Tin Việt Nam – 13/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 13/06/2018

Luật An ninh mạng: Vì sao và sẽ ra sao?

Các ý kiến nói với BBC họ quan ngại Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam

thông qua sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều mặt trong đời sống người dân và các quyền trong xã hội.

Các ý kiến nói với cuộc thảo luận của BBC hôm 12/06 về các lý do họ cho là đã gây phản ứng của dân trước Luật An ninh mạng và vấn đề tới đây sẽ ra sao.

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/06/2018 với đa số phiếu bầu trên 86%.

Trả lời BBC News Tiếng Việt qua Facebook Live từ London, hai khách tại Hà Nội, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh và Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nêu quan điểm của họ về luật này.

Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh ngay sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, một nhóm có tên gọi là Hate Change đã đưa ra tuyên bố phản đối.

Họ cũng kêu gọi Chủ tịch nước Trần Đại Quang không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng.

Bàn tròn BBC: Luật An ninh mạng thông qua – phản ứng, bình luận

Bàn khả năng hoãn hoặc sửa Luật An ninh mạng

‘Luật an ninh mạng, bước lùi lớn cho VN’

Internet ‘cần tự do’ và QH cần thận trọng

5 điều cần biết khi bị chặn mạng

Nhóm vận động đại diện cho 56.000 công dân và 22 tổ chức xã hội này cho rằng Luật An ninh mạng của Việt Nam “có nhiều điều khoản xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân và tước đi tự do của người dân”.

Nhu cầu giáo dục và xã hội

Tham gia ký tên vào bản kiến nghị này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho biết:

“Thời gian vừa qua Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ vượt bậc về cả kinh tế, dân trí và xã hội. Có được sự thay đổi này là phần lớn nhờ vào mạng Internet. Là một người làm khoa học, chúng tôi thường xuyên sử dụng mạng Internet để truy cập những công trình nghiên cứu mới nhất.

Trong hoàn cảnh Việt Nam chưa thể nhập khẩu được hết tất cả các giáo trình ở nước ngoài, mạng Internet là công cụ giúp chúng tôi tiếp cận với các giáo trình này, nhằm giúp sinh viên cập nhật kiến thức để đi cùng với thế giới.”

Khi nghe nói có dự luật An ninh mạng, chúng tôi đã rất lo ngại liệu Việt Nam có rơi vào tình cảnh của Trung Quốc hay khôngTS Nguyễn Hoàng Ánh

“Khi nghe nói có dự luật An ninh mạng, chúng tôi đã rất lo ngại liệu Việt Nam có rơi vào tình cảnh của Trung Quốc hay không?

Ở Trung Quốc, tất cả các trang mạng phổ biến trên thế giới đều bị chặn và mọi hoạt động phải thông qua Baidu (dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên mạng lớn nhất nước). “

Bà Hoàng Ánh cũng so sánh Việt Nam với Trung Quốc:

“Trung Quốc là một nước có nguồn kinh tế dồi dào và dân số đông, do đó họ có thể phát triển theo cách của họ. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm lực nhỏ yếu hơn rất nhiều và nếu như không có mạng Internet thì đó sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho các ngành nghề nói riêng và xã hội nói chung,”

Tác động ra sao?

Để đánh giá sự tác động của Luật An ninh mạng đối với đời sống người dân, bà Hoàng Ánh giải thích:

“Hiện nay, mọi hoạt động của con người đều thông qua mạng xã hội từ nói chuyện, mua sắm cho đến trao đổi việc nhà. Do đó, người dân sẽ có cảm giác bất an nếu tất cả những câu chuyện riêng tư của họ bị giám sát bởi một bên thứ ba.

Skype bị xóa tại Trung Quốc

AI: Phải thách thức ‘đề xuất lạnh người’ của luật an ninh mạng

‘VN sao chép cách kiểm soát thông tin của TQ’

Xét về mặt nguyên tắc, Nhà nước có quyền quản lý những hành vi đe doạ an ninh xã hội như khủng bố.

Tuy nhiên, đối với những người dùng chỉ muốn phản biện một cách lành mạnh thì một số điều khoản trong Luật An ninh mạng là chưa phù hợp.”

Bình luận về điều 16 Luật An ninh mạng vừa được thông qua, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động tại Hà Nội nói:

“Trong điều 16 có quy định cấm “Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe doạ, lôi kéo, tụ tập đông người gây rối”. Tôi không đồng tình với nội dung này vì nó đi ngược lại với quyền biểu tình của công dân đã được quy định ở trong Hiến pháp.

“Là một thành viên tham gia các hoạt động đường phố chống chính sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc nhiều năm qua, tôi cũng phản đối Khoản b, Điều 16 với nội dung cấm “Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh, chia rẽ gây hận thù giữa các dân tộc” vì chúng tôi chỉ làm điều đó với mục đích bảo vệ lợi ích dân tộc.”

Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng cũng không đồng tình với nội dung cấm “xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm cuả người khác”.

Theo ông, người dân có quyền bày tỏ chính kiến của mình nếu các quan chức có “hành vi sai trái hoặc tài sản bất minh”.

Đang rất cần luật này?

Báo chí Việt Nam đang tải ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng, một Đại biểu Quốc hội ủng hộ Luật An ninh mạng trong phiên bỏ phiếu hôm 12/06, cho rằng:

“Thông thường các đạo luật ra đời để phúc đáp các yêu cầu của xã hội, bây giờ xã hội đang rất cần nó thì dứt khoát phải bấm nút thông qua.”

tất cả các dự luật quan trọng cần phải được trưng cầu dân ýKS Nguyễn Lân Thắng

Bình luận ý kiến này, ông Nguyễn Lân Thắng cho biết:

“Mặc dù ông Lưu Bình Nhưỡng là một Đại biểu Quốc hội được chọn thông qua thủ tục bầu cử hợp pháp và hợp hiến, nhưng tôi không cho rằng tiếng nói của ông Nhưỡng là thực sự đại diện cho ý kiến của người dân.

“Tôi mong muốn, tất cả các dự luật cần phải được trưng cầu dân ý. Hơn nữa, Quốc hội còn nợ người dân Luật biểu tình.”

Nếu chính quyền áp dụng Luật An ninh để đàn áp người dân thì cần có các bài viết, bài phỏng vấn và các hoạt động phản kháng đường phố nhằm buộc các quan chức phải hành xử đúng với trách nhiệm và chức năng của mìnhKỹ sư Nguyễn Lân Thắng

Khi được hỏi người dân nên làm gì để phản đối Luật An ninh mạng hay nên chấp nhận luật này, ông Thắng nêu quan điểm:

“Chúng ta phải khẳng định quyền công dân bằng cách tiếp tục nói lên chính kiến của mình. Nếu hoạt động đơn lẻ và chỉ có vài trăm người xuống đường thì chính quyền có thể đàn áp được. Tuy nhiên, nếu tất cả người dân cùng lên tiếng phản đối và tiếp tục làm những điều như trước khi có Luật An ninh mạng thì đạo luật này sẽ bị vô hiệu hoá.

“Nếu chính quyền áp dụng Luật An ninh để đàn áp người dân thì cần có các bài viết, bài phỏng vấn và các hoạt động phản kháng đường phố nhằm buộc các quan chức phải hành xử đúng với trách nhiệm và chức năng của mình.”

Trong khi đó, TS Nguyễn Hoàng Ánh lại có cách nhìn khác:

“Mặc dù bản thân tôi cũng rất thất vọng với kết quả bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng, nhưng tôi mong người dân không nên quá mất tinh thần. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục ký thư gửi Chủ tịch nước hoặc kiến nghị có các sửa đổi sau này.

Người dân cũng nên chú ý hơn về cách hành xử của mình vì theo tôi, cuộc biểu tình quá khích ở Bình Thuận vừa rồi cũng là một trong những lý do khiến Quốc hội quyết tâm hơn trong việc bấm nút thông qua Luật An ninh mạng.”

Quý vị và các bạn có thể theo dõi toàn văn cuộc Thảo luận trên trang Facebook và kênh YouTube của chúng tôi tại đây.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44466979

 

Blogger: Bịt miệng dân qua Luật An Ninh Mạng

Cấm…và cấm

Luật an ninh mạng vừa được Quốc hội VN thông qua với tỷ lệ phiếu thuận cao, hơn 86% đại biểu Quốc hội đồng tình.

Luật này gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Nhiều quy định được đưa ra trong luật bị nói là vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân. Ví dụ như điều 8 cấm hoạt động hay đào tạo người chống Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đoàn kết dân tộc,…

Luật an ninh mạng gây ra làn sóng phản đối từ phía người dân, đặc biệt những người thường xuyên nêu lên những mặt tiêu cực của xã hội. Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, ở Hà Nội, nói với RFA:

Ở một số điều trong bộ luật an ninh mạng, tôi thấy có điều phi lý nhất là tội phỉ báng lãnh tụ. Lãnh tụ ở VN là những con người mà thông qua tuyên truyền họ không còn là họ nữa, những thông tin về họ không còn là sự thật nữa. Mỗi khi có ai chỉ cần nhắc đến và nói đến những thông tin các nhà sử gia và nhà nghiên cứu lịch sử đưa ra bằng chứng nhưng đi ngược lại với những điều được tuyên truyền, thì lập tức những người đó sẽ bị cho là phản động. Bây giờ có thêm luật an ninh mạng nữa thì tội này sẽ trở nên rất nặng.

Quy định cấm xúc phạm lãnh tụ mà nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nhắc tới được đưa ra trong điều 16 của Luật an ninh mạng. Theo đó thì những thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, kích động bạo loạn, gây rối an ninh,… không được phát tán trên mạng.

Trong đó, những thông tin tuyên truyền chống Nhà nước được quy định rõ: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Có thể nói ngắn gọn đây là luật bịt miệng dân, tức là nó vi phạm quyền tự do tư tưởng và biểu đạt chính kiến của mình. 

-Blogger Nguyễn Tường Thụy

Blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết về những nội dung trong bộ luật anh không tán thành:

Chẳng hạn như việc đặt máy chủ ở VN, hay mỗi người sử dụng mạng phải công khai danh tính. Rồi cấm này cấm khác. Tất nhiên những cấm đó nếu thi hành tốt thì cũng tốt thôi, nhưng nhân dân nói đúng có thể vẫn phải coi chừng. Trong khi đó phía nhà cầm quyền thoải mái nói, thoải mái tuyên truyền thông tin sai sự thật, bóp méo sự thật rất nhiều nhưng họ chẳng sao.

Trước khi luật an ninh mạng được thông qua, hơn 500 cá nhân và 7 tổ chức trong và ngoài nước đã gửi một bức thư tới bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội VN để phản đối dự thảo luật an ninh mạng. Bức thư cũng nhận được hơn 27.000 chữ ký đồng thuận trên mạng. Trong thư nêu rõ ba điều mà luật an ninh mạng có thể vi phạm. Thứ nhất là xâm phạm quyền riêng tư và quyền bí mật thư tín do nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xác thực thông tin người dùng, và cung cấp nó cho cơ quan chấp pháp khi có yêu cầu mà không thông qua tòa án. Thứ hai Cản trở quyền tự do ngôn luận khi nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xoá thông tin đăng tải trên mạng nếu thông tin bị xác định là “xấu”, “độc” theo yêu cầu của cơ quan chấp pháp. Và thứ 3 là cắt dịch vụ internet nếu người dùng vi phạm.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng VN học theo mô hình luật an ninh mạng của Trung Quốc đã được Bắc Kinh áp dụng lâu nay. Ông e ngại về hiểm họa trong tương lai từ thị trường Trung Quốc:

Các phần mềm, mạng xã hội từ bên Trung Quốc tôi nghĩ chỉ trong vòng một thời gian ngắn thôi sẽ chiếm lĩnh thị trường VN khi luật an ninh mạng ra đời. Đó là điều vô cùng nguy hiểm bởi vì bên Trung Quốc các nhà hoạt động phải đối mặt vô vàn khó khăn. Bức tường lửa cũng như các mạng xã hội của TQ bị quản lý rất nghiêm và kinh khủng. Bất cứ một bình luận trái chiều hay thông tin nào bất lợi thì ngay lập tức có hệ thống server cực mạnh phát hiện và thậm chí truy tìm ngay ra ai là người đưa thông tin đó. Nhiều nhà hoạt động đã phải vào tù vì cách quản lý của TQ.

Các phần mềm, mạng xã hội từ bên Trung Quốc tôi nghĩ chỉ trong vòng một thời gian ngắn thôi sẽ chiếm lĩnh thị trường VN khi luật an ninh mạng ra đời.

– Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng 

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rằng quốc gia nào cũng cần có luật an ninh mạng, nhưng ông quan ngại về luật an ninh mạng của VN:

Điều tôi quan tâm là khi ngăn cản người ta, nói là mất an ninh, thì họ có quyền khiếu nại và kiện ra tòa hay không. Phải mở ra một điều kiện như vậy, nếu không sẽ rất dễ tùy tiện.

Trong Bộ luật an ninh mạng mới được thông qua không hề nhắc tới việc người dân có thể khiếu nại nếu họ cho rằng bị chụp tội một cách oan sai.

Bịt miệng dân

Luật an ninh mạng được thông qua đã gây ra một làn sóng phản đối có thể nói là dữ dội từ phía dư luận. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân xá Quốc tế Amnesty International đã ra thông cáo phản đối bộ luật, cho rằng nó hủy hoại quyền tự do ngôn luận tại VN. Đây cũng là quan điểm của blogger Nguyễn Tường Thụy:

Có thể nói ngắn gọn đây là luật bịt miệng dân, tức là nó vi phạm quyền tự do tư tưởng và biểu đạt chính kiến của mình. Nói rộng hơn, nó vi phạm quyền con người mà Hiến pháp VN đã thừa nhận, và quyền dân sinh và chính trị của LHQ mà VN đã ký thừa nhận công ước đó.

Trên cả nước hiện đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối luật an ninh mạng, đặc biệt từ giới trẻ và công nhân. Họ truyền nhau khẩu hiệu “Không lên mạng được thì xuống đường!”.

Luật an ninh mạng được thông qua chỉ một ngày sau khi hàng loạt cuộc biểu tình lớn xảy ra trên khắp cả nước để phản đối ý định cho Trung Quốc thuê đất 99 năm tại các đặc khu kinh tế, trong đó nhiều người tham gia biểu tình và chia sẻ thông tin trên Facebook đã bị bắt.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-cyber-security-law-its-time-to-listen-to-people-not-try-to-silence-them-06122018141511.html

 

Việt Nam : Luật An ninh mạng

khiến ‘‘An toàn mạng” quốc gia lâm nguy

Trọng Thành

Hôm nay 12/06/2018, Quốc Hội Việt Nam thông qua luật về An ninh mạng. Dự luật trước đó bị giới chuyên môn, người sử dụng mạng và một bộ phận chính giới trong nước lên án là nguy hại về nhiều mặt, về kinh tế, về nhân quyền, cũng như vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam. Bộ luật này cũng bị lo ngại là khiến chính các nhân viên công quyền « lạc hướng », mà sao lãng vấn đề An toàn mạng thực sự của quốc gia.

