Thượng đỉnh Mỹ – Triều thành hay bại?
Tính biểu tượng còn được thể hiện qua lời lẽ và nội dung Thông Cáo Chung kết thúc Tượng đỉnh Mỹ-Triều.
Như vậy là Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã diễn ra đúng ngày 12-6-2018 như đôi bên hoạch định, nhưng thành quả Thượng đỉnh này theo nhận định của chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người thì chỉ có tính biểu tượng và mang nhiều kịch tính, trái với dự đoán và sự trông đợi thực tế phải khác hơn. Vì sao?
Thực tế nhiều người dự đoán là Thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có thể gay go, trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên và nếu không có sư bất trắc xảy ra đưa Thượng đỉnh đến tan vỡ, thì thành quả ít ra phải có được những gì cụ thể. Thế nhưng Thượng đỉnh đã diễn ra êm ả và kết thúc tốt đẹp cho cả đôi bên. Có điều, qua các hình ảnh, diễn tiến các sự kiện, cung cách và ngôn từ ứng xử giữa hai nhà đạo Mỹ-Triều; cũng như nội dung Thông Cáo Chung kết thúc Thượng đỉnh, đã cho thấy thành quả Thượng đỉnh Mỹ-Triều chỉ có tính biểu tượng và mang nhiều kịch tính.
Thật vậy, qua hình ảnh và diễn tiến các sự kiện cũng như lời ăn tiếng nói, cử chỉ, điệu bộ của hai nhà lãnh đạo cao nhất của đại cường quốc Hoa Kỳ và tiểu nhược quốc Bắc Hàn, dường như đã được đôi bên sắp xếp như một cuốn phim được các nhà đạo diễn quan tâm đến từng chi tiết đối thoại và diễn xuất. Qua đó người ta thấy những hình ảnh thân thiết và những lời tán tụng nhau giữa hai nhà lãnh đạo, mà chỉ ít tháng trước đây vẫn còn coi nhau như kẻ thù không đội trời chung, buông ra những lời thóa mạ nhau thậm từ. Nhất là Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ca ngợi hết lời Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, dù ông từng bị công luận quốc tế tố cáo là một nhà độc tài tàn ác không chỉ với nhân dân (nhà tù lao động khổ sai, pháp trường…) mà cả với thuộc cấp và thân tộc (Như xử tử chú Dượng và ra lệnh ám sát người anh em cùng cha khác mẹ…), nếu làm trái ý Ông ta.
Chẳng hạn trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Van Susteren của đài VOA, trả lời câu hỏi “Điều gì ở ông Kim Jong Un làm ngài ngạc nhiên?”. Tổng thống Trump nói “Thực sự, ông ấy có một cá tính tuyệt vời. Ông ấy là một người vui tính, ông ấy rất thông minh, và là một nhà thương thuyết tuyệt vời. Ông ấy thương dân, nhưng không phải tôi ngạc nhiên vì điều đó, mà thật sự ông ấy yêu mến người dân Triều Tiên…”.
Cùng với cử chỉ ưu ái, vỗ về, trước khi bước vào hội đàm, Tổng thống Trump còn chiếu cho Chủ tịch Kim và phái đoàn coi một video ngắn 4 phút với các hình ảnh vẽ ra một tương lai tuyệt vời cho Bắc Hàn và quan hệ Mỹ-Triều vô cùng tốt đẹp, khởi đi từ sự thành công của Thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm nay. Sự thể này khiền người ta có cảm tưởng như vị Tổng thống Hoa Kỳ gốc doanh nhân đang dùng kỹ thuật chiêu dụ một đối tác trên thương trường. Nhưng trước sự chủ động, nhiệt thành của Tổng thống Trump, Chủ tịch Kim đã đối lại bằng vẻ mặt, nụ cười tươi vui, nhưng chừng mực và hà tiện lời nói, chỉ đủ làm vui lòng người đối diện và trình diễn trước ống kính truyền hình thế giới. Do đó mà đặc phái viên Vincent Sourieau của Reuters cho là do “Kim Jong Un ít có thói quen phát biểu với truyền thông và trước công chúng. Nhưng người ta cảm nhận thấy sự quyết tâm của Kim Jong Un trong thái độ của ông ta. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên luôn tươi tỉnh và thoáng mỉm cười sau mỗi tuyên bố của tổng thống Mỹ. Vấn đề hiện nay là sự đồng thuận giữa hai vị lãnh đạo sẽ được cụ thể hóa như thế nào ».
