Tin khắp nơi – 13/06/2018
Trump và Kim thực sự đạt được gì ở Singapore?
Bốn chuyên gia chia sẻ nhận định về hội nghị tượng đỉnh lịch sử của Trump-Kim ở Singapore.
Donald Trump đến Singapore hứa hẹn sẽ làm nên lịch sử.
Và ông làm thế bằng cách bắt tay Kim Jong-un trước các ống kính truyền hình thế giới – trở thành đương kim tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn.
Nhưng thực sự họ đã đạt được gì, và những biến chuyển và diễn tiến tiếp theo là gì?
BBC hỏi ý kiến bốn chuyên gia về nhận định của họ.
‘Một tuyên bố mơ hồ, nhưng có thể đã có những hứa hẹn bất thành văn’
Andrea Berger, nghiên cứu viên, Trung tâm nghiên cứu James Martin
Kim Jong-un rời Singapore mà không ký tên bên cạnh bất kỳ quy định chi tiết hơn hoặc đầy tham vọng nào liên quan đến vũ khí hạt nhân. Ngôn ngữ trong tuyên bố làm tại Singapore cũng giống các thỏa thuận trước đó, và ở vài khoản, thậm chí còn mơ hồ hơn. Như vậy thì, tuyên bố chung là một món quà cũ được gói hết sức đẹp đẽ, và được tặng lại. Nhưng có thể ý định mới là điều quan trọng. Cuộc họp ở Singapore đã tạo ra không gian chính trị cho, và đà hướng tới, các cuộc đàm phán trực tiếp hơn, thích hợp hơn để điền vào các chi tiết mà thỏa thuận chung không nhắc đến.
Trong thực tế, cuộc họp báo của ông Trump cho thấy các cam kết bằng lời có thể đã được thực hiện. Cùng với các tiết lộ khác, ông Trump công bố kế hoạch hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Nam Hàn, mà từ lâu đã khiến Bắc Hàn bị dị ứng, và Trump đồng ý là những cuộc tập trận này hơi “khiêu khích”. Cộng đồng quốc phòng Mỹ chắc chắn sẽ phản đối việc hủy bỏ các cuộc tập trận phòng thủ hợp pháp, chẳng phải chỉ là vì không rõ liệu quyết định này có được đưa ra với sự đồng lòng của đồng minh ở Nam Hàn. Tuy nhiên, việc dừng các cuộc tập trận chung có thể giúp cho tình hình với Bình Nhưỡng tiến triển tốt hơn nữa, như khi các cuộc tập trận “Tinh thần đồng đội” được đình chỉ vào đầu những năm 1990.
Ông Kim chắc đã rất hài lòng với hình ảnh đã được đánh bóng của mình trong vai trò là một chính khách quốc tế có trách nhiệm mà Tổng thống Mỹ thích và kính trọng. Lãnh đạo Bắc Hàn cũng chắc chắn sẽ được khuyến khích bởi thông báo bất ngờ của ông Trump rằng các cuộc tập trận chung của Mỹ-Nam Hàn sẽ kết thúc. Nhìn về phía trước, Mỹ sẽ cần phải duy trì động lực đằng sau các cuộc thảo luận này và phải nhanh chóng mang lại những tiến bộ có ý nghĩa.
‘Niềm tin chiến thắng thực tế’
John Nilsson-Wright, giảng viên cao cấp, Đại học Cambridge
Hai nhà lãnh đạo chắc hẳn thấy là hội nghị thượng đỉnh đã đáp ứng được mọi kỳ vọng của họ và có thể được xem là thành công. Nhưng chúng ta nên cẩn thận phân biệt giữa hình ảnh và những kỳ vọng một mặt đầy tham vọng, và mặt khác cần phải mang lại sự tiến bộ thực sự, rõ ràng, có thể đo lường được. Sự kiện này giống việc đức tin chiến thắng thực tế, cộng thêm cách đóng gói và quảng bá để tăng cường thế đứng của Donald Trump với giới ủng hộ ở nước nhà.
Về mặt khu vực, đồng minh của Hoa Kỳ sẽ cảm thấy bất ổn bởi những lời tuyên bố của tổng thống dường như ám chỉ đến việc giảm sự có mặt của lực lượng Mỹ trong khu vực vào một thời điểm nào đó, và lập lại các tranh cãi phải chia sẻ gánh nặng phòng thủ quen thuộc. Ngay cả nếu không dính dáng đến hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố này – cùng với việc đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung – tạo nguy cơ làm mất ổn định những quan hệ liên minh quan trọng, và có thể gây rối rắm hơn nữa cho cuộc cạnh tranh quân sự và chạy đua vũ khí trong khu vực .
Kim, ngôi sao mới nổi trong lớp lãnh đạo 2018
Những gián điệp Bắc Hàn muốn trở về quê hương
Thật khó để xem sự trao đổi mới có giải quyết một cách cụ thể và có ý nghĩa mối quan tâm của Nhật Bản về nạn bắt cóc được thực hiện bởi Bắc Hàn. Trung Quốc cũng muốn thấy bằng chứng rằng Bắc Hàn đang áp dụng một tư thế hoà giải hơn, nhưng sẽ ghi nhận rất kỹ những dấu hiệu cho thấy vị trí của ông Trump kém hung hăng hơn trước và rằng, hiện giờ viễn ảnh xung đột quân sự đã giảm đi rất nhiều.
‘Trump thực ra chỉ giành được một nhượng bộ duy nhất’
Ankit Panda,biên tập viên cao cấp tại Diplomat
Tuyên bố chung đưa ra hai tham chiếu về “triệt tiêu hoàn toàn”. Đó là một cụm từ được quan trọng hoá và có vẻ không chính xác mấy. Nhưng có vẻ điều cuối cùng mà “triệt tiêu hoàn toàn” có ý nghĩa, là Bắc Hàn sẽ đơn phương bỏ vũ khí – hay bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể phục hồi hủy được vũ khí hạt nhân của nước này.
Cụm từ thứ hai, thường được viết tắt là “CVID” ̣không xuất hiện chỗ nào trong trong tờ công bố, và điều đó thật bất ngờ. Trong những cuộc hội thảo dẫn đến hội nghị thượng đỉnh, Bắc Hàn đã nói rõ rằng Kim Jong-un không đến Singapore để trao chìa khóa chương trình hạt nhân của mình. “Hoàn thành phi hạt nhân hóa” – một công thức xuất hiện lần đầu trong tuyên bố Panmunjom ngày 27 tháng 4 giữa hai miền Triều Tiên – rất mơ hồ, có một kết thúc mở và, trong diễn dịch rộng lượng nhất, đề cập đến huỷ bỏ vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Nhượng bộ mà Bắc Hàn đưa ra cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, cho đến giờ, bao gồm việc thông báo lệnh cấm kiểm tra tên lửa đạn đạo liên lục địa và sự hủy diệt có thể đảo ngược của địa điểm thử nghiệm hạt nhân tại Punggye-ri vào cuối tháng Tư, và chẳng mấy liên quan đến ngoại giao đang diễn ra giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ.
Trong định nghĩa của Bắc Hàn, đây là những hành động được thực hiện vì đất nước này đã hoàn thành việc ngăn chặn hạt nhân và bây giờ muốn báo hiệu cho thế giới rằng nó sẽ tiếp tục tồn tại như một cường quốc vũ khí nguyên tử trưởng thành và có trách nhiệm.
Ông Trump dường như đã chỉ gặt hái được một nhượng bộ duy nhất từ Bắc Hàn tại hội nghị thượng đỉnh. Sau khi ký tên vào tờ tuyên bố tại Singapore, Trump yêu cầu Kim tháo dỡ một “địa điểm thử nghiệm động cơ tên lửa”. Bắc Hàn được báo cáo là chấp nhận yêu cầu – dù điều này không được đưa vào văn bản. Địa điểm thử nghiệm này dường như khác với một địa điểm đã bị sập mới đây gần Kusong, liên quan đến việc phát triển tên lửa phóng di động tiên tiến của nước này.
Chúng ta không đủ chi tiết để biết khi đưa ra yêu cầu trên ông Trump muốn nói cụ thể về địa điểm nào, nhưng có khả năng ông muốn đề cập đến địa điểm thử nghiệm động cơ đẩy mạnh của Bắc Hàn tại Hamhung. Ngay cả với sự tiến bộ đáng kể của Bắc Hàn trong tên lửa đạn đạo, tên lửa đẩy nhiên liệu là biên giới tiếp theo cho chương trình này. Nếu ông Trump đã lấy được một sự bảo đảm từ Bắc Hàn vào thời điểm này, chúng ta có thể thấy đây là một điểm thảo luận kỹ thuật quan trọng trong một vòng đàm phán Mỹ-Bắc Hàn sau này.
‘Khởi đầu cho một hành trình dài’
Sokeel Park, giám đốc nghiên cứu và chiến lược, Liberty ở Bắc Hàn
Một hội nghị thượng đỉnh khổng lồ, chưa từng có, nhưng chỉ tạo được một thỏa thuận rất nhẹ nhàng và theo khuôn mẫu. Thỏa thuận này thực sự có thể chỉ cần sao chép từ các thỏa thuận khác trước đây với Bắc Hàn. Vì vậy, đây là một khởi đầu không ấn tượng, nhưng người ta cũng chỉ kỳ vọng cuộc gặp gỡ này chỉ là phát súng bắt đầu cho một hành trình dài mà chúng ta sẽ phải chờ một hoặc hai năm để phán xét.
Ngay cả trong khi một giải pháp hoàn hảo 100% về việc khử hạt nhân vẫn còn khó nắm bắt, hy vọng rằng lần này quá trình thương thảo có thể kéo dài, vì Kim Jong-un, chỉ 34 tuổi, phải chơi một trò chơi kéo dài hàng thập kỷ, và biết rằng ông ta cần tăng trưởng kinh tế để duy trì sức mạnh lâu dài.
Chúng ta càng mở rộng được đất nước này và càng thúc đẩy được sự khao khát của người dân cho một nền kinh tế phát triển và cuộc sống tốt đẹp hơn, Kim Jong-un sẽ càng phải đảm bảo một môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư từ Trung Quốc, Nam Hàn và các nước còn lại trên thế giới.
Vì vậy, trong các thỏa thuận mà chúng ta thực hiện cũng như trong cách tiếp cận với Bắc Hàn, chúng ta phải đảm bảo rằng đó là một chiến thắng không chỉ đối với Kim Jong-un mà còn đối với người dân Bắc Hàn. Đó là cách duy nhất để có một lộ trình tiến bộ bền vững lâu dài.
