Tin Biển Đông – 09/06/2018
Biển Đông: Mỹ Quyết Đối Đầu Với Trung Cộng
Vi Anh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 31/05/2018 tuyên bố khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với những hành động quân sự hóa của Trung Cộng [TC] tại Biển Đông.
Tờ báo The Wall Street Journal ngày 30-5 cho biết, chính Ông Mattis là người ra quyết định loại tên TC khỏi danh sách mời tham gia cuộc tập trận chung đa quốc gia Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 vì “không tuân thủ luật quốc tế”.
Tướng Mattis nói chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2015 cam kết TQ “sẽ không theo đuổi quân sự hóa tại khu vực”. Tuy nhiên, Ông Bình phản bội lời cam kết, “hồi tháng trước chúng tôi chứng kiến họ lại làm đúng như thế, di chuyển vũ khí đến các vị trí chưa từng có”. Thời gian vừa qua, dư luận quốc tế hết sức lo ngại khi Trung Quốc khai triển hàng loạt khí tài quân sự như tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình đối hạm và thiết bị phá sóng viễn thông tới những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị nước này chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo. Trung Quốc còn cho máy bay ném bom hạng nặng H-6K diễn tập cất và hạ cánh trên một đường băng được cho là nằm trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Khi họ có những hành động như thế, chúng tôi không thể tiếp tục hợp tác với họ trong những lĩnh vực tiềm năng”, Bộ trưởng Mattis phát biểu. Ông nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục thách thức hành vi quân sự hóa Biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế mà chính quyền Bắc Kinh theo đuổi bất chấp sự phản đối của thế giới.
Vài ngày trước, hai tàu chiến Mỹ mang hoả tiễn hành trình Tomahawk gồm khu trục USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam đã đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh nhiều thực thể địa lý đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa trong chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOP). Theo Reuters, 2 tàu này lần lượt đi qua đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm.
Đài CBS dẫn lời giới chức hải quân Mỹ cho hay Trung Quốc đã điều động tàu chiến bám theo hai tàu chiến Higgins và Antietam “một cách thiếu chuyên nghiệp”.
Theo ông Christopher Logan phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Mỹ có bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc đã thiết lập hỏa tiễn chống chiến hạm, hỏa tiễn đất đối không và các máy phá sóng điện tử trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ông Logan cho biết “Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của diễn tập RIMPAC”.Việc Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC là phản ứng sơ khởi về các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mattis tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động diễn tập hải quân với tần suất “đều đặn” để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông cho biết thêm sẽ lên tiếng về vấn đề này khi tham gia sự kiện Đối thoại Shangri-La tại Singapore từ ngày 1–2 tháng 6.
Thêm vào đó Mỹ không lâu trước đây TT Trump tuyên bố mở chiến lược ‘Ấn Độ- Thái Bình Dương Tự Do Mở’. Từ đó Bộ Tư Lịnh Lực Lượng Mỹ ở Thái bình dương, sẽ đổi tên là Bộ Tư Lịnh Ấn độ Thái Bình Dương Mỹ. Quyết định đổi tên này nói lên chiến lược an ninh mới của Mỹ đối với khu vực với sự hợp tác của các đồng minh, đối tác có lập trường phòng chống TC ở Biển Đông cứng rắn như kim cương gồm Mỹ, Nhật, Ấn và Úc.
Ngày 30-5, đô đốc Philip Davidson chính thức tiếp nhận vị trí chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) thay đô đốc Harry Harris, người vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử làm đại sứ tại Hàn Quốc.
Một hành động của Mỹ rõ rệt chống TC nhứt là Mỹ loại không mời TC tham gia cuộc tập trận RIMPAC lớn nhứt thế giới. Trái lại Mỹ mời VNCS tham gia. Hải quân Hoa Kỳ thông báo này hôm 30 tháng 05 năm 2018 và VN đã hồi báo chấp nhận tham gia tập trận RIMPAC 2018 tại Hawaii. Đây là lần đầu tiên VN được mời tham gia cuộc tận trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2018. Còn TQ đã tham gia tập trận hai lần hồi năm 2014 và 2016, nhưng năm 2018 bị Mỹ loại bỏ ra ngoài.
