Tin Khắp Nơi – 12/06/2018
Cái bắt tay lịch sử của tổng thống Trump
và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un tại Singapore
Singapore – Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un bắt tay nhau, e dè mỉm cười với nhau, ngay trong giây phút ban đầu gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử, được tổ chức ở Singapore trong ngày thứ Ba 12 tháng 6.
Video quay từ trên cao cho thấy ông Trump và ông Kim ở hai hành lang đối diện nhau, cùng tiến về phía nhau và sau đó thì bắt tay nhau. Nét mặt ông Trump có phần gượng gạo, còn nét mặt ông Kim tỏ ra căng thẳng. Sau khi đứng im cho các phóng viên chụp hình, hai lãnh đạo bước vào một căn phòng với hai thông dịch viên theo sau. Càng về sau, nét mặt ông Trump thư giãn hơn, và nét mặt ông Kim vui tươi hơn. Hai bên đã vượt qua được sự bỡ ngỡ ban đầu, cùng cố gắng xây dựng một bầu không khí của tình thân hữu.
Theo kế hoạch sau đó, ông Trump và ông Kim tổ chức một một đàm phán tay đôi, không có giới báo chí tham gia, hầu như mỗi bên chỉ giữ lại vài viên chức cao cấp và một người thông dịch. Trong phái đoàn của Hoa Kỳ, dễ dàng nhìn thấy sự hiện diện của Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly, và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Ánh chớp của máy chụp hình lóe lên liên tục trước khi tất cả phóng viên được mời ra khỏi phòng.
Theo chương trình nghị sự của cả hai bên, lãnh đạo hai quốc gia sẽ tìm cách chấm dứt cuộc đối đầu về vũ khí nguyên tử trên bán đảo Đại Hàn. (Mai Đức)
Tổng thống Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un
ký một văn bản toàn diện
Singapore – Hôm 12/06 tính theo giờ Singapore, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã cam kết tiếp tục làm việc theo hướng hoàn toàn phi nguyên tử trên bán đảo Đại Hàn. Trong đó, Washington cũng cam kết cung cấp bảo đảm an ninh cho kẻ thù cũ.
Tuy nhiên, một tuyên bố chung được ký kết vào cuối hội nghị thượng đỉnh lịch sử của họ ở Singapore chỉ đưa ra một số chi tiết về việc hai bên sẽ đạt được mục tiêu như thế nào. Tuyên bố chung nói rằng Tổng Thống Trump cam kết bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn, và Chủ Tịch Kim Jong Un cam kết sẽ “tiếp tục làm việc để hướng tới” việc triệt tiêu vũ khí nguyên tử trên bán đảo Đại Hàn. Theo tuyên bố chung, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và phái đoàn Bắc Hàn sẽ tiếp tục những cuộc đàm phán tiếp theo đó tại một thời gian được ấn định sớm nhất.
Trên đường đi ra Air Force One để trở về Washington DC, ông Trump trả lời câu hỏi của một phóng viên, nói rằng ông hy vọng tiến trình phi nguyên tử hóa sẽ bắt đầu “rất nhanh”. Tại buổi họp báo ở Singapore, ông Trump cho biết tiến trình phi nguyên tử hóa sẽ được xác minh, và sự xác minh sẽ liên quan tới rất nhiều người ở Bắc Hàn. Ông cũng cho biết các cuộc tập trận chung với Nam Hàn sẽ ngừng lại, cho tới khi Hoa Kỳ cảm thấy các cuộc đàm phán trong tương lai không theo đúng hướng. Hành động này sẽ giúp Washington tiết kiệm một số tiền khổng lồ. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-va-lanh-dao-bac-han-kim-jong-un-ky-mot-van-ban-toan-dien/
Cố Vấn Bolton Dự Phần Chính
Trong Đối Thoại Trump-Kim
WASHINGTON – Bạch Ốc đã công bố danh sách các phụ tá Bạch Ôc có mặt trong các buổi họp giữa TT Trump và lãnh tụ Kim Jong-un. 2 nguyên thủ diện kiến lần đầu tiên luc 9 giờ sáng, chỉ với thông dịch viên.
Đợt thảo luận mở rộng sau đó sẽ có sự tham gia của ngoại trưởng Pompeo, chánh văn phòng John Kelly và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Fox News đưa tin : bữa ăn trưa công tác sẽ gồm thêm tham vụ báo chí Sarah Sanders, giám đốc phụ trách châu Á (trong HĐ an ninh quốc gia) Matt Pottinger, chuyên gia về Bắc Hàn Sung Kim, đang là ĐS Hoa Kỳ tại Manila.
Hôm Thứ Bảy, TT Trump báo trước : có thể hiểu ý định của Kim chỉ sau vào phút nói chuyện và biết Kim chịu từ bỏ vũ khí nguyên tử hay không.
Ông Trump cũng ám chỉ khả năng mở hội đàm thượng đỉnh tương lai. Fox News đuợc thông báo : cố vấn Bolton có mặt tại các cuộc thảo luận quan trọng – đuợc biết tiếng là nhân vật diều hâu, cố vấn Bolton từng báo động Kim về “mô hình Libya” là lãnh tụ độc tài Gadhay bị giết vài năm sau khi từ bỏ chương trình vũ khí sát hại quy mô.
Vào sáng Thứ Hai, TT Trump tỏ ra lạc quan – Reuters tường thuật : ông nói “Thượng đỉnh có thể tiến triển rất tốt đẹp” trong lúc các đoàn chuyên viên của 2 bên thu hẹp các bất đồng về cách ngưng đối đầu tại bán đảo Hàn.
Thủ Tướng Singapore đãi tiệc TT Trump với bánh mừng sinh nhật TT Trump (nhằm ngày Thứ Năm tuần này).
https://vietbao.com/p114a282049/co-van-bolton-du-phan-chinh-trong-doi-thoai-trump-kim
Toàn văn thông cáo chung thượng đỉnh Trump-Kim
Thông cáo chung do tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ký sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, ngày hôm nay, 12/06/2018 có ghi là lãnh đạo hai nước thỏa thuận tiến hành phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Các từ phi hạt nhân hóa « có thể kiểm chứng được » và không thể đảo ngược được », không có trong văn bản này.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ khẳng định là tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ được kiểm chứng. Ông nhấn mạnh : Không có chuyện thụt lùi. Chúng ta sẽ kiểm chứng. Đó là một tiến trình phi hạt nhân hóa toàn bộ. Việc kiểm chứng sẽ do Hoa Kỳ và quốc tế tiến hành.
Sau đây là toàn văn thông cáo chung (theo bản tiếng Pháp của AFP) :
« Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un đã có cuộc trao đổi ý kiến đầy đủ, sâu sắc và chân thành về những vấn đề liên quan đến việc thiết lập mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và RPDC (Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên) và về việc xây dựng một chế độ hòa bình vững chắc và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Trump đã cam kết đưa ra các bảo đảm về an ninh cho RPDC và chủ tịch Kim Jong Un tái khẳng định cam kết vững chắc và không lay chuyển của mình đối với việc phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Tin tưởng rằng việc thiết lập mối quan hệ mới Hoa Kỳ-RPDC sẽ đóng góp vào hòa bình và phồn thịnh của bán đảo Triều Tiên và thế giới, và thừa nhận rằng việc thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau có thể thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố :
1. Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước phù hợp với nguyện vọng hòa bình và thịnh vượng của nhân dân hai nước.
2. Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẽ cùng chung sức thực hiện một chế độ hòa bình bền vững và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
3. Bắc Triều Tiên tái khẳng định nội dung bản Tuyên Bố Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018, cam kết hành động để phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
4. Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cam kết cho hồi hương thi hài các quân nhân Mỹ mất tích trên chiến trường trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên.
Thừa nhận rằng thượng đỉnh Hoa Kỳ-RPDC, cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử, là một sự kiện có tầm quan trọng to lớn, đáng ghi nhớ vì thượng đỉnh sang trang nhiều thập niên căng thẳng và thù nghịch giữa hai nước, báo trước một tương lai mới, tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong Un cam kết thực hiện toàn bộ các điều khoản trong thông cáo chung này.
Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cam kết, ngay khi có thể, tổ chức các cuộc thương lượng liên tục, do ngoại trưởng Mike Pompeo và một đồng nhiệm cấp cao của RPDC tiến hành, nhằm thực hiện các kết quả của thượng đỉnh Hoa Kỳ-RPDC.
Tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong Un cam kết hợp tác nhằm phát triển mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và RPDC, thúc đẩy hòa bình, phồn thịnh và an ninh của bán đảo Triều Tiên và thế giới».
Bên cạnh thông cáo chung được ký kết, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un còn tuyên bố thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên mở ra một thời kỳ mới. Về phần mình, tổng thống Donald Trump đã bất ngờ mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới Nhà Trắng. Nguyên thủ Mỹ tuyên bố : «Chúng tôi sẽ gặp nhau thường xuyên » và khẳng định ông có mối quan hệ rất đặc biệt với lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180612-okthong-cao-chung-cuoc-gap-thuong-dinh-trump-kim
Máy bay Air China chở Kim Jong Un
được cung cấp theo yêu cầu của Bắc Hàn
Bắc Kinh, Trung Cộng – Vào Thứ Hai 11 tháng 6, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cho biết chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Air China, chở chủ tịch Kim Jong Un từ Bình Nhưỡng đến Singapore, đã được cung cấp theo chính yêu cầu từ phía Bắc Hàn.
