Thằng Bờm có bom nguyên tử
hay “Quanh cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn sắp diễn ra”
Hước hết công việc bình thường của phát ngôn viên Bạch ốc hay Bộ ngoại giao, đích thân tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo là ông sẽ gặp chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un vào ngày 12 tháng 6 tới tại Singapore, qua mạng twitter và nhiều lần công khai nhắc đến cuộc họp này, ai cũng thấy là ông Trump có vẻ nôn nóng gặp ông Jong Un, hình ảnh một lãnh tụ cường quốc hàng đầu thế giới lại muốn gặp một lãnh tụ tiểu quốc nghèo nhứt thế giới có vẻ giống như huyền thoại trong Thánh kinh, anh chàng khổng lồ Philistin Goliath mong gặp chú Do Thái bé nhỏ David, còn trong việc thương lượng đổi chát, ở Việt Nam có chuyện thằng Bờm có cái quạt mo và phú ông muốn lấy cái quạt mo đó: “phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười!”, thằng Bờm ngày nay có bom nguyên tử, không biết phú ông xin đổi gì cho nó chấp nhận đây?
Trái ngược với sự ồn ào của ông Trump, ông Jong Un lại rất kín tiếng, có gì cần cho phía Mỹ biết quan điểm thì đều giao cho thuộc cấp, như thứ trưởng ngoại giao Kim Kye Gwan tuyên bố lập trường về cuộc họp thượng đỉnh hôm 15-5-2018. Ai cũng biết là nhờ có võ khí nguyên tử và hỏa tiển tầm xa có thể phóng tới lãnh thổ Hoa kỳ nên Jong Un mới được vinh dự ngồi ngang hàng với Trump, còn Trump chấp nhận ngồi ngang hàng với Un, từng được ông đặt cho hỗn danh là “chú bé hỏa tiển” (little rocket man) là muốn ép Jong Un phá hủy hết các loại võ khí hạt nhân. Lập trường đôi bên như vậy thật chẳng khác nước với lửa, việc dung hợp chắc chắn là thiên nan vạn nan, nhứt là với cá tánh quá bất thường của hai vị lãnh tụ này thì “cái sảy có thể nảy cái ung” bất cứ lúc nào, có thể nói đây là một cuộc đấu trí gay go giữa hai nhân vật khác biệt nhau về mọi mặt, một lãnh tụ vốn máu con buôn 72 tuổi, tánh khí xốc nổi với một chàng thanh niên gốc nòi chính trị chưa tới 35, tánh tình bình tỉnh, mà nói đến đấu trí thì lý của kẻ mạnh trái với chước của kẻ yếu, nên cũng khó đoán “mèo nào cắn mỉu nào”.
Nói đến thương thuyết là cò kè bớt một thêm hai, hai bên cần phải kín đáo giữ lá bài tẩy, kỵ nhứt là công khai đặt trước bất cứ điều kiện tiên quyết nào, làm như thế thì có khác nào bắt đối tác phải làm theo ý mình, nhưng tiếc thay đó là lối hành xử của Trump hiện nay. Nhìn diễn tiến mối tương quan giữa Mỹ và Bắc Hàn từ nào tới giờ, chiến thuật cây gậy và củ cà rốt thường được áp dụng nhưng chưa thành công và đặc biệt dưới triều đại Trump, cây gậy lại thường được sử dụng hơn củ cà rốt, nào là sẽ dội khói lửa và giận dữ xuống đầu Bắc Hàn (Trump Threatens ‘Fire and Fury’ Against North Korea), nào là coi Jong Un là chú hỏa tiển bé con (little rocket man), coi thương thảo với tên này là vô ích, cả tiếng chê trách bao đời tổng thống tiền nhiệm là bất lực, nói nôm na là nhát, không dám đại ngôn như mình, thế mà bỗng nhiên đổi giọng khi thấy sự xích lại gần nhau một cách ngoạn mục giữa hai miền Nam Bắc Hàn kể từ thế vận hội mùa đông tại Bình Nhưỡng hồi tháng 2 – 2018, tiếp theo là hàng loạt tín hiệu bày tỏ thiện chí hòa dịu của Jong Un (chấp nhận thương thảo về giải trừ võ khí hạt nhân, ngưng phóng thanh tuyên truyền, tháo gở hệ thống phóng hỏa tiển, …), các sự kiện trên được Trump và ban cố vấn diễn dịch là Jong Un đang thất thế, coi đó là hệ quả của những lời đe dọa, của chủ trương cứng rắn, điều này làm cho Trump vô cùng phấn khích, khen việc tự động tháo gở các cơ sở nguyên tử là sáng suốt nhưng phần mình lại chẳng tỏ chút hòa dịu nào, trái lại vẫn duy trì cuộc diễn tập quân sự ở Nam Hàn với qui mô chưa từng