Đọc báo Pháp – 19/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 19/06/2018

Báo Les Echos:

“Donald Trump, vị tổng thống giữ lời hứa”

Minh Anh

Lần đầu tiên trong vòng hai thế kỷ lịch sử, nước Mỹ có một vị tổng thống « lạ đời », tính khí khó lường, ngẫu hứng. Ông « gây sự » với đồng minh phương Tây hay Trung Quốc trên mặt trận thương mại, nhưng lại « ngọt ngào » với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Donald Trump khiến giới chuyên gia phải « vò đầu bứt tóc », có nguy cơ mắc bệnh « xói đầu » như nhận xét hóm hỉnh của Les Echos, nhưng ông làm hài lòng cử tri Mỹ.

Thật ra tổng thống Mỹ hiện nay, ông là người như thế nào ? Nhật báo kinh tế dẫn lời một doanh nhân Đức tại Mỹ nhận xét : trước hết, « Donald Trump là một vị tổng thống biết giữ lời hứa ».

Cây bút xã luận Jean-Marc Vittori cho rằng chỉ cần nhìn ngược thời gian có thể hiểu được thâm ý của tổng thống Mỹ hiện nay. Từ 30 năm qua, ông luôn ấp ủ một niềm mơ ước : Đưa nước Mỹ trở lại với những năm tháng hùng cường, hưng thịnh, đầy ánh hào quang của những năm 1960.

Ước mơ đó được ông thể hiện rõ qua khẩu hiệu vận động tranh cử nổi tiếng : « Make America Great Again ». Giới chuyên gia cười khẩy. Nhưng người dân Mỹ lại rất thích. Và ông thực hiện đúng như những gì ông nói. Điều này dẫn đến hai hệ quả chính.

Đầu tiên, tổng thống Mỹ đoạn tuyệt với truyền thống chính trị của Mỹ có từ 100 năm qua. Từ sau Đệ Nhất Thế Chiến, những người tiền nhiệm một khi bước chân vào Nhà Trắng, hoặc do mặc nhiên, hoặc dưới áp lực của các sự kiện quốc tế (Châu Âu, Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Trung Đông… ) đều chọn tập trung vào chính sách đối ngoại. Nhưng Donald Trump thì ngược lại, ông muốn điều hành đất nước theo lợi ích duy nhất của Hoa Kỳ.

Tiếp đến là ông nhìn về quá khứ. Nước Mỹ vĩ đại mà ông khao khát không phải là một đất nước của nền công nghệ Silicon Valley mà ông căm ghét. Ông mơ về một nền công nghiệp nặng đã tôn vinh nước Mỹ thời trai trẻ của ông trong suốt những năm 1950-1960.

Vì vậy mà ông rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris để khởi động lại ngành công nghiệp than, ông áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng nhôm và thép, và sau cùng là xe ô-tô nhập khẩu. Dưới góc nhìn này, người ta không mấy khó khăn hiểu được đòn tấn công của ông nhắm vào lĩnh vực ô tô, từ lâu là biểu tượng của sức mạnh Hoa Kỳ.

Hạn chế quyền lực

Nhưng Donald Trump hiểu rất rõ là quyền hạn tổng thống Mỹ ở trong nước bị hạn chế. Đó cũng chính là một trong những nguyên do thúc đẩy các đời tổng thống trước hoạt động nhiều trong lĩnh vực ngoại giao. Hiến Pháp Mỹ trao quyền chủ yếu cho Quốc Hội, một định chế có cơ chế co cụm và bị thao túng bởi các nhóm vận động hành lang.

Ngược lại, chủ nhân Nhà Trắng được rộng quyền trên hồ sơ thương mại quốc tế. Điều này lại càng có lợi cho ông. Bởi vì, thương mại quốc tế là một nỗi ám ảnh từ lâu của tổng thống Mỹ. Năm 1987, ông tự đăng một trang quảng cáo trên New York Times để tố cáo « thặng dư mậu dịch thái quá » của Nhật Bản. Đồng thời hối thúc các đồng minh Mỹ phải đóng góp thêm cho quốc phòng của họ, đó cũng chính là những gì ông Trump vừa làm với Đức.

Thương lượng thô bạo : Công cụ ngoại giao hữu hiệu ?

Từ những chi tiết đó người ta sẽ dễ dàng hiểu được vũ khí của Trump là gì và khó có thể mà ngăn cản. Lập luận của tổng thống Mỹ rất đơn giản : « Tôi là người mua lớn nhất thế giới. Bởi vì tôi là một khách hàng lớn, tôi phải thương lượng lại với mỗi nhà cung cấp ».

