Đọc báo Pháp – 20/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 20/06/2018

Nghiện màn hình :

Căn bệnh của thời đại công nghệ số

Anh Vũ

Pháp-Đức đạt thỏa thuận về ngân sách cho khu vực đồng euro và về chính sách nhập cư của Liên Hiệp Châu Âu, đọ sức thương mại Mỹ -Trung tiếp tục leo thang, Kim Jong Un cấp tập các chuyến đi Trung Quốc trong vòng chưa đầy ba tháng qua và diễn biến sôi động của Cúp bóng đá Thế giới tại Nga, là những chủ đề chung của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay. Tuy nhiên chủ đề chính của Le Figaro và Libération liên quan đến vấn đề của xã hội công nghệ hiện đại.

Dán mắt vào màn hình và trò chơi điện tử giờ đã trở thành một chứng nghiện. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : « Nghiện màn hình : Các bậc cha mẹ kêu gọi trợ giúp ». Theo tờ báo, ngày càng có nhiều trẻ nhỏ được trang bị và mất hàng giờ trước các loại màn hình của chúng. Năm 2017, mỗi tuần các em nhỏ tuổi từ 1-6 trung bình có 4 giờ 37 phút trên internet. Với lứa tuổi 13-19 thì con số đó là 15 giờ 11 phút.

Trước tình trạng này các ông bố bà mẹ thường bất lực không biết làm gì. Ngành giáo dục đang đặt vấn đề làm sao sử dụng cho đúng công nghệ số, trong khi đó thì tổ chức Y Tế Thế Giới vừa xếp trò chơi điện tử vào danh sách các bệnh nghiện…

Le Figaro cho hay, riêng tại Pháp « để hỗ trợ các bậc phụ huynh dứt con cái mình ra khỏi các màn hình, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp được huy động vào cuộc ». Trẻ em bây giờ ngày càng dành thêm nhiều thời gian cho các thiết bị như điện thoại, iPad, máy tính.

Tình hình có vẻ như đã đến mức độ nghiêm trọng và giờ là mối lo ngại đầu tiên của nhiều gia đình, trước cả khi con cái họ đến trường.

Xã luận của Le Figaro gióng tiếng chuông « báo động kỹ thuật số ». Ngay cả lãnh đạo của Facebook, Google cũng ý thức được nguy cơ mới của thế giới kết nối, thế giới của những chiếc màn hình. Có lẽ vì thế mà theo Le Figaro, « các lãnh đạo ở California có xu hướng gửi con cái họ đến các trường chuyên của Thung lũng Silicon, tại đó các loại iPhone, iPad đều bị cấm sử dụng. Người ta đồn rằng gia đình Bill Gates và Steves đều không có máy tính bảng trong nhà ».

Tờ báo nhấn mạnh là : « Béo phì, cận thị, mất tập trung, học kém, giảm năng lực sáng tạo, rối loạn giấc ngủ và tính cách…Các viện nghiên cứu y khoa trên khắp thế giới đã lập ra một danh sách dài các chứng bệnh đang rình rập những đứa trẻ trong thời đại công nghệ số ». Hậu quả không chỉ dừng lại ở vấn đề thể chất như vậy, mà còn cả về các vấn đề xã hội rộng hơn.

Xã luận của Le Figaro nhận thấy : « Các viện nghiên cứu giờ đây đang hô hào dùng Web « hợp lý ». Nhưng chính các Nhà nước phải đóng vai trò đầy đủ trong việc điều tiết thế giới mới, không để phó mặc các giá trị căn bản về văn hóa xã hội và chính trị cho một nhúm các nhà khổng lồ công nghệ số ».

Nghiện trò chơi điện tử là một bệnh

Cùng chủ đề trên, nhật báo Libération tập trung vào quyết định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hôm thứ Hai tuần này ( 18/06), xếp chứng nghiện trò chơi điện tử vào danh sách những chứng bệnh rối loạn tâm thần, bên cạnh các bệnh nghiện ma túy.

