Nhật Ký Biển Đông: Thế Nước Lòng Dân
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Sáu ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình Hoa Kỳ:
-Yahoo News ngày 4/6/2018: 27 ứng cử viên tranh nhau chức thống đốc Tiểu Bang California. Đất nước Hoa Kỳ có quá nhiều nhân tài hay chẳng có nhân tài nào ra hồn cho nên chẳng ai chịu thua ai? Cử tri California khi vào phòng phiếu sẽ lựa chọn mệt nghỉ. Nền chính trị của một quốc gia sẽ đi vào khủng hoảng khi: Không có ma nào thèm ra ứng cử hoặc có quá nhiều người ra ứng cử.
-Time Magazine Videos ngày 4/6/2018: Trình chiếu một đoạn thu hình ngắn rất cảm động. Một con clawfish/crayfish -loại tôm hùm nhỏ xíu đã tự làm rụng cái càng lớn của mình để không để bị nhúng vào nước đang sôi sùng sục của một cái lẩu. Thế mới hay loài vật dù là côn trùng, tôm, cá vẫn có tình cảm như con người, tức yêu mến sự sống. Thế nhưng khốn thay, chúng nó nhỏ bé quá cho nên không chống lại được sự khôn ngoan của con người và biến thành thực phẩm để phục vụ con người. Tiểu Bang Louisiana mỗi năm sản xuất 100 triệu cân Anh loại tôm hùm nhỏ xíu này và bán đi khắp nơi cho người ta luộc ăn, chấm với sốt may-on-ne (mayonnaise) .
-Good Mornign America ngày 13/6/2018: “Nhà tư bản Tim Draper đã thu thập được hơn 600,000 chữ ký để đưa đề nghị tách Tiểu Bang California ra thành ba tiểu bang với dân số ngang bằng nhau để biểu quyết trong cuộc bầu cử vào Tháng 11. Đây là một tiến trình rất dài. Cho dù người dân chấp thuận vẫn phải được Quốc Hội đồng ý. Tỷ phú Draper nêu lý do tiểu bang nhỏ điều hành hữu hiệu và ít tốn kém cho hệ thống thư lại, thuế má sẽ nhẹ hơn, an ninh, hạ tầng cơ sở và y tế sẽ cải thiện.”
Tình hình thế giới:
-Good Morning America ngày 1/6/2018: “Tòa Bạch Ốc đã chính thức áp dụng thuế xuất mới rất nặng về thép và nhôm nhập cảng từ Liên Hiệp Âu Châu, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ từ ngày hôm nay nhưng đã gặp phản ứng từ các nhà kinh doanh và đồng minh khắp thế giới. Bà May – nữ thủ tướng Anh nói thật thất vọng trước quyết định bất công do Bộ Thương Mại công bố. Thủ Tướng Trudeau của Gia Nã Đại trong một cuộc họp báo cho rằng thuế xuất mới là sự nhục mạ mối liên hệ lâu đời giữa Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Thuế thép nhập cảng từ Liên Hiệp Âu Châu, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ sẽ là 25% và nhôm là 10%.” Theo AP, thủ tướng Gia Nã Đại nói rằng sáu thành viên của G-7 muốn Hoa Kỳ lắng nghe tiếng nói lo lắng và vô cùng thất vọng của họ về hành động gia tăng thuế nhập cảng mới đây.
-Fox News ngày 2/6/2018: “Tổng Thư Ký khối NATO nói rằng liên minh sẽ không giúp Do Thái nếu nước này bị kẻ thù truyền kiếp là Ba Tư tấn công vì Do Thái dù là nước hợp tác, nhưng không phải là thành viên của liên minh do đó bảo đảm an ninh không áp dụng cho Do Thái.”
-The Week ngày 5/6/2018: “Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Diều Hâu Bolton đã không có mặt trong Phòng Bầu Dục vào ngày 1/6/2018 khi Ô. Trump tiếp đại diện của Ô. Kim Jong Un là Kim Yong Chol và một trong những lý do là – Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo đã trình với Ô. Trump rằng – sẽ phản tác dụng nếu để Ô. Bolton tham dự cuộc họp. Ô. Pompeo- người không tham dự cuộc họp với Ô. Bolton hai bên không hề quen biết nhau trước khi Ô. Trump bổ nhiệm Ô. Bolton lãnh đạo Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và mối liên hệ vốn đã căng thẳng trước đây có thể dễ bùng nổ khi Ô. Bolton tuyên bố trên đài truyền hình rằng Bắc Triều Tiên sẽ lãnh hậu quả gớm ghiếc như cái chết của Ô. Gaddafi ở Libya (nếu không tuân theo điều kiện của Hoa Kỳ).”