Mục tiêu là không phải để được bớt giá và cũng không phải để gây chiến thương mại. Điều duy nhất khiến tổng thống Mỹ phải bận tâm chính là mở lại các nhà xưởng ở Mỹ hay như là thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng trở lại, những điều mà ông có thể phô bày trước mặt cử tri Mỹ.

Trước loại vũ khí này, lãnh đạo các nước lớn như bị vô hiệu hóa. Chẳng ai được học nghệ thuật thương lượng thô bạo như thế. Tại đại học, Angela Merkel và Tập Cận Bình nghiên cứu về hóa học, Emmanuel Macron học về triết và khoa học hành chính, Theresa May về địa lý, Giuseppe Conte học về luật…

Donald Trump chuyên gia về bất động sản và trải qua hơn nửa đời người vật lộn với giá từng mét vuông hay mức thuế nộp cho địa phương. Trong cuộc chơi này, ông ấy là một người đáng gờm. Ông ấy sẽ thu được kết quả thật sự.

Dĩ nhiên cuộc đọ sức chưa từng có này có nguy cơ gây ra những căng thẳng ngoại thương chưa từng xảy ra từ một thế kỷ nay, làm phát sinh một cơn bão tài chính toàn cầu, cũng như là tạo ra những cú sốc địa chính trị. Tác giả bài viết lưu ý : Tất cả những điều đó ông cười khẩy, không quan tâm. Ông muốn là một vị tổng thống luôn giữ lời hứa trong con mắt cử tri Mỹ. Do đó, ai có thể làm gì được ông ?

Trang nhất :

Angela Merkel trong vòng xoáy thuyền nhân

Hồ sơ di dân đang thủ tướng Đức tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là CSU đồng minh trong liên minh chính phủ và bên kia là Pháp, liên minh hợp tác cho các dự án cải cách Liên Hiệp Châu Âu. Les Echos trên trang nhất đưa tít lớn : « Đồng euro, Thuế khóa, Quốc Phòng : Hiệp ước Macron-Merkel ».

Tuy nhiên, Le Figaro trên trang nhất có hàng tựa lưu ý : « Khủng hoảng tại Đức cản trở các dự án châu Âu của Macron ». Nguyên thủ Pháp hy vọng có thể « đúc kết một thỏa thuận quan trọng » với thủ tướng Đức về cải cách khu vực đồng euro nhân cuộc gặp giữa đôi bên dự kiến diễn ra tại cung điện Meseberg (Đức) hôm nay.

Thế nhưng, phạm vi hoạt động của bà Angela Merkel đã bị thu hẹp do nhiều hồ sơ đang gây chia rẽ các thành viên trong lòng chính phủ liên minh, đặc biệt là về hồ sơ di dân. Trong bối cảnh này, Paris có thể buộc phải xem lại và giảm bớt các tham vọng của mình.

Pháp : Cánh hữu « nồi da xáo thịt »

Còn tại Pháp, tình hình nội bộ đảng cánh hữu LR bị chia rẽ sâu sắc là chủ đề được các nhật báo tập trung phân tích nhiều nhất. Le Figaro trên trang nhất đưa tít lớn : « Bị phản đối, Laurent Wauquiez muốn tái khẳng định quyền uy của mình ».

Nội bộ đảng cánh hữu lục đục từ mấy tháng qua. Nhân vật số hai của đảng bà Virginie Calmels đã bị bãi nhiệm chỉ vì dám chỉ trích đường lối chính sách của ông Laurent Wauquiez, chủ tịch đảng là ngày càng thiên về cực hữu.

Về chủ đề này, các nhật báo Pháp đều có bài viết nhận định và phân tích. Les Echos thì có bài : « Wauquiez bị cáo buộc thu hẹp cánh hữu nhiều hơn nữa ». La Croix có bài xã luận : « Cánh hữu sẽ về đâu ? » Riêng Libération trên trang nhất nói thẳng « Wauquiez đã thất bại ». Uy tín sụt giảm, bị chỉ trích trong nội bộ, nay lại sa thải nhân vật số hai của đảng. Nhật báo thiên tả tự hỏi : Phải chăng chủ tịch đảng LR là kẻ đào mồ chôn đảng của mình ?

