Tin khắp nơi – 24/06/2018
WC18: Đức 2-1 Thụy Điển và đẳng cấp nhà vô địch
Thi đấu thiếu người và bị dẫn bàn trước, Đức đã chứng tỏ được vị thế của nhà đương kim vô địch khi vượt qua Thụy Điển ở phút bù giờ cuối cùng.
Đội tuyển Đức là đội nhập cuộc tốt hơn với hàng tiền vệ cơ động luôn duy trì được sức ép nhất định lên hàng phòng ngự của đội phương.
VAR, Ronaldo, Messi và bóng đá châu Âu
World Cup 2018: Các ‘ông lớn’ sảy chân
World Cup 2018: Công nghệ làm thay đổi bóng đá
Bất ngờ xảy ra ở phút 32. Toivonen nhận đường chuyền từ phía cánh phải của Viktor Claesson, khống chế khéo léo bằng ngực trước khi tâng bóng kỹ thuật qua đầu thủ môn Manuel Neuer mở tỷ số của trận đấu trong sự ngỡ ngàng của cầu thủ cũng như fan hâm mộ tuyển Đức.
Bàn thua như một gáo nước lạnh lên lòng tự trọng của nhà vô địch. Đức tiếp tục đẩy cao đội hình tràn hết lên phần sân của đội bóng Bắc Âu với hy vọng tìm kiếm bàn gỡ.
Họ hiểu rằng, nếu thất bại trong trận đấu này, họ sẽ chính thức phải trở thành cựu vương.
Chính vì vậy, ngay một trung vệ như Jerome Boateng thường xuyên dâng cao, đến sát cả vòng 16m50 của Thụy Điển để gia tăng sức ép – theo thống kê Đức có tỷ lệ cầm bóng lên tới 72%.
Và điều gì đến cũng phải đến, Marco Reus trong lần đầu tiên được đá chính tại World Cup đã đền ơn cho người thầy của mình bằng bàn thắng quân bình tỷ số ở phút 48 – một pha dứt điểm chéo góc từ đường căng ngang thuận lợi của đồng đội.
Sau bàn thắng đó, các cầu thủ Thủy Điển phải chịu một sức ép còn khủng khiếp hơn trước, nhưng các cơ hội lần lượt trôi qua mũi giày các chân sút của tuyển Đức hay bị cột dọc từ chối.
Sôi nổi World Cup – Một tuần qua ảnh
Những khoảnh khắc khó quên trong các kỳ World Cup
Đôi điều thú vị về World Cup 2018
Đức trong tình thế buộc phải thắng đã không còn cách nào là tiếp tục dâng cao, và đó là sơ hở để Thụy Điển phản công.
Và một trong tình huống như vậy, Jerome Boateng đã phải nhận thẻ vàng thứ hai ở phút 82 trong một nỗ lực ngăn cản một pha phản công của đội bóng áo Vàng.
10 phút cuối và chỉ thi đấu với 10 người và đây là lúc Đức đã phát huy được vị thế của một đội bóng lớn là như thế nào.
Phút bù giờ cuối cùng, sau khi Brandt bị phạm lỗi ở điểm phạt bên góc phải của vòng cấm, Reus và Kroos là người đứng trước bóng.
Và chỉ trong khoảnh khắc mà người ta vẫn hay gọi là khoảnh khắc của siêu sao, cầu thủ vừa giành cú hat-trick vô địch Champions League cùng Real Madrid là Toni Kross đã có pha cứa lòng đẳng cấp, đưa bóng vào góc xa, hạ gục thủ thành Robin Olsen, hoàn thành cuộc lội ngược dòng đầy cảm xúc của Cỗ xe tăng.
Ba điểm quý giá đưa Đức vươn lên vị trí thứ hai bằng điểm với chính Thụy Điển nhưng hơn thành tích đối đầu và trận cuối họ chỉ phải gặp một đội tuyển Hàn Quốc đã chính thức bị loại sau khi để thua Mexico 2-1 ít giờ trước đó.
Trong trận đấu sớm nhất, Bỉ “thong thả” vượt qua Tunisia với tỷ số 5-2 trong một trận đấu mà nếu chắt chiu hơn các chân sút của Bỉ có thể ghi được gấp đôi số bàn thắng đó.
Lukaku và Harzard mỗi người lập một cú đúp cùng một bàn thắng của Batshuayi, còn bên phía Panama, Bronn và Khazri là hai người ghi bàn thắng danh dự cho đội bóng châu Phi trước khi chính thức là đội tiếp theo phải nói lời chia tay World Cup.
Mexico tiếp tục phong độ chói sáng trước Hàn Quốc và vươn lên vị trí dẫn đấu bảng G cùng tấm vé vào vòng trực tiếp – đây sẽ là một đội bóng ẩn chứa nhiều bất ngờ nhất tính đến thời điểm này của giải đấu và hứa hẹn sẽ có thể lọt vào rất sâu trong vòng chung kết năm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44591145
World Cup 2018:
Tam Sư Anh Quốc “xé” Panama thành 6 mảnh
Không ai nghĩ là Panama có thể thắng được các « Mãnh Sư », biệt danh các tuyển thủ Anh Quốc, trong trận đấu ngày 24/06/2018 tại Cúp Bóng Đá Thế giới 2018. Nhưng khó có thể nghĩ rằng đội tuyển Mỹ La Tinh lại có thể bị lọt lưới đến 6 trái. Điều an ủi là Panama không đến nỗi bị thua trắng mà đã gỡ được một bàn danh dự vào những phút cuối trận.
Ngay khi bước vào trận đấu, vào phút thứ 8, các chú sư tử Anh Quốc đã gầm rú, với hậu vệ John Stones dâng lên ghi bàn thắng đầu tiên cho một trận mưa bàn của đội Anh vào lưới của Panama. Hiệp 1 kết thúc với tỷ số không thương tiếc 5-0.
Bước sang hiệp hai, Anh Quốc ghi thêm một bàn thắng thứ sáu, với Harry Kane lập thành tích ba bàn trong một trận, vươn lên đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng vua phá lưới của World Cup 2018, với tổng cộng 5 bàn thắng (sau hai bàn ghi trong trận trước với Tunisie). Theo sau là Cristiano Ronaldo, Bồ Đào Nha, và Romelu Lukaku, Bỉ, đồng hạng 4 trái.
