Tin Việt Nam – 27/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 27/06/2018

Thông điệp của Hoa hồng:

 ‘Đem yêu thương vào nơi oán thù’

Cát Linh, RFA

Tao Đàn ngày 17 tháng 6

“Sài Gòn hôm nay không khác gì Sài Gòn giờ giới nghiêm”, một người quan sát diễn biến sự việc từ sáng sớm ngày 17 tháng 6 chia sẻ dòng trạng thái  trên mạng xã hội Facebook.

“Sài Gòn những ngày này như trong tình trạng thiết quân luật”, một chia sẻ khác cũng trên Facebook cho biết như thế.

Sáng Chủ Nhật hôm đó, Sài Gòn dày đặt lực lượng an ninh. Hàng rào kẽm gai, cảnh sát cơ động, an ninh chìm, nổi, lực lượng dân phòng, và theo những nhân chứng kể lại, có cả “côn đồ” được sử dụng tung ra khắp đường phố, tập trung ở khu vực thuộc vào “điểm nóng” như Hoàng Văn Thụ, Nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ.

Nó thể hiện ra với tất cả các bên liên quan đó là những người biểu tình thì họ mong muốn những điều tốt đẹp hơn. Người ta hoàn toàn không thù địch. Người ta thật sự là những người ôn hoà. Người ta muốn cái đẹp, cái ôn hoà đó sẽ vượt lên bạo lực. Kẽm gai là biểu trưng của bố ráp, bạo lực. Hoa hồng thì biểu trưng cho lòng yêu thương, cho sự ôn hoà. – Nguyễn Anh Tuấn

Theo con số thống kê từ các nhà hoạt động xã hội đưa ra, cũng như chính từ những người bị bắt giam hôm 17 tháng 6 cho biết, có gần 300 người vô cớ bị “mời” lên xe cảnh sát đưa về sân vận động Tao Đàn.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết không khí ở Sài Gòn từ sau cuộc tổng biểu tình của cả nước vào Chủ nhật 10/6 là rất căng thẳng. Nhiều hình thức sử dụng bạo lực một cách “có hệ thống” được nhà cầm quyền dốc toàn lực để thực hiện, và đỉnh điểm là cuộc bố ráp, giam giữ và đánh đập người dân ở khu vực sân vận động Tao Đàn sáng Chủ nhật 17/6.

Từ đó, anh chia sẻ những gì anh cảm nhận từ hình ảnh những bông hoa hồng trên hàng rào kẽm gai.

“Nó thể hiện ra với tất cả các bên liên quan đó là những người biểu tình thì họ mong muốn những điều tốt đẹp hơn. Người ta hoàn toàn không thù địch. Người ta thật sự là những người ôn hoà. Người ta muốn cái đẹp, cái ôn hoà đó sẽ vượt lên bạo lực. Kẽm gai là biểu trưng của bố ráp, bạo lực. Hoa hồng thì biểu trưng cho lòng yêu thương, cho sự ôn hoà.”

Thêm vào đó, theo anh, khi những cánh hoa hồng được đặt lên hàng rào kẽm gai thì sẽ còn có hiệu quả khác, đó là ngụ ý nói lên những cáo buộc mà bên phía chính quyền cho người biểu tình là kích động bạo lực sẽ trở nên lố bịch, nhất là với những người biểu tình ở Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố khác.

Thông điệp của những hoa hồng

Hình ảnh đầu tiên về những cánh hoa hồng đặt trên hàng rào kẽm gai dựa sát vào một gốc cây to ở khu vực sân vận động Tao Đàn vào ngày 19 tháng 6 nhanh chóng lan toả khắp mạng xã hội.

Ý kiến và sự đón nhận của dư luận đối với việc làm này cũng có nhiều góc độ khác nhau. Nhưng trước hết, hãy nghe chia sẻ từ chính những bàn tay đã đặt những cánh hoa hồng lên hàng rào kẽm gai đó. Vì sự an toàn, chúng tôi được đề nghị không nêu tên, và trích lại chia sẻ từ tin nhắn của các bạn ấy khi nói về thông điệp của những hoa hồng.

“Thông điệp đầu tiên muốn gửi đến những người bị bắt, bị đánh đập trong những ngày qua. Cảm ơn họ với tình yêu thương và lòng cảm thông sâu sắc. Mong những nỗi đau đớn đánh đập của họ mau chữa lành. Nhóm đã cắm rất nhiều hoa ở hàng rào kẽm gai khu vực công viên Tao Đàn và hàng rào sau lưng khu vực những người bị bắt giữ.

Thông điệp thứ hai là muốn gửi đến nhà cầm quyền rằng hàng rào kẽm gai cũng không thể ngăn cản chúng tôi bày tỏ chính kiến ôn hoà vì đất nước của mình.”

Với các bạn trẻ, tác giả của những cánh hoa hồng kia, thì “mỗi nguời xuống đuờng là một bông hoa đang tô thắm cho một xã hội Việt Nam đang u ám.

“Thông điệp đầu tiên muốn gửi đến những người bị bắt, bị đánh đập trong những ngày qua. Cảm ơn họ với tình yêu thương và lòng cảm thông sâu sắc. Mong những nỗi đau đớn đánh đập của họ mau chữa lành. Nhóm đã cắm rất nhiều hoa ở hàng rào kẽm gai khu vực công viên Tao Đàn và hàng rào sau lưng khu vực những người bị bắt giữ.

Thông điệp thứ hai là muốn gửi đến nhà cầm quyền rằng hàng rào kẽm gai cũng không thể ngăn cản chúng tôi bày tỏ chính kiến ôn hoà vì đất nước của mình. – Người gắn hoa hồng

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về cảm nhận của anh.

“Việc dùng hoa để phủ lên kẽm gai, về phương diện thông điệp thì rất tốt, nó khiến cho không khí bạo lực nó bớt căng thẳng. Nếu mình nhìn rộng ra hơn thì nó cũng gián tiếp thể hiện rằng nguyên 1 phong trào, cũng như hành động xuống đường diễn ra ở các thành phố thời gian vừa qua, chủ đạo vẫn là ôn hoà, văn minh. Nó không tỏ bất kỳ ý định thù địch nào đối với chính quyền nói chung cũng như là với người có trách nhiệm giữ trật tự nói riêng, là lực lượng an ninh.”

Bên cạnh sự hưởng ứng và chia sẻ của rất nhiều người đối với việc làm của nhóm bạn trẻ nà, cũng có những ý kiến cho rằng đó là hành động thuần “chủ nghĩa cải lương” hoặc “lãng mạn không hiệu quả”, một phong trào mà nếu chạy theo chỉ “thiệt thân”.

Chúng tôi ghi nhận ý kiến trích dẫn từ trang Facebook Phuong Le, nói về những người đi gắn hoa hồng như sau:

“Các bạn đi gắn hoa hồng lên hàng rào, các bạn phóng tác chuyện diễm tình trên hình ảnh đó , các bạn ngây thơ (hoặc giả bộ ngây thơ) rồi.

Các bạn không hiểu (hoặc làm bộ không hiểu) gì cả về họ!

Đây không phải là Myanmar, với gã cảnh sát canh giữ bà Aung Suu Kyi nghe piano mà nghệch mặt ra.

Đây không phải là Đảng Cộng sản Hungary, nghe công nhân lắc chìa khoá phản đối mà giải tán.

Đây không phải là cảnh sát Hồng Kong, tiếp nước cho người biểu tình.

Đây là máu, là lệ, là cải cách ruộng đất, là Mậu Thân, là cải tạo, thuyền nhân, là Thiên An Môn, là Nhân văn giai phẩm…

Đây là ngoại hạng, vô đối, có một không hai!

Lãng man hay làm bộ lãng mạn?”

Trả lời cho câu hỏi của những người chưa tán thành với việc dùng hoa hồng để nói thay cho tình yêu thương và lòng cảm thông, nhóm bạn trẻ cho biết:

“Hiệu quả hay không thì tuỳ ở mỗi người cảm nhận. Nhưng nhóm có đọc được phản hồi trên Facebook thì thấy có những phản hồi rất tích cực đặc biệt là có những người từng bị bắt cũng nhận xét là cảm thấy được quan tâm và chia sẻ hơn.”

Một trong những nạn nhân của cuộc khủng bố ngày 17/6 là cô Nguyễn Ngọc Lụa đã đăng tải hình ảnh cô đang đặt một cánh hoa hồng lên hàng rào kẽm gai cùng với lời nhắn nhủ cô gọi là “Đem yêu thương vào nơi oán thù”:

“Nếu có dịp ngang qua đây, xin hãy dừng lại để lại trên những hàng rào kẽm gai những bông hoa với thông điệp muốn nói của mình, và có thể lưu giữ nó bằng những hình ảnh đẹp, để ai đó muốn bắt bớ ngăn cản chúng ta xuống đường cũng ý thức một điều rằng, chính là những bông hoa màu nhiệm chứ không phải điều gì khác, mới hồi phục lại một xã hội văn minh tình thương.”

Theo quy luật thì những bông hoa hồng ấy rồi sẽ phải tàn. Nhưng với thông điệp mà nhóm bạn trẻ đã gắn những bông hoa ấy chia sẻ, thì quyền bày tỏ chính kiến của họ sẽ không bao giờ héo tàn. Và như anh Nguyễn Anh Tuấn đã nói, hình ảnh hoa phủ lên hàng kẽm gai thì có nghĩa là cuối cùng, sự ôn hoà và lòng yêu thương sẽ vượt lên bạo lực và hận thù.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Message-of-the-roses-exchanging-love-for-brutal-violence-06262018124906.html

 

Các cuộc biểu tình quy mô

và thế lưỡng nan của Hà Nội trước Trung Quốc

Thụy My

Các cuộc biểu tình trên toàn quốc làm rung chuyển Việt Nam cách đây gần hai tuần đã làm nổi bật bài toán khó của Hà Nội khi giao dịch với Trung Quốc – vừa là cừu địch ở Biển Đông, lại vừa là đối tác thương mại và nhà đầu tư chủ chốt.

Lịch sử quan hệ Việt-Trung chìm đắm trong một ngàn năm Bắc thuộc, chiến tranh, loạn lạc. Cuộc xâm lược gần đây nhất của Trung Quốc là cuộc chiến tranh biên giới kéo dài hai tháng vào năm 1979.

The Diplomat ghi nhận, các cuộc xuống đường mới đây nhằm phản đối Luật Đặc khu, một dự luật đặt ra các « đặc khu kinh tế » (SEZ) với mục tiêu thúc đẩy đầu tư và cải cách kinh tế. Tuy nhiên, viễn cảnh những giao dịch đáng ngờ, được cho là nhượng đất cho các nhà đầu tư Trung Quốc, đã gây ra một làn sóng các cuộc biểu tình phản đối.

