Tin Việt Nam – 28/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 28/06/2018

VN ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư

hoặc tăng trưởng

Luật An ninh mạng của Việt Nam có thể sẽ buộc tập đoàn Google và Facebook phải chọn giữa thâm nhập nền kinh tế số phát triển nhanh nhất châu Á hoặc bảo vệ quyền riêng tư người dùng.

Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào 1/1/2019 sau khi Quốc Hội thông qua vào tháng 6/2018, yêu cầu các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu và mở văn phòng tại Việt Nam, theo Bloomberg.

Nếu vậy, các công ty này sẽ buộc phải nộp các dữ liệu của người dùng bị nghi ngờ có các hoạt động chống phá chính quyền, bao gồm truyền bá các tin tức làm ảnh hưởng đến Hà Nội hoặc gây tổn hại kinh tế.

Luật An ninh mạng không tốt cho kinh tế VN

LHQ bày tỏ quan ngại về Luật an ninh mạng

Luật An ninh mạng – những trở ngại vô hình

“Nếu họ tuân thủ luật này, họ sẽ vi phạm các điều khoản về cung cấp dịch vụ của chính mình trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng,” Tim Bajarin, Giám đốc Creative Strategies Inc được Bloomberg trích lời.

Động thái của Việt Nam càng cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của các công ty công nghệ đang dựa vào các nước vốn cảnh giác về sự phát triển của mạng xã hội.

Apple đã phải mở trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc và chặn hàng loạt ứng dụng nhằm tuân thủ luật nước này. Indonesia cũng đe dọa sẽ cấm các nhà cung cấp mạng xã hội nếu họ không tuân thủ yêu cầu lọc các nội dung được cho là tục tĩu.

Việt Nam với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trẻ tuổi đang là sự thèm muốn của các công ty công nghệ số. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 6.3% trong khoảng 2005-2017, nhưng thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần từ năm 2000, theo số liệu của chính phủ.

Nhưng luật An ninh mạng có thể làm sứt mẻ sự phát triển kinh tế số của đất nước bằng cách làm cho chi phí khởi nghiệp tăng cao và đẩy các doanh nghiệp chạy sang thị trường khác, Eddie Thai, một đối tác tại TP Hồ Chí Minh với 500 dự án khởi nghiệp, cho hay.

Không giống Trung Quốc, Việt Nam không chặn Facebook hay Twitter, nhưng lại tăng cường bắt giữ các nhà hoạt động từ năm 2016.

Năm ngoái, chính phủ tuyên bố đã triển khai 10.000 nhân viên an ninh không gian mạng để chống lại cái mà chính phủ cho rằng sự gia tăng của các ‘quan điểm lệch lạc’.

Facebook và Google từ chối bình luận về việc họ có tuân thủ luật của Việt Nam hay không. Tuy nhiên Hoàng Phước Thuận, Giám đốc Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công an nói với truyền thông trong nước rằng không công ty nào phản đối.

Các công ty thuộc thung lũng Silicon tuân thủ theo luật này có thể đồng lõa một cách không trực tiếp với chính phủ trong các cuộc đàn áp các nhà hoạt động, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á, cho hay trên Bloomberg.

Chưa rõ chính phủ Việt Nam sẽ làm gì với những công ty không tuân thủ Luật An ninh mạng. Các quan chức chính phủ, người nỗ lực tìm kiếm đầu tư nước ngoài và ủng hộ phát triển kinh tế số, chỉ ra rằng họ sẽ không chặn các dịch vụ, ông Vũ Tú Thanh, đại diện cao cấp của Việt Nam tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-châu Á nhận định. Thành viên của hội đồng này bao gồm cả Google và Facebook.

Chính phủ Việt Nam, dù vậy, trước đó đã gây sức ép để các công ty trong nước ngưng quảng cáo trên YouTube và các trang khác có video chống chính phủ.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44639097

 

Phim blogger Mẹ Nấm ‘gây sốc’ tại Bangkok

Trong lúc sinh mạng của blogger Mẹ Nấm được gia đình cho là đang ‘bị đe dọa’, cuốn phim tài liệu về gia đình blogger này trình chiếu tại Bangkok gây sốc cho nhiều khán giả.

“Mẹ phải thăm con hàng tháng để biết con còn sống hay đã chết,” bà Tuyết Lan thuật lại với BBC lời dặn mới nhất của blogger Mẹ Nấm với bà tại nhà tù tại Thanh Hóa.

Vừa trở về từ chuyến thăm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), bà Tuyết Lan chưa hết xúc động trong cuộc trao đổi với BBC hôm 28/6.