World Cup : « Bên hội, bên thiền »

Bầu không khí World Cup tại Nga đã từ từ được hâm nóng nhờ vào lượng cổ động viên nước ngoài bất chấp các biện pháp an ninh cực kỳ nghiêm ngặt là ghi nhận của báo Le Monde.

Thế nhưng, bầu không khí náo nhiệt lễ hội đó không nơi nào giống một nơi nào. Đường phố Matxcơva những ngày đầu mùa giải ngợp toàn mầu cờ đỏ và trắng, mầu cờ của Peru, khiến du khách như có cảm giác đang ở tại Peru. Nguyên nhân là vì từ 36 năm qua, hậu thế của đế chế Inca chưa một lần nào được vào World Cup. Theo số liệu thống kê của FIFA, hơn 43.580 vé đã được bán ra tại Peru, một lượng fan hâm mộ đông thứ 8 của mùa Cúp Thế Giới năm nay. Đó là chưa tính đến số lượng người hâm mộ Peru đến từ những nước khác.

Trái với bầu không khí lễ hội tại Matxcơva, khu thể thao Istra, nơi nghỉ ngơi của đội tuyển Pháp, nằm cách Matxcơva 60 km tĩnh lặng đến lạ thường, đến một con ruồi bay ngang cũng nghe được. Không sôi sục, không một lá cờ lam trắng đỏ, cũng không một bích chương ảnh cầu thủ. Không có gì cho thấy có sự hiện diện của đội bóng áo lam tại khách sạn Hilton Garden, ngoại trừ vài thực đơn được ghi bằng tiếng Pháp, hay thi thoảng xuất hiện vài người chuyên trách việc đi lại của các phóng viên.

Châu Á « khan hiếm » phụ nữ ?

Le Monde trên mục giải trí có câu hỏi : « Tại Châu Á, đâu rồi phụ nữ ? » Một câu hỏi mà bộ phim tài liệu của kênh truyền hình Arte tối nay cố gắng tìm lời giải đáp.

Ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, một làn sóng chống sinh nở mạnh mẽ đã hình thành ở Hoa Kỳ. Nhiều người đàn ông da trắng quan niệm rằng số lượng người nghèo đông đúc trên hành tinh là một mối nguy hiểm đáng lo. Và thế là họ quyết định thông qua các chương trình được tài trợ đến hàng triệu đô la bởi các quỹ dồi dào ngân sách (Ford, Rockefeller…) khuyến khích người dân ở các nước đang đà phát triển bớt sinh con.

Trong suốt những năm 1960, Quỹ Dân Số của Liên Hiệp Quốc (Fnuap) tiến hành nhiều chiến dịch kiểm soát sinh nở tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam. Cho đến lúc này, Quỹ Dân Số của Liên Hiệp Quốc vẫn dành đến 60% ngân sách cho chương trình này. Theo Arte, bên cạnh những chiến dịch đôi khi bạo lực (cưỡng chế phá thai) còn có yếu tố văn hóa : tại nhiều gia đình châu Á, sinh con trai được xem như là một điều may mắn, còn con gái là một nỗi bất hạnh lớn.

Hậu quả ngày nay hình bóng phụ nữ ngày càng thưa dần. Theo phỏng tính, để có thể cân bằng về giới tính, thế giới có lẽ cần đến 177 triệu phụ nữ, chủ yếu là tại châu Á. Cho đến lúc này ước tính có khoảng 20 nước vẫn còn hiện tượng chọn giới tính con cái.

Thiếu hụt phụ nữ dẫn đến việc gia tăng bạo lực, nạn buôn người, bắt cóc phụ nữ. Thế giới sẽ phải đợi thêm nhiều thập niên nữa trước khi tỷ lệ nam – nữ mới lại quân bình. Nhiều nước trên thế giới đã có những thay đổi về chính sách. Tại Trung Quốc chính sách một con đã được bãi bỏ. Còn ở Hàn Quốc, từ năm 1960 – 2010, tỷ lệ sinh con ở phụ nữ trong thời kỳ sinh nở đã giảm mạnh từ 6 trẻ xuống còn một trẻ cho một phụ nữ và việc nạo phá thai được kiểm soát nghiêm ngặt. Ngược lại, tại Ấn Độ, chính phủ khuyến khích hỗ trợ tài chính cho những gia đình nào sinh con gái.