thấy, thay thế các cộng sự viên thuộc loại bồ câu như ngoại trưởng Rex Tillerson, tướng cố vấn an ninh H. R. McMaster bằng những nhân vật thuộc loại diều hâu như Mike Pompeo, John Bolton, tệ hại nhứt là vị đại diều hâu Bolton (cố vấn an ninh quốc gia) lại vung vít tuyên bố sẽ giải quyết vụ Bắc Hàn theo mô hình của Lybie (đúng là suy nghĩ của kẻ mạnh), mà ai cũng biết là do tin theo lời hứa của Mỹ, lãnh tụ Mouammar Kadhafi đã giao nộp cho Mỹ các thiết bị sản xuất bom nguyên tử năm 2003, năm 2011 ông bị thảm tử do quân nổi dậy được Tây phương hỗ trợ. Phản ứng trước lối phát ngôn hồ đồ này, Jong Un để cho một thứ trưởng ngoại giao ra một thông báo nội dung mang ý nghĩa cảnh báo, cho việc trọng dụng loại diều hâu này chỉ tác hại cho việc tạo dựng một không khí hòa dịu, vừa ngầm cho hiểu là chớ vội mừng cuộc họp sẽ phải diễn ra vừa “lên lớp”, đặc biệt là nêu đích danh vị cố vấn an ninh Bolton, nhân vật nổi tiếng diều hâu, coi thường tổ chức quốc tế tiêu biểu là Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, luôn chủ trương đơn phương đánh phủ đầu (Pre-emptive military strike), coi đấy là một nhân vật đáng ghê tởm (We shed light on the quality of Bolton already in the past, and we do not hide our feelings of repugnance towards him), cho lối hành xử như vậy chẳng giúp ích gì trong việc tạo niềm tin lẫn nhau vốn đã nghi kỵ nhau từ bao nhiêu đời nay. Một lần nữa cho thấy Jong Un trên chân Trump, quyết định họp hay không là tùy thuộc vào việc lượng giá thái độ của Trump và các diều hâu của Mỹ, thậm chí còn có tin là Jong Un còn có ý kiến về cả những ai hiện diện trong phái đoàn Mỹ, nếu đúng như vậy thì chắc là không thể có cố vấn an ninh Bolton bên cạnh Trump rồi. Nghĩ nội dung bản tuyên bố chính thức này thật chẳng khác nào một liều thuốc đắng gởi cho Trump, phản ứng của ông có thể nói là khá nhẹ nhàng như cố ngậm bồ hòn làm ngọt. Trước phản ứng mạnh mẽ của Jong Un, Trump bèn hứa sẽ không áp dụng mô hình giải giới võ khí như đối với Kadhafi, S. Hussein, bảo đảm Jong Un vẫn được tại vị, lại một nghịch lý, lãnh tụ một cường quốc dân chủ đứng ra bảo trợ một ngôi vị độc tài, nhưng một bất ngờ khác lại xảy ra chẳng khác nào thọc gậy bánh xe, đó là Phó tổng thống Mike Pence lập lại y chang lời đe dọa của ông Bolton, dĩ nhiên là Bắc Hàn phản ứng giống như lần trước qua lời mắng mỏ của một bà Thứ trưởng ngoại giao: “Tôi không khỏi ngạc nhiên những lời dốt nát và ngốc nghếch như vậy lại phát ra từ miệng của vị Phó tổng thống Mỹ, nếu Mỹ tiếp tục xúc phạm thiện chí của chúng tôi bằng những hành động vô luật lệ và lăng nhục, tôi sẽ đề nghị vị lãnh đạo tối cao của chúng tôi xem xét lại cuộc họp thượng đỉnh này” (I cannot suppress my surprise at such ignorant and stupid remarks gushing out from the mouth of the U.S. vice president,” Ms. Choe said. “In case the U.S. offends against our good will and clings to unlawful and outrageous acts, I will put forward a suggestion to our supreme leadership for reconsidering the D.P.R.K.-U.S. summit.), với lời kết cứng rắn có thể nói là thách thức: “Liệu Hoa kỳ muốn gặp chúng tôi tại phòng họp hay đối đầu bằng nguyên tử hoàn toàn tùy thuộc qyết định và thái độ của Hoa kỳ”