Ông Cảnh Sảng không cho biết chiếc máy bay này được cho Bắc Hàn mượn miễn phí hay có trả tiền. Tờ nhật báo Apple Daily của Hong Kong hôm Thứ Hai đưa tin rằng, đây là chiếc máy bay tư nhân của thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường, thường được ông này sử dụng trong các chuyến công du nước ngoài.
Hãng truyền thông Bắc Hàn KCNA cũng cho biết Chủ Tịch Kim đã rời quốc gia trên một máy bay Trung Cộng. Giới quan sát cho rằng lời tiết lộ này khá khác thường, do đi ngược lại tư tưởng tự cung tự cấp của chính phủ cộng sản Bình Nhưỡng.
Chiếc Boeing 747 ban đầu rời Bình Nhưỡng với số chuyến bay là CA122, hướng về Bắc Kinh. Tuy nhiên, số chuyến bay được đổi vào 1 giờ sau đó thành CA61, không hạ cánh xuống thủ đô Trung Cộng, mà bay thẳng đến Singapore.
Theo tờ Korea Herald, có 4 chiếc Boeing thường được sử dụng bởi các lãnh đạo Trung Cộng. Ông Kim Jong Un đã dùng chiếc B-2447 của Thủ Tướng Lý Khắc Cường. Chiếc máy bay này 23 tuổi, thường được dùng làm máy bay chở khách mỗi khi ông Lý không sử dụng. Ông Kim cũng có chuyên cơ riêng, có tên là Chammae, là một chiếc Ilyushin Il-62 từ thời Xô-viết. Ông Kim nhờ Trung Cộng giúp đỡ có lẽ vì lo ngại về độ an toàn của chiếc chuyên cơ này. Ngoài ra, việc Trung Cộng cho Bắc Hàn mượn máy bay cũng là hành động mang tính biểu tượng, chứng tỏ vai trò quan trọng của Bắc Kinh trong việc giúp Bình Nhưỡng tiếp cận với thế giới. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/may-bay-air-china-cho-kim-jong-un-duoc-cung-cap-theo-yeu-cau-cua-bac-han/
Bắc Hàn có thể tìm sự trợ giúp kinh tế từ Trung Cộng
chứ không phải từ Hoa Kỳ
Theo Reuters, các nhà kinh tế học cho rằng Trung Cộng sẽ là quốc gia hỗ trợ Triều Tiên trong việc cải cách kinh tế chứ không phải Hoa Kỳ.
Họ cho rằng kế hoạch cải cách kinh tế được áp dụng không phải là chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ, mà sẽ là kinh tế thị trường kiểm soát bởi nhà nước của Đặng Tiểu Bình. Chủ nghĩa tư bản nhà nước của Đặng Tiểu Bình đã làm gia tăng sức ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và giúp cho Trung Cộng phát triển trong 40 năm qua.
Nhà kinh tế học Nam Hàn- ông Jeon Kyong- cho biết Kim Jong Un chỉ muốn đàm phán với Trump vì Hoa Kỳ vẫn còn lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Sau khi lệnh cấm vận được dở bỏ, mọi tập trung sẽ dồn vào ông Tập và ông Kim. Trung Cộng hiện giờ là đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên với hơn 90% lượng giao dịch mỗi năm.
Trưởng phòng kinh tế của công ty chứng khoán Dongxing tại Bắc Kinh ông Zhang Anyuan cho biết, xét về các khía cạnh địa lý, hệ thống kinh tế, và quy mô thị trường, sự hợp tác giữa Trung Cộng-Triều Tiên mang đến những lợi thế không thay thế được. Trong vấn đề cải cách thương mại, Triều Tiên vẫn sẽ cố gắng kiểm soát quyền lực của mình bằng cách mở ra các khu vực kinh tế riêng biệt. Các khu vực riêng biệt này sẽ bao gồm nhân công giá rẻ của Bình Nhưỡng và công nghệ cùng với tiềm lực tài chính của Trung Cộng. Việc chỉ phát triển ở những khu vực kinh tế được kiểm soát này sẽ giúp Triều Tiên giới hạn đầu tư nước ngoài, và tự do hóa thị trường được chính phủ kiểm soát. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bac-han-co-the-tim-su-tro-giup-kinh-te-tu-trung-cong-chu-khong-phai-tu-hoa-ky/
TT Trump: Thỏa thuận với Bắc Hàn
‘có lợi’ cho Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/6 ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp đỡ để có được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Bắc Hàn, và ông nói rằng nó sẽ có lợi cho Bắc Kinh.
Ông Trump nói với các phóng viên ở Singapore sau cuộc gặp lịch sử với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un: “Đạt được một thỏa thuận là một điều tuyệt vời cho thế giới và nó cũng là một điều tuyệt vời cho Trung Quốc. Tôi không thể hình dung được Trung Quốc vui khi một quốc gia láng giềng gần như vậy có vũ khí hạt nhân.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra một tuyên bố ca ngợi giải pháp của ông Trump và ông Kim, theo Reuters.
Ông Trump nói ông sẽ gọi điện cho ông Tập, có thể là trên đường từ Singapore trở lại Washington, để nói với chủ tịch Trung Quốc về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh. Ông nói rằng ông sẽ mời Bắc Kinh tham gia trong các cuộc thảo luận tiếp theo.
Trung Quốc hiện là bạn hàng thương mại lớn nhất của Triều Tiên và luôn là một đồng minh chính trị truyền thống của quốc gia bị cô lập này.
Phát biểu sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gợi ý rằng việc dỡ bỏ các chế tài áp lên Triều Tiên có thể được xem xét nếu nước này tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong khi nói thêm rằng Trung Quốc đã luôn tuân thủ chặt chẽ các nghị quyết này.
Tổng thống Trump nói ông tin rằng Trung Quốc trong những tuần gần đây đã nới lỏng các chế tài đối với Bắc Hàn và cho phép nhiều luồng giao thương hơn giữa hai quốc gia. Ông Trump cho rằng việc đáp trả yếu ớt này có thể là cách mà Bắc Kinh muốn Hoa Kỳ biết rằng họ không vui với quan điểm cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán về thương mại.
Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo có nhiều ảnh hưởng của nhà nước Trung Quốc, nhận định trong một bài xã luận rằng đã đến lúc để xem xét “một sự cắt giảm hợp lý các chế tài” áp đặt lên Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-thoa-thuan-voi-bac-han-co-loi-cho-trung-quoc/4435338.html
Iran cảnh báo ông Kim Jong Un ‘chớ tin’ TT Trump
Iran hôm 12/6 cảnh báo với lãnh tụ Triều Tiên chớ nên tin Tổng thống Mỹ Donald Trump, và nói rằng nguyên thủ Hoa Kỳ có thể hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên trong vòng vài giờ.
Tehran lấy chính kinh nghiệm của mình để đưa ra lời khuyên cho ông Kim, một tháng sau khi Washington rút khỏi một thỏa thuận tương tự với Iran.
Hai ông Trump và Kim cam kết tại cuộc gặp ở Singapore hôm 12/6 sẽ làm việc tiến tới hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong khi Washington cam kết bảo đảm an ninh cho cựu thù của mình.
“Chúng tôi không biết lãnh đạo Triều Tiên đang đàm phán với loại người như thế nào. Không có gì rõ là ông ta sẽ không hủy bỏ thỏa thuận này trước khi trở về nước”, phát ngôn viên chính phủ Iran Mohammad Bagher Nobakht được hãng thông tấn IRNA trích lời cho hay.
Ông Nobakht đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của ông Trump. “Con người này không đại diện cho người dân Mỹ, và họ chắc chắn sẽ xa lánh ông ta trong cuộc bầu cử tới”, ông nói.
Ngoài việc rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, ông Trump hôm 9/6 đã không tham gia thông cáo chung của lãnh đạo nhóm G7, chỉ vài giờ sau khi ông rời hội nghị thượng đỉnh đó để họp với ông Kim.
Ông Trump cũng đã quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.
TT Trump cho ông Kim xem video ‘vẽ’ tương lai tươi sáng
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngồi xuống để thuyết phục về hòa bình với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hôm 12/6, ông đã giới thiệu một đoạn video có hình ảnh của hai nhà lãnh đạo.
Ông Trump cho biết ông đã mời ông Kim và các quan chức Triều Tiên xem một đoạn video dài 4 phút được sản xuất trước cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6 ở Singapore. Ông Trump nói ông Kim và các thành viên cao cấp khác của đoàn Triều Tiên đã vây quanh chiếc iPad để xem video.
“Tôi nghĩ ông ấy thích video đó”, ông Trump nói, hàm ý về ông Kim.
Video của ông Trump chiếu cho đoàn Triều Tiên là một trong những khoảnh khắc không có trong kịch bản của cuộc gặp đã được lên kế hoạch cẩn thận giữa hai nhà lãnh đạo.
Đoạn video, có thuyết minh bằng tiếng Triều Tiên và tiếng Anh, cho thấy hình ảnh của hai ông Trump và Kim mỉm cười. Có lúc đoạn video chiếu hình ảnh các em bé và các nhà máy ô tô, gợi ý về tương lai thịnh vượng hơn mà Triều Tiên có thể đạt được nếu họ đồng ý dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Để minh họa cho quan điểm này, các tên lửa đạn đạo được thể hiện với hình thức là chúng chuyển động ngược trở về các bệ phóng.