-The Week ngày 5/6/2018: “Tờ New York Times cho hay, Ba Tư thông báo cho Liên Hiệp Quốc biết họ đã hoàn tất việc xây dựng một địa điểm lò ly tâm nguyên tử. Điều này có thể là dấu hiệu Ba Tư sẽ chấm dứt việc tuân thủ thỏa hiệp hạt nhân 2005 nhằm giới hạn việc tinh luyện chất uranium.” Theo AFP cùng ngày, thủ tướng Do Thái nói rằng thỏa hiệp hạt nhân 2005 đã chết và kêu gọi thành lập một liên minh quân sự chống lại Ba Tư nếu Ba Tư làm tinh luyện thêm chất Uranium. Theo Reuters ngày 6/6/2018, Pháp- cường quốc ký tên vào thỏa hiệp 2005 cảnh báo Ba Tư chớ vượt lằn ranh cuối cùng – tức chớ tiến hành việc gia tăng làm giàu chất Uranium.
-Politico ngày 5/6/2018: “Các chính trị gia Đức kêu gọi trục xuất đại sứ Hoa Kỳ Richard Grenell sau cuộc phỏng vấn gây bất bình trong đó Ô. Richard Grenell nói rằng cần phải thúc đẩy việc chống lại các tập đoàn chính trị/đảng có thế lực khắp Âu Châu. Ô. Martin Schulz- cựu lãnh đạo Đảng Dân Chủ Xã Hội nói rằng việc làm của ông đại sứ này hoàn toàn không có tiền lệ trong ngành ngoại giao.” Rồi theo Washington Post ngày 7/6/2018, “Chính phủ Ba Lan nói nhận xét của người được đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan- Bà Georgette Mosbacher -một nữ thương gia vừa được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm- là không thể chấp nhận được. Bà này nói rằng trào lưu chống Do Thái gia tăng tại Đông Âu là vì một đạo luật mà Ba Lan ban hành mới đây ra lệnh truy tố những ai đổ lỗi cho Ba Lan về cuộc Thảm Sát Do Thái (Holocaust) của Đức Quốc Xã trên đất Ba Lan.”
Bà này tức cười quá! Mình là đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan chứ có phải đại sứ Do Thái tại Ba Lan đâu mà xía vào chuyện người ta. Rõ ràng bà này ỷ mình là sứ thần của một siêu cường cho nên không sợ mất lòng ai hết. Nếu bà này ở Phi Luật Tân, chắc chắn sẽ bị Ô. Duterte “chơi” cho một vố khi vào năm 2016, đã gọi ông đại sứ Mỹ là “lại cái” và “chó đẻ”. (gay and son-of-a-bitch)
-Fox News ngày 6/6/2018: “Hội Đồng Bảo An LHQ vừa chấp thuận một công bố khích lệ các bên ở Ukraina tuân thủ thỏa hiệp hòa bình 2015 và bày tỏ lo ngại về tình trạng an ninh sút giảm tại khu vực phía đông. Nga là quốc gia có quyền phủ quyết và đã giằng co với Ukraina kể từ khi Mạc Tư Khoa sát nhập Crimea (Crưm) vào đầu năm 2014 sau khi Nga hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở miền đông. Thế nhưng 15 thành viên, kể cả Nga đã đồng ý về bản công bố ngày 6/6/2018 do Pháp và Đức dự thảo. Đây là bản công bố đầu tiên về Ukraina kể từ Tháng Giêng 2017.”
-Reuters ngày 8/6/2018: “Chính quyền cánh hữu ở Áo vừa leo thang bày tỏ sự thù ghét những người Hồi Giáo trong nước bằng kế hoạch đóng cửa 7 thánh đường và trục xuất từ 40-60 giáo sĩ là những người đã nhận tiền từ nước ngoài. Chính phủ liên minh do Thủ Tướng Sebastian Kurz lãnh đạo nói rằng đây chỉ là bước đầu cuộc chiến chống lại những gì gọi là ‘Hồi Giáo cực đoan’.”
Tu sĩ mà nhận tiền từ nước ngoài, gây bất ổn ở trong nước thì cần phải truy tố hay trục xuất. Người Hồi Giáo ở Áo, năm 1971 chỉ có 22,000. Năm 2016 đã lên tới 700,000 chiếm 8% dân số Áo. Bộ trưởng ngoại giao Áo nói chính quyền còn muốn đóng cửa tất cả các Trường Mẫu Giáo của Hồi Giáo. Nói một cách công bằng nhất, là người di dân chúng ta có quyền giữ gìn văn hóa và truyền thống dân tộc, nhưng không thể xâm hại tới truyền thống và văn hóa của quốc gia mình đang sinh sống. Các cụ Việt Nam đã dạy, “Nhập gia tùy tục”.