Tôi nghĩ là rất nhiều người Bắc Hàn cả nghèo lẫn giàu sẽ hoan nghênh sự tái giao dịch với Trung Quốc và Nam Hàn, cũng như tăng thêm giao dịch với Hoa Kỳ. Người dân có xu hướng muốn thay đổi, đột phá và có cơ hội kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, ngoài những tường trình được kiểm soát qua các phương tiện truyền thông nhà nước, hầu hết người Bắc Hàn không có nhiều thông tin, phân tích và bình luận về tất cả những điều này. Vì thế dân Bắc Hàn dù bị ảnh hưởng nhiều hơn nhưng lại suy nghĩ ít hơn về biến cố này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44464366
Mỹ trấn an đồng minh sau khi hủy diễn tập ở HQ
Lầu Năm Góc trấn an các đồng minh về các cam kết “sắt đá” của mình về vấn đề an ninh khu vực, sau khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ các buổi diễn tập quân sự ở Hàn Quốc.
Ông Trump đưa ra tuyên bố trên sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm thứ Ba.
Việc hủy các cuộc diễn tập được coi là một sự nhượng bộ lớn đối với Bắc Hàn.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Bắc Hàn nói rằng ông Kim đã chấp nhận lời đề nghị từ Tổng thống Trump đến thăm Hoa Kỳ.
Con gái con rể Trump kiếm 82 triệu đô một năm
Hãng tin KCNA cho biết ông Kim đã mời ông Trump đến thăm Bình Nhưỡng “vào thời điểm thuận tiện” và ông Trump cũng đã mời ông Kim sang Hoa Kỳ.
“Hai nhà lãnh đạo sẵn sàng chấp nhận lời mời của nhau,” KCNA cho biết.
Trong những lời bình luận đầu tiên của ông kể từ sau cuộc đàm phán, ông Kim nói rằng việc ngăn chặn “các hành động quân sự gây khó chịu và thù địch chống lại nhau” là điều “khẩn cấp”.
Ông cho biết hai nước “nên cam kết kiềm chế không đối kháng” lẫn nhau “và thực hiện các bước pháp lý và thể chế để đảm bảo nó,” KCNA đưa tin.
Các cuộc diễn tập quân sự, thường được gọi là “trò chơi chiến tranh”, được tổ chức tại Hàn Quốc với lực lượng lính địa phương và lính Mỹ đóng quân ở đó.
Hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump tập trung vào giải trừ hạt nhân và giảm căng thẳng khu vực. Nó kết thúc với một thỏa thuận một trang.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, ông Trump đã thêm một tuyên bố khác: việc hủy bỏ các trò chơi chiến tranh.
Ông cũng nói rằng ông muốn mang quân đội Mỹ về nhà – mặc dù ông không cho biết khi nào.
Ông Trump nói các cuộc tập trận “khiêu khích” – dù Mỹ trước đây không có quan điểm này – và có vẻ các đồng minh trong khu vực đã không được cảnh báo trước về động thái này.
Lầu Năm Góc có biết không?
Một ngày trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói với các phóng viên rằng ông không tin vấn đề quân đội sẽ có trong chương trình nghị sự. Khi được hỏi nếu những cuộc thảo luận về vấn đề này được chuẩn bị thì ông có biết không, ông nói, “Có, tôi chắc chắn sẽ biết.”
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc phủ nhận ông Mattis không biết về động thái hủy diễn tập. Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Dana White nói ông đã được tham vấn từ trước.
Trong một tuyên bố gửi tới BBC, bà nói: “Các liên minh của chúng tôi vẫn giữ được sự chắc chắn, và đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Hàn Quốc phản ứng như thế nào?
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc nói cần “tìm ra ý nghĩa hay ý định chính xác” của tuyên bố của ông Trump.
Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in đã nói chuyện qua điện thoại với ông Trump trong 20 phút cuối ngày hôm qua, nhưng báo cáo chính thức của cuộc gọi không đề cập đến các cuộc diễn tập quân sự, theo hãng tin Reuters.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44463854
Trump dừng tập trận ở Hàn Quốc,
TQ khoe đề xuất của mình ‘thực tế’
Trung Quốc hôm 13/6 nói rằng thông báo dừng diễn tập quân sự trên bán đảo Triều Tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho thấy đề xuất “đình chỉ kép” của mình là thực tế và hợp lý, theo Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra bình luận trên trong một cuộc họp báo thường nhật tại Bắc Kinh.
Trung Quốc đã đề xuất ra kế hoạch “đình chỉ kép”. Theo đó, Triều Tiên sẽ đình chỉ các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, và Hàn Quốc, Hoa Kỳ sẽ đình chỉ các cuộc tập trận quân sự để đôi bên có thể ngồi xuống đàm phán.
Thông báo đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 13/6 được xem là một sự nhượng bộ đối với Triều Tiên, nước trước đây luôn lớn tiếng rằng mục đích của các cuộc tập trận này là để chuẩn bị cho chiến tranh.
Tuy nhiên theo Washington Post, việc dừng tập trận hàng năm không phải là một “hy sinh lớn” đối với Hoa Kỳ.
Trước đây, Mỹ đã từng đình chỉ các cuộc tập trận quân sự trong một nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo tờ báo của Mỹ, các cuộc tập trận này có thể được khởi động lại rất nhanh chóng.
Lần gây đây nhất, Lầu Năm Góc đã đồng ý hoãn cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước trong kỳ Thế vận hội, được tổ chức tại Hàn Quốc, sau khi miền Bắc đồng ý tham gia. Nhưng sau khi Thế vận hội kết thúc, tập trận đã được tiến hành.
LHQ: Thượng đỉnh Trump-Kim là ‘cột mốc quan trọng’
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 12/6 hoan nghên cuộc gặp thương đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un và gọi nó là “một cột mốc quan trọng” trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, theo AFP.
Ông Guterres thúc giục tất các bên liên quan “nắm bắt cơ hội quan trọng này”, và một lần nữa nói Liên Hiệp Quốc sẵn sàng giúp đỡ để đạt được mục tiêu dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
AFP trích lời ông Guterres nói trong một thông cáo rằng thượng đỉnh vừa được tổ chức ở Singapore là “một dấu mốc quan trọng trong việc tiến tới nền hòa bình bền vững và việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên.”
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã cùng ký kết một tuyên bố, trong đó Bình Nhưỡng cam kết “tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên” nhưng cụm từ “có thể kiểm chứng” không xuất hiện trong thông cáo.
Đồng ý với việc kiểm chứng có thể sẽ đòi hỏi việc thanh sát quốc tế đối với các khu quân sự của Bắc Hàn để chứng minh rằng các vũ khí hạt nhân và các thiết bị dùng để sản xuất chúng đã được hủy bỏ, tho AFP.
Trước cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6, ông Guterres nhấn mạnh việc “phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng” phải là “mục tiêu rõ ràng” của cuộc gặp thượng đỉnh và ông nói rằng các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có thể giúp kiểm chứng rằng các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng đã được dỡ bỏ.
Sau khi Bắc Hàn mời các nhà báo quốc tế tới chứng kiến việc đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân Pyngyye-ri vào tháng trước, ông Guterres phàn nàn rằng các chuyên gia quốc tế đáng ra cũng phải được mời tới đó.
https://www.voatiengviet.com/a/lhq-thuong-dinh-trump-kim-la-cot-moc-quan-trong/4435688.html
Truyền thông Triều Tiên
ca ngợi thành công của thượng đỉnh Kim-Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un chiếm phần lớn tin tức trên báo chính thức của Triều Tiên hôm 13/6 cùng lúc truyền thông nhà nước ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm 12/6 giữa hai ông.
Truyền thông nhà nước của Triều Tiên khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6 là chiến thắng đối với Bình Nhưỡng và họ liệt kê ra những nhượng bộ của ông Trump. Tờ báo chính thức của Triều Tiên, Rodong Sinmun, gọi cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore là “cuộc gặp thế kỷ” trên trang nhất.
Ông Trump bày tỏ ý định dừng các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn, bảo đảm an ninh cho Triều Tiên và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống nước này cùng lúc các mối quan hệ được cải thiện, theo một bài tường thuật của Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA).
“Hai ông Kim Jong Un và Trump đã cùng công nhận rằng điều quan trọng là tuân theo nguyên tắc từng bước một và hành động đồng thời trong việc đạt được hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, KCNA nói.
Moon Hong-sik, nghiên cứu sinh tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS), nói: “Nếu chỉ xem các báo cáo của Triều Tiên ngày hôm nay, dường như cuộc gặp thượng đỉnh tuần này diễn ra là để tạo ra một cơ chế hoà bình mới trên bán đảo Triều Tiên và mối quan hệ mới với Hoa Kỳ. Việc phi hạt nhân hóa chỉ là một thành phần phụ”.
Theo KCNA, ông Kim Jong Un nói trong cuộc hội đàm hôm 12/6 rằng Triều Tiên và Hoa Kỳ cần “cấp bách” dừng “các hành động quân sự gây bực tức và thù địch lẫn nhau”.
Hai ông Kim và Trump đã mời nhau đến thăm hai quốc gia của họ và cả hai nhà lãnh đạo đều “vui vẻ nhận lời”, KCNA đưa tin.
“Suy cho cùng đó là tuyên truyền”, Jeong Hyung-gon, một nghiên cứu sinh của Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc nói. “Họ đang nói ra suy nghĩ của họ để che lấp những điểm yếu của họ.”
TT Trump nói cái chết của Warmbier ‘không vô ích’
Sinh viên Mỹ Otto Warmbier đã không chết một cách vô ích sau khi được thả từ trại giam của Bắc Hàn năm 2017 và cái chết của anh đã khởi sự một quá trình dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm 12/6 với Bắc Hàn, theo lời Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un cam kết trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước cựu thù, là sẽ cùng tiến tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên trong khi Washington cam kết đảm bảo an ninh cho Bắc Hàn.
Ông Trump nói ông đã đưa ra vấn đề nhân quyền với ông Kim và ông tin rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn muốn “làm một việc đúng đắn.” Ông nói các cuộc thương thảo mà ông khởi sự sẽ giúp cải thiện các điều kiện của quốc gia đang bị cô lập này.
Ông Trump nói trong một cuộc họp báo được tổ chức sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore rằng: “không có Otto, điều này đã không thể xảy ra.”
“Điều gì đó đã xảy ra từ cái ngày đó. Đó là một điều khủng khiếp, nó thật tàn nhẫn, nhưng nhiều người đã bắt đầu tập trung vào cái đang diễn ra lúc đó, bao gồm cả Bắc Hàn,” theo Tổng thống Trump. “Tôi thực sự nghĩ rằng, Otto không chết một cách vô ích.”
Warmbier, một sinh viên của Đại học Virginia đến từ Wyoming của tiểu bang Ohio, chết lúc mới 22 tuổi, chỉ vài ngày sau khi anh được đưa về Mỹ trong tình trạng hôn mê.
Sinh viên này bị giam cầm ở Bắc Hàn từ tháng 1/2016 sau khi bị kết án 15 năm lao động cải tạo vì tìm cách đánh cắp một bức áp phích tuyên truyền cổ động trong một khách sạn nơi anh ở, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên.
Một nhân viên điều tra những vụ chết bất thường của Ohio cho biết nguyên nhân cái chết của sinh viên này là do thiếu oxy và máu lên não.
Bắc Hàn cho rằng nguyên nhân là do ngộ độc thịt và do uống 1 viên thuốc ngủ trong khi phủ nhận những cáo buộc rằng họ đã tra tấn sinh viên này.
Ông Trump, người từng lên án Bắc Hàn là chế độ tàn nhẫn nhất trên thế giới, nói rằng ông đã thảo luận vấn đề nhân quyền với ông Kim.
Ông nói: “Tôi tin rằng đó là một tình huống khó khăn – không có gì phải nghi ngờ về điều đó, và hôm nay chúng tôi đã thảo luận khá là mạnh mẽ về điều này… trong thời gian khá dài và chúng tôi sẽ làm điều gì đó.”
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-noi-cai-chet-cua-warmbier-khong-vo-ich/4435914.html
Trung Quốc nhanh chóng
kêu gọi giảm nhẹ cấm vận Bắc Triều Tiên
Ngoài Bắc Triều Tiên và tổng thống Mỹ Donald Trump, một trong những quốc gia rất hài lòng về kết quả hội nghị thượng đỉnh Singapore là Trung Quốc, nhất là khi tổng thống Mỹ đã loan báo quyết định đình chỉ các cuộc tập trận Mỹ-Hàn mà Bắc Kinh rất ghét. Bên cạnh đó, ngay từ hôm qua, 12/06/2018, cuộc họp Trump-Kim chỉ mới vừa kết thúc là Trung Quốc đã lên tiếng lập tức kêu gọi Liên Hiệp Quốc giảm nhẹ cấm vận Bắc Triều Tiên.
Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, Trung Quốc là nước có lợi nhất khi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng được gỡ bỏ:
Bắc Kinh đã không lãng phí một giây phút nào để lấn tới. « Lệnh trừng phạt chỉ là phương tiện gây sức ép chứ không phải là một cứu cánh ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tuyên bố như trên, và yêu cầu Hội Đồng Bảo An cố gắng góp phần tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Trung Quốc sẽ ở vị trí đầu để hưởng lợi một khi cấm vận Bình Nhưỡng được giải tỏa : Ít nhất 80% ngoại thương Bắc Triều Tiên phải đi qua ngã Trung Quốc. Bắc Kinh có thể mở cửa thêm biên giới của mình với Bắc Triều Tiên, không cần đợi một cuộc bỏ phiếu ở Hội Đồng Bảo An. Lý do là vì có những lãnh vực như xây dựng hạ tầng cơ sở chẳng hạn, không nằm trong danh sách cấm vận.
Kinh tế ở vùng biên giới đã được khởi động lại thấy rõ. Tại Đan Đông, thành phố sát với Bắc Triều Tiên, nơi hoạt động kinh tế từng bị sút giảm nặng do cấm vận, nay tình hình đã lạc quan trở lại : Giá nhà tăng vọt ; doanh nhân Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhất là Trung Quốc, đang chờ đợi Bắc Triều Tiên mở cửa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa rằng Bắc Triều Tiên sẽ trở nên « rất giàu có ». Nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc đã nhắc lại rằng « những đối tác quan trọng nhất của Bình Nhưỡng vẫn là Trung Quốc và Hàn Quốc… » hai nước mà « Hoa Kỳ không thể thay thế ».
Pháp, Nga phản ứng thuận lợi nhưng thận trọng sau hội nghị Singapore
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian vào hôm nay khẳng định rằng cuộc gặp Trmp-Kim tại Singapore là một bước tiến đáng kể, nhưng quyết tâm được lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phô trương trên vấn đề giải trừ hạt nhân cần phải đi kiểm chứng trong thực tế.
Tại Nga, Điện Kremlin cũng lên tiếng hoan nghệnh « bước đầu của một tiến trình đối thoại trực tiếp » Mỹ-Bắc Triều Tiên, nhưng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên « không thể giải quyết được trong một sớm một chiều ».
Mike Pompeo đến Seoul
Dẫu sao thì kết quả thượng đỉnh Singapore sẽ được ngoại trưởng Mỹ đi giải thích đặc biệt là cho các nước trong khu vực
Ông Mikeo Pompeo đã đến Seoul chiều nay và sẽ ghé « thăm xã giao » tổng thống Moon Jae In vào sáng mai 14/06 để đích thân phúc trình với tổng thống Hàn Quốc về cuộc họp Trump-Kim.
Theo Yonhap, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono cũng đến Seoul vào thời điểm này, và theo chương trình sẽ có một cuộc họp tay ba cấp ngoại trưởng Mỹ-Nhật-Hàn tại Seoul.
Sau Hàn Quốc, ngoại trưởng cũng có kế hoạch bay qua Bắc Kinh để thông báo cho Trung Quốc biết thêm về kết quả hội nghị thượng đỉnh ở Singapore.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180613-trung-quoc-nhanh-chong-keu-goi-giam-nhe-cam-van-bac-trieu-tien
Tái thiết Bắc Hàn
Nguyễn Xuân Nghĩa
Hôm Thứ Hai 12 Tháng Sáu, ngược với dự đoán của nhiều người, lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn họp thượng đỉnh tại Singapore và sau mấy giờ làm việc, đôi bên đã có một tuyên bố chung về việc cải tiến quan hệ giữa nước cho nền hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và cho thế giới. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về khía cạnh kinh tế của biến cố lịch sử này.
Biến cố lịch sử
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do. Thưa ông, biến cố trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên là một bất ngờ cho nhiều người vì từ đầu năm ngoái, nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã làm thế giới lo sợ. Từ đầu năm nay, mối quan hệ đó lại chuyển biến khi nóng khi lạnh giữa hai lãnh tụ là Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Chính Ân cho tới khi đôi bên đồng ý gặp gỡ. Sau nhiều tháng chuẩn bị, Thượng đỉnh giữa hai vị nguyên thủ đã thành hình với một tuyên bố chung có nhiều hứa hẹn mà vẫn mơ hồ. Thưa ông, theo dõi biến chuyển này, ông có những nhận xét gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi cho rằng chúng ta cần nhiều tháng thì mới có thể thấy hết được kết quả hay hậu quả của biến cố lịch sử vừa qua. Nhận định về chuyện này, ta nên thận trọng. Với tinh thần đó, tôi xin có vài ý thô thiển sau đây.
– Thứ nhất, hai nhân vật trong cuộc là ông Donald Trump và Kim Chính Ân có lắm khác biệt bên ngoài, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng. Bảy năm trước, ta ít biết về Kim Chính Ân, sau đó ngạc nhiên và khó tin rằng con người quá trẻ đó lại có thể lãnh đạo Bắc Hàn, chẳng những vì tuổi tác mà còn vì ít kinh nghiệm. Phong thái thất thường của Kim Chính Ân càng làm người ta hoài nghi.
– Bên kia thì nhiều người cũng ít biết về Donald Trump khi ông ra tranh cử tổng thống Mỹ từ năm 2015. Không hề có kinh nghiệm chính trị mà cứ phát biểu nghịch lý chói tai, ông lại đánh bại các đối thủ trong đảng Cộng Hòa, rồi đắc cử Tổng thống vào Tháng 11 năm 2016. Cả hai nhân vật ấy đều lãnh đạo một cách bất ngờ và khó tin vì không có vẻ là chính trị gia chuyên nghiệp trong một hệ thống cổ điển. Vì những bất ngờ đó, chúng ta nên rà soát lại nhận thức của mình.
– Thứ hai, Kim Chính Ân theo đuổi mục tiêu do ông nội và người cha đề ra từ mấy thập niên trước là hoàn tất kế hoạch chế tạo bom hạch tâm gắn trên hỏa tiễn có tầm bắn ngày một xa hơn để bảo vệ sự tồn tại của chế độ. Việc họ dồn dập thử nghiệm loại võ khí tuyệt đối này từ đầu năm ngoái mới gây nguy cơ chiến tranh lan rộng tại Đông Á và phản ứng dữ dội của Tổng thống Hoa Kỳ càng làm thiên hạ lo sợ. Nào ngờ là trong có mấy tháng sự tình lại đảo ngược.
– Không thể nào trong mấy giờ gặp gỡ và làm việc tại Singapore mà đôi bên đã có thể thảo luận và thống nhất ý kiến trong bản tuyên bố chung ngắn ngủi như vậy. Ban tham mưu của họ đã lặng lẽ làm việc khá lâu từ trước. Bây giờ đến lượt chúng ta nghiệm lại từ đầu và suy đoán ra kết quả.
Dù được Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản yểm trợ, lãnh đạo Bắc Hàn từ Kim Nhật Thành tới con trai là Kim Chính Nhật rồi cháu nội là Kim Chính Ân ngày nay theo đuổi một chính sách tạm gọi là “tự chủ”, mà vẫn hoài nghi hai nước đàn anh và nhấn mạnh đến tinh thần quốc gia của dân tộc Đại Hàn.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Như thông lệ, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh để thính giả của chúng ta nắm vững một số yếu tố quyết định trong một biến cố mà nhiều người gọi là lịch sử này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Từ khi ra đời vào năm 1948, Bắc Hàn là một xứ chẳng giống ai, dưới một chế độ cộng sản độc tài hà khắc mà bí mật nhất địa cầu. Bắc Hàn cũng gây ra chiến tranh Cao Ly từ năm 1950 tới 1963 khi tấn công Nam Hàn. Cuộc chiến đó chưa chấm dứt mà chỉ tạm ngưng với một hiệp ước đình chiến.
– Dù được Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản yểm trợ, lãnh đạo Bắc Hàn từ Kim Nhật Thành tới con trai là Kim Chính Nhật rồi cháu nội là Kim Chính Ân ngày nay theo đuổi một chính sách tạm gọi là “tự chủ”, mà vẫn hoài nghi hai nước đàn anh và nhấn mạnh đến tinh thần quốc gia của dân tộc Đại Hàn. Ít ai chú ý đến chi tiết đó nên mới bị bất ngờ.