“Quá khứ không bắt buộc phải là tương lai”, đoạn thuyết minh được đọc kèm hình ảnh cho thấy khu phi quân sự đã tách đôi Bắc và Nam Hàn kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Sau đó, người thuyết minh nói: “Một thế giới mới có thể bắt đầu ngày hôm nay”, cùng lúc có các hình ảnh kỹ xảo gợi ý Triều Tiên nghèo khó có thể sẽ trông như thế nào nếu nước này cũng được chiếu sáng vào ban đêm giống như Hàn Quốc hiện đang thịnh vượng hơn nhiều.
Một số đoạn trong video dường như muốn nói trực tiếp với ông Kim, gợi ý rằng ông ta có thể lựa chọn mở cửa Triều Tiên để đón các khoản đầu tư mới và bước vào một khoảnh khắc lịch sử cùng ông Trump trong vai trò là hai người quyết định chính.
“Nhân vật chính là Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un, trong một cuộc họp để tái tạo lịch sử, tỏa sáng trong ánh mặt trời. Một khoảnh khắc, một sự lựa chọn”, tiếng người thuyết minh nói.
Bảng chữ của video cho biết nó do Destiny Pictures sản xuất. Đây là một công ty có trụ sở ở Los Angeles.
TT Trump nói với VOA:
Kim Jong Un ‘yêu nước, thương dân’
Tổng thống Donald Trump vừa dành cho cộng tác viên Greta Van Susteren của VOA một cuộc phỏng vấn đặc biệt sau cuộc gặp lịch sử với Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore hôm 12/6.
Van Susteren: Điều gì ở ông Kim Jong Un làm ngài ngạc nhiên?
TT Trump: Thực sự, ông ấy có một cá tính tuyệt vời. Ông ấy là một người vui tính, ông ấy rất thông minh, và là một nhà thương thuyết tuyệt vời. Ông ấy thương dân, nhưng không phải tôi ngạc nhiên vì điều đó, mà thật sự ông ấy yêu mến người dân Triều Tiên. Và tôi nghĩ rằng chúng ta đã bắt đầu một thỏa thuận tuyệt vời. Chúng ta sẽ giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên. Việc này sẽ bắt đầu ngay lập tức và cũng có rất nhiều việc khác đang xảy ra, bao gồm cả việc đưa hài cốt của quân nhân về quê nhà. Như cô biết đấy – việc nhận lại hài cốt là vấn đề rất quan trọng đối với rất nhiều người. Nhiều người đã gọi điện cho tôi, viết thư cho tôi, nói rằng “Xin ông làm ơn thực hiện điều đó được không?” Và ông ấy cũng đồng ý thực hiện việc trao trả hài cốt, hàng ngàn người cũng muốn làm như vậy. Vì rất người đã chết trong chiến tranh Triều Tiên – và vì vậy đây là một vấn đề lớn.
Van Susteren: Hôm nay ngài đã thảo luận vấn đề nhân quyền và ông ấy đã phản ứng như thế nào?
TT Trump: Rất tốt. Ý tôi là, chúng tôi dành 90% thời gian để nói về việc giải trừ hạt nhân, nhưng chúng tôi cũng bàn rất nhiều việc khác, bao gồm cả quyền con người, tiếp nhận hài cốt, trên thực tế chúng tôi đưa điều này thành tuyên bố. Chúng tôi nêu rất nhiều điều trong tuyên bố đó, vượt xa những gì mà mọi người mong đợi.
Van Susteren: Xin ngài cho chúng tôi biết một số thông tin hậu trường. Ngài có đưa ra tối hậu thư cho ông ấy không, ông ta có đưa ra tối hậu thư cho ngài không? Hai bên đã trao đổi những gì?
TT Trump: Không, không có tối hậu thư. Chúng tôi đã trải qua ba tháng để trao đổi với họ thông qua các đại diện khác nhau như Ngoại trưởng Mike Pompeo, người đã thực hiện một công việc thực sự tuyệt vời. Vì vậy, chúng tôi đã có một khoảng thời gian đàm phán khá tốt và khi chúng tôi gặp nhau hôm nay, chúng tôi đã làm quen ngay từ đầu. Bây giờ là giờ thứ 25 rồi đó. 25 tiếng đồng rồi tôi không ngủ được, đó là một cuộc đàm phán dài và tôi rất tự hào về điều đó. Sự kiện này bắt đầu cho một quá trình. Tình hình Triều Tiên trước đây như thể có thể đã dẫn đến một cuộc chiến, có làm mất đi sinh mạng của hàng triệu người – Seoul có 28 triệu người, có thể mất đi sinh mạng của hàng triệu người, nhưng chúng tôi sẽ chấm dứt mối đe dọa này bằng một thỏa thuận.
Van Susteren: Còn binh sĩ của chúng ta thì sao? Họ có ở lại Hàn Quốc không?
TT Trump: Vâng, họ sẽ ở lại. Thậm chí chúng tôi cũng không thảo luận về điều đó, điều đó không được thảo luận. Chúng ta sẽ chấm dứt các cuộc tập trận đầy tốn kém. Bởi vì tôi nghĩ, thứ nhất, nó mang tính khiêu khích, và tôi muốn rút, và tôi nghĩ họ rất vui khi chúng ta rút vì nó mang tính khiêu khích. Nhưng tập trận thì thật sứ tốn kém vì nó ngốn quá nhiều tiền. Và chúng ta sẽ không tập trận nếu như các bên đàm phán giữ đúng lời hứa.
Van Susteren: Điều gì đã giúp ông Kim chịu đàm phán sau một vài thập kỷ từ chối?
TT Trump: Thực sự thì tôi không nghĩ rằng trước đây họ từ chối đàm phán. Về cơ bản họ có thái độ im lặng, và im lặng, họ không muốn nói về điều đó và mình cũng không thể làm gì được. Và tôi nghĩ rằng những lời phát ngôn ban đầu của tôi rất quan trọng. Thành thật mà nói, tôi không thích phát ngôn như thế và nhiều người nghĩ rằng tôi đã làm một điều sai trái. Nhưng tôi nghĩ nếu không có điều đó, chúng tôi sẽ không có mặt ở đây hôm nay. Tôi cũng nghĩ rằng ông ấy thực sự muốn thực hiện một thỏa thuận, ông ấy muốn làm điều gì đó.
Van Susteren: Nhưng tại sao, thưa ngài?
TT Trump: Bởi vì ông ấy biết rằng chúng ta sòng phẳng. Tôi không nghĩ trước đây ông ấy cảm nhận được điều đó. Tôi nghĩ trước đây, người khác làm không thành công. Nhưng ông ấy biết rằng chúng tôi muốn đôi bên sòng phẳng, chúng tôi phải sòng phẳng và chúng tôi sẽ sòng phẳng. Và bây giờ chúng ta đã đạt được – tính ra cũng không phải mất nhiều thời gian – mặc dù cô có thể tính từ ngày đầu tiên nhậm chức, chúng tôi đã lên tiếng vấn đề Triều Tiên một cách mạnh mẽ. Nhưng hôm nay tôi nghĩ rằng chúng tôi đã ký một tuyên bố, bao gồm nhiều vấn đề lớn hơn và toàn diện hơn mức mọi người nghĩ. Không ai nghĩ rằng điều này có thể xảy ra.
Van Susteren: Xin ngài cho biết ông ấy sẽ nghĩ gì về ngài sau cuộc gặp này?
TT Trump: Tôi nghĩ ông ấy thích tôi và tôi thích ông ấy. Và tôi hiểu những việc đã xảy ra và, cô biết đấy, không ai nói nhưng tôi cũng biết, ông ấy là một người cứng rắn. Ông ấy buộc phải là một người cứng rắn hoặc là một người cứng rắn. Nhưng chúng tôi rất hợp nhau. Ông ấy thông minh, thương dân, yêu nước. Ông ấy muốn có rất nhiều điều tốt đẹp và đó là lý do tại sao ông ấy đến sự kiện này.
Van Susteren: Nhưng ông ta đã để cho dân chúng chết đói. Ông ấy tàn nhẫn với họ. Ông ấy vẫn thương dân?
TT Trump: Hãy nhìn xem, ông ấy đang làm những gì ông ấy thấy. Nhưng, tôi thực sự ghi nhận ngày hôm nay và hôm qua và một vài tuần trước đó, nhìn chung mọi việc đã bắt đầu khác. Một lần nữa, nếu không có những phát ngôn mạnh mẽ và không có các lệnh trừng phạt – các biện pháp trừng phạt rất quan trọng – các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi chúng ta chứng kiến những điều xảy ra. Và bây giờ chắc chắn các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi chúng ta thực sự bắt đầu giải trừ hoặc tháo dỡ các thiết bị sản xuất vũ khí hạt nhân.
Van Susteren: Đây là đài VOA và nhân dân ở Triều Tiên sẽ được nghe đài này. Ngài có muốn nói gì trực tiếp với công dân Triều Tiên không?
TT Trump: Tôi nghĩ tôi cảm thấy mừng cho họ. Ông ấy muốn làm những việc có ý nghĩa tốt cho họ và chúng tôi rất hợp nhau. Chúng tôi đã có một cuộc tương phùng tuyệt vời – cô hiểu tôi cảm thấy thế nào về cuộc hội ngộ này rồi đó. Nó rất quan trọng. Ý tôi là, tôi biết những người không có duyên hội ngộ thì cho dù quý vị làm gì đi nữa cũng không được. Chúng tôi đã có duyên với nhau ngay từ đầu, tôi đã nói về điều đó và tôi nghĩ rằng những điều tuyệt vời sẽ đến với Triều Tiên.