Blogger Mẹ Nấm được đề cử Nobel Hòa Bình

Blogger Mẹ Nấm đoạt giải Tự do Báo chí Quốc tế 2018

Bà nói cách đây gần một tháng đã đi thăm blogger Mẹ Nấm, nhưng cuối tuần qua linh tính chẳng lành nên bà lại vượt hơn 1,000 cây số từ Khánh Hòa đi Thanh Hóa thăm con.

“Đúng như linh tính, lần này sắc mặt Quỳnh xanh sao, không ổn. Mới đó mà Quỳnh suy sụp nhanh quá.”

“Quỳnh nói không muốn làm tôi lo lắng, nhưng lần này nó không chịu đựng được nữa vì cảm thấy tính mạng bị đe dọa thực sự. Quỳnh mong tôi cố gắng mỗi tháng thăm Quỳnh một lần để biết con còn sống hay chết.”

“Có thể sau cuộc gặp này con không còn được gọi điện về nữa,” Quỳnh đã khóc nói với tôi như vậy,” bà Tuyết Lan nghẹn ngào.

Theo bà Lan, trong câu chuyện giữa hai mẹ con, blogger Mẹ Nấm nhắc đến việc phải sống chung phòng với một phụ nữ luôn gây sự, chửi bới mình bằng những lời thô tục.

“Quỳnh không nói lại được. Quỳnh có trình bày với giám thị trại giam, đề nghị được chuyển phòng, nhưng họ không thực hiện. Họ lập biên bản với nội dung Quỳnh gây gổ nhưng Quỳnh không đồng ý.”

“Quỳnh còn cho biết trong trại còn có một phạm nhân nữ được gọi là Liên Híp. Người này thường xuyên xuất hiện cùng một cán bộ trại giam tên Vũ Thị Mai và thường tỏ thái tộ hung hăng, đe dọa khi thấy Quỳnh.”

“Rồi còn những chuyện khác như ổ khoá phòng Quỳnh không mở được. Giám thị tới kiểm tra nói bị bỏ cát và xà phòng vào, nhưng không gọi được thợ khóa đến sửa ngay do thợ ở tận thành phố… Rồi cúp điện bất thường nhiều đêm. Quỳnh đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo trại giam giải quyết nhưng không được,” bà Tuyết Lan nói.

Sự việc này xảy ra sau khi blogger Mẹ Nấm tuyệt thực, từ chối thức ăn trại giam cấp vì gặp phải những triệu chứng lạ sau khi ăn.

Bà Tuyết Lan cũng nói blogger Mẹ Nấm vẫn kiên quyết với con đường đấu tranh của mình và khẳng định không làm gì sai, ‘nhưng chỉ sợ Quỳnh sẽ quỵ vì những áp lực tinh thần hiện nay trong tù.’

“Quỳnh nói đã từng sống trong phòng giam không lỗ thông hơi suốt hai tháng mà vẫn chịu đựng được. Nhưng lần này Quỳnh có lẽ đã chạm tới giới hạn rồi,” bà Lan nghẹn ngào.

Cuốn phim ‘gây sốc’

Tối 26/7 khi bà Tuyết Lan còn trên chuyến tàu từ Khánh Hòa quay lại Sài Gòn, mang theo những lo âu về sinh mạng của con gái, phim tài liệu về gia đình blogger nổi tiếng này được chiếu tại Bangkok, Thái Lan.

Phim ‘Khi mẹ vắng nhà’ dài khoảng 40 phút nói về cuộc sống của bà, mẹ, và hai con nhỏ của blogger Mẹ Nấm sau khi blogger này đi tù đã khiến nhiều nhà khán gỉa, trong đó có báo giới tỏ ra bị ‘gây sốc’.

Trong phim, bà Tuyết Lan vừa chăm sóc mẹ già ngồi xe lăn, vừa nuôi hai cháu ngoại là hai con nhỏ của Quỳnh, vừa tháng tháng đi thăm nuôi con trong tù. Hàng ngày bà nhận trông xe cho học sinh để kiếm thêm thu nhập. Những cảnh bà ngoại tất bật lo cơm nước, tắm rửa cho hai đứa cháu, cảnh cháu rớm nước mắt khi bị bà răn dậy, và bà cũng ứa nước mắt theo làm nhiều người nén tiếng thở dài.

Mặc dù có ý kiến cho rằng phim cần có thêm nhiều thông tin về quá trình hoạt động của blogger Mẹ Nấm, để người xem hiểu được vì sao blogger này bị chính quyền bỏ tù, hầu hết khán gỉa có mặt thừa nhận ‘không thể cầm lòng’ trước những cảnh phim ghi lại đời sống hàng ngày của hai đứa con thiếu mẹ.

Nhiều nhà báo quốc tế đặt câu hỏi về tình trạng chính phủ Việt Nam kìm kẹp tự do ngôn luận và đàn áp người bất đồng chính kiến từ câu chuyện của Mẹ Nấm.

