Tin Việt Nam – 18/06/2018
Việt Nam phải điều tra cáo buộc tra tấn
sau khi bắt giữ hằng loạt
Cơ quan chức năng Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người biểu tình bị giam qua đợt bắt giữ hằng loạt vào cuối tuần qua, đồng thời những đơn vị liên quan phải tiến hành cuộc điều tra ngay, toàn diện và hiệu quả đối với những cáo buộc có những người biểu tình bị tra tấn trong khi bắt giữ.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, trụ sở tại Anh Quốc, ra kêu gọi như vừa nêu vào ngày 18 tháng 6.
Theo Ân Xá Quốc Tế, có khoảng 150 người bị bắt giữ tùy tiện khi tham gia những cuộc biểu tình diễn ra vào hai ngày 9 và 10 tháng 6 trên khắp đất nước Việt Nam nhằm phản đối dự thảo luật khu hành chính đặc biệt.
Tổ chức này cho biết nhận được nhiều báo cáo của hằng chục người nói rằng họ bị tra tấn khi bị bắt; trong số này có người cho hay họ bị đánh bằng gậy gỗ khi từ chối không mở khóa điện thoại cho công an.
Giám đốc Cấp cao về Hoạt động Toàn Cầu của Ân Xá Quốc Tế, ông Minar Pimple, lên tiếng rằng những báo cáo về tra tấn người biểu tình như thế là vô dùng đáng quan ngại. Do đó cơ quan chức năng Việt Nam cần phải tiến hành điều tra ngay, toàn diện về những cáo buộc được đưa ra đồng thời qui trách nhiệm đối với bất cứ nghi can nào gây ra hành động tra tấn.
Theo ông Minar Pimple thì cơ quan chức năng Việt Nam không thể dùng cớ duy trì trật tự xã hội như là một lệnh bài nhằm hành hạ và giam cầm người biểu tình. Họ bị tước mất quyền tự do, quyền bày tỏ ý kiến, quyền tập trung ôn hòa và quyền được hỗ trợ pháp lý.
Ân Xá Quốc Tế cho rằng làn sóng bắt bớ vào cuối tuần qua chỉ là sự trả thù đối với những người chỉ muốn bày tỏ quan ngại của họ về một chính sách của chính phủ.
TPHCM: Hai phụ nữ kể chuyện bị bắt ra sao
Một nhân chứng ở Sài Gòn cáo buộc họ bị chửi bới, bạt tai, và chứng kiến nhiều người bị đánh trong một khu thể thao dùng làm nơi tạm giam hơn 300 người hôm 17/6.
Bắt giữ và đánh đập
“Tôi chưa bao giờ thấy cảnh đàn áp người như vậy. Họ coi chúng tôi như tội phạm.” Đó là kết luận của bà Nguyễn Ngọc Lụa với BBC qua điện thoại từ TP Hồ Chí Minh.
Bà Lụa cho biết bà bị bắt khi vừa ra khỏi Nhà thờ Đức Bà sáng 17/6.
“Lúc ấy vừa xong lễ sớm, khoảng 7:45. Tôi vừa đi ra ngoài Nhà thờ Đức Bà, đang đứng cầu nguyện trước tượng Đức Bà thì bốn người mặc thường phục ập đến túm cổ áo tôi. Tôi la lên thì họ bạt tai rồi lôi lên xe,” bà Lụa nói.
Hàng ngàn giáo dân miền Trung tuần hành cầu nguyện
‘Tôi bị bắt khi đang uống cà phê ở Sài Gòn’
Sau đó, bà Lụa được đưa về một khu nhà rộng mà theo bà mô tả là khu thể thao trong công viên. Bên trong nhà chia ra làm hai dãy để chơi tennis, bóng rổ và tập võ. Ước chừng hơn 300 người bị đưa về đây trong sáng 17/6.
Lời nhân chứng: ‘Chưa bao giờ thấy cảnh đánh người như thế’
“Lúc tôi đến mới có 10 người, bị đẩy vào một phòng nhỏ. Ở đó tôi gặp anh Trịnh Toàn và vợ là chị Loan.”
“Ít nhất có 10 người bị đánh. Quần áo rách tả tơi, mặt bầm tím. Nhưng nặng nhất vẫn là anh Toàn cùng vợ là chị Loan.”
“Rồi sau đó xe bus tới, mang theo cả trăm người, có cả trẻ em. Khu nhà trở nên hỗn loạn chưa từng có.”
“Trong dãy nhà đó, có một phòng nhỏ. Anh Toàn bị lôi và đánh trong đó. Anh kêu ‘Mọi người ơi cứu tôi với’ rất thảm thương, mặt anh đầy máu.”
“Chúng tôi ở bên ngoài kêu gào: ‘Anh ấy là người Việt, không phải Trung Cộng, đừng đánh anh ấy’… thì một toán công an cầm dùi cui tới trấn áp, lôi mọi người ra ngoài.”
“Lát sau thì xe cứu thương tới, đưa anh Toàn và chị Loan vào bệnh viện.”
“Tôi hỏi sao họ chửi bới người bằng tuổi cha chú họ, họ bạt tai. Họ yêu cầu tôi cởi chuỗi mân côi trên người, tôi không chịu, họ cho một bạt tai.”
“Tôi bị giam ở đó 18 tiếng. Tôi từng tham gia một số cuộc biểu tình trước đó, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh đàn áp người Công giáo như vậy. Họ coi chúng tôi như tội phạm.”
Bà Lụa cũng cho biết chiều 18/6 bà dự định vào bệnh viện “thăm vợ chồng anh Toàn chị Loan hiện vẫn đang phải điều trị do bị đánh đập hôm 17/6”.
Quay phim, chụp ảnh ‘cũng bắt’
Một người khác, bà Khánh Mai nói với BBC rằng bà bị bắt khi đang chụp ảnh trên đường Nguyễn Văn Bình, Sài Gòn, sáng 17/6.
“Do công việc, tôi tới đường Nguyễn Văn Bình để chụp cho người mẫu. Khi tôi và ê kíp đang đứng chụp thì thấy cảnh công an bắt người đưa lên xe. Tôi tò mò đưa máy lên chụp thì ngay lập tức hai thanh niên chỉ thẳng vào mặt tôi từ phía xa.”
“Một anh khác ở gần đó chạy lại, họ hét lên: Chụp cái gì đấy. Đưa về đồn ngay!”
“Ngay lập tức tôi bị đẩy lên xe cùng với một chị phụ nữ đang gào khóc.”
“Tôi bị đưa về một trại tạm giữ nơi đó đã có khá đông người ngồi sẵn. Đó là một căn phòng rộng, được dựng tạm bên sân bóng của công viên Tao Đàn, đường Huyền Trân Công Chúa. Phía trên có lớp tôn và phía dưới trải tấm bạt. Rất đông người la lết nằm ngồi một góc ở phía đó.”
“Lần đầu tiên, chứng kiến cảnh tượng cả đoàn người lê lết nằm ngồi, bị lăn tay, chụp hình với tôi là một kí ức khó quên.”
sự việc khiến cuộc sống của tôi bị xáo trộn và tôi vô cùng lo sợ
“Vây xung quanh tôi là những gương mặt nông dân lao động, là những cô cậu bé sinh viên hoặc những người thanh niên muốn làm được một cái gì đó cho đất nước này.”