Van Susteren: Xin cảm ơn ngài Tổng thống, rất vui được trao đổi cùng ngài. Lặn lội từ Washington đến đây.
TT Trump: Đúng vậy. Một chuyến đi dài. Chắc cũng đến lúc tôi nên đi ngủ. Nghỉ ngơi một tí.
Van Susteren: Chúc ngài thượng lộ bình an.
TT Trump: Cảm ơn cô Greta, rất hân hạnh.
https://www.voatiengviet.com/a/voa-phong-van-tt-donald-trump-sau-cuoc-gap-kim-jong-un/4435116.html
Thỏa thuận Mỹ – Bắc Hàn ‘chỉ có tính biểu tượng’
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hôm 12/6 cam kết sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên trong khi Washington cam kết bảo đảm an ninh cho cựu thù của mình.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời một số nhà phân tích chính trị nhận định rằng các kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh “chỉ mang tính biểu tượng” và “chưa cụ thể”.
Tuyên bố chung, được ký kết vào cuối cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của họ ở Singapore, không nói nhiều về cách thức đạt được hai mục tiêu kể trên nhưng ông Trump đã nêu ra một số chi tiết tại một cuộc họp báo.
“Tổng thống Trump cam kết bảo đảm an ninh cho CHDCND Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong Un tái khẳng định cam kết vững chắc của mình về hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, tuyên bố viết.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là tên chính thức của Bắc Hàn.
Ông Trump cho biết ông tiên liệu quá trình phi hạt nhân hóa sẽ bắt đầu “rất, rất nhanh”. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và các quan chức Triều Tiên sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo “vào ngày sớm nhất có thể”, tuyên bố cho biết.
Ông Trump nói tại họp báo rằng quá trình đó sẽ được xác minh, và việc xác minh “sẽ liên quan đến sự tham gia của rất nhiều người ở Bắc Hàn”.
Ông cũng nói ông Kim đã nói với ông rằng Triều Tiên đang phá hủy một địa điểm lớn chuyên thử nghiệm động cơ sử dụng cho tên lửa, nhưng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng sẽ vẫn được duy trì ở thời điểm này.
Ông Trump cho biết các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc sẽ bị dừng lại.
Ông cho biết động thái này sẽ tiết kiệm cho Washington một khoản tiền khổng lồ và sẽ không được nối lại “chừng nào và cho đến khi nào chúng tôi thấy cuộc đàm phán trong tương lai không diễn ra như mong muốn”.
TT Trump tuyên bố ‘ngưng tập trận’ với Hàn Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/6 tuyên bố rằng Hoa Kỳ ngưng các cuộc tập trận “đầy khiêu khích” và tốn kém với Hàn Quốc để tạo điều kiện cho việc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Bắc Hàn.
Bất chấp sự phẫn nộ của Bình Nhưỡng, coi các cuộc diễn tập quy mô lớn là bước chuẩn bị để tấn công nước này, Washington và Seoul vẫn thường tiến hành thao dượt.
“Các cuộc tập trận rất tốn kém, và chúng tôi phải trả phần lớn chi phí”, ông Trump nói tại cuộc họp báo ở Singapore sau cuộc họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un hôm 12/6, theo Reuters.
“Do chúng tôi đang đàm phán, tôi nghĩ sẽ không thích hợp nếu tiếp tục tập trận”.
Trong khi đó, Reuters đưa tin, văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói rằng nước này cần phải làm rõ ý định của ông Trump.
Một phát ngôn viên được trích lời nói rằng “chúng tôi cần phải tìm hiểu chính xác ý định của Tổng thống Trump”.
Liên hiệp quốc sẵn sàng
hỗ trợ phi hạt nhân hóa Triều Tiên
Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres hoan nghênh cuộc họp dự trù giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên tại Singapore. Ông Guterres nói đây là “một diễn tiến đầy hứa hẹn cho hòa bình và an ninh thế giới.”
“Hòa bình và phi hạt nhân hóa kiểm chứng được phải là một mục tiêu chung và rõ ràng,” ông Guterres tuyên bố ngày 11/6 tại trụ sở Liên hiệp quốc.
Ông nói nếu các bên yêu cầu, các bộ phận liên hệ của hệ thống Liên hiệp quốc sẵn sàng hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa- kể cả kiểm chứng.
Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế có nhiệm vụ gìn giữ an toàn tất cả các chất liệu hạt nhân nhằm mục đích sử dụng hòa bình, kể cả các chất liệu được tách rời từ những chương trình quân sự,” ông Guterres nói.
Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế Yukiya Amano tuần qua cho biết cơ quan ông sẵn sàng tái tục các hoạt động kiểm chứng hạt nhân tại Triều Tiên nếu một thỏa thuận chính trị giúp việc này có thể xảy ra.
“Chúng tôi tiếp tục củng cố sự sẵn sàng của chúng tôi để đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm chứng chương trình hạt nhân của Triều Tiên nếu một thỏa thuận chính trị đạt được giữa các quốc gia liên hệ,” ông Amano nói với hội đồng quản trị của cơ quan.
Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong giám sát và kiểm chứng việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Năm 2003, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế phái thanh tra đến Iraq và kết luận là chính phủ nước này không có những hoạt động hạt nhân bị cấm.
“Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát Triều Tiên loan báo ngưng thử nghiệm các vụ nổ hạt nhân,” ông Guterres tuyên bố vào ngày thứ Hai 11/6.
Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện có một chế độ kiểm chứng toàn diện để đảm bảo không một vụ nổ hạt nhân nào được tiến hành mà không bị phát hiện. Quy trình này từng hoạt động tích cực trong việc báo động về những vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên trong quá khứ với những trạm quan sát ghi nhận những hoạt động địa chấn bất thường tại quốc gia này và sau dó xác nhận sự hiện diện của phóng xạ tại các trạm quan sát khu vực.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều :
Thế nào là thành công đối với Hoa Kỳ ?
Thượng đỉnh Trump-Kim rất được trông đợi diễn ra hôm nay, 12/06/2018, tại Singapore. Theo đánh giá sơ bộ của giới quan sát, riêng việc tham gia vào một hội kiến ngang hàng với tổng thống Mỹ đã là một thành công lớn với Bình Nhưỡng, vốn bị cô lập từ hơn nửa thế kỷ, cho phép Bắc Triều Tiên có được một vị trí trong cộng đồng quốc tế. Còn đối với Hoa Kỳ, yếu tố nào cho phép khẳng định thành công ? Sau đây là phần tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia, nhà ngoại giao, trước khi diễn ra cuộc thượng đỉnh.
Báo Anh Quốc The Guardian (1) tóm tắt không khí chung của thượng đỉnh Mỹ-Triều như là một hội kiến « đầy bất trắc », với những hệ lụy lớn. Hai đối tác của thượng đỉnh này đều nổi tiếng với các phản ứng khó lường đoán trong bối cảnh nghi kỵ là điểm nổi bật trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên lâu nay.
Bắc Triều Tiên, quốc gia bị cô lập trong nhiều thập niên, đã nỗ lực phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, như một phương tiện bảo đảm sự sống còn, nay tuyên bố sẵn sàng từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho đến nay chưa hề có một cam kết cụ thể.
Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho Bình Nhưỡng, để đổi lấy cam kết từ bỏ vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, bảo đảm ra sao và cam kết từ bỏ như thế nào là điều mà tổng thống Mỹ dường như rất ít chú ý. Ông Trump cũng nổi tiếng là người tự coi là chỉ tin tưởng vào trực giác mách bảo và biệt tài thương lượng của mình, mà rất ít coi trọng ý kiến của các cố vấn. Tổng thống Mỹ cũng lừng danh là người thay đổi lập trường nhanh chóng. Vậy, căn cứ vào đâu để đánh giá cuộc thượng đỉnh này là một thành công đối với Hoa Kỳ, trong trường hợp Washington tuyên bố ăn mừng chiến thắng ?
Hãng thông tấn Reuters hôm qua, 11/06, dẫn lời ông Williams Perry, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thời tổng thống Bill Clinton. Theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, bên cạnh cảm xúc hài lòng hay không – mà hai lãnh đạo Mỹ-Triều bày tỏ sau cuộc hội kiến – có hai điểm chủ yếu để đánh giá thượng đỉnh này là thành công hay thất bại với Washington.
Thông cáo chung và « các biện pháp cụ thể »
Thứ nhất là thông cáo chung phải đưa ra nguyên tắc « phi hạt nhân hóa » bán đảo Triều Tiên, và thứ hai là phải dự kiến được một tiến trình với « các biện pháp cụ thể » nhằm thực hiện mục tiêu này, và một thỏa thuận sơ bộ về « các biện pháp đầu tiên ».
Tổng thống Mỹ từng khẳng định ông sẽ cảm nhận được ngay từ phút đầu tiên, là có thể đạt được thỏa thuận với Kim Jong Un hay không. Cựu bộ trưởng Perry, người từng phụ trách các đàm phán về giải trừ hạt nhân với Bắc Triều Tiên thời Kim Jong Il – cha của Kim Jong Un, hy vọng là, về vấn đề này ông Donald Trump « có lý ». Ông kỳ vọng là nếu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận, cho phép khởi sự « một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn », thì đây sẽ là « một thành công lớn ».