Thông qua các hình ảnh tư liệu, liên quan đến các chính sách có quy mô lớn, cũng như qua trao đổi với các hiệp hội đấu tranh, gặp gỡ những chàng trai trẻ đang trong hành trình tìm kiếm một người bạn đời hay những cô gái trẻ kể lại nỗi gian truân (bị cưỡng chế phá thai hay cưỡng ép hôn nhân), bộ phim tài liệu của Antje Christ và Dorothe Dorholt hứa hẹn mang đến cho người xem những góc nhìn lý thú !

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180619-les-echos-donald-trump-tong-thong-db-qt

 

Tin đọc nhanh

(AFP) –LHQ: 68,5 triệu người di tản trên thế giới trong năm 2017. Liên Hiệp Quốc hôm 19/06/2018 loan báo số người tị nạn và di tản do các cuộc xung đột trên thế giới trong năm 2017 đã đạt đến con số kỷ lục là 68,5 triệu người, tăng 3,1 triệu so với năm 2016, trong số đó phân nửa là trẻ em. Các cuộc khủng hoảng ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Miến Điện và cuộc chiến ở Nam Sudan, Syria, Afghanistan, Colombia là những nguyên nhân chính khiến nhiều triệu người phải di tản, bên cạnh đó số người xin tị nạn cũng tăng lên, trong đó 1/5 là người Palestine.

(Reuters) –Thượng đỉnh Trump-Putin có thể diễn ra ở Vienna. Thủ đô nước Áo được cho là nơi mà cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin sẽ được tổ chức, trước hội nghị NATO ngày 11 và 12/7/2018 tại Bruxelles. Reuters hôm qua 18/06/2018 dẫn hai nguồn tin thông thạo cho biết như trên. Trong thượng đỉnh G7 hồi đầu tháng, chủ nhân Nhà Trắng từng đề nghị kết nạp Nga để lại trở thành G8, nhưng ý kiến này bị các lãnh đạo châu Âu bác bỏ. Hai tổng thống Trump và Putin từng gặp gỡ lần đầu bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam tháng 11/2017.

(AFP) –Thái Lan lại hành quyết tù nhân sau 9 năm. Lần đầu tiên kể từ năm 2009, Thái Lan hôm 19/06/2018 đã cho hành quyết một tử tù 26 tuổi bằng cách tiêm thuốc độc. Sự kiện này diễn ra ngay trước chuyến công du Luân Đôn của thủ tướng Chan-O-Cha, gây nhiều chỉ trích. Từ 1935, có 325 tử tội đã bị hành quyết tại Thái Lan. Đến năm 2003, chính quyền bắt đầu sử dụng thuốc độc để thi hành án, và từ 2003 đến 2009 chỉ có sáu tử tù bị hành quyết.

(AFP) – Japan Airlines kín đáo đổi tên Đài Loan. Để làm hài lòng Bắc Kinh, hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines và chi nhánh ANA sửa tên Đài Loan (Taiwan) trên website tiếng Hoa thành Taiwan-China. Trên các trang tiếng Nhật và các ngoại ngữ, tên Taiwan vẫn giữ nguyên. Thay đổi trên trang tiếng Hoa được âm thầm thực hiện vào ngày 12/06/2018 nhân thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore.

(AP) – Trung Quốc lại khuyên Úc tránh đả kích Bắc Kinh. Đại sứ Trung Quốc tại Úc ngày 19/06/2018 cho rằng quan hệ song phương Bắc Kinh-Canberra đang trong hồi căng thẳng cần phải tránh xa « sự lệch lạc và cố chấp », để cùng nhau xây dựng lòng tin. Đại diện Trung Quốc đã khuyến cáo như trên trong phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp Úc-Trung Quốc, được tổ chức tại trụ sở Nghị Viện Úc. Định chế lập pháp của Úc sẽ bỏ phiếu vào tuần tới dự luật cấm sự can thiệp của nước ngoài vào nội tình chính trị Úc. Khi được hỏi là ông ám chỉ ai khi nói đến vấn đề lệch lạc và cố chấp, đại sứ Trung Quốc chỉ nói rằng « Quý vị có thể tự rút ra câu trả lời ».

(AFP) – Trung Quốc hứa cấp 100 triệu đô la viện trợ quân sự cho Cam Bốt. Lời hứa được đưa ra nhân chuyến công du Cam Bốt của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, từ 17-20/06/2018. Bắc Kinh không ngừng tăng cường ảnh hưởng tại Cam Bốt vào lúc chính quyền Hun Sen ngày càng nguội lạnh với Mỹ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180619-tin-doc-nhanh