Về phía Panama, Felipe Baloy đã đi vào lịch sử của nước này khi ghi được bàn thắng đầu tiên của Panama tại Cúp Thế Giới, và dĩ nhiên gỡ cho đất nước này một trái danh dự vào phút thứ 78.
Với chiến thắng này, Anh Quốc nắm chắc vé vào vòng 1/8, nhờ 2 trận thắng, trong lúc Panama đã bị loại sớm, sau hai trận thua.
Đức chứng tỏ đầy đủ đẳng cấp nhà vô địch trước Thụy Điển
Bốn ngôi sao trên áo của đội tuyển Đức quả là không phải tự nhiên mà có. Trong trận quyết đấu ngày 23/06 với đội tuyển Thụy Điển, dù chỉ còn 10 người trong sân, đội bóng Đức, đương kim vô địch thế giới đã kiên trì thi đấu cho đến giây phút cuối cùng để giành được phần thắng, và đã thành công.
Sau trận thua đau Mêhicô 0-1 trong ngày ra quân, đội Đức cần phải thắng trận thứ hai để có thể tự mình quyết định vận mệnh của mình trong trận thứ ba, không lệ thuộc vào kết quả đội khác. Thế nhưng, mọi sự đã lại khởi đầu thất lợi cho Đức khi ở phút thứ 32 hiệp đầu, các tuyển thủ Đức đã bất ngờ bị Thụy Điển dẫn trước 1-0.
Nếu tỷ số này được duy trì cho đến cuối, thì kể như Đức sẽ bị loại sớm, nhường chỗ cho hai nước thắng mình là Mêhicô (đã thắng luôn Hàn Quốc trước đó vài tiếng đồng hồ). Ngay sau bàn thắng, Thụy Điển đã tìm cách khóa ngay các đường vào cầu môn của mình, liên tiếp bẻ gãy các dợt tấn công của Đức cho đến hết hiệp 1.
Sang hiệp 2, may mắn đã đến với đội Đức khi vào phút thứ 48, khi Reus gỡ hòa cho Đức. Những phút sau đó, các tuyển thủ Đức đã tràn lên ép sân Thụy Điển, nhưng vô hiệu, và đến phút thứ 82 tại họa lại đổ lên đầu Đức, khi Boateng nhận thẻ vàng thứ 2, phải ngậm ngùi lãnh thẻ đỏ ra sân. Tuy nhiên Đức không nản chí, và vẫn tiếp tục tấn công, để khỏi bị chia điểm
Phải chờ cho đến phút cuối cùng (90+5), khi được hưởng quả đá phạt chếch về cánh trái, Kroos phối hợp với Reus, đưa được quả bóng vào góc chết bên phải khung thành Thụy Điển, mang về chiến thắng 2-1, và nhất là cơ hội để đội Đức vào vòng 1/8.
Đường vào vòng 1/8 như vậy đã rộng mở cho Đức, vì trong lượt đấu cuối bảng F vào ngày 27/06, Đức sẽ gặp Hàn Quốc, và nếu xem qua các trận vừa qua, thì khó có khả năng đội bóng xứ Kim Chi thắng được Đức trong một trận mà nhà đương kim vô dịch bắt buộc phải thắng.
Trong hai trận còn lại hôm qua, như tin chúng tôi đã loan, Bỉ đã thắng Tunisie 5-2, và Mêhicô thắng Hàn Quốc 2-1.
World Cup: Ẩu đả, 7 người Argentina bị bắt
Ủy ban tổ chức World Cup của Nga ngày 22/6 loan báo 7 người Argentina bị cảnh sát bắt sau khi ẩu đả với các cổ động viên Croatia trong một trận đấu hôm 21/6.
Cơ quan FIFA cùng ngày 22/6 cho hay đang tìm cách nhận dạng các fan này theo hình ảnh ghi lại vụ xô xát tại trận đấu hôm thứ năm giữa Argentina và Croatia ở Nizhny Novgorod, theo Reuters.
Phát ngôn nhân ủy ban tổ chức World Cup của Nga cho biết mọi việc giờ phụ thuộc vào giới hữu trách tư pháp để xử lý vụ việc theo luật định.
https://www.voatiengviet.com/a/au-da-tai-world-cup-7-nguoi-argentina-bi-bat-/4450967.html
Thợ làm nail ăn theo “world cup”
bằng cách vẽ quốc kỳ các đội tuyển
Samara, Nga – Thợ làm nail thường ít khi ăn theo các sự kiện thể thao lớn, như Oplympic, Euro, hoặc World cup. Tuy nhiên, với giải túc cầu lớn nhất thế giới được tổ chức tại trong nước, thợ làm nail Natalia cho biết cô vẽ thử 10 lá quốc kỳ lên 10 móng tay của một cô bạn tại thành phố Samara. Không ngờ thử nghiệm của cô rất thành công.
Với tiệm nail ở gần sân vận động Samara, là một trong những nơi tổ chức 6 trận đấu vòng loại, Natalia kể lại rằng mình tận dụng giải túc cầu này như một nguồn cảm hứng. Trò chuyện với phóng viên Reuters, Natalia cho biết sự sáng tạo mang lại một niềm vui bất ngờ. Cô có thể sử dụng nhiều màu sắc, và nhiều vật liệu khác nhau, và ngay lập tức cảm nhận được điều kỳ diệu của công việc sáng tạo.
Không chỉ vẽ quốc kỳ, cô còn vẽ áo thun của các đội banh, khung thành với quả bóng, hoặc chữ tắt của icon tiêu biểu như FIFA. Cô cũng vẽ búp bê Nga lên móng tay, và vẽ nhiều biểu tượng của 32 đội tuyển theo những mẫu mà cô đã chuẩn bị sẵn.
Bạn của Natalia là Katya, cho biết cô sơn 10 móng tay này để đi xem trận đấu giữa Nga và Uruguay, sẽ diễn ra vào Thứ Hai 25/06. Tất nhiên Katya sẽ ủng hộ và cổ vũ cho đội nhà hết mình. Còn đối với Natalia, cô muốn đội tuyển Nga sẽ giành chức vô địch thế giới, và những thiết kế đầy màu sắc này giúp cô củng cố thêm niềm tin. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tho-lam-nail-an-theo-world-cup-bang-cach-ve-quoc-ky-cac-doi-tuyen/
Bức ảnh bìa bé gái khóc cạnh tổng thống Trump
của tạp chí Time gây tranh cãi
Washington DC – Hình ảnh xuất hiện trên bìa tạp chí Time tuần này đã trở thành lời kêu gọi có tầm ảnh hưởng nhất cho việc chấm dứt chính sách cô lập trẻ em khỏi cha mẹ sau khi bị bắt giữ ở biên giới Hoa Kỳ.
