Tin Việt Nam – 07/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/06/2018

Đặc khu kinh tế:

‘Chỉ chỉnh thời gian thuê đất, chưa đủ’

Ý kiến chuyên gia kinh tế rằng nếu chỉ giảm thời gian cho thuê đất xuống dưới mức 99 năm không đủ để Quốc Hội kỳ này thông qua luật về đặc khu kinh tế (ĐKKT).

Nhận định nói trên của tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từ Hà Nội, xuất phát từ tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Quốc Hội sáng cùng ngày.

Theo đó, phát biểu trước các phóng viên, ông Phúc nói: “Chúng tôi phải điều chỉnh thời gian thuê đất xuống một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân đã phản ánh.”

Ông Phúc cũng nói dự án luật đặc khu kinh tế nhận được nhiều ý kiến của người dân, và “Tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, chúng ta không lo mất nước.”

Theo tiến sỹ Hiếu “Nói 99 năm có thể về mặt tâm lý nghe nhẹ nhàng, như một món hàng 99 cent thay vì 1 đô la, nhưng kỳ thực đó là cả một thế kỷ, dài hơn cả một đời người. Đặc biệt nó còn liên quan đến nước ngoài.”

“Một khi đối tác nước ngoài khi họ đã ký kết thực hiện dự án ở ĐKKT của ta thì họ ít nhất sẽ ở đó một thế kỷ, sau đó có thể gia hạn. Do đó tầm mức ảnh hưởng rất lớn lao. Vì thế, cần có sự nghiên cứu, giải trình trên tất cả mọi phương diện.”

“Việc giảm 99 năm xuống 75 năm hay 50 năm không quan trọng lắm. Tôi lấy ví dụ nếu thời hạn cho thuê đất là 50 năm, thì vẫn có thể gia hạn thêm 50 năm nữa. Điều cần bàn là nếu tổ chức một ĐKKT, dùng rất nhiều nguồn lực và điều kiện thuận lợi của quốc gia đổ vào đó thì kết quả sẽ như thế nào,” tiến sỹ Hiếu nói với BBC Bangkok qua điện thoại từ Hà Nội.

Trong bài viết về dự án ĐKKT của Việt Nam đăng trên The Strait Timesngày 6/6, tác giả Võ Trí Thành cũng không đưa yếu tố thời gian thuê đất vào ‘các vấn đề cần xem xét’ khi mở ĐKKT.

Theo phân tích của ông Thành, có “ba vấn đề quan trọng nhất cần xem xét khi phát triển một ĐKKT”, bao gồm “sự cởi mở, cơ cấu thể chế và các ưu đãi được thiết kế cho các đơn vị kinh tế đặc biệt này.”

Bài viết cũng đề cập đến việc Trung Quốc, một nước được coi là thành công nhất trong việc vận hành các ĐKKT, cũng ‘không thành công trong mọi dự án’.

Tác giả bài báo cho rằng có nhiều yếu tố làm nên thành công của các ĐKKT, nhưng quan trọng nhất là nguồn lực con người.

‘Chính phủ cần giải trình chi tiết’

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói điều quan trọng là chính phủ Việt Nam cần có một giải trình chi tiết hơn, sâu sát hơn về vấn đề ĐKKT.

Tiến sỹ Hiếu lý giải rằng dù có nhiều mô hình ĐKKT thành công trên thế giới, nhưng mô hình nào cũng có mặt lợi, mặt hại và “ĐKKT không chỉ đơn thuần liên quan đến kinh tế, kinh doanh, xuất nhập khẩu, mà còn đến chính trị, an ninh quốc gia, quốc phòng, giáo dục, y tế và mọi lĩnh vực khác của 99 triệu người dân Việt Nam.”

Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng VN nói về đặc khu

Đặc khu kinh tế VN như Thượng Hải hay Pattaya?

‘Chưa an tâm’ về ba đặc khu kinh tế VN

“Điều tích cực là Việt Nam cũng đang có kế hoạch xây dựng ba ĐKKT trong điều kiện chúng ta đang cần đầu tư nước ngoài, phát triển xuất khẩu và hội nhập quốc tế. Nhưng cần giải trình rõ ràng mặt lợi, mặt hại. Các phân tích đó không chỉ trình đại biểu Quốc Hội mà còn cần gửi đến mọi người dân Việt Nam để họ có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu để đóng góp ý kiến gửi đến các ĐBQH. Cuối cùng, đại biểu Quốc Hội sẽ dùng quyền phán quyết của mình để quyết định.”

“Cần làm rõ tác động của nó đến chính trị, an ninh quốc phòng, người lao động…, cũng như sự lan tỏa ảnh hưởng đến các vùng xung quanh như thế nào? Có thể lấy một mô hình ĐKKT rồi phân tích nó trong bối cảnh, điều kiện của Việt Nam tại thời điểm này.”

‘Không áp dụng máy móc ĐKKT TQ’

Về ý kiến học theo mô hình ĐKKT tại Thẩm Quyến, Trung Quốc, ông Trí Hiếu thừa nhận đây là mô hình thành công, đáng học hỏi với “Thẩm Quyến trở thành trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc và thế giới” sau 50 năm vận hành ĐKKT.

Nhưng ông Hiếu nói cần lưu ý Việt Nam hoàn toàn khác Trung Quốc về mọi mặt, đặc biệt về con người, năng lực, bối cảnh chính trị. Hơn thế, ĐKKT tại Thẩm Quyến được xây dựng cách đây 50, lúc đó hoàn cảnh kinh tế và môi trường kinh doanh trên thế giới khác bây giờ.

“Cách đây 50 năm, Trung Quốc vẫn được coi là bị cô lập bởi thế giới Tây phương. Do đó ĐKKT như thế mang lại hiệu ứng là đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, với những lợi thế đặc biệt dành cho các nhà đầu tư kinh tế vào khu vực này.”

“Ngày hôm nay, Việt Nam đã hội nhập rất mạnh và rất sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Việc mời gọi một nhà đầu tư nước ngoài vào một ĐKKT nào đó và cung cấp cho họ những lợi thế, ưu đãi, có lẽ không còn sức mạnh như ngày xưa nữa. Các nhà đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ đầu tư rất lớn vào các thành phố lớn của Việt Nam như Long Thành, Bình Dương, v.v… Nên những ĐKKT phải mang một ‎ý nghĩa khác, chứ không phải chỉ là đưa ra những lợi ích đặc biệt cho nhà đầu tư.”