Mặt khác, tính biểu tượng còn được thể hiện qua lời lẽ và nội dung Thông Cáo Chung kết thúc Tượng đỉnh Mỹ-Triều, người ta chỉ thấy ghi nhận sự đồng thuận trên nguyên tắc sẽ giải quyết các vấn đề mà đôi bên cùng quan tâm và cùng có lợi, cũng là yêu sách đôi bên cần thương lượng để giải quyết. Thế nhưng không thấy định ra phương cách và lịch trình giải quyết cụ thể nào. Nghĩa là Thượng đỉnh mới chỉ là sự tiên báo hướng giải quyết các vấn đề mà thành quả thực tế vẫn ở phía trước, còn tùy thuộc vào thực tâm và các hành động cụ thể , song phương Mỹ-Triều để cùng thực hiện sau này.
Đúng như dự đoán của chúng tôi trong một bài viết trước Thượng đỉnh nhan đề “Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ thành công hay thất bại” chúng tôi nhận định “Một cách chủ quan chúng tôi cho rằng Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12-6 tới đây tại Singapore chỉ có thể thành công chứ không thể thất bại… Sở dĩ chúng tôi dám khẳng định một cách chủ quan như thế, là căn cứ trên diễn biến đưa đến các cuộc bàn thảo tiền hội nghị giữa đôi bên, dường như Mỹ-Triều đã có sự tương nhượng để đạt được phần nào những yêu sách cơ bản của mình, nên Thượng đỉnh mới được tái tục. Vì Thượng đỉnh diễn ra đôi ba tiếng đồng hồ không có thời giờ tranh luận, mà chỉ là sự xác nhận, chuẩn phê những gì mà hai bên đã đạt được đồng thuận trước hội nghị; để sau đó công bố bằng một bản Thông Cáo Chung có ý nghĩa như một “Bản Ghi nhớ” những đồng thuận đã đạt được và tiến trình thực hiện để triển khai…”
Thật vậy, yêu sách chủ yếu hàng đầu cũng là lý do Hoa Kỳ cần có Thượng đỉnh để giải quyết là Bắc Hàn phải “giải trừ vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên”. Thế nhưng thành quả đạt được ghi trong Thông Cáo Chung chỉ là sự tái xác nhận của Bắc Triều Tiên “cam kết hành động để phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên” từng được ghi nhận trong “bản Tuyên Bố Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018” sau Thượng đỉnh Liên Triều. Thành quả này được ghi nhận nơi điểm (3) Thông Cáo Chung 4 điểm (*). Còn các thành quả khác ghi nhận trong Thông Cáo Chung (Nơi các điểm 1, 2 và 4) chỉ là thứ yếu và là hệ quả tất nhiên một khi vấn đề “Phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên” được giải quyết dứt điểm. Thế nhưng, tất cả những vấn đề chủ yếu cũng như thứ yếu này thành quả chỉ là xác nhận trên nguyên tắc có ý nghĩa như một “Ghi nhớ” sự đồng thuận sẽ được đôi bên tìm cách thực hiện trong tương lai có thể kéo dài ngắn dài tùy theo thiện chí, nỗ lực đôi bên.
Đến đây chúng tôi cho rằng, nếu thành quả chỉ có thế thì cần gì phải tổ chức Thượng đỉnh rình rang, mất nhiều thời giờ trao đổi, vận động ngoại giao kín đáo qua lại và tổ chức tốn kém bạc triệu như vậy? Bởi vì thành quả này coi như đã dạt được từ Thượng đỉnh Liên Triều cơ mà? Bởi vì, ngay sau khi Bình Nhưỡng chủ động đi bước trước, đơn phương xác nhận trong Tuyên Bố Chung kết thúc Thượng đỉnh Liên Triều (27-4) là ngừng hoàn toàn thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, được cụ thể hóa bằng sự tự phá hủy các căn cứ thử nghiệm, để tiến đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Như thế Hoa Kỳ có thể chỉ cần viết thư từ chối đề nghị của Bắc Triều Tiên về một cuộc họp Thượng đỉnh tay đôi (vì không cần thiết) mà yêu cầu Bắc Triều Tiên nếu thực tâm thì “hãy làm đi”, Washington cam kết sẽ đáp ứng theo một tiến trình phù hợp, kiểm chứng được; đáp ứng có khi còn nhiều hơn 4 điểm ghi trong Thông Cáo Chung đạt được sau Thượng đỉnh-Mỹ-Triều vừa qua: (1) “thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước…” (2), cùng chung sức thực hiện một chế độ hòa bình bền vững và ổn định trên bán đảo Triều Tiên (3) , cam kết hành động để phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên, (4) “ cam kết cho hồi hương thi hài các quân nhân Mỹ mất tích trên chiến trường trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên”.