-AFP ngày 9/6/2018: “Trong lúc thượng đỉnh G-7 họp tại Gia Nã Đại, căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ về thuế nhập cảng và Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa hiệp hạt nhân 2005 với Ba Tư, Chủ Tịch Tập Cận Bình khai mạc phiên họp thượng đỉnh của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation) tại Thành Phố Thanh Đảo. Tổng Thống Nga Putin, Thủ Tướng Ấn Độ Modi, Tổng Thống Ba Tư Rouhani và Thủ Tướng Hồi Quốc Mamnoon Hussain đã có mặt trong cuộc họp này. Chủ đề chính bao gồm việc Ba Tư có thể trở thành hội viên chính thức của tổ chức an ninh khu vực này.”
Theo AP ngày 9/6/2018, Tổng Thống Donald Trump đã tới trễ trong cuộc họp thượng đỉnh về bình đẳng nam nữ/bình đẳng phái tính khiến Thủ Tướng Trudeau phải bắt đầu phiên họp mà không chờ đợi người trễ tràng. Khi Ô. Trump bước vào, đã tạo ra một sự gián đoạn phiên họp, vừa họp vừa ăn sáng của G-7 tại Quebec. Ô. Trudeau đã bỏ lỡ phần giới thiệu Ô. Trump trong khi bà Isabelle- đồng chủ tịch của Hội Đồng Cố Vấn về Bình Đẳng Nam Nữ – khi bà này đang phát biểu.” Hình ảnh của AP cho thấy khuôn mặt bà Thủ Tướng Merkel và bà Christine Lagarde- Thống Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế buồn so, ngồi bên cạnh chiếc ghế trống đang chờ đợi Ô. Trump.
Sau cuộc họp thượng đỉnh, trên đường đi Tân Gia Ba để gặp Ô. Kim Jong Un, Ô. Trump đã gửi lên Twitter lời công kích thủ tướng Canada rất nặng nề. Ô. Trump nói Ô. Trudeau là không thành thật, yếu đuối và không ký vào bản công bố chung vì những lời tuyên bố của Ô. Trudeau là sai lạc. AP cho rằng Ô. Trump đã đẩy G-7 vào thế xáo trộn (disarray). Theo tôi, G-7 ở vào thế dở khóc dở cười. Thuận theo Mỹ thì không được mà chống Mỹ cũng không xong. Đời là vậy. Nhìn bức hình Ô. Trump ngồi khoanh tay, mặt “nghiêm và buồn” trong khi các ông/bà thủ tướng của G-7 đứng bao quanh là chúng ta thấy. Đúng là cả thế giới đau đầu vì Ô. Trump. Không hiểu mai đây các ông bà lãnh đạo G-7 có rút quân ra khỏi liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo để chống lại Taliban ở A Phú Hãn không? Khi tiền bạc, kinh tế đã bất hòa thì khó lòng “chung lưng đâu cật” trên mặt trận quân sự. Vào ngày 10/6/2018, Bà Merkel tấn công Ô. Trump vì đã từ chối bản tuyên bố chung và kêu gọi các nước còn lại của G-7 sát cánh với nhau để lèo lái chính sách thế giới.
Có một sự thực rõ ràng là nhờ sự bảo vệ của Hoa Kỳ mà Âu Châu yên ổn để lo phát triển kinh tế. Nhưng cũng chính nhờ sự hỗ trợ của Âu Châu- qua NATO – mà sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trở nên vô địch. Nếu NATO tách ra thì sức mạnh quân sự toàn cầu của Hoa Kỳ chỉ còn một nửa.
Có một chi tiết đáng chú ý nữa là, trong khi Ô.Trump đề nghị đưa Nga trở lại G-7 thì trong bản công bố, các quốc gia trong G-7 đã lên án Nga có những hành động gây bất ổn. Tại diễn đàn thượng đỉnh Hợp Tác Thượng Hải, Ô. Putin đã gọi những nhà lãnh đạo Âu Châu này là “những kẻ tán gẫu” (chatters). Tuy nhiên Ô. Putin lại nói rằng ông rất vui vẻ tiếp đón mọi người tại Mạc Tư Khoa. Ô. Putin đúng là tay có huyền đai về Nhu Đạo – là môn võ dùng nhu thắng cương. Lịch sử thế giới chứng tỏ rằng tất cả những kẻ hung bạo quá đều chết. Muốn làm võ lâm chí tôn “muôn năm trường trị” ngoài võ công trùm trời lại cần phải có Đức, tức biết bao dung và thương người. Hung bạo quá, giang hồ sẽ đoàn kết lại tru diệt mình. Đạo Trời là như vậy, chẳng cần tìm đâu xa.