Những người biểu tình cầm các biểu ngữ trên đó người ta đọc được « Không đặc khu – Không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày », « Đả đảo bán nước ». Phong trào phản kháng khởi đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội rồi nhanh chóng lan ra các thành phố ở sáu tỉnh, có thể kể : Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Tây Ninh.

Ông Phạm Chí Dũng, cựu sĩ quan quân đội nay là chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói với The Diplomat : « Luật Đặc khu bị người dân Việt Nam gọi là luật bán nước. Rất nhiều người tỏ ra phẫn nộ. Đây là kiểu nhượng địa mà chỉ những quốc gia nghèo, lạc hậu mới vận dụng đến ».

Chắc hẳn ông Dũng muốn nói đến hai nước láng giềng nghèo nàn là Lào và Cam Bốt, đã chấp nhận cho các nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất đến 99 năm.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhượng bộ về việc cho thuê ba đặc khu ở vị trí chiến lược 99 năm. Điều khoản này 99% giúp người ngoại quốc sở hữu đất đai, và các nhà đầu tư Trung Quốc hầu như là người hưởng lợi chính. Chính quyền dường như muốn giảm thời hạn cho thuê đất còn 70 năm như 18 đặc khu đã có.

Ông Nguyễn Chí Tuyến, một blogger đấu tranh ở Hà Nội có 42.500 người theo dõi trên Facebook, không bị thuyết phục trước lời hứa xem xét lại thời hạn cho thuê đất của thủ tướng Phúc. Ông nói : « Chúng tôi có một lịch sử lâu dài với người Trung Quốc, họ luôn muốn xâm lăng đất nước chúng tôi, thế nên rất nguy hiểm khi cho phép họ sử dụng các đặc khu này để kiểm soát đất nước ».

Mặt khác, Việt Nam lên án Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, và đòi hỏi chủ quyền trên nhiều đảo ở vùng biển mà Hà Nội luôn khẳng định phải gọi đúng tên này, chứ không phải « Biển Nam Trung Hoa ».

Chỉ vài ngày sau đợt biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên, ngày 14/06/2018, ngoại trưởng Việt Nam tố cáo việc Trung Quốc tái bố trí hỏa tiễn trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Hà Nội đòi hỏi chủ quyền. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam gọi việc Bắc Kinh triển khai hỏa tiễn là « vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ».

Cho dù tình hình trên biển vẫn căng thẳng, và một lịch sử đầy biến động sâu sắc với nước láng giềng khổng lồ, chính phủ Việt Nam vẫn hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc, để đầy mạnh nền kinh tế đang khó khăn.

Nhưng Luật Đặc khu được đưa ra tranh luận tại Quốc Hội bao gồm cả đặc khu Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, mà đối với nhiều người Việt, nằm sát biên giới Trung Quốc một cách đáng ngại. Một đặc khu khác là đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm cạnh vùng duyên hải Cam Bốt đang bị các dự án của Trung Quốc thống trị.

Những nghịch lý cố hữu trong việc giữ thăng bằng giữa đối đầu trên biển và hợp tác kinh tế trên đất liền, giữa việc cao giọng xác quyết chủ quyền lãnh thổ nhưng lại bắt tay với các nhà đầu tư Trung Quốc, đã bị giới trí thức chỉ trích dữ dội, kể cả một vài đại biểu Quốc Hội Việt Nam.

Một trong những tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất là ông Nguyễn Quang Dy, nhà cựu ngoại giao nay là nhà phân tích, giảng viên, đã công bố một bài viết với các lý lẽ chống lại Luật Đặc khu, vài tuần trước khi diễn ra các vụ biểu tình.

Ông viết : « Trong khi Trung Quốc ráo riết quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông, không cho người Việt khai thác dầu khí và đánh cá trong vùng biển của mình, chắc họ sẽ tăng cường bành trướng thế lực để chiếm các vị trí hiểm yếu trên đất liền. Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ thèm muốnTrong bối cảnh lợi ích kinh tế và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, việc mở ba đặc khu kinh tế tại các địa điểm hiểm yếu đó vào lúc này không thể biện minh, cả về lý do phát triển kinh tế lẫn lý do an ninh quốc gia ».

Các bộ trưởng đã cố gắng quảng bá cho đặc khu kinh tế là « Singapore thu nhỏ » – môi trường kinh doanh thân thiện, tập trung công nghệ cao.

Tuy nhiên nhà kinh tế Vũ Quang Việt, từng là cố vấn cho thủ tướng cải cách Võ Văn Kiệt (1992-1995) không chấp nhận lý lẽ này. Ông nhấn mạnh, các đặc khu mới sẽ thúc đẩy « đặt lợi ích nhóm lên hàng đầu, chủ yếu nhằm vào thị trường địa ốc và casino ». Theo ông : « Cái mà Việt Nam cần là công nghệ cao và đầu tư vào giáo dục để tăng năng suất lao động, và một nền kinh tế tri thức, chứ không phải địa ốc và dự án sòng bạc ».

« Nhóm lợi ích » là cụm từ thường được dùng để chỉ lớp đại gia mới đầy quyền lực, và những người đầu cơ địa ốc được cho là thông đồng với các nhà đầu tư Trung Quốc. Nông dân nghèo tố cáo giới này cướp đất của họ với sự đồng lõa của quan chức địa phương tham nhũng.

Một vài đại biểu trong Quốc Hội do đảng Cộng Sản kiểm soát cũng không cảm thấy thuyết phục. Đại biểu Dương Trung Quốc nói trước nghị trường, là « dự luật nếu được thông qua thì chỉ làm lợi cho các nhà đầu cơ địa ốc, chứ không phải các công ty công nghệ cao ».

Một trong ba đặc khu là đảo Phú Quốc, gần vùng duyên hải Kep của Cam Bốt, cảng biển chính Shihanoukville và đảo Koh Kong. Nhà phân tích Nguyễn Quang Dy nhìn thấy ở đây mối nguy hiểm cực kỳ cho an ninh quốc gia : « Trung Quốc hết sức quan tâm đến Phú Quốc, coi đây là mục tiêu sắp tới ».

Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer ở Úc cũng coi Phú Quốc là địa điểm chiến lược, chỉ rõ « Koh Kong đang nhanh chóng trở thành lãnh địa của Trung Quốc. Tầm quan trọng của Phú Quốc dựa trên vị trí là điểm cuối phía nam của Biển Đông tiếp giáp với tuyến đường hàng hải đi qua eo biển Malacca và Singapore ».

Việt Nam đứng ở đâu ?

Hầu hết mồi lửa nhen nhóm cho làn sóng phẫn nộ gần đây là từ di sản độc hại của nhiều vụ xì-căng-đan đầu tư Trung Quốc. Trong đó có dự án bô-xít ở Tây nguyên đã gây ra đợt phản kháng trên toàn quốc năm 2009. Vai trò của công ty Trung Quốc và mối đe dọa khổng lồ cho môi trường từ bùn đỏ độc hại đã gây ra phong trào phản đối rộng lớn, từ các nhà ly khai cho đến các đảng viên tên tuổi, thậm chí cả vị tướng huyền thoại đã nghỉ hưu là Võ Nguyên Giáp.

Dù vậy, dự án này vẫn được tiến hành, sau khi cải thiện các biện pháp bảo vệ môi trường và có giám sát của bộ Môi Trường vốn có tiếng nói yếu ớt.

Rõ ràng là chính quyền đã bị rúng động bởi các vụ biểu tình mới đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cố gắng tỏ ra hòa giải, khẳng định với công chúng là « Chúng tôi đã lắng nghe nhiều nhà trí thức, nhân dân, đại biểu Quốc Hội, cán bộ lão thành và Việt kiều ».

Tuy nhiên đúng vào tuần lễ mà thủ tướng bắt đầu lắng nghe, internet, một trong những không gian tranh luận chính trị chủ yếu, lại bị đặt dưới những quy định nghiêm ngặt và bị kiểm duyệt bởi Luật An ninh mạng mới được thông qua, bất chấp dư luận lên án.

Trước hàng loạt các xì-căng-đan tham nhũng có liên quan đến đầu tư Trung Quốc, đã có những lời kêu gọi tranh luận và đối thoại nhiều hơn từ trong nội bộ đảng, báo chí do Nhà nước kiểm soát, và trên các mạng xã hội.

Một nhà xã hội học Việt Nam giấu tên mong muốn đối thoại và mở cửa nhiều hơn. « Chính quyền cần chấp nhận quan điểm đa phương, lắng nghe xã hội dân sự và trí thức, như chúng tôi đã từng kêu gọi trong thời kỳ đổi mới của ông Võ Văn Kiệt », thủ tướng cải cách trong thập niên 90.

Tương tự, chuyên gia về Việt Nam, tiến sĩ Benedict Kerkvliet, giáo sư danh dự trường đại học quốc gia Úc bình luận : « Chính quyền cần tỏ rõ là họ tôn trọng quan ngại của công dân về chủ quyền quốc gia, và chân thành về điều này ».

Cho đến nay, chính quyền vẫn không chịu thừa nhận là độc lập quốc gia có thể bị nguy hiểm khi Trung Quốc đầu tư vào các đặc khu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi bình tĩnh, nhưng ông cũng như các nhà lãnh đạo khác đều tránh nhắc đến Trung Quốc, vào lúc Bắc Kinh tỏ ra tức giận trước các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Cuộc đấu tranh lâu dài cho độc lập

Chiến đấu để giữ vững nền độc lập cho Việt Nam, không bị người láng giềng khổng lồ phương bắc nuốt chửng, chẳng phải là công việc dễ dàng gì. Kerkvliet nhận định : « Trung Quốc là một thách thức vĩ đại, và Hà Nội cần phải phối hợp với các nước láng giềng cũng đang lo ngại trước các hành động của Trung Quốc ».

Một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, nhưng Việt Nam là tiếng nói lớn nhất đả kích chính sách hung hăng của Bắc Kinh. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có kháng cự lại việc Trung Quốc bóp nghẹt tài nguyên nước của dòng sông Mêkông.

Philippines dưới thời chính quyền cũ đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, và giành được một chiến thắng lịch sử. Nhưng tân tổng thống Rodrigo Duterte chủ yếu tập trung vào đầu tư kinh tế hơn là chủ quyền lãnh thổ, bỏ lại Việt Nam đơn độc.

Tuy Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng không ngăn được việc Trung Quốc nhe nanh múa vuốt đe dọa về quân sự, buộc Hà Nội phải ngưng thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đọc thêm: Biển Đông : Tạo rủi ro khi khoan dầu, Trung Quốc muốn bóp nghẹt kinh tế Việt Nam

Trong năm nay, một dự án khai thác dầu khí trị giá 200 triệu đô la của tập đoàn Tây Ban Nha Repsol, có tên Cá Rồng Đỏ, đã bị ngưng lại do áp lực của Trung Quốc.