Trên ảnh bìa là hình ảnh tổng thống Trump với dáng người to lớn áp đảo so với đứa bé đang đứng khóc ngay cạnh đó. Bên cạnh bức hình minh họa là dòng chữ “Chào mừng đến Hoa Kỳ”. Nhưng khi thông tin chi tiết về cô bé được làm rõ, thì các nhà phê bình lại cho rằng trang bìa này gây hiểu lầm. Bởi vì cô không nằm trong số hàng ngàn trẻ em bị cô lập khỏi cha mẹ ở biên giới.
Nội dung của bức ảnh gốc là hình ảnh bé gái hai tuổi người Honduras đứng khóc khi mẹ bé bị lục soát và giam giữ cạnh đó. Bức ảnh này do John Moore, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh người di cư băng qua biên giới Mỹ-Mexico trong nhiều năm ghi nhận lại ở McAllen, Texas hồi tuần trước.
Các tổ chức truyền thông, bao gồm cả CNN, đã sử dụng bức ảnh một cách rộng rãi để minh họa những câu chuyện về trẻ em bị bắt khỏi cha mẹ sau khi cố gắng vượt qua biên giới. Các phóng viên bắt đầu tìm kiếm thêm thông tin về cô bé và không lâu sau đó truy ra được rằng cha của bé vẫn còn ở Honduras, đồng thời cô bé không hề bị tách khỏi mẹ.
Thông tin mới này biến tạp chí Time cùng trang bìa thành trung tâm của câu chuyện về đạo đức truyền thông. Nhiều nhà bình luận cho rằng bức ảnh này không trung thực vì cô bé gái không hề bị tách ra khỏi mẹ.
Tuy nhiên, phía tạp chí Time vẫn kiên quyết bảo vệ trang bìa này với lý do “thể hiện được thực trạng hiện nay”. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/buc-anh-bia-be-gai-khoc-canh-tong-thong-trump-cua-tap-chi-time-gay-tranh-cai/
Mỹ: 522 trẻ nhập cư bị tách khỏi bố mẹ
được đoàn tụ với gia đình
Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ ngày 23/06/2018 thông báo 522 em nhỏ từng bị tách rời khỏi cha mẹ trong chương trình « không khoan nhượng » đối với người nhập cư bất hợp pháp đã được đoàn tụ với gia đình; 16 em khác sẽ được trao lại cho cha mẹ các em trong vòng 24 giờ sắp tới. Cho dù vậy, tổng thống Donald Trump tiếp tục bảo vệ lập trường cứng rắn của mình.
Tổng thống Donald Trump vẫn đang chịu sức ép chính trị lớn do những chính sách nhập cư còn rất nhập nhằng của ông. Hôm qua 23/06, khoảng dân biểu đảng Dân Chủ đã tới thăm trại tập trung di dân McAllen ở bang Texas, gần biên giới với Mêhicô và chỉ trích chính sách bất khoan dung của tổng thống Trump.
Ông Mike Capuano, dân biểu bang Massachusetts, phát biểu trong một cuộc họp báo : « Lý do khiến tôi tới đây, đó là ông Donald Trump đã thay đổi các chính sách và đối xử với các gia đình một cách vô nhân đạo ». Nhiều dân biểu vẫn đặt câu hỏi về việc làm cách nào tìm lại gia đình cho các em nhỏ bị chia lìa khỏi cha mẹ và lo ngại liệu chuyện tồi tệ có tái diễn nữa hay không.
Tuy nhiên, trong thông điệp hàng tuần, tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục chỉ trích các đối thủ chính trị ủng hộ mở cửa biên giới, cho rằng họ chỉ muốn rằng tất cả người nhập cư được đối xử nhẹ nhàng, cho dù những người này có nguy hiểm đến mấy đi chăng nữa.
Trong một bài diễn văn tại Đại Hội Đảng Cộng Hòa bang Nevada, ở Las Vegas, tổng thống Mỹ tiếp tục bảo vệ lập trường cứng rắn của mình về những người nhập cư vượt biên giới Hoa Kỳ – Mêhicô.
Ông khen ngợi ngợi chính quyền của mình đã làm tốt công việc và nói rằng các biện pháp của chính quyền sẽ làm cho Hoa Kỳ hùng mạnh hơn. Theo tổng thống Trump, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,8%, Hoa Kỳ cần người lao động nhập cư, nhưng ông muốn những người nhập cư hợp pháp: « Chúng tôi cần họ tới, nhưng họ phải là những người yêu đất nước này, có thể yêu đất nước chúng ta và thực sự có thể giúp chúng ta đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại ».
Mỹ đe dọa phủ quyết các phán quyết của WTO
Mỹ gia tăng thách thức đối với hệ thống thương mại toàn cầu hôm thứ Sáu, nói với Tổ chức Thương mại Thế giới rằng những phán quyết phúc thẩm trong các tranh chấp thương mại có thể bị phủ quyết nếu chúng mất nhiều thời gian hơn 90 ngày được cho phép.
Phát biểu của Đại sứ Mỹ Dennis Shea đe dọa làm xói mòn một yếu tố then chốt của việc chấp hành luật lệ thương mại tại WTO đã hoạt động 23 năm qua: đó là sự dàn xếp tranh chấp mang tính ràng buộc, được nhiều người coi là một thành trì quan trọng chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Bước đi này được đưa ra trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã lên tiếng chỉ trích các thẩm phán WTO trong quá khứ, đe dọa sẽ đánh thuế nhập khẩu 20 phần trăm lên xe hơi của Liên minh Châu Âu, trong một chiến dịch đe dọa và thuế quan chưa từng có nhằm trừng phạt các đối tác thương mại của Mỹ.
Ông Shea nói với cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO rằng các phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm của WTO, trên thực tế là tòa án tối cao của thương mại thế giới, là vô giá trị nếu chúng mất quá nhiều thời gian. Các phán quyết sẽ không còn bị chi phối bởi “sự đồng thuận ngược,” theo đó chúng sẽ bị chặn lại chỉ nếu tất cả các thành viên WTO chống đối.