-US News and World Report ngày 11/6/2018: “Các bộ trưởng ngoại giao của Ukraina, Nga, Pháp và Đức đang gặp nhau tại Bá Linh để thảo luận về việc chấm dứt xung đột giữa quân chính phủ Ukraina và phe ly khai tại miền đông được Nga hỗ trợ. Cuộc thảo luận vào chiều ngày hôm nay tập trung vào việc thi hành thỏa hiệp hòa bình đã được đồng ý tại thủ đô Minsk, Belarus năm 2015 và lực lương gìn giữ hòa bình LHQ có thể tới đây. Hơn 10,000 người đã chết trong cuộc chiến ở miền đông từ năm 2014. Hai ngoại trưởng Nga và Ukraina đã gặp nhau trong phiên họp kín tại biệt thự của bộ trưởng ngoại giao Đức.”
-Reuters ngày 12/6/2018: “Hoa Kỳ khánh thành một văn phòng đại diện mới trị giá 256 triệu Mỹ Kim tại thủ đô Đài Loan- một tòa đại sứ trong thực tế là dấu ấn rõ rệt chiến lược của Hoa Thịnh Đốn liên hệ mất thiết với quốc gia dân chủ, tự trị giữa lúc đảo quốc này leo thang căng thẳng với Hoa Lục.”
-Reuters ngày 12/6/2018: Sau nhiều tháng căng thẳng, tưởng chừng như chiến tranh nguyên tử đã nổ ra, vào ngày 12/6/2018, hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã khởi đầu cuộc họp có tính cách lịch sử tại một khách sạn trên Đảo Sentosa của Tân Gia Ba. Hai Ô. Donald Trump và Kim Jong Un đã bắt tay nhau. Theo Shanghai Media Group , Ô. Kim Jong Un 35 tuổi, đã tới trước bảy phút để tỏ lòng kính trọng người lớn tuổi (Ô. Trump 72 tuổi). Sau đó hai ông đã vào phòng họp riêng chỉ có thông dịch viên hiện diện khoảng một tiếng đồng hồ sau đó là các phụ tá tiến vào thảo luận và một bữa ăn trưa, vừa ăn vừa thảo luận. Ô. Trump nói với báo chí rằng đây là thành công ghê gớm và chúng tôi có mối liên hệ rất lớn. Còn Ô. Kim nói rằng không dễ gì (hai bên) gặp nhau ở đây. Có những trở ngại nhưng chúng tôi đã vượt qua. Ô. Kim còn nói thêm, chúng tôi vượt qua những hoài nghi và phỏng đoán về cuộc họp thượng đỉnh này và đó là điều tốt cho hòa bình.
Cùng đi với Ô. Trump có Ngoại Trưởng Mike Pence, Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton. Theo các hãng thông tấn, Ô. Trump nói rằng, Hoa Kỳ sẽ ngưng các cuộc tập trận đầy khiêu khích và tốn kém với Nam Triều Tiên để tạo điều kiện cho việc đàm phán về phi hạt nhân với Bắc Triều Tiên và bảo đảm an ninh cho Bắc Triều Tiên (không lật đổ). Trong khi đó Ô. Kim Jong Un cam kết phi hạt nhân hóa tức từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí nguyên tử.
Một số nhà bình luận nôn nóng cho rằng cam kết của Thượng Đỉnh Kim-Trump chỉ có tính tượng trưng. Theo tôi, đây là một thành công lớn, một bước đột phá, nếu không phải là Ô. Trump – vốn có chính sách ngoại giao liều lĩnh thì không bao giờ đạt được. Dĩ nhiên còn phải là một thời gian nữa để hai bên tiến hành những cam kết như: Làm thế nào để kiểm chứng Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và hỏa tiễn liên lục địa. Rồi Hoa Kỳ nới lỏng cấm vận và có thể đi tới viện trợ nhân đạo để “làm quà” cho hai bên tin tưởng nhau. Dĩ nhiên mọi sự trên đời này chưa biết ngày mai ra sao nhưng hiện tại cũng xin chúc mừng cho nhân dân Nam Bắc Triều Tiên và cho cả Hoa Kỳ.
Theo tin tức ghi nhận được, có thể Ô. Kim Jong Un sẽ theo kiểu mẫu Việt Nam (Vietnam-like) để mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên vấn đề còn tùy thuộc Hoa Kỳ có gỡ bỏ cấm vận kinh tế hay không. Theo tôi, chuyện gỡ bỏ cấm vận từng phần chắc chắn sẽ xảy ra. Hiện nay có khoảng 5300 binh sĩ Hoa Kỳ chết trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên còn đang chôn cất tại đây. Hoa Kỳ muốn đưa hài cốt của họ về nước. Vào ngày hôm nay 12/6/2018, Trung Quốc đã yêu cầu LHQ tháo bỏ lệnh cấm vận lên Bắc Triều Tiên.