Sự bành trướng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc qua sáng kiến Một vành đai, một con đường có thể vấp phải một số trở ngại tại Việt Nam. Tất cả các cố vấn chính phủ và các chuyên gia mà tôi gặp tại Hà Nội đều bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc, tin rằng chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông và sông Mêkông đều có mục đích làm Việt Nam yếu đi.

Mỗi học sinh Việt Nam đều được dạy rằng đất nước bị các hoàng đế và lãnh chúa Trung Hoa thống trị trong suốt một ngàn năm, từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938 sau Công nguyên. Đến thế kỷ 19 thì Pháp lập ra Đông Dương để đô hộ.

Bản sắc Việt Nam với tư cách một quốc gia độc lập đã được khắc họa qua việc đánh bại các kẻ thù mạnh hơn rất nhiều – đế quốc Trung Hoa cũ, thực dân Pháp năm 1954, và Hoa Kỳ năm 1975.

Nhưng chiến thắng khó khăn hơn hết là phải duy trì cho được nền độc lập, trước cuộc tấn công kinh tế của Trung Quốc trên nhiều mặt trận – đặc khu, sông Mêkông, và Biển Đông.

Các cuộc biểu tình đậm màu sắc dân tộc của các công dân Việt Nam gần đây rõ ràng trái hẳn với các nhà lãnh đạo Hà Nội đang chia rẽ, thiếu vắng một chiến lược rõ ràng để đối phó với sự thống trị ngày càng tăng trong khu vực của người khổng lồ kinh tế, ngay trước cửa nhà mình.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180627-cac-cuoc-bieu-tinh-quy-mo-va-the-luong-nan-cua-ha-noi-truoc-trung-quoc

 

Quảng Ninh đã chuẩn bị ‘đặc khu Vân Đồn’ ra sao

Dư luận Việt Nam vốn xôn xao nghi vấn dự luật đặc khu đe doạ chủ quyền đất nước, giờ e ngại hơn trước thông tin cho thấy Trung Quốc đã có một ảnh hưởng không nhỏ đến đề án đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh.

Cuối tháng Giêng 2018, truyền thông trong nước đưa tin ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm tỉnh Quảng Đông.

Đặc khu kinh tế: Kinh nghiệm thành công, thất bại

Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng VN nói về đặc khu

‘Chưa an tâm’ về ba đặc khu kinh tế VN

Mô tả chuyến đi này, Thông Tấn Xã Việt Nam viết: “Trong chuyến thăm, Đoàn cũng đã có các cuộc làm việc với Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Đông Trâu Minh, khảo sát về công tác xây dựng Đảng ở tỉnh Quảng Đông, trong đó có đặc khu kinh tế Thâm Quyến.”

Tin trên không gây nhiều chú ý, cho mãi đến tháng Sáu, khi xảy ra tranh cãi lớn về dự án Luật Đặc khu, cư dân mạng Việt Nam mới “tìm lại” một bản tin tiếng Anh đăng ngày 6/2 của Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc – CCSEZR (China Center for Special Economic Zone Research) thuộc trường Đại học Thâm Quyến, Quảng Đông.

Bản tin này tường thuật chuyến thăm của phái đoàn ông Phạm Minh Chính đến Trung tâm ngày 27/1.

Theo bản tin tiếng Anh này, ông Phạm Minh Chính nói với Giáo sư Đào Nhất Đào, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc (CCSEZR), người gọi ông Chính là “một người bạn cũ,” rằng việc thăm lại Đại học Thâm Quyến lần nữa là “một trải nghiệm rất ấm cúng” giống như “trở về nhà, gặp lại các anh chị em”.

Phải nói thêm rằng bà Đào Nhất Đào hiện là chủ tịch Viện nghiên cứu Một vành đai Một con đường ở Thâm Quyến, theo tờ The Star.

Đặc khu kinh tế nhìn theo góc độ nợ công

Kinh tế VN: 9 giải pháp thay cho 3 đặc khu

Chính phủ Việt Nam lùi thời gian trình dự án Luật Đặc khu

Con đường dẫn tới ‘đặc khu Vân Đồn’

Dự luật đặc khu tuy gần đây mới được quần chúng chú ý, nhưng cần biết rằng đề án phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ủng hộ về chủ trương qua việc ban hành Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012 về Đề án phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững và đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, và thí điểm xây dựng 2 đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái.

Trước khi có thông báo này của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh, khi đó do ông Phạm Minh Chính lãnh đạo với tư cách Bí thư Tỉnh ủy từ 2011, đã xây dựng Đề án “Phát triển KT-XH nhanh, bền vững; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái”.

Một bài báo của ông Nguyễn Văn Phúc, chuyên gia Dự án Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt, làm rõ hơn vai trò của ông Phạm Minh Chính khi còn là Bí thư Quảng Ninh.

Theo ông Phúc, ông Chính đã “chỉ đạo và cùng các cơ quan của tỉnh quyết liệt xây dựng Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn và Đặc khu kinh tế Móng Cái”.

“Anh đã cùng các đồng chí ở Quảng Ninh lên làm việc, trực tiếp thuyết trình, thuyết phục các cơ quan Trung ương, trong đó có các cơ quan của Quốc hội.”

“Đây có thể nói là bước đi đột phá tiên phong của Quảng Ninh vì lần đầu tiên sau 20 năm, kể từ khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành mới có một địa phương chính thức đề xuất áp dụng quy định của Hiến pháp để thành lập đặc khu kinh tế,” ông Nguyễn Văn Phúc viết trên trang Đại Biểu Nhân Dân.

Là tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, cộng với quan hệ truyền thống của hai đảng cầm quyền, không ngạc nhiên khi Quảng Ninh đã tìm hiểu mô hình Đặc khu Thâm Quyến, được xem là đặc khu kinh tế thành công nhất của Trung Quốc.

Đến tháng 8/2012, một đoàn tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên thăm Đại học Thâm Quyến hai ngày để học kinh nghiệm về đặc khu, bản tin của Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc – CCSEZR cho hay.

Tháng 10/2012, Bộ Chính trị ủng hộ Đề án đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Móng Cái.

Đoàn TQ từng nhiều lần sang Quảng Ninh

Kể từ đó, từ 2013 đến 2014, các đoàn cố vấn Trung Quốc và đoàn Việt Nam thường qua lại giữa hai nước để tham vấn và thảo luận tư vấn xây dựng khung pháp lý, và kế hoạch thiết lập đề án đặc khu.

Đoàn cố vấn Trung Quốc đưa ra tư vấn về các vấn đề như điều kiện cơ bản, thiết kế chức năng, lựa chọn vị trí địa lý, định vị ngành, chính sách ưu đãi, quản lý kinh tế xã hội, vốn nước ngoài và quản lý nhân tài cho các khu kinh tế đặc biệt của Việt Nam.

Vào 19/3/2014, khi Hạ Long đăng cai Diễn đàn Phát triển Đặc Khu Kinh tế Thế giới, một đoàn chuyên gia CCSEZR thậm chí đã tiến hành điều tra thực địa để “hỗ trợ tư vấn cho tỉnh Quảng Ninh về các chính sách chiến lược”, theo CCSEZR.

Cũng vào thời điểm này, dự Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt bắt đầu được soạn thảo.

Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Việt Nam khi đó Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quyết định số 2428/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn.

Tính đến hết năm 2015, thông tin chính thức của Quảng Ninh cho hay tỉnh này đã tập trung chỉ đạo thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục pháp lý liên quan, đồng thời hỗ trợ các nhà thầu về điều kiện thi công cho Khu kinh tế Vân Đồn.

Bản tin tháng 1/2016 của báo Quảng Ninh mô tả Vân Đồn đang được ví như “đại công trường” của tỉnh với hơn 70 dự án, công trình đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch đang được triển khai.

Theo bản tin của Tân Hoa Xã tháng 9/2016 , khi đó tỉnh Quảng Ninh cần 12 tỷ USD để đầu tư phát triển đặc khu Vân Đồn, và tự tỉnh đã vận động được 1,8 tỷ – một con số lớn, gần 1% GDP Việt Nam.

Đến ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị ra kết luận số 21-TB/TW về các đề án xây dựng Khu hành chính-kinh tế đặc biệt, đồng ý thành lập đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Ngày 10/10/2017, dựa trên kết luận 21 của Bộ Chính trị, Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, được chuẩn bị từ năm 2014, mới chính thức được Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Việt Nam.

Cuối tháng 10/2017, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Chuyến thăm CCSEZR của ông Phạm Minh Chính tháng 1/2018 diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Việt Nam dự kiến dự luật sẽ được thông qua tại kỳ họp tháng 5/2018 của Quốc hội.

Đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng đặc khu kinh tế do chính ông làm trưởng ban, và ông Phạm Minh Chính cũng là một trong ba phó ban.

Trung Quốc cố vấn gì về Vân Đồn?

Tại CCSEZR ngày 27/1/2018, ông Chính cảm ơn sự cố vấn của đoàn chuyên gia Trung Quốc và xin “chân thành nhờ tư vấn về một số thách thức quan trọng” như “có nên cho thuê 70 hay 99 năm?”.

Theo trang CCSEZR, trả lời câu hỏi của ông Chính, ông Yuan Yiming, phó giám đốc CCSEZR nói rằng chu kỳ ngành công nghiệp đang thu ngắn lại nên việc cho thuê đất 30-50 năm là phù hợp, nhưng trong trường hợp đất dân dụng thì cần gia hạn theo như nguyện vọng lâu dài của dân cư, nhưng ông Yuan không nói rõ bao nhiêu năm.

Thêm vào đó, ông Huang Yaying, trưởng khoa luật tại SZU thì cho rằng việc thiết lập chính quyền nhân dân cho phép đặc khu quyền hạn lập pháp, thiết lập ngân sách tài chính và bổ nhiệm nhân sự.

“Vì vậy, chính quyền Việt Nam được đề nghị là cho phép các đặc khu toàn quyền trong ba quyền hạn trên, vốn là đặc thù của hệ thống pháp lý cần thiết cho việc phát triển kinh tế đặc khu,” CCSEZR dẫn lời ông Huang Yaying.

Sự thành công vượt trội của Thâm Quyến thể hiện rõ ràng sự đúng đắn của chính sách và đề xuất của Đảng Cộng sản Trung Quốc và lợi thế của hệ thống xã hội chủ nghĩa so với chủ nghĩa tư bản.Phạm Minh Chính theo CCSEZR, Trưởng ban Tổ chức TW

Ông Phạm Minh Chính đáp lại rằng sự thành công vượt trội của Thâm Quyến thể hiện rõ ràng sự đúng đắn của chính sách và đề xuất của Đảng Cộng sản Trung Quốc và lợi thế của hệ thống xã hội chủ nghĩa so với chủ nghĩa tư bản.

Bản tin của CCSEZR cho thấy sự tham gia tư vấn của các chuyên gia Trung Quốc đối với việc xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Tuy nhiên, theo thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn các đơn vị tư vấn nước ngoài là PricewaterhouseCoopers (PwC) và Arcadis & Callison RTKL để lập Quy hoạch chung xây dựng và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Vân Đồn.