– Chuyện thứ hai là trong khi kinh tế Bắc Hàn kiệt quệ vì chế độ cai trị, Nam Hàn đã tái thiết và phục hồi nhanh nhờ theo kinh tế thị trường và cải tiến dần chế độ chính trị cho dân chủ hơn. Khác biệt đó khiến Nam Hàn thành một cường quốc kinh tế có sản lượng đứng hạng 12 của thế giới ngay sau Liên bang Nga trong khi Bắc Hàn là một nước nghèo mà có lực lượng quân sự rất mạnh với võ khí quy ước rồi chiến lược có thể gieo họa cho Nam Hàn. Và cơ bản hơn cả, hai nước vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh sau nhiều vụ xung đột xuất phát từ Bắc Hàn.
Nguyên Lam: Thế rồi còn yếu tố quốc tế và vai trò của các cường quốc khác, như Hoa Kỳ hay Trung Quốc, Liên Xô và Nhật Bản nữa. Thưa ông, trong bối cảnh sâu xa của hồ sơ này thì ta nên nhận định thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta trở về địa dư và lịch sử! Sống trên bán đảo Triều Tiên, người dân Đại Hàn dần dần thống nhất đất nước thành một quốc gia mà không hề quên rằng lãnh thổ của họ nằm giữa các cường quốc và là địa bàn của các cuộc chinh phục từ Tây qua Đông hay ngược lại, từ Nhật vào Trung Quốc.
– Họ nghi ngờ các lân bang như Nga, Tầu, Nhật và không muốn xứ sở trở thành một vùng trái độn quân sự cho tới khi bị chia hai và miền Nam được Hoa Kỳ bảo vệ do một Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nghịch lý ở đây là Hoa Kỳ lại là lực lượng ổn định trên một lãnh thổ bị chia đôi và hai đại cường đã từng tấn công và chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong quá khứ lại trở thành hai nước đang có những mâu thuẫn chiến lược là Trung Quốc và Nhật Bản. Sự thể đó trở thành rõ rệt hơn khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự tan rã và sụp đổ của Liên Xô cuối năm 1991. Việc nước Đức thống nhất từ đó cũng khiến dân Đại Hàn suy nghĩ lại.
Dự đoán kinh tế
Nguyên Lam: Và bây giờ, chúng ta có thêm một nghịch lý khác là Hoa Kỳ đã nhập cuộc để chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Nam-Bắc Hàn, đảm bảo sự tồn tại của chế độ Bắc Hàn với điều kiện giải trừ võ khí chiến lược và sẽ góp phần cho việc tái thiết và phát triển bán đảo Triều Tiên. Ông kết luận thế nào và dự đoán ra sao về kinh tế?
Với triển vọng hòa bình, Bắc Hàn có thể tìm ra nguồn trợ giúp về tư bản và kỹ thuật của nhiều nước khác. Bắc Hàn sẽ mất cả chục năm thì mới chuyển hướng quốc gia và chuyển hóa xã hội, là điều chúng ta rất nên theo dõi và học hỏi cho việc… cải cách Việt Nam.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ngược với dự đoán của nhiều người nên ta mới bị bất ngờ, lãnh đạo Nam Bắc Hàn cùng hiểu ra sự chuyển động ấy ở chung quanh và thấy siêu cường số một là Hoa Kỳ không có tham vọng chiếm đóng lãnh thổ của họ như các đại cường lân bang kia đã từng làm trong lịch sử. Từ bối cảnh đó và nhìn vào bản tuyên bố chung đôi bên vừa thỏa thuận, ta thấy Hoa Kỳ đồng ý sẽ bảo vệ chứ không đòi lật đổ chế độ Bắc Hàn. Đổi lại, Bắc Hàn cam kết sẽ giải trừ võ khí hạch tâm để không còn loại võ khí tàn sát này trên bán đảo Triều Tiên.
– Chúng ta còn cần thời gian kiểm chứng việc tự giải giới này, trong khi đôi bên xúc tiến các kế hoạch, chương trình và dự án kinh tế với sự góp phần của các nước khác như Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Quốc, v.v…. Việc Chính quyền Trump chọn Singapore là địa điểm cho thượng đỉnh cũng có ý nghĩa kinh tế vì khi Kim Chính Ân tới dự hội nghị thì cũng quan sát thấy sự thịnh vượng của một đảo quốc rất nhỏ, từ một làng đánh cá trở thành một trung tâm kinh tế trù phú nằm giữa các quốc gia rộng lớn hơn.
Nguyên Lam: Như vậy, chúng ta có thể bước qua phần kinh tế trong hồ sơ này. Người ta có thể nêu câu hỏi rằng nếu ra khỏi tình trạng hay tâm lý chiến tranh, Bắc Hàn nên cải tổ kinh tế theo mô thức nào để tái thiết và tìm ra sự thịnh vượng cho người dân? Thưa ông, liệu họ có nên học theo Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam, Nam Hàn, Đài Loan, hay Singapore, hay của một xứ nào khác nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ mỗi quốc gia hay nền kinh tế lại có một nét đặc thù riêng nên chẳng thể nào áp dụng trọn vẹn giải pháp của một xứ khác. Sau 10 năm đầy hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông, Trung Quốc lụn bại thời Đặng Tiểu Bình nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản dù bị chiến tranh tàn phá, nhưng có lẽ họ học theo mô thức Nam Hàn. Có khi lãnh đạo Bắc Hàn cũng thấy vậy, nhất là thế hệ cầm quyền đời nay đã mở tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, kể cả Kim Chính Ân và các nhân vật ở chung quanh.
– Khi chọn lựa giải pháp kinh tế lợi hại, quan trọng là câu hỏi “lợi cho ai và hại cho ai”? Khi xứ sở bị tàn phá vì chiến tranh và chính sách sai lầm thì câu hỏi đó mới là then chốt. Câu trả lời chính đáng phải là “có lợi cho đa số, chứ bất công trong tăng trưởng không thể đem lại sự ổn định cần thiết cho phát triển”. Nhìn như vậy và đối chiếu với những gì xảy ra cho Việt Nam thì mô thức cải cách của Việt Nam không là giải pháp nên theo! Và lại nhờ Trung Quốc góp phần tái thiết qua các dự án xây dựng hạ tầng thì lợi bất cập hại, như ta cũng thấy tại Việt Nam.
Nguyên Lam: Ông nhắc đến trường hợp Việt Nam giữa nhiều biến động của tuần qua thì ai cũng ngậm ngùi suy nghĩ. Nếu vậy thì Bắc Hàn còn giải pháp nào khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Nhu cầu tái thiết và phát triển lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là tài nguyên thiên nhiên là điều Bắc Hàn có nhiều hơn Nam Hàn. Thứ hai là dân số và trình độ tổ chức thì Bắc Hàn có dân số đủ đông và trình độ kỷ luật rất cao trong tổ chức mà lại chệch hướng vì ưu tiên bảo vệ chế độ hơn phát triển quốc gia. Điều ấy cũng ảnh hưởng tới năng suất từ thời chiến bước qua thời bình. Thứ tư là tư bản cho đầu tư thì Bắc Hàn rất thiếu. Thứ năm, về kỹ thuật thì Nam Hàn có trình độ cao hơn nhưng kỹ thuật Bắc Hàn lại hướng vào chiến tranh.
– Kết hợp ngần ấy nhân tố vào phương trình tái thiết và phát triển, tôi trộm nghĩ Bắc Hàn nên tìm ra giải pháp hỗn hợp và có thể học kinh nghiệm… Đài Loan. Xứ này cũng chưa ra khỏi tình trạng chiến tranh trước mối nguy của Trung Quốc. Không có tài nguyên, Đài Loan tìm sức mạnh ở tài nguyên nhân lực và phát triển rất nhanh mà không gây ra bất công xã hội. Kế đó mới là giải pháp của Nam Hàn, có ưu thế là đồng chủng, cùng ngôn ngữ. Cả hai nước đều theo kinh tế thị trường và tiến tới dân chủ với trình độ dân trí rất cao. Sau cùng thì với triển vọng hòa bình, Bắc Hàn có thể tìm ra nguồn trợ giúp về tư bản và kỹ thuật của nhiều nước khác. Bắc Hàn sẽ mất cả chục năm thì mới chuyển hướng quốc gia và chuyển hóa xã hội, là điều chúng ta rất nên theo dõi và học hỏi cho việc… cải cách Việt Nam.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này
World Cup 2018:
Tây Ban Nha sa thải huấn luyện viên
Đội tuyển Tây Ban Nha sa thải Julen Lopetegui ngay sau khi ông này được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng của Real Madrid.
Diễn biến xảy ra chỉ hai ngày trước khi họ thi đấu trận đầu tiên ở World Cup gặp Bồ Đào Nha.
BBC Game: Đoán đội vô địch World Cup 2018
Cơ hội nào cho các đội châu Á tại World Cup 2018?
Fernando Hierro sẽ tạm thời cầm quân tại World Cup.
Hôm thứ Ba, nhà vô địch châu âu Real Madrid đã chính thức công bố bản hợp đồng ký với huấn luyện viên Lopetegui có kỳ hạn ba năm, sau sự từ chức của huấn luyện viên tiền nhiệm Zinedine Zidane.
Nay Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) thông báo rằng, họ đã quyết định cho thôi việc với vị huấn luyện viên 51 tuổi với lý do rằng “RFEF không nhận được bất kỳ thông tin gì” về việc ký kết hợp đồng cả.
Chủ tịch RFEF, ông Luis Rubiales nói: “Tôi biết đây là một tình thế nhạy cảm, dù tôi có quyết định như thế nào cũng sẽ phải nhận lấy sự phê bình.”
“Nhưng tôi đảm bảo rằng, điều này sẽ làm chúng tôi mạnh mẽ hơn. Tôi rất ngưỡng mộ Julen, ông là một huấn luyện viên giỏi và điều đấy càng làm cho quyết định của tôi càng khó khăn hơn.”
Theo báo chí Tây Ban Nha, chủ tịch đã rất tức giận khi biết tin và đã bỏ dở một cuộc họp ở FIFA để bay tới đại bản doanh của đội tuyển tại Nga để điều tra sự việc.
Nhiều thành viên của đội tuyển, trong đó có đội trưởng Sergio Ramos đã đứng ra khuyên giải để ngài chủ tịch có thể lùi quyết định sa thải đến sau World Cup nhằm đảm bảo trạng thái tốt nhất cho toàn đội.