Theo tờ báo thì quyết định này có thể gây bất ngờ với người chơi và các nhà sản xuất ra trò chơi vì trò chơi điện tử, một trò giải trí có tới 2,5 tỉ người chơi trên thế giới. Theo Libération, Tổ Chức Y Tế Thế Giới nhằm khuyến cáo một nguy cơ có thực và giảm bớt lo ngại cho các bậc phụ huynh mà thôi, chứ không phải để loại bỏ một trò chơi trí tuệ. Đó cũng là tiếng chuông cảnh báo cho các nhà quản lý chính quyền, tạo tiền đề để giới chuyên môn nghiên cứu về hậu quả của trò chơi điện tử đối với trẻ.

Thương mại Mỹ -Trung :

Cuộc đấu giá đầy đe dọa

Chuyển qua các đề tài thời sự chính trị quốc tế. Trung Quốc và Mỹ thay phiên nhau gia tăng áp lực trong quan hệ thương mại. Các cuộc khẩu chiến dọa dẫm nhau của hai bên trong những ngày qua như một cuộc đấu giá.

Trang kinh tế của Le Figaro ghi nhận : Donald Trump tăng sức ép với Trung Quốc. Sau phản ứng đáp trả tương xứng và tức thì của Bắc Kinh trước việc Mỹ dọa tăng thuế đánh vào 50 tỉ đô la hàng Trung Quốc, giờ đây tổng thống Mỹ yêu cầu nhà đàm phán thương mại Robert Lighthizer chuẩn bị danh sách bổ sung thuế đánh vào hàng nhập của Trung Quốc với cường độ lớn hơn : 200 tỉ đô la, gấp 4 lần đe dọa trước. Tổng thống Donald Trump đã khẳng định trong một thông cáo : « Những sáng kiến bổ sung này nhằm thúc đẩy Trung Quốc phải thay đổi cách làm ăn bất chính, mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ và chấp nhận một quan hệ buôn bán cân bằng hơn ».

Tất nhiên là Trung Quốc không chậm trễ đáp trả lại ngay, dọa có các biện pháp tương ứng cả về « lượng và chất » nếu các đe dọa mới của Mỹ thành hiện thực.

Tất cả mới chỉ dừng lại ở khẩu chiến, cho đến đầu tháng 7 nằy thì vẫn chỉ có khoảng 34 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ phải chịu thuế cao. Tuy nhiên nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : « Lần này viễn cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là nghiêm túc. Thị trường tài chính đã lao dốc, chỉ số Dow Jones tại chứng khoán Wall Street hôm qua đã giảm 1,5% khi mở cửa. Các chuyên gia phân tích đã bắt đầu tính toán thiệt hại lớn cho nền kinh tế của hai nước cũng như của cả thế giới ».

Les Echos dẫn nhận định của ông Louis Kuijs, kinh tế gia trưởng chuyên về khu vực châu Á thuộc Oxford Economics : « Một cuộc leo thang xung đột giữa hai nước như vậy nếu được hiện thực hóa sẽ gây tác động kinh tế đáng kể ở Trung Quốc cũng như Mỹ, nhất là vào thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế thế giới». Theo chuyên gia này thì không hề đơn giản cho Hoa Kỳ để xác định 200 tỉ đô la đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mà không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

Kim Jong Un liên tiếp công du

Tiếp tục với nhật báo kinh tế Les Echos, tờ báo quan tâm đến chuyến công du hôm qua của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến đi Trung Quốc lần thứ ba trong vòng chưa đầy ba tháng qua. Trọng tâm của chuyến đi này ai cũng hiểu là để Kim Jong Un báo cáo lại tình hình và nội dung cuộc gặp với tổng thống Donald Trump hôm 12/06 vừa qua. Les Echos nhận định : « Cho dù Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn duy trì một mối quan hệ truyền thống, nhưng đó là mối quan hệ rất tế nhị và hai bên vẫn dè chừng nhau. Lần này thì lãnh đạo hai nước có thể ăn mừng về việc cường quốc Mỹ nhanh chóng mất ảnh hưởng trong khu vực ». Bắc Triều Tiên và Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua vẫn sát cánh bên nhau, phối hợp chiến lược nhằm thúc đẩy sự suy tàn của uy lực Hoa Kỳ.