Tháng 8/2017, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm việc với Công ty TNHH PWC Việt Nam và Arcadis & Callison RTKL để nghe trình bày năng lực lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng cho Khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

‘Phải cảnh giác Trung Quốc’

Bình luận với BBC hôm 26/6, một chuyên gia lâu năm về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, nói: “Trong khi Trung Quốc đang quân sự hóa ở Biển Đông nhưng lại vẫn tỏ ra duy trì tình hữu nghị với Việt Nam, thì điều này cho thấy bản chất hai mặt của Trung Quốc.”

“Khi Trung Quốc muốn mua lại một tập đoàn lớn, hay đầu tư vào một dự án công trình quy mô như cầu đường, ngân hàng tài chính, thậm chí viễn thông, thì Việt Nam cần phải rất cẩn thận để làm sao vừa bảo vệ an ninh quốc gia mà vẫn đạt được lợi ích kinh tế. Chỉ nhìn vào việc cho thuê 99 năm, thì hãy nghĩ đến việc Trung Quốc có thể lợi dụng suốt thời gian đó để thu thập thông tin tình báo, cũng như thông tin căn cứ quân sự của Việt Nam ở khu vực Quảng Ninh.”

“Trung Quốc hẳn đang tìm kiếm sự ảnh hưởng về kinh tế hoặc chính trị, hoặc cả hai.”

Ông Thayer cũng cho rằng dù dự luật đặc khu không đề cập đến Trung Quốc như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, nhưng việc Trung Quốc tham gia cố vấn “hiểu rõ tường tận trong ra ngoài” sẽ có một lợi thế rất lớn cho Trung Quốc.

Theo nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Trần Quốc Thuận thì ý tưởng xây dựng đặc khu đã có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi Việt Nam còn bị cấm vận.

“Việt Nam sau đó chủ trương chính sách Đổi Mới năm 1986 và đã tìm ra con đường phát triển kinh tế. Chúng ta cũng có đi nghiên cứu mô hình Thâm Quyến của Trung Quốc, nhưng chỉ thoáng qua, khi đó không làm theo,” ông Thuận nói với BBC.

Ông Thuận nêu quan điểm: “Lý Thường Kiệt năm xưa cũng tụ ở đó trước khi đem quân đánh Trung Quốc. Đó là một vị trí rất quan trọng.”

“Việt Nam luôn luôn phải cảnh giác với Trung Quốc. Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, Trung Quốc luôn sẵn sàng lấn chiếm Việt Nam, ngày nay cũng vậy,” ông Thuận quan ngại.

Hôm 10/06, tại nhiều thành phố ở Việt Nam, hàng ngàn người xuống đường phản đối dự luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu Kinh tế.

Họ mang theo khẩu hiệu phản đối chuyện cho Trung Quốc “thuê đất 99 năm” ở các đặc khu, dù phía chính quyền không nêu tên nước nào trong các dự án này.

Sẽ vẫn làm Đặc khu?

Hôm 17/6, tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập dự luật đặc khu.

Ông Trọng được dẫn lời nói Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã lắng nghe, tiếp thu, dừng lại nghiên cứu tiếp, bao giờ hoàn thiện tốt mới thông qua.

Theo báo Nhân dân, ông Trọng nói thêm: “Pháp luật hiện thời quy định không cho thuê đất quá 70 năm, vì đây là đặc khu nên dự kiến ban đầu cho thuê đất không quá 99 năm để khuyến khích, song còn qua bao nhiêu quy trình phải thực hiện, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới được làm.”

Hai ngày sau, cũng tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu quan điểm dự luật đặc khu là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Tạp chí Cộng sản dẫn lời ông Quang: “Quốc hội cũng đã cho rằng cần phải lấy thêm các ý kiến cử tri sâu rộng và cần tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia, các vị lão thành cách mạng, nhân dân nên Quốc hội đã lùi thời gian thông qua.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44610484

 

Mưa lũ bắc Việt Nam gây thiệt hại nặng nề

Ít nhất 30 người chết và mất tích sau cơn mưa lũ tại phía bắc Việt Nam với Lào Cai là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bắc VN: Nhiều người thương vong do mưa lũ

Truyền thông trong nước đưa tin tính tới 16:00 ngày 26/06 đã có ít nhất 19 người chết, 11 người mất tích và 12 người bị thương do các cơn lũ và sạt lở đất.

Nhà chức trách cảnh báo nguy cơ có lũ quét tại Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang.

Thống kê ban đầu nói hàng trăm ngôi nhà bị hư hại hoặc bị cuốn trôi với hàng trăm hecta lúa và hoa màu bị ngập úng cùng hàng chục hecta ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Một số tuyến quốc lộ tại Hà Giang, Lai Châu và Lào Cai bị sạt lở.

Cho tới nay Lai Châu là tỉnh được cho là chịu thiệt hại nặng nề nhất với ước tính sơ bộ khoảng 300 tỉ đồng.

Truyền hình nhà nước đưa tin Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sáng 26/06 thị sát một số khu vực bị thiệt hại trong đó có huyện Tam Đường, Lai Châu.

Ông Dũng được dẫn lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị chết, mất tích và yêu cầu chính quyền nhanh chóng đảm bảo đời sống cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Trong một diễn biến liên quan, mưa lớn kéo dài gây ra một vụ sạt lở vào tối hôm 26/06 khoảng hơn 2.000 m3 đất đá, khiến tuyến giao thông tại Km15, thuộc địa phần xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai trên Quốc lộ 4D đoạn từ thành phố Lào Cai đi huyện Sa Pa này bị tê liệt hoàn toàn.

Tuy nhiên khu vực này không có người ở nên đánh giá ban đầu là chưa có thiệt hại về tính mạng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44601442

 

Fan VN cắt tóc hình ngôi sao World Cup

Một tiệm cắt tóc tại Hà Nội thể hiện chân dung các cầu thủ nổi tiếng trên mái tóc của cổ động viên.

Trả lời phóng viên BBC, anh Nguyễn Dũng, thợ cắt tóc tại tiệm Boss for men ở Hoàng Mai, Hà Nội nói không phải khách hàng nào muốn cắt cũng được bởi còn phụ thuộc vào ‘chất lượng tóc’.

‘Trung bình hoàn thành một tác phẩm như vậy sẽ mất khoảng từ 1-3 giờ,’ anh Dũng cho biết.

https://www.bbc.com/vietnamese/media-44625630

 

Sơ kết về Con Đường Tơ Lụa

Nguyễn Xuân Nghĩa

Sau Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Hoa vào cuối năm 2012, Tổng bí thư Tập Cận Bình lần đầu tiên nói tới sáng kiến là xây dựng lại con đường tơ lụa hay Nhất Đới Nhất Lộ vào năm 2013. Năm năm sau, Diễn đàn Kinh tế sẽ tạm sơ kết về tiến độ của kế hoạch quy mô này.

Sơ kết tiến độ

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, năm năm trước, Tổng bí thư Tập Cận Bình của đảng Cộng sản Trung Hoa đã lần đầu tiên nói tới sáng kiến là xây dựng một Con Đường Tơ Lụa Mới. Sau đó, Bắc Kinh đưa thêm nhiều chi tiết và cải danh ra “Nhất Đới Nhất Lộ” gọi theo Anh ngữ là “One Belt One Road” hay OBOR, rồi mới có tên chính thức từ năm 2016 là “Sáng Kiến Đới Lộ” hay “Belt and Road Initiative” gọi tắt là BRI. Theo dõi nỗ lực lớn lao này của Trung Quốc, liệu ông có thể làm một sơ kết về tiến độ thực hiện hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Nói về sáng kiến “Nhất Đới Nhất Lộ” do Tập Cận Bình đề ra gần năm năm trước, chúng ta nên nhớ tới hai phần là sáu “tẩu lang” hay hành lang trên đất liền, gọi là Nhất Đái hay Nhất Đới, và các đường hải vận ngoài biển gọi là Nhất Lộ. Kế hoạch đó có hai mục tiêu là kinh tế và an ninh. Từ đời Hán rồi, con đường giao thương ấy nhắm vào mục tiêu an ninh là phòng thủ Trung Nguyên rồi bành trướng ảnh hưởng qua Tây Vực để lập ra vùng trái độn quân sự. Nhiều đời sau, từ nhà Đường cho tới Mao trong thế kỷ 20, hai mục tiêu đó vẫn như vậy. Họ Mao thôn tính Tân Cương và bành trướng qua hướng Tây cũng để bảo vệ nội địa Trung Hoa. Ngày nay, khi hoàn cảnh Trung Quốc có thay đổi vì lệ thuộc nhiều hơn vào việc buôn bán với bên ngoài, Tập Cận Bình hâm nóng khái niệm xưa và nhấn mạnh tới mục tiêu kinh tế nhưng bên trong thì vẫn chú trọng tới an ninh, là bảo vệ nội địa đồng thời bành trướng ra ngoài.

Bắc Kinh chi ra chừng 34 tỷ đô la, tập trung vào mạng vận chuyển, hỏa xa, hải cảng hay ống dẫn khí và mạng lưới điện lực và người ta chờ đợi là nhiều dự án sẽ bị đình trệ, thậm chí hủy bỏ. Có hai lý do giải thích trở ngại đó là tình trạng tham ô và sự nghi ngại của nhiều quốc gia. Họ sợ là bị mắc nợ Bắc Kinh và có khi phải hy sinh chủ quyền để thanh toán nợ nần!

-Nguyễn Xuân Nghĩa

– Khi nhắc lại bối cảnh, ta thấy ra mục tiêu đa diện của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ là không chỉ vượt Tây Vực, Trung Á rồi Trung Đông mà còn muốn vào Địa Trung Hải và tận Đông Âu. Như vậy, ta thấy hai phần quan trọng là 1/ mở đường thông thương cho các tỉnh bị khóa trong lục địa của Trung Quốc và 2/ bành trướng ảnh hưởng kinh tế lẫn chiến lược của Bắc Kinh qua các khu vực khác.

“Marshall” của Trung Quốc

Nguyên Lam: Thế giới thường chú ý tới khía cạnh kinh tế và cho rằng Bắc Kinh tung tiền tranh thủ các nước, tương tự như kế hoạch Marshall là viện trợ của Hoa Kỳ cho Âu Châu sau Thế Chiến Hai, nhưng người ta không quên mục tiêu chiến lược kia. Thưa ông , bây giờ chúng ta có thể tạm tổng kết những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin tóm lược ở ba ý chính. Thứ nhất, sáng kiến của Bắc Kinh nhắm vào các nước nghèo hơn ở chung quanh nhưng rốt cuộc tốn tiền vào nhiều dự án ít giá trị kinh tế mà đầy lãng phí và gây nạn cho các nước được giúp. Thứ hai, tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong kế hoạch đó lại bị các cường quốc khác nghi ngờ và ngấm ngầm ngăn chặn. Thứ ba, do kích thước quá lớn của Nhất Đái Nhất Lộ, những trở ngại, chậm trễ và hủy bỏ sẽ là tất yếu.