Tình trạng nguy cấp cho sinh mạng của mẹ Nấm cũng được cập nhật tới các nhà báo quốc tế có mặt trong sự kiện chiếu phim.

Ông Trịnh Hội, đại diện tổ chức VOICE, người mang cuốn phim đến chiếu tại trụ sở Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Thái Lan (FCCT) khẳng định việc Mẹ Nấm lần đầu tiên phải lên tiếng về mối nguy cho tính mạng của mình cho thấy tính nghiêm trọng và bức thiết của sự việc.

Được biết, Clay Phạm, người quay và đạo diễn phim, từng gặp nguy hiểm trong quá trình làm phim, sau đó bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Trong thư gửi ban tổ chức và khán giả tham gia buổi chiếu phim tại Bangkok đêm 27/6, Clay Phạm nói đây là phim đầu tay, cũng là cũng là phim tài liệu đầu tay về tù nhân lương tâm của ông.

Clay Phạm nói có ba lý do khiến ông thực hiện phim này:

“Mong muốn phim mang cái nhìn chân thực nhất về gia đình của tù nhân lương tâm, những khó khăn gặp phải trên con đường đi tìm chân lý của họ. Họ chỉ là những còn người hết sức bình thường, có chăng tình cảm họ dành cho quê hương rất nhiều.”

“Tìm thêm sự đồng cảm với hoàn cảnh của blogger Mẹ Nấm để chị được trả tự do về với gia đình nhỏ của chị.”

“Cảm nhận rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà hoạt động xã hội, miễn là họ có tấm lòng cho con người VIệt Nam.”

Nói với BBC từ Khánh Hòa, bà Tuyết Lan cho hay chưa xem phim, nhưng bà mong mỏi cuốn phim, cùng với tiếng nói quốc tế sẽ “nhem nhúm thêm một tia hi vọng” để blogger Mẹ Nấm sớm được tự do.

Blogger Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù năm 2017 theo Điều 88, tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước”. Trước đó, blogger này tham gia vào các hoạt động biểu tình phản đối Formosa, đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam.

Trong tháng 6/2018, blogger Mẹ Nấm đoạt giải Tự do Báo chí Quốc tế của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả và được đề cử giải Nobel Hòa Bình.

Năm 2010, blogger Mẹ Nấm đoạt giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Năm 2015, blogger Mẹ Nấm đoạt giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Civil Rights Defenders.

Năm 2017 blogger Mẹ Nấm được giải Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44639099

 

Việc đàn áp biểu tình của chính quyền Việt Nam

bị tố cáo trước Hội đồng Nhân quyền LHQ

Tại cuộc gặp gỡ của Hội đồng Nhân quyền LHQ lần thứ 38 tại Geneva, Chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR) ông Võ Văn Ái hôm thứ Tư 27/6 lên tiếng tố cáo chính quyền Việt Nam đã đàn áp bạo lực những cuộc biểu tình ôn hoà của người dân phản đối Luật An ninh mạng ở Việt Nam.

Trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Võ Văn Ái nói rằng “Trong quốc gia độc đảng do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền, không có đảng đối lập và không có báo chí tự do, các cuộc biểu tình ôn hoà và Internet là phương tiện duy nhất để mọi người tự do bày tỏ quan điểm của họ.

Theo trang queme.org, từ ngày 9/6/2018, các biểu tình lớn đã đồng loạt diên ra ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là ở TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang và Bình Thuận. Hàng ngàn người dân đã xuống đường để phản đối dự thảo Luật Đặc khu kinh tế hành chính cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trong 99 năm.

Đây là dự thảo luật mà nhiều người Việt Nam cho rằng chính quyền Việt Nam đang tạo cơ hội vàng cho Trung Quốc để thiết lập sự hiện diện lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam, vào chính thời điểm 2 quốc gia đang có sự tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Vào các ngày 10 và 11/6 vừa qua hàng ngàn người dân từ nhiều tỉnh thành đã đổ ra đường biểu tình phản đối luật Đặc khu và An ninh mạng. Các hình ảnh video cho thấy người biểu tình bị an ninh đánh đập và kéo lê trên đường phố.

Sáng Chủ nhật 17/6, TP.HCM dày đặt lực lượng an ninh. Hàng rào kẽm gai, cảnh sát cơ động, an ninh chìm, nổi, lực lượng dân phòng được sử dụng tung ra khắp đường phố, tập trung ở khu vực thuộc vào “điểm nóng” như Hoàng Văn Thụ, Nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ. Tin cho biết có gần 300 người vô cớ bị “mời” lên xe cảnh sát đưa về sân vận động Tao Đàn.