Dường như ông Luis Rubiales đã bỏ ngoài tai tất cả và đã tiến hành cuộc họp báo công bố quyết định sa thải HLV Lopetegui.
World Cup 2018 sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 14/6,
Tây Ban Nha sẽ có trận mở màn quan trọng với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là tuyển Bồ Đào Nha.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44471392
Đến Nga xem World Cup coi chừng máy bị ‘hack’
Giới chức phản gián hàng đầu của Mỹ vừa ra một khuyến cáo cho những người Mỹ đến Nga xem World Cup vào đầu tuần này. Theo đó, du khách không nên đem theo các thiết bị điện tử vì chúng có thể bị bọn tội phạm hoặc chính phủ Nga tấn công.
Trong một tuyên bố với Reuters hôm thứ Ba, William Evanina, một giới chức của FBI và là giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia Mỹ, cảnh báo du khách World Cup rằng ngay cả khi họ nghĩ rằng họ không quan trọng, thì tin tặc vẫn có thể nhắm mục tiêu vào họ.
“Nếu bạn định đem theo điện thoại di động, máy tính xách tay, PDA hoặc các thiết bị điện tử khác, thì đừng phạm sai sót, bất kỳ dữ liệu nào trên các thiết bị đó (đặc biệt là các thông tin nhận dạng cá nhân) đều có thể bị chính phủ Nga hoặc tội phạm mạng tiếp cận”, ông Evanina nói.
“Các giới chức chính phủ và doanh nghiệp gặp nhiều nguy cơ nhất, nhưng đừng nghĩ rằng bạn chẳng là gì để mà bị tấn công”, ông Evanina nói thêm. “Nếu bạn có thể đi mà không cần phải mang theo các thiết bị, thì đừng đem đi. Nếu bạn phải nhất định phải mang theo thiết bị, thì hãy mang một thiết bị khác với thiết bị thường dùng và tháo pin ra khi không sử dụng”.
Cảnh báo của ông Evanina được đưa ra vào lúc tình báo Mỹ, các cơ quan công lực và Quốc hội vẫn đang điều tra vụ Nga phá cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ xem liệu có bất kỳ ai trong chiến dịch của Tổng thống Donald Trump đã biết hay hỗ trợ cuộc tấn công này hay không.
Tổng thống Trump đã nhiều lần phủ nhận có bất kỳ sự thông đồng nào, trong khi Nga khẳng định không can thiệp vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ.
Một giới chức giấu tên khác của Mỹ cho Reuters biết các cơ quan an ninh của Anh cũng đã ban hành các cảnh báo tương tự cho công chúng và đội tuyển bóng đá nước Anh đi thi đấu ở World Cup.
Trong một tuyên bố, Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) cho biết đã “mời chuyên gia cố vấn về an ninh mạng cho Hiệp hội bóng đá Anh trước khi [đội tuyển Anh] khởi hành sang Nga để tham dự World Cup 2018”.
NCSC, chi nhánh của Cơ quan Tình báo Anh, cũng đã ban hành một cảnh báo cho công chúng.
Các cơ quan Hoa Kỳ từng ban hành các cảnh báo tương tự trước các sự kiện thể thao quốc tế lớn khác, bao gồm Thế vận hội mùa đông gần đây ở Pyeongchang, Hàn Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/den-nga-xem-world-cup-coi-chung-may-bi-hack/4437053.html
Kremlin: TT Putin sẽ đón tiếp mọi người tới World Cup
Điện Kremlin nói hôm 13/6 rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ vui mừng đón tiếp tất cả mọi người đến Moscow khi được hỏi rằng liệu ông sẽ mời những quan chức cấp cao của Mỹ hay không.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói như vậy khi một phóng viên hỏi ông rằng liệu ông Putin có mời các quan chức từ Bắc Mỹ tới Moscow nếu Mỹ giành quyền đăng cai một giải bóng đá thế giới World Cup trong tương lai.
Sáng ngày 13/6, quyền đăng cai giải đấu World Cup 2026 đã được trao cho Mỹ, Mexico và Canada, theo FIFA. Đây sẽ là lần đầu tiên giải đấu được tổ chức tại Bắc Mỹ kể từ năm 1994.
Hôm 8/6, hãng thông tấn Nga RIA trích dẫn một nguồn tin ngoại giao nói rằng Moscow và Washington đang thảo luận một cuộc gặp mặt giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/kremlin-tt-putin-se-don-tiep-moi-nguoi-toi-world-cup/4436844.html
Mỹ, Canada, Mexico là chủ nhà World Cup 2026
Mỹ, Mexico và Canada hôm 13/6 được trao quyền đăng cai giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2026. Đây là lần đầu tiên giải đấu trở lại Bắc Mỹ kể từ sự kiện năm 1994.
Giải đấu sau 8 năm nữa hứa hẹn sẽ đạt kỷ lục về khán giả, doanh thu cũng như lợi nhuận lên đến 11 tỉ đôla cho FIFA, cơ quan quản lý bóng đá thế giới.
Ba nước Bắc Mỹ kết hợp lại đã đánh bại đối thủ duy nhất của họ là Morocco qua cuộc bỏ phiếu 134-65.
Đây sẽ là lần đầu tiên World Cup do ba quốc gia đăng cai, nhưng phần lớn giải đấu sẽ diễn ra trên đất Hoa Kỳ. Trong số 80 trận đấu, 10 trận đấu sẽ được tổ chức tại Canada, 10 ở Mexico và 60 tại Hoa Kỳ – bao gồm cả trận chung kết, tại Sân vận động MetLife ở New Jersey.
Lần gần đây nhất World Cup bóng đá nam diễn ra ở Bắc Mỹ là khi Mỹ đăng cai năm 1994. Trước đó, giải đã diễn ra ở Mexico vào năm 1970 và 1986, còn Canada chưa bao giờ được đăng cai.
Cuộc bỏ phiếu hôm 13/6 là lần đầu tiên từng thành viên FIFA được đưa ra quyền quyết định nơi đăng cai World Cup, và Bắc Mỹ đã chiến thắng với làn sóng ủng hộ từ châu Mỹ, châu Âu và châu Á, cộng với một vài phiếu bầu từ Châu phi.
Chiến thắng này đã vớt vát cho việc bóng đá Mỹ gặp thất bại gây choáng váng lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm; đội tuyển bóng đa nam của Mỹ sẽ vắng mặt trong World Cup mùa hè này, lần đầu tiên không tham gia kể từ năm 1986.
Liên đoàn bóng đá Mỹ đã chi hơn 6 triệu đôla – trong tổng ngân sách khoảng 8 triệu đôla – để đưa World Cup trở lại Bắc Mỹ, và Chủ tịch Carlos Cordeiro đã đi khắp toàn cầu để gặp gỡ các bên bỏ phiếu kể từ khi ông được bầu lên hồi tháng 2.
Các nước Bắc Mỹ đã hoàn toàn sẵn sàng đón tiếp các hiệp hội thành viên của FIFA đến tham gia World Cup, với 23 sân vận động đã được xây dựng và được chọn giới thiệu làm nơi thi đấu, tương tự như vậy là hầu hết cơ sở hạ tầng mà giải đấu lớn gồm 48 đội sẽ cần, bao gồm các sân tập, khách sạn, sân bay, và đường tàu điện, tàu hỏa.
https://www.voatiengviet.com/a/my-canada-mexico-la-chu-nha-world-cup-2026/4436796.html
Indonesia chuẩn bị tham gia CPTPP
Indonesia đang xem xét tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thông tin vừa nêu được Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho báo chí biết hôm thứ ba ngày 12 tháng 6 năm 2018, khi tham gia Hội nghị Tương lai Châu Á đang diễn ra tại Nhật Bản.
Ông Kalla nêu lý do sở dĩ Indonesia muốn tham gia CPTPP, vì nếu hàng hóa của các nước tham gia CPTPP được miễn thuế, và Indonesia vẫn chịu thuế, thì hàng hóa Indonesia khó có thể cạnh tranh.
Phó tổng thống Indonesia hy vọng việc nghiên cứu CPTPP sẽ kết thúc trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến một năm, sau đó Indonesia sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Ông cũng cho biết các nghiên cứu sẽ tập trung những ảnh hưởng đến sự cạnh tranh nếu tham gia.
Sự thay đổi này là một bước ngoặc trong chính sách của Indonesia. Trước đây, nước này từng cho rằng TPP đã mất đi sức hấp dẫn khi Mỹ không tham gia.
Indonesia đang tham gia vào một thỏa thuận thương mại lớn khác là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, vì quá trình đàm phán kéo dài, nên ông Kalla cho rằng Indonesia sẽ ưu tiên tham gia CPTPP.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, vào năm 2017, còn lại 11 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam đồng ý duy trì Hiệp định và đổi tên thành CPTPP.
CPTPP đã được ký kết tại Chilê vào tháng 3 năm 2018 với sự tham gia của các bộ trưởng từ 11 nước thành viên.
Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan mở trụ sở mới
Thứ trưởng Marie Royce của Mỹ và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã dự lễ khai trương trụ sở mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Bắc hôm 12/06, khiến Bắc Kinh bực bội.
Viện mang tên ‘The American Institute in Taiwan’ (AIT), mà một số tờ báo gọi là ‘đại sứ quán trên thực tế ‘(de facto Embassy) được các báo Đài Loan hoan nghênh.
Nhưng thủ tục khai trương cũng được thực hiện nhằm tránh gây phản ứng mạnh từ Trung Quốc.
Dù Thứ trưởng Giáo dục và Văn hóa Hoa Kỳ, bà Marie Royce có mặt tại buổi lễ, phía Mỹ không gửi thành viên nào của nội các Donald Trump đến Đài Loan dịp này, theo tờ South China Morning Post ở Hong Kong.
Đoàn TQ đuổi Đài Loan khỏi hội nghị ở Úc
Đài Loan diễn tập ở đảo Ba Bình
Đài Loan bắt 40 thuyền nhân Việt
Hoa Kỳ ‘dùng Đài Loan kiềm chế TQ’?
Bà Royce, trong bài phát biểu, đã ca ngợi quan hệ Mỹ – Đài và nói công trình 5 tầng, trị giá 255 triệu USD mà Hoa Kỳ xây ở Đài Bắc, “không chỉ là tòa nhà với gạch và ngói”.
Bà nói đây là biểu tượng của “sức mạnh quan hệ song phương” được kiến thiết để “tạo điều kiện cho các hợp tác còn tiếp tục tăng trong những năm tới”.
Tổng thống Thái Anh Văn nói Đài Loan và Hoa Kỳ là hai “nền dân chủ, tự do, có nghĩa vụ cùng bảo vệ các giá trị và quyền lợi chung”.