-New York Post ngày 14/6/2018: “Theo tin từ hệ thống CTV, người dân Gia Nã Đại bắt đầu sử dụng sách bỏ túi về ngoại giao để ủng hộ Thủ Tướng Trudeau hiện đang có cuộc đấu khẩu với Tổng Thống Donald Trump bằng cách tẩy chay hàng hóa Mỹ và tạm hoãn các chuyến du lịch Hoa Kỳ, lánh xa rượu mạnh Kentucky, rượu vang California, cam Florida và không tới cà-phê Starbuck, tiệm tạp hóa Walmart, nhà hàng McDonald’s.” Còn theo The Hill, ngoại trưởng Gia Nã Đại không bác bỏ việc có thể trừng phạt hệ thống thương mại của Ô. Trump.
-AP ngày 15/6/2018: “Ngày hôm nay, Tổng Thống Doanlad Trump loan báo vừa đánh thuế 25% trên tổng số 50 tỷ hàng hóa nhập cảng từ Trung Hoa khiến gia tăng căng thẳng mậu dịch một ngày sau khi Bắc Kinh đe dọa đáp trả. Hành động này, sau một thời gian dài đấu khẩu, có thể đưa tới một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu.”
Chiến Tranh Lạnh Mới:
-Newsweek ngày 2/6/2018: “Tờ Wall Street Journal cho biết, Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Donald Trump và Tổng Thống Putin. Căn cứ vào lời của giới chức cao cấp, tờ báo này nói rằng Đại Sứ Jon Huntsman của Hoa Kỳ tại Mạc Tư Khoa đang giúp làm trung gian cho một cuộc họp như vậy nhưng kế hoạch mới chỉ ở bước khởi đầu.”
-The Charlotte Oberver ngày 3/6/2018: “Một cuộc tập trận lớn do Hoa Kỳ chỉ huy với 18,000 binh sĩ của 19 nước chính trong NATO vừa khởi đầu ở cạnh sườn phía đông, gồm Ba Lan và ba nước Estonia, Latvia và Lithuania của vùng Baltic. Quân Đội Hoa Kỳ đóng tại Âu Châu nói rằng cuộc tập trận Saber Strike 18 (Nhát Kiếm 18) mở ra trong vùng cho tới ngày 15 Tháng Sáu như là một biểu tỏ cam đoan và đoàn kết của Đồng Minh vào thời điểm mà sự diễn tập của quân đội Nga gia tăng, gây lo ngại cho các nước thành viên của NATO.”
-US News and World Report ngày 3/6/2018: “Phó Thủ Tướng Áo Heinz-Christian Strache và cũng là nhà lãnh đạo của đảng cực hữu Freedom Party kêu gọi Âu Châu chấm dứt cấm vận Nga vài ngày trước khi ông sẽ gặp Tổng Thống Putin nhân chuyến ông viếng thăm Vienna.” Theo The Hill ngày 9/6/2018, Áo đã gợi ý đứng ra tổ chúc hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin. Song song vào đó, các viên chức quốc phòng cao cấp nhất Nga-Mỹ đang gặp nhau tại Phần Lan. Phải chăng đây là dấu hiệu hòa dịu của Hoa Kỳ để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Ô. Putin? Tân thủ tướng Ý Đại Lợi Giuseppe Conte ủng hộ đề nghị này, nhưng Bà May- thủ tướng Anh lại công kích quyết định của Ô. Trump. Điều này cũng dễ hiểu vì Anh hiện nay đang thù Nga “thâm căn cố đế”.
Tình hình Trung Đông:
-CNS News ngày 2/6/2018: “Hoa Kỳ đã bác bỏ một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An do các quốc gia Ả Rập bảo trợ kêu gọi một hệ thống quốc tế để bảo vệ thường dân Palestines vì cho rằng nó không đề cập đến nhóm Hamas mà Hoa Kỳ và Do Thái gọi đó là nhóm khủng bố -là trung tâm của những căng thẳng tại Gaza. Bà Nikki Haley cho rằng LHQ đã tỏ ra bất công một cách tuyệt vọng đối với Do Thái. Các nước Pháp, Nga, Trung Quốc, Biển Ngà (Ivory Coast), Kazakhstan, Bolivia, Thụy Điển và Guinea Xích Đạo đã cùng với Kuwait bỏ phiếu thuận. Chỉ một mình Hoa Kỳ bỏ phiếu chống. ”
-Al Jazeera ngày 1/6/2018: “Ả Rập Sê-út- quốc gia đang phong tỏa Qatar -đe dọa sẽ có hành động quân sự đối với nước láng giềng vùngVịnh Ba Tư nếu nước này thủ đắc hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 của Nga. Trong một bức thư gửi Tổng Thống Pháp Macron, Quốc Vương Salman bày tỏ sự lo ngại về cuộc thương thảo đang tiến hành giữa Mạc Tư Khoa và Doha để bán loại hỏa tiễn này. Vua Salman yêu cầu Pháp gia tăng áp lực đối với Qatar vì khi Qatar thủ đắc loại hỏa tiễn này sẽ đe dọa nền an ninh của Ả Rập Sê-út.”