(Whether the U.S. will meet us at a meeting room or encounter us at nuclear-to-nuclear showdown is entirely dependent upon the decision and behavior of the United States.), phát ngôn viên Bạch ốc từ chối bình luận. Những lời lẽ thô bạo đối với một viên chức cao cấp như vậy có thể gây khủng hoảng ngoại giao, phản ứng mạnh mẽ trên cho thấy Bình nhưỡng không hề nao núng trước những lời đe dọa của chính quyền Mỹ, việc để cho một thứ trưởng ngoại giao lên tiếng, khéo léo chuyển đạt ý kiến là phiên họp nếu bất thành là do Mỹ, hay đích thân ông Trump. Quả thật ngay hôm sau (24 tháng 5), đích thân Trump thảo lá thư mà văn phong tầm thường không có vẻ gì là ngoại giao cả, ý tứ thiếu mạch lạc, đại ý là do các lời qua tiếng lại trên, Trump cảm thấy không thích hợp cho cuộc gặp gỡ vào lúc này ( Sadly, based on the tremendous anger and open hostility displayed in your most recent statement, I feel it is inappropriate, at this time, to have this long-planned meeting.), lại kèm liền với lời dọa dẫm cố hữu: “Ngài nói về khả năng nguyên tử của ngài nhưng khả năng của chúng tôi mạnh đến nỗi tôi cầu mong Thượng đế là tôi không bao giờ sủ dụng tới (!) (You talk about your nuclear capabilities, but ours are so massive and powerful that I pray to God they will never have to be used.), kế lại kết thư với câu thòng là nếu ngài đổi ý, xin đừng ngần ngại gọi hay viết thư cho tôi (!). (If you change your mind having to do with this most important summit, please do not hesitate to call me or write.) Lập tức, Bắc Hàn lên tiếng (vẫn qua Thú trưởng ngoại giao), tỏ ý tiếc là việc hủy bỏ đơn phương này, lại đổ lỗi cho Trump (“The unilateral cancellation of the summit was unexpected and very regrettable,” said Kim Kye-gwan, a vice foreign minister of North Korea, in a statement carried by the North’s official Korean Central News Agency. “But we remain unchanged in our willingness to do everything we can for the peace and stability of the Korean Peninsula and of the humanity, so with a broad and open mind, we are willing to give the United States time and opportunity.”) Vậy mà chưa đầy 24 giờ sau khi gửi thư thông báo hủy, chính ông Trump lại tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh vẫn có thể diễn ra vào ngày 12/06, việc thay đổi ý kiến như chong chóng này thật chẳng khác nào việc cò kè bớt một thêm hai của kẻ mua người bán lẻ ngoài chợ trời!
Tóm lại, diễn tiến tình hình hiện nay cho thấy mọi tính toán sai lầm nhỏ nhoi nào cũng có thể phá hỏng cuộc họp thượng đỉnh Trump – Jong Un, tuy nhiên mọi sự chuẩn bị đang xúc tiến, nhứt là ông Trump đang có vẻ nóng lòng gặp Jong Un cho dầu biết rằng chưa có thể giải quyết ngay mọi vấn đề gay góc, dầu sao cũng thử dự đoán một số kịch bản: 1. Như đã từng tuyên bố là nếu không đạt được điều mong muốn, Trump sẽ rời phòng họp ngay, nên Jong Un có thể tìm cách chọc giận Trump để ông này nổi nóng bỏ ngang buổi họp, lỗi về ai khó phân nhưng Jong Un có thể vin cớ đó gán lỗi cho Trump là thiếu thiện chí hòa giải, dựa vào đó đòi hủy bỏ hay giảm nhẹ các biện pháp bao vây kinh tế, phá vở thế cô lập hiện nay, các đồng minh nặng ký tiềm tàng của Bắc Hàn như Tàu, Nga sẽ chụp lấy cơ hội, từ chối tiếp tục thi hành các biện pháp cấm vận trước đây của Hội đồng bảo an, đây là một kịch bản rất xấu đối với Mỹ và đồng minh trong khu vực. 2. Một kịch bản trái ngược hẳn lại là biết cá nhân Trump đang gặp nhiều rắc rối về mặt pháp lý ở Mỹ, cuộc bầu cử lập pháp giữa nhiệm kỳ theo kết quả thăm dò hiện nay có vẻ bất lợi cho đảng Cộng hòa, có thể ví đây như lưỡi gươm Damocles trên đầu ông Trump, đồng thời Trump đang khởi động cuộc chiến tranh thương mại với cả thế giới, mặt khác Trump rất muốn mang nhãn hiệu là người kiến tạo hòa bình (cả tiếng chê trách hầu hết các vị tiền nhiệm), chưa chi mà tổng thống Nam Hàn Moon Jae In đã gợi ý giải Nobel hòa bình, dường như Trump hiện chỉ coi trọng Jong Un, biết đâu Jong Un lợi dụng dịp này giúp Trump vừa hóa giải bao nhiêu phiền toái vừa thỏa mãn tính hiếu danh bằng cách chấp nhận một số nhượng bộ có ý nghĩa để đổi lấy một số nhượng bộ quan trọng của của vị tổng thống khó lường này. 3. Cũng có thể là Jong Un nhượng bộ một phần, chấp nhận không phát triển hỏa tiển tầm xa có thể phóng tới Hoa Kỳ để đổi lấy các nhượng bộ khác, đề nghị này phù hợp với chủ trương “nước Mỹ trước đã”, từ nay dân Mỹ sẽ ăn ngon ngủ yên, giải pháp này nếu thành tựu đồng nghĩa với việc các đồng minh Nhựt và Nam Hàn bị bỏ rơi, thực tế cho thấy Trump quan tâm đến việc đe dọa các hỏa tiển hướng đến đảo Guam hơn là mấy hỏa tiển bay ngang Nhựt bổn, sự kiện này đang làm cho thủ tướng Nhựt lo lắng, cũng cần ghi nhận là mầm móng chống việc thường trú của một lực lượng hùng hậu Mỹ ở Nam Hàn đã manh nha và có cơ lớn rộng một khi Nam Bắc Hàn càng ngày càng xích lại gần nhau, muốn tránh việc này thì phải giữ cho tình hình ở bán đảo này luôn căng thẳng, một mâu thuẫn trớ trêu chăng? 4. Hoặc có thể Jong Un sẵn sàng chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy điều mình mong muốn, thử đoán xem. – Để nhận được Mỹ viện trợ để phát triển đất nước ư? Đây không phải là điều Jong Un mong đợi, tuyên bố ngày 15/5/2018 đã minh thị: “Chúng tôi chưa hề mong đợi Mỹ hỗ trợ để phát triển kinh tế đất nước chúng tôi và cũng sẽ không bao giờ coi đó là chủ đề thương thảo sắp tới.” (The U.S. is trumpeting as if it would offer economic compensation and benefit in case we abandon nuke. But we have never had any expectation of U.S. support in carrying out our economic construction and will not at all make such a deal in future, too.) – Để được Mỹ bảo vệ địa vị độc tôn của Jong Un như Trump hứa, không giải quyết theo mô thức Kadhafi ở Lybie hay S Hussein ở Irak ư? Điều này Jong Un chẳng tin, dường như cũng chẳng cần mà cũng chẳng mấy quan tâm: “Thế giới biết rõ đất nước chúng tôi không giống như Libia hay Iraq có chung số phận hẩm hiu. Hoàn toàn vô lý khi dám so sánh Bắc Hàn -một nước đã có võ khí nguyên tử với Libia -một nước mới khởi động việc phát triển loại võ khí này.” (World knows too well that our country is neither Libya nor Iraq which have met miserable fate. It is absolutely absurd to dare compare the DPRK, a nuclear weapon state, to Libya which had been at the initial state of nuclear development.) Vậy Jong Un cần gì? Như một số bình luận gia tiên đoán, có thể đó là yêu cầu quân đội Mỹ rút ra khỏi khu vực, nếu nói nguyên tử của Bắc Hàn là nguyên nhân gây ra tình trạng mất an ninh trong khu vực và trên thế giới, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đây là cần thiết, vậy một khi hiểm họa này chấm dứt rồi thì quân đội Mỹ không còn lý do chính đáng để duy trì sự hiện diện này nữa, liệu Trump có chấp nhận giải pháp này không? Đây là một giải pháp thuần lý nhưng lại rất oái oăm về mặt địa lý chính trị, một khi Mỹ mất chân đứng ở khu vực Đông Bắc Á, Tàu thoạt xem tưởng là nước ngoài cuộc vô can nhưng lại hưởng lợi to, bàn cờ thế giới lại thêm một dịch chuyển bất lợi cho Mỹ và dĩ nhiên cho cả thế giới tự do? 5. Chót hết cuộc họp thượng đỉnh này có thể chỉ là dịp nắn gân nhau chớ chưa có kết quả cụ thể nào như Trump đã từng gợi ý, cho đây chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình, tức không áp đặt vấn đề tiên quyết, một nền tảng nào đó được đặt ra để đôi bên tiếp tục thảo luận, rời phòng họp ai cũng hả hê, phú ông Trump sẽ hô hào là công lao (biểu kiến) này là nhờ mình còn thằng bờm Jong Un thì hưởng lợi thật sự, trước mắt là các biện pháp cấm vận chắc chắn sẽ được giảm nhẹ, các hoạt động kinh doanh ở biên giới Tàu với Bắc Hàn là một chỉ dấu. Tóm lại, đây là một thế cờ quốc tế cực kỳ phức tạp! Chờ xem!
Lê Huỳnh
(Mời xem nhiều bài khác của cùng tác giả https://levantu39.wordpress.com/)