Một quan chức tham dự cuộc họp nói với Reuters rằng các thành viên WTO khác đồng ý rằng Cơ quan Phúc thẩm phải tuân thủ các quy định, nhưng không ai ủng hộ quan điểm của ông Shea rằng các phán quyết muộn có thể bị phủ quyết, và nhiều người bày tỏ lo ngại về những phát biểu của ông.
Các phán quyết thường được đưa ra muộn vì WTO nói rằng các tranh chấp rất nhiều và phức tạp. Mọi thứ càng bị trì trệ hơn nữa bởi vì ông Trump đang chặn việc bổ nhiệm những thẩm phán mới, dồn khối lượng công việc lên các thẩm phán còn lại.
Tại cuộc họp hôm thứ Sáu, Mỹ vẫn tiếp tục phản đối việc bổ nhiệm các thẩm phán, một tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ phủ quyết một thẩm phán đang hi vọng được tái bổ nhiệm vào hội đồng thẩm phán bảy người vào tháng 9.
Nếu không có ông này, Cơ quan Phúc thẩm sẽ chỉ có ba thẩm phán, con số tối thiểu cần thiết để giải quyết mọi tranh chấp. Việc này khiến hệ thống có nguy cơ đổ vỡ nghiêm trọng nếu một trong ba thẩm phán không thể tham gia phân xử một vụ kiện vì lí do pháp lí hoặc các lí do khác.
66 quốc gia thành viên WTO đang ủng hộ một kiến nghị yêu cầu Mỹ cho phép việc bổ nhiệm được xúc tiến. Hôm thứ Sáu, Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, lần đầu tiên ủng hộ bản kiến nghị. Điều này có nghĩa là tất cả những nước chính sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp đều thống nhất chống lại ông Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/my-de-doa-phu-quyet-cac-phan-quyet-cua-wto/4450959.html
Hoa Kỳ nghi ngờ Trung Cộng bắn tia laser
ở Thái Bình Dương
Washington DC- CNN ngày 22/06 dẫn lời một viên chức quân đội Hoa Kỳ giấu tên cho biết đã có 20 lần bắn laser nhằm vào phi cơ Hoa kỳ hoạt động ở Thái Bình Dương từ tháng 9 năm ngoái đến nay.
Viên chức này cũng bày tỏ nghi ngờ Trung Cộng là thủ phạm và cho biết thêm không có ai bị thương trong các sự việc trên. Lần bắn laser gần đây nhất diễn ra ở khu vực Biển Đông, bao gồm cả vùng biển Senkaku – khu vực mà Trung cộng và Nhật bản đang tranh chấp.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm Thứ Sáu 22/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Cảnh Sảng cho rằng các cáo buộc của phía Hoa kỳ là hoàn toàn vô căn cứ và bịa đặt.
Hồi đầu năm nay, cũng xảy ra 1 đợt bắn laser tương tự tại phía đông thành phố Djibouti thuộc châu Phi, làm bị thương phi công Hoa Kỳ. Ngũ giác đài cho hay tia laser xuất phát từ 1 căn cứ quân sự của Trung Cộng gần Djibouti, gây cản trở hoạt động của quân đội Hoa kỳ. Sau sự việc ở châu Phi, 1 viên chức an ninh cho biết quân đội Hoa Kỳ tin rằng Trung Cộng đang sử dụng cùng 1 loại tia laser ở Biển đông.
Theo bản báo cáo của quân đội Trung Cộng năm 2015, nước này đã phát triển 4 loại vũ khí laser để phục vụ công tác an ninh quốc phòng, dù Trung Cộng và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận không sử dụng tia laser trong chiến tranh. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-nghi-ngo-trung-cong-ban-tia-laser-o-thai-binh-duong/
Biện pháp khắc phục
tình trạng thiếu nhà tại các thành phố lớn ở Mỹ
California – Vấn đề giá nhà tăng cao tại Silicon Valley đã đẩy giá nhà tại nhiều nơi trong khu vực vượt ngoài tầm với của hầu hết cư dân địa phương, dẫn đến tình trạng vô gia cư và khiến nhiều nhân viên chật vật tìm nhà ở.
Để đối phó với tình trạng này, thành phố San Jose ban hành quy định cho phép các chủ nhà xây phòng cho thuê trên khu đất của họ. Quy định này vừa giúp người dân kiếm thêm thu nhập, vừa tăng diện tích nhà ở tại khu vực. Theo CBS, hội đồng thành phố đang nới lỏng các quy định cho hạng mục nhà ở bổ sung. Theo đó, người dân có thể xây các căn nhà với diện tích nhỏ hơn trước và những căn nhà với 1 phòng ngủ giờ đây có thể tách ra thành 2 phòng ngủ.
Ngoài San Jose, nhiều thành phố lớn như Boston, New York và Washington cũng đang tìm kiếm giải pháp cho tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ. Các thành phố trên khắp Hoa Kỳ đang tìm cách loại bỏ một số quy định dẫn đến giảm sút nhà ở, đặc biệt về quy định quy hoạch địa ốc. Theo báo cáo của Tòa bạch ốc, các quy định quy hoạch và kiểm soát sử dụng đất khiến việc xây nhà rất khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà ở đô thị. Ngoài ra, các thành phố lớn lại cho xây cao ốc sang trọng với giá cao, làm cho người dân không thể thuê nhà. Do đó, nếu cần thay đổi chính sách, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền nên ân xá cho các chủ sở hữu nhà đất bất hợp pháp trước đây. Tại San Jose, nếu khu vực cho thuê nằm gần phương tiện giao thông công cộng, chính quyền sẽ bỏ các quy định về chỗ đậu xe. Thành phố cũng sẵn sang ân xá cho các chủ sở hữu cho thuê từng vi phạm nội quy nhà ở. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bien-phap-khac-phuc-tinh-trang-thieu-nha-o-tai-cac-thanh-pho-lon-o-my/
Mỹ: Phải có trát
mới được lần dấu tội phạm qua điện thoại di động
Cảnh sát cần phải có trát mới được phép tiếp cận các hồ sơ dữ liệu về các địa điểm mà những khách hàng dùng điện thoại di động đã lui tới, theo phán quyết của Tòa Tối cao ngày 22/6.