Theo lời ông Ái, “những cuộc biểu tình toàn quốc của người dân Việt Nam vừa qua không chỉ chống đối Trung Quốc, mà còn với mục đích thể hiện sự phản đối Luật An ninh mạng mà chính quyền Việt Nam vừa thông qua. Tình trạng bất ổn này là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu của mọi người mong muốn tự do lên tiếng, và sự thất vọng của họ khi sống trong một xã hội mà quyền duy nhất của họ là giữ im lặng ”.

Trong bản tuyên bố với Liên Hợp Quốc, ông Võ Văn Ái khẳng định luật an ninh mạng “gây ra một đòn nặng nề cho tự do ngôn luận trực tuyến. Luật này cho phép chính phủ quyền hạn để theo dõi hoạt động trực tuyến và yêu cầu các công ty cung cấp mạng xã hội lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng ở Việt Nam và xóa nội dung được coi là “xúc phạm” của chính phủ trong vòng 24 giờ ”.

Cuộc họp Hội đồng Nhân quyền LHQ lần thứ 38 diễn ra từ ngày 18 /6 đến ngày 6/7/2018.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Vietnam-assault-on-freedom-of-expression-and-peaceful-demonstration-denounced-at-the-un-hw-counsil-06272018134935.html

 

‘Du khách’ Việt bám mặt đường Bangkok

Thái Lan là đất nước hấp dẫn khách du lịch, và cũng là điểm đến hàng đầu của nhiều người Việt. Thậm chí có nhiều người Việt đã trở thành ‘du khách toàn thời gian’ tại Thái Lan.

Nhiều người trong gần 50.000 ‘du khách’ này ở đây làm nghề bán hàng rong, phục vụ quán. Công việc của họ thường là bán các loại hoa quả bóc, gọt sẵn, nước ép trái cây, đồ ăn nhanh cho người địa phương và du khách.

Hầu hết người Việt làm nghề tự do ở Thái Lan đều không có giấy phép lao động. Hàng tháng những người này đều phải qua cửa khẩu để lấy dấu miễn thị thực vốn dành cho khách du lịch.

Việc này gọi là ‘đi tò’.

Anh Tuấn, một người Hà Tĩnh ở Bangkok cho biết:

“Chi phí có việc ‘đi tò’ là 1.700 Baht Thái một lần. Thường sẽ đi từ một giờ sáng tới năm giờ sáng tới cửa khẩu, làm thủ tục xuất rồi nhập cảnh, đóng dấu rồi quay về luôn. Khoảng ba giờ chiều là về tới nhà. Có điều việc đi lại này là rất mệt mỏi, khi phía làm dịch vụ cho phép, ai cũng sẽ gửi hộ chiếu để đỡ phải đi, dù có tốn đến 2.000 hay 3.000 Baht cũng gửi.”

Tuy nhiên đó chỉ là một phần nhỏ trong các chi phí hàng tháng tại đây.

Cũng theo anh Tuấn chia sẻ:

Một tháng chi phí của của một người bán hàng rong bằng xe đẩy lên tới gần 20.000 Baht. Trong đó một nửa là để “lo công an”, khoản tiền này giúp họ được cảnh bảo về các đợt truy quét. Tiếp đó là khoảng 3.000 tới 5.000 Baht để thuê phòng ở, còn lại là sinh hoạt phí, và ‘đi tò’. Thu nhập hàng tháng thường chỉ đủ sống, không có khoản để dành.

Ngoài ra cũng có trường hợp người Việt thuê chỗ bán hàng cố định nhưng đều phải nhờ người Thái đứng tên để hơp pháp hóa. Tuy nhiên những chỗ như vậy có chi phí cao và vẫn phải nghỉ bán hàng khi có các đợt truy quét của công an. Nhiều tháng phải bù lỗ vì thời gian nghỉ bán tránh công an kéo dài.

1/7/2018 giới chức Thái Lan bắt đầu yêu cầu những lao động trái phép phải rời khỏi đây, sau nhiều lần trì hoãn Luật Lao động từ 23/6/2017.

Mức phạt cho ‘lao động chui’ khi bị bắt có thế lên tới 100.000 Baht Thái hoặc/và bị giam giữ 5 năm với người lao động, còn với người sử dụng ‘lao động chui’ là 800.000 Baht Thái.

Khi được hỏi về ảnh hưởng thực tế tới người Việt bán hàng tại đây, anh Vinh (tên nhân vật đã thay đổi), quê ở Thanh Hoá, bán nước hoa quả tại Bangkok đã bốn năm nay chia sẻ rằng: “Người Việt Nam đang thực sự hoang mang dù mình làm ăn chính nghĩa, bỏ sức lao động ra chứ không trộm cướp gì”.