“Lấy lời khai xong chúng tôi ngồi vào một góc nữa. Có người ngồi thiền, có người nằm ngủ. Có người mệt mỏi dựa đầu vào người kia.”
“Tôi bị hốt lên xe lúc 9 giờ 5 phút và được “đặc cách” thả ra lúc khoảng 4 giờ 45 phút.”
“Tôi chỉ muốn nói rằng tôi là một người bình thường, viết sách, không hề có ý định tham gia biểu tình. Nhưng sự việc hôm nay khiến cuộc sống của tôi bị xáo trộn và tôi vô cùng lo sợ…”
Theo biên bản vi phạm hành chính mà bà Mai cung cấp, bà bị phạt vì hai lỗi, không mang chứng minh thư và tụ tập đông người.
Cùng ngày, hôm 17/6, tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói lòng yêu nước chân chính ‘bị lợi dụng’ trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam mô tả các cuộc biểu tình tại một số thành phố và địa phương, trong đó có vụ trở thành bạo động ở Bình Thuận, là ‘có bàn tay của phần tử phá hoại’ và ‘không loại trừ có yếu tố nước ngoài’.
Từ hơn một tuần qua, không khí phản đối Luật về ba đặc khu và luật An ninh mạng đã khiến nhiều nhóm vận động kêu gọi biểu tình cả ở Việt Nam và nước ngoài.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44518485
Hàng ngàn giáo dân miền Trung
tuần hành cầu nguyện
Ít nhất ba giáo phận công giáo miền Trung Việt Nam tổ chức tuần hành cầu nguyện, phản đối luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu ngày 17/6.
Theo nguồn tin của BBC, ba giáo phận tổ chức tuần hành ngày 17/6 gồm Văn Hạnh, Song Ngọc và Tiếp Võ.
‘Tuần hành cầu nguyện’
Trao đổi với BBC ngày 18/6, linh mục Hoàng Xuân Hường, giáo hạt Văn Hạnh, giáo phận Vinh, gồm 14 giáo xứ trong khu vực, cho BBC biết: “Buổi lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình bắt đầu lúc 7:30 và kết thúc lúc 10:30 sáng 17/6, với khoảng 12.000 giáo dân tham gia.”
Trong buổi lễ, các linh mục chia sẻ với giáo dân về hiện tình đất nước, đặc biệt đề cập đến luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu, đồng thời nói đến trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
‘Tôi bị bắt khi đang uống cà phê ở Sài Gòn’
Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình
Công dân Mỹ Will Nguyễn bị khởi tố ‘vì biểu tình’
Sau thánh lễ, giáo dân tuần hành quanh giáo xứ, tay giơ cao các biểu ngữ “An ninh mạng bóp nghẹt tự do”, “không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày”…
“Buổi cầu nguyện của chúng tôi nhằm hưởng ứng thư kêu gọi chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam và của giáo phận Vinh trước hiện tình đất nước có nhiều phức tạp. Đặc biệt bộ luật An ninh mạng bóp nghẹt tự do ngôn luận và dự luật Đặc khu tạo điều kiện cho Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Bà con hưởng ứng buổi tuần hành cầu nguyện rất nhiệt tình,” linh mục Hường nói.
Không có cản trở nào từ phía chính quyền địa phương dù lực lượng công an xuất hiện rất đông khi giáo dân Văn Hạnh xuống đường với biểu ngữ, theo linh mục Hường.
“Chúng tôi không lo ngại cản trở từ chính quyền bởi chúng tôi không làm gì sai. Với trách nhiệm công dân, chúng tôi chỉ nói sự thật, phản đối những cái bất hợp lý và bảo vệ quyền lợi của công dân.”
“Chúng tôi cũng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, cho chính quyền để họ thấy điều cần làm là vì nước, vì dân, chứ đừng vì lợi ích cá nhân, phe nhóm,” vị linh mục từ Hà Tĩnh nói với BBC.
Trong khi đó, cuộc ‘tuần hành cầu nguyện’ sáng 17/6 thu hút gần 1.000 giáo dân Song Ngọc tham gia, bắt đầu từ 6:00 và chỉ kéo dài 30 phút, linh mục Nguyễn Đình Thục cho BBC biết.
“Trong lễ sáng, tôi có nói với giáo dân về Luật An ninh mạng đã được thông qua và dự Luật Đặc khu tạm dừng nhưng có dấu hiệu cho thấy chính quyền quyết tâm thông qua,” linh mục Thục nói qua điện thoại từ Nghệ An.
“Điều này rất nguy hiểm cho sự an toàn của đất nước, và chúng tôi không thể làm ngơ trước vận mệnh của dân tộc.”
“Chúng tôi chỉ đơn giản tuần hành một đoạn đường, không hô hào, chỉ cầm khẩu hiệu phản đối. Vừa đi vừa đọc kinh cầu nguyện.”
‘Bị cô lập’
Ngay sau cuộc tuần hành, toàn bộ giáo xứ Song Ngọc bị cắt internet và điện thoại, không ai nhận được cuộc gọi đến nào, cũng như không thể gọi đi đâu, linh mục Nguyễn Đình Thục cho hay.
“Chúng tôi bị cô lập như thế đến khoảng 12:00 giờ trưa. Có lẽ chính quyền nhận thấy chúng tôi không tổ chức biểu tình, tuần hành gì thêm nữa nên cấp lại internet và mạng,” linh mục Thục nói với BBC.
“Lẽ nào họ đã áp dụng Luật An ninh mạng dù luật này chỉ được thực thi từ tháng 1/2019? Nếu vậy, chúng tôi rất lo lắng và đau lòng. Nếu họ có bắt bớ, đàn áp chúng tôi sáng nay thì không ai có thể biết được tin tức.”
Trả lời câu hỏi của BBC về việc kết hợp làm lễ và biểu tình, linh mục Thục nói giáo xứ Song Ngọc không có chủ trương cụ thể nào, nhưng trong những tình huống cần phải lên tiếng các giáo phận thì sẽ lên tiếng.
“Giáo xứ Song Ngọc từng là một nơi trù phú, nhưng nay dân phải bán thuyền. Hậu quả từ vụ Formosa rất nặng nề. Nay hai bộ luật trên nếu được thực thi sẽ là mối nguy của dân tộc,” linh mục Thục nói.
‘Lợi dụng xuyên tạc’
Cùng ngày 17/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 17/6 nói việc hai dự án luật trình tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã bị lợi dụng để xuyên tạc, kích động biểu tình, chống phá Nhà nước, theo báo Tuổi Trẻ.
“Tổng bí thư cho biết từ chỗ dư luận sôi sục vì hai dự án luật này đã xảy ra chuyện biểu tình, trong đó có việc những phần tử chống đối, phá hoại, kích động, gây rối lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, đặc biệt nghiêm trọng là ở Bình Thuận,” Tuổi Trẻ tường thuật.