“Tôi đồng ý lấy mô hình nào đó, xem xét, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh và điều kiện Việt Nam để xây dựng một ĐKKT dựa trên cơ sở đó thì cần thiết. Còn áp dụng máy móc thì có lẽ chúng ta cần phải xem xét lại.”

‘Bấm nút thông qua là vội vàng’

Khi được hỏi nếu được lựa chọn ‘bấm nút’ thông không luật về ĐKKT hay không, chuyên gia kinh tế nói:

“Nếu tôi phải quyết định tại thời điểm này thì tôi không bấm nút. Như tôi đã nói, chính phủ cần phải có giải trình chi tiết về mô hình ĐKKT của Việt Nam dựa trên điều kiện của Việt Nam tại thời điểm này.”

Về phản ứng của dư luận xoanh quay ảnh hưởng của Trung Quốc và thời hạn thuê đất, ông Hiếu cho rằng đó là điều hiển nhiên, và đồng tình với một cuộc trưng cầu dân ý.

Trong trường hợp Quốc Hội bấm nút thông qua, ông Hiếu cho rằng như vậy là ‘vội vàng’.

“Tại thời điểm này chúng ta đứng trước một tương lai xa cả trăm năm, có lẽ chưa thể phán đoán rõ ràng mở ra ba ĐKKT là lợi hay hại cho vận mệnh dân tộc như lo ngại của dư luận. Nhưng nếu quyết định vội vã thì chúng ta chỉ có lợi nếu chúng ta ăn may, nhưng không may thì nó trở thành thiệt hại cho đất nước.”

“Như tôi làm trong ngành ngân hàng, đứng trước một quyết định quan trọng như thế thì phải đo lường rủi ro, không thể dựa vào ăn may, để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát rủi ro, từ đó kiểm soát được thiệt hại.”

“Đến giờ phút này, tôi không biết Quốc Hội đã có những cơ chế kiểm soát rủi ro như thế nào nhưng với những thông tin hiện tại mà tôi có thì tôi chưa thể biểu quyết được vào thời điểm này,” tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44393227

 

Trung Quốc từng phải nhượng đất làm tô giới

Vào thế kỷ 19, Anh Quốc đã bán vào Trung Quốc thời nhà Thanh hàng nghìn tấn nha phiến, gây hủy hoại sức khoẻ người dân để thu về hàng vạn lượng bạc.

Sau một vụ va chạm vì lính Anh say rượu giết chết dân Trung Quốc mà không trao nộp thủ phạm cho quan chức Thanh, Khâm sai đại thần Lâm Tắc Từ cho đốt 1400 tấn nha phiến của Anh ở Quảng Châu.

Tháng 6/1840, Anh Quốc cử 16 thuyền chiến đưa quân lính và nhân viên công ty nha phiến Jardine Matheson & Co. đến Quảng Châu.

Khi giao tranh kết thúc, nhà Thanh phải ký hòa ước Nam Kinh (1842), bồi thường chiến phí cho Anh, mở 11 cảng và cho truyền đạo tự do.

Hương Cảng (Hong Kong) và vùng cửa sông Châu Giang trở thành nhượng địa 99 năm cho Anh.

Sau cuộc chiến Nha Phiến lần hai, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu cũng vào buộc Trung Quốc cho lập các đặc khu-tô giới mà chỉ bị xóa sau năm 1949.

Nay tình thế thay đổi 180 độ, Trung Quốc thành đại cường kinh tế, đem đồng tiền và tín dụng để mở cảng biển, đặc khu trên thế giới.

Các đặc khu ngày nay khác tô giới ngày xưa nhiều, nhiều khi do các nước có chủ quyền quyết định mời gọi đầu tư, vay tiền xây cơ sở hạ tầng.

Nhưng Trung Quốc cũng bị phê phán là nhắc lại thông điệp ‘tự do thương mại’ như các nước Phương Tây hồi xưa để bành trướng kinh tế

https://www.bbc.com/vietnamese/media-44394013

 

Thủ tướng VN nói sẽ điều chỉnh Luật Đặc khu,

cả nước ‘sôi sục’ khí thế biểu tình

Hôm 7/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói cần tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh Luật Đặc khu, trong khi trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi biểu tình trên cả nước vào sáng Chủ Nhật 10/6 để phản đối dự luật đang gây nhiều tranh cãi.

Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 7/6 bên lề cuộc họp Quốc hội tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của nhân dân trong đó có cả kiều bào, về dự luật Đặc khu, và ông cho rằng cần lắng nghe để điều chỉnh dự luật này.

Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, nói có thể xem phản ứng của ông Nguyễn Xuân Phúc là một “sự nhượng bộ” sau khi hơn một nghìn trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký thỉnh nguyện thư, phản đối việc Quốc hội dự tính thông qua dự luật này vào ngày 15/6 sắp tới.

Là một người tham gia ký thỉnh nguyện thư, ông Nguyễn Vũ Bình nhận định:

“Có thể gọi đó là một sự nhượng bộ. Bản chất của vụ này không phải là vấn đề thời gian (thuê đất), mà là đối tượng cho thuê. Phần lớn sự phản ứng của người dân là đối tượng cho thuê, một phần là thời gian. Nhưng bây giờ chính phủ nhân nhượng về vấn đề thời gian thôi.”

Bản chất của vụ này không phải là vấn đề thời gian (thuê đất), mà là đối tượng cho thuê. Phần lớn sự phản ứng của người dân là đối tượng cho thuê, một phần là thời gian. Nhưng bây giờ chính phủ nhân nhượng về vấn đề thời gian thôi.

Nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình

Báo Người Lao động trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói hôm 7/6, hơn hai tuần sau khi xuất hiện phản ứng mạnh của người dân và giới trí thức.

“Khi đưa ra một dự án luật như vậy thì có rất nhiều ý kiến của nhân dân, trí thức, Việt Kiều… khí thế rất sôi nổi. Đương nhiên là chúng ta phải tiếp thu lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, để đảm bảo đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo độc lập, chủ quyền, tự do của đất nước.”

Truyền thông Việt Nam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ rút thời gian cho thuê đất đặc khu kinh tế, không giữ nguyên mức cố định 99 năm.