Tuy không nêu tên Trung Quốc, bà nói “Chừng nào chúng ta còn đứng cạnh nhau, không ai có thể chen vào giữa”.
Gần đây Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, và bị mất ghế trong Liên Hiệp Quốc năm 1979, đã mất thêm một số đồng minh ở châu Phi.
Cũng từ năm 1979, Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan là cơ quan đại diện mang tính văn hóa của Mỹ nhưng có quy mô không lớn.
Chuyển biến chính sách?
Sự có mặt của bà Royce và việc khai trương trụ sở mới của cơ quan mang tính đại diện của Hoa Kỳ có thể chưa đánh dấu bước chuyển biến trong chính sách của Mỹ nhưng mang tính biểu tượng cao cho Đài Loan.
Trung Quốc luôn phản đối mọi chuyến thăm của lãnh đạo và viên chức đương quyền của Hoa Kỳ sang Đài Loan, đảo quốc tự lãnh đạo từ 1949 nhưng Bắc Kinh coi là một tỉnh ‘ly khai’ cần phải được thống nhất với lục địa.
Ngay sau đó, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra lên tiếng phê phán động thái này của Hoa Kỳ.
Ông nói đây là “hành động vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc ‘Một nước Trung Quốc’, và “can thiệp vào tình hình nội bộ của Trung Quốc”.
Cựu Tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu cũng là khách mời tại buổi lễ, theo truyền thông Đài Loan.
William Yang viết cho báo Anh, the Guardian từ Đài Bắc rằng buổi lễ diễn ra khi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Biển Đông.
Gần đây có tin cố vấn an ninh của Tổng thống Donald Trump là ông John Bolton, một nhân vật ‘diều hâu’, có thể sẽ thăm Đài Loan.
Hồi tháng 4 có tin ông sẽ sang thăm Đài Loan vào tháng 6 này.
Tuy nhiên, cùng dịp hai bên khai trương Viện Hoa Kỳ mới ở Đài Loan, các báo khu vực nói có quan chức Đài Loan tin rằng ông Bolton sẽ đến đảo quốc vào mùa thu năm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44466974
Dự luật thương mại tắc ở Thượng viện
vì phe Cộng hòa sợ Trump
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bob Corker của bang Tennessee vấp phải chướng ngại hôm thứ Ba trong nỗ lực của ông để có được một cuộc biểu quyết về một dự luật thương mại đòi hỏi Quốc hội phê chuẩn các mức thuế quan được áp đặt nhân danh an ninh quốc gia.
Ông Corker đã tìm cách gắn đề xuất của ông với một dự luật quốc phòng mà phải được thông qua tại Thượng viện, nhưng nỗ lực của ông nhằm buộc phải có một cuộc biểu quyết thất bại khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe của bang Oklahoma phản đối.
Bày tỏ sự bực bội, ông Corker nói đại đa số các thượng nghị sĩ Cộng hòa đồng tình với ý tưởng đằng sau dự luật của ông, nhưng sợ làm phật lòng tổng thống.
“Chúng ta có thể chọc phải con gấu là lời lẽ mà tôi nghe thấy ở ngoài hành lang,” ông Corker nói.
Tu chính án của ông Corker nhắm mục tiêu vào mức thuế quan 25 phần trăm của Tổng thống Donald Trump đối với thép nhập khẩu và 10 phần trăm đối với nhôm nhập khẩu, cũng như các mức thuế trong tương lai áp đặt bởi các tổng thống viện dẫn thẩm quyền của mình nhằm hạn chế nhập khẩu vì lợi ích an ninh quốc gia. Theo dự luật của ông, các mức thuế quan như vậy sẽ hội đủ điều kiện để Quốc hội thẩm duyệt nhanh và biểu quyết.
Ông Corker cơ bản mô tả các thượng nghị sĩ Cộng hòa là không dám chống lại ông Trump vì sợ những hậu quả chính trị tiềm ẩn. Ông Corker đã tuyên bố không ra tái tranh cử sau khi hoàn tất nhiệm kỳ thứ hai của mình.
“Thượng viện Hoa Kỳ ngay lúc này vào ngày 12 tháng 6 đang trở thành một cơ quan nơi mà, chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi có thể làm, nhưng trời ơi nếu tổng thống bực mình về chúng tôi, thì chúng tôi có thể mất thế đa số, vậy nên đừng làm bất cứ điều gì có thể làm tổng thống bực mình,” ông Corker nói.
Ông Inhofe nói đưa vào tu chính án này sẽ gây nguy hiểm cho việc thông qua dự luật quốc phòng hoặc trì hoãn việc thông qua nó.
Người luôn chỉ trích TT Trump thua sơ bộ ở South Carolina
Dân biểu đương nhiệm thuộc đảng Cộng hòa ở South Caroline, ông Mark Sanford, thua Dân biểu bang Katie Arrington trong cuộc bầu cử sơ bộ đêm 12/6. Ông Sanford lâu nay thường xuyên chỉ trích Tông thống Trump. Trước đó, trong cùng ngày 12/6, ông Trump nhận xét về ông Sanford là người “không có gì khác ngoài những rắc rối” và “rất vô ích”.
Vào một đêm mà các cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng cũng được tổ chức ở Maine, Virginia, Nevada và North Dakota, kết quả ở South Carolina rõ ràng là một cuộc trưng cầu tích cực về nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Chiến thắng gây sốc của bà Arrington cũng là cú đánh vào sự nghiệp dính đến scandal và cung cách bài xích “không bao giờ có Trump” của ông Sanford.
Điều này cũng báo hiệu rằng lực lượng nền tảng của tổng thống ở tiểu bang vẫn kiên định đứng sau ông trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, bất chấp những lời chỉ trích từ cả trong lẫn ngoài đảng Cộng hòa.
Dân biểu bang Katie Arrington, một người còn khá mới đối với chính trị, đã nhận được sự ủng hộ của ông Trump. Bà liên tục phê phán ông Sanford vì đã có những lời lẽ bôi xấu tổng thống và thậm chí còn đăng quảng cáo có các đoạn video chứa những lời ông Sanford chỉ trích ông Trump.
Trước đó, trong cùng ngày 12/6, khi việc kiểm phiếu còn đang diễn ra, ông Sanford thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng những lời chỉ trích của ông về ông Trump đã gây hại cho ông trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Ông Sanford đã từ chức thống đốc vào năm 2011 sau khi rốt cuộc thừa nhận rằng ông đã ngoại tình.
Nhưng ông đã trở lại sự nghiệp chính trị vào năm 2013, giành ghế tại Hạ viện bang, đại diện cho quận hạt nơi ông cũng đã đại diện trước đó trong sáu năm.
Khi cử tri đi bỏ phiếu hôm 12/6, ông Trump đã nhắc họ nhớ đến những lời nói của Sanford, cũng như chuyện tình của ông ta.
(AP, Fox)
Cố vấn Nhà Trắng xin lỗi
về phát biểu sỉ nhục thủ tướng Canada
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm thứ Ba xin lỗi về phát biểu có một “chỗ đặc biệt dưới địa ngục” cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy Cường quốc (G7) tuần trước, báo The Wall Street Journal đưa tin.
Tại một sự kiện do tờ Journal tổ chức, ông Navarro cho biết ông đã mắc sai lầm, theo tờ báo này.
“Nhiệm vụ của tôi là gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy uy lực,” ông Navarro nói tại sự kiện này, theo tờ Journal. “Vấn đề là trong việc truyền đạt thông điệp đó, tôi đã sử dụng ngôn ngữ không phù hợp.”
Lời thú nhận này là một hành động bày tỏ sự ăn năn hiếm hoi từ Nhà Trắng dưới quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nơi mà ít khi có những lời xin lỗi công khai.
Canada phản ứng lạnh lùng về lời xin lỗi, với việc ông Trudeau từ chối trả lời khi các phóng viên hỏi liệu ông có chấp nhận lời xin lỗi hay không.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành ngoại giao theo cách của Canada, đó là, tích cực và mang tính xây dựng và kiên quyết trong việc bảo vệ quyền lợi các ngành công nghiệp của chúng tôi .. Trong lĩnh vực ngoại giao, tình cảm cá nhân hay ý kiến cá nhân không thực sự quan trọng,” Bộ trưởng Thương mại François-Philippe Champagne trả lời khi được hỏi về lời xin lỗi.
Ông Navarro lên án ông Trudeau sau cuộc họp báo của nhà lãnh đạo Canada sau cuộc họp thượng đỉnh của ông với ông Trump và các nhà lãnh đạo thế giới khác từ G7.
“Có một chỗ đặc biệt dưới địa ngục cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào tiến hành ngoại giao thiếu thiện chí với Tổng thống Donald J. Trump và sau đó tìm cách đâm sau lưng ông ấy khi đang đi ra khỏi cửa. Đó là thứ ngoại giao thiếu thiện chí mà Justin Trudeau đã làm với cuộc họp báo giật gân đó. Đó là điều mà Justin Trudeau yếu kém, dối trá đã làm,” ông Navarro nói trên chương trình Fox News Sunday.
Một ngày trước đó, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng đả kích ông Trudeau.
Cả hai trợ lý này cáo buộc ông Trudeau phản bội ông Trump, người theo Đảng Cộng hòa, tại một cuộc họp báo được tổ chức sau khi tổng thống Mỹ đã rời khỏi Canada. Đó là khi ông Trudeau nói rằng Canada sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa để đáp lại các mức thuế mà ông Trump áp đặt lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada và các nước đồng minh khác.
Macedonia dự định đổi tên giữa những hoài nghi và hy vọng
“Cộng hòa Bắc Macedonia” – tên mới được đề xuất cho đất nước từng là một phần của Nam Tư – nhắm mục đích giải quyết tranh cãi ngoại giao với Hy Lạp, nhưng sẽ không làm hài lòng một số người nặng về dân tộc chủ nghĩa ở hai bên biên giới.
Khi Macedonia tuyên bố độc lập vào năm 1991, nhiều người Hy Lạp cảm thấy đất nước đó đã chiếm đoạt di sản văn hóa cổ đại của họ vì một tỉnh ở miền bắc Hy Lạp cũng có tên là Macedonia, đồng thời là nơi sinh của Alexander Đại đế.
Tên nước mới được các chính trị gia của cả hai nước đồng ý hôm 12/6. Cái tên đó được xem là sẽ chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột ngoại giao và giúp Macedonia gia nhập Liên hiệp châu Âu và NATO dễ dàng hơn.