Các biện pháp cụ thể của tiến trình này, theo cựu bộ trưởng Mỹ, là « quá phức tạp » để có thể được tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên bàn tới trong lần gặp này, nhưng mục tiêu lý tưởng là : cuộc hội kiến này sẽ mở đường cho việc các chuyên gia họp lại để bàn về các vấn đề kỹ thuật, mà toàn bộ tiến trình này có thể « sẽ kéo dài nhiều năm trời ».
Cựu bộ trưởng Williams Perry được coi là người dẫn dắt thành công các đàm phán với chế độ Bắc Triều Tiên cách nay một phần tư thế kỷ, từng khiến Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, để đổi lấy năng lượng, vào thời điểm đó (2).
« Hộp đen » không mở, thượng đỉnh chỉ là « trò diễn » !
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến các biện pháp phi hạt nhân hóa cụ thể. Vẫn báo Anh The Guardian dẫn lời nhà cựu ngoại giao Mỹ Robert Gallucci, người từng trực tiếp phụ trách các đàm phán với Bắc Triều Tiên đầu những năm 1990, thì điểm duy nhất đáng kể có thể coi là mấu chốt của thành công, đó là « một tuyên bố cụ thể về tiến trình phi hạt nhân hóa ». Ông nhấn mạnh, chỉ cần bấy nhiêu đã là thành công, cho dù không có thêm bất cứ kết quả nào khác, ngược lại, dù có bao nhiêu kết quả được tuyên bố, mà không có một kế hoạch cụ thể, thì kể như là Hoa Kỳ thất bại.
Theo chuyên gia Suzanne DiMaggio, giám đốc trung tâm tư vấn New America, chuyên về chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á và Trung Đông, thì biện pháp cho các thanh tra giám sát vũ khí nguyên tử quốc tế vào Bắc Triều Tiên phải được coi là « một trong các mục tiêu chủ yếu ». Đây cũng là các nhân nhượng mà Bắc Triều Tiên từng đưa ra trong những thỏa thuận với các chính quyền Mỹ trước đây. Lần này, lãnh đạo Bình Nhưỡng có thể đi xa hơn, với việc cung cấp bản thống kê đầy đủ về các bộ phận của chương trình hạt nhân quân sự, « đã công bố hoặc chưa công bố ».
Ông Boris Toucas, chuyên gia về giải trừ hạt nhân thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, chia sẻ với nhận định nói trên, với giải thích : «để thượng đỉnh có thể tuyên bố là một thành công, trước hết làm sao để ‘‘chiếc hộp đen’’ của Bắc Triều Tiên cuối cùng phải chấp nhận mở ra… Nếu không đây sẽ chỉ là một trò diễn ».
Thanh tra vào Yongbyon, ngừng làm giàu uranium
Nhiều chuyên gia nổi tiếng, trong đó có nhà khoa học nguyên tử Siegfried Hecker cảnh báo là quá trình dỡ bỏ hoàn toàn hệ thống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên là một tiến trình lâu dài, bao gồm nhiều giai đoạn, và kéo dài ít nhất là 10 năm (3). Một báo cáo mới đây mà chuyên gia Hecker là đồng tác giả, nhấn mạnh là tiến trình phi hạt nhân hóa dần dần sẽ cho phép hai bên « thiết lập sự tin cậy và nhận thức được tình trạng phụ thuộc lẫn nhau » là « điều kiện cần thiết » cho việc phi hạt nhân hóa « hoàn toàn, chắc chắn ».
Vẫn theo nhóm chuyên gia trên, việc các thanh tra quốc tế được phép vào các cơ sở hạt nhân, như cơ sở chính Yongbyon và việc ngừng toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc làm giàu uranium là các giai đoạn khởi đầu « quan trọng nhất ».
Nhà địa chính trị Pháp Mathieu Duchatel (4) cũng chung nhận xét trong vấn đề này, khi nhận định là một thỏa thuận có thể kiểm chứng được, về việc làm giàu uranium và plutonium, có thể coi là kết quả « tối thiểu », nhưng điều này chưa đủ để chính phủ Mỹ tuyên bố « thành công ». (Ông Mathieu Duchatel là phó giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu/European Council on Foreign Relations).
Theo chuyên gia Pháp, dường như Hoa Kỳ không có con đường nào khác là « chấp nhận lô gic của Bình Nhưỡng, cụ thể là nhân nhượng đáp lại nhân nhượng, với hy vọng giảm bớt không khí hoài nghi đang tiếp tục đe dọa phá hỏng tiến trình mong manh này ». Mathieu Duchatel lưu ý là « một tiến trình » phi hạt nhân hóa không thể khởi sự sau thượng đỉnh Singapore, nếu hai bên không đạt được ngay lập tức một số kết quả.
****
(1) – Ngày 05/06/2018.
(2) – Thỏa thuận 1994 tan vỡ không lâu sau đó. Một trong các lý do là do Quốc Hội Hoa Kỳ do phe Cộng Hòa kiểm soát trở lại, đã từ chối thực hiện thỏa thuận hỗ trợ năng lượng cho Bắc Triều Tiên, bài « Washington – Pyongyang : une défiance réciproque », ngày 10/06/2018.
(3) – Le Monde, 11/06/2018.
(4) – Le Monde, 12/06/2018.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180612-thuong-dinh-my-trieu-the-nao-la-thanh-cong-doi-voi-washington
Chờ đợi gì từ thượng đỉnh Trump-Kim?
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bill Perry, người đã thương thuyết với Triều Tiên cách đây một thế hệ, trông chờ 3 dấu hiệu chứng tỏ cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un thành công hay không, ông Perry nói với Reuters.
Việc đầu tiên là xem liệu hai ông có công kích cá nhân hay không.
“Tôi có thể tưởng tượng đến một tình huống mà hai nhà lãnh đạo rời hội nghị trong giận giữ, do đó hội nghị cần chấm dứt trong thân thiện,” ông Perry nói.
“Thứ hai là cần có sự đồng thuận về một số tuyên bố nguyên tắc để tiến tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, và thứ ba là cần bắt đầu tiến trình: các bước thực thụ trong đường hướng đó, nhất trí một số bước đầu tiên.”
Ông Trump từng tuyên bố là ngay phút đầu tiên sẽ biết ngay là có thể đạt được thỏa thuận với ông Kim hay không.
“Tôi hy vọng Tổng thống đúng,” ông Perry nói. Ông Perry là người thương thuyết với Triều Tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Bill Clinton trong những năm 1990.
Những cuộc thương thuyết dưới thời Tổng thống Clinton đạt được một thỏa thuận theo đó cha của ông Kim là Kim Long Il đồng ý từ bỏ một chương trình hạt nhân để được nước ngoài cung cấp năng lượng.
Thỏa thuận sụp đổ dưới thời Tổng thống George W. Bush, người kế nhiệm ông Clinton. Ông Bush cho rằng Bình Nhưỡng gian dối. Ông Bush nỗ lực đạt được một thỏa thuận mới nhưng chưa bao giờ thành công và Triều Tiên kể từ đó công khai theo đuổi vũ khí hạt nhân.
“Tôi nghĩ không sai nếu bắt đầu với những ý niệm lớn trước và sau đó làm việc về chi tiết,” ông Perry nói. “Nếu họp thượng đỉnh đưa đến kết quả là một thỏa thuận bắt đầu tiến trình dẫn tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, thì đây là một thành tựu quan trọng.”
Ông Perry nói thêm các chi tiết trên thực tế quá phức tạp để ông Trump và ông Kim có thể thảo luận chi tiết, và lý tưởng nhất là cuộc họp thượng đỉnh sẽ mở đường cho cuộc họp của các giới chức về các khía cạnh kỹ thuật, một tiến trình có thể mất “vài năm.”
Ông Perry phát biểu bên lề hội nghị Diễn đàn hạt nhân Luxembourg tại Geneva. Trong bài diễn văn tại hội nghị, ông Perry nói các nhà lãnh đạo Triều Tiên bị thúc đẩy bởi khao khát được tại vị.
Khi ông Perry thương thuyết với Triều Tiên, nước này công khai tìm những lợi ích kinh tế cho nền kinh tế mong manh của họ. Tuy nhiên điều họ thực sự chú trọng đến là bình thường hóa các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Ông Trump sẽ rất khôn ngoan nếu chứng tỏ sẵn sàng cung cấp điều gì đó trong đường hướng ấy, ông Perry nói, nhưng nhượng bộ nên làm dần dần, bắt đầu với bước thiết lập sự hiện diện ngoại giao của Mỹ làm việc tại tòa đại sứ một nước khác.
Vẫn theo lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Perry, phải yêu cầu Triều Tiên tái gia nhập Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân mà họ đã rút chân vào năm 1994 và buộc họ gia nhập Hiệp ước Cấm thử nghiệm toàn diện, dù Hoa Kỳ không phải là một thành viên trong đó.
https://www.voatiengviet.com/a/cho-doi-gi-tu-thuong-dinh-trump-kim/4434724.html
Singapore có dành ngoại giao ‘hoa lan’
cho Trump-Kim?
Các nguyên thủ quốc gia, các nhân vật Hoàng gia, và những người nổi tiếng ghé thăm Singapore, trước khi ra về, tên tuổi của họ thường được đặt cho một loài hoa lan đặc biệt, quốc hoa của đảo quốc nhỏ bé nhưng thịnh vượng ở Đông Nam Á này.
Hoa lan mang tên Barack và Michelle Obama, cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân, có nhụy vàng kem và các cánh hoa uốn lượn.
Hoa lan mang tên Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc có những đốm nhỏ đo đỏ trên nền hồng tươi sáng.