Trả lời RFI tiếng Việt ít giờ sau khi luật được thông qua, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết suy nghĩ của ông :

« … Điều mà tôi lo ngại nhất là người ta đánh tráo khái niệm… Cái An ninh mạng của Việt Nam hiểu theo nghĩa đúng, là làm sao để thông tin trong các mạng của chính phủ, của các tổ chức Việt Nam, các doanh nghiệp, các ngân hàng, đỡ bị tin tặc tấn công, đánh cắp dữ liệu, phá hoại….

Gọi là An ninh mạng, nhưng luật này thực sự là để bịt miệng người dân… Nó không làm lợi cho quốc gia này cái gì, mà lại làm lạc hướng đi, để cho vấn đề An ninh mạng thực sự của quốc gia có thể sẽ lâm vào tình trạng hết sức nguy hiểm.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội)12/06/2018Nghe

Nguy hiểm là bởi vì người ta hiểu lầm về An ninh mạng. Những chính trị gia, các đại biểu Quốc Hội và bản thân hệ thống công an mà hiểu An ninh mạng là phải ngăn chặn những tiếng nói khác biệt, thì người ta không bao giờ để ý đến cái An ninh mạng thực sự nữa. Tức là việc bảo vệ an toàn, dữ liệu của chính phủ, dữ liệu của khách hàng trong ngân hàng, hay bảo vệ an toàn dữ liệu của Hàng không Việt Nam chẳng hạn.

Đọc thêm : Gián điệp mạng Trung Quốc mở rộng tấn công Việt Nam

Chúng ta đã chứng kiến Hàng không Việt Nam bị tấn công, các cơ quan chính phủ bị tấn công…. Cái đấy mới thực sự là An ninh mạng…

Đó là sự hiểu nhầm từ gốc rễ về mặt khái niệm, xảo trá về ngôn từ, đánh tráo khái niệm, và tạo điều kiện cho lực lượng Công an có thể lạm quyền một cách vô lối, để can thiệp vào đời sống của người dân, nhân danh An ninh mạng ».

Tương tự như tiến sĩ Nguyễn Quang A, bản kiến nghị của hơn một chục hiệp hội ngành công nghệ thông tin và truyền thông gửi đến Quốc Hội Việt Nam hôm qua, 11/06, bày tỏ lo ngại là bộ luật này « có thể tạo ra nhiều cản trở, bất lợi cho hoạt động kinh tế – xã hội trên không gian mạng của các tổ chức, người dùng Internet tại Việt Nam, trong khi việc đảm bảo an ninh quốc gia chưa được thấy rõ tác dụng qua các điều khoản ».

Bản kiến nghị của nhóm 13 hiệp hội công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu ở Việt Nam cũng đồng thời nhấn mạnh đến bộ luật « quy định phạm vi và quyền hạn của cơ quan chuyên trách an ninh mạng quá rộng, tạo rủi ro lạm quyền », « có nguy cơ ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia…. Cụ thể là các thiết chế thương mại đa phương và song phương như WTO, EVFTA, CPTPP (tức hiệp định TPP mới) » và « một số điều khoản… sẽ làm cho hoạt động… thông qua mạng Internet sẽ bị chậm đi hàng chục lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, nhất là kinh doanh quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 ».

Hơn một nửa trong số 93 triệu cư dân Việt Nam sử dụng internet, và Việt Nam đứng thứ 10 về tỉ lệ dân số sử dụng mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, về quyền tự do internet, Việt Nam vẫn bị xếp ở thứ hạng rất thấp (chỉ hơn Trung Quốc một bậc, theo bảng xếp hạng mới đây của Freedom House).

Nhiều chính trị gia, nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam cũng phê phán bộ luật mới do Ủy ban Quốc Phòng và An Ninh của Quốc Hội chủ trì là hoàn toàn không cần thiết, vì điều chỉnh về an ninh quốc gia nói chung, hiện đã có Luật An ninh quốc gia (2004) và về an toàn cho người sử dụng đã có Luật An toàn thông tin mạng (2015) (ví dụ như ý kiến của chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng).

Trước đó, Hoa Kỳ và Canada kêu gọi Việt Nam hoãn lại việc bỏ phiếu dự luật, nhằm bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới. Nhiều tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch và Ân Xá Quốc Tế chỉ trích bộ luật bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Cùng với dự luật về 3 Đặc khu kinh tế, luật về An ninh mạng gây phản đối rất mạnh trong xã hội dân sự Việt Nam trong và ngoài nước. Ngoài thông báo của nhóm các chuyên gia ngành tin học gửi Quốc Hội, còn nhiều hình thức bày tỏ khác, như biểu tình, ký tên kiến nghị… Hàng chục nghìn người tham gia ký tên vào các kiến nghị trên mạng gửi đến Quốc Hội, như change.org hay bauxite.vn.

Sau khi Quốc Hội bỏ phiếu thông qua luật này, người dân tiếp tục ký tên vào một Kiến nghị mới gửi đến Chủ tịch Nước Trần Đại Quang để yêu cầu không ban hành Luật An ninh mạng.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180612-viet-nam-luat-an-ninh-mang-khien-an-toan-mang-quoc-gia-lam-nguy

 

Bàn khả năng hoãn hoặc sửa Luật An ninh mạng

Có ý kiến luật sư cho rằng việc hoãn thi hành hoặc sửa đổi một số điều không phù hợp của Luật An ninh mạng là điều khả thi.

Trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải cho hay việc hoãn thi hành hoặc sửa một bộ luật được thông qua đã có tiền lệ.

Gần đây nhất là Bộ Luật Hình sự 2015 được Quốc Hội thông qua ngày 20/6/2015, nhưng đến 30/6/2016 Quốc Hội ra nghị quyết hoãn thi hành, sau đó có sửa đổi. Đến 1/1/2018 thì luật chính thức có hiệu lực.

Trước đó có Luật Bảo hiểm Xã hội từng vấp phải phản đối của giới công nhân do có một điều khoản cho rằng họ không được phép nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi rời khỏi doanh nghiệp.

Sau đó Quốc Hội đã ngưng việc thực thi luật này, đẩy việc thi hành luật Bảo hiểm Xã hội sau một vài năm.

Kiến nghị từ Việt Nam

Luật sư Trần Vũ Hải cho BBC hay có nhiều cách để người dân đề xuất việc hoãn hoặc sửa đổi một điều luật

‘Luật an ninh mạng, bước lùi lớn cho VN’

Internet ‘cần tự do’ và QH cần thận trọng

‘Luật An ninh mạng 3 xâm phạm và 5 tác hại’

“Thông thường những người bị ảnh hưởng nhất, hoặc các chuyên gia nhận thấy có nhiều sai sót sẽ đề xuất lên, và Ủy ban Pháp luật và các ủy ban chuyên ngành của Quốc Hội sẽ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, sau đó có thể trình Quốc Hội.”

“Tất nhiên ở Việt Nam còn có Đảng lãnh đạo nên đại biểu Quốc Hội còn phải xin ý kiến của Bộ Chính trị. Tôi nghĩ rằng sẽ có những đề xuất gửi lên, từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó ban Thường vụ Quốc Hội tham khảo hoặc theo chỉ thị của Bộ Chính trị họ sẽ đề nghị Quốc Hội ngừng việc thi hành,” luật sư Hải nói.

Ông Hải nói đối tượng bị ảnh hưởng nhất bởi Luật An ninh mạng, như các doanh nghiệp, các chuyên gia về an ninh mạng, hội luật gia, liên đoàn luật sư, hội nhà báo, cần lên tiếng mạnh mẽ.

“Chuyên gia các cơ quan công nghệ thông tin nói với tôi rằng việc áp dụng luật này sẽ khiến đường truyền bị chậm đi hàng chục lần. Rõ ràng ảnh hưởng đến dịch vụ của họ. Do đó tôi nghĩ rằng Hiệp hội Công nghệ Thông tin nên là đầu mối để yêu cầu lùi thi hành luật này để sửa đổi bổ sung cho phù hợp.”

“Nếu vậy tôi tin rằng cũng có thể Quốc Hội sẽ xem xét để hoãn luật này, hoặc đề nghị cách sửa đổi cho thích hợp, hoặc chưa thi hành một số điều khoản,” ông Hải cho hay.

Trước đó, trên Facebook cá nhân, ông Hải cho rằng hiện Việt Nam và EU vẫn chưa hoàn tất thủ tục ký Hiệp định thương mại tự do – EU EVFTA nên chắc chắn Luật An ninh mạng sẽ bị đối tác EU (và những đối tác quan trọng khác) soi kỹ.

“Nếu luật ANM phải sửa đổi do áp lực trong nước, sẽ chứng tỏ Việt nam độc lập, tự chủ hơn nhiều so với việc phải sửa do áp lực từ bên ngoài. Chắc các nhà lãnh đạo Việt nam cũng sẽ nhất trí quan điểm này”, luật sư Hải viết.

Tận dụng tiếng nói quốc tế

Trong khi đó, luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC rằng ông không tin vào tính khả thi của tiếng nói trong nước một khi Bộ Chính trị đã quyết.

Theo ông Tuấn, liên quan đến việc phản đối Luật An ninh mạng, truyền thông trong nước hoàn toàn im lặng trong khi truyền thông lề trái có vẻ lép vế.

Ông Tuấn cũng cho rằng những tiếng nói phản kháng trên mạng xã hội chỉ là phần nổi nhìn thấy được, còn cả triệu người dân không lên tiếng.

“Có thể do liên quan đến an ninh quốc gia, chính trị, nên nhiều người sợ đụng chạm. Do đó trừ phi có một cuộc trưng cầu dân ý chúng ta mới có bức tranh toàn cảnh ai chống, ai ủng hộ một cách khách quan.”

Ông Tuấn nói những kiến nghị phản đối nhỏ lẻ của một số ít luật sư và các hiệp hội trong nước đều rơi vào hư không.

“Khi Chủ tịch nước chưa ký thì luật còn chưa có hiệu lực. Căn cứ theo luật, Hiến pháp, nếu phát hiện ra sai sót, thiếu sót nào trong luật, người dân vẫn có quyền đề xuất sửa đổi. Nhưng có sửa đổi không không phụ thuộc vào ý chí của người dân,” ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nói việc cộng đồng ký các bản kiến nghị lên Chủ tịch nước có thể là không hiệu quả, và không đúng trình tự pháp luật. Bởi theo luật, đại biểu Quốc Hội là đại diện cao nhất cho tiếng nói của người dân.

Trong bối cảnh đó, luật sư Tuấn cho rằng nên vận động tầm quốc tế thì giá trị hơn, ví dụ như tham gia vào các công ước quốc tế về nhân quyền, kinh tế, tự do thương mại.

“Các nhóm xã hội dân sự phát triển khá mạnh dù không được thừa nhận. Họ có thể tập hợp và góp tiếng nói, ký các bản kiến nghị chung để gửi các cơ sở ngoại giao và các tổ chức quốc tế khác. Hoặc phát biểu tại các hội nghị quan trọng với các tổ chức nước ngoài để họ góp ý tới chính phủ Việt Nam.”

Cũng theo luật sư Tuấn, cho dù có hay không có Luật An ninh mạng thì quyền lợi của người dân trên thực tế vẫn đang bị xâm phạm. Nên có thêm một Luật An ninh mạng nữa thì người dân vẫn nên làm việc, hoạt động bình thường. Muốn tố cáo vẫn tố cáo như xưa. Bởi từ xưa cũng đã có các văn bản khác trói buộc họ rồi.

‘Những tiếng nói thưa thớt’

Trong bản kiến nghị của một số luật sư gửi tới đại biểu Quốc Hội đề nghị không biểu quyết thông qua dự luật An ninh mạng, mà luật sư Ngô An Tuấn gọi là ‘những tiếng nói thưa thớt’, có tên của 74 luật sư. Luật sư Trần Vũ Hải là người ký đại diện.

Luật sư Hải cho hay bản kiến nghị này ‘chất lượng’ nhưng đáng tiếc là gửi chậm.

“Cuối ngày 11/6 thì văn bản đó mới được gửi đi. Trong đó sáng 12/6 Quốc Hội đã thông qua nên có lẽ rất nhiều đại biểu không kịp tiến cận với kiến nghị này.”

Kiến nghị của một số hiệp hội khác, như Hiệp hội Công nghệ Thông tin truyền thông cũng được cho là gửi chậm.

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cũng có thư ngỏ ký ngày 11/6 gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhân sự kiện ông Phúc tham gia thượng đỉnh G7 tại Quebec.

Trong thư ngỏ, luật sư Khanh đại diện Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, bày tỏ “lo ngại quan ngại sâu sắc về hậu quả khôn lường mà hai dự luật [An ninh mạng và Đặc khu] mang đến cho đất nước, nếu Quốc Hội ban hành qua áp đặt”, và tin rằng Thủ tướng đã có quyết định kịp thời “ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn hai dự luật trên”.

Còn cộng đồng mạng trước đó kêu gọi ký vào bản Kiến nghị phản đối dự thảo Luật An ninh mạng, và nay là Kiến nghị Chủ tịch nước không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng, Change.org

Định nghĩa về an ninh mạng

Theo các báo Việt Nam đưa tin về phiên bỏ phiếu, an ninh mạng được định nghĩa là “sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

“Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này”, theo VnExpress hôm 12/06.

Cũng các báo Việt Nam cho hay, Thường vụ Quốc hội nước này thông báo rằng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng đã được tổ chức, bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,

Còn ở các bộ, ngành khác và địa phương chỉ quy định bố trí lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Hôm đầu tháng 6/2018, các ý kiến từ Việt Nam phản ánh ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về an ninh mạng “cần phải tường minh để tránh nguy cơ áp dụng tuỳ tiện”, và tránh “hạn chế quyền công dân”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44464135

 

Trung Quốc sẽ lấp vào chỗ trống

nếu Facebook và Google rút khỏi Việt Nam

Kính Hòa RFA

Ngày 12/6/2018 luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua với đa số phiếu tán thành.

Bóp nghẹt bất đồng chính kiến

Theo phân tích của nhà báo Phạm Chí Dũng, đồng thời cũng là người có bằng tiến sĩ về kinh tế thì có 3 nguyên nhân khiến cho Đảng Cộng sản Việt Nam bắt Quốc hội phải thông qua luật an ninh mạng, đó là:

Đây là ý tưởng từ Bộ Công an. Luật này sẽ làm các công ty phải xin cấp nhiều giấy phép hơn, điều sẽ tạo nên những điều kiện để tham nhũng, và điều này sẽ làm tăng vai trò của Bộ Công an.