Quyết định này đánh dấu bước thay đổi lớn trong cách thức cảnh sát lấy thông tin mà các công ty điện thoại thu về từ các tháp điện thoại di động, phương tiện mà nhờ đó người ta có thể gọi hay nhận cuộc gọi và truyền dữ liệu. Những thông tin truy ra từ điện thoại di động đã trở thành công cụ quan trọng trong các cuộc điều tra hình sự.
AP dẫn lời Chánh án John Roberts cho biết quyết định của tòa chỉ giới hạn ở việc thu thập thông tin từ điện thoại di động, không ảnh hưởng tới các thông tin dữ liệu khác, kể cả những thông tin ngân hàng nắm giữ. Ông nói thêm rằng cảnh sát có thể đáp ứng trước một tình huống khẩn cấp mà thu thập dữ liệu không cần trát.
Ông Roberts nói khi chính quyền truy tìm dấu vết của một người qua điện thoại di động, thì không khác gì có được một sự theo dõi gần như hoàn hảo giống như gắn thiết bị theo dõi vào mắt cá người sử dụng vậy.
Phát ngôn viên Nhà Trắng nói
bị đuổi khỏi nhà hàng ở Virginia
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders hôm thứ Bảy cho biết bà đã bị yêu cầu rời khỏi một nhà hàng ở bang Virginia vì bà làm việc cho Tổng thống Donald Trump. Bà là quan chức chính quyền mới nhất hứng chịu phản ứng giận dữ ở nơi công cộng trong tuần này.
Bà Sanders viết trên Twitter rằng bà đã bị chủ nhà hàng The Red Hen ở thành phố Lexington, bang Virginia bảo rằng bà phải “rời đi vì tôi làm việc cho [Tổng thống Hoa Kỳ] và tôi đã lịch sự rời đi.”
Bà nói sự việc tối thứ Sáu cho thấy nhiều điều về người chủ nhà hàng này hơn là về bà.
“Tôi luôn cố hết sức đối xử với mọi người, kể cả những người mà tôi không đồng ý, bằng sự tôn trọng và sẽ tiếp tục làm như vậy,” bà Sanders nói trong dòng tweet từ tài khoản chính thức của bà.
Chủ nhà hàng, Stephanie Wilkinson, nói với báo The Washington Post hôm thứ Bảy rằng bà tin rằng bà Sanders phục vụ một chính quyền “vô nhân đạo và vô đạo đức,” rằng bà Sanders đã công khai bênh vực những chính sách “ác độc nhất” của tổng thống, và rằng chuyện đó không thể chấp nhận được.
“Tôi không thích đối đầu,” bà Wilkinson nói với tờ Post. “Tôi có cơ sở làm ăn và tôi muốn nó phát triển thuận lợi. Lúc này cảm thấy như là lúc mà người ta cần phải đưa ra những hành động và quyết định làm mình không thấy thoải mái để giữ gìn đạo lí.”
Bà Wilkinson nói bà đã hỏi ý kiến toàn thể nhân viên viên trước khi bà đưa ra quyết định yêu cầu bà Sanders rời đi, và họ đồng ý.
Cách đối xử với Sanders tại nhà hàng đã khơi lên phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội từ cả hai phía với những lời phê phán lẫn khen ngợi.
Mỹ đưa quan tài tới biên giới liên Triều
chờ nhận hài cốt binh sĩ
Quân đội Mỹ đã đưa 100 quan tài bằng gỗ đến biên giới liên Triều Tiên để chuẩn bị cho việc Triều Tiên trao trả lại hài cốt của các binh sĩ Mỹ mất tích từ thời Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-53.
Phát ngôn viên Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, Đại tá Chad Carrol, cho biết 158 hòm chuyển giao bằng kim loại sẽ được sử dụng để đưa hài cốt về Mỹ đã được gửi tới một căn cứ không quân của Mỹ gần Seoul.
Triều Tiên, tại hội nghị thượng đỉnh ngày 12 tháng 6 ở Singapore giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đồng ý trả lại những di hài này cho Mỹ.
Các đội tìm kiếm của Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành 33 hoạt động truy tìm từ năm 1996 đến năm 2005 và thu thập được 229 bộ hài cốt.
Các quan chức Mỹ dự trù hài cốt sẽ được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc ở Hàn Quốc gần Seoul và sau đó được chuyển đến Căn cứ Không quân Hickam ở Hawaii vào một ngày chưa được xác định.
Thổ Nhĩ Kỳ bầu Quốc Hội và tổng thống:
Quyền lực Erdogan bị thử thách
Dưới sự giám sát an ninh chặt chẽ, khoảng 56 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay 24/06/2018 đến phòng phiếu, bầu lại Quốc Hội (chỉ có một vòng duy nhất) và bầu lại tổng thống trước thời hạn (vòng 1). Đây là một kỳ bầu cử được dự đoán sẽ có kết quả sít sao nhất kể từ khi tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền cách đây 15 năm.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette cho biết:
Cuộc bỏ phiếu hôm nay sẽ là cuộc bỏ phiếu có kết quả khít khao nhất kể từ khi đảng Công Lý và Phát Triển AKP lên cầm quyền vào năm 2002. Từ lâu lắm rồi đây mới là lần đầu tiên phe đối lập có được một cơ hội thực sự, lần này phe đối lập rất đoàn kết nhằm làm lung lay chiếc ghế của tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Thậm chí có thể kết quả bỏ phiếu được công bố tối hôm nay sẽ cho thấy là phe đối lập sẽ chiếm được đa số ghế trong Quốc Hội.
Điều này có thể giải thích bằng nỗ lực vận động tranh cử của đối lập. Trong khi đó, tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng có chương trình vận động mạnh mẽ những người ủng hộ ông, đặc biệt thông qua cỗ máy tranh cử và truyền thông đầy quyền lực của đảng cầm quyền AKP.
Do vậy, chiến dịch tranh cử của cả hai phe đều thu hút cử tri. Các cử tri lần này bị phân cực rõ rệt.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong không khí rất căng thẳng, với hơn 500.000 quan sát viên hiện diện tại các phòng bỏ phiếu trong ngày hôm nay, nhất là các quan sát viên độc lập được các tổ chức phi chính phủ chỉ định trong chiến dịch tranh cử.
Tổng thống Zimbabwe ‘ở cách vụ nổ vài tấc’
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa sống sót sau vụ đánh bom tại cuộc biểu tình ở thành phố Bulawayo.