– Chúng ta cần nhìn lại tấm bản đồ của cả đại lục Âu Á, từ Tây Âu tới Viễn Đông, trùm lên Trung Á và Trung Đông thì mới thấy kế hoạch lớn lao này trải ngang 70 quốc gia lớn nhỏ. Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh dốc toàn lực ngoại giao qua hiệp ước hợp tác với các nước, đồng thời khai thông tình trạng sản xuất dư dôi ở bên trong. Nhưng khi các định chế quốc tế nói tới nhu cầu khoảng tám chín ngàn tỷ đô la qua nhiều thập niên để thực hiện việc xây dựng hạ tầng cơ sở chuyển vận qua một không gian bát ngát đó thì cho tới nay, Bắc Kinh mới chi ra chừng 34 tỷ đô la là nhiều, tập trung vào mạng vận chuyển, hỏa xa, hải cảng hay ống dẫn khí và mạng lưới điện lực và người ta chờ đợi là nhiều dự án sẽ bị đình trệ, thậm chí hủy bỏ. Có hai lý do giải thích trở ngại đó là tình trạng tham ô và sự nghi ngại của nhiều quốc gia. Họ sợ là bị mắc nợ Bắc Kinh và có khi phải hy sinh chủ quyền để thanh toán nợ nần!

Nguyên Lam: Ông  nhắc đến chuyện nợ nần thì thính giả của chúng ta liên tưởng đến chuyện thời sự khi nhà đầu tư Trung Quốc rộng rãi cho vay để thực hiện các dự án trong lãnh thổ Việt Nam, sau này đòi nợ mà nhà nước không trả nổi thì đành gán đất cho Bắc Kinh.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa rằng nhiều định chế tài chính kể cả Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF có cảnh báo chuyện ấy và một số quốc gia đang phát triển bắt đầu phát giác mối tai họa đó. Nhân đây, xin nói luôn là Hội đồng Duyệt Xét Quan hệ Kinh tế và An ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mới có một phúc trình hôm 14 vừa qua về việc Bắc Kinh tung tiền bành trướng ảnh hưởng tới các quần đảo ở tận miền Nam Thái Bình Dương, xuống tới Úc Châu. Trào lưu đó là kết quả của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ khiến Chính quyền Úc báo động và chuẩn bị tài trợ các xứ quần đảo này để khỏi bị Bắc Kinh thao túng. Trung tuần Tháng Sáu, Ngoại trưởng Úc là bà Julie Bishop nói đến việc đó. Tức là Bắc Kinh chưa làm được gì thì nhiều cường quốc đã báo động về dụng ý của Trung Quốc!

Mục đích của hành lang kinh tế

Nguyên Lam: Ông  mới chỉ trình bày sơ lược diễn tiến của gần năm năm qua mà ta đã thấy phản ứng của các cường quốc trong khu vực. Thưa ông, chúng ta sẽ khởi đầu với sáu hành lang kinh tế mà Bắc Kinh muốn vạch qua khu vực Đông Á vào tới Âu Châu. Mục đích của họ là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Bắc Kinh vẽ ra sáu “tẩu lang” bắc ngang 14 nước. Tẩu lang thứ nhất vắt qua Mông Cổ và Liên bang Nga. Thứ hai là hệ thống cầu đường trải ngang lục địa Âu Á qua Kazahkstan và Nga. Thứ ba là tẩu lang nối Tân Cương với Trung Á và Tây Á là Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Iran, Georgia, Azerbaijan, Armenia và Turkey. Tẩu lang thứ tư nối tiếp Trung Cộng với Pakistan xuống Ấn Độ Dương. Tẩu lang thứ năm trải ngang Bangladesh, Miến Điện, Ấn Độ và sau cùng là Tẩu Lang Đông Dương, từ Vân Nam Quý Châu xuống ba nước Việt, Miên, Lào rồi Thái Lan. Vị trí của đảo Phú Quốc nằm trong hành lang thứ sáu này.

Nguyên Lam: Ông nhắc tới đảo Phú Quốc thì người ta thấy giật mình! Thưa ông, thế còn các con đường hàng hải mà Bắc Kinh gọi là Nhất Lộ thì sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Bắc Kinh gọi đó là Đường Tơ Lụa Trên Biển cho Thế Kỷ 21. Sáng kiến đó muốn nối liền mặt biển Đông Nam Á, Úc Châu qua Ấn Độ Dương cho tới Bắc Phi. Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy tham vọng của Bắc Kinh là hội nhập một khu vực có nhiều quốc gia chưa phát triển, từ Trung Quốc tới tận Trung Âu hay Đông Âu, từ Tân Cương vào Trung Á xuống Nam Á và Đông Nam Á. Các quốc gia ấy có thể chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng thật ra chiếm vị trí chiến lược nếu liên kết và trở thành đồng minh của Bắc Kinh.

Nhiều nước đi sau thật ra thiếu ổn định bên trong, chưa có cơ chế quản lý các dự án phát triển và lại bị tham nhũng đục khoét. Vì vậy, khi họ được Bắc Kinh tài trợ thì cũng chưa nên cơm cháo gì, nhiều dự án bị đình chỉ, thậm chí hủy bỏ và để lại một núi nợ chưa biết làm sao thanh toán

-Nguyễn Xuân Nghĩa

– Tuy nhiên, một số cường quốc Đông Á như Nhật Bản, Nam Á như Ấn Độ và cả Âu Châu thì ngần ngại vì dù thấy giá trị kinh tế của nhiều dự án hạ tầng, họ không quên mục đích an ninh của Bắc Kinh. Các nước nghèo thì thấy việc Bắc Kinh tài trợ qua Quỹ Tơ Lụa hay Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở gọi tắt là AIIB có vẻ hấp dẫn vì lớn hơn khả năng tín dụng của họ, hoặc còn lớn hơn sức tài trợ của Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB. Theo một phúc trình của Liên hiệp quốc thì có 11 quốc gia nghèo nhất thế giới, như Lào, Tanzania hay Djibouti, rất cần đầu tư cho hạ tầng mà khó được các định chế quốc tế tài trợ theo tiêu chuẩn của Tây phương. Vì vậy, họ dựa vào nguồn tài trợ của Bắc Kinh, có vẻ dễ dãi hơn. Nhưng sợi dây mềm mại đó lại cột rất chặt, có khi tới tắt thở!

Kết quả

Nguyên Lam: Thưa ông, đó là nhận thức ngày càng rắc rối hơn của các nước khác. Nếu nhìn từ Bắc Kinh ra thì người ta đánh giá kết quả như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi thiển nghĩ Bắc Kinh chỉ là trâu chậm uống nước đục! Sau Thế chiến II, và trong 50 năm qua, các nước nghèo đều được nhiều định chế tài chính quốc tế viện trợ, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu, Phi Châu để dần dần phát triển. Nhưng nhiều nước đi sau thật ra thiếu ổn định bên trong, chưa có cơ chế quản lý các dự án phát triển và lại bị tham nhũng đục khoét. Vì vậy, khi họ được Bắc Kinh tài trợ thì cũng chưa nên cơm cháo gì, nhiều dự án bị đình chỉ, thậm chí hủy bỏ và để lại một núi nợ chưa biết làm sao thanh toán, là trường hợp của Bangladesh, Miến Điện hay Kazahkstan và Pakistan!

– Bắc Kinh cầm sợi dây nợ mà chưa biết làm gì, hoặc muốn làm gì đó mà sợ thiên hạ phát giác tà ý! Chẳng lẽ lại đòi thực hiện các đặc khu kinh tế tự trị để gán nợ, nhưng kiếm lời gì từ những đặc khu đó, khi người dân bản xứ ngày càng nghi ngờ các món nợ ghê tởm này? Họ có hưởng gì đâu mà bắt con cháu phải trả bằng đất đai? Họ phát giác là Bắc Kinh dựa vào Nhất Đới Nhất Lộ để mua chuộc các chế độ tham ô và gây họa cho dân bản xứ. Trường hợp điển hình chính là Malaysia sau cuộc bầu cử vừa qua khiến Thủ tướng cũ bị truy tố và Chính quyền mới của Thủ tướng Mohamad Mahathir đang đòi rà soát lại các dự án của Bắc Kinh. Ngoài ra, còn có một số dự án điển hình như vậy tại Pakistan, Sri Lanka, và Miến Điện, nhưng ấn tượng chung là cái gì đó rất tệ cho Bắc Kinh.

Nguyên Lam: Khi thấy dân Sri Lanka, Miến Điện và Malaysia phản đối dự án do Bắc Kinh thực hiện cho kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ thì người ta phải trở về với câu hỏi là ai sẽ trả những món nợ này? Thưa ông, ông kết luận ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Câu trả lời nằm ngay trước mắt chúng ta. Bắc Kinh dùng sợi dây mềm để tài trợ các nước nghèo, sau đó siết dây để gán nợ. Đó là dự án hải cảng Gwadar tại Pakisan và hải cảng Hambantota tại Sri Lanka. Với Pakistan, Bắc Kinh được thuê đất quanh quân cảng Gwadar trong 43 năm. Với Sri Lanka thì Bắc Kinh được thuê đất trong…. 99 năm, con số khá quen thuộc với dân ta! Còn xứ khác, như Lào, Djibouti, Montenegro hoặc Tajikistan, Kygyzstan thì trả nợ bằng tài nguyên khoáng sản hay năng lượng.

– Chính là hiện tượng trấn lột đó khiến các cường quốc như Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Ấn Độ và cả Đức, Pháp, v.v… đều cảnh báo về động thái của Bắc Kinh. Tại Úc, Chính quyền và cơ quan an ninh đã quan tâm đến việc Bắc Kinh tung tiền đầu tư và còn lũng đoạn nhiều lãnh vực của Úc, từ học đường tới doanh trường và các chính trị gia của hai đảng nên họ chuẩn bị cải sửa luật pháp để ngăn ngừa. Một thí dụ là hải cảng Darwin tại miền cực Bắc của Úc được cho một doanh nghiệp Trung Quốc thuê trong 99 năm. Vị trí của hải cảng có tính chất an ninh vì trông ra biển Thái Bình tại hướng Bắc lại còn kế cận một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Viên chức Úc chấp thuận dự án này sau đó được doanh nghiệp Trung Cộng thuê làm tư vấn kinh tế với thù lao là 800 ngàn đô la một năm. Tuần qua, hai tờ báo Úc là The Age và Sydney Morning Herald đã đi lọat bài về Sáng Kiến Đới Lộ  và xin độc giả góp ý. Hôm Thứ Ba 26, họ công bố kết quả là có tới 59% nêu ý kiến rằng nước Úc nên tránh yểm trợ sáng kiến này của Trung Quốc!.