-Fox News ngày 5/6/2018: “Một lực lượng của Nga triển khai tại biên giới Syria-Li-băng nghe báo cáo là đã triệt thoái và thay thế bởi binh sĩ Syria. Đài truyền hình Al-Mayadeen có trụ sở tại Li-băng có phóng viên khắp Syria nói rằng lính Nga rút lui vào ngày 5/6/2018 khỏi khu vực biên giới- vùng ngoại ô của thị trấn Qusair vốn là căn cứ địa của nhóm Hezbollah-Lebanon.” Trong khi đó theo Newsweek, một viên chức quân sự hàng đầu của Ba Tư nói rằng binh sĩ của họ sẽ không rút ra khỏi Syria cho dù Nga đạt được một thỏa hiệp với Do Thái với hy vọng lực lượng của Ba Tư sẽ triệt thoái khỏi miền nam Syria.”
Tình hình Biển Đông:
-CNS News ngày 5/6/2018: “Anh và Pháp hỗ trợ những nỗ lực của Hoa Kỳ để đối phó với những thách thức tại Biển Đông khi Bộ Trưởng James Mattis trong tuần rồi đã gọi những hành động của Hoa Lục là đe dọa và cưỡng ép tại vùng Biển Đông. Hai bộ trưởng quốc phòng Âu Châu đã chỉ rõ tại Tân Gia Ba -nơi mà họ cùng Ô. Mattis tham dự cuộc đối thoại về an ninh Shangri La tổ chức hằng năm- là họ sẽ gửi các chiến hạm tới để tiến hành chiến dịch ‘tự do hàng hải’ tại đây trong những ngày sắp tới. Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly nói rằng tàu chiến Anh và Pháp sẽ thăm Tân Gia Ba vài ngày trước khi cùng tiến vào khu vực nào đó.” Rồi theo Reuters ngày 6/6/2018, Hoa Kỳ đã đưa hai pháo đài bay B-52 bay gần những hòn đảo còn đang tranh chấp. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng không có chiến hạm hay phi cơ nào có thể khiến họ từ bỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Như tôi đã tiên đoán, rồi đây một lực lượng hải quân quốc tế sẽ kéo tới – dĩ nhiên không thể ngăn Hoa Lục quân sự hóa các đảo nhân tạo, nhưng không cho Hoa Lục khống chế Biển Đông, phong tỏa hải lộ chiến lược. Hải lộ này là sự sống còn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan và Nam Triều Tiên. Thế nhưng lực lượng quốc tế khó lòng hiện diện thường trực bởi không có một căn cứ tiếp vận. Subic Bay của Phi Luật Tân là địa điểm lý tưởng nhưng Phi ngày nay theo đuổi chính sách hòa dịu với Hoa Lục cho nên không dại gì cho hải quân Mỹ đóng tại đây để đổi lấy phát triển kinh tế. Chỉ còn cách duy nhất là ghé Cảng Quốc Tế Cam Ranh trong một thời gian ngắn để tiếp liệu, sửa chữa. Nhưng không biết hành động này có gây tức giận nơi Bắc Kinh không. Ngày 5/6/2018, lần đầu tiên bộ trưởng quốc phòng Gia Nã Đại thăm Việt Nam. Không biết Gia Nã Đại đóng vai trò gì trong tranh chấp Biển Đông.
-Fox News ngày 8/6/2018: “Hai viên chức Phi Luật Tân nói rằng lực lượng duyên phòng Hoa Lục tiếp tục tịch thu những mẻ cá của ngư dân Phi tại bãi cạn vẫn còn đang tranh chấp ở Biển Đông cho dù có sự phản đối của Phi Luật Tân. Các viên chức Phi Luật Tân nói rằng họ đã bày tỏ lo ngại với Bắc Kinh vào Tháng Hai sau khi nhân viên duyên phòng của Hoa Lục leo lên tàu và tịch thu cá của ngư dân ở Bãi Hoàng Nham (Scarborough Shoal).
-Tin Tổng Hợp: Bà Nirmala Sitharaman – Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ấn Độ thăm Việt Nam, hội đàm với Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
-Sputnik News ngày 14/6/2018: “Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo này mà không được phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp, vô giá trị và vi phạm chủ quyền của Việt Nam.”
