Tin Biển Đông – 27/06/2018
Mỹ và Úc tăng cường hiện diện
tại khu vực tranh chấp Biển Đông
Hoa Kỳ và Australia vào ngày 26 tháng 6 đều có thông tin về biện pháp tăng cường sự hiện diện tại khu vực Biển Đông. Đây là vùng biển nơi mà Trung Quốc công khai mưu đồ thống trị bằng sức mạnh quân sự.
Quân đội Mỹ vào ngày 26 tháng 6 thông báo đã cho bố trí hàng không mẫu hạm lớn thứ ba đi tuần tra khu vực Biển Đông. Tin nói rõ trong cùng ngày hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan vào neo đậu tại Vịnh Manila, Philippines.
Phó Đô đốc Mỹ, Marc Dalton, được hãng tin AP dẫn lời rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông nhằm hỗ trợ cho khả năng phòng thủ đất nước của chính Hoa Kỳ và các đồng minh. Ngoài ra sự hiện diện như thế nhằm tăng tiến khả năng bảo vệ quyền tự do hàng hải, bảo đảm thương mại thông thương cũng như phòng ngừa xung đột và cưỡng dọa.
Truyền thông Philippines nói rõ ‘siêu hàng không mẫu hạm’ USS Ronald Reagan sẽ lưu lại tại nước này 4 ngày. Đây là chiến hạm dẫn đầu Nhóm Tác Chiến số 5 gồm khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Mustin, và hai tuần dương hạm cũng có tên lửa dẫn đường USS Anietam và USS Chancellorsville.
Chuyến tuần tra hàng hải của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan bắt đầu từ ngày 29 tháng 5 vừa qua, sau khi rời Căn Cứ Hải Quân Yokohama ở Nhật Bản.
Trong diễn tiến liên quan, Australia vào ngày 26 tháng 6 cũng cho biết sẽ đầu tư hơn 5 tỷ đô la Mỹ cho công tác phát triển và mua máy bay không người lái công nghệ cao của Hoa Kỳ. Mục tiêu nhằm sử dụng vào những cuộc hành quân hỗn hợp cũng như để giám sát các vùng biển, trong đó có Biển Đông.
Chính quyền Canberra xúc tiến công cuộc đầu tư hải quân được cho là lớn nhất trong thời bình thông qua chiến lược đóng tàu trong đó có những tàu ngầm mới, tàu tuần tra xa bờ cũng như những chiến hạm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Australia.
Cụ thể, chính phủ Canberra sẽ chi tiền mua máy bay không người lái MQ-4C Triton chuyên giám sát hàng hải để đưa vào hoạt động vào giữa năm 2023 cùng với đội 7 chiếc P-8A Poseidon hiện nay.
Trong thông cáo được đưa ra, thủ tướng Malcolm Turnbull nêu rõ những máy bay như thế sẽ giúp tăng cường một cách đáng kể khả năng chiến đấu trện biển, chống tàu ngầm cũng như khả năng tìm kiếm-cứu nạn của lực lượng Australia.
Cũng vào ngày 26 tháng 6, Ông Jim Mattis, trở thành vị bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2014. Mục tiêu chuyến đi được cho biết nhằm cải thiện đối thoại an ninh với Bắc Kinh trong tình hình căng thẳng quan hệ giữa đôi bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis của Mỹ từng là một tướng thủy quân lục chiến và là người mạnh mẽ chỉ trích biện pháp sử dụng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-aus-pre-scs-06262018141155.html
Mỹ-Trung: Tập Cận Bình tuyên bố với Mattis
“không lui một tấc đất”
Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc, bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp kiếnngày hôm nay 27/06/2018 tại Bắc Kinh. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng đặc biệt do vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc hội kiến, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tuyên bố thẳng với chủ tịch Trung Quốc về ý muốn quan hệ « hai nước đi đúng đường, đúng hướng, trao đổi ý kiến về đường lối lãnh đạo quân sự của ông và tìm phương cách cùng nhau đi tới ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ không nói gì đến tình hình Biển Đông mà hồi đầu tháng, tại Diễn Đàn An Ninh Shangri La, ông đã công kích Trung Quốc quân sự hóa để tranh đoạt khu vực, và sau đó rút lại lời mời Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 khai diễn vào hôm 27/06/2018.
Thế nhưng, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, tuy không nêu đích danh Đài Loan và Biển Đông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gián tiếp cảnh báo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ là cho dù yêu chuộng hoà bình, Trung Quốc « không nhượng một tấc đất nào của tổ tiên để lại ».
Trước lúc gặp ông Tập Cận Bình, ông James Mattis đã có một cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong cuộc gặp, ông Ngụy Phượng Hòa đã nói với phía Mỹ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ chỉ có thể cùng nhau phát triển bằng cách duy trì sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác với nhau mà không đối đầu. Theo nhân vật này, quân đội của hai nước nên thắt chặt quan hệ và kiểm soát các nguy cơ rủi ro.
Bản thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng cho biết là phía Trung Quốc đã nói rõ cho phía Mỹ biết lập trường và mối quan ngại của Bắc Kinh trên ba hồ sơ Đài Loan, Biển Đông và Bắc Triều Tiên.
Mỹ truy tố một đại học Trung Quốc có quan hệ với quân đội
Theo hãng Reuters, ngày 26/06/2018, công tố viên thuộc một tòa án liên bang tại Boston đã quyết định truy tố trường Đại Học Bách Khoa Tây Bắc tại Trung Quốc cùng với một người Trung Quốc cư ngụ ở Wellesley, bang Massachusetts, về tội âm mưu vi phạm luật xuất khẩu của Hoa Kỳ để có được thiết bị có thể dùng trong việc chống tàu ngầm.