Trước đó, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, với VOA rằng theo dự luật, thời gian cho thuê đất 99 năm là quá dài:

“Với thời hạn đó quá dài, sợ rằng rất nhiều người Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư chẳng hạn, họ sẽ biến trở thành lãnh thổ của họ trên đất Việt Nam. Đấy là một tâm lý do hậu quả một quá trình thực hiện các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, đặc biệt trên Biển Đông.”

Từ Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quang Thạch, một nhà vận động trên mạng xã hội chống luật Đặc khu nói:

“Avatar trên Facebook bây giờ họ đưa nhãn ‘Không Đặc khu,’ đã chuyển từ trạng thái ‘Chống 99 năm’ thành ‘Chống Luật Đặc khu.’ Bây giờ trên mạng Chống Luật Đặc khu, không cần Luật Đặc khu nữa.”

Trên các trang mạng xã hội Facebook cũng như Youtube đang lan truyền lời kêu gọi “Tổng biểu tình ngày 10/6/2018” được cho là của Linh mục Phan Văn Lợi ở Huế và Hòa thượng Thích Không Lai ở bang California để phản đối Luật Đặc khu.

VOA chưa liên lạc được với hai vị chức sắc tôn giáo này để xác nhận lời kêu gọi biểu tình.

Từ thành phố Vũng Tàu, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải cho VOA biết thái độ người dân ở thành phố biển cũng như ở trong nước nói chung về dự luật này:

“Người dân Vũng Tàu cũng như người dân khắp cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, người dân rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Người dân xưa nay thờ ơ đến chính trị nhưng nay họ rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Trong thâm tâm họ phản đối, nhiều người nói thẳng ra trên mạng xã hội. Đó là một điều mà tôi cũng không ngờ được vì sao dự án luật này gây ra sự phẫn nộ của người dân như thế.”

Người dân xưa nay thờ ơ đến chính trị nhưng nay họ rất quan tâm đến dự Luật Đặc khu. Trong thâm tâm họ phản đối, nhiều người nói thẳng ra trên mạng xã hội. Đó là một điều mà tôi cũng không ngờ được vì sao dự án luật này gây ra sự phẫn nộ của người dân như thế.

Nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải

Ông Chu Vĩnh Hải nói ông sẽ truyên truyền rộng rãi thông tin cuộc biểu tình để chia sẻ cho nhiều người được rõ:

“Tôi có nghe được thông báo qua mạng xã hội và ý định của tôi là tìm mọi cách để truyền thông rộng rãi về sự kiện biểu tình của người dân Việt Nam phản đối Luật Đặc khu.”

Một lời kêu gọi khác trên Facebook của nhóm Nhật ký Yêu nước xuất hiện hôm 6/6 có đoạn: “Chúng tôi đã không hề cho phép thông qua dự luật gây nguy hại cho đất nước này, và đề nghị những đại biểu của nhân dân đang ngồi ghế quốc hội thực hiện bổn phận đại diện cho dân của họ là bỏ phiếu chống dự luật.”

Nhóm Nhật ký Yêu nước kêu gọi biểu tình lúc 8 giờ sáng ngày Chủ nhật 10/6 tại các thành phố lớn khắp ba miền như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, và tại các địa phương khác cũng như các quốc gia có đông người Việt trên thế giới.

Tại Hoa Kỳ, các cộng đồng gốc Việt cũng kêu gọi biểu tình tại thành phố San Franciso vào ngày Thứ Sáu 8/6, tại New York vào ngày thứ Bảy 9/6, tại San Jose vào ngày Thứ Năm 14/6…

Ông Nguyễn Quang Thạch, một người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc, nói sẽ tham gia cuộc biểu tình ngày Chủ nhật tới.

“Đương nhiên tôi sẽ tham gia biểu tình, và thực hiện theo cách của tôi. Tôi cũng từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Chuyện tham gia biểu tình lần này là chuyện bình thường. Tôi sẽ làm theo cách của tôi sẽ thay đổi nhận thức của nhiều người.”

Đương nhiên tôi sẽ tham gia biểu tình, và thực hiện theo cách của tôi. Tôi cũng từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quang Thạch

Trên Facebook đã xuất hiện hình ảnh một cuộc biểu tình nhỏ ở thủ đô Hà Nội hôm 7/6, trong đó người dân có trưng biểu ngữ chống Luật Đặc khu.

Với tinh thần ‘sôi sục’ như hiện nay, nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình tin rằng cuộc biểu tình ngày 10/6 sẽ diễn ra:

“Tôi nghĩ là sẽ có biểu tình, còn nó xuất hiện ở mức nào thì tôi không dám chắc chắn, vì tôi nhận thấy không khí chung của người dân Việt Nam là rất sôi sục, vì họ đụng tới vấn đề thiêng liêng nhất là đất đai, và là chủ quyền tổ quốc. Không khí chung là rất sôi sục.”

Bùng nổ phản đối Luật Đặc khu, chính phủ hứa ‘lắng nghe’

Luật Đặc khu có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, được chính phủ Việt Nam dự định lập tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế.

Một số quan chức của Việt Nam cũng tỏ ra quan ngại về dự luật này và công khai phát biểu trên truyền thông nhà nước, dù trong dự luật không có từ nào nói về việc cho Trung Quốc thuê đất.

Hôm 7/6, Báo Người Lao động trích lời Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nói: “Đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét một cách thận trọng về Luật Đặc khu; mong Tổng Bí thư nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc, vì chậm một chút cũng không sao.”

Ông Lê Xuân Thân, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, được báo Tuổi trẻ trích lời nói: “Về các lo ngại về thời gian cho thuê đất quá lâu, Quốc hội đang có hướng bàn thời gian giao đất 70 năm – bằng thời gian theo Luật Đất đai hiện tại.”

Trong gần hai tuần qua, hàng loạt chuyên gia kinh tế như các tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia Phạm Chi Lan, luật sư Trương Thanh Đức, và nhiều đại biểu quốc hội liên tục nêu quan điểm răng mô hình đặc khu đã lỗi thời, khả năng thành công sẽ rất thấp.

https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-vn-noi-se-dieu-chinh-luat-dac-khu-ca-nuoc-soi-suc-khi-the-bieu-tinh/4428529.html

 

Bao giờ sạch nhóm lợi ích ở VN?