Nguyên Lam: Như vậy, phải chăng mặt trái của Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ vẫn là sự hoài nghi của nhiều nước nghèo và sự cảnh giác của các nước giàu về ẩn ý của lãnh đạo Bắc Kinh? Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/so-ket-ve-con-duong-to-lua-06262018065220.html

 

Quốc hội Việt Nam

thanh minh tình trạng song tịch của đại biểu

Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc, vào ngày 27 tháng 6, được truyền thông trong nước dẫn phát biểu thanh minh về việc Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Thân, đoàn tỉnh Thái Bình, có hai quốc tịch: Việt Nam và Ba Lan.

Theo lời ông Nguyễn Hạnh Phúc nói với báo chí trong nước thì Ba Lan  có quyết định cho ông Nguyễn Văn Thân thôi quốc tịch nước này theo đơn xin thôi quốc tịch của ông từ tháng 1/2016, trước thời điểm ông Nguyễn Văn Thân ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14.

Thông tin ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH đoàn Thái Bình có hai quốc tịch được tờ báo tiếng Việt ở Ba Lan, Đàn Chim Việt, đưa ra vào ngày 17/6/2018. Ông được cho là có quốc tịch Ba Lan cũng như làm ăn sinh sống tại quốc gia Đông Âu này.

Đây không phải là trường hợp duy nhất liên quan chuyện ĐBQH có hai quốc tịch. Trong đợt bầu cử ĐBQH khóa 14, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là ĐBQH khóa 13 trúng cử khóa 14 đã không được xác nhận tư cách ĐBQH và xin thôi làm ĐBQH sau khi bị phát hiện mang 2 quốc tịch Việt Nam và Malta, một đảo quốc nhỏ ở châu Âu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-clarifies-dual-citizenship-of-congress-members-06272018104731.html

 

Vợ tù chính trị Mục sư Nguyễn Trung Tôn

bị chính quyền gây khó khăn

Gia đình tù nhân chính trị Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị chính quyền tỉnh Thanh Hóa theo dõi, công việc làm ăn bị phá khiến sinh hoạt của gia đình rơi vào cảnh đảo lộn.

Bà Nguyễn Thị Lành vợ của Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị chính quyền tỉnh Thanh Hóa gửi giấy mời lên làm việc với nội dung “làm rõ việc chị trả lời phỏng vấn với đài nước ngoài”

Vào chiều tối ngày 27 tháng 6, bà Nguyễn Thị Lành cho Đài Á Châu Tự Do biết:

“Họ đánh giấy mời mời tôi triệu tập lên làm việc liên quan đến vụ tôi trả lời phỏng vấn nước ngoài thì đây tôi thấy sự bất công cho gia đình tôi, tôi bức xúc tôi trả lời thì quyền của tôi. Họ mời giấy ngày hôm nay nhưng tôi gọi điện cho công an là tôi không vi phạm pháp luật nên tôi sẽ không lên làm việc với công an. Họ bảo là không làm việc thì chị đưa giấy mời lên cho tôi, tôi nói giấy đang ở nhà nếu họ cần thiết thì họ đến nhà tôi họ lấy.”

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lành, thời gian gần đây có một số thành phần mặc thường phục gồm ba bốn người đi theo canh chừng bản thân bà, công việc làm ăn buôn bán và đưa con đi học cũng có người theo dõi làm cho mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Bà nói không biết họ theo dõi cô về việc gì nhưng theo đánh giá của bản thân bà thì liên quan đến việc bà trả lời phỏng vấn với các báo đài nước ngoài.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một nhà hoạt động xã hội tích cực và cũng là chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ. Ông từng nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, tra tấn, đánh đập, bôi nhọ vì những nổ lực đấu tranh cho dân chủ Việt Nam. Vào tháng 2 năm 2017, ông bị bắt cóc và bị đánh đến mức tàn phế cả hai chân tại khu vực rừng núi Hà Tĩnh.

Ông bị bắt vào tháng 7 năm 2017 với buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế trong phiên tòa diễn ra vào tháng 4 năm 2018.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-prisoner-nguyen-trung-tons-wife-summoned-and-prevented-from-doing-business-06272018102338.html

 

Nhà cựu tù chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh

bị “khủng bố” bằng thuốc nổ

Tối ngày 26/6, nơi cư ngụ của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh tại thị trấn Di Linh, xã Bảo Lộc, huyện Lâm Đồng bị bom tự chế. Theo thông tin được cô Đỗ Thị Minh Hạnh cung cấp vụ việc xảy ra vào lúc khoảng 11h tối cùng ngày.  Cô Hạnh cho biết:

“Lúc đó thì chúng chạy xe, nghe tiếng xe của chúng chạy tới thì vừa dừng xe ba tôi thông qua cánh cửa đã dùng cái đèn pin để rọi vào mặt của chúng. Thì do chúng chói và chúng dừng lại thì chúng ném một cái “bum” vào cái cửa thì tôi nghĩ rằng đó là đá thôi, tôi không nghĩ đó là cái gì đó ghê gớm. Sau đó chúng bỏ chạy, tôi vào tôi lấy điện thoại ra để livestream cho mọi người. Khi mà tôi cầm cục đó lên thì tự nhiên nước ở trong tay chảy ra và bốc mùi xăng. Tôi biết là đây không phải là vụ ném đá bình thường  và nó rất là to chứ không phải nhỏ như thế này đâu, nó to lắm, và được cuốn băng keo bên ngoài những cục đá, và bên trong những cục đá đó lại có một cục giấy bấm rất kỹ bằng những đinh kẹp vở như thế này nên tôi đã quăng ra ngoài vì tôi sợ là nếu mà nổ thì trong đây 2 cha con tôi sẽ nguy hiểm nên tôi mới quăng ra ngoài thì nó còn rớt lại ngay cổng nhà tôi còn cái này thôi”

Cô Hạnh cũng cho biết đã gọi đến công an địa phương để trình báo nhưng không nhận được bất cứ sự trợ giúp gì từ phía chính quyền địa phương. Trước đó, gia đình cô cũng liên tục bị an ninh khủng bố bằng cách ném rất nhiều đá vào nhà.

Cũng liên quan đến sự việc trên, sau khi đến thăm cô Minh Hạnh và livestream tường thuật lại sự việc, ngay trên đường về anh Đinh Văn Hải cùng một nhà hoạt động khác cũng đã bị một nhóm an ninh tấn công và truy đuổi, đánh gẫy tay và xương bả vai.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nha0cuu-tu-chinh-tri-do-thi-minh-hanh-bi-khung-bo-bang-thuoc-no-06272018092225.html

 

Tù nhân lương tâm Blogger Mẹ Nấm

bị đe dọa tinh thần trong tù

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh-Blogger Mẹ Nấm nói với thân mẫu rằng bà muốn mẹ đến thăm nuôi hàng tháng để biết sinh mạng của bà còn hay đã mất, vì bà cảm thấy tính mạng đang bị đe dọa.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan thuật lại lời của con gái Nguyễn Ngọc Như Quỳnh như vừa nêu trong lần thăm gặp mới nhất vào ngày 26 tháng 6, tại trại 5 , huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Trong lần thăm gặp này, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói với thân mẫu rằng bản thân không còn sức chịu đựng được nữa nên quyết định buộc phải nói với gia đình về hoàn cảnh bà bị tra tấn tinh thần cả ngày lẫn đêm. Vào tối ngày 27 tháng 6, từ Nha Trang, Khánh Hòa, Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan kể lại chi tiết với RFA lời của Blogger Mẹ Nấm nói:

Lần này từ ngoài bước vô, nhìn thấy sắc mặt của con rất là mệt mỏi. Sau đó, Quỳnh mới nói rằng:

‘Con xin mẹ hàng tháng phải thăm con một lần để mẹ biết con thế nào, tính mạng con ra sao. Khi con ở trại tạm giam Khánh Hòa, họ từng nhốt con hai tháng trong một phòng không có lỗ thông hơi mà con vẫn chịu đựng được. Nhưng ở trong đây bây giờ con không chịu nỗi nữa.

Con ở trong phòng có 3 người, có một cô luôn luôn gây sự với con, chửi rủa con bằng những ngôn từ tệ hại nhất, kinh khủng nhất mà con chưa bao giờ được nghe và con không thể nào nói lại được gì với chị ấy hết. Sau đó, giám thị làm biên bản, viết là gây gổ nhau. Con nói với giám thị trại giam một là chuyển chị đó qua phòng khác, hai là nếu không chuyển chị đó được thì chuyển con đi bất cứ phòng nào cũng được để tránh chuyện này. Con đã trình bày với ba giám thị nhưng họ không đổi cho con.

Và, điều nguy hiểm nhất là con đang ở trong phòng biệt giam thì tới giờ người ta khóa lại, nhưng thông thường chìa khóa để phía trước đó, còn bây giờ chìa khóa để chỗ nào thì con không biết. Khi cần mở thì mở không được. Giám thị nói rằng ổ khóa này bị bỏ xà bông, bị bỏ cát vào và nếu gọi thợ sửa khóa đến thì thợ sửa khóa ở trên thành phố không thể xuống được ngay. Con rất sợ cho sự an nguy tính mạng của con. Còn có tình trạng bị cúp điện một cách bất thường. Cho nên mẹ phải thăm con hàng tháng nghe mẹ.’

Điều đó làm cho tôi lo lắng nhiều nhất.”

Kể từ khi Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị chuyển từ trại tù Khánh Hòa đến trại 5, Thanh Hóa vào hôm 27 Tết Âm Lịch Mậu Tuất, bà được gặp mặt thân mẫu của mình 3 lần.

Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang phải thi hành bản án 10 năm tù giam, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự bởi các hoạt động dân sự vì môi trường và dân chủ tại Việt Nam.

Và cũng qua những hoạt động dân sự này, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhận được các giải thưởng nhân quyền quốc tế như Giải “Người Bảo vệ Quyền Dân sự” năm 2015, của Tổ chức Civil Rights Defender và Giải “Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm” của Hoa Kỳ năm 2017.Tổ chức Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả- CPJ, cũng trao cho Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh Giải “Tự do Báo chí Quốc tế” năm 2018.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-mother-mushroom-informed-to-be-spiritually-harassed-in-prison-06272018083704.html

 

2000 trẻ em chết đuối mỗi năm tại Việt Nam

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào ngày 26 tháng 6 cho biết liệu hằng năm có 2 ngàn trẻ em Việt Nam bị chết đuối. Với con số này, Việt Nam trở thành nước có lượng trẻ em chết đuối cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.

Thông tin trên được truyền thông trong nước trích từ buổi hội thảo triển khai Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Vận động chính sách Y tế toàn cầu (GHAI) tổ chức trong cùng ngày tại Hà Nội.