Nhận Định:
Business Insider ngày 6/6/2018 cho biết, “Kể từ khi giành được độc lập từ tay Thực Dân Anh năm 1957, chưa bao giờ có việc đổi thay quyền lãnh đạo ở Mã Lai cho đến tháng vừa rồi. Liên minh đối lập Mã Lai đã giành được thắng lợi có tính lịch sử tại phòng phiếu, đoạt quyền từ tay người đương nhiệm là Thủ Tướng Najib Razak đang vướng mắc vào những vụ tai tiếng về tài chính. Cử tri Mã Lai đã bầu cho Ô. Mahathir Mohamad – nhà lãnh đạo đối lập 92 tuổi vốn là cựu thủ tướng. (Ông già trông còn gân và đẹp lão). Đây là sự hoán đổi quyền lực gây chấn động và có lẽ không hài lòng Hoa Lục. Trong lúc tranh cử, và kể cả lúc tuyên thệ nhậm chức, Ô. Mahathir đưa ra nhu cầu cần xét lại những dự án đầu tư của Hoa Lục tại Mã Lai- là quốc gia mấu chốt để Ô. Tập Cận Bình phát triển Dự Án Một Vành Đai- Một Con Đường. Điều này cũng ám chỉ là Ô. Mahathir ngấm ngầm muốn xét lại cả mối liên hệ về kinh tế, ngoại giao giữa hai quốc gia.”
Mã Lai ở xa Hoa Lục như thế mà cũng biết đặt an ninh quốc gia lên hàng đầu, lánh xa Trung Quốc. Việt Nam nằm sát nách Tàu với tham vọng bành trướng rõ như ban ngày, nguy cơ chiến tranh lù lù trước mắt… mà lại đưa ra kế hoạch lập Đặc Khu Kinh Tế cho thuê đất 99 năm. Bất cứ quốc gia nào “thuê đất” 99 năm dù là Nhật, Tàu, Anh, Pháp, Mỹ… với sự ưu đãi cho công nhân và cư dân trong vùng, kể cả sử dụng ngôn ngữ riêng, tôn giáo riêng, rồi thiết lập nơi thờ phượng riêng cho tôn giáo của họ. Cứ 20 năm một thế hệ. Với năm thế hệ lớn lên, 99 năm sẽ biến người dân vùng này thành một quốc gia khác, một khối người ngoại quốc, giống như Macao, Hongkong, Crimea, Chợ Lớn của Miền Nam năm xưa… và vĩnh viễn không bao giờ có thể hòa nhập lại với cộng đồng dân tộc. Đây là kế hoạch giống như “nhượng địa” khi thua trận hoặc kế hoạch chia cắt lãnh thổ. Tôi đã làm thử con tính, 5000 công nhân nhập cư vào mỗi Đặc Khu Kinh Tế, rồi 5000 người này lập gia đình, mỗi gia đình sinh 2 con. Vậy thế hệ đầu tiên sinh ra 10,000 đứa trẻ. 10,000 đứa trẻ này 20 năm sau lại lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Chu trình cứ như thế tiếp diễn, trong vòng 100 năm, với năm thế hệ, dân số sẽ lên tới con số kinh hoàng là 365,000 người!!! Ba Đặc Khu Kinh Tế sẽ là 1,095,000 người. Sau 100 năm, để lấy lại các Đặc Khu này, chúng ta đuổi 1,095,000 người “ngoại quốc” này đi đâu? Hay họ sẽ trưng cầu dân ý đòi độc lập, tự trị. Chúng ta làm sao? Đành phải nhượng địa hay chấp nhận một quốc gia trong một quốc gia thôi! Hoàng Sa đã vĩnh viễn mất, phần còn lại của Trường Sa chưa chắc đã giữ được. 100 năm sau lại có thêm ba nhượng địa hay ba quốc gia trong lòng dân tộc Việt Nam. Thà nghèo mà đất nước nguyên vẹn còn hơn giàu mà đất nước bị chia cắt. Có gì bảo đảm là ba Đặc Khu Kinh Tế này sẽ làm cho dân giàu nước mạnh? Các cụ dạy rằng, “Thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào. Thấy người ta ăn mía, vác sào mà nhai.” Chớ có nhắm mắt bắt chước người. Mỗi quốc gia đều có những đặc điểm riêng. Những cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn quốc cho thấy người dân không suy nghĩ như chính quyền suy nghĩ. Người dân muốn phát triển kinh tế nhưng không muốn đất đai lọt vào tay ngoại bang, bất cứ ngoại bang nào, dù chỉ một tấc đất. Hiện nay Hoa Kỳ, Âu Châu đang khốn khổ vì thảm họa di dân. Tại sao chúng ta lại ‘trải hoa” rước di dân vào qua cái cổng rất êm đềm là Đặc Khu Kinh Tế?