Còn hoa lan Nelson Mandela thì có màu vàng cam đậm và đầu nhọn.
Các nhà thực vật học, giới truyền thông, và giới phân tích đang hiếu kỳ trông xem liệu Singapore có áp dụng ‘ngoại giao hoa lan’ với Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un khi họ ngồi vào bàn họp thượng đỉnh lịch sử vào ngày 12/6 tại Singapore hay không.
Theo Nicholas Fang, giám đốc các vấn đề an ninh và toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế sự vụ của Singapore, cho rằng nước chủ nhà có thể thực hiện điều đó bên lề sự kiện như một biểu hiện thiện chí và hữu nghị.
“Kiểu ngoại giao mềm mỏng này là nét độc đáo của người Singapore,” ông Fang nói. “Dù là dành cho mỗi nhà lãnh đạo một hoa lan hoặc là một nhành hoa đánh dấu thượng đỉnh chung, chúng ta sẽ phải chờ xem.”
Các hoa lan đặc biệt dành cho các vị khách đặc biệt được trưng bày trong Vườn thực vật, nằm bên rìa Tây của khu vực đặc biệt dành cho thượng đỉnh.
Thượng đỉnh ngày 12/6 nhằm khởi sự cuộc thảo luận về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của quốc gia Triều Tiên cô lập và đói nghèo để đổi lấy các lợi ích ngoại giao và kinh tế và mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Singapore chưa công khai bất kỳ kế hoạch nào trao tặng hoa lan cho ông Kim hoặc ông Trump.
Ngoại giao hoa lan đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ song phương, cơ quan điều hành các khu Vườn thực vật Nparks cho biết. Hơn 200 loài hoa lan đã được đặt tên theo các nhân vật nổi tiếng.
Thân phụ và ông nội của ông Kim Jong Un đều được đặt tên cho quốc hoa “Kimjongilia” và “Kimilsungia” tại Triều Tiên. Hai loài hoa này được trồng tỉa cẩn thận trong một sảnh đường triển lãm ở thủ đô Bình Nhưỡng khai trương từ năm 2002.
Đương kim lãnh tụ Kim Jong Un chưa được đặt tên cho loài hoa nào.
Hoa lan mới nhất được Singapore đặt tên là hoa Dendrobium Narendra Modi, ghi dấu chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn tới đây trong tháng này.
Trong số các lãnh đạo nước ngoài khác cũng được đặt tên cho hoa lan có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte.
Nhiều hoa lan cũng được Singapore đặt theo tên các thành viên Hoàng gia Anh, mới đây nhất là Thái tử Charles cùng vợ là bà Camilla vào năm 2017. Ngôi sao ca nhạc Elton John cũng có một loài lan mang tên ông.
“Khi Singapore đặt tên hoa lan theo một nhà lãnh đạo nước ngoài, thường thường là những loài lan lai giống,” một trong những nhân viên của Vườn ươm Woon Leng chuyên về hoa lan cho biết.
“Hoa lan lai giống rất khó trồng, ít nhất phải 5 năm. Đó là lý do tại sao việc này mang tính quý hiếm và độc đáo. Tiến trình ấy hết sức là giá trị.”
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/singapore-co-danh-ngoai-giao-hoa-lan-cho-trump-kim-/4434290.html
Họp Trump-Kim:
Truyền thông quốc tế chen chân về Singapore
Ký giả trên toàn thế giới tề tựu về Trung tâm Truyền thông Quốc tế ở Singapore khi trung tâm này chính thức mở cửa vào ngày 10/6 trước cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Dự kiến hơn 2.500 nhà báo sẽ có mặt tường thuật về sự kiện này từ Tòa nhà F1 Pit, với những màn ảnh truyền hình trực tiếp các cuộc họp thượng đỉnh.
Ký giả Carrie Nooten thuộc Đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI nói:
“Thật hiếm khi thấy nhiều nhà báo như vậy tại Singapore. Đây là một đảo nhỏ mà nhiều người không quan tâm đến, không thu hút đông đảo quần chúng. Tôi nghĩ có đến 5.000 nhà báo nạp đơn xin tham gia tường trình, nhưng chỉ 2.500 người có chỗ tại trung tâm truyền thông, do đó có được một chỗ tại trung tâm này thật đắt tiền. Tuy nhiên quan trọng là sự kiện thượng đỉnh, không phải là Singapore, mà là sự kiện lịch sử. Đây là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất tại vùng này trong 15 năm qua, do đó không có gì ngạc nhiên đối với tôi về con số đông đảo nhà báo tham dự.”
Ông Trump và ông Kim gặp nhau vào ngày 12/6 trong cuộc họp thượng đỉnh lịch sử. Chủ đề thảo luận xoay quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và viện trợ kinh tế của Washington.
Singapore siết chặt an ninh
trước thượng đỉnh Trump-Kim
Không phải ngẫu nhiên Singapore được chọn là nước tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Một lý do chính: Singapore rất an toàn và được kiểm soát chặt chẽ. Trên thực tế, Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới, một phần là nhờ hệ thống theo dõi tỏa khắp.
Singapore tự quảng bá là “quốc gia thông minh” đầu tiên trên thế giới. Và dễ dàng nhận thấy nguyên nhân.
Đây là một nước siêu kết nối. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy người Singapore bỏ ra gần 13 giờ một ngày trên các máy móc kỹ thuật số.
Tất cả các công nghệ này giúp cho chính phủ ở đây theo dõi được mọi chuyện. Một cách để làm việc này là bằng các máy camera an ninh. Thực vậy, bất kể bạn ở nơi nào trên đất nước Singapore, bạn không cần phải tìm kiếm đâu xa để thấy rằng một người nào đó đang quan sát mình.”
Có máy camera ở khắp mọi nơi và đây là những máy lớn.
Và dĩ nhiên, không nhất thiết là bất bình thường.
Tại Singapore, chính phủ có thể theo dõi- kể cả những cú điện thoại, điện thư và những cuộc thảo luận riêng tư khác-mà không cần trát tòa.
Điều đó biến Singapore thành nơi hoàn hảo để tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh quốc tế nhạy cảm.
Ông Phil Robertson, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền:
“Singapore có thể đảm bảo là sẽ không có cuộc biểu tình nào chống ông Donald Trump. Sẽ không có cuộc biểu tình nào chống ông Kim Jong Un. Sẽ không có mối đe dọa an ninh nào vì mọi chuyện được theo dõi liên tục.”
Singapore là một trong nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Theo khảo sát của Gallup, trong 5 năm liên tiếp, người Singapore cho biết là họ cảm thấy an toàn hơn bất cứ cư dân nước nào.
Ồn định giúp mang lại phồn thịnh, biến Singapore trở thành một thủ đô tài chánh toàn cầu. Tuy nhiên không phải tất cả đều tốt đẹp.
Ông Phil Robertson:
“Chắc chắn việc theo dõi không chỉ nhằm chống tội phạm, mà họ duy trì lâu nay, mà còn vì lý do chính trị nữa. Họ muốn theo dõi hành tung của phe đối lập, của các nhà hoạt động.”
Các nhà hoạt động như ông Jolovan Wham, một trong những tiếng nói chỉ trích chính phủ Singapore được nhiều người biết đến, cho rằng:
“Nếu bạn là một nhà hoạt động hay một chính trị gia, bạn phải tự biết là mọi chuyện bạn nói, mọi chuyện bạn làm, và ngay cả những cuộc trao đổi trên điện thư với bạn bè, họ đều tiếp cận được. Vì theo dõi là một phần của đời sống tại Singapore, đặc biệt nếu bạn là một người chỉ trích đảng cầm quyền.”
Năm ngoái, ông Wham bị truy tố vì tổ chức những cuộc biểu tình không được phép. Chúng tôi nói chuyện tại Công viên Hong Lim. Đây là nơi duy nhất tại Singapore mà bạn được phép biểu tình khi có giấy phép.
Ông Wham nói “Đây tại công viên Hong Lim, máy thu hình ở khắp mọi nơi, nhằm đe dọa, tạo ra văn hóa sợ hãi và kiểm duyệt.”
Chính phủ Singapore không trả lời yêu cầu bình luận của VOA.
Trên tổng thể rất ít có bất đồng chống lại đảng cầm quyền, vốn chi phối nền chính trị Singapore nhiều thập niên qua.
Đây là một trong những quốc gia dễ chịu nhất thế giới, phồn thịnh và dồi dào an ninh.
https://www.voatiengviet.com/a/singapore-siet-chat-an-ninh-truoc-thuong-dinh-trump-kim/4434233.html
Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Nhật Bản thất vọng
Phản ứng về hội nghị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un ngày hôm nay, 12/06/2018 tại Singapore, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hoan nghênh tuyên bố về thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được hai nước ký kết, xem đó là « một bước đầu… tiến tới việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên ».
Tuy nhiên, thủ tướng Nhật Bản cũng tỏ ý thất vọng và tỏ vẻ trách cứ Mỹ đã thiếu quan tâm đến quyền lợi đồng minh. Thông tín viên RFI Frédéric Charles ghi nhận từ Tokyo :
“Dù hy vọng, nhưng thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng không quên là các cuộc họp với Bắc Triều Tiên trước đây đều không dẫn đến kết quả phi hạt nhân hóa bán đảo.
Trong chính giới Nhật, người ta cũng ghi nhận là thượng đỉnh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trước tiên hết là một vấn đề song phương, và ông Donald Trump không quan tâm đến quyền lợi của đồng minh.