“Chúng ta đã tập trung chấn chỉnh, khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm minh những đối tượng cầm đầu chống phá,” Tổng bí thư được Tuổi Trẻ dẫn lời.
“Vẫn phải khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như thế này, không khí sôi nổi, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội. Không khí dân chủ trong xã hội rất tốt”, ông Trọng nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44517082
Biểu tình tiếp tục ở miền Trung và bắt bớ khắp nơi
Hằng ngàn người dân tại miền trung Việt Nam vào ngày chủ nhật 17 tháng 6 tiếp tục xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối kế hoạch của chính phủ Hà Nội cho người nước ngoài đầu tư vào các đặc khu kinh tế.
Reuters loan tin dẫn nguồn từ những người chứng kiến các cuộc biểu tình. Theo Reuters những người biểu tình quan ngại việc cho thuê đất như thế có thể bị những nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm.
Song song đó những người biểu tình cũng quan ngại Luật An Ninh Mạng mới được thông qua sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Tin cho biết hằng ngàn người tại Hà Tĩnh sau khi dự thánh lễ ngày chủ nhật đã tiến hành biểu tình một cách ôn hòa. Họ giương những biểu ngữ với nội dung ‘Không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày’ hay ‘Luật An Ninh Mạng giết chết quyền tự do’.
Biểu tình tại Hà Tĩnh như vừa nêu kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ mà không có đụng độ nào với phía công an, cảnh sát.
Trong khi đó thì tại những tỉnh, thành khác ở Việt Nam, an ninh được xiết chặt trong ngày chủ nhật với sự hiện diện của đông đảo công an, cảnh sát tại những khu vực công cộng.
Khi chúng tôi cùng đứng lên yêu cầu đừng đánh thì họ dùng dui cui đánh và nói ‘Ngồi xuống, tụi bây chống phá hả!” – Nguyễn Ngọc Lụa
Ở Sài Gòn đã xảy ra tình trạng bắt người như lời của cô Nguyễn Ngọc Lụa, người bị bắt đưa về trụ sở Công an Phường Bến Nghé sau khi đi dự lễ tại Nhà Thờ Đức Bà ra, và chứng kiến một người khác mà cô biết bị đánh đập ngay tại trụ sở Công An:
“Những thanh niên bị đưa vào, trên mặt họ đều có máu. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện vì khi đứng lên nói vì sao đánh người chảy máu thì họ tát tai, không cho nói. Chúng tôi ở phía ngoài, còn anh Trịnh Toàn ở bên trong khi bị đánh kêu lên ‘Cứu tôi với, công an đánh tôi’. Tôi cảm thấy họ đánh anh rất đau nên tôi nói với họ ‘Đừng đánh anh đó nữa; đó là người anh em của chúng tôi; anh em của anh đó chứ không phải người Trung Quốc đâu mà đánh. Khi chúng tôi cùng đứng lên yêu cầu đừng đánh thì họ dùng dui cui đánh và nói ‘Ngồi xuống, tụi bây chống phá hả!”
Một người chứng kiến khác ở Sài Gòn cũng cho biết các lực lượng chức năng có mặt trong ngày 17 tháng 8 ở Sài Gòn mà anh này ghi nhận được:
“Gồm có Áo vàng, Áo xanh, Kiểm Soát Quân Sự, Anh Ninh Sở, An Ninh Quận; hầu hết các lực lượng đều có ở đó.”
Theo báo chí trong nước có tất cả 310 người bị bắt giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh sau cuộc những cuộc biểu tình hồi tuần trước 10,11/6/2018 nhằm phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng.
Ngoài ra truyền thông nhà nước cũng cho biết công an đã “xử lý” những người bị cáo buộc có hành vi quá khích, kích động tụ tập, gây rối an ninh trật tự. Cũng theo báo chí Việt Nam, trong số những người bị cầm giữ có 7 người bị tạm giữ hình sự, 175 người bị “xử lý” hành chính.
Đặc biệt có một người bị cơ quan công an nói rằng đã giả dạng công an để quay phim chụp ảnh đám đông những người biểu tình.
Liên quan tới những cuộc biểu tình tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, còn có hai công nhân bị cáo buộc ném đá vào lực lượng chức năng trong cuộc biểu tình tại Công ty Pouyuen ở quận Bình Tân vào ngày 11/6, một công nhân bị buộc tội dùng ống sắt chia cho công nhân để tấn công cảnh sát cơ động.
Tại tỉnh Bình Thuận nơi diễn ra những vụ bạo động khi diễn ra biểu tình vào các ngày 10,11, và 12/6, cơ quan công an Thành phố Phan Thiết đã khởi tối vụ án gọi là ‘gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công cộng’.
Báo Thanh Niên trong nước cho biết có 200 người bị tạm giữ ở Phan Thiết.
Tại thị trấn Phan Rí Cửa nơi trụ sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị đốt cháy trong ngày 11/6, có 10 người đã bị khởi tố.
Tại Thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa có hai người cũng bị khởi tố với cáo buộc ‘kích động và gây rối trật tự công cộng’.
Trong các ngày 10, 11 tháng sáu nhiều ngàn người tại các tỉnh, thành ở Việt Nam đã xuống đường biểu tình chống dự luật đặc khu có thời hạn cho nước ngoài thuê đất 99 năm, và đạo luật an ninh mạng yêu cầu cung cấp thông tin người sử dụng mạng cho công an.
Đa số các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa tại Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, nhưng tại Phan Thiết đã biến thành bạo động đốt cháy Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Thuận, trụ sở Sở Kế hoạch- Đầu tư, đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại Phan Rí Cửa, cùng nhiều xe cộ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protest-central-hundred-arrested-06182018095021.html
Cuối tuần 17/6 thất bại?
Vũ Thạch
Ngoại trừ các buổi cầu nguyện và phản đối thật tốt đẹp của bà con Công Giáo tại Vinh, hầu hết các ý định biểu tình tại những nơi khác vào cuối tuần 17/6 đã không thành hình. Như thế có phải là một thất bại không?
Câu trả lời khá đơn giản: Không những không thất bại mà mỗi cuối tuần sắp tới đều nên làm như cuối tuần 17/6. Đó là luôn rục rịch chuẩn bị như sẽ có biểu tình. Còn giờ chót có thực sự biểu tình hay không chỉ có chúng ta biết.
(Và cùng lúc, cũng cần một số điều chỉnh để đối phó với mức độ điên dại của công an hiện nay).
Nếu những người dân tay không đặt được chế độ hung bạo vào tình trạng phải liên tục ứng chiến, chúng ta có thể đạt được 2 mục tiêu:
1. Buộc bạo quyền phải tốn sức gấp ngàn lần chúng ta.
– Vì phải dàn trải khắp nơi, không biết nơi nào sẽ nổ lớn, nhà cầm quyền phải huy động mọi lực lượng trấn áp chìm nổi, từ gia tăng số an ninh canh nhà từng người hoạt động đến đặt toàn bộ lực lượng CSCĐ trong tình trạng báo động; phải huy động mọi cấp chỉ huy trong quân đội, công an, guồng máy hành chính; huy động đủ loại khí tài, xe cộ máy móc đối phó đám đông, phương tiện chuyển quân, v.v. Thật khó mà tìm được cách nào làm tiêu hao sức lực bạo hành của chế độ hữu hiệu hơn.