Tuy nhiên anh vẫn quyết định ở lại đất Thái vì theo kinh nghiệm của anh thì chuyện truy quét lao động bất hợp pháp là việc diễn ra hàng năm:

“Nhà nước Thái họ cứ răn đe để bớt đi thôi, thực tế họ quét hết sao được. Người Việt bây giờ họ về, rồi họ lại sang. Chỉ mong là làm sao được như Campuchia, Lào, Ấn Độ hay người các nước khác, họ sang họ làm được đàng hoàng, sao Việt Nam mình không làm được thế.”

Anh Vinh cũng cho biết có nghe nói Nhà nước Thái Lan chỉ cho phép lao động Việt sang làm việc tại nước này trong hai ngành nghề xây dựng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên anh cho rằng: người Việt Nam mình ở Thái có sức lao động không cao, chủ yếu người sang đây là người già, phụ nữ, bây giờ cũng có một số nam giới, thanh niên nên cũng khó làm các ngành này.

Tới trung tuần tháng 6/2018, theo thông tin từ Sở Tin tức Quốc gia Thái Lan thì vẫn còn khoảng 28.380 người chưa có đầy đủ hồ sơ xác nhận quốc tịch và khoảng 59.000 người khác đã được xác nhận quốc tịch nhưng đang đợi xin thị thực và giấy phép lao động. Số này chủ yếu là người Campuchia, Lào và Myanmar.

Trên mạng xã hội, trong các nhóm thảo luận của người Việt ở Thái đã có một số người chia sẽ rằng sẽ quay về nước, tìm kiếm công việc hoặc cơ hội đi lao động ở các nước khác. Nhưng có lẽ sẽ vẫn còn nhiều ‘du khách’ Việt gắn bó lâu dài với Vương quốc Thái Lan.

https://www.bbc.com/vietnamese/media-44576940

 

Tuyên bố ‘lắng nghe dân’

nhưng không cho trưng cầu dân ý

Luật Trưng Cầu Dân Ý của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, và được nói là sự thể chế hóa quyền “dân chủ trực tiếp” của công dân được Hiến pháp qui định.

Theo luật này thì cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, luật sư Ngô Anh Tuấn, đoàn luật sư Hà Nội cho chúng tôi biết kể từ khi luật trưng cầu ý dân có hiệu lực đến nay là 2 năm nhưng chưa một lần được áp dụng:

Chưa có một dự luật nào chẳng hạn mà đại biểu Quốc hội đề xuất đưa ra trưng cầu ý dân, cho dù luật quy định rất rõ ràng rằng những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội nhưng cho đến giờ chưa có một trường hợp nào mang ra trưng cầu ý dân. Ngay cả trường hợp dự luật đặc khu hay luật an ninh mạng, chưa thấy Quốc hội đề cập đến vấn đề này.

Đến khi vấp phải phản ứng của dân chúng về dự luật khu hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, Thủ tướng VN ông Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng rằng Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và công chúng về điều khoản cho người nước ngoài thuê đất gần một thế kỷ trong dự luật về đặc khu kinh tế này.

Tương tự, bà chủ tịch Quốc Hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng đăng đàn phát biểu kêu gọi người dân bình tĩnh vì Quốc hội đang luôn lắng nghe ý kiến của người dân.

Về vấn đề lãnh đạo lắng nghe dân, anh Viễn – một người dân ở Hà Nội, cho biết quan điểm:

Có vẻ như có lắng nghe, bằng chứng là ba bốn cuộc gặp gỡ của ông Nguyễn Xuân Phúc ở Hải Phòng cho tới ông Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội và Trần Đại Quang ở Sài Gòn đều nói đến hai thứ là luật an ninh mạng và đặc khu.

Nhưng nghe là một chuyện còn làm là chuyện khác, họ đâu có làm theo đâu.

Nhưng nghe là một chuyện còn làm là chuyện khác, họ đâu có làm theo đâu.

– Người dân

Thực tế cho thấy, dù khắp nơi trên cả nước nổ ra đợt biểu tình vào ngày 10 tháng 6 với các khẩu hiệu phản đối hai dự Luật Đặc khu và An Ninh Mạng, đến ngày 12 tháng 6, Quốc hội Việt Nam vẫn thông qua luật An Ninh Mạng. Theo nhiều người thì đây là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy các lãnh đạo không hề nghe ý dân.

Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, đặt ra câu hỏi rằng nếu Quốc hội thực sự muốn lắng nghe ý dân thì vì sao đến nay luật trưng cầu dân ý vẫn chưa được áp dụng?

Người ta làm luật cho nó vui thôi, để dọa thiên hạ rằng mình cũng văn minh. Nói như bà Ngô Bá Thành ngày xưa, cũng là một Nghị sĩ Quốc hội, bà ấy nói rằng VN có một rừng luật nhưng chỉ thi hành luật rừng thôi.