Nhưng thỏa thuận này vẫn cần phải qua phê chuẩn của quốc hội hai nước và trưng cầu dân ý ở Macedonia, và không phải ai cũng có khuynh hướng bỏ phiếu “thuận”.
“Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ” gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1993, nhưng hầu hết các nước đều bỏ qua cái tên tạm thời đó và chỉ đơn thuần dùng tên Macedonia.
Tại một cuộc biểu tình ở Skopje hôm 2/6, người ta vẫy cờ Macedonia, và đôi khi là cờ Nga – cho thấy họ không chỉ phản đối việc đổi tên mà cả việc trở nên gần gũi hơn với phương Tây.
Tuy nhiên, nhiều người Macedonia đã hoan nghênh sự hòa hoãn với Hy Lạp.
Một số người Macedonia tin rằng tư cách thành viên EU và NATO có thể giúp cho nền kinh tế, những người khác lại nghi ngờ.
Kim Jong Un và 3 người phụ nữ
Thành công của thượng đỉnh Singapore không chỉ của Kim Jong Un và Donald Trump, vì trong đó còn có sự góp phần của ba người phụ nữ trong triều đại họ Kim. La Croix trên trang mạng có bài viết đề tựa « Thượng đỉnh Trump – Kim và bóng dáng những người phụ nữ Bắc Triều Tiên ».
Đàng sau lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un 34 tuổi, luôn có hình bóng của ba người phụ nữ tuy lặng lẽ nhưng lại có các vai trò quyết định tích cực trong tiến trình mở cửa do Bình Nhưỡng khởi xướng hồi đầu năm nay : Cô em gái út Kim Yo Jong, 31 tuổi ; người vợ Ri Sol-Ju 29 hay 30 tuổi và thứ trưởng ngoại giao phụ trách về Hoa Kỳ, bà Choe Son-hui, 53 hay 54 tuổi.
Kim Yo Jong, em gái út và ngôi sao đang lên
Thế giới cũng như chính bản thân người dân Bắc Triều Tiên biết rất ít về các thành viên gia đình họ Kim. Đối với các chuyên gia và các nhà nghiên cứu về Bình Nhưỡng, Kim Yo Jong, độ chừng 30 tuổi, em gái út của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên và truyền thông trong nước vào năm 2009. Đó là lúc cô tháp tùng cùng cha, ông Kim Jong Il đến thăm đại học nông nghiệp Bình Nhưỡng.
Cũng từ đó, cô thường xuyên bên cạnh cha mình trong các chuyến lưu hành trong nước đến thăm các hợp tác xã nông nghiệp, các xưởng may giày hay xưởng sản xuất dây cáp điện. Hiển nhiên là ông Kim Jong Il đã giao phó cho cô các nhiệm vụ quan trọng khi mà cô chỉ mới có khoảng 20 tuổi. Trong buổi tang lễ của Kim Jong Il năm 2011, cô đứng ở một vị trí quan trọng cạnh anh trai mình đang rơi lệ.
Người ta biết rất ít về tuổi thơ của cô ngoại trừ chi tiết là cô và Kim Jong Un cùng người anh trai cả là Kim Jong-Chol là con của cựu diễn viên múa Ko Yong Hui, sinh ở Nhật Bản và là vợ thứ ba của cố lãnh đạo Kim Jong Il. Bà qua đời năm 2004 tại Paris vì chứng bệnh ung thư.
Cũng giống Kim Jong Un, cô theo học trung học ở Bern, Thụy Sĩ, rồi theo học các chương trình đại học ở Châu Âu. Trong quãng thời gian đó, dường như cô đã học tiếng Pháp và Anh trước khi trở về lại Bình Nhưỡng học tiếp chương trình tin học tại đại học Kim Il Sung.
Nếu như cái chết đột ngột của Kim Jong Il đã đẩy Kim Jong Un vội vã lên cầm quyền vào lúc ông ấy chỉ mới có khoảng 30 tuổi, vận mệnh của Kim Yo Jong cũng đã có những bước ngoặt đi lên. Khi Kim Jong Un nắm quyền lãnh đạo đất nước cuối năm 2011, sự nghiệp chính trị của Kim Yo Jong trong lòng Ban Tuyên Huấn của đảng Lao Động Triều Tiên cũng cất cánh theo cho đến khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Ban Tuyên Huấn, trực thuộc Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, phụ trách khâu tổ chức sự kiện cho anh trai mình. Để rồi hai năm sau đó, cô được thăng cấp trở thành Ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực cao nhất do Kim Jong Un điều hành.
Vai trò của phụ nữ trong bộ máy chính trị của Bắc Triều Tiên là rất hiếm, do bởi xã hội nước này vẫn còn mang nặng tư tưởng phụ hệ, ngoại trừ gia đình họ Kim. Trong nhiều thập niên qua, Kim Kyong-Hui, em gái của Kim Jong Il, từng là một người thân cận của anh mình, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng hàng đầu trong hàng ngũ đảng và thậm chí còn là tướng 4 sao năm 2010.
Nhưng sự thăng tiến của Yo Jong còn đáng ngạc nhiên hơn bởi vì cô được tham gia vào Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao, Nghị Viện Bắc Triều Tiên lúc 27 tuổi, dưới sự bảo hộ của người anh, muốn đào tạo cô cho những chức vụ cao hơn.
Tháng Hai 2018, Kim Yo Jong trở thành thành viên đầu tiên của gia đình họ Kim đặt chân đến Hàn Quốc để dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Pyeongchang. Sự kiện cho thấy cô em gái của Kim Jong Un khẳng định quyền lực ngày càng lớn trong lòng chế độ.
Về mặt hình thức, nếu như trưởng đoàn Bắc Triều Tiên là Kim Yong Nam, về mặt chính thức là người đứng đầu Nhà nước, nhưng vai trò chỉ mang tính tượng trưng, thì trên thực tế, chính Kim Yo Jong mới là trưởng đoàn. Chính cô là người tận tay trao thông điệp của anh trai mình cho tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Hai tháng sau, ngày 27/04/2018, trong suốt thượng đỉnh lịch sử Liên Triều diễn ra ở khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm nhưng trên phần lãnh thổ phía nam, cũng chính cô là người bên cạnh anh trai cho các nghi thức. Trong suốt hai chuyến đi chính thức của Kim Jong Un tại Trung Quốc hồi tháng Ba (Bắc Kinh) và tháng Năm (Đại Liên), cô cũng luôn hiện diện, chăm chút hình ảnh ra bên ngoài cho Kim Jong Un. Do vậy, thượng đỉnh 12/6 này tại Singapore, cô em út tận tụy này vẫn sẽ có mặt bên cạnh anh mình như một chiếc bóng.
Ri Sol Ju, 29 hay 30 tuổi, vợ và « Đệ Nhất Phu Nhân » đầu tiên
Khi tay trong tay cùng với người vợ trẻ Ri Sol Ju đi du hành trong nước năm 2012, ít lâu sau khi lên cầm quyền, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã muốn đưa ra một hình ảnh mới về cặp vợ chồng lãnh đạo. Gần gũi với dân chúng hơn, hiện đại hơn, năng động hơn.
Đầu tiên hết là gởi đến người dân Bắc Triều Tiên cho đến lúc này chưa bao giờ được nhìn thấy các đệ nhất phu nhân can dự vào đời sống chính trị. Cũng như mọi thành viên khác trong gia đình họ Kim, người ta biết rất ít về vợ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Sinh năm 1989 tại thành phố cảng biển Chongjin ở phía bắc đất nước, bố mẹ đều là trí thức và là bác sĩ, tuổi thơ của Ri Sol Ju trải dài giữa Chongjin và Bình Nhưỡng, nơi sau này cô đi học.
Theo một số người, Ri Sol Ju dường như đã đến Bắc Kinh để học âm nhạc và từng là thành viên ban nhạc Unhasu. Điều này có lẽ chẳng mấy gây ngạc nhiên bởi vì nhiều phụ nữ gia đình họ Kim đều là nghệ sĩ. Nhưng cũng những nguồn tin khác cho rằng Ri Sol Ju dường như tốt nghiệp trường đại học Kim Il Sung ngành khoa học tự nhiên.
Dù sao đi chăng nữa, Ri Sol Ju từng có tham gia giải Vô địch Điền Kinh Châu Á năm 2005 tại Hàn Quốc trong nhóm « pom-pom girls » mà thế giới đã có dịp khám phá nhân Thế Vận Hội Mùa Đông năm nay.
Rất được truyền thông phương Tây và Hàn Quốc chú ý đến, người phụ nữ trẻ hiện nay là biểu tượng của một đất nước đang chuyển mình. Đây chính xác là hình ảnh mới này mà lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn đưa ra.
Trên các bức ảnh được loan tải ngày 27/04 vừa qua, nhân thượng đỉnh lịch sử Liên Triều tại Bàn Môn Điếm, người ta có thể thấy rõ là Ri Sol Ju rất tự nhiên với phu nhân của tổng thống Hàn Quốc. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Kim Jong Un đến Bắc Kinh hồi tháng Ba vừa qua, thế giới nhìn thấy hai cặp lãnh đạo cùng đứng chụp ảnh chính thức : Tập Cận Bình cùng vợ là ca sĩ Bành Lệ Viên, và Kim Jong Un với Ri Sol Ju, như thể tất cả đều đi theo một truyền thống sao hóa các cặp đôi tổng thống. Có thể nói thời thế đang thay đổi tại Bắc Triều Tiên.
Choe Son Hui, 53 hay 54 tuổi, thứ trưởng ngoại giao, nhà đàm phán hạt nhân kỳ cựu
Theo nhìn nhận của La Croix, bà Choe Son Hui có thể được xem như là một đối thủ ngang hàng với tổng thống Mỹ, đủ khả năng làm mưa làm gió. Chính bà là người đã lớn tiếng chỉ trích mạnh mẽ phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho rằng muốn áp dụng « mô hình Lybia » cho Bắc Triều Tiên. Bà cũng không do dự gọi ý định này của phó tổng thống Mỹ Mike Pence là một « điều xuẩn ngốc ».
Sinh năm 1964, Choe Son Hui được thủ tướng thời bấy giờ là Choe Yong-Rim nhận làm con nuôi. Bà theo học tại Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Áo và Malta. Bà sử dụng thành thạo tiếng Anh và bắt đầu sự nghiệp bằng vai trò phiên dịch trong những năm 1990 trong các cuộc đàm phán hạt nhân đầu tiên giữa Bình Nhưỡng và Washington dưới thời tổng thống Bill Clinton.
