Đọc báo Pháp – 27/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 27/06/2018

Trang nhất : Pháp thúc đẩy cải cách

Thu Hằng

Thời sự Pháp chiếm hết trang nhất các nhật báo trong số ra ngày 27/06/2018, từ chính trị, kinh tế, cải cách Hiến Pháp đến lĩnh vực xã hội.

Le Figaro quan tâm đến « các đảng phái trong căng thẳng chỉ một năm trước kỳ bầu cử châu Âu ». Vì « trước một khối 28 nước đang rơi vào khủng hoảng, các đảng chính trị Pháp, hiện bị chia rẽ ngay trong nội bộ giữa một bên là phe nghi ngờ và bên kia là phe ủng hộ châu Âu, mỗi bên chật vật tìm ra đường lối và ứng cử viên ».

Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin « Exit tax : những con số mở lại các cuộc tranh luận »« Exit tax » là khoản thuế đánh vào các doanh nghiệp Pháp ở nước ngoài và sẽ được xoá bỏ, theo thông báo của điện Elysée. Khoản thu này mang lại 1,5 tỉ euro, ít hơn con số được nêu ra trước đó là 6 tỉ. Như vậy, theo Les Echos, việc xoá bỏ nguồn thu này sẽ « tốn ít » hơn cho ngân sách Nhà nước.

Hồ sơ « hệ thống hưu trí phổ quát » được La Croix đề cập với mục tiêu là một hệ thống dành chung cho cả lĩnh vực công lẫn tư nhân (công chức, chủ doanh nghiệp, ngư dân, nông dân, thành viên tôn giáo và nhân viên của Thượng Viện) hiện đang chia thành 42 chế độ hưu trí khác nhau.

« Chế độ nghỉ chăm con dành cho cha » được Libération đề cập trên trang nhất. Chỉ một bộ phận rất nhỏ các ông bố lấy ngày nghỉ chăm con vì tiền trợ cấp rất ít so với số tiền trợ cấp dành cho nguời mẹ khi nghỉ. Nhật báo thiên tả chỉ trích, tổng thống Macron, người tỏ ra thấu hiểu và bảo vệ phụ nữ lại phản đối một đạo luật của châu Âu nhằm cải thiện quy chế nghỉ dành cho cha.

Le Monde quan tâm đến « Cải cách Hiến Pháp, trong tâm các cuộc tranh luận », được cho là rất căng thẳng. Được thảo luận tại ủy ban ngày 26/06, tiếp theo là tại Hạ Viện, sau đó được tranh luận bắt đầu từ ngày 10/07, cải cách Hiến Pháp gồm các điểm : hạn chế nhiệm kỳ nghị sĩ, giảm số lượng nghị sĩ…

Albani : Tiền từ ma túy rửa thành tiền chính trị

Nhật báo Libération đăng bài điều tra về những nghi vấn đang đè nặng lên quá trình đàm phán kết nạp Albani vào Liên Hiệp Châu Âu và sẽ được nêu lên tại Hội Đồng Châu Âu ngày 28 và 29/06. Chính phủ xã hội cầm quyền tại Albani bị nghi ngờ có quan hệ với các băng đảng buôn ma túy.

Trong vòng 5 năm, chính phủ của thủ tướng Edi Rama tỏ ra không nương tay với tội phạm ma túy, tuy nhiên nhiều người đặt câu hỏi phải chăng đó chỉ là bề nổi để che mắt công luận. Theo lời kể của một cựu sĩ quan cảnh sát Albani, hiện sống tị nạn tại Thụy Sĩ, và một bản báo cáo của Athens gửi Tirana, ô tô của bộ trưởng Nội Vụ Saimir Tahiri tham gia chở ma túy, giám đốc giao thông ở vùng biên giới Saranda, ông Klement Balili, bị cáo buộc đứng đầu một băng buôn ma túy ó quy mô lớn. Dù có lệnh bắt quốc tế, Albani không tỏ ra sốt sắng bắt nhân vật này.