Thêm một nhóm lợi ích

Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới công bố các sai phạm trong vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone của Nhà nước mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG tư nhân, trong đó nêu rõ trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng và đương kim Bộ trưởng Thông tin Truyền thông.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hai nhân vật chịu trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc này là ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng TT&TT nhiệm kỳ 2011-2016, và ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Ngoài ra còn có ông Phạm Hồng Hải, thứ trưởng Bộ này, ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp, cũng thuộc Bộ TT&TT.

Phía Mobifone có ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV. Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc Mobifone.

Những vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải bị cho là rất nghiêm trọng. Còn vi phạm của ông Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng.

Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 9.000 tỷ đồng bị đánh giá là quá cao so với giá trị thực của AVG. Giới quan sát cho rằng đây là hành vi cố tình trục lợi, có biểu hiện của nhóm lợi ích tham nhũng bằng cách khai khống giá trị của AVG và dùng tiền của Nhà nước chi trả.

Cũng đồng tình rằng đây là một ví dụ điển hình về lợi ích nhóm, TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phân tích:

Một nhóm lợi ích khổng lồ nhất, to nhất là Đảng Cộng sản VN. Bộ TT&TT cũng là một nhóm lợi ích rất lớn. Bộ Công an cũng là nhóm lợi ích rất lớn. Rồi các công ty tư nhân cấu kết với chính quyền cũng là những nhóm lợi ích rất lớn.

Những nhóm này cấu kết với nhau để làm ăn, có những lúc không cấu kết và gằm ghè nhau.

Vụ Mobifone mua AVG chỉ là một ví dụ trong rất nhiều trường hợp các nhóm lợi ích cấu kết với nhau để tham nhũng. Các dự án thu phí đường bộ BOT cũng được cho là một điển hình của các nhóm lợi ích lộng hành ở Việt Nam. Và gần đây nhất là vụ quy hoạch đô thị Thủ Thiêm cũng được các đại biểu Quốc hội nói thẳng là có lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch để trục lợi.

Một nhóm lợi ích khổng lồ nhất, to nhất là Đảng Cộng sản VN

– TS.Nguyễn Quang A

Thể chế nuôi lớn nhóm lợi ích

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng bản chất của nhóm lợi ích là một điều tất yếu của bất kỳ xã hội nào, một hiện tượng hiển nhiên của một nền kinh tế. Tức là, một nhóm người hay nhóm doanh nghiệp hợp tác làm ăn với nhau để cùng có lợi. Tuy nhiên, ở VN, cứ nhắc tới nhóm lợi ích, người dân thường có ác cảm, chuyên gia Bùi Kiến Thành giải thích:

Thường thường ở VN nhóm lợi ích đi đôi với nhóm có quyền lực. Mà nhân dân đã nhìn những người có quyền lực và lợi ích là những quan tham. Những nhóm lợi ích bâu vào đó để trục lợi thì dân chúng làm sao mà thích được.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chính thể chế chính trị ở VN đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nhóm lợi ích tham nhũng:

Rất đáng tiếc, VN không cho phép các lực lượng đối lập hợp pháp, ví dụ các đảng chính trị khác hoạt động một cách hợp pháp để luôn săm soi Đảng Cộng sản VN. Nếu ông làm điều gì bậy bạ thì tôi sẽ vung hết những bậy bạ của ông ra cho dân biết, và đến đợt bầu cử tiếp thì dân không bầu cho các ông nữa. Chúng tôi kéo các ông xuống, để chúng tôi được phiếu chúng tôi lên thay các ông. Lúc đó, các ông lại ở thế đối lập hợp pháp và lại săm soi chúng tôi.

Đó là một cơ chế dân chủ rất hùng mạnh để nó làm cho các nhóm lợi ích bớt hoành hành hơn.

Khác với phần đông các quốc gia trên thế giới, VN theo chế độ Cộng sản do một đảng duy nhất lãnh đạo. Chế độ này bị nhiều nhà bất đồng chính kiến chỉ trích là mầm mống gây ra nhiều tai họa trong xã hội, và lợi ích nhóm là một ví dụ.

Giới lãnh đạo ở VN, từ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều nhiều lần nhắc đến tình trạng nhóm lợi ích cấu kết để tham nhũng. Tuy nhiên hiện tại tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra trong xã hội, mà nhiều vụ việc được phanh phui là nhờ phản ứng từ dư luận, điển hình như các dự án BOT.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng việc xóa bỏ các nhóm lợi ích ở VN nói thì dễ chứ làm thì khó, bởi môi trường VN vốn tạo thuận lợi cho các nhóm này phát triển:

Nếu trong xã hội mà công tác cán bộ không làm được tốt, những cán bộ có chức có quyền bị tha hóa, xa đọa, tham nhũng, chính là môi trường để các nhóm lợi ích phát triển mạnh hơn. Mà đồng tiền nó phá nhân nghĩa!

Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng Cộng sản VN đã nêu ra từ Trung ương đến địa phương, từ các bộ các ngành tới các làng xã đều bị tha hóa hết, thì đó là một quốc nạn. Dựa trên cái đó mà phát huy ra các nhóm lợi ích.

những cán bộ có chức có quyền bị tha hóa, xa đọa, tham nhũng, chính là môi trường để các nhóm lợi ích phát triển mạnh hơn.

– chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Tình trạng cán bộ tha hóa được chính báo chí trong nước phanh phui thường xuyên. Từ cấp thấp nhất là làng xã đã xảy ra tình trạng tham nhũng vặt của dân qua các thủ tục hành chính, hay những vụ cả họ làm quan xã, quan huyện. Cho đến cấp trung ương, với những vụ tham nhũng lên đến hàng ngàn tỷ đồng mà đối tượng vi phạm người thì là thành viên Bộ Chính trị, kẻ thì là lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Nhà nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, để giảm tình trạng lợi ích nhóm lộng quyền trục lợi thì phải có sự thay đổi cơ bản nhất từ thể chế:

Chỉ có cách là phải minh bạch, phải công khai, nhất là phải có báo chí độc lập. Người dân phải có quyền được nói và phải có nền luật trị được gọi là rule of law, tức là luật là trên hết, ai cũng phải theo kể cả ông Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản, lẫn Đảng Cộng sản VN, cũng như Bộ Chính trị của Đảng CSVN. Chứ không phải để các ông ấy ngồi chôm hổm trên luật.