– Với mức độ tốn sức như thế, cơn mệt mỏi của cả hệ thống trước sau gì cũng phải đến. Thường chỉ sau khoảng 3 tuần, các dấu hiệu mỏi mệt, lơ là sẽ hiện rõ. Và khi các công cụ trấn áp mệt mỏi hay lơ là, người dân mới lại có cơ hội thực hiện loại biểu tình như các ngày 9,10, và 11 tháng 6 hoặc lớn hơn, để đưa cuộc tranh đấu bảo vệ đất nước lên một nấc cao hơn.
2. Buộc bạo quyền phải bộc lộ nguyên bản chất.
– Sự tàn bạo trong đồn công an mà nhiều nhân chứng như chị Nguyễn Ngọc Lụa thuật lại đã vượt xa cả thời mật thám Pháp trên đất nước VN. Không chỉ các nam CA mà cả các nữ CA cũng thực sự trở thành chó dại. (https://www.facebook.com/ngoclua.nguyen.77/videos/1020562844764968/)
Còn người Việt nào không sôi máu khi nghe lời kể về một phụ nữ ở độ tuổi 30 trong đồn, uất ức nuốt máu và chiếc răng bị đánh gẫy vào bụng chứ quyết không phun ra, không để cho lũ công an hả dạ? Còn người Việt nào không thắt ruột nhìn hình ảnh anh Trịnh Toàn bị đánh chấn thương sọ não phải đưa đi nhà thương cấp cứu vẫn chưa hồi tỉnh và có thể nguy ngập đến tính mạng? Và hàng trăm trường hợp khác, đặc biệt tại Sài Gòn và Phan Rí.
– Các lý lẽ mị dân – vì phát triển kinh tế, vì trật tự xã hội, v.v – của các quan chức trên báo đài và qua miệng các văn nghệ sĩ công cụ, đều đã bị chính sự điên dại của công an xóa sạch.
– Vì càng tung ra hết mọi sức lực trấn áp, lãnh đạo đảng càng chứng minh với toàn dân quyết tâm bán nước của chúng. Quyết tâm đến độ sẵn sàng chấp nhận nợ máu với nhân dân.
Trước quyết tâm bịt miệng dân tộc và bán nước cho bằng được đó của lãnh đạo đảng, hơn bao giờ hết, người Việt bị buộc phải nhận chân sự thật: không đứng lên thì chỉ chờ chết. Chết bệnh tật đau đớn vì thực phẩm và môi trường độc hại. Chết bất ngờ kinh hoàng vì cướp bóc và xuống cấp giao thông. Chết đói thê lương vì bị cưỡng chế, cướp đoạt mọi đường mưu sinh … Và sau cùng chết tức tưởi dưới gót giày cai trị của Bắc Kinh như dân tộc Tây Tạng.
Đã đến lúc mọi người Việt chúng ta bắt đầu cùng chung sức làm tiêu hao tối đa sức lực bạo hành của chế độ độc tài bằng hàng ngàn, hàng triệu hành động nhỏ.
=====
Xin được gởi đến các anh chị em quan tâm một vài đề nghị trích từ bài trước liên quan đến câu hỏi lúc nào nên biểu tình.
Trước hết, dù có biểu tình hay không ta vẫn phải rục rịch làm như sắp có biểu tình để duy trì mức căng thẳng và mệt mỏi của lực lượng trấn áp.
Quyết định có biểu tình hay không nên là ý chung và được lấy vào giờ chót, trong khoảng 12 tiếng trước giờ biểu tình.
Và quyết định biểu tình hay không nên dựa trên ít là 3 yếu tố sau đây:
Mức uất hận và mức mệt mỏi của bà con trong vùng. Đây là 2 điều khác biệt và cả 2 cần được lượng giá.
Mức sẵn sàng của giới hoạt động, bao gồm từ sự đồng thuận đến các chuẩn bị công việc.
Mức phân tâm của giới cầm quyền, từ các bận rộn cho một sự kiện ngoại giao lớn đến tình hình đấu đá nội bộ đến cảnh đối phó với nhiều đám cháy cùng lúc, …
Và một vài đề nghị điều chỉnh về cách làm vào lúc này:
– Nếu chỉ đi trinh sát địa điểm, tránh cầm máy điện thoại chụp hình lộ liễu. Nên chuyển qua các cách giấu đơn giản, như bọc điện thoại trong túi xách cầm tay và chụp từ ngang đùi, chụp từ bên trong áo che nắng xuyên qua lỗ cắt, …
– Ngoài các điểm tập trung quen thuộc, nên chọn thêm một số nơi mới. Tại mỗi nơi, tạm thời hạ số người tụ lại xuống ở mức khoảng 30 người trở xuống. Chỉ cần đứng với nhau chụp hình cầm biểu ngữ lớn mang thông điệp phản đối là đủ. Tạm thời không cần hình rõ mặt.
– Các hãng xưởng có hàng ngàn công nhân, đặc biệt trong các khu công nghiệp, là nơi mà công an khó trấn áp nhất. Khi phản đối anh chị em công nhân nên mặc đồng phục giống nhau, nếu có, và đeo khẩu trang.
– Cung cấp dữ kiện tối đa về các anh chị em bị bạo hành để mọi người chung góp cấp cứu cả nạn nhân và gia đình. Đây cũng là cách duy nhất để giảm hoặc ngưng các trò bạo hành.
-Thu thập dữ kiện tối đa về các tên công an ác ôn đánh đập bà con, nhưng đừng đăng lên trang cá nhân của mình. Hãy chuyển cho các anh chị em hoạt động mà bạn tin tưởng.
– Cần ưu tiên chụp hình rõ mặt những tên công an quay phim chụp hình bà con. Chúng là điểm xuất phát những đòn thù sau đó của công an.
– Và quan trọng hơn cả, càng bị trấn áp càng phải kết nối, xiết chặt tay, phối hợp với các anh chị em khác. Không bỏ cuộc nhưng cũng không làm việc gì một mình.
https://vietbao.com/p112a282295/cuoi-tuan-17-6-that-bai-
Các giải pháp để kinh tế VN không cần 3 đặc khu
Tiến sĩ kinh tế Đinh Trường Hinh ở Virginia, Hoa Kỳ nói chính phủ Việt Nam nên tìm các giải pháp khác để thúc đẩy kinh tế bền vững thay cho cách làm ba đặc khu ở nơi quan yếu về địa lý và chính trị.
Trả lời câu hỏi của BBC nhân sự kiện Luật ba đặc khu (SEZ) tạm được hoãn bỏ phiếu trong Quốc hội Việt Nam dư luận phản đối nhưng có vẻ như Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm làm, ông gợi ý giải pháp gì để ba khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc vẫn phát triển được ra sao.