Albani là nước sản xuất cannabis lớn nhất khối Liên Hiệp Châu Âu. Nạn buôn bán ma túy không chỉ còn là vấn đề của cảnh sát mà đang đè nặng lên toàn xã hội Albani. Dù tăng trưởng đạt hơn 3% nhưng phần lớn người dân không được hưởng thành quả này. Rất nhiều người lên án ảnh hưởng của tiền thu được từ ma túy đến nền kinh tế thật.

Theo Les Echos, « các cuộc đàm phán kết nạp Albanie và Macedonia vào Liên Hiệp Châu đã được lùi lại đến tháng 06/2019 ».

Di dân : Hồ sơ gây bất đồng trong Liên Hiệp Châu Âu

Kiên quyết không nhận di dân trên lãnh thổ Ý, bộ trưởng Nội Vụ Salvini sang Libya tìm cách lập các trung tâm tiếp nhận di dân tại miền nam nước này. Tuy nhiên, theo Le Monde, trong buổi họp báo chung, đồng nhiệm Libya đã bác thông tin lập trung tâm khép kín trên lãnh thổ quốc gia châu Phi này vì không phù hợp với luật của Libya. Ông Salvini cho biết sẽ lập các « hot spots » tại biên giới với Libya, nhưng trên lãnh thổ Nigeria.

Trong khi đó, Pháp, Tây Ban Nha và Đức đề xuất lập các trung tâm khép kín tại các nước châu Âu điểm đầu đón nhận di dân. Đánh giá với Le Monde, một giáo sư luật công tại đại học Grenoble cho rằng « về mặt pháp lý là có thể, nhưng lại phức tạp vì giống như các “khu vực đợi” ở Pháp ».

Thực ra, giải pháp được nêu trong đề xuất của ba nước từng được tiến hành vào năm 2015 nhưng đã thất bại vì « thiếu sự tương ái » : Pháp chỉ nhận 25% số quota di dân 5.000 người, trong khi đó nhiều nước khác từ chối tiếp nhận.

Tổng thống Pháp đi tìm đồng minh về di dân

Hồ sơ di dân cũng được tổng thống Macron đề cập khi tiếp kiến giáo hoàng Phanxicô ngày 26/06.

Trong bài viết : « Macron và Phanxicô : Ngọn lửa của Chúa », nhật báo Libération đánh giá « dù còn bất đồng về nội dung, nhưng tổng thống Pháp đã tìm thấy một đồng minh vào lúc châu Âu bị chia rẽ về vấn đề nhập cư và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đang gây lo ngại ».

Với La Croix, « cuộc gặp nồng nhiệt giữa Emmanuel Macron và giáo hoàng » kéo dài 57 phút, hơn thời lượng dự kiến và dài hơn cả cuộc gặp trước đó giữa giáo hoàng và tổng thống Mỹ Barack Obama. Tương tự, Le Figaro cũng đánh giá đó là một « cuộc gặp thẳng thắn và nồng nhiệt », còn nhật báo Les Echos cho rằng « quan hệ giữa Pháp và Vatican được sưởi ấm ». Ngoài vấn đề di dân, khí hậu và phi tôn giáo cũng được giáo hoàng Phanxico và tổng thống Macron đề cập.

Chiến thương mại Mỹ-châu Âu :

Những nạn nhân Mỹ đầu tiên

Chính sách tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của tổng thống Trump nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước đã có những nạn nhân đầu tiên… từ các tập đoàn Mỹ.

Thương hiệu xe mô tô Harley Davidson đã quyết định rời một phần sản xuất ra nước ngoài để tránh bị châu Âu trừng phạt và tránh tăng giá xe bán ở thị trường châu Âu. Tập đoàn Brown-Forman cũng thông báo biểu thuế mới của châu Âu sẽ làm tăng giá bán rượu Jack Daniel’s thêm 10%.

Đội tuyển Pháp

gặp Achentina của Lionel Messi ở vòng 1/8

Hòa đội tuyển Đan Mạch trong trận cuối vòng loại bảng, đội tuyển Pháp dẫn đầu bảng C và gặp tuyển Achentina, đứng thứ 2 bảng D, sau khi thắng Nigeria 2-1 ở những phút cuối.

