Đọc báo Pháp – 26/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cúp Bóng Đá Thế Giới

và những người « Thợ cắt tóc »

Minh Anh

Ngoài chuyện thắng thua của các đội tuyển, chuyện hậu trường World Cup đôi khi cũng gây sự tò mò. Mỗi một ngày, các báo Pháp đều dành vài trang báo để nói về kết quả các trận đấu hôm trước, đưa ra các phân tích và đánh giá tương quan lực lượng các trận đấu trong ngày. Và đương nhiên là không quên những chuyện bên lề của quả bóng tròn.

Le Figaro (26/06/2018) thông báo : « Đan Mạch – Pháp : mục tiêu vị trí đầu bảng cho đội áo lam ». Đội tuyển Pháp có dịp gặp lại « người quen cũ » sau các kỳ Euro 84, World Cup 98 và Euro 2000, những trận đấu mang lại vinh quang cho đội tuyển Pháp khi các cầu thủ đá hết mình.

Nhưng cũng chính « người quen cũ » này đã nhiều lần nhấn chìm đội áo lam, đôi khi xuống đến tận đáy cùng của nỗi nhục nhã như trong trận bán kết Thế Vận Hội Mùa Hè 1908 với tỷ số 17-1, hay như trận thua Euro 92 và World Cup 2002.

Thắng thua là lẽ thường tình. World Cup là niềm vui của người này, nhưng là nỗi buồn của kẻ khác. Nhưng có lẽ sẽ không có nỗi buồn nào bằng sự buồn tủi của những cầu thủ ngồi ghế dự bị. Như thấu hiểu nỗi niềm của các cầu thủ « vô danh » đó, báo Le Monde có một bài viết, hóm hỉnh đề tựa « Profession : Coiffeur ».

Nếu dịch theo từng từ, Profession là Nghề nghiệp, Coiffeur là Thợ cắt tóc. Vậy thợ cắt tóc có liên quan gì đến bóng đá ? Xin thưa với quý vị là Có. Bởi vì đó là cách dùng từ với nội dung này ra đời ở Pháp dùng để ám chỉ đến các cầu thủ dự bị thường trực.

Theo nhật báo, cách dùng này có thể có hai xuất xứ. Nguồn gốc thứ nhất là vào năm 1958, trong kỳ World Cup tại Thụy Điển. Mùa giải năm đó, đội tuyển Pháp xếp hạng ba và chỉ sử dụng có 15 trong số 22 tuyển thủ. Bảy cầu thủ còn lại dường như để « giết thời gian » đã tình nguyện làm thợ cắt tóc cho các tuyển thủ chính thức.

Xuất xứ thứ hai có thể là từ năm 1986, để chỉ người ngồi sau băng ghế đứng lên cầm kéo cắt tóc. Ông Henri Emile, khi ấy là trợ lý cho huấn luyện viên trưởng Henri Michel tại World Cup Mêhicô nhớ lại : « Một cầu thủ đã cắt tóc cho một người khác và hài hước nói rằng : Dù sao đi nữa tớ cũng chỉ có mỗi việc này để làm mà thôi ».

Kể từ đó, thuật ngữ « Thợ cắt tóc » đã trở nên phổ biến. Vậy người ta có cảm thấy xấu hổ khi bị xem là thợ cắt tóc hay không ? Xin thưa là Không. Bởi vì tất cả mọi người, kể cả những danh thủ cũng đều phải trải qua kinh nghiệm này.

Volgograd : Một trận chiến khác của World Cup

Cúp Bóng Đá Thế Giới là dịp để nước chủ nhà giới thiệu các danh lam thắng cảnh tại những thành phố có diễn ra các trận cầu, nhằm thu hút khách du lịch. Nước Nga cũng không là một ngoại lệ. Thành phố Volgograd là nơi diễn ra các trận đấu của bảng A và trận đấu sau cùng của vòng loại là ngày 28/06 giữa đội Nhật Bản và Ba Lan.

Thế nhưng, theo Le Monde, đằng sau không khí hừng hực của bóng đá, còn là một trận đấu khác âm thầm hơn. Đó là một cuộc chiến lịch sử. Le Monde có bài viết đề tựa « Cúp Thế Giới trên đóng tro tàn của trận chiến Stalingrad ».