Ông cũng nói về cách mà Việt Nam về lâu dài không bị thua thiệt, hoặc như một số ý kiến, là gặp nguy hiểm về an ninh, quốc phòng nếu cho xây ba đặc khu này:
TS Đinh Trường Hinh: Tôi vẫn chưa hiểu lý do tại sao phải lập ra ba đặc khu này. Nếu mục đích là để tăng phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm vững chắc lâu bền cho dân chúng thì ba đặc khu này sẽ không giúp gì cho mục đích đó. Thứ nhất, các nước như Trung Quốc vào thời kỳ bắt đầu cải tổ kinh tế đã dùng bốn đặc khu kinh tế Sán Đầu, Hạ Môn, Thâm Quyến, và Chu Hải (Shantou, Xiamen, Shenzhen, và Zhuhai) làm thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi đem ra áp dụng những cái cách kinh tế này vào toàn trong cả nước và đã thành công. Nhưng sau đó, khoản từ 1979 đến 1989, các đặc khu này không còn đóng vai trò gì đáng kể.
Đặc khu kinh tế VN như Thượng Hải hay Pattaya?
Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng VN nói về đặc khu
Mô hình đặc khu kinh tế đã lỗi thời?
Thứ hai, vấn đề Việt Nam đang gặp không phải là thiếu vốn đầu tư mà là thiếu kém về chất lượng đầu tư và thiếu đầu tư vào những lănh vực đặc biệt mà Việt Nam đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Những lãnh vực này là những nghành công kỹ nghệ cao có thể đemlại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ của dân Việt Nam.
vấn đề cần nhất của Việt Nam là làm sao để các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giớiTS Đinh Trường Hinh
Muốn như vậy, điều quan trọng hơn hết là Việt Nam cần phải rà soát lại những đầu tư nước ngoài để chú trọng hơn về chất lượng và phải làm sao giúp các công ty nội địa (Việt Nam) nối kết với các công ty ngoại quốc hầu có thể thu nhập kỹ thuật và học hỏi để tiến lên.
Thứ ba, muốn Việt Nam phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân thì phải nâng cấp (upgrade) các công ty nhỏ và vừa hoặc các công ty gia đình Việt Nam trong nước (chứ không phải các công ty ngoại quốc) để gia nhập và cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới.
Như vậy trọng tâm của các cuộc cải cách cần có hiện nay là giúp đỡ các doanh nghiệp nội địa phát triển chứ không nhắm đến các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi đã trình bày những rào cản cho sự phát triển kỹ nghệ Việt Nam trong cuốn sách ‘Light Manufacturing in Vietnam’ (Công nghiệp nhẹ tại Việt Nam).
Cho nên, thay vì lập những đặc khu kinh tế này, Việt Nam nên thí nghiệm các cải cách muốn làm ở các khu công nghiệp hiện có (thay vì sẽ có).
Có thể lập ra ba khu kinh tế đã hoạt động dựa trên những công ty đã ghi danh trước với chính phủ (vào cuối năm 2017 chẳng hạn) và đem những cải cách đó thử trong một thời gian. Nếu chỉ dùng những công ty hiện hữu thì cũng tránh được những lời ra tiếng vào về đầu tư của một nước lạ làm ảnh hưởng đến nền độc lập và tự chủ của nước ta.
Còn nếu mục đích lập các đặc khu này là để phát triển về du lịch giải trí và một mặt khác để tách những ảnh hưởng xấu của du khách ra khỏi xã hội Việt Nam chẳng hạn như casinos thì không nên cho người nước ngoài mua bán đất đai và cũng không cần phải theo các luật lệ nước ngoài làm gì.
BBC:Qua quan sát của các ông, Việt Nam Cộng hòa trước đây, là các nước khác ở châu Á, đã đi qua giai đoạn thúc đẩy phát triển kinh tế hoặc mở SEZ thế nào, phần hơn thiệt ra sao?
TS Đinh Trường Hinh: Tôi đã viết khá nhiều về SEZ cho các nước đang phát triển và trong phạm vi của một bài phỏng vấn như thế này, khó có thể trình bày cho hết ý. Nói tóm tắc là không phải mở SEZ ra ở đâu cũng thành công cả. Có rất nhiều các nước mà SEZ đã thất bại hoàn toàn. Cho nên vấn đề quan trọng nhất là phải định hướng rõ mục đích của SEZ và học hỏi những bài học của những nước đã thành công. Những bài học của Trung Quốc tôi đã viết ra trong cuốn sách ‘Tales from the Development Frontier’.
Theo Ngân hàng Thế giới, từ ngữ đặc khu kinh tế SEZ rất tổng quát, bao gồm nhiều khái niệm khác nhau như khu thương mại tự do, khu công nghiệp, cảng tự do, khu thương mại nước ngoài, khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt, khu xuất khẩu tự do, khu hợp tác thương mại và kinh tế, khu chế xuất…
Mặc dù có nhiều biến thể về tên và hình thức, tất cả có thể được định nghĩa một cách rộng rãi là các khu vực đã được phân ranh giới trong phạm vi của một quốc gia mà ở trong các khu vực này, điều lệ kinh doanh khác với các điều lệ trong lãnh thổ quốc gia. Các điều lệ khác biệt này chủ yếu liên quan đến các điều kiện đầu tư, thương mại quốc tế, hải quan, thuế và môi trường pháp lý; theo đó, môi trường kinh doanh trong các khu vực này thường tự do hơn và hiệu quả hơn là môi trường kinh doanh trong lãnh thổ quốc gia.
Chính vì định nghĩa tổng quát ở trên của SEZ trên thế giới, bao gồm cả khu công nghiệp, nên những kinh nghiệm về SEZ trên thế giới dều là những kinh nghiệm chung chứ không phải là kinh nghiệm cho đặc khu như Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc là những trường hợp đặc biệt khác với khu công nghiệp thông thường chẳng hạn như về cho thuê đất đai hay luật lệ.
Theo định nghĩa tổng quát này, hiện nay trên thế giới đã có trên 130 nước có SEZ và con số SEZ cũng đã tăng từ 79 năm 1975 lên đến 3500 năm 2006.
Vai trò của SEZ thay đổi tùy theo quốc gia, chẳng hạn vào năm 2000, SEZ đã chiếm 81% của FDI ở Philippines, 80% ở Trung Quốc và 23% ở Mexico.
Nhiều quốc gia trên thế giới nhất là ở Phi Châu như là Nigeria, Senegal, Malawi, Namibia, và Mali đã gặp nhiều vấn đề với SEZ. Một số những yếu tố góp phần vào sự thất bại này là lập kế hoạch chiến lược kém, không phù hợp với lợi thế so sánh(comparative advantage).
Nhiều SEZ đã được bắt đầu mà không có nghiên cứu cẩn thận về nhu cầu thị trường hoặc lập kế hoạch chiến lược. Một số thất bại vì lựa chọn vị trí kém, chẳng hạn vị trí khu vực được xác định quá thường xuyên bởi chính trị hơn là cân nhắc về kinh tế hoặc thương mại.
Một số vì không đủ đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc vì khả năng thực hiện kém và thiếu thẩm quyền hay thiếu sự hỗ trợ cấp cao và ổn định chính sách.