Đối với người dân bình thường ở Tokyo thì cuộc họp thượng đỉnh này không khác gì một màn kịch Kabuki truyền thống của Nhật Bản, nghĩa là mang tính nhất thời hơn là một hồi kết.
Một doanh nhân ở Tokyo cho rằng ông không tin tưởng vào sự thành thật của Donald Trump và Kim Jong Un. Nhật Bản, đồng minh thân thiết nhất, trung thành nhất của Mỹ ở Châu Á, ngày nay cảm thấy rất lẻ loi”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180612-thuong-dinh-my-trieu-nhat-ban-that-vong
Kim Jong Un thắng trận đầu
trong chiến lược hội nhập quốc tế
Với cú bắt tay lịch sử với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12/06/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thực hiện được bước thứ nhất trong tham vọng của ông nội Kim Nhật Thành : nước Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên, được thế giới công nhận như là một thành viên thực thụ, 70 năm sau ngày thành lập.
Từ một chế độ bị xem là « côn đồ », giới lãnh đạo bị nước ngoài trêu chọc, Bắc Triều Tiên tuy chưa trở thành một nước được nể trọng, nhưng ít ra đã được xem là « có thể giao thiệp được». Được tổng thống siêu cường số một bắt tay, hội kiến ngang hàng trong suốt buổi sáng thứ Sáu 12/06/2018 tại Singapore và khen ngợi là một người thông minh, Kim Jong Un từ nay là một nhà lãnh đạo « đáng quý ».
Để được kết quả này, Bắc Triều Tiên nhờ vào công lao của hai người. Theo phân tích của nhà báo Pháp Philippe Pons (Le Monde 12/06/2018), trước tiên là tham vọng của Kim Nhật Thành, ước mơ trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền và sự sinh tồn của chế độ chính trị. Giấc mơ này vừa được cháu nội Kim Jong Un thực hiện : với khả năng chế tạo bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bắc Triều Tiên được Mỹ xem là đáng gờm.
Vào năm 2011, mới 27 tuổi, Kim Jong Un lên thay cha là Kim Jong Il từ trần vì bạo bệnh. Thay vì chấp nhận số phận bù nhìn trong bàn tay của một nhiếp chính vương, « ấu chúa » Kim Jong Un, học trung học tại Thụy Sĩ và trường Võ bị Kim Nhật Thành, nhanh chóng tỏ ra là một người sắt thép, thô bạo : thanh trừng hàng ngũ tướng lãnh, giết chú dượng và anh trai bị nghi là « nội gián » cho Trung Quốc. Nắm cả quân đội lẫn đảng Lao động trong tay, Kim tập trung vào hai mặt trận : kinh tế và vũ khí hạt nhân.
Thoát ngõ cụt…
Sự kiện Bình Nhưỡng nhẫn nhịn để được Washington chấp nhận thương lượng, theo đề nghị « đánh đổi hạt nhân với bỏ cấm vận kinh tế » chứng tỏ Kim Jong Un đủ tự tin để mở mặt trận thứ ba : mặt trận ngoại giao.
Do vậy, thái độ cởi mở của Bắc Triều Tiên từ đầu năm nay, mà dấu ấn đầu tiên là thông điệp đầu năm dương lịch, tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông, ngưng thử vũ khí, gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hai lần, không phải là những quyết định ngẫu hứng hay do nhu cầu tình thế.
Trong các cuộc diện kiến với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lãnh đạo Kim Jong Un đã hoàn toàn thay đổi phong cách. Vóc dáng của một bạo chúa máu lạnh đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh một người vui vẻ, lịch thiệp trò chuyện và biết mình muốn gì và hướng đến đâu.
Cho đến giờ phút này, mặt trận ngoại giao của Bắc Triều Tiên được ba yếu tố thuận lợi : tiến bộ về hạt nhân, tên lửa, chủ trương đối thoại của tổng thống Hàn Quốc và nhất là cả Bình Nhưỡng và Seoul đều ý thức nguy cơ chiến tranh toàn diện, nếu Donald Trump đánh thật.
Tuy nhiên, đối với Kim Jong Un, hoà giải được với Mỹ cũng hàm chứa nhiều bất trắc đe dọa chế độ. Chắc chắn là Kim cũng tiên liệu một số hiểm nguy này : các đợt thanh trừng hàng ngũ chứng tỏ có đối kháng từ bên trong chế độ.
Nguy hiểm thứ hai, đến từ nhân dân Bắc Triều Tiên : từ thập niên 1950 đến nay, Bình Nhưỡng sử dụng mối đe dọa của Mỹ để biện minh cho chính sách cô lập, tước đoạt các quyền tự do, dân chủ.
… chuẩn bị vào ngõ quanh
Với chiến thắng ngoại giao, mối đe dọa từ ngoài không còn nữa, triều đại họ Kim phải tìm một « tính chính đáng mới » trong bối cảnh người dân, sau nhiều thập niên thiếu đói, đang trông chờ những thay đổi thấy được trong cuộc sống. Để được danh hiệu cường quốc đúng nghĩa, bên cạnh sức mạnh quân sự, Bắc Triều Tiên cần phục hưng kinh tế và buộc phải mở cửa.
Theo phân tích của nhà báo Philippe Pons, giai đoạn chuyển tiếp sẽ làm cho chế độ khép kín mất đi vũ khí lợi hại nhất : đó là bịt mắt dân chúng không cho tiếp cận với thực tế của thế giới bên ngoài.
Chuyển tiếp theo mô hình Trung Quốc, nới lỏng từ từ và có kiểm soát, sẽ là « trận đánh thứ hai » của Kim Jong Un. Được Mỹ bảo đảm an toàn, nhưng trận chiến sắp tới sẽ gay go hơn nhiều vì đối tác, nếu không khéo sẽ trở thành đối thủ, không phải là một tổng thống Mỹ, mà chính là người dân Bắc Triều Tiên. Một ngõ quanh đang chờ Kim chủ tịch.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180612-kim-jong-un-thang-tran-dau-trong-chien-luoc-hoi-nhap-quoc-te
Phi hạt nhân hóa Triều Tiên : Những cơ hội bị bỏ lỡ
Nội dung chính cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Donald Trump – Kim Jong Un tại Singapore, ngày 12/06/2018, là vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và từ hàng chục năm nay, Washington đã tìm cách hóa giải mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Từ cuối những năm 1980, Hoa Kỳ tố cáo Bắc Triều Tiên tìm cách trang bị vũ khí nguyên tử. Năm 1994, ba tháng sau khi người sáng lập ra Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Kim Nhật Thành, qua đời, một thỏa thuận song phương đã được ký kết : Bình Nhưỡng sẽ đình chỉ chương trình hạt nhân quân sự, đánh đổi với việc được cung cấp hai lò phản ứng phục vụ mục đích dân sự và mỗi năm sẽ nhận được 500 tấn dầu. Thế nhưng, các lò phản ứng này không bao giờ được xây dựng và việc tiếp tế nhiên liệu bị chậm trễ. Phải đợi đến năm 2000, Hoa Kỳ mới bãi bỏ một vài biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Năm 2002, tổng thống Bush tố cáo Bắc Triều Tiên bí mật làm giàu uraniuam và xếp nước này vào « trục tội ác ». Đáp trả, Bình Nhưỡng thông báo tái khởi động chương trình hạt nhân và năm 2006, tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.
Vòng đàm phán sáu bên (gồm hai nước Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Nhật, Mỹ) về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên được nối lại. Bình Nhưỡng chấp nhận « không kích hoạt » chương trình hạt nhân nữa. Đổi lại, Hoa Kỳ cam kết cung cấp năng lượng và đưa ra các bảo đảm về an ninh cho chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng vào năm 2009, khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa với danh nghĩa đưa vệ tinh lên quỹ đạo, Liên Hiệp Quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới. Do vậy, Bình Nhưỡng tái kích hoạt chương trình hạt nhân và tiến hành vụ thử thứ hai.
Từ thời điểm đó trở đi, Liên Hiệp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt theo nhịp độ Bắc Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, và các hoạt động này của Bình Nhưỡng gia tăng mạnh mẽ, kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền vào cuối năm 2011.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180612-phi-hat-nhan-hoa-trieu-tien-nhung-co-hoi-bi-bo-lo
CHÂU Á
Tập Cận Bình đã ”đẩy” Kim Jong Un
vào ”vòng tay” Donald Trump
Cách đây một năm, không ai có thể hình dung được lãnh đạo Bắc Triều Tiên và tổng thống Hoa kỳ có thể tiếp xúc trực tiếp với nhau như vậy. Việc Bình Nhưỡng thay đổi chính sách đối ngoại và mong muốn xích lại gần Washington một phần nào đó có thể là do vị tổng thống Mỹ vốn có lối nói năng thẳng tuột và thích gây gổ, không theo chuẩn mực ngoại giao thông thường. Tuy nhiên, chắc chắn đó cũng là do mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã xấu đi.
Từ Singapore, thông tín viên RFI Carrie Nooten giải thích :
« Trong một thời gian dài, Trung Quốc từng là đồng minh chính của Bắc Triều Tiên, là trung gian giữa Bắc Triều Tiên với phần còn lại của thế giới. Nhưng từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, ở sau hậu trường, quan hệ giữa hai nước không ngừng xấu đi.