Với Libération, đội tuyển áo Lam đã hoàn thành nhiệm vụ trong bầu không khí tẻ nhạt và lập « thành tích » trận đấu đầu tiên trong World Cup 2018 không có bàn thắng.

Le Figaro nhận xét tương tự : Trận đấu với Đan Mạch đã không thuyết phục được hết người hâm mộ. Một số tỏ ra lạc quan vì hoàn thành mục tiêu đứng đầu bảng và đi tiếp vào vòng trong. Một số khác thì lo ngại trận đối đầu với Achentina vì tại hai lần đối đầu trong quá khứ (1978, 1986), Pháp chưa bao giờ thắng Achentina.

Vì vậy, theo Le Figaro, đội tuyển Pháp sẽ phải chứng tỏ hơn nữa trong trận ra quân ở vòng 1/8 vào thứ Bẩy 30/06. Vì « sau ba trận ở vòng bảng, không ai hiểu rõ về đội tuyển Pháp : đôi khi tài năng, nhưng thường bất ổn và khống có khả năng làm chủ cuộc chơi trước những đối thủ vững chắc ».

http://vi.rfi.fr/phap/20180627-trang-nhat-phap-thuc-day-cai-cach

 

Tin đọc nhanh

Reuters) – Hạ Viện Mỹ thông qua văn kiện nghiêm khắc về đầu tư nước ngoài. Dự luật thông qua ngày 26/06 có nhiều quy định chặt chẽ hơn về đầu tư nước ngoài do lo ngại việc Trung Quốc nắm được công nghệ học mũi nhọn của Mỹ và những thông tin nhạy cảm liên quan đến người Mỹ. Theo luật vừa thông qua thì ủy ban về đầu tư nước ngoài CFIUS, đặc trách xem xét tính cách vô hại hay không của những đầu tư này, sẽ có quyền hạn nới rộng hơn. Bộ Tài Chính Mỹ sẽ đưa ra vào thứ Sáu này, một số ý kiến để đưa vào khuôn khổ đầu tư nước ngoài.

(AFP) – Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm vì xung đột thương mại. Các thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải hôm nay 27/06/2018 trong tình trạng u ám khi đóng cửa, vì các nhà đầu tư không dám mua vào trước bối cảnh xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông sụt 1,82%, và ở Hoa lục, chỉ số ở thị trường Thượng Hải giảm 1,1%, thị trường chứng khoán Thâm Quyến mất 1,29% giá trị.

(Reuters) – Global Times : Trung Quốc phải tự vệ trong cuộc chiến thương mạiHoàn cầu Thời báo hôm nay 27/06/2018 nhận định, Trung Quốc cần phải có « những biện pháp tự vệ », thông qua việc trợ giá cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trước việc Mỹ áp thuế hải quan, đặc biệt là các công ty công nghệ như ZTE. Tập đoàn viễn thông đứng thứ nhì Trung Quốc đã phải ngưng các hoạt động chính sau khi Hoa Kỳ cấm các nhà cung ứng Mỹ hợp tác hồi tháng Tư. Việc Hạ Viện Hoa Kỳthông qua một dự luật quy định chặt chẽ về đầu tư nước ngoài, cũng do dân biểu lưỡng đảng đều lo ngại Trung Quốc thu tóm công nghệ Mỹ.