Được biết RIMPAC được tổ chức 2 năm một lần vào khoảng tháng 6-7 tại Hawaii, được coi là cuộc diễn tập quân sự quốc tế trên biển lớn nhất trên quy mô toàn cầu. Hải quân Hoa Kỳ cho biết, cuộc tập trận RIMPAC 2018 kỳ này sẽ diễn ra từ ngày 27 tháng 6 đến ngày 2 tháng 8 tại khu vực quần đảo Hawaii và phía Nam bang California của Mỹ. Tổng cộng có 26 nước, 47 tàu chiến, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ sẽ tham gia cuộc tập trận này.
Trong khi Tổng Thống và Quân Lực Mỹ cương quyết đối đấu với TQ đồng thời Thượng Viện Mỹ một nhóm ba thượng nghị sỹ thuộc cả hai Đảng ký tên và gửi thư cho tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo thúc giục chính quyền của Tổng thống Donald Trump có hành động cứng rắn hơn để đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đồng thời bày tỏ ‘quan ngại nghiêm trọng’ trước các hành động gần đây của Bắc Kinh. Thư có đoạn “Chúng tôi tin rằng có sự ủng hộ phi đảng phái trong Quốc hội đối với việc có hành động mạnh mẽ đáp lại việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông,” các thượng nghị sỹ viết trong lá thư đề ngày 24/5.
Chưa hết Mỹ còn siết “Mỹ siết chặt visa với sinh viên Trung Quốc theo các ngành STEM”, theo tin VOA. Sinh viên cao học Trung Quốc sẽ bị giới hạn với visa có thời hạn 1 năm, đặc biệt là những người tham gia vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (gọi tắt là STEM). Công dân Trung Quốc làm việc tại các công ty có tên trong danh sách đặc biệt của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cần phải qua quá trình duyệt thị thực đặc biệt của nhiều cơ quan khác nhau của Hoa Kỳ. Và gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy việc cấp thị thực cho các công dân Trung Quốc đã được siết chặt, giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Thêm vao đó, Đồng minh Tây phương của Mỹ cũng vào Á châu Thái bình dương để bảo vệ tự do hàng hải trên con đường hàng hải huyết mạch đi qua Biển Đông. Pháp hồi 20/10/2017, điều chiến hạm Auvergne, mới nhất của Hải quân Pháp, đi làm nhiệm vụ tại Biển Đông, hướng về quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm một phần lớn và quân sự hoá. Mới đây ngày 01/06/2018 hai chiến hạm Pháp đã đến Việt Nam ghé cảng 5 ngày: Tàu đổ bộ-chỉ huy-chở trực thăng Dixmude đến neo đậu tại cảng Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu, còn khinh hạm tàng hình Surcouf thì ghé cảng Sài Gòn. Theo đại sứ Pháp tại Việt Nam: “Đây là năm thứ ba tàu chiến Pháp ghé cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt năm nay, hai bên sẽ diễn tập chung trên biển và thực hiện nhiều hoạt động giao lưu và huấn luyện”. Hải quân Pháp thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên đến tận phía bắc khu vực, với nhiệm vụ ưu tiên là chống tàu lặn. Hải quân TC theo sát nút và ngăn cản thô bạo nhưng Auvergne vẫn cứ thực hiện quyền tự do hải hành theo luật biển.
Còn Anh quốc, Hải quân Anh sẽ tuần tra Biển Đông, bất chấp Trung Quốc. Tin AP, Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Williamson cho biết, chiến hạm chống tàu lặn HMS Sutherland đang thăm Úc, trên đường về sẽ làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông, khẳng định quyền của Hải quân Anh. Ông còn tuyên bố Anh hoàn toàn ủng hộ việc các chiến hạm Mỹ đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo này.
Lãnh đạo các nước G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ hôm 23/4 ra tuyên bố phản đối TC và kêu gọi việc phi quân sự hóa khu vực Biển Đông để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Còn Thượng viện Canada hôm 24/4/2018 đã thông qua nghị quyết lên án “hành vi thù địch” của Trung Quốc ở Biển Đông./.(VA)
https://vietbao.com/p123a281960/bien-dong-my-quyet-doi-dau-voi-trung-cong
Pháp tăng cường hiện diện quân sự tại Châu Á
Hải quân Mỹ và Trung Quốc không còn độc quyền tuần tra trong vùng biển Thái Bình Dương. Vì lợi ích chiến lược, quân sự và kinh tế, Paris liên tục tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Hãng tin Pháp AFP ngày 09/06/2018 nhắc lại, cuối tháng 5/2018, Paris đã điều tàu chỉ huy đổ bộ Dixmude cùng với một chiếc tàu hộ tống tuần tra Biển Đông, nơi Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên hơn 80 % diện tích.