Thành phố Volgograd trước đây có tên gọi là Stalingrad. Thành phố mang tên của nhà lãnh đạo độc tài thời Xô Viết, ông Stalin. Đây cũng là nơi diễn ra trận chiến ác liệt giữa Hồng Quân Liên Xô và quân phát xít Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Vết tích của cuộc chiến khốc liệt đó vẫn còn tồn lại đến ngày nay. Người ta đã tìm thấy « bảy quả bom, đã được tháo gỡ thành công và hơn 300 mảnh vụn các thiết bị quân sự », cùng với hài cốt của hai binh sĩ Hồng Quân ngay trên mảnh đất công trường xây sân vận động bóng đá.

Giờ đây, nhiều cựu chiến binh, những người từng tham gia trận chiến oai hùng năm đó, nay tuổi đã gần đất xa trời, nhưng vẫn đang tiếp tục đấu tranh muốn giữ lại tên cũ thành phố là Stalingrad. Theo họ, nếu không có ông Stalin lúc bấy giờ, nước Nga không thể nào thắng trận. Họ muốn sửa chữa lại sai lầm của Khrouchtchev, người đã quyết định xóa tên Stalin, trả lại tên Volgograd vào năm 1961.

Họ tự hỏi, tại sao ở Pháp có nhiều con đường và phố mang tên Stalingrad hơn là ở Nga ? Ít nhất là vẫn còn đến 167 con phố hay đại lộ mang tên nhà độc tài tại Pháp đấy sao.

World Cup tại Bắc Triều Tiên ?

Les Echos cũng tham gia vào câu chuyện World Cup 2018 nhưng với một câu hỏi lớn : « Thế nếu như Bắc Triều Tiên đón Cúp Bóng Đá Thế Giới thì sao ? ». Ý tưởng này đã từng được tổng thống Hàn Quốc đề cập đến một lần vào tháng 06/2017. Đề xuất đã khiến nhiều người cười khẩy, nhưng nay với việc hâm nóng quan hệ ngoạn mục giữa hai nước Triều Tiên, thì điều đó có nhiều hy vọng thành sự thật.

Bởi vì theo quan điểm của tổng thống Moon Jae In, nếu World Cup 2030 sẽ do một khối châu Á bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí nếu có thêm Bắc Triều Tiên đồng tổ chức, « điều đó có lẽ sẽ giúp kiến tạo một nền hòa bình giữa hai miền Nam và Bắc, và rộng hơn nữa là cho cả vùng Đông Bắc Á ».

Mơ ước hai nước Triều Tiên cùng tổ chức World Cup đã được tổng thống Moon thổ lộ cùng với chủ tịch FIFA. Hứng thú trước ý tưởng này, ông Gianni Infantino dường như đã đáp trả rằng Seoul có lẽ nên chuẩn bị ngay từ bây giờ một hồ sơ ứng cử như thế.

http://vi.rfi.fr/phap/20180626-cup-bong-da-the-gioi-va-tho-cat-toc-tt

 

Tin đọc nhanh

(The Independent) – Trung Quốc thả « chim tình báo » tại 5 tỉnh. Theo trang The Independent ngày 25/06/2018, đây là những thiết bị bay tự hành, một phát minh mới của các nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Bách Khoa Tây Bắc, tỉnh Tây An, từng được biết đến vì tham gia nghiên cứu chiến đấu cơ tàng hình cho Không Quân Trung Quốc. Mỗi con chim robot hoạt động bằng động cơ điện được trang bị công nghệ định vị GPS, một máy theo có độ phân giải cao và một hệ thống kiểm soát bay được kết nối với vệ tinh để kiểm soát được từ xa.

(RFI/AFP) – Tổng thống Erdogan tái đắc cử, phương Tây kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy dân chủ. Washington lạnh nhạt đón nhận tin chiến thắng của tổng thống Erdogan. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng ngày 25/06/2018, Mỹ « khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các biện pháp để tăng cường dân chủ và tiếp tục các tiến bộ đạt được để giải quyết các vấn đề trong quan hệ song phương ». Thủ tướng Đức Merkel mong muốn « Thổ Nhĩ Kỳ ổn định và đa nguyên ».