Theo tính toán, với số liệu trung bình hơn 5 trẻ em chết đuối mỗi ngày trên cả nước, chết đuối hiện dẫn đầu các tai nạn gây tử vong cho trẻ em tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền sống của trẻ.

Các chuyên gia cho biết một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ chết đuối ở trẻ em tại Việt Nam là vì nhận thức của xã hội và người dẫn về phòng chống tai nạn đuối nước còn hạn chế, đặc biệt ở các vùng kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt thầy dạy bơi và cơ sở vật chất học bơi ở các trường học. Ngoài ra là thói quen tắm ở sông, suối của trẻ em và cả người lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Tại buổi hội thảo, Chương trình Y tế công cộng toàn cầu của quỹ từ thiện Bloomberg công bố khoản tiền trị giá 2,4 triệu USD để tài trợ việc phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam trong 2 năm đầu của chương trình 5 năm.

Chương trình trên được cho biết sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương và cộng đồng để bảo vệ và dạy bơi cho trẻ em tại 8 tỉnh của Việt Nam gồm Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk,  Đồng Tháp, Sóc Trăng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2000-children-die-from-drowning-each-year-in-vietnam-06262018140708.html

 

Dân biểu Mỹ ‘quan ngại’ vụ trục xuất người gốc Việt

Một nhà lập pháp của Hoa Kỳ nói với VOA tiếng Việt rằng ông “quan ngại” chuyện người tị nạn nằm trong số hàng nghìn người gốc Việt chờ bị trục xuất về Việt Nam, nhưng tiết lộ đã được cơ quan thực hiện các vụ bắt giữ di dân của Mỹ “trấn an” về một thỏa thuận song phương quan trọng.

Chuyện hơn 8 nghìn người gốc Việt, trong đó có không ít người tị nạn chiến tranh, đang chờ bị đưa từ Mỹ trở lại Việt Nam lại gây chú ý, sau khi mới có tin một người đàn ông 47 tuổi đã tử vong khi bị giữ ở tiểu bang Arizona.

Nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ từ tiểu bang California nói rằng bản thân ông cũng như các cử tri địa hạt 47 mà ông đại diện “rất quan ngại” về tin tức nói rằng nhiều người tị nạn Việt Nam ở Mỹ đã và đang chuẩn bị gửi trả về nơi họ rời bỏ sau cuộc chiến với quốc gia cựu thù.

Tuy nhiên, ông cho hay thêm rằng ông “đã nhận được trấn an” từ Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) rằng hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 “vẫn còn hiệu lực” và rằng “những di dân từ Việt Nam [tới Mỹ] trước năm 1995 hiện không thuộc diện bị trục xuất”. VOA Việt Ngữ không thể xác nhận ngay với ICE về thông tin đó.

Dân biểu Lowenthal nói rằng ông “kỳ vọng cả chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam tuân thủ thỏa thuận này”.

Trước đó, trong một bài viết công bố hồi tháng Tư, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết rằng ông “từ chức” vì bất đồng với chính sách của Tổng thống Trump, trong đó có việc “được yêu cầu phải thúc ép chính phủ ở Hà Nội nhận từ Mỹ hơn 8 nghìn người, phần lớn từng bỏ chạy khỏi Miền Nam Việt Nam bằng thuyền những năm sau cuộc chiến”.

Ít ngày sau khi ông Osius tiết lộ thông tin này, người kế nhiệm của ông, đương kim Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đã có buổi trao đổi với các nhà lập pháp Mỹ, trong đó có dân biểu Lowenthal, ở thủ đô Washington DC, về vấn đề trục xuất di dân gốc Việt.

Nhà lập pháp từ tiểu bang California nói rằng cuộc gặp “rất hiệu quả” và ông “thật sự cảm nhận được rằng cả hai sẽ hợp tác tốt với nhau”.

Các bên đi đến thống nhất về thỏa thuận này hiểu rằng bất kỳ di dân tới Mỹ trước năm 1995 mà bị trả lại Việt Nam sẽ bị chính phủ Việt Nam coi là ‘các thành phần gây bất ổn’. Trục xuất họ về Việt Nam sẽ đặt họ vào tình thế hết sức nguy hiểm…

Ông Lowenthal nói.

“Bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào phải được gây dựng dựa trên lòng tin, sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng ngài Đại sứ và tôi đã đặt một nền móng vững chắc từ cuộc họp cho mối quan hệ lâu dài đó”, ông Lowenthal nói.

Còn về người tiền nhiệm của ông Kritenbrink, dân biểu này nói rằng ông “đánh giá cao” quan điểm của ông Ted Osius về Việt Nam.

“Tôi thấy bình luận gần đây của ông ấy về lý do từ chức, cụ thể là việc chính quyền của TT Trump tìm cách sửa đổi thỏa thuận [năm 2008], rất đáng ngại. Các bên đi đến thống nhất về thỏa thuận này hiểu rằng bất kỳ di dân tới Mỹ trước năm 1995 mà bị trả lại Việt Nam sẽ bị chính phủ Việt Nam coi là ‘các thành phần gây bất ổn’. Trục xuất họ về Việt Nam sẽ đặt họ vào tình thế hết sức nguy hiểm”, ông Lowenthal nhận định.

Trong tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt hồi tháng Tư, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà, nói rằng “việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam là vấn đề quan trọng được Việt Nam và Hoa Kỳ thảo luận nghiêm túc”.

Bà nói thêm rằng các cuộc thương thảo được thực hiện “trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước”.

Hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 nói rằng “đối tượng nhận trở lại phải là công dân Việt Nam và đồng thời không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc công dân của bất kỳ nước nào khác; trước đây đã cư trú tại Việt Nam và hiện không có nơi cư trú ở nước thứ ba; bị cơ quan có thẩm quyền Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ do vi phạm pháp luật và nếu thuộc diện bị kết án do phạm tội hình sự (kể cả các vi phạm pháp luật nhập cư) thì trước khi bị trục xuất phải thi hành xong án phạt tù hoặc phải được giảm án phát tù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ”.

… Đối tượng nhận trở lại phải là công dân Việt Nam và bị cơ quan có thẩm quyền Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ do vi phạm pháp luật…

Theo hiệp định Việt – Mỹ năm 2008.

Thêm nữa, hiệp định “không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hai tháng sau khi cựu đại sứ Mỹ công bố thông tin gây chú ý dư luận ở Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam hôm 19/6 ra thông báo rằng Phó Chủ tịch Ted Osius “nộp đơn xin từ chức và sẽ rời trường vào cuối năm 2018”.

Ông Osius sau đó cho biết sẽ dành thời gian viết sách về quan hệ Việt – Mỹ và vẫn sẽ tiếp tục làm trong lĩnh vực giáo dục. VOA Việt Ngữ đang tìm cách liên hệ với nhà ngoại giao kỳ cựu này để xem liệu quyết định của ông có liên quan tới việc ông công bố thông tin về vụ trục xuất người gốc Việt, từng gây “rúng động” dư luận hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/d%C3%A2n-bi%E1%BB%83u-m%E1%BB%B9-quan-ng%E1%BA%A1i-v%E1%BB%A5-tr%E1%BB%A5c-xu%E1%BA%A5t-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-g%E1%BB%91c-vi%E1%BB%87t/4456872.html

 

Vương Đình Huệ: “VN có tham khảo Mỹ

khi xây dựng Luật An ninh mạng’

VOA Tiếng Việt

Trong chuyến công du đến thủ đô Washington, hôm 26/6, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ tìm cách trấn an các nhà đầu tư Hoa Kỳ giữa lúc Hà Nội bị Mỹ chỉ trích về Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo vừa được quốc hội thông qua.

Từ New York, kinh tế gia Vũ Quang Việt, từng công tác tại LHQ, nhận định với VOA rằng lời phân bua của ông Vương Đình Huệ chỉ có tính ngoại giao.

“Những nhà đầu tư họ cũng sẽ biết tự đánh giá như thế nào. Một ông phó thủ tướng, hay cả khi ông thủ tướng nói thì chưa chắc công an họ đã nghe theo, vì việc phân quyền, quyền hành của người nắm chính quyền và luật lệ của Việt Nam không rõ ràng. Việc ông ấy nói gì thì ý nghĩa của nó cũng rất là yếu và không có gì đáng kể.”

Một ông phó thủ tướng, hay cả khi ông thủ tướng nói thì chưa chắc công an họ đã nghe theo, vì việc phân quyền, quyền hành của người nắm chính quyền và luật lệ của Việt Nam không rõ ràng.

Kinh tế gia Vũ Quang Việt.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ (USCC) và đại diện nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Google, MasterCard, Boeing…ông Vương Đình Huệ khẳng định sẽ đảm bảo không phát sinh giấy phép con cho nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ khi thực thi Luật An ninh mạng, the VNExpress.

“Khi xây dựng Luật, Việt Nam cũng đã tham khảo từ Mỹ,” ông Huệ nói. “Việt Nam phải hướng tới mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng vốn đang rất phức tạp ở nhiều quốc gia.”

Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng vào ngày 12/6 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, theo đó, các công ty của Mỹ như Facebook, Google…sẽ được yêu cầu phải “lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam” hay “phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.”

Tiến sĩ Việt tin rằng các công Mỹ sẽ không lưu giữ cơ sở dữ liệu người dùng tại Việt Nam.

“Các công ty này sẽ không bao giờ lưu giữ dữ liệu ở Việt Nam, ngay cả ở Trung Quốc họ cũng chưa chắc đã chịu đặt. Việc đặt ở đâu là tùy theo cách điều hành kỹ thuật đám mây ‘loud technology’ như thế nào. Trong trường hợp đòi phải đặt cơ sở dữ liệu người dùng tại Việt Nam thì các công ty sẽ không làm.”

Ngoài ra, quy định này đã gây quan ngại cho các nhà lập pháp, vận động hành lang và ngoại giao Mỹ.

Đại diện thương mại Mỹ Jeremy Gerrish nêu lên “quan ngại của Mỹ về đề án luật an ninh mạng của Việt Nam, bao gồm tác động của các yêu cầu về địa phương hóa và các hạn chế đối với các dịch vụ xuyên biên giới tới sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam”, theo một tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 6/6.

Ngay khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng với 86% đại biểu tán thành, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng: “Chúng tôi thất vọng về việc thông qua Luật An ninh mạng mới của Việt Nam, trong đó càng thu hẹp tự do biểu đạt trên không gian mạng và áp đặt những hạn chế gây phiền toái đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nước ngoài khác.”

Trong một tuyên bố hôm 26/6, người phát ngôn Bộ Tài Chính Hoa Kỳ cho biết trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven T. Mnuchin hôm 25/6, hai bên “đã thảo luận về việc thực hiện các hệ thống thanh toán điện tử và các quy tắc an ninh mạng tại Việt Nam.”