Ông cũng nói thêm rằng pháp luật VN phải công nhận các lực lượng đối lập để họ nêu ra những sai phạm của cơ quan chức năng nhằm sửa đổi cho một xã hội tốt đẹp hơn, chứ không phải cứ hễ họ lên tiếng là bị gọi là bọn phản động và bị trừng trị theo luật.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-are-groups-of-interest-erased-06062018132913.html

 

Cán bộ trốn chạy trước khi bị bắt

Gần đây xảy ra những vụ “biến mất” của một số cán bộ, quan chức nhà nước trước khi những cá nhân này bị phát hiện tham ô, tham nhũng, gây thất thoát kinh tế cũng như dính dáng trách nhiệm trong một số vụ điều tra của cơ quan chức năng. Cụ thể là trường hợp nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sang Đức, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí – PVTex sang được Ba Lan, việc mất tích đầy bí ẩn của hotgirl Thanh Hoá Trần Vũ Quỳnh Anh hay gần đây nhất là trường hợp của ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình cùng gia đình đã định cư hợp pháp tại Canada trước khi ông này được biết có liên quan trách nhiệm trong vụ án chạy thận nhân tạo làm 8 người chết xảy ra ở bệnh viện này…

Thực tế này khiến cho nhiều người dân bức xúc và cả hoang mang về trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước. Một người dân bày tỏ bức xúc:

…từ phó chủ tịch tỉnh, chủ tịch tỉnh cho đến bí thư tỉnh chứ chưa nói về hàm trung ương, thì hầu như con cháu họ đã có những biệt thự, tài khoản… ở nước ngoài rồi. Đó là một sự thật và sự thật đó nói lên điều gì, họ đang lo điều gì đó, khi có một điều gì xấu nhất thì họ rút chân đi – blogger Trương Duy Nhất

Nhà tôi cũng là một trường hợp, vợ tôi phải chạy thận, tôi thấy những gia đình mà có bệnh nhân chạy thận đã rất khó khăn rồi, chúng tôi cũng rất là vất vả khổ sở mà làm ăn sơ suất như thế, để người bệnh chết oan vì cách chỉ đạo cán bộ như thế, bây giờ lại chạy trốn thì chúng tôi không nhất trí, nhà nước cần phải tìm người đó về xử lý cho chúng tôi hả lòng hả dạ”

Trên thực tế những cán bộ, quan chức nhà nước này khi được phát hiện có liên quan trong các vụ án kinh tế, hình sự hay dân sự đều đã “cao chạy xa bay” … Ông Võ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương giải thích về điều này:

Vừa rồi vì vừa có những sự việc như thế nên đã có quy định nếu như có dấu hiệu tham nhũng thì không cho đi nước ngoài nữa, phải có đề nghị ngay. Trước đây thì chưa có quyết định nên người ta viện cớ là ốm, rồi đi thăm người nhà… nhưng bây giờ thì không thể như thế được nữa.” 

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, một nhà bất đồng chính kiến cho rằng, đã có một sự sắp đặt và chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, quan chức Việt Nam về việc “chạy trốn” ra nước ngoài ngay khi xảy ra sự việc gì bất lợi cho bản thân. Nhà báo Trương Duy Nhất nói:

Đó là tình trạng phổ biến không phải chỉ từ phó chủ tịch tỉnh, chủ tịch tỉnh cho đến bí thư tỉnh chứ chưa nói về hàm trung ương, thì hầu như con cháu họ đã có những biệt thự, tài khoản… ở nước ngoài rồi. Đó là một sự thật và sự thật đó nói lên điều gì, họ đang lo điều gì đó, khi có một điều gì xấu nhất thì họ rút chân đi. Ông Nguyễn Đức Kiên, ông đang nói bậy bạ nhất ở diễn đàn quốc hội mà chúng tôi coi như đó là một nhân vật tội đồ, vợ con ông đang ở bên Đức ở những căn biệt thự xa hoa cơ mà”

Liên quan đến việc các cán bộ công chức nhà nước đã đi khỏi Việt Nam trước khi bị truy cứu trách nhiệm, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên môi trường cho rằng những cá nhân này trước khi chưa bị xác định là tội phạm thì hoàn toàn được tự do đi lại dưới quyền bảo hộ công dân. Tuy nhiên, đối với một số cán bộ công chức khi thực hiện công vụ thì việc đi lại có thể bị hạn chế bằng những quy định hành chính nhằm đảm bảo cơ quan quản lý kiểm soát việc cán bộ đi ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Các trường hợp như Phan Văn Anh Vũ, Vũ Đình Duy hay Trần Vũ Quỳnh Anh… đi khỏi Việt Nam trong thời gian còn công tác cho thấy đã có một sự lơi lỏng trong quản lý nhân sự và các cơ quan quản lý đã không làm đúng trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn.  Ông nói:

tôi cho rằng cũng có thể có nhiều trường hợp “được tiếp tay” để chạy ra nước  ngoài – GS Đặng Hùng Võ

Cũng có những khó khăn nhất định nhưng mà tôi cho rằng khi mà biết được rõ hoặc khả năng có thể chạy trốn theo đường nào thì đều có thể thực hiện chứ không phải đến lúc người ta đi rồi mới nói là tại sao lại đi không ai biết… Ở đây nó cũng có những câu chuyện có tính phức tạp của nó. Và đồng thời tôi cho rằng cũng có thể có nhiều trường hợp “được tiếp tay” để chạy ra nước  ngoài”.

Cùng quan điểm này, nhà báo Trương Duy Nhất cho biết:

Làm sao có chuyện nó tham ô tham nhũng xong để cuối cùng nó tị nạn ở nước khác? Điều đó không thể xảy ra! Nhưng ở một cái nhóm lợi ích, đánh phe này để xây dựng cái gì đó nhân danh như thế nào cuối cùng cũng chỉ thế thôi”

Nhà báo Trương Duy Nhất nêu dẫn chứng về trường hợp Vũ Đình Duy mặc dù bị truy nã tại Việt Nam nhưng vẫn có sự qua lại và liên hệ với nhân viên đại sứ quán Đức tại Berlin. Bằng chứng là ông này đã xuất hiện và làm nhân chứng tại phiên toà xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi tháng năm vừa qua.
Về phía cơ quan chức năng, ông Võ Quang Hùng cho biết chính phủ Việt Nam sẽ bằng mọi cách thông qua các cơ quan an ninh quốc tế như Interpol để truy tìm những cá nhân phạm pháp trốn ra nước ngoài nhằm áp giải về Việt Nam để xử lý theo pháp luật.