Các phân tích của WB cho thấy muốn SEZ thành công cần có một số các điều kiện tiên quyết sau đây ở các nước đang phát triển:
Phải tập trung SEZ ở những nơi có thể bổ sung và hỗ trợ tốt nhất cho lợi thế so sánh được xác thực thông qua một quy hoạch chiến lược chi tiết, bản báo cáo feasibility và quy trình lập kế hoạch tổng thể.
Nhập SEZ vào gói chính sách phát triển kinh tế, thương mại và kinh tế rộng lớn hơn.
Nhập và hỗ trợ SEZ vào cụm công nghiệp hiện có thay vì để thay thế các cụm này.
Thúc đẩy các trao đổi giữa SEZ và môi trường trong nước thông qua các cải cách chính sách và hành chính.
Hỗ trợ việc cung cấp các cơ sở hạ tầng cứng và mềm bao gồm SEZ, các khu đô thị trọng điểm và các cửa ngõ thương mại
Phát triển các khung pháp lý và củng cố chúng bằng cách giải quyết những thách thức về thiết kế và phối hợp thể chế.
Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và các quan hệ đối tác công-tư, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật với việc cấu trúc và đàm phán các PPP.
Thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng về tuân thủ môi trường, lao động và xã hội, và xác định các trách nhiệm pháp lý để theo dõi và thực thi.
Xây dựng và thực hiện một chương trình giám sát và đánh giá toàn diện ngay từ đầu, với các biện pháp bảo vệ tại chỗ để đảm bảo các chương trình phát triển chương trình SEZ vẫn phù hợp với các kế hoạch chiến lược và tổng thể.
Trong thời gian vừa mới cải tổ kinh tế, các khu công nghiệp giúp Trung Quốc giải quyết được một số vướng mắc quan trọng về phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của công kỹ nghệ như thiếu đầu vào, thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thiếu vốn, kho vận thương mại yếu kém, quản lý kém, hay trình độ lao động thấp (Xin xem thêm chương 3 của sách Tales from the Development Frontier).
Các khu công nghiệp ở Trung Quốc phát triển qua ba giai đoạn. Ở giai đoạn đầu (1980-91), các khu công nghiệp là một phần của các đặc khu kinh tế được lập ra để thiết lập những phương thức mới nhằm thu hút vốn FDI, phát triển sản xuất hàng xuất khẩu. Đến giai đoạn hai (1992-98), những cải cách này được mở rộng quy mô lên cấp quốc gia. Số lượng các khu công nghiệp tăng nhanh khi các địa phương tham gia vào cuộc đua tăng trưởng trên toàn quốc.
Trong giai đoạn ba (1999 đến nay), sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-98 và việc Trung Quốc gia nhập WTO, Bắc Kinh phát động Chiến lược ‘Tây bộ đại khai phá’, tập trung đầu tư quy mô lớn để giúp các tỉnh miền tây bắt kịp với những khu vực duyên hải phát triển. Trọng tâm phát triển các ngành sản xuất có hàm lượng lao động cao đã chuyển dịch vào các khu vực vùng sâu vùng xa, đồng thời các khu công nghiệp ven biển cũng bắt đầu chuyển dịch sang các ngành hàng có hàm lượng vốn, công nghệ cao hơn.
Khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc được thành lập ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông năm 1980. Mùa xuân năm 1992, sau chuyến công tác của Đặng Tiểu Bình tới miền nam Trung Quốc và lời khẳng định lại về cam kết cải cách kinh tế của Trung Quốc, chủ trương nới lỏng quy định về ngoại thương và đầu tư dần dần được áp dụng mở rộng ra cho các thành phố lớn và toàn bộ khu vực ven biển, đồng thời các khu kinh tế, phát triển công nghệ cũng ngày càng xuất hiện nhiều. Một số khu kinh tế đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng vùng miền và nguồn thu của địa phương.
Thành công này khuyến khích các tỉnh khác thành lập, khuyến khích thành lập các khu kinh tế riêng của mình, cũng như khắc phục những trở ngại về môi trường kinh doanh bằng cách xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, cải cách chính sách cho những khu vực trọng điểm. Phong trào xây dựng khu kinh tế trọng điểm bùng nổ ở Trung Quốc. Tính đến cuối năm 1992, hơn 2.700 khu kinh tế trọng điểm đã mọc lên ở khắp nước, cao gấp 23 lần năm 1991.
Sau đó, chính quyền các cấp còn tiếp tục xây dựng thêm các khu kinh tế trọng điểm. Đến giữa năm 2012 đã có tới năm đặc khu kinh tế (Hải Nam, Sán Đầu, Thâm Quyến, Hạ Môn, Châu Hải), 90 khu kinh tế trọng điểm quốc gia, 88 khu phát triển công nghiệp công nghệ cao quốc gia, 22 khu phi thuế quan và 15 khu hợp tác kinh tế cửa khẩu. Tất cả những khu kinh tế này đều được hưởng ưu đãi đặc biệt của chính quyền trung ương. Chính quyền cấp tỉnh và địa phương hỗ trợ hơn 1000 khu phát triển công nghiệp khác. Năm 2010, các khu kinh tế trọng điểm cấp quốc gia đóng góp 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 11% sản lượng sản xuất, 15% kim ngạch ngoại thương. Những khu kinh tế này cũng chiếm tới 29% lượng vốn FDI.
Suy ngẫm về biểu tình ở Việt Nam: Đâu là gốc?
VN: Giảm 10 tỉnh, bớt hàng vạn quan chức?
Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng VN nói về đặc khu
Nên nhớ miền nam Trung Quốc được chọn để xây dựng bốn đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc vì một số lý do. Thứ nhất, vị trí này cho phép thu hút các thương nhân Hoa kiều vì hầu hết những người này đều có nguồn gốc từ đây. Mục đích là tận dụng nguồn vốn, trình độ quản lý, kiến thức về công nghệ cao của đối tượng này. Thâm Quyến và Chu Hải có chung đường biên với Hong Kong và Ma Cao, trong khi Sán Đầu và Hạ Môn có quan hệ với Hong Kong, Đài Loan và các cộng đồng Hoa kiều ở Đông Nam Á. Người dân ở những khu vực này có liên hệ mật thiết với nước ngoài và có truyền thống giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Dù cơ sở hạ tầng của Đại Liên, Thanh Đảo, Thượng Hải và những nơi khác còn nhiều yếu kém nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể yên tâm rằng các khu kinh tế sẽ bảo đảm được cho họ môi trường hoạt động gần chuẩn mực thị trường nếu nằm ở xa những trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc cũng như cách xa những thế lực cực đoan có khả năng phản đối cải cách hơn.
BBC: Nhiều ý kiến lo ngại về đồng tiền và nhân sự Trung Quốc liên quan đến ba đặc khu nêu trên, vậy nếu để thu hút các nhà đầu tư từ nước khác, chính phủ Việt Nam cần làm gì?