Theo truyền thông trong nước, ông Huệ đề nghị Bộ Tài chính Mỹ lập kênh đối thoại, trao đổi thông tin với phía Việt Nam về việc đánh giá các quan hệ thương mại và chính sách tỷ giá của Việt Nam; sớm hoàn tất thủ tục phê duyệt Hiệp định song phương về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (DTA); mở lại kênh cho vay ODA, vay ưu đãi cho Việt Nam…

Tuy nhiên, tiến sĩ Việt nhận định rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump khó có thể nối lại ODA cho Việt Nam.

“Tôi nghĩ rất là khó nối lại, trừ trường hợp ông Trump thấy có cái lợi gì đó. Nhưng vốn ODA của Mỹ cấp cho Việt Nam năm nay đang giảm đi 50 triệu đôla, tức còn 80 triệu đôla; năm ngoái có 135 triệu đôla. Thật ra số tiền này cũng nhỏ, không đáng kể so với tổng số ODA mà Việt Nam nhận được.”

Từ thành phố Hồ Chí Minh, Blogger Quang Hữu Minh viết trên Facebook: “Ông Huệ dĩ nhiên phải đi Mỹ lúc này để hiện thực hoá hợp tác Việt-Mỹ lâu nay còn nằm trên giấy. Nhất là trong bối cảnh các quốc gia tư bản đang ngừng hỗ trợ kinh tế cho Việt Nam. Cũng giống Chủ tịch Trần Đại Quang tới Nhật, ông Huệ cũng đề nghị Mỹ cấp thêm viện trợ và ODA.”

“Nhưng với những gì chính phủ do ông Trump đang xây dựng thì e rằng khó khả thi. Tôi không nghĩ Mỹ khoái chuyện Việt Nam muốn Mỹ cấp ODA …để làm đặc khu theo hướng có lợi cho Trung Quốc.”

Theo Thông tấn xã Việt Nam, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị phía Mỹ giải quyết các quan tâm của Việt Nam như các vụ kiện chống bán phá giá và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/vuong-dinh-hue-vietnam-co-tham-khao-my-khi-xay-dung-luat-an-ninh-mang/4456860.html

 

Bamboo Airways của VN mua 20 chiếc Boeing:

 ‘đầy rủi ro và bất thường’

Hãng hàng không Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC của Việt Nam vừa ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Mỹ tại thủ đô Washington, nhưng báo chí Hoa Kỳ trích lời các chuyên gia cho biết đơn đặt hàng ‘hoành tráng’ này rất ‘bất thường’ và ‘đầy rủi ro.’

Hãng tin Reuters hôm 25/6 cho biết thỏa thuận này trị giá 5.6 tỉ đôla và phía Việt Nam đã đặt cọc vào giữa tháng 6 vừa qua, dự kiến sẽ giao hàng trong thời gian từ tháng 4/2020 cho đến năm 2021.

Tờ Washington Post dẫn lời ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC, cho biết: “Loạt máy bay Boeing 787-9 Dreamliner sẽ gia nhập đội bay của Bamboo Airways để phục vụ các đường bay dài đến thị trường quốc tế.”

Ông Quyết còn nói rằng “thỏa thuận với Boeing ngày hôm nay chỉ là bước đầu. Trong tương lai chúng tôi cần đến hơn 100 chiếc máy bay.”

Cũng trong dịp ký thỏa thuận này, tập đoàn FLC của ông Quyết còn tổ chức hội thảo quảng bá hệ thống khu nghĩ dưỡng FLC resorts tại khách sạn Trump International Hotel.

Tuy nhiên tờ Washinhton Post trích lời các chuyên gia nhận định rằng Tập đoàn FLC Group đang rất mạo hiểm, một hãng hàng không “ít tên tuổi,” còn non trẻ mà lại dám lao vào kinh doanh hàng không với một thỏa thuận ngoạn mục như vậy.

​“Đối với một doanh nghiệp vừa ra đời, chưa có hoạt động thử nghiệm nào mà lại đặt hàng mua nhiều máy bay như vậy được xem là điều rất bất thường,” tờ báo Mỹ nhận định.

Ông Henry Harteveldt, một nhà phân tích hàng không vũ trụ thương mại thuộc Viện Nghiên cứu Atmosphere Research được tờ Washington Post trích lời nói: “Việc mua 20 chiếc Boeing 787 cho thấy một mức độ tự tin – nhưng một số người sẽ cho rằng đó là sự kiêu ngạo, khoe hầu bao nặng túi.” Điều này cho thấy họ sẵn lòng bỏ qua một kế hoạch tài chính cơ bản đối với một hãng hàng không, thông thường các hãng chỉ mua một vài chiếc và đưa vào kinh doanh rồi mới phát triển tiếp dựa vào thị trường. Còn đây là một động thái rất táo bạo, rất nguy hiểm.”

Ông Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không vũ trụ của Tập đoàn Teal, nói với tờ Washington Post rằng ông không tin thị trường hàng không Việt Nam còn chỗ cho thêm một hãng hàng không nữa, vì nước này hiện đã có ba hãng hàng không thường xuyên khai thác rồi.

Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời ông Trịnh Văn Quyết nói mục tiêu dài hạn của Bamboo Airways là kết nối Việt Nam với các thị trường chủ đạo tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, trong đó dòng Boeing 787-9 Dreamliner đóng một vai trò quan trọng nhờ hiệu suất hoạt động và tính kinh tế vượt trội.

Cũng trong đầu năm nay, tập đoàn FLC đã chi trả trước 1.5 tỷ đôla trong một hợp đồng trị giá 3 tỷ đôla để mua 24 chiếc máy bay A321neo của hãng Airbus.

https://www.voatiengviet.com/a/bamboo-airways-cua-vn-mua-20-chiec-boeing-day-rui-ro-va-bat-thuong/4456704.html

 

TQ ‘giáo huấn’ doanh nghiệp

về làn sóng bài Trung ở VN và các nước

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo, hôm 26/6 cảnh báo các công ty nước này phải “khéo cư xử” và “cẩn trọng” trước làn sóng “chủ nghĩa dân tộc” ở các quốc gia Đông Nam Á, dẫn chứng những vụ biểu tình chống Luật Đặc khu gần đây tại Việt Nam.

Không nêu cụ thể nước nào, nhưng tờ báo được xem là “cái loa của Bắc Kinh” lý giải tính “nhạy cảm” về sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc trong khu vực là do “tranh chấp lãnh thổ” và “Một số quốc gia có tỷ lệ dân số người Hoa cao có một lịch sử chống Trung Quốc, kỳ thị người Hoa và cảnh giác với các doanh nghiệp Trung Quốc đang nắm giữ sinh mệnh kinh tế của đất nước”.

Tờ báo Trung Quốc nói thêm rằng do các dự án đầu tư của Trung Quốc liên quan đến một loạt các vấn đề quan trọng ở địa phương như bồi thường và thu hồi đất đai, nên đã khiến cho người dân địa phương “nhạy cảm với sự có mặt của các công ty nước ngoài”.

“Một trường hợp điển hình là các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mới nhất nổ ra hồi đầu tháng này tại Việt Nam. Mặc dù Luật Đặc khu mới đưa ra, cho phép thành lập các đặc khu kinh tế, không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng người Việt Nam tự động kết nối nó với các nhà đầu tư Trung Quốc. Xu hướng này phản ánh người dân ở các nước Đông Nam Á cảnh giác về đầu tư của Trung Quốc như thế nào”, tờ báo dẫn trường hợp của Việt Nam làm thí dụ.

Hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã xuống đường biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước vào ngày 10/6 để phản đối Quốc hội thông qua Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Công chúng lo ngại việc thành lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ khiến cho Việt Nam mất chủ quyền về tay Trung Quốc một khi các nhà đầu tư nước này đổ vào thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm.

Trong buổi tọa đàm với VOA Tiếng Việt ngày 25/6, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cho rằng chính sách xây dựng đặc khu là một chính sách tốt, nhưng nó trở nên nguy hiểm khi rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc.

“Nếu chúng ta thu hút các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu vào bắt tay xây dựng và phát triển kinh tế thì rất tốt, bởi vì những quốc gia đó là các quốc gia dân chủ, văn minh và họ đến Việt Nam với mục đích làm giàu cho bản thân là đương nhiên, nhưng ngoài ra họ còn tạo công ăn việc làm cho người dân, nộp thuế cho chính phủ Việt Nam để xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng nếu chính sách thu hút đầu tư đó lại dành cho các nhà đầu tư từ Trung Quốc, mà họ lại được nhà nước Trung Quốc đứng đằng sau, ẩn chứa nhiều mục đích khác nhau, ngoài mục đích làm giàu còn mục tiêu lâu dài là xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam thì đó là một điều rất đáng tiếc”.

Trước làn sóng bài Trung không chỉ tại Việt Nam và ở một số quốc gia Đông Nam Á khác, Hoàn Cầu Thời Báo nói đây là những “thách thức cố thủ” mà các nhà đầu tư Trung Quốc cần phải xử lý một cách “tế nhị” để “thúc đẩy các dự án Vành đai và Con đường”, một sáng kiến kinh tế ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, với tham vọng xây dựng một “con đường Tơ Lụa” mới kết nối các châu lục.

“Sẽ cần thời gian để những nghi ngờ và cảnh giác của người dân Đông Nam Á đối với Trung Quốc mất đi”, Hoàn Cầu Thời Báo nói. “Ngay lúc này, một số chính trị gia đang kích động chủ nghĩa dân tộc chống lại Trung Quốc để giành chiến thắng trong bầu cử, cản trở sự phát triển của Đông Nam Á và ngăn chặn những nước này hiểu biết về sự trỗi dậy không ích kỷ của Trung Quốc”.

Tờ báo Trung Quốc khuyên “Cả Đông Nam Á và Trung Quốc đều phải để lịch sử lại phía sau và nắm lấy hiện tại”.

Một số nhà quan sát quốc tế cho rằng các cuộc biểu tình vừa qua tại Việt Nam đã làm “rúng động” chính quyền tại Hà Nội, khi họ đã “chủ quan” và “đánh giá thấp” sự phẫn nộ của công chúng đối với Trung Quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau đó lên tiếng kêu gọi người dân “bình tĩnh” và “tin tưởng vào Đảng và chính phủ”, và trấn an rằng “không ai dại dột ngây thơ giao đất cho nước ngoài”.

Bình luận về các cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, bà Doãn Hải Hồng, nói nguyên nhân của vụ việc này là ở nội bộ của Việt Nam và không liên quan gì đến Trung Quốc.

“Tuy nhiên, sự cố vẫn có tác động tiêu cực đến quan hệ Trung-Việt. Hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ hành động song song với phía Trung Quốc, và dần dần phục hồi từ những tác động tiêu cực của vụ việc bằng hành động cụ thể, và nỗ lực thực tiễn cho sự phát triển ổn định của quan hệ Trung-Việt”, Bà Doãn nói trong một tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-giao-huan-doanh-nghiep-ve-lan-song-bai-trung-o-vn-va-cac-nuoc/4455689.html