Các nhà lãnh đạo chóp bu Việt Nam muốn bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Điều cuối cùng là chính phủ Việt Nam muốn thu thuế từ các công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội.

Chúng tôi mỉm cười bởi vì có luật an ninh mạng hay không có luật an ninh mạng thì cũng thế.

-Nhà báo, bất đồng chính kiến Phạm Chí Dũng.

Tất cả những nhà hoạt động xã hội bất đồng chính kiến mà chúng tôi có dịp tiếp xúc sau khi đạo luật an ninh mạng được thông qua đều cho rằng đạo luật đó không ảnh hưởng gì đến tình trạng của họ hiện nay. Nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn cho biết:

“Chúng tôi mỉm cười bởi vì có luật an ninh mạng hay không có luật an ninh mạng thì cũng thế. Đối với chúng tôi, những người bất đồng thì chúng tôi chịu áp chế quen rồi, sách nhiễu quen rồi, gò bó quen rồi, và trước khi có luật an ninh mạng, thì họ đã dùng những điều 88, 258, là tuyên truyền chống chế độ, hay là lợi dụng quyền tự do dân chủ, và họ đã truy tố và bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến, không cần có luật an ninh mạng.”

Các bloggers có tiếng trên không gian mạng Việt Nam như bà Trần Thị Nga, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay Mẹ Nấm,… đều đang bị ở tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Chính phủ Việt Nam cũng vừa tống xuất, nhưng không công bố, trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài của Hội Anh em dân chủ sang Đức, ông Đài cũng đã từng bị ghép tội tuyên truyền chống nhà nước khi ông viết bài trên mạng xã hội.

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo làm rõ thêm những hành vi có thể bị qui vào tội tuyên truyền chống nhà nước:

“Đạo luật này làm cho giới trí thức lo lắng. Thực ra lo lắng là điều đúng, nhưng mà bình tĩnh lại thì với tất cả những hoạt động phản biện, với bao cái đạo luật khác, cũng đã bắt bớ, qui tội bỏ tù người ta được rồi. Như là bộ luật hình sự, tội tuyên truyền chống nhà nước đấy, viết trên mạng là tuyên truyền, viết báo là tuyên truyền, viết sách là tuyên truyền, nói mồm với nhau cũng là tuyên truyền.”

Bình luận về khả năng đàn áp giới bất đồng chính kiến, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ viết trong email gửi cho Đài RFA:

“Việt Nam là nước có khoảng 55 triệu người, trên tổng dân số khoảng 95 triệu, thường sử dụng mạng. Do đó các cơ quan an ninh của chính quyền không thể nào kiểm soát hết được. Họ chỉ có thể dùng luật nầy để đàn áp một số cá nhân hay nhóm mà họ cho là “diễn biến hoà bình” hay có muốn lật đổ chế độ thôi. Nhưng việc nầy sẽ làm nhiều người căm phẩn và họ sẽ dùng các hình thức khác để phản kháng, trong đó có thể có các hình thức không ôn hoà như những trao đổi trên mạng.”

Trước khi đạo luật về an ninh mạng được thông qua, đã có những cáo buộc cho rằng Facebook hợp tác với chính phủ Việt Nam để đàn áp giới bất đồng chính kiến. Nhà hoạt động dân sự Nguyễn Anh Tuấn, từ Đà Nẵng cho chúng tôi biết ý kiến rằng ông không tin vào chuyện hợp tác đó. Trước khi luật an ninh mạng được thông qua ông có nói với RFA:

“Facebook và Chính phủ Việt Nam đều hiểu là Facebook đóng vai trò quan trọng như thế nào đến đời sống xã hội của Việt Nam, nó đã giúp ích như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam, cho sự phát triển của Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam không đủ quyết tâm để chận triệt để Facebook. Facebook biết điều đó, Chính phủ Việt Nam biết điều đó, tôi không nghĩ là Chính phủ Việt Nam lại trên cơ được Facebook.”

Việc nầy (kiểm soát mạng xã hội) sẽ làm nhiều người căm phẩn và họ sẽ dùng các hình thức khác để phản kháng, trong đó có thể có các hình thức không ôn hoà như những trao đổi trên mạng.

-Giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Theo những số liệu của nhà báo Phạm Chí Dũng, thì lợi nhuận hiện nay của Facebook ở thị trường Việt Nam là vào khoảng 3 đến 5 ngàn tỉ đồng, nhưng con số này không là bao nhiêu so với những thiệt hại mà Việt Nam sẽ hứng chịu khi Facebook rút ra khỏi Việt Nam với mức thiệt hại có thể lên đến từ 1,5 đến 2,5% tổng sản lượng quốc gia.

Hiểm họa Trung Quốc

Nhưng bên cạnh những tổn thất về kinh tế, còn có một tổn thất khác đáng sợ hơn nhiều, theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, đó là sự lấp vào chổ trống của các công ty Trung Quốc. Từ Na Uy ông trả lời Đài RFA:

“Thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện các công ty Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có công nghệ rất là cạnh tranh. Cái thứ hai là lợi thế của các công ty Trung Quốc so với các công ty của Mỹ nữa là Trung Quốc không bắt buộc bảo vệ thông tin của người dùng một cách triệt để như các công ty Âu Mỹ. Thậm chí Chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích các công ty Trung Quốc sử dụng dữ liệu của người dùng để mà nghiên cứu trí tuệ thông minh nhân tạo.”

Ông Nguyễn Huy Vũ dẫn chứng trường hợp công ty Facebook vừa rồi phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vì đã để cho một công ty phân tích dữ liệu tùy tiện sử dụng thông tin cá nhân của người dùng Facebook để giúp cho Tổng thống Donald Trump thắng cử tại Hoa Kỳ. Và tại châu Âu, Cộng đồng châu Âu bắt đầu tuân thủ từ tháng 5/2018 một đạo luật bảo vệ thông tin người tiêu dùng rất nghiêm ngặt.

Nhưng ông Vũ cũng nói là nếu các công ty châu Âu và Mỹ tiết lộ thông tin người dùng trên lãnh thổ Việt Nam thì đó là một điều chưa có tiền lệ và các nhà luật học phải nghiên cứu khả năng người Việt Nam trong nước có thể kiện các công ty đó ra tòa tại Châu Âu hay tại Mỹ hay không.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nêu lên khả năng về một mô hình hoạt động của các công ty Trung Quốc như Baidu, Tencent, Weibo, nếu họ thay thế Facebook và Google tại Việt Nam:

Họ vừa hợp tác với chính phủ Việt Nam, vừa hợp tác với chính phủ Trung Quốc, chúng ta sẽ đối diện với một nguy cơ, một rủi ro rất cao, có thể là mất nước trong tương lai.

-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ.

Họ có thể tránh sự phản đối trực tiếp của người Việt Nam bằng cách mua những công ty của người Việt Nam. Họ dùng công nghệ Trung Quốc đưa ra những ứng dụng tương tự như của các công ty Âu Mỹ mà chúng ta đang dùng. Từ đó họ có thể nắm thông tin của người Việt Nam, kiểm soát thông tin của người Việt Nam, họ định hướng mạng xã hội của Việt Nam. Họ vừa hợp tác với chính phủ Việt Nam, vừa hợp tác với chính phủ Trung Quốc, chúng ta sẽ đối diện với một nguy cơ, một rủi ro rất cao, có thể là mất nước trong tương lai.”

Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, đạo luật an ninh mạng mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua là một bản sao của đạo luật an ninh mạng của Trung Quốc. Vì đạo luật này mà Google và Facebook không thể hoạt động tại Hoa Lục. Nhưng Việt Nam, theo lời giáo sư Long, không thể tạo nên cho mình những công ty riêng, và vì thế sẽ lệ thuộc ngày càng nặng vào Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/binh-thuan-violence-the-water-drop-06112018125210.html/china-vietnam-cyber-fb-google-06122018130308.html

 

Mỹ chỉ trích Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng

Hôm 12/6, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố bày tỏ sự thất vọng về việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật An ninh Mạng.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi thất vọng về việc thông qua Luật An ninh mạng mới của Việt Nam, trong đó càng thu hẹp tự do biểu đạt trên không gian mạng và áp đặt những hạn chế gây phiền toái đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nước ngoài khác.”

Tuyên bố viết tiếp: “Chúng tôi thúc giục Việt Nam đảm bảo rằng luật pháp của Việt Nam tạo ra một môi trường kỹ thuật số cởi mở và mang tính cạnh tranh, nhất quán với các nghĩa vụ thương mại quốc tế của Việt Nam.”

Trong một tuyên bố hôm 8/6, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội nói dự thảo luật an ninh mạng của Việt Nam có thể dẫn đến những trở ngại nghiêm trọng đối với tương lai của an ninh mạng và đổi mới sáng tạo kỹ thuật số của Việt Nam, và có thể không nhất quán với các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam.

Tuyên bố đưa ra vài ngày trước khi dự luật được biểu quyết, cả Hoa Kỳ và Canada đều thúc giục Việt Nam hoãn dự luật An ninh mạng để đảm bảo rằng các quy định của Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Một nhóm gần 80 luật sư trong nước hôm 11/6 đã ký tên vào một bản kiến nghị, yêu cầu các đồng nghiệp của mình trong Quốc hội không “bấm nút” thông qua luật này vì lý do đạo luật có thể “dễ bị lợi dụng để xâm phạm các quyền con người”, “cản trở tiến bộ xã hội” và “kìm hãm phát triển kinh tế”, “gây hại cho nhà nước pháp quyền” và “phá vỡ nhiều cam kết quốc tế của Việt Nam”.

Tuy nhiên, hôm 12/6 Hà Nội đã thông qua luật này với hơn 86% đại biểu tán thành.

https://www.voatiengviet.com/a/my-chi-trich-vietnam-thong-qua-luat-an-ninh-mang/4436766.html

 

Trung Quốc bước chân vào chiến lược thôn tính Việt Nam

từ khi nào?

Cát Linh, RFA

Hai dự thảo luật gây nhiều tranh cãi nhất và sóng gió nhất sau kỳ họp Quốc hội thứ 5, khoá XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam tạm thời đã có kết quả. Vấn đề là cả hai dự luật này đều bị người dân phản đối với nguyên nhân có liên quan sâu rộng đến Trung Quốc và các chính sách của Trung Quốc.

Nỗi khắc khoải từ năm 1951

“Tôi thấy cái nỗi khắc khoải nhất của ông ấy là ông ấy lo cho âm mưu ngày càng lộ liễu, càng nguy hiểm của Trung Quốc, độ can thiệp ngày càng sâu vào nội tình của đất nước Việt Nam.”

Ngay lúc bấy giờ nỗi ray rức nhất của ông là ông thấy mưu toan của Trung Quốc là bàn tay đã thọc sâu quá rồi vào trong nội tình của đất nước.”

Nhân vật mà Giáo sư Tương Lai nhắc ở trên là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một lần gặp mặt vào tháng 5 năm 2008.

Tôi thấy cái nỗi khắc khoải nhất của ông ấy là ông ấy lo cho âm mưu ngày càng lộ liễu, càng nguy hiểm của Trung Quốc, độ can thiệp ngày càng sâu vào nội tình của đất nước Việt Nam.

-Giáo sư Tương Lai

Cũng trong một bài viết mới nhất do Giáo sư Tương Lai email cho chúng tôi, ông kể lại một số chi tiết cho thấy “nỗi khắc khoải” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực chất đã xuất hiện từ năm 1951. Năm 1951 trở về sau khi vượt Trường Sơn ra Việt Bắc dự Đại hội II của Đảng, ông Võ Văn Kiệt được cử “đi thực tế” rút kinh nghiệm về công tác thuế nông nghiệp tại nông thôn miền Bắc. Từ khi đó, ông bắt đầu hiểu ra và nói rằng “dị ứng” với những bài học mà các cố vấn Trung Quốc chuyển tải vào nước ta. Vì thế, ông từ chối không đi Bắc Kinh và xin trở về ngay Nam Bộ.

Một số tài liệu ghi rõ, khoảng thời gian năm 1946-1954 xảy ra cuộc chiến tranh Pháp – Việt Minh, không ai là không biết tầm quan trọng của viện trợ của Cộng Sản Trung Quốc cho Cộng Sản Việt Nam. Đặc biệt, một chi tiết quan trọng trong bài viết của tác giả Phạm Cao Dương vào năm 2009 có ghi rõ: Trung tuần tháng 8 năm 1950, khi hai đoàn cố vấn quân sự, một do Vi Quốc Thanh và Đặng Dật Phàm cầm đầu từ Quảng Tây và một do Trần Canh hướng dẫn từ Vân Nam đến bộ chỉ huy tiền phương của Việt Minh ở Quảng Uyên, Cao Bằng và được Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh đón tiếp và thuyết trình.

Theo ông Phạm Cao Dương, đây là thời điểm then chốt bắn phát súng đầu tiên cho tầm quan trọng của viện trợ mà Cộng Sản Trung Quốc dành cho Cộng Sản Việt Nam.

Chi tiết này được tác giả Qiang Zhai đề cập thêm trong cuốn “China and the Vietnam wars” là trong chuyến đi Bắc Kinh từ 25-6 đến 8-7-1955 của Hồ Chí Minh, Bắc Kinh đã đồng ý viện trợ 800 triệu tệ (200 triệu USD) để xây 18 dự án, trong đó có nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy điện Hà Nội, nhà máy dệt Nam Định.

Cũng theo tác giả Qiang Zhai, vào tháng 5-1963, lúc miền Nam đang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Phật Giáo, Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang Hà Nội, nói với Hồ Chí Minh: “Trung Quốc đang đứng bên cạnh các đồng chí. Nếu chiến tranh bùng nổ,Trung Quốc là hậu phương.”

Theo lời kể lại của Giáo sư Tương Lai, ông Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy sức ép của Bắc Kinh thời điểm diễn ra Hội nghị Genève. Việc Bắc Kinh viện trợ vũ khí và cố vấn giúp Việt Nam đánh thực dân xâm lược nhằm tạo ra toan tính lâu dài để chờ ngày bành trướng, buộc chính quyền Việt Nam phải ngừng chiến và chấp nhận vĩ tuyến 17.

Sau đó, Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 là câu trả lời rõ ràng nhất cho âm mưu bành trướng của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam.

Tựu chung lại, để nhận định một cách khái quát nhất về thời điểm này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho biết:

“Suốt 4 ngàn năm lịch sử của mình, cuộc chiến tranh chủ yếu của Việt Nam là với phương Bắc. Qua bao nhiêu thời, từ khi Bắc thuộc rồi lấy lại độc lập. Có độc lập rồi thì đến thời tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn, Tây Sơn thì đều chống trả với phương Bắc. Ngay cả đến thời kỳ cận đại thì năm 56 bị xâm lấn ở Hoàng Sa, 74, 79 rồi 88. Nhân dân Việt luôn luôn phải phòng vệ trước phương Bắc mặc dù vẫn phải giữ cái hữu nghị đối với họ.”