TS Đinh Trường Hinh: Quan trọng nhất vẫn là chất xám của người Việt Nam. Do đó để thu hút các nhà đầu tư và một mặt khác để vượt lên trên bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải có những cải tổ đột phá về giáo dục và về đào tạo trường dạy nghề. Đã có biết bao nhiêu là những báo cáo nói về đề tài này nhưng những cái cách đó vẫn chưa được thực hiện. Chẳng hạn trong cuốn sách về Việt Nam ở trên, tôi đã đề nghị một số các biện pháp chính sách cần được triển khai để tăng số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề, giúp nền kinh tế vươn lên mức cao hơn trên bậc thang giá trị gia tăng:
Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Giáo Dục Đào Tạo (GDĐT) và Bộ Lao Động, Thương Binh, và Xã Hội (LĐTBXH). Đây là bước đi căn bản trong nỗ lực củng cố hệ thống GDĐT dạy nghề kỹ thuật.
Nới lỏng các gánh nặng và sự kiểm soát hành chính đối với các trường đại học và cơ sở GDĐT dạy nghề kỹ thuật, và xác định các ưu tiên phát triển sao cho trường đại học và cơ sở GDĐT dạy nghề kỹ thuật có thể được mở rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nâng cao tiêu chuẩn giáo dục.
Tăng cường sự liên kết giữa trường đại học và ngành, xây dựng khung pháp lý để các cơ sở GDĐT có cơ hội đối thoại với các chủ thể kinh tế khác trong môi trường xung quanh, thí dụ như với doanh nghiệp, ngành, đại diện về chuyên môn trong các cơ quan nhà nước quản lý giáo dục, ủy ban thẩm định chương trình đào tạo, các nhóm đánh giá nghiên cứu, và các hội đồng đánh giá luận án.
Tạo động lực để xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nhận học viên thực tập và tạo nhiều khuyến khích hơn để có cơ hội tích lũy kinh nghiệm tại nơi làm việc.
Khuyến khích đầu tư tư nhân vào GDĐT dạy nghề kỹ thuật bằng cách tạo khung pháp lý minh bạch. Cơ chế mới cần tính đến cả việc tư nhân hóa và cổ phần hóa các trường công và đầu tư tư nhân mới, cũng như tăng đầu tư của chủ doanh nghiệp trong GDĐT dạy nghề kỹ thuật.
Tăng cường hỗ trợ thể chế thị trường lao động. Các thể chế thị trường lao động này cần tăng cường dịch vụ hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và các dịch vụ khác.
BBC: Ông đã từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới, và biết nhiều về các nước châu Phi, châu Á, vậy bài học chung nhất ông có thể nói cho Việt Nam vào thời điểm này gì?
Tiến sĩ Đinh Trường Hinh: Là một nhà kinh tế, tôi luôn luôn đặt các đề nghị về giải pháp kinh tế vào trong bối cảnh chính trị xã hội. Nước Việt Nam có một láng giềng lớn mà lại nhiều thủ đoạn luôn luôn muốn xâm chiếm các nước khác nhỏ hơn. Trong tình thế đó Việt Nam phải luôn luôn đề cao cảnh giác và nếu phải hy sinh về những mối lợi kinh tế ngắn hạn để được độc lập tự chủ lâu dài thì là một điều phải làm. Việt Nam không nên lựa chọn những địa điểm nhạy cảm về quốc phòng chẳng hạn như Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc để lập đặc khu.
Hơn nữa cần phải xác định rõ tại sao muốn chọn đặc khu trong thời điểm này.
Như đã trình bày ở trên, muốn kinh tế phát triển lâu dài thì phải thay đổi chính sách kinh tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong nước chứ không phải tăng FDI vào những nghành về dịch vụ như du lịch hoặc là mở sòng bài. Trong trường hợp muốn tăng trưởng các dịch vụ này thì chỉ nên dùng các luật hiện hành ở các khu doanh nghiệp và không nên cho các đặc chế về cho thuê đất đai hay là dùng luật nước ngoài và cần nhất là không nên cho miễn visa đối với các nước láng giềng để tránh những tai hại lâu dài về độc lập và tự chủ của nước Việt Nam.
Cũng cần nhớ rằng gần đây Trung Quốc hô hào về các đặc khu về du lịch như Hải Nam là vì trong mấy năm gần đây, nguồn FDI net vào Trung Quốc đã cạn, vì xin nhớ là net FDI là sự khác biệt giữa FDI đầu vào và FDI đầu ra.
Chẳng hạn như từ năm 2015 đến nay, net FDI của Trung Quốc đã là số âm trong khi đó net FDI của Việt Nam vẫn là 11-12 tỷ đô la.
Nếu tính net FDI theo đầu người thì Việt Nam hiện hơn xa Trung Quốc và là một nước mà nguồn đầu tư FDI vào nhiều nhất. Vấn đề do đó là Việt Nam có vận dụng để hưởng tối đa những ích lợi từ FDI hay không mà thôi.
Theo như tôi thấy vấn đề cần nhất của Việt Nam là làm sao để các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới. Đó là cách tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài nhất.
Tiến sĩ Đinh Trường Hinh hiện là Chủ Tịch Công Ty EGAT tại Hoa Kỳ. Ông nguyên là Chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014).
Hiện sống tạ̣i bang Virginia, Hoa Kỳ, ông đã đăng tải các tác phẩm Công nghiệp nhẹ châu Phi (2012), Các câu chuyện kể từ mặt trận phát triển kinh tế (2013), Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công việc làm, kỹ nghệ hoá, và toàn cầu hoá (2017).
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44519804
Vũ ‘nhôm’ có thể đối diện án chung thân?
Cơ quan điều tra Việt Nam đề nghị truy tố ông Phan Văn Anh Vũ tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân.
Theo Dân trí, tối 17/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’) và các bị cáo khác trong vụ đại án tại Ngân hàng Đông Á (DAB).
Vụ Vũ Nhôm: Bắt tướng công an và cựu chủ tịch Đà Nẵng
Ông Anh Vũ bị khởi tố và tạm giam bốn tháng
Truyền thông nói gì vụ Phan Văn Anh Vũ?
Bị truy tố cùng tội danh với ông Vũ còn có Trần Phương Bình (nguyên tổng giám đốc DAB), Phạm Văn Phước (nguyên giám đốc Công ty cổ phần lương thực Nam Định). Riêng bị can Nguyễn Thị Cúc (nguyên trưởng ban kiểm soát DAB) bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án này, Viện KSND tối cao từng trả hồ sơ một lần để làm rõ những sai phạm liên quan đến ông Anh Vũ, người sở hữu hơn 92% cổ phần của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Bắc Nam 79 lại nắm giữ cổ phần của DAB.
Sau hai tháng điều tra bổ sung, CQĐT tiếp tục đề nghị truy tố các bị can như trên.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44518482
Tổng Bí thư Trọng nói về biểu tình
‘Không ai dại dột đi giao đất cho nước ngoài’
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói lòng yêu nước chân chính ‘bị lợi dụng’ trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Thông điệp trên được ông Trọng đưa ra trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm 17/06.