Ông Mnangagwa nói một vật “đã nổ tung cách tôi vài tấc – nhưng may là tôi vừa kịp rời đi”.
Đoạn băng CCTV từ sân vận động White City cho thấy một vụ nổ xảy ra ở cự ly gần với ông Mnangagwa khi ông rời sân khấu sau khi diễn thuyết trước những người ủng hộ.
Zimbabwe: Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức tổng thống
Bắt hiệu trưởng ĐH cấp bằng TS cho vợ Mugabe
Tổng thống Zimbabwe đối mặt hàng loạt tội danh
Đối thủ của Robert Mugabe trở lại nắm quyền
Bộ trưởng Y tế David Parirenyatwa cho biết 15 người bị thương, trong đó có ba người bị thương nặng.
Chưa rõ số người bị thương chính xác – và các báo cáo cho thấy con số này có thể cao hơn nhiều.
Tổng thống đã ở Bulawayo, thành phố thứ hai của Zimbabwe và là thành trì của phe đối lập, để vận động cho đảng Zanu-PF trước các cuộc bầu cử diễn ra ngày 30/7.
Cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy ông có nhiều khả năng giành chiến thắng, nhưng các nhà phân tích nói rằng ông cũng có đối thủ đáng gờm.
Phát ngôn viên của ông Mnangagwa cho biết, trong khi tổng thống không hề hấn gì, Phó tổng thống Kembo Mohadi bị thương ở chân. Một phó tổng thống khác, Constantino Chiwenga, bị những vết bầm trên mặt.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44591844
Hàng chục ngàn người tuần hành ở London
đòi bỏ phiếu lại về Brexit
Hàng chục ngàn người biểu tình chống Brexit đã tuần hành hôm thứ Bảy tại London để đòi một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc rời khỏi Liên minh Châu Âu, trong khi nước Anh kỉ niệm hai năm người dân bỏ phiếu quyết định rời bỏ khối này.
Trong khi đó những người ủng hộ Anh rời bỏ EU (được gọi là Brexit trong tiếng Anh) cảnh báo chính phủ Anh không nên trì hoãn hoặc giảm nhẹ sự đoạn tuyệt với khối gồm 28 quốc gia. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết Thủ tướng Theresa May phải giữ lời “rút Anh đi khỏi hoàn toàn,” điều mà các cử tri đã mong muốn.
Anh bỏ phiếu với tỉ lệ 52-48 phần trăm vào ngày 23 tháng 6 năm 2016 để rời khỏi EU, và dự kiến sẽ chính thức rời đi vào ngày 29 tháng 3 năm 2019. Nhưng đất nước này – và chính phủ do Đảng Bảo thủ nắm quyền – vẫn bị chia rẽ về chuyện họ muốn một mối quan hệ kinh tế kiểu gì với EU.
Những người phản đối Brexit, nhiều người vẫy cờ EU, tuần hành qua trung tâm London đến Nghị viện hôm thứ Bảy, kêu gọi trưng cầu dân ý về bất kỳ thỏa thuận dứt bỏ nào đạt được giữa Anh và EU.
AP cho biết đám đông lên tới hàng chục ngàn người, trong khi ban tổ chức ước tính tới 100.000 người tham gia. Cảnh sát không đưa ra ước tính chính thức. Một cuộc tuần hành ủng hộ Brexit đòi Anh không thỏa hiệp với EU thu hút một đám đông nhỏ hơn nhiều, theo AP.
Chiến dịch People’s Vote (Cuộc bỏ phiếu của người dân), đoàn thể tổ chức cuộc tuần hành, lập luận rằng ý công luận đang quay mặt lại với Brexit khi những tổn hại kinh tế trở nên rõ ràng hơn.
James McGrory, một trong những người tổ chức, nói cử tri đã được hứa hẹn đủ điều nhưng “nhưng hai năm sau, tất cả những gì chúng tôi nhận được đều là những lời hứa suông, một nền kinh tế đang chịu áp lực từ Brexit và một chính phủ bị tê liệt vì chia rẽ nội bộ,” ông được AP dẫn lời nói.
Các nhà lãnh đạo của cả hai Đảng Bảo thủ và Công Đảng đối lập của Anh đều phản đối tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý Brexit khác, dù nhiều thành viên của cả hai đảng bất đồng. Các đảng nhỏ hơn, bao gồm Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do, ủng hộ tổ chức một cuộc bỏ phiếu Brexit mới.
Chính phủ quyết tâm hoàn tất bằng được tiến trình Brexit nhưng Nội các của Thủ tướng May bị chia rẽ về cách thức tiến hành, với các bộ trưởng ủng hộ Brexit như ông Johnson đòi đoạn tuyệt để Anh có thể đạt được các thỏa thuận thương mại mới trên toàn thế giới. Những người khác, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, muốn giữ Anh gần gũi với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Anh.
Cựu sứ thần Vatican
bị kết tội tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em
Một tòa án ở Vatican hôm thứ Bảy kết án một linh mục Công giáo năm năm tù giam vì stàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em trong khi ông ta làm việc ở Mỹ trong tư cách là một nhà ngoại giao.
Ông Carlo Alberto Capella sẽ thụ án bên trong một nhà giam bên trong trụ sở lực lượng cảnh sát Vatican, Vatican cho biết.
Phiên tòa kéo dài hai ngày và ông Capella thú nhận trong phiên nghe chứng đầu tiên hôm thứ Sáu rằng ông nảy sinh dục vọng “đồi bại” sau khi ông đến Mỹ nhận nhiệm sở ngoại giao tại tòa khâm sứ của Vatican ở Washington vào năm 2016.
“Nó chưa bao giờ là một phần trong đời sống linh mục của tôi trước đây,” ông nói với tòa án, nói thêm rằng ông không vui vẻ gì ở Washington.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cho Vatican vào tháng 8 năm 2017 về việc một thành viên sứ đoàn ngoại giao của Tòa thánh được phái tới Washington có thể đã có hành vi phạm pháp liên quan đến hình ảnh khiêu dâm trẻ em.
Mỹ sau đó đã yêu cầu Vatican rút quyền miễn tố ngoại giao của ông Capella để mở đường cho việc có thể truy tố ở đó, nhưng Vatican từ chối.