Khi Donald Trump chấp nhận đến Singapore bắt tay Kim Jong Un, nhiều nhà quan sát nghĩ rằng Trung Quốc bị đẩy ra ngoài lề của câu chuyện lớn. Thế nhưng thực tế không hề như vậy. Les Echos trích dẫn nhà nghiên cứu Jonathan Berkshire Miller, thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Tokyo, Nhật Bản, nhận định : « Giống như ở rạp chiếu phim, Trung Quốc theo dõi mọi việc từ xa trong ghế ngồi của mình, vừa ăn bỏng ngô vừa xem sự tan rã từ từ các đồng minh Mỹ trong khu vực ».

Cúp bóng đá thế giới :

Iran trông cậy vào huấn luyện viên trưởng

Hầu hết các báo ra hàng ngày đều dành ít nhất một trang báo cho ngày hội bóng đá thế giới đang diễn ra sôi động trên đất Nga.

Báo La Croix có bài : Người thứ 12 giúp Iran đối phó với đối thủ, nói về huấn luyện viên 65 tuổi người Bồ Đào Nha, Carlos Queiroz. La Croix cho hay, dù phải đối phó với những vấn đề nghiêm trọng về mặt tổ chức, bởi các nhà cung cấp thiết bị thể thao Mỹ tẩy chay, đội tuyển Iran trông cậy hoàn toàn vào huấn luyện viên người Bồ Đào Nha – hy vọng thành công trong trận gặp Tây Ban Nha hôm nay. Bài báo ca ngợi huấn luyện viên đội tuyển Iran, Carlos Queiroz là một người có nghệ thuật biến yếu thành mạnh. Mặc dù đối mặt với Tây Ban Nha, ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch năm nay, nhưng người Iran vẫn mơ có được chiến thắng thứ hai, hay ít nhất là có được 1 điểm, để tiến xa hơn nữa ở giải này.

Trong khi đó thì Le Figaro bàn về vấn đề hỗ trợ video trọng tài ở World Cup. Tờ báo thống kê từ đầu vòng chung kết Cúp thế giới đến nay, mới chưa hết loạt trận thứ hai vòng bảng, đã có 10 quả phạt penalty, trong đó 3 lần nhờ công cụ hỗ trợ video (VAR). Tuy nhiên, khá nhiều tranh luận bắt đầu nổi lên xung quanh việc sử dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài, vì vẫn còn quá nhiều lỗi bị bỏ sót, trong đó nhất là trong các pha va chạm giữa các cầu thủ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180620-nghien-man-hinh-can-benh-cua-thoi-dai-cong-nghe-so

 

(Reuters) – Tin tặc từ Trung Quốc tấn công hệ thống vệ tinh, quốc phòng, viễn thông tại Mỹ và Đông Nam Á. Theo các chuyên gia bảo mật của Symantec Corp ngày 19/06/2018, đây là một chiến dịch tinh vi, chưa từng xảy ra, xuất phát từ các máy tính ở Trung Quốc, dường như nhằm mục tiêu gián điệp quốc gia. Tin tặc còn cài virus vào các máy tính điều khiển vệ tinh, để thay đổi vị trí vệ tinh hoặc phá vỡ dữ liệu.

(Reuters) – Đắm phà tại Indonesia, 192 người mất tích. Tai nạn xảy ra tối thứ Hai 18/06 ở hồ Toba rộng lớn, trên đảo Sumatra. Đến ngày 20/06, chính quyền Indonesia cho biết vẫn đang tìm kiếm 192 người mất tích, trong khi chỉ có 18 người thoát nạn. Chiếc phà bị đắm vì quá tải, chở gấp 3 lần so với sức chứa.