Choe Son Hui cũng từng bước leo từng nấc trong ngành ngoại giao khi gia nhập bộ Ngoại Giao và tham dự tất cả các cuộc « đàm phán 6 bên » trong những năm 2000. Một lần nữa, chính bà là người đã tiếp cựu tổng thống Bill Clinton nhân chuyến đi Bình Nhưỡng của ông để đón hai nhà báo Mỹ bị kết án tù vì tội thâm nhập trái phép lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Giờ đây, cũng chính Choe Son Hui có mặt tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm để cùng với đồng nhiệm Mỹ Sung Kim đúc kết nội dung chính những gì sẽ được đưa ra thảo luận hay không trong kỳ thượng đỉnh 12/6 này tại Singapore. Là một người dày dạn kinh nghiệm, Choe Son Hui hơn bao giờ hết là một nhà đối thoại không thể thiếu trong các cuộc thương lượng về hạt nhân, trong cuộc gặp lịch sử với Donald Trump và cả trong các cuộc thương lượng sắp tới.
Ông Ralph Cossa, chủ tịch Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương, có nhận xét với NKNews như sau : « Bà ấy cực kỳ thông minh và rõ ràng có một mối liên hệ chặt chẽ với tầng lớp lãnh đạo. Bà ấy chỉ cần có vài tháng nữa để được cất nhắc lên những chức vụ cao hơn ngay trong lòng bộ Ngoại Giao ». Nhất là sau kỳ thượng đỉnh lịch sử 12/06 này tại Singapore, nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, La Croix kết luận.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180612-kim-jong-un-va-3-nguoi-phu-nu
Di dân: Tàu cứu hộ Aquarius nổi trôi, Châu Âu nghiêng ngả
Aquarius, với 629 thuyền nhân châu Phi được cứu vớt, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ con, đang trên đường tiến về Tây Ban Nha, quốc gia duy nhất đề nghị đón tiếp, sau khi Malta từ chối còn tân chính phủ Ý đòi dẫn độ về Lybia. Một trục « Đức, Áo, Ý » chống nhập cư lậu được thông báo trong bối cảnh căng thẳng nổ ra giữa Paris và Roma từ khi tàu cứu hộ thuyền nhân, lần đầu tiên bị Ý cấm cặp bến, gây bất bình tại châu Âu.
Thứ tư 13/06/2018, một ngày sau khi tổng thống Pháp tố cáo thái độ thiếu nhân đạo trong chính sách đón tiếp di dân của tân chính phủ Ý thuộc phe cực hữu và dân túy, Roma phản ứng mạnh.
Đại sứ Pháp tại Ý bị triệu mời lên bộ Ngoại Giao. Thủ tướng Giuseppe Conte, tấn công thẳng vào tổng thống Pháp Macron : Nước Ý không cần bài học « đạo đức giả » của Pháp trong hồ sơ di dân. Bộ trưởng nội vụ Ý Matteo Salvini đòi Pháp « xin lỗi » và « rộng lượng » đón thêm di dân : Paris cam kết đón « 9 816 » người vượt biển đến Ý nhưng chỉ mới nhận có « 640 ».
Chưa biết lãnh đạo hai nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ giải quyết xung khắc này trong cuộc họp dự trù vào thứ Sáu như thế nào.
Bị Ý và Malta đùn đẩy trách nhiệm, tàu Aquarius SOS chở hết 629 thuyền nhân hướng về Tây Ban Nha, quốc gia duy nhất tại châu Âu, với tân chính phủ cánh tả, đề nghị tiếp nhận.
Sự kiện chính phủ Pháp, cũng như nhiều lãnh đạo châu Âu khác chọn thái độ im lặng trong nhiều ngày qua, gây bất bình ngay trong hàng ngũ đảng cầm quyền. Cuối cùng, chiều hôm qua, thủ tướng Pháp Edouard Philippe can thiệp xoa dịu : « Pháp sẽ giúp Tây Ban Nha » nhưng ông không nói đến các biện pháp khẩn cấp.
Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu công kích nhau trước làn sóng nhập cư , Áo thông báo thành lập « trục » chống di dân phi pháp gồm ba bộ trưởng nội vụ « Đức, Ý, Áo ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180613-di-dan-tau-cuu-ho-aquarius-noi-troi-chau-au-nghien-nga
Philippines:
Tổng thống Duterte bị lên án « phản bội đất nước »
Một nhóm thành viên cánh tả đã gây xáo trộn bài diễn văn Ngày quốc khánh hôm 12/06/2018 của tổng thống Philippines trong lúc thu hình. Bị lên án « bán nước cho Trung Quốc », tổng thống Duterte tỏ thái độ hoà dịu, kêu gọi cảnh sát tôn trọng quyền tự do phát biểu của người không cùng chính kiến.
Vụ việc xảy ra tại Kawit, ở phía nam Manila, vào lúc tổng thống Philippines đọc diễn văn nhân kỷ niệm 120 năm ngày Độc Lập, trước một cử tọa gồm các đại sứ nước ngoài.
Một nhóm nhà hoạt động đối lập đã xông vào hội trường, lên án tổng thống Duterte với lời lẽ nặng nề « phản bội đất nước », « phát-xít »…
Tổng thống Duterte phải tạm ngưng bài diễn văn trong nhiều phút trong khi chờ cảnh sát đẩy tóan biểu tình ra xa.
Điểm đặc biệt được AP ghi nhận là thay vì cáu giận, vị tổng thống có tiếng hay tuyên bố hung hăng này đã nhắc nhở cảnh sát phải « dung thứ một cách tối đa, để cho dân phát biểu, vì Hiến Pháp Philippines bảo đảm các quyền tự do báo chí, hội họp và ngôn luận ».
Sau nhiều phút gián đoạn, tổng thống Duterte tiếp tục bài diễn văn với lời trần tình : Người Philippines có thể không hiểu nhau nhưng tất cả có một mẫu số chung, đó là tình yêu nước.
Tổng thống Duterte bị chỉ trích nhu nhược nhượng bộ để Bắc Kinh lấn chiếm biển đảo. Hiện nay tại Philippines có hai phe : phe ủng hộ tổng thống cho rằng chính nhờ thái dộ thân thiện này mà Philippines được Trung Quốc giúp vốn xây cơ sở hạ tầng, buôn bán và đầu tư.
Trái lại, đối lập Philippines cho rằng thái độ nhượng bộ của tổng thống đã khuyến khích Trung Quốc gia tăng lấn chiếm tuyến giao thông huyết mạch và liên tục tấn công, cướp phá ngư dân Philippines, cụ thể là ở khu vực Scarborough, ngư trường truyền thống của Philiipnes ở Biển Đông.
Hoa Kỳ trừng phạt
lãnh đạo đội Cận Vệ của thủ tướng Hun Sen
Bộ Tài Chính Mỹ ngày 12/06/2018 cho biết đưa tên lãnh đạo đội Cận Vệ của thủ tướng Cam Bốt vào danh sách đen. Hoa Kỳ cáo buộc người này sử dụng bạo lực đe dọa đối lập từ nhiều thập niên qua.
Theo Reuters, tướng Hing Bun Hieng sẽ là thành viên đầu tiên trong ban lãnh đạo Cam Bốt bị Mỹ trừng phạt. Hoa Kỳ chỉ trích ông Bun Hieng đã « vi phạm nghiêm trọng nhân quyền » khi dùng vũ lực trấn áp người biểu tình và các đảng chính trị đối lập kể từ năm 1997, trong đó có một sự cố làm một công dân Mỹ bị thương.
Tướng Hing Bun Hieng đã không lời bình luận nào, nhưng trợ lý của ông trả lời câu hỏi của Reuters qua điện thoại đã chỉ trích quyết định này của Mỹ. Về phần mình, bộ Quốc Phòng Cam Bốt lên án thông báo trừng phạt của Mỹ là một sự vi phạm luật lệ và chủ quyền Cam Bốt.
Theo quy định của đạo luật Magnitsky Act, ban hành năm 2012, những cá nhân nào nằm trong danh sách đen của bộ Tài Chính Mỹ sẽ bị phong tỏa tài sản hay lợi ích nào nằm trong vòng kiểm soát của tư pháp Mỹ. Đạo luật cũng nghiêm cấm những ai có ý định giao dịch với đối tượng bị phạt.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180613-hoa-ky-trung-phat-lanh-dao-doi-can-ve-cua-thu-tuong-hunsen
Nicaragua:
Tình hình khủng hoảng ngày càng thêm tồi tệ
Đất nước Nicaragua ngày càng lún sâu vào khủng hoảng chính trị và xã hội, kéo dài từ hai tháng nay. Hơn 150 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương trong khi mà cuộc đối thoại giữa tổng thống Ortega và phe đối lập vẫn luôn bế tắc. Trong bối cảnh này, Liên Minh Quốc Gia vì Công Lý và Dân Chủ, tập hợp khối tư nhân, xã hội dân sự và sinh viên ngày hôm qua 12/06/2018 thông báo một ngày đình công quốc gia cho ngày thứ Năm 14/06.
Từ Mêhicô, thông tín viên đài RFI, Patrick John Buffe tường thuật:
« Không có ngày nào mà bạo lực không diễn ra, và gây ra thêm một nạn nhân mới. Bất kể là ở thủ đô Managua hay ở những sâu xa khác của đất nước, những nơi mà lưu thông đã trở nên khó khăn do các rào chắn của những người biểu tình phản đối tổng thống Ortega được dựng lên trên các con lộ.
Mặt khác, chính những rào chắn này, từ vài ngày qua, đã trở thanh mục tiêu ưu tiên của cảnh sát chống bạo động và nhóm dân quân tự vệ đang tìm cách phá hủy.
Các cuộc tấn công của lực lượng an ninh này cũng nhằm mục đích phá dỡ rào chắn trong các khu phố do dân làng dựng lên. Không chỉ để phản đối, nhưng còn để phòng chống các băng nhóm có vũ trang đang lộng hành và giết chóc mà không hề bị trừng phạt. Trước sự leo thang bạo động do các cuộc trấn áp mù quáng, nhiều người dân Nicaragua tránh ra đường.
Bởi vì, cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm đất nước có nguy cơ kéo dài, bất chấp các nỗ lực của các giám mục công giáo.
Hôm thứ Năm 07/06, các vị này đã trình bày với tổng thống Ortega một đề xuất dân chủ hóa đất nước, cho phép nối lại đối thoại. Nhưng tổng thống Nicaragua vẫn chưa trả lời, nhấn chìm thêm đất nước mỗi ngày trong hỗn loạn. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180613-nicaragua-tinh-hinh-khung-hoang-ngay-cang-them-toi-te