Việt Nam thời kỳ đổi mới

Thời gian gần đây, trong nước tung ra một video lời phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an, Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân Trương Giang Long công khai cảnh báo: “Trung Quốc, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chúng ta. Mà không phải thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào…”

Theo Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, bắt đầu vào thập niên 90, cả Trung Quốc và Việt Nam đều bắt đầu chính sách mở cửa. Ông đánh giá Việt Nam lúc đó có những cái tích cực hơn cả Trung Quốc.

“Những người chủ trương đổi mới phải nói là ông Võ Văn Kiệt, là 1 trong những người thực hiện thành công, rất tốt cái đổi mới, mở cửa cho Việt Nam. Cái đó tôi nghĩ không chỉ người trong nước mà cả thế giới cũng công nhận như thế.”

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc “Đổi mới” chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với cuộc cải cách này, Việt Nam đã đưa GDP tăng trưởng liên tục từ năm 1986 đến 1996 với mức tăng trưởng bình quân 6,6%/năm. Lạm phát từ 3 con số được đưa về 12,7% năm 1995 và 4,5% năm 1996. Một thành tựu vẫn luôn được nhắc đến khi nói về giai đoạn này là Việt Nam từ một nước thiếu ăn đã có dư gạo để xuất khẩu.

Giáo sư Tương Lai cũng ghi nhận thành tựu kinh tế của Việt Nam giai đoạn này là nét độc đáo của một tầm nhìn mang đậm hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Trong bối cảnh ấy, ông Kiệt đã tranh thủ mời những chuyên gia của chế độ cũ tham gia với ông, như ông Oánh, ông Nguyễn Văn Hảo, đặc biệt ông ấy thành lập 1 nhóm gọi là nhóm Thứ Sáu để sinh hoạt và góp ý kiến.”

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Bửu Sơn, những năm về sau, những chính sách tích cực về kinh tế của Đặng Tiểu Bình làm cho Trung Quốc có những thành công rất lớn và tốc độ phát triển kinh tế mạnh hơn.

Ngược lại, với Việt Nam thời điểm đó, ông Huỳnh Bửu Sơn chia sẻ:

“Trong khi đó, cái đổi mới của Việt Nam đến khoảng đầu năm 2000, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế Châu Á làm cho kinh tế Việt Nam chậm lại trong 1 thời gian, đương nhiên nó làm cho nền kinh tế của mình không phát triển như trước.

Như vậy, trong mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế thì  1 chuyện xảy ra đó là mình mua hàng của Trung Quốc nhiều hơn, dẫn đến chuyện nhập siêu của mình càng lớn và quan hệ ngoại thương giữa mình và Trung Quốc càng lớn.”

Hiện tại

Mặc dù nhấn mạnh rằng nhập siêu không gọi là một “lệ thuộc”, nhưng theo ông Huỳnh Bửu Sơn, do vị trí địa lý của 2 quốc gia, và giá mua nguyên vật liệu từ Trung Quốc luôn rẻ hơn từ các nước khác.

Mối nguy của việc 3 đặc khu có thể biến thành các lãnh thổ của Trung Quốc ở Việt Nam là rất lớn. Chính vì vậy ngay những người dân bình thường ở Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng.

-Phạm Chi Lan

“Nhất là khu vực kinh tế quốc doanh của Việt Nam lại có nhu cầu về nguyên liệu vật tư rất mạnh từ Trung Quốc.”

Một ví dụ về ngành dệt may, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2017, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc về Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD (khoảng 204.800 tỷ đồng), chiếm hơn 42,7% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.

Ở một lĩnh vực khác, Trung Quốc là nhà đầu tư nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam, than mua từ thị trường này cũng đang có giá cao nhất so với các thị trường khác. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết từ đầu năm đến hết tháng 8, cả nước nhập khẩu gần 9,374 triệu tấn than, tổng giá trị kim ngạch đạt gần 934 triệu USD.

Sự phụ thuộc của Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc như ông Huỳnh Bửu Sơn đã phân tích ngày càng thể hiện rõ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là người đưa ra quan điểm đồng thuận. Bà cho biết nền kinh tế Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về nguồn cung cũng như xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên nhân cho nỗi lo khi dự thảo Luật Đặc khu ra đời

“Mối nguy của việc 3 đặc khu có thể biến thành các lãnh thổ của Trung Quốc ở Việt Nam là rất lớn. Chính vì vậy ngay những người dân bình thường ở Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng.”

Vào tháng 9-2017, ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, trong chuyến kinh lý Hà Nội có lời miêu tả mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là “Hai nước có cùng số phận”.

Ngầm ý của câu nói này ra sao, có lẽ đã thể hiện rõ trong những chuyển biến ở Việt Nam, từ kinh tế, chính trị, cho đến du lịch.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vcl06122018-06122018192240.html

 

Dự luật Đặc Khu ‘hoàn toàn không phục vụ kinh tế’

Các đặc khu kinh tế mà Việt Nam đang dự tính xây dựng không có tác dụng thử nghiệm gì về thể chế mà chỉ giúp làm giàu cho những người đầu cơ bất động sản, một nhà kinh tế đồng thời là nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội nói với VOA.

Ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS, nói rằng Việt Nam không nên học tập kinh nghiệm ở một nơi khác ở một thời điểm khác vốn không thích hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, ông A cũng nêu lên quan ngại những đặc khu này có thể làm lợi cho các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật đặc khu, vốn được Quốc hội trì hoãn cho đến tháng 10 mới thông qua do sức ép từ dư luận, đã tạo nên làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ trong và ngoài nước do lo ngại dự luật này sẽ mở đường cho những nhà đầu tư Trung Quốc chiếm giữ những vị trí trọng yếu của đất nước.

Trao đổi với VOA, ông A nêu ra ba lý do chính khiến ông ‘phản đối kịch liệt’ dự luật đặc khu này: không đem lợi ích gì về kinh tế, không có tác dụng thử nghiệm thể chế và quan ngại về an ninh.

Về kinh tế, ông A cho rằng ba đặc khu kinh tế được dự định mở ra ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là ‘nhắm vào ba địa điểm đã được giới kinh doanh bất động sản đã ào ào đổ vào đầu tư’ lâu nay.

Ông gọi việc thành lập các đặc khu này là “hợp thức hóa các ưu đãi cho các nhà đầu tư bất động sản” và so sánh với việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội trước kia.

“Khi nghe ngóng có ý định như thế, các quan chức đã cấu kết với các doanh nghiệp bất động sản đã mua hết số đất có thể phát triển bất động sản được. Sau đó họ ra luật hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội, điều đó đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bất động sản kiếm những khoản lời khủng khiếp,” ông giải thích và cho rằng do đó về mặt kinh tế thì các đặc khu này ‘không hiệu quả’.

Về việc thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào các đặc khu, ông A cho rằng “đó chỉ là mong mỏi hão huyền”.

“Các nhà đầu tư công nghệ cao chỉ đầu tư vào những nơi thật sự có trí tuệ, có đông lao động có trí tuệ như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi tập trung lực lượng có thể thúc đẩy công nghệ cao như vậy,” ông giải thích. “Ở Hà Nội, hơn hai mươi mấy năm nay Khu công nghệ cao Hòa Lạc chình ình ra đấy mà không thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao nào vào.”

“Tôi dám cá là khi luật này được thông qua thì sẽ không có nhà đầu tư công nghệ cao nào nhảy vào để đầu tư ngoài những chuyện như casino hay khách sạn này kia,” ông khẳng định.

Nguyên do phản đối thứ hai mà ông A đưa ra là các đặc khu không có tác dụng thử nghiệm thể chế mới để có thể áp dụng cho toàn quốc vì “nền kinh tế Việt Nam hiện đã rất mở rồi”.

Ông nói Việt Nam không nên học tập mô hình của Trung Quốc từ cách nay bốn thập niên vì khi ấy Trung Quốc hình thành các đặc khu vào lúc nền kinh tế của họ còn khép kín với bên ngoài nên các đặc khu của họ có tác dụng rất lớn trong việc thử nghiệm các chính sách cải cách mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài mà sau đó được nhân rộng ra trên toàn quốc.

“Nền kinh tế Việt Nam có lẽ mở cửa nhất ở khu vực bây giờ. Đã có rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài,” ông nói. “Không cần mở cửa thêm nữa.”

“Việt Nam đúng là còn rất nhiều rào cản về thể chế và việc tháo dỡ rào cản bằng luật là rất cần thiết. Lẽ ra Chính phủ nên làm và khơi dậy những nguồn trong nước nhưng họ lại không làm,” ông nói.

Theo ông thì trong dự thảo luật đặc khu này “không có những quy định gì về thể chế vượt trội có thể mang ra áp dụng cho toàn quốc” cộng thêm việc quy mộ của các đặc khu này ở cấp rất nhỏ nên không có tác dụng về thử nghiệm thể chế như ở Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã bật đèn xanh để thành lập các đặc khu Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn để thử nghiệm những chính sách mới trong công cuộc cải cách khai phóng cũng như để thu hút đầu tư nước ngoài. Bốn đặc khu ban đầu này đã thành công để rồi sau đó được nhân rộng ra khắp cả nước.

“Độ mở của nền kinh tế Việt Nam bây giờ không phải như tình trạng 30, 40 năm trước đây của Trung Quốc,” ông giải thích.

“Giả sử Việt Nam làm đặc khu kinh tế vào thời điểm 25, 30 năm trước thì lại khác.”

“Chúng ta không thể mù quáng đi học tập kinh nghiệm của nước khác vào thời điểm khác,” ông nói thêm và thừa nhận rằng việc thế giới mở đặc khu không phải là chuyện gì mới mẻ nhưng bên cạnh sự thành công của Trung Quốc thì cũng có những đặc khu ở Nam Á, ở châu Phi ‘bị thất bại hoàn toàn’.

Về lý do an ninh, ông cho rằng ba địa điểm dự định mở đặc khu ‘rất nhạy cảm về an ninh quốc gia’.

Dù luật đặc khu không đề cập đến Trung Quốc và trên thực tế mở cửa cho bất kỳ nhà đầu tư nào đủ điều kiện và quan tâm, nhưng ông A cho biết những quan ngại về Trung Quốc ‘không phải không có cơ sở’.

Ông đưa ra dẫn chứng là nhà máy bô xít ở Tây Nguyên, mặc dù không phải đầu tư của Trung Quốc mà đứng ra đầu tư là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, nhưng tiền vay là của Trung Quôc và công nghệ là mua của Trung Quốc.

“Khi người ta xây xong (nhà máy bô xít) thì người lao động Trung Quốc ở đó,” ông cho biết.

“Với những điều không tường minh cho lắm trong dự thảo, người ta chỉ có thể nghĩ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc đến mà thôi,” ông nói và nêu ra dẫn chứng trong dự thảo Luật đặc khu có đề cập đến ‘công dân của nước láng giềng’.

Nếu bỏ qua quan ngại về an ninh thì theo ông A, nếu không phải là nhà đầu tư Trung Quốc mà là các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản hay Tây Âu vào thì ông cũng phản đối vì ‘bản chất những quy định hiện thời trong dự thảo này hoàn toàn không phục vụ gì cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam cả.”

Một điều nữa cũng làm cho ông A lo ngại là nếu tập trung nguồn lực vào các đặc khu này thì ‘sẽ làm mất nguồn lực, mất thời gian’ để phát triển những khu vực khác.

“Quốc hội, Chính phủ phải tập trung tháo dỡ những nút thắt kinh tế mà lại làm những chuyện vô bổ như thế,” ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-%C4%91%E1%BA%B7c-khu-ho%C3%A0n-to%C3%A0n-kh%C3%B4ng-ph%E1%BB%A5c-v%E1%BB%A5-kinh-t%E1%BA%BF-/4435956.html

 

Giáo sư Tạ Văn Tài: ‘Đừng dồn dân vào chân tường’

Hai ngày sau khi bùng phát các cuộc biểu tình đông đảo chưa từng thấy để phản đối kế hoạch cho thuê đất 99 năm và thành lập các đặc khu kinh tế, tình hình tại nhiều thành phố Việt Nam đã bắt đầu tạm ổn tuy mọi sinh hoạt vẫn chưa bình thường trở lại. Tại điểm nóng Bình Thuận nơi từng xảy ra bạo động, người dân bị cấm tụ tập, cấm dừng lại tại những địa điểm “nhạy cảm”.

Nhìn về Việt Nam từ Hoa Kỳ, một nhà quan sát tình hình Việt Nam nói các cuộc biểu tình lần này có điểm rất khác biệt so với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây. Trong câu chuyện với VOA-Việt ngữ, Giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Trường Luật, đại học Harvard nói các cuộc biểu tình tự phát là một dấu hiệu cho nhà cấm quyền, phải giải quyết những vấn đề gây bức xúc cho công chúng, đừng đẩy dân vào chân tường, dẫn tới tình trạng tức nước vỡ bờ.

“Tôi thấy các cuộc biểu tình là triệu chứng rất rõ rệt cho nhà cầm quyền phải tỉnh ngộ, đừng có nghĩ là con giun dẫm thì cứ dẫm mãi nó không quằn đâu. Nó sẽ quằn lên. ‘Chó cùng cắn càn’, tôi xin lỗi dùng cái danh từ đó. Con chó nó bị dồn đến đường cùng, nó sẽ cắn lại.”

Giáo sư Tạ Văn Tài:

Giáo sư Tạ Văn Tài:

“Tôi thấy các cuộc biểu tình là triệu chứng rất rõ rệt cho nhà cầm quyền phải tỉnh ngộ, đừng có nghĩ là con giun dẫm thì cứ dẫm mãi nó không quằn đâu. Nó sẽ quằn lên. ‘Chó cùng cắn càn’, tôi xin lỗi dùng cái danh từ đó. Con chó nó bị dồn đến đường cùng, nó sẽ cắn lại.”

Một số facebooker cũng đồng quan điểm đó khi ví von “cuộc bạo loạn hôm nay chỉ là cái lò xo bị nén lâu ngày, hôm nay nó bung ra”.

Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng trong những vấn đề gây bức xúc nhất có vấn đề về chủ quyền quốc gia và vấn đề mất đất đai. Ông cảnh giác chính quyền cần hành động để giải quyết những nỗi bức xúc đó.

“Mất đất đai của người ta mà không giải quyết cho người ta suốt 20 năm, để cho họ phải chịu đựng 20 năm trời thì đó là dồn họ vào đường cùng. Tất cả những cái đó là những ngòi nổ, những thùng thuốc súng có thể nổ bất cứ lúc nào, bây giờ trừ khi là dám bắn vào quấn chúng giống như người Tàu bắn vào sinh viên ở Thiên An Môn, trừ khi dám làm cái đó, còn rất có thể có sự bùng nổ.”