Tư pháp Mỹ cũng truy tố công ty LinkOcean Technologies do người Trung Quốc này thành lập với cùng một tội danh.
Cáo trạng xác định rõ là Đại Học Bách Khoa Tây Bắc là một cơ sở nghiên cứu của Quân Đội Trung Quốc.
Việt Nam không gửi tàu chiến
tới cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới
Bộ Quốc phòng Việt Nam cử tám sỹ quan tham mưu nhưng không phái tàu chiến tới tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) bắt đầu vào ngày 27/6 tại Hawaii, Mỹ.
Thông Tấn Xã và truyền thông trong nước hôm 27/6 cho biết phái đoàn quân sự Việt Nam hôm 26/6 đã lên đường tới Hawaii nơi sẽ diễn ra cuộc diễn tập Hải quân đa phương lớn nhất trên thế giới do Mỹ tổ chức hai năm một lần.
Hải quân Mỹ hôm 30/5 công bố danh sách 26 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC. Việt Nam cùng với Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận này, theo trang mạng Stars & Stripes dẫn thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.
Việc Mỹ lần đầu tiên mời Việt Nam tham gia RIMPAC đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ, theo nhận định của Stars & Stripes.
Khi thông tin trên được công bố, đã có khá nhiều dự đoán về chủng loại tàu chiến sẽ được hải quân Việt Nam gửi đi tham dự cuộc tập trận này, theo Thanh Niên.
Nhưng một ngày trước khi RIMPAC khai mạc, Việt Nam vẫn không có động thái gì sẽ cử chiến hạm của mình tham gia và theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, chỉ có một phái đoàn sỹ quan 8 người tới tham dự.
Theo bản tin này, trọng tâm của đoàn Việt Nam là “diễn tập Sở chỉ huy hợp phần Hỗ trợ nhân đạo – giảm nhẹ thiên tai.” Truyền thông trong nước nhận định, do đó các tàu chiến không được cử đến cuộc tập trận này.
Việc tham gia của Việt Nam tại Diễn tập RIMPAC 2018 là để thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Việt Nam, theo báo điện tử Chính phủ VGP News.
Mối quan hệ giữa hai cựu thù Việt Nam và Mỹ đã nồng ấm hơn kể từ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam hồi tháng 5/2016 và tháng 3 năm nay, chiến hạm USS Carl Vinson đã có chuyến thăm lịch sử tới Đà Nẵng.
Bản tin của Thanh Niên nói: “Hy vọng rằng lần tập trận RIMPAC tiếp theo, Việt Nam sẽ cử được chiến hạm góp mặt và tham gia đầy đủ các khoa mục huấn luyện của RIMPAC 2020, nhằm tăng cường khả năng hợp tác chiến đấu, góp phần duy trì hòa bình, bảo vệ chủ quyền quốc gia.”
Theo thông báo từ phía Mỹ, cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 – dự kiến diễn ra từ 27/6 đến 2/8 – sẽ có sự tham dự của 47 tàu nước ngoài, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 quân nhân đến từ 26 quốc gia trên thế giới.
Hải quân Việt Nam đã hai lần cử quan sát viên tham gia Diễn tập RIMPAC vào các năm 2012 và 2016. RIMPAC lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1971 và đã trải qua 25 kỳ.
Nhật giúp Indonesia phát triển đảo trên Biển Đông
Nhật và Indonesia đang cùng hợp tác trên biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự hóa trên các hòn đảo được bồi đắp trong lãnh hải quốc tế.
Trong chuyến thăm kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono và người tương nhiệm Indonesia, Retno Marsudi, nhất trí với gói trợ giúp trị giá 23 triệu USD, theo Kyodo News hôm 25/6.
Hãng tin Nhật Bản cho biết các văn kiện được ký kết bao gồm các hiệp định về hợp tác kinh tế, an ninh hàng hải và chính sách chống khủng bố.
Sự giúp đỡ về an ninh hàng hải là một phần trong “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản. Nhật sẽ giúp Indonesia trong việc xây dựng các cảng biển và các cơ sở đánh bắt hải sản trên 6 đảo xa nhất của Indonesia, bao gồm đảo Natuna, nằm ở rìa của Biển Đông.
Natuna là hòn đảo cực nam của Indonesia trên Biển Đông, nơi các tàu đánh cá của Trung Quốc và nước ngoài vẫn tiếp tục hoạt động trái phép.
“Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác hàng hải. Điều này rất có ý nghĩa đối với chiến lược của cả hai nước,” Bộ trưởng Kono nói trong một thông cáo chung với bộ trưởng Indonesia.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Marsudi, cũng nhất trí rằng Bắc Hàn nên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nói rằng Indonesia ủng hộ các mục tiêu của Nhật trong việc loại bỏ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Bộ trưởng Nhật Bản, Kono, nói: “Chúng tôi tái khẳng định các cam kết của mình trong việc thực hiện chặt chẽ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và gây sức ép lên Bắc Hàn để Bình Nhưỡng dỡ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại tên lửa đạn đạo ở mọi tầm bắn.”
Tờ Jakarta Post của Indonesia hôm 25/6 cho biết hai bộ trưởng cũng đã nhất trí thảo luận về tổng quan của Hiệp định Đối tác Kinh tế Indonesia-Nhật Bản được khởi đầu từ năm 2008.
Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở Indonesia và thương mại hai chiều của hai nước đạt 33 tỷ USD vào năm 2016.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-giup-indonesia-phat-trien-dao-tren-bien-dong/4455540.html