Trong một cuộc hội đàm qua truyền hình hôm 07/06/2018, chỉ huy trưởng tàu Dixmude Jean Porcher cho biết đã tiến đến gần các đảo trong khu vực Trường Sa để “thu thập một số thông tin” và phía Pháp đã có một số trao đổi “nhã nhặn” qua radio với đội tàu của Trung Quốc hiện diện trong vùng, cho đến khi tàu của Pháp “ra khỏi khu vực” này.
Đến tháng 8/2018, Không Quân Pháp sẽ tập trận tại Đông Nam Á trong khuôn khổ chiến dịch Pegase. Ba chiến đấu cơ Rafale, máy bay tiếp liệu, máy bay vận tải của Pháp sẽ bay từ Úc đến Ấn Độ và sẽ dừng tại nhiều quốc gia là “những đối tác của Pháp trong khu vực”.
Vẫn theo lời chỉ huy trưởng Porcher, chiến dịch Pegase nhằm “góp phần tăng cường sự hiện diện của Pháp trong khu vực vì lợi ích chiến lược”.
Một nhà nhà quan sát khác được AFP trích dẫn nhắc lại trong chuyến công du Úc hồi tháng 4/2018, tổng thống Emmanuel Macron đã đề ra mục tiêu “xây dựng trục Ấn Độ -Thái Bình Dương để các quyền tự do giao thông trên biển và trên không phải được tôn trọng”.
Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng nguyên thủ Pháp nói rõ chủ đích nhằm ngăn ngừa mọi tham vọng “bá quyền”.
Lời lẽ trên phản ánh mối lo ngại của Paris trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.
Chuyên gia Mỹ, Jonas Parello Plesner, thuộc viện nghiên cứu Hudson ghi nhận : Emmanuel Macron tỏ ra thực thế trước thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra cho khu vực này. Đây là một sự thay đổi lớn so với các đời tổng thống Pháp trước, vốn bị lá bài kinh tế của Trung Quốc làm mê hoặc.
Thực ra chính sách của Paris trên hồ sơ này đã bắt đầu thay đổi từ năm 2014. Hải Quân Pháp thường xuyên tuần tra ở Biển Đông để thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Năm 2016, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian từng kêu gọi châu Âu “hiện diện thường xuyên trong các vùng biển châu Á”.
Paris một mặt không chấp nhận kịch bản “chuyện đã rồi” trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Mặt khác, Ấn Độ -Thái Bình Dương cũng là một vùng biển mà Pháp có nhiều quyền lợi cần bảo vệ. Đây là nơi Pháp có 5 vùng lãnh thổ hải ngoại, một triệu rưỡi công dân Pháp sinh sống, và có tới 9 triệu cây số vuông thuộc về vùng đặc quyền kinh tế của Pháp.
Chẳng vậy mà phát biểu tuần qua tại diễn đàn an ninh châu Á Shangri-La ở Singapore, bộ trưởng Quân Lực Florence Parly tuyên bố Ấn Độ-Thái Bình Dương “cũng là ngôi nhà của chúng ta”.
Chuyên gia về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, bà Valérie Niquet, nhìn nhận : đành rằng trong khu vực, Mỹ đóng vai trò hàng đầu để ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc, nhưng việc một cường quốc như là Pháp và cũng là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự là việc làm “hữu ích”. Không phải “tình cờ” mà Paris đã có những “hành động cụ thể” như vừa nêu.
Bên cạnh những tính toán về chiến lược, Pháp còn phải bảo vệ những quyền lợi kinh tế và thương mại sau khi đã thu về nhiều hợp đồng quân sự quan trọng với các đối tác châu Á, kèm theo đó là những hoạt động hợp tác an ninh như với New Delhi và Canberra.
Pháp bán 36 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ, còn Úc thì đặt mua 12 tàu ngầm của Pháp. Chuyên gia Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, kết luận : Những hợp đồng quân sự đó cũng là yếu tố khiến Paris tỏ lập trường cứng rắn hơn trên hồ sơ nhạy cảm này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180609-phap-hien-dien-quan-su-tai-chau-a
Philippines phản đối
Trung Quốc tịch thu hải sản của ngư dân
Lực lượng Tuần Duyên Trung Quốc tiếp tục tịch thu hải sản mà ngư dân Philippines đánh bắt được tại Bãi cạn Scaborough ở Biển Đông; mặc dù Manila từng lên tiếng phản đối sau khi xảy ra tình trạng như thế trước đây.