Hội nghị bàn về chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần đây có tuyên bố phải dựa vào dân để chống tham nhũng. Cũng là nói cho hay vậy thôi, chứ dựa vào dân thì phải có báo chí tự do để dân nói tiếng nói của mình. Nhưng họ lại thực hiện luật an ninh mạng, tức là khóa mồm dân lại thì lấy gì lắng nghe.

Muốn tôn trọng ý dân thì phải có tự do tư tưởng, tự do báo chí, quyền lập hội, biểu tình để bày tỏ chính kiến của họ về các vấn đề.

Một chiến dịch mà cơ quan chức năng ở Sài Gòn đang làm mà GS. Nguyễn Khắc Mai gọi là “trò hề”, đó là họ phân phát những tờ rơi giải thích về luật đặc khu đưa tới từng gia đình và bắt họ ký vào. Ông nghi ngờ sau này chính quyền sẽ nói đó là bằng chứng người dân đã đồng tình với luật đặc khu. Ông khẳng định đây không phải là một hình thức trưng cầu dân ý.

Trước đây trong một phiên thảo luận về Luật Trưng Cầu Dân Ý, Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội phát biểu rằng dân trí thấp không thể tùy tiện trưng cầu. Phát biểu của ông Huệ vấp phải nhiều sự phản đối từ phía người dân.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng “trưng cầu dân ý” hay “lắng nghe dân” chỉ là những câu nói xã giao của giới lãnh đạo:

Theo luật, thì đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân. Có thể lắng nghe ở đây họ sẽ nói rằng các đại biểu nghe ý kiến của dân rồi phản ánh lại với Quốc hội. Chứ lắng nghe thực sự trực tiếp từ phía người dân thì gần như không có.

Tôi thấy việc lắng nghe là một từ dùng chung, quen thuộc họ hay dùng với nhau thôi, chứ tôi thấy nó không có giá trị gì.

Tôi thấy việc lắng nghe là một từ dùng chung, quen thuộc họ hay dùng với nhau thôi, chứ tôi thấy nó không có giá trị gì.

– Ls. Ngô Anh Tuấn

Trả lại câu hỏi người dân cần làm gì để tiếng nói của họ được lãnh đạo lắng nghe, trưng cầu, GS. Nguyễn Khắc Mai nói:

Bây giờ dân phải đòi hỏi nhiều quyền. Chỉ còn cách tập hợp nhau lại lên tiếng để đòi những quyền đó. Có dịp nào đó thì thông qua bầu cử, loại trừ những thành phần dốt, cậy quyền ra, và thay bằng những nghị sĩ đàng hoàng hơn thì hi vọng họ hiểu luật, họ biết thế nào là dân và tôn trọng dân.

Luật trưng cầu dân ý của Việt Nam quy định rõ mọi công dân VN từ đủ 18 tuổi trở lên là người có quyền bỏ phiếu biểu quyết. Những vấn đề cần trưng cầu dân ý bao gồm toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước…

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-has-referendum-law-for-2-years-but-never-applied-06272018131607.html

 

23 người chết vì mưa lũ ở phía Bắc

Tính đến thời điểm 7 giờ sáng ngày 28 tháng 6, đã có 23 người chết tích cùng tổng thiệt hại gần 459 tỷ đồng trong trận mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện vẫn còn 10 người mất tích chưa được tìm thấy.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết tại Hà Giang có 5 người chết do sập nhà, lũ cuốn trôi. Tỉnh Lai Châu có 16 người thiệt mạng vì sạt lở đất đá, nhà sập. Quảng Ninh và Lào Cai mỗi tỉnh ghi nhận 1 người chết vì lũ cuốn trôi.

Hiện có 10 người mất tích, trong đó 9 người ở Lai Châu và 1 người ở Điện Biên. Tổng số người bị thương do mưa lũ là 16.

Ngoài ra thiệt hại về tài sản cũng được nói là rất lớn, bao gồm thiệt hại về nhà cửa, lúa, hoa màu, thủy sản, chăn nuôi, giao thông,…tổng cộng lên đến gần 459 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết đã có công văn hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ trong những ngày tới. Còn Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho biết đã phát động quyên góp ủng hộ nạn nhân khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lũ.

Cũng trong ngày 28 tháng 6, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã vào được hiện trường vụ sạt lở đất ở bản Sáng Tùng, xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ sau hai ngày bị cô lập do đường hỏng vì mưa lũ. Trước đó một ngày, một vụ sạt lở đất xảy ra tại khu vực này khiến 162 hộ dân mất hết nhà cửa chỉ sau một đêm, không có thiệt hại về người. Cơ quan chức năng cho biết sẽ hỗ trợ mỗi gia đình 3 triệu đồng để khắc phục hậu quả, đồng thời cung cấp lương thực cho họ.