Tuy nhiên, blogger Trương Duy Nhất lại cho rằng tại một đất nước độc đảng và không có chế độ tam quyền phân lập như Việt Nam thì việc truy cứu trách nhiệm của các đơn vị chủ quản sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các cơ quan thuộc khối Đảng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-bo-tron-chay-truoc-khi-bi-bat-06062018143337.html

 

Hàng nhập khẩu phế liệu

gây ùn tắc tại các cảng biển tại Việt Nam

Gần 400 container hàng phế liệu vô chủ trong số hơn 6800 lô hàng nhập khẩu đang khiến cho các cảng biển tại Việt Nam bị mắc kẹt và quá tải.

Nguyên nhân là do Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới ngưng nhập khẩu mặt hàng này từ EU, Mỹ và Nhật Bản trong năm nay và do đó, phế liệu được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Mạng báo Port News loan tin như vừa nêu ngày 31 tháng 5.

Theo thông tư của Bộ Tài chính Việt Nam, hàng hóa vô thừa nhận trên 90 ngày tại các cảng có thể bị tịch thu đem bán hoặc tiêu huỷ.

Một cuộc kiểm tra hàng vô chủ mới đây tại cảng Cát Lái đã phát hiện hơn 100 máy điều hòa, 270 xe đạp và phụ tùng xe đạp đã sử dụng bị cấm nhập khẩu. Theo thông tin ghi nhận, đây là lô hàng được gửi đến cho một công ty ở quận Tân Phú.

Hiện tại, cảng Cát Lái đang phải lưu kho 307 container vô thừa nhận trong khi đó số lượng hàng nhập khẩu lưu kho quá 90 ngày có xu hướng ngày càng tăng tại các cảng biển kể từ đầu năm nay.

Đại diện Cục Hải quan Việt Nam thì cho rằng những hạn chế về nhập khẩu vật liệu tái chế đã gây khó khăn cho quá trình xử lý nhập khẩu và dẫn đến việc hàng nhập khẩu bị ùn tắc tại các cảng biển trong thời gian vừa qua. Cục Hải quan cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải và các cơ quan liên quan hợp tác cung cấp thông tin chi tiết về lô hàng để giúp xác định chủ hàng và đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa chưa được xác nhận.
Hiện Việt Nam đã tăng cường kiểm tra nhập khẩu phế liệu và có kế hoạch tạm dừng các chuyến hàng đến các cảng chính kể từ 25/6 đến 15/10/2018.

Tân Cảng Cát Lái, một trong những cảng lớn của Việt Nam hiện đang chứa hơn 8000 tấn trọng tải (TEU) nhựa phế liệu và giấy thải (1 TEU tương đương công ten nơ 39 m³ thể tích) trong khi đó tại Tân Cảng – Cái Mép, một cảng biển nhỏ hơn, lượng dự trữ phế liệu là 1.132 TEU và dẫn đến tình trạng quá tải phế liệu tại hai cụm cảng lớn nhất của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Phế liệu và giấy thải (1 TEU tương đương công ten nơ 39 m³ thể tích) trong khi đó tại Tân Cảng – Cái Mép, một cảng biển nhỏ hơn, lượng dự trữ phế liệu là 1.132 TEU và dẫn đến tình trạng quá tải phế liệu tại hai cụm cảng lớn nhất của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hang-nhap-khau-phe-lieu-gay-un-tac-tai-cac-cang-bien-tai-viet-nam-06072018110730.html

 

Tôm chết hàng loạt ở Huế do nghi nhiễm bùn bẩn

Gần 3 triệu con tôm của các hộ nuôi tôm bị chết kể từ giữa tháng 5 đến nay tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo phản ánh của người dân với truyền thông trong nước thì hiện tượng tôm chết xảy ra khi nông dân bơm nước vào ao tôm, do đó họ nghĩ rằng có thể nước bị ô nhiễm do ảnh hưởng của quá trình nạo vét tập kết gần một triệu khối bùn thải trong quá trình thi công đê chắn sóng cảng Chân Mây.

Hiện tại UBND xã Lộc Vĩnh đã yêu cầu các hộ nông dân tạm ngưng bơm nước vào ao và cấp Chlorine cho các hộ dân có tôm chết để xử lý môi trường.

Tin cho biết qua khảo sát thì có lượng bùn đặc và loãng thải ra khu vực cầu cảng số 2, số 3 và cửa Lạch Giang có độ dày từ 0,3 đến 0,7 mét, nguồn nước từ bùn thải này trôi dạt vào các khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân khi thủy triều lên dẫn tới tôm chết.

Trả lời báo chí trong nước hôm 4/6, ông Tôn Thất Viễn Điểm, đại diện chủ đầu tư dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây khẳng định hàng tháng có quan trắc đảm bảo chỉ tiêu của nước bùn khu vực bùn thải được lọc xả ra biển trở lại tránh ô nhiễm môi trường.

Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Lộc và Chi cục Bảo vệ Môi trường Thừa Thiên Huế đã lấy mẫu nước có bùn để xét nghiệm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mass-shrimp-dead-suspected-due-to-contaminated-muddy-in-hue-06072018103647.html

 

Kêu gọi bác bỏ

Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam

90 tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới đồng ký tên vào thư ngỏ kêu gọi Liên minh Châu Âu bác bỏ Hiệp định thương mại tư do EU-Việt Nam, còn được gọi là EVFTA, đang chờ được phê chuẩn với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lá thư được gửi đến Hôi đồng Liên Hiệp Âu Châu và các dân biểu của Quốc hội Âu Châu hôm 6-6-2018.

Lý do được nêu ra vì Việt Nam là một trong những nước kẻ thù tồi tệ nhất thế giới đối với quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí và tự do hội họp.

Do đó, 99 tổ chức xã hội dân sự kêu gọi Liên minh Châu Âu hãy bác bỏ EVFTA và chỉ nên mở rộng quan hệ kinh tế với Việt Nam khi nào chính quyền Hà Nội cam kết thả hết tù nhân chính trị và chứng minh cho thấy tuyệt đối tôn trọng quyền tự do thông tin và tự do hội họp.

