Bình Dương 2014: gấp đôi so với Saigon-Thủ Đức-Bình Dương 2005 – Lê Minh Nguyên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bình Dương 2014: gấp đôi so với Saigon-Thủ Đức-Bình Dương 2005 – Lê Minh Nguyên

Cuối năm 2005 và đầu tháng Giêng 2006, trước Đại Hội Đảng Kỳ 10 vào ngày 18-25/4/2006, các cuộc đình công đồng loạt của mấy chục ngàn công nhân của khoảng trên duới 20 doanh nghiệp ở Khu chế xuất Sóng Thần tại Bình Dương, ở khu chế xuất Linh Trung 1 và quanh vùng Saigon như các công ty Kollan, Danu Vina, Quint Major, Hải Vinh, Latek, Chutek… mà chủ nhân là các nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết yêu cầu tăng lương tối thiểu.

Vào cuối tháng 12/2005, đã có gần 18 ngàn công nhân tham gia đình công tại Khu chế xuất Freetrend và Kolland ở Thủ Đức. Sau đó đã có 6 cuộc đình công khác cũng nổ ra với tổng cộng trên 12 ngàn công nhân tham gia.

Vào tháng 11/2005, khoảng một ngàn công nhân thuộc Công ty giày Rieker tại Khu chế xuất Điện Nam, Điện Ngọc ở tỉnh Quảng Nam cũng đã đồng loạt đình công.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó là phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Saigon, đã cam kết với giới chủ nhân là kể từ ngày 5/1/2006 thành phố sẽ không để phát sinh thêm các cuộc bãi công có hành động quá khích, đồng thời thành phố sẽ họp trở lại với các doanh nghiệp để tìm hiểu xem có thể chia sẻ phần nào thiệt hại của doanh nghiệp hay không. Về phía công nhân, ông Nhân cũng bày tỏ sự thông cảm.

Một viên chức cao cấp thuộc Liên đoàn Lao động ở Sài Gòn lúc đó cảnh báo rằng kể từ cuối năm 2005, các vụ đình công xảy ra theo tốc độ mà ông gọi là “dồn dập”, nhất là trong số các công nhân ngành dệt may và giày da. (RFA 5/1/2006)

Các cuộc đình công đã chấm dứt khoảng 100 ngày trước Đại Hội 10 và hoàn toàn yên ắng sau ĐH. Có ai lý giải được phép mầu này hay không? – Chắc là không! Chỉ biết rằng sau ĐH10 thì phe cán bộ miền Nam chiếm được thế thượng phong trong Bộ Chính Trị.

Bắt đầu ngày 12/5/2014 các cuộc công nhân bãi công và đập phá các doanh nghiệp Trung Quốc xảy ra ở Bình Dương và có chiều hướng lan rộng về vùng Saigon và khu chế xuất Tân Thuận. Họ đập phá các công ty TQ và đòi tăng lương ở các doanh nghiệp ngoại quốc không phải TQ. Nguyên nhân mặt nổi là phản đối TQ mang giàn khoan dầu HD-981 vào hải phận EEZ của VN hôm 2/5/2014. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa và có lẽ quan trọng hơn, đó là sự chia rẽ và kèn cựa quyền lực ở thượng tầng trước ĐH 12 cũng như khuynh hướng “thoát Trung” đang mãnh liệt trỗi dậy.

Điều có thể nói gần như chắc chắn là những người tranh đấu ôn hòa cho dân chủ ở trong nước, những 20 tổ chức xã hội dân sự (xhds) vừa tham gia biểu tình ôn hoà hôm Chủ Nhật 11/5 không dính líu hay cổ vũ cho các động thái có tính cách không ôn hoà và gây ra thiệt hại tài sản này. So sánh cung cách phản đối của hai phía cũng khác nhau, phía công nhân gần như không dùng biểu ngữ, mà dùng lá cây, gậy gọc, dùng thùng thiếc hay nồi niêu xoong chảo làm phèng la, họ chuộng cờ đỏ sao vàng để quấn, để che hay để phất, và đa số chạy trên xe gắn máy. Những phương tiện mà ta chưa thấy bên phía ôn hòa của xhds. Ngoài ra, đa số các activists tên tuổi bên xhds đã lên tiếng phản đối các hành động không ôn hòa hay phá hoại tài sản này.

Theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng, những sự việc này là do Công Đoàn đứng sau giựt dây. Công Đoàn trợ cấp cho công nhân nghĩ việc 1 tháng, và cung cấp cho công nhân mỗi người 3 triệu.

Có lẽ, khi nào ta thấy ông Nguyễn Thiện Nhân lại xuất hiện, lần này với tư thế Uỷ Viên Bộ Chính Trị, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc, đứng ra dàn xếp, thì vấn đề sắp xếp nhân sự cho ĐH12, hay vấn đề “thoát Trung/thuộc Trung” đã được ngã ngũ.

Nhưng! Vấn nạn kỳ này xảy ra ở Bình Dương là vấn nạn bình phương (chống TQ và tranh quyền trong ĐH12) so với vấn nạn Saigon-Thủ Đức-Bình Dương năm 2005 (tranh quyền trong ĐH10) thì liệu đáp án có xảy ra trước ĐH12 hay không? – Hay đáp án sẽ là dẹp luôn ĐH12?