Sau khi ông Capella bị triệu hồi về Rome, cảnh sát ở Windsor, Canada cho biết họ đã ra lệnh bắt giữ ông vì nghi ngờ tàng trữ và phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em trên Internet trong khi đến thăm một nhà thờ ở Canada.
Đài Loan lại tung tiêm kích và chiến hạm
theo dõi tàu Trung Quốc
Thêm một dấu hiệu về quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan : Chính quyền Đài Bắc hôm qua 23/06/2018 xác nhận là đã tung chiến đấu cơ và chiến hạm ra để theo dõi hai chiếc tàu chiến Trung Quốc đã đi ngang qua eo biển Đài Loan để xuống Biển Đông.
Trong một thông báo, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết là một khu trục hạm thuộc lớp 052C và một hộ tống hạm lớp 054A đã đi chuyển trên biển khơi sát vùng lãnh hải phía Đông Đài Loan, trước khi đi ngang qua eo biển Ba Sĩ ở phía Nam Đài Loan hướng xuống vùng Biển Đông vào hôm thứ Sáu 22/06.
Thông báo đã nêu bật phản ứng của phía Đài Loan : « Chúng tôi đã lập tức tung máy bay và tàu hải quân ra để giám sát hoạt động của các tàu chiến (Trung Quốc) theo đúng quy định của chúng tôi ».
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, nhật báo tiếng Hoa Liên Hợp Báo tại Đài Loan hôm 22/06 đã tiết lộ rằng tàu khu trục Tế Nam (Jinan) và hộ tống hạm Hoàng Cương (Huanggang) của Trung Quốc đã đi vào eo biển Đài Loan từ tuần trước, bên trong vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, lưu lại gần hòn đảo hơn một tuần trước khi di chuyển về hướng Biển Đông hôm 22/06.
Việc Trung Quốc khiêu khích Đài Loan, kéo theo phản ứng kiên quyết của Đài Bắc diễn ra vài hôm trước lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis chuẩn bị ghé Trung Quốc trong một chuyến thăm đầu tiên kể từ ngày ông lên đứng đầu Lầu Năm Góc.
Theo giới quan sát, nhân chuyến công du dự trù vào tuần tới, chắc chắn ông Mattis sẽ đề cập với phía Trung Quốc về hai hồ sơ đang có bất đồng giữa hai nước : Đài Loan và Biển Đông.
Theo các nguồn tin báo chí trong thời gian gần đây, Mỹ đang cân nhắc khả năng cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và gia tăng việc bán vũ khí cho Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tập trận xung quanh hòn đảo này với sự tham gia của cả oanh tạc cơ chiến lược H-6K.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180624-dai-loan-lai-tung-tiem-kich-va-chien-ham-theo-doi-tau-trung-quoc
Facebook, Snapchat, YouTube, Instagram …
“bảo bối” của giới trẻ
Dù vướng nhiều tai tiếng trong thời gian gần đây, Facebook vẫn trụ vững nhưng đang phải nhường đất cho một số mạng xã hội « trẻ » hơn như Snapchat, YouTube và ngay cả Instagram, một nhánh con của Facebook.
Facebook vẫn giữ quán quân
Với khoảng 2,2 tỉ người sử dụng hàng tháng tính đến cuối tháng 03/2018, mạng xã hội của nhà tỉ phú Mark Zuckerberg vẫn làm chủ cuộc chơi. Con số này được các thị trường tài chính theo dõi sát sao, vì thu nhập từ quảng cáo phụ thuộc vào số người sử dụng. Đây cũng là nguồn thu gần như chủ yếu của tập đoàn. Năm 2017, Facebook đạt doanh thu gần 41 tỉ đô la với lợi nhuận chừng 16 tỉ.
Trang eMarketer dự đoán năm 2018, Facebook sẽ mất chừng 2 triệu người sử dụng dưới 24 tuổi tại Mỹ. Ngược lại, chỉ tính riêng tại Mỹ, Instagram sẽ thu thêm gần 1,6 triệu thành viên mới dưới 24 tuổi và Snapchat sẽ có thêm 1,9 triệu thành viên mới.
Instagram, mạng xã hội đang lên
Được thành lập năm 2010 và bị Facebook mua lại năm 2012 với giá 1 tỉ đô la, mạng xã hội Instagram, nổi tiếng ban đầu với các khuôn hình ảnh vuông, vừa thông báo vượt qua ngưỡng 1 tỉ người sử dụng.
Là mạng xã hội hình ảnh được giới nghệ sĩ, doanh nghiệp ưa chuộng, Instagram vừa tung ra IGTV, dành riêng cho video có thời lượng từ 10 phút đến một tiếng, thay vì khống chế ở mức 1 phút trước đây, nhằm thu hút thêm giới trẻ.
Theo eMarketer, chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, Instagram sẽ thu về 5,48 tỉ đô la nhờ quảng cáo trong năm 2018, tăng hơn 70% so với năm 2017. Con số này chiếm 28,2% doanh thu quảng cáo di động của tập đoàn Facebook và có thể đạt tới 40% vào năm 2020.
Snapchat : ứng dụng « chat » không thể thiếu của giới trẻ
Thành lập năm 2011, ứng dụng chat nổi tiếng qua việc các tin nhắn hình ảnh và video biến mất ngay sau đó. Tính đến cuối tháng 03/2018, Snapchat có 191 triệu người sử dụng hàng ngày trên khắp thế giới và đạt doanh thu 231 triệu đô la.
YouTube, vô địch về video
Xuất hiện từ năm 2005, sau đó bị Google mua lại năm 2006 với giá 1,65 tỉ đô la, ban đầu YouTube chỉ là mạng chia sẻ video nghiệp dư, song ngày càng trở chuyên nghiệp. Rất nhiều cơ quan truyền thông và doanh nghiệp phát hành thông tin qua các kênh chuyên biệt.
Một số người sử dụng trở nên nổi tiếng nhờ đăng video của họ lên YouTube (âm nhạc, kịch, dạy nấu ăn hoặc hướng dẫn trang điểm…) và từ đó xuất hiện cụm từ « YouTuber ».
Hiện YouTube có 1,9 tỉ người sử dụng, chưa tính đến số lượng người xem YouTube nhưng không đăng kí tài khoản.
Twitter và một số mạng khác
Với khoảng 336 triệu người sử dụng hàng tháng, mạng Twitter chỉ vừa mới bắt đầu có lợi nhuận, nhưng không hấp dẫn giới trẻ như các mạng xã hội khác vì thiếu không gian riêng tư (mọi người đều có thể đọc được các tin nhắn mà người sử dụng đăng lên).
Ngoài ra còn phải kể đến một số ứng dụng chat trực tuyến WhatsApp (không có quảng cáo) và Messenger (có quảng cáo), đều do Facebook nắm giữ, đã vượt qua ngưỡng 1 tỉ người sử dụng.
Nga không kích thành trì của phe nổi dậy Syria
ở vùng ngừng bắn
Lần đầu tiên kể từ khi Nga chấp nhận ngừng bắn ở miền nam Syria cách đây một năm, đêm 23/06/2018, không quân Nga đã oanh kích nhiều khu vực do lực lượng nổi dậy Syria kiểm soát.
Theo Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), Nga đã tiến hành gần 25 cuộc tấn công vào các thành phố nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy ở phía đông tỉnh Deraa. Các chiến đấu cơ Nga xuất phát từ căn cứ quân sự Hmeimim ở phía tây bắc Syria.
AFP nhắc lại, vào tháng 07/2017, Nga, Hoa Kỳ và Jordani đã đồng ý tôn trọng một vùng giảm căng thẳng tại các khu vực do các phe nổi dậy chiếm đóng ở miền nam Syria nhằm giảm bớt chiến sự.
Không quân Nga tấn công vào lúc quân đội Syria mở chiến dịch tấn công các vùng do lực lượng nổi dậy kiểm soát tại tỉnh Deraa từ ngày 19/06. Một chỉ huy của phe nổi dậy ngày 24/06 cho AFP biết Hoa Kỳ sẽ không can thiệp để giúp đỡ lực lượng nổi dậy trong trường hợp chế độ Damas tổng tấn công vào miền nam Syria để chiếm lại các tỉnh Deraa và Soueida.
Theo thống kê mới nhất, ít nhất 19 thường dân thiệt mạng, quân đội chính phủ có 13 người tử thương. Liên Hiệp Quốc đánh giá chiến dịch tấn công của chế độ Bachar Al Assad gây nguy hiểm cho hơn 750.000 người sống trong vùng. Khoảng 12.000 người đã phải đi lánh nạn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180624-nga-khong-kich-thanh-tri-cua-phe-noi-day-syria-o-vung-ngung-ban
Nhập cư: 16 nước Liên Hiệp Châu Âu
họp khẩn tìm giải pháp
Trước vấn đề nhập cư bất hợp pháp đang gây chia rẽ sâu sắc trong khối, lãnh đạo 16 nước trên tổng số 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã họp khẩn ngày 24/06/2018 tại Bruxelles, để bàn về « các giải pháp châu Âu ».
Cuộc họp hôm nay không mang tính chất chính thức, do Ủy Ban Châu Âu triệu tập, thoạt đầu chỉ có 8 nước (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Áo, Bulgaria, Hy Lạp và Malta), nhưng sau đó có thêm 8 nước khác quan tâm (Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Slovenia và Croatia).
Riêng 4 nước thuộc khối Visegrad (Ba Lan, Hungari, Cộng Hòa Séc và Slovakia) đã thẳng thừng từ chối tham gia thượng đỉnh bàn về di dân vì đánh giá các chủ đề đưa ra thảo luận là « không chấp nhận được ».
Một ngày trước thượng đỉnh, Pháp và Tây Ban Nha, với sự ủng hộ của Đức, đã đề xuất « châu Âu hóa » hồ sơ nhập cư và hy vọng trục Paris-Berlin-Madrid có thể làm đối trọng với các nước chống nhập cư thuộc khối Visegrad và các chính phủ dân túy Ý, Đức, Áo.
Giải pháp đầu tiên được tổng thống Pháp nêu lên trong cuộc họp báo tại điện Elysée với thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez là thành lập « các trung tâm khép kín » tại các bờ biển châu Âu :
« Đề xuất mà chúng tôi mong muốn thực hiện tuân theo các quy định về cập bờ, phù hợp với các quyền nhân đạo, trong đó có quy định liên quan đến quốc gia an toàn nhất và gần nơi cập bến nhất.
Chúng tôi đề xuất áp dụng mô hình trung tâm tiếp nhận di dân của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (HCR), gồm những điểm sau :
« Các trung tâm khép kín » do Liên Hiệp Châu Âu tài trợ sẽ được thành lập ở các nước an toàn nhất và gần nơi cập cảng nhất ; châu Âu cũng sẽ tài trợ cho một tổ chức để nghiên cứu hồ sơ (xin ti nạn); các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu cam kết tiếp nhận theo quota những người đến từ những « trung tâm khép kín » này ; và các nhóm điều phối viên sẽ đưa những người không được quy chế tị nạn đang tạm trú trong những trung tâm khép kín đó trở ngược về nguyên quán của họ.
Đây là đề xuất liên quan đến quốc gia châu Âu đầu tiên tiếp nhận di dân ».
Một đề xuất khác được tổng thống Pháp đưa ra là trừng phạt tài chính các nước Liên Hiệp Châu Âu từ chối tiếp nhận di dân vì, theo ông, « không thể có những nước được hưởng lợi lớn từ tình đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng lại kịch liệt bảo vệ những đòi hỏi dân túy ích kỷ khi đề cập đến vấn đề di dân ».
Ý chỉ trích Pháp « hách dịch »
Đề xuất của Paris và Madrid không được Rôma hưởng ứng. Bộ trưởng Nội Vụ, kiêm phó thủ tướng Ý Matteo Salvini gay gắt chỉ trích : « Nếu Pháp hách dịch cho rằng có thể biến nước Ý thành một trại tị nạn cho toàn châu Âu nhờ vài đồng euro pourboire, thì Pháp hoàn toàn sai lầm ».
Tân chính phủ Ý vẫn dọa giữ hoặc từ chối cho tầu cứu hộ cập cảng, buộc các tầu này phải sang một nước khác, hoặc lênh đênh ngoài vùng biển quốc tế. Ví dụ điển hình là con tầu cứu hộ Lifeline của một tổ chức phi chính phủ Đức, chở 230 người nhập cư, hiện vẫn chờ trong vùng biển quốc tế.
http://vi.rfi.fr/phap/20180624-nhap-cu-16-nuoc-lien-hiep-chau-au-hop-khan-tim-giai-phap