Trong 4 tháng qua, chính quyền Việt Nam đã thực hiện 5 phiên toà chính trị và kết án nặng nề 10 nhà bảo vệ nhân quyền, bloggers với bản án cao nhất lên đến 15 năm tù.

Những án tù và tù nhân lương tâm được nhắc đến cụ thể trong thư là Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức.

99 tổ chức xã hội dân sự nhắc lại vào tháng 9-2017, Chủ tịch Uỷ ban giao thương quốc tế của Quốc hội Âu Châu đã cảnh báo là “nếu không có giải pháp thoả đáng thì hiệp ước thương mại sẽ gặp khó khăn”. Tuy nhiên, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã đáp lại điều này bằng cách bắt giữ tuỳ tiện, cáo buộc vô lý và tổ chức nhiều phiên toà bất công cùng với án tù rất nặng.

Ngày 15-5-2018 vừa qua đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa các nhà ngoại giao EU/ Mỹ và các nhà hoạt động dân sự tại Sài Gòn. Tin nhận được cho biết cuộc gặp này khá thuận lợi, không bị lực lượng an ninh ngăn cản, bắt bớ. Thêm vào đó, cũng là lần đầu tiên, đại diện các đại sứ quán ý, Hà Lan, Pháp, Đức và Liên Minh Châu Âu (EU) có cuộc gặp đầy đủ các chức sắc thuộc Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Chùa Giác Hoa cũng ở Sài Gòn vào ngày 16-5-2018.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Open-letter-to-reject-the-eu-vn-fta-06072018085534.html

 

Đại biểu đề nghị giám sát đất đai ba đặc khu tương lai

Chính phủ Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình quản lý đất đai cho biết tỉnh Quảng Ninh vừa giao thanh tra tỉnh chủ trì thanh tra toàn diện việc quản lý đất đai tại Vân Đồn và Kiên Giang thành lập đoàn kiểm tra xử lý về đất đai tại Phú Quốc.

Báo cáo được truyền thông trong nước loan đi hôm 7 tháng 6 cho thấy, sau khi thông tin về việc chuẩn bị thành lập đặc khu kinh tế tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, tình hình thực hiện chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất đai tại các khu vực đó tăng đột biến.

Theo đánh giá của Chính phủ tình trạng diễn ra phức tạp nhất là tại Phú Quốc. Tại đây, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép sang đất phi nông nghiệp, lấn chiếm đất rừng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép diễn ra rất phức tạp. Kiên Giang đã thành lập đoàn kiểm tra vi phạm tại đây nhưng chưa có báo cáo kết quả.

Báo cáo của chính phủ cho rằng các địa phương đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát tình hình sử dụng đất. Tuy nhiên, tình trạng chuyển nhượng “ngầm” ở các đặc khu tương lai vẫn chưa được phát hiện và xử lý nhất là tại Khánh Hòa và Kiên Giang.

Cũng tại cuộc họp quốc hội ngày 7 tháng 6, các đại biểu quốc hội đề nghị lùi thời gian không thông qua luật đơn vị hành chính – kinh tế tại ba đặc khu tương lai trong kỳ họp này.

Theo đại biểu Thái Trường Giang tại Cà Mau, đề nghị nếu giám sát vấn đề đất đai ở ba đặc khu tương lai thì luật đơn vị hành chính – kinh tế phải chặt chẽ và đặc biệt cần cân nhắc cẩn trọng, lùi thời gian không thông qua trong kỳ họp này. Sau khi tiến hành kiểm tra đất tại các nơi luật sẽ thông qua trong kỳ họp tới.

Như vậy sẽ giải quyết những vấn đề bức xúc trong dư luận thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu quốc hội.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/land-of-the-three-proposed-special-zones-to-be-monitored-06072018100418.html

 

Thượng Nghị Sĩ Canada

phản đối việc mời Hà Nội tham dự G7

Thượng Nghị Sĩ Canada gốc Việt, Ngô Thanh Hải, vào ngày 6 tháng 6 ra thông cáo báo chí phản đối việc Thủ tướng Justin Trudeau mời người tương nhiệm Việt Nam tham dự phiên họp mở rộng trong khuôn khổ thượng đỉnh G7 được tổ chức ở Charlevoix, Quebec.

Ông Ngô Thanh Hải bày tỏ quan ngại về lời mời Việt Nam tham dự cuộc họp bàn về trách nhiệm môi trường mà theo vị Thượng Nghị sĩ này là không phù hợp vì không xem xét đến tình trạng tham nhũng tràn lan ở Việt Nam cũng như tình trạng bắt giữ  phi pháp sau khi xảy ra thảm họa môi trường vào năm 2016 ở Việt Nam.

Cũng theo Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải thì khi để Việt Nam tham gia vào hoạt động bên lề Thượng đỉnh G7 kỳ này ở Charlevoix, Quebec; chính phủ Canada đã hết sức vô trách nhiệm vì không hiểu đầy đủ hệ lụy của thảm họa môi trường do Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh gây nên từ tháng tư năm 2016. Lúc đó nhà máy này thải hóa chất độc hại làm ô nhiễm 200 kilomet bờ biển Việt Nam, tiêu diệt sinh vật biển và hủy hoại ngành công nghiệp đánh bắt hải sản.

Ông Ngô Thanh Hải nói rõ Canada cần phải biết rằng cơ quan chức năng đảng cộng sản Việt Nam trục lợi từ 500 triệu đô la mà Nhà máy Formosa bồi thường cho thảm họa mà họ gây nên; chứ không bồi thường cho nạn nhân một cách minh bạch và có trách nhiệm.

Kêu gọi của vị Thượng Nghị sĩ Canada gốc Việt đối với các vị lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế tham gia G7 là hãy gây áp lực đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam được mời tham dự để trả tự do ngay lập tức cho tất cả những nhà hoạt động vì môi trường, những người bảo vệ nhân quyền như cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, anh Hoàng Đức Bình, anh Nguyễn Nam Phong…

Thông cáo của Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải còn cho rằng tình trạng cấm đoán đối với các tiếng nói bất đồng về môi trường, việc điều hành đất nước vô trách nhiệm, thiếu minh bạch tiếp tục diễn ra thì không thể nào làm việc được với Việt Nam về các thách thức cấp bách toàn cầu hiện này; trừ phi những vi phạm về nhân quyền triền miên và tham nhũng chính trị được giải quyết.