Hai quan chức Philippines cho AP biết như vừa nêu vào ngày 8 tháng 6; tuy nhiên hai vị này không muốn nêu tên vì cho rằng vấn đề mang tính nhạy cảm.
Vào tháng hai vừa qua, Philippines nêu quan ngại với Trung Quốc trong một cuộc họp ở Manila, sau khi nhận được báo cáo nói rằng Tuần Duyên Trung Quốc đã tịch thu hải sản đánh bắt được của ngư dân Philippines tại Bãi cạn Scarborough.
Cũng tại cuộc họp đó, phía Trung Quốc nói sẽ lưu tâm đến quan ngại mà Philippines nêu ra và hứa sẽ xem xét các sự việc được báo cáo. Hai phía đồng ý tổ chức những cuộc họp để thảo luận về các tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên tiếp tục có báo cáo về những vụ việc Tuần Duyên Trung Quốc tịch thu hải sản của ngư dân đánh bắt ở Bãi Cạn Scaborough, trong đó có vụ mà một nhóm phóng viên truyền hình chứng kiên được, nên Manila đang có ý định nêu lại vấn đề trong một cuộc họp dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tới đây.
AP trong bản tin phát đi ngày 8 tháng 6 cho biết Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về tin này.
Các báo cáo về hoạt động của Tuần Duyên Trung Quốc liên quan ngư dân Philippines đưa đến kêu gọi chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để vệ quyền lợi của Philippines trong vùng biển tranh chấp.
Sau khi lên nắm quyền cách đây gần hai năm, ông Duterte tuyên bố sẽ hoạch định một chính sách đối ngoại từ bỏ quan hệ đơn phương hướng đến Hoa Kỳ, đồng minh lâu đời của Philippines. Ông Duterte đã làm mọi cách để hâm nóng quan hệ với Bắc Kinh cũng như thúc đẩy thương mại, đầu tư và các quỹ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế có trụ sở tại Hà Lan đã ra một phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc chống lại những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Tổng thống Duterte không buộc Trung Quốc phải tuân thủ ngay phán quyết của Tòa mà luôn lặp đi, lặp lại sẽ đưa phán quyết PCA ra để nói chuyện với Bắc Kinh vào một thời điểm nào đó trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cũng cho rằng quan hệ nồng ấm giữa tổng thống Duterte với Trung Quốc đã giúp giảm bớt căng thẳng ở vùng biển tranh chấp và Trung Quốc đồng ý cho ngư dân Philippines được đánh bắt hải sản lại tại bãi cạn Scarborough. Đây là nơi mà Bắc Kinh chiếm của Philippines vào năm 2012.
BIỂN ĐÔNG Tàu lạ đụng chìm một tàu cá Việt Nam
trên biển Nha Trang…
Một tàu cá của tỉnh Khánh Hòa đã bị một tàu lạ đâm chìm trên biển khiến 5 ngư dân đang bị mất liên lạc.
Trưa 8/6, Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang nhận được thông tin từ một tàu cá trên biển báo tin tàu KH 97517 TS gần đó bị nạn vào khoảng 11h cùng ngày.
Cụ thể, tàu KH 97517 TS của tỉnh Khánh Hòa đã bị chìm sau khi đâm va với một tàu lạ cách Nha Trang khoảng 87 hải lý về hướng Đông Nam. Trên tàu chìm có 5 ngư dân. Sau tai nạn, tàu lạ đã chạy khỏi hiện trường, còn tàu cá chỉ kịp báo tin cho tàu gần đó và mất liên lạc.
Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam đã báo cáo các cơ quan liên quan để tìm kiếm, hỗ trợ tàu bị nạn. Các đài duyên hải cũng yêu cầu các phương tiện đang hoạt động trong khu vực lân cận tăng cường quan sát, trợ giúp.
Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã cử lực lượng cứu nạn đi tìm song chưa có kết quả.
Trong khi đó, báo Một Thế Giới ghi thêm chi tiết về tọa độ:
“Thông tin từ tàu BĐ 91084 cho hay, vào khoảng 11 giờ cùng ngày, tàu KH 97517 bị chìm sau khi đâm va với một tàu lạ tại tọa độ 11’14 độ vĩ Bắc – 110’18 độ kinh Đông, cách TP.Nha Trang khoảng 87 hải lý về hướng Đông Nam. Lúc này trên tàu bị nạn có 5 ngư dân. Sau khi xảy ra tai nạn, tàu KH 97517 chỉ kịp báo tin cho tàu BĐ 91084 rồi mất liên lạc.