Thế tại sao Thượng đỉnh vẫn đã diễn ra? – Theo nhận định của chúng tôi là vì hai bên đều có lợi ích thiết thân cần đạt được thông qua Thượng đỉnh này.Vì thế bằng mọi cách, mọi giá đôi bên phải tìm cách tương nhượng để vượt qua mọi trở ngại hầu có Thượng đỉnh vào ngày 12-6 vừa qua. Lợi ích thiết thân của hai bên là gì?
Về phía Bắc Triều Tiên, cần có Thượng đỉnh với Hoa Kỳ, để có cơ hội khẳng định vị thế ngoại giao trên trường quốc tế mà bao lâu nay bị cô lập và lu mờ dưới bóng phủ của đại cường cộng sản Trung Quốc. Vì thế Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã bầy tỏ không che dấu quyết tâm thành tựu Thượng đỉnh và bằng mọi cách chủ động cứu vãn sự tan vỡ Thượng đỉnh sau khi Tổng thống Trump tuyên bổ hủy Thương đỉnh. (như vội đề nghị họp Thượng đỉnh Liên Triều lần 2, gửi cánh tay mặt Tướng Kim Jong Chol đến Mỹ gặp Ngoại Trưởng Mike Pompeo và đưa thư riêng của Chủ tịch Kim cho Tổng thống Trump…)
Vậy vì lợi ích thiết thân gì mà Bình Nhưỡng phải xuống nước như vậy để có Thượng đỉnh Mỹ-Triều?
Theo nhận định của chúng tôi, bằng hành động tự nguyện chủ động giải trừ vũ khí hạt nhân, tuyên bố bước qua thời kỳ xây dựng phát triển đất nước, sống chung hòa bình, sau khi tuyến bố các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo tải đầu đạn hạt nhân đã thành công, chế đô Bình Nhưỡng muốn qua diễn đàn Thượng đỉnh vớ đại cường quốc nguyên tử Hoa kỳ, được thế giới mặc nhiên thừa nhận là một cường quốc hạt nhân; nay có đủ tư thế chủ động thương lượng tay đôi với Hoa Kỳ , để được giải tỏa cấm vận, bảo đảm sự tồn tại của chế độ và sự trợ giúp phát triển của Hoa Kỳ,Nam Hàn và quốc tế, song phương cũng như đa phương…Dường như Kim Jong Un lãnh tụ chế độ Bắc Triều Tiên đã thành đạt được tức thì tất cả hay phần nào lợi ích thiết yếu này qua Thượng đỉnh Mỹ- Triều.
Về phía Hoa Kỳ,cũng có lợi ích muốn thành đạt qua Thượng đỉnh với Bắc Triều Tiên. Vì vậy, Tổng thống của cường quốc Hoa Kỳ Donald Trump, một người theo chủ nghĩa thực dụng, đã chỉ coi trọng lợi ích có được qua Thượng đỉnh mà không ngại phải ngồi nói chuyện ngang hàng với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, một lãnh tụ trẻ tuổi (hàng con cháu) của một tiểu nhược quốc từng là đối thủ gây nhiều nhức nhối cho Hoa Kỳ và thế giới trên hồ sơ hạt nhân của nước này. Do đó, phía Hoa Kỳ cũng đã có nhiều nỗ lực để vượt qua mọi trở ngại để Thượng đỉnh Mỹ-Triều phải thành tựu, không thể tan vỡ.