Tuy nhiên chống Trung Quốc và giảm nhẹ ảnh hưởng của Trung Quốc (thoát Trung) không phải dễ. Bài xích người ngoại quốc, dù ngoại quốc nào cũng sẽ bị thế giới lên án. Do đó, nhiệt tình yêu nước là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Muốn chống bất kỳ ngoại xâm nào cũng phải có vũ khí tối tân, quân đội mạnh, một chính sách ngoại giao khôn khéo, một nền kinh tế thật mạnh và đất nước ổn định. Dũng cảm, yêu nước tuyệt vời nhưng thế yếu vẫn thua, vẫn mất nước. Con nai dù dũng cảm, “yêu nước” cách mấy rồi cũng bị con hổ ăn thịt. Thế giới ngày nay, ngay cả Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, Nhật Bản cũng phải làm ăn buôn bán với Trung Quốc để sống còn hoặc thủ lợi. Việt Nam đang ở vào vị thế vô cùng khó khăn. Khó khăn nhất Á Châu và Đông Nam Á bây giờ. Có thể nói đó là thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Cứ thử nhìn vào số nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng quốc phòng, tàu chiến, hàng không mẫu hạm của các siêu cường, đại cường đổ xô tới Việt Nam cho thấy Việt Nam trở thành trọng điểm chiến lược, mộtvùng trái độn giữa Trung Hoa và phần còn lại của thế giới. Mất Việt Nam thì Biển Đông mất, Mỹ sẽ phải lui về cố thủ ở Guam và hải quân Trung Quốc sẽ nghênh ngang ở Thái Bình Dương. Các quốc gia Đông Nam Á hiện đã ngả dần theo Trung Quốc, khi đó chắc chắn sẽ nằm hẳn trong quỹ đạo của Bắc Kinh.
Những cuộc biểu tình lớn hầu như trên toàn quốc cho thấy: Do cọ sát lịch sử 1000 năm, do cuộc xâm lăng năm 1979, do Hoàng Sa và một phần Trường Sa mất vào tay Trung Quốc, do sự bành trướng của Hoa Lục tại Biển Đông, do hành động dã man giết hại ngư dân đánh cá ở Hoàng Sa… mọi vấn đề làm ăn buôn bán, thỏa hiệp, liên kết với Trung Quốc của chính quyền phải hết sức tế nhị nếu không sẽ là một cuộc tự sát. Ngoại giao ôn hòa, mềm dẻo không có nghĩa là nhu nhược. Phải luôn luôn khẳng định tính độc lập tự chủ và không nhượng bộ. Chính phủ phải thông báo tường tận cho người dân, cho Quốc Hội biết. Nếu không, người dân sẽ coi đây là hành vi âm thầm “bán nước”, bán nước một cách từ từ.
Ở đâu cũng vậy, một chính quyền ngu dại là chính quyền đi trách cứ người dân. Một chính quyền khôn ngoan là làm thế nào để người dân tin vào những gì mình đang làm. Chẳng hạn, Bộ Thương Mại cứ sáu tháng phải công bố con số Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc là bao nhiêu? Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam là bao nhiêu? Các công ty, xí nghiệp của Bắc Kinh đang làm ăn, buôn bán tại Việt Nam tạo bao nhiêu công ăn việc làm cho người địa phương và những hoạt động của họ có phương hại tới an ninh, chủ quyền quốc gia không? Các khu du lịch, nghỉ mát do Trung Quốc xây dựng và điều hành có phải là vùng trọng điểm của quốc gia không? Rồi số nợ Trung Quốc là bao nhiêu? Rồi bất cứ cái gì mà đa số chống đối thì phải xét lại. Ỷ nắm chính quyền làm bừa thì: Ở các quốc gia dân chủ sẽ là “truất phế” (impeached) hoặc nhiệm kỳ sau bỏ phiếu cho về vườn. Còn ở các quốc gia độc tài sẽ là bạo loạn, lật đổ rồi treo cổ. Các cụ Việt Nam dạy rằng, ”Khôn sống, mống chết”. Còn Lão Tử dạy rằng “phải biết”. Biết ở đây là “biết lòng dân”, biết người dân yêu cái gì và ghét cái gì. Còn Khổng Tử dạy rằng, “Dân chi sở hiếu, hiếu chi. Dân chi sở ố, ố chi. Xử chi bi dân chi phụ mẫu.” tức là, “Dân thích cái gì thì mình thích cái đó. Dân ghét cái gì thì mình ghét cái đó. Xử được như thế là cha mẹ dân.” Lịch sử Việt Nam chứng tỏ rằng khi đã nắm được dân, khi dân với lãnh đạo một lòng thì có thể đánh bại bất kỳ quân xâm lược hùng mạnh nào. Thế nhưng chia rẽ sẽ là yếu tố tốt nhất để dâng nước cho ngoại bang.
Những cuộc biểu tình bừng bừng khí thế đi tới bạo động, đập phá của người dân, lớn hơn cả vụ giàn khoan Hải Dương-981 năm 2015 cũng gửi cho tập đoàn lãnh đạo Trung Hoa lời nhắn nhủ. Người dân Việt Nam quyết tâm “Sát Đát” hào hùng như vua quan đời Lý-Trần qua bài thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.
Nhữ đằng hành khan thủ bại hư.
Một nước nhỏ bé như Việt Nam luôn luôn đánh đuổi và đánh thắng quân xâm lược Đại Hán là một sự kiện ít thấy trong lịch sử nhân loại.
Đào Văn Bình
(Calfornia ngày 15/6/2018)