Nhận được thông tin, Hệ thống TTDH Việt Nam đã ngay lập tức báo cáo các cơ quan Tìm kiếm cứu nạn liên quan để có phương án hỗ trợ tàu bị nạn. Đồng thời Hệ thống TTDH Việt Nam cũng phát quảng bá thông tin hàng hải yêu cầu các phương tiện đang hoạt động trong khu vực lân cận tăng cường quan sát, trợ giúp.”
Chưa rõ tàu lạ có phải là tàu Trung Quốc hay không… nhưng nếu suy nghĩ rằng, tàu lạ đụng chìm không phải là tình cờ, mà phaỉ là côá ý, vì lúc đó là giưã trưa (khoảng 11 giờ), chớ không phaả đụng trong bóng đêm.
Đụng chìm tàu cá giữa trưa rồi bỏ chạy cho 5 ngư dân tự bơi có nghĩa là cố sát.
Trong khi đó, báo Báo Đơì Sống & Pháp Luật kể về một tai nạn: Tàu cá chìm, 31 ngư dân Quảng Ngãi trôi dạt ở Trường Sa.
Đang khai thác thủy hải sản trên biển, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị sóng nhấn chìm, 31 ngư dân bám can nhựa trôi dạt suốt đêm trên vùng biển Trường Sa.
Trưa 8/6, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi cho biết, 31 thuyền viên trên tàu cá QNg 95438 Ts bị chìm khi đang cách đảo An Bang, Trường Sa khoảng 1 hải lý về hướng Đông Bắc đã được cứu sống.
Bản tin viết:
“Khoảng 21 giờ ngày 7/6, khi đang hành nghề thì bất ngờ tàu bị phá nước chìm tại khu vực cách đảo An Bang, thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 1 hải lý về hướng Đông Bắc.
Tàu chìm, 13 ngư dân bám can nhựa trôi dạt giữa đêm trên biển. Đến 9h30 ngày 8/6, 3 tàu cá QNa 940.97 TS, QNa 945.45 TS, QNa 946.46 TS của ngư dân tỉnh Quảng Nam đã cứu vớt được 31 thuyền viên của tàu bị nạn.”
https://vietbao.com/a281939/tau-ca-vn-bi-tau-la-dam-chim-5-ngu-dan-da-mat-lien-lac
Thủ tướng Malaysia lần đầu tiên
lên tiếng về vấn đề Biển Đông
Kuala Lumpur, Malaysia – Trong cuộc họp nội các hàng tuần, Thủ Tướng Malaysia Mahathir Mohammad đã nói rằng, ông hy vọng sẽ không có chiến hạm nào xuất hiện trong lãnh hải của Malaysia trên Biển Đông và ở eo biển Malacca. Khi được hỏi thêm, ông Mahathir nói, tình hình hàng hải sẽ không tốt nếu các nước đều muốn đưa chiến hạm của họ đến các vùng biển tranh chấp.
Thủ Tướng Mahathir muốn nhắc đến các tranh chấp trên biển Đông. Đây là lần đầu tiên ông Mahathir nhắc đến vấn đề này mà không nêu đích danh quốc gia nào, sau khi đã thành lập chính phủ mới được 1 tháng, và vẫn chưa bổ nhiệm ngoại trưởng. Kể từ khi nhậm chức tới nay, ông Mahathir đã tập trung chất vấn các thỏa thuận thương mại khả nghi với Trung Cộng. Ông chỉ mới công khai nhắc đến vấn đề biển Đông vào Thứ Tư, 6 tháng 6 vừa qua.
Ông Mahathir có lẽ đã nhận ra đây là vấn đề mà Malaysia cần phải nhanh chóng chú ý, do Trung Cộng càng lúc càng lấn lướt tại khu vực tranh chấp. Bộ Ngoại Giao Malaysia vẫn thường xuyên báo cáo cho Thủ Tướng Mahathir, trong khi chờ đợi hướng dẫn của ông về chính sách ngoại giao. Malaysia chưa bao giờ công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng trên biển Đông, từ khi ông Mahathir làm thủ tướng lần đầu tiên vào thập niên 90, cho đến chính quyền gần đây của cựu Thủ Tướng Najib Razak. Việc Trung Cộng liên tục đưa thiết bị quân sự đến khu vực tranh chấp trên biển Đông đã gây lo ngại cho các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, và Đài Loan. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-malaysia-lan-dau-tien-len-tieng-ve-van-de-bien-dong/