Theo nhận định của chúng tôi, lợi ích mà Tổng thống Trump muốn đạt được trước hết là sự thành tựu Thượng đỉnh Mỹ -Triều có tính lịch sử sẽ đưa tên tuổi Ông vào lịch sử như một Tổng thống đã phá đổ bức tường ngăn cách với một chế độ độc tài cộng sản khép kín và tàn bạo, từng bị Hoa Kỳ coi là một quốc gia khủng bố quốc tế đã tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân để đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ và hòa bình thế giới; mà các đời Tổng thống trước đã thất bại trong nỗ lực buộc chế độ này phải từ bỏ. Sự thành tựu Thượng đỉnh còn tạo thành tích lãnh đạo cá nhân xuất sắc hội dủ phẩm chất để được quốc tế trao tặng giải Nobel Hòa bình hàng năm. Đồng thời thành tựu của Thượng đỉnh Mỹ-Triều, dù mới chỉ là trên nguyên tắc, nhưng đã tìm được sự đồng thuận khả tín và hé lộ thực tâm đôi bên muốn giải quyết vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, báo hiệu một thành quả có phần chắc chắn trên thực tế trong tương lai gần xa. Tuy nhiên, những lợi ích mà Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn thành đat qua Thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn còn ở phía trước, tùy thuộc ở tương lai các thỏa thuận mà đôi bên đạt được trên nguyên tắc có được thực thi đầy đủ, đem lại thành quả thực tế hay không.
Thành ra, nếu so sánh thì người ta thấy, dường như Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thành đạt tức thì ít nhiều các lợi ích thiết thân sau Thượng đỉnh; trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump còn phải chờ thêm thời gian thì thành quả đạt được trên nguyên tắc sau Thượng đỉnh mới trở thành hiện thực. Nghĩa là rồi đây Bình Nhưỡng có giải trừ thực sự vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thực hiện chính sách sống chung hòa bình …như Thống Cáo Chung Thượng đỉnh Mỹ-Triều ghi nhận, thì khi đó tên tuổi Tổng thống Trump mới thực sự đi vào lịch sử vì đã làm được một điều cả thể mà các đời Tổng thống tiền nhiệm đã không làm được. Từ đó dẫn đến lợi ich cho cá nhân là giải Nobel Hòa Bình và cho đảng Cộng Hòa là vẫn giữ được vị thế đa số trong lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử vào tháng 11-2018 tới đây.
Thiện Ý
Houston, ngày 14-6-2018
Ghi chú:
(*) Sau đây là toàn văn thông cáo chung (theo bản tiếng Pháp của AFP) :
« Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un đã có cuộc trao đổi ý kiến đầy đủ, sâu sắc và chân thành về những vấn đề liên quan đến việc thiết lập mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và RPDC (Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên) và về việc xây dựng một chế độ hòa bình vững chắc và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Trump đã cam kết đưa ra các bảo đảm về an ninh cho RPDC và chủ tịch Kim Jong Un tái khẳng định cam kết vững chắc và không lay chuyển của mình đối với việc phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Tin tưởng rằng việc thiết lập mối quan hệ mới Hoa Kỳ-RPDC sẽ đóng góp vào hòa bình và phồn thịnh của bán đảo Triều Tiên và thế giới, và thừa nhận rằng việc thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau có thể thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố:
1. Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước phù hợp với nguyện vọng hòa bình và thịnh vượng của nhân dân hai nước.
2. Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẽ cùng chung sức thực hiện một chế độ hòa bình bền vững và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
3. Bắc Triều Tiên tái khẳng định nội dung bản Tuyên Bố Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018, cam kết hành động để phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
4. Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cam kết cho hồi hương thi hài các quân nhân Mỹ mất tích trên chiến trường trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên.
Thừa nhận rằng thượng đỉnh Hoa Kỳ-RPDC, cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử, là một sự kiện có tầm quan trọng to lớn, đáng ghi nhớ vì thượng đỉnh sang trang nhiều thập niên căng thẳng và thù nghịch giữa hai nước, báo trước một tương lai mới, tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong Un cam kết thực hiện toàn bộ các điều khoản trong thông cáo chung này.
Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cam kết, ngay khi có thể, tổ chức các cuộc thương lượng liên tục, do ngoại trưởng Mike Pompeo và một đồng nhiệm cấp cao của RPDC tiến hành, nhằm thực hiện các kết quả của thượng đỉnh Hoa Kỳ-RPDC.
Tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong Un cam kết hợp tác nhằm phát triển mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và RPDC, thúc đẩy hòa bình, phồn thịnh và an ninh của bán đảo Triều Tiên và thế giới».
Thiện Ý – 15/06/2018
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-dinh-my-trieu-thanh-hay-bai/4439204.html