Trang mạng báo Pháp Luật cho biết vào đêm Chủ nhật 10/6, hàng ngàn người đã xông vào trụ sở UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận để đập phá, gây thương tích một số cán bộ viên chức. Tin lan truyền trên mạng nói có hai ca tử vong. Nhưng trong một cuộc họp báo chiều 11/6, Phó Trưởng Ban Thông tin Tỉnh Bình Thuận cải chính tin này. Ông Huỳnh Thái Dương khẳng định là không có cảnh sát hay người dân nào thiệt mạng trong các cuộc biểu tình “gây rối”. Ông tuyên bố những phấn tử kích động phá hoại sẽ bị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Báo chí địa phương cho biết tại Bình Thuận, hơn 60 xe cộ, mô tô bị đập phá, thiêu rụi, một số trụ sở cũng bị phóng hỏa, gây thiệt hại đến nhiều tỉ đồng.

Đêm 11 rạng sáng 12-6, khoảng 100 thanh thiếu niên bị bắt giữ vì có hành vi dùng đá, bom xăng ném vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận.

Hình ảnh video cho thấy cảnh sát cơ động đã tăng cường sự hiện diện tại Bình Thuận. Dân địa phương cho biết họ được phép ra đường, nhưng bị cấm tụ tập.

Hôm 12/6/18, một cư dân ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận yêu cầu giữ kín danh tính cho Đài VOA biết tình hình đã tạm ổn định so với ngày hôm trước, tuy nhiên người dân bị cấm tụ tập và cấm dừng lại tại những địa điểm được cho là “nhạy cảm”.

“Giờ thì ổn định hết rồi, nhưng nói chung là người ta không cho ra đường nữa. Người ta hạn chế ra đường rồi người ta đưa lực lượng bảo vệ, cho ra đường nhưng không cho tụ tập, cấm dừng lại ở các khu vực mà nhạy cảm đó.”

Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng không nên dồn dân tới đường cùng, mà phải để cho họ bày tỏ chính kiến qua các cuộc biểu tình được hiến pháp cho phép. Ông nói không cần phải có luật biểu tình mới được đi biểu tình, mà biểu tình là một phần của tự do phát biểu, đã được ghi trong hiến pháp. Từ quan điểm của một Giáo sư luật, ông giải thích về quyền biểu tình của người dân Việt Nam:

“ Tôi thấy cái cách Việt Nam hay nói là cái gì phải làm luật thì mới được làm, là trái hẳn cái tinh thần pháp trị. Pháp trị trên khắp thế giới là, cái gì mà luật không cấm là làm được. Hiến pháp đã nói là được quyền phát biểu, mà trong đó có quyền phát biểu bằng các cuộc biểu tình thì bây giờ không phải có luật mới được đi biểu tình. Vấn đề chính là cứ đi biểu tình theo hiến pháp đi. Nếu mà người biểu tình phá hoại tài sản thì có những luật khác về phá hoại tài sản, làm mất trật tự công cộng, thì trong luật hiến pháp cũng như các công ước về các quyền tự do, có những hạn định cho các quyền tự do biểu tình, tự do phát biểu, bằng yếu tố gọi là an ninh quốc gia, trật tự công cộng. Nhà cầm quyền có thể sử dụng các biệt lệ đó để mà nói rằng những người biểu tình đã đi quá quyền tự do của mình, phá hoại tài sản làm mất trật tự công cộng. Chứ còn chẳng cần phải đợi cái luật biểu tình thì mới được đi biểu tình.”

Ngày 12-6, một nguồn tin cho biết Công an tỉnh Bình Thuận vẫn đang lấy lời khai, trích xuất camera để xác định vai trò của các phần tử gây rối, ném đá, ném bom xăng của gần 100 thanh thiếu niên xảy ra vào đêm 11 rạng sáng 12-6.

Bình Thuận là nơi mà người dân trong nhiều năm qua đã bị dồn nén vì nhiều vấn đề bức xúc lâu ngày không được chính quyền quan tâm giải quyết. Trong các vấn đề nổi cộm có vấn đề đất đai và những tác hại về môi trường,do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và thép Cà Ná thải khí thải độc hại và thải bùn xuống biển, gây ra.

https://www.voatiengviet.com/a/giao-su-ta-van-tai-dung-don-dan-vao-chan-tuong/4435888.html

 

Hai bộ trưởng chính phủ Hà Nội vào cuộc

Liên quan đến đợt biểu tình bạo động tại tỉnh Bình Thuận, vào ngày 13 tháng 6, đích thân Bộ trưởng Công an Việt Nam, ông Tô Lâm, đến địa phương này và làm việc với Công an Tỉnh. Mục tiêu được nói nhằm vãn hồi an ninh, trật tự cho địa phương.

Trong ngày 13 tháng 6, Cơ quan Điều tra thuộc Công an tỉnh Bình Thuận nói họ tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường những nơi bị phóng hỏa, đập phá trong những ngày qua.

Ngay sau khi nổ ra những cuộc biểu tình phản đối Dự luật Đơn vị Hành chính Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong- Phú Quốc và An ninh Mạng với hằng ngàn người tham gia tại nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước vào ngày chủ nhật 10 tháng 6 vừa qua, một số quan chức Việt Nam lên tiếng cảnh báo người dân đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng và phải yêu nước đúng cách.

Sang ngày 13 tháng 6, ông Trương Minh Tuấn,  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng của Bộ với mục tiêu được nói rõ là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền ứng phó với tình hình trong thời gian tới.

Được biết, đây là chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau đợt biểu tình bạo loạn tại Bình Thuận những ngày qua.

Ông Tuấn nói tại buổi họp rằng có nhiều khả năng tình hình tại một số địa phương vào những ngày tới vẫn có những diễn biến phức tạp. Lý do theo nguyên văn lời ông này là ‘các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu kích động và gây rối.’

Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận vào chiều tối 12 tháng 6 cũng đã phát thông báo, kêu gọi người dân cảnh giác, không để bị dụ dỗ, lôi kéo gây mất trật tự tại địa phương.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/arrest-with-the-accusation-of-receiving-money-for-inciting-protest-06132018084250.html/ministers-on-the-riot-protest-in-binh-thuan-06132018084552.html

 

Trực thăng và súng cối cho công an huyện VN?

Một thông tư của Bộ Công an Việt Nam nói sẽ hỗ trợ trực thăng vũ trang, súng chống tăng và đại liên, súng cối cho công an tận cấp huyện và thị xã, theo VnExpress hôm 12/06/2018.

Thông tư 17/2018 của Bộ Công an quy định Bộ trưởng Công an Việt Nam quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ… trong toàn lực lượng.

“Khi có tình huống khẩn cấp hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp, Bộ trưởng có quyền quyết định điều chuyển vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ từ công an đơn vị, địa phương này sang công an đơn vị, địa phương khác trên phạm vi toàn quốc…”

Thứ trưởng công an vào Bình Thuận

Nổ lớn tại Công an Đăk Lăk

VN: Công an ‘làm việc’ với tướng Phan Văn Vĩnh

Đại tá công an Hungary theo dân nổi dậy 1956

Văn bản này cũng nói các loại vũ khí hỗ trợ đến cấp huyện thị xã gồm “súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân”.

Ở cấp thấp hơn, “công an xã, phường, thị trấn được xem xét để trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay…”

Có vẻ như ngoài các cơ quan nhà nước cần được bảo vệ, các doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ công cụ an ninh.

Sau đó là “khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất” và họ cũng sẽ được xem xét trang bị loại công cụ sau

“Súng bắn điện, súng bắn đạn nổ, phương tiện xịt hơi cay, dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao…”

VnExpress cũng đăng tải rằng theo thông tư vừa nêu, ban bảo vệ dân phố ở Việt Nam “được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp, găng tay bắt dao”.

Luật mới về các trường hợp dùng vũ khí

Cũng báo Việt Nam nói một luật mới là Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2018.

Luật này cũng quy định rõ các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Trên trang thuvienphapluat.vn cũng đang có Nghị định 79/2018/NĐ-CP (16/05/2018), nêu rõ quy định về quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí.

Nghị định này cũng cũng xác định thẩm quyền về việc quản lý vũ khí, quân dụng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam.

Một điều trong Nghị định viết: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quy định riêng về kho vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, khác với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Trên trang thuvienphapluat.vn có đăng nguyên văn thông tư 17/2018 của Bộ Công an, ghi rõ

“Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng sẽ được xem xét trang bị trực thăng vũ trang, bom, mìn, lựu đạn và các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ khác.”

“Công an địa phương căn cứ quy định trên lập dự trù số lượng, loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cần trang bị gửi cơ quan quản lý về trang bị và kho vận báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.”

Giám đốc công an các cấp trên là bên yêu cầu hỗ trợ và bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định xem xét đáp ứng hay là không.

Nghị định này cũng nêu ra các cơ quan như kiểm lâm, chống buôn lậu…thuộc sự quản lý của Bộ Công an, cũng được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.

Tuy nhiên, có vẻ như việc tăng cường hỗ trợ vũ trang hạng nặng cho công an cấp huyện, thị xã là điều đang được báo chí Việt Nam quan tâm đăng tải.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44458182

 

Việt Nam sẽ khởi tố vụ gây rối ở Bình Thuận

Việt Nam sẽ trừng phạt “những kẻ cực đoan” gây bạo loạn trong các cuộc biểu tình những ngày qua ở Bình Thuận.

Reuters loan tin vừa nêu vào ngày 12 tháng 6, dẫn nguồn từ Bộ Công An Việt Nam cho biết đang điều tra những người biểu tình đã ném xăng, gạch đá vào cảnh sát, đốt xe và đập phá tài sản của cơ quan công quyền, văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Theo ghi nhận của Reuters, có 100 người bị bắt giữ trong tối thứ Hai, ngày 11 tháng 6 và trước đó một ngày cũng có 102 người khác bị bắt và không có số liệu chính xác về bao nhiêu người đã được thả. Tuy nhiên, Đài truyền hình VTV của Việt Nam vào tối ngày 12 tháng 6 loan tin có 80 người biểu tình bị bắt giữ.

Giới chức Việt Nam cho rằng “các nhóm phản động” có sự tính toán, lên phương án từ trước và các cuộc bạo loạn đã làm bị thương hàng chục cảnh sát.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 12 tháng 6 trích lời của ông Hồ Trung Phước, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận rằng tình hình tại địa phương vẫn còn căng thẳng. Tuy nhiên, ông Phước nhấn Chính quyền tỉnh Bình Thuận mạnh sẽ không để cho kẻ xấu lợi dụng và sẽ vãn hồi trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân cũng như duy trì hình ảnh tươi đẹp của quốc gia Việt Nam.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, Đại tá Đào Trọng Nghĩa, vào ngày 12 tháng 6, nói với Báo VnExpress Online rằng sẽ khởi tố vụ án và bị can sau khi sàng lọc, điều tra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-says-will-deal-with-extremists-behind-protest-clashes-06122018132843.html

 

Cơ quan chức năng bắt người biểu tình

với cáo buộc nhận tiền

Thêm hơn chục người bị bắt giữ vì tham gia cuộc biểu tình có bạo động tại tỉnh Bình Thuận trong ba ngày 10, 11 và 12 tháng 6 vừa qua.

Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Công An Thành phố Phan Thiết vào ngày 13 tháng 6 cho biết cơ quan này bắt giữ thêm 12 thanh thiếu niên mà họ cho là dùng đá, bom xăng ném vào trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận, Sở Kế Hoạch- Đầu Tư và Sở Nội Vụ tỉnh Bình Thuận vào ngày 10, 11 và rạng sáng 12 tháng 6 năm 2018.

Tin cũng nêu danh ông Ngô Duy Nam 36 tuổi bị bắt giữ và điều tra về cáo buộc cho tiền người khác để xúi giục gây rối.

Thông tin về số người bị bắt do tham gia đợt biểu tình ở tỉnh Bình Thuận ban đầu được cho biết hơn 100 người.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đến ngày 13 tháng 6 cũng cho công bố những số liệu được nói là thiệt hại do đợt biểu tình bạo động vừa nêu gây ra.

Theo đó vào đêm 10 tháng 6, đã có 3 xe ô tô và hơn 20 xe máy bị thiêu rụi, 1 xe ô tô bị đập nát, cổng chính trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận và nhà bảo vệ bị đập phá, nhiều đoạn tường rào bị sập, nhiều phòng làm việc bị phá hủy, tài sản bên trong bị hư hỏng và lấy mất. Ngoài ra, có 44 công an bị thương.

Riêng trên quốc lộ 1 tại đoạn giữa hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình, 1 xe chở cảnh sát cơ động và 1 xe cứu thương bị đốt cháy; 1 xe ô tô và 1 xe máy của công an huyện bị đập phá; 4 cảnh sát cơ động bị thương.

Vào ngày 11 tháng 6, đã có 10 xe ô tô bị thiêu rụi, 16 xe máy bị phá hủy, 30 cảnh sát bị thương. Trụ sở Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Phan Rí bị đập phá.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/arrest-with-the-accusation-of-receiving-money-for-inciting-protest-06132018084250.html

 

Tu sĩ Phật giáo VN Thống Nhất đi biểu tình bị bắt

vừa được trả tự do

Sư thầy Thích Đồng Long thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, vừa được trả tự do từ công an huyện Củ Chi sau một ngày bị giam giữ vì tham gia biểu tình phản đối luật Đặc khu ở Sài Gòn hôm 10/6, nhưng vẫn bị xử phạt hành chính.

Trả lời đài Á Châu Tư Do qua điện thoại vào ngày 12/6, sư thầy Thích Đồng Long cho biết: “Tôi được trả tự do vào khoảng 4 giờ chiều ngày 11 tháng 6 năm 2018”.

Sư thầy Thích Đồng Long cùng mẹ là bà Trần Thị Rươi bị bắt vào khoảng 11 giờ đêm hôm 10/6 ở Sài Gòn và được đưa về công an phường Tân Định, Quận 1 trước khi được chuyển về công an huyện Củ Chi, nơi ông cư trú, vào 3 giờ sáng ngày hôm sau. Sư thấy Thích Đông Long cho biết ông và mẹ mình bị phạt tiền vì tụ tập đông người, điều mà ông phản đối.

Chúng tôi bị nhóm người lạ mặt bắt và được đưa đến công an phường tân định thì họ có lập biên bản vi phạm hành chính. Họ nói là về tội mất trật tự công cộng, tụ tập đông người. Nhưng văn bản này thì đề là công an phường Bến Nghé. Chúng tôi không biết công an phường Bến Nghé có qua Tân Định hay không thì không rõ. Biên bản của chúng tôi là quyết định xử phạt chúng tôi là 450.000 đồng. Hiện tại chúng tôi chưa trả số tiền này vì chúng tôi bản thân là tu sĩ cũng không có tiền. Họ đưa quyết định thì tôi có ghi là tôi không đồng ý, chúng tôi ký tên mục đích là xác nhận họ lập biên bản còn ý kiến là tôi ghi là không đồng ý.”

