Cúp Bóng đá Thế giới 2018 tại Nga, sẽ tranh vé vào tứ kết với Mêhicô, trong khi Bỉ sẽ tranh tài với Nhật Bản để giành quyền đi tiếp.
Tuy vẫn được xem là một trong những đội có triển vọng nhất trong mùa World Cup năm nay, Neymar và các đồng đội của anh không được quyền xem thường Mêhicô, vì đây là một đội tuyển « không ngán ai », bằng chứng là họ đã hạ đo ván đương kim vô địch Đức trong trận vòng bảng ngày 17/06 với tỷ số 1-0.
Hiện giờ các tuyển thủ của quê hương bóng đá có vẻ như càng đá càng lên chân. Riêng ngôi sao Neymar thì đã lấy lại phong độ của lúc trước khi bị chấn thương. Nói chung, Brazil vẫn là một đội tuyển có hàng tấn công lợi hại và một hàng phòng ngự vững chắc.
Về phần đội Mêhicô, họ cũng đang có tham vọng đoạt cúp vô địch ở Nga, theo lời tiền vệ Hector Herrera. Nhưng trước mắt, họ phải vượt qua chướng ngại vật Brazil để vào vòng tứ kết, mục tiêu mà đã sáu lần liên tiếp, từ năm 1994, các tuyển thủ Mêhicô đã để vuột khỏi tầm tay.
Đội tuyển Bỉ cũng đầy tham vọng không kém. Là đội duy nhất ( ngoài Uruguay và Croatia ) thắng cả ba trận ở vòng bảng, « Những con quỷ đỏ » ra trận tối nay trong tư thế sung mãn. Các nhà quan sát nhìn nhận Bỉ là một đội rất dồi dào tài năng, có thể biến hóa lối chơi tùy theo tình huống. Tuy vậy, theo lời tiền đạo Dries Mertens, các tuyển thủ Bỉ không dám nghĩ là họ có thể hạ Nhật Bản một cách dễ dàng.
Các tuyển thủ xứ Phù Tang đã lọt được vào vòng 1/8, sau khi hạ một trong những đội mạnh của Nam Mỹ là Colombia (2-1), trước khi thủ hòa được với Sénégal (2-2) và chỉ để lọt lưới một quả trong trận cuối cùng gặp Ba Lan (0-1). Nói chung, Nhật không phải là một đối thủ đáng gờm, nhưng đối với các tuyển thủ Bỉ không quên bài học của trận tứ kết thua một cách đau đớn đội xứ Wales trong giải Euro-2016, mặc dù lúc đó ai cũng xem « Những con quỷ đỏ »là một trong những đội có triển vọng đoạt chức vô địch châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180702-nga-2018-hai-cao-thu-coi-chung-%C2%AB-rot-dai-%C2%BB