Biển Đông: Jakarta hiện đại hóa quân đội trước tham vọng của Bắc Kinh
Hải quân Indonesia tham gia cuộc Triển lãm hàng không & quốc phòng tại Singapore – REUTERS
Sau nhiều năm tập trung đối phó với những mối đe dọa ly khai, Hồi giáo cực đoan trong nước, giờ đây, Indonesia có kế hoạch hiện đại hóa quân đội, triển khai trực thăng tấn công trên các quần đảo cực nam, thuộc Biển Đông và phát triển lực lượng hải quân.
Jakarta đã buộc phải thay đổi chiến lược quân sự sau khi các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Philippines, Việt Nam gia tăng. Tiếp theo việc chiếm và kiểm soát được bãi đá Scarborough từ tay Philippines, từ đầu tháng Năm vừa qua, Bắc Kinh đưa một dàn khoan dầu khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh của Việt Nam. Tại đây, các tàu Trung Quốc và Việt Nam đối mặt với nhau, làm cho tình hình rất căng thẳng.
Theo ông Tim Huxley, giám đốc điều hành Học viện quốc tế nghiên cứu chiến lược, tại Singapore, thì Indonesia thay đổi mục tiêu chi tiêu quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa đến từ bên ngoài. Indonesia không chỉ lo ngại Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc mà cái chính là cần phải duy trì tự do lưu thông hàng hải.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin, cho biết, để bảo vệ lãnh thổ, từ nay đến 2029, khoảng 40% ngân sách quốc phòng của Indonesia sẽ tập trung phát triển Lực lượng cần thiết tối ưu (Minimum essential force – MEF), trang bị thêm xe tăng, tàu ngầm, trực thăng và máy bay tiêm kích. Trong khuôn khổ hiện đại hóa MEF, chính phủ Indonesia đang tìm mua 274 tàu chiến, 10 phi đội tiêm kích và 12 tàu ngầm chạy điện-diesel.
Từ trước đến nay, Indonesia vẫn đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, thậm chí, còn không đưa ra các tuyên bố về chủ quyền đối với các vùng biển đang có tranh chấp. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, Jakarta nói rằng đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên bản đồ đường 9 đoạn, đã lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết là ông rất muốn Trung Quốc giải thích về bản đồ đường 9 đoạn và sẽ nhờ Liên Hiệp Quốc làm rõ việc này. Bởi vì nó bao gồm cả vùng biển thuộc quần đảo Natuna, thuộc tỉnh Riau.
Indonesia có 17 ngàn hòn đảo lớn nhỏ trải dài hơn 5300 km từ đông sang tây. Eo biển Malacca mà Indonesia và Malaysia cùng chia sẻ quản lý, nằm trên tuyến đường hàng hải cực kỳ quan trọng đối với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s hồi tháng Ba vừa qua cho biết, Indonesia sẽ triển khai bốn trực thăng tấn công Boeing Apache trên quần đảo Natuna trong khuôn khổ chính sách ngăn chặn từ trước do bất ổn định ở Biển Đông. Vẫn theo tạp chí này, với việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông, « quân đội Indonesia đang tăng cường sự hiện diện quân sự trên quần đảo Natuna, kể cả việc chuẩn bị các cơ sở để có thể đón tiếp máy bay tiêm kích trên quần đảo Natuna ».
Tuy nhiên, chiến lược hiện đại hóa quân đội Indonesia truớc các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, còn phụ thuộc vào cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức vào tháng Bẩy tới.
Theo giới chuyên gia, Indonesia là nước lớn nhất ở Đông Nam Á và muốn có một vai trò tương xứng. Viện Nghiên cứu Hòa bình, ở Stockholm thẩm định : Trong năm 2013, chi tiêu quân sự của Indonesia lên đến 81,96 nghìn tỷ roupiah (7,7 tỷ đô la) so với mức 72,94 nghìn tỷ của năm 2012.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay, sẽ tăng 12,2%, lên tới 808,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 141 tỷ đô la). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ưu tiên phát triển hải quân để thúc đẩy các đòi hỏi về lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ứng viên Tổng thống Indonesia có nhiều triển vọng, ông Joko Widodo, cam kết sẽ tăng chi phí quốc phòng từ 0,9% lên 1,5% tổng sản phẩm quốc nội, trong vòng 5 năm.