Sư thầy Thích Đồng Long cho biết ông và mẹ chỉ bày tỏ nguyện vọng một cách ôn hòa chứ không có ý tụ tập đông người như cáo buộc của công an.

Họ nói chúng tôi tụ tập khi chúng tôi ngồi trước tòa lãnh sự Hoa Kỳ, chúng tôi ngồi ở đó để biểu ngữ vậy thôi còn những người xung quanh họ làm gì chúng tôi không biết việc của họ. Chúng tôi chỉ có 2 người nên không thể ghi tụ tập được. Tôi không gây rối, ồn ào nên chúng tôi không đồng ý cái điều công an họ buộc tội.”

Những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng ngàn người dân đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam trong ngày 10/6 để phản đối hai dự luật Đặc khu và an ninh mạng mà chính phủ trình quốc hội trong kỳ họp đang diễn ra ở Hà Nội. Đã có hàng chục người bị bắt ở hai thành phố lớn Sài Gòn và Hà nội. Chính quyền đã huy động công an, an ninh mặc thường phục bắt giữ người biểu tình. Đã có những người biểu tình bị đánh, bị kéo lên trên đường và tống lên xe buýt đưa đi. Hiện tại đài Á Châu Tự Do vẫn chưa thể xác định được con số chính xác số người bị bắt ở cả hai thành phố, nhưng có thông tin một số người bị bắt ở Sài Gòn hôm 10/6 đến nay vẫn chưa được trả tự do.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/independent-buddhist-monk-detained-during-protest-is-released-06132018092440.html

 

LS Đài tới Berlin nhận giải nhân quyền

Luật sư Nguyễn Văn Đài được trao Giải thưởng Nhân quyền 2017 của Liên đoàn Thẩm phán Đức.

Lễ trao giải diễn ra tại Berlin vào ngày 13/6/2018.

Giải được trao hai năm một lần nhằm tôn vinh các thẩm phán, công tố viên, luật sư trên toàn thế giới, những người hành nghề luật trong hoàn cảnh chính trị khó khăn, thách thức đàn áp và có những đóng góp trong việc thực thi quyền con người.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Đài được ông Jens Grisa, Chủ tịch Liên Đoàn Thẩm phán Đức, và bà Gyde Jensen, Chủ tịch Ủy ban Quyền con người của Quốc hội Đức trao giải.

Ông Đài là người Việt Nam đầu tiên được giải này.

LS Đài và bà Lê Thu Hà ra tù, lên đường sang Đức

Y án sơ thẩm cho bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ

‘Uất ức’ về mức án cho LS Đài và 5 nhà hoạt động

“Cách đây 29 năm, tôi đã đến Đức để mưu cầu cuộc sống. Với 11 tháng ở Đức, tôi không chỉ tìm thấy cuộc sống của mình mà còn cả ‎ý tưởng về cuộc sống,” ông Đài phát biểu.

“Lúc đó, với chính sách của Đức, tôi có thể ở lại và có cơ hội trở thành công dân Đức.”

“Tuy nhiên, với lý tưởng tự do, cao đẹp về nhân quyền học được từ Đức, tôi đã trở về Việt Nam.”

“Tôi đã vào học trường luật, trở thành luật sư, dấn thân vì lý tưởng.”

Nói về lần này tới Đức sau khi ra khỏi nhà tù, ông Đài cho biết:

“Tôi đến đây không phải để yêu cầu cuộc sống riêng cho bản thân mình mà là tìm kiếm cơ hội để đấu tranh cho những người bạn tôi, những người như tôi còn bị giam giữ trong nhà tù và đang chạy trốn trên khắp đất nước tôi…”

Giải thưởng cho năm 2017 được công bố hồi tháng Tư năm ngoái, khi ông Đài vẫn đang bị tạm giam và bị khởi tố với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.

Ông bị bắt tháng 12/2015.

Trong phiên tòa sơ thẩm xử ông cùng cộng sự Lê Thu Hà và bốn người nữa, hôm 5/4/2018, ông bị kết án 15 năm tù, 5 năm quản chế. Bà Lê Thu Hà bị án 9 năm tù, 2 năm quản chế.

Án 15 năm tù cho luật sư Nguyễn Văn Đài

HRW: ‘Việt Nam không có phiên toà thực sự’

Gia đình LS Đài ‘không chấp nhận luật sư chỉ định’

Vụ án Nguyễn Văn Đài: bắt thêm 4 người

Ông Đài và cộng sự Lê Thu Hà không kháng cáo, chấp nhận mức án sơ thẩm.

Bốn người còn lại không được giảm án trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra hôm 4/06.

Được thả sớm và sang Đức

Đêm 7/06, ông Đài và bà Lê Thu Hà được đưa khỏi nhà tù, tới sân bay quốc tế Nội Bài rời Việt Nam.

Cùng đi với hai tù nhân vừa được thả là vợ luật sư Đài, bà Vũ Thị Minh Khánh.

Ba người đáp xuống phi trường Frankfurt vào đầu giờ sáng thứ Sáu, 8/06.

Ông Đài cho biết trước đó, đã có nhiều dấu hiệu trong nhà tù khiến ông cảm thấy hy vọng là mình sẽ được trả tự do.

Tuy nhiên, ông chỉ chính thức biết tin này “vào lúc 15 giờ chiều hôm 7/06”, và ông đã được “đưa thẳng từ nhà tù ra máy bay”.

“Vợ tôi là người thông báo cho tôi chứ không phải là giới chức,” ông nói.

Về dự định trong tương lai, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói ông sẽ cần thời gian để suy nghĩ và tìm hiểu sau hai năm rưỡi ngồi tù và nay đột ngột “có cuộc sống thay đổi hoàn toàn”.

Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ tiếp tục con đường đấu tranh nhân quyền.

“Việc cộng tác với các tổ chức nhân quyền để đấu tranh cho tình hình nhân quyền ở Việt Nam là sự nghiệp xuyên suốt cuộc đời của tôi,” ông nói.

Ông ngỏ lời cảm ơn các cơ quan, tổ chức Đức đã vận động để ông được trả tự do, và nói ông hy vọng sẽ tiếp tục được nhận sự giúp đỡ.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44458077

 

Ngộ nhứt là chị đó chị… Ngân!

Đồng Phụng Việt

Chị Ngân,

Hôm nay – 11 tháng 6 năm 2018 – trước khi Quốc hội biểu quyết về chuyện loại bỏ Dự luật về “Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt” ra khỏi chương trình lập pháp của kỳ họp lần này, tôi thấy chị thiệt là… ngộ khi khẳng định: Quốc hội sẽ luôn luôn lắng nghe ý kiến của cử tri!

Cho dù chẳng có bao nhiêu người tin vào điều chị khẳng định nhưng trong bối cảnh như hiện nay – vừa có hàng trăm ngàn người đổ ra đường nói không với dự luật đó, mình không chịu cất, vẫn bày ra, hàng trăm ngàn có thể thành hàng trăm triệu, nguy cơ mình đi chỗ khác… chơi rất… cao thì rõ ràng là cần phải… vuốt đuôi như thế. Chỉ có điều chị hoặc Bộ Chính trị nên phân công người khác thề thốt “luôn luôn lắng nghe ý kiến cử tri”.

Tuy là Chủ tịch Quốc hội – đứng đầu cơ quan đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn dân nhưng chị nói điều đó là kẹt cho chị lắm chị Ngân à!

Cách nay chưa đầy hai tháng, lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về chương trình kỳ họp thứ năm, khi có người này, người khác băn khoăn về chuyện nọ, chuyện kia trong việc thành lập đặc khu, chị từng tuyên bố, Bộ Chính trị đã quyết định rồi thành ra phải có luật về “Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt”, báo chí đăng rần rần, giờ cũng chị trấn an nhân dân là Quốc hội do chị điều hành “luôn luôn lắng nghe” họ.

Làm vậy có khác gì chị vung tay, tình nguyện nhào ra… nhổ một bãi rõ to rồi cũng chính chị bật dây, xung phong… liếm lại, liếm sạch, hổng sót chút nào và báo chí lại tiếp tục đăng rần rần. Có thể chị không quan tâm tới vệ sinh chung song Chủ tịch Quốc hội xứ nào cũng cổ xúy giữ vệ sinh công cộng, nghe chị phát biểu “luôn luôn lắng nghe”, dân xứ mình đồng loạt ói mửa, nguy hại cho môi sinh, môi trường lắm đó chị Ngân!

Chị Ngân,

Thiệt tình là tôi nghĩ hoài mà không hiểu tại sao, chị đã nhận định, dân mình, nhiều người “không hiểu đúng bản chất, ngộ nhận, hiểu nhầm” ý tưởng thành lập ba đặc khu của Đảng  nên “hành động quá khích” mà hôm nay – ngày 11 tháng 6 – vẫn có tới  85,63% đại biểu Quốc hội nhất trí không ngó tới Dự luật về “Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt”, ít nhất là trong kỳ họp này nữa?

Dân mình non nớt, chưa hiểu được Đảng “tài tình, sáng suốt” chỗ nào khi quyết định thành lập ba đặc khu, giao đất cho những ngoại nhân đầu tư vào đó tới 99 năm thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải “uốn nắn, giáo dục” tới nơi, tới chốn chứ lẽ nào lại “nhắm mắt, đưa chân” đi theo đám đông đang “ngộ nhận”, thậm chí là đang bị kẻ xấu dẫn dắt, “lợi dụng lòng yếu nước”?

Tôi còn nhớ cuối tuần trước, lãnh đạo xứ mình thức gần như trắng đêm để kịp hoàn tất một thông cáo, gửi cho báo chí lúc 3 giờ sáng ngày 9 tháng 6, thúc họ loan báo với toàn dân rằng, chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm ngưng thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về chuyện thành lập các đặc khu. Vậy là “theo đuôi quần chúng”, buông bỏ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đó nghe chị Ngân!

Tới giờ, chị thấy thiếu “kiên định” về “lập trường” tai hại chưa? Nhượng bộ tới mức đó mà dân vẫn không chịu, ngày 10 tháng 6 vẫn đổ ra đường “Đả đảo bán nước”! Tôi áng chừng chị giận dữ lắm. Tình thế buộc chị phải đề cập tới “luôn luôn lắng nghe” nhưng vì không cam tâm, thành ra chị mới ráng chèn thêm vô một loạt những từ như “không hiểu đúng bản chất”, “ngộ nhận”, “hiểu nhầm”, “bị lợi dụng”…

Ông bà mình nói: No mất ngon, giận mất khôn!  Đang giận, lẽ ra chị không nên phát biểu. Đã khẳng định “luôn luôn lắng nghe” mà còn thòng thêm nhận định những người không chịu nghe mình là “không hiểu đúng bản chất”, “ngộ nhận”, “hiểu nhầm”, “bị lợi dụng”…  khác gì mắng họ ngu, hàm hồ. Chị còn không khéo ở chỗ đã mắng họ như vậy mà còn tổ chức cho Quốc hội bỏ phiếu để chiều lòng họ thì… ngộ thiệt!

Một yếu tố khác khiến tôi thấy hôm nay chị thật sự “mất khôn” là chuyện chị nhận định việc “các đại biểu bàn luận ở hội trường đã lan tỏa ra ngoài xã hội”, thành ra “trong hành động, phát ngôn đừng tạo ra thêm bất kỳ sự ngộ nhận, hiểu nhầm nào nữa, sự ngộ nhận đó lan ra ngoài xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình của đất nước”. Về… lý thuyết, Quốc hội vốn đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn dân mà chị Ngân!

Tôi biết chị không bận tâm đến việc làm sao để nguyện vọng, ý chí của toàn dân lan tỏa ở Quốc hội nhưng oang oang  răn đe các đại biểu đừng để “hành động, phát ngôn” tạo ra thêm “ngộ nhận, hiểu nhầm” rồi “lan ra ngoài xã hội” thì… lộ liễu quá. Bày hết mớ… hàng” vốn đã không bắt mắt về mẫu mã, hạn chế về chất lượng và quá đát như thế là hổng… khéo. Nói theo kiểu dân gian thì buôn bán vụng về như thế chỉ có… chó mới ghé mắt xem. Chẳng lẽ chị chỉ muốn buôn bán tuyền với… chó thôi sao chị Ngân?

Ai cũng biết đa số đại biểu Quốc hội mà chị đang lãnh đạo, gật, lắc theo chỉ đạo của Đảng. Chỉ có một nhóm rất nhỏ nhoi thỉnh thoảng cất tiếng bằng giọng của nhân dân.  Thiểu số đó có thể làm chị không ưng nhưng phải như thế mới ra… Quốc hội chị Ngân à! Bịt miệng luôn thiểu số vốn đã rất lẻ loi tại Quốc hội ấy thì làm sao chị có thể sắm tròn vai Chủ tịch Quốc hội mà Bộ Chính trị đã phân công hả chị Ngân?

Chị Ngân,

Một trong những điều bất hạnh nhất của tôi là chưa được trường nào trong hệ thống trường chính trị của Đảng nhận vào dạy dỗ. Cũng vì vậy, tôi “luôn luôn lắng nghe” mà thường xuyên không… hiểu Đảng nói vậy là sao! Tôi không tủi thân vì số “chậm tiến”  như tôi đông dữ lắm, ít nhất cũng cỡ 90 triệu. Thành ra tụi tôi mong chị đăng đàn, giáo dục kỹ lưỡng hơn cho tụi tôi tường minh, ái mộ chị chứ hổng thấy chị càng ngày càng… ngộ nghe chị Ngân!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/i-dont-get-you-06122018115529.html

 

Tài xế phản đối trạm thu phí quá hạn BOT Tân Đệ

bị triệu tập

Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã triệu tập các tài xế bị cho là liên quan đến việc hành hung nhân viên thu phí cũng như tông gãy barie của trạm thu phí BOT Tân Đệ.

Tin cho biết từ chiều 5/6, tại trạm thu phí BOT Tân Đệ, nhiều lái xe không trả phí và cho xe chạy qua bằng cách hất văng thanh barie hoặc phụ xe xuống nhấc barie sang một bên để xe chạy qua, bởi theo họ trạm này đã hết hạn thu phí nhưng vẫn tiếp tục thu.

Theo công an huyện Vũ Thư thì hiện nay chỉ mới triệu tập các tài xế để điều tra, còn việc truy tố hay không thì phải chờ xác định các tình tiết sau khi kết thúc điều tra. Nếu không đủ căn cứ truy tố thì cơ quan công an sẽ ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định.

