Người Phật tử có nên đi biểu tình hay không?
Paramita Thành Đỗ (Danlambao) – Mấy tuần qua, liên tục có những biến động chính trị trong nước và hải ngoại bởi từ hai đạo luật của nhà cầm quyền CSVN dự trù ban hành trái với lòng dân: Luật an ninh mạng – đã được quốc hội thông qua ngày 12/06/2018 với tỷ lệ hơn 86%, Dự luật Đặc khu Hành chính tại Vân đồn, Bắc Vân phong và Phú quốc.
Tôi xin mạn phép trình bài những cảm nghĩ cá nhân về hiện tình đất nước với các Phật tử trong và ngoài nước, cũng như chia sẻ với nhà cầm quyền về nỗi quan tâm, lo âu của người dân về 2 dự luật này.
Ai ai cũng biết và nhìn thấy những gì đã xảy ra cho đất nước Việt nam từ 50 năm nay. Từ việc Tàu cộng xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, đến việc xâm chiếm Trường Sa 1988, các hiệp ước ký kết bất lợi cho Việt nam trên vùng biển Bắc Bộ và vùng biên giới trên đất khiến Việt Nam đã mất trọn Ải Nam quan và một phần lớn của thác Bản Giốc.
Ai ai cũng nhận thấy dã tâm xâm chiếm Việt Nam của Tàu Cộng là không có gì mới lạ, từ ngàn năm qua, ông cha ta đã có hơn 27 cuộc chiến với bá quyền phương Bắc để bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ.
Ai ai ngày nay cũng nhận thấy là Tàu Cộng đã thừa biết là nếu tiếp tục dùng chiến tranh để xâm lăng VN như 1979 thì sẽ bị thế giới lên án, chưa kể những hệ lụy lâu dài về kinh tế và an toàn hàng hải của họ trên biển Đông và eo biển Malaca. Vì thế họ đã thay đổi và sử dụng chiến lược đi “mướn đất” với một giá rẻ mạt, chừng 30 đô la/ hecta cho mỗi năm, một cơ hội thật tốt để di dân sang và xây dựng những thành phố Tàu trên đất nước ta và sau 3/4 đời họ sẽ đương nhiên là chủ nhân ông của những vùng đất này.
Ngoại giao bẩy nợ
Trên thế giới đã có nhiều đất nước rơi vào chiến lược “bẩy nợ” của Bắc Kinh. Họ đành phải nhượng đất, nhượng cảng biển cho Tàu Cộng trong 99 năm như Ski Lanka nhượng cảng Hambantota, bất chấp sự phản đối bạo lực của dân chúng, và Chủ tịch Quốc hội Ski Lanka, người đã ký quyết định này đã phải trả giá bằng chính mạng sống của ông ta. Nhưng trễ rồi, vì đã ký nhượng nên Tàu Cộng đã bắt đầu khai thác và ngự trị trên đất nước này.
Tại Hy Lạp, Tàu Cộng đã tóm thu một cảng chiến lược Piraeus ở Địa Trung Hải để đổi lấy một món nợ 463 triệu đô la.
Chiến lược “Một vành đai, một con đường” đã chiếm thêm một vị trí quan trọng tại một cảng quân sự ơ Djiboutie, cũng là một quốc gia không thể trả nợ cho Bắc Kinh.
Một vài quốc gia khác, từ Argentina, Namibia tới Lào đều “kẹt” trong bẫy nợ Tàu Cộng, buộc phải lựa chọn giải pháp cho Trung Cộng thuê tài sản để xóa nợ. Khoản nợ khổng lồ của Kenya có nguy cơ buộc nước này biến cảng Mombasa – cửa ngõ Đông Phi – thành một cảng Hambantota thứ hai nằm trong tay Bắc Kinh.
Nhưng “con đường tơ lụa” trên biển sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu 3 đặc khu đầu tàu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú quốc, cũng như một con kênh xuyên qua đất nước Thái Lan. Xem như xong, ngày 03/02/2018, Thái lan đã ký với TQ một bản ghi nhớ về con kênh đào Kra, chấm dứt 340 năm chờ đợi của người Thái về con kênh đào này.
Chiến lược “Một vành đai một con đường” bắt đầu hình thành và sẽ đi vào hoạt động, trễ lắm là trong 10 năm sắp đến thôi mà các đặc khu tại Việt Nam sẽ là những vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng không thể thiếu trong chiến lược thâu tóm thế giới này của Tập Cận Bình, mà qua đó, Bắc Kinh sẽ từ từ di dân Tàu đến các đặc khu này để điều hành kinh tế.
Dân chúng bản địa của các đất nước cho mướn đất sẽ không hề thụ hưởng được gì cả trong tham vọng bá quyền và chương trình phát triển kinh tế toàn cầu này của Tàu Cộng.
Ý thức được sự nguy hiểm cho tiền đồ dân tộc, ngày 10/06/2018, trên nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, người dân đã xuống đường phản đối quyết sách này của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Tại một số nơi, họ, vì yêu nước, yêu dân tộc, đã bị bắt bớ và tra tấn dã man bởi lực lượng an ninh chìm nổi của đảng cộng sản.
Tại một số nơi, nghe nói đã có sự tham gia trực tiếp đánh dân của lực lượng an ninh Tàu Cộng sang giúp đỡ nhà cầm quyền CSVN để đối phó với dân Việt Nam.
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử cầm quyền hơn 70 năm của đảng cộng sản tại Việt Nam.
Là một cư sĩ nhưng vì là một trưởng ban nghiên cứu Phật học tại Phật học viện Linh Sơn Paris, tôi đã nhận được nhiều thắc mắc:
Người Phật tử có nên đi biểu tình hay không?
Nói một cách tổng quát thì Phật giáo không chấp nhận chiến tranh dưới bất cứ hình thức nào, dù đó là chiến tranh dưới danh nghĩa gì. Vì chiến tranh là đồng nghĩa với tội ác, là gieo rắc sự nghèo nàn, tật bệnh, đói khát cho cả hai: chủ chiến và bị chiến.
Trong kinh điển Phật giáo có ghi chép, chính dòng họ của đức Phật gần như gặp phải nạn diệt chủng, thế mà đức Phật không dùng thần thông để đánh bại kẻ thù, cứu lấy giòng tộc! Khi vua Tỳ-lưu-ly đem quân đánh phá thành Ca-tỳ-la-vệ để trả thù cái nợ xỉ nhục của ông khi trước, đức Phật đã ba lần trưa nắng ra tận biên ải để khuyến hóa vua Tỳ-lưu-ly cũng như để cản bước tiến của đoàn quân thiện chiến của Tỳ-lưu-ly. Ngài, Đức Phật, Thế Tôn, đã vì chúng sanh, vì đất nước, thể hiện một cuộc biểu tình ôn hoà đó thôi.
Một câu chuyện khác cũng tại Ấn Độ, ta cũng đã thấy có ngài Mahamat Ghandi. Ngài đã liên tục biểu tình ôn hoà và dành lại quyền tự do và sự tồn vong cho dân tộc Ấn.
Đã có những thời kỳ trong lịch sử đất nước Việt Nam mà Phật pháp bị suy đồi, vì chiến tranh, vì các bạo chúa đốt kinh, phá chùa và sát hại các tu sĩ nhưng qua 2000 năm nay, đạo Phật vẫn trường tồn cùng dân tộc. Lê Ngọa Triều, thời tiền Lê, một ông vua độc ác, đã róc mía trên đầu tu sĩ và giả bộ vuột tay và phập dao xuống đầu vị sư cho đổ máu, nhưng cũng không tiêu diệt được đạo Phật trên đất nước ta.
Ngày hôm nay, những người Phật tử Việt Nam, khi đứng trước một viễn ảnh đen tối, vì sự tồn vong của dân tộc, chúng ta không thể thờ ơ, không thể làm ngơ, mũ ni che tai, ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi.
Đạo Phật, một tôn giáo của trí tuệ, song hành với văn hóa dân tộc từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên cho đến ngày nay, thì cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Phật tử cũng phải sáng suốt để đền đáp 4 trọng ân mà Đức Phật Thích ca Mâu Ni đã giảng dạy: Ơn Cha mẹ ông bà, Ơn Thầy tổ, Ơn Đất nước, Ơn Tam bảo.
Cho dù thế hệ nào, vị trí nào trong xã hội, cho dù thuộc về hệ thống nhà cầm quyền, quan chức, thương nhân hay nông dân, chúng ta đều có bổn phận hướng tâm đến với sự trường tồn đất nước, bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai và đồng lòng đứng lên phản đối Dự luật Đặc khu mà nguy cơ không thể lường trước cho dân tộc.
Sư thầy Thích Đồng Long trong cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu vào ngày 10.06.2018 trước Lãnh Sự quán Mỹ tại Sài Gòn
22.06.2018