(AFP) – Rohingya : Amnesty International muốn kiện nhiều tướng Miến Điện. Tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện và 12 sĩ quan cao cấp khác chịu trách nhiệm về việc đàn áp người Rohingya, cần phải bị khởi tố trước Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác chống nhân loại. Amnesty International hôm nay 27/06/2018 loan báo như trên, cho biết hiện có vô số bằng chứng. Bản báo cáo dày 186 trang tố cáo đích danh nhiều sĩ quan cao cấp, dựa vào các hình ảnh vệ tinh và cả các tài liệu mật của quân đội Miến Điện, lời khai của trên 400 nhân chứng về các tội ác đối với người Rohingya như giết người, hãm hiếp, tra tấn, đốt nhà…

(AFP) – Venezuela : Nghiệp đoàn báo chí tố cáo kiểm duyệt và đàn áp. Kiểm duyệt, khóa các trang web thông tin, bỏ tù nhà báo : nghiệp đoàn báo chí SNTP lớn nhất Venezuela hôm nay 27/06/2018 tố cáo nạn « trấn áp báo chí thường xuyên ». Trong nửa đầu năm nay, đã xảy ra 87 vụ tấn công các nhà báo, 26 vụ « đóng cửa, trừng phạt » cơ quan báo chí, 24 phóng viên bị tống giam. Tám nhật báo phải đình bản do thiếu giấy in : chỉ có một công ty nhà nước được quyền nhập giấy in báo, và các tờ báo tư nhân cáo buộc chính quyền sử dụng độc quyền này để làm áp lực.

Cũng theo SNTP, năm ngoái có 51 cơ quan truyền thông phải đóng cửa, và từ 2012 đến nay có trên 1.300 nhà báo Venezuela bỏ ra nước ngoài sinh sống.

(Reuters) – Hoa Kỳ yêu cầu đồng minh không mua dầu của Iran. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm qua 26/06/2018 tuyên bố các nước mua dầu lửa của Iran cần chuẩn bị ngưng nhập khẩu kể từ tháng 11 năm nay, do Mỹ tái lập trừng phạt. Một phái đoàn Mỹ sẽ đến Trung Đông tuần tới để khuyến khích các nhà sản xuất vùng Vịnh tăng sản lượng nhằm bù đắp. Cũng trong hôm qua, tổng thống Iran, Hassan Rohani, khẳng định Teheran sẽ vượt qua được những áp lực kinh tế của Mỹ. Đồng rial của Iran vào cuối tuần rồi đã bị sụt giá ở mức kỷ lục trên thị trường chợ đen.

(Reuters) – Ukraina tố cáo Nga chuẩn bị tấn công tin học quy mô. Tin tặc từ Nga đang dùng mã độc xâm nhập các công ty Ukraina để tạo « căn cứ địa » cho một cuộc tấn công đại quy mô. Cơ quan an ninh mạng Ukraina hôm qua 26/06/2018 tố cáo như trên, và cho biết Kiev đã có chuẩn bị tốt hơn để đối phó, đặc biệt là với virus NotPeya, nhờ phối hợp với các đồng minh như Hoa Kỳ, Anh, các nước NATO. Trả lời hãng tin Reuters, phía Nga bác bỏ cáo buộc này.

(AFP) –  Mỹ-Nga chuẩn bị thượng đỉnh ? Cố vấn an ninh tổng thống Mỹ John Bolton đã đến Matxcơva trong ngày hôm nay 27/06/2018. John Bolton sẽ được tổng thống Nga tiếp kiến trong ngày để chuẩn bị thượng đỉnh Trump-Putin, theo thông cáo của điện Kremlin.Nhiều tin đồn đoán cho rằng lãnh đạo Mỹ-Nga sẽ gặp nhau vào trung tuần tháng Bảy tại một thủ đô châu Âu, có thể là Hensinki hoặc Vienna.

(AFP) – Một tàu thăm dò Nhật chuẩn bị hạ cánh xuống một tiểu hành tinh. Tàu thăm dò Hayabusa2 của Nhật Bản hôm nay 27/06/2018 sau khi mất ba năm để vượt quãng đường dài 3,2 tỉ kilomet, đã sẵn sàng hạ cánh xuống tiểu hành tinh Ryugu, nằm cách Trái Đất 280 triệu kilomet. Tại đây, Hayabusa2 sẽ thu thập các thông tin về sự khai sinh Thái Dương Hệ và nguồn gốc sự sống, sau đó quay về Trái Đất vào năm 2020.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180627-tin-doc-nhanh