Báo chí trong nước thông tin Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Tasco, là chủ đầu tư BOT Tân Đệ cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan các trang thiết bị tại trạm bị phá cho công an huyện Vũ Thư để xử lý. Hiện công an Vũ Thư túc trực tại trạm BOT Tân Đệ để đảm bảo trật tự an ninh.

Chuyện các trạm BOT trong nước hiện gây bức xúc cho người dân bởi theo họ thì mức phí và vị trí đặt trạm không hợp lý.

Tình trạng chưa được giải quyết thỏa đáng thì mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh tăng mức phí qua trạm thu phí Quán Hàu trên Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Bình, thời gian dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Theo Vietnamplus, đầu tháng 6/2017, một số doanh nghiệp vận tải cho xe chặn trạm thu phí Quán Hàu với lý do trạm thu này đặt tại xã Võ Ninh nhằm thu phí cho hai tuyến tránh thành phố Đồng Hới và tuyến tránh Quốc lộ 1. Việc đặt trạm ở đây khiến một số phương tiện không đi qua 2 tuyến tránh này nhưng vẫn phải nộp phí.

Được biết thời gian hoàn vốn thu phí cho dự án xây dựng trạm Quán Hàu là 22 năm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protesting-drivers-at-bot-tan-de-convoked-06132018095641.html

 

Còn nhiều kẽ hở

trong luật Phòng Chống Tham Nhũng

Nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng thừa nhận còn nhiều lỗ hổng trong luật Phòng chống tham nhũng tại phiên thảo luận về luật này diễn ra vào ngày 13 tháng 6.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí ở Hà Nội nói rằng cần phải sửa luật sao cho con thành niên của quan chức cũng phải kê khai tài sản, thu nhập vì hiện nay có những cô gái mới chỉ 19 tuổi nhưng đã sở hữu biệt phủ rộng vài ngàn mét vuông. Ông Trí nói thêm rằng lò chống tham nhũng đã đỏ lửa nhưng nếu lỗ hổng trong luật vẫn còn thì không có thêm củi cho vào lò.

Đại biểu Tạ Văn Hạ ở Bạc Liêu thì cho rằng cần xem xét cả các trường hợp từng giữ vị trí cao có nguy cơ tham nhũng, kể cả đã về hưu, và những người thân của quan chức đó cũng phải chứng minh nguồn gốc tài sản vì nhiều trường hợp để người thân giữ hộ tài sản đến khi về hưu mới hợp thức hóa. Đại biểu tỉnh Bạc Liêu đề nghị công khai các bản kê khai thu nhập để dân giám sát giúp, vì cơ quan chức năng không đủ khả năng kiểm chứng mọi bản kê khai.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức ở TP.HCM thì nêu vấn đề rằng việc kê tài sản lâu nay rất tốn kém, nhiều loại giấy tờ phức tạp, nhưng không hiệu quả vì tình trạng khai thiếu trung thực vẫn tiếp tục xảy ra.

Còn đại biểu Phạm Trọng Nhân từ Bình Dương quan ngại về cách xử lý những cán bộ tham nhũng còn chưa nghiêm, ông Dương nêu ví dụ vụ 5 cán bộ Hải quan ở Hải Phòng nhận hối lộ nhưng chỉ bị khiển trách.

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu tán thành với quy định đánh thuế 45% tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-loopholes-in-anti-corruption-law-say-mms-06132018095401.html

 

Thêm linh mục công khai chính kiến bị cấm xuất cảnh

Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân, chánh xứ Thọ Hòa tỉnh Đồng Nai, người được biết đến vì những phát biểu phản đối lại các sai trái của chính phủ Việt Nam vừa bị cấm xuất cảnh vào ngày 11 tháng 6.

Vào chiều tối ngày 13 tháng 6, Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân cho Đài Á Châu Tự Do biết ông cùng 24 linh mục khác đến sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh để đi du lịch theo tour đến Malaysia nhưng đã bị an ninh ở đây chặn lại không cho xuất cảnh.

“Cảnh sát họ chặn tôi lại và mời tôi vô trong phòng, lúc vô phòng họ chỉ nói họ thi hành theo lệnh Công an Đồng Nai thôi. Họ cũng đối xử rất tử tế. Sau đó họ làm biên bản, 15 giờ chiều tôi ra nhận lại hành lý ký gởi của tôi rồi ra về.”

Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân cho biết sau khi ra về đã làm đơn trình báo với Đại sứ quán Đức tại Việt Nam vì trước đó vào ngày 16 tháng 5, Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân đã phát biểu tại chùa Giác Hoa trước Liên Minh Châu Âu. Linh mục Tân nghi ngờ rằng đây có thể đây là nguyên nhân ông bị cấm xuất cảnh.

“Tôi có phát biểu 1 bài trước Liên minh Châu Âu gồm có Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Hà Lan, Pháp, Anh. Tôi phát biểu đúng sự thật quá do đó làm mất lòng chính quyền thì họ trả thù tôi bằng cách ngăn chặn dịp này.”

Ngoài gửi đơn cho Liên minh Châu Âu, Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân cũng báo cáo sự việc này cho Cao ủy nhân quyền và Đại sứ quán Mỹ.

Trước đó, vào ngày 4 tháng 9 năm 2017, giáo xứ Thọ Hòa, nơi Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân đang làm Chánh xứ, đã bị 14 thanh niên thuộc Hội cờ đỏ mang súng ngắn, roi điện, loa thùng đến sách nhiễu, đe dọa. Ngoài ra, nhóm người này còn hành hung và đánh đập một giáo dân tên Thanh.

Vụ việc được trình báo và yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết; thế nhưng biện pháp được đưa ra bị cho không đúng với những qui định của luật pháp Việt Nam hiện nay.

Trước linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân, đã có một số trường hợp linh mục Công giáo bị cấm xuất cảnh Việt Nam vì có những phát biểu chỉ trích chính quyền. Gần đây nhất là trường hợp của linh mục Đinh Hữu Thoại, Dòng Chúa Cứu Thế giáo phận Đà Nẵng, bị cấm xuất cảnh sang Lào vào tháng 3/2018.

Năm 2017 và đầu năm 2018 được đánh giá là giai đoạn đàn áp nhân quyền trầm trọng nhất trong lịch sử nhân quyền vốn bị nói là nhem nhuốc của Việt Nam. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tháng 4 vừa qua đã công bố phúc trình về tình hình nhân quyền Việt Nam, trong đó lên án tình trạng vi phạm quyền tự do ngôn luận, lập hội, báo chí, tôn giáo, cũng như tình trạng tra tấn, đối xử tàn ác, hạ phẩm giá con người vẫn bị Việt Nam sử dụng với những tiếng nói bất đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-bars-dissident-priest-from-travelling-aboard-06132018090440.html

 

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm Việt Nam

Các binh chủng hai quân đội Việt Nam và Ấn Độ sẽ hợp tác nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Thông tin vừa nêu được đưa ra tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman và Đại tướng Ngô Xuân Lịch , Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, diễn ra vào sáng hôm nay 13/6 tại Hà Nội nhân chuyến thăm của người đứng đầu ngành quốc phòng Ấn Độ đến Việt Nam từ ngày 12 đến 15 tháng 6.

Tin chính thức từ Hà Nội còn cho biết hai phía sẽ duy trì các cơ chế hợp tác hiện có như đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng, đào tạo, nghiên cứu chiến lược,…

Bà Bộ trưởng Ấn Độ sẽ thăm một số đơn vị quân đội Việt Nam và gặp gỡ các doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam Ấn Độ ở Việt Nam.

Hợp tác quốc phòng Việt Nam Ấn Độ đã tăng lên rất nhanh trong thời gian gần đây, sau khi New Delhi cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng trị giá 500 triệu đô la Mỹ vào năm 2016 để mua vũ khí Ấn Độ. Ấn Độ cũng đang huấn luyện các đội thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam, cũng như phi công Việt Nam lái máy bay Sukhoi.

Liên tục trong những tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm viếng Ấn Độ, tháng giêng và tháng ba năm nay.

Cuối tháng 5/2018 tàu chiến Ấn Độ đã vào Đà Nẵng và diễn tập cùng với hải quân Việt Nam.

Trong buổi nói chuyện giữa các quan chức quốc phòng Việt Nam và Ấn Độ, phía Việt Nam đã ca ngợi chính sách hướng đông của Ấn Độ, đề ra từ nhiều năm nay, nhắm tới việc khuếch trương ảnh hưởng của Ấn về phía Đông, bao gồm khu vực Đông Nam Á.

Ấn Độ cũng tham gia vào một ý định về liên minh gọi là tứ giác Ấn Độ- Thái Bình Dương bao gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc. Mặc dù không nói ra nhưng những nhà quan sát đều cho rằng liên minh này nhằm cản lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc trong khu vực.

Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ hồi tháng ba, cũng như thăm Nhật Bản mới đây, Chủ tịch Trần Đại Quang đã tỏ ý công nhận liên minh tứ giác này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-india-military-cooperation-06132018083848.html

 

Người Việt ở hải ngoại và lễ vinh danh 70 năm cờ vàng

Tường An

Cách đây 10 năm, cũng trên những con đường này của Paris, lễ vinh danh 60 năm cờ vàng cũng được tổ chức vô cùng trọng thể. Năm nay, nhằm kỷ niệm 70 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và cũng là 70 năm lá cờ vàng 3 sọc đỏ được chính thức công nhận là lá cờ tổ quốc, gần 30 hội đoàn tại Pháp đã cùng tham gia và yểm trợ để tổ chức ngày vinh danh 70 năm cờ vàng trên chính quê hương của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Theo Ban Tổ Chức, người Việt tự do tại Pháp vinh danh lá cờ VNCH bởi những lý do sau đây :

–       Lá Cờ Vàng là biểu tượng cho một Việt Nam Tự do, Dân chủ và Tự chủ

–       Chúng ta không quên những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ giá trị của lá cờ

Lấy lá cờ làm điểm tự, làm biểu tượng cho công cuộc đấu tranh cho Việt Nam tự do – Ông Vũ Đăng Sơn

–       Lá cờ là biểu tượng cho chính nghĩa và tổ quốc trước sự bán nước của cộng sản Việt Nam cho Trung Cộng.

Ông Vũ Đăng Sơn, trưởng Ban Tổ Chức,  cho biết ý nghĩ cuộc diễn hành hôm nay, ngoài việc vinh danh lá cờ còn là một điểm tựa để kết hợp các hội đoàn lại với nhau :

“Lấy lá cờ làm điểm tự, làm biểu tượng cho công cuộc đấu tranh cho Việt Nam tự do, đó cũng là chuyện hiển nhiên thôi, vinh danh 70 năm lá cờ vàng là chuyện lớn phải làm, ngồi chung với nhau để bày tỏ tinh thần kết hợp, cũng như đã làm cách đây 10 năm, các hội đoàn ở Paris cũng đã tổ chức vinh danh 60 năm cờ vàng và cũng đã rất thành công”

Chương trình được bắt đầu bằng phần rước đuốc tự do do các em thanh thiếu niên phụ trách.

Sau đó là nghi lễ chào cờ Pháp Việt và phần mặc niệm. Tiếp đó Thượng tọa Thích Quảng Đạo chủ trì lễ cầu an.

Sau cùng, ông Vũ Đăng Sơn đại diện cho Ban Tổ Chức đọc diễn văn khai mạc cùng lời cám ơn các hội đoàn, tổ chức tham dự.

Cùng với sự tham gia của các đồng hương đến từ Hà Lan, Bỉ, Đức, Úc, Phái đoàn bắt đầu diễn hành trên các đại lộ lớn của quận 13, một quận có nhiều cơ sở thương mại của người Á châu.

Ông Bùi Quang Vơm, từng làm việc tại Đông Âu, hiện đang tị nạn tại Pháp, có nhiều bài phân tích trên mạng về tình hình Việt Nam cho biết lý do ông tham dự buổi lễ vinh danh cờ vàng này :

Tôi là một người sinh ra trong chế độ XHCN, nhưng mà tôi đang cầm một lá và tham gia một cuộc biểu dương lực lượng và vinh danh 70 lá cờ vàng 3 sọc đỏ, bởi vì đây không phải là biểu hiện của một chế độ mà Cộng sản gọi là « ngụy, chính quyền ngụy » mà tôi cho đây là một biểu tượng mang linh hồn của Việt Nam. Cái hồn này chống lại nền cai trị dộc quyền, độc đảng của chế độ cộng sản tại miền Bắc”

Hoặc như Magie, tham gia diễn hành vì yêu Việt Nam bởi cô có dòng máu Việt :

Bởi vì tôi yêu nước Việt Nam rất nhiều, tôi ghét le communism (cộng sản) tôi hy vọng một ngày nào đó lá cờ vàng sẽ tung bay ở Việt Nam, tôi mong muốn Dân chủ cho và Tự do cho Việt Nam”

Lá cờ có màu vàng và 3 sọc đỏ, 3 sọc đỏ tượng trưng cho miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Mặc dù sống ở bất cứ nơi đâu, chúng ta đều có màu da vàng và cùng dòng máu (đỏ) trong huyết quản của chúng ta – bé Minh Quân

Hay đơn giản chỉ vì có gia đình là VNCH như bà Trinh cho biết :

“Lý do tôi có mặt ở đây là vì toàn thể gia đình, trong gia tộc là Việt Nam Cộng Hòa”

Trong những ngày này, tin Việt Nam dự định thông qua luật cho thuê đơn vị hành chánh kinh tế tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc gây phẫn nộ trong dư luận, buổi vinh danh cờ vàng cũng đã xuất hiện những biểu ngữ phản đối luật cho thuê đặc khu 99 năm của Hà Nội, đó cũng là lý do chị Marie Tuyết tham gia cuộc diễn hành :

Điều này nó đã bức xúc, và ngày hôm nay em đến đây, em đã được hô hào cùng với bà con anh em : Việt Cộng bán nước, Việt Cộng bán nước, Việt Cộng bán nước… ‘”

Lá cờ vàng ba sọc đỏ được bé Minh Quân, 11 tuổi giải thích như sau:

“Lá cờ có màu vàng và 3 sọc đỏ, 3 sọc đỏ tượng trưng cho miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Mặc dù sống ở bất cứ nơi đâu, chúng ta đều có màu da vàng và cùng dòng máu (đỏ) trong huyết quản của chúng ta”

Mỗi người yêu lá cờ vàng ba sọc đỏ theo cách riêng của mình, xem lá cờ vàng như một biểu tượng đấu tranh cho Tự do, Dân Chủ. Và, theo hầu hết các người tham gia buổi vinh danh cờ vàng, điều này là một trong những động lực để kết nối và hun đúc tinh thần đấu tranh cho người Việt hải ngoại, từ đó, chuyển lửa về quốc nội và yểm trợ tinh thần cho những người đấu tranh trong nước.