Về phía Trung Quốc, ngay từ đầu, Tập Cận Bình đã có ý coi thường lãnh đạo trẻ Kim Jong Un. Gần đây, Bắc Kinh đã gây sức ép với Kim bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt mới mà Liên Hiệp Quốc thông qua.
Có thể thấy được các căng thẳng giữa hai nước khi quan sát các vụ thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông Pascal Vennesson, giáo sư Khoa học chính trị tại Trường quan hệ quốc tế Rajaratnam (RSIS) của Singapore giải thích : « Bắc Triều Tiên đã tìm cách tổ chức các vụ thử nghiệm hạt nhân vào đúng những thời điểm có thể khiến Bắc Kinh lâm vào cảnh khó xử, chẳng hạn khi Trung Quốc tổ chức các thượng đỉnh về dự án phát triển kinh tế ở châu Á, hoặc như khi Bắc Kinh tổ chức các diễn đàn quốc tế lớn. Đó là những dấu hiệu cho thấy có những căng thẳng giữa hai Nhà nước. »
Về phía Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un chắc chắn là lo ngại về việc Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng lớn trên bán đảo Triều Tiên và về việc Bắc Triều Tiên phải lệ thuộc vào Trung Quốc và do vậy, khó phát triển được. Giáo sư Pascal Vennesson cho biết tiếp : « Kể từ khi chế độ Bắc Triều Tiên chú trọng phát triển kinh tế, Bình Nhưỡng phải tìm các đối tác mới để đảm bảo có được sự ổn định thông qua nhiều lĩnh vực khác, chứ không phải chỉ dựa vào lá bài an ninh hoặc quân sự. »
Ngay cả khi rất khó có thể đoán định được ý đồ của một trong những chế độ khép kín nhất thế giới, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng Bình Nhưỡng đã cho Bắc Kinh thấy họ có ý định vượt khỏi tầm kiểm soát của Trung Quốc, khi ám sát người chú dượng và người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong Un, hai nhân vật vốn đều được Trung Quốc bảo vệ. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180612-tap-can-binh-da-day-kim-jong-un-vao-vong-tay-donald-trump
Con gái con rể Trump kiếm 82 triệu đô sau một năm
Con gái và con rể tổng thống Donald Trump kiếm được 82 triệu USD từ kinh doanh, đầu tư trong năm đầu tiên làm cố vấn cao cấp trong Nhà Trắng.
Bà Ivanka Trump và ông Jared Kushner nhận chức vụ không ăn lương để làm cố vấn cho cha họ.
Ivanka Trump ‘ngồi thế chỗ bố’ tại G20
5 điều cần biết về con gái tổng thống Mỹ
Các con ông Trump làm cố vấn cho cha?
Nhưng họ cũng đầu tư vào bất động sản và bà Ivanka có thu nhập 3,9 triệu USD từ cổ tức trong hệ thống khách sạn Trump International, và 5 triệu từ thương hiệu riêng.
Bà Ivanka cũng có thu nhập 2 triệu USD năm 2016 từ Trump Organisation và 289 nghìn USD tiền đặt trước cho cuốn sách ‘Women Who Work’.
Số liệu được công bố cũng nói ông Kushner kiếm được 5 triệu USD từ một khu căn hộ ở New Jersey.
Theo Washington Post, tài sản của ông Kushner trong năm 2017 được ước tính vào khoảng từ 179 triệu đến 735 triệu.
Bà Ivanka Trump có từ 55,3 triệu đến 75,6 triệu, theo phân tích của tờ báo Mỹ.
Theo BBC News, các khoản tiền thu nhập của con gái và con rể tổng thống Mỹ đặt ra câu hỏi về ‘xung đột lợi ích’.
Hai người đã không còn đóng vai trò điều hành công việc hàng ngày trong các công ty của họ sau khi vào Nhà Trắng làm việc cho tổng thống Trump.
Ông Kushner, nhà đầu tư địa ốc, đã chuyển bớt một phần đầu tư thương mại sang chỗ khác.
Ái nữ của tổng thống
Sinh năm 1981, Ivanka là con gái của tỷ phú Donald Trump và người vợ đầu, bà Ivana.
Sau khi cha mẹ ly hôn năm cô bé mới 10 tuổi, Ivanka đã vào học trường nội trú cho con nhà giàu nhưng gọi đó là ‘nhà ngục’.
Ivanka sau đó theo nghiệp mẹ (Ivana, người gốc Czech) làm người mẫu.
Xuất hiện lần đầu trên bìa tạp chí Seventeen năm 1997, Ivanka Trump tiếp tục quảng cáo thời trang cho Versace, Marc Bouwer, Thierry Mugler, Tommy Hilfiger, Sassoon Jeans.
Năm 2007, Ivanka Trump gặp Jared Kushner, doanh nhân New York.
Forbes đánh giá Jared Kushner cùng em trai Josh và cha mẹ họ Charles and Seryl có tài sản ít nhất 1,8 tỷ USD và hơn một nửa là nằm trong bất động sản.
Năm 2009, Ivanka cưới Jared và vào đạo của nhà chồng là Do Thái giáo và đến 2017 họ có ba con.
Những e ngại về chuyện kinh doanh của nhà Trump bị lẫn lộn vào chính trị và gây xung đột lợi ích đang là đề tài thường được truyền thông Hoa Kỳ đề cập.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-44458181
Chính phủ Trump trừng phạt 5 công ty Nga
vì đột nhập qua mạng
Washington DC – CBS News cho biết hôm qua chính phủ Donald Trump ra lệnh trừng phạt đối với một số công ty và thương gia người Nga, vì tham gia vào các cuộc tấn công mạng, hỗ trợ các cơ quan tình báo và quân sự Nga, cùng với nhiều hoạt động độc hại khác.
Bộ Tài Chính cho biết họ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 5 công ty Nga và 3 giám đốc điều hành, theo một dự luật được thông qua vào năm ngoái, và theo một lệnh điều hành nhằm trừng phạt nỗ lực đột nhập vào hệ thống máy điện toán của Hoa Kỳ. Biện pháp trừng phạt gồm đóng băng mọi tài sản mà họ có trong các khu vực pháp lý của Hoa Kỳ, đồng thời cấm người Mỹ kinh doanh với họ.
Trong một tuyên bố, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Steven Mnuchin cho biết Hoa Kỳ nỗ lực chống lại các nhóm tin tặc đang làm việc theo mệnh lệnh của Nga, và của các đơn vị tình báo và quân sự Nga, nhằm tăng cường khả năng tấn công mạng lưới Internet ở Hoa Kỳ. Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty Nga đang gây nguy hiểm cho an toàn và an ninh của Hoa Kỳ, cũng như của các đồng minh thân cận.
Theo CBS News, các biện pháp trừng phạt là phản ứng sau nhiều đợt tấn công mạng đã xảy ra, gồm cuộc tấn công vào mạng NotPetya vào năm ngoái, xâm nhập vào mạng lưới năng lượng của Hoa Kỳ, cơ sở hạ tầng mạng Internet toàn cầu. Bộ Tài Chính xác nhận Nga đang theo dõi hệ thống cáp dưới biển, là nơi chứa phần lớn dữ liệu viễn thông của toàn thế giới. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-trump-trung-phat-5-cong-ty-nga-vi-dot-nhap-qua-mang/
Đài Loan tin tưởng các viên chức cấp cao Hoa Kỳ
sẽ đến thăm văn phòng đại diện mới
Đài Bắc, Đài Loan – Các chính trị gia Đài Loan kỳ vọng rằng, các viên chức nội các Hoa Kỳ sẽ đến thăm hòn đảo này vào mùa thu, dù Washington đã không gởi bộ trưởng nào đến dự lễ khánh thành văn phòng đại diện, mà thực chất là tòa đại sứ của Hoa Kỳ tại Đài Bắc.
Lễ khánh thành Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan AIT bắt đầu lúc 9 giờ sáng Thứ Ba 12 tháng 6. Cơ sở này sẽ là văn phòng đại diện của Hoa Kỳ tại đảo Đài Loan, do hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức. Tổng chi phí xây dựng viện AIT là 250 triệu Mỹ kim.
Viên chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ tham dự lễ khánh thành là bà Marie Royce, phụ tá Ngoại Trưởng về vấn đề giáo dục và văn hóa. Bà cũng là vợ của ông Ed Royce, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Vụ Thượng Viện, một người bênh vực Đài Loan lâu năm. Dân Biểu liên bang Gregg Harper, đồng chủ tịch hội dân biểu ủng hộ Đài Loan tại Quốc Hội Hoa Kỳ, là một trong các khách mời danh dự.
Do diễn ra vào ngày 12 tháng 6, không có gì ngạc nhiên khi lễ khai trương viện AIT bị che mờ bởi cuộc họp lịch sử giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, diễn ra tại Singapore. Washington từng muốn gởi viên chức cấp bộ trưởng đi dự lễ khánh thành viện AIT, nhưng sau cùng đã không thực hiện ý định này, nhằm tránh chọc giận Trung Cộng, quốc gia có ảnh hưởng rất lớn với Bắc Hàn.
Các nhà lập pháp Đài Loan cho biết, họ chấp nhận việc không có bộ trưởng Hoa Kỳ nào dự lễ khánh thành viện AIT. Tuy nhiên, khi viện này chính thức mở cửa vào tháng 9, Đài Bắc hy vọng Washington sẽ gởi các viên chức cấp cao tham dự, vì dù sao, cơ sở này cũng đại diện cho quan hệ chiến lược lâu năm giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. (Mộc Miên)