Nước chủ tịch G7 năm nay là Canada phải đặt rõ ràng việc tôn trọng nhân quyền hơn nữa là điểm chính trong các ưu tiên quốc tế với Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/senator-objects-to-canada-s-contentious-invitation-to-vietnam-to-g7-environmental-protection-meeting-06072018094649.html

 

Thanh Hóa cho phép doanh nghiệp Trung Quốc

xả nước thải vào sông Cầu Hạc

Tỉnh Thanh Hóa vừa cấp giấy phép xả thải vào sông Cầu Hạc cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) xuất nhập khẩu Vina Link với vốn sở hữu gần 100% của người Trung Quốc.

Trang mạng VietTimes loan tin vừa nói hôm 7 tháng 6 năm 2018.

Theo giấy phép số 184/GP-UBND do phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ký ngày 6/6, cho phép công ty Vina Link ở Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, phường Đông Thọ, Thanh Hóa được xả nước thải từ xưởng giặt ủi công nghiệp ở phường Đông Thọ vào sông Cầu Hạc.

Thời hạn của giấy phép đến ngày 28/02/2022, phương thức xả nước thải là tự chảy, chế độ xả thải là 24 giờ/ngày đêm, vào tất cả các ngày, lưu lượng xả nước thải lớn nhất là 170 m3/ngày đêm.

Tin cũng cho biết Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vina Link mới chỉ đổi tên gọi cách đây ít tuần, trước đây mang tên Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Chưởng Phú.

Từ trước khi đổi tên đến nay, doanh nghiệp đều được đại diện và sở hữu bởi ông Ye Ying, sinh năm 1979, quốc tịch Trung Quốc.

Ông Ye Ying sở hữu 99% vốn góp trong 15 tỷ đồng vốn điều lệ, 1% còn lại được sở hữu bởi ông Dương Văn Chưởng, thường trú tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Nếu xét theo khía cạnh vốn góp, có thể nói công ty Vina Link hay Chưởng Phú là một doanh nghiệp Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thanh-hoa-allows-chinese-company-to-discharge-waste-water-into-cau-hac-river-06072018085758.html

 

Phi công VN Airlines nghỉ việc hàng loạt,

than lương thấp

Hàng chục phi công hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mới đây xin nghỉ việc với lý do họ thường xuyên làm việc dưới áp lưc song không được trả lương cao.

Báo chí Việt Nam dẫn lời các phi công cho hay họ không muốn làm việc trong môi trường nghề nghiệp không tốt và có sự phân biệt đối xử. Họ nói thêm rằng lương của hãng trả cho phi công Việt “quá thấp so với phi công nước ngoài cùng trình độ”.

Một phi công nói: “Người ta bảo rằng phi công giỏi nhất có thể nhận lương gần 300 triệu đồng/tháng. Không có chuyện đó. Họ nói dối về lương của chúng tôi trong cuộc gặp với chúng tôi”.

Vẫn phi công này cho biết thêm: “Họ nói cơ trưởng của Vietnam Airlines có thể được trả 270 triệu đồng/tháng, nhưng con số thực tế là 120 triệu. Ngay cả các phi công có số giờ bay tối đa cũng không bao giờ được trả cao như thế”.

Một phi công khác đã nghỉ việc xác nhận tại hãng hàng không quốc gia, cơ trưởng nhận lương 120 đến 130 triệu/tháng, cơ phó được trả 60-70 triệu đồng. Ông này đưa ra so sánh rằng cơ phó có thể được các hãng khác trả 150-160 triệu đồng/tháng.

Viên phi công nói thêm rằng ở Vietnam Airlines, phi công Việt và phi công nước ngoài nhận mức lương khác nhau. “Lương của người Việt chỉ bằng nửa người nước ngoài”, ông nói.

Lãnh đạo của Vietnam Airlines đã gặp các phi công hôm 30/5 để bàn về vấn đề này, theo báo chí. Hãng này và Bộ Giao thông-Vận tải vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức.

Một báo cáo của Bộ Công thương cho thấy mức lương trả cho phi công của hãng hàng không quốc gia “tương đối cao” so với lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn lớn nhất ở Việt Nam.

Một cơ trưởng trong đội bay A321 cho báo chí biết khi ông làm việc hết công suất, lương của ông có thể lên đên 120 triệu, trong khi đó, các hãng khác trả 250 triệu cho cùng vị trí.

Cơ trưởng này nói: “Tôi muốn nghỉ, nhưng Vietnam Airlines bảo tôi phải trả tiền bồi thường là 1,9 tỉ đồng. Tôi đã bay cho Vietnam Airlines 12 năm”. Ông khẳng định rằng giữa hãng và phi công không ký kết điều khoản ràng buộc nào về việc bồi thường.

Tin tức hôm 5/6 cho hay một nhóm 16 phi công đã gửi đơn khiếu nại lên Bộ Giao thông-Vận tải để phản đối các đòi hỏi về bồi thường.

Trong một diễn biến khác, Vietnam Airlines báo cáo với bộ rằng từ ngày 1/6 hãng chính thức tăng lương cho phi công và giáo viên dạy lái máy bay.

Cơ trưởng lái máy bay B787 và A350 sẽ được nhận lương từ 205-246 triệu đồng, cơ phó 124-150 triệu/tháng, hãng cho hay.

Đối với các phi công lái A321, cơ trưởng sẽ được nhận 176-236 triệu đồng, cơ phó là 100-135 triệu.

Hãng nói thêm rằng dự kiến, năm 2019, mức lương phi công sẽ được tăng thêm 1-6 triệu đồng một tháng, tùy loại máy bay họ lái.

Vietnam Airlines cho biết với các mức lương mới, phi công Việt của hãng có thu nhập sau thuế bình quân bằng 70% phi công nước ngoài đang làm cho công ty.

Báo chí trích thông tin của Vietnam Airlines cho hay trong 3 năm, 2015-2017, có 223 phi công thôi việc. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, có 33 phi công thôi việc và còn có khoảng gần 20 phi công nộp đơn xin nghỉ.

Tính đến 1/6, hãng này có 1.087 phi công, trong đó có 802 người Việt và 285 người nước ngoài.

(VietnamNet Bridge, VNExpress, Gia Đình và Xã Hội)

https://www.voatiengviet.com/a/phi-cong-vn-airlines-nghi-viec-hang-loat-than-luong-thap/4427203.html