Đến từ Đức quốc, ông Vũ Duy Toại cho biết :

“Khi mà chúng ta đi dự cái buổi vinh danh như thế này thì trong lòng chúng ta đã nghĩ đến vấn đề Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho Việt Nam. Cũng là một hình thức có tinh thần để đóng góp cho vấn đề xây dựng đất nước và một thể chế Tự do, Dân chủ và Nhân quyền được tôn trọng tại Việt Nam. Tôi tin rằng những người đến tham dự hầu hết đều có tinh thần đó. Họ nhìn thấy màu cờ vàng, họ cảm thấy phấn khởi, họ cảm động và họ cũng mong muốn đóng góp một cái gì đó cho dân tộc Việt Nam, cho một thể chế tự do tại Việt Nam”

Ông Lê Hữu Đào, đến từ Liège, Vương quốc Bỉ khẳng định :

“Tôi chắc chắn là có. Chúng ta là những người ở hải ngoại, chúng ta không can thiệp trực tiếp được vào cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Tất cả những điều gì chúng ta làm ở bên này cho lá cờ vàng, cho Tự do, Dân chủ là một sự khuyến khích một cách ấm lòng cho những anh em dân chủ ở bên nhà, cho thấy họ không cô đơn. Chúng ta bên này cũng đóng góp vào, dù rất là khiêm tốn bởi vì chúng ta không được đóng góp trực tiếp nhưng chúng ta vẫn đóng góp hết sức của chúng ta”

Em Nguyễn Ngọc Nam (nói tiếng Pháp), tin tưởng

Cũng giúp được chứ, dĩ nhiên là không làm nổ bùng sự thay đổi ngay, nhưng cũng giúp được phần nào. Cho thấy rằng ở khắp nơi trên thế giới đã tiếp tục dùng lá cờ này như một biểu tượng của Tự do và nghĩ đến sự Tự do cho người Việt tại Việt Nam”

Không những thế, Ông Bùi Quang Vơm cho rằng việc vinh danh cờ vàng có tác dụng không nhỏ:

Đương nhiên là có, tôi nghĩ đương nhiên là có, có tác dụng rất lớn, những cuộc xuống đường như thế này thể hiện cái tình cảm dân tộc của mỗi một con người. Nếu như chế độ Cộng sản Việt Nam không đáp ứng được như cầu, ý nguyện của toàn dân thì chế độ đó không thể đi cùng đường vơi dân được và vì vậy , tôi nghĩ nếu cứ đi ngược lại với tâm nguyện của người dân thì chế độ Cộng sản sẽ không thể tồn tại

Đoàn diễn hành bắt đầu từ đại lộ Ivry, đến đại lộ Choisy, vòng theo đại lộ Massena và cuối cùng chấm dứt ở hội trường M.A.S, nơi sẽ diễn ra cuộc hội thảo, tiếp nối chương trình của ngày vinh danh 70 năm cờ vàng. Trong buổi hội thảo, mọi người được nghe tiếng nói của những người trẻ trong nước, sinh sau năm 1975 về lá cờ vàng ba sọc đỏ. Cô Quỳnh Như, sinh năm 1977, đang định cư tại Paris nói trong sự xúc động :

Em không được học lịch sử như các anh chị, cô chú đã được học nhưng khi có nguy biến xảy ra thì tất cả mọi người đều đứng lên, và nhất là những người trẻ, rất trẻ, rất nhỏ ở Việt Nam, nói bằng một giọng rất là mãnh liệt, rất là bất khuất. Những bài hát của VNCH em cũng phát hiện mới sau này. Có nhiều bài hát của quân lực VNCH, của cục chính huấn và nhiều bài hát tử thời Ngô Tổng Thống tới bây giờ, nhạc nghe rất là hào hùng, rất là trong sáng và rất là có chính nghĩa. Em nghĩ đó là sức mạnh của Việt Nam , chỉ cần gợi lại, khơi lại đủ cái lịch sử của Việt Nam thì sẽ đủ cho tất cả mọi người sức mạnh để đuổi quân xâm lược ra khỏi dất nước”

Một đoạn video thu trước cho biết cảm tưởng của một số anh em trẻ từ quốc nội :

“Công nhận, thừa nhận và tôn trọng là một quốc kỳ chính thức thì mình vẫn dành cho cờ vàng”

“Tôi không định hình được tình cảm của mình đối với lá cờ vàng ba sọc đỏ, tuy nhiên tôi rất trân trọng lá cờ này”

‘”Từ trước đến giờ tôi chưa nghĩ đến việc yêu hay không yêu, yêu hay ghét cờ đỏ hay cờ vàng. Nếu mà hỏi tôi về cờ đỏ thì tôi nói là tôi không thích vì nó đang ở hiện tại, tôi không thích nhưng mà nói yêu hay ghét cờ vàng thì tôi chưa có suy nghĩ gì về việc này”

Từ năm 2003, một chiến dịch cờ vàng đã được khởi đi từ thành phố Westminster thuộc Quận Cam, đến nay đã có trên 100 đơn vị hành chánh từ thành phố, quận hạt đến cấp tiểu bang tại Hoa Kỳ đã vinh danh cờ vàng là biểu tượng của người Việt sinh sống tại địa phương.

Tôi không định hình được tình cảm của mình đối với lá cờ vàng ba sọc đỏ, tuy nhiên tôi rất trân trọng lá cờ này

Tại Úc, Canada, nhiều thành phố cũng đã công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ như một lá cờ đại diện cho cộng đồng Việt Nam và được sử dụng chính thức trong các ngày lễ lớn.*

Lá cờ vàng ba sọc đỏ, tiếng gọi của  Dân chủ và Nhân quyền, từ hải ngoại đã thổi một luồng gió Tự do về quốc nội. Trong nước, các tiếng nói phản kháng cũng đã dùng lá cờ vàng như một biểu tượng để thể hiện sự bất đồng của mình với chế độ độc tài.

Tại Việt Nam,  lá cờ vàng đã xuất hiện bí mật lần đầu tiên vào tháng 8 năm 2012 tại tỉnh Tân An và tỉnh Bình Thuận, thanh niên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đã bị bắt vì đã phát tán cờ vàng và các truyền đơn tại hai địa bàn này.

Sau đó, Nguyễn Viết Dũng (biệt danh Dũng Phi Hổ) cũng đã công khai treo cờ VNCH ngay trước nhà của mình vào ngày 30/4/2014

Lá cờ VNCH cũng bất ngờ xuất hiện vào ngày 9/4/2017  trong cuộc biểu tình chống Formosa tại Hà Tỉnh.

Ông Vương văn Thả, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị tuyên án 12 năm tù vì đã treo cờ vàng ba sọc đỏ trên nóc nhà của ông vào ngày 30/4/2017

Cùng thời điểm đó, lá cờ VNCH cũng đã xuất hiện tại một chiếc cầu ở khóm Vĩnh Đông, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. 5 thanh niên đã bị  khép tội lợi dụng tự do, dân chủ hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam và bị kết án 19 năm tù.

Mặc dù với những bản án nặng nề như thế, nhưng lá cờ vàng vẫn tiếp tục xuất hiện tại nhiều nơi trong nước như một thái độ của sự phản kháng, nhiều người cũng đã mặc áo có hình cờ vàng ba sọc đỏ trong những buổi liên hoan, tiệc cưới như một biểu hiện cho sự khao khát tự do, dân chủ.

Ở hải ngoại, nhiều tranh cãi cũng đã xảy ra ở những thành phố có người Việt tị nạn và nhiều du sinh cư ngụ, Tại thủ đô Ottawa đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình để phản đối tòa đô chánh treo cờ đỏ sao vàng trong dịp lễ quốc khánh Canada.

Bên lề hội nghị G20 năm 2017 tại Đức,  Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã  yêu cầu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngưng cho treo cờ Việt Nam Cộng Hòa tại quốc gia này.

Chị Phương Khanh hy vọng khi đất nước có Dân chủ, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức để chọn lá cờ tổ quốc, chị sẽ chọn màu cờ vàng cho mình, nhưng nếu :

“90 triệu hoặc 100 triệu người Việt Nam sẽ biểu quyết lấy một biểu tượng khác, một lá quốc kỳ khác thì chúng ta cũng sẽ vui lòng để giữ lá cờ này trong tim, trong óc của chúng ta và chúng ta sẽ biết tôn trọng và chúng ta sẽ biết làm thế nào để làm cho lá cờ mới vương lên, tung bay trong gió trong một thế giới lớn mạnh và hùng cường”

Ở thời điểm hiện tại, cờ vàng hay cờ đỏ vẫn còn là đề tài tranh cãi ở nhiều nơi, nhất là khi có người từ trong nước ra hải ngoại. Hy vọng một ngày nào đó, khi đất nước thực sự có Dân chủ, người dân sẽ có quyền tự chọn lựa màu cờ của mình.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/overseas-viet-show-respect-to-south-vn-flag-06122018121712.html

 

Một người bị công an Việt Nam truy nã

đã đến Mỹ an toàn

Blogger Lê Văn Sơn: ‘sẽ tiếp tục con đường tranh đấu cho quê nhà’

Sau hai tháng bị công an Việt Nam truy nã, cựu tù nhân lương tâm Lê Văn Sơn đã tìm cách thoát khỏi Việt Nam và đến Hoa Kỳ an toàn.

Nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền 33 tuổi nói với VOA rằng ông đã sang Thái Lan ẩn náu trước khi được các tổ chức quốc tế hỗ trợ và đưa sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không vào ngày 7/6.

Cựu tù nhân lương tâm blogger Lê Văn Sơn, người đang bị chính quyền Việt Nam truy nã vì không chấp hành lệnh quản chế trong vụ án 14 thanh niên Công giáo năm 2011, đã đến thành phố Portland, bang Oregon, Hoa Kỳ, vào tối ngày 7/6, blogger này cho biết.

“Tôi đã tới sân bay Portland, bang Oregon. Tôi xin cảm ơn mọi người đã luôn quan tâm và cổ vũ tôi trong mọi trường hợp.”

Viết trên Facebook hôm 13/6, Lê Văn Sơn nói: “Đúng vừa tròn 2 tháng kể từ ngày công an cộng sản Việt Nam truy nã tôi trong phạm vi toàn quốc thì hiện tại tôi đã được an toàn và bình yên trên đất nước Mỹ.”

Blogger này viết: “Tôi ghi nhớ và đánh giá cao các tổ chức và cá nhân giúp đỡ tôi như Cao ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc ( UNHCR ), Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Tổ Chức IOM…đã hết lòng giúp đỡ tôi đến đất nước Mỹ.”

Blogger Lê Văn Sơn nói với VOA rằng ông sẽ tiếp tục con đường tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam:

“Tôi vẫn cứ tiếp tục đóng góp sức nhỏ bé của mình cho quê hương đất nước, vẫn tiếp tục lên tiếng và đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền, và lên án Trung Quốc xâm lược.”

Theo trang web của công an Thanh Hóa, Lê Văn Sơn đã vắng mặt tại địa phương từ tháng 10/2015 và vì không chấp hành án quản chế nên bị khởi tố và truy nã.

Lê Văn Sơn là một blogger và là nhà hoạt động tranh đấu cho dân chủ, tự do tôn giáo, ông lần đầu bị bắt vào ngày 03/8/2011. Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 8/1/2013, chính quyền Việt Nam đã xét xử 14 thanh niên Công giáo và Tin lành về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, và kết án Lê Văn Sơn 13 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Sau đó, tại một phiên tòa phúc thẩm, bản án của Lê Văn Sơn được giảm xuống còn 4 năm tù giam và 4 năm quản chế tại địa phương.

https://www.voatiengviet.com/a/mot-nguoi-bi-cong-an-viet-nam-truy-na-da-den-my-an-toan/4437073.html

 

Cảnh sát Czech

truy tố nhóm buôn ma túy của người Việt

Cảnh sát Cộng hòa Czech vừa truy tố 60 người tội buôn ma túy sau khi đột kích một nhóm buôn lậu cocaine và heroin vào Úc qua Mỹ và Thái Lan.

“Nhóm này do 3 người Việt Nam cầm đầu, một trong số đó hoạt động ở Cộng hòa Czech và 2 người còn lại ở các nước khác,” theo người phát ngôn của Trung tâm Chống Ma túy Quốc gia của Czech, Barbora Kudlackova.

AFP trích lời bà Kudlackova cho biết rằng những người cầm đầu đường dây buôn bán này thuê hầu hết các công dân Czech nghèo khổ và đang nợ nần làm người chuyển đồ.

11 người Việt bị bắt vì buôn bán ma túy tại Séc

Những người này đi thành từng cặp. Họ đặt vé nghỉ dưỡng ở Úc và tới đó bằng cách bay qua Mỹ và Thái Lan với 4 vali. Những vali này được trao đổi trong các chặng dừng chân.

“Ma túy được dấu trong hành lý khéo đến nỗi chúng không bị phát hiện khi qua máy quét X-quang hay chó đánh hơi của cảnh sát,” theo lời người phát ngôn Trung tâm Chống Ma túy Quốc gia.

Mỗi hành lý chứa 5kg ma túy – có nghĩa là mỗi chuyến đi đến Úc, họ vận chuyển được 20kg cocaine hoặc heroin.

Nhóm của những người Việt cầm đầu bị nghi là đã vận chuyển được hơn 700kg ma túy vào Úc.

Theo AFP, cảnh sát Czech nói họ đã truy tố 60 người chỉ riêng ở Czech cho tới thời điểm này và cho biết một người cầm đầu đang bị giam giữ.

Những người này đối diện với các mức án từ 10-18 năm tù nếu bị chứng minh có tội.

Cảnh sát Đức bắt 2 người Việt trong đường dây buôn người

Người Việt nhập cư ở Czech bị coi là thủ phạm chính buôn bán ma túy đá xuyên biên giới giữa Czech và Đức đang ngày càng tăng, theo South China Morning Post (SCMP).

Có khoảng 100.000 người Việt đang sinh sống ở Czech và là cộng đồng người thiểu số lớn thứ 3 ở quốc gia trung Âu này, chỉ sau người gốc Ukraine và người gốc Slovakia.

Làn sóng người Việt tới Czech ban đầu để làm công nhân và sau đó ở lại sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổi ở Đông Âu vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Họ bỏ việc tại các doanh nghiệp nhà nước và chuyển sang làm việc trong các nhà hàng ăn uống và bán hàng trên phố. Cả hai ngành nghề này đều có liên quan tới các tội phạm có tổ chức, theo tờ báo có trụ sở tại Hong Kong, SCMP.

Nhiều người Việt trước đây cũng từng bị bắt giữ ở Czech do liên quan đến buôn bán ma túy.

Tháng 1/2016, cảnh sát Czech đã bắt giữ 6 người Việt trong 1 đường dây được cho là sản xuất ma túy đá để bán bất hợp pháp ở Tây Âu.

https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-czech-truy-to-nhom-buon-ma-tuy-cua-nguoi-viet/4436894.html