Tổng Bí thư Trọng mô tả các cuộc biểu tình tại một số thành phố và địa phương, trong đó có vụ trở thành bạo động ở Bình Thuận, là ‘có bàn tay của phần tử phá hoại’ và ‘không loại trừ có yếu tố nước ngoài’.
Dẫn chiếu tới quyết định dừng thông qua luật Đặc khu, ông Trọng nói bước đi này là động thái ‘Đảng, Nhà nước và Quốc hội thấy rằng phải lắng nghe, tiếp thu, bao giờ hoàn thiện thì mới thông qua’.
Đặc khu kinh tế VN như Thượng Hải hay Pattaya?
Luật Đặc khu kinh tế nên ra ‘chậm mà chắc’
VN: Cuộc chiến chống tham nhũng ‘có đà’ làm tốt hơn
“Quyết định dừng [thông qua luật Đặc khu] từ chiều mùng 8 tại sao đến ngày 10 – 11.6 vẫn có nhiều người biểu tình phản đối dự luật này. Tức là chứng tỏ là có ý đồ khác rồi,’ ông nói.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam mô tả trong luật chỉ có mỗi một điểm người ta góp ý và băn khoăn, là cho thuê [đất] thời hạn đến 99 năm.
‘Chống tham nhũng ở cả khu vực tư nhân’
“Đây không phải là bàn giao đất cho nước A, nước B để người ta vào đây tự do mà là theo từng dự án đầu tư cụ thể….Còn qua bao qui trình và đến lúc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới được làm.
“Thế mà cứ kích chỗ này lên để chống đối phá hoại chúng ta. Cho nên vừa rồi phải quyết tâm chấn chỉnh lại chỗ này. Xử lý nghiêm các phần tử chống đối phá hoại. Cũng mong các bác, các đồng chí hiểu rõ chỗ này,”
”Kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để mưu các việc khác, làm việc xấu và có bàn tay của phần tử phá hoại, không loại trừ có yếu tố nước ngoài,” Tổng bí thư Trọng nói.
Kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để mưu các việc khác, làm việc xấu và có bàn tay của phần tử phá hoại, không loại trừ có yếu tố nước ngoài.Ông Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng Cộng sản Việt Nam
Liên quan tới câu hỏi của cử tri về tham nhũng là ‘giặc nội xâm và phải làm mạnh nữa’ Tổng bí thư Trọng nói đa số trong Quốc hội đang thảo luận có vẻ tán thành việc chống tham nhũng trong cả khu vực ngoài nhà nước trong quá trình bàn về Luật Phòng chống tham nhũng.
‘Bên ngoài không tiếp tay cho bên trong thì bên trong cũng chẳng có tham nhũng. Cấu kết thành thành một dây lợi ích nhóm, cho nên hướng là phải mở rộng ra’.
Ông Trọng cũng mô tả việc kê khai tài sản là ‘vấn đề rất khó’ và ‘nhạy cảm’.
‘Trước các sự kiện lớn, rồi đề bạt và bổ nhiệm thì đều có kê khai. Vấn đề là ở chỗ có kê khai đúng, chính xác và trung thực không, có công khai không. Ai đảm bảo việc kiểm tra giám sát kê khai là đúng hay sai,’ ông Trọng nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44516917
Sạt lở nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long
do các đập thủy điện của Trung Quốc
Các đập thủy điện đầu nguồn do Trung Quốc xây dựng trên dòng sông Mekong đang gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông và bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo của Tổng cục phòng chống thiên tai công bố hôm 18/6 như vừa nêu.
Tại hội nghị công bố bản đồ các điểm sạt lở ở bờ sông và bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Hà Nội hôm 18/6, ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai thuộc Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết vào trước năm 2010, khi Trung Quốc chưa hoàn thành các công trình thủy điện tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long không nghiêm trọng. Tuy nhiên kể từ năm 2010 đến nay, khi nhiều dự án thủy điện và hồ chứa của Trung Quốc đã hoàn thành, mức độ sạt lở đã gia tăng nghiêm trọng.
Thống kê của Tổng cục cho thấy từ năm 2010 đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 điểm sạt lở trên gần 800 km, trong đó có 55 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
Các dự án hồ chứa nước ở thượng nguồn được cho biết đã làm giảm lượng phù sa đổ về Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện có 19 dự án hồ chứa đang được triển khai, trong đó có nhiều hồ chứa lớn thuộc Trung Quốc.
Ngoài ra tình trạng khai thác cát, gia tăng công trình và mật độ dân cư hai bên bờ sông, ven biển cũng được đánh giá là nguyên nhân khiến tình hình sạt lở thêm phức tạp.
Người dân Bình Định phản đối nạn khai thác cát
vì lo ngại sạt lở
Nhiều người dân ở khu vực Long Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định gần đây phản ánh tình trạng khai thác cát ồ ạt trên bờ sông Côn chạy qua khu vực gây sạt lở mạnh, hủy hoại hoa màu và nhà cửa của người dân.
Báo Lao Động trích lời người dân địa phương cho biết tình trạng này đã diễn ra từ năm 2012 trở lại đây và người dân đã phản đối nhưng nạn khai thác cát vẫn tiếp diễn.
Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch ủy ban nhân dân phương Nhơn Hòa cho báo Lao Động biết tình trạng xâm thực tại bờ sông là do hoạt động của khai thác cát và ảnh hưởng từ lũ lụt. Ông cũng cho biết thêm là vào tháng 4 năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho một doanh nghiệp ở thành phố Quy Nhơn thuê hơn 2 hecta đất tại sông Côn đoạn chảy qua khu vực Long Quang để khai thác cát. Tuy nhiên người dân đã phản đối khi công ty triển khai máy móc ra bờ sông.
Hiện có gần 100 hộ dân ở khu vực này được xác định là nằm trong vùng sạt lở cần di dời khi có lũ lớn xảy ra.
Thị trường chứng khoán Việt Nam
tiếp tục lao dốc “đỏ rực”
Chốt phiên giao dịch ngày 18 tháng 6, VN-Index giảm 29,17 điểm (tương đương 2,87%), mất gần 1.000 điểm có được của 10 phiên giao dịch trước đó.
Tin do báo trong nước loan đi cùng ngày cho biết cùng với cổ phiếu tài chính lao dốc là tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt hai nhóm là cổ phiếu chứng khoán và tiện ích giảm giá mạnh nhất, khoảng 5,69% và 5,31%.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect, nhóm 10 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức giảm của thị trường có tới 9 cổ phiếu thuộc nhóm VN30. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhiều cổ phiếu, gần 11 triệu cổ phiếu trên HoSE, tương đương 489 tỷ đồng và 950 ngàn cổ phiếu trên sàn HNX, tương đương 18 tỷ đồng.
Theo các ý kiến chia sẻ gần đây trên mạng xã hội, lý do thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc là do chính quyền Việt Nam thông qua luật An Ninh Mạng vào ngày 12 tháng 6 vừa qua. Luật này đưa ra nhiều quy định gây tranh cãi như yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội phải đặt máy chủ ở Việt Nam và phải cung cấp dữ liệu cá nhân của người sử dụng cho cơ quan an ninh, bất kể có giấy triệu tập của tòa án hay không.