(AFP) – Achentina tê liệt vì biểu tình chống chính phủ và IMF. Trong suốt ngày 25/06/2018, theo lời kêu gọi tổng đình công của tổng liên đoàn lao động và nhiều nhóm cực đoan, các đoàn người biểu tình đã chặn đường vào thủ đô Buenos Aires gần như bị bỏ hoang vì không có tầu, xe buýt hay taxi, trường học bị đóng cửa, phần lớn người dân không đi làm… để phản đối chính sách « thắt lưng buộc bụng » của chính phủ trung hữu, trở nên nghiêm trọng hơn với những yêu cầu giải ngân của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

(AFP) – Tên lửa của Israel rơi xuống gần sân bay Damas. Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria ngày 26/06/2018, hai tên lửa nhắm vào « các kho vũ khí của lực lượng Hezbollah », gần sân bay Damas. Israel vẫn bị cáo buộc thường xuyên tấn công vào các vị trí của Iran hoặc các lực lượng được cho là có quan hệ với Iran, gần khu vực sân bay Damas trong những năm gần đây. Israel luôn gay gắt chỉ trích Teheran tìm cách « cắm rễ » lâu dài tại Syria.

(Reuters) – Mưa lũ tại miền bắc Việt Nam làm ít nhất 15 người chết. Số lượng nạn nhân bị thiệt mạng vì lũ cuốn tại Việt Nam hôm nay 26/06/2018 đã lên đến 15 người. Chính quyền cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, đất lở còn rất cao tại sáu tỉnh miền núi Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, với dự báo những trận mưa lớn sắp tới. Lai Châu là nơi bị thiệt hại nặng nhất với ít nhất 12 người chết và 11 người bị lũ cuốn mất tích.

(AFP) –Thái Lan : 12 trẻ em vẫn bị kẹt trong hang động. Hôm nay 26/06/2018 là ngày thứ ba liên tiếp hàng trăm người tham gia tìm kiếm một nhóm 12 nam thiếu niên từ 11 đến 16 tuổi và huấn luyện viên bóng đá của các em bị kẹt trong một hang động ngập nước. Người nhái của hải quân lặn tìm tại động Tham Luang ở quận Mae Sai, có thể bị ngập đến 5 mét, do những trận mưa lớn những ngày gần đây ; và quân đội bắt đầu chạy đua với thời gian, dựng một đập ngăn luồng nước từ núi chảy xuống.

(Reuters) –Indonesia điều tra 4 nghi can trong vụ đắm phà. Cảnh sát Indonesia hôm nay 26/06/2018 cho biết thuyền trưởng và ba người khác bị đặt trong vòng điều tra, sau vụ chiếc phà Sinar Bangun bị đắm ở đảo Sumatra tuần trước, làm 3 người chết và 200 người mất tích. Đây là thảm họa đắm tàu lớn nhất tại Indonesia kể từ một thập niên. Chiếc phà không có giấy phép vận hành đã chở số lượng người gấp năm lần. Các thiết bị lặn được sử dụng để tìm 200 nạn nhân được cho là đã chết, bị kẹt trong chiếc phà đắm ở độ sâu 450 mét nước.

(AFP) –Phương Tây muốn tăng sức mạnh cho OIAC. Các nước phương Tây hôm nay 26/06/2018 họp tại La Haye muốn tăng cường sức mạnh cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OIAC) qua việc trao quyền chỉ đích danh chỉ tên thủ phạm các vụ tấn công hóa học, nhưng bị Nga phản đối. Cuộc họp này do Luân Đôn yêu cầu với sự ủng hộ của 11 nước đồng minh, vài tuần sau vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và con gái bị đầu độc. Để nghị quyết được thông qua cần phải có được 2/3 số phiếu, tuy nhiên một số nguồn tin cho biết Matxcơva đang tích cực vận động hậu trường. Năm ngoái Nga đã dùng quyền phủ quyết để kết thúc nhiệm kỳ của ủy ban điều tra (JIM) tại Syria, sau khi ủy ban này khẳng định chế độ Damas đã ít nhất bốn lần sử dụng khí độc tấn công.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180626-tin-doc-nhanh