Cũng trong cùng ngày, Tổng cục Phòng Chống thiên tai cho biết ngoại trừ sóng thần, Việt nam “nếm đủ” 20 loại hình thiên tai. Những loại hình này bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất.

Tính từ đầu năm nay, Việt Nam đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, trong đó có đến 88 trận dông, lốc sét.

Giới chuyên gia môi trường đưa ra nhận định nạn phá rừng lâu nay là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng lũ quét, sạt lở ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Bên cạnh đó tình trạng xả nước của các hồ thủy điện cũng gây ngập lụt trên diện rộng phá hủy mùa màng của người dân.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/23-dead-due-to-flash-floods-and-landslide-in-northern-vn-06282018101934.html

 

Tháng 10 có Hướng dẫn thi hành Luật An Ninh Mạng

Bộ Tư pháp và Ban soạn thảo Luật An ninh mạng chuẩn bị xây dựng các nghị định để hướng dẫn thi hành luật mới này và dự kiến trình chính Chính phủ trong tháng 10 tới đây.

Cục trưởng Cục An ninh mạng, ông Hoàng Phước Thuận cho biết như vừa nêu tại cuộc họp báo, diễn ra vào sáng ngày 28 tháng 6, khi trả lời câu hỏi liên quan đến kế hoạch xây dựng và ban hành các nghị định, hướng dẫn triển khai Luật An ninh mạng.

Đối với vấn đề dư luận cho rằng một số điều luật trong Luật An ninh mạng hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân mà báo giới đề cập tại cuộc họp báo, ông Hoàng Phước Thuận khẳng định Luật An ninh mạng không hạn chế các quyền này và mọi hoạt động của người dân được nhà nước bảo hộ.

Cục trưởng Cục An ninh mạng nhấn mạnh Luật An ninh mạng, vừa được Quốc Hội thông qua vào ngày 12/6/2018 đã được chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng với sự tham gia và đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, giới chuyên gia và ý kiến rộng rãi của người dân.

Tuy nhiên, vài ngày trước khi Luật An ninh mạng được thông qua, hàng ngàn người dân ở Việt Nam đã biểu tình phản đối hai Dự Luật Đặc khu và An ninh mạng.

Trong cùng ngày 28 tháng 6, hãng tin Bloomberg đăng tải thông tin liên quan hai tập đoàn Google và Facebook phải chọn lựa giữa tiếp tục phát triển kinh doanh tại Việt Nam và bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng.

Luật An ninh mạng của Việt Nam, vừa được Quốc hội thông qua hôm 12 tháng 6, đòi hỏi các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu và  mở văn phòng ở Việt Nam. Và, điều này đồng nghĩa các công ty nước ngoài buộc phải nộp các dữ liệu của người dùng bị nghi ngờ có các hoạt động chống phá chính quyền, bao gồm truyền bá các tin tức làm ảnh hưởng đến Hà Nội hoặc gây tổn hại kinh tế.

Bloomberg trích dẫn nhận định của ông Tim Bajarin, Giám đốc Creative Strategies Inc rằng nếu các công ty nước ngoài tuân thủ luật này, họ sẽ vi phạm các điều khoản về cung cấp dịch vụ của chính họ trong bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/decrees-for-implementing-cybersecurity-law-will-be-submit-to-government-06282018090226.html

 

Chủ tịch Trần Đại Quang ban hành Luật An ninh mạng

bất chấp chỉ trích

Sáng 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước mở họp báo dể thông báo lệnh của Chủ tịch Trần Đại Quang ban hành các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, trong đó có Luật an ninh mạng, vốn bị cộng đồng quốc tế và các nhà tranh đấu ở trong nước chống đối.

Từ Hà Nội nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói ông rất thất vọng về việc Chủ tịch nước ký ban hành Luật an ninh mạng.

Có một chiến dịch ký thỉnh nguyện thư tới vài chục ngàn chữ ký do các bạn kêu gọi và lên tiếng để ông Chủ tịch nước xem xét và hoãn ban hành Luật an ninh mạng, vậy mà hôm nay báo chí trong nước loan tin ông ấy đã ký thông qua thì tôi hơi thất vọng.

Nguyễn Chí Tuyến

“Có một chiến dịch ký thỉnh nguyện thư tới vài chục ngàn chữ ký do các bạn kêu gọi và lên tiếng để ông Chủ tịch nước xem xét và hoãn ban hành Luật an ninh mạng, vậy mà hôm nay báo chí trong nước loan tin ông ấy đã ký thông qua thì tôi hơi thất vọng. Công quốc tế, các tổ chức quốc tế, cũng như người dân đã phản ứng mạnh mẽ về một số điều khoản vi phạm đến quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của người dân vì luật trao quá nhiều quyền cho ngành công an.”

Báo chí trong nước dẫn lời Chủ tịch Trần Đại Quang khẳng định tại một cuộc tiếp xúc với cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh vào tuần trước nói rằng Luật An ninh mạng ra đời là “cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, tổ chức, chứ không xâm phạm đời tư của công dân.”

Nhà hoạt động Trần Thu Nguyệt ở Sài gòn nói rằng luật này trao thêm quyền cho công an để bịt miệng những tiếng nói bất đồng:

“Tôi nghĩ ông Chủ tịch nước cũng muốn bịt miệng người dân, không cho người dân lên tiếng, ông đưa cái luật đó ra để đe dọa những người bất đồng chính kiến. Họ làm vậy để ngăn chặn các tiếng nói nói lên sự thật về hiện tình đất nước Việt Nam và lấy đó làm cái cớ để bắt bớ những tiếng nói bất đồng.”

Họ làm vậy để ngăn chặn các tiếng nói nói lên sự thật về hiện tình đất nước Việt Nam và lấy đó làm cái cớ để bắt bớ những tiếng nói bất đồng.

Trần Thu Nguyệt

Báo VNEXpress trích lời Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, thuộc Bộ Công an tại buổi họp báo hôm 28/6 nói rằng Luật An ninh mạng, được Quốc hội thông qua hôm 12/6 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, quy định rằng: “Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam.”

Ông Thuận được báo chí trong nước trích lời nói rằng thời gian qua dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích thu lợi nhuận, thậm chí bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật.

Trong chuyến công du đến thủ đô Washington hôm 26/6, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư Hoa Kỳ giữa lúc Hà Nội bị Mỹ chỉ trích về Luật An ninh mạng.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-tran-dai-quang-ban-hanh-luat-an-ninh-mang-bat-chap-chi-trich/4458497.html

 

Cha con nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh

bị khủng bố trong đêm

Nhà hoạt động nghiệp đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh và cha cô ở thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng bị khủng bố trong đêm hai lần trong ba ngày, từ Chủ Nhật 24/06 tới Thứ Ba 26/06 vừa qua. Cả công an thị trấn, công an huyện và công an tỉnh đều không trả lời điện thoại kêu cứu của các nạn nhân.

Theo blogger Nguyễn Tường Thụy, trong cả hai vụ, những tên bịt mặt cứ đợi đến khoảng 11 giờ đêm là bắt đầu ném đá và vật lạ vào nhà nạn nhân. Do trời tối, Minh Hạnh không biết nhóm bịt mặt gồm bao nhiêu tên, chỉ biết rằng chúng rất đông và tấn công hết đợt này đến đợt khác. Cô đã quyết định tường thuật trực tiếp trên mạng vụ tấn công này. Những người theo dõi cuộc tường thuật của cô trên mạng nghe thấy những tiếng động lớn của từng vật lạ được ném vào nhà. Phần nhiều là những cục đá cỡ lớn. Những vật khác trông giống như mìn với các ngòi nổ. Minh Hạnh cho biết có vật được bọc bằng giấy và giấy cháy chưa hết. Có vật có cả xăng chưa kịp cháy tới.

Vụ khủng bố mới đây hôm 26 tháng 6 kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Vụ khủng bố trước đó hai ngày kéo dài khoảng 2 tiếng.

Được biết sau khi bị cấm xuất cảnh sang Đức hồi giữa tháng 5 vừa qua, Đỗ Thị Minh Hạnh về Di Linh ở với cha là ông Đỗ Tỵ, nay đã ngoài 70 tuổi. Từ đó, tư gia của cha con cô luôn bị canh gác. Những kẻ lạ mặt thuê căn nhà đối diện, đục lỗ cửa để theo dõi mọi động tĩnh từ nhà cô. ​Mỗi lần đi ra đường, Minh Hạnh đều bị kẻ lạ mặt bám sát.

Nhà hoạt động nghiệp đoàn bị bắt giữ về tội “phá rối an ninh trật tự” vào năm 2010. Cô bị tuyên án 7 năm tù, nhưng nhà cầm quyền cộng sản buộc phải thả cô vào năm 2014 dưới áp lực quốc tế.

Vào tháng 3 năm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phong tặng dang hiệu “Anh Hùng Nhân Quyền” cho cô vì những nỗ lực đề cao nhân quyền và quyền của người lao động ở Việt Nam.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/cha-con-nha-hoat-dong-do-thi-minh-hanh-bi-khung-bo-trong-dem/