(AFP) – Thủ tướng Pháp sắp thăm Trung Quốc. Chuyến công du bốn ngày từ 22 đến 25/06/2018 của ông Edouard Philippe được cho là nhằm theo dõi quá trình đúc kết các hợp đồng được ký kết vào tháng Giêng nhân chuyến công du của tổng thống Macron, trong đó có nhiều hợp đồng với các tập đoàn Airbus và Areva, cũng như xúc tiến các công ty khởi nghiệp Pháp.

(AFP) – Trẻ em Bắc Triều Tiên ít bị suy dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 20/06/2018 của Unicef, 19% trẻ em vẫn tăng trưởng chậm vì suy dinh dưỡng sau cuộc điều tra năm 2017 với gần 8.500 hộ gia đình ở quốc gia khép kín này. Tỉ lệ này còn chênh lệch giữa thủ đô Bình Nhưỡng và vùng nông thôn.

(AFP-VNExpress) – Nổ trong đồn công an thành phố Hồ Chí Minh. Bom gài trong xe máy hay xe tự nổ ? Vụ nổ xảy ra vào hôm nay 20/06/2018 tại trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, thành phố HCM, không xa nơi dân chúng biểu tình chống dự luật « đặc khu » ngày 10/06 vừa qua. Chiếc xe máy vỡ tan, một nữ cảnh sát bị thương nhẹ. Một nhân chứng cho biết nghe hai tiếng nổ sát nhau. Công an điều tra chưa kết luận được nguyên do.

(Reuters) – Israel sợ tin tặc phá chiến đấu cơ và phi cơ dân dụng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi quốc tế cùng hợp sức đối phó với hiểm nguy ông cho là mối đe dọa « nền văn minh thế giới » : Tin tặc sử dụng tấn công mạng, hạ máy bay quân sự và dân dụng mà không tốn một viên đạn. Trong diễn văn đọc tại đại học Tel Aviv, thủ tướng Israel cho biết an ninh mạng là lãnh vực tương lai. Israel xuất khẩu 3,8 tỉ đôla thiết bị trong năm 2017.

(AFP) – Israel oanh kích 25 mục tiêu để trả đũa rốc-kết từ dải Gaza. Quân đội Israel hôm nay 20/06/2018 đã tấn công 25 mục tiêu tại dải Gaza để trả đũa khoảng 30 vụ bắn rốc-kết từ lãnh thổ Palestine trong đêm qua rạng sáng nay. Trước đó hàng loạt con « diều lửa » và bóng bay mang theo những mồi lửa đã được phóng sang Israel, thiêu cháy nhiều hecta đất. Israel đáp trả bằng việc oanh kích ba địa điểm quân sự của phe Hamas. Tình hình vẫn căng thẳng trước khi đặc sứ của tổng thống Mỹ Donald Trump đến Israel để cố gắng tìm lối thoát cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

(Reuters) – Malaysia điều tra cựu thủ tướng Najib trong vụ 1MDB. Biển thủ công quỹ và tham nhũng nằm trong số các tội danh mà cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak bị cáo buộc, trong cuộc điều tra về quỹ 1MDB. Thủ tướng Mahathir Mohamad hôm nay 20/06/2018 cho Reuters biết như trên, nhấn mạnh ông Najib đóng vai trò trung tâm trong vụ thất thoát 4,5 tỉ đô la của quỹ 1MDB do chính ông thành lập. Khoảng 700 triệu đô la được tìm thấy trong tài khoản ngân hàng của cựu thủ tướng, nhưng ông Najib biện minh đó là khoản tiền được một hoàng thân Ả Rập Xê Út ẩn